Chủ Nhật
05 May 2024
7:16 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 9 of 9
  • «
  • 1
  • 2
  • 7
  • 8
  • 9
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Những đoá hoa Thiền (Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ)
Những đoá hoa Thiền
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 0:14 AM | Message # 401
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
1986.- Người không mắt.

Có người hỏi Đầu Tử Đại Đồng :
-Người không có mắt làm sao bước tới ?
-Ông ta đi khắp mười phương.
-Đã không có mắt làm sao đi khắp mười phương được ?
-Lại còn cần có mắt sao ?
(Tứ Lý Thiền)

Chân lý tuyệt đối phải dùng phương pháp tuyệt đối, dùng xe hơi không thể chu du khắp thái dương hệ.

1987.- Ông muốn bị tạt một chậu nước bẩn nữa sao ?

Đầu Tử Đại Đồng hỏi Thúy Vi Vô Học :
-Ý tổ sư từ Tây sang là sao ? Xin hòa thượng giảng cho hậu nhân.
Thúy Vi đang đi, dừng bước bất động. Đầu Tử nhắc lại :
-Xin hòa thượng nói cho con rõ.
-Chẳng lẽ tôi lại tạt cho ông một chậu nước bẩn nữa ?
Đầu Tử ngay đó lãnh ngộ, liền lạy tạ.
(Tứ Lý Thiền)

Ý tổ sư là rượu ngon, cũng là nước bẩn, là Thiền cơ thâm thúy cũng là vô vị bình thường. Vì vậy có vị thiền sư đã nói tổ sư từ Tây sang chẳng có ý gì cả, nhưng lãnh hội được ý này rất khó vậy.

1988.- Tượng Phật chưa đúc thành.

Có ông tăng hỏi Đầu Tử Đại Đồng :
-Khi tượng Phật chưa đúc thành, tượng Phật ở đâu ?
-Ông đừng làm gì cả.
(Tứ Lý Thiền)

Ý ông tăng là khi đang tu hành thì tự tánh ở đâu ? Đầu Tử bảo không làm gì cả, tự tánh chính ở nơi đó.

1989.- Trời tối quá.

Đức Sơn tham phỏng Long Đàm tới khuya. Long Đàm dục Đức Sơn đi về, Đức Sơn bước ra thấy trời tối bèn quay lại thưa :
-Trời tối quá !
Long Đàm thắp đèn đưa cho Đức Sơn, Đức Sơn vừa giơ tay nhận, Long Đàm bèn thổi đèn tắt ngóm. Đức Sơn hoát nhiên đại ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Trong sinh hoạt hàng ngày có thể từ những sự việc bình thường mà có thể thân thiết lãnh hội thiền ý, thì sự lãnh hội này còn thật hơn là do sự suy luận. Cũng như người chỉ học lý thuyết bơi lội chưa chắc đã dám xuống sông bơi lội như những đứa trẻ nhà quê bơi lội chỉ nhờ kinh nghiệm.

1990.- Phương tiện của cổ nhân.

Văn Ích thiền sư được tăng tục suy cử làm phương trượng Cửu Giang Sùng Thọ Viện. Khi khai đường thuyết pháp, Thủ tọa thưa :
-Tăng, tục mọi người đều đến cả rồi, thỉnh phương trượng thuyết pháp cho đại chúng.
Văn Ích đứng dậy im lặng hồi lâu :
-Đại chúng đã tụ tập nơi đây, tôi không thể không nói vài lời diễn thị phương tiện truyền giáo của lịch đại chư tổ sư, đại chúng hãy lưu tâm.
Nói rồi rời khỏi pháp đường.
(Tứ Lý Thiền)

Vạn sự, vạn vật đều hàm chứa ảo bí của vũ trụ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện để truyền thông của con người. Sự vật có thể đi vào ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ không tiến vào được sự vật.

1991.- Một giọt nước Tào Khê

Một hôm Pháp Nhãn thượng đường thuyết pháp, có một ông tăng bước ra hỏi:
-Xin hỏi hòa thượng thế nào là một giọt nuớc Tào Khê?
(Hòa thượng có thể dùng một tỷ dụ đơn giản mà diễn tả toàn bộ chân lý của phật pháp không?)
-Là một giọt nước Tào Khê!
Ông tăng không hiểu thối lui, Đức Thiệu đang ngồi ở đấy bỗng nhiên đại ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Cổ triết có nói một giọt nước phản ánh cả Thái Dương. Câu nói này và tắc công án trên là dị khúc đồng công. Chỗ bất đồng là câu nói trên khiến người ta có thể dùng trí mà lý giải nhưng ở thiền tông thì phải dùng tất cả tinh thần và sinh mạng để lãnh hội. Đây là phương pháp giáo dục của Pháp Nhãn Tông, tại cùng một câu nói lật qua lật lại tìm ra cái ảo diệu vô cùng.

1992.- Núi Tu Di

Có ông tăng hỏi Vân Môn Văn Yển:
-Khi tu hành đạt tới cảnh giới không khởi một niệm thì có sai không ?
-Núi Tu Di. (sai, lớn như núi Tu Di).
(Tứ Lý Thiền)

Thiền tông cho rằng không khởi một niệm là đại bệnh. Bình thường người đang bị phiền não thì cần được giải thoát, nhưng người cứ trú ở trong cảnh thanh tịnh thiếu động lực hướng thượng. Phiền não và trí tuệ không thể phân ra. Không khởi một niệm là tuyệt duyên phiền não nhưng đồng thời cũng tuyệt duyên trí tuệ, đánh mất trách nhiệm đối với thế giới, tâm như gỗ đá thì có ích lợi gì?

1993.- Dùng lưỡi kiếm mà giải quyết.

Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đang nằm nghỉ trên thiền sàng, một ông tăng hỏi:
-Pháp thân có thể lý giải những lời Phật nói hay không?
-Câu hỏi này của ông tôi không trả lời được, nhưng có một người có thể trả lời được.
-Người ấy ở đâu?
Ngưỡng Sơn lấy cái gối đầu đưa ra trước mặt ông tăng. Quy Sơn (sư phụ của Ngưỡng Sơn) nghe được chuyện này, bảo:
-Gã tiểu quỷ Huệ Tịch này đã dùng gươm báu mà biện sự.
(Tứ Lý Thiền)

Vạn sự, vạn vật đều hàm chứa ảo bí của vũ trụ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện để truyền thông của con người. Sự vật có thể đi vào ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ không tiến vào được sự vật

1994.- Huyền Sa cứu hỏa.

Có một lần Tuyết Phong Nghĩa Tồn ở tăng đường đóng chặt cửa trước và cửa sau. Sau đó kêu lên :
-Cứu hỏa ! Cứu hỏa ! Mau lại cứu hỏa !
Chư tăng không biết phải làm sao. Cửa lại đóng không làm sao vào được. Lúc đó Huyền Sa Sư Bị bèn ném qua cửa sổ một thanh củi. Tuyết Phong mở cửa đi ra.
(Tứ Lý Thiền)

Đây là một màn kịch do Tuyết Phong độc diễn. Đóng cửa là chỉ tinh thần không ra ngoài, đốt lửa là chỉ sự quang minh của tinh thần. Kêu cứu hỏa là để khảo nghiệm đại chúng. Huyền Sa thêm củi vào lửa nên về sau được Tuyết Phong truyền y bát.
(Xem thêm công án 1007)

1995.- Chặt giun thành hai mảnh.

Thời mạt Đường có ông tăng hỏi Diên Khánh Pháp Đoan :
-Một con giun bị chặt thành hai, cả hai đầu đều ngọ nguậy, không biết Phật tánh ở đầu nào ?
Diên Khánh dang hai tay ra.
(Tứ Lý Thiền)

Diên Khánh không nói mà nói. Ý ông là 2 tay tôi đang vẫy, Phật tánh ở tay phải hay ở tay trái, hay ở giữa ? Đây là một công án rất khéo. Về sau Động Sơn xem đoạn công án này nói :
-Ông tăng đặt câu hỏi không biết ở đầu nào của con giun ?
(Xem thêm các công án 1054 và 1242)

1996.- Ẩn thân ở sao Bắc Đẩu.

Có ông tăng hỏi Vân Môn Văn Yển :
-Xin hỏi thầy làm sao có thể dùng lời mà diễn tả pháp thân ?
-Ông hãy ẩn thân ở sao Bắc Đẩu.
(Tứ Lý Thiền)

Pháp thân là cảnh giới tối cao của Phật giáo, cũng gọi là Niết Bàn, là trở về với bản nguyên của vũ trụ. Ông là vũ trụ, vũ trụ là ông, ông có thể diễn tả ra không ? Câu đáp của Vân Môn là dùng cách phản diện, ông có thể trốn ở sao Bắc Đẩu chứ ? Chắc là không rồi !


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 0:24 AM | Message # 402
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
1997.- Không có pháp nào cả.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn hỏi Đức Sơn Tuyên Giám :
-Lịch đại tổ sư truyền vô thượng Phật pháp, không biết con có tư cách học không ?
Đức Sơn nện cho ông một gậy :
-Ông nói cái gì ?
-Con vẫn chưa hiểu !
Ngày hôm sau Tuyết Phong lập lại câu hỏi. Đức Sơn nói :
-Thiền tông không dùng lời, thật không có một pháp nào truyền cho người.
Tuyết Phong có chút lãnh ngộ.
(Tứ Lý Thiền)
Chữ “không” của Phật giáo có thể dùng lý luận mà hiểu được, nhưng khế hợp nó với sinh hoạt hàng ngày thì rất khó. Đức Sơn dùng gậy đánh là có mục đích gì ? Là để trừ đi những lý luận và giáo điều đầy trong óc Tuyết Phong khiến Tuyết Phong không hiểu được chân lý trong kinh Phật không phải ở bên ngoài, cũng không phải ở trong kinh mà là ở chính trong tâm mình.

1998.- Phật giới dùng làm gì ?

Dược Sơn hỏi Cao sa di :
-Ông định đi đâu ?
-Con định đi thọ giới.
-Thọ giới để làm gì ?
-Để miễn sanh tử.
-Có người không thọ giới, cũng không có sanh tử để miễn, ông có biết không ?
-Nếu đã đạt tới cảnh giới này thì giới của Phật còn dùng làm gì ?
Dược Sơn bảo đại đệ tử Đạo Ngộ :
-Chớ coi thường chú sa di thọt này, chú ta rất có khí chất.
(Tứ Lý Thiền)

Giới luật chỉ là phương tiện không phải là mục đích. Người tu hành tới một thành quả nào đó sẽ có những hành vi do nội tại chứ không phải do ngoại tại bắt buộc. Trong xã hội có nhiều quy luật phải giữ. Có người đối với những quy luật này thấy là mất tự do, có người lại cho là tự do. Vậy đạo lý ở đâu ?

1999.- Dong chiếc thuyền nhẹ tới Dương Châu.

Có ông tăng hỏi Tuyết Phong Nghĩa Tồn :
-Xin hỏi thiền sư khi tu hành đạt tới cảnh giới an tĩnh, không khởi một tạp niệm nào thì đó là đúng hay là sai ?
-Đó là bệnh.
-Nếu chuyển cảnh thì sao ?
-Nếu là thế thì như lên một chiếc thuyền nhẹ, theo dòng tới Dương Châu, có thể ngắm cảnh đẹp hai bên bờ sông một cách thích thú.
(Tứ Lý Thiền)

An tĩnh là cảnh giới mà mọi người muốn đạt được. An tĩnh là một phương diện, động cũng là một phương diện. Phải đạt tới cảnh giới động mà không động, tĩnh mà không tĩnh. Trong động có tĩnh, trong tĩnh có động thì mới biết thế nào là Thiền.
(Xem thêm công án 1992)

2000.- Tuyết Phong sàng gạo.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn khi tham học với Động Sơn Lương Giới làm phạn đầu. Có một lần đang sàng gạo. Động Sơn hỏi :
-Ông sàng gạo bỏ cát hay sàng cát bỏ gạo ?
-Gạo và cát đều bỏ !
(Tứ Lý Thiền)

Thiền tông có câu “Lâm cơ chẳng nhượng thầy”, trong thiền cảnh thầy trò đều bình đẳng. Trong đối thoại của họ người tuốt kiếm kẻ trương cung không ai nhường ai. Đãi gạo bỏ cát hay đãi cát bỏ gạo ? Gạo là vật có ích có thể ăn, cát thì không. Nhưng Tuyết Phong nói gạo và cát đều bỏ, vật có ích và vô ích đều không bó buộc được ông. Ông đã tới cảnh giới hữu dụng và vô dụng là một thể, là cái mà Thiền tông gọi là diệu dụng.
(Xem thêm công án 624)

2001.- Hôm nay mùng ba.

Vân Ưng Đạo Cư sắp viên tịch, hỏi thị giả :
-Hôm nay là mùng mấy ?
-Dạ ! Mùng ba.
-Ba mươi năm sau ông cũng nên nói như vậy !
Rứt lời liền viên tịch.
(Tứ Lý Thiền)

2 cộng 2 là 4, tôi ngắm hoa, nghe nhạc rất là tự nhiên không kèm lẫn một tạp niệm nào. Đó là cái mà Thiền tông gọi là tâm bình thường. Ông phải gìn giữ cái tâm này không thêm mắm giặm muối gì cả. Vân Cư lúc sắp mất cũng không quên chỉ điểm cảnh giới này cho thị giả. Không cần biết thị giả có hiểu không, điều cần thiết là ông có hiểu không ?

2002.- Tài khéo của Tào Sơn.

Một ông tăng tới Tào Sơn Bản Tịch tham học, ông thưa :
-Con có đem một khối ngọc tới, thỉnh thầy điêu khắc.
-Tôi không khắc.
-Vì sao thầy không khắc ?
-Để biểu thị tài năng tuyệt vời của tôi .
(Tứ Lý Thiền)

Giáo dục cao minh không phải là dạy sao cho trò hiểu mà là làm sao cho trò tự tìm hiểu. Muốn no bụng thì tự mình phải ăn, bụng của thầy không giúp gì được cả.

2003.- Sanh tử tới.

Có ông tăng hỏi Vân Môn Văn Yển :
-Khi sanh tử tới, làm sao để tránh khỏi ?
Vân Môn dang hai tay ra :
-Ông mang sanh tử ra trao cho tôi.
(Tứ Lý Thiền)

Người học Phật là để giải thoát sanh tử đạt tới tự do. Nhưng cái tự do này làm sao có thể đạt được ? Giải thoát sanh tử không phải là đứng ngoài sanh tử mà là trong sanh tử đạt được giải thoát.

2004.- Giơ lên , hạ xuống.

Vân Môn Văn Yển hỏi một ông tăng :
-Cổ nhân đối với ông tăng mới đến, giơ phất tử lên rồi hạ phất tử xuống là có ý gì ?
-Khi giơ lên ý tưởng rõ ràng, khi hạ xuống ý tưởng cũng rõ ràng.
-Đúng thế ! Đúng thế !
(Tứ Lý Thiền)

Công án này là thiền cơ rất bình thường, nhưng hàm ý sâu sa. Thiền tông nhận rằng giơ phất tử lên, hạ phất tử xuống vốn không có ý tưởng gì, nhưng mỗi cử động là để khảo hạch xem học nhân phản ứng thế nào (hoặc suy nghĩ, hoặc tảng lờ v .v .). Nếu có phản ứng thì ông đã qua được cửa rồi.

2005.- Cao tăng ở đâu ?

Bùi Hưu trỏ bức tranh treo trên tường hỏi Hoàng Bá :
-Hình ở đây còn cao tăng ở đâu ?
Hoàng Bá gọi :
-Bùi Hưu.
-Dạ !
-Ông ở đâu ?
Bùi Hưu do đó có chỗ ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Đây là một công án rất đặc sắc, nó đề thị cho chúng ta mối quan hệ giữa cái “ngã vật chất” và cái “ngã tinh thần”. Trang Tử có nói :”Trong ngũ tạng, lục phủ, xương thịt, ai là chủ nhân ? Nói lên một bậc :”Ai là chủ nhân của tinh thần?” Chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày mọi cử động đều không lìa “ngã”, nhưng mấy ai đã hiểu rõ cái “ngã” này ? Hoàng Bá gọi tên Bùi Hưu khiến chân ngã của Bùi Hưu từ trăm ngàn cái ngã mà nhẩy ra. Sự thể hội này rất linh động, trực tiếp, mãnh liệt dùng lý luận khó mà đạt được.

