Thứ Bảy
18 May 2024
1:54 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Những đoá hoa Thiền (Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ)
Những đoá hoa Thiền
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:23 PM | Message # 201
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
976. Làm sao thấy đạo?

Mã Tổ lúc còn trẻ đến gập Hoài Nhượng hỏi:
- Dụng tâm làm sao để có thể khế hợp với vô tướng tam muội?
- Ngươi học tâm địa pháp môn giống như gieo hạt; ta nói pháp giống như trời mưa. Chỉ cần duyên hợp là có thể thấy Đạo.
- Thầy nói thấy Đạo là thấy Đạo gì? Đạo vốn không hình tướng làm sao thấy?
- Tâm địa pháp nhãn có thể thấy Đạo. Đạo vốn là vô tướng tam muội, từ tâm địa pháp môn có thể thấy Đạo.
Thấy Mã Tổ còn chưa rõ, Hoài Nhượng nói thêm:
- Muốn khế hợp Đạo, thì Đạo vốn không đến, không đi; không đầu, không cuối; không thành, không hoại; không trụ, không tán; không dài không ngắn; không tịch, không náo; không nhanh, không chậm. Nếu hiểu rõ vậy thì đó là hợp đạo.
(Tinh Vân thiền thoại)
Đạo là gì? Đạo không thời gian: không đầu, không cuối; Đạo không không gian: không trong, không ngoài. Làm sao thấy Đạo? Chỉ có rõ tự mình thường trú chân tâm mới thấy Đạo.

977. Chẳng thiếu tương.

Bách Trượng là đồ đệ của Mã Tổ trú ở Đại Hùng Sơn, Mã Tổ sai thị giả mang cho 3 vò tương. Bách Trượng nhận 3 vò tương rồi sai đánh chuông tập chúng, giơ gậy lên bảo:
- Đây là 3 vò tương Đạo Nhất cho. Nếu có ai trong các ngươi nói được thì 3 vò tương không bị đập, ngược lại thì sẽ bị đập.
Đại chúng không ai đáp được. Bách Trượng dùng gậy đập vỡ cả 3 vò tương.
Khi thị giả trở về, Mã Tổ hỏi:
- Ngươi đã đem 3 vò tương tới chưa?
- Đem tới rồi!
- Bách Trượng nhận tương rồi có biểu thị gì? nói gì?
- Bách Trượng nhận tương rồi tập họp đại chúng; vì đại chúng không ai nói được, liền dùng gậy đập vỡ hết.
Mã Tổ nghe rồi cười ha hả, rất cao hứng khen rằng:
- Thằng nhỏ này không sai!
Sau đó Mã Tổ sai truyền lời đến Bách Trượng bảo ông viết thư cho biết tình huống tu hành lúc ấy thế nào?
Bách Trượng hồi đáp:
- Lão sư, cám ơn thầy quan tâm. Từ khi đập vỡ vò tương, 30 năm đồ đệ chưa hề thiếu tương ăn.
Mã Tổ rất bằng lòng lại viết cho Bách Trượng:
- Nếu đã không thiếu thì hãy mang lại cho người.
Về sau Bách Trượng sáng lập Bách Trượng thanh quy.
(Tinh Vân thiền thoại)
Các vị thiền sư qua lại cũng có lúc theo nhân tình thế thái; nhưng đều có hàm ý. Tương là đồ chấm không thể thiếu của người tu. Mã Tổ cho tương ngụ ý không thể ly khai sinh hoạt hàng ngày, tu luyện mù quáng. Bách Trượng đập vỡ vò tương ngụ ý Thiền Đạo cái gì cũng có không cần lão sư phải phiền tâm.

978. Phật Ấn và Tô Đông Pha.

Một hôm Phật Ấn đăng đàn thuyết pháp. Tô Đông Pha đến tham gia. Mọi người ngồi chật hết phòng, chẳng còn một chỗ trống. Phật Ấn bảo:
- Chật hết rồi, không còn chỗ cho học sĩ!
- Nếu phòng này hết chỗ, tôi lấy thân tứ đại, ngũ uẩn của thầy làm chỗ ngồi.
Phật Ấn thấy Tô Đông Pha muốn luận Thiền liền nói:
- Học sĩ! Ta có một vấn đề hỏi ông, nếu ông trả lời được thì thân ta sẽ là chỗ ngồi cho ông, bằng không thì ông phải để thắt lưng ngọc lại bản tự làm vật kỷ niệm.
Tô Đông Pha vốn tự phụ bèn đáp ứng. Phật Ấn hỏi:
- Bốn đại vốn không, năm uẩn cũng chẳng có, xin hỏi học sĩ ngồi ở chỗ nào?
Tô Đông Pha không trả lời được, đành phải cởi thắt lưng ngọc trao cho Phật Ấn. Thắt lưng này ngày nay vẫn còn lưu giữ ở Kim Sơn Tự.
(Tinh Vân thiền thoại)
Sắc thân chúng ta là do tứ đại: đất, nước, gió lửa giả hợp mà thành, không phải là thực tại.

979. Nhặt nhiều một chút.

Đỉnh Chân cùng một chú tiểu đi kinh hành trong sân chùa. Bỗng nhiên có một cơn gió, lá từ cây rụng rào rào. Thiền sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào túi. Chú tiểu đứng bên thưa:
- Xin thầy đừng nhặt nữa, sáng mai chúng con sẽ quét.
Đỉnh Chân không cho là phải:
- Đừng nói thế, chẳng lẽ cứ quét là sạch hết sao? Ta nhặt nhiều một chút thì đất sạch thêm một chút.
- Lá rụng nhiều như thế, thầy nhặt phía trước, phía sau lại rơi, thầy nhặt làm sao cho xuể?
Đỉnh Chân vừa nhặt vừa trả lời:
- Lá rụng không nhặt thì còn trên mặt đất, lá rụng ở tâm địa chúng ta, ta nhặt nhất định có lúc phải hết.
Chú tiểu nghe xong đã hiểu sinh hoạt của thiền giả như thế nào. (Tinh Vân thiền thoại)
Khi Đức Phật còn tại thế, có một đệ tử là Chu Lợi Bàn Gia rất ngu xuẩn. Dạy ông một bài kệ, đọc câu trước quên câu sau, đọc câu sau quên câu trước. Bất đắc dĩ Phật hỏi ông hiểu cái gì? Ông thưa chỉ biết quét nhà. Phật dạy ông khi quét nhà thì niệm quét sạch bụi bẩn. Lâu dần ông nghĩ: bên ngoài bụi bẩn thì quét, trong tâm ô uế thì phải làm sao quét? Cứ thế cuối cùng Chu Lợi Bàn Gia khai ngộ. Đỉnh Chân nhặt lá là kiểm điểm những vọng tưởng phiền não của tâm. Đại địa sơn hà có bao nhiêu lá rụng không cần biết. Trong tâm có lá rụng nhặt một cái là ít đi một cái. Chỉ cần tâm được an, lập tức có cả đại thiên thế giới.

980. Là tà, là chánh?

Tiệm Nguyên khi làm thị giả cho Đạo Ngô, có một lần bưng một tách trà đến cho thầy, Đạo Ngô chỉ tách trà hỏi:
- Là tà, là chánh?
Tiệm Nguyên đến trước mặt Đạo Ngô, không nói một tiếng. Đạo Ngô bảo:
- Tà thì luôn tà, chánh thì luôn chánh.
Tiệm Nguyên lắc đầu phản đối:
- Con không nghĩ vậy.
- Vậy ý ngươi thế nào?
Tiệm Nguyên đoạt chén trà trong tay Đạo Ngô, hỏi ngược lại:
- Là tà, là chánh?
Đạo Ngô vỗ tay cười lớn:
- Ngươi không hổ là thị giả của ta.
Tiệm Nguyên lạy tạ.
(Tinh Vân thiền thoại)
Đạo Ngô khai thị cho đồ đệ “là tà, là chánh?” là diễn tả đạo lý người tà nói chánh pháp, chánh pháp liền thành tà, người chánh nói tà pháp,tà pháp liền thành chánh. Có người nói pháp làm mất tín tâm của người ta, có người thích đánh, chửi lại làm cho người ta nhập Đạo. Người thầy thuốc giỏi thì chất độc như thạch tín cũng trở thành thuốc hay. Tiệm Nguyên nhận rằng trong vũ trụ các pháp đều do nhân duyên mà sanh, diệt. Nếu hiểu rối thì chẳng chấp thường, chấp đoạn là chánh, còn nếu cho vật nắm trong tay là có là không thì là tà. Tiệm Nguyên đem đạo lý này hỏi lại Đạo Ngô. Đạo Ngô hoan hỉ khích lệ Tiệm Nguyên, hai thầy trò đã ăn ý với nhau.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:25 PM | Message # 202
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
981. Nơi mát mẻ.

Có ông tăng hỏi Động Sơn:
- Khi trời lạnh, nóng đệ tử đến nơi nào để tránh?
Động Sơn đáp:
- Sao không đến chỗ nào không lạnh, không nóng?
Ông tăng hỏi:
- Đó là chỗ nào vậy?
- Đó là chỗ khi lạnh làm ngươi chết cóng, khi nóng làm ngươi chết thiêu.
(Thiền Chi Hoa)
Sợ nóng, lạnh là vì có thân thể. Nếu như chứng được tự tánh (pháp thân) vượt lên hình tướng thì chỗ nào cũng mát mẻ, không chỗ nào là không tiêu dao, còn sợ gì nóng lạnh nữa.

982. Ngày nào cũng tốt.

Vân Môn có lần hỏi đồ chúng:
- Ta không hỏi các ngươi: trước ngày rằm như thế nào mà chỉ hỏi sau ngày rằm như thế nào?
Đồ chúng không ai đáp được, Vân Môn bèn nói:
- Ngày nào cũng tốt cả.
(Thiền Chi Hoa)
Ngày rằm trỏ sự khai ngộ, khi khai ngộ rồi thì tiêu dao, tự tại, có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Tác giả Vô Môn Quan tán thưởng cái “tâm bình thường là đạo” của Nam Tuyền làm một bài kệ như sau:
春有 百 花 秋 有 月
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt
夏有 凉 風 冬 有 雪
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết
若 無 閒 事 掛 心 頭
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu
便是 人 間 好 時 節
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.

Hoa Xuân muôn đoá bóng trăng Thu.
Hạ có gió vàng, Đông tuyết rơi.
Tuyết nguyệt phong ba, lòng chẳng chấp.
Mỗi mùa, mỗi thú mặc tình chơi.
(Trúc Thiên dịch)
“Lòng chẳng chấp” chỉ tâm không nhiễm trần, không bị trói buộc, cũng tương tự như câu trong Tâm Kinh: “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng.”
Nếu được như thế thì ngày nào cũng là ngày tốt vậy.

983. Nước trong, trăng hiện.

Có một lần Nham Đầu, Tuyết Phong và Khâm Sơn đương nói chuyện, Tuyết Phong bỗng chỉ vào bồn nước trong.
Khâm Sơn nói:
- Nước trong, trăng tự hiện.
Tuyết Phong bảo:
- Nước trong, trăng chẳng hiện!
Nham Đầu không nói, đạp đổ bồn nước đi.
(Thiền Chi Hoa)
Câu của Khâm Sơn: “Nước trong, trăng tự hiện” là khẳng định, câu của Tuyết Phong: “Nước trong, trăng chẳng hiện” là phủ định. Còn Nham Đầu không nói mà đạp đổ bồn nước tỏ rằng mình đã vượt trên cả khẳng và phủ định. Vì sao? Vì khi đạp đổ bồn nước đi rồi thì không còn nước, cũng không còn trăng, ly khai sự chấp trong và đục (nước) hiện và không hiện (trăng) tất cả đều tịch tĩnh, vọng niệm chẳng sinh; đó chính là tự tánh chân chánh vậy.

984. Không chỉ một đường.

Có ông tăng hỏi:
- Triệu Châu là gì?
Triệu Châu ngoảnh nhìn xung quanh rồi đáp:
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc!
(Thiền Chi Hoa)
Ông tăng hỏi: “Triệu Châu là gì?” là có ý hỏi thiền phong của Triệu Châu như thế nào? Triệu Châu có ý coi Triệu Châu là một địa danh. Đó là thành Triệu Châu có bốn cửa Đông, Tây, Nam Bắc; gián tiếp thuyết minh thiền phong của mình khai phóng, không chỉ một đường mà tứ thông bát đạt vậy. Cửa chân chính của thiền là không cửa. Lão Tử có nói đại tượng vô hình, có hình là tiểu tượng. Nhà là tiểu tượng, chân lý là đại tượng. Đại tượng hình còn không có lại còn có cửa sao?

985. Hạt cải đựng núi Tu Di.

Thích Sử Giang Châu Lý Bột hỏi Trí Thường:
- Phật lý có giảng Tu Di đựng hạt cải, điều đó là tự nhiên, đệ tử không thắc mắc; nhưng đối với câu hạt cải đựng Tu Di thì cái hạt cải nhỏ xíu đó làm sao đựng được cả một tòa núi to lớn kia, đó chẳng phải là dối người hay sao?
Trí Thường hỏi lại:
- Nghe nói ông đọc qua thiên kinh, vạn quyển có hay không?
- Có.
- Đầu ông chỉ to bằng trái dừa, xin hỏi “Cái vạn quyển ấy của ông làm sao mà xem được?”
(Thiền Chi Hoa)
Tâm sinh thì các pháp đều sinh, tâm diệt thì các pháp đều diệt. Vạn pháp đều do tâm. Công án này thuyết minh tự tánh lớn không ngoài, nhỏ không trong, không bị hạn chế; cũng như không gian thì vô tận, hạn chế chỉ là do tâm của chúng ta mà thôi.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:28 PM | Message # 203
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
986. Phật mặt trời, phật mặt trăng.

Mã Tổ lúc sắp mất, viện chủ hỏi rằng:
- Gần đây, Hòa thượng tâm cảnh ra sao?
Mã Tổ đáp:
- Phật mặt trời, Phật mặt trăng.
(Thiền Chi Hoa)
Phật mặt trời là chỉ trường kỳ (dụ cho Pháp thân), Phật mặt trăng là chỉ đoản kỳ (dụ cho Sắc thân). Ý của Mã Tổ là: ở trên đời này, sống lâu hay chết yểu không có gì là quan hệ cả; tối cần yếu là sống làm sao cho có ý nghĩa, làm sao phát hiện được chân ngã. Khổng Tử có nói: “Sáng đuợc nghe đạo, chiều chết cũng cam!” Kinh Nát Bàn cũng có nói: “Phật tánh không thường, không vô thường mà là không gián đoạn!” Đời sống của chúng ta có ý nghĩa khi thể nghiệm đuợc cái bất đoạn ấy của tự tánh.

987. Phó Đại Sĩ giảng kinh.

Thiện Huệ bồ tát có danh là Phó Đại Sĩ sinh năm 497 dương lịch là một vị thiền sư tiên phong xuất sắc. Có lần Lương Võ Đế mời giảng kinh Kim Cương. Ngài lên giảng đàn, đánh vào mõ một cái rồi đi xuống làm Lương Võ Đế rất ngạc nhiên.
Thiện Huệ hỏi Lương Võ Đế:
- Bệ Hạ hiểu không?
Lương Võ Đế trả lời:
- Trẫm không hiểu gì cả!
Thiện Huệ nói:
- Đã giảng xong bộ kinh rồi!
(Thiền Chi Hoa)
Kinh Phật là sự miêu tả cảnh giới giải thoát của chư Phật. Nếu chúng ta muốn giải thoát thì phải thực tu, thực chứng. Giảng kinh chẳng qua chỉ là một phương tiện thôi. Khi không giảng kinh thì cái đạo lý của kinh vẫn tồn tại trong vũ trụ, nếu giảng ra thì khó mà không bị sơ xuất. Do đó phương pháp giảng kinh hay nhất là không giảng. Phó Đại Sĩ không giảng kinh là để chỉ cái Thể của Đạo tròn đầy, thông suốt không thể dùng lời mà nói được.

988. Hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang.

Cư sĩ Bàng Uẩn lần đầu gặp Thạch Đầu hỏi rằng:
- Ai là người không cùng vạn pháp là bạn?
Thạch Đầu lấy tay bụm miệng cư sĩ lại. Cư sĩ phảng phất khai ngộ, lại tìm Mã Tổ mà đặt cùng câu hỏi.
Mã Tổ nói:
- Đợi ngươi, hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang ta sẽ bảo!
Nghe lời nói đó Bàng Uẩn đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Câu hỏi của Bàng cư sĩ: “Ai là người không cùng với vạn pháp là bạn?” là hỏi về tự tánh. Thạch Đầu bụm miệng cư sĩ không cho nói. Và câu đáp của Mã Tổ: “Hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang” là một việc không thể làm được; cả hai
đều ngụ ý: không thể dùng lời mà diễn tả tự tánh được.

989. Đầu con mèo chết là quý nhất.

Có ông tăng hỏi Tào Sơn:
- Ở thế gian này, cái gì là quý nhất?
- Đầu con mèo chết là quý nhất.
- Tại sao đầu con mèo chết lại quý nhất?
Tào Sơn đáp:
- Vì không có người ra giá.
(Thiền Chi Hoa)
Tào Sơn dùng đầu con mèo chết để đả phá sự bó buộc của tánh lý luận và tánh tương đối khiến cho tự tánh tuyệt đối hiển lộ. Cái tự tánh này ở trong vạn vật và không thể ly khai ra được.

990. Trị bệnh.

Có ông tăng bạch với Tào Sơn:
- Đệ tử biết mình có bệnh, mong lão sư trị cho.
Tào Sơn đáp:
- Không trị.
Ông tăng kinh ngạc hỏi:
- Tại sao không trị?
- Muốn bảo ngươi cầu sanh chẳng được, cầu chết chẳng xong.
(Thiền Chi Hoa)
Sanh và tử là tương đối, vì có chấp sanh tử nên mới cầu trị bệnh. Giả như hiểu được vạn vật trong thế gian này đều là do nhân duyên giả hợp. Duyên tụ thì thành, duyên tán thì diệt; hỗ tương mà tồn tại, không có độc lập tính và chủ thể tính. Nếu hiểu được như vậy thì chứng nhập được cảnh giới chân không. Lúc đó, sanh tử không làm động tâm thì hà tất phải cầu trị bệnh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một công án thiền, trong đó thiền sư lợi dụng những sinh hoạt thường ngày để khai ngộ cho thiền sinh chớ không phải kêu người có bệnh không trị, nằm mà chờ chết.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:31 PM | Message # 204
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
991. Chân dung Triệu Châu.

Có một ông tăng vẽ một bức chân dung Triệu Châu, bức họa sinh động như thực, mang tặng Triệu Châu.
Triệu Châu không cám ơn, còn nói rằng:
- Giả như bức họa này chính là ta, thì là giết ta đó, còn không thì đem mà thiêu nó đi.
(Thiền Chi Hoa)
Bức chân dung của Triệu Châu chỉ là do những duyên hư ảo hòa hợp mà thành, chớ không phải là Triệu Châu chân chính. Giả sử bức chân dung có thể đại biểu cho Triệu Châu thì ta có hai Triệu Châu. Vậy Triệu Châu nào là thực, Triệu Châu nào là giả? Câu nói của Triệu Châu hàm ý phá trừ ngẫu tượng (tượng thần), muốn chúng ta không bị hình tướng không thực bên ngoài làm mê hoặc tự tánh.

992. Trừ danh.

Động Sơn biết mình không còn sống được bao lâu nữa chiêu tập môn đệ lại, nói rằng:
- Ta tại thế gian có lưu lại một chút hư danh, ai vì ta mà bỏ nó đi?
Mọi người không lời đáp lại.
Lúc đó, có một sa di chạy ra nói:
- Xin hỏi Hòa thượng pháp hiệu là gì?
Động Sơn hoan hỉ :
- Cái hư danh của ta đã bỏ được rồi!
(Thiền Chi Hoa)
Động Sơn nhận rằng muốn minh tâm kiến tánh trước hết phải quên danh. Nếu không muốn quên danh mà muốn thành Phật thì chẳng khác nào xây lâu đài trên bãi cát. Sa di hỏi pháp hiệu tỏ rằng không biết có Động Sơn, cũng chỉ Động Sơn chẳng có danh tiếng gì lưu lại ở đời. Danh lợi, tư dục làm che mất tự tánh vậy.

993. Kêu tự ngã ra.

Đại phu Lục Hằng hỏi Nam Tuyền:
- Người xưa nuôi một con ngỗng nhỏ ở trong bình, dần dần con ngỗng nhỏ lớn lên không có cách nào ra khỏi bình. Giờ xin hỏi, làm sao cho con ngỗng ra mà không phải phá bình, cũng không làm con ngỗng bị thương.
Nam Tuyền gọi lớn:
- Đại phu.
Lục Hằng thưa:
- Dạ!
Nam Tuyền nói:
- Đã ra rồi!
(Thiền Chi Hoa)
Nam Tuyền không trả lời thẳng vào vấn đề vì loại vấn đề này không có lời giải. Giả như động niệm trả lời tức là tự mình làm cho mình mắc lưới vậy. Nam Tuyền cố ý kêu lớn tiếng để thức tỉnh Lục Hằng. Chỉ cần tâm không bị ràng buộc, tự tánh tự nhiên hiển lộ. Tìm kiếm bên ngoài chẳng khác gì vấn đề trên, càng tìm kiếm càng mê man, vĩnh viễn không thấy được tự tánh. Nam Nhạc Huệ Tư đại sư đã nói: “Đạo vốn không xa, bể tánh không động, hướng ngoại tìm, cầu chẳng bao giờ thấy!” là cũng ý đó vậy.

994. Uống rượu, ăn thịt.

Hồng Châu Liêm Sứ hỏi Mã Tổ:
- Nên hay không nên uống rượu , ăn thịt?
- Uống rượu, ăn thịt là duyên phận, không uống rượu, ăn thịt là phúc khí!
(Thiền Chi Hoa)
Theo thuyết Luân Hồi của nhà Phật, gieo nhân thì gặt quả, “Muốn biết đời trước tạo nhân gì, hãy xem đời này chịu quả nào. Muốn biết đời sau chịu quả gì, hãy xem đời nay tạo nhân gì.” Quả báo đối với người như bóng theo hình, do đó nếu một người có phúc báo uống rượu, ăn thịt thì đó là những chủng tử từ đời trước đã chín mùi nay hiện thành. Do đó mới nói vinh hoa phú quý là duyên phận. Nhưng nếu có phúc báo mà không hưởng thụ lại giữ giới tu thiền thì đó là phúc khí. Vì phúc báo đã hưởng hết rồi thì cũng bị đọa lạc lại; cũng như bắn một mũi tên lên trên không, khi lực tận thì tên phải rơi xuống. Bậc trời mà phúc báo hết cũng phải quay lại luân hồi huống hồ chúng ta là người phàm, do đó chẳng nên giữ giới làm lành ư? Đây là Mã Tổ khuyên chúng ta nên tiếc phúc, bồi phúc, tu phúc vậy.

995. Lạc vào giai cấp nào?

Hành Tư tham bái Lục Tổ hỏi rằng:
- Phải làm thế nào để khỏi rơi vào giai cấp?
Lục Tổ hỏi:
- Từ trước đến giờ ngươi làm gì?
- Thánh đế cũng chẳng làm!
- Vậy ngươi rơi vào giai cấp nào?
- Thánh đế cũng chẳng làm thì còn rơi vào giai cấp nào nữa?
Lục Tổ nghe rồi, cho là bậc pháp khí.
(Thiền Chi Hoa)
Phật giáo có bốn thừa, mười địa, bốn thiền, tám định đều là những giai đoạn của sự tiệm tu. Thiền tông chủ trương đốn ngộ, kiến tánh thành Phật đương nhiên không dùng những phương pháp này. Nguyên lai, Hành Tư đã khai ngộ đến bái phỏng Lục Tổ là để cầu chứng mà thôi. Lục Tổ đem những phương pháp tu trì phổ thông để khảo nghiệm, ông đều phủ nhận. Đã phủ nhận Thánh đế tức cũng phủ nhận Tục đế đều là danh tướng đối đãi. Lục Tổ thấy Hành Tư đã vượt lên cả hai cảnh giới phàm thánh do đó mà hoan hỉ.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:35 PM | Message # 205
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
996. Mai đã chín rồi.

Đại Mai lần thứ nhất đến gặp Mã Tổ hỏi rằng:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm, tức Phật.
Ngay chính lúc đó Đại Mai khai ngộ, về sau lên tu ở trên núi. Mã Tổ phái một Hòa thượng đến khảo nghiệm Đại Mai.
Vị Hòa thượng này hỏi Đại Mai:
- Khi ông ở với Mã Tổ học được những gì?
- Mã Tổ dạy tôi, “Tức tâm, tức Phật”.
Vị Hòa thượng này lại nói:
- Hiện nay Mã Tổ đã cải biến pháp rồi, ngài nói “Phi tâm, phi Phật!” Ông thấy thế nào?
Đại Mai quát lên:
- Cái lão Hòa thượng già này chỉ giỏi trêu người, ai cần biết phi tâm, phi Phật là cái quái gì, ta chỉ biết tức tâm, tức Phật.
Vị Hòa thượng này về thuật lại cho Mã Tổ nghe, Mã Tổ cao hứng nói:
- Mai đã chín rồi!
(Thiền Chi Hoa)
“Mai đã chín rồi”, chỉ Đại Mai đã khai ngộ. “Tức tâm, tức Phật”, chỉ sự khẳng định. “Phi tâm, phi Phật” chỉ sự phủ định. Mặc dầu Mã Tổ đã cải biến thuyết pháp nhưng tín niệm của Đại Mai vẫn không bị dao động, không tin theo thầy một cách mù quáng; vì vậy mà được Mã Tổ khen ngợi.

997. Câu chuyện cái bánh.

Long Đàm thuở chưa xuất gia rất nghèo túng, Đạo Ngộ ngăn phòng cho ở căn nhà nhỏ cạnh chùa. Cảm kích sự trợ giúp của Đạo Ngộ, mỗi ngày Long Đàm mang biếu thiền sư mười cái bánh. Đạo Ngộ mỗi lần nhận bánh đều giao hoàn lại một cái cho Long Đàm và nói:
- Đây là ta cho ngươi, hy vọng con cháu ngươi sẽ sung túc!
Long Đàm lấy làm lạ nghĩ thầm bánh là của mình, giao trả lại một cái sao lại nói là cho? Bèn hỏi Đạo Ngộ.
Đạo Ngộ nói:
- Đúng là do ngươi mang tới, cho lại ngươi thì có gì là sai quấy đâu?
Long Đàm nghe rồi có chỗ lãnh ngộ, bèn quyết tâm xuất gia.
(Thiền Chi Hoa)
Đạo Ngộ ngăn phòng cho Long Đàm ở là chỉ của ta là của người. Lấy bánh của Long Đàm rồi cho lại Long Đàm là chỉ của người là của ta. Đó là Năng Sở chẳng hai., ta người một thể; (Năng là chủ thể, Sở là khách thể) nghĩa là không có tự tha, vật ngã. Tương tự như Mạnh Tử trên dưới cùng trời đất luân chuyển và Trang Tử, “Trời đất và ta cùng sinh, vạn vật với ta là một.” Nhà Phật đặc biệt nhấn mạnh đến ngã không và pháp không. Ngã không là không chấp tự tha; pháp không là không chấp vật ngã. Vượt ngoài tự tha, vật ngã là vượt ngoài chủ thể và khách thể chứng nhập chân như bản tánh. Có lẽ Long Đàm đã hiểu được ý đó nên mới quyết tâm xuất gia.

998. Con chó ở Tử Hồ.

Để khảo nghiệm ngộ tánh của đại chúng Nam Tuyền nói:
- Tử Hồ có một con chó rất lợi hại; có thể ở trên cắn đầu, ở giữa cắn tim, ở dưới cắn chân. Giả sử các ngươi gặp con chó đó thì phải làm thế nào?
Mọi người xôn xao bàn tán mà chẳng đi đến đâu.
Sau có Tang Sinh hỏi thiền sư:
- Con chó ở Tử Hồ như thế nào?
Nam Tuyền sủa ra ba tiếng.
(Thiền Chi Hoa)
Tử Hồ là tên núi nơi Nam Tuyền cư trú. Ở đây, con chó là trỏ Nam Tuyền, ám chỉ ý tưởng vật ngã bình đẳng vì chúng sinh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Cái Phật tánh ấy ở bậc thánh nhân không tăng thêm, ở kẻ phàm không giảm đi. Tiếng sủa là thanh trần không phải là con chó; nhưng muốn tìm con chó thì ta có thể nương theo tiếng sủa của nó mà tìm thấy được. Công án này cho ta thấy sự liên quan của Thể, Tướng, Dụng vậy.

999. Có và không.

Có vị cư sĩ hỏi Trí Tạng:
- Có thiên đàng, địa ngục không?
- Có.
- Có Phật, Pháp, Tăng tam bảo không?
- Có.
Cư sĩ hỏi liên miên qua nhiều vấn đề khác, Trí Tạng đều trả lời “Có.”
Cư sĩ không nhẫn nại được nữa tức giận nói:
- Sao cái gì thiền sư cũng đáp có, không nói khác được sao? Đệ tử đã từng đem những vấn đề trên ra hỏi Hòa thượng Kinh Sơn, cái gì ngài cũng đáp là không. Tại sao thiền sư và hòa thượng Kinh Sơn lại tương phản như thế?
Trí Tạng hỏi cư sĩ:
- Ngươi có vợ con không?
- Có.
- Hòa thượng Kinh Sơn có vợ con không?
Cư sĩ cười đáp:
- Không có.
- Cứ thế mà nói, hòa thượng Kinh Sơn đáp không lại chẳng đúng sao?
Cư sĩ nghe rồi tức khắc đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Dùng “Có” là để chỉ thế gian pháp, “không” là để chỉ xuất thế gian pháp. Không phải cứ ly gia cắt ái mới là học Phật; người Phật tử tại gia trong những sinh hoạt hàng ngày cũng đều có hòan cảnh để tu học. Vì thế, không cần phải xả thế gian pháp, trốn tránh trách nhiệm làm người mà chỉ cần phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo, lấy tinh thần xuất thế mà nhập thế, lập nên đại nghiệp.

1000. Mời uống trà.

Có lần Triệu Châu hỏi một ông tăng mới đến tham học:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
- Đã.
- Ủa, vậy đã đến đây rồi, mời uống trà.
Sau đó lại có một ông tăng khác tới, Triệu Châu lại hỏi:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
Ông này đáp:
- Dạ, chưa. Đây là lần đầu tiên đệ tử đệ tử tới tham học.
Câu trả lời này với câu trả lời trên hoàn toàn tương phản, nhưng câu nói của Triệu Châu thì vẫn vậy:
- Ủa, chưa từng đến đây hả? Mời uống trà!
Viện chủ hỏi Triệu Châu:
- Thiền sư đối với ông tăng đến rồi và ông tăng mới đến lần đầu tiên đều mời uống trà là có ý gì?
Lúc đó Triệu Châu gọi:
- Viện Chủ!
Viện chủ lập tức trả lời:
- Dạ.
Triệu Châu nói:
- Ủa, thì ra là viện chủ, mời uống trà!
(Thiền Chi Hoa)
Cả ba trường hợp trên đều mời uống trà; dù hoàn cảnh bất đồng, nhưng cùng nêu lên một vấn đề “Ai uống trà?” Cái động tác uống trà này phải chính mình thể hội chứ không ai có thể thay thế cho mình được. Tâm bình thường là Đạo, mỗi động tác bình thường đều là biểu thị của Đạo vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:38 PM | Message # 206
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1001. Pháp chẳng hai.

Duy Ma Cật hỏi Văn Thù Sư Lợi:
- Bồ Tát nhập pháp chẳng hai là thế nào?
- Cứ ý ta thì đối với mọi pháp không lời, không nói, không biết, không biểu lộ, xa lìa mọi hỏi đáp. Đó là nhập pháp chẳng hai.
Lúc đó, Văn Thù lại dùng đúng câu hỏi trên hỏi lại Duy Ma Cật. Duy Ma Cật yên lặng không nói.
Văn Thù bồ tát tán thán rằng:
- Lành thay! Lành thay! ngay cả ngôn ngữ văn tự cũng chẳng có, đúng là nhập pháp chẳng hai.
(Thiền Chi Hoa)
Pháp chẳng hai, dùng lời không tới, dùng ý chẳng đặng. Do đó trong những công án thiền có người hỏi tới tự tánh tuyệt đối hoặc bản thể. Nếu người bị hỏi đã giác ngộ thì yên lặng không nói, dùng sự yên lặng mà trả lời. Đó là không nói mà nói vậy.

1002. Người câm ăn mật.

Có ông tăng hỏi Huệ Lâm Từ Ái:
- Người tỏ ngộ nhưng không nói ra được thì giống gì?
- Giống người câm ăn mật.
- Người không tỏ ngộ mà nói ra thinh sắc thì giống gì?
- Giống con vẹt kêu người.
(Thiền Chi Hoa)
Công án này diễn tả rất đúng câu, “Người biết chẳng nói, người nói chẳng biết.” (Lão Tử- Đạo Đức Kinh) chỉ rằng sự tỏ ngộ tự tánh không thể nói được, nếu nói ra thì đã sai rồi. Người tu thiền trong quá trình tu tập dù đạt tới cảnh giới nào cũng không tỏ lộ cho người khác biết huống chi bản thân không có tu chứng mà nói ra thì khác gì con vẹt học nói tiếng người, tâm không sở đắc mà chỉ loạn ngôn. Vì vậy mới có văn tự thiền và khẩu đầu thiền (thiền ngoài miệng).

1003. Động tĩnh là một.

Ẩn Phong khi còn tham học với Mã Tổ có một lần đang đẩy xe gập lúc Mã Tổ cũng đang ngồi duỗi chân trên đường. Ẩn Phong thỉnh Mã Tổ co chân lại để mình đẩy xe qua.
Mã Tổ nói:
- Ta chỉ duỗi chứ không co.
Ẩn Phong không chịu lùi:
- Đệ tử chỉ tiến chứ không lui.
Hai người không ai nhường ai. Về sau, Ẩn Phong tức giận cứ đẩy xe qua làm chân Mã Tổ bị thương. Mã Tổ nhịn đau, về pháp đường, cầm lấy một cái búa giơ lên mà hét lớn rằng:
- Ai đả thương chân ta, mau ra đây.
Ẩn Phong chạy tới trước mặt Mã Tổ, vươn cổ ra cho chém. Mã Tổ chỉ còn cách ném búa xuống.
(Thiền Chi Hoa)
Yếu chỉ của sự học Phật là phá chấp. Đối với vạn pháp không khởi một niệm chấp trước. Như kinh Kim Cương nói rằng: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” Câu của Mã Tổ: “Chỉ duỗi không co.” là có ý chấp tịnh; còn câu của Ẩn Phong:”Chỉ tiến không lui.” là chấp động. Cứ như câu truyện trên cả hai dường như đều có chấp. Thực ra, đây chỉ là Mã Tổ muốn khảo nghiệm Ẩn Phong mà thôi, và cả hai người đều đã vượt qua quan niệm về động tĩnh. Vì vậy muốn làm là làm không bị động tĩnh bó buộc. Đó là tác phong của những vị thiền sư đã khai ngộ, không thể bắt chước một cách khinh xuất được.

1004. Xuất thế, nhập thế.

Có một lần, Ngưỡng Sơn từ ruộng về, Quy Sơn hỏi:
- Ngươi từ đâu về?
- Ở ruộng về.
- Ngoài ruộng có nhiều người không?
Ngưỡng Sơn chống gậy mà đứng.
Quy Sơn lại nói:
- Hôm nay tại Nam Sơn, có nhiều người cắt cỏ lắm.
Ngưỡng Sơn lập tức nhổ gậy mà đi.
(Thiền Chi Hoa)
Câu “Ngươi từ đâu về?” là hỏi Ngưỡng Sơn đã khai ngộ chưa. Câu đáp, “Ở ruộng về” là nói đã ngộ rồi, còn đang trong cảnh giới tiệm tu. Câu “Ở Nam Sơn có nhiều người cắt cỏ lắm!” là bảo cứ y thể khởi dụng, phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo mà phổ độ chúng sinh. Ngưỡng Sơn hiểu ý đó nhổ gậy mà đi. Động tác này biểu tỏ Ngưỡng Sơn vào hiện tượng giới vì người mà phục vụ, lấy tinh thần xả thế mà nhập thế lập đại nghiệp.

1005. Con trâu đực.

Quy Sơn tại giảng đường, khai thị đại chúng:
- Một trăm năm sau lão tăng xuống núi làm một con trâu đực, tại sườn bên trái có viết năm chữ “Quy Sơn tăng mỗ giáp.” Lúc đó, nếu kêu ta là Quy Sơn tăng thì ta không phải là con trâu đực, nếu kêu ta là con trâu đực thì ta không phải là Quy Sơn tăng. Vậy ta hỏi các ngươi phải kêu ta làm sao?
Ngưỡng Sơn từ đại chúng bước ra, cảm kích lạy tạ mà lui.
(Thiền Chi Hoa)
Quy Sơn nói đến cái tự tánh chân như, tự tánh của Quy Sơn và con trâu đực không hề sai biệt. Một người nếu không còn tâm phân biệt năng sở thì sẽ vượt trên tự tha, vật ngã. Cũng như câu của Trang Tử, “Trời đất và ta cùng sinh, vạn vật với ta là một.” Quy Sơn vì đại chúng khai thị cảnh giới đó, do đó Ngưỡng Sơn cảm kích lạy tạ cũng không phải là lạ vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 6:42 PM | Message # 207
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1006. Làm giống khác.

Có lần Nam Tuyền nói với Triệu Châu:
- Nay chính là lúc tốt nhất để chúng ta lìa nhân loại mà gia nhập dị loại.
Triệu Châu không chịu bèn trả lời:
- Trước chẳng nói dị, xin hỏi loại là gì?
Nam Tuyền chống hai tay xuống đất bắt chước thú bốn chân. Triệu Châu chạy ra đằng sau đạp cho Nam Tuyền một đạp.
Sau đó chạy vào Nát Bàn Đường kêu lớn: “Tiếc quá! Tiếc quá!”
Nam Tuyền rất hân thưởng cái đạp của Triệu Châu, nhưng không biết vì sao Triệu Châu kêu tiếc quá. Nhân đó sai người vào hỏi Triệu Châu tiếc cái gì?
Triệu Châu trả lời:
- Ta tiếc không đạp cho sư phụ vài cái nữa!
Nghe câu nói đó Nam Tuyền lại càng coi trọng Triệu Châu hơn.
(Thiền Chi Hoa)
Tự tánh là tuyệt đối, do đó nếu có phân biệt dị loại và đồng loại là có tư tưởng dị đồng, là có đối đãi. Chẳng hạn vì dài nên có ngắn, vì lớn nên có nhỏ, vì ta nên có người. Nam Tuyền nói là lìa nhân loại mà gia nhập dị loại là để khảo nghiệm xem Triệu Châu có ngộ thật không. Triệu Châu thâm hiểu ý của Nam Tuyền nên hỏi ngược lại thế nào là loại. Nam Tuyền biết Triệu Châu đã giác ngộ tự tánh, không dùng ngôn ngữ mà diễn tả được nên dùng hình ảnh mà hình dung; do đó giả làm dã thú. Nhưng vì bản thể chân như, một pháp chẳng lập lại có thể dùng ảnh tượng mà tỏ ra được sao? Do đó Triệu Châu đạp cho Nam Tuyền một cái để đả phá quan niệm ảnh tượng của sư phụ. Nam Tuyền tưởng khảo nghiệm đệ tử không ngờ mình lại chưa vượt qua quan niệm về hình tượng nên bị đạp một đạp. Vì vậy không mừng sao được!

1007. Cứu hỏa.

Triệu Châu thường tại nhà bếp làm hỏa phu. Có lần thiền sư đóng cửa và đốt lửa; đốt đến phòng bếp lửa cháy ngút trời. Sau đó kêu lớn, “Cứu hỏa, cứu hỏa!” Cho đến khi mọi người lại, thiền sư từ trong phòng nói:
- Các ngươi nói đúng thì ta mới mở cửa.
Mọi người nhìn nhau không biết ý gì. Lúc đó Nam Tuyền lấy chìa khóa, không nói một tiếng, giao qua cửa sổ cho Triệu Châu. Triệu Châu nhận chìa khóa, nhìn Nam Tuyền cười rồi mở cửa chạy ra.
(Thiền Chi Hoa)
Tự mình không chịu mở cửa, làm sao kêu người ngoài đến cứu hỏa. Đó là hướng ngoại mà tìm Phật thì sao mà thấy được. Nam Tuyền đưa chìa khóa cho Triệu Châu là chỉ cửa của tự tánh phải do mình mở, không thể nhờ người khác giúp. Triệu Châu đã sớm hiểu điều đó nên mới nói, “Nói đúng sẽ mở cửa”. Đó chỉ là để khảo nghiệm ngộ tánh của đại chúng.

1008. Tâm đệ tử chẳng an.

Nhị tổ Huệ Khả có lần hỏi Đạt Ma tổ sư:
- Tâm đệ tử chẳng an, thỉnh lão sư an cho.
- Người đem tâm ra đây, ta vì ngươi mà an cho.
Qua một lúc, Huệ Khả đáp:
- Đệ tử tìm đã lâu mà không thấy tâm đâu cả.
- Tốt, ta đã an tâm cho ngươi rồi đó!
(Thiền Chi Hoa)
Tâm mà Huệ Khả muốn an không phải là chân tâm mà là vọng tâm. Chân tâm là chủ thể của tư tưởng, như như bất động, thường an định. Nếu chúng ta nghĩ tới nó hay tìm kiếm nó thì không phải là chủ thể mà là khách thể. Đạt Ma bảo Huệ Khả đưa tâm ra là muốn Huệ Khả tự mình phát hiện tâm mà mình nói đó là hư ảo và do lời nói bất ngờ của tổ sư khiến Huệ Khả khởi chân quán, do đó mà liễu ngộ đuợc chân tâm.

1009. Ngươi còn cái đó sao?

Có một sớm mai, một vị ni cô hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là ý mật?
Triệu Châu lấy tay chộp vào ngực ni cô. Ni cô thấy cử động của Triệu Châu có vẻ nông nổi bèn nói:
- Ngươi còn cái đó sao?
Triệu Châu lập tức đáp lại ngay:
- Thì ra, ngươi còn cái đó!
(Thiền Chi Hoa)
“Ý mật” là vấn đề tối căn bản của đạo lý, nó chính là bản thể tự tánh. Cử động của Triệu Châu có ý bảo ni cô là tự tánh chính ở ngay cô. Khi ni cô nói, “Ngươi còn cái đó sao?” (ám chỉ dục tánh) cho thấy ni cô hãy còn chấp tướng nam nữ. Một người đã siêu việt thì không còn chấp tướng nữa; do đó Triệu Châu mới nói, “Thì ra, ngươi còn cái đó!” ám chỉ ni cô còn chấp tướng nam nữ thì làm sao có thể hiểu được mật ý là cái gì?

1010. Tác dụng của mật.

Thản Nhiên khi tham học với quốc sư Huệ An hỏi rằng:
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Sao không hỏi ý của mình?
- Ý của mình là gì?
- Đương quán tác dụng của mật.
- Tác dụng của mật là gì?
Huệ An nháy mắt ra hiệu. Thản Nhiên bỗng khai ngộ, lạy tạ mà lui.
(Thiền Chi Hoa)
Ý của tổ sư từ Tây sang, tức ý của mình cũng tương tự như “tức tâm, tức Phật.” Chân tâm không có hình tướng nên không dùng lời mà tả được, cũng như ý niệm “mật” không thể thấy được (nên được dùng để chỉ bản thể) nhưng tác dụng của nó thì quan sát được. Huệ An dạy Thản Nhiên quan sát tác dụng của “mật” nhưng Thản Nhiên vẫn chưa ngộ nên Huệ An dùng động tác nháy mắt để diễn tả tác động của “mật” bởi vì tác dụng của lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý) không cái nào là không do tâm làm chủ. Vì vậy do dụng mà có thể thấy thể. Đó là lý do tại sao Thản Nhiên thấy Huệ An nháy mắt mà tỏ ngộ.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 8:15 PM | Message # 208
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1011. Như bò kéo xe.

Mã Tổ là người Tứ Xuyên, lúc nhỏ thường vào chùa chơi. Đến năm 12 tuổi xuất gia làm sa di, đến học thiền ở Nam Nhạc. Lúc đó Hoài Nhượng là vị trụ trì chùa Bát Nhã. Hoài Nhượng thấy Mã Tổ có tài bèn hỏi:
- Ngươi học tọa thiền để làm gì?
- Để thành Phật.
Hoài Nhượng lấy một viên ngói mài ngay trước mặt Mã Tổ.
Mã Tổ háo kỳ hỏi:
- Thiền sư mài viên ngói làm gì?
- Để làm gương.
Mã Tổ kinh dị hỏi:
- Mài gạch sao thành gương được?
- Mài gạch không thành gương được, vậy ngươi ngồi thiền lại thành Phật sao?
- Vậy làm sao mới thành Phật?
- Đạo lý này như bò kéo xe, nếu xe không đi ta hỏi ngươi đánh xe hay đánh bò?
Mã Tổ bị hỏi không lời đáp được.
Hoài Nhượng lại hỏi:
- Ngươi học tọa thiền hay học tọa Phật? Như ngươi học tọa thiền, thì thiền không phải ở ngồi hay nằm, như ngươi học tọa Phật, thì Phật không có hình tướng nhất định. Pháp không có chỗ trú do đó chúng ta cầu pháp không nên có thủ, xả, chấp trước, như ngươi học tọa Phật chẳng khác gì giết Phật. Nếu ngươi chấp tướng ngồi thì vĩnh viễn không thấy được đại đạo.
Nghe lời dạy ấy Mã Tổ như người đương khát mà được uống đề hồ, do đó bái Hoài Nhượng làm thầy.
(Thiền Chi Hoa)
Ý của Hoài Nhượng là ngồi thiền không phải là thiền. ngồi thiền chỉ là một phương pháp không phải là bản thân của thiền. Nếu chỉ có ngồi thiền không thì chẳng khác gì ngón tay trỏ mặt trăng. Nếu không làm phát xuất được trí huệ Bát Nhã thì chỉ là khô tọa, không cách chi mà kiến tánh thành Phật được.

1012. Gập hổ không?

Hoàng Bá từ ngoài về, Bách Trượng hỏi:
- Ngươi đi đâu về?
- Hái nấm ở chân núi Đại Hùng về.
- Có thấy hổ không?
Hoàng Bá giả làm tiếng hổ gầm. Bách Trượng lấy tay giả bộ cầm búa chém hổ. Hoàng Bá hươi tay đánh cho Bách Trượng một chưởng. Bách Trượng lớn tiếng cả cười.
Ngày hôm sau, Bách Trượng thượng đường bảo với đại chúng rằng:
- Dưới núi Đại Hùng có một con hổ, các ngươi phải cẩn thận đề phòng, lão tăng đã bị nó ngoạm một miếng đấy.
(Thiền ChiHoa)
Con hổ của Bách Trượng là để chỉ tự tánh. Hoàng Bá đã hiểu ý Bách Trượng nên không trực tiếp trả lời (Vì tự tánh không thể dùng lời mà tả được), mà giả tiếng hổ gầm hàm ý đã ngộ tự tánh. Bách Trượng giả vờ đánh, Hoàng Bá giả vờ đỡ đều là biểu lộ chấp nhận hành động của đối phương. Cái cười của Bách Trượng mới bao hàm nhiều ý nghĩa làm sao!

1013. Cán dao có công dụng gì?

Có một ngày, Thạch Thất theo Thạch Đầu lên núi chơi. Thạch Đầu nói:
- Đằng trước có cái cây ngăn cản không nhìn được, mau giúp ta chặt đi.
- Đưa dao đây.
Thạch Đầu rút dao ra hướng lưỡi dao về phía Thạch Thất.
- Không phải đầu này, đầu có cán kia.
- Cán có ích gì?
Ngay lúc đó Thạch Thất đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Thạch Đầu kêu Thạch Thất chặt cây ngăn thị tuyến, ám chỉ trừ bỏ những ràng buộc của Tâm thì tâm sẽ trở lại thanh tịnh. Khi Thạch Thất yêu cầu đưa phía cán dao, Thạch Đầu hỏi, “Cán có ích gì?” ám chỉ bản thể giới. Lời cùng, ý tuyệt, còn chấp “cán” thì làm sao đạt tới cảnh giới này được?

1014. Ai ở trong giếng?

Có ông tăng hỏi Thạch Sương:
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Giả như có người rớt xuống giếng sâu ngàn thước, ngươi không dùng giây mà cứu được hắn ra thì ta sẽ bảo cho ngươi biết ý của tổ sư từ Tây sang là gì!
- Gần đây ở Hồ Nam có Xướng hòa thượng cũng hệt như thiền sư, giảng Đông, giảng Tây.
Thạch Sương kêu Ngưỡng Sơn đuổi ông tăng ra.
Ngưỡng Sơn hỏi Đam Nguyên:
- Cứ ý thiền sư thì làm sao cứu được người ở trong giếng?
- Đồ ngốc, ai ở trong giếng?
Ngưỡng Sơn lại hỏi Quy Sơn:
- Làm sao để cứu được người ở trong giếng?
Quy Sơn lớn tiếng gọi:
- Huệ Tịch.
- Dạ.
Quy Sơn nói:
- Đã ra rồi!
Về sau Ngưỡng Sơn kể lại câu chuyện này cho đại chúng nghe và nói:
- Ta tại Đam Nguyên đắc danh, tại Quy Sơn đắc địa!
(Thiền Chi Hoa)
“Ta tại Đam Nguyên đắc danh” là chỉ lý ngộ. Câu của Đam Nguyên, “Ai ở trong giếng?” đả phá sự chấp trước của Ngưỡng Sơn làm cho Ngưỡng Sơn hiểu rằng tự tánh không bị trói buộc bởi không, thời gian. “Tại Quy Sơn đắc địa” là chỉ sự chứng ngộ. Khi nghe Quy Sơn kêu tên mình bèn lên tiếng dạ, lập tức hiểu rằng cái tâm ấy đã ra khỏi giếng. Chân Tâm là như như bất động ở khắp nơi, không bị ra vào, trong, ngoài, cùng những quan niệm về thời, không gian giới hạn. Chính là “Mười đời xưa nay, đầu cuối chẳng rời đương niệm, vô biên sát thổ, ta người chẳng cách một sợi lông.”