2006.- Đại dụng hiện tiền.


Vân Môn Văn Yển trong một pháp hội bảo đại chúng :
-Khi đại dụng hiện tiền thì không có vết tích.
(Tứ Lý Thiền)

Chỉ có vô không có tánh chất cố định, pháp tắc, quy luật mới có thể biểu hiện pháp tắc, quy luật của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Lão Tử nói: Vạn vật trong trời đất sinh ra ở Hữu, Hữu sinh ra ở Vô. Thích Ca Mâu Ni thì nói :Pháp vốn là pháp không pháp. Đều là chỉ đạo lý này. Nếu có một pháp tắc, quy luật có thể tìm ra được thì đó là cục bộ, giới hạn, không phải là đại dụng của vũ trụ.

2007.- Chốt tre.

Thù Du là đệ tử của Nam Tuyền Phổ Nguyện, một lần khai đường thuyết pháp giơ một cái chốt tre lên hỏi đại chúng :
-Có ai trong các ông có thể đóng cái chốt tre này vào hư không chăng ?
Một ông tăng bước ra thưa :
-Hư không cũng là cái chốt tre.
(Tứ Lý Thiền)

Tư tưởng con người là hư không, nếu không làm sao dung nạp được vạn sự, vạn vật chứ ? Tư tưởng là chốt tre nếu không làm sao có thể vào vạn vật ? Nhưng tư tưởng cũng là một con dao có thể giải phẫu vạn vật.

2008.- Một câu của Dược Sơn.

Dược Sơn Duy Nghiễm có một lần thượng đường bảo đại chúng :
-Tôi có một bí quyết thành Phật chưa bảo cho ai biết.
Đạo Ngô Tòng Trí bước ra :
-Sau đó đã nói rồi.
Một ông tăng hỏi :
-Bí quyết của Dược Sơn làm sao nói ?
-Tôi không dùng ngôn ngữ để nói cho ông nghe.
Đạo Ngô hỏi :
-Sư phụ đã chẳng dùng ngôn ngữ nói ra rồi đó sao ?
(Tứ Lý Thiền)

Nói là dùng lời, không nói là không dùng lời. Có khi chúng ta nghe lời nói thuyết minh mà hiểu đạo lý, có khi chúng ta không nghe lời nói mà cũng hiểu đạo lý. Sự hiện diện của vạn sự, vạn vật chẳng là đang thuyết minh cho chúng ta sự tồn tại của chúng sao ?

2009.- Mười phương thế giới là tâm ông.

Có ông tăng hỏi Trường Sa Cảnh Sầm :
-Tâm con như thế nào ?
-Tâm ông là mười phương thế giới.
-Nếu tâm con rộng lớn như thế thì thân con ở đâu ?
-Ở nơi thân ông ở.
(Tứ Lý Thiền)

Chúng ta nhận thức thế giới vật chất, đồng thời cũng nhận thức thế giới tinh thần. Có khi chúng ta thấy vật chất là tinh thần, có khi thấy tinh thần là vật chất. Nhưng đây chỉ là sự dỡn chơi của nhận thức. Chúng ta có khả năng thực sự chuyển vật chất thành tinh thần hoặc ngược lại không ? Thiền tông nhận định rằng có thể.


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 0:33 AM | Message # 403
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2010.- Phật pháp của Triệu Châu.

Triệu Châu Tòng Thẩm có một lần khai đường thuyết pháp :
-Phật pháp nơi đây nói khó nhưng kỳ thật là dễ, nói dễ nhưng kỳ thật là khó. Ở nơi khác khó thấy nhưng dễ biết. Ở nơi lão tăng thì dễ thấy nhưng khó biết. Nếu các ông hiểu đạo lý này thì người thiên hạ không ai có thể làm khó các ông.
(Tứ Lý Thiền)

Chuyện đời có khi biết dễ làm khó, có khi biết khó làm dễ. Có lúc biết trước làm sau, có khi làm trước biết sau. Tất cả đều tùy người, tùy sự. Biết và làm vốn là một, không thể phân ra khó dễ, trước sau. Cảnh giới Thiền là từ trong sự nhận thức những hiện tượng này mà vượt lên.

2011.- Gương đúc thành tượng.

Có ông tăng hỏi Hoài Nhượng :
-Nếu như lấy gương đồng để đúc tượng Phật, tác dụng soi chiếu của gương đi đâu ?
Hoài Nhượng hỏi ngược lại :
-Vậy chớ tướng mạo của ông lúc nhỏ nay đâu ?
-Tại sao gương biến thành tượng rồi lại mất đi tánh soi chiếu ?
-Tuy không là gương nữa nhưng vạn vật có dạng thức nào là dạng thức đó không che mắt nó được đâu.
(Tứ Lý Thiền)

Người nhận thức được vạn vật như chính nó mới tự mình trở về gốc được, còn người tinh thần bị nội dung của tinh thần nhiễu loạn thì làm sao phát huy được tiềm năng ?

2012.- Mài ngói thành gương.

Hoài Nhượng hỏi Mã Tổ :
-Mài ngói không thành gương, ông ngồi Thiền lại thành Phật sao ?
(Tứ Lý Thiền)

Mài ngói không thể làm thành gương, đó là chân lý. Phương pháp và mục đích phải ở trong cùng một hệ thống nếu không sẽ tạo ra hỗn loạn như không thể ăn sỏi đá cho no bụng được. Khi có một mục đích phải phấn đấu, các ông có kiểm tra kỹ lưỡng phương pháp thi hành không ?

2013.- Dỗ con nít khỏi khóc.

Có một ông tăng hỏi Mã Tổ :
-Hòa thượng vì sao nói tâm của phàm nhân tức là Phật ?
-Để dỗ con nít khỏi khóc.
-Khi trẻ không khóc nữa thì sao ?
-Vậy thì đỡ phải phí công lo chuyện tâm và Phật làm gì.
-Ngoài hai phương pháp trên, lão hòa thượng còn gì chỉ dạy ?
-Tôi sẽ bảo : Đừng để cho một sự việc gì bó buộc được mình.
-Khi gập được một người như thế, hòa thượng bảo họ điều gì ?
-Bảo họ trực tiếp thể nghiệm đại đạo.
(Tứ Lý Thiền)

Hoàng Bá nói tức tâm tức Phật, giống như trên đầu lại lắp thêm một đầu. Phi tâm phi Phật giống như không có giây thừng mà cũng tự trói mình. Không phải là tâm, không phải là vật giống như rửa đất trong nước bùn.
Một người đi ngoài nắng kinh ngạc chỉ bóng mình hỏi mọi người :
-Đây là bóng của ai ?
Khi mây che mặt trời ông lại khóc :
-Sao tôi lại không có bóng ?

2014.- Đức Sơn thượng đường.

Đức Sơn Tuyên Giám thượng đường bảo đại chúng :
-Các ông nên biết phàm chuyện gì không liên quan đến mình thì chớ tham cầu làm chi, dù có nắm giữ trong tay thì đó cũng không phải là vật các ông muốn có. Nghe lời tôi hãy bỏ nó xuống, cũng đừng lưu giữ trong tâm. Dần dần tâm sẽ hư mà linh, không mà diệu.
(Tứ Lý Thiền)

Việc đời quá nhiều, đầu óc các ông cả ngày bị phiền nhiễu làm sao có thể hư linh và không diệu được ? Hãy để tâm các ông an tĩnh.

2015.- Một ngón tay thiền.

Đời mạt Đường, Câu Chi hòa thượng trú ở một am cỏ ở Kim Hoa Sơn để tu hành. Một hôm có một vị ni cô đến thăm, đầu đội nón tre, tay cầm thiền trượng, nhiễu quanh thiền sàng ba vòng, hỏi :
-Nếu thầy nói có đạo lý tôi sẽ ngả nón.
Cô nhắc lại 3 lần mà Câu Chi cũng không trả lời được bèn bỏ đi. Câu Chi rất mắc cỡ. Không lâu có hòa thượng Thiên Long tới, sư bèn thuật lại chuyện trên. Thiên Long giơ một ngón tay lên, Câu Chi tức khắc khai ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Ni cô nhiễu quanh thiền sàng 3 vòng là có ý gì ? Kỳ thực rất đơn giản chỉ là cô muốn nói :”Tôi có thể đi, tôi có thể dừng, có thể nói”. Nhưng cái “có thể” này là cái gì và “tôi” lại là cái gì ? Nếu tôi đến đứng trước mặt một người và hỏi : Đây là ý gì ? Người đó không bảo tôi mắc bệnh điên mới là chuyện lạ. Các vị thiền sư thích mắc bệnh thần kinh này lại cũng thích hướng dẫn cho người ta mắc bệnh. Thiên Long giơ một ngón tay lên là đối chứng cho thuốc, lấy không đối không. Các ông nói coi một ngón tay này có ảo bí gì ? Không có. Chính vì thế nên mới trả lời được vấn đề không có vấn đề nêu ra, nhưng ở đây nó bao hàm ý tưởng : Tôi có thể giơ ngón tay lên cũng có thể rút ngón tay lại, tôi có thể thế này, tôi có thể thế kia v . v.. Các độc giả hãy ngẫm cho kỹ. (Xem thêm công án 1078)

2016.- Đường rêu

Có ông tăng hỏi Tâm Bình Nghĩa Trung :
-Trong tông môn còn có đường nào dễ học lại thông đạt không ?
-Có, nhưng đường này đầy rêu, trơn lắm !
-Thầy nhắm coi con có thể đi được đường trơn đó hay không ?
-Đừng dụng tâm, hãy xét mình cho kỹ đã !
(Tứ Lý Thiền)

Thiền có thể học, cũng không thể học. Học có thể đạt tới cảnh giới thiền, không học cũng có thể đạt tới cảnh giới thiền. Cái học này là bỏ xuống mọi tư duy, không học là chối bỏ mọi tư duy. Cảnh giới thiền luôn luôn tại trước mặt các ông. Bất luận ông đứng ở lập trường nào, nếu ông muốn nắm bắt nó điều trước hết là phải quên nó.

2017.- Chỗ quan trọng.

Có ông tăng hỏi Tuyết Phong Nghĩa Tồn :
-Xin thầy chỉ cho con chỗ quan trọng nhất để tu hành.
-Là cái gì ?
Ông tăng ngay đó đại ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

“Là cái gì ?” Câu hỏi này xé trời, xé đất mà tới, không dựa vào cái gì, cũng không bao hàm nội dung gì khiến người ta có thể trả lời được. Nhưng trong lúc không sinh ra nội dung gì lại khế hợp với Thiền cảnh, cái gì cũng không có, cái gì cũng có.

2018.- Chỗ có trùng độc.

Có ông tăng hỏi Tào Sơn Bản Tịch :
-Một ngày 12 thời con làm sao bảo nhiệm ngộ cảnh ?
-Giống như ông đi qua một nơi có trùng độc, ông không được để dính một giọt nước nào vào mình, nếu không sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
(Tứ Lý Thiền)

Đối với người không giữ giới thì giới luật là bó buộc, nhưng đối với người giữ giới thì lại là tự do. Vấn đề là ở chỗ ông biết trùng độc là cái gì ?

2019.- Thủ cấp Đức Sơn.

Long Nha Cư Độn khi đến tham học với Đức Sơn Tuyên Giám hỏi :
-Nếu như con dùng Mạc Tà bảo kiếm chém sắt như bùn để lấy đầu sư phụ thì sư phụ tính sao ?
Đức Sơn lại gần, vươn cổ lên :
-Vậy ông ra tay đi !
-Đầu thầy đã lăn lóc trên đất rồi !
Đức Sơn ha hả cười lớn.
Về sau Long Nha lại đến Đoan Châu Động Sơn tham học, kể lại câu chuyện trên cho Động Sơn nghe. Động Sơn hỏi :
-Sau đó lão Đức Sơn có nói gì thêm không?
-Không nói gì ?
Động Sơn nghiêm trang bảo Long Nha :
-Không cần biết Đức Sơn có nói gì, ông hãy mang thủ cấp Đức Sơn ra cho tôi coi !
Long Nha lúc đó tỉnh ngộ, hiểu được dụng ý của Đức Sơn và Động Sơn bèn hướng Động Sơn cảm tạ.
(Tứ Lý Thiền)

Bên Đông mặt trời mọc, bên Tây trời mưa. Đạo không kể mưa hay tạnh. Các thiền sư có nhiều cử động vượt lên thường tình là để thứ nhất diễn tả cảnh giới mình đã đạt được, thứ hai là để tiếp dẫn người chưa vào được cửa Thiền. Phương pháp giáo dục của Thiền tông khác với phương pháp giáo dục của xã hội. Trong mỗi công án đều hiển thị loại trí tuệ này.
(Xem thêm công án 1094)

2020.- Đầu con mèo chết.

Có ông tăng hỏi Tào Sơn :
-Trên thế giới này, cái gì là quý nhất ?
-Đầu con mèo chết.
-Tại sao ?
-Vì không có ai cho giá.
(Tứ Lý Thiền)

Sự vật quý hay tiện là do con người đánh giá hữu dụng hay vô dụng. Nhưng có khi vô dụng lại hữu dụng tỷ như không khí không có giá nhưng thiếu nó có được không ?(Học Thành Cư Sĩ)
Đối với người đời, giá trị của một vật càng hiếm càng quý, càng có nhiều công dụng càng quý, thân phận càng cao càng quý. Theo quan điểm của Phật giáo thì ngoài thân tam bảo là quý (Phật, Pháp, Tăng) còn nội tâm thì lấy trí tuệ kiến Phật tánh là quý. Câu hỏi của ông tăng không thể trả lời thẳng được, chỉ có thể đi vòng vo. Chẳng hạn nếu trả lời là kiến Phật tánh thì câu trả lời này quá trừu tượng. Câu đáp phải cụ thể, bình thường, hiện thực mới khiến người nghe hiểu được. Có thể là Tào Sơn vừa thấy hoặc nghe nói một con mèo chết nên thuận mồm nói “đầu con mèo chết là quý nhất”. Đối với một số người nếu nói đến đầu thì đầu heo, đầu bò, đầu dê còn quý hơn. Đầu con mèo chết làm sao lại quý nhất thiên hạ ? Câu đáp của Tào Sơn rất hay. Hễ có tính toán, đánh giá đều là có giá, đều hữu hạn, so sánh, không phải là quý nhất. Cái quý nhất không thể phán đoán để đánh giá. Người trí có thể biến rác rưởi thành vàng, kẻ ngu có gia sản trăm vạn nếu không biết xử dụng sẽ ôm vàng mà chết đói. Xin hỏi cái gì quý nhất ? Câu đáp của Tào Sơn là câu đáp của người trí : tiền tài không quý, trí tuệ mới quý. Cái làm cho các ông phiền não, chướng ngại là rác rưởi, chỉ có trí tuệ vĩnh viễn dùng không hết mới là quý (Thánh Nghiêm)
(Xem thêm công án 989)


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 8:28 AM | Message # 404
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2021.- Tôi không hiểu Phật pháp.

Đạo Ngộ hỏi Thạch Đầu Hi Thiên :
-Xin hỏi hòa thượng ý chỉ Tào Khê người nào nhận được ?
-Người hiểu Phật pháp nhận được.
-Hòa thượng có nhận được không ?
-Tôi không nhận được.
-Vì sao thầy không nhận được ?
-Vì tôi không hiểu Phật pháp.
(Tứ Lý Thiền)

Người qua sông rồi không cần phải vác thuyền trên lưng mà đi. Người đã thành công rồi không nên ngủ trên thành tích dĩ vãng. Thế giới vô cùng, tinh thần cũng vô cùng. Chúng ta hà tất lấy tinh thần làm sợi dây bó buộc lấy mình. (Học Thành cư sĩ)
Dùng văn tự, ngôn ngữ để giải thích Phật lý cũng giống như người mù sờ voi không đạt được yếu lãnh. Không thiếu người vì đọc rất nhiều kinh điển, luận điển hiểu rất nhiều danh từ Phật học, biết rất nhiều điển cố Phật giáo, liễu giải các tông phái Phật giáo, kỳ thật đó là Phật học không phải là Phật pháp. Cũng có một số người hiểu được làm sao làm một giáo đồ Phật giáo, làm sao làm một người xuất gia, làm sao tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền cho là mình hiểu rõ Phật pháp. Sự thực đó chỉ là nghi thức Phật giáo. Biểu tượng không phải là Phật pháp. Người nào được ý chỉ Tào Khê là hỏi ngộ cảnh của Lục tổ Huệ Năng ai có thể hiểu ? Thạch Đầu Hi thiên nói “Tôi không được, tôi không hiểu Phật pháp”. Đoạn đối thoại này cho chúng ta biết một số tin tức. Đệ tử Đạo Ngộ nhận rằng Phật pháp là do tổ tổ tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma đem Phật pháp từ Ấn Độ tới, truyền tới Lục tổ rồi từ đó truyền tới Thạch Đầu. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bồ Đề Đạt Ma chưa tới Trung Quốc, Trung Quốc đã có Phật pháp. Bồ Đề Đạt Ma tới để bảo cho chúng ta biết việc này. Phật pháp đời đời truyền nhau, không phải là có một vật gì để truyền, mà là biết mỗi người trong tâm đã sẵn có. Người không hiểu Phật pháp tin rằng có một cái gọi là Phật pháp. Đối với người khai ngộ thì Phật pháp không thể hình dung, không thể nắm giữ, lý hội, nó ở khắp nơi, cũng không ở đâu cả, hình dạng nào cũng là nó, cũng không là nó. Thạch Đầu nói “Tôi không hiểu Phật pháp” là nói “Tôi không thể bảo cho ông biết Phật pháp là cái gì”. Nói cách khác trừ tâm ra, tất cả đều là Phật pháp. Nếu không để “ngã” xuống thì không phải là Phật pháp. Câu này là một câu song quan (có 2 nghĩa) thứ nhất Phật pháp không thể hình dung được, thứ nhì nếu có “ngã” thì không hiểu Phật pháp. Người đời mắt thấy, tai nghe, thân xúc không gì không là Phật pháp, không gì là Phật pháp. Không chấp trước là Phật pháp, chấp trước không phải là Phật pháp. (Thánh Nghiêm)
(Xem thêm công án 1300)

2022.- Nơi đây không có nô tỳ.


Thiên Hoàng Đạo Ngộ hỏi Thạch Đầu Hi Thiên :
-Lìa định tuệ, xin hỏi thầy có pháp nào chỉ người ?
-Ở đây, tôi không có nô tỳ thì lìa cái gì ?
(Công án 100)

Có một số người tôn sùng khách quan nhận định rằng chủ quan không công chính. Nhưng đứng ở lập trường của Thiền thì khi nói mình khách quan là đã bao hàm chủ quan trong đó rồi, do đó mà phải vượt lên cả khách quan và chủ quan. Định và Tuệ là khóa đề trọng yếu của Thiền, cũng là nội dung chủ yếu của ngộ cảnh. Trong định có tuệ, trong tuệ có định. Tâm không vì cảnh giới được mất, thành bại, thiện ác, xấu đẹp mà lay động gọi là Định. Tâm không vì chủ quan tốt xấu, giữ bỏ, yêu ghét, phân biệt mà xử lý hoàn cảnh gọi là Tuệ.
Thiên Hoàng Đạo Ngộ hỏi sư phụ Thạch Đầu :
-Nếu không dùng công năng của Định, Tuệ, thầy còn gì để giảng cho đại chúng ? (Không dùng Định, không dùng Tuệ, tâm thầy còn tác dụng không ?)
Câu hỏi này lại đề ra nan đề : Giả như dùng Tuệ, dùng Định thì là ai dùng ? Nhất định là cái “ngã” chủ quan rồi. Khi ngã xuất hiện thì tâm phiền não tất cũng xuất hiện, như vậy không phải là Định, Tuệ nữa. Nhưng nếu lìa bỏ Định, Tuệ thì tâm cũng không có tác dụng. Thạch Đầu Hi Thiên đối với sự khiêu chiến này không hoang mang, dùng một tỷ dụ rất cao minh : “Tôi ở đây không có nô tỳ, không có gì để lìa bỏ”. Không có nô tỳ là không có chủ khách, không có một cảnh giới nào cả thì lìa bỏ cái gì ? Nếu nhận có Định, có Tuệ là còn chủ quan, còn chấp. Người chân chính giải thoát khi Định, Tuệ phát công năng không cho đó là Định, Tuệ, tự ngã trong tâm cũng không tồn tại.

2023.- Huyền Sa cứu hỏa.

Tuyết Phong khóa cửa trước và sau tăng đường, đốt lửa lên rồi kêu cứu :
-Cứu hỏa ! Cứu hỏa !
Chư tăng không biết phải làm sao, Huyền Sa bèn ném một thanh củi qua cửa sổ. Tuyết Phong mở cửa đi ra.
(Công án 100)

Câu chuyện này giống như là Tuyết Phong đóng kịch, đồ đệ Huyền Sa cũng hùa theo thầy. Sự thực, đây là sự biểu hiện thiền cơ, không phải là trò đùa của con nít. Tăng đường là chỗ ở của tăng chúng, có thể Tuyết Phong vì trời lạnh, đốt lửa sưởi ấm, cũng có thể là cố ý đốt lửa để khảo nghiệm đại chúng, xem có ai giải được nan đề. Huyền Sa không đem nước lại dập tắt lửa, mà lại ném vào một thanh củi là nói đã hiểu ý của sư phụ rồi, sư phụ cứ đốt nữa đi. Kết quả là Tuyết Phong vui vẻ mở cửa đi ra. Nghe tiếng kêu cứu hỏa, không mang nước lại mà lại cho thêm củi vào, thấy lửa không cứu nhỡ chết người thì sao ? Thế còn gọi là người tu hành nữa ư ? Chắc chắn là lúc đó Huyền Sa đã nhìn qua cửa sổ xem tình hình Tuyết Phong đốt lửa, biết đó không phải là tai nạn bị cháy mà là cháy giả, do đó cho thêm củi biểu thị tâm ấn tâm, tâm tâm tương ứng, đó là thiền cơ. Loại hành động này là để khảo nghiệm trí tuệ của đệ tử. Nếu như tâm không được an định thường vọng tưởng lung tung, gập phải cảnh đột phá sẽ kinh hoàng thất tán không thể quan sát cẩn thận mà thể hội. (Xem thêm công án 1007 và 1994)

2024.- Ba cân gai.

Có ông tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ :
-Xin hỏi hòa thượng : Phật là sao ?
-Ba cân gai.
(Tứ Lý Thiền)
Câu trả lời này cũng như các câu : que cứt khô, cây bách trước sân, thật khó nắm bắt. Thật ra trong cửa Thiền, nếu dùng tư duy để giải thích thì cũng giống như ẩn thân ở Bắc Đẩu (Nghĩa là không làm được.) Đối với loại công án này chỉ có thể ở chỗ không thể lãnh hội mà lãnh hội. Đó mới là thân thiết, thực tại. Ba cân gai ! Những người yêu thích lý luận đành phải từ bỏ lý luận thôi.

2025.- Tâm cảnh đều quên.

Có ông tăng hỏi Hương Lâm Trừng Viễn :
-Tâm cảnh đều quên là thế nào ?
-Giống như khi ông ngồi thiền mở to mắt mà ngủ.
(Tứ Lý Thiền)

Tâm cảnh đều quên là chỉ chủ thể và đối tượng đều trở thành không. Đây là cảnh giới trong quá trình tu tập, chưa phải là cứu cánh. Nếu coi đây là cứu cánh thì thật là nguy hiểm và đáng cười vì đây chưa phải là thật tướng của Phật pháp.

2026.- Lùa họ vào chuồng.

Có ông tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ (đệ tử trứ danh của Vân Môn Văn Yển) :
-Thầy là bậc tu hành cao thâm, nếu như các Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền đến thỉnh giáo thì thầy sẽ làm sao ?
-Tôi coi họ như trâu, lùa họ vào chuồng.
(Tứ Lý Thiền)

Thạch Đầu Hi Thiên có nói :”Thà là vĩnh viễn chịu trầm luân chứ không hướng chư thánh cầu giải thoát”.
Tinh thần của các thiền sư thật kinh người. Họ nhận rằng mục đích thành Phật, thành Tổ, giải thoát chỉ là tự tạo ra một cái cùm để tự cùm mình, cầu Phật, cầu Bồ Tát chỉ là vọng niệm, vọng tưởng. Để đối trị với những người này phải coi họ như trâu, không để chạy loạn, phải lấy dây thừng xỏ mũi, dắt về chuồng. (Xem thêm công án 1209)

2027.- Rùa là ba ba.

Có ông tăng hỏi Hương Lâm Trừng Viễn (đệ tử đắc ý của Vân Môn Văn Yển) :
-Thế nào là một ngọn đèn trong thất ?
-Ba người làm chứng con rùa là con ba ba.
(Tứ Lý Thiền)

Ba người họp lại thành một đảng, trong sinh hoạt có nhiều lời hoang đường, nhưng cứ được nhắc đi, nhắc lại mãi đã trở thành chân lý. Nếu không tự mình thể nghiệm, chỉ nghe người khác nói thì những gì có được chỉ là bựa răng, dớt dãi của người mà thôi.
(Xem thêm công án 789)

2028.- Danh hão.

Động Sơn Lương Giới năm 63 tuổi, sắp viên tịch bảo chư tăng :
-Tôi có chút danh hão ở đời, cũng có chút ảnh hưởng khiến tôi chẳng yên tâm. Trong các ông có ai có thể trừ cái danh hão này cho tôi không ?
Lúc đó có một chú tiểu bước ra thưa :
-Xin hỏi lão hòa thượng pháp hiệu là gì ?
Động Sơn rất bằng lòng :
-Cái danh hão của tôi đã trừ được rồi !
(Tứ Lý Thiền)

Vị thầy chân chính lúc nào cũng nghĩ đến chuyện giáo huấn đệ tử. Trước khi lìa đời Động Sơn cũng không quên hiện thân thuyết pháp, xả bỏ danh tiếng biểu thị ông đã đạt tới cảnh giới vô ngã. (Xem thêm công án 992)

2029.- Vạn vật sanh ra từ đâu ?


Có ông tăng hỏi Tào Sơn Bản Tịch :
-Vạn sự, vạn vật trên thế gian sanh ra từ đâu ?
-Từ tâm điên đảo, vọng tưởng, phân biệt.
-Nếu tâm con không điên đảo, vọng tưởng, phân biệt thì vạn sự, vạn vật còn tồn tại không ?
-Đương nhiên còn.
-Sự tồn tại ấy ở đâu ?
-Ông điên đảo vọng tưởng cái gì ?
(Tứ Lý Thiền)

Dùng mắt thịt, chỉ nhìn được thế giới hữu hạn. Khi mở rộng nhãn giới, thấy toàn bộ luật tiết của vũ trụ thì lúc đó tự thân ông mới cộng hưởng được với luật tiết của vũ trụ. Nhưng con rùa biển làm sao có thể miêu tả cảnh tượng biển Đông cho con ếch ngồi ở đáy giếng hiểu được ?

2030.- Tào Sơn nghe chuông.

Tào Sơn nghe tiếng chuông chùa ngân nga, bèn kêu lên :
-Ái chà ! Ái chà !
Lúc đó một ông tăng hỏi :
-Lão hòa thượng làm sao vậy ?
-Đánh vào tâm ta đau quá.
Ông tăng không nói được lời nào.
(Tứ Lý Thiền)

Rõ ràng tai nghe tiếng chuông, sao lại bảo tâm bị đánh đau. Khi thấy cảnh tượng ấy chỉ nhận rằng hiện tượng là hiện tượng, tôi là tôi, nên không biết rằng hiện tượng đó là hiện tượng của tôi, là nhận thức của tôi tham dự hiện tượng đó. Hiện tượng và nhận thức phải đồng bộ. Cổ Hy Lạp triết gia chẳng nói con người là thước đo vạn vật đó sao ?

2031.- Việc lớn sanh tử.

Vĩnh Gia Huyền Giác đến Tào Khê tham phỏng Lục tổ, nhiễu quanh thiền sàng 3 vòng, chống gậy đứng trước mặt Lục tổ. Lục tổ mắng ông thiếu lễ nghi. Ông thưa :
-Sanh tử là việc lớn, vô thường tới mau.
-Ông nắm lấy vô sanh thì còn gì là mau với chậm.
(Công án 100)
Ý của Huyền Giác là vì việc sanh tử quan trọng có thể tới bất cứ lúc nào, cho nên ông không có thời giờ để ý đến những lễ nghi tiểu tiết.
Việc lớn sanh tử có thể phân làm 5 tầng lớp :
1.-Đã sanh thì tất phải có tử. Đây là chân lý không thể chối cãi được. Tử vong luôn chờ chúng ta ở cuối đường. Nhiều người không hiểu lý này nên tham sống sợ chết.
2.-Tại sao phải sanh ? Tại sao phải tử ? Ý nghĩa của khoảng giữa sanh và tử là gì ? Nhiều người không hề tìm hiểu những vấn đề này chỉ sống chết như cây cỏ mơ hồ .
3.-Sanh từ đâu tới ? Chết đi về đâu ? Theo quan điểm của Phật giáo thì là do tiền nhất sanh chuyển qua. Nhưng tiền sanh là gì ? Không rõ ! Sanh mạng kết thúc rồi đi về đâu ? Không rõ ! Nếu nói theo Khổng Tử : “Chuyện sanh còn chưa biết, nói chi đến chuyện tử ?” thì vấn đề của tầng thứ 3 này cũng không đặt ra, chỉ lo làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ, giữ gìn luân lý đạo đức là được. Nhưng không phải ai cũng làm được điều này. Cho nên nhiều người khi chết rồi sẽ chịu khổ trong sanh mạng mới. Đời một người khốn khổ hay hạnh phúc không phải từ trên trời rớt xuống, mà là do nghiệp nhân mang tới. Nếu hiểu rõ những vấn đề của tầng thứ 3 này thì trong đời này có thể an thân, lập mạng, nỗ lực đối diện với hiện thực.
4.-Sanh và tử bị chi phối bởi luật nhân quả. Có nhiều người khi gập nghịch cảnh liền tự tử, nghĩ rằng chết là hết chuyện. Sự thực thì nợ kiếp này chưa trả thì kiếp sau cũng sẽ phải trả. Người hiểu đạo lý này tuân thủ luân lý, đạo đức, trách nhiệm, lúc chết không sợ hãi vì biết rằng công đức có thể mang theo.
5.-Sanh không sai, tử cũng tốt thôi. Quá khứ như thế nào ? Vị lai ra sao không cần phải để tâm tới. Sanh tử đều bỏ xuống hết. Đó mới là đại tự tại, đại giải thoát. Chỉ có bậc đại tu hành mới làm được điều này. Câu đáp của Lục tổ Huệ Năng có nghĩa là : “Nếu ông đã bỏ được sanh tử xuống rồi thì làm gì còn mau với chậm nữa”, tức là đã được giải thoát rồi.
(Xem thêm công án 367)

2032.- Ngoài ngàn dậm.

Có ông tăng hỏi Tuyết Phong Nghĩa Tồn :
-Làm sao mới có thể thân thiết, trực tiếp thấy bản lai diện mục của mình ?
-Đây là loại công phu có thể phóng bản lai diện mục của mình ra ngoài ngàn vạn dậm mà đồng thời nó vẫn ở trước mắt mình.
(Công án 100)

Bốn bể là nhà thì chân trời góc biển cũng là cố hương. Các thiền sư nhận định rằng mình cùng thiên địa vạn vật là một thể nên làm gì có sai biệt ở thời gian và không gian. Chúng ta sống trong không gian 3 chiều (ngang, dọc, sâu) hay 4 chiều (ngang, dọc, sâu và thời gian), nhưng các vị thiền sư có thể sống trong không gian có vô hạn chiều.