1015. Biện luận về ngón tay và mặt trăng.

Có ông tăng hỏi Pháp Nhãn:
- Đệ tử không hỏi ngón tay mà muốn hỏi mặt trăng là cái gì?
- Ngươi không hỏi ngón tay, vậy ngón tay là gì?
Lúc đó, có một ông tăng khác hỏi:
- Đệ tử không hỏi mặt trăng mà muốn hỏi ngón tay là cái gì?
- Mặt trăng.
Ông tăng phản đối:
- Đệ tử hỏi ngón tay sao sư phụ lại đáp mặt trăng?
- Đó là vì ngươi hỏi ngón tay.
(Thiền Chi Hoa)
Nhân lúc trước có người hỏi Pháp Nhãn, “Thế nào là tâm của cổ Phật?” Pháp Nhãn đáp, “Có lòng từ bi hỉ xả là tâm của cổ Phật.” Lời đáp tâm của cổ Phật và lời đáp ngón tay và mặt trăng đều là lấy dụng làm thể. Hỏi mặt trăng đáp ngón tay, ngón tay chỉ là để chỉ phương hướng mà thôi, không phải là tự tánh chân thật vì tự tánh chân thật không có sở tại. Hiện tượng thấu xứ tức bản thể, bản thể hiện xứ tức hiện tượng. Thể không ly dụng, dụng không ly thể, thể dụng chẳng hai. Hỏi ngón tay đáp mặt trăng giả như hỏi mặt trăng nhất định đáp ngón tay. Ngón tay và mặt trăng đều là thế pháp, giả danh mà an lập; nhưng ở tự tánh thì lại không có sự phân biệt.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 8:19 PM | Message # 209
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1016. Một mình trên núi.

Có một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Khi một mình ở trên núi thì cảm thấy thế nào?
- Ta không trả lời ngươi.
- Tại sao vậy?
- Vì sợ ngã lăn trên đất.
(Thiền Chi Hoa)
Núi (cô phong) là chỉ bản thể giới vượt trên năng sở đối đãi không thể dùng lời mà nói! “Ngã lăn trên đất” là chỉ hiện tượng giới. Ta không thể dùng ngôn ngữ để nói về bản thể giới đuợc, vì ngôn ngữ đã có sai biệt, năng sở tương đối, do đó Triệu Châu mới nói, “Sợ ngã lăn trên đất” để chỉ rằng ở bản thể giới phải quên lời, tuyệt ý vậy.

1017. Tự tánh thần châu.

Có một lần đức Thế Tôn lấy một viên “tùy sắc ma ni châu” cho năm thiên vương xem và hỏi rằng:
- Viên bảo châu này mầu gì?
Năm vị thiên vương, mỗi người đều nói một mầu khác nhau. Đức Phật thâu viên bảo châu lại và giơ bàn tay ra hỏi rằng:
- Viên bảo châu này có mầu gì?
Các thiên vương đáp:
- Bạch đức Thế Tôn, trong tay người không có châu thì làm sao có mầu gì?
Đức Thế Tôn bèn nói rằng:
- Các ngươi thực là mê muội, khi ta lấy viên bảo châu cho các ngươi xem, các ngươi mỗi người đều nói khác nhau: Xanh, vàng, trắng, đỏ. . . không người nào nói giống nhau. Nhưng lúc ta lấy viên chân bảo châu triển thị ra thì các ngươi lại không biết, Ngộ đạo lại khó như vậy sao?
Ngay chính lúc đó năm vị thiên vương đều giác ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Chân bảo châu dụ cho tự tánh. Tự tánh thần châu có tánh quang minh, thanh tịnh bất động… nhưng có dạng thức nào? Nói giống một vật nào là cũng không trúng. Đó là chỗ khó khăn vậy! Bởi vì nếu có thể trình hiện thì chỉ làm cho rối mắt. Không phải là bản thân của tự tánh thần châu vì tự nó không có pháp nào trình hiện cũng không thể nào trình hiện được. Đó mới thật là tự tánh thần châu.

1018. Sa di có chủ.

Ngưỡng Sơn tham phỏng Quy Sơn.
Quy Sơn hỏi:
- Ngươi là sa di có chủ hay là sa di vô chủ?
- Có chủ.
- Chủ ở đâu?
Ngưỡng Sơn từ tây chạy sang Đông, sau đó đứng yên. Quy Sơn rất tán thưởng.
(Thiền Chi Hoa)
“Chủ” đây là chỉ tự tánh. Quy Sơn biết Ngưỡng Sơn đã hiểu nhưng muốn cho chắc nên hỏi thêm,” Chủ ở đâu?” Ngưỡng Sơn biết ở đâu là trỏ không gian, không diễn tả được bản chất của tự tánh, do đó, không mở miệng mà đi từ Tây sang Đông, rồi đứng yên, tỏ rằng tự tánh ở khắp nơi và động tĩnh là một, không dùng lời mà nói được. Kinh Duy Ma Cật có nói, “Đến chẳng đến, đi chẳng đi! Vì sao? Vì đến chẳng biết từ đâu đến, đi chẳng biết đi về đâu.” Chính là miêu tả rất đúng tính chất của tự tánh.

1019. Đường Thạch Đầu trơn lắm.

Ẩn Phong đến từ biệt Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
Ẩn Phong đáp:
- Đệ tử định đến thăm Thạch Đầu.
Mã Tổ nói:
- Cẩn thận đường Thạch Đầu trơn lắm đấy!
- Sư phụ đừng ngại, đệ tử có mang theo gậy trúc, phùng trường tác hí, ứng phó được mà!
Đến nơi, đi diễu quanh thiền sàng một vòng, chống gậy đứng mà hỏi tông chỉ của Thạch Đầu là gì? Thạch Đầu không nhìn Ẩn Phong ngẩng đầu lên mà than dài:
- Trời xanh! Trời xanh!
Ẩn Phong không lời đối lại, về thuật cho Mã Tổ nghe.Mã Tổ nói:
- Ngươi đến hỏi lại, đợi Thạch Đầu trả lời thì ngươi hứ hai tiếng.
Ẩn Phong quay lại và cũng làm như cũ nhưng khi hỏi lại thì Thạch Đầu không nói nữa mà chỉ hứ hai tiếng. Ẩn Phong lại không lời đối được về kể cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ nói:
- Ta đã chẳng bảo ngươi trước là gì: “Đường Thạch Đầu trơn lắm!”
(Thiền Chi Hoa)
Câu của Mã Tổ, “Đường Thạch Đầu trơn lắm” là chỉ cơ phong của Thạch Đầu rất lợi hại, không dễ đối phó. Ẩn Phong tự thị thông minh, có mang theo gậy trúc không sợ đường trơn. Khi hỏi tông chỉ của Thạch Đầu, Thạch Đầu trả lời, “Trời xanh!” có thể giải thích là hư không (thiền gia thường lấy trời, đất để trỏ hư không), là chỉ tự tánh; có ý nói tông chỉ, mục đích của người tu là chứng ngộ chân như bản tánh. Hiển nhiên là Ẩn Phong không hiểu ý của Thạch Đầu nên khi Thạch Đầu nói, “Trời Xanh!” là dùng ngôn ngữ, là chấp tướng do đó Mã Tổ dạy Ẩn Phong dùng tiếng hứ mà đáp, có ý bảo còn chấp. Đồng thời, tiếng hứ đồng thanh với tiếng hư vừa đại biểu hư không mà cũng không phải là ngôn ngữ. Chẳng ngờ Thạch Đầu biết đối phương có chuẩn bị bèn chiếm tiên cơ hứ trước hai tiếng. Ẩn Phong vô pháp mở miệng. Quả nhiên, câu nói của Mã Tổ đã ứng nghiệm, “Đường Thạch Đầu trơn lắm!”

1020. Con chó không có Phật tánh.

Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Con chó có Phật tánh không?
- Không!
- Những loài xuẩn động hàm linh đều có Phật tánh, tại sao con chó lại không có?
- Vì có nghiệp thức.
Lại có ông tăng khác hỏi:
- Con chó có Phật tánh không?
- Có.
- Tại sao phải làm thú?
- Biết mà cứ làm!
(Thiền Chi Hoa)
Với cùng một câu hỏi, cách trả lời của Triệu Châu lúc nói có, lúc nói không theo lẽ đương nhiên là đầy mâu thuẫn. Nhưng tại sao lại có sự mâu thuẫn khó hiểu ấy? Đứng trên lập trường của Triệu Châu thì lại chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Vì đây là tùy cơ mà đáp, không cốt trả lời mà là làm cho khởi nghi tình rồi do giải được nghi tình mà ngộ. Nếu lấy chữ “không” của Triệu Châu mà giải là không tứ đức (thường, lạc, ngã, tịnh) và chữ “có” là tất cả đều có Phật tánh thì cũng được vì con chó có nghiệp thức thành ra bốn đức không hiện; tuy chó có Phật tánh nhưng mà vì “biết mà cứ làm” tạo ra những ác nghiệp cho nên phải làm kiếp chó. Chữ “không” này của Triệu Châu quả là độc sáng, nó chính là sinh mạng, là tông chỉ của thiền sư vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 29 Jul 2012, 8:26 PM | Message # 210
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1021. Mây trên trời xanh, nước trong bình.

Lý Cao rất ngưỡng mộ phong thái và trí tuệ của Dược Sơn bèn tìm vào núi bái phỏng. Tới nơi chỉ thấy Dược Sơn cầm sách đứng dưới tùng cây chăm chú đọc hầu như không thèm để mắt tới Lý Cao. Lý Cao thấy Dược Sơn mục hạ vô nhân, nổi giận nói rằng:
- A! Gập mặt chẳng như nghe danh.
Nói rồi phất tay áo định đi. Chính lúc đó, Dược Sơn bỏ sách xuống, mỉm cười mà rằng:
- Xin hỏi tiên sinh vì sao trọng tai mà khinh mắt vậy?
Lý Cao không hiểu lời nói bóng gió của Dược Sơn, bèn hỏi:
- Xin hỏi đại sư thế nào là Đạo?
Dược Sơn giơ tay chỉ lên trời, rồi lại chỉ xuống đất hỏi:
- Ngươi hiểu không?
- Không hiểu.
Dược Sơn nói:
- Mây trên trời xanh, nước trong bình.
Lý Cao nghe rồi lập tức đại ngộ, bỏ ngay thái độ khinh mạn, cung kính bái tạ Dược Sơn, và làm ngay một bài kệ dâng lên Dược Sơn đại ý, “Đại sư tu luyện thân hình như con hạc, đọc sách dưới gốc tùng, khi tôi đến hỏi Đạo ngài, đại sư chỉ đơn giản đáp, “Mây trên trời xanh, nước trong bình.”
Bài kệ của Lý Cao:
練得 身 形 似 鶴 形
Luyện đắc thân hình tự hạc hình
千株 松 下 兩 函 經
Thiên châu tùng hạ lưỡng hàm kinh
我來 問 道 無 餘 說
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết
雲在 青 天 水 在 瓶
Vân tại thanh thiên thủy tại bình

Luyện được thân hình giống nhạn hình
Dưới tùng ngàn gốc hai hòm kinh
Ta tìm hỏi Đạo không lời khác
Mây ở trời xanh, nước trong bình.
(Thích Thanh Từ dịch)
(Thiền Chi Hoa)
Mây trên trời xanh không biết có trời. Nước ở trong bình không biết có bình tự do, tự tại chẳng bị trói buộc. Đó chính là bản chất của Đạo. Vạn vật trong vũ trụ cũng đều thế cả không phân biệt cao hay thấp giống như câu của Lục Tượng Sơn:” Đạo ở khắp thiên hạ, không chỗ nào là thiếu cả.”

1022. Muỗi đốt trâu sắt.

Dược Sơn hỏi Thạch Đầu:
- Đệ tử đối với tam thừa thập nhị phân giáo có chỗ hiểu được, nhưng đối nam phương,”Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” thì vẫn chưa hiểu, mong sư phụ lượng cả từ bi giảng giải cho.
Thạch Đầu trả lời:
- Khẳng định không trúng, phủ định cũng không trúng; khẳng định và phủ định đều chẳng trúng, lúc đó ngươi phải làm sao?
Dược Sơn hoang mang chẳng biết đáp làm sao.
Qua một lúc, Thạch Đầu lại nói:
- Nhân duyên của ngươi chẳng phải tại đây, mau đi kiếm Mã Tổ đại sư.
Dược Sơn nghe lời đi kiếm Mã Tổ và cũng nêu lên cùng câu hỏi.
Mã Tổ đáp:
- Ta có lúc kêu hắn nhướng mày chớp mắt, có lúc không kêu hắn nhướng mày chớp mắt. Có lúc hắn tự nhướng mày chớp mắt, có lúc không. Ngươi giải thích thế nào?
Dược Sơn nghe tới đó liền giác ngộ hướng về Mã Tổ mà lạy tạ.Mã Tổ hỏi:
- Ngươi hiểu thế nào mà lạy ta?
- Đệ tử ở nơi Thạch Đầu giống như con muỗi mà đốt trâu sắt vậy!
(Thiền Chi Hoa)
Lời nói của Thạch Đầu và Mã Tổ tuy khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa. Câu của Mã Tổ:”Ta có lúc kêu hắn nhướng mày chớp mắt” là khẳng định không trúng của Thạch Đầu; “Có lúc không kêu hắn nhướng mày chớp mắt” là phủ định không trúng của Thạch Đầu; “Có lúc hắn tự nhướng mày chớp mắt, có lúc không” là khẳng định và phủ định đều không trúng của Thạch Đầu.
Hắn chính là tự tánh. “Muỗi đốt trâu sắt” là chỉ Dược Sơn tại Thạch Đầu không liễu giải được mà chỉ đốn ngộ được nhờ nghe Mã Tổ.

1023. Mặt mũi lúc chưa sanh.

Hương Nghiêm tham phỏng Quy Sơn. Quy Sơn nói:
- Ta nghe nói lúc ngươi ở với Bách Trượng, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, vì ngươi thông minh lanh lợi. Nay sinh tử là việc lớn, ta hỏi ngươi lúc cha mẹ chưa sanh ra thì mặt mũi ngươi như thế nào?
Câu hỏi này làm Hương Nghiêm không biết đâu mà đáp. Về phòng, đem những sách vở thường đọc, giở xem từng quyển hy vọng tìm lời giải đáp mà không thấy. Nhân đó cảm khái mà nói rằng, “Bánh vẽ trong sách không làm thỏa mãn cơn đói của ta”.
Do đó, yêu cầu Quy Sơn giải thích bí mật.
Quy Sơn từ chối:
- Giả sử nay ta giải thích cho ngươi, tương lai ngươi sẽ mắng chửi ta; vả lại những kiến giải của ta không quan hệ gì đến ngươi cả.
Hương Nghiêm cực kỳ thất vọng đem hết sách vở ra đốt, phẫn hận mà rằng:
- Ta là gã chẳng ra gì, học Phật chẳng nổi chỉ nên làm một vị tăng hóa duyên khất thực mà thôi!
Bèn từ biệt Quy Sơn, vân du khắp nước. Khi tới Nam Dương bèn đi tham bái di tích của Huệ Trung quốc sư và tạm trú ở đó. Một ngày kia, chính lúc đang rẫy cỏ, bẩy một hòn gạch văng lên, chạm vào cây tre kêu thành tiếng. Tiếng động ấy bỗng nhiên đưa Hương Nghiêm vào ngộ cảnh. Hương Nghiêm bèn về phòng tắm gội sạch sẽ, đốt hương hướng vào quãng không và nói:
- Sư phụ, ơn huệ của người còn lớn hơn ơn cha mẹ sinh thành, nếu sư phụ giảng cho con lúc đó thì con đâu có ngày nay.
Hương Nghiêm cảm kích làm một bài kệ dâng Quy Sơn như sau:
一擊 忘 所 知
Nhất kích vong sở tri
更不 假 修 持
Cánh bất giả tu trì
動容 揚 古 路
Động dung dương cổ lộ
不墮 悄 然 機
Bất đọa tiễu nhiên cơ
處處 無 蹤 跡
Xứ xứ vô tung tích
聲色 外 威 儀
Thanh sắc ngoại uy nghi
諸方 達 道 者
Chư phương đạt đạo giả
咸言 上 上 機
Hàm ngôn thượng thượng cơ
香 嚴 智 閑
Hương Nghiêm Trí Nhàn

Tiếng dội lùm tre quên sở tri
Có gì đối trị giả tu trì
Đổi thay thần sắc nêu đường cổ
Nếp cũ tiêu điều chẳng trệ si

Chốn chốn dạo qua không dấu vết
Sắc thanh nào nhiễm được uy nghi
Mười phương đạt giả đều như vậy
Tối thượng là đây biết nói gì?
(Trúc Thiên dịch)
(Thiền Chi Hoa)
Ngôn ngữ là công cụ để chuyển đạt ý thức, nhưng dùng ngôn ngữ để diễn đạt tự tánh thì không thể được. Do đó, thiền gia không dùng ngôn ngữ để giải thích, chỉ cố làm sao cho người ta khởi nghi tình, thâm nhập tham cứu. Mục đích là xóa bỏ mọi chấp trước (bao quát tất cả những kinh nghiệm nghe, thấy) mà có thể chứng được tự tánh. Cũng như trường hợp của Hương Nghiêm nghe tiếng động của hòn gạch va vào cây tre mà giác ngộ tự tánh không bị câu thúc bởi hình thể, không, thời gian. Quy Sơn không chịu giảng ra, không phải là không giảng ra được mà là sợ làm dứt đoạn huệ mạng của Hương Nghiêm, muốn để tự Hương Nghiêm theo thiền cơ mà ngộ chân như tự tánh. Do đó, Hương Nghiêm tắm gội sạch sẽ, đốt hương mà lạy tạ sư phụ cũng chẳng phải là lạ.

1024. Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác.

Lục tổ Huệ Năng tiếp thu y bát từ Ngũ tổ bí mật rời bỏ Đông Sơn, sợ đồ chúng của Thần Tú đuổi theo. Trần Huệ Minh là quân nhân xuất thân, cước bộ rất mau, tánh tình rất thô bạo, đuổi kịp Huệ Năng. Thấy Huệ Minh tới, Huệ Năng đưa y bát cho Huệ Minh.
Huệ Minh không nhận nói:
- Tôi tới đây không phải vì y bát mà là cầu pháp.
- Nếu ông muốn cầu pháp thì trước hết hãy dẹp hết ngoại duyên tư niệm, ta sẽ vì ông mà nói pháp.
Huệ Minh lạy tạ. Lúc đó Huệ Năng nói:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay khi ấy thế nào là bản lai diện mục của Minh thượng tọa?
Huệ Minh nghe rồi đại ngộ bèn quay trở lui.
(Thiền Chi Hoa)
Quan niệm thiện ác là quan niệm thị phi (phải, trái). Loại quan niệm này là do thức tâm sinh ra. Lục tổ bảo Huệ Minh không nghĩ thiện và ác là để trừ thức tâm mà đạt tới tự tánh. Vì tự tánh vượt trên tất cả hiện tượng nên không dùng khẳng định mà hình dung vì như vậy là chấp có, cũng không dùng phủ định vì như vậy là chấp không, rơi vào đoạn diệt.

1025. Chẳng có thánh gì cả.

Đạt Ma tổ sư năm 527 đến miền nam Trung Quốc nhận lời mời của Lương Võ Đế ghé qua Nam Kinh.Lương Võ Đế hỏi:
- Từ khi trẫm lên ngôi, lập nhiều chùa chiền, in nhiều kinh sách, cấp dưỡng tăng ni, vậy có công đức gì không?
- Không.
- Tại sao không?
- Vì những việc bệ hạ làm đó, chỉ là quả báo nhỏ của thế tục không phải là chân công đức.
- Vậy sao, còn chân công đức là thế nào?
- Chân công đức là trí tuệ tối viên mãn, tối dung thông; bản thể của nó là không tịch, bệ hạ không thể dùng phương pháp thế tục mà đạt được.
- Thế nào là thánh?
- Là hoàn toàn không, trong cái thế giới không đó, không có cái gì là thánh cả!
- Không có thánh sao, vậy người là ai?
- Không biết.
(Thiền Chi Hoa)
Căn bản của công án này là câu “Chẳng có thánh gì cả” (quách nhiên vô thánh). Phật pháp phân làm chân, tục nhị đế. Lương Võ Đế hỏi là hỏi nghĩa của Chân đế. Đạt Ma đáp là tự chứng cảnh giới, vượt trên cả Chân Tục nhị đế là cảnh giới niết bàn tuyệt đối. Do đó, Lương Võ Đế không hiểu cũng chẳng có gì là lạ, vì trong cảnh giới “quách nhiên vô thánh” vượt ngoài tất cả phàm thánh, mê ngộ, phải trái; được mất là cảnh giới tự tại vô ngại. Do đó, căn bản của thiền là truyền ngoài giáo lý, không thể dùng lời mà giảng cho hiểu thế nào là thánh đế được.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 8:43 PM | Message # 211
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1026. Tất cả hiện thành.

Có lần La Hán hỏi Pháp Nhãn:
- Người từng nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức; giờ xin hỏi hòn đá ở trước sân kia là ở trong tâm hay ở ngoài tâm?
- Ở trong tâm.
- Tại sao ngươi lại đem khối đá lớn kia ném vào trong tâm vậy?
Câu nói này làm cho Pháp Nhãn khốn quẫn, quyết tâm nhờ La Hán giải đáp. Mỗi ngày đều đưa những lời đáp mới, La Hán đều nói:
- Phật pháp chẳng phải như vậy.
Cuối cùng Pháp Nhãn chỉ còn cách thưa với La Hán rằng:
- Đệ tử đã cùng lời, tuyệt lý rồi.
- Nếu lấy Phật pháp mà nói tất cả đều hiện thành vậy!
Nghe câu nói đó Pháp Nhãn hoát nhiên đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
“Tất cả hiện thành” là chỉ chúng sinh đều có Phật tánh hay “Phiền não tức Bồ Đề.” “Sinh tử tức Niết Bàn” dụng tức là thể. Phật tánh vốn không trong ngoài, hòn đá là Phật tánh hiển lộ sao lại phân biệt trong tâm, ngoài tâm? Tinh thần của thiền là vượt ngoài cả Dụng lẫn Thể. Về sau Pháp Nhãn làm phương trượng thường nói với đệ tử rằng, “Xưa nay thực thể vốn hiện thành ngay trước mắt chỉ vì bị các ngươi biến thành danh tướng vậy.”

1027. Xả thức, dụng căn.

Có ông tăng hỏi Pháp Nhãn:
- Dùng phương pháp nào để phát lộ tự kỷ mà cùng với Đạo hợp nhất?
Pháp Nhãn hỏi lại:
- Ngươi lúc nào phát lộ tự kỷ mà không cùng với Đạo hợp nhất?
Ông tăng lại hỏi:
- Lúc sáu thức không ngộ âm của chân lý thì làm sao?
Pháp Nhãn đáp:
- Đó chẳng qua như bầy gia thuộc của ngươi thôi!
Và hỏi lại:
- Ngươi nói sáu thức không thể tri âm là nói tai hay nói mắt? Nếu quả có chân lý thì đâu có thể vì sáu thức không biết mà không có chân lý đâu? Cổ nhân từng nói “Lìa thanh sắc chấp thanh sắc, lìa danh tự chấp danh tự” là ý đó.
(Thiền Chi Hoa)
Công án này nêu lên hai vấn đề:
Vấn đề một: Người ngộ đạo có sinh hoạt khác thường không? Câu trả lời của Pháp Nhãn nhận định rằng, “Thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông” đều là Đạo, Đạo không ngoài sinh hoạt hàng ngày.
Vấn đề hai: Thức tâm sinh diệt và tự tánh vô sinh diệt không khế hợp thì sao? Chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày vọng tưởng quá nhiều nên tự tánh bị mê mờ nên có thể “tu” nhưng không thể “ngộ.” Đức Phật lúc giác ngộ dưới gốc Bồ Đề có nói rằng, “Kỳ thay! Kỳ thay! Đại địa chúng sinh đều có như lai trí tuệ đức tướng nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô sư trí, tự nhiên hiện tiền.” “Bầy gia thuộc” là chỉ lục căn, nếu biết dùng lục căn thì lục thức sẽ giúp chúng ta liễu giải tự tánh. (Kinh Lăng Nghiêm: Xả thức dụng căn) Vì lục thức phải nghe lệnh của chủ nhân tự tánh. Chỉ cần không sinh niệm phân biệt tùy duyên mà hành động thì tất cả đều là Đạo không có gì gọi là Thể, là Dụng nữa.

1028. Diệu dụng của chữ vô.

Đạo Thụ là môn đồ của Thần Tú, cùng vài vị học tăng trú ở trên núi. Có một vị quái nhân thường xuất hiện, có thể tùy ý hóa thành Phật, Bồ Tát, La Hán, hoặc phóng thần quang hoặc thanh âm làm cho đồ đệ của Đạo Thụ rất kinh khủng, không biết vị quái nhân ở đâu đến mà có quyền phép như vậy? Vị quái nhân tác quái mười năm rồi bỗng nhiên một hôm biến mất, không thấy xuất hiện nữa.
Đạo Thụ bảo môn đồ rằng:
- Vị thuật sĩ này dùng trăm kế, ngàn phương mà lừa dối người; phương pháp đối phó của ta là chỉ không nghe, không thấy nên hắn đã dùng hết cách mà cũng chẳng ăn thua gì!
(Thiền Chi Hoa)
Thuật sĩ dùng hình tướng lừa dối đại chúng, giả như Đạo Thụ cũng dùng hình tướng ứng phó thì không thể thắng được vì cảnh chẳng bao giờ ngưng. Phương pháp của Đạo Thụ là không nghe, không thấy nên vượt cả hình tướng khiến cho thuật sĩ cùng đường mà phải đi. Đạo Thụ chỉ dùng chữ “Vô” mà chế chữ “Hữu”. Bởi vì bất luận chữ hữu rộng lớn như thế nào, bền vững như thế nào cũng còn giới hạn, còn chữ vô thì lớn không ngoài, nhỏ không trong, giải trừ mọi chấp trước, vi diệu vô cùng, đó chính là ứng dụng chữ “không” của nhà Phật đối cảnh không chấp nên không bị vướng mắc vào cảnh mà thắng được cảnh vậy.

1029. Rửa bát.

Có ông tăng bạch với Triệu Châu:
- Đệ tử mới đến thiền viện, xin sư phụ chỉ điểm.
Triệu Châu hỏi:
- Ăn cháo chưa?
- Ăn rồi!
- Vậy, rửa bát đi.
Ông tăng lập tức lạy tạ.
(Thiền Chi Hoa)
“Bát” chỉ tự tánh, tự tánh không để vật nào dính vào. Câu hỏi của Triệu Châu, “Ăn cháo rồi chưa?” “Rồi” và “Chưa” đều là biên kiến, phải trừ bỏ biên kiến đối đãi thì mới chứng được tự tánh. Vì vậy Triệu Châu mới khuyên đi rửa bát.

1030. Vô vị chân nhân.

Một lần tại pháp hội, Lâm Tế nói với đại chúng rằng:
- Trong thịt đỏ của các ngươi có một vị vô vị Chân Nhân thường ra vào, mà các ngươi chẳng biết. Kẻ chứng hãy thử coi.
Lúc đó có một ông tăng bước ra hỏi:
- Vô vị chân nhân là gì?
Lâm Tế từ thiền sàng nhẩy xuống túm lấy ông tăng:
- Nói đi, nói đi!
Chính lúc ông tăng này mở miệng định nói, Lâm Tế đẩy ông ra và nói:
- Cái que cứt khô có phải là vô vị chân nhân không?
(Thiền Chi Hoa)
Vô vị chân nhân là chỉ Phật tánh, là cái chân ngã không đầu, không cuối, chẳng sanh, chẳng diệt, vượt cả thời, không gian cùng với Đạo hợp nhất. Tự tánh chân như không thể nói ra được. Lâm Tế vì muốn tiếp dẫn học nhân dùng “Vô vị chân nhân” để biểu thị. Ông tăng đã hiểu rõ ý. Lâm Tế biết vậy nhân cơ hội trắc nghiệm ngộ cảnh của ông, muốn ông tự giải đáp. Khi ông tăng mở miệng định nói, Lâm Tế sợ ông lạc vào tâm thức nói ra cái không thể nói, nên đẩy ông ra ngăn không cho nói. Động tác này là tác phong nhất quán của thiền gia. Sau, Lâm Tế lại lấy que cứt khô mà dụ cho “vô vị chân nhân” , chỉ phàm thánh bình đẳng, chúng sinh đều có Phật tánh. Thật là một mũi tên mà bắn hai chim vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 8:50 PM | Message # 212
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1031. Vô Tình thuyết pháp.

Động Sơn khi mới gập Vân Nham hỏi rằng:
- Vô tình thuyết pháp ai nghe được?
Vân Nham lập tức trả lời:
- Vô tình nghe được.
- Thiền sư nghe được chăng?
- Giả sử ta nghe được, ta đã được pháp thân, lúc đó ta thuyết pháp ngươi không nghe được.
Động Sơn không hiểu hỏi lại:
- Vì sao đệ tử không nghe được?
Vân Nham đưa phất trần lên hỏi:
- Ngươi nghe không?
- Không nghe.
- Ta thuyết pháp ngươi còn không nghe ra, nói chi đến vô tình thuyết pháp?
- Vô tình thuyết pháp là do đâu?
- Trong kinh A Di Đà chẳng có nói: “Nước, chim, cây rừng đều niệm Phật, niệm pháp sao? “
Nghe lời đó Động Sơn khai ngộ bèn làm bài kệ sau:
也大 奇 也 大 奇
Dã đại kỳ dã đại kỳ
無情 說 法 不 思 議
Vô tình thuyết pháp bất tư nghì
若蔣 耳 聽 終 難 會
Nhược tương nhĩ thính chung nan hội
眼處 聞 聲 方 得 知
Nhãn xứ văn thanh phương đắc tri.

Thật cũng lạ thay, thật cũng lạ!
Vô tình nói pháp, nghĩ không ra
Dùng đến tai nghe càng chẳng rõ
Lấy mắt mà nghe mới hiểu a!
(Thiền Chi Hoa)
Tai thì nghe được thanh trần, mắt thì nhìn được sắc trần; ở đây mắt nghe được thì thanh này không phải là thanh trần mà là tự tánh. Mắt này không phải mắt thịt mà là mắt Đạo.Tự tánh ở khắp mọi nơi, có mắt Đạo thì có thể nghe thanh của tự tánh. Người khác vật vì có ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng. Vật vô tình không có ngôn ngữ, dĩ nhiên không có tư tưởng làm sao có thể thuyết pháp? Nhân vì hữu tình và vô tình đều có cùng một thể tự tánh. Chỉ cần nhìn thấu suốt tự tánh của sự vật là có thể xúc động linh cơ mà khai ngộ. Tô Đông Pha có thơ rằng:”Tiếng suối reo chính là tướng lưỡi rộng dài, Mầu sắc núi chẳng phải là không thân thanh tịnh.” Do đó, vô tình thuyết pháp không phải là vọng ngữ vậy.

1032. Tâm là Phật.

Vô Nghiệp bình thời nghiên cứu luật tạng rất thâm sâu. Lúc mới gập Mã Tổ, Mã Tổ thấy tướng mạo mạnh mẽ, to lớn bèn nói:
- Bên ngoài đường đường mà bên trong chẳng có Phật!
Vô Nghiệp cung kính quỳ xuống thưa rằng:
- Con từng nghiên cứu tam thừa có chỗ sở đắc, nhưng đối với chủ trương của thiền tông, “Tức tâm. Tức Phật” thì vẫn chưa hiểu.
- Ta bảo cho ngươi biết chính cái tâm chưa hiểu được đó là Phật chứ không có cái gì khác.
Vô Nghiệp vẫn không hiểu, bèn hỏi tiếp:
- Xin hỏi ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
Mã Tổ trợn mắt:
- Vị đại đức này thực mê mờ quá, mau đi đi, lúc khác lại.
Chính lúc Vô Nghiệp định đi, Mã Tổ ở phía sau lưng quát lớn:
- Đại đức!
Vô Nghiệp quay đầu lại. Mã Tổ bèn hỏi:
- Là cái gì?
Nghe lời nói đó Vô Nghiệp bèn lạy tạ.
(Thiền Chi Hoa)
Tâm, Phật, chúng sinh không sai khác. Vô Nghiệp không hiểu rõ ý đó. Vì tự tánh không thể nói, chỉ có thể dùng cơ duyên xảo diệu mà tiếp dẫn. Mã Tổ kêu lớn, “Đại Đức!” Vô Nghiệp ngoảnh đầu lại. Ai nghe tiếng kêu? Ai ngoảnh đầu lại? Đó chẳng phải hoàn toàn do tự tánh của Vô Nghiệp đó sao? Chỉ một tiếng quát của Mã Tổ đã làm Vô Nghiệp ngộ được cái diệu dụng của tâm vậy.

1033. Chuột thuyết pháp.

Thị lang Vương Công Tông Mộc nói với Liên Trì rằng:
- Nửa đêm, chuột kêu chít chít không ngừng, giảng hết cả bộ kinh Hoa Nghiêm.
Liên Trì nói:
- Ngay chính lúc đó, con mèo đột nhiên xuất hiện, biết phải làm sao?
Tông Mộc im lặng. Liên Trì bèn tự trả lời:
- Pháp sư chạy đi, lưu lại giảng án.
Sau đó lại làm một bài kệ như sau:
老鼠 喞 喞 華 嚴 歷 歷
Lão thử tức tức hoa nghiêm lịch lịch
奇哉 王 侍 郞 卻 被 畜
Kỳ tai Vương thị lang khước bị súc
生惑
sanh hoặc
猫兒 突 出 畫 堂 前
Miêu nhi đột xuất hoạch đường tiền
床頭 說 法 無 消 息
Sàng đầu thuyết pháp vô tiêu tức
無消 息 大 方 廣 佛 華
Vô tiêu tức đại phương quảng Phật hoa
嚴經
Nghiêm kinh
世主 妙 嚴 品 第 一
Thế chủ diệu nghiêm phẩm đệ nhất

Giảng Hoa Nghiêm chuột kêu chút chít
Đã làm mê hoặc Vương thị lang
Một chú mèo bỗng nhiên xuất hiện
Đâu người nói pháp nơi đầu giường
Và đâu phẩm thế chú diệu nghiêm
Của Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm.
(Ngộ Không dịch)
(Thiền Chi Hoa)
Do tiếng kêu, “Chít, chít” của con chuột, có thể thể hội một bộ kinh Hoa Nghiêm; Tông Mộc tâm theo vật mà chuyển bị súc sinh sở hoặc. Người tu nếu đạt đến “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” thì đạt được tâm cảnh vật ngã là một. Nếu tùy duyên mà biến thì tâm có sở trụ không đạt được “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” của cảnh giới giác ngộ. Tâm trụ thì không linh, các pháp theo đó mà diệt. Như chuột thuyết pháp, con mèo xuất hiện, chuột bèn lẩn trốn. Tâm bị vật mà động, trí bị thức mà mê như vậy làm sao khai mở được Phật tri kiến? Vì vậy, muốn thành Phật, phải tu tâm kiến tánh, tu thiền cũng vậy, mà tu tịnh cũng vậy. Vương thị lang đêm nghe chuột thuyết pháp không phản hồi nghe tự tánh vì vậy không kiến tánh, do đó ngày càng rời xa Đạo. Chuyện nghe chuột thuyết pháp chỉ thành hý luận. Nếu có thể ngộ, một niệm phản tỉnh thì một mầu sắc, một mùi hương đều là trung Đạo, tiếng gió, tiếng mưa chẳng phải là không diệu đế.

1034. Thế nào là Chánh Nhãn.

Có lần Triệu Châu định lên Ngũ Đài sơn thăm chùa Thanh Lương là đạo trường của Bồ Tát Văn Thù. Có ông tăng nghe Triệu Châu định đi chùa Thanh Lương bèn làm bài kệ sau, trao cho Triệu Châu:
何處 清 山 不 道 場
Hà xứ thanh sơn bất đạo tràng
何須 策 杖 禮 清 凉
Hà tu sách trượng lễ thanh lương
雲中 縱 有 金 毛 現
Vân trung túng hữu kim mao hiện
正眼 觀 時 非 吉 祥
Chánh nhãn quán thời phi cát tường

Chỗ nào núi xanh chẳng đạo trường
Việc gì chống gậy lễ Thanh Lương
Trong mây dầu có Kim Mao hiện
Chánh Nhãn nhìn xem chẳng cát tường.

Triệu Châu bèn hỏi lại một câu:
- Thế nào là Chánh Nhãn?
Ông tăng không lời đáp lại. Do đó Triệu Châu vẫn cứ đi.
(Thiền Chi Hoa)
Ông tăng làm bài kệ cho rằng Triệu Châu chưa lìa được quan niệm về Không Gian và Ảnh Tượng. Vì pháp thân Phật ở khắp nơi, chỉ cần tâm niệm chúng ta thanh tịnh thì có thể cảm ứng được; việc gì phải chấp tượng Phật do bùn đắp nên mà phải đi Ngũ Đài Sơn để lễ bái? Triệu Châu biết ông tăng có tri kiến như vậy mà vị tất đã có ngộ cảnh; còn ông tăng không biết Triệu Châu chính là người có Chánh Nhãn. Một người có Chánh Nhãn đương nhiên không bị thời, không gian và ảnh tượng ngăn trở, nhưng cũng không phủ định sự tồn tại của mọi tướng. Ông tăng làm bài kệ trước hết đã có quan niệm về Thanh Sơn, đạo trường Kim Mao (viết tắt của Kim Mao Sư Tử: chỉ trí tuệ), Cát Tường (viết tắt của Diệu Cát Tường, chỉ Bồ Tát Văn Thù), Chánh Nhãn. Như vậy là đã chấp tướng rồi, làm sao kiến tánh được? Kinh Kim Cương có nói, “Nếu thấy các tướng là không tướng thì thấy Như Lai.” Do đó, ông tăng bị Triệu Châu hỏi lại một câu đã không lời đáp lại. Nhìn bánh vẽ không làm cho no. Chỉ những người đã vào được bể trí tuệ chân như thì đối với bản thân mới có thọ dụng chân chính vậy.

1035. Đỉnh núi không mây vờn
Lòng sóng, bóng trăng rơi.


Từ Minh hỏi Thúy Nham:
- Đại ý Phật pháp là gì?
Thuý Nham đáp:
Đỉnh núi không mây vờn
Lòng sóng, bóng trăng rơi.
- Đầu tóc bạc trắng, răng rụng cũng nhiều rồi mà còn kiến giải như vậy, ngươi làm sao mà phá vòng sinh tử?
Thúy Nham kinh sợ, khẩn khoản cầu Từ Minh chỉ bảo. Từ Minh nói:
- Ngươi hỏi lại đi.
Thúy Nham hỏi lại:
- Thế nào là đại ý của Phật pháp?
Từ Minh đáp:
Đỉnh núi không mây vờn,
Lòng sóng, bóng trăng rơi.
(Thiền Chi Hoac)
“Đỉnh núi không mây vờn” là chỉ chân không, là lý pháp giới. “Lòng sóng, bóng trăng rơi” là chỉ diệu hữu, là lý sự pháp giới. Toàn câu là để chỉ Chân Không Diệu Hữu. Cũng tương tự như Tâm Kinh có nói, “Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Nếu có người trần thuật ngộ cảnh của mình cho thiền sư, thiền sư sẽ khảo nghiệm xem có ngộ thật không. Nếu học nhân nói đúng, thiền sư sẽ cố ý nói là không đúng khiến học nhân nghi ngờ; sau đó mới bảo học nhân hỏi lại. Rồi sau đó trả lời bằng chính câu nói của học nhân làm cho học nhân hết nghi hoặc mà thêm lòng tự tín.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 8:54 PM | Message # 213
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1036. Ly khai hai bên.

Để khảo nghiệm tăng đồ, Hương Nghiêm Trí Nhàn nêu ra vấn đề như sau:
- Người cầu Đạo giống như một người dùng răng cắn vào cành cây, mình lơ lửng giữa trời. Bên dưới có người đặt câu hỏi, “Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?” Nếu không đáp là không biết, nếu mở miệng đáp thì sẽ rơi xuống mà chết. Xin hỏi phải làm sao?
Lúc đó Hổ Đầu Chiêu hòa thượng cũng có mặt bèn đứng dậy thưa:
- Không hỏi lúc đã ở trên cây, xin hỏi lúc chưa trèo lên cây thì thế nào?
Hương Nghiêm nghe rồi ha hả cười lớn.
(Thiền Chi Hoa)
Phàm nhân chúng ta tâm động thì niệm sanh, Vọng tưởng chấp trước nên bị lạc vào biên kiến. Yếu chỉ của thiền là trừ khử biên kiến. Chúng ta vỉ sao không chứng được trí tuệ Như Lai? Chỉ bởi vì Vọng và Chấp vậy. Mà Vọng và Chấp là do tâm động mà sanh. Hương Nghiêm có ý giúp đồ đệ tự phá biên kiến. Trong công án trên trả lời hay không trả lời đều là biên kiến; chẳng bằng hỏi lúc chưa trèo lên cây thì sao? Đó chính là đã chứng được bản lai diện mục. Phương pháp này đi thẳng vào tâm trách chi Hương Nghiêm chẳng cười lớn sao được.

1037. Thể hội đại Đạo.

Có người hỏi Mã Tổ:
- Vì sao thiền sư nói: “Tức tâm, tức Phật.”?
- Để dỗ con nít khỏi khóc!
- Đứa trẻ ngưng khóc rồi làm sao?
- Bảo nó: “Phi tâm, phi Phật.”
- Ngoài hai phương pháp trên còn phương pháp nào để tiếp dẫn người tu chăng?
- Bảo cho hắn biết hắn không phải là “vật.”
- Còn người đã giác ngộ thì sao?
- Cứ theo tự tâm mà thể hội đại Đạo.
(Thiền Chi Hoa)
Câu đáp thứ nhất là đối với những người chấp không, dùng khẳng định mà khai thị.
Câu đáp thứ hai là đối với những người chấp có dùng phủ định mà khai thị.
Câu đáp thứ ba là đối với những người chấp không và có. Phải loại trừ mọi chấp trước.
Câu thứ tư là đối với những người đã ngộ rằng không và có không phải là hai, giúp cho ngưòi này giữ được ngộ cảnh.
Nói một cách tổng quát, Phật pháp không có một pháp nhất định, mục đích là làm sao cho chúng sinh khai thị mà ngộ được cái “Phật tri kiến” vậy.

1038. Không ra không vào.

Có vị giảng sư đến hỏi Mã Tổ:
- Không biết Thiền tông chuyên tu pháp nào?
Mã Tổ không trực tiếp trả lời mà hỏi ngược lại:
- Ngươi chuyên tu pháp nào?
- Nói ra thì hổ thẹn, bần tăng đã giảng ngoài hai chục bộ kinh.
- Thật là sư tử hống.
- Không giám!
Mã Tổ bèn giả tiếng sư tử gầm lên. Hòa thượng nói:
- Đó cũng là pháp.
- Pháp gì vậy?
- Sư tử ra khỏi hang.
Mã Tổ lại im lặng không nói. Hòa thượng nói:
- Đó cũng là pháp.
- Pháp gì vậy?
- Sư tử ở trong hang.
Mã Tổ hỏi:
- Không ra, không vào là pháp gì vậy?
Hòa thượng không có lời nào đáp lại được.
(Thiền Chi Hoa)
Tiếng gầm là một pháp sinh diệt. Khi gầm lên chỉ sư tử ra khỏi hang, khi im lặng chỉ sư tử vào trong hang. Cả hai (ra, vào) đều là loại tướng động. Nếu tâm có khởi cầu tĩnh thì tức là đã động rồi. Câu Mã Tổ hỏi: “Không ra, không vào là pháp gì?” chỉ cảnh giới vượt ngoài cả động lẫn tĩnh. Nhưng vì hoà thượng chỉ hiểu có một mặt động không hiểu rằng chân tâm thì động tĩnh là một cho nên không đáp được. “Động tĩnh là một” không thể dùng lý mà ngộ được, lại càng không thể dùng lời mà giảng ra được, chỉ có thực chứng.

1039. Ai là người sau?

Đạo Ngộ hỏi Thạch Đầu:
- Nếu siêu thoát định, tuệ. Xin hỏi sẽ bảo kẻ khác cái gì nữa?
- Ta vốn không có nô lệ, nói gì đến siêu thoát.
Đạo Ngộ buồn phiền hỏi:
- Nói như vậy, ai mà hiểu nổi?
Thạch Đầu không trực tiếp trả lời mà hỏi lại:
- Ngươi hiểu chữ “Không” chăng?
- Đối với chữ “Không” đệ tử cũng có chỗ tâm đắc!
- A!Không ngờ ngươi là “Người phía bên kia”.
Đạo Ngộ phản đối:
- Đệ tử không phải là “Người phía bên kia.”
Thạch Đầu cười mà rằng:
- Ta đã sớm biết cư xứ của ngươi.
Đạo Ngộ phẫn nộ:
- Sư phụ lấy chứng cứ gì mà vu khống cho đệ tử?
- Thân thể ngươi là chứng cứ.
- Cứ nói như vậy thì làm sao người sau hiểu đạo được?
Thạch Đầu hét lên:
- Ai là người sau?
Đạo Ngộ hoát nhiên đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Không có “nô lệ” đương nhiên đều là chủ nhân như vậy đương nhiên không phân biệt tự tha (ta, người). Đó là để đối lại với” kẻ khác” của Đạo Ngộ. Khi Đạo Ngộ nói, “Đệ tử không phải là ‘người phía bên kia’ ý nói mình không phải là tiểu thừa “không tông.” Đạo Ngộ đã không hiểu chữ “Không” của Thạch Đầu là một pháp chẳng lập, trong chữ không đó không có phân biệt tự tha. “Thân thể ngươi là chứng cứ” vì thân thể là do ảo mà có, cuối cùng cũng quay về không. Vì có thân thể nên có tự tha, thân thể diệt thì hoàn không, tự tha cũng không nốt. Vì người không có tự tha, đều là một thể tự tánh, tự giác tức giác tha, làm gì còn có người sau? Do đó Đạo Ngộ hoát nhiên khai ngộ.

1040. Một trở về đâu?

Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Vạn pháp trở về một, một trở về đâu?
Triệu Châu đáp:
- Ta tại Thanh Châu may một cái áo bông nặng bẩy cân rưỡi.
(Thiền Chi Hoa)
Kinh Phật thường dùng một và nhiều để trỏ Thể và Dụng. Một là Thể và nhiều là Dụng. Vì bản thể chỉ có một cái tuyệt đối không tánh, mà Dụng thì có thiên biến vạn hóa. Câu đáp của Triệu Châu không phải là câu trả lời. Một cái áo bông là cái một, nặng bẩy cân rưỡi là cái nhiều. Một không lìa bẩy rưỡi, bẩy rưỡi không lìa một tức diễn cái ý một là tất cả, tất cả là một nếu theo câu hỏi của ông tăng thì câu đáp sẽ là, “Vạn pháp trở về một, một trở về vạn pháp”.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:00 PM | Message # 214
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1041. Con vịt trời của Bách Trượng.

Có lần Bách Trượng và sư phụ là Mã Tổ ra ngoài, thấy con vịt trời đang bay. Mã Tổ hỏi:
- Con gì vậy?
- Con vịt trời.
Mã Tổ hỏi:
- Bay đi đâu vậy?
- Đã bay đi rồi!
Mã Tổ đột nhiên lấy tay bóp mũi Bách Trượng.
Bách Trượng bị đau kêu lớn:
- Ái!
Mã Tổ nói:
- Ngươi nói đã bay đi rồi, nhưng cho tới giờ tất cả đều chả ở đây là gì?
Bách Trượng nghe câu nói đó, toàn thân xuất mồ hôi lạnh khai ngộ ngay chính lúc đó.
(Thiền Chi Hoa)
Đối với thiền gia thì mắt nhìn, tai nghe toàn là do tự kỷ. Vịt trời đang bay hay đã bay đi rồi đều là do mình. Mã Tổ nói: “Con gì” trực tiếp trỏ pháp không ẩn mật mà hiển lộ ngay trước mắt. Câu đáp của Bách Trượng “là con vịt” làm mất đi chân sinh mạng của “pháp.” Nếu do tự thể của Pháp mà nói con vịt trời là con vịt trời, hoặc ‘núi tự cao, biển tự sâu’ thì mới đúng. Còn nếu lấy con vịt trời làm cảnh thì ta đã phân ra chủ khách, trong ngoài. Nếu hiểu được rằng vạn cảnh đều do chân như thể hiện thì tâm cảnh chỉ là một. Mã Tổ muốn Bách Trượng hiểu đạo lý đó nên bóp mũi Bách Trượng làm Bách Trượng hiểu rằng tất cả khách quan đều do chủ quan triển khai, tất cả khách thể đều do chủ thể mà thành do đó chứng được thánh cảnh, “Một là tất cả, tất cả là một”. Nếu có chứng được cảnh giới này thì mới có thể tùy xứ mà phát triển tánh sáng tạo của mình được.

1042. Hạt gạo này từ đâu tới?

Thạch Sương đang đong gạo tại kho, Quy Sơn đến nơi và nói:
- Cẩn thận, đừng làm hao gạo của thí chủ.
Thạch Sương hiểu nghĩa bóng, bèn trả lời:
- Không làm hao đâu!
Quy Sơn nhặt một hạt gạo rơi trên đất và nói:
- Ngươi nói không, vậy hạt gạo này từ đâu ra?
Thạch Sương không lời đáp lại. Quy Sơn lại nói:
- Đừng coi thường hạt gạo này, hàng trăm ngàn hạt gạo từ hạt này mà ra đó!
Thạch Sương hỏi:
- Hàng trăm ngàn hạt từ hạt này mà ra, nhưng chẳng biết hạt này từ đâu ra?
Quy Sơn ha hả cười lớn, trở về phương trượng thất.
(Thiền Chi Hoa)
Câu của Quy Sơn, “hàng trăm ngàn hạt từ hạt này mà ra” ý nói vạn pháp đều do tự tánh sinh ra. Câu của Thạch Sương, “Chẳng biết hạt này từ đâu ta?” là hỏi “Tự tánh từ đâu mà ra?” Quy Sơn biết Thạch Sương đã ngộ tự tánh là đệ nhất nguyên lý nên ha hả cười lớn. Quy Sơn không dùng phương pháp át (hét), bổng (đánh), từ những sự việc tầm thường Quy Sơn đã nhìn thấy những chỗ mà người thường không thể thấy, tuy là những lời bình thường nhưng mỗi lời đều là chân lý, thấm sâu vào tận xương tủy vậy.

1043. Đầu Tạng trắng, đầu Hải đen.

Có ông tăng hỏi Mã Tổ:
- Ly Tứ Cú, Tuyệt Bách Phi, xin hỏi” Ý của Tổ sư từ Tây sang là gì?”
- Hôm nay ta mệt lắm, không giải thích cho ngươi được, ngươi đi mà hỏi Trí Tạng.
Ông tăng đi hỏi Trí Tạng, Trí Tạng hỏi lại:
- Sao ngươi không đi hỏi sư phụ?
- Chính sư phụ bảo đệ đi hỏi sư huynh.
- Ta hôm nay nhức đầu lắm, không giải thích cho ngươi được, ngươi kiếm Hoài Hải mà hỏi.
Ông tăng này lại đi hỏi Hoài Hải. Hoài Hải đáp:
- Ta cũng chẳng biết.
Ông tăng này trở về thưa với Mã Tổ. Mã Tổ bèn nói:
- Đầu Tạng trắng, đầu Hải đen.
(Thiền Chi Hoa)
Trắng là “Minh Đầu Hợp”, đen là “Ám Đầu Hợp” đều là thuật ngữ của thiền gia. “Minh Đầu Hợp” chỉ Dụng, “Ám Đầu Hợp” chỉ Thể. Trí Tạng là Minh Đầu Hợp, vì nhức đầu nên không giải thích được, giả như nếu không bệnh thì sẽ trả lời, đó là thế pháp, là Dụng. Hoài Hải là “Ám Đầu Hợp, “Ta cũng chẳng hiểu” là chỉ tự tánh là Thể. Cứ như cách thấy của Hoài Hải thì “Ý của tổ sư từ Tây sang” vượt ngoài cả khẳng định và phủ định, không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được, cũng như Lão Tử quan niệm “Đạo có thể gọi, thì không phải là Đạo thường, tên có thể gọi, thì không phải là tên thường” hoặc cảnh giới “được ý, quên lời” của Trang Tử.

1044. Phật tánh ở mọi nơi.

Vân Môn khai thị đại chúng:
- Người niệm Phật nhiều như cát sông Hằng, nhưng có ai hiểu được Phật tánh ở đâu?
Rất lâu, đại chúng không ai đáp được, thiền sư vì đại chúng mà tự đáp:
- Đều khắp.
(Thiền Chi Hoa)
Câu đáp của Vân Môn có ý là Đạo không trụ tại một nơi nào nhất định mà ở khắp mọi nơi, cũng như Trang Tử cũng đã nói Đạo ở loài giun dế, ở cả cứt đái.

1045. Cây trà.

Có một lần, Ngưỡng Sơn theo Quy Sơn lên núi hái trà.
Quy Sơn nói với Ngưỡng Sơn:
- Chúng ta hái trà cả ngày mà chỉ phảng phất nghe thấy tiếng chứ không nhìn thấy hình thể.
Ngưỡng Sơn nghe rồi, dùng sức mà lay cây.
Quy Sơn thấy vậy nói:
- Ngươi chỉ thấy Dụng chứ không thấy Thể.
Ngưỡng Sơn hỏi:
- Sư phụ muốn thế nào?
Quy Sơn yên lặng không nói.
Ngưỡng Sơn lại nói:
- Sư phụ chỉ biết Thể chứ không biết Dụng.
Quy Sơn bèn nói:
- Ta đánh cho ngươi ba mươi gậy.
- Sư phụ đánh con, còn con thì đánh ai đây?
- Ta lại đánh ngươi ba mươi gậy nữa!
(Thiền Chi Hoa)
Ngưỡng Sơn lay cây để chỉ cái Động của Dụng. Quy Sơn yên lặng để chỉ cái Tịch Tĩnh của Thể. Ngưỡng Sơn vì Quy Sơn mà phá Thể, nhưng vì tự tánh không thể dùng lời mà nói, vì nói ra là chấp tướng. Do đó Quy Sơn đánh Ngưỡng Sơn ba mươi gậy. Ngưỡng Sơn nghĩ sư phụ đã nói ra Dụng thì sao mình lại không thể nói ra Thể. Già sử nói không trúng thì sư phụ cũng bị ăn gậy. Nhưng Ngưỡng Sơn không biết rằng Động mà nói ra thì không sai, nhưng Tịnh mà nói ra thì lại sai. Vì vậy Quy Sơn lại đánh cho Ngưỡng Sơn ba mươi gậy nữa.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:06 PM | Message # 215
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1046. Do sinh hoạt hàng ngày mà ngộ Đạo.

Long Đàm nói với Đạo Ngộ rằng:
- Từ ngày đệ tử đến đây chưa hề được nghe sư phụ chỉ dạy tâm yếu.
- Từ ngày ngươi đến đây không có lúc nào là ta không chỉ cho ngươi tâm yếu?
Long Đàm chẳng chịu lại hỏi:
- Sư phụ có chỉ cho con cái gì đâu?
Đạo ngộ đáp:
- Ngươi thử nghĩ lại mà xem: khi ngươi bưng trà lại, ta uống; khi ngươi bưng cơm lại, ta ăn; khi ngươi hành lễ, ta gật đầu. Đó không phải đều là chỉ thị tâm yếu cho ngươi sao? Tại sao lại bảo ta không chỉ?
Long Đàm cúi đầu suy nghĩ rất lâu, lúc đó Đạo Ngộ lại nói:
- “Ngộ tức chân ngộ, suy tưởng là sai.”
Nghe câu nói đó Long Đàm liền khai ngộ.
Lại hỏi:
- Làm sao giữ được ngộ cảnh này?
- Dễ dàng thôi, chỉ cần ngươi thuận theo tự tánh, giữ tâm bình thường, không phân phàm thánh là được.
(Thiền Chi Hoa)
Tu đạo không cần người khác, chỉ cần trong sinh hoạt hàng ngày mà luyện tâm, lâu dần có thể tự ngộ. Khai ngộ cũng vậy, bảo trì ngộ cảnh cũng vậy. Đạo rất bình thường, không hề kinh thế hãi tục. Kinh Kim Cương có chép rằng: “Tới giờ độ thực, Đức Thế Tôn, sửa y, trì bát vào thành xá Vệ khất thực, khất thực rồi về chỗ ở độ thực, sau đó thâu y bát, rửa chân, ngồi thiền.” Cho chúng ta thấy rằng sinh hoạt của Phật tổ so với thường nhân cũng không khác. Sách Trung Dung có nói rằng: “Đạo không xa người, người vì Đạo mà xa người, không thể gọi là vì Đạo.” Cũng chính là ý này vậy.

1047. Lễ Phật.

Có lần Hoàng Bá đến bái phỏng Diêm Quan thiền sư, vào chùa hướng về tượng Phật hành lễ. Lúc đó Đường Tuyên Tông đang làm sa di ở chùa, hỏi thiền sư rằng:
- Người cầu Đạo không chấp Phật, Pháp, Tăng, xin hỏi vì sao người lại hành lễ?
Hoàng Bá đáp:
- Ta vốn không chấp Phật, Pháp, Tăng, hành lễ chỉ là do tùy duyên mà thôi.
Tuyên Tông lại hỏi:
- Hành lễ có ích gì?
Hoàng Bá tiện tay tát cho Tuyên Tông một cái. Tuyên Tông kêu lên:
- Cái người này, sao lại thô lỗ như vậy?
Hoàng Bá lại hét lên:
- Đây là đâu ngươi biết không? Lại còn kêu thô với tế?
(Thiền Chi Hoa)
Thiền tông không sùng bái ngẫu tượng, lại còn phá trừ quan niệm về ngẫu tượng, không thiếu những câu truyện thiền trong đó các thiền sư mắng Phật, mắng Tổ, đốt tượng . v. v. Nhưng những hành động đó đều là phương tiện để phá chấp cho học nhân, còn bình thường gập tượng Phật thì cũng cung kính lễ bái. Hoàng Bá tát cho Tuyên Tông một cái là để giải trừ cái chấp của Tuyên Tông. “Ta là Hoàng Tử” nhưng Tuyên Tông không hiểu còn nói Hoàng Bá thô lỗ. Không biết rằng ở tự tánh làm gì có thô với tế, hơn nữa tu viện không phải là triều đình, sa di chẳng phải là Hoàng tử.

1048. Tổ sư thiền.

Một hôm Ngưỡng Sơn khảo nghiệm sư đệ là Hương Nghiêm Trí Nhàn, hỏi sư đệ gần đây tâm đắc như thế nào? Hương Nghiêm làm một bài kệ rằng:
去年 貧 未 是 貧
Khứ niên bần vị thị bần
今年 貧 始 是 貧
Kim niên bần thủy thị bần
去年 貧 猶 有 卓 錐 之 地
Khứ niên bần do hữu trác trùy chi địa
今年 貧 錐 也 無
Kim niên bần trùy dã vô.

Năm ngoái, nghèo chưa là nghèo
Năm nay, nghèo mới là nghèo.
Năm ngoái nghèo, còn đất để cắm
Năm nay nghèo, không cả dùi cắm.
Ngưỡng Sơn nghe rồi cười ha hả:
- Sư đệ, ta thừa nhận ngươi đã qua Như Lai Thiền, còn như Tổ Sư Thiền tưởng ngươi nằm mộng cũng chưa tới được.
Do đó Hương Nghiêm lại làm một bài kệ nữa:
我有 一 機
Ngã hữu nhất cơ
瞬目 是 伊
Thuấn mục thị y
若人 不 會
Nhược nhân bất hội
別喚 沙 彌
Biệt hoán sa di.

Ta có một cơ
Chớp mắt là y
Nếu ngươi chẳng hiểu
Đừng gọi sa di.

Nghe xong bài kệ, Ngưỡng Sơn rất cao hứng bèn đi báo cáo với Quy Sơn:
- Sư đệ đã đắc Tổ Sư Thiền.
(Thiền Chi Hoa)
Như Lai Thiền là chỉ tiệm tu, Tổ Sư Thiền là chỉ đốn ngộ. Bài kệ thứ nhất diễn tả cảnh giới Như Lai Thiền. Nghèo chỉ là Không. Năm ngoái đã tu tập được Nhân Không, vì vậy nói, “Năm ngoái nghèo, chưa là nghèo”, chưa đạt được chữ Không triệt để.Năm nay tu tập đến Pháp Không nên viết “Năm nay nghèo mới là nghèo”. Muốn tới cảnh giới này chỉ cần tu tập Giới, Định, Tuệ. Bài kệ thứ nhì cho thấy đã ngộ nhập Chân Ngã vượt ngoài tất cả những quan niệm về lý tính. “Cơ” là chỉ tự kỷ tâm linh, “Y” là chỉ chân ngã. “Chớp mắt là y” là trọng tâm của bài kệ, diễn tả sự đốn ngộ cảnh giới Chân Ngã, tức Tổ Sư Thiền.

1049. Thì là cái đó.

Động Sơn, sau khi ngộ đạo, đến bái biệt lão sư Vân Nham, đề ra câu hỏi đã thắc mắc từ lâu:
- Sư phụ, giả sử trăm năm sau có người hỏi con có còn nhớ Chân Diện Mục của Thầy không thì phải đáp làm sao?
Vân Nham mỉm cười, nhìn Động Sơn, qua một lúc rồi nói:
- Thì là cái đó.
(Thiền Chi Hoa)
Cái đó, chính là cái Lục tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh có nói qua:
Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt,
Nào ngờ tự tánh vốn trọn vẹn,
Nào ngờ tự tánh vốn không dao động,
Nào ngờ tự tánh có thể sinh ra vạn pháp!
“Cái đó” là tự tánh vượt ngoài cả phủ định và khẳng định, không có đối đãi chấp trước, là cái một, hễ nói ra là sai, chỉ dùng trực giác mà thể ngộ.

1050. Hư không mất tiêu.

Thượng tọa Ngạn Minh là vị học thức quảng bác, có ký ức tốt, lại giỏi biện bác, nên có ý tự phụ. Một hôm đến bái phỏng Bảo An Huệ Minh thiền sư; thiền sư hỏi rằng:
- Càng nói nhiều lại càng xa Đạo, nay ta có một câu hỏi: ‘Lúc trước các Thánh nhân và các Tiên Đức còn có vị nào không ngộ chăng?’
Ngạn Minh đáp:
- Đã gọi là Thánh Nhân, Tiên Đức thì sao lại không ngộ được?
Huệ Minh nói:
- Một người trở về nguồn chân, thì mười phương hư không đều tiêu mất, nay Thiên Đài Sơn vẫn tồn tại, vậy là sao?
Ngạn Minh không sao đáp được.
(Thiền Chi Hoa)
“Một người trở về nguồn chân, mười phương hư không đều tiêu mất”, đây là lời kinh Lăng Nghiêm giảng giải tự chứng cảnh giới của tâm, không phải là chỉ ngoại cảnh của hiện tượng giới. Thiền là tự tu tâm tánh mình không phải là tu cho tha nhân, lại càng không phải là tu sơn hà đại địa của ngoại cảnh. Thiền tâm là vô tâm, không chấp một pháp. Nếu còn có một vi trần tại tâm thì không thể nào kiến tánh được. Khi đã đạt được tới cảnh giới một niệm chẳng sanh thì tâm đã vượt lên trên quan niệm về thời không, vật ngã năng sở. Mười phương hư không còn chẳng có, nói gì đến Thiên Đài sơn? Minh thượng tọa vì không thực ngộ, nên làm sao hiểu được điều đó.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:09 PM | Message # 216
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1051. Bặt đường suy nghĩ.

Chấn Lãng hỏi Thạch Đầu rằng:
- Tổ sư Đạt Ma từ Tây sang là có ý gì?
- Đi mà hỏi cây cột (lộ trụ)
- Đệ tử chẳng hiểu một tý gì?
- Ta cũng chẳng hiểu gì cả!
(Thiền Chi Hoa)
Câu của Thạch Đầu “Đi mà hỏi cây cột” là muốn đả phá sự hướng ngoại tìm cầu của Chấn Lãng, mà phải quay về quán chiếu tự tánh. Còn nếu cố chấp cứ theo cây cột mà cố giải thích thì càng chấp thêm không sao ngộ Đạo được. Mục đích của tổ Đạt Ma từ tây phương sang Trung thổ sợ rằng ngay chính ngài cũng chẳng rõ. Có thể là do nhiều nguyên nhân tụ họp mà thành, có thể là do lòng từ bi của Phật, có thể là do lòng từ bi của tổ Đạt Ma, hoặc do nhiều nguyên nhân khác nữa, tóm lại là điều không thể nghĩ bàn: nếu cố giải thì sai lầm vì vậy khi gập câu hỏi trên, các thiền sư đều tùy tiện dùng ngoại cảnh mà làm cho đứt đoạn sự suy nghĩ của đối phương.

1052. Đại ý của Phật pháp.

Đạo Ngộ hỏi:
- Thế nào là là đại ý của Phật pháp?
Thạch Đầu đáp:
- Không đuợc, không biết.
- Trên đó còn gì nữa không?
- Trời cao chẳng ngăn ngại mây trắng bay.
(Thiền Chi Hoa)
Câu trả lời thứ nhất: Bác bỏ sự hướng ngoại tìm cầu.
Câu trả lời thứ hai: Phật pháp là viên dung vô ngại, tới đi tự như, tiêu dao tự tại.

1053. Chém mèo.

Có một lần các tăng sĩ ở Đông đường và Tây đường vì một con mèo mà khởi sự tranh chấp. Khi Nam Tuyền biết chuyện túm lấy con mèo, nói với mọi người rằng:
- Các ngươi nói đúng, thì con mèo đuợc cứu, bằng không ta sẽ chém nó.
Mọi người yên lặng, không nói được lời nào. Do đó, Nam Tuyền chém con mèo thành hai đoạn. Khi Triệu Châu trở về, Nam Tuyền thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Triệu Châu không nói một tiếng, tháo dép đội lên đầu đi ra. Nam tuyền bèn nói:
- Giả như lúc đó ngươi có mặt thì đã cứu được con mèo rồi.
(Thiền Chi Hoa)
Từ bi vốn là căn bản của nhà Phật. Nam Tuyền lấy dao chém mèo thành hai đoạn khiến cho mọi người kinh hãi. Nam Tuyền bất mãn vì chư tăng là những người đã xuất gia mà lại tranh chấp một con mèo, do đó chém mèo chỉ dạy người xuất gia chân chính phải đoạn tuyệt trần thế. Chỉ có dùng phương pháp độc đáo ấy mới làm cho người ta chân chính hướng về tự do siêu nhiên. Triệu Châu đội dép lên đầu mà đi ra để chỉ không chấp thường lý là dép thì phải mang ở dưới chân. Nếu muốn siêu thoát thì phải bỏ hết mọi thị phi của trần thế.

1054. Phá cả ba cửa.

Thắng Quang dùng cưa, cưa đôi một con giun đất hỏi thiền sư rằng:
- Hôm nay đệ tử cưa một con giun đất thành hai đoạn, hai đầu của nó đều động đậy, không biết tánh mạng của nó ở đầu nào?
Thần Lực cầm cưa lên hướng về đầu phía phải đập một cái, đầu phía trái đập một cái, vào khoảng giữa đập một cái, rồi ném cưa mà đi.
(Thiền Chi Hoa)
Công án này cho thấy thiền sư đả phá cả ba quan niệm không, hữu và trung.
Đập phải và trái đả phá không và hữu.
Đập giữa đả phá trung.
Ném cưa mà đi đả phá xong cả ba quan niệm.

1055. Cốt tủy đạo Phật.

Hàn Dũ, bận rộn công vụ không thể đến tham phỏng thiền sư Đại Điên luôn. Một hôm gập thiền sư, thưa rằng:
- Đệ tử việc công bận rộn, xin lão sư chỉ điểm cho những điểm cốt yếu của Phật đạo.
Rất lâu, Đại Điên không nói. Hàn Dũ không biết là ý gì. Lúc đó Tâm Bình là thị giả của thiền sư, gõ xuống thiền sàng ba lần. Thiền sư hỏi:
- Làm gì vậy?
Tâm Bình đáp:
- Trước lấy định chế động, sau dùng trí nhổ lên.
Hàn Dũ nghe rồi hốt nhiên đại ngộ, cảm động nói:
- Thiền sư môn phong cao thâm, đến cả thị giả cũng đã nhập thủ.
(Thiền Chi Hoa)
Chúng sinh do chấp vọng tưởng, tạo nghiệp nên thọ khổ. Vô tận phiền não chướng ngại tự tánh làm cho chúng sinh không thể lìa khổ mà được vui. Làm sao để phá những chướng ngại này mà tỏ ngộ đó là công phu tu trì. Tu trì là tu Giới, Định, Huệ để diệt Tham, Sân, Si. Hàn Dũ là văn nhân không thiếu Huệ, nhưng thiếu Định. Tâm Bình theo kinh Niết Bàn, tùy chứng mà cho thuốc. Do đó, muốn trừ tâm danh lợi của Hàn Dũ thì phải dùng Định Lực, sau đó dùng trí Huệ mà nhổ nó lên.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:14 PM | Message # 217
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1056. Triệu Châu cổ Phật.

Có ông tăng từ phương Nam lại bái phỏng Triệu Châu; kể lại đối thoại giữa Tuyết Phong và đệ tử. Đệ tử:
- Xin hỏi thế nào là hồ cũ, suối lạnh?
Tuyết Phong nói:
- Như ngươi trợn mắt nhìn mà không thấy đáy.
Đệ tử hỏi:
- Người uống nước thì sao?
Tuyết Phong đáp:
- Hắn không dùng miệng uống.
Triệu Châu nghe rồi, bèn có ý khôi hài mà rằng:
- Nếu không dùng miệng mà uống thì dùng mũi chăng?
Ông tăng không phục nói rằng:
- Vậy sao? Thiền sư thử nói xem thế nào là hồ cũ, suối lạnh?
Triệu Châu đáp:
- Vị đạo rất khổ.
Ông tăng lại hỏi:
- Người uống nước thì sao?
Triệu Châu đáp:
- Chết cho rồi!
Tuyết Phong nghe đoạn đối thoại trên tán thán rằng:
- Thật là cổ Phật! Cổ Phật!
Danh xưng “Triệu Châu cổ Phật” chính là do công án này.
(Thiền Chi Hoa)
“Hồ cũ, suối lạnh” là muốn hỏi thế nào là Đạo?
“Vị Đạo rất khổ”: nếu như ngươi muốn cầu Đạo thì phải trải qua nhiều rèn luyện nghiêm khắc để đạt tới cảnh giới quên vật, quên mình, phải chịu khổ trong khổ, chết đi sống lại.

1057. Truyền y bát.

Đạt Ma có lần chiêu tập đệ tử lại, bảo họ tự mình phát biểu sự thể hội ngộ cảnh. Đạo Phó thưa rằng:
- Như chỗ con thấy thì văn tự không nên chấp trước hay xả bỏ mà nên coi như một công cụ để cầu Đạo.
Đạt Ma nói:
- Ngươi được phần da của ta.
Có một nữ ni nói:
- Như chỗ con hiểu thì giống như ngài Khánh Hỷ thấy quốc độ của Phật A Xúc một lần rồi không thấy nữa.
Đạt Ma nói:
- Ngươi được phần thịt của ta.
Lại có một vị tên là Đạo Dục nói:
- Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) là không, ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng là không, cứ chỗ con thấy thì chính cái thế giới này, một pháp cũng chẳng có.
Đạt Ma nói:
- Ngươi được phần xương của ta.
Sau cùng Huệ Khả bước ra Hành lễ rồi đứng yên không động.
Đạt Ma nói:
- Ngươi được phần tủy của ta.
Do đó, mang y bát truyền cho Huệ Khả.
(Thiền Chi Hoa)
Tự tánh không thể nói ra lời được; vì dùng lời nói tức là có đối đãi là thế pháp không phải là tự tánh. Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Chư pháp tịch diệt tướng, bất khả dĩ ngôn tuyên.” Huệ Khả sau khi hành lễ đứng bất động tỏ ý Thể Dụng chẳng hai, là cảnh giới tối cao vì vậy mà được truyền y bát.

1058. Đổ nước trong bình.

Có một lần Ẩn Phong đến bái phỏng Nam Tuyền, gập đúng lúc mọi người đang tham thiền. Nam Tuyền chỉ cái bình nước nói với đại chúng rằng:
- Bình đồng là cảnh, trong bình có nước, ai có thể không làm động cảnh mà mang nước ra cho lão tăng?
Ẩn Phong không nói một tiếng, dốc ngược bình nước ngay trước mặt Nam Tuyền. Nam Tuyền chỉ còn cách ngăn lại.
(Thiền Chi Hoa)
Bình là cảnh, nước cũng là cảnh. Nếu đã không động đến cảnh (bình) thì cũng không thể động đến cảnh (nước). Nam Tuyền cố ý dùng mâu thuẫn này để khảo nghiệm đại chúng. Hành động của Ẩn Phong tỏ rằng Ẩn Phong đã vượt lên cả động lẫn tịnh cho nên không bị động tướng mê hoặc.

1059. Hai hổ cắn nhau.

Hàn lâm học sĩ Dương Đại Niên đáo nhiệm Nhữ Châu đến bái phỏng Hữu Liễn thiền sư. Hai người nói chuyện cho tới tối mịt. Hữu Liễn hỏi:
- Đạo hữu có tranh luận về Phật pháp với ai không?
- Đệ tử có hỏi thiền sư Vân Môn : “ Lúc hai hổ cắn nhau thì thế nào? ” Vân Môn đáp “Hợp thành một tướng”. Còn đệ tử thì đáp “Tôi chỉ xem thôi”. Không biết thiền sư có diệu pháp gì khác chăng?
- Lão tăng không giống các vị.
Đại Niên nói:
- Xin thử nói xem.
Hữu Liễn lấy hai tay bịt mũi:
- Súc sinh này càng lúc càng nồng.
Dương Đại Niên tức thời khai ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Hai hổ tượng trưng cho nhị biên đối đãi. Câu của Vân Môn là để phá nhị biên. Câu của Đại Niên tuy không lạc vào hai bên nhưng không phản hồi tự tâm để thân thiết thể nghiệm. Câu của Hữu Liễn chỉ sự thể hội tự kỷ tâm tánh hoạt bát tự tại, tức là đạt tới cảnh giới “Tri vọng tức ly, ly tức Bồ Đề” vậy.

1060. Nhiệm vụ của thiền sư.

Thạch Đầu lúc mới đến gặp Thanh Nguyên, Thanh Nguyên hỏi rằng:
- Phải ngươi từ Tào Khê (chỉ Huệ Năng) đến không?
Sau đó lại hỏi:
- Lúc ngươi chưa đến Tào Khê, ngươi mang gì theo?
- Lúc con chưa đến Tào Khê, con cũng chẳng thiếu gì!
- Đương nhiên là vậy, nhưng sao ngươi lại đến Tào Khê?
- Nếu con không đến Tào Khê làm sao con biết là con không thiếu gì.
(Thiền Chi Hoa)
Câu đáp cuối của Thạch Đầu cho chúng ta biết thiền sư đã thấy được bản lai diện mục do sự chỉ điểm của Huệ Năng. Do công án này chúng ta biết được một điều, đó là thiền sư không cung cấp cho chúng ta một cái gì, mà chỉ trợ giúp chúng ta quan sát nội tâm. Những giáo huấn chí diệu của các ngài là môi giới giúp cho chúng ta khai ngộ.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:17 PM | Message # 218
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1061. Bí mật công khai.

Hoàng Long thiền sư và thi sĩ Hoàng Sơn Cốc giao du rất thân. Hoàng Sơn Cốc hỏi Hoàng Long có mật pháp gì trao truyền không? Hoàng Long đáp:
- Khổng Tử đã chẳng nói qua “Một chữ, ta cũng chẳng dấu ngươi” sao?
Đúng lúc Hoàng Sơn Cốc định trả lời, Hoàng Long nói:
- Không phải, không phải.
Làm cho Hoàng Sơn Cốc chẳng hiểu gì cả.
Lại một hôm, Sơn Cốc theo Hoàng Long đi lên núi chơi, thấy hoa Quế nở đầy, Hoàng Long bèn hỏi:
- Ngươi thấy mùi hoa quế không?
Sơn Cốc đáp:
- Có.
Hoàng Long lại nói:
- Ngươi thấy đó, ta chẳng có điểm nào dấu ngươi cả!
Sơn Cốc liền đại ngộ nói:
- Thiền sư thật là lão bà tâm thiết.
Hoàng Long cười mà rằng:
- Ta chỉ hy vọng ngươi mau về nhà.
(Thiền Chi Hoa)
“Nhà” là chỉ bản lai diện mục, kinh Lăng Nghiêm gọi là tánh “diệu chân như”. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “nhất chân pháp giới”. Thiền gia gọi là “chủ nhân ông” hoặc “chánh pháp nhãn tạng.” Danh xưng tuy khác nhau nhưng bản chất thì đồng. Trăng thu, hoa xuân, thanh sơn, lục thủy, tất cả đều hiện thành ngay trước mặt, Đạo ở ngay đó, không đâu không có, làm gì có bí mật? Sơn Cốc không hiểu, bỏ gốc tìm ngọn, tìm cầu pháp môn bí mật, cho nên Hoàng Long muốn Hoàng Sơn Cốc ở trong bản tánh của hương hoa quế mà lãnh ngộ “đạo pháp tự nhiên” của Lão Tử phát hiện tự tánh chân ngã mà về “nhà.”

1062. Mượn chuyện để dạy Đạo.

Có một lần Quy Sơn đang đứng hầu sư phụ là Bách trượng. Bách Trượng bảo Quy Sơn bới trong lò xem có lửa không? Quy Sơn bới rồi thưa rằng không có. Bách Trượng thân đến lò bới sâu tìm được một điểm lửa nhỏ, bèn thổi cho cháy bùng lên rồi nói với Quy Sơn rằng:
- Đây chẳng phải là lửa sao?
Quy Sơn nghe câu nói đó hốt nhiên đại ngộ. Muốn làm một vị thiền sư thì phải quan sát kỹ lưỡng.
(Thiền Chi Hoa)
Bách Trượng mượn một điểm lửa nhỏ để thuyết minh chúng sinh đều có Phật tánh linh minh bất muội. Phật tánh này chúng ta phải tự mình thể nghiệm, thực chứng mới thấy được. Công phu càng thâm thì ngộ càng sâu. Huống hồ hiện tượng giới và bản thể giới tuyệt đối đều là một, cũng như “diệu” và “kiếu” của Lão Tử đều là “Huyền Đồng nhất thể”.

1063. Phúc Thuyền.

Có ông tăng đến tham phỏng Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
- Phúc Thuyền.
- Bề sinh tử còn chưa vượt, đến Phúc Thuyền làm gì?
Ông tăng không hiểu ý Tuyết Phong trở về thuật lại cho Phúc Thuyền. Phúc Thuyền nói:
- Sao ngươi không nói: “Đệ tử đã vượt qua sinh tử rồi!”
Do đó ông tăng đem lời chỉ dẫn của Phúc Thuyền mà trả lời Tuyết Phong. Tuyết Phong bèn nói:
- Đây nhất định không phải là ngươi nói, mà là chính sư phụ ngươi bảo ngươi nói thế!Đây ta có 20 gậy nhờ ngươi chuyển cho Phúc Thuyền. Ngoài ra còn 20 gậy dành riêng cho ta. Chuyện này không liên can gì đến ngươi cả.!
(Thiền Chi Hoa)
Câu của Tuyết Phong có ý “Cầu sinh thoát tử” là hãy còn biên kiến, phải làm sao vượt lên sinh tử, sinh tức vô sinh chính như kinh Duy Ma Cật nói “Bồ Tát bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”. Câu của Phúc Thuyền đương nhiên siêu thoát nhưng đệ nhất nghĩa đế không thể dùng lời mà nói ra; vì vậy Tuyết Phong và Phúc Thuyền đều phải ăn gậy.

1064. Chính là thế đó.

Có ông tăng hỏi Đạo Thông:
- Thế nào là gió đen thổi vào buồm, đưa thuyền đến La sát quỷ quốc?
- Bá ngọ! Hỏi chuyện này làm gì?
- Ông tăng biến sắc. Thiền sư chỉ vào ông và nói:
- Là thế đó!
(Thiền Chi Hoa)
Câu hỏi của ông Tăng xuất phát từ kinh Pháp Hoa. “Gió đen” là chỉ sự nóng giận. “Thuyền” chỉ con người. Có người nổi nóng giết người, đốt nhà, tự mình làm cho mình sa địa ngục. Đạo Thông không trả lời ngay vào câu hỏi mà dùng câu chửi khiến ông tăng nổi giận mà tự tỉnh ngộ. “Tâm khởi một niệm sân, thì trăm vạn chướng ngại tới!” và cũng là để giải đáp cho câu hỏi của ông tăng. Thật là kỳ diệu vậy!

1065. Ba loại cảnh giới

Lỗ Tổ nâng ly trà lên nói rằng:
- Lúc thế giới chưa thành thì đã có cái này.
Nam Tuyền:
- Ngày nay, người ta chỉ biết có cái này mà không biết thế giới.
Quy Tông:
- Đúng vậy.
Nam Tuyền:
- Sư huynh không tán đồng lối kiến giải đó sao?
Quy Tông nâng ly trà lên:
- Lúc thế giới chưa thành nói có cái này sao?
Nam Tuyền lấy tay vả vào miệng cười mà đi ra. Quy Tông đứng bên giơ tay làm như tiếp chưởng của Nam Tuyền coi bộ rất mãn ý.
(Thiền Chi Hoa)
“Cái này” là chỉ tự tánh. Câu của Lỗ Tổ chỉ rằng còn chấp tự tánh. Câu thứ nhất của Nam Tuyền dùng hiện tượng giới diệu hữu để phá cái chấp bản thể (chân không) của Lỗ Tổ. Câu thứ nhất của Quy Tông đồng ý với Nam Tuyền tức là khẳng định cảnh giới diệu hữu, như vậy là cũng chấp diệu hữu, chẳng khác gì sai lầm của Lỗ Tổ. Câu thứ nhì của Nam Tuyền đề tỉnh Quy Tông không nên chấp vào hiện tượng giới. Quy Tông lãnh hội rất mau, nên câu thứ nhì của Quy Tông phủ nhận diệu hữu mà tiến vào cảnh giới Trung Đạo. Nam Tuyền dùng tay vả vào miệng ám chỉ bản thể tuyệt đối không thể dùng lời mà diễn tả mà chỉ tự mình thể ngộ. Quy Tông hiểu ý của Nam Tuyền nên giơ tay tiếp chưởng.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:22 PM | Message # 219
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1066. Dùng đây, lìa đây.

Bách Trượng đến tham phỏng Mã Tổ, Mã Tổ đưa mắt nhìn cây phất tử treo ở góc thiền sàng. Bách Trượng nói:
- Dùng đây, lià đây (ngay lúc dùng, ly khai dùng).
Mã Tổ nói:
- Về sau ngươi mở miệng lấy gì bảo người?
Bách Trượng nắm lấy phất tử dựng đứng lên. Mã Tổ nói:
- Dùng đây, lìa đây.
Bách Trượng treo phất tử về chỗ cũ. Mã Tổ hét lên một tiếng lớn, Bách Trượng bị ù tai đến ba ngày.
(Thiền Chi Hoac)
Câu Mã Tổ, “Về sau ngươi mở miệng lấy gì bảo người?” là chỉ thể dụng hai bên làm sao dạy người. Bách Trương dựng phất tử lên chỉ Thể, Dụng là một. Mã Tổ dùng đúng câu của Bách Trượng để đáp là để trắc nghiệm Bách Trượng. Bách Trượng treo phất tử về chỗ cũ chỉ ly Dụng tức Thể. Mã Tổ biết Bách Trượng tuy có tri kiến vuợt lên Thể Dụng, nhưng thức tâm chưa hết, chưa đạt được cảnh giới vượt ngoài Thể Dụng cho nên hét lớn một tiếng, cắt đứt đường suy nghĩ của Bách Trượng. Quả nhiên tiếng hét này là kim cương vương bảo kiếm đã làm Bách Trượng đại ngộ.

1067. Tâm có thể chuyển cảnh thì là Như Lai.

Bạch Vân Thủ Đoan là học trò Dương Kỳ, ông rất dụng công học tập, nhưng thiếu tính khôi hài.
Có một lần Dương Kỳ hỏi ông lúc trước bái ai làm thầy, Thủ Đoan đáp:
- Hòa thượng Trà Lăng Úc.
Dương Kỳ lại hỏi tiếp:
- Ta nghe Úc hòa thượng có một lần qua cầu không để ý bị ngã, nhân đó mà ngộ, có viết một bài kệ, ngươi có nhớ bài kệ đó không?
Thủ Đoan nói mình còn nhớ và đọc lầu lầu như sau:
我有 明 珠 一 顆
Ngã hữu minh châu nhất khỏa
久被 塵 勞 關 銷
Cửu bị trần lao quan toả
今朝 塵 盡 光 生
Kim triêu trần tận quang sinh
照破 山 河 萬 朵
Chiếu phá sơn hà vạn đóa
Ta có ngọc quý minh châu
Bụi đời vùi lấp bấy lâu
Bụi hết hôm nay sáng lại
Thế gian chiếu phá lầu lầu.
(Trúc Thiên dịch)
Dương Kỳ nghe rồi, cười mà bỏ đi. Thủ Đoan thấy thầy cử động như vậy, suy nghĩ mãi cả đêm không ngủ.
Ngay sáng hôm sau chạy ngay đến hỏi, Dương Kỳ nói:
- Hôm qua ngươi có coi tên hề nhỏ không?
- Có.
- Ngươi biết không, ngươi ở phương diện ấy không bằng tên hề nhỏ.
Thủ Đoan không hiểu:
- Thầy định nói gì?
Dương Kỳ đáp:
- Tên hề nhỏ thích làm cho người ta cười, còn ngươi, ngươi sợ người ta cười.
Thủ Đoan nhân đó đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Dương Kỳ cười Thủ Đoan vì thiền sư cho rằng tự tánh vốn “tự nhiên” trời sanh. Thủ Đoan chỉ thuật tri kiến của người khác đối với chính mình không có một lợi ích nào, do đó Dương Kỳ cười mà bỏ đi hy vọng Thủ Đoan khởi nghi tình, hạ công phu mà nghiên cứu một phen. Quả nhiên Thủ Đoan khổ công suy nghĩ không ra. Rồi do Dương Kỳ lấy thằng hề nhỏ làm tỷ dụ mà khai ngộ. Đạo lý thật ra rất đơn giản. Ý của Dương Kỳ là muốn Thủ Đoan hiểu rằng tự mình làm chủ không để cho cảnh chuyển Tâm mà Tâm có thể chuyển cảnh làm cho bản tánh hiển lộ ra. Nếu thật hiểu đạo lý đó thì cười hay chửi là do người đối với mình nào có tổn thương gì?

1068. Tuyển chọn.

Trong một pháp hội, Triệu Châu khai thị đại chúng nói rằng:
- Có một lời nói, là một loại tuyển chọn, là để tỏ rõ, lão tăng này không rõ, các ngươi hãy trân trọng nó, ghi nhớ vào lòng.
Lúc đó có một ông sư hỏi rằng:
- Thầy đã không rõ lại muốn chúng con trân trọng cái gì?
- Ta cũng không rõ.
- Thầy đã không rõ, tại sao lại biết mình không rõ?
Triệu Châu tránh vấn đề này nói:
- Các ngươi hãy tự thể hội đi.
Do đó mọi người lễ tạ, lui ra.
(Thiền Chi Hoa)
Đoạn vấn đáp này chủ yếu thuyết minh tự tánh vượt lên hiện tượng giới, chỉ có thể cảm chứ không thể tưởng tượng được, như người uống nước, nóng lạnh tự hay; nếu dùng tri kiến để phân biệt đều không phải là tự tánh. Ông sư không phải là người sơ học, ông muốn buộc sư phụ phải nói ra quan điểm triết học của mình, khiến ông rơi vào bẫy mà Lão Tử đã nói” Tri bất tri thượng, bất tri tri bệnh.” Nhưng Triệu Châu đã ly khai vấn đề này, muốn ông trực tiếp thể ngộ vì thiền là phải tự mình chứng ngộ không phải do người ngoài truyền thọ gì cho mình, khiến mình có trí giải, theo đó mà tu hành, mà muốn người học tự mình giác ngộ; nếu do thức tâm mà tìm ra đường thì đó chỉ là tử lộ.

1069. Một sợi cũng không.

Tĩnh cư ni Huyền Cơ thường trong hang đá Đại Nhật Sơn ngồi thiền học đạo. Một hôm, bỗng nhiên khởi một niệm đầu:
- Pháp tánh thậm nhiên thâm diệu không có tướng đến đi, ta chỉ ngồi thiền là rơi vào tịch định, sao gọi là thông đạt pháp tánh?
Do đó thân đến tham phỏng Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
- Từ nơi nào đến?
- Đại Nhật Sơn.
- Thái Dương đã mọc chưa?
- Giả như đã mọc rồi sẽ làm tuyết núi tan.
- Tên chi vậy?
- Huyền Cơ.
- Một ngày dệt được bao nhiêu?
- Một sợi cũng không.
Huyền Cơ bái rồi lui, đi được bốn, năm bước Tuyết Phong nói:
- Cà sa lê đất kìa!
Tĩnh cư ni quay đầu lại xem vạt cà sa. Tuyết Phong nói:
- Một sợi cũng không.
(Thiền Chi Hoa)
Thiền tông từ trung kỳ trở về sau biến cơ phong ngữ thành khẩu đầu thiền. Bản thân công phu chưa tới mà chỉ lợi khẩu, dĩ chí gần như xa hẳn tôn chỉ của thiền. Tĩnh cư ni tự nhận đã làm tan tuyết núi ám chỉ công phu cao hơn Tuyết Phong. “Một sợi cũng không”, ám chỉ ni cô đã ngộ không. Thanh thanh tịnh tịnh, tâm không chỗ nhiễm nhưng mà loại khẩu đầu thiền này không phải tự chân như bản tánh lưu lộ mà là do tâm phân biệt sinh ra; do đó không qua được sự giảo nghiệm của Tuyết Phong. Vì vậy nghe cà sa lê đất, không ngăn được ngoảnh đầu lại nhìn, đã bị Tuyết Phong biết rõ công phu thô thiển.

1070. Là phàm hay là thánh.

Nham Đầu có một ngày đến thăm Đức Sơn, vừa vào đến cửa liền hỏi:
- Là thánh, là phàm?
Đức Sơn hét to lên một tiếng, Nham Đầu lạy tạ mà lui. Có người đem chuyện này kể lại với Động Sơn. Động Sơn nói:
- Trừ Nham Đầu ra, không ai đủ sức đảm đương việc này!
Nham Đầu nghe được lời bình này liền mắng rằng:
- Lão hòa thượng Động Sơn này xấu quá, hạ giá ta, không biết rằng lúc đó ta một tay nâng hắn lên (chỉ Đức Sơn), một tay đè hắn xuống.
(Thiền Chi Hoa)
Tiếng hét của Đức Sơn cắt đứt sự phân biệt phàm thánh của tâm thức Nham Đầu, Nham Đầu hướng Đức Sơn lễ tạ là “nâng lên” là hàm ý tôn sư trọng Đạo. Nhưng vì phàm thánh bình đẳng không nên lễ, nếu nhận lễ là chưa đạt được cảnh giới phàm thánh bình đẳng đó là “đè xuống”. Nham Đầu lễ tạ có vẻ khéo quá thành vụng, chưa được tiêu dao tự tại.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:27 PM | Message # 220
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1071. Chẳng lầm nhân quả.

Mỗi lần Bách Trượng thượng đường thuyết pháp, đều có một cụ già theo chư sư vào pháp đường nghe giảng. Có một hôm đại chúng đã đi hết chỉ còn lại cụ già. Bách Trượng bèn hỏi cụ là ai, cụ già đáp:
- Lão không phải là người, lúc trước khi tôn giả Ca Diếp tại thế lão là phương trượng ở chính núi này; có một đồ đệ hỏi lão bậc đạo hạnh cao thâm có bị luật nhân quả chi phối không? Lão trả lời không? Vì câu trả lời đó lão bị biến thành chồn, luân hồi đã 500 kiếp rồi, bây giờ xin thầy chỉ điểm cho lão để thoát thân chồn này.
Bách Trượng hỏi:
- Lão trượng muốn hỏi gì?
Cụ già lập lại câu hỏi của đồ đệ.
Bách Trượng đáp:
- Chẳng lầm nhân quả.
Cụ già nghe rồi lập lức tỉnh ngộ lễ tạ Bách Trượng và xin ngài làm lễ mai táng cho mình như một tăng sĩ.
(Thiền Chi Hoa)
Câu chuyện này chủ yếu để thuyết minh luật nhân quả. Chịu chi phối bởi nhân quả là khẳng định; không chịu chi phôi bởi nhân quả là phủ định; do đó đều sai. “Chẳng lầm nhân quả” vượt cả khẳng định và phủ định. Nên thấy được tự tánh chân chánh. Người đắc đạo thấy được hiện tượng giới biến ảo, siêu việt giới vĩnh hằng; và đạo là vượt lên cả hai giới đó, tương tự Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.”

1072. Làm trâu.

Triệu Châu hỏi Nam Tuyền:
- Người biết hữu sẽ về đâu?
- Xuống núi, vào thôn trang làm trâu.
Nghe lời đáp kỳ lạ của Nam Tuyền, Triệu Châu không những không lấy làm kỳ lại hướng Nam Tuyền lạy tạ. Nam Tuyền bèn nói:
- Canh ba đêm qua, trăng lọt vào song cửa.
(Thiền Chi Hoa)
“Biết hữu” ám chỉ biết được bản thể, cũng có nghĩa là biết được Đạo thể và hợp với Đạo Thể làm một. Câu hỏi của Triệu Châu có nghĩa là đi đâu để có thể cùng Đạo Thể hợp nhất. Như cách nhìn của Trang Tử thì Đạo không đâu là không có. Nam Tuyền biểu hiện một cách chân thật tánh chất nội tại của Đạo, bảo Triệu Châu đi làm trâu, giống như câu nói của Trang Tử, “Đạo ở cả trong cứt đái.”

1073. Rửa bát.

Có một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Đệ tử mới vào tùng lâm mong sư phụ chỉ điểm.
Triệu Châu hỏi:
- Ngươi đã ăn cháo chưa?
- Đã ăn rồi.
- Vậy sao. Đi rửa bát đi!
Ông tăng đó, do vậy đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Triệu Châu dạy ta không nên lìa hiện thực, đã ăn cháo rồi thì phải đi rửa bát. Con người ta khi làm một việc gì, không chịu chú ý làm, chỉ lo hướng ngoại. Những người bên cạnh Triệu Châu như vậy, chúng ta cũng vậy. Thí dụ đi đường, đi đường là đi đường, Triệu Châu không lấy sự kiện đi đường là một sự kiện đặc biệt trừu tượng để suy tưởng, chỉ y theo tâm chân thật mà đi đường. Nếu là người đi đường chân chánh, thì đường là cái gì? Không dùng lời cũng biết, không cần thí dụ cũng hiểu. Nếu đi hỏi người là thừa vậy. Đạo là phải tự mình đi, đi đến khi đủ để vô tâm là được.

1074. Đánh cuộc.

Triệu Châu nói với đệ tử Văn Viễn rằng:
- Văn Viễn chúng ta hãy đánh cuộc, xem ai làm mình thấp hèn nhất là được.
Văn Viễn bằng lòng, hai người thương lượng ai thắng thì được một miếng bánh. Triệu Châu nói:
- Ta là đầu lừa.
- Đệ tử là đít lừa.
- Ta là cứt lừa.
- Đệ tử là con nhặng trong cứt đó.
Triệu Châu nghĩ một lúc không ra hỏi:
- Ngươi ở trong đó làm gì?
- Ở đó nghỉ hè.
Triệu Châu gật đầu:
- Được, coi là ngươi thấp hèn nhất.
Vừa nói vừa cầm lấy bánh ăn.
(Thiền Chi Hoa).
Chủ yếu của công án này là để biểu minh vật, ngã là một: hữu tình và vô tình đều có Phật tánh. Hơn nữa, “nhặng trong cứt” và “nghỉ hè” cũng như sen mọc trong bùn nhơ mà không bị ô uế; kinh Bát Đại Nhân Giác nói, “Tuy là tục nhân mà không nhiễm thế lạc” cũng là ý đó.

1075. Từ Hàng phổ độ.

Dược Sơn theo hầu Mã Tổ ba năm, một hôm Mã Tổ hỏi:
- Gần đây ngươi có tâm đắc gì?
- Da đã rụng rồi, chỉ còn chân thật.
Mã Tổ nói:
- Kiến giải của ngươi hoàn toàn phù hợp với tâm, ngươi có thể lên núi nào trú cũng được.
- Con là người chi mà dám lên núi làm phương trượng.
Mã Tổ nói:
- Không vĩnh viễn đi không trú, không vĩnh viễn trú không đi; cầu ích ở chỗ không ích, làm ở chỗ không làm, phải như Từ Hàng phổ độ không nên vĩnh viễn trú ở đây.
(Thiền Chi Hoa)
Mã Tổ dùng sự đi và trú của Dược Sơn để ám chỉ động tĩnh của tự tánh.
“Đi mà không trú” chỉ sự chạy theo trần cảnh không thấy được tự tánh.
“Trú mà không đi” chỉ sự chìm đắm vào không tịch không y thể khởi dụng.
Hai loại hành vi đó đều không phải là hành vi của thiền gia. Do đó Mã Tổ khuyên Dược Sơn tại chỗ không ích cầu ích, tại chỗ không làm thì làm hy vọng Dược Sơn trong tịnh tìm được dụng động, trong động tìm được thể tĩnh. Tức là có thể bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến mà đi cứu độ chúng sinh.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:32 PM | Message # 221
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1076. Làm sao hoằng dương.

Bàng cư sĩ có một lần đến bái phỏng Ngưỡng Sơn:
- Đã lâu nghe danh Ngưỡng Sơn, đến nơi lại chỉ là phủ phục!
Ngưỡng Sơn đưa phất tử lên. Bàng cư sĩ nói:
- Vừa vặn.
Ngưỡng Sơn hỏi:
- Là ngưỡng hay phủ?
Bàng cư sĩ đánh vào cột gỗ nói rằng:
- Tuy không người, nhưng có cột gỗ chứng minh!
Ngưỡng Sơn ném phất tử đi nói:
- Đi mọi nơi làm sao hoằng dương?
(Thiền Chi Hoa)
Tự tánh là thanh tịnh không nhiễm làm gì có ngưỡng, phủ (ngẩng lên, phục xuống). Ngưỡng Sơn giơ phất tử lên là dùng cách vô tình thuyết pháp. Bàng cư sĩ lấy cột gỗ chứng minh để ám chỉ vô tình nghe pháp đều là dùng vật để hiển hiện tự tánh, phủ định sự đối đãi của danh tướng. “Đi mọi nơi làm sao hoằng dương?” là hỏi nếu dùng phương pháp vô tình thuyết pháp sau này làm sao khai thị học nhân? Con người là giống hữu tình, dùng vô tình thuyết pháp vượt lên vật ngã vậy làm sao mà hoằng dương Phật pháp? Đó cũng là nguyên nhân về sau Thiền tông bị suy thoái.

1077. Cá vàng.

Tam Thánh hỏi Tuyết Phong:
- Dùng lưới cũng không bắt được cá vàng, không biết dùng mồi gì để bắt được?
- Đợi ngươi ra khỏi lưới ta sẽ bảo.
- Không ngờ rằng một vị lão sư có 1500 đệ tử mà thoại đầu cũng không biết!
Tuyết Phong đỏ mặt xin lỗi:
- Nhân vì làm phương trượng công việc thật quá bận đi!
(Thiền Chi Hoa)
Tam Thánh nói cá vàng là để chỉ tự tánh, câu hỏi có ý là làm thế nào để tự tánh hiển lộ. Ông biết tự tánh không thể giới hạn trong tiểu thiên địa, nhưng ông vẫn còn quan niệm về không gian, nhận rằng ngoài tự tánh còn có một cái lưới, không biết rằng tự tánh ở khắp nơi, làm gì còn có lưới? Tự tánh là tuyệt đối, do đó không thể ở ngoài tự tánh mà an lập danh tướng. Do đó khi Tuyết Phong trả lời , “Đợi ngươi ra khỏi lưới ta sẽ bảo” là cũng rơi vào ảnh tượng, không trách Tam Thánh cười ông. Kinh Hoa Nghiêm nói, “Ở một sợi lông, rũ màn vua, ngồi trong hạt bụi, chuyển đại pháp luân” là để đả phá những quan niệm to, nhỏ, trong, ngoài làm chướng ngại sự giải thoát. Cũng là để cho chúng ta biết chỉ có vượt ngoài không, thời gian mới thể ngộ được tự tánh.