2033.- Một được, một mất.

Tăng chúng tham vấn Pháp Nhãn Văn Ích. Pháp Nhãn không nói một lời, tay chỉ bức rèm cửa. Có 2 ông tăng ra vén rèm cửa lên. Pháp Nhãn bảo :
-Một được, một mất.
(Công án 100)

Pháp Nhãn ngồi trong phòng đối chư tăng chỉ rèm cửa là ý gì ? Ông muốn đi ra ngoài ? Hay là phòng tối quá muốn vén rèm lên cho sáng ? Không ai biết. Hai ông tăng thấy động tác của Pháp Nhãn cùng đi vén rèm lên. Pháp Nhãn chỉ nói : “Một được, một mất”. Câu nói này có 2 tầng ý nghĩa :
1.-Từ thường thức mà phán đoán thì 2 ông tăng này có ý tưởng bất đồng. Một ông hiểu, một ông không hiểu. Giả thiết Pháp Nhãn muốn đi ra, một ông tăng hiểu đúng ý Pháp Nhãn, còn ông kia cho là Pháp Nhãn muốn phòng được sáng sủa hơn. Một ông có tâm cùng tương ứng với Pháp Nhãn, ông kia thì không. Do đó động tác tuy giống nhau nhưng tâm ý không đồng, bởi vậy mới nói “Một được, một mất”.
2.-Từ lập trường Thiền cơ mà phân tích thì một ông tăng được Thiền cơ, một ông tăng mất Thiền cơ. Hai ông tăng cùng đến Pháp Nhãn để thỉnh pháp. Hiện tại một ông tăng nhận rằng không cần phải hỏi nữa, ông đã hiểu ý thiền sư giơ tay chỉ rèm cửa rồi. Sự thật thì có pháp nào để thỉnh ? Thiền sư muốn ra ngoài thì vén rèm lên mà ra, muốn phòng sáng thì vén rèm lên. Đó là pháp, còn có gì không hiển hiện ? Nếu hiểu rằng mọi pháp đểu là Phật pháp, là Thiền pháp liền thể nghiệm được Phật pháp là vô ngã. Đối với một đệ tử chưa khai ngộ, Pháp Nhãn chỉ rèm, ông ta liền vén rèm lên rồi xin Pháp Nhãn giảng pháp. Kỳ thật Pháp Nhãn đã dùng vô thanh để giảng pháp rồi. Ông tăng đã mất cơ hội khai ngộ. Pháp Nhãn lúc đó nói câu ấy là có dụng ý gì ? Dĩ nhiên là Thiền cơ, chỉ có Pháp Nhãn tự biết. Chúng ta đối với loại thiền ngữ này dùng phán đoán, phân tích, giải thích đều là kẻ vén rèm ngu muội. Pháp Nhãn dùng một câu nói nghe có vẻ có ý nghĩa, kỳ thực là vô nghĩa khiến thiền sinh khởi nghi tình, thành nghi đoàn rồi phá chấp mà ngộ. Lúc đó thiền sinh có thể phản kích lại Pháp Nhãn :
-Lão hòa thượng điên này lại giở trò khùng gì nữa đây !
(Xem thêm công án 202)

2034.- Chẳng liên quan gì đến tôi.


Ngưỡng Sơn Huệ Tịch hỏi Quy Sơn Linh Hựu :
-Xin hỏi sư phụ phải làm sao khi cả trăm ngàn hiện tượng tới ?
-Xanh thì chẳng vàng, dài thì chẳng ngắn. Mỗi pháp đều có vị trí của nó, có liên quan gì đến tôi.
(Công án 100)

Các vấn đề đều do “ngã” mà sanh ra. Tôi muốn, tôi không muốn, tôi vui, tôi buồn v . v. Phàm chuyện gì có liên quan đến “ngã” thì mới được coi là quan trọng, còn không thì là vô vị. Đối với tha nhân, những gì hợp ý mình là muốn chiếm hữu, lợi dụng; nếu người khác không theo ý mình thì tìm cách đối phó, kháng cự, xa lánh. Chuyện này tốt hay xấu ? nếu không có “ngã” thì ta không thể sanh tồn được như quần áo chẳng cần mặc, cơm chẳng cần ăn, bệnh chẳng cần chữa. Trên cơ bản “ngã” là hữu dụng, nhưng chấp ngã thì lại sản sanh ra các vấn đề. Trả lời câu hỏi của Ngưỡng Sơn, Quy Sơn nói :”Xanh chẳng vàng, dài thì chẳng ngắn, Xanh là xanh, dài là dài, muốn làm sao thì làm.” Đối với thiền giả thì “Nhà ông có sự, nhà ông ấy có sự, nhà tôi vô sự”. Nhà ông, nhà ông ấy có sự , tôi đến giúp đỡ vì ông, vì ông ấy, trong sự giúp đỡ này không liên quan gì đến “ngã”, cho nên nhà tôi vô sự. Đó là hành vi của người có trí tuệ (bỏ được cái “ngã” xuống), không làm rối mình, rối người mà giải quyết được vấn đề.

2035.- Không biết là thân thiết nhất.

La Hán hỏi Pháp Nhãn :
-Ông hành cước để làm gì ?
-Con không biết.
-Không biết là thân thiết nhất.
(Công án 100)

Hành cuớc là đi từ nơi này đến nơi khác, không nhất thiết là đi đâu và với mục đích gì, như mây bay nước chẩy, tùy duyên mà đi, tùy xứ mà an tâm. Biết là do ngã nhận thức, biện biệt. Không biết là bỏ tất cả xuống các trở ngại : tri thức, tri kiến, kiến văn giác tri . . . lúc đó trí tuệ vô ngã sẽ hiển hiện. Đó là điều La Hán chỉ dạy cho Pháp Nhãn khiến ông khai ngộ.
(Xem thêm công án 272)

2036.- Văn Thù nói gì ?


Một ông tăng hỏi Thạch Thất Thiện Đạo :
-Thầy có tới Ngũ Đài Sơn không ?
-Tôi có tới.
-Thầy có gặp Văn Thù ?
-Tôi có gặp.
-Văn Thù nói gì với thầy ?
-Văn Thù bảo tôi : Cha mẹ ông ở dưới đám cỏ rậm.
(Công án 100)

Kinh Hoa Nghiêm nói Thanh Lương Sơn là đạo trường của Bồ tát Văn Thù. Văn Thù đại biểu cho trí tuệ, là điều kiện tất yếu của tất cả trí tuệ của chúng sanh để thành Phật. Ở đây Thạch Thất chỉ điểm cho ông tăng : Nếu như ông muốn dùng trí tuệ để thấy Phật tánh, thì đừng tìm ở đâu khác mà là ở trong đám cỏ rối phiền não vậy.

(Xem thêm công án 1201 và 1963)

2037.- Lâu không ăn.

Bách Trượng Hoài Hải bảo đại chúng :
-Có một người lâu ngày không ăn cũng không nói đói, có một người cả ngày ăn cơm cũng không nói no.
Đại chúng không ai trả lời được.
(Công án 100)

Lâu ngày không ăn cũng không nói đói : Đây là dụ cho người không hiểu Phật pháp, không nhận rằng tự mình có Phật tánh có khả năng thành Phật, không biết Phật tánh có tác dụng gì. Cả ngày ăn cơm cũng không nói no dụ cho người đã khai ngộ, đã thấy Phật tánh, ăn, uống, ngủ, thức đều ở trong Phật tánh.

2038.- Quy Tông hái rau.

Quy Tông Trí Thường dẫn chúng đệ tử ra vườn hái rau. Ông vạch một vòng quanh một cây rau rồi nói :
-Không ai được động tới cây này !
Qua một lúc Quy Tông quay trở lại quan sát thấy cây rau vẫn còn nguyên bèn lấy gậy xua đuổi chư tăng, mắng :
-Đây thật là một lũ tăng ngu, không có một người nào có trí tuệ !
(Công án 100)

Trí Thường là một môn đệ kiệt xuất của Mã Tổ, thường đưa ra nhiều quái chiêu khiến người thường khó lường. Lần này ông vẽ một vòng quanh cây rau và ra lệnh không ai được hái. Kết quả là không ai dám hái lại còn bị mắng là ngu. Kỳ thật động cơ của Quy Tông là để khảo sát đệ tử xem có người nào có đảm lượng và kiến địa, nhưng kết quả là chẳng có ai. Các ông tăng nhận rằng Quy Tông muốn giữ cây rau đó lại để làm giống. Các ông tăng đó đã chấp vào tướng, bị giới hạn của thường tình, nên đã rơi vào cái bẫy của Quy Tông.

2039.- Cả ngày đi tìm chẳng thấy xuân đâu.

Đây là câu đầu trong bài kệ của ni cô Vô Tận Tạng, đời Đường. (Xem nguyên văn chữ Hán ở công án 704)
(Công án 100)

Tại sao tìm xuân không được ? Xuân đến muôn nơi, gió thổi là gió xuân, chim hót là khúc xuân ca, cỏ cây hoa lá đều là xuân. Tìm xuân đâu có khó ? Đây là một tỷ dụ mình đang sống trong mùa xuân mà còn đi tìm xuân ở đâu ? Ý của câu kệ là muốn đi tìm trí tuệ nhưng khi ông bỏ xuống hết ý mong cầu thì đó là trí tuệ. Nếu trong tâm cầu có một cái gì để đạt được thì đã bị chướng ngại rồi. Xuân là cái gì ? Tiếng chim hót, mùi thơm của hoa, non xanh nước biếc đều là xuân nhưng chúng có vĩnh viễn tồn tại không ? Không, chúng luôn biến đổi. Nếu có một mùa xuân vĩnh viễn không biến đổi thì đó không phải là xuân nữa.

2040.- Con là Huệ Nhiên.


Tam Thánh Huệ Nhiên là đệ tử đắc ý của Lâm Tế có một lần đến tham Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngưỡng Sơn hỏi :
-Ông tên gì ?
-Con tên Huệ Tịch.
-Ông đùa gì thế, Huệ Tịch là tên tôi mà ?
-Vậy thì con tên Huệ Nhiên.
Ngưỡng Sơn cả cười.
(Tứ Lý Thiền)

Danh có thể gọi thì không phải là thường danh. Tên họ của một người chỉ là hiệu của “ngã” không phải là ngã. Trong sinh hoạt có nhiều người đổi tên, đổi họ, nhưng người ấy vẫn là người ấy. Vấn đề là làm sao từ những giả ngã đó tìm ra cái ngã chân chính ?

(Xem thêm công án 1563)


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 9:14 AM | Message # 405
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2041.- Nhà nhà đều có đèn.

Cốc Ẩn đến tham học với Thủ Sơn Tỉnh Niệm, hỏi :
-Con đến một tòa núi đầy châu báu lại tay không mà về thì thế nào ?
-Có gì lạ đâu, nhà nào chả có đèn.
Cốc Ẩn ngay đó đại ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Phật giáo nhận rằng người nào cũng có Phật tánh có thể thành Phật, dù ông tin hay không thì sự thật cũng thế. Có một số người cho rằng Phật tánh là cái gì cao siêu phải tu hành khắc khổ nhiều năm mới có thể đạt được. Phật tánh là một tòa núi chứa nhiều châu báu nhưng cũng là không không. Cốc Ẩn tuy có nhận thức như thế nhưng chưa chắc thật, do chỉ điểm của Thủ Sơn mới rõ rằng Phật tánh ai cũng có như nhà nào cũng có đèn.

2042.- Dã hồ tinh.

Thủ Sơn Tỉnh Niệm hỏi Trí Tung :
-Có người muốn ông thị hiện 32 tướng thì sao ?
-Con không phải là dã hồ tinh.
(Tứ Lý Thiền)

Thành Phật rồi tự nhiên có thần thông. Nhưng Thiền tông nhận định rằng Phật tánh là bình đẳng, là tâm bình thường của chúng ta. Nếu có người hý lộng quỷ thần thì đó chỉ là dã hồ tinh.

2043.- Tọa chủ niệm Phật.

Có tọa chủ đang niệm A Di Đà Phật , đồ đệ gọi hòa thượng. Tọa chủ ngoảnh đầu lại tưởng nghe đệ tử hỏi gì nhưng gã đồ đệ lại câm như hến. Cứ vậy 2, 3 lần. Tọa chủ mắng :
-Ông kêu tôi 2, 3 lần có chuyện gì vậy ?
-Sư phụ niệm Phật nhiều năm rồi, Phật cũng đâu có để ý gì ? Con mới kêu thầy 2, 3 lần sao thầy đã nổi giận rồi ?
(Tứ Lý Thiền)

Lấy mâu chống thuẫn là biện pháp tốt. Nếu ông thấy một người nào hành vi không vừa mắt, cứ tại trước mắt người ấy bắt chước hành vi của họ, để cho họ lãnh giáo.

(Xem thêm công án 796 và 1603)

2044.- Có thấy Đại Thánh không ?

Đời Tống, Đại Thánh ở Tứ Xuyên là một vị thần rất linh. Có một ông tăng đang lạy, một người đứng bên hỏi :
-Hòa thượng ngày ngày lạy Đại Thánh mà có thấy Đại Thánh không ?
(Tứ Lý Thiền)

Nhiều người lạy Phật và Bồ Tát nhưng chẳng biết Phật và Bồ Tát là gì ? Vậy cúi đầu lạy là vì cái gì ?

2045.- Tam Giới đại sư.

Ông tăng giữ tháp Đại Thánh ở Tứ Xuyên, cứ mỗi chiều đều y lệ đóng cửa. Có một ông tăng hỏi :
-Đại Thánh là một vị đại sư tam giới, là một vị thánh như Phật, Bồ Tát, sao còn bị phàm phu tục tử khóa cửa ?
Ông tăng không trả lời được.
(Tứ Lý Thiền)

Giá trị đời người là do mình quyết định. Mạnh Tử nói : Người ta ai cũng có thể trở thành Nghiêu, Thuấn, cũng tương tự như Phật giáo nói ai cũng có Phật tánh, có khả năng thành Phật. Nhưng sao ở đời lại nhiều phàm ít thánh ? Chúng ta đều là thánh hiền, chỉ là chúng ta không biết hoặc không muốn làm thánh hiền thôi.

2046.- Người trong mật thất.

Có ông tăng hỏi một vị thiền sư :
-Thế nào là người trong mật thất ?
-Có khách chẳng trả lời.
(Tứ Lý Thiền)

Người ở trong mật thất không muốn người ngoài biết, có khách đến, ẩn trong thất không lên tiếng. Trong thân thể chúng ta cũng có một vị chủ nhân ở ẩn. Ông ta tiếp xúc với bên ngoài qua mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý. Các ông có biết ông ấy là ai không ?

(Xem thêm công án 1219)


2047.- Gần ngay bên cạnh.

Huyện lệnh Thành Đô là Phạm Mỗ, nghe nói Viên Ngộ Khắc Cần trở về Thành Đô, trú ở Thiệu Giác tự bèn đến bái phỏng và xin Viên Ngộ chỉ cho con đường vào Đạo. Viên Ngộ bảo ông tham câu nói của Mã Tổ :
-Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, cứu cánh là gì ?
Huyện lệnh Phạm tham công án này mãi mà vẫn không được gì, khóc thưa :
-Hòa thượng có thể chỉ cho con phương tiện nào dễ hiểu hơn không ?
-Có, một cách rất giản dị là ông tự hỏi : Đó là cái gì ?
Huyện lệnh cuối cùng đã rõ :
-Nguyên lai thiền vốn ngay bên cạnh.
(Tứ Lý Thiền)

Cảnh giới Thiền không phải là tâm, không phải là Phật, không phải là vật, cứu cánh là cái gì ? Nó rất gần chúng ta, ở ngay trong tâm chúng ta, nhưng nó là cái gì ? Các ông ở chỗ “là cái gì ?” Tự hỏi, tự mở cửa vào.

2048.- Một cơm, một cháo.