1078. Một ngón tay thiền.

Câu Chi lúc đầu sống trong am, có một vị tỳ kheo ni tên là Thật Tế đến thăm. Ni cô đến am, không thông báo cũng không bỏ nón, chống trượng đi quanh thiền sàng của Câu Chi ba vòng nói:
- Nếu thầy nói có đạo lý tôi sẽ dở nón.
Ni cô hỏi liền ba lần, Câu Chi không đáp được một câu. Thật Tế giận phất áo định đi, Câu Chi nói:
- Trời gần tối rồi, xin hãy lưu lại một đêm.
- Nếu thầy nói có đạo lý, tôi sẽ lưu lại một đêm.
Câu Chi lại không đáp được. Khi ni cô đi rồi Câu Chi than rằng:
- Ta là nam tử mà không có khí khái trượng phu!
Về sau khi Thiên Long đến đó, Câu Chi mời vào thuật lại chuyện ni cô đến thăm, Thiên Long giơ một ngón tay lên khai thị, Câu Chi tức khắc đại ngộ. Về sau, hễ có ai đến hỏi pháp Câu Chi đều chỉ giơ một ngón tay lên.
Có một đồng tử khi ai hỏi chuyện gì đều giơ một ngón tay lên. Có người mách Câu Chi, Câu Chi nghe rồi dấu dao trong tay áo, gọi đồng tử đến hỏi rằng:
- Ngươi cũng hiểu Phật pháp rồi phải không?
- Dạ!
Câu Chi lại hỏi:
- Phật là gì?
Đồng tử giơ một ngón tay lên, Câu Chi liền vung dao lên chặt đứt. Đồng tử đau quá vừa khóc, vừa chạy. Câu Chi hét lớn bảo đứng lại, đồng tử quay đầu lại.
Câu Chi hỏi:
- Phật là gì?
Theo tập quán đồng tử giơ tay lên, không thấy ngón tay đâu, bỗng nhiên đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)
Khi Câu Chi mới gập ni cô, theo lời than của ông chúng ta thấy ông còn chấp tướng nam nữ. Do đó ông không trả lời ni cô được. Thiên Long giơ một ngón tay lên biểu thị tự tánh bình đẳng, không có tướng nam nữ, một ngón tay chỉ sự tuyệt đối. Do đó Câu Chi liễu ngộ. Về sau, dùng một ngón tay để tiếp dẫn người học. Đồng tử không hiểu ý nghĩa chân chính của một ngón tay, chỉ chấp hình tướng giơ tay, nghĩ rằng giơ tay là Phật pháp. Cho đến khi bị Câu Chi chặt đứt, không có ngón tay để giơ lên mới hiểu rằng Phật pháp không tồn tại ở hình tướng.

1079. Lại là cái đó.

Có một ông sư hỏi Động Sơn:
- Tiên sư Vân Nham có từng nói qua “Lại là cái đó” không?
Động Sơn đáp:
- Có nói qua.
- Thiền sư có rõ ý tưởng của người không?
- Lúc đó suýt chút nữa ta đã hiểu sai.
- Không biết tiên sư có tự mình biết “có” “cái đó” không?
- Giả sử người không biết “có” làm sao người lại nói như vậy? Giả sử người biết “có” làm sao người lại khẳng định như vậy?
(Thiền Chi Hoa)
“Cái đó” là chỉ chân ngã, “có” là chỉ thực hữu. Chân ngã và thực hữu không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả. “Người không biết ‘có’ làm sao người lại nói như vậy” là dùng quan điểm tục đế mà xét Vân Nham. “Người biết ‘có’ làm sao người lại khẵng định như vậy” là dùng quan điểm chân đế mà xét Vân Nham. Vì khi một người đã thể ngộ được chân ngã và thực hữu thì sẽ hiểu rằng không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được.

1080. Cây khô và cây tươi.

Lúc Dược Sơn làm phương trượng, một hôm tản bộ trong sân; môn đồ là Đạo Ngộ và Vân Nham theo hầu một bên. Dược Sơn chỉ hai cây khô, tươi và hỏi Đạo Ngộ:
- Khô đúng hay tươi đúng?
Đạo Ngộ đáp:
- Tươi đúng.
Dược Sơn nói:
- Sáng rõ tất cả mọi nơi, quang minh sáng lạng đi!
Lại hỏi Vân Nham:
- Khô đúng hay tươi đúng?
Vân Nham đáp:
- Khô đúng.
Dược Sơn nói:
- Sáng rõ tất cả mọi nơi, bỏ khô lạt đi?
Chính lúc đó bỗng Cao sa di đến, Dược Sơn hỏi:
- Khô đúng hay tươi đúng?
Cao sa di đáp:
- Khô từ khô khác, tươi từ tươi khác.
Dược Sơn hướng về Đạo Ngộ và Vân Nham nói:
- Không phải, không phải.
(Thiền Chi Hoa)
“Tươi” là chỉ hữu, “Khô” là chỉ không. Đạo Ngộ chấp hữu là khẳng định, do đó Dược Sơn bảo, “Quang minh sáng lạng đi.” Vân Nham chấp không là phủ định nên Dược Sơn nói, “Bỏ khô lạt đi”. Cao sa di không thiên “hữu” hay “không” nhưng vẫn còn quan niệm đối đãi về “hữu” và “không”, chưa thoát khỏi vòng nên Dược Sơn bảo, “Không phải, không phải” để sửa ông.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Hai, 30 Jul 2012, 9:56 PM | Message # 222
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1081. Tướng nam nữ.

Có một vị ni cô thỉnh giáo Long Đàm, cô phải tu hành thế nào để trong kiếp sau có thể biến thành hòa thượng. Long Đàm hỏi cô:
- Ngươi làm ni cô đã bao lâu rồi?
Ni cô nói:
- Úy, thầy đừng làm loạn thoại đầu! Vấn đề là đệ tử một ngày nào đó có thể thành hòa thượng không?
Long Đàm lại hỏi:
- Hiện nay ngươi là gì?
- Hiện tại đệ tử là ni cô, ai lại chẳng biết?
Long Đàm nói:
- Ai biết ngươi?
(Thiền Chi Hoa)
Câu đáp của Long Đàm: “Ai biết ngươi” thật là kim chích một cái là ra máu, bởi vì ngay cả biết cũng không biết. Đó là vượt ngoài quan niệm về ảnh tượng nam nữ. Tâm ai ai cũng có, ở thánh không thêm, ở phàm không bớt, đồng thời lớn không ngoài, nhỏ không trong, ở khắp hư không, tràn đầy pháp giới. Tất cả sự vật hữu hình, vô hình đều do tâm mà hiển hiện. Nó sáng tạo sâm la vạn tượng của vũ trụ, sáng tạo lục đạo luân hồi của chúng sanh, sáng tạo thánh hiền tiên Phật. Đó chính là “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.” Giả như biết đó là ni cô, trong tâm liền có phân biệt tướng Nam Nữ. Dĩ nhiên là có tướng Nam Nữ hiển hiện. Kinh Kim Cương nói rằng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Cũng giống như vị ni cô này chấp tướng Nam Nữ, hư vọng làm sao mà ngộ đạo được.

1082. Hãy còn cái đó.

Tứ tổ Đạo Tín đến Ngưu Đầu Sơn thăm Pháp Dung, đến nơi thấy hổ lang đi nhiễu quanh hang, bách điểu hiến hoa. Tứ tổ giơ tay làm vẻ rất hoảng sợ.
Pháp Dung liền nói:
- Thầy còn cái đó sao?
Ám chỉ Tứ tổ còn tâm phân biệt. Đợi một lúc khi Pháp Dung vào trong, tứ tổ viết một chữ Phật lên thạch toạ mà Pháp Dung thường ngồi. Pháp Dung trở ra, định ngồi, nhưng thấy có chữ Phật, không dám ngồi xuống. Tứ tổ cười rằng:
- A! Nguyên lai ngươi hãy còn cái đó!
Pháp Dung lập tức đại ngộ.
(Thiền Chi Hoa)

Khi Pháp Dung chưa gập Tứ tổ đã đắc “Nhân Không”, cắt đứt được ngã chấp vì vậy điểu thú đối với ông không có tâm hoảng sợ. Nhưng ông chưa chứng được “Pháp không”. Do đó những ảnh tượng, điểu thú, hoa, Phật chưa trừ bỏ được, do câu điểm tỉnh của Tứ tổ mới chân chính đạt được vật, ngã lưỡng không vượt ngoài ảnh tượng. Tất cả hình tướng đều do tâm tạo, tâm không thì cảnh cũng không, hình tượng do đó cũng không còn nữa.

1083. Nơi nơi đều thấy chân Phật.

Động Sơn, họ Du, người Hội kê tỉnh Triết Giang đầu tiên đi tham bái Nam Tuyền là đệ tử của Mã Tổ, lần thứ nhì đi tham bái Quy Sơn là đệ tử của Bách Trượng, về sau làm môn hạ của Vân Nham. Tuy tham học đã lâu nhưng vẫn chưa khai ngộ, cho đến một ngày, khi đi qua sông nhìn bóng mình dưới nước hoát nhiên đại ngộ. Do đó làm một bài kệ rằng:

Thiết kỵ tòng tha mích
Điều điều dữ ngã sơ
Ngã kim độc tự trú
Xứ xứ đắc phùng cừ
Cừ kim chính thị ngã
Ngã kim bất thị cừ
Ứng tu nhậm ma hội
Phương đắc khế như như.

Rất kỵ tìm nơi khác
Xa xôi bỏ lãng ta
Ta nay riêng tự đến
Chỗ chỗ đều gập va
Va nay chính là ta
Ta nay chẳng phải va
Phải nên như thế hội
Mới mong hợp như như.
(Thích Thanh Từ dịch)
(Thiền Chi Hoa)

“Như như” chỉ tự tánh, là cái mà Đạo Đức kinh gọi là thường hằng. Đại ý của bài kệ này là tự tánh chính ở nơi mình không cần phải hướng ngoại tìm cầu, càng tìm càng xa lìa; khi phản hồi tự thân thì thấy nơi nơi tự tánh đều hiển lộ. Đến câu”Va nay chính là ta, Ta nay chẳng phải va” sao trước sau mâu thuẫn vậy? Nói một cách đơn giản Động Sơn nhìn thấy bóng mình ở dưới sông(vì bóng đó cũng là ngã) do đó nhìn thấy bản lai diện mục của mình mà đại ngộ. Nhưng mà cái bóng này không thường trụ cho nên ta phải xả bỏ.Nếu ta cứ khư khư giữ lấy thì mắc vào ngã chấp cho nên mới nói “Va nay chính là ta, Ta nay chẳng phải va.” Bài kệ này ở trong Phật học đã khác lạ, mà ở trong thế giới văn học cũng đáng coi là vật báu. Nó mở mắt chúng ta, cho chúng ta thấy một kinh nghiệm sống thâm ảo giống như câu thơ của Đỗ Phủ “Nước thu trong không đáy.”

1084. Rơi này, vỡ này.

Tung Nhạc Phá Táo Đọa hòa thượng ngôn hành cao thâm khôn lường, không ai biết tên thật của ông là gì, ông ẩn cư trên núi Tung Nhạc. Trên núi có một tòa miếu cổ thờ một vị Táo thần rất linh. Người xa gần đến cúng lễ không dứt, hưởng đồ sát sinh cũng nhiều. Một hôm, hòa thượng dẫn chư tăng vào miếu dùng gậy gõ vào tượng ba lần nói:
- Táo chỉ do đất bùn tạo ra. Thánh từ đâu đến? Linh từ đâu ra? Sao dám hưởng thụ đồ sát sanh?
Lại dùng gậy đập ba cái nữa, Táo liền rơi vỡ. Không lâu, có một vị mặc áo xanh, đội mũ đến lạy hòa thượng. Hòa thượng hỏi:
- Ngươi là ai?
- Đệ tử là Táo thần trong miếu, đã lâu bị nghiệp báo thọ đồ sát sanh, nay mong ơn sư phụ nói pháp đã thoát ly được chốn này và lên trời, cho nên đến để tạ ơn.
- Đó là do tánh ngươi vốn có, không phải công lao của ta.
Nhưng vị thần vẫn lễ ba lần rồi đi. Thị tăng hỏi rằng:
- Chúng con theo hầu sư phụ đã lâu, chưa được thọ huấn, vị thần này được bí quyết gì mà được lên trời?
- Ta chỉ nói hắn do đất bùn tạo nên, cũng không có đạo lý gì đặc biệt để bảo các ngươi.
Chúng tăng im lặng, Hòa thượng nói:
- Hiểu không?
Chúng tăng đáp:
- Không hiểu.
- Tánh vốn có vì sao không hiểu?
Chúng tăng bỗng nhiên đại ngộ, bèn lễ tạ.
Hòa thượng cao hứng nói:
- Rơi này, vỡ này!
(Thiền Chi Hoa)
Táo thần là do đất bùn tạo nên, khi bị đập vỡ dễ dàng hiểu được đạo lý vật, ngã là một. Chúng sanh cũng tương tự như vậy do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và thần thức gá vào mà thành. Hòa thượng nói “Rơi này, vỡ này!” chính là xác nhận chư tăng đã hiểu “tứ đại không có, ngũ uẩn đều không” vậy.

1085. Tâm bình thường là đạo.

Một hôm Triệu Châu thỉnh giáo Nam Tuyền:
- Thế nào là Đạo?
- Tâm bình thường là Đạo.
- Có phương pháp nào để cầu được?
- Khi ngươi có niệm đầu “Cầu được” là đã sai rồi!
Triệu Châu lại hỏi:
- Nếu phong kín tất cả tâm niệm, làm sao đệ tử thấy được Đạo?
- Đạo không ở biết hay không biết; biết là vọng giác, không biết là thằng ngốc. Nếu như ngươi chứng được Đại Đạo thì thấy giống như Thái không làm sao thọ những quan niệm ngoại tại, thị phi bó buộc?
Triệu Châu nghe lời này lãnh ngộ được đạo lý “phi tri, phi bất tri” hốt nhiên quán thông, chứng nhập thái hư tâm cảnh.
(Thiền Chi Hoa)
Tâm bình thường chính là vô tâm. Tâm bình thường không liên quan gì đến sinh hoạt ý thức, nó thuần phác. Tâm bình thường chính là trọng tâm của Thiền. Nhưng Nam Tuyền không cho chúng ta biết làm thế nào để đạt Đạo. Ông chỉ cho biết khi ngộ đạo rồi thì như thái không vô ngại. Chúng ta đều có Phật tánh đầy khắp hư không pháp giới, chỉ vì nhất thời bị mê hoặc điên đảo làm trở ngại Phật tánh hiển lộ. Nếu y pháp tu học đuợc “vô tâm” thì sẽ chứng nhập cảnh giới hư không.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 8:25 PM | Message # 223
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1086. Ngồi 40 năm.

Phật Quật Duy Tắc thiền sư người Trường An, sanh dưới triều nhà Tống. Xuất gia từ nhỏ, tu hành ở Thiên Đài Sơn, Chiết Giang. Nhặt lá lợp mái tạo một thảo am. Đói thì hái quả rừng, khát thì uống nước suối. Một hôm có một ông tiều đi ngang qua am thấy một vị lão tăng, lấy làm lạ hỏi:
- Thầy sống ở đây bao lâu rồi?
- Đại khái cũng 40 mùa đông rồi!
- Thầy chỉ tu hành một mình sao?
Phật Quật gật đầu:
- Trong rừng sâu, một người cũng đã là nhiều, còn muốn nhiều nữa làm gì?
- Thầy còn có bằng hữu không?
Phật Quật vỗ tay, có nhiều hổ báo từ sau am chạy ra. Tiều phu hoảng sợ. Phật Quật nói đừng sợ, rồi bảo hổ báo thối lui.
Phật Quật bảo tiều phu:
- Bạn hữu thì nhiều, sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá, dã thú đều là bạn đạo.
Tiều phu rất là cảm động, xin làm đệ tử.
- Ngươi nay tuy là phàm phu nhưng là phi phàm phu, tuy là phi phàm phu nhưng không làm hỏng pháp phàm phu.
Tiều phu nghe rồi khế nhập. Từ đó những người mộ đạo dần dần tìm đến, tạo thành phái thiền Phật Quật.
(Tinh Vân Thiền Thọai)
Theo thường thức thì 40 năm là một khoảng thời gian dài nhưng đối vời Duy Tắc, người đã chứng ngộ thời gian vô tận thì đó chỉ là một khoảng khắc. Người ngộ đạo không thấy có sự sai biệt về thời không, ta người, động tĩnh, chúng sanh Phật. Tuy là phàm phu nhưng lại phi phàm phu. Ai ai cũng có Phật tánh, trong chân lý không có giả danh Phật và chúng sanh thì làm gì có phân biệt phàm phu và phi phàm phu? Tuy là phàm phu nhưng không làm hỏng pháp phàm phu: người ngộ đạo không phá hoại vạn pháp mà vượt lên vạn pháp.

1087. Tâm không được đậu.

Có một lão thiền tăng, tham thiền hàng 60 năm mà vẫn chưa khai ngộ; một hôm gập một vị pháp sư trẻ. Hai người nói chuyện về Tứ thánh đế. Lão thiền tăng rất khâm phục pháp sư, khẩn khoản xin pháp sư khai thị.
- Chỉ cần thầy ngày ngày cung dưỡng thực phẩm ngon lành. Ta nhất định chỉ cho thầy pháp môn chứng ngộ.
Lão thiền sư lòng tha thiết cầu đạo nên hàng ngày đều cung dưỡng pháp sư những thực phẩm ngon nhất.
Ít lâu sau, lão thiền sư yêu cầu pháp sư chỉ thị vì tuổi mình đã cao không còn thì giờ để chờ đợi nữa. Vị pháp sư trẻ định đùa một phen bèn nói:
- Được, thầy hãy theo ta!
Pháp sư dẫn lão thiền tăng đến một căn phòng trống, chỉ một góc phòng bảo lão thiền tăng quỳ xuống, lấy nhành dương phẩy vào đầu:
- Đây là quả Tu Đà Hoàn.
Lão thiền tăng thành tâm, một niệm chẳng loạn ngay đó chứng được sơ quả.
Pháp sư lại bảo:
- Tuy thầy được sơ quả nhưng hãy còn phải sanh tử 7 kiếp, hãy đứng dậy đi ra góc khác.Lão thiền tăng ra góc khác qùy xuống.
Pháp sư lại lấy nhành dương phẩy vào đầu:
- Đây là quả Tư Đà Hàm, hãy còn sanh tử; đứng dậy ra góc khác.
Lão thiền tăng lại ra góc khác quỳ xuống. Pháp sư lại lấy nhành dương phẩy vào đầu:
- Đây là quả A Na Hàm, quả không thối chuyển, nhưng ở sắc, vô sắc giới còn thân hữu lậu, niệm niệm đều khổ. Hãy đứng dậy đi ra góc khác.
Lão thiền tăng lại đi ra góc khác quỳ xuống.Pháp sư lại lấy nhành dương phẩy vào đầu:
- Đây là quả A La Hán, đã tuyệt sanh tử. Tốt lắm!
Lão thiền tăng lúc đó đã đắc quả A La Hán, vui vẻ vô cùng hướng pháp sư đảnh lễ.
Pháp sư mắc cỡ:
- Ta chỉ rỡn thôi, thầy đừng cho là thật.
Lão thiền tăng thành thật:
- Lão tăng thực đã chứng quả A La Hán, không phải rỡn đâu!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Lão thiền tăng thiền 60 năm chưa thể khai ngộ vì cơ duyên chưa hợp. Pháp sư trẻ đùa rỡn là không phải, nhưng lại giúp được cho lão thiền tăng. Thực là:
Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở.
Vô tâm cắm liễu, liễu xum xuê.
Lão thiền tăng kiên trì tọa thiền 60 năm, có thể nói hành hữu dư, lại đối với pháp sư cung kính cúng dường coi trọng tuệ giải. Đó là hành, giải đều đều trọng nên sự khai ngộ, chứng quả dễ như trở bàn tay.

1088. Sống vui.

Có ba tín đồ mặt buồn rầu đến thỉnh giáo Vô Đức làm sao sống vui.
- Các ngươi trước hết hãy cho ta biết vì sao mà sống?
Tín đồ 1:
- Vì con không muốn chết.
Tín đồ 2:
- Vì con mong sau này con cháu đầy nhà.
Tín đồ 3:
- Già trẻ nhà con đều trông vào một tay con nuôi dưỡng.
Vô Đức bảo:
- Đương nhiên các ngươi không thấy vui chỉ vì sợ chết, do bất đắc dĩ chịu trách nhiệm. Con người sống không trách nhiệm, không lý tưởng không thể vui được.
- Vậy chúng con phải làm sao mới sống vui?
- Các ngươi nghĩ thế nào là sống vui?
Tín đồ 1:
- Con nghĩ có nhiều tiền là vui.
Tín đồ 2:
- Con nghĩ có tình yêu là vui.
Tín đồ 3:
- Con nghĩ có danh vọng là vui.
Vô Đức không cho là phải:
- Nếu các ngươi nghĩ như vậy thì vĩnh viễn không thấy sống vui. Khi các ngươi có tiền bạc, tình yêu, danh vọng thì phiền não, lo âu sẽ đến theo.
- Vậy phải làm sao?
- Các ngươi nên cải biến quan niệm. Có tiền nên bố thí; có tình yêu nên dâng hiến, có danh vọng nên phục vụ đại chúng thì sẽ thấy sống vui.
Các tín đồ cuối cùng đã hiểu cách sống vui.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Cảnh giới của Thiền là tự chủ, giải thoát, an tĩnh, vui vẻ.

1089. Bị người mượn mất rồi.

Hai học tăng cùng sống ở một am, nhưng ít khi gập nhau. Một hôm gập mặt, ông tăng trên gác hỏi ông tăng dưới nhà:
- Nhiều ngày không gập, không biết ông bận gì?
- Tôi bận tạo một tháp vô phùng.
Ông tăng trên gác nghe rồi cả mừng:
- Tôi đang định tạo tháp vô phùng, ông có thể cho coi hình dạng ra sao không?
- Thật không may, sao ông không nói sớm, tháp vô phùng của tôi bị người ta mượn mất rồi.
- Không quan hệ, chỉ cho tôi nhìn một cái!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Bản tánh của chúng sanh là tháp vô phùng; trừ pháp tánh viên mãn ra, làm gì còn vô phùng tháp nữa? Ông tăng dưới nhà biết pháp thân là vô biên, do đó tạo một tháp vô phùng để cung dưỡng pháp thân. Nhưng loại ngộ tánh này không mô phỏng được, chỉ có thể chứng thôi. Do đó không cho mượn được, học cũng không được, vì thế từ chối nói là bị người mượn mất rồi. Nhưng mà bản tánh vốn không thể cho mượn được, ông tăng trên gác liền hiểu ngay, tu hành chỉ nhờ vào chính mình tự tu, tự tham; bắt chước chỉ giống như con vẹt nhắc lại lời nói mà chẳng hiểu gì.

1090. Leo núi.

Động Sơn hỏi Vân Cư:
- Ngươi không ở thiền đường tu tập còn đi đâu?
- Đi leo núi.
- Leo núi nào?
- Chẳng có ngọn nào để leo.
- Ý ngươi là tất cả các núi đều bị ngươi leo hết sao?
- Không phải vậy.
- Vậy ngươi hãy tìm lối ra.
- Không có lối ra!
- Giả như không có lối ra làm sao cùng ta gập mặt?
- Như quả có lối ra, vậy con cùng lão sư ở cách núi sao?
Không lâu Động Sơn lại hỏi:
- Ngươi đi đâu?
- Đi leo núi.
- Có leo tới đỉnh không?
- Có.
- Đỉnh núi có người không?
- Không có!
Động Sơn cười:
- Cho thấy ngươi thật không leo núi.
- Nếu con không leo, sao biết đỉnh núi không người?
- Ngươi vì sao không tạm trú ở đó?
- Con không định ở vì có người không cho.
Động Sơn cười ha hả:
- Ta từ sớm đã nghi ngươi leo núi đó.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Lời đáp của Vân Cư rõ là mâu thuẫn: lúc thì nói là đỉnh núi không người, lúc thì lại nói người ở đó không cho ở. Sự thực là không mâu thuẫn. Đỉnh ngũ uẩn sơn có chân ngã thường tại không? Dưới con mắt người thường Hữu và Vô là 2 nhưng dưới mắt thiền giả thì chỉ là 1 thể 2 mặt. Có thể điều hoà Hữu và Vô để nhận thức Trung Đạo thì đó là trí tuệ của nhà Thiền vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 8:50 PM | Message # 224
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1091. Nhổ đàm.

Mã Tổ Đạo Nhất có một lần ngồi thiền, nhịn không được nhổ một bãi đàm trên tượng Phật. Thị giả thấy vậy cho là không đúng vội hỏi:
- Lão sư, sao thầy lại nhổ đàm lên tượng Phật?
Đạo Nhất húng hắng 2 tiếng hỏi lại thị giả:
- Trong hư không, chỗ nào cũng là pháp thân Phật, ta hiện đang muốn nhổ, ngươi hãy bảo ta nhổ vào đâu?
Thị giả không biết trả lời làm sao.
Một lần khác Đạo Nhất vẻ mặt khó coi, nhổ đàm vào khoảng không. Thị giả lại thắc mắc:
- Lão sư, sao nhổ đàm mà lại giận dữ vậy?
- Ta ngồi thiền tại đây, trong hư không sơn hà đại địa, sâm la vạn tượng đều hiển hiện trước mắt làm phiền ta; do đó ta nhịn không được phải nhổ.
- Đó là cảnh giới tu chứng, có thể coi là chuyện tốt đẹp, sao thầy lại cảm thấy phiền?
- Như ngươi nói cố nhiên là chuyện tốt, nhưng đối với ta lại là phiền.
- Đó là cảnh giới gì vậy?
- Cảnh giới bồ tát.
Thị giả nhíu mày lắc đầu:
- Loại cảnh giới này thực khiến người ta khó mà hiểu được!
- Vì ngươi là người, không phải là bồ tát.
- Bồ tát chẳng phải được gọi là giác hữu tình sao?
- Vì ngươi là một tên ngu xuẩn bất giác làm sao có thể xưng là giác hữu tình?
Thị giả cuối cùng thể ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Nhiều người tôn kính Phật, nhưng không hiểu rõ Phật. Vì pháp thân Phật ở khắp hư không, tràn đầy pháp giới. Mã Tổ nhổ đàm trên tượng Phật biểu thị ông nhận biết pháp thân không đâu không có. Nhiều người khi ngồi thiền đều hoan hỉ khi thấy những cảnh lành, làm tăng thêm lòng tin, nhưng Mã Tổ lại thấy phiền chỉ rằng ông đã diệt trừ mọi sai biệt của các hiện tượng trong vũ trụ mà quay về bình đẳng, trừ bỏ nhân ngã mà quay về cái một. Thị giả chấp vào thường kiến chẳng trách gì bị gọi là tên ngu xuẩn bất giác.

1092. Đi đâu?

Động Sơn một hôm đi thăm một học tăng bị bệnh nặng là Đức Chiếu. Đức Chiếu thỉnh thị:
- Lão sư, sao thầy không từ bi cứu độ một đệ tử chân tâm học đạo để hắn bất minh, bất giác chết sao?
- Ngươi là đệ tử nhà nào?
- Đệ tử Đại Diêm Đề (người không Phật tánh)
Động Sơn không nói, 2 mắt chăm chú nhìn Đức Chiếu. Đức Chiếu nóng ruột:
- Bốn bề là núi áp bức, lão sư! Con phải làm sao?
- Lúc trước, ta cũng từ dưới mái hiên nhà ngươi mà tới.
- Nếu là vậy, con cùng lão sư tương ngộ dưới mái hiên. Xin hỏi con và thầy cùng tránh né hay không tránh né?
- Cùng không tránh né.
- Không tránh né, vậy thầy bảo con đi đâu?
- Ngũ thú, lục đạo, thập pháp giới, đâu cũng là đường việc gì phải lo. Nếu ngươi không yên lòng thì ra ruộng mà trồng lúa tẻ.
- Lão sư, thỉnh thầy bảo trọng!
Nói rồi, sửa lại dáng ngồi mà nhập diệt.
Động Sơn dùng thiền trượng gõ 3 lần trước mặt Đức Chiếu:
- Ngươi tuy có thể đi như vậy, nhưng không thể về như vậy.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đức Chiếu thế duyên đã tận, bệnh nặng nằm trên giường nhưng vẫn không quên tìm đường ra khỏi sanh tử. Động Sơn chỉ thị ông chỗ nào cũng là đường, nhưng đường nào là chánh, không phải ai cũng đạt được. Ra ruộng trồng lúa. Đó là khóa đề mà người tu phải chú ý. Đức Chiếu an tâm nhập diệt biểu thị ông đã tìm được đường ra. Nhưng Động Sơn nói Đức Chiếu có thể ra nhưng không thể quay lại. Nếu muốn đến đi tự như không phải là một chuyện dễ.

1093. Không mồm nói pháp.

Học tăng Đạo Niệm xuất gia khoảng 10 năm, đi tham học các nơi mà vẫn chưa khai ngộ. Một hôm thỉnh thị Thạch Lâu:
- Con chưa biết bản tánh, xin thầy phương tiện chỉ thị.
- Thạch Lâu không mồm.
- Học tăng chí thành, rửa tai cung kính mà nghe.
- Ngươi nghe gì?
- Học tăng tự biết tội nghiệp thâm trọng.
- Lão tăng, tội cũng không thiếu.
- Thầy lỗi ở chỗ nào?
- Lỗi ở chỗ không ngươi.
- Có thể sám hối không?
- Tội nghiệp vốn không. Do tâm tạo, tâm diệt tội cũng mất.
Đạo Niệm lạy, Thạch Lâu bèn đánh, đánh rồi hỏi:
- Gần đây, ngươi lìa chốn nào mà đến đây?
- Lương, Đường, Tấn, Hán, Châu đều hành cước.
- Các chủ nhân ấy có trọng Phật pháp không?
- Rất may thiền sư hỏi con, nếu hỏi người khác thì đã mang họa rồi!
- Vì sao?
- Vì các vua đó không thích người ta hoài nghi.
- Người còn không gập, còn có Phật pháp nào để trọng?
- Xin thầy chỉ cho con làm sao trọng Phật pháp?
- Ngươi thọ giới bao lâu rồi?
- Hơn 10 năm.
- Hơn 10 năm rồi mà chưa biết trọng pháp, hôm nay hỏi ta, miệng ta làm sao nói rõ, tai ngươi làm sao nghe hiểu?
Đạo Niệm ngay đó khai ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trong Thiền môn tham học hàng 10 năm mà chẳng được gì, cơ duyên đến lại chẳng phí chút công phu. Thạch Lâu nói không mồm là chỉ thiền vốn không lời. Đạo Niệm rửa tai cung kính nghe là chưa nhập tâm. Vì sao? Đạo Niệm thọ giới 10 năm mà vẫn chưa biết trọng pháp, Thạch Lâu bèn chỉ cho. Do đó nhiều năm bị mây che, một khi gạt đi liền được gọi là nhập tâm.

1094. Chém đầu.

Có một lần Long Nha bảo Đức Sơn:
- Giả như trong tay ta hiện giờ có một thanh bảo kiếm sắc bén không gì đối địch được, định chém đầu ngươi, không biết ngươi nghĩ sao?
Đức Sơn bước lên vài bước, vươn cổ ra:
- Ngươi chém đi.
Long Nha cười ha hả:
- Đầu ngươi đã rơi xuống đất rồi!
Đức Sơn cũng cười ha hả:
- Đầu ta đã rơi xuống đất rồi!
Về sau Long Nha tham học với Động Sơn có kể lại chuyện này. Động Sơn hỏi:
- Lúc đó Đức Sơn nói gì?
- Đức Sơn cũng cười ha hả và nói đầu đã bị chém rồi.
- Ngươi không thể nói Đức Sơn bị chém đầu mà sự thực thì đầu ngươi mới bị chém.
- Lão sư, đầu con còn ở đây, chưa bị Đức Sơn chém.
Động Sơn cười ha hả:
- Đức Sơn chém đầu ngươi, ngươi tự bưng lại ta xem.
Long Nha nghe rồi như thấy núi lở, trời xụp, lúc đó mới chính thức đại ngộ.
(Tinh Vân Thiền ThoạI)
Long Nha mới đầu có ý chém đầu Đức Sơn, đó là từ tự ngã xuất phát. Động Sơn đề tỉnh Long Nha tự chém đầu mình đoạn
trừ chấp ngã. Đó là nhà thiền dùng “không” mọi sở hữu nhưng không phủ định sở hữu, dùng chủ khách đối đãi là một mà quán sát. Do đó đạt được Trung Đạo.

1095. Thuyết pháp.

Đời Đường, Văn Tông hoàng đế rất thích ăn nghêu, vì vậy dân chúng vùng duyên hải thường bắt nghêu để tiến cống triều đình. Có một lần ngự trù khi đang nấu nướng, cậy vỏ nghêu ra thì thấy nghêu có hình tượng Bồ Tát Quán Âm rất trang nghiêm. Văn Tông sai đặt nghêu vào hộp báu, cung phụng tại Hưng Thiên Tự. Chuyện ly kỳ như vậy nên khi thiết trào, Văn Tông hỏi quần thần:
- Chư khanh có ai biết trong nghêu có thánh tượng là điềm gì không?
Một vị đại thần tâu:
- Đây là chuyện siêu phàm nhập thánh, người thường khó biết, thánh thượng nếu muốn biết thì xin mời thiền sư Dược Sơn, là người thâm hiểu Phật pháp, học rộng hiểu nhiều mà hỏi.
Khi tới cung Dược Sư thưa:
- Đây là Bồ tát hiện thân thuyết pháp, vì hoàng thượng mà thuyết pháp.
- Bồ tát tuy hiện thân, sao trẫm không nghe thuyết pháp?
- Bệ hạ thấy trong nghêu có Quán Âm thánh tượng, có khiến bệ hạ có tín tâm không?
- Vì chính mắt thấy, đương nhiên trẫm tin.
- Bệ hạ đã khởi lòng tin, đó là Quán Âm đã thuyết pháp rồi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Dược Sơn thuyết pháp cho Đường Văn Tông thật là khéo. Loại trí tuệ này là do thiền tâm mà ra. Nếu đã được thiền tâm thì những lời nói ra đều là diệu đế. Một ngọn cỏ, một mùi hương đều là Đạo, dương liễu xanh um, hoa vàng bát ngát đều là Pháp thân Phật, những tiếng thủy triều, những tiếng suối nước róc rách đều là tiếng chư Phật thuyết pháp đâu cần Quán Âm hiện thân thuyết pháp.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 8:56 PM | Message # 225
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1096. Nghe và không nghe.

Thanh Lâm lúc mới đến tham Động Sơn, Động Sơn hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
- Võ Lăng.
- Phật pháp của Võ Lăng và của ta ở đây có gì khác biệt gì không?
- Như hoa nở rộ trên cát đá hoang vu.
Động Sơn bảo đệ tử:
- Hãy soạn bữa cơm rau đặc biệt cung dưỡng người này.
Thanh Lâm nghe rồi phất tay áo để đi.
- Ngươi định đi đâu?
- Mặt trời không thể ẩn tàng không cho người thấy.
Động Sơn ấn khả:
- Ngươi hãy bảo trọng.
Rồi Động Sơn tiễn Thanh Lâm ra tận cửa, lúc chia tay lại bảo:
- Ngươi có thể nói một câu tâm tình về lần viễn du này không?
- Từng bước đạp hồng trần, thân không hình tượng.
Động Sơn trầm tư khá lâu, Thanh Lâm hỏi:
- Lão sư vì sao không nói chuyện?
- Ta nói với ngươi rất nhiều, sao lại vu cho ta là không nói?
Thanh Lâm quỳ xuống thưa:
- Những lời thầy nói con không nghe được; những lời thầy không nói con lại nghe được.
Động Sơn đỡ Thanh Lâm dậy:
- Ngươi đi đi, hãy đến nơi không nói, không biểu thị.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Lời nói của các thiền sư rất thận trọng, họ không nói hoang đường. Người nói không nghe được, người không nói lại nghe được. Đây là cảnh giới thiền phi thường, chỉ rằng ông đã nghe được Pháp âm vậy.

1097. Một được, một mất.

Nam Tuyền bảo một học tăng:
- Đêm tối, gió mạnh?
Học tăng nhắc lại:
- Đêm tối, gió mạnh?
- Thổi gẫy một cành tùng.
Học tăng nhắc lại:
- Thổi gẫy, một cành tùng.
Nam Tuyền hỏi thị giả:
- Đêm tối, gió mạnh?
- Là gió gì?
- Thổi gẫy một cành tùng
- Là cành tùng nào?
Nam Tuyền cảm xúc than:
- Một được, một mất!
Lại hỏi học tăng:
- Tương lai ngươi định làm gì?
- Không làm gì?
- Nên vì chúng sanh làm trâu, làm ngựa.
Nam Tuyền quay lại hỏi thị giả cùng câu hỏi, thị giả thưa:
- Muốn làm một người như lão sư.
- Nên vì chúng sanh làm trâu, làm ngựa.
- Vì sao nên vì chúng sanh làm trâu, làm ngựa?
- Thực là một được, một mất.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Học tăng là ông tăng mới nhập môn, thị giả là môn ngoại thị giả. 2 người trên thiền ngữ nông sâu, chỉ nghe câu đáp là biết.

1098. Phi lai Phật.

Chùa Thê Hà ở núi Thê Hà (Nam Kinh) là nơi thánh địa thời Lục Triều, là nơi có cả ngàn tượng Phật được điêu khắc vào núi. Trên chót đỉnh có một pho tượng không ai đến chùa mà không ngước mắt nhìn. Năm Dân quốc 30, có một tín đồ tham quan Thê Hà sơn, nhìn tượng Phật trên chót đỉnh núi hỏi vị hướng dẫn là thiền sư Trác Thành:
- Lão thiền sư, tượng Phật này tên là gì?
- Phi Lai Phật.
(Ý của lão thiền sư là đỉnh núi này rất cao, người ta không thể nào trèo lên đó mà khắc; tượng này là từ nơi khác đem tới.)
Tín đồ nghe vậy rất hiếu kỳ, lại hỏi:
- Nếu đã bay tới, tại sao lại không bay đi?
- Động chẳng bằng tĩnh.
- Tại sao lại tĩnh ở chỗ này?
- Đã tới thì yên.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền sư Trác Thành tùy ý trả lời đã khai thị cho chúng ta rất nhiều. “Động chẳng bằng tĩnh” là cảnh giới đẹp đẽ biết bao. “Đã tới thì yên” là khẳng định sinh hoạt. Con người trong thế giới động không có một khắc ninh tĩnh, ngay cả khi ngủ ý thức cũng hoạt động thành mộng mị. Cảnh giới tĩnh mới rộng lớn, bình đẳng, sinh hoạt trong tĩnh mới an tường. Do đó, tham thiền giống như Phi Lai Phật khải thị “Động chẳng bằng tĩnh”; “Đã tới thì yên”. Lời đáp của Trác Thành chính là diệu dụng của thiền vậy.

1099. Biến và không biến.

Dưới thời Đường Võ Tông hủy diệt Phật giáo, Nham Đầu có may sẵn một bộ thường phục để dành khi cần dùng đến. Không lâu thánh chỉ truyền xuống cưỡng bách tăng ni hoàn tục. Các vị cao tăng có danh vọng còn bị bắt bớ. Nham Đầu đi tỵ nạn, mặc thường phục vào trú ở Phật đường một ni cô tu tại gia. Lúc đó ni cô đang dùng bữa ở phòng ăn. Nham Đầu chạy vào bếp lấy một bát cơm và ăn.Có một đạo đồng trông thấy mách với sư nương. Sư cô cầm gậy chạy vào giả bộ đánh:
- Úy! thì ra là thiền sư Nham Đầu, vì sao biến hình vậy?
- Hình có thể biến, nhưng tánh không biến.
Về sau, Đại Ngạn lúc mới đến Nham Đầu, gập lúc Nham Đầu đang nhổ cỏ ở trước cửa. Đại Ngạn đến đứng trước mặt Nham Đầu, tay gõ vào nón hỏi:
- Thầy còn nhớ con không?
Nham Đầu giơ một nắm cỏ lên:
- Thế gian biến hóa vô thường, ta không nhớ.
Đại Ngạn không chịu nhượng bộ:
- Thế gian vô thường, nhưng pháp tánh vĩnh hằng làm sao không nhận ra?
Nham Đầu nghe xong thoi cho 3 cái, Đại Ngạn vào tăng đường. Nham Đầu bảo:
- Đã hàn huyên rồi, không cần phải vào tăng đường.
Đại Ngạn lập tức quay mình trở về.
Ngày hôm sau, ăn cháo xong, Đại Ngạn lại vào tăng đường,
vừa tới cửa bị Nham Đầu từ pháp tọa nhẩy xuống nắm lấy ngực:
- Ngươi nói mau! Bất biến ở đâu?
Đại Ngạn cũng nắm lấy Nham Đầu:
- Trong nhà sư cô, hình có thể biến nhưng tánh không biến.
Hai người cùng cười ha hả.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tất cả mọi pháp ở thế gian có hình tướng thì có sanh diệt, biến đổi nhưng pháp tánh thì không. Tỷ như thế giới thì thành, trụ, hoại, không; con người thì sanh, lão, bệnh, tử; tâm thì sanh, trụ, dị, diệt. Chỉ có bản tánh của chư pháp tức khuôn mặt xưa nay của chúng ta là bất biến. Nham Đầu vì bạo chánh mà phải thay hình đổi dạng, nhưng tâm tánh không đổi; giống như vàng có thể dùng làm nhẫn, hoa tai, vòng kiềng v. v. nhưng vàng vẫn là vàng không đổi. Con người bị trôi chẩy trong ngũ thú nhưng bản tánh thì bất biến.

1100. Không có thời gian già.

Đại Trí là đệ tử Phật Quang, đi tham học 20 năm mới trở lại, tường thuật cho thầy nghe những gì đã nghe và thấy. Phật Quang tươi cười lắng nghe để ủy lạo. Cuối cùng Đại Trí hỏi:
- Lão sư, 20 năm qua thầy vẫn mạnh chứ?
- Vẫn mạnh! giảng học, thuyết pháp, trước tác, chép kinh mỗi ngày tại biển pháp dong duổi. Trên đời này không sinh hoạt nào vui hơn.
Đại Trí quan tâm:
- Lão sư, thầy nên dành chút thì giờ để nghỉ ngơi.
Đêm khuya, Phật Quang bảo Đại Trí:
- Ngươi đi nghỉ đi, có chuyện gì từ từ sẽ nói sau.
Mới sáng sớm. Đại Trí còn mơ màng đã nghe thấy tiếng tụng kinh gõ mõ trong phòng Phật Quang. Trời sáng rõ, Phật Quang lại khai thị cho các tín đồ đến lễ Phật, về tăng đường lại chỉ bảo cho học tăng, cả ngày bận rộn không hết chuyện.
Rình được lúc không có ai hỏi han, Đại trí hỏi:
- Lão sư, 20 năm qua ngày nào thầy cũng bận rộn, thầy không cảm thấy già sao?
- Ta không có thời gian cảm thấy già.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Ở đời có nhiều người còn trẻ nhưng tâm đã già, lại có người đã già nhưng tâm còn trẻ. “Không có thời gian già” thực ra là chỉ tâm không già. Có ông lão đầu bạc trắng, có người hỏi tuổi, trả lời 4 tuổi. Mọi người kinh ngạc, ông lão nói:
-70 năm qua đều vì chính mình, sống vị kỷ tự tư tự lợi hầu như không ý nghĩa, chỉ 4 năm gần đây mới vì xã hội phục vụ mọi người, cảm thấy có ý nghĩa do đó mới nói 4 tuổi.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 9:10 PM | Message # 226
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1101. Khẳng định tự kỷ.

Quy Sơn đang ngồi thiền, đệ tử là Ngưỡng Sơn chạy lại, Quy Sơn bảo:
- Úy, ngươi hãy nói mau, đừng đợi chết rồi muốn nói cũng không được.
- Con ngay tín ngưỡng cũng chẳng muốn, còn nói gì nói với chẳng nói.
- Ngươi không tin rồi mới chẳng muốn hay vì không tin mà không muốn?
- Trừ con ra còn gi đáng tin nữa?
- Nói vậy thì ngươi chỉ là một người nghiên cứu tiểu thừa.
- Tiểu thừa thì tiểu thừa, ngay cả Phật cũng không muốn thấy.
- 40 cuốn kinh Nát Bàn, có bao nhiêu là lời Phật nói, bao nhiêu là ma nói? Và những lời ngươi vừa nói là giống Phật hay giống ma?
- Toàn là ma nói.
Quy Sơn vui vẻ gật đầu.
- Sau này không ai làm phiền ngươi nữa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Khẳng định chính mình là một bài học lớn cho người tu thiền. Thế gian có nhiều yếu tố làm thay đổi con người: tiền bạc, cảm tình, tư tưởng, quyền lực. ngày nay, thiền của Ngưỡng Sơn siêu việt tín ngưỡng, đối đãi. “Tất cả đều là ma nói.” là khẳng định chính mình, thì còn ai làm phiền được ông nữa.

1102. Ta còn có ngươi.

Thiền sư Phật Quang lãnh đạo Truyền Đăng tự, đồ chúng tham học rất đông. Một hôm Phật Quang giảng pháp xong, ông tăng 1 thưa:
- Lão sư, sanh tử là việc lớn, muốn thoát sanh tử, chỉ có niệm Phật vãng sanh tịnh độ, nên đệ tử định đến Linh Nham Niệm Phật đạo trường để học pháp môn niệm Phật.
Thiền sư vui vẻ bảo:
- Tốt lắm, ngươi đi học pháp môn Niệm Phật về có thể khiến chỗ này tiếng niệm Phật không dứt, khiến đạo trường chúng ta thành Liên Hoa thế giới.
Ông tăng 2 đứng dậy thưa:
- Giới trụ tức pháp trụ. Phật môn không gì trọng yếu bằng giới luật, vì vậy con định đến Bảo Hoa sơn giới đường học luật.
- Tốt lắm! ngươi học luật trở về sẽ khiến đạo trường của chúng ta mọi người đều có 3 ngàn uy nghi, 8 vạn tế hạnh, thành một tăng đoàn hòa hợp.
Ông tăng 3 thưa:
- Học đạo chẳng gì bằng tự thân thành tựu, con nghĩ đi nghĩ lại nên mau đi Tây Tạng học mật.
- Tốt lắm! Mật tông giảng cứu tức tâm thành Phật, ngươi học mật trở lại đây chúng ta nhất định nhiều người sẽ thành tựu thân kim cương bất hoại.
Thị giả đứng bên bất mãn thưa:
- Lão sư, thầy là một vị thiền sư đương đại. Thiền là do Đức Phật lấy tâm truyền tâm, thành Phật tác tổ, không gì quan trọng hơn. Các ông tăng trên nên lưu lại học thiền với thầy, chờ được trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh mới phải, cớ sao thầy lại để họ đi?
Phật Quang cười ha hả:
- Ta còn có ngươi!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Người trẻ thường khó chuyên tâm vào một pháp môn, đều đứng núi này trông núi nọ. Câu nói của Phật Quang “Ta còn có ngươi!” khiến cuối cùng thị giả hiểu rõ tấm lòng thiền sư.

1103. Giáo dục.

Có một tín đồ, lễ Phật xong, đến hoa viên tản bộ, thấy viên đầu (ông tăng coi vườn) đang sửa sang cây cỏ. Hoặc cắt cành, hoặc nhổ cả rễ cắm sang chậu khác. Cây khô thì tưới nhiều nước, săn sóc chu đáo. Tín đồ thắc mắc:
- Vì sao cây mọc tốt thầy lại cắt lá? Cây khô héo lại tưới nước? Lại nhổ cây từ chậu này đưa sang chậu khác?
- Trồng cây cỏ cũng như giáo dục con cái, người sao thì cây cỏ cũng vậy.
- Hoa cỏ sao giống người được?
- Săn sóc hoa cỏ thì đối với cây mọc xum xuê, sinh trưởng thác loạn phải cắt bớt cành, tỉa bớt lá khiến nó không phí phạm sinh lực, tương lai sẽ phát dục tốt. Tương tự như những người trẻ phải bỏ đi ác tập mà đi vào đường chính, thứ 2 nhổ cây trồng sang chậu khác là khiến cây từ đất xấu sang đất tốt, giống như khiến người trẻ lìa bỏ hoàn cảnh xấu đến gần gũi thầy hay bạn tốt; thứ 3 tưới các cây khô, thực ra những cây này có vẻ như đã chết, nhưng sinh cơ vẫn còn. Đối với con cháu xấu không thể không cứu; phải biết con người bản tính vốn lành, chỉ cần có tâm giúp đỡ thì sẽ được. Sới đất là trong đất có những hạt chờ được nẩy mầm, cũng như những học sinh nghèo khổ nhưng có tâm hướng thượng chỉ cần trợ giúp là có thể thành công.
Tín đồ nghe lời rất vui vẻ:
- Cảm ơn thầy đã cho một bài học giáo dục rất hay.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Kinh Nát Bàn nói:” tình và vô tình cùng viên cảnh trí” Trên thế gian này không có sanh mạng nào là không cứu được, không có người nào là không thể dạy. Cổng chùa thường có tượng Phật cười toe toét dụng ý dùng từ bi (ái) nhiếp thọ, phía sau có tượng Vi Đà cầm gậy hàng ma ý là dùng uy võ (lực) chiết phục. Cha mẹ, sư trưởng một mặt dùng từ ái, một mặt dùng uy võ, con cháu không thể không thành tài.

1104. Thiện tri thức.

Hạo Nguyệt có lần hỏi Triệu Châu:
- Khắp thiên hạ các vị thiện tri thức chứng hay không chứng Nát Bàn?
- Đại đức hỏi quả Nát Bàn hay nhân Nát Bàn?
- Quả Nát Bàn.
- Chưa chứng.
- Vì sao?
- Vì công phu chưa bằng chư thánh.
- Công phu chưa bằng chư thánh sao gọi là thiện tri thức?
- Minh tâm kiến tánh, ngộ nhập Phật Tri Kiến mới được gọi là thiện tri thức.
- Không biết công phu thế nào mới chứng đại Nát bàn?
Triệu Châu đọc bài kệ:
麻訶 般 若 照
Ma ha bát nhã chiếu
涅槃 解 脫 珐
Niết bàn giải thóat pháp
欲識 功 齊 處
Dục thức công tế xứ
此名 常 寂 光
Thử danh thường tịch quang
Ma ha Bát Nhã chiếu
Pháp giải thoát Nát Bàn
Muốn biết chỗ tất yếu
Danh gọi thường tịch quang.
- Quả Nát Bàn đã biết, mong được khai thị nhân Nát Bàn.
- Chính là Đại đức!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Người học lúc chưa kiến tánh, không thể lìa thiện tri thức vì Đức Phật từng nói thân cận thiện tri thức là điều kiện tất yếu để chứng ngộ. Thời mạt pháp muốn cầu toàn đức (quả Nát Bàn) thật không dễ, theo như Phật pháp thấy người cao hơn mình đều nên gần gũi, tùy thuận cung kính.

1105. Khóa trình.

Học tăng Nguyên Trì tham học nơi Vô Đức. Dù rằng rất chăm chỉ cố gắng, nhưng đối với thiền pháp vẫn chưa thể ngộ. Một lần, trong buổi tham thiền Nguyên Trì hỏi Vô Đức:
- Con vào nghiệp lâm đã lâu mà vẫn chưa liễu ngộ; xin thầy chỉ thị hàng ngày ngoài tu trì, làm việc còn có khóa trình nào phải tu?
- Ngươi phải lo chăm sóc 2 con thứu, 2 con nai, 2 con ưng, ước thúc một con trùng trong miệng, 1 con gấu và chăm sóc một bệnh nhân. Nếu ngươi làm tròn bổn phận thì nhất định sẽ giúp ích cho ngươi rất nhiều.
Nguyên Trì không hiểu, hỏi lại:
- Thưa thầy, con tới đây tham học một mình đâu có dẫn theo 1 con vật nào đâu mà chăm sóc? Hơn nữa con hỏi là hỏi khóa trình phải tu đối với những con vật này nào có quan hệ gì?
Vô Đức mỉm cười:
- Ta nói 2 con thứu là 2 mắt, những gì phi lễ đừng nhìn; 2 con nai là bảo ngươi coi chừng 2 chân đừng để chúng chạy loạn vào đường ác, đường phi lễ đừng đi; 2 con ưng là 2 tay ngươi khiến chúng phải làm việc tròn trách nhiệm, phi lễ không được động; một con trùng trong miệng là nói lưỡi ngươi, những gì phi lễ không được nói. Một con gấu là tâm ngươi, những gì phi lễ không được tưởng; một bệnh nhân là thân ngươi, hy vọng ngươi không rơi vào tội ác. Ta nghĩ rằng đó là khóa trình phải tu vậy.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trong kinh Phật thường nói 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) giống như 1 làng không có người ở, bị bọn thổ phỉ chiếm cứ, hàng ngày chúng liên kết với 6 trần làm ác, tạo nghiệp. 6 căn này giống như 6 con thú, nếu biết cách quản thúc chúng khiến cho những gì phi lễ đừng nhìn, đừng nghe, đừng làm thì đó là Phật và Nho dung hợp vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 9:29 PM | Message # 227
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1106. Chẳng giữ tâm bình thường.

Một học tăng đến pháp đường thỉnh thị thiền sư:
- Thiền sư! Con thường niệm kinh, ngồi thiền, tự nghĩ trong đồng môn không có người nào dụng công hơn, nhưng vì sao vẫn chưa khai ngộ?
Thiền sư đưa ra một hồ lô và một nhúm muối bảo:
- Ngươi hãy lấy hồ lô đổ đầy nước, sau đó đổ muối vào, nếu muối tan ngay ngươi lập tức khai ngộ.
Ông tăng làm theo lời, một lúc sau chạy vào hỏi:
- Miệng hồ lô nhỏ, con bỏ muối vào nó không tan, cho đũa vào để khuấy cũng không được; con không có cách gì khai ngộ.
Thiền sư dốc nước trong hồ lô ra, chỉ để lại một phần, sau đó bỏ muối vào lắc, muối liền tan ngay:
- Ngươi từ sáng đến tối dụng công, không có lúc nào để tâm bình thường cũng như hồ lô đầy nước, lắc không được, khuấy cũng không được, làm sao muối tan? làm sao khai ngộ?
- Chẳng lẽ không dụng công lại có thể khai ngộ sao?
- Tu hành giống như đánh đàn: dây căng quá thì đứt, dây chùng quá thì đàn không ra tiếng, chỉ có Trung Đạo mới ngộ đạo được.
Học tăng cuối cùng lãnh ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Ở thế gian, chấp trước không thể tiến bộ được. Đọc sách chết không biết sử dụng thì chẳng có lợi gì. Hãy để ra một chút thời gian tư khảo, chẳng gấp cũng chẳng khoan. Đó chính là cửa vào Đạo vậy.

1107. Không cầu gì cả.

Đời Tống, thiền sư Tuyết Đậu gập học sĩ Tăng Hội ở bờ sông Hoài. Tăng Hội hỏi:
- Thiền sư định đi đâu?
- Không nhất định, hoặc đến Tiền Đường hoặc đến Thiên Thai.
Tăng Hội đề nghị:
- Vị trụ trì Linh Ẩn Tự là San thiền sư có quen biết chúng tôi, chúng tôi xin viết một thư giới thiệu thầy, chắc chắn sẽ được chiêu đãi tốt.
Tuyết Đậu đến Linh Ẩn Tự cũng không mang thư giới thiệu trình cho trụ trì, lẳng lặng sống cùng đại chúng. Ba năm sau Tăng Hội phụng chỉ tới Chiết Giang, bèn đến Linh Ẩn Tự tìm Tuyết Đậu. Các ông tăng không biết có Tuyết Đậu trong chùa hay không. Tăng Hội không tin, tự mình đến chỗ các ông vân thủy tăng, tìm trong hơn ngàn người thấy Tuyết Đậu, bèn hỏi:
- Tại sao thầy không đến gập trụ trì? Chẳng lẽ thầy đã vất thư tôi giới thiệu đi rồi?
- Không dám! Không dám! Vì tôi chỉ là một vân thủy tăng, không cần gì cả cho nên không dám dùng thư của ông.
Rồi đó lấy thư giới thiệu từ trong tay áo ra, giao trả Tăng Hội. Hai người cùng cười ha hả. Tăng Hội bèn dẫn Tuyết đậu vào giới thiệu với San thiền sư. San thiền sư rất thưởng thức Tuyết Đậu. Về sau, khi Giang Tô Thúy Phong Tự thiếu trụ trì bèn suy cử Tuyết Đậu.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Xã hội ngày nay muốn cần một chức nhỏ cũng cần nhờ vả quan hệ. Tuyết Đậu có thư giới thiệu để tiến thân mà không dùng. Người học Đạo chỉ cần tinh cần tu học, một ngày nào đó quả chín, cuống tự rụng, rồng hiện trên trời.

1108. Tang lễ.

Tùng Vân sau khi xuất gia học thiền, nhớ đến mẹ già không người coi sóc, bèn tự mình dựng một tòa thiền xá, dẫn mẹ tới cùng ở.
Hàng ngày trừ lúc tham thiền, còn thì chép kinh để kiếm tiền tiêu pha. Có lúc đi chợ mua ít cá thịt cung dưỡng mẹ. người đi đường đều chỉ trích ông là loại thầy chùa rượu thịt. Tùng Vân không giải thích vì ông không để ý đến những lời tán gẫu. Nhưng mẹ ông thì không chịu đuợc những lời chỉ trích nên cũng ăn chay luôn.
Một hôm, một cô tiểu thư xinh đẹp gập ông trên đường, bị nghi biểu trang nghiêm của ông làm cảm động; mời ông về nhà thuyết pháp. Tùng Vân không từ chối, nhận rằng thuyết pháp là một chuyện tốt. Nhưng về sau nhiều người bàn tán. Có người nói chính mắt thấy ông đến kỹ viện chơi gái. Lân cư bèn phá hủy thiền xá, đuổi ông đi. Tùng Vân bất đắc dĩ phải nhờ người nuôi hộ mẹ, còn mình thỉ đi vân du.
Hơn năm sau, mẹ ông nhớ con mang bệnh rồi mất. Người làng không biết ông ở đâu, đành để quàn chờ ông về sẽ an táng sau.
Không lâu, Tùng Vân trở về. Đứng trước quan tài rất lâu, rồi dùng gậy gõ vào quan tài:
- Mẹ ơi con đã về đây.
Lại bắt chước giọng mẹ:
- Tùng Vân, thấy con hoàn thành Thiền đạo trở về, mẹ rất vui.
- Dạ thưa mẹ, con lấy thiền đạo hồi hướng mẹ về Phật Quốc, không phải quay lại thế gian này chịu khổ nữa.
Quay lại mọi người ông bảo:
- Tang lễ đã xong, có thể an táng.
Lúc đó ông mới 30 tuổi, lão mẫu thọ 68 tuổi.
Năm 56 tuổi biết thời đã tới, ông tụ tập đệ tử lại từ biệt, sau đó thắp hương trước ảnh mẹ. Ông viết bài kệ:
人間 逆 旅
Nhân gian nghịch lữ
五十 六 年
Ngũ thập lục niên
雨過 天 青
Vũ quá thiên thanh
一輪 月 圓
Nhất luân nguyệt viên
Nhân gian nghịch lữ
Năm mươi sáu Đông
Mưa qua, trời tạnh
Một vầng trăng tròn.

Viết xong gác bút mà mất.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trên thế gian này, có người là có thị phi, tốt xấu, sáng tối. Nói tốt vị tất đã tốt; nói xấu vị tất đã xấu. Nỗi oan của Tùng Vân giúp ông lớn mạnh Thiền Đạo. Mẫu thân tạ thế, hồi báo mẹ về an dưỡng đất Phật, chỉ cần có Thiền là hết khổ, hết oán hận.

1109. Sinh hoạt.

Trời vừa sáng, cư sĩ Chu Hữu Phong bưng hoa quả cúng Phật, vào Phật điện tham dự khóa lễ sáng. Nào ngờ vừa bước vào đại điện, bỗng nhiên phía bên trái chạy ra một người đâm xầm vào Chu Hữu Phong, khiến hoa quả bị rơi đầy đất.
- Ngươi coi! Cử chỉ ngươi thô lỗ làm hoa quả cúng dường Phật bị rơi hết, ngươi tính sao đây?
Người làm đổ là Lý Nam Sơn bất mãn:
- Đổ thì cũng đã đổ rồi, xin lỗi 1 câu là đủ, ngươi làm gì dữ vậy?
Chu Hữu Phong nổi giận:
- Đây là thái độ gì? Mình đã sai còn trách người?
Hai người chửi qua mắng lại, càng lúc càng to tiếng. Quảng Ngữ thiền sư chính lúc đó đi qua, kéo 2 người sang một bên hỏi rõ đầu đuôi, khai thị:
- Chạy loạn va vào người ta là không phải, nhưng không chịu tiếp nhận lời xin lỗi của người ta cũng là không đúng. Đây đều là những hành vi ngu xuẩn. Nếu chịu thừa nhận những sai lầm của mình và tiếp nhận sự xin lỗi của người thì đấy mới là hành động sáng suốt. Chúng ta sống trên thế giới này sự sinh hoạt có nhiều tầng lớp phải phối hợp ở gia đình: vợ chồng con cái, anh em. Ở giáo dục đối với thầy cô, ở kinh tế cung và cầu. . . Chúng ta phải tìm một phương thức sinh hoạt để khỏi phụ cái sinh mạng quý báu của chúng ta. Các người thử nghĩ xem chỉ vì một chuyện nhỏ mà phá hoại cái tâm thành kính ấy có nên không?
Lý Nam Sơn nói trước:
- Thiền sư, con sai rồi.
Nói rồi hướng về Chu Hữu Phong:
- Xin tiếp nhận lời xin lỗi chân thành của tôi, tôi thật quá ngu si.
- Tôi cũng có chỗ không phải, vì một chuyện nhỏ mà nổi giận thực quá trẻ con.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Những lời của Quảng Ngữ đã cảm động đuợc 2 người tranh cường, háo đấu.

1110. Tâm lìa tiếng nói.

Bảo Thông đến thăm Thạch Đầu, Thạch Đầu hỏi:
- Cái gì là tâm ngươi?
- Lời nói.
- Có lời là vọng tâm, bằng vào lời nói thì không thấy được chân tâm.
Bảo Thông mắc cỡ, ngày đêm tham cứu chân tâm là cái gì. Mười ngày sau quay lại thỉnh thị:
- Lần trước con đáp sai, bây giờ con biết tâm con là gì rồi!
- Tâm ngươi là gì?
- Nhíu mày, nhướng mắt.
- Trừ nhíu mày, nhướng mắt, đem tâm ra đây.
- Nếu vậy thì không tâm đem ra.
- Vạn vật vốn có tâm, nếu nói vô tâm là hủy báng, kiến văn giác tri là vọng tâm, nhưng nếu không dùng tâm làm sao ngộ đạo?
Bảo Thông cuối cùng đại ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tâm lìa ngôn ngữ, văn tự, động tác (nhíu mày, nhướng mắt) lìa tất cả mọi tướng. Nói có nói không đều sai. Chính như Lục tổ nói “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Minh thượng tọa?”
Tại sao các thiền sư đều nói vô tâm là thiền tâm? Vì có tâm đều là tâm hư vọng. Tâm có lúc ở thiên đàng, có lúc ở hỏa ngục. Mỗi ngày không biết bao lần đi tới đi lui thiên đường, địa ngục. Thiền giả phải an trú ở vô tâm, chính như kinh Kim Cương nói “Không trụ vào đâu mà tâm ấy sanh ra.”


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 31 Jul 2012, 9:36 PM | Message # 228
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1111. Một giây chẳng rời.

Động Sơn đến từ biệt Vân Nham để đi. Vân Nham hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Con chỉ muốn đi chỗ khác tham học, một bát cơm ngàn nhà, cô tăng vạn lý du; còn mục tiêu, địa điểm hiện tại con cũng không biết.
- Ngươi có định đi Hồ Nam không?
- Không.
- Hay là về thăm nhà?
- Cũng không phải.
Vân Nham đổi đề tài:
- Ngươi định bao giờ trở lại đây?
- Đợi khi nào con tìm được chỗ dừng chân sẽ trở lại.
- Ngươi dời đây rồi, tưởng gập lại không phải là dễ.
Động Sơn chắp hai tay lại, thưa:
- Hàng ngày gập mặt, tâm linh chẳng thông thì như ức kiếp xa cách; còn như tâm linh tiếp thông thì ức kiếp xa cách chẳng lià một giây.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đệ tử cáo từ đi nơi khác tham học đó là chuyện bình thường, nhưng ra đi mà không có mục phiêu thì không nên. Động Sơn đã ở với Vân Nham 10 năm, cái mà ông tham học là tìm một chỗ dừng chân đó là nơi tịch diệt. Vì vậy Vân Nham nói về sau muốn gập mặt cũng khó. Nhưng Động Sơn không hạnh phụ nỗi lo lắng của lão sư, đã trả lời: nếu tâm linh tiếp thông thì dù xa cách vạn kiếp cũng không lúc nào rời nhau.

1112. Lão bán muối.

Có một học tăng định đến tham Phúc Thuyền, trên đường gập một lão bán muối, bèn hỏi:
- Xin hỏi ông lão đến Phúc Thuyền làm sao đi?
Rất lâu, không nghe ông lão trả lời, học tăng nhắc lại câu hỏi.
- Ta đã nói rồi mà, ngươi điếc hay sao?
- Lão đã nói gì?
- Đường đến Phúc Thuyền.
- Chẳng lẽ lão cũng học Thiền?
- Không những là Thiền, Phật pháp cũng hiểu.
- Vậy lão hãy nói coi.
Ông lão không nói một câu, nhấc gánh muối lên vai định đi. Học tăng không hiểu chỉ kêu lên:
- Khó!
- Ngươi vì sao nói vậy?
- Lão bán muối.
- Có gì chỉ thị?
- Lão tên chi?
- Không thể nói cho ngươi biết đó là muối.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Muốn đến Phúc Thuyền tham học phải đi đường nào? Nếu đã nói Phúc Thuyền sao còn có đường? Đường đi có đường khó, có đường dễ, có đường lớn, có đường nhỏ, có đường nhập thế, có đường xuất thế. Là học giả cứ thuận đường mà tiến về phía trước. Nhưng người học thiền có chí xung thiên chẳng đi đường Như Lai.

1113. Thì cũng thế.

Thị giả của thiền sư Pháp Khánh nhân đọc Động Sơn Lục, cảm khái thốt lên:
- Cổ nhân đối với vấn đề sanh tử tùy tiện biết bao, thật là kỳ quái.
Pháp Khánh nhân đó bảo:
Khi nào ta tọa hóa, ngươi có thể kêu ta, nếu ta tỉnh lại được thì đó là sanh tử tự tại có gì là kỳ với không kỳ.
Thị giả chăm chú nhìn thiền sư, Pháp Khánh đọc bài kệ dự ngôn:
今年 五 月 初 五
Kim niên ngũ nguyệt sơ ngũ
四大 將 離 本 主
Tứ đại tướng ly bản chủ
白骨 當 風 颺 却
Bạch cốt đương phong dương khước
免占 檀 那 地 土
Miễn chiếm đàn na địa thổ.

Mùng 5 tháng 5, năm nay
Bốn đại tướng lìa bản chủ
Xương trắng bị gió thổi bay
Bỏ lại đất của thí chủ.
Thời gian qua mau, tới ngày mồng 5 tháng 5, thiền sư đem hết quần áo, đồ đạc giao cho thị giả cúng dường chư tăng để kết duyên. Khi chuông nửa đêm vừa thỉnh, thiền sư ngồi kiết già mà hóa. Mạch ngưng đập, hơi thở không còn; thị giả nhớ lời lúc trước bèn gọi:
- Thiền sư! Thiền Sư!
Rất lâu Pháp Khánh mở mắt ra hỏi:
- Làm cái gì?
- Thiền sư sao không thay quần áo rồi hãy đi?
- Khi tới ta không mang theo gì!
Thị giả nhất định thay quần áo cho thiền sư.
Pháp Khánh bảo:
- Chẵng lưu lại gì cho người sau:
Thị giả hỏi:
- Chính lúc ấy thì thế nào?
Lại viết thêm một bài kệ:
七十 三 年 如 制 電
Thất thập tam niên như chế điện
臨行 為 君 通 一 線
Lâm hành vi quân thông nhất tuyến
鐵牛 跨 跳 過 新 羅
Thiết ngưu khóa khiêu quá tân la
撞破 虛 空 七 八 片
Tràng phá hư không thất bát phiến

Bẩy ba năm qua mau như điện lòe
Lúc ra đi, chỉ cho người thấy tánh.
Con trâu sắt nhẩy quá xứ Tân La
Đập phá hư không thành bẩy, tám mảnh.

Sau đó nghiễm nhiên mà hóa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Nếu có người hỏi thiền giả có sanh tử không? Trả lời:thiền giả ở trong sanh tử rất tự tại. Đỏ hon hỏn tới, đỏ hon hỏn đi, có thể buông bỏ tất cả; chính lúc đó là giải thoát, là tự do vậy.

1114. Pháp Bảo Vô Thượng.

Tổ Đạt Ma vốn tên là Bồ Đề Đa La, người Nam Ấn Độ. Xuất thân là quý tộc Bà La Môn, là hoàng tử thứ 3 của vua Hương Chí. Về sau gập được Bát Nhã Đa La, được ngài coi trọng, độ cho xuất gia cải tên là Bồ Đề Đạt Ma. Đạt Ma lúc chưa xuất gia đã là một ngưòi có tài trí hơn người, có thiện căn thoát tục. Một lần, tôn giả Bát Nhã Đa La chỉ khối châu báu hỏi 3 anh em:
- Trên đời này còn thứ gì quý hơn đám châu báu này không?
Đại ca Nguyệt Tĩnh Đa La đáp:
- Không có! Đây là của báu của Hoàng gia, trên thế gian này không có gì quý bằng.
Nhị ca Công Đức đa La đáp:
- Con chưa thấy vật nào quý báu hơn.
Chỉ có Bồ Đề Đạt Ma không đồng ý:
- Con nhận rằng ý kiến của 2 anh không đúng, đám châu báu này thực ra không có chút giá trị gì.
Hai anh đều hỏi:
- Ngươi nói đám châu báu này không có giá trị, vậy cái gì mới có giá trị?
- Vì đám châu báu này tự chúng không nhận biết giá trị của chúng, chỉ là đồ vật vô tri, còn như Phật nói chân lý đó là pháp bảo. Pháp bảo là do trí tuệ Bát Nhã phát huy, nó không những tự chiếu mà còn có thể phân biệt hình sắc của châu báu, phân biệt các pháp thiện ác của thế gian và xuất thế gian nữa.
Đó mới là điều quý nhất.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đạt Ma tài trí siêu thoát, kiến giải của ông không bị truyền thống bó buộc, vì nhân duyên ưu việt, cho nên sau khi xuất gia kế thừa y bát của Bát Nhã Đa La thành tổ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ. Dưới triều Lương Võ Đế từ Tây qua Trung thổ, tọa thiền diện bích 9 năm ở núi Thiếu Thất trở thành sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa.
Thế nào là bảo vật chân chính? Ở thế tục đó là kim ngân châu báu, ở xuất thế gian đó là tam bảo: Phật, Pháp, Tăng, còn gọi là tự tánh tam bảo. Ai ai cũng có chẳng ai là không có chân tâm bản tánh. Kim ngân châu báu sẽ có lúc bị hủy hoại, nhưng chân tâm bản tánh thì không. Đạt Ma từ nhỏ đã có nhận thức tài trí như vậy, về sau kế thừa tổ vị, qua Trung Hoa truyền bá Phật pháp, một hoa nở 5 cánh, truyền đăng vô tận. Đó là 1 niệm giải thoát chiếu sáng vô cùng, pháp bảo đã quý hơn châu báu vậy.

1115. Thiền là gì?

Có một tín đồ định học tọa thiền, nhưng không biết học tập thế nào. Một hôm lấy hết can đảm đến chùa hỏi Vô Tướng:
- Lão sư, con rất ngu, biết mình không phải là pháp khí để học thiền, như nhìn ngọn núi cao mà không thề trèo tới, mong thầy chỉ cho con Thiền là gì?
- Ngũ tổ Pháp Diễn từng kể một câu chuyện:
Có 2 cha con một tên trộm; một hôm đứa con bảo bố:
- Cha, càng ngày cha càng lớn tuổi, lúc nào rảnh hãy chỉ cho con mánh khoé ăn trộm, nếu không sau này con làm sao kiếm ăn?
Ông bố bằng lòng. Một hôm dẫn con đến nhà một phú ông ăn trộm; dùng chùm chìa khóa vạn năng mở rương quần áo bảo đứa con chui vào đó khóa lại và kêu lên: Có trộm! Có trộm!
Sau đó soay mình chạy. Người nhà phú ông nghe có trộm chạy tới thấy không mất đồ đạc gì, cũng không thấy tên trộm đâu, do đó lại ngủ lại. Lúc đó đứa con nằm trong rương không hiểu ý bố sao lại khóa mình trong rương, bây giờ phải làm gì để đào thoát? Linh cơ nhất động, giả tiếng chuột gậm quần áo. Một lúc sau bà chủ gọi chị người làm mang đèn lại coi. Chị người làm vừa mở rương, tên trộm bèn đẩy ngã và thổi tắt đèn, co giò chạy mất. Phú ông phát giác có trộm bèn sai gia nhân đuổi theo. Đuổi đến bờ sông, tên trộm nhỏ trong lúc nguy cấp sanh trí xô một tảng đá lớn xuống sông rồi quay trở lại; nghe có tiếng nói:
- Thật tội nghiệp! tên trộm bị bức quá, đã nhẩy xuống sông rồi!
Tên trộm nhỏ về nhà thấy bố đang nhậu, bèn trách bố sao lại khóa mình trong rương? Ông bố chỉ hỏi con làm sao ra. Đứa con thuật lại đầu đuôi, ông bố thích trí bảo con:
- Con sau này không sợ không có cơm ăn.
Cũng giống như tên trộm con, từ không có biện pháp mà tìm ra biện pháp. Đó là Thiền.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trí tuệ Thiền là phát từ nội tâm.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 0:40 AM | Message # 229
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1116. Không động tâm.

Một nơi kia có thiên tai, các nhân sĩ Phật giáo muốn cứu trợ nạn nhân bèn mời một đoàn ca vũ đến biểu diễn, trù tính sẽ quyên góp ít tiền. Chư tăng cũng tới tham dự. Có một người mới vào học Thiền không cho là phải. Ông cho rằng người tham Thiền không nên coi ca vũ. Vì đoàn thể tổ chức, bất đắc dĩ ông phải tham dự. Ông nhắm mắt ngồi thiền không lý gì đến những náo động chung quanh. Khi cuộc trình diễn tạm ngưng, ban tổ chức bèn quyên tiền khán giả. Vị mới học thiền phất áo đứng dậy tức giận bảo:
- Ta nhắm cả 2 mắt, ngay một cái liếc cũng không sao lại đòi tiền ta?
Người tổ chức nói:
- Người mở mắt xem, chỉ trả nửa tiền là được, còn ông nhắm mắt tưởng tượng phải trả gấp đôi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Chúng ta tu hành, không phải chỉ nhắm mắt không nhìn, không nghe cho là vô sự. Sự tưởng tượng lại còn lợi hại hơn là nhìn và nghe thật. Chỉ có không động tâm mới thật sự là chân chính tu hành.

1117. Không tìm lại được.

Chu Từ Mục là một tín đồ Tịnh Độ, một hôm đến bái phỏng Phật Quang:
- Thiền sư, con niệm Phật đã hơn 20 năm rồi, gần đây không niệm được như trước nữa.
- Không như trước là sao?
- Khi trước con niệm Phật trong tâm có Phật tánh, dù miệng không niệm mà trong tâm vẫn cảm giác Phật thanh liên miên bất đoạn, dường như dòng suối tuôn trào.
- Tốt lắm! Đó là ngươi đã đạt tới tĩnh niệm tương tục cùng Phật tương ứng, đạt tới chân tâm rồi.
- Cám ơn thầy khen ngợi, nhưng bây giờ con không xong rồi, con khổ não lắm vì không thấy chân tâm nữa.
- Vì sao không thấy chân tâm?
- Vì tĩnh niệm tương tục không tìm thấy nữa, xin thầy chỉ cho con đi đâu mà tìm chân tâm?
- Chân tâm không ở đâu xa cả, ở ngay thân ngươi.
- Sao con không biết?
- Vì ngươi một niệm bất giác cùng vọng tâm giao lưu, chân tâm bèn lìa ngươi.
Chu Mục Từ nghe rồi bèn ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Nói không có chân tâm nữa là nói đánh mất chính mình. Vì sao bị mê? Chỉ vì hư vọng che mờ mất chân tâm. Vĩnh Gia từng nói:
Tính thật vô minh tức Phật tánh
Thân không ảo hóa tức Pháp thân.
Là cũng ý này.

1118. Gà trống và côn trùng.

Có một đứa nhỏ 7 tuổi thường kiếm thiền sư Vô Đức nói chuyện loạn cào cào. Vô Đức thấy đứa nhỏ này cơ trí hơn người, những lời nói thường có ít nhiều thiền vị. Một hôm Vô Đức bảo đứa nhỏ:
- Lão tăng hàng ngày bận rộn không có thì giờ nói chuyện với ngươi. Bây giờ chúng ta thử tranh luận 1 lần, nếu ngươi thua ngươi phải mua bánh cúng dường ta, nếu ta thua thì ta sẽ mua bánh cùng ngươi kết duyên.
- Thỉnh thầy hãy bỏ tiền ra.
- Hãy biện luận trước đã, giả sử lão tăng là một con gà trống.
- Con là một con côn trùng nhỏ.
Vô Đức nắm lấy cơ hội:
- Đúng rồi! ngươi là côn trùng nhỏ, vậy phải mua bánh cho ta là con gà trống lớn.
- Không được! Sư phụ phải mua bánh cho con mới đúng. Thầy là con gà trống lớn, con là côn trùng nhỏ. Con thấy thầy bèn bay đi mất. Thầy trò không tranh luận được. Như vậy không là thua sao?
Vô Đức dẫn đứa nhỏ đi hỏi nhiều người:
- Vấn đề này giống như chiến tranh chính trị, nếu một vài người không giải quyết được thì phải mang ra hỏi ý kiến cả làng xem ai có lý.
Cả làng có độ 300 người, nhưng không ai trả lời được.
Do đó Vô Đức trang nghiêm nói:
- Phải cần thiền sư trợn mắt mới phán đoán được.
3 ngày sau, cả chùa đều hay Vô Đức lẳng lặng mua bánh cho cậu bé 7 tuổi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền không có to nhỏ, dài ngắn, tốt xấu dĩ nhiên cũng không có thua được. Mới đầu Vô Đức tưởng thắng đứa nhỏ 7 tuổi. Đứa nhỏ tự nhận mình là côn trùng nhỏ, con gà trống chỉ mổ một cái là nuốt vào bụng. Nhưng con côn trùng thấy gà trống bèn bay đi, biểu thị sư, đồ không thể tranh luận.

1119. Kiếm tâm thiền.

Tại Nam Thiên Tự, Vô Đức cử hành tiểu tham. Vô Đức bảo:
- Các vị đến đây tham học, có người nhiều năm, có người vài tháng, không biết các vị đã tìm thấy thiền tâm chưa?
Ông tăng một thưa:
- Con là người chủ quan rất mạnh, chỉ để ý đến những gì của mình hoặc về mình mà thôi, ngoài ra không quan tâm gì hết. Nhưng sau khi tham thiền rồi thì phát giác mọi sự, mọi việc ở trên đời đều tùy thuộc nhân duyên mà thành tựu. Thành ra lúc trước mỗi ngày chỉ vọng tưởng ta và cái của ta; hiện tại biết được ngoài ta còn có người có Phật, con nghĩ con đã nắm được thiền tâm rồi.
Ông tăng hai thưa:
- Lúc trước con chỉ tin những gì mắt thấy, tay sờ; nay tham thiền rồi con thấy rằng nhìn gần còn có nhìn xa, tâm lớn như không. Con nghĩ là đã thấy thiền tâm rồi.
Ông tăng ba thưa:
- Lúc trước, nếu nói mỗi ngày con đi 30 dậm, con quyết không đi 50 dậm; tham thiền rồi cảm thấy có thể lấy sinh mạng hữu hạn chứng ngộ Pháp thân vĩnh hằng, hận rằng không thể không ăn, không ngủ ngày đi trăm dậm. Con nghĩ con đã thấy thiền tâm.
Ông tăng bốn thưa:
- Con ít học, kinh nghiệm chẳng đủ, sử sự kém cỏi, có lúc tự ty. Từ khi học thiền rồi mới phát giác mình có thể đảm nhiệm trọng trách hoằng pháp lợi sinh, không còn thấy mình kém cỏi, tự ty nữa. Con nghĩ đó là thiền tâm.
Ông tăng năm thưa:
- Con chỉ cao 5 thước (thước Tầu), cảm thấy tự ty, sau khi học thiền rồi đứng trước người cảm thấy mình cao 2 trượng, con nghĩ rằng con đã thấy thiền tâm.
Vô Đức nghe rồi bảo:
- Lời các ngươi vừa nói là sự tiến bộ của các ngươi. Các ngươi tự thọ dụng pháp hỷ chỉ là tham cứu sơ tâm chưa phải là thiền tâm. Thiền tâm là ở nơi minh tâm kiến tánh. Hãy tinh tấn tu hành! Tham!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tham thiền điều trọng yếu là minh tâm kiến tánh, nhưng trong quá trình tham thiền có thể cải biến quan niệm, tĩnh hóa thân tâm, khích phát nội lực, tăng gia huệ tư, như các ông tăng báo cáo.

1120. Ta có thể vì ngươi mà bận rộn.

Phật Quang có lần gập Khắc Khế bèn hỏi:
- Ngươi đến đây học Thiền đã nhiều ngày tháng rồi, sao không thấy ngươi hỏi Đạo?
- Lão thiền sư hàng ngày bận rộn, học tăng không dám làm phiền.
Ba năm sau, Phật Quang gập Khắc Khế trên đường lại hỏi:
- Ngươi tham thiền tu đạo, có vấn đề gì sao không đến hỏi ta?
- Lão thiền sư bận rộn, học tăng không dám tùy tiện nói chuyện.
Lại một năm sau, Khắc Khế đi ngang qua phòng Phật Quang. Phật Quang gọi:
- Hôm nay ngươi có rảnh, lại đây cùng ta đàm đạo.
Khắc Khế chắp tay thưa:
- Lão thiền sư bận rộn, con sao dám lãng phí thời gian của người?
Phật Quang biết Khắc Khế quá nhũn nhặn, không dám ngay đó gánh vác làm sao mà ngộ đạo được, nếu mình không chủ động thì không được. Do đó lần sau gập Khắc Khế liền hỏi:
- Học Thiền cần tham cứu không ngừng, ngươi vì sao không đến hỏi ta?
- Lão thiền sư quá bận rộn, con làm sao dám làm phiền.
Phật Quang hét lớn:
- Bận! Bận! Bận vì ai? Ta cũng có thể vì ngươi bận!
Câu hét vào thẳng tâm Khắc Khế, khiến ông được khai ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có người chỉ nghĩ đến mình, chuyện chẳng có gì cũng làm phiền người khác. Có người lại chỉ nghĩ đến người, chẳng để ý gì đến mình, đánh mất nhiều cơ hội. Bản lai diện mục của Thiền là gánh vác ngay đó, đang lúc ăn thì ăn, đang lúc tu thì tu. Khi hỏi thì hỏi điều trọng yếu, khi đáp thì đáp một cách khẳng định, chẳng thể tựa có mà không xoay đi xoay lại. Ta có thể giúp, ngươi vì sao không muốn ta giúp? Ngươi giúp ta, vì sao ta không thể giúp ngươi mà bận rộn? Không phải vì đó mà rõ nhân, ngã sao?


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 0:45 AM | Message # 230
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1121. Nhọt mặt người.

Ngộ Đạt Tri Huyền thiền sư khi còn là vân thủy tăng, một hôm trên đường đến kinh sư, gập một ông tăng Tây Vực mắc bệnh mà không có ai chiếu cố. Ông không quản ngại rửa ráy, bôi thuốc cho ông tăng bệnh, ông tăng này sau khi khỏi bệnh bảo Ngộ Đạt:
- Sau này nếu có tai nạn gì hãy đến Tây Thục, Cửu Long Sơn ở giữa khoảng 2 cây tùng lớn gập ta.
Nhiều năm sau, pháp duyên của Ngộ Đạt ngày càng vượng, vua Đường Ý Tông rất tôn kính phong làm quốc sư, còn tặng đàn hương pháp tọa. Thiền sư tự giác rất vinh hạnh. Một hôm đầu gối thiền sư bỗng nổi một cái nhọt có hình mặt người có đủ mắt, mũi, miệng, răng như người thường. Thiền sư tìm đủ thầy chạy chữa mà không khỏi. Chính lúc bị bó tay sực nhớ đến lời dặn của ông tăng Tây Vực. Ông bèn y hẹn đến Cửu Long Sơn. Ông tăng Tây Vực chỉ dòng suối bên hàng tùng bảo:
- Ông đừng lo, hãy rửa nhọt bằng nước suối này sẽ hết.
Ngộ Đạt định vục nước rửa nhọt, thì hình mặt người trong nhọt bỗng mở miệng:
- Chờ một chút, ông có biết tại sao lại có nhọt này không? Ông có biết trong Tây Hán Sử có thuật chuyện Viên Ưởng giết oan Triều Thác không? Ông chính là Viên Ưởng chuyển thế, còn ta chính là Triều Thác. Từ 10 kiếp nay, trong vòng luân hồi trôi chảy ta đều tìm cơ hội để báo thù. Nhưng trong 10 kiếp này ông đều là tăng thanh tịnh giới hạnh, nên ta không có cơ hội hạ thủ. Gần đây trong triều, ngoài dân đều kính trọng, ông sinh lòng ngã mạn, làm mất đạo hạnh; do đó ta mới có thể nhập vào thân ông. Bây giờ nhờ Già Nặc Già tôn giả từ bi lấy nước tam muội rửa hết tội nghiệp. Từ nay về sau không còn cùng ông oan oan tương báo.
Ngộ Đạt nghe rồi toát mồ hôi, vội vục nước rửa, cảm thấy đau đớn kịch liệt ngất đi. Khi tỉnh lại thì nhọt mặt người không còn nữa, ông tăng Tây Vực cũng không thấy đâu.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tuy tham thiền minh tâm kiến tánh, nhưng tam thế nhân quả nghiệp báo rõ ràng không ai có thể trốn thoát được, chỉ có làm việc thiện, kết thiện duyên, sám hối tiên nghiệp, mới có thể cứu được. Ở tự tánh tuy không có tội nghiệp, nhưng ở sự tướng thì nhân quả nghiễm nhiên do đó hiện báo, sinh báo, hậu báo không thể không báo. Ngộ Đạt may gập Già Nặc Già tôn giả, cho thuốc trị bệnh. Tôn giả báo đáp giúp giải oan tiên nghiệp. Về sau Ngộ Đạt viết Thủy sám lưu hành thế gian phổ độ thế nhân. Như vậy nghiệp báo lại chẳng nên thận trọng ư?

1122. Đại Thiên là giường.

Có một lần, Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn. Viết thư dặn thiền sư hãy tiếp mình như Triệu Châu tiếp Triệu Vương (xem công án số 467) Tô Đông Pha tự coi mình hiểu được ý vị của Thiền muốn Phật Ấn lấy phương cách thượng thừa mà tiếp mình – không tiếp mà tiếp – nhưng Phật Ấn lại chạy ra tận cửa chùa tiếp đón. Tô Đông Pha nắm lấy cơ hội chế diễu Phật Ấn:
- Đạo hạnh của thầy không được tiêu sái như Triệu Châu, đệ tử đã dặn thầy đừng ra tiếp, mà thầy còn theo thường tục chạy ra tận cửa đón.
Tô Đông Pha nghĩ lần này mình đã chiếm được thượng phong không ngờ Phật Ấn đọc một bài kệ trả lời:
趙州 當 日 少 謙 光
Triệu Châu đương nhật thiếu khiêm quang
不出 山 門 迎 趙 王
Bất xuất sơn môn nghinh Triệu Vương
怎 似 金 山 無 量 相
Chẩm tự kim sơn vô lượng tướng
大千 世 界 一 禪 床
Đại thiên thế giới nhất thiền sàng

Triệu Châu lúc đó thiếu khiêm nhường
Chẳng ra ngoài cửa đón Triệu Vương
Sao giống Kim Sơn vô lượng tướng
Đại Thiên thế giới chỉ một giường.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đại ý bài kệ là ngươi thấy ta bước xuống thiền sàng ra đón, là ngươi dùng mắt thịt mà nhìn, không biết rằng ta vẫn ngủ yên trên thiền sàng đại thiên thế giới.

1123. Lục Hy Thanh.

Đời Đường, cư sĩ Lục Hy Thanh đến tham Ngưỡng Sơn, hỏi:
- 3 cửa đều mở, từ cửa nào vào?
- Từ cửa Tín vào.
- Còn 2 cửa kia dùng làm gì?
- Từ cửa nào vào cũng được.
- Từ cửa nào?
- Từ cửa Tuệ vào.
- Còn cửa kia?
- Từ cửa Từ vào.
- Một cửa là đủ cần gì 3 cửa?
- Cửa Tín là theo Phật, cửa Tuệ là theo Pháp, cửa Từ là theo Tăng mà vào.
Đó là 3 cửa báu vào Đạo. Lục Hy Thanh vào pháp đường lại hỏi:
- Chẳng lià ma giới mà vào Phật giới thì sao?
Ngưỡng Sơn chúc phất tử xuống, điểm 3 cái; Lục Hy Thanh bái tạ, lại hỏi:
- Thầy còn giữ giới không?
- Không giữ giới.
- Thầy còn tọa thiền không?
- Không tọa thiền.
Lục Hy Thanh im lặng, suy nghĩ hồi lâu, Ngưỡng Sơn hỏi:
- Ngươi hiểu không?
- Không hiểu.
- Giới chẳng giữ, thiền chẳng ngồi, trà uống 2, 3 chén, nghĩ đến việc cầy bừa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có câu đường nào cũng đến Trường An. Đó cũng là cửa nào cũng có thể vào Phật Đạo. Nhưng muốn vào Phật Đạo thì trước phải giữ giới, tham thiền. Nay Ngưỡng Sơn nói không giữ giới, không tham thiền chẳng là nghịch Đạo sao? Thực ra không phải vậy. Giới luật trọng quy tắc, các sự việc đều quy định rất nghiêm khắc. Còn thiền thì trọng giải thoát, không để các quan niệm hình thức bó buộc, thậm chí ma đến chém ma, Phật đến chém Phật. Do đó Ngưỡng Sơn phủ định tất cả đối đãi sau đó nói uống trà 2, 3 chén, ý nghĩ ở cầy bừa là trỏ thiền giả chân chính không lìa sinh hoạt.

1124. Chuyện tốt chẳng bằng không chuyện.

Có một lần Triệu Châu nêu lên một câu thiền ngữ:
- Phật là phiền não, phiền não là Phật.
Các thiền sinh không hiểu, nhao nhao yêu cầu Triệu Châu giải thích:
- Không biết Phật vì ai mà phiền não?
- Vì tất cả chúng sinh.
- Làm sao bỏ đuợc những phiền não này?
- Bỏ phiền não để làm gì?
Một lần khác Triệu Châu thấy đệ tử Văn Yển lễ Phật bèn dùng gậy gõ xuống đất hỏi:
- Ngươi đang làm gì vậy?
- Lễ Phật.
- Phật dùng để lễ hay sao?
- Lễ Phật cũng là chuyện tốt.
- Chuyện tốt chẳng bằng không chuyện.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Phiền não là bệnh, Phật đạo cũng là bệnh. Phật, Bồ tát có bệnh không?
Không phải! Phật, Bồ Tát vì chúng sinh mà bệnh. Phật đản sinh cõi Ta bà, Bồ Tát hành hóa biển khổ, Địa Tạng nói nếu địa ngục còn người thì sẽ không thành Phật; do đó Phật, Bồ Tát vì lòng bi mẫn sao lại miễn trừ phiền não của chúng sinh? Lễ Phật tuy là chuyện tốt nhưng nếu bỏ được cái chấp chuyện tốt (công đức) thì không chuyện mới chính là chuyện tốt.

1125. Thọ tín vật.

Một hôm, Quy Sơn bảo Ngưỡng Sơn:
- Có một tín đồ mang 3 bó lụa trắng đến mong ta thỉnh chuông cầu phúc, cầu hòa bình an lạc cho thế nhân.
- Tín đồ đã thành tâm, thầy lại thâu lễ vật, xin hỏi thầy lấy gì để hồi báo?
Quy Sơn dùng gậy gõ vào giường 3 cái:
- Ta lấy cái này hồi báo.
- Cái này dùng làm gì?
Quy Sơn lại gõ 3 cái nữa:
- Ngươi sợ cái này còn không đủ sao?
- Con không hiểu cái này, cái này là của mọi người, con chỉ sợ lão sư không chịu lấy cái này hồi báo.
- Ngươi đã rõ cái này là của mọi người, sao lại còn muốn ta tìm vật gì khác để cho hắn nữa?
- Tự mình có đủ, sao còn làm phiền người khác?
- Tự mình tuy có đủ, nhưng nếu không có người khác thì nào biết được? Ngươi đã quên Đạt Ma tổ sư sang Trung Thổ chẳng là đem cái này chỉ cho ngươi sao? Mỗi người các ngươi đều là người thọ tín vật.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Cái này là chỉ cái gì? Đó là khuôn mặt xưa nay của mọi người. Nếu đã là khuôn mặt xưa nay của mình thì đâu cần ai tặng? Tuy là nói vậy, nhưng không có thầy chỉ thì làm sao biết? Cửa thiền không chấp ngôn ngữ văn tự làm sao chỉ thẳng tâm người? Hoàng Bá nói: “Chẳng cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng cầu tăng, nên cầu như thế!”
Ngôn ngữ văn tự chỉ là công cụ, không phải là mục tiêu. Như dùng đò qua sông, khi còn chưa qua sông sao bỏ đò được? Nhưng khi đã tới bờ bên kia rồi thì phải bỏ đò mà đi. Quy Sơn và Ngưỡng Sơn đứng trên lập trường khác nhau nhưng lý tánh chỉ là một.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 0:51 AM | Message # 231
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1126. Từng bước, từng bước chẳng lạc hướng.

Thiền sư Hiển Như ở núi La Phù lúc mới đến tham Cảnh Huyền ở Đại Dương Sơn tỉnh Hồ Bắc. Đại Dương hỏi:
- Ngươi là người vùng nào?
- Ích Sơn.
- Cách đây bao xa?
- 5 ngàn dậm.
- Làm sao tới? Có đạp đất không?
- Chưa từng đạp đất.
- Vậy ngươi biết cưỡi không sao?
- Không biết.
- Vậy làm sao tới?
- Từng bước, từng bước chẳng lạc hướng.
- Ngươi đã vượt tam muội sao?
- Tâm tánh không thể nằm được, sao khởi chướng danh tam muội?
- Như vậy! Như vậy! Nên tu như thế, tức bản thể rõ ràng, sự lý không hai; hãy khá hộ trì!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đại Dương là thiền sư đời Tống. Ông theo thúc phụ Trí Thông xuất gia, 19 tuổi thọ giới liền có thiền cơ. Như xem kinh Viên Giác liền hỏi tại sao gọi là Viên Giác? Bái phỏng đạo trường Duyên Quan liền hỏi thế nào là Vô Tướng đạo trường? Bất cứ chuyện gì ông cũng đặt câu hỏi rất hay. Gập ông tăng sắp mất ông hỏi đi về đâu? Gập ông tăng trồng dưa, hỏi dưa ngọt bao giờ chín? Nếu có thiền giả hỏi ông, ông luôn luôn trả lời bằng một bài kệ. Hiển Như từ Ích Châu Tứ Xuyên, tới Hồ Bắc, 5 ngàn dậm mà không đạp đất vì Thiền vượt thời không gian, không có xa gần, cho thấy thầy trò khế hợp. Hiển Như về sau thọ pháp với Đại Dương không phải là vô cớ.

1127. Ai là Thiền sư?

Thiền sư Phật Quang trong sinh hoạt thường tự quên mình. Các học tăng từ các nơi đến tham học yêu cầu bái kiến, thị giả vào thông báo có vị tăng muốn vào bái kiến. Thiền sư Phật Quang thường hỏi lại:
- Ai là thiền sư?
Có lần Phật Quang đang ăn, thị giả hỏi:
- Thiền sư! thầy đã ăn no chưa?
- Ai đang ăn đấy?
Một lần khác Phật Quang giẫy cỏ ngoài đồng từ sáng đến chiều không ngưng nghỉ. Đại chúng an ủi:
- Thiền sư! Thật là khổ!
Phật Quang trả lời:
- Ai khổ vậy?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Ai ăn? Ai kinh hành? Ai khổ? Ai nói? Phật Quang thường quên chính mình mà hỏi lại mọi người. Rất nhiều thiền giả nhân câu hỏi của Phật Quang mà tìm về chính mình. Người đời có lúc khẳng định tư tưởng, trí thức của mình làm mất đi chính mình. Có lúc cái gì cũng không khẳng định cũng lại đánh mất chính mình, giống như xác chết biết đi mất cả hồn vía, không có lập trường. Nếu có thiền thì có thể phủ định tất cả. Kỳ thật là ấp ủ tất cả. Tuy khẳng định tất cả, kỳ thực giải thoát tất cả. Thế cho nên thiền giả nói hay im, động hay tĩnh đều có một cảnh giới riêng. Lời nói, hành động của họ tuy đơn sơ nhưng ý vị vô cùng, nghiêm ngặt nhưng thâm thiết. Ai là thiền sư? Kỳ thực đó chính là thiền sư.

1128. Đốt hương tăng phúc.

Tể tướng Bùi Hưu đời Đường là một tín đồ Phật giáo. Con ông là Bùi Văn Đức, tuổi trẻ mà đã thi đỗ Trạng Nguyên. Hoàng đế bổ làm Hàn Lâm. Nhưng Bùi Hưu không muốn con mình một bước đã huy hoàng. Do đó bắt con vào tự viện tu hành tham học, bắt đầu từ thủy đầu và hỏa đầu trở đi. Chàng thiếu niên Hàn Lâm ngày ngày gánh nước, bửa củi thân tâm mệt mỏi, phiền não, oán trách phụ thân bắt mình vào nơi chùa cổ núi sâu, làm trâu làm ngựa. Nhưng lệnh cha không giám trái phải ẩn nhẫn. Cái tình trạng tâm bất cam, tình bất nguyện sau một thời gian không nhẫn nại được, than rằng:
Hàn Lâm gánh nuớc, mồ hôi dòng dòng.
Hòa thượng ăn rồi, làm sao tiêu đặng?
Trụ trì là Vô Đức nghe được, ngâm hai câu trả lời:
Lão tăng chỉ thắp một thẻ hương
Có thể tiêu cả vạn kiếp lương.
Bùi Văn Đức nghe rồi nhẩy nhổm, từ đó thâu thúc thân tâm chịu khó làm việc lao dịch.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Các vĩ nhân không phải là ngồi ở trên cao để mọi người sùng bái. Thiền giả tạo dựng sự nghiệp từ chỗ thấp hèn, từ chỗ lao động thân thể mài rũa ý chí. Phật giáo rất coi trọng khổ hạnh, nhưng đó cũng chỉ là tạo phúc đức nhân duyên, thuộc hữu vi pháp. Khi thiền gia thắp hương tâm có thể quảng biến thập phương, tánh có thể xuyên suốt ba thế, tâm tánh có thể tương ứng cùng vô vi pháp thì đương nhiên sẽ:
Lão tăng chỉ thắp một thẻ hương
Có thể tiêu cả vạn kiếp lương.

1129. Nên im lặng.

Có một năm, Linh Thụ Viện tới mùa hạ an cư, Hậu Hán Lưu Vương mời Vân Môn thiền sư và toàn thể đại chúng vào quá hạ ở nội cung. Chư vị pháp sư ở trong nội cung tiếp thọ các cung nữ cung kính hỏi pháp, oanh yến thỏ thẻ náo nhiệt vô cùng. Vì Lưu Vương chân thành trọng pháp nên ngày nào cũng có bài giảng. Các bậc tôn túc trong chùa đều vui vẻ nói pháp cho các cung nữ và thái giám. Chỉ có Vân Môn im lặng tọa thiền một bên. Các cung nữ cũng không dám thân cận thưa hỏi. Có một viên quan trị điện thấy tình cảnh ấy bèn hướng Vân Môn thỉnh thị pháp yếu. Vân Môn vẫn một mực im lặng. Viên quan không coi đó là ngỗ ngược mà còn kính trọng thêm, viết một bài kệ gián ở ngoài điện:
大智 修 行 始 是 單
Đại trí tu hành thủy thị thiền
單門 宜 默 不 宜 喧
Thiền môn nghi mặc bất nghi huyên
萬般 巧 說 爭 如 實
Vạn ban xảo thuyết tranh như thật
愉卻 單 門 總 不 言
Thu khước thiền môn tổng bất ngôn

Đại trí tu hành trước là Thiền
Thiền môn nên lặng chẳng huyên thuyên
Vạn lời tranh cãi tìm chân lý
Chẳng biết thiền môn vẫn lặng yên.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Vân Môn vốn là một vị cao tăng, vui cùng hạc nội mây ngàn, hoặc ở trong rừng núi, hoặc ở ven sông, ba y một bát tùy duyên; không bị ảnh hưởng bởi danh lợi, quyền lực. Tuy là không lời mà như sấm sét. Nếu con người có thể đắm mình trong im lặng, thì có thể nói đã bước vào Thiền vậy.