Ngưỡng Sơn hỏi sư phụ Quy Sơn :
-Hòa thượng viên tịch rồi, nếu có người hỏi Đạo pháp của sư phụ là thế nào, thì con trả lời làm sao ?
-Một cơm, một cháo.
(Công án 100)

Ý chính của công án này là để chỉ sự sinh hoạt hàng ngày. Tâm bình thường là phương pháp tu hành và hoằng pháp tốt nhất. Trong Thiền môn, buổi sáng được ăn cháo điểm tâm, buổi trưa được ăn cơm, buổi chiều không được ăn gì cả. Như vậy một ngày chỉ có 2 bữa. Câu trả lời của Quy Sơn có ý nghĩa gì ? Chả lẽ chỉ ăn không ngồi rồi không làm gì cả ? Kỳ thật câu nói này hàm ý ngày thường sinh hoạt như thế nào thì cứ làm như thế đó, lấy tâm bình thường mà qua ngày, không bị chuyện gì làm lo lắng, quái ngại. Muốn ăn cháo thì đi nấu cháo, muốn ăn cơm thì đi thổi cơm. Hơn nữa muốn có gạo thì phải trồng lúa, hái gặt, xay, giã . . . có thâu hoạch được mùa, mất mùa . . . Tất cả mọi vấn đề tốt, xấu đều xuất hiện. Quy Sơn thiền sư là một người trí, xử lý mọi sự, ứng đối với đủ mọi hạng người đều xuất từ tâm bình thường một cháo, một cơm. Câu nói của ông có 2 tầng ý nghĩa : một là chỉ những ông tăng lười biếng chỉ lo ăn, hai là chỉ những người đạm bạc danh lợi, tinh tiến tu hành.

2049.- Bệnh vì nói thiền nhiều quá.

Viên Ngộ Phật Quả Khắc cần lúc tham học với Ngũ tổ Pháp Diễn, Pháp Diễn bảo ông :
-Ông cái gì cũng tốt, chỉ là còn có chút bệnh.
-Không biết con có bệnh gì ?
-Ông mắc bệnh nói thiền nhiều quá.
Khắc Cần kinh dị :
-Chúng ta là người tham thiền vì sao sư phụ lại bảo là con nói thiền nhiều quá ?
-Theo ông thấy thì chúng ta phải dùng bao nhiêu lời để nói cho rõ một thoại đề ?
(Tứ Lý Thiền)

Tướng mạnh không nói đến binh, người giầu không nói đến tiền, thiền sư không nói đến thiền, nếu nói ra thì nó không là nó nữa.

2050.- Đây là chữ gì ?

Có ông tăng đến tàng kinh các, không xem kinh, chỉ ngồi thiền. Ông tăng giữ tàng kinh các hỏi :
-Ông vì sao không đọc kinh ?
-Tôi không biết chữ.
-Sao không đi hỏi người ta ?
Ông tăng đó khoanh tay, khom lưng vái ông tăng kia và hỏi :
-Xin hỏi ông đây là chữ gì ?
(Tứ Lý Thiền)

Có người ngày ngày đọc sách mà không biết chính mình là một quyển sách. Quyển sách này có ai xem, có ai hiểu nội dung của nó không ?

(Xem thêm công án 308)

2051.- Người tham thiền ngày nay.

Đại Huệ Tông Cảo nói :
-Hiện nay người tham thiền giống như nhặng xanh, ngửi thấy mùi tanh hôi liền bu tới. Kết quả là toàn thân đều có mùi tanh tưởi. Do đó phải gội rửa hắn từ đầu đến chân rồi mới cho hắn tham thiền. Từ xưa đến giờ chỉ có những bậc thiền sư cao minh như Trần Tôn Túc mới có thể làm được, thiền sư thấy sự suy tư của ông liền chỉ ra ngay chỗ cỏ dại mọc để trừ bỏ.
(Tứ Lý Thiền)

Một trang giấy trắng dùng để vẽ rất tốt. Một trang giấy bẩn cần phải tẩy sạch rồi mới vẽ được, nếu không thì chỉ đem vất đi.

2052.- Khai nhãn.

Long Tường Sĩ Khuê trú ở Lạc Dương Long Môn Tự đem hết bình sinh sở học hướng Phật Nhãn báo cáo. Phật Nhãn bảo ;
-Ông là người thông minh, chuyện gì cũng có thể lý giải được, nhưng ông chưa hạ thủ công phu khai nhãn.
Một hôm đứng hầu Phật Nhãn ông lại hỏi :
-Khi tâm chúng ta cùng vạn sự, vạn vật không còn liên hệ nữa thì tình cảnh thế nào ?
-Thì cũng giống như ông ở tăng đường bạch chuỳ vậy.
Long Tường vẫn chưa hiểu, đến buổi tham chiều lại nhắc lại câu hỏi. Pháp Nhãn nói :
-Sao ông còn nói những lời dư thừa này ?
Long Tường ngay đó đại ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Nếu đã không còn quan hệ với vạn sự, vạn vật, ông còn nói về vấn đề đó thì có phải lại rơi vào cái hố quan hệ không nào ? Cảnh giới thiền khó, vì ở trong cảnh giới ấy, không được nghĩ đến nó, nghĩ đến nó thì nó không phải là nó nữa, không nắm, không buông vậy phải làm sao ?

2053.- Không thể vào ma cảnh.

Đời Bắc Tống, Đâu Xuất Tòng Duyệt là đệ tử của Khắc Văn có lần ngẫu nhiên gập sư thúc tổ Thanh Tố (là thị giả của Thạch Sương Sở Viên). Thanh Tố rất quan tâm đến ông :
-Ông hãy đem bình sinh sở ngộ nói tôi nghe thử.
Đâu Xuất bèn đem những kiến giải của mình trình lên. Thanh Tố bảo ông :
-Cảnh giới của ông chỉ mới đạt được một nửa, có thể vào được cửa Phật, nhưng chưa vào được cửa ma.
-Sao hòa thượng lại nói vậy ?
-Chẳng lẽ ông không nghe cổ nhân nói : Có hiểu được câu nói sau cùng thì mới qua được ngưu quan, là cảnh giới tối cao hay sao ?
Đâu Xuất lại khắc khổ tham vài tháng nữa, cuối cùng được Thanh Tố ấn khả.
(Tứ Lý Thiền)

Chỉ vào được cửa Phật, không vào được cửa ma thì chỉ là phiến diện, cục bộ không phải là chân lý hoàn chỉnh, người mù sờ voi là một tỷ dụ. Phật pháp là bất nhị. Người chỉ biết thiện không biết ác làm sao hiểu Phật pháp ?

2054.- Đốt thành tro.


Hoàng đình Kiên đến tham Hoàng Long Tử Tâm Ngộ thiền sư. Hoàng Long thấy mặt liền hỏi :
-Tôi và học sĩ đại nhân đều chết rồi, đốt thành hai đống tro, chúng ta sẽ gập nhau ở đâu ?
Kiên không trả lời được.
(Tứ Lý Thiền)

Chúng ta sẽ gập nhau ở đâu ? dùng cái gì để gập ? xác thân ư ? đã bị hủy hoại. Tinh thần ư ? Không có xác thân, tinh thần ở đâu ? Là cái vượt lên vạn sự, vạn vật, là cái ngã ư ? Nhưng cái ngã này ở đâu ? Và là cái gì ? Câu hỏi này không thể dùng lý luận mà giải đáp được.

2055.- Còn có người không bị bệnh chăng ?

Đức Sơn Tuyên Giám bị bệnh, có ông tăng hỏi :
-Lão hòa thượng, ngay cả thầy cũng bị bệnh, còn có người nào không bị bệnh không ?
-Có chứ !
-Người không bị bệnh là hạng người nào ?
Đức Sơn kêu lên :
-Ái chà ! Ái chà !
(Công án 100)

Cao tăng, đại đức cũng bị bệnh, nhưng thân xác bị bệnh, còn tâm vô bệnh. Thân bị bệnh thì đau đớn, tâm bị bệnh thì phiền não. Đức Sơn kêu lên là diễn ý này. Đức Sơn bị bệnh sinh lý đau đớn, nhưng tâm lý không oán hận hay hy vọng trốn tránh. Có bệnh hay không bệnh, tâm cảnh hoàn toàn tương đồng. Bệnh nếu chữa được thì tốt, còn như không chữa được thì cũng chẳng sao. Kinh Duy Ma Cật nói vì chúng sanh bệnh nên Bồ Tát không thể không bệnh. Câu này có 2 ý :
1. Đồng bệnh tương lân : vì Bồ Tát bệnh nên mới biết rõ những nhu cầu của bệnh nhân.
2. Vì Bồ Tát cũng bị bệnh nên bệnh nhân mới tin tưởng vào phương pháp của Bồ Tát.

(Xem thêm công án 647)

2056.- Người không cùng vạn pháp làm bạn.

Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Đạo Nhất :
-Người không cùng vạn pháp làm bạn là ai ?
-Đợi ông hớp một ngụm hết nước Tây Giang tôi sẽ bảo.
Bàng Uẩn lập tức đại ngộ.
(Công án 100)

Vạn pháp là tất cả mọi hiện tượng hữu hình và tất cả mọi đạo lý vô hình. Trong mọi sinh hoạt những gì thấy, dùng, tiếp xúc đều là pháp. Con người không thể lìa sinh hoạt, lìa sinh hoạt thì không phải là con người, chỉ cần còn một hơi thở, thân thể còn hoạt động, tâm lý còn hoạt động thì không thể lìa vạn pháp. Vậy thì người nào không là bạn của vạn pháp ? Câu hỏi này rất cao minh, lìa khỏi mọi quan niệm tương đối của sự vật, mọi ỷ lại, mọi ứng dụng thì người đó là người đã giải thoát, được tự tại, tâm không còn quái ngại. Tâm cảnh của người này không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được. Câu của Mã Tổ là ý này, lúc đó bỏ xuống mọi kỳ vọng của nội tâm, mọi tìm kiếm ở ngoại cảnh. Ngộ cảnh liền hiển hiện.

(Xem thêm công án 988)

2057.- Dược Sơn xem kinh.


Dược Sơn đang xem kinh, có ông tăng hỏi :
-Hòa thượng bình thường không cho người ta xem kinh, sao tự mình lại xem ?
-Tôi chỉ độ mắt.
-Con có thể bắt chước hòa thượng không ?
-Nếu là ông xem thì da trâu cũng thủng.
(Công án 100)


Có thể phân ra ba loại người xem kinh :

1. Loại người thứ nhất : xem mà không hiểu vì kinh có nhiều danh từ khó, đọc kinh như đọc thần chú.

2. Loại người thứ hai : Dò theo lời kinh để tìm hiểu nghĩa lý.

3. Loại người thứ ba : Xem như khóa tụng hàng ngày, là một phần của sinh hoạt không thể thiếu.
Loại người thứ ba lại chia làm 2 loại :

a. Tin vào khóa tụng để cầu công đức.

b. Là đã khai ngộ : đọc kinh để xem ngộ cảnh, tâm cảnh của Phật, giống như đối diện với Phật.
Tâm cảnh của Dược Sơn là tâm cảnh của loại người cuối. Dược Sơn biết ông tăng chưa khai ngộ nên bảo ông từ văn tự mà lý giải.

(Xem thêm công án 604)

2058.- Mở mồm không được.


Thạch Đầu Hi Thiên hỏi Bàng Uẩn :
-Từ khi ông đến với lão tăng, hàng ngày ông tu hành thế nào ?
-Nếu nói chuyện hàng ngày thì không có chỗ mở miệng.
(Công án 100)

Tại sao không mở miệng được ? Bởi vì Bàng Uẩn công phu rất miên mật. Mỗi giây phút, mỗi niệm đầu đều dụng công tu hành, làm gì có cơ hội để mở miệng ?
Trong quá trình tu học tâm lý người tu như người uống nước, nóng lạnh tự hay làm sao có thể nói cho người ?
Thiền tông rất trọng lối dạy không lời, dùng lời là hạ sách. Lời nói hữu hạn, thô thiển cách thật tướng rất xa.
Bàng Uẩn trong mỗi phút giây, mỗi niệm đầu đều rõ ràng. Đó là tu hành.
Dùng thái độ này mà sinh hoạt thì không phiền muộn nào có thể làm buồn, cao hứng nào làm điên cuồng, bất cứ sự tình gì lúc nào cũng mới mẻ, sự sự vật vật đều hiện thành.

2059.- Giọt nước đầu thềm.

Có một ông tăng hỏi Quy Tỉnh :
-Câu cây bách trước sân của Triệu Châu nghĩa là sao ?
-Ông có nghe tiếng tí tách của giọt nước đầu thềm không ?
Ông tăng thảng thốt kêu lên. Quy Tỉnh hỏi :
-Ông ngộ được đạo lý gì nói ra coi thử ?
Ông tăng đó bèn làm một bài kệ trình lên :


檐 頭 水 滴

Thiềm đầu thủy trích
分 明 歷 歷
Phân minh lịch lịch
打 破 乾 坤
Đả phá càn khôn
當 下 心 息
Đương hạ tâm tức.


Đầu thềm giọt nước
Từng giọt rõ ràng
Càn khôn phá nát
Lập tức tâm ngưng.

Quy Tỉnh nghe rồi rất cao hứng.
(Tứ Lý Thiền)

Giọt nước đầu thềm cho chúng ta biết điều gì ? Mỗi hiện tượng trong đại tự nhiên đều bao hàm những bí ảo của vũ trụ, đều cùng chúng ta truy cầu tương thân với chân lý. Tiếng giọt nước đầu thềm đơn thuần, trực tiếp, không có một nội dung gì khiến người ta phải suy nghĩ, nhưng nó có thể khiến tư duy phức tạp lắng đọng. Đó là thủ pháp dương Đông kích Tây của Thiền tông.

2060.- Chư pháp tòng bản lai.

Lúc trước có một ông tăng đọc kinh Pháp Hoa tới câu “Chư pháp tòng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”, bỗng khởi nghi hoặc. Đi đứng nằm ngồi đều suy nghĩ mà vẫn không rõ. Mùa xuân đến nghe tiếng Hoàng oanh hót, hốt nhiên tỉnh ngộ bèn tiếp thêm hai câu nữa vào lời kinh để thành một bài kệ :


諸 法 從 本 來
Chư pháp tòng bản lai
常 自 寂 滅 相
Thường tự tịch diệt tướng
春 至 百 花 開
Xuân chí bách hoa khai
黃 鶯 啼 柳 上
Hoàng oanh đề liễu thượng.

Xưa giờ các pháp
Tướng vốn lặng im
Xuân tới hoa nở
Trên cành tiếng chim.
(Tứ Lý Thiền)

Đừng coi Niết Bàn là cái gì thần bí; vạn sư, vạn vật, tôi, ông, ông ấy, quá khứ, hiện tại, vị lai đều ở trong Niết Bàn. Vấn đề là ông tăng coi Niết Bàn cao quá, không biết bản thân sinh hoạt là Niết Bàn. Tôi là Niết Bàn, lìa tôi thì đi đâu mà tìm Niết Bàn ?

(Xem thêm công án 434)


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Oct 2012, 9:30 AM | Message # 406
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2061.- Từng bước đạp thật.

Có ông tăng hỏi Thanh Lương Văn Ích :
-Trong 12 thời làm sao tu hành ?
-Thì cũng giống như khi ông đi đường, từng bước, từng bước đạp thật trên đất.
(Tứ Lý Thiền)

Từng bước đạp thật trên đất là một lời nói nếu không thể hội qua, quyết không thể nói được. Trong sinh hoạt và công tác chỉ cần bước hụt một bước là sẽ ôm hận thiên cổ. Nhưng đạp trên cái gì ? Tâm chúng ta mỗi giây phút để ở đâu ?

2062.- Buồng tối trăm năm.

Có ông tăng hỏi Thanh Lương Văn Ích :
-Một phòng tối trăm năm chỉ cần một ngọn đèn nhỏ là bóng tối cả trăm năm bị trừ khử. Ngọn đèn nhỏ đó là cái gì ?
-Ông nói trăm năm là cái gì ?
(Tứ Lý Thiền)

Thế nào là trăm năm ? Trong ánh sáng thì làm gì còn bóng tối, kể gì là ngàn vạn năm hoặc một sát na ? Thiền là siêu việt thời gian. Có lúc tôi hiểu, có lúc tôi không hiểu. Tinh thần có thể rong chơi trong vạn vật, bản thân nó không có gì gọi là hiểu hay không hiểu. Ông hãy nắm lấy cái toàn năng ấy, từ trong hiểu và không hiểu mà giải thoát.

2063.- Ngón tay và mặt trăng.

Có ông tăng hỏi Thanh Lương Văn Ích :
-Con không hỏi ngón tay, thế nào là mặt trăng ?
-Tại sao ông không hỏi ngón tay ?
Lại có ông tăng khác hỏi :
-Con không hỏi mặt trăng, thế nào là ngón tay ?
-Mặt trăng.
-Con hỏi ngón tay sao hòa thượng lại đáp mặt trăng ?
-Vì ông hỏi ngón tay.
(Tứ Lý Thiền)

Giả như ông không biết mặt trăng ở đâu thì có thể trông theo hướng ngón tay tôi chỉ mà thấy. Công án này là chỉ sự liên hệ giữa phương pháp và mục đích. Đối với ông tăng 1, Văn Ích bảo ông phải hiểu phương pháp trước : không có thuyền làm sao qua sông ? Đối với ông tăng 2, Văn Ích bảo ông phải biết mục đích của mình là gì, nếu không thì phương pháp dùng để làm chi ? Trong sinh hoạt có nhiều người chỉ lo nghiên cứu phương pháp mà quên đi mục đích, hoặc coi phương pháp chính là mục đích .
(Xem thêm công án 1015)

2064.- Tất cả đều hiện thành.

Đời Ngũ Đại, Pháp Nhãn đến La Hán Quế Khâm tham học. Trải qua nhiều lần nghe giảng và hỏi han vẫn chưa đạt được yêu cầu của La Hán. Có một lần La Hán nói :
-Nếu như theo Phật pháp mà nói thì tất cả đều hiện thành.
Pháp Nhãn nghe lời này lập tức khai ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Nếu như ngay đây nói : ” tất cả đều hiện thành, ông chính là Phật “ thì có ai hiểu không ? Sợ rằng khó có người hiểu. Tất cả hiện thành là chỉ ông, tôi, nó, tất cả đều đầy đủ có thiếu sót gì đâu ? Kinh Dịch cũng nói : bá tánh dùng hàng ngày mà chẳng biết cho thấy vấn đề này đã đặt ra từ ngàn xưa, nhưng chúng ta phải bắt tay từ đâu ?

(Xem thêm công án 2026)

2065.- Gia phong của La Hán.

Có ông tăng hỏi La Hán :
-Thế nào là gia phong của La Hán ?
-Tôi không nói cho ông biết.
-Vì sao thầy không nói ?
-Đó là gia phong của tôi.
(Tứ Lý Thiền)

Thiền và tự ngã là một loại tinh thần dùng ngôn ngữ biểu thị chỉ là một loại hình thái như trăng trong nước, hoa trong gương không phải là mặt trăng thật, là hoa thật.

(Xem thêm công án 67)

2066.- Cửa giải thoát.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn có một lần bảo đại chúng :
-Các ông nên biết, cả đại địa, những gì chúng ta nhìn thấy đều là cửa giải thoát. Nhưng khi đem pháp môn rộng lớn này tới trước mặt các ông thì các ông lại không chịu tiến vào.
Có ông tăng đáp :
-Lão hòa thượng đừng hòng mê hoặc được con.
Lại có ông tăng nói :
-Tiến vào để làm gì ?
Tuyết Phong nghe những lời đáp này giơ gậy lên đánh.
(Tứ Lý Thiền)

Tất cả đều tự do, tự tại; ngã có đầy đủ Phật tánh còn cần phải giải thoát sao ?

2067.- Thế giới và gương cổ.

Tuyết Phong nói :
-Thế giới rộng một thước, gương cổ rộng một thước, thế giới rộng một trượng, gương cổ rộng một trượng.
Huyền Sa Sư Bị chỉ hỏa lò hỏi :
-Cái hỏa lò này lớn bao nhiêu ?
-Gương cổ lớn bấy nhiêu ?
(Tứ Lý Thiền)

Nhận thức là hàm số của hiện tượng. Nhận thức không thể vượt lên hiện tượng, ngược lại hiện tượng cũng không vượt lên nhận thức, chúng đồng hành, chúng là sản phẩm của vũ trụ, bản thân chúng là vũ trụ. Hiểu được đạo lý này thì giảm thiểu được những ảo tưởng không thiết thực.

2068.- Lão tăng bận lắm.

Cao đồ của Lâm Tế là Tam Thánh hỏi Tuyết Phong :
-Cá vàng trong lưới ăn gì để sống ?
-Đợi ông ra khỏi lưới tôi sẽ bảo cho ông biết.
-Hòa thượng lãnh đạo 1.500 chúng sao lại không hiểu lời con ?
-Xin lỗi, vì lão tăng làm trụ trì công việc bận rộn lắm.
(Tứ Lý Thiền)

Cá chỉ tự tánh, lưới chỉ phiền não. Câu của Tam Thánh có nghĩa là : trong sinh hoạt đầy phiền não, tự tánh phải làm sao ? Câu đáp của Tuyết Phong có nghĩa là tự tánh không thể ly khai sinh hoạt và phiền não được.

(Xem thêm công án 1077)

2069.- Tìm một người hiểu Phật pháp.

Huyền Sa hỏi đệ tử La Hán :
-Phật pháp nói 3 giới duy tâm, ông hiểu thế nào ?
La Hán chỉ cái ghế hỏi ngược lại :
-Lão hòa thượng gọi cái này là cái gì ?
-Là cái ghế.
-Lão hòa thượng không hiểu 3 giới duy tâm.
-Vậy tôi gọi là gỗ, còn ông gọi là gì ?
-Con cũng gọi là gỗ.
-Cả đại địa muốn tìm một người hiểu Phật pháp cũng không được.
(Tứ Lý Thiền)

Đây là mối quan hệ tâm-vật. Tâm và vật độc lập nhưng bình hành. Nếu chỉ chấp vào tâm thì không được. Vũ trụ vạn vật không thể lìa khỏi nhận thức của con người và ngược lại. Phải từ mối liên hệ tâm-vật mà thể hội sinh mạng.

(Xem thêm công án 339)

2070.- Chẳng tìm nơi thầy.

Thi Lợi hỏi Thạch Đầu Hi Thiên :
-Thế nào là bản phận sự của con ?
-Ông muốn tìm bản phận sự sao lại đến hỏi tôi ?
-Nếu không nhờ thầy chỉ điểm thì làm sao biết bản phận sự của con ?
-Ông đã đánh mất ông hay sao ?
Thi Lợi ngay đó khai ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Tôi thấy, tôi nghe, tôi nếm . . . tất cả những hành động này có lìa được “ngã” không ? Điều này tự mình biết sao còn đi hỏi người ? Tỷ như Trương Tam đi hỏi mọi người : Tôi tên gì ? thì có coi được không ?

2071.- Thạch Sương nghiến răng.


Có ông tăng hỏi Thạch Sương Khánh Chư :
-Ý tổ sư từ Tây sang là sao ?
Thạch Sương không nói, nghiến răng để trả lời. Ông tăng không hiểu đi hỏi đại đệ tử của Thạch Sương là Cửu Phong Đạo Kiền. Cửu Phong bảo :
-Tôi thà bị cắt lưỡi chứ không nói ra lời kỵ húy của quốc gia.
(Tứ Lý Thiền)

Đạo có thể nói ra lời thì không phải là thường Đạo. Các thiền sư coi đây là một vấn đề nghiêm trang không dùng văn chương hoa mỹ mà tả ra được, chỉ còn cách nói ngược, nói bên, nói vòng vo chứ không thể nói thẳng được. Vì nếu nói thẳng ra thì sẽ là một mệnh đề triết học, đánh mất đi nội dung thực tế của sự tu hành. Cho nên Dược Sơn có nói :
-Đối với vấn đề này kinh có kinh sư, luật có luật sư, luận có luận sư, còn thiền sư không thể nói.

2072.- Một hòn đá trong không.

Một ông tăng hỏi Thạch Sương Khánh Chư :
-Ý tổ sư từ Tây sang là sao ?
-Một hòn đá trong không.
Ông tăng lạy tạ. Thạch Sương hỏi :
-Ông có hiểu không ?
-Con không hiểu.
-May là ông không hiểu, nếu không đã bị hòn đá đập vỡ đầu rồi.
(Tứ Lý Thiền)

Trong sinh hoạt cũng như trong công tác có nhiều chuyện có thể nhấc lên được, cũng có thể bỏ xuống được. Nếu gập chuyện không bỏ xuống được, cứ giữ trong tâm thì chỉ làm cho tâm mang bệnh.

(Xem thêm công án 1224)

2073.- Hòn đá toát mồ hôi.

Có ông tăng hỏi Thạch Sương :
-Thế nào là bản phận sự của hòa thượng ?
-Hòn đá còn toát mồ hôi sao ?
(Tứ Lý Thiền)

Ý của Thạch Sương là nếu có bản phận sự thì không phải là bản phận sự nữa, vì bản phận sự này phi hữu lại phi vô. Đạo lý này hiển nhiên như hòn đá không thể toát mồ hôi.

(Xem thêm công án 392)

2074.- Chẳng liên quan.

Có một lần Thạch Đầu Hi Thiên bảo Dược Sơn :
-Ngôn ngữ, văn tự, tư duy, cùng tất cả mọi hành vi hoạt động đều không phải là đại đạo. Đại đạo không liên quan gì đến những chuyện này.
Dược Sơn thưa :
-Phủ định ngôn ngữ, văn tự, tư duy cùng tất cả mọi hành vi hoạt động đều không phải là đại đạo. Đại đạo không liên quan gì đến những sự phủ định này.
(Tứ Lý Thiền)

Thiền không phải là không tư tưởng, nhưng để cho tư tưởng đạt tới một tầng cao hơn.

2075.- Trước sau đều vậy.

Thường Thản tham học với Dược Sơn Duy Nghiễm không đạt được thành quả gì nên bỏ đi, sau đó ít lâu lại trở lại cầu giáo. Dược Sơn hỏi :
-Ông là ai ?
-Con là Thường Thản đây mà !
-Ông lúc trước là Thường Thản, lúc sau này cũng là Thường Thản.
(Tứ Lý Thiền)

Ý của Dược Sơn là khi ông đi rồi, lại trở về có sự biến hóa nhưng có một cái không đi, về, không biến hóa.

2076.- Không rơi vào giai cấp.

Có ông tăng hỏi Hoàng Bá Hi Vận :
-Làm sao để có thể không rơi vào giai cấp ?
-Cả ngày ăn cơm mà không hề cắn một hạt cơm, cả ngày đi đường mà không hề dẫm lên một tấc đất.
(Công án 100)

Giai cấp là tầng lớp, giai đoạn. Các hiện tượng ở thế gian có trước sau, trên dưới, cao thấp . . . đều là giai cấp.
Mỗi giai cấp đều có khởi phục không thể bình thản. Do đó chuyện trên đời không thể không rơi vào giai cấp. Phật pháp có giai cấp không ? Có. Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông, Duy Thức tông tất cả đều có giai cấp, chỉ có Thiền tông chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật là không có giai cấp. Câu nói của Hoàng Bá hàm ý : Tôi không dự định trả lời ông mà để ông tự tìm lấy câu trả lời.

2077.- Chủ ở đâu ?

Tuyết Nham Tổ Khâm hỏi đệ tử là Cao Phong Nguyên Diệu:
-Ban ngày ban mặt ông có làm chủ được mình không ?
-Con làm được.
-Ban đêm nằm mộng ông có làm chủ được mình không ?
-Con làm được.
-Ban đêm không nằm mộng, không tưởng, không thấy, không nghe thì chủ ở đâu ?
Cao Phong không trả lời được, từ đó cố gắng tinh tiến tu hành. Một hôm nhân bạn đồng phòng làm rơi cái gối. Tiếng gối rơi bỗng làm Cao Phong tỉnh ngộ.
(Công án 100)

Có một số người thích chỉ huy người khác, thích làm chủ người, nghĩ rằng mình làm chủ được mình. Kỳ thật, thân và tâm bất do kỷ, khi có nhiều phiền não tới khó mà tự chủ được. Tuyết Nham hỏi Cao Phong để khảo nghiệm tâm cảnh và công lực của đồ đệ tới đâu ? Cao Phong không trả lời được câu hỏi cố gắng tu hành, đến khi nghe tiếng gối rơi mà khai ngộ. Ông ngộ được cái gì ? Ông ngộ rằng thực sự chủ không tồn tại, nhưng không phải là không có công năng. Khi bên ngoài có động tác, hiện tượng, nó liền phản ứng. Người triệt ngộ là vô ngã, nếu đã vô ngã thì vấn đề chủ ở đâu không cần đặt ra làm gì.

2078.- Nam Tuyền bán thân.

Nam Tuyền trong một pháp hội bảo đại chúng :
-Hôm nay Vương lão sư muốn bán thân, không biết có ai muốn mua không ?
-Con mua.
-Ông trả giá cao tôi không bán, ông trả giá thấp tôi cũng không bán, ông làm sao mua ?
Ông tăng không trả lời được.
(Tứ Lý Thiền)

Có vật có giá vô lượng, có vật có giá đáng một cắc, nhưng mỗi vật đều có giá trị của nó. Con người cũng vậy, các ông phải biết quý giá trị của chính mình, ai cũng có khả năng làm nên việc lớn.

(Xem thêm công án 649)

2079.- Mang hộ cái sẻng.

Triệu Châu Tòng Thẩm hỏi một ông tăng mới đến :
-Ông vừa từ đâu lại ?
-Con từ Phúc Châu Tuyết Phong đến.
-Tuyết Phong có lời gì dạy chúng ?
-Tuyết Phong thường nói : Mười phương thế giới chỉ là một con mắt của các ông. Các ông đi đại tiện ở đâu ? Chẳng lẽ đi vào chính mắt mình sao ?
Triệu Châu nghe rồi cười bảo :
-Khi nào ông về, mang hộ cho tôi cái sẻng về cho Tuyết Phong để ổng đào một lỗ cầu tiêu.
(Tứ Lý Thiền)

Thiền tông nhận rằng tịnh thổ và uế thổ chẳng có phân biệt gì. Thế giới sạch hay bẩn là do tâm con người sạch hay bẩn. Ý của Tuyết Phong là chỉ tại lý luận nhận thức thì không thấy được cảnh giới đạt được bởi sự tu hành. Triệu Châu lại cao hơn một tầng : sạch và bẩn đều phải trừ bỏ. Ở đất bẩn tôi đào một lỗ cầu tiêu, ở đất sạch tôi khoét đi con mắt. Hai vị thiền sư một xướng một họa khiến thiền sinh có thể vươn lên thiền cảnh.

2080.- Học tập công án.

Trí Cự hỏi sư phụ Tào Sơn Bản Tịch :
-Cổ nhân dạy thiền sinh công án, thoại đầu, ngày nay con nên hiểu như thế nào ?
-Ông không được coi đó là chuyện của người xưa, phải tự đặt mình vào công án và thoại đầu ấy, tự mình học tập lãnh ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Đối với vạn sự, vạn vật nếu không đặt mình vào sự vật thì không nhận thức được sự vật, ngược lại nếu không nhận thức được chính mình, ly khai ngã thì không nhận thức được sự vật. Nhưng cái ngã ấy ở đâu ?


AToanMT
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 07 Oct 2012, 10:02 AM | Message # 407
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2081.- Đạo nhãn không thông.

Thanh Lương Văn Ích hỏi một ông tăng :
-Mắt suối không thông là do bị cát làm nghẽn, còn mắt đạo không thông là vì cái gì ?
Ông tăng không trả lời được, Thanh Lương bèn trả lời thế :
-Bị mắt tục làm trở ngại.
(Tứ Lý Thiền)

Người chiến thắng được chính mình mới được coi là người hùng. Thiền tông nói minh tâm kiến tánh là muốn thiền sinh chiến thắng được ngu muội của mình. Người thường gập chuyện thường viện dẫn những nguyên nhân ngoại tại mà không chỉ ra những nguyên nhân tự bản thân. Các ông phải biết nguyên nhân bên trong là căn nguyên, các nguyên nhân bên ngoài là điều kiện.

2082.- Điều nào sa di coi trọng.

Có ông tăng hỏi Thanh Lương Văn Ích :
-Điều quan trọng của người xuất gia là gì ?
-Nếu người xuất gia còn có điều coi trọng, lưu luyến thì không phải là người xuất gia chân chính.
(Tứ Lý Thiền)

Phật pháp chủ trương không, nói đến cùng, ngay cả Phật, Phật pháp cũng là không thì mới gọi là vào cửa Phật. Dùng lý luận để hiểu “không” không khó nhưng trong Thiền tông phải vận dụng cả tinh thần và sinh mạng để thể hội điều này.

2083.- Từ tháp tam tổ tới.

Động Sơn Lương Giới hỏi một ông tăng mới đến :
-Ông từ đâu đến ?
-Con từ tháp tam tổ tới.
-Ông đã tới tháp tam tổ (đã thông hiểu Phật pháp) còn đến đây làm gì ?
-Con và tam tổ cách xa nhiều năm tháng, con và hòa thượng thì sinh hoạt cùng thời.
-Nếu tôi muốn gập bản lai sư (tự tánh) của ông thì có được không ?
-Vậy thì thỉnh bản lai diện mục của hòa thượng xuyên sọ mà ra là gập được.
-Hiện thời lão tăng không ở đây.
(Tứ Lý Thiền)

Công án này giống như chuyện võ hiệp, 2 cao thủ tỷ thí võ công. Bề ngoài coi rất hòa khí nhưng thực tế là đầy sát khí. Hai bên đều thử thách cảnh giới và công phu của đối phương. Cuối cùng Động Sơn muốn ông tăng hiển thị bản lai diện mục ra. Đây là một câu hỏi rất khó, nhưng ông tăng cũng không kém, trao banh lại cho Động Sơn, bảo Động Sơn mang bản lai diện mục của mình ra gập mặt. Động Sơn chỉ còn cách thâu binh, nhưng câu đáp cũng rất là khéo.

2084.- Khen ngợi pháp thân.

Động Sơn Lương Giới hỏi một ông tăng giảng kinh Duy Ma Cật :
-Trong kinh Duy Ma Cật có nói “Không thể dùng trí để biết, không thể dùng nhận thức để nhận thức”. Đây là loại phương thức gì ?
-Đây là lời khen ngợi pháp thân.
-Gọi pháp thân là đã tán tụng rồi.
(Tứ Lý Thiền)

Pháp thân là dụng ngữ của Phật giáo có thể giải thích là Đạo. Câu nói của Động Sơn có nghĩa là đã có danh rồi lại còn thêm danh là sai, sâu thêm một tầng nữa thì là Pháp thân không thể dùng lời để nói, để tán tụng, nhưng ông có biết pháp thân của ông không đã ?

2085.- Cây khô và cây tươi.

Dược Sơn Duy Nghiễm chỉ một cây khô và một cây xum xuê lá cành hỏi Đạo Ngô :
-Ông thấy cây khô đúng hay cây tươi đúng ?
-Tâm chúng ta như cây tươi, xum xuê cành lá tràn đầy sức sống.
-Tốt lắm ! Ông thấy rõ là thế giới tràn đầy sức sống.
Dược Sơn lại hỏi Vân Nham, Vân Nham thưa :
-Tâm chúng ta như cây khô, không có nhiều cành thừa thãi.
-Tốt lắm, ông thấy rõ thế giới, có thể giữ cho tâm mình đạm bạc không bị những hiện tượng điên đảo làm mê hoặc.
Đúng lúc đó Cao sa di ngẫu nhiên đi tới, Dược Sơn lập lại câu hỏi. Cao sa di nói :
-Con mặc kệ khô hay tươi, sao thì sao, khi khô tâm vẫn thuần khiết an ninh, khi tươi thì tràn đầy sức sống, hà tất phải nhọc lòng suy nghĩ.
-Không đúng ! Không đúng ! Tâm có công năng tại sao lại không xử dụng chứ ?
(Tứ Lý Thiền)

Dược Sơn và 3 đồ đệ hợp diễn một tuồng về tâm và ngã, khiến chúng ta thấy được toàn diện của Thiền, không như những người chỉ chú trọng vào “Không” mà coi nhẹ “hữu”, chỉ trọng không nói mà coi nhẹ nói. (Xem thêm công án 1080)

2086.- Đơn Hà nằm ngủ trên cầu.

Đời Đường, Đơn Hà Thiên Nhiên có một lần nằm ngủ trên cầu Thiên Tân, gập lúc Lưu Thú Lạc Dương là Trịnh Công dùng kiệu đi qua. Các lính đi trước dẹp đường kêu ông tránh đường nhưng ông mặc kệ. Hỏi ông tại sao lại nằm ngủ trên cầu, ông nói :
-Tôi là hòa thượng không có việc gì để làm.
Trịnh lưu thú nghe lời biết là một ông tăng khác thường bèn tự cúng dường một cuốn lụa và 2 bộ tăng phục. Hàng ngày lại cúng dường gạo và miến. Tin tức này loan truyền khắp thành Lạc Dương khiến nhiều người đến quy y với ông.
(Tứ Lý Thiền)

Đơn Hà là một vị thiền sư cổ quái không sợ vương quyền và giáo quyền. Tâm ông tự do, tự tại, không sợ gì cả. Trong tâm ông không có Phật, có hoàng đế, tất cả đều không thì còn sợ gì ? Còn gì có thể bó buộc được ông nữa ?

2087.- Thế nào là 12 thời.

Có ông tăng hỏi Đại Đồng (đệ tử của Thạch Đầu):
-Trong 12 thời phải dụng công thế nào để hợp Đạo ?
-Ông có nhận thức được 12 thời không ?
-Thế nào là 12 thời ?
-Tý, sửu, dần, mão . . .
(Tứ Lý Thiền)

Ngày làm, đêm ngủ, đói ăn, rét mặc, đều là biểu hiện cụ thể của Đạo. Từ trẻ tới già, từ sinh tới chết đều là sự vận hành của Đạo. Thích Ca Mâu Ni 80 tuổi cũng nhập Niết Bàn, đạo lý này chẳng đã rõ ràng lắm sao ?

2088.- Ếch nuốt trăng.

Thiên Đồng là một vị thiền sư trứ danh cuối thời Bắc Tống. Ban đầu ông đến tham học với Phù Dung Đạo Giai. Phù Dung hỏi :
-Trước thời không kiếp tự kỷ của ông thế nào ?
-Giống như ếch ngồi đáy giếng nuốt ánh trăng, canh ba không treo màn cửa để ánh trăng lọt qua song.
-Không đúng, ông hãy nói lại.
Thiên Đồng suy nghĩ, định mở miệng đáp lại liền bị Phù dung dùng phất trần đánh cho một trận. :
-Ông sẽ nói đại loại dùng không chấp.
Thiên Đồng nghe lời này hoát nhiên khai ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Thổi cơm đến nửa chừng thì lửa tắt, phải đốt lửa lại. Nếu đốt lửa lớn quá hay nhỏ quá cũng đều không được, đốt lâu quá hay chóng quá cũng không được. Các ông Tăng được các vị thiền sư trứ danh tiếp đãi, đa số đều đã tu hành lâu năm, chỉ là hoả hầu chưa đủ, nên cần danh sư chỉ điểm. Trong các cuộc vấn đáp, vị thầy sẽ làm cho các ông tăng bặt đường suy nghĩ mà tiến vào cửa Thiền. Việc chỉ điểm cũng khó khăn như thổi cơm ở giai đoạn cuối.

2089.- Bới trong tro tàn.

Bách Trượng hỏi Quy Sơn bếp còn lửa không, Quy Sơn dùng que cời lửa bới tro rồi thưa không có lửa. Bách Trượng tự lấy que cời lửa bới trong đám tro thấy một tinh hoả bèn bảo đồ đệ :
-Ông bảo không có lửa, thế cái này là cái gì ?
Quy Sơn do đó khai ngộ.
(Tứ Lý Thiền)

Trong sinh hoạt không có chỗ nào là không có triết lý, không chỗ nào là không ẩn tàng thiền cơ. Có một số người nhận rằng tham thiền là rất khó, kỳ thật có khó không ? Có người thấy hoa đào nở mà ngộ, lại có người đi đường bị vấp té mà ngộ, có người nghe tiếng chim hót, gà gáy hay chó sủa mà ngộ v . v . Sự kiện này giống như câu nói : Đi mòn dép sắt vẫn không thấy, được rồi lại chẳng phí công phu”. Đây chỉ là bề mặt, trước đó không biết họ đã tốn bao công phu, để chẩy bao nhiêu mồ hôi, có khi vỡ đầu chẩy máu. (Học Thành cư sĩ)

Như vậy mà có thể ngộ được sao ? Thật là không thể tưởng tượng được. Lúc đó đại khái là mùa đông, Bách Ttrượng muốn gây lại bếp lửa để sưởi ấm, do đó sai Quy Sơn xem trong tro còn lửa không để cho thêm củi vào đốt. Quy Sơn bới tro thấy không còn lửa. Bách Trượng cũng không chắc là còn lửa không nhưng vẫn thử, kết quả là tìm thấy một tinh hoả. Bách Trượng liền hỏi : “Đây chẳng phải là lửa sao ?” Quy Sơn tức thời khai ngộ. Đây hoàn toàn là ngẫu nhiên. Bách Trượng không có sắp đặt trước để Quy Sơn khai ngộ. Quy Sơn vì sao khai ngộ ? ông dụng công đã lâu nhưng trong tâm vẫn còn chưa có một điểm khí lực, ngộ cảnh vẫn chưa tới. Khi bới tro tìm lửa ông vốn không tin là có lửa. Khi sư phụ bới lại tìm ra lửa. Như tia điện chớp ông nhận ra rằng sự việc tưởng rằng không tồn tại lại tồn tại. Cái ông không thấy vốn vẫn ở đó. Đây cũng như trí huệ và ngộ cảnh. Chúng vốn có chứ không phải thêm vào tâm cái gì, cũng không phải hướng ra ngoài mà tìm. Vốn cho rằng không có, nhưng kỳ thật ngộ cảnh ở ngay trong tâm. Quy Sơn khai ngộ là như thế.
Thánh Nghiêm. (Xem thêm công án 1062)

2090.- Hai con trâu bùn húc nhau.

Động sơn Lương Giới hỏi Đàm Châu Long Sơn :
-Hoà thượng thấy đạo lý gì mà trú ở núi này ?
-Tôi thấy hai con trâu bùn húc nhau, tiến vào bể cho đến nay vẫn chẳng có tin tức gì ?
(Công Án 100)

Câu hỏi của Động Sơn có nghĩa là hoà thượng làm sao khai ngộ và ngộ cảnh như thế nào ? Câu đáp của Long Sơn nói lúc trước khai ngộ tự ngã rất cố chấp, gập cái gì cũng tranh đấu. Tự ngã đấu với ngoại cảnh rồi tự ngã đấu với nội tâm. Niệm sau đấu với niệm trước, hiện tại đấu với quá khứ, v . v . Về sau ngoại đấu và nội đấu đều không phát sanh nữa, giống như trâu bùn vào biển bị tan biến, thái bình vô sự. Lúc đó mới thấy rằng :
Đấu đá chỉ là hư ảo, tình chấp. Khi có trí huệ rồi thì thấy đối lập chỉ là một.
(Xem thêm công án 953)

2091.- Xấu đẹp đều khởi ở tâm.


Song Phong Đạo Tín bảo Pháp Dung :
-Cảnh không có xấu đẹp, xấu đẹp là do tâm khởi.
(Công Án 100)

Người khai ngộ thấy tất cả các hiện tượng ở thế gian này không kể xấu đẹp đều tự nhiên bình đẳng. Mùa Xuân hoa cỏ tươi tốt, mùa Hạ nóng bức, mùa Thu lá vàng rơi rụng, mùa Đông lạnh giá đều không phải vì người tốt hay xấu mà thị hiện. Các phán đoán thường thay đổi, khác nhau tuỳ theo tuổi tác, giáo dục, tu dưỡng, tín ngưỡng v . v . Do nhận thức chủ quan và những điều kiện khách quan luôn biến hoá nên những phán đoán không có tính cách cố định ba hồi thấy xấu, ba hồi thấy đẹp. Bất luận là trong tâm hay ngoài tâm, tất cả đều là quá trình tụ tán của nhân duyên. Tất cả đều vô thường, vì vậy không có một hiện tượng nào là vĩnh viễn đẹp hay xấu. Những người chưa khai ngộ, do tập quán phân biệt chấp trước, không tự chủ được. Khi khai ngộ rồi dù tâm phân biệt xuất hiện không bị phiền não, nếu có phiền não liền hoá giải được ngay. Thí dụ thấy một người làm ác liền khởi tâm từ bi thương xót chứ không khởi tâm oán hận, thấy một bông hoa đẹp biết đó là đẹp nhưng không khởi lòng tham, ngắt nó đem về cắm trong bình bông ở nhà. Thiền tông rất trọng sự tĩnh hoá nội tâm.

2092.- Ông khéo chăn trâu.

Thạch Củng trước khi xuất gia là một gã thợ săn, sau theo Mã Tổ tu hành. Một hôm đang làm việc trong bếp, gập lúc Mã Tổ đến kiểm soát. Mã Tổ hỏi :
-Ông đang làm gì đó ?
-Thưa con đang chăn trâu.
-Ông chăn làm sao ?
-Khi trâu vào bụi ăn cỏ, con lấy thừng xỏ mũi dắt trâu về.
-Ông thật biết chăn trâu.
(Công Án 100)

Thiền tông thường dùng trâu để chỉ nội tâm, chăn trâu là tu tâm, làm sao gìn giữ tâm, huấn luyện tâm khiến từ những phiền não tạp loạn đạt được cảnh giới thanh tịnh vô tâm.
Lúc đó Thạch Củng đang đun bếp, nếu thấy tâm không chú ý vào việc đun bếp liền lôi tâm lại, không ngừng huấn luyện chính mình đạt đến trình độ niệm niệm vô nhị dụng (chỉ chăm chú vào một việc) là công phu của Thiền.

Có thể nói Thạch Củng đã có thể nghiệm ngộ cảnh đo đó biết rõ trạng huống tâm niệm, thấy tạp niệm xuất hiện liền phát giác ra ngay, trở về chính niệm. Nếu thấy mình sai liền đổi, nếu thấy người sai cũng nên bao dung tha thứ đừng làm thương tổn người ta khiến ích lợi cho người mà mình cũng trở nên chín chắn hơn.
(Xem thêm công án 59)

2093.- Một cỗ quan tài, hai xác chết.


Có ông tăng hỏi Đại Mai Pháp Thường :
-Xin thiền sư cho biết thế nào là ý Tây sang ?
-Tây sang không ý.
Thiền sư Tế An nghe được vấn đáp này phê bình :
-Một cỗ quan tài, hai xác chết.
(Công Án 100)

Đối với người thường : Ý Tây sang là câu hỏi : Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa mang đến kinh gì ? dậy phương pháp gì ? truyền tâm ra sao ?
Thực ra tổ Đạt Ma chẳng mang đến một pháp nào cả, chỉ là bảo cho biết ai cũng có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật.
Câu hỏi này trong Thiền tông thường dùng để chỉ không thể dùng lời nói mà diễn tả chân lý được.
Trong công án này ông tăng dĩ nhiên đã biết điều này nhưng vẫn cứ hỏi. Đại Mai nói rõ ra Tây sang không ý là để điểm tỉnh ông tăng có thể khiến ông tăng tỉnh ngộ.
Câu đáp này cũng chẳng có gì là sai. Câu phê bình của Tế An có nghĩa là câu nói của Đại Mai không có sinh cơ, không thể làm người khai ngộ. Một người hỏi có, một người đáp không chỉ là những lời dỡn chơi, xem ra thì có hỏi có đáp nhưng không chỉ ra những tin tức gì của “Ý Tây sang”.

Thực ra Tế An chỉ muốn cảnh giác mọi người đừng bắt chước cổ nhân như vẹt học nói tiếng người làm mất đi tính sáng tạo của mình.
(Xem thêm công án 134)

2094.- Tôi kêu viện chủ.