1130. Nghi cái gì?

Cư Độn ở núi Long Nha muốn được triệt ngộ, chân thành đến núi Chung Nam Sơn tham học Thúy Vi. Ở được mấy tháng mà vẫn chưa được Thúy Vi gọi vào chỉ thị. Một hôm, lấy hết can đảm vào pháp đường hỏi:
- Học tăng từ khi đến đây, chỉ theo đại chúng ra vào pháp đường chưa được mong ơn khai thị một pháp, vì sao vậy?
Thúy Vi lờ đi, hỏi lại:
- Ngươi nghi gì?
Cư Độn không nhận được yếu lãnh, chỉ đành cáo biệt Thúy Vi, đến Đức Sơn. Nhiều ngày qua lại thưa với Đức Sơn:
- Đệ tử đến đây đã lâu vẫn chưa được nghe một câu Phật pháp của Đức Sơn.
Đức Sơn cũng giống như đã hẹn trước với Thúy Vi, cũng hỏi
lại:
- Ngươi nghi gì?
Câu đáp của 2 vị tông sư không hẹn mà hợp, Cư Độn bất đắc dĩ lại đến Động Sơn tham học. Một hôm hỏi:
- Xin thầy một lời, chỗ khẩn yếu của Phật pháp là gì?
Động Sơn chỉ đơn giản bảo:
- Đợi khi nước ở Động Sơn chẩy ngược ta sẽ bảo ngươi.
Cư Độn nghe rồi đại ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Dùng nghi tâm tham thiền, dùng thể hội tham thiền, dùng vấn đạo tham thiền, kỳ thực không bằng dùng tâm bình thường mà tham. Con người sinh hoạt ở thế gian, đều ở trong điên đảo vọng tưởng, mâu thuẫn do đó bị sanh tử lôi cuốn không ngừng được. Nếu biết rõ nước ở Động Sơn chẩy ngược, tức tâm bình thường hiển hiện. Ngàn nghi, vạn vấn chẳng bằng một tâm bình thường.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 8:29 PM | Message # 232
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1131. Mặc áo, ăn cơm.

Có người hỏi Mục Châu:
- Chúng ta hàng ngày đều phải mặc áo, ăn cơm, cứ lập đi lập lại như vậy thật là phiền quá, phải làm sao để trừ các phiền này?
- Mặc áo, ăn cơm.
- Con không hiểu.
- Ngươi không hiểu, vậy thì cứ mặc áo, ăn cơm.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền không lìa bỏ sinh hoạt, người thường mặc áo, ăn cơm; ngộ đạo thành Phật rồi cũng mặc áo, ăn cơm. Cái khác biệt là ý nghĩa và cách cảm thọ.

1132. An trú ở đâu?

Trào Đường Đơn Hà có lần đi bái kiến Mã Tổ. Trên đường gập một ông lão tóc bạc dắt một đứa nhỏ, hình dung bất phàm, cung kính hỏi:
- Cụ trú ở đâu?
Cụ già giơ tay trỏ lên trời, rồi trỏ xuống đất:
- Trên là trời, dưới là đất (Ý là trong khoảng vũ trụ đâu cũng là nhà).
- Nếu trời xụp, đất lở phải làm sao? (Ý là trời đất nếu bị hủy diệt thì phải làm sao?)
Cụ già lớn tiếng:
- Trời xanh! Trời xanh! (Ý là vũ trụ cũng phải trải qua quá trình thành, trụ, hoại, diệt)
Đứa nhỏ đứng bên hứ lên một tiếng (Ý là tự tánh bất sanh, bất diệt)
Đơn Hà khen ngợi:
- Không có cha ấy thì không sanh được con này!
Ông lão và đứa nhỏ bèn đi vào núi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Con người ta trú ở đâu? Từ Hành pháp sư nói:
-Chỉ cần tâm an thì Đông, Tây, Nam, Bắc đều tốt.
Do đó trên trời, dưới đất không nhà, nơi nơi đều là nhà. Người đời trú ở thanh sắc, lợi lộc; mà thanh sắc, lợi lộc đều bị biến đổi không ngừng, vậy làm sao có thể an tâm trú? Nếu con người có thể khẳng định chính mình, không bị 5 dục, 6 trần lôi kéo, tâm có thể an trú thì trời xụp, đất lở cũng chẳng làm sao.

1133. Thiền Đạo.

Một học tăng đến tham phỏng Việt Khê:
- Con từng nghiên cứu Nho học, Phật học 20 năm trời, nhưng đối với Thiền học một điểm cũng không thông, mong thầy chỉ cho chút ít!
Việt Khê không há mồm, chỉ nghênh mặt tát cho ông một cái.
Ông tăng kinh hoảng, tung cửa mà chạy, nghĩ bụng thật chẳng hiểu gì cả, phải tìm cách lý luận với thiền sư mới được. Chính đương lúc tức giận gập được Thủ Tọa, Thủ Tọa hỏi:
- Xẩy ra chuyện gì vậy? Hãy đến chỗ ta uống trà. Người học đạo có gì mà phải nổi giận.?
Học tăng vừa uống trà vừa than vãn Việt Khê vô duyên vô cớ đánh ông một cái tát tai. Đang lúc học tăng kể lể, thủ tọa lập tức ra tay cho ông tăng một tát, chén trà trong tay ông tăng văng xuống đất vỡ tan. Thủ Tọa bảo:
- Ngươi vừa nói hiểu Nho học, Phật học chỉ không hiểu Thiền đạo. Ta liền dùng Thiền đạo cung dưỡng ngươi, ngươi đã biết thế nào là Thiền chưa?
Học tăng kinh ngạc, trợn mắt, há hốc mồm không biết trả lời thế nào. Thủ tọa lập lại câu hỏi, ông tăng vẫn không trả lời được.
- Thật là chẳng hay, đã để cho ngươi thấy đạo Thiền của chúng ta.
Nói rồi, nhặt những mảnh chén vỡ, và dùng khăn lau khô nước trà đổ và nói:
- Ngoài những chuyện này ra, còn có gì gọi là Thiền đạo nữa?
Học tăng cuối cùng đã hiểu Thiền đạo ngay ở bên mình, từ đó lưu lại Việt Khê tham học.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trong Thiền tông, các học tăng khi tham học, thường bị đánh chửi, kỳ thực các thiền sư rất ôn hòa. Các thiền sư đánh mắng là để cho học tăng tự mình cảm thọ triệt để. Đánh vỡ rồi nhặt lên, đổ nước rồi lau khô, như vậy còn chưa đủ để ngươi ngộ sao?

1134. Làm sao hiểu được?

Vân Môn sau khi đã khai ngộ nơi Mục Châu, bèn đi du phương. Tại Giang Châu gập được thượng thư Trần Tháo. Trần Tháo cũng là một học giả Thiền học, lúc mới gập mặt bèn đặt câu hỏi thử thách:
- Thế nào là chuyện hành cước của nạp tăng?
Vân Môn không đáp hỏi ngược lại:
- Ông đem câu này hỏi qua bao nhiêu người rồi?
- Mặc kệ con hỏi bao nhiêu người, hôm nay con chỉ hỏi thầy.
- Chuyện này để từ từ, ta hỏi ông thế nào là ba tạng giáo nghĩa?
- Quyển vàng, trục đỏ.
- Đó chỉ là văn tự, giấy mực, không phải là chân nghĩa của Phật pháp; xin nhắc lại thế nào là giáo nghĩa?
- Mở miệng là lời chết, tâm muốn duyên thì lự vong.
- Mồm muốn nói là lời chết là đối hữu ngôn; tâm muốn duyên thì lự vong là đối vọng tưởng. Vẫn chưa đúng! Nói lại thế nào là giáo nghĩa.
Trần Tháo không trả lời được.
- Nghe nói thượng thư bình thời nghiên cứu kinh Pháp Hoa?
- Dạ phải.
- Kinh nói tất cả sinh sản nghiệp cùng bảo tướng không trái nghịch. Xin hỏi phi phi tưởng thiên có mấy vị trở lại?
Trần Tháo không trả lời được.
- Ta đã xem qua 10 kinh, 5 luận sau lại vào nghiệp lâm tu hành, 10 năm, 20 năm mới khai ngộ; thượng thư chỉ mới xem qua vài quyển kinh luận làm sao hiểu được?
- Xin thầy thứ lỗi, thật là lỗi của con!
Từ đó Vân Môn lưu lại nhà Trần Tháo 3 năm.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền môn chứng ngộ, không sợ không mở miệng, chỉ cần mở miệng là biết ngộ hay không. Vân Môn sau ba lần bị nắm ngực đuổi ra cửa khi tham Mục Châu, rồi sau trăm cay ngàn đắng mới khai ngộ. Do đó thượng thư Trần Tháo mới đọc vài quyển làm sao so sánh được.

1135. Kết bạn.

Dược Sơn là vị trụ trì ở Tịnh Độ Viện, Hàng Châu, giữ gìn giới luật rất nghiêm, từng tiếp dẫn thái thú Lý Cao quy y Phật pháp, cũng từng giảng pháp cho Đường Văn Tông. Tuy vậy tính ông vốn đạm bạc, không thích giao tiếp. Các vị đại thần trong triều thường tranh nhau mời mọc cung dưỡng, nhưng ông đều tìm cách từ chối. Ông cùng Tường Thị lang có thể coi là bạn rất thân. Một hôm Tường Thị lang mời ông:
- Ngày mai hàn xá có nhiều văn nhân nhã tập, có vài tri kỷ, bạn tốt, đều là những vị học giả, danh sĩ đương đại, mạo muội mời thầy đến phổ độ cam lộ, diễn nói diệu pháp thì rất hân hạnh cho chúng tôi.
Dược Sơn cố từ nhưng Tường Thị lang cố ép, bất đắc dĩ Dược Sơn phải hứa hôm sau sẽ đến. Hôm sau, Tường Thị lang sai người đến đón, nhưng Dược Sơn đã rời viện. Người đi đón không tìm thấy Dược sơn, nhưng thấy trên bàn có lưu lại một bài kệ:
昨日 僧 將 今 日 其
Tạc nhật tằng tương kim nhật kỳ
出門 倚 杖 又 思 惟
Xuất môn ỷ trượng hựu tư duy
爲橧 祇 合 居 巖 穴
Vi tăng chỉ hợp cư nham huyệt
國士 筵 中 葚 不 宜
Quốc sĩ diên trung thậm bất nghi.

Hôm qua tưởng hôm nay sẽ đến
Ra cửa chống gậy lại nghĩ rằng
Làm tăng nên ở nơi hang động
Nhóm cùng danh sĩ có nên chăng?

Bèn đem về dâng lên thị lang.
Thị lang xem xong không giận Dược sơn đã thất hứa mà còn kính trọng thêm.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tánh cách của người xuất gia không đồng. Có người phát tâm hoằng pháp khắp giai tầng kêu là: Nhân gian Tỳ khưu; có người thích ở núi sâu rừng thẳm gọi là Lan Nhã Tỳ khưu. Đó là do sự bất đồng về bi nguyện của Tiểu thừa và Đại thừa. Đức Phật thường giảng pháp cho các vua chúa, đại thần nhưng ngài cũng để cho Ca Diếp tĩnh tọa ở trong núi, ven sông. Do đó có nghĩa học tỳ khưu, hoằng pháp Tỳ khưu, trì luật tỳ khưu, thần dị tỳ khưu.. . Phong cách của các đại thiền sư, có người là quốc sư, có người là ẩn giả, đều là vì lợi ích của chúng sinh nhưng hình tượng thì không đồng.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 8:34 PM | Message # 233
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1136. Chiến sĩ.

Một lần, một đoàn quân dã chiến học diễn tập, các sĩ quan nhận thấy tạm trú ở tu viện Nga Sơn là thích hợp nhất. Do đó yêu cầu nhà chùa cung cấp cho 3 bữa ăn. Nga Sơn bảo Điển Tọa:
- Cung cấp thực phẩm cho họ như chúng ta thường dùng hàng ngày để kết duyên.
Do đó đoàn quân chỉ có rau và củ cải, không có thịt cá để ăn. Đoàn quân rất tức giận, một vị sĩ quan chạy đến tìm Nga Sơn phẫn nộ trách:
- Ngươi coi bọn ta là hạng ngươi gì?
- Ta coi các ngươi như chính mình.
- Vậy sao chỉ cho bọn ta ăn toàn rau và củ cải?
- Chúng ta hàng ngày đều ăn rau và củ cải mà không chán.
Sĩ quan giận dữ hét lớn:
- Ngươi biết chúng ta là ai không? Chúng ta là chiến sĩ đánh giặc chẳng tiếc thân mạng.
Nga Sơn cũng không khách khí hét lại:
- Còn ngươi coi bọn ta là ai? Chúng ta là sứ giả của chân lý, cái gì chúng ta cũng xả bỏ để cứu độ chúng sinh!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thế giới ngày nay có biết bao loại bạo lực: thiên tai, khủng bố, chiến tranh khiến mọi người phải kinh sợ, luôn bị cái chết ám ảnh, nếu không có tôn giáo an định lòng người thì xã hội lại càng hỗn loạn. Người xuất gia ly gia cắt ái, truyền thừa chân lý khiến cho nhân loại có chỗ nương dựa. Cống hiến cả đời, can tâm đạm bạc, không phải ai cũng làm được.

1137. Hiểu căn nguyên.

Văn Thù Tâm Đạo thiền sư tham cứu “3 giới duy tâm, vạn pháp duy thức” nhiều năm, nhưng đối với vấn đề tâm thức vẫn chưa khế hội, bèn đi hành cước tham phỏng. Một hôm đến Thái Bình Phật Giám định đem công án “cây Bách trước sân” của Triệu Châu để hỏi. Nhưng Phật Giám (Giác Thiết Chủy) đã đoán trước, liền bảo:
- Thầy ta không có lời này, đừng hủy báng ổng!
Tâm Đạo do đó khởi nghi tình tham cứu nhiều ngày có chỗ tỉnh ngộ bèn đến phòng phương trượng tưởng đem kiến địa của mình giãi bầy cho Phật Giám. Nhưng Phật Giám thấy có người đến bèn đóng cửa lại.
Tâm Đạo ở bên ngoài kêu lớn:
- Thiền sư, chẳng nên lừa dối con.
- Mười phương không tường vách
Sao chẳng mau đi vào?
Tâm Đạo dùng tay phá rách cửa giấy, Phật Giám liền mở cửa túm lấy Tâm Đạo:
- Nói! Nói!
Tâm Đạo dùng hai tay bưng đầu Phật Giám, miệng giả khạc nhổ, đọc bài kệ:
趙州 有 個 柏 樹 話
Triệu Châu hữu cá bách thụ thoại
禪客 相 傳 滿 天 下
Thiền khách tương truyền mãn thiên hạ.
多是 摘 葉 與 尋 枝
Đa thị trích diệp dữ tầm chi
不能 直 向 根 源 會
Bất năng trực hướng căn nguyên hội
覺公 說 道 無 此 語
Giác công thuyết đạo vô thử ngữ
正是 惡 言 當 面 罵
Chính thị ác ngôn đương diện mạ
禪人 若 具 通 方 眼
Thiền nhân nhược cụ thông phương nhãn
好向 此 中 辨 真 假
Hảo hướng thử trung biện chân giả.

Triệu Châu có câu chuyện cây Bách
Thiền khách truyền đi khắp bốn phương
Đều là vạch cành và bới lá
Chẳng thể hiểu ngay từ ngọn nguồn.
Giác công rằng chuyện này vốn không
Chính là ngay mặt mắng lời ác
Người thiền nếu đã có mắt thông
Chân giả có thể nhận ra được.
Phật Giám ấn chứng cho ông:
- Ngươi đã khai ngộ rồi!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thế gian có chuyện thị phi, biện minh đạo lý cũng có chân giả. Câu đáp của Triệu Châu là chỉ cây Bách tùy theo mùa mà lá biến đổi, cái cảnh giới vô tâm đó là ý tổ sư từ Tây sang. Tâm Đạo ở nơi Phật Giám đã tìm đến tận gốc rễ, thể ngộ vô phân biệt trí. Do đó không trách gì đã mắng mỏ các thiền giả trí giải trong thiên hạ.

1138. Người thiếu nữ hấp dẫn nhất.

Có một nữ thí chủ, gia cảnh rất sung túc. Bất luận là tiền tài, địa vị, năng lực, quyền lực, dung mạo đều hơn người. Nhưng cô rất cô đơn, ngay một bạn để tâm sự cũng không có. Vì vậy cô đến thỉnh giáo Vô Đức làm sao để có sô lực khiến người khác hoan hỉ. Vô Đức bảo cô:
- Con phải cùng mọi người hợp tác, giống như Phật đầy lòng từ bi nói chuyện Thiền, nghe âm Thiền, làm chuyện Thiền, dùng tâm Thiền, con sẽ thành người có sô lực nhất.
- Làm sao nói chuyện Thiền.
- Là nói chuyện vui vẻ, chân thật, khiêm tốn, làm lợi cho người.
- Thiền âm làm sao nghe?
- Thiền âm là hóa tất cả các âm thanh thành tiếng vi diệu, đem những lời chửi rủa biến thành những tiếng từ bi, đem những tiếng hủy báng biến thành lời nâng đỡ, những tiếng khóc, tiếng ồn ào đều không để ý.
- Làm sao làm chuyện Thiền?
- Là bố thí, làm việc thiện, phục vụ tha nhân, hòa hợp Phật pháp.
- Làm sao dụng tâm Thiền?
- Là ta người một tâm, phàm thánh là một, bao dung phổ lợi tất cả.
Nữ thí chủ nghe rồi sửa đổi không còn kiêu ngạo giầu có, tài giỏi, xinh đẹp. Đối với mọi người rất lễ phép, đối với họ hàng rất quan tâm. Chẳng bao lâu trở thành người hấp dẫn nhất.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền không phải là lý luận, thiền là sinh hoạt. Trong sinh hoạt có Thiền thì pháp lực vô cùng: mọi người đều tôn trọng, nơi nơi đều quý mến.

1139. Đại Điên và Hàn Dũ.

Hàn Dũ hỏi Đại Điên:
- Xin hỏi hòa thượng bao nhiêu tuổi?
Thiền sư giơ niệm châu lên hỏi lại:
- Hiểu không?
- Không hiểu.
- Ngày đêm 108.
Hàn Dũ không hiểu hàm ý gì, ngày hôm sau lại đến thỉnh giáo. Khi tới cửa chùa gập một chú tiểu bèn hỏi:
- Hòa thượng bao nhiêu tuổi?
Chú tiểu không đáp, chỉ nghiến răng 3 lần. Hàn Dũ mơ hồ như đi trên mây, vào gập Đại Điên xin khai thị. Đại Điên cũng nghiến răng 3 lần. Lần này Hàn Dũ như có chỗ ngộ:
- Nguyên lai Phật pháp không hai, đều cùng một dạng.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Công án này có ý tưởng gì? Hàn Dũ hỏi hòa thượng bao nhiêu tuổi, do kinh nghiệm đời thường, muốn tính thời gian. Sự thật thời gian luân chuyển không ngừng, không đầu không cuối làm sao có thể nói là bao nhiêu. Tại vô hạn thời gian, không gian, sinh mạng không ngừng luân hồi. Nghiến răng 3 lần là chỉ trong vô tận sinh mạng, chúng ta không nên trình khẩu thiệt, trừ ngôn ngữ, văn tự chúng ta phải chứng nghiệm Phật pháp, nhận thức bản lai diện mục, tìm được cái vĩnh hằng trong tam thiên đại thiên thế giới.

1140. Ta ở đâu?

Thiền sư Vô Căn có một lần nhập định 3 ngày; đại chúng tưởng ông đã chết bèn mang đi thiêu. Vài ngày sau, thần thức của Vô Căn xuất định, không tìm thấy thân thể. Cả chùa đều nghe tiếng Vô Căn tự hỏi:
- Ta, ta đang ở đâu?
Càng về đêm tiếng kêu của Vô Căn càng bi thảm khiến mọi người bất an. Một hôm, đạo hữu của Vô Căn là thiền sư Diệu Không biết chuyện này, bảo đại chúng:
- Hôm nay ta sẽ ở trong phòng Vô Căn, khi ông tới ta sẽ nói chuyện với ông. Các ngươi hãy chuẩn bị cho ta một thùng nước và một lò lửa. Ta muốn cho ông biết thế nào là cái ta.
Đêm khuya Vô Căn trở lại tìm thân thể bi thiết kêu lên:
- Ta, ta đi đâu rồi?
Diệu Không trả lời:
- Ngươi ở trong đất.
Vô Căn vào đất tìm Đông, tìm Tây, rất lâu thấy tiếng kêu lên:
- Trong đất không có ta.
- Vậy ngươi vào hư không coi.
- Hư không cũng không có ta.
Diệu Không chỉ thùng nước:
- Ngươi ở trong nước.
- Trong nước không có ta.
Diệu Không chỉ lò lửa:
- Ngươi ở trong lửa.
- Trong lửa cũng không có ta.
- Ngươi đã có thể vào đất, nước, lửa, tự do tự tại ra vào hư không ngươi còn tiếc cái sắc thân bị chướng ngại nữa làm gì?
Vô Căn nghe rồi có tỉnh, từ đó không còn đi tìm cái ta nữa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Chân ngã không phải là sắc thân. Sắc thân có chướng ngại, có bệnh; sắc thân vô thường, chân ngã là pháp thân. Chân ngã ở khắp hư không, tràn đầy pháp giới, tự cổ đến nay không biến, trải qua vạn kiếp vẫn mới. Thiền giả chứng ngộ chân tâm, cùng pháp thân tương ứng. Vô Căn niệm niệm không quên túi da thối làm sao giải thoát, may gập Diệu Không phương tiện chỉ thị mới tìm lại được chân ngã.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 8:48 PM | Message # 234
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1141. Tông Diễn.

Tông Diễn khi còn là một vân thủy tăng, tham thiền với thiền sư Tuấn Nhai ở Kiến Nhân Tự. Một ngày mùa hạ nọ, trời rất nóng nực Tông Diễn lợi dụng lúc Tuấn Nhai ra ngoài, nằm duỗi thẳng tứ chi ở hành lang chùa mà ngủ. Không lâu Tuấn Nhai trở về. Nghe tiếng bước chân thầy Tông Diễn tỉnh giấc, kinh sợ, nhưng không đủ thời gian để lẩn tránh đành mặt dầy mày dạn giả vờ ngủ. Tuấn Nhai bước nhẹ vòng qua chân Tông Diễn nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi! Xin lỗi!
Tông Diễn lúc đó mắc cỡ, xuất mồ hôi lạnh từ đó không giám chểnh mảng một giây, sáng chiều tinh tấn tham thiền. Tuấn Nhai viên tịch rồi, Tông Diễn trở thành một đại tôn sư, lãnh đạo 300 học tăng tham thiền. Nhân nhớ đến lão sư đối với mình rất từ bi, do đó ông đối với các học tăng cũng rất khoan dung. Về sau trở về già vì phải bận rộn giáo dục các học tăng ngày đêm, không có thì giờ ngủ thành giấc, bất đắc dĩ lợi dụng lúc tọa thiền chợp mắt một lúc.
Có một lần một học tăng bình phẩm:
- Lão thiền sư Tông Diễn mỗi ngày ngồi thiền đều có tập quán ngủ. Chúng ta hỏi sao thầy tọa thiền lại ngủ, lão sư bảo mình vào mộng để gập cổ thánh, tiên hiền giống như Khổng Tử mộng thấy Chu Công vậy mà!
Lời bình phẩm này lan truyền rất rộng, thậm chí các học tăng cũng lợi dụng lúc tham thiền để ngủ. Tông Diễn không ngừng khích lệ các học tăng dụng công. Một học tăng không phục thưa:
- Chúng con cũng vào mộng để gập cổ thánh, tiên hiền giống như Khổng Tử mộng thấy Chu Công.
Tông Diễn không giận hỏi lại:
- Các ngươi gập cổ thánh, tiên hiền, họ khai thị gì cho các ngươi?
Các học tăng không trả lời được, nhưng đều có chỗ tỉnh ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Cảnh giới của học tăng và lão sư không đồng. Tông Diễn nhận sự từ ái của thầy nên cũng đem lòng từ ái nhiếp thọ học tăng. Nhưng trong sự giáo dục từ ái không, không đủ uy lực chiết phục, không dễ gì tạo thành tánh tôn sư trọng đạo. Nhưng Tông Diễn ngoài ái tâm còn thêm thiền vị nên cuối cùng đã chiết phục được các học tăng.

1142. Làm sao thấy Đạo?

Mã Tổ Đạo Nhất lúc còn trẻ, mới gập Hoài Nhượng hỏi:
- Dụng tâm thế nào để khế hợp Vô Tướng Tam Muội?
- Ngươi học tâm địa pháp môn như gieo mạ, ta thuyết Phật pháp như mưa rơi, chỉ cần duyên hợp thì sẽ thấy Đạo.
- Thầy nói thấy Đạo là thấy Đạo nào? Đạo không có hình tướng làm sao có thể thấy Đạo vô hình, vô tướng được?
- Cái tâm địa pháp nhãn này có thể thấy Đạo; Đạo vốn là Vô tướng tam muội, cũng do từ tâm địa pháp môn tự thấy Đạo vậy.
Hoài Nhượng sợ Mã Tổ còn chưa hiểu rõ lại thêm:
- Nếu có thể khế hợp Đạo thì Đạo không đầu không cuối, không thành không hoại, không tụ không tán, không dài không ngắn, không tĩnh không loạn, không nhanh không chậm. Nếu hiểu lý này thì đó là Đạo.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đạo là gì? Đạo không có thời gian: không đầu không cuối, Đạo không có không gian: không trong không ngoài. Đó là chân lý. Đạo từ cổ cho đến nay không biến, trải vạn kiếp vẫn mới toanh. Làm sao thấy đạo? Chỉ cần rõ tự mình thường trú chân tâm là thấy Đạo.

1143. Còn nặng không?

Thiền sư Cảnh Hư người Đại Hàn dẫn đệ tử mới xuất gia là Mãn Không đi hành cước. Mãn Không trên đường không ngớt than phải vác hành lý nặng nề, xin sư phụ tìm chỗ nghỉ chân. Cảnh Hư không chịu, cứ thẳng bước. Khi đi qua một trà sơn trang, một thiếu phụ từ trong nhà bước ra. Sư phụ bỗng nắm lấy tay người phụ nữ ấy. Thiếu phụ la to, người nhà và láng giềng nghe tiếng kêu chạy ra nghĩ rằng hòa thượng này trêu ghẹo phụ nữ, đều nhất tề hô đánh. Cảnh Hư thân hình to lớn co giò chạy trước. Đồ đệ Mãn Không lưng vác hành lý cũng chạy bén gót thầy. Rất lâu sau khi đã chạy qua khỏi mấy con đường núi, thôn dân không có cách gì đuổi kịp 2 thầy trò. Tại một chỗ thanh vắng sư phụ bèn dừng chân bên đường, ngoảnh đầu lại quan tâm đệ tử:
- Còn thấy nặng không?
- Sư phụ! Thật là kỳ quái, vừa rồi chạy chẳng thấy hành lý nặng gì cả!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Đối với mục phiêu trước mặt nếu không có tín tâm vững chắc thì việc ngại xa, ngại khó, ngại nặng là điều tất nhiên. Trái lại nếu vững tin chịu đảm trách thì không còn ngại xa, ngại khó nữa.

1144. Nghe mà chẳng hiểu!

Vương Phú Ích là một tín đồ nhiệt thành. Ngoài đi làm ra, hễ rảnh là chạy tới Đông Thiền Tự hoặc giúp Viên Đầu trồng cây tưới nước hoặc giúp Điển Tọa bổ củi, nấu cơm, khi gập Vô Danh thuyết pháp hay khai thị cho các học tăng, ông đều hết sức lắng nghe. Có một lần Vương Phụ Ích ở thiền đường nhìn các học tăng ở tư thế mắt nhìn mũi, mũi quán tâm mà thở dài. Gập đúng lúc Vô Danh đi qua, Vô Danh hỏi:
- Ông vì sao mà thở dài?
Vương Phụ Ích lại thở dài.
- Bình thường ông phát tâm trợ giúp công việc trong chùa, lại rất dụng công nghe Phật pháp có thể nói thân, khẩu, ý đều ngao du trong pháp hải, vì sao lại thở dài?
- Phiền não của con là nghe mà không hiểu Phật pháp. Đối với những gì thầy khai thị học tăng, những gì là ý Tổ sư từ Tây qua? Con chó có Phật tánh không? Tức tâm tức Phật; thế nào là sự trong tông môn? Thế nào là Phật, thế nào là khuôn mặt xưa nay, Đạo ở đâu? . . . Mỗi khi con nghe những Phật pháp này giống như xem hoa trong sương mù! Thiền sư, vì sao con nghe mà không hiểu?
- Lúc trước thiền sư Đức Sơn thấy học tăng vào cửa liền đánh; thiền sư Lâm Tế thì hét, Tuyết Phong thì hỏi là cái gì? Mục Châu thì nói tất cả đều hiện thành. Lịch Đại tổ sư, đại đức có người nghiên cứu một công án suốt đời cũng không thể khai ngộ, cho thấy học Thiền phải dụng công tham cứu chứ không phải chỉ nghe.
- Nhưng làm sao tham?
- Ngươi hãy tham nghe mà chẳng hiểu.
Vương Phụ Ích nghe rồi có chỗ ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tham thiền nên tham thoại đầu; đây là phương pháp bất đắc dĩ cần phải có một cái gì trợ giúp. Tập trung tinh thần, thống nhất ý chí chủ yếu là không cho nghĩ ngợi loạn lên. Các thiền sư đề thị thoại đầu như: ý tổ sư từ Tây sang . . . không phải là vấn đề dễ hiểu, nhưng tham cứu rồi thì những thoại đầu này giống như chìa khóa có thể giúp ta mở cửa bí ẩn vào vũ trụ; Vô Danh bảo tham “nghe mà chẳng hiểu” lại chẳng nên sao?!

1145. Chẳng là hỗn tạp sao?

Có một ông vân thủy tăng khi đi tham phỏng, qua một am do một lão bà quản lý, dừng lại nghỉ ngơi. Ông hỏi bà lão:
- Sư cô, am này ngoài cô ra còn có quyến thuộc nào không?
- Có.
- Sao không thấy?
- A! Sơn hà đại địa, cỏ cây đều là quyến thuộc của ta cả.
- Vô tình không phải là hữu tình, sơn hà cỏ cây có hình dạng cô sao?
- Vậy ta có dạng nào?
- Tục nhân.
- Ngươi cũng chẳng phải là người xuất gia.
- Sư cô, cô không thể hỗn tạp Phật pháp.
- Ta không làm hỗn tạp Phật pháp.
- Tục nhân trụ trì am, cỏ cây là đạo hữu như vậy không phải là làm hỗn tạp Phật pháp là gì?
- Pháp sư! Ngươi không nói vậy được, ngươi là nam nhân, ta là nữ nhân có hỗn tạp gì đâu?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Vũ trụ vạn hữu vốn một thể. Tâm, Phật, chúng sinh không sai biệt. người đời thường phân biệt cái không sai biệt, cho nên mới có thị phi, thiện ác, tình và vô tình, thậm chí nam nữ dị loại, thế và xuất thế đều là pháp đối đãi; nếu được như lão bà chỉ có một chân pháp giới thì làm gì có hỗn tạp.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 8:59 PM | Message # 235
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1146. Mặc kệ. Đừng để ý.

Đây là một thiền án hiện đại. Một cô nương rất xinh đẹp quyết tâm tham thiền ngộ đạo, đến thỉnh giáo một vị thiền sư:
- Con phải làm sao để tham thiền ngộ đạo?
Lão thiền sư nghĩ bụng cô gái xinh đẹp này chắc là trong đời sẽ
gập nhiều trở ngại bó buộc, làm sao có thể tham thiền ngộ đạo? Do đó bèn dạy cô một câu quyết:
- Mặc kệ, đừng để ý.
Đương nhiên, các thiền sư trong quá khứ dạy tham thiền có nhiều phương pháp, tỷ như tham “Người niệm Phật là ai?” “Mặt mũi lúc cha mẹ chưa sanh là gì?” v.v. Câu quyết này là muốn cô không để cho ngoại cảnh quấy rối; do đó minh tâm kiến tánh, chứng ngộ Phật pháp. Vị cô nương này không phụ lòng thiền sư chỉ đạo, nhớ kỹ trong lòng nỗ lực tham cứu.
Một hôm, có người bảo:
- Bạn trai cô đến kiếm kìa!
- Mặc kệ, đừng để ý.
Không lâu, trường đại học Mỹ gửi giấy thông báo cô đã được nhận vào học, cô cũng không xem:
- Mặc kệ, đừng để ý.
Mẹ cô gọi điện thoại báo cho biết cô đã trúng thưởng.
- Mặc kệ, đừng để ý.
Trải qua nhiều lần như vậy, phá hết cửa này, cửa nọ. Một hôm cô xem lại bức ảnh cũ chụp chung với bà nội, ảnh vàng cũ kỹ, cô còn là một bé gái kháu khỉnh. Cô thầm nghĩ đã mười mấy năm rồi mình cũng khác xưa, giống như bà nội đã chôn vùi dưới lòng đất, chuyển niệm đầu cô đã phá xong sinh tử quan. Đối với cô sống chết không còn đáng sợ nữa. Vượt qua vô thường sinh tử, cô ngộ được cứu cánh bất sinh, bất diệt, an lạc.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Ngộ cảnh này của cô, đối với những gì hư vọng ở đời, thực cao hơn nhiều.

1147. Lớn làm nhỏ.

Một tín đồ đến chùa lễ Phật rồi vào khách đường nghỉ ngơi. Vừa ngồi xuống liền nghe tiếng một vị tri khách tăng trẻ nói với lão tăng Vô Đức:
- Lão sư! Có tín đồ tới, mời rót trà.
Không đầy 2 phút sau lại nghe:
- Lão sư! Bình hương đầy tàn nhang rồi, mời đi đổ.
- Lão sư, nhớ thay nước cho bình bông trên bàn thờ Phật.
- Lão sư, đến trưa đừng quên mời tín đồ ở lại độ ngọ.
Tín đồ thấy Vô Đức thiền sư dưới sự chỉ huy của vị tăng trẻ chạy Đông, chạy Tây bèn hỏi:
- Lão sư và tri khách tăng có quan hệ gì?
- Thầy trò.
- Nếu vậy sao ông ta không lễ phép gì cả, sai thầy chạy đây, chạy đó?
- Ta có đồ đệ năng cán như vậy là phúc khí của ta. Tín đồ đến chỉ muốn ta rót trà, không muốn ta phải giảng pháp. Bình thường thắp hương hắn làm, ta chỉ đổ tàn nhang. Hắn chỉ bảo ta giữ tín đồ lại độ ngọ, không bắt ta nấu cơm, đun nước. Trong chùa mọi chuyện lớn nhỏ đều do hắn tính toán, an bài, điều này khiến ta rất an ủi, nếu không thì ta khổ lắm.
Tín đồ nghe xong vẫn không hiểu:
- Không biết thầy trò các vị, nhiều tuổi là lớn hay ít tuổi là lớn?
- Dĩ nhiên nhiều tuổi là lớn, nhưng ít tuổi cũng hữu dụng vậy.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có câu ngạn ngữ “hòa thượng muốn lão, lão rồi là qúy”. Tín đồ cung dưỡng tăng chúng đến cúng lão không cúng tiểu, hộ trì lão cũng không hộ trì tiểu, vì trong tâm tín đồ lão là lớn, nhỏ là bé, không dễ dàng hiểu được Vương tử tuy nhỏ nhưng tương lai có thể lãnh đạo quốc gia, sa di tuy nhỏ nhưng tương lai có thể thành pháp vương. Như Vô Đức không coi nhẹ hậu học, tùy duyên tri túc, đó chính là thiền bình đẳng quán.

1148. Rễ cây.

Có một tín đồ mới học Phật, đọc quyển “Phát Bồ đề tâm văn” đến câu “Kim Cương không phải là dắn, nguyện lực mới dắn”, không hiểu ý là gì bèn chạy đi hỏi Vô Tướng. Vô Tướng bảo:
- Người học Phật khó tránh được những chướng ngại như cơ duyên, ma nghiệp v.v… làm bồ đề tâm bị thối lui, nên cần có nguyện lực trợ giúp. Lịch đại tổ sư thành tựu đạo nghiệp không người nào là không nhờ nguyện lực, như bồ tát Phổ Hiền có 10 đại nguyện, bồ tát Quán Thế Âm có 12 đại nguyện, Phật A Di Đà có 48 đại nguyện., bồ tát Địa Tạng có đại nguyện “Địa ngục còn người thì không thành Phật”.
- Làm sao tưởng thành Phật phải phổ độ chúng sinh?
- Thí dụ một cây muốn khai hoa kết quả thì phải tưới, chăm sóc rễ cây, đừng cho nó bị tổn hại. Chúng sinh là căn, hoa là bồ tát, quả là Phật. Không chăm sóc rễ thì cây sẽ khô chết làm sao ra hoa, kết quả? Vì thế kinh Hoa Nghiêm có nói muốn làm chư Phật Long Tượng, trước hết phải làm trâu ngựa chúng sinh.
- Thiền sư, nguyện lực của thầy là gì?
- Nguyện lực của ta không thể nói cho ngươi biết
- Tại sao?
- Nguyện lực của ta là của ta, sao ngươi không tự phát nguyện lực?
Tín đồ cuối cùng đã hiểu, bái tạ mà đi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Mỗi người đều có nguyện lực riêng của mình, không cần phải hỏi nguyện lực của người khác. Trước hết hãy tự hỏi mình định làm gì cho chúng sinh, thí dụ như làm đò để chở người qua sông, làm đường cho người đi, làm cây để cho bóng mát, làm trâu để giúp đỡ nông gia. . .

1149. Làm trâu.

Quy Sơn sắp mất, một ông tăng hỏi:
- Thầy mất rồi sẽ đi đâu?
- Xuống núi làm trâu?
- Con có thể đi cùng thầy không?
- Nếu ngươi muốn đi với ta, đừng quên mang theo bó cỏ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Quy Sơn không cầu chứng Niết Bàn, không cầu sinh ở nước Phật, nguyện xuống núi làm trâu. Tự cổ, các thiền sư đều không cầu là Phật, chỉ cầu khai ngộ. Thầy nào trò đó. Ông tăng muốn theo thầy, Quy Sơn dặn đừng quên bó cỏ, ý rằng phải độc lập sinh tồn.

1150. Rửa mặt bẩn.

Liên Trì một lần đương viết “Thập Thiện Hạnh” một ông tăng đến hỏi:
- Nghe nói Thiền không có khen, cũng không có chê, nay thầy viết sách này mà có ích gì?
- Năm uẩn bao vây khiến cảnh không ngừng. Bốn đại tung tăng không định được, sao ngươi nói là không có thiện ác?
- Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng có. Các pháp thiện ác đều không phải là thiền.
- Có nhiều người tưởng mình hiểu chuyện; ngươi cũng chẳng tốt lành gì. Ngoài thiện ác ra, thử nói pháp khác xem nào?
Ông du tăng mặt đầy khí giận, tâm sân hận chỉ nhìn mặt xanh lè là biết. Liên Trì ôn tồn bảo:
- Ngươi sao không đi lau mặt bẩn?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiện ác là pháp, pháp không thiện ác. Trong chân như theo lý thì một pháp chẳng lập. Nhưng trong sự tướng thì thiện ác nhân quả rõ ràng. Thiền tuy vượt lên thiện ác nhưng ông du tăng từ tâm sân hận hiện lên mặt, không rửa sao được?


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 9:06 PM | Message # 236
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1151. Ngươi từ đâu tới?

1. Lục Tổ hỏi Huệ Trung:
- Ngươi từ đâu tới?
- Con ở gần đây tới.
2. Lục tổ hỏi Thần Hội:
- Ngươi từ đâu tới?
- Con không từ đâu tới.
Lục tổ rất tán thưởng.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Do Ngũ tổ hỏi Huệ Năng “Ngươi từ đâu tới?” là nhân duyên khai thị cho Huệ Năng nhập đạo. Do đó về sau khi Huệ Năng tiếp dẫn học nhân đều hỏi “Ngươi từ đâu tới?” để khai thị, khảo nghiệm, muốn học nhân đề khởi nghi tình, thâm cứu chân tượng. Đề khởi nghi tình là phương pháp tiếp cơ của Thiền tông thường xử dụng. Từ các câu hỏi liên tiếp, thiền giả cuối cùng phản chiếu tự tánh, tự nhận biết bản lai diện mục.

1152. Bảo tọa của thiền sư.

Thiền sư Phật Quang nói pháp, khai thị, tiếp Tâm cho học tăng đều ngồi ở bảo tọa ở pháp đường. Do đó bảo tọa đối với đại chúng là biểu tượng của Pháp, của ngộ; nên còn được gọi là pháp tọa. Có một lần, Phật Quang phải đi về Nam để hoằng pháp ít ngày. Cũng như mọi ngày thị giả đều ở pháp đường quét dọn, lau chùi; pháp tọa của Phật Quang sạch không một hạt bụi. Một hôm thị giả vô cùng kinh ngạc thấy tri khách tăng ngồi ở bảo tọa nói chuyện với tín đồ. Vì đối phương là tri khách sư nên thị giả không dám biểu lộ gì, nhưng trong lòng thấy bực bội. Đến bữa cơm chiều Duy Ma sư cũng ngồi tự nhiên ở bảo tọa nhắm mắt tham thiền. Thị giả thấy vậy cho là không phải nghĩ bụng: “Đây là bảo tọa của thiền sư mà! Làm sao lại không tôn trọng?” Tiếp đó Y bát sư, Điện chủ sư, Hương đinh sư khi tại pháp đường tiếp khách đều rất tự nhiên ngồi ở bảo tọa.
Một hôm thị giả vào pháp đường lau chùi thấy Tri khách sư, Hương sư. . . các chấp sư đều tại pháp đường bàn chuyện hàng ngày; Tri khách sư vẫn ngồi ở bảo tọa. Thị giả đã nhiều ngày bất bình, nhịn không được bất giác hỏi:
- Các vị chấp sự pháp sư, các vị có biết chỗ này là chỗ nào không? Pháp đường để làm gì?
- Là nơi Phật Quang thiền sư khai thị, thuyết pháp, tiếp tâm cho học tăng, ai chả biết.
Thị giả không vui, lại hỏi:
- Nếu là vậy, sao quý vị không tôn kính mà lại còn ngồi nói chuyện vụn vặt?
Các vị chấp sự đều nói:
- Vì thiền sư đi vắng.
- Thiền sư đi vắng, các vị đều thay mặt thiền sư chủ trì, vậy xin quý vị hãy khai thị cho đệ tử.
Các vị chấp sự không trả lời được.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Ở thế gian họ hàng hộ thân, nhân dân hộ quốc, tín đồ hộ giáo. Trong công án này thị giả hộ chủ. Kỳ thật hộ chủ không nhất định phải là thị giả. Chủ ngày nay là người lãnh đạo. Bất cứ một quốc gia, một đoàn thể nào cũng đều nên củng cố một trung tâm lãnh đạo. Nếu không trên dưới không có trật tự, loạn tùng phèo. Bảo tọa của thiền sư tượng trưng cho quyền uy của Phật pháp. Thị giả trong câu chuyện này không những hộ chủ mà còn hộ pháp nữa.

1153. Độ kẻ trộm.

Một tối, thiền sư Tàn Mộng đang đọc sách ở phương trượng thất, bỗng nghe có tiếng động ở ngoài tường; nghĩ rằng có thể là ăn trộm, bèn gọi thị giả:
- Đem chút tiền cho ông bạn đang khoét tường.
Thị giả chạy ra ngoài kêu:
- Này, đừng làm hỏng tường, hãy cầm lấy chút tiền!
Kẻ trộm nghe rồi hoảng sợ bỏ chạy.
Tàn Mộng trách thị giả:
- Ngươi sao kêu lớn vậy? Làm cho hắn sợ hãi. Tội nghiệp chưa lấy được tiền đã phải chạy rồi. Trời lạnh thế này có lẽ cũng chưa có gì trong bụng. Ngươi không mau đuổi theo đưa tiền cho hắn.
Thị giả không làm sao được, đành tuân lệnh thầy, trong đêm lạnh lẽo tìm khắp nơi không biết kẻ trộm trốn đâu.
Lại có một vị thiền sư tên là An Dưỡng. Một lần nửa đêm trộm vào trộm cái mền duy nhất của bà. An Dưỡng không có cách nào chỉ đành lấy giấy phủ lên mình cho ấm. Kẻ trộm bị các đệ tử đi tuần bắt gập hoảng sợ bỏ mền lại chạy lấy người. Đệ tử thấy là mền của thầy bèn mang vào trả.
- Ái chà! Đây chẳng phải là cái mền bị trộm sao? Tại sao lại mang trở lại? Nếu là của trộm trộm đi thì là của hắn ta, hãy mang đi trả hắn mau!
Đệ tử chỉ đành hết sức đuổi cho kịp nói ý sư phụ cho hắn nghe. Kẻ trộm cảm động bèn quay lại thiền viện hướng An Dưỡng sám hối và xin quy y; từ đó cải tà quy chánh.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có người nói thiền giả đều có tâm sắt đá, không để ý gì đến khổ nạn. Nhưng như chúng ta đã thấy Tàn Mộng và An Dưỡng họ từ bi quên mình, yêu người, bọn thường nhân há sánh kịp sao? Thực ra người ngộ đạo như Phật xẻ thịt nuôi chim ưng, xả thân cho hổ ăn, đại nhân, đại dũng, đại trí, đại hạnh, vô duyên đại từ, đồng thể đại bi chỉ vì đã ngộ thiền vậy.

1154. Nguyên lý của guồng nước.

Thiền sư Vô Tướng đi hành cước bị khát nước, bèn tìm nguồn nước để giải khát. Xa xa thấy một thanh niên đang đạp guồng nước ở ao. Vô Tướng bèn chạy lại xin một chén. Thanh niên ngưỡng mộ thưa:
- Nếu có một ngày nào con chán hồng trần, con nhất định cũng như thầy xuất gia học đạo. Nhưng con khác thầy ở chỗ con sẽ tìm một nơi ẩn cư tham thiền, chứ không đi lang thang như thầy.
- A! Khi nào ngươi chán hồng trần?
- Cả vùng này chỉ có con là biết rõ cách xử dụng guồng nước này, nếu tìm được người thay thế con nhất định xuất gia.
- Ngươi hiểu rõ guồng nước; vậy nếu guồng chìm trong nước hay hoàn toàn ở trên không thì sao?
- Nguyên lý của guồng nước là một nửa ở trong nước một nửa ở trong không thì nó mới chuyển.
- Quan hệ của guồng nước và dòng nước cũng giống như quan hệ của con người với cuộc đời. Nếu một người nhập thế phóng túng giang hồ khó mà thoát khỏi ngũ dục hồng trần lôi cuốn. Nếu hoàn toàn xuất thế, tự cho mình là thanh cao không cùng thế gian lai vãng thì cũng trôi nổi không tiến được. Do đó người tu đạo phải nên ra vào. Không đứng một bên, cũng không đắm mình vào. Người xuất gia chán hồng trần chưa đủ, phải phát nguyện độ chúng sinh. Đó mới là thái độ của người xuất gia chân chính.
Thanh niên nghe rồi hoan hỉ vô cùng:
- Thiền sư, những lời thầy giảng khiến con khai ngộ, thầy thật là thiện tri thức của con.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Một người nếu đối với ngũ dục, lục trần quá chấp trước thì tham ái làm đầu óc mê muội, nếu quá độ xả bỏ thế gian thì không còn sinh khí. Con người phải cất lên được, cũng bỏ xuống được, phải thuận theo Trung Đạo.

1155. Phật pháp chân chính.

Thiền sư Hữu Tâm đức cao vọng trọng, bác học đa văn là trụ trì Tịch Tướng Tự. Người đến hỏi đạo thì nhiều, nhưng ít người khế nhập. Ông có một sư đệ là Hữu Đắc, căn cơ trì độn, lại chột một mắt, bình thường giúp đỡ sư huynh những việc lặt vặt, chưa hề cùng tín đồ đối mặt thuyết pháp bao giờ. Một hôm Hữu Tâm vừa ra khỏi cửa thì có một thiền tăng đến tham phỏng hy vọng đối diện khai thị. Sư đệ Hữu Đắc bất đắc dĩ phải dùng phương thức không lời tiếp kiến vị thiền tăng. Hai người đối mặt không nói một lời, chỉ dùng tay ra hiệu. Không lâu vị thiền tăng vui vẻ bái tạ, cáo lui. Trên đường về gập Hữu Tâm, liền khen ngợi Hữu Đắc thật là một vị thiền sư pháp tướng. Rồi ông thao thao thuật lại quá trình thỉnh ích:
- Mới đầu, đệ tử giơ một ngón tay lên biểu thị đấng thế tôn đại giác, trời người không hai. Hữu Đắc giơ hai ngón tay lên biểu thị Phật pháp tuy hai nhưng là một thể lưỡng diện; tuy hai mà một. Đệ tử lại giơ ba ngón tay lên biểu thị Phật, Pháp, Tăng tam bảo hòa hợp, thiếu một cũng không được. Hữu Đắc bèn giơ nắm đấm lên biểu thị tam bảo là do nhất ngộ mà được. Tới đó đệ tử chỉ còn cách lạy tạ mà lui.
Thiền tăng kể rồi đi, Hữu Tâm về tới chùa Hữu Đắc ra đón, mặt đầy sắc giận ra báo cáo:
- Vừa rồi có một thiền tăng rất vô lý. Vừa vào thấy đệ chột mắt, bèn giơ một ngón tay lên kiêu ngạo với đệ. Vì hắn là khách nên đệ giơ 2 ngón tay lên có ý bảo ngươi thật may mắn có đủ 2 mắt.Ngờ đâu con người này thật vô lễ, liền giơ 3 ngón tay lên ám chỉ đệ và hắn hai người chỉ có 3 con mắt. Sư huynh bảo có đáng giận hay không; do đó đệ giơ nắm đấm lên định đánh cho hắn một trận, hắn vội chuồn mất.
Hữu Tâm nghe rồi không nín được cười.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trọng yếu của Phật pháp là khế lý, khế cơ. Ở pháp hội Hoa Nghiêm hạng nhị thừa thanh văn nghe Phật thuyết pháp như người câm điếc nên có 5 ngàn người bỏ ra ngoài. Bình thời hoằng pháp truyền đạo khế lý rất dễ còn khế cơ rất khó. Như Hữu Tâm đức học câu toàn, nhưng khó mà khai ngộ cho người khác. Hữu Đắc tuy căn tính trì độn nhưng cùng vị thiền giả có duyên dùng tay vẽ chân, đầu lừa chẳng đối miệng ngựa mà khiến thiền giả ngộ đạo. Đó thật là mây vô tâm ra khỏi hang, người hữu duyên có thể ngộ đạo.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 02 Aug 2012, 9:14 PM | Message # 237
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1156. Gõ mõ đánh trống.

Một ín đồ hỏi Phật Quang:
- Gìa lam thanh tịnh tại sao lại gõ mõ đánh trống?
- Chẳng vẹt mây xanh sao thấy Long Môn?
- Ở nhà cũng có thể học Phật, việc gì phải khoác áo cà sa?
- Khổng tước tuy đẹp nhưng đâu bằng chim hồng hạc bay xa.
Những nghi ngờ của tín đồ đã được Phật Quang giải tỏa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Cá ở trong nước không nhắm mắt bao giờ. Mõ thường được tạo hình cá nên còn được gọi là mộc ngư. Gõ mõ là tượng trưng cho sự tu hành tinh tiến, không lười biếng. Đánh trống là để tiêu nghiệp tăng phúc. Tu tại gia cố nhiên là tốt nhưng đâu có sánh được với người xuất gia có thể chuyên tâm tu hành? Có chút nghi vấn nếu không giải đáp được thì như có hàng ngàn nút kết. Nhưng được giải thích rồi thì như vẹt mây mù mà thấy trời xanh. Thiền su có lúc giải thích, có lúc không giải thích. Nhưng đều là nói những chuyện không tương can. Nếu có thể hiểu ý ngoài lời thì nhất cử nhất động không gì không là thiền.

1157. Hàng ngày ăn gì?

Vân Cư đến tham phỏng Động Sơn, Động Sơn hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
- Con từ Thúy Vi tới.
- Thúy Vi dạy các ngươi những gì?
- Mỗi năm Thúy Vi đều cúng dường 18 La Hán và 500 La Hán. Tế lễ rất long trọng. Con có hỏi “Tế lễ long trọng như vầy không biết các vị La Hán có đến không?” Thúy Vi trả lời “Vậy hàng ngày ngươi ăn gì?” Con nghĩ lời này là giáo huấn của Thúy Vi vậy!
Động Sơn nghe rồi rất kinh ngạc hỏi lại:
- Thúy Vi thực dạy dỗ các ngươi như vậy sao?
- Chính vậy.
Động Sơn rất vui vẻ và khen ngợi Thúy Vi. Vân Cư lại hỏi:
- Xin hỏi hàng ngày thầy ăn gì?
Động Sơn không suy nghĩ, đáp ngay:
- Ta cả ngày ăn cơm mà chưa hề nhai một hạt cơm; cả ngày uống trà mà chưa hề nhấp một giọt nước.
Vân Cư vỗ tay tán thưởng:
- Lão sư, vậy là hàng ngày thầy chân chính ăn cơm, uống trà!

(Tinh Vân Thiền Thoại)
Khổng Tử nói: “Cúng thần như thần có mặt”. Thần có đến hay không, đó lại là một chuyện khác, chủ yếu là bản thân có cúng. Giả sử có người hỏi ta hàng ngày ăn gì? Ăn không phải là ăn thật bởi vì ăn, không ăn đều là pháp sinh diệt. Giả sử không ăn mà ăn, ăn mà không ăn; từ hữu vi đến vô vi, từ hữu tướng đến vô tướng, từ sinh diệt tới vô sinh diệt. Đó là đi qua trăm hoa mà thân không vương một lá, là mỗi ngày đều ăn, mỗi ngày đều tại giải thoát.

1158. Một cái áo nạp.

Thiền sư Vô Quả trú ở trong hang sâu chuyên tâm tham thiền. Trải qua 20 năm đều do 2 mẹ con một phụ nữ hộ pháp cung dưỡng. Vì chưa minh tâm, sợ không dám nhận sự cúng dường nữa, do đó Vô Quả định đi du phương hỏi đạo để rõ việc lớn sanh tử. Hai mẹ con yêu cầu thiền sư lưu lại vài ngày, họ muốn may một cái áo nạp để tặng thiền sư. Hai mẹ con lập tức về nhà cắt vải may áo; mỗi mũi may đều niệm danh hiệu A Di Đà Phật. May xong lại gói 4 đĩnh bạc móng ngựa (mã đề ngân) đưa thiền sư để làm lộ phí. Thiền sư tiếp nhận ý tốt của 2 mẹ con, chuẩn bị ngày hôm sau xuống núi. Đêm tối ngồi thiền, nửa đêm bỗng có một đồng tử áo xanh tay cầm cờ, theo sau là một bọn người đánh trống thổi kèn, khiêng theo một đóa sen thật lớn đến trước mặt thiền sư. Đồng tử mời:
- Xin mời thiền sư lên tòa sen.
Thiền sư nghĩ thầm ta tu thiền, chưa hề tu pháp môn Tịnh độ. Đây có lẽ là ma cảnh. Đồng tử la bốn lần, xin thiền sư đừng bỏ qua. Vô Quả thuận tay phóng cái khánh vào tòa sen. Không lâu đồng tử và bọn tùy tùng kéo đi.
Sáng sớm hôm sau, thiền sư vừa xả thiền thì hai mẹ con trong tay cầm cái khánh hỏi Vô Quả:
- Đây có phải là vật thiền sư đánh mất không? Hôm qua con ngựa mẹ sanh một thai chết. Mã phu kéo ra thấy cái khánh này. Biết đó là của thiền sư nên đem lại trả.
Thiền sư nghe rồi toát mồ hôi, làm bài kệ:
一襲 衲 衣 一 張 皮
Nhất tập nạp y nhất trương bì
四錠 元 寳 四 個 蹄
Tứ đính nguyên bảo tứ cá đề
若非 老 僧 定 力 深
Nhược phi lão tăng định lực thâm
機與 汝 家 作 馬 兒
Cơ dữ nhữ gia tác mã nhi.
Bốn đính bạc là bốn móng ngựa
Còn chiếc áo nạp là bộ da
Nếu lão tăng định lực chưa đủ
Đã sanh làm ngựa con nhà bà.
Sau đó đem trả áo và bốn đĩnh bạc cho hai mẹ con, bái biệt mà đi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Nhân quả nghiệp duyên của Phật giáo thật khó nghĩ bàn. Nếu không tu chứng thì sanh tử luân hồi không tránh được. Xem chuyện Vô Quả thiền sư há chẳng nên thận trọng sao?

1159. Phá hư không.

Mộng Song quốc sư thuở thiếu thời, từ xa xôi ngàn dậm đến kinh đô tham học với Nhất Sơn. Một hôm đến phòng phương trượng thỉnh thị:
- Đệ tử chưa rõ việc lớn, thỉnh thầy chỉ thẳng.
- Tông ta không lời, cũng không một pháp cho người.
- Thỉnh thầy từ bi phương tiện.
- Ta không phương tiện, cũng không từ bi.
Đã nhiều lần hỏi mà không được Nhất Sơn khai thị, Mộng Song nghĩ bụng nếu đã cùng Nhất Sơn vô duyên, có lưu lại lâu ở đây cũng không khai ngộ được. Vì vậy gạt lệ xuống núi đến tham Phật Quốc. Ở nơi Phật Quốc bị đánh hét nhiều lần cũng không khai ngộ. Cuối cùng đối Phật Quốc nguyện không ngộ không trở lại. Từ giã Phật Quốc, Mộng Song ngày đêm cùng đại tự nhiên tĩnh tọa tìm lời giải đáp. Một hôm ngồi dưới gốc cây bất tri, bất giác đến thâu canh, muốn vào am ngủ. Khi vào, ngộ nhận chỗ không có giường là giường, nằm xuống bèn ngã chỏng gọng, trong sát na bỗng phá lên cười, hoát nhiên đại ngộ, bèn làm bài kệ:
多年 掘 地 覓 青 天
Đa niên quật địa mích thanh thiên
添得 重 重 礙 膺 物
Thiêm đắc trùng trùng ngại ưng vật
一 夜 暗 中 颺 碌 甎
Nhất dạ ám trung dương lục chuyên
等閒 擊 碎 虛 空 骨
Đẳng nhàn kích toái hư không cốt.
Trời xanh, đào đất kiếm bao năm
Chướng ngại càng tăng thêm chướng ngại
Một bữa ở trong đêm tối tăm
Hư không bị đá nhỏ tàn hoại.
Sau khi khai ngộ, Mộng Song đến gập Nhất Sơn và Phật Quốc trình kiến giải. Phật Quốc khen ngợi và ấn chứng cho ông:
- Mật ý Tây sang nay ngươi đã được, hãy tự hộ trì.
Năm đó Mộng Song 31 tuổi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Các thiền sư xưa nay đều có một đặc sắc là lời lạnh, tâm từ. Nhất Sơn không phương tiện, không từ bi, là phương tiện là từ bi. Phật Quốc đánh, hét cũng là đại phương tiện, đại từ bi. Nếu không có Nhất Sơn, Phật Quốc thì sau làm sao có Mộng Song quốc sư. Do đó Xuân có gió, Hạ có mưa làm vạn vật sanh trưởng. Thu có sương, Đông có tuyết khiến vạn vật thành thục.

1160. Vân Môn trong ngoài.

Vân Môn đến tham phỏng Mục Châu, đến nơi thì trời đã hoàng hôn. Vân Môn hết sức gõ hai cánh cổng khép kín. Rất lâu Mục Châu ra mở cửa. Vân Môn thưa xin đến tham học vừa cho chân vào thì Mục Châu xuất kỳ bất ý đóng mạnh cửa lại. Vân Môn kêu lớn:
- Aí chà! Aí chà! đau quá!
- Ai kêu đau?
- Lão sư, là con.
- Ngươi ở đâu?
- Con ở ngoài cửa.
- Ngươi ở ngoài cửa vì sao kêu đau?
- Vì thầy đóng cửa nên chân con bị kẹt ở trong.
- Chân ở trong vì sao ngươi lại ở bên ngoài?
- Vì thầy làm cho con bị phân thành trong, ngoài.
- Đồ ngu, một người lại có phân trong ngoài sao?
Vân Môn ngay lời nói này giống như bị một trùy vào tâm, phá nát thân tâm hư vọng, khiến được đại ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Vân Môn tuy chân bị thương, nhưng đã đi qua được cái cửa hư vọng của ý thức, chứng ngộ trong ngoài là một, bình đẳng không hai. Thế gian, trong mắt nhà thiền đều là hư vọng, đối đãi, trong ngoài, thiện ác, lớn nhỏ, ta người; Người đời thường bị mê vọng trói buộc, không có cách nào vượt thoát. Nếu ta có thể cắt đứt tất cả, trở về gốc thì không ngộ sao được?


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 6:16 PM | Message # 238
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1161. Đánh và hét.

Các thiền sư thuở xưa thường thích cầm thiền trượng, biểu thị quyền uy lãnh đạo. Thiền trượng không phải để đánh người, chỉ khi nào nghiên cứu một vấn đề, có khi nhẹ nhàng biểu thị mà thôi. Các thiền sinh bị đánh thường được gọi là ăn gậy. Còn hét là bị hét một tiếng hét lớn, cũng cùng tác dụng như bị ăn gậy.
Có 2 huynh đệ cùng đến Vô Đức học thiền. Nhưng mỗi buổi tiểu tham, khi thỉnh thị đều bị ăn gậy. Dù hai người tránh né rất nhanh, cũng không thoát khỏi gậy nện trên thân thể. Vô Đức xử dụng gậy rất chính xác, trăm đánh trăm trúng. Một hôm sư đệ bàn với sư huynh:
- Chúng ta đến đây tham học đã lâu, bị ăn gậy nhiều mà chẳng khai ngộ. Muốn đi nơi khác, nhưng kiếm được một thiền sư đạo hạnh như Vô Đức thật không phải là dễ.
Sư huynh cũng không có cách gì bèn đề nghị:
- Sau này khi tiểu tham, chúng ta hãy đứng ngoài pháp đường thưa gửi; dù thiền sư nhanh mấy cũng không đánh được chúng ta.
Do đó, hôm sau hai người đến pháp đường thưa:
- Xin hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?
Vô Đức hét lớn:
- Hai tên chậm chạp này!
Hai huynh đệ nghe tiếng hét như sấm nổ bên tai, cùng quỳ xuống thưa:
- Không ngờ tiếng hét của thầy cũng uy lực như thiền trượng vậy.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Tham thiền cầu đạo không thể có tâm lý cầu may, cũng không cầu được nhanh chóng thành tựu. Chúng ta thấy chỉ một câu nói của thiền sư có thể làm cho thiền sinh khai ngộ. Nhưng nếu hành giả không tích tụ công hạnh thì thiền sư có nói ngàn lời, thậm chí đánh hét kịch liệt cũng vô dụng. Đương nhiên tích tụ công hạnh, đánh hét đều giúp cho ngộ đạo.

1162. Bán gừng sống.

Bảo Thọ giữ chức thủ kho ở Ngũ Tổ Tự, lúc đó trụ trì là hòa thượng Giới Công, nhân bị bệnh cần thuốc trong đó có vị gừng sống, thị giả bèn vào kho lấy. Bảo Thọ hét đuổi đi. Giới Công biết chuyện sai thị giả đem tiền mua vài củ. Bảo Thọ nhận tiền mới chịu trao gừng. Về sau Động Sơn Tự thiếu trụ trì quận thú viết thư mời Giới Công suy cử một vị. Giới Công bèn nói:
- Gã bán gừng sống được đấy!
Do đó, Bảo Thọ đến Động Sơn Tự làm trụ trì; Thiền môn mới có giai thoại “Gừng sống của Bảo Thọ cay vạn năm.”
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Trong câu chuyện trên Bảo Thọ và Giới Công, một người trọng việc công không thủ lợi riêng, một người trọng tài năng, công đức.

1163. Tướng tròn.

Nam Dương Huệ Trung quốc sư tục tính Nhiễm, người Hội Kê, Chiết giang. 16 tuổi, sau khi yết kiến Lục tổ rồi bèn ẩn cư ở Nam Dương ở khoảng giữa Hoàng Hà và Trường Giang, 40 năm. Về sau, tuân chiếu chỉ của Túc tông hoàng đế làm trụ trì Quang Trạch Tự ở Trường An. Rất nhiều học tăng nghe danh tới tham phỏng. Huệ trung thường vẽ một vòng tròn để dạy người học. Có người hỏi vòng tròn này có ý nghĩa gì?
Ông trả lời có 6 hàm nghĩa:
1.Biểu thị nhất chân pháp giới.
2.Ý thức thống nhất của cảnh giới tam muội.
3. Lúc tất cả những cặp đối đãi chưa phát sinh tác dụng.
4. Tượng trưng cho nhất đại tổng tướng.
5. Cảnh giới lãnh ngộ chân lý.
6. Chân nghĩa của Thiền.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Vô tướng là chân lý thật nhất của vũ trụ và con người. Giả như có người hỏi hư không giống gì? Hư không không dài, ngắn, vuông tròn thực là vô tướng. Vì vô tướng nên không tướng nào là không giống. Như hư không ở vuông là vuông, ở tròn là tròn. Vì vô tướng là thể nên có thể giam sâm la vạn tượng. Vòng tròn của Huệ Trung biểu thị thực tướng vô tướng, muốn ta từ hữu niệm về vô niệm, từ hữu tướng đến vô tướng.

1164. Trách mắng và từ bi.

Hoàng Long Huệ Nam tham thiền ở Quy Tông Tự núi Lư Sơn, ngồi tất ngồi kiết già, đi thì nhìn thẳng. Về sau vân du đến Lặc Đàm Trừng thiền sư; Lặc Đàm mời ông cùng ngồi tiếp dẫn học tăng. Lúc đó danh ông đã vang khắp nơi. Vân Phong Duyệt gập ông liền khen:
- Ông trí tuệ hơn người nhưng tiếc rằng chưa được minh sư đào luyện. Lặc Đàm tuy là thuộc pháp từ Vân Môn, nhưng thiền pháp chẳng đồng.
- Vì sao không đồng?
- Vân Môn như cửu chuyển đơn sa, điểm sắt thành vàng. Lặc Đàm như dược vật diên hống, chỉ để cho người thưởng ngoạn, nếu đem đào luyện sẽ mất tiêu.
Hoàng Long nghe rồi rất phẫn nộ, không thèm đếm xỉa đến Vân Phong. Hôm sau, Vân Phong hướng Hoàng Long xin lỗi và nói rằng:
- Khí độ của Vân Môn như đế vương, do đó vua khiến thần chết, không chết không được. Ông nguyện chết dưới câu nói chăng? Lặc Đàm tuy có phép tắc dạy người, nhưng pháp chết ấy có thể cứu người được sao? Thạch Sương Từ Minh hiện nay có thủ đoạn hơn người, ông nên đến đó.
Về sau, Hoàng Long tại Phúc Nghiêm Tự tham phỏng Từ Minh. Từ Minh hỏi:
- Ông đã là thiền sư có danh, nếu quả có nghi vấn, có thể ngồi xuống cùng nghiên cứu.
Do đó Hoàng Long chân thành ai cầu.
Từ Minh bảo:
- Ông học Vân Môn thiền nhất định là liễu giải thiền chỉ, tỉ như phóng gậy Động Sơn là ăn gậy hay không ăn gậy?
- Ăn gậy.
Từ sáng đến tối quạ kêu, thước réo đều đáng ăn gậy. Rồi đó Từ Minh ngồi đoan chính tiếp nhận Hoàng Long bái lạy. Sau đó lại hỏi:
- Giả như ông có thể hiểu ý chỉ của Vân Môn, vậy khi Triệu Châu nói “Lão bà ở Đài Sơn, ta đã vì ông khám phá rồi.”, thì ông ta khám phá lão bà ở chỗ nào?
Hoàng Long bị hỏi, toát mồ hôi lạnh không trả lời được. ngày hôm sau Hoàng Long lại đến tham; lần này Từ Minh chẳng khách sáo gập mặt liền mắng chửi không ngớt. Hoàng Long hỏi:
- Chẳng lẽ mắng chửi lại là giáo pháp từ bi của thầy sao?
- Ông thấy đây là mắng chửi sao?
Hoàng Long ngay đó đại ngộ, liền làm bài kệ:
傑出 叢 林 是 趙 州
Kiệt xuất tùng lâm thị Triệu Châu
老婆 勘 破 沒 來 由
Lão bà khám phá một lai do
而今 四 海 明 如 鏡
Nhi kim tứ hải minh như kính
行人 莫 與 賂 爲 仇
Hành nhân mạc dữ lộ vi cừu
Triệu Châu nổi bật chốn thiền môn
Khám phá lão bà chẳng gốc nguồn
Mà nay bốn bể như gương sáng
Người đi chẳng nên thù con đường.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Khi đau khổ cảm thấy khoái lạc; khi bị oan cảm thấy công bình, khi bận rộn cảm thấy an nhàn, khi bị trách mắng biết đó là từ bi. Đó là sự thể hội chân chính thiền tâm.

1165. So lớn.

Một ông tăng ở Thông Độ Tự (rộng 2000 giáp) và một ông tăng ở Hải Ấn Tự (rộng 4000 giáp) trên đường hành cước gập gỡ và kết bạn cùng đi. Khi ngồi nghỉ ở dưới một gốc cây, 2 người kể về chùa của mình. Ông tăng ở Thộng Độ Tự nói trước:
- Tăng chúng ở chùa tôi, có thể nói là nhiều nhất nước.
- Sao biết?
- Mỗi khi dọn bữa, tôi phải chèo thuyền để quấy canh.
Ông Tăng ở Hải Ấn Tự cũng không chịu kém:
- Chùa tôi mới lớn, có thể nói toàn nước Đại Hàn không có chùa nào lớn hơn.
- Làm sao biết?
- Khi đi cầu chúng tôi phải đợi ba phân giờ mới nghe thấy tiếng phẩn rơi xuống phẩn trì.
Không ngờ ở gốc cây còn có một ông tăng ở Tùng Quảng Tự ngồi nghỉ, ông này nói:
- Tùng Quảng Tự của chúng tôi mới lớn vì mọi người đều ẵm hư không. Các ông có thể chạy ra khỏi hư không chăng?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Chùa ai lớn? Khẩu khí của các ông tăng đều lớn. Đó là tâm như hư không chứa cả hằng sa thế giới. Thật không hổ là cảnh giới của thiền giả.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 6:21 PM | Message # 239
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1166. Địa ngục.

Vô Đức thâu nhận nhiều học tăng trẻ. Họ mộ danh mà đến học thiền. Thiền sư bảo mọi người bỏ tất cả của cải không được mang gì vào sơn môn. Ở thiền đường ông yêu cầu học tăng sắc thân giao ta thường trú, tánh mạng giao cấp long thiên. Nhưng học tăng có người chỉ thích ăn, ngại làm việc, tâm chạy theo tục sự. Vô Đức bất đắc dĩ kể một đoạn cố sự:
- Có một người, sau khi chết thần thức đến một chỗ kia, khi vào cửa người canh cửa nói với ông:
- Ngươi thích ăn ư? Ở đây có đủ thứ cho ngươi ăn, ngươi thích ngủ ư, ở đây ngươi muốn ngủ lâu chừng nào cũng được không có ai cản trở, ngươi thích chơi ư? Ở đây có đủ loại trò chơi mặc ngươi lựa chọn; ngươi ghét làm việc ư? Bảo đảm ở đây không có việc gì để làm, cũng không có ai cai quản ngươi.
Do đó người đó cao hứng ở lại chỗ ấy. Ăn rồi ngủ, ngủ chán thì chơi, vừa chơi vừa ăn. Trải qua 3 tháng ông ta thấy có điều gì không ổn, bèn chạy đi kiếm người canh cửa:
- Những ngày như vầy đã lâu rồi, thấy không tốt lắm. Vì chơi nhiều không còn thấy hứng thú nữa; ăn nhiều quá thấy mập ra; ngủ nhiều quá đầu óc đâm ra mụ mẫm, ông có thể cho tôi làm một việc gì không?
- Xin lỗi, nơi đây chẳng có việc gì để làm cả!
Lại 3 tháng nữa, người ấy không nhịn được lại đi tìm người canh cửa:
- Những ngày như thế này thực tôi không chịu được nữa rồi, nếu ông không cho tôi làm việc, tôi thà xuống địa ngục.
- Ông tưởng đây là thiên đường sao? Đây chính là địa ngục. Nó làm ông không có lý tưởng, không có sáng tạo, không có tiền đồ, dần dần bị hủ hóa. Loại tâm linh thống khổ này có thể so sánh với lên núi dao, xuống chảo dầu khiến người ta không chịu được.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền không phải là nhắm mắt mà ngồi, đó chỉ là phương pháp vào thiền. Thiền chân chính là gì? bổ củi, gánh nước là thiền. Xay gạo, nhặt cỏ, làm rẫy là thiền, sáng cầy chiều lễ là thiền. Ngoài ra còn có nhiều nhẫn nại, từ bi là thiền, lao khổ hy sinh là thiền.

1167. Sa di vấn đáp.

Giáp, Ất là 2 chùa Thiền tông đều do Thiền sư trụ trì. Các thiền sư đều huấn luyện môn đồ thiền phong, cơ ngữ. Hàng ngày mỗi chùa đều phái một sa di ra chợ mua rau. Trên đường, sa di hai chùa gập nhau. Sa di chùa Giáp hỏi:
- Xin hỏi, bạn đi đâu?
- Gió thổi đâu thì đi đó.
Sa di chùa Giáp không biết làm sao hỏi tiếp, về mách thầy, thiền sư trách:
- Đồ ngu, sao ngươi không hỏi giả như không có gió bạn đi đâu?
Sa di ghi nhớ trong lòng, hôm sau gập sa di chùa Ất lại hỏi:
- Này, hôm nay bạn đi đâu?
- Chân muốn đi đâu thì đi đấy.
Sa di chùa Giáp thấy không đúng câu mình học, lại không hỏi tiếp được, về trình thầy. Thiền sư mắng:
- Ngươi thật là ngu. Sao không hỏi “Nếu chân không đi thì bạn đi đâu?”
Sa di lại học thuộc câu trả lời. Hôm sau lại gập sa di chùa Ất, lại nhắc lại câu hỏi:
- Này, hôm nay bạn đi đâu?
Sa di chùa Ất phẩy tay ra phía trước:
- Tôi ra chợ mua rau!
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Sa di chùa Giáp tuy hiền lương, lễ phép nhưng thiếu thiền cơ. Sa di chùa Ất thuận miệng trả lời vừa tiếu lâm vừa có thiền vị. Do đó chúng ta thấy thiền không nên chấp trước. Thiền tuệ lanh trí, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào giơ tay lên cũng là diệu đế,Sa di chùa Ất trước đáp gió thổi, sau nói chân đi, cuối cùng mới nói ra mục đích. Đó là thiền cơ diệu dụng từ thiền tâm mà ra.

1168. Cắt tai cứu gà.

Thiền sư Trí Vũ, người thời nhà Đường, khi đi hành cước, một hôm ngồi thiền trong rừng, bỗng thấy một người thợ săn bắn trúng một con gà rừng. Con gà bị thương chạy đến trước chỗ ngồi của thiền sư, thiền sư bèn dấu nó vào trong tay áo. Một lúc sau thợ săn đến đòi thiền sư:
- Xin thầy trả lại con gà bị tôi bắn trúng!
Thiền sư vô hạn từ bi khai thị cho thợ săn:
- Nó cũng là một sinh mạng, hãy tha cho nó.
- Thầy có biết nó có thể nấu thành một bát canh không?
Thiền sư bèn lấy giới đao để phòng thân, cắt luôn 2 tai mình, đưa cho thợ săn:
- Hai tai này có thể thế cho nó không, ngươi hãy mang đi nấu canh.
Thợ săn rất hoảng sợ, cuối cùng đã giác ngộ sát sanh là một chuyện rất tàn nhẫn.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Vì cứu sinh linh, không tiếc xả thân mình. Đức tánh “Vì trừ khổ cho chúng sinh, không cầu an lạc cho chính mình” là hành động cụ thể từ bi của nhà thiền. Hành động của Trí Vũ cho thấy thiền giả không trốn tránh xã hội, xa lìa loài người.

1169. Không biết.

Trào Tống có một vị tướng quân tên là Tào Hãn khi tiễu trừ giặc cướp ở phương Nam rồi, đi qua Viên Thông Tự ở Lư Sơn. Chư tăng biết quân kỷ của đội quân Tào Hãn không tốt, mọi người chạy trốn tứ tung, chỉ có Duyên Đức thiền sư ngồi tĩnh tọa bất động ở pháp đường. Tào Hãn kêu gọi, ông mặc kệ, cũng không thèm mở mắt nhìn. Lòng tự tôn của Tào Hãn bị thương tổn, giận dữ hét:
- Quân đội ta qua đây, tưởng tá túc quý tự, để binh sĩ nghỉ ngơi một chút, tại sao ngay một tiếng chào hỏi cũng không có? Sao dám vô lý thế? Chẳng lẽ ngươi không biết đứng trước ngươi là một vị tướng giết người không chớp mắt sao?
Thiền sư nghe rồi mở mắt ra bình tĩnh trả lời:
- Một quân nhân đứng trước điện Phật hò hét thật vô lễ, chẳng lẽ ngươi không sợ nhân quả báo ứng chăng?
- Thế nào là nhân quả báo ứng với chẳng báo ứng? ngươi không sợ chết à?
Duyên Đức cũng to tiếng:
- Chẳng lẽ ngươi không biết kẻ ngồi trước mặt ngươi là một thiền tăng không sợ chết sao?
Tào Hãn ngạc nhiên về đảm lượng của thiền sư đồng thời bị định công của thiền sư làm cho kính phục, liền hỏi:
- Chùa lớn như thế này chả lẽ chỉ có một mình thầy, còn những người khác đâu?
- Chỉ cần đánh trống, mọi người nghe tiếng sẽ trở về.
Tào Hãn bèn đánh trống, đánh một lúc mà cũng không thấy có người nào xuất hiện. Tào Hãn không vui hỏi:
- Đã đánh trống rồi sao vẫn chẳng thấy có người nào?
- Vì khi ngươi đánh trống sát khí quá mạnh, hãy niệm một câu Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi hãy đánh.
Do đó Tào Hãn niệm Phật một câu lại đánh một cái; không lâu các sư đều lần lượt trở về. Tào Hãn lúc đó lễ phép chắp tay thưa:
- Xin hỏi quý danh của thầy?
- Duyên Đức.
- Thì ra là Duyên Đức, đức cao vọng trọng, xin thầy chỉ cho con làm sao đánh trận được thắng?
- Không biết.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Từ cổ đến nay mỗi khi có chiến loạn, đều có những vị đại đức hộ vệ đạo trường, nguyện cùng chùa tồn vong, như Duyên Đức dũng cảm, từ bi, trí tuệ. Binh loạn không lìa chùa là dũng, kêu người ta niệm Phật là từ, tùy hứng trả lời là trí. Trả lời câu hỏi làm sao đánh thắng là “Không biết” thật là trí, nhân, dũng gồm đủ, đó chẳng phải là diệu dụng của thiền tâm sao?

1170. Mặn, nhạt đều có vị.

Hoằng Nhất đại sư là một nghệ thuật gia đầu cửa Phật, ông đem nghệ thuật vào đạo. Một hôm có một nhà giáo đến bái phỏng. Lúc dùng bữa chỉ thấy thiền sư ăn có một món dưa muối. Nhà giáo bất nhẫn hỏi:
- Chẳng lẽ thầy không ngại dưa mặn sao?
- Mặn có vị của mặn.
Sau bữa ăn, thiền sư rót một chén nước lã, nhà giáo lại nhăn mặt:
- Thầy không có trà à? Làm sao mỗi ngày đều uống lạt lẽo như vậy?
Thiền sư cười bảo:
- Nước lã tuy nhạt, nhưng nhạt cũng có vị nhạt của nó.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Câu nói của Hoằng Nhất “mặn có vị mặn, nhạt có vị nhạt” là một câu nói đầy thiền vị. Hoằng Nhất đem Phật pháp áp dụng vào đời sống hàng ngày. Đối với ông không đâu là không có đạo vị. Một cái khăn lông đã dùng ba năm rách tả tơi ông bảo hãy còn dùng được; Ở một quán nhỏ sâu bọ bò tới bò lui, khách đến thăm đều sợ, ông nói chỉ có vài con thôi mà! Có thể nói ông đã thể hội “tùy cảnh mà an” trong đời sống hàng ngày.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 6:27 PM | Message # 240
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1170. Mặn, nhạt đều có vị.

Hoằng Nhất đại sư là một nghệ thuật gia đầu cửa Phật, ông đem nghệ thuật vào đạo. Một hôm có một nhà giáo đến bái phỏng. Lúc dùng bữa chỉ thấy thiền sư ăn có một món dưa muối. Nhà giáo bất nhẫn hỏi:
- Chẳng lẽ thầy không ngại dưa mặn sao?
- Mặn có vị của mặn.
Sau bữa ăn, thiền sư rót một chén nước lã, nhà giáo lại nhăn mặt:
- Thầy không có trà à? Làm sao mỗi ngày đều uống lạt lẽo như vậy?
Thiền sư cười bảo:
- Nước lã tuy nhạt, nhưng nhạt cũng có vị nhạt của nó.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Câu nói của Hoằng Nhất “mặn có vị mặn, nhạt có vị nhạt” là một câu nói đầy thiền vị. Hoằng Nhất đem Phật pháp áp dụng vào đời sống hàng ngày. Đối với ông không đâu là không có đạo vị. Một cái khăn lông đã dùng ba năm rách tả tơi ông bảo hãy còn dùng được; Ở một quán nhỏ sâu bọ bò tới bò lui, khách đến thăm đều sợ, ông nói chỉ có vài con thôi mà! Có thể nói ông đã thể hội “tùy cảnh mà an” trong đời sống hàng ngày.

1172. Không vẽ nữa.

Thiền sư Nguyệt Thuyền là một cao thủ hội họa, nhưng mỗi lần trước khi vẽ ông đều đòi khách trả tiền trước nếu không ông không chịu động bút. Tác phong này khiến các nhân sĩ trong xã hội hết sức phê phán. Một hôm có một cô gái nhờ ông vẽ một bức tranh.
- Cô trả bao nhiêu?
- Thầy muốn bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu, nhưng tôi muốn thầy đến nhà tôi vẽ trước mặt mọi người.
Nguyệt Thuyền bằng lòng theo cô. Nguyên lai nhà cô gái có yến hội. Nguyệt Thuyền vì cô hoa bút vẽ một bức tranh. Xong việc lấy tiền định đi. Cô gái nói với các người dự tiệc:
- Vị họa gia này chỉ biết có tiền. Tuy tranh ông rất đẹp nhưng tâm địa hôi tanh, kim tiền làm ô uế cái đẹp của ông. Họa phẩm từ tâm linh ô uế cũng không đáng treo ở phòng khách, chỉ nên để trang trí cái quần của tôi thôi. Nói rồi cô cởi cái quần ra, yêu cầu Nguyệt Thuyền vẽ lên mặt sau.
- Cô trả bao nhiêu?
- Thầy đòi bao nhiêu cũng được.
Nguyệt Thuyền đòi một giá cao, sau đó theo lời cô gái vẽ một bức trên quần, rồi bỏ đi.
Nhiều người hoài nghi sao thiền sư dù bị làm nhục, chỉ cần có tiền là được, không biết ông nghĩ gì? Thật ra, chỗ Nguyệt Thuyền cư trú thường có tai họa. Nhiều người giầu có không chịu bỏ tiền ra giúp đỡ nạn nhân. Do đó ông lập ra một kho thực phẩm để cứu trợ. Lại nhân sư phụ ông lúc sinh thời có nguyện sẽ kiến tạo một ngôi chùa nhưng tâm nguyện chưa thành thì đã mất. Nguyệt Thuyền muốn hoàn thành tâm nguyện này cho thầy. Khi Nguyệt Thuyền hoàn thành nguyện vọng rồi ông lập tức quẳng bút đi, đi ẩn ở núi cao, rừng rậm. ông chỉ nói một câu:
- “Vẽ hổ, vẽ da khó vẽ xương,vẽ người, vẽ mặt khó vẽ lòng”. Tiền là bẩn thỉu, tâm là thanh tịnh.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Người có Thiền tâm không để cho người thế gian hủy báng như Nguyệt Thuyền dùng tài vẽ của mình để kiếm tiền cứu người. Tranh của ông không thể lấy kỹ thuật họa mà bàn vì nó là Thiền họa. Ông không phải là tham tiền mà là xả tiền. Thử hỏi có mấy người hiểu được Thiền tâm này?

1173. Nhất Hưu ăn mật.

Nhất Hưu khi còn là một sa di cũng đã có thiền phong. Một hôm, một tín đồ đem biếu sư phụ Nhất Hưu một bình mật ong. Nhằm lúc sư phụ có việc phải đi, nghĩ bụng bình mật ong này để trong nhà không an toàn, Nhất Hưu có thể sẽ ăn vụng. Do đó ông gọi Nhất Hưu lại dặn dò:
- Nhất Hưu! vừa rồi tín đồ mang đến một bình độc dược, dược tánh rất mạnh, rất nguy hiểm ngươi không thể ăn.
Nhất Hưu là đứa trẻ rất lanh lợi, đương nhiên hiểu ý sư phụ. Sư phụ đi khỏi, ông bèn mang bình mật ong ra ăn. Ăn hết rồi mới nghĩ khi sư phụ về phải làm cách nào để đối phó? Linh cơ nhất động, bèn đập vỡ bình cắm hoa mà sư phụ thích nhất. Khi sư phụ về, Nhất Hưu nằm lăn ra đất khóc lớn:
- Sư Phụ! Con phạm lỗi lớn, không thể tha thứ được.
- Nhất Hưu! Con làm lỗi gì?
- Con đánh vỡ mất bình cắm hoa mà sư phụ thích nhất rồi!
- Bình cắm hoa quý vậy sao con lại sơ ý làm vỡ mất?
Nhất Hưu sám hối:
- Sư phụ, con biết không thể nào hoàn trả bình cắm hoa cho sư phụ, để biểu thị sám hối con chỉ còn cách tự sát để tạ tội, nên con đã đem bình độc dược ăn hết rồi!
Cách tạ tội này khiến sư phụ á khẩu.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền là để minh tâm kiến tánh, nhưng dùng ở trong đời sống hàng ngày cũng có chỗ diệu. Thiền là trí tuệ Bát Nhã, là trí tuệ khôi hài. Nhất Hưu còn nhỏ mà đã có linh cơ như vậy đó chẳng phải là Thiền khôi hài sao?

1174. Làm rể.

Một hôm, một tín đồ đến thưa với Nhất Hưu:
- Sư phụ, con không muốn sống nữa, con muốn tự sát, mong thầy siêu độ cho con.
- Đang sống ngon lành, sao lại tìm chết?
- Sư phụ, con buôn bán thất bại, nợ nần chồng chất như núi, bị các chủ nợ bức không có lối ra, chỉ còn cách chết.
- Chẳng lẽ ngoài chết ra, không còn cách nào khác sao?
- Không có! Trừ một đứa con gái ra, con chẳng còn gì.
- Ta có biện pháp rồi, hãy gả con gái ngươi cho một chàng rể khá giả, hắn sẽ giúp ngươi trả nợ.
- Sư phụ, con gái con mới có 8 tuổi thôi làm sao gả chồng được?
- Vậy hãy gả cho ta, ta sẽ giúp ngươi trả nợ.
- Nói đùa, thầy là sư phụ con, sao làm rể con được?
Nhất Hưu vung tay:
- Ta giúp ngươi giải quyết vấn đề, tốt! tốt! đừng nói nữa, hãy về tuyên bố chuyện này, đợi đến ngày cưới ta sẽ đến nhà ngươi làm rể.
Vị đệ tử này tin lời sư phụ, về tuyên bố đến ngày đó tháng đó thiền sư Nhất Hưu sẽ đến nhà ông làm rể. Tin tức này truyền ra làm náo động cả thành. Đến ngày cưới người đến xem đông không có chỗ lọt.
Nhất Hưu sai đặt một cái bàn ở ngoài cửa trên để văn phòng tứ bảo. Nhất Hưu bắt đầu viết chữ. Ông viết rất đẹp, mọi người tranh nhau thưởng ngoạn và tranh nhau mua, quên bẵng đi lý do đến đó để làm gì. Kết quả tiền bán thư họa chứa đầy mấy rương.
Nhất Hưu hỏi tín đồ:
- Số tiền này đã đủ trả nợ chưa?
- Đủ rồi! Đủ rồi! sư phụ, thầy thật thần thông quảng đại, chỉ một lát đã kiếm được nhiều tiền vậy.
Nhất Hưu phất tay áo:
- Được rồi! Vấn đề đã được giải quyết. Ta không làm rể ngươi nữa, lại làm sư phụ ngươi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có thiền giả là có phương tiện giải quyết vấn đề.

1175. Nhất Hưu và Ngũ Hưu.

Có tín đồ hỏi Nhất Hưu:
- Thiền sư, pháp hiệu của thầy chẳng hay, tại sao lại là Nhất Hưu (Hưu có nghĩa là nghỉ)?
- Nhất Hưu vạn sự hưu, có chỗ nào là không hay?
Tín đồ nghe rồi nhận là mình sai:
- Phải, phải, tốt lắm!
Nhất Hưu lại nói:
- Thực ra, Nhất Hưu cũng chưa tốt bằng Nhị Hưu.
- Nhị hưu tốt làm sao?
- Sinh nên hưu, tử cũng nên hưu; sinh tử đều hưu, khổ não nên hưu, niết bàn cũng nên hưu, cả hai đều hưu.
- Không sai, nhị hưu mới tốt.
- Sau Nhị hưu, Tam hưu còn tốt hơn.
- Tam hưu tốt làm sao?
- Ngươi coi, vợ ngươi hàng ngày cãi cọ cùng ngươi, dữ như cọp cái, tốt nhất là hưu vợ. Làm quan phải tiếp rước cấp trên khổ sở, tốt nhất là hưu quan. Làm người có nhiều lúc phải tranh chấp với người ta, tốt nhất là hưu tranh. Hưu vợ, hưu quan, hưu tranh, 3 cái hưu này là vui nhất.
- Không sai, tam hưu mới tốt!
- Tứ hưu lại còn tốt hơn.
- Tứ hưu tốt làm sao?
- Tửu, sắc, tài, khí đều hưu.
- Phải, tốt lắm!
- Tứ hưu chưa đủ, ngũ hưu tốt hơn. Thế nào là ngũ hưu? Con người ta khổ sở vì có ngũ tạng. Bụng muốn ăn tạo ra trùng trùng khổ sở. Nếu ngũ tạng nhất hưu thì không còn chuyện gì nữa.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiên hưu, vạn hưu chẳng bằng nhất hưu. Nhất hưu vạn sự hưu, không tạo tác nên oán cừu, đó là Thiền của Nhất Hưu vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 7:14 PM | Message # 241
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1176. Ba món đồ cổ.

Túc Lợi tướng quân là đệ tử Nhất Hưu, một hôm mời Nhất Hưu đến nhà uống trà, lại đem nhiều đồ cổ bầy ra từng món hỏi ý kiến Nhất Hưu.
- Đẹp lắm! Ta cũng có ba món đồ cổ; một là hòn đá từ thời Bàn Cổ tạo thiên lập địa, một bát ăn cơm của các vị đại thần, một thiền trượng vạn năm của cao tăng. Nếu tướng quân muốn, có thể thêm vào bộ sưu tập.
Tướng quân hết sức vui mừng:
- Cám ơn thầy, không biết bao nhiêu tiền một món?
- Không cần cám ơn, mỗi món chỉ tính một ngàn lạng bạc.
Tướng quân tuy tiếc tiền vì giá quá cao, nhưng nghĩ cũng xứng vì là những cổ ngoạn vô giá; đành bỏ 3 ngản lạng ra mua, sai tùy tùng theo Nhất Hưu về chùa lấy đồ.
Nhất Hưu về tới chùa kêu đệ tử:
- Hãy mang hòn đá chẹn cửa cùng với cái bát cho chó ăn cơm và thiền trượng ta mua mấy lạng ra đây, đưa cho người này mang đi.
Tùy tùng tướng quân đem 3 món đồ về trình và nói rõ xuất xứ. Tướng quân rất giận chạy đến chùa kiếm Nhất Hưu lý luận.
Nhất Hưu vui vẻ khai thị:
- Nay là lúc khốn khó, dân chúng ngày 3 bữa cơm chẳng đủ ăn, tướng quân còn bụng nào chơi cổ ngoạn? Do đó, ta lấy 3 ngàn lạng bạc đem cứu người nghèo, thay tướng quân mà làm công đức. Việc này thọ dụng cả đời, đối với cổ ngoạn còn quý hơn nhiều.
Tướng quân mắc cỡ, càng khâm phục trí tuệ và từ bi của thiền sư.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền không phải là triết học, không phải là lý luận. Thiền là nghệ thuật sinh hoạt, là tự nhiên. Đem chân ngã dung hòa với trí tuệ và từ bi là Thiền.

1177. Y phục ăn cơm.

Nhất Hưu có một đệ tử là một vị tướng quân. Một hôm tướng quân mời sư phụ đến nhà thọ trai. Khi Nhất Hưu đến nơi, người giữ cửa thấy ông quần áo rách rưới, nhất định không cho vào. Nhất Hưu không có cách nào đành trở về thay một bộ cà sa mới. Lúc dùng bữa Nhất Hưu gắp rau bỏ vào tay áo. Tướng quân rất ngạc nhiên hỏi:
- Xin hỏi có phải sư phụ để dành cho lão mẫu hay cho đại chúng trong chùa? Lát nữa con sẽ sai người mang rau tới, hiện giờ thỉnh sư phụ dùng bữa.
- Hôm nay ngươi mời y phục ăn cơm chứ không mời ta, cho nên ta mới cho áo ăn cơm.
Tướng quân nghe rồi không hiểu gì cả, Nhất Hưu đành phải giải thích:
- Hôm nay khi đến đây, vì mặc áo quần cũ rách, người giữ cửa không cho ta vào. Ta đành phải trở về thay áo cà sa mới hắn mới cho ta vào. Nếu đã lấy tiêu chuẩn áo cũ mới để mời khách, đó là ngươi mời áo không phải là mời ta, do đó ta thay ngươi mời áo ăn cơm.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Từ chuyện này chúng ta thấy người đời chỉ chuộng hư vinh, coi cách ăn mặc mà luận cao thấp, chẳng để ý gì đến nhân cách phẩm đức.

1178. Dành tiền cho tín đồ.

Phật Quang để chấn hưng Phật giáo đã làm nhiều Phật sự. Các đệ tử để giúp thầy hoàn thành lý tưởng, cố gắng khuyến khích các tín đồ làm công đức bố thí. Một hôm, Phật Quang sau khi đi hoằng hóa trở về, các đệ tử tranh nhau báo cáo. Phổ Đạo đắc ý thưa:
- Sư phụ, hôm nay có một vị đại thí chủ bố thí 100 lạng để xây Đại hùng bảo điện.
Phổ Đức báo cáo:
- Sư phụ, Trần cư sĩ ở trong thành đến thăm thầy. Con dẫn đi tham quan các nơi, ông xin cúng dường lương thực cho chùa cả năm.
Hương đăng sư, Tri khách sư đều hướng Phật Quang báo cáo các tín đồ phát tâm hỉ xả. Phật Quang vội ngăn mọi người lại và khai thị:
- Các ngươi đều lao khổ, nhưng hóa duyên nhiều quá thì lại không có công đức.
- Tại sao?
- Phải để cho tín đồ có tiền, có thể làm giầu có thêm thì Phật giáo mới phát triển tốt. Bắt tín đồ phải mang nhiều tiền ra làm công đức cũng ngu xuẩn như giết gà giữ trứng. Đến ngày nào đó tín đồ không còn khả năng cúng dường nữa thì Phật giáo làm sao mà tồn tại?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Lời của Phật Quang thật là nhìn xa thấy rộng. Phật giáo đề cao bố thí nhưng trước hết mình phải không tự làm khổ, tự phiền não. Nguyên tắc này được xử dụng đứng đắn thì bố thí tuy ít nhưng có lợi lâu dài. Người học Phật nếu có thiền thì không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ đến người khác. Như vậy đâu thể nói Thiền chỉ trọng ngộ mà không trọng từ bi?

1179. Duyên khởi tánh không.

Di Lan Vương rất tôn kính Na Tiên Tỳ Khưu.
Na Tiên sau khi chứng ngộ rồi, lời nói nào cũng đều hàm trí tuệ linh xảo. Một hôm, Di Lan Vương hỏi Na Tiên:
- Mắt có phải là thầy không?
- Không phải!
- Tai có phải là thầy không?
- Không phải!
- Mũi, lưỡi, thân có phải là thầy không?
- Đều không phải, sắc thân chỉ là giả hợp.
- Vậy ý có phải là thầy không?
- Cũng không phải.
- Vậy thầy ở đâu?
Na Tiên hỏi ngược lại Di Lan Vương:
- Cái cửa có phải là căn phòng không?
- Không phải!
- Ngói, gạch có phải là căn phòng không?
- Không phải.
- Giường, bàn ghế, đồ đạc có phải là căn phòng không?
- Không phải.
- Vậy căn phòng ở đâu?
Di Lan Vương hoảng nhiên đại ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Di Lan Vương ngộ cái gì? Sơn hà đại địa, vũ trụ vạn hữu đều do nhân duyên hòa hợp mà tồn tại. Không có nhân duyên thì không có cái gì cả. Thế gian không có một vật nào đơn độc tồn tại. Tất cả là do nhân duyên sinh, là tự tánh không, là duyên khởi không. Hiểu được thế thì đó là Thiền.

1180. Tâm Phật là gì?

Huệ Trung có lần hỏi Tử Lân cung phụng (một tăng quan):
- Cung phụng học Phật nhiều năm, Phật có nghĩa gì?
- Phật là giác.
- Phật có mê không?
- Nếu đã thành Phật, sao còn mê được?
- Nếu đã không mê, giác để làm gì?
Cung phụng không trả lời được. Lại một lần khác cung phụng chú giải Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh. Huệ Trung nói:
- Chú giải kinh tất phải khế hội Phật tâm, trước khế lý của chư Phật, sau khế cơ của chúng sinh thì mới được.
Tử Lân không vui đáp:
- Thầy nói không sai, nếu không ta đâu chấp bút.
Huệ Trung nghe rồi sai thị giả mang đến một bát nước trong có để một chiếc đũa và 7 hạt gạo hỏi Tử Lân đó là ý gì? Tử Lân không hiểu, không trả lời được. Huệ Trung không khách khí giảng:
- Ngay ý ta ngươi còn không hiểu sao dám nói khế hội Phật tâm?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Huệ Trung đem ra bát nước có chiếc đũa và 7 hạt gạo ý nói Phật pháp không lìa sinh hoạt. Nếu lìa sinh hoạt thì Phật pháp dùng để làm gì? Tử Lân lìa sinh hoạt mà chú giải kinh Phật tất lìa xa Phật lý. Lục tổ cũng có nói “Phật pháp ở thế gian không lìa thế gian giác. Lìa thế cầu bồ đề thì như đi tìm sừng thỏ vậy.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 7:18 PM | Message # 242
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1181. Đừng chùi!

Có một chàng thanh niên tính khí thô bạo, dễ dàng nổi giận, ưa đánh lộn, do đó nhiều người không thích anh ta. Một hôm tình cờ đến Đại Đức Tự gập Nhất Hưu đang thuyết pháp, nghe rồi anh ta phát nguyện sửa đổi lỗi lầm lúc trước, thưa với Nhất Hưu:
- Sư phụ, sau này con sẽ không cãi nhau nữa, nếu có bị người ta nhổ nước miếng vào mặt thì cũng lẳng lặng mà chùi đi thôi.
- Ấy chớ! Bất tất phải làm vậy! Hãy để nước miếng tự khô đi, đừng chùi!
- Làm sao mà nhịn được?
- Có gì mà không nhịn được? Cứ coi như bị muỗi đốt, nhổ nước miếng bôi lên, cũng chẳng nhục nhã gì, hãy mỉm cười tiếp nhận.
- Nếu họ không nhổ mà đấm thì sao?
- Cũng thế thôi, chẳng qua chỉ là một quả đấm!
Thanh niên nghĩ là không phải, bỗng nhiên ra tay cho Nhất Hưu một đấm.
- Thiền sư, giờ nghĩ sao?
- Đầu ta cứng như đá, chẳng có cảm giác gì, chỉ sợ ngươi đau tay thôi!
Thanh niên á khẩu, không thốt nên lời.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Bất cứ chuyện gì ở thế gian, nói thì dễ nhưng làm được rất khó. Nói không nổi giận, nhưng gập cảnh lại không giữ được. Nhà Thiền có câu “Nói thì dường như ngộ, nhưng đối cảnh lại mê.” là cũng ý này.