Một hôm Quy Sơn Linh Hựu bỗng kêu :
-Viện chủ !
Viện chủ vội chạy đến, Quy Sơn hỏi :
-Tôi kêu viện chủ, ông tới làm gì ?
Viện chủ không biết làm sao trả lời.
(Công Án 100)

Đối với viện chủ, khi phương trượng gọi, ông chạy tới, ông đâu có sai. Nhưng Quy Sơn nhân lúc ông không phòng bị cho ông một gậy để kích thích ông :
1. Ông không nhất thiết là viện chủ.
2. Viện chủ và ông là một sao ?
3. Viện chủ chỉ là một danh từ, ông là danh từ sao ?
Nếu ông là viện chủ khi Quy Sơn gọi ông có tới không ? Ông trả lời sao ? Có 2 trường hợp :
1. Ông đã khai ngộ : ông dùng một động tác hay một câu nói để diễn tả ngộ cảnh.
2. Ông sẽ cum cúp chạy tới chờ sai bảo như viện chủ trong công án này.
Một số người cho tự ngã và tánh danh là một, cho nên đã sản sinh ra một tự ngã rất kiên cố. Sự thực thì tánh danh và tự ngã này chỉ là giả, không tuyệt đối, không bất biến.
Nếu có người tán dương ông, ông liền cao hứng, nếu có người chửi rủa ông, ông liền tức giận.
Nhưng sự thực danh tự có liên quan gì đến ông ?
Sự kết hợp danh tự và thân tâm đã sản sinh ra phiền não.
(Xem thêm công án 321)

2095.- Đợi trời sáng hãy đi.

Triệu Châu Tòng Thẩm hỏi Đầu Tử Đại Đồng :
-Tình cảnh chết đi sống lại như thế nào ?
-Đêm tối đừng đi, đợi trời sáng hãy đi.
(Công Án 100)

Câu hỏi của Triệu Châu là ý gì ? Chết đi sống lại là chỉ đã hồi phục được trí huệ, phiền não biến thành bồ đề, vô minh biến thành trí huệ: đó là ngộ cảnh.
Lúc đó tâm cảnh như thế nào ? Vũ trụ quan và nhân sinh quan có biến đổi không và biến đổi tới mức độ nào ? hay là không biến đổi và nếu như vậy tại sao lại gọi là giác ngộ ?
Đầu Tử không chơi chữ cũng không nói vòng vo, mà nói huỵch toẹt ra :
-Đêm tối đừng đi, đợi trời sáng hãy đi.
Đi đêm ở đây có 2 ý nghĩa :
1. Ông còn chìm đắm, lần mò trong đêm tối phiền não.
2. Ông không trông thấy rõ mặt người cũng như không trông rõ mặt mình. Thân thể mình đầy sẹo, nhưng không chịu thừa nhận, cũng không muốn người khác trông thấy.
Đợi trời sáng hãy đi là bỏ xuống hết mọi phiền não, mọi hành vi đen tối, để cho ánh sáng trí huệ phát huy đến tận cùng là thành Phật mới thôi.
Vì người tu Thiền ngộ cảnh có nông, có sâu cho nên khi có được chút cảm ứng đừng cho là đủ rồi, vẫn phải nỗ lực cho tới đích. (Xem thêm công án 54)

2096.- Phật nói hay là ma nói.


Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn :
-Trong 40 cuốn kinh Đại Niết Bàn có bao nhiêu là lời Phật nói, có bao nhiêu là lời ma nói ?
-Toàn là ma nói.
-Từ giờ trở đi, trong thiên hạ không còn ai làm phiền ông nữa.
(Tứ Lý Thiền)

Phật giáo chủ trương Phật pháp là pháp bất nhị và mọi pháp đều bình đẳng. Do đó Phật pháp và ma pháp đều bình đẳng bất nhị. Đối với một số người thì Phật, ma, thiện ác không thể trộn lẫn được.

2097.- Cách sông phẩy quạt.

Thiền sư Cao Đình Giản đến tham bái Đức Sơn Tuyên Giám. Mới tới bờ sông đã thấy Đức Sơn ở bờ bên kia, bèn lớn tiếng hỏi :
-Lão thiền sư, con không biết làm sao để hiểu Thiền ?

Đức Sơn không trả lời, chỉ giơ quạt lên phẩy một cái. Giản thiền sư lập tức khai ngộ, cũng không nói năng gì, đi thẳng không ngoảnh cổ lại.
(Tứ Lý Thiền)

Từ đằng xa thấy có khói là biết có lửa. Cách sông phẩy quạt, đi cũng không ngoảnh cổ lại là giai thoại của Thiền tông.
Mỗi cử mỗi động đều xúc phát thiền cơ. Đương các ông có chuyện làm nhức óc, hãy bỏ cả xuống, tới nơi u vắng, tâm sẽ dịu lại .
(Xem thêm công án 1573)

2098.- Tự có quần áo.

Vân Cư Đạo Ưng sai thị giả mang quần áo tặng một vị am chủ. Vị am chủ này nói :
-Tôi không dùng quần áo này. Từ khi mẹ sanh, tôi đã có quần áo rồi.
Thị giả trở về thuật lại, Vân Cư sai thị giả quay lại hỏi :
-Khi mẹ ông chưa sanh ra ông, thì ông mặc quần áo gì ?
Am chủ không trả lời được. Về sau khi ông qua đời, lúc hoả táng có lưu lại nhiều xá lợi. Thị giả trình chuyện này cho Vân Cư nghe. Vân Cư nói :
-Dù có cả đấu xá lợi đi nữa cũng chẳng bằng trả lời được câu hỏi của tôi.
(Tứ Lý Thiền)

Thiền tông đặc biệt chú trọng đến kiến địa, là nhận thức trực tiếp đối với vũ trụ và đối với chính mình căn cứ trên sự thể nghiệm của chính mình. Trong Tam học (giới, định, tuệ) nếu chỉ coi trọng giới, định mà xem nhẹ tuệ thì không có nhận thức này, không thể chân chính vào cửa Phật.

2099.- Pháp đường sắp đổ rồi.

Dược Sơn Duy Nghiễm trước khi lìa đời hô lên :
-Pháp đường sắp đổ rồi ! Pháp đường sắp đổ rồi !
Tăng chúng vội vàng chạy đến ôm cột trụ ở pháp đường.
Dược Sơn giơ tay than :
-Các ông không hiểu ý tôi !
Nói xong liền mất.
(Công Án 100)

Dược Sơn và các đệ tử hiểu nghĩa pháp đường khác nhau. Tăng chúng nghĩ pháp đường là toà kiến trúc, còn Dược Sơn thì coi thân thể là một toà pháp đường để giáo hoá chúng sanh. Sắp lìa đời không còn pháp đường để thuyết pháp nữa nên Dược Sơn nói pháp đường sắp đổ.
Trong thiền viện, pháp đường quan trọng hơn thiền đường.
Thiền đường là chỗ chư tăng ngồi thiền, còn pháp đường là nơi đại chúng tụ lại để nghe thiền sư giảng pháp.
Ai có câu hỏi gì thì nêu lên thiền sư sẽ dùng cơ phong để thúc đẩy sự khai ngộ của thiền sinh. Nay pháp đường đã đổ, chư tăng đã đánh mất cơ hội khai ngộ.
Thực ra mọi người đều có pháp đường riêng của mình, chỉ là đa số còn chưa khánh thành, còn chưa xử dụng. Pháp đường của Dược Sơn đổ rồi, khuyến khích đại chúng hãy xử dụng pháp đường của chính mình. Bất kể lúc đó đại chúng có hiểu không, nhưng cho đến bây giờ chỉ thị của Dược Sơn đối với chúng ta vẫn còn hữu dụng.
(Xem thêm công án 1359)

2100.- Công đức thiên, hắc ám nữ.

Hoàng Long Huệ Nam một hôm thượng đường bảo đại chúng :
-Có một người sáng xem kinh Hoa Nghiêm, chiều coi kinh Bát Nhã ngày đêm chuyên cần không hề lười biếng.\
Lại có một người không tham thiền, không luận nghĩa, cả ngày chỉ ngủ. Hai người này đều đến đây. Một người hữu vi, một người vô vi, người nào mới đúng ?
Lâu lắm không có ai trả lời, Hoàng Long lại nói :
-Là người có trí huệ thì Công đức Thiên và Hắc ám Nữ đều không muốn.
(Công Án 100)

Hoàng Long Huệ Nam mô tả tác phong của người Hữu vi và người Vô vi rồi hỏi ai đúng ? Không ai trả lời được nên ông tự trả lời :
-Cả hai tôi đều không muốn !
Công án này bao gồm ba tầng lớp :
1. Hữu vi
2. Vô vi
3. Vượt lên hữu vi và vô vi.
Loại người 1: sáng chiều coi kinh, dụng công không lười biếng là hữu vi.
Loại người 2 : Không tham thiền, chỉ ngủ, bề ngoài thấy là lười biếng, nhưng thật ra là người đã giải thoát, có ai cần giúp thì giúp, lúc cần làm thì làm, đây là vô vi.

Hoàng Long dùng công đức thiên và hắc ám nữ để tỷ dụ.
Công Đức Thiên còn gọi là Cát Tường Thiên Nữ là em gái của tài thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tướng mạo đẹp đẽ, có thể giúp chúng sanh thành tựu công đức.
Hắc Ám Nữ còn được gọi là Đại hắc Thiên là chiến thần, mặt lộ phẫn nộ, nhe nanh cọp, có tám tay cầm võ khí, đầu lâu, rắn độc v . v . có thể hàng phục các ma, tại Thiền tông biểu thị không bị phiền não làm lay động.

Người không có trí huệ thích Công Đức Thiên và sợ Hắc Ám Nữ không biết rằng tướng mạo họ khác, nhưng bản thể thì đồng.
Người có trí huệ thì không chấp vào người nào mà vượt lên cả 2. Trong mắt Hoàng Long loại người 1 chưa tu thành, loại người 2 thì bất kể tu hành hay không, chưa ngộ hay đã ngộ ông đều coi như nhau, không vì hữu vi hay vô vi mà bị ảnh hưởng, thế mới là đại tự tại.


AToanMT
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 07 Oct 2012, 10:47 AM | Message # 408
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2101.- Sa di có chủ.

Thiếu niên Ngưỡng Sơn đến tham Quy Sơn Linh Hựu. Quy Sơn hỏi :
-Ông là sa di có chủ hay vô chủ ?
-Con là sa di có chủ.
-Chủ ở đâu ?
Ngưỡng Sơn đi từ Tây sang Đông rồi đứng lại. Quy Sơn nhận rằng ông rất khác người.
(Công Án 100)

Thường sa di phải theo Thế Độ sư, đến tròn 20 tuổi mới thọ giới Tỳ kheo nếu thầy còn đủ kiến thức để dạy thì sa di vẫn theo bên, gọi là sa di có chủ, là sa di vẫn còn dưới sự giám hộ, chăm sóc của Thế độ sư. Ngưỡng Sơn còn trẻ đã ly khai Thế độ sư đến Quy Sơn tham học, không còn ở bên Thế độ sư. Ngưỡng Sơn nói mình là sa di có chủ không phải là bảo Thế độ sư ở bên cạnh mà là biểu thị chính mình là chủ. Thông thường nhân vì Thế độ sư không hiểu phương pháp tu hành, không hiểu nghĩa lý Phật pháp nên bảo đi tìm những bậc thiện tri thức mà tu học Phật pháp.
Câu Quy Sơn hỏi : “Ông là sa di có chủ hay vô chủ” có 2 nghĩa :
1. Ông xuất gia ở đâu ? Thế độ sư là ai ?
2. Ông đã làm chủ được mình chưa ? đã chỉ huy, săn sóc, giúp đỡ được mình chưa ? đã làm chủ được thân, khẩu, ý chưa ?
Câu đáp của Ngưỡng Sơn : “Con là sa di có chủ, cũng có 2 nghĩa :
1. Con có Thế độ sư.
2. Con có thể làm chủ.
Quy Sơn lại hỏi :
-Chủ ở đâu ?
Câu này cũng có 2 ý :
1. Thế độ sư của ông ở đâu ?
2. Ông nói ông làm chủ được mình, ông chủ ấy ở đâu ?
Ngưỡng Sơn không nói dùng động tác để biểu thị mình làm chủ được mình, muốn làm gì thì làm, có thể chỉ huy an định được chính mính.
(Xem thêm công án 1018)

2102.- Trực dụng, trực hành.

Có ông tăng hỏi Đại Châu Huệ Hải :
-Làm sao để được giải thoát ?
-Vốn không có ai trói đâu cần cởi trói. Trực dụng, trực hành là chân giải thoát.
(Công Án 100)

Trong công án này một người đòi giải thoát còn một người bảo không cần giải thoát, chỉ cần lấy tâm chính trực làm chuyện chính trực thì đó là giải thoát.
Có một số người cứ nhận định rằng mình bị hoàn cảnh làm khốn quẫn, bị người làm phiền nhiễu, tự tâm mâu thuẫn buồn phiền dẫn tới bất hạnh.
Nhìn bề ngoài thì có vẻ có lý, nhưng sự thực thì hoàn cảnh làm mình khốn khổ hay chính mình tự làm khổ mình ? Vì thế Đại Châu mới nói người tu hành đừng cầu giải thoát, đừng hy vọng người nào giúp mình giải thoát, chỉ cần tâm không cầu gì, không sợ hãi gì, không lẩn tránh gì, không bị quái ngại gì thì đó là giải thoát. Quái ngại là khi chưa được, cầu được, khi được rồi lại sợ mất, hoặc cho là chưa đủ, còn muốn thêm nữa, đương nhiên là vĩnh viễn không được giải thoát. Trực dụng là chỉ các hành vi của thân và tâm vận dụng một cách hợp lý. Trực hành là các hành vi của thân, khẩu, ý chính trực không cong queo, không hoài nghi, không kiêu ngạo, không tự ty, không đố kỵ, không đắc ý v . v .

2103.- Lão tăng háo sát.

Triệu Châu Tòng Thẩm cùng chư tăng ra vườn dạo chơi, một con thỏ trông thấy kinh hãi bỏ chạy. Có ông tăng hỏi :
-Hoà thượng là bậc đại thiện trí thức, làm sao con thỏ lại sợ ?
-Vì lão tăng háo sát.
(Công Án 100)

Trong kinh Phật có chép các con vật như thỏ, bồ câu thường thân cận với Phật, không hề sợ hãi. Các vị cao tăng đại đức cũng có nhiều con vật thân cận, thậm chí còn có ác thú làm bạn hoặc làm đồ đệ. Triệu Châu là vị cao tăng đắc đạo, dĩ nhiên lòng từ bi có cảm hoá lực lớn đáng nhẽ con thỏ phải không sợ hãi mới phải chứ ?
Câu hỏi của ông tăng có thể giải thích :
1. Có thể con thỏ không sợ Triệu Châu, nhưng sợ những người đi theo ông.
2. Con thỏ không có thiện căn : sợ người, sợ vật chỉ cần gió thổi cỏ lay là đã sợ rồi, kể gì là Triệu Châu từ bi hay không từ bi.
Câu đáp của Triệu Châu cũng có 2 ý :
1. Lão tăng vốn không sát sanh, nhưng vì ông hỏi nên chỉ còn cách trả lời là thỏ sợ bị lão giết. Kỳ thật tôi giết hay không giết là chuyện của tôi, con thỏ nhận là tôi háo sát là chuyện của nó, nên nó chạy trốn.
2. Người tu hành khi khai ngộ rồi gập cảnh không khởi tâm phân biệt, không chấp vào cảnh gọi là giết cũng như Văn Thù cầm kiếm trí tuệ không chấp có không, thiện ác, ma Phật, gập bất cứ cảnh nào cũng giết đó chẳng phải là háo sát sao ? Triệu Châu cùng chư tăng đi dạo, con thỏ sợ bỏ chạy, ông tự mình nhận trách nhiệm : “Lão tăng háo sát”.
Người phàm khi gặp chuyện thường đổ trách nhiệm cho người khác chứ ít khi chịu gánh trách nhiệm .