1182. Bài kệ của Hoàng Bá.

Hoàng Bá có bài kệ:
塵勞 迥 脫 事 非 常
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
緊把 繩 頭 做 一 場
Khẩn bả thẳng đầu tố nhất trường
不是 一 番 寒 撤 骨
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
爭得 梅 花 撲 鼻 香
Tranh đắc mai hoa phác tị hương

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
(Trần Tuấn Mẫn dịch)
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Nhà Thiền có lưu hành một khẩu hiệu “Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật.” Dao đồ tể chỉ sự tập nhiễm. Chỉ cần bỏ được tập nhiễm lập tức thành Phật. Từ vô thủy đến nay Tạp Tâm vẫn hoạt động, tưởng làm nó ngưng ngay thật là chuyện không làm được. Vì vậy thiền gia mới khuyên chúng ta nhận biết tự tánh, nghĩa là phải chết đi sống lại. Bài kệ trên của Hoàng Bá là chỉ ý này.

1183. Niêm Hoa Vi Tiếu.

Xưa, Thế Tôn ở pháp hội Linh Sơn giơ cành hoa lên thị chúng. Lúc đó đại chúng đều yên lặng, chỉ có Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Thế Tôn nói:
- Ta có chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.
Vô Môn nói:
- Cồ Đàm mặt vàng, dưới mắt không người, bức người tốt thành kẻ xấu; treo đầu dê bán thịt chó; có thể cho là có một chút tài mọn. Nếu lúc đó đại chúng đều cười, chính pháp nhãn tạng làm sao truyền? Giả sử Ca Diếp không mỉm cười chính pháp nhãn tạng lại truyền làm sao? Nếu nói chính pháp nhãn tạng có truyền, lão già mặt vàng chỉ gạt dân chúng. Nếu nói không truyền sao lại nói truyền riêng cho Ca Diếp?
Tụng:
拈起 花 來
Niêm khởi hoa lai
尾巴 已 露
Vĩ ba dĩ lộ
迦葉 破 顏
Ca Diếp phá nhan
人天 岡 措
Nhân thiên cương thố.

Giơ cành hoa đó
Đã lộ cái đuôi
Ca Diếp mỉm cười
Người trời thất thố.
(Vô Môn Quan)
Hoa chỉ tự tánh. Giơ cành hoa lên không nói gì cả vì tự tánh không thể diễn tả bằng lời. Chư Phật đều do ngộ tự tánh mà thành Phật. Thế Tôn giơ cành hoa lên là nói pháp không lời. Ca Diếp hiểu ý này nên mỉm cười. Vì tự tánh chỉ có thể tự chứng, nói ra vô ích nên Ca Diếp không nói một lời nào chỉ mỉm cười tỏ rằng đã hiểu. Hai thầy trò thật là hai tay chơi cờ ngang sức, còn đại chúng im lặng như câm như điếc đã không nhận được tâm ấn của Phật. Lấy động tác hoặc một vật nào đó để diễn tả tự tánh tuy bắt đầu từ Đức Phật, nhưng đuợc các tổ sư Trung Quốc tập đại thành, đã tạo thành đặc điểm của Thiền. Thế Tôn giơ cành hoa lên là để khảo nghiệm và chỉ tuyển được Ca Diếp. Cho thấy ấn chứng trong Thiền tông là xét về quả chứ không dạy về nhân. Chỉ cần người học tự chứng niết bàn diệu tâm là đắc pháp. Thật ra niết bàn diệu tâm không nhận được từ người khác, cũng không thể truyền cho người khác, chỉ do người học tự dập tắt được ngọn lửa dục vọng.
(Dương Tân Anh)

1184. Sơn Thần Thọ Giới.

Đệ tử của Ngũ tổ là Nguyên Khuê, một hôm có một dị nhân, tướng mạo phi thường mang nhiều tùy tùng đến bái phỏng. Sư hỏi:
- Nhân giả đến có việc gì?
- Thầy không nhận ra tôi sao?
- Ta coi Phật và chúng sinh tương đồng, đâu có phân biệt.
- Tôi là Sơn thần đây, có thể làm người sống chết, thầy không để vào mắt sao?
- Ta vốn không sinh, ngươi làm sao khiến ta chết? Ta coi thân và không như nhau; ta và ngươi như nhau. Ngươi có thể làm hại không và ngươi sao?
Sơn thần bị chiết phục và xin thọ giới.
(Niêm Hoa Vi Tiếu)
Sơn thần là chức sắc bản địa nắm quyền sinh sát, muốn thiền sư đối đãi với mình khác với ngươì thuờng; nhưng Nguyên Khuê với quan điểm bình đẳng, từ chối phân biệt cao thấp, quý tiện do đó đã vượt qua sinh tử, ta người, thân không; do đó quyền uy sinh sát của Sơn thần không có tác dụng đối với ông.

1185. Nga Sơn.

Nga Sơn được thiền sư Nguyệt Thuyền ấn chứng. Nguyệt Thuyền nói:
- Ngươi là đại khí, cho đến nay ngươi đã thành tựu; từ giờ về sau thiên hạ không còn ai làm phiền ngươi được nữa. Ngươi nên phát tâm thiện tri thức đừng quên hành cước vân du là nhiệm vụ của thiền giả.
Một năm, Nga Sơn nghe nói Bạch Ẩn tại Giang Hộ giảng Bích
Nham Lục bèn tới Giang Hộ tham phỏng và trình kiến giải, ngờ đâu Bạch Ẩn nói:
- Trí giải của ngươi từ ác tri kiến mà có, hơi thối xông cả vào ta.
Rồi đó đuổi Nga Sơn đi. Nga Sơn không phục ba lần vào thất ba lần đều bị đuổi ra. Nga Sơn tự nghĩ mình đã đuợc ấn khả, chẳng lẽ Bạch Ẩn nhìn không ra mình đã ngộ? hay là để khảo nghiệm mình chăng? Bèn đến gõ cửa thiền sư thưa:
- Mấy lần trước con vô tri nên xúc phạm thầy, mong thầy cho lời từ huấn, con nhất định hư tâm tiếp nạp.
- Ngươi tự mang một bụng thiền, nhưng đến bờ sinh tử thì lại không có sức. Nếu muốn được bình sinh thống khoái nên nghe tiếng vỗ một bàn tay của ta.
Do đó, Nga Sơn lưu lại theo hầu Bạch Ẩn bốn năm. Năm 30 tuổi cuối cùng đã khai ngộ. Nga Sơn là cao đồ của Bạch Ẩn, đã dương cao thiền phong của thầy. Về sau, lúc về già ở ngoài sân phơi phóng chăn màn. Tín đồ trông thấy hỏi:
- Lão sư, thầy có nhiều đồ đệ, những việc vặt vãnh này vì sao thầy phải tự làm”?
- Người già không làm việc lặt vặt còn muốn làm gì nữa?
- Người già có thể tu hành.
- Ngươi cho rằng làm việc vặt không phải là tu hành sao? Vậy Đức Phật vì đệ tử xỏ kim, sắc thuốc lại gọi là gì?
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Có một số người ngộ nhận tu hành và làm việc là hai. Sự thực Hoàng Bá làm ruộng, Quy Sơn làm tương, hái rau; Thạch Sương xay thóc, sàng gạo; Lâm Tế trồng tùng; Huyền sa trồng cây v. v. đều là thiền trong sinh hoạt.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Aug 2012, 7:33 PM | Message # 243
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1186. Liễu Nguyên.

Liễu Nguyên người Giang Tây, tục họ Lâm. 19 tuổi từng tham học Viên Thông Cư Nột thiền sư. Viên Thông vừa nhìn thấy Liễu Nguyên liền tán thán:
- Tướng mạo và khí chất ngươi giống như Tuyết Đậu thiền sư là Long Tượng trong cửa Phật.
Về sau Liễu Nguyên vân du đến Lư Sơn ở Giang Tây theo hầu Khai Tiên thiền sư, ngộ nhập bát nhã không tánh, trở thành đệ tử nhập thất của Khai Tiên. Năm 55 tuổi Liễu Nguyên trụ trì Kim Sơn Giang Thiên Tự. Lúc đó Tăng thống Triều Tiên là Nghĩa Thiên đến Trung Hoa cầu học; đến các nơi đều đuợc tiếp đón như Vương công đại thần. Một hôm Nghĩa Thiên đến Giang Thiên Tự bái phỏng Liễu Nguyên. Liễu Nguyên tiếp ông như tiếp các vân thủy tăng; tự mình ngồi trên thiền tọa, muốn Nghĩa Thiên trải tọa cụ hành lễ rồi mới tiếp đãi khai thị. Người tùy tùng Nghĩa Thiên là Dương Kiệt thấy Liễu Nguyên coi thường khách quý bèn nói:
- Thiền sư, Nghĩa Thiên tăng thống là lãnh tụ Phật giáo Triều Tiên là quốc khách không thể coi như vân thủy tăng đuợc.
Liễu Nguyên không cho là phải:
- Nghĩa Thiên là tăng thống Triều Tiên, là quốc khách, nhưng không thể phế bỏ những nghi lễ của nhà Phật. Nếu ông ta mặc tăng phục đến tức thuộc tăng chúng, dĩ nhiên phải theo luật của thiền môn, làm sao thay đổi đuợc?
Dương Kiệt quyền biến thưa:
- Thiền sư, ông ta không phải là tăng già Đại Tống, Ổng từ quốc ngọai tới, bất tất dùng lễ nghi thiền môn Trung Quốc mà tiếp đãi.
- Cửa thiền không có trong ngoài. Nghĩa Thiên đã đến nước ta mà tham phỏng, chúng ta nên lấy lễ Trung Hoa mà tiếp đón. Ngươi lại khuyên ta cẩu thả theo tục. Người trong thiên hạ sẽ cười ta làm sao biểu tỏ tôn nghiêm của Hoa Hạ?
Nghĩa Thiên thấy thiền phong của Liễu Nguyên không ngại hành đại lễ biểu thị kính pháp. Do đó, thanh danh của liễu Nguyên càng vang dội triều dã. Ngoài 60, Liễu Nguyên đến kinh đô được Hoàng đế Triết Tông triệu kiến và phong hiệu là Phật Ấn.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Phật Ấn trong thiền sử là một vị thiền sư ưa khôi hài, cùng Tô Đông Pha qua lại, tạo nên nhiều giai thoại mà người lớn cũng như trẻ con đều biết.

1187. Phục Tòng

Mỗi khi Bàn Khuê thuyết pháp, tín đồ đến nghe chật cả pháp đường, tưởng chừng một giọt nước cũng không lọt. Do đó, ngoại đạo đố kỵ, quyết định đến giảng đuờng cùng ông tranh luận. Bàn Khuê đang thuyết pháp bỗng nghe có tiếng nói lớn:
- Thiền sư! người tôn kính ông, kính phục lời ông nói, nhưng đối với hạng người như ta thì không phục ông. Ông có thể làm cho ta phục không?
Bàn Khuê chỉ phía bên phải:
- Hãy đến đây ta sẽ làm cho ông coi.
Ngoại đạo vẹt chúng đi về phía phải.
Bàn Khuê lại mỉm cười:
- Mời sang phía trái dễ nói chuyện hơn.
Ngoại đạo lại đi sang bên trái.
- Ấy! Không đúng, ông đến trước mặt ta tốt hơn.
Ngoại đạo lại đi ra phía trước.
- Đấy ông xem, ông đã phục tòng ta rồi; ta nghĩ ông là một người phi thường tuỳ hòa; bây giờ hãy ngồi xuống nghe pháp đi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiền có thể phục tất cả không phải là điều hư dối.

1188. Thế nào là tự kỷ?

Một ông tăng hỏi Văn Hỷ:
- Niết bàn là thế nào?
- Hương khói khắp nơi.
- Đại ý của Phật pháp là gì?
- Kêu viện chủ lại đây, ông tăng này bị điên đầu!
- Còn thế nào là chính mình?
Văn Hỷ lặng yên không trả lời.
(Thiền Cơ)
Điên đầu: chỉ còn mê, chính mình chỉ tự tánh.

1189. Núi Ba Tiêu.

Một ông tăng hỏi Ba Tiêu:
- Thế nào là núi Ba Tiêu?
- Đông ấm, hạ mát.
- Thế nào là thổi lông trên kiếm?
- Bước tới ba bước.
- Dụng ý là sao?
- Bước lui ba bước.
(Thiền Cơ)
Câu hỏi của ông tăng là thiền phong của Ba tiêu thế nào, cũng đồng thời hỏi tự tánh là sao? Bước tới ba bước là vào thánh,bước lui ba bước là về phàm.

1190. Bài kệ phó pháp của tổ Đạt Ma

吾本 來 此 土
Ngô bản lai thử thổ
傳法 救 迷 情
Truyền pháp cứu mê tình
一華 開 五 葉
Nhất hoa khai ngũ diệp
結果 自 然 成
Kết quả tự nhiên thành

Ta sang đến cõi này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa nở năm cánh
Nụ trái tự nhiên thành.
(Thích Thanh Từ)
(Thiền Ngữ Bách Tuyển)
Câu ba của bài kệ là lời sấm của tổ Đạt Ma. Có ba thuyết giải thích câu này.
Thuyết thứ nhất:
Một hoa chỉ tổ Đạt Ma, 5 cánh chỉ 5 vị Tổ Trung Hoa là: nhị tổ Huệ Khả, tam tổ Tăng Xán, tứ tổ Đạo Tín, ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lục tổ Huệ Năng.
Thuyết thứ nhì:
Một hoa chỉ tổ Huệ Năng, 5 cánh chỉ 5 dòng Thiền Trung Hoa
là:Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn.
Thuyết thứ ba:
Một hoa chỉ sự giác ngộ, 5 cánh chỉ 5 thức.
1.A Lại Da Thức biến thành Đại Viên Cảnh Trí: Các chủng tử bất tịnh trong A Lại Da Thức biến chuyển thành tịnh. A Lại Da Thức không còn là đối tượng của Mạt Na Thức nữa, nghĩa là không còn chấp ngã.
2.Mạt Na Thức biến thành Bình Đẳng Tính Trí: thấy được tính cách bình đẳng của vạn pháp.
3. Ý Thức biến thành Diệu Quan Sát Trí ngăn cản bốn loại phiền não: ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái không cho chúng xụất hiện nữa.
4. Năm thức đầu biến thành Thành Sở Tác Trí có khả năng tự tại vô ngại.
5. Lúc đó người giác ngộ sẽ thấy mọi sự vật đều là sự hiển hiện của Phật Tâm cái thức ấy đuợc gọi là Pháp giới Thể Tánh Trí.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:17 PM | Message # 244
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1191. Không sắc vốn đồng.

Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
-Sắc tức là không, không tức là sắc. Đạo lý này làm sao giải thích?
-Nghe bài kệ của ta:
礙處 非 牆 壁
Ngại xứ phi tường bích
通處 沒 處 空
Thông xứ một xứ không
空人 如 是 解
Nhược nhân như thị giải
空色 本 來 同
Không sắc bản lai đồng

Chỗ ngại không tường vách
Chỗ thông chẳng hư không
Nếu giải thích như vậy
Không và sắc vốn đồng.
Ông tăng nghe rồi vẫn không hiểu, Triệu Châu lại thêm:
佛性 堂 堂 顯 現
Phật tánh đường đường hiển hiện
柱性 有 情 難 見
Trú tánh hữu tình nan kiến
若悟 眾 生 無 我
Nhược ngộ chúng sanh vô ngã
我面 何 如 佛 面
Ngã diện hà như Phật diện

Phật tánh rõ ràng hiện ra
Trú tánh hữu tình khó thấy
Nếu ngộ chúng sanh không ta
Mặt ta, mặt Phật khác mấy?

- Thiền sư, con hỏi đạo lý: sắc tức là không, không tức là sắc mà?
Triệu Châu trợn mắt:
- Sắc tức là không, không tức là sắc.
Cuối cùng ông tăng đã ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Những vật chất mắt thấy, Phật pháp gọi là sắc. Sắc pháp theo nhân duyên (không) mà thành. Sắc pháp không đơn độc tồn tại vì vậy không có tự tánh có thể được. Cái không thể được là không, cho nên sắc tức là không. “Không” không có nghĩa là không có. Hư không bao dung tất cả vạn vật. Vì vậy kinh nói “chân không” không ngại diệu hữu; diệu hữu chẳng ngại chân không. Người phàm chấp các pháp đều có thực thể không thể quán triệt hiện tượng(sắc) và bản thể (không). Một khi thể ngộ chư pháp (sắc), vô ngã (không), duyên khởi (sắc), tánh không (không) thì hiểu biết Phật Tâm chính là Ngã Tâm; cho nên nói mặt Phật, mặt ta đâu khác.

1192. Quốc sư và Hoàng đế.

Triều Thanh, một hôm Hoàng đế Thuận Trị hạ chiếu chỉ thỉnh Ngọc Lâm quốc sư vào cung.
Thuận Trị hỏi:
- Trong kinh Lăng Nghiêm có đề cập tâm ở 7 chỗ. Xin hỏi tâm ở đâu?
- Tìm tâm không được.
- Người ngộ đạo còn hỷ, nộ, ai lạc không?
- Cái gì gọi là hỷ, nộ, ai, lạc?
- Sơn hà đại địa từ vọng niệm sinh, vọng niệm dứt thì sơn hà đại địa còn không?
- Như người nằm mộng tỉnh dậy, chuyện trong mộng là có hay không?
- Làm sao dụng công?
- Chắp tay không làm.
- Khuôn mặt xưa nay làm sao tham?
- Như Lục tổ nói: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay lúc đó cái gì là bản lai diện mục?
Về sau Thuận Trị bảo mọi người:
- Tiếc rằng trẫm gặp Ngọc Lâm hơi muộn.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thuận Trị hoàng đế là một người tu dưỡng Phật pháp rất cao. Trong Tán tăng thi ông viết:
未會 生 我 誰 是 我
Vị hội sinh ngã thùy thị ngã
生我 之 時 我 是 誰
Sinh ngã chi thời ngã thị thùy
長大 成 人 方 是 我
Trường đại thành nhân phương thị ngã
合眼 曚 曨 又 是 誰
Hợp nhãn mông lung hựu thị thùy
不如 不 來 又 不 去
Bất như bất lai hựu bất khứ
來時 歡 喜 去 時 悲
Lai thời hoan hỉ khứ thời bi
悲歡 離 合 多 勞 慮
Bi hoan ly hợp đa lao lự
何日 清 閒 誰 得 知
Hà nhật thanh nhàn thùy đắc tri?

Lúc chưa sinh ra, ai là ta?
Lúc sinh rồi, ta lại là ai?
Lớn lên thành người, đó là ta?
Nhắm mắt rồi, ta lại là ai?
Chẳng bằng chẳng đi, chẳng đến
Đến thì vui vẻ, đi thì buồn
Buồn vui ly hợp nhiều lo lắng
Ai biết ngày nào đuợc thanh nhàn!

Đủ thấy tư tưởng của ông rất khế hợp Phật pháp. Ông hâm mộ sinh hoạt của chư tăng. Ông nói: Hoàng kim, bạch ngọc không lấy gì làm quý, đâu bằng vai khoác áo cà sa. Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày, chẳng bằng tăng gia nửa ngày nhàn. Hoàng bào đổi lấy cà sa, chỉ vì năm đó một niệm sai. Ta vốn là một Tây phương nạp tử, tại sao lại sinh vào nhà đế vương? Do đó Ông đối với Ngọc Lâm rất cung kính cũng là thuận lẽ. Ngọc Lâm là một cao tăng, ưa tĩnh lặng, không thích nói nhiều. Ngay cả Hoàng đế hỏi đạo ông cũng chỉ trả lời đơn giản những điều cần yếu. Cho thấy thiền môn, một lời cũng khó cầu.

1193. Thành thật không dối.

Thiền sư Đạo Khải người đời Tống; đắc đạo rồi dương cao Thiền môn tông phong. Từng trụ trì các chùa lớn như Tĩnh Nhân tự, Thiên Ninh tự. Một hôm Hoàng đế phái sứ giả tới ban tặng cà sa tía để biểu dương thánh đức, và pháp hiệu là Định Chiếu thiền sư. Thiền sư dâng biểu kiên quyết không nhận. Hoàng đế lại hạ lịnh cho thân vương là Lý Hiếu Thọ ở Khai Phong phủ đến cho thiền sư hay đó là mỹ ý của triếu đình. Thiền sư vẫn không nhận lãnh. Do đó Hoàng đế tức giận sai Châu quan xử lý. Châu quan biết thiền sư nhân hậu, trung thành khi đến chùa bèn gợi ý:
- Thiền sư thân thể hư nhược, dung mạo tiều tụy có phải là mang bệnh không?
- Không có.
- Nếu nói có bệnh có thể miễn trừ tội kháng chỉ.
- Không bệnh là không bệnh, sao có thể giả có bệnh để chạy tội?
Châu quan không làm sao được đành phải đầy thiền sư đi Tri châu.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Chúng ta thường thấy các thiền sư thú vị, hoạt bát nhưng thiền giả cũng thành thật và cố chấp như Đạo Khải vậy.

1194. Trăm năm như một giấc mộng.

Kim Sơn Đàm Dĩnh thiền sư, người tỉnh Chiết Giang, tục tánh Khâu, hiệu Đạt Quán. Năm 13 tuổi đến Long Hưng tự xuất gia. 18 tuổi đến kinh đô trú ở vườn hoa của Thái Úy Lý Đoan Nguyện. Một hôm, thái úy hỏi:
- Người ta thường nói đến địa ngục không biết là có hay không?
- Chư Phật Như Lai thuyết pháp hướng vô nói hữu, như mắt thấy không hoa là có mà không; thái úy hiện hướng hữu tìm vô như tay vốc nước sông là trong vô hiện hữu. Thật đáng cười. Như người trước mắt thấy lao ngục, tại sao không trong tâm thấy thiên đường. Vui vẻ hay sợ hãi đều do tâm. Thiên đường địa ngục đều trong một niệm. Thiện ác đều có thể thành cảnh. Thái úy chỉ cần liễu tự tâm thì không bị mê hoặc nữa.
- Làm sao liễu tâm.
- Thiện ác đều không nghĩ.
- Không nghĩ thì tâm về đâu?
- Tâm không về đâu như kinh Kim Cương nói: “Không trụ vào đâu, thì tâm ấy sanh”.
- Người ta chết rồi đi đâu?
- Chưa biết sanh thì sao biết chết?
- Sanh thì con đã biết.
- Vậy sanh từ đâu tới?
Thái úy trầm tư, thiền sư đập tay vào ngực bảo:
- Chỉ tại chỗ này, suy nghĩ cái gì?
- Biết rồi chỉ vì tham trình nên khốn đốn
- Trăm năm một giấc mộng.
Thái úy ngay đó khai ngộ nói bài kệ:

三十 八 歲 懵 然 無 知
Tam thập bát tuế mông nhiên vô tri
及其 有 知 何 異 無 知
Cấp kỳ hữu tri hà dị vô tri
滔滔 汴 水 隱 隱 惰 堤
Thao thao biện thủy ẩn ẩn đọa đê
師其 歸 矣 箭 浪 東 馳
Sư kỳ quy hĩ tiễn lãng Đông trì

Ba mươi tám tuổi, chẳng biết gì
Dù có biết khác gì vô tri
Sông Biện cuồn cuộn, đê lười ẩn
Sư nếu quay về, giống tên đi.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Sinh từ đâu tới, chết đi về đâu? Đó là vấn đề mà người ta thường bàn luận nhưng chẳng có ai tìm ra câu trả lời. Thích Ca Mâu Ni và lịch đại tổ sư đều nói ra nguyên ủy nhưng không dễ cho người ta hiểu vì có cách âm, nghĩa là thay đổi thân thể rồi không nhớ gì được quá khứ nữa. Vì thế từ ngàn xưa, khởi nguyên của sinh mạng nhiều người nói lung tung, mỗi người một cách. Thật ra, sinh mạng hình tướng tuy ngàn sai biệt nhưng lý tánh thì đồng. Nếu thông đạt tam pháp ấn, nghiệp thức nhân quả của Phật giáo thì sinh từ đâu, tử về đâu không hỏi cũng biết.

1195. Vân Môn.

Vân Môn Văn Yển là truyền nhân đời thứ 7 của Huệ Năng, là người sáng lập Vân Môn tông. Ông nói:
- Tam thế chư Phật, 28 vị tổ Tây Trúc, 6 vị tổ đời Đường đều thuyết pháp trên đầu trượng.
Ông lại giơ một thanh củi lên:
- Cả bộ Đại Tạng kinh chỉ nói cái này.
Thấy một ông tăng đang lựa sạn, ông nói:
- Trong gạo có bao nhiêu mắt Đạt Ma?
Một hôm ông thọc tay vào miệng sư tử gỗ và kêu lên:
- Ôi chao! Cắn chết ta! Cứu mạng!
(Niêm Hoa Vi Tiếu)
Đây không phải là cố lộng huyền hư, từ quan điểm vô tình thuyết pháp, vô tình thành Phật mà coi thì cây gậy, thanh củi, hạt gạo, sư tử gỗ đều có thể là Phật; Bất cứ vật gì trong vũ trụ cũng là Đạo.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:23 PM | Message # 245
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1196. Ý Tổ Sư.

Có ông tăng hỏi:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
Huyền Sách đáp:
- Hiểu tức chẳng hiểu, nghi tức chẳng nghi.
Lại thêm:
- Chẳng hiểu dẫn tới chẳng nghi, chẳng nghi dẫn tới chẳng hiểu.
(Thiền Sư Khải Ngộ Pháp)
Tự tánh là tuyệt đối không phải là tương đối, do đó thiền sư dùng sự mâu thuẫn mà đáp. Dưới con mắt người bình thường “hiểu” không thể là “không hiểu”; “nghi” không thể là “không nghi.” Thiền sư chính tại sự mâu thuẫn không thể tương dung ấy mà vượt thoát lên. Ở hiện tượng giới có không, thị phi rõ ràng phân biệt, nhưng ở bản thể giới thì hỗn nhiên không vết tích. Do đó câu đáp của thiền sư là mô tả cảnh giới ấy.
Câu thứ 2 là khuyến khích học tăng, đề thị phương pháp tu hành. “Nghi” là phương pháp tu hành trọng yếu nhất của nhà Thiền, còn gọi là nghi tình. Đây không có nghĩa là hoài nghi. Thời Minh mạt thiền sư Nguyên Lai nói:
- Thế nào gọi là nghi tình? Sinh không biết từ đâu tới, không thể không nghi chỗ đi; chết không biết đi đâu, không thể không nghi chỗ đến. Cửa sống chết chưa phá tức nghi tình phát sinh. Một người không đề cao năng lực tự giác tức không thể đề khởi nghi tình, nếu chưa phát sinh đại nghi đoàn thì không có khả năng kiến tánh. Do đó mới có thiền ngữ: “Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ; không nghi không ngộ.” Câu ông tăng hỏi là vấn đề mà người học thiền thường tham. Thiền sư khuyến khích ông: “Chẳng nghi chẳng hiểu!”, chẳng có nghi tình thì không thể liễu ngộ tự tánh; phải gắng sức cho tới khi đạt đuợc câu đáp.

1197. Làm ác và tu thân.

Có ông tăng hỏi Tuấn Cực:
- Người tu hành làm thiện là người thế nào?
- Là người mang gôm cùm.
- Thế nào là người tà ác gì cũng làm?
- Là người tu Thiền nhập định.
- Học tăng căn cơ ngu muội, thiền sư khai thị điên đảo khó hiểu, xin dùng lời giản dị dễ hiểu mà khai thị.
- Gọi là người ác vì ác không theo thiện; gọi là người thiện vì thiện không theo ác.
Ông tăng như lạc trong đám sương mù. Rất lâu Tuấn Cực hỏi lại:
- Hiểu không?
- Không.
- Người làm ác không có thiện niệm; người làm thiện không có ác tâm. Do đó nói thiện ác như mây nổi không sinh cũng không diệt.
Học tăng nghe lời liền ngộ.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thiện ác, theo mắt người đời thì làm việc tốt gọi là thiện, làm việc xấu gọi là ác. Thiện có thiện báo, ác có ác báo.Tam thế nhân quả hiển nhiên. Ở sự tướng mà nói thì không một điểm hư ngụy, nhưng ở bản tánh thì thiện ác đều không lập. nếu có thể không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì đó là thấy tánh. Tội ác vốn không, do tâm tạo, tâm mất thì tội cũng không. Người làm thiện như mang gông cùm; người làm ác gọi là thiền định? Chẳng trách học tăng bảo thiền sư điên đảo.Thực ra làm thiện là chấp phúc báo, chẳng là mang gông cùm sao?Người làm ác tuy bị lưu chuyển trong ác đạo, nhưng vì bản tánh như vậy. Thiền sư Tuấn Cực vì lòng từ bi đưa ra lời cao luận muốn chúng ta không bị thiện ác mê hoặc. Khi làm thiện đừng chấp trước hữu vi pháp coi đó là cứu cánh giải thoát thì đó là sai lầm. Khi đã lỡ làm ác rồi thì tâm nguội lạnh coi như vô vọng. Đó cũng là sai lầm. Thực ra, thiện ác là pháp, pháp không thiện ác.

1198. Khách thành chủ.

Phật Quang vân du bên ngoài, đêm trừ tịch ghé qua Bắc hải đạo trường của đệ tử là Bình Toại.
Đến trước cửa chỉ thấy tối thui, gõ cửa chẳng có ai trả lời, nghĩ bụng có lẽ Bình Toại còn chưa về. Phật Quang bất đắc dĩ ngồi thiền trước cửa chùa để đợi. Được một lát, thị giả đi vòng quanh chùa thấy một cửa sổ không khóa, ông bèn leo vào rồi mở cửa mời thiền sư vào.
Khi Phật Quang vào rồi bèn bảo thị giả:
- Hãy khóa cửa lại.
Chừng 2 lần nhang đốt, Bình Toại trở về, thử tất cả mọi chìa khóa mang theo mà không sao mở cửa được. Buồn phiền tự nhủ:
- Quái lạ! Rõ ràng là đúng chìa khóa mà sao không mở được, có lẽ cửa lâu không mở bị rỉ sét chăng?
Bình Toại lại thử nữa, nhưng vẫn không mở đuợc.,
Bất đắc dĩ phải bẻ song cửa cầu tiêu mà vào.Khi đang leo bỗng nghe một tiếng trầm gặng hỏi:
- Ngươi là ai, leo cửa vào làm gì?
Bình Toại thất kinh, hụt bước ngã lăn ra đất, không biết mình có vào nhầm nhà không.
Phật Quang sợ đệ tử quá kinh hãi, bảo thị giả mở cửa cho Bình Toại vào. Bình Toại thấy sư phụ bèn thi lễ nói:
- Sư phụ, vửa rồi đệ tử sợ muốn chết, tiếng hét của sư phụ như sư tử rống khiến đệ tử không biết ai là chủ, ai là khách.
(Tinh Vân Thiền Thoại)
Thường có người nói từ bi rất khó thực hành. Kỳ thật nếu có thể hoán chuyển tự tha thì dễ thực hành từ bi. Bình Toại chủ khách thay đổi không biết mình là ai? Rõ ràng mình là chủ trì, nghe người trong thất hỏi, đột nhiên biến mình thành khách. Bình thường chấp trước tự ngã, cũng có lúc quên tự ngã, nhưng cái quên này vẫn chưa lìa đối đãi phân biệt. Giả như trong thiền quán ngộ đạo, từ vô phân biệt quên đi tự ngã, thì sẽ vượt qua biển khổ sanh tử.

1199. Tâm lượng.

Một tín đồ hỏi Vô Đức:
- Cùng một tâm , sao tâm lượng có thể lúc lớn lúc nhỏ?
Thiền sư không trực tiếp trả lời, bảo:
- Ngươi hãy nhắm mắt lại, tạo một tòa thành.
- Thành đã tạo xong.
- Lại nhắm mắt lại, tạo một sợi lông.
Tín đồ theo lời lại tạo một sợi lông trong tâm.
- Lông đã tạo xong.
- Khi ngươi tạo tòa thành, là chỉ do tâm ngươi thôi hay phải nhờ tâm người khác nữa để tạo?
- Chỉ dùng tâm con thôi.
- Khi tạo sợi lông, ngươi chỉ dùng 1 phần tâm ngươi thôi hay dùng toàn tâm?
- Toàn tâm.
- Như vậy tạo một toà thành ngươi chỉ dùng một tâm, khi tạo một sợi lông ngươi cũng chỉ dùng một tâm. Do đó tâm có thể lớn có thể nhỏ.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Đây là cách giảng trực tiếp khiến học nhân tự mình thể hội tâm lượng; không bị không gian hạn chế.Cái bị hạn chế là 5 thức đầu, đó là thức tâm. Chân tâm siêu việt thời, không tự vận dụng tự như. Chúng ta vì bị căn, trần, thức trở ngại nên không thấy chân tâm.

1200. Nan Đà Tôn Giả.

Nan Đà Tôn Giả trong quá khứ là người thích nữ sắc. Về sau chứng quả A La Hán. Phàm đã chứng quả vị A La Hán thì đã đoạn dâm dục. Phiền não háo sắc dĩ nhiên là không còn tồn tại. Tuy vậy mỗi khi vào ngồi thiền ông đều nhìn nữ chúng trước cho thấy tập khí vẫn còn.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Đức Phật có nói: “thánh hiền có thể đoạn phiền não, nhưng không thể đoạn tập”. Vì tập khí do nhiều kiếp dưỡng thành nên khó mà dứt bỏ. Nhà Thiền dùng gậy hay hét, thậm chí động tay, động chân chỉ có mục đích là cắt đứt sự hoạt động thức tâm của học nhân. Khi vọng niệm manh động, bỗng nhiên bị một loại chấn động bất ngờ, niệm đầu nhất định bị cắt đứt. Đây là một phương pháp đoạn tập tốt nhất, vì vậy thiền gia thường hay dùng.

Hết Quyển Trung

Các Sách Trích Dịch


Bích Nham Lục bạch thoại chú giải Hứa Văn Cung
Bình Thường Tâm Thị Đạo Bồ Đề Học xã
Ch’an and Zen Teaching Lu K’uan Yu
Chích Thủ Chi Thanh Dư Tiến Phu
Đồ giải thiền vấn đáp Trần Hòa Chương
Entretiens de Lin-Tsi Paul Demiéville
Hảo Tuyết phiến phiến Lâm Thanh Huyền
Hương Thủy Hải Lâm Thanh Huyền
Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông Bồ Đề Học Xã
Mumonkan & Hekiganroku Katsuki Sekida
Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ Long Mãn
Nhất Vị Thiền - quyển phong Lý Anh Đệ
- quyển hoa Hoàng Tĩnh Nhã
- quyển nguyệt Lâm Tân Cương
Niêm Hoa vi Tiếu Cố Vĩ Khang
Phật dữ Thiền Minh Kính
Sinh hoạt Thiền Dương Huệ Nam
The Center Within Gyomay M. Kubose
Thiền Cơ Lâm Minh Dục
Thiền Cơ Sử Nễ Tại Chân lý Trung Giác Tình Viên Thông
Thiền Đích Cố Sự Hựu Nhất Tập Giản Huệ Căn
Thiền Lâm Tuệ Ngữ Vân Lăng
Thiền Lý Dữ Nhân Sinh Bồ Đề Học Xã
Thiền Ngộ Bình Điền Tinh Canh
Thiền Ngoại Thuyết Thiền Trương Trung Hành
Thiền Sinh Mạng Đích Vi Tiếu Trịnh Thạch Nham
Thiền Sư Khải Ngộ Pháp Thái Vinh Đình
Thiền Tông Dật sự Đạo Long
Thiền Tông Tọa Thạch Minh Bồ Đề Học Xã
Thiền Tông Trí Tuệ Ngữ Lục Bồ Đề Học Xã
Thiền Tông Công Án Bí Truyền Dư Tiến Phu
Thiền Thuyết Thái Chí Trung
Thiền Viên Vương Trần Canh
Tinh Vân Thiền Thoại Tinh Vân
Trung Quốc Thiền Khang Hoa
Vô Môn Quan bạch thoại chú giải Thánh Tham
Zen Koans Gyomay M. Kubose
Zen Light Barragato


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:30 PM | Message # 246
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Quyển Hạ

1201. Cha mẹ ở trong đám cỏ dậm.


Có ông tăng hỏi Thạch Thất:
- Thầy có qua Ngũ Đài Sơn không?
- Có qua.
- Vậy thầy có gặp Văn Thù không?
- Có gặp.
- Bồ tát Văn Thù có nói với thầy Phật pháp cao diệu gì không?
- Văn Thù nói “cha mẹ ngươi đều nằm trong mộ, dưới đám cỏ dậm.”
(Bồ Đề linh quang)
Thiền không tìm thâm ảo, huyền bí, bình thường là đại đạo.

1202. Một phiến đá trước am.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn đến tham học Đầu Tử Đại Đồng. Đầu Tử chỉ phiến đá trước am:
- Quá khứ, hiện tại, vị lai, tam thế chư Phật đều giảng pháp ở phiến đá này.
- Có nhiều vị Phật không giảng pháp ở phiến đá này mà giảng ở chỗ khác.
(Bồ đề linh quang)
Phật ở khắp mọi nơi, mọi thời, mọi sự vật đều ẩn tàng Đạo, nếu nói tại chỗ này thì chỉ là ngộ ở một tầng cảnh giới.

1203. Mang trà lại.

Một ông tăng hỏi Linh Tham:
- Một hạt hoàn đơn có thể điểm sắt thành vàng; một câu chí lý có thể chuyển phàm thành thánh. Đệ tử đến đây xin thầy điểm.
- Không điểm
- Sao không điểm?
- Sợ ngươi rơi vào tâm phân biệt phàm thánh.
- Xin thầy chỉ thị.
- Thị giả! Mang trà ra.
(Bồ đề linh quang)
Đắc đạo thành Phật là do minh tâm kiến tánh, toàn là nhờ mình tự ngộ. Đối với người chưa ngộ, không có cách nào điểm, chỉ có thể mang trà ra tống khách, đợi lần khác đến sẽ chỉ thị thiền cơ.

1204. Đánh thành một phiến.

Hương Lâm trụ trì Hương Lâm viện 40 năm, đến năm 80 tuổi thì viên tịch. Ông từng nói:
- Ta 40 năm qua đã đánh thành một phiến.
(Bồ đề linh quang)
Đánh thành một phiến là chỉ đã chân chính trở về khuôn mặt xưa nay; từ đầu đến cuối trung thành ‘thủ nhất’. Các vị cao tăng thường thận trọng giữ gìn chánh niệm, chuyên nhất hộ đạo; thường sống ẩn cư; đoạn tuyệt mọi trần duyên. ‘Chỉ tại trong núi này, mây dầy không biết ở đâu’. Người từ tự nhiên tới, lại trở về tự nhiên. Quá trình tham thiền là quá trình trở về.

1205. Một, Hai, Ba, Bốn, Năm, đủ số.

Có ông tăng hỏi Bản Tịch:
- Cổ nhân nói người người đều có; đệ tử sống trong thế tục có không?
- Đưa tay ta coi.
Ông tăng duỗi tay ra, thiền sư chỉ ngón tay đếm:
- 1, 2, 3, 4, 5, đủ số!
(Bồ đề linh quang)
Điều kiện để thành Phật cũng như ngón tay ai ai cũng đều có đủ.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:32 PM | Message # 247
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1206. Ăn cơm đi.

Một hôm trong giờ ăn, Đạo U vào nhà ăn bạch chúng cáo thị:
- Có lời với đại chúng.
Chư tăng ngẩng đầu lên nghe.
- Ăn cơm đi!
(Bồ đề linh quang)
Ăn cơm cũng đang ở trong thiền đạo, người thường không để ý nên Đạo U bạch chúng chỉ cơ.

1207. Phòng ngủ không người.

Có ông tăng hỏi Giáp Sơn:
- Làm sao đạt được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh?
- Như trong phòng ngủ rộng lớn không người.
(Bồ đề linh quang)
Niết Bàn là cảnh giới vô nhân, vô ngã; nếu suy nghĩ làm sao để vào thì không bao giờ vào được.

1208. Khách chưa về, nhớ cố hương.

Nhân Dõng thượng đường nói:
- Từng trận gió thu thổi qua rặng thông, khách chưa về, nhớ cố hương. Ai là khách chưa về? Chỗ nào là cố hương?
(Bồ đề linh quang)
Bản tâm là cố hương là chỗ thiền khách trở về.

1209. Văn Thù và Phổ Hiền.

Động Sơn Thủ Sơ là cao đồ của Vân Môn. Một lần có một ông tăng hỏi:
- Lão thiền sư đã tu hành tới trình độ cao thâm; giả như các bồ tát.
Văn Thù và Phổ hiền đến thỉnh giáo thì thầy làm sao?
- Ta coi họ như trâu, lùa vào chuồng!
(Bồ đề linh quang)
Cầu Phật, bồ tát là vọng niệm, vọng tưởng, phải đối trị như chăn trâu; coi sóc kỹ lưỡng.

1210. Ngoảnh mặt về Nam nhìn Bắc Đẩu.

Có ông tăng hỏi Huệ Thanh:
- Thế nào là tự thân, tự tâm?
- Ngoảnh mặt về Nam nhìn Bắc Đẩu.
(Bồ đề linh quang)
Tự thân, tự tâm chỉ có tự nghiệm, tự giác mới triệt ngộ. Huệ Thanh bảo ông tăng hướng về Nam quay đầu nhìn về Bắc thể ngộ tự thân, tự tâm.
“Hồi đầu tức thị: là phản quán tự tánh.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:35 PM | Message # 248
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1211. Về phòng sưởi ấm.

Trùng Hiển thượng đường nói:
- Giả sử nói đến kinh thiên động địa, trời rải hoa xuống cũng chẳng bằng về phòng sưởi ấm.
(Bồ đề linh quang)
Ngôn ngữ văn tự chỉ trói buộc thiền. Nhiều lời càng dễ bị mê chấp, chẳng bằng về phòng hơ lửa sưởi ấm, điềm nhiên tự tại lại còn gần thiền cảnh hơn.

1212. Coi chừng chó dữ.

Ở pháp hội Lâm Tế, 2 ông tăng đến tham kiến, vừa giở mành lên thiền sư bèn hét lớn:
- Coi chừng chó dữ!
Hai ông tăng xoay đầu lại tìm kiếm, thiền sư bèn trở về phương trượng.
(Bồ đề linh quang)
Tiếng hét của thiền sư khiến 2 ông tăng quay đầu lại tìm kiếm, tự ngộ tự tánh.

1213. Sinh tử đến.

Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Lúc sinh tử đến, làm sao để thoát?
Vân Môn đưa hai tay ra:
- Đưa sinh tử cho ta.
(Bồ đề linh quang)
Người chưa ngộ hay thích nói về sinh tử, đối với thiền giả chân chính thì không có gì gọi là sinh tử.

1214. Cây nhà nào chẳng đón xuân.

Một cư sĩ hỏi Cư Nhân:
- Người tục gia có thể lãnh hội Phật pháp không?
- Tảng đá nào trăng không chiếu? Cây nhà nào chẳng đón xuân.
(Bồ đề linh quang)
Phật quang chiếu khắp nơi, Phật tánh ở khắp chỗ.

1215. Phật tánh vốn tự đầy đủ.

Có ông tăng hỏi Mã Tổ:
- Phải lý giải thế nào để được đạo?
- Tự tánh vốn tự đầy đủ, chỉ cần trong thiện ác không bị dính líu thì đó là người tu. Giữ thiện, bỏ ác, tâm quán không tịnh, thần nhập vào định. Cứ thế mà làm. Còn như hướng ra bên ngoài mà tìm thì càng lúc càng xa đạo.
(Bồ đề linh quang)
Thiền ở trong tâm, đạo ngay dưới chân.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:36 PM | Message # 249
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1216. Thị giả thuyết pháp.

Khi thiền sư Nhân Dũng thượng đường, thị giả đang thắp hương; thiền sư chỉ thị thị giả nói:
- Thị giả đã giảng pháp cho đại chúng rồi!
(Bồ đề linh quang)
Thị giả thắp hương chính là tự tánh tự dụng. Có thể thể ngộ tự tánh thì đắc đạo thành Phật, không khác gì hiện thân thuyết pháp.

1217. Thế nào là Đạo?

Trần Tôn Túc hỏi một cụ tú tài:
- Tiền bối nghiên cứu kinh điển gì?
- Ta chuyên nghiên cứu kinh Dịch.
- Kinh Dịch nói “bá tánh dùng hàng ngày mà không biết”, cụ nói coi bá tánh không biết cái gì?
- Bá tánh không biết đạo vận hành của trời đất.
- Cái đạo ấy là thế nào?
Lão tú tài không lời đáp lại.
(Bồ đề linh quang)
Sinh hoạt bản thân chính là Đạo. Lão tú tài “bất thức Lư Sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung”.

1218. Đi tới chỗ không biến đổi.

Tào Sơn là cao đồ của Động Sơn, sau khi đắc pháp rồi bèn hướng sư phụ từ biệt. Động Sơn hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Con tới chỗ không biến đổi.
- Nơi không biến đổi lại có đến, đi sao?
- Đến đến, đi đi chẳng có ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của không biến đổi.
(Bồ đề linh quang)
Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh; lấy bất biến ứng vạn biến. Thiền cảnh là cảnh giới động tĩnh là một.

1219. Người trong mật thất.

Một ông tăng hỏi một lão thiền sư:
- Tình cảnh của người ẩn trong mật thất thế nào?
- Người ẩn trong mật thất không muốn người ta biết, sợ khách đến nên không lên tiếng. Tình cảnh của ông ta trừ ông ta ra thì chẳng ai biết.
(Bồ đề linh quang)
Chúng ta có phải là người trong mật thất không? Hay trong tâm chúng ta có người trong mật thất? Nếu là vậy xin đừng lên tiếng.

1220. Cho ta một đồng.

Bố Đại đứng bên đường, có ông tăng hỏi:
- Hòa thượng đứng đây làm gì?
- Đợi một người.
- Đến rồi! đến rồi!
- Ngươi không phải là người đó.
- Phải làm sao mới là người đó?
- Cho ta một đồng.
(Bồ đề linh quang)
Bố Đại nói đợi một người là chỉ cơ. Ông tăng tâm hãy còn mê chấp, phân biệt nên hòa thượng chỉ còn cách xin tiền để khai thị ông.


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 04 Aug 2012, 4:40 PM | Message # 250
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
1221. Rồng trong nước sống.

Thiền sư Lương Sơn Duyên Quán là người đời Tống, trú ở núi Lương Sơn tỉnh Hồ Nam; phó pháp cho Đại Dương Cảnh Huyền. Ông có làm bài kệ:

梁山 一 曲 歌
Lương Sơn nhất khúc ca
格外 人 難 和
Các ngoại nhân nan hòa
十載 訪 知 音
Thập tải phỏng tri âm
未嘗 逢 一 個
Vị thường phùng nhất cá

Lương Sơn một khúc ca
Người ngoài khó biết hòa
Tri âm nếu muốn kiếm
Một người cũng chẳng ra.

Một hôm một học tăng thỉnh thị:
- Tri âm khó gập là một điều đáng tiếc, nhưng gia tặc khó đề phòng mới là mối lo của con. Xin sư phụ cho một lời.
- Nhận biết, hiểu thấu, biến hóa, vận dụng nó, cần gì phải đề phòng?
- Gia binh, gia tướng dễ xử dụng, nhưng gia tặc làm sao dụng?
- Mời nó ở vô sinh quốc.
- Chẳng lẽ chỗ ẩn thân lập mạng cũng không có sao?
- Rồng không ẩn ở nước chết.
- Thế nào là rồng ở nước sống?
- Mây nổi chẳng phà sương.
- Bỗng gặp mây nổi rồi mưa thì sao?
- Đừng để ướt cà sa lão tăng.
(Tinh vân thiền thoại)
Vương Dương Minh là một tay cao thủ trong nhà Thiền. Ông nói:
- Đề phòng cướp ở trong núi dễ; đề phòng cướp ở trong tâm khó.
Và:
- Tâm như quốc vương có thể ra lệnh; tâm như oan gia thật khó đề phòng.
Khi chưa đạt được thiền tâm thì vọng tâm thật khó đề phòng. Câu nói của Duyên Quán rất hay, giống như Gia Cát Lượng bẩy lần bắt, bẩy lần tha Mạnh Hoạch, mới có thể dứt tuyệt hậu hoạn.
Tâm trụ ở đâu mới tốt? Ở chỗ không trụ mà trụ. Tâm không có an trú tại ngũ uẩn của thân hoặc lục trần ở cảnh vì đó là nước chết không chứa được rồng. Rồng thật nổi mây rồi mưa. Không làm ướt áo cà sa của lão tăng, ý là căn tính lợi lạc không bị nhiễm nước bùn. Mặt trời có mọc, lặn; mặt trăng có tròn, khuyết. Chúng ta nên từ trong sinh diệt biết an trú ở chân tâm không sinh diệt.

1222. Chỉ trời, chỉ đất.

Một ông tăng đến bái phỏng Đạo Khâm, thưa:
- Đệ tử mới vào thiền viện xin thầy khai thị.
- Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất.
(Bồ đề linh quang)
Thiền sư dẫn tích Phật đản sinh (xem công án 60, 72, 507) để chỉ cho ông tăng tự phát hiện tự tánh.

1223. Không thể hiểu.

Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Thế nào là chỗ tu hành của người xuất gia chân chính?
- Là chỗ không người hiểu được.
- Làm sao mọi người không hiểu được?
- Vậy ngươi hãy cố tìm hiểu cái không hiểu được.
(Bồ đề linh quang)
Mọi nhận thức đều từ bất nhận thức mà ra. Trở về cái bất nhận thức (tức Không) chính là cái thiền cảnh “Không” mà ta muốn tìm.

1224. Một phiến đá trong không.

Có ông tăng hỏi Thạch Sương:
- Ý tổ sư từ Tây qua là gì?
- Giống như một tảng đá từ không bay tới.
Ông tăng lạy tạ, thiền sư hỏi:
- Ngươi hiểu ý này không?
- Con không hiểu.
- May mà ngươi không hiểu nếu không đã bị tảng đá đập bể đầu rồi.
(Bồ đề linh quang)
Hễ có một niệm thì niệm niệm theo nhau không cùng. Đó không phải là thiền cảnh. Phải nên “ nhấc lên được, cũng bỏ xuống được” thì sẽ không bị tảng đá trong không làm tâm mê, ý loạn, vỡ đầu chẩy máu.

1225. Ở bên bờ sông mà chết khát.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn bảo đại chúng:
- Các ngươi ngày ngày học Phật, tham thiền phải nhớ rằng có người ngồi ngay bên cạnh mâm cơm mà chết đói, có người đến bên bờ sông nước chẩy cuồn cuộn mà chết khát. Đây chẳng phải là chuyện đùa.
(Bồ đề linh quang)
Chúng ta mọi lúc đều ở trong Đạo, nhưng vẫn có người không biết điều đó, thậm chí còn đi ngược lại Đạo. Chúng ta hàng ngày chìm đắm trong sinh hoạt, có người bị sinh hoạt làm rối loạn thậm chí uổng phí cả một kiếp người không phải sao?


Đại Bi Chú
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Những đoá hoa Thiền (Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ)
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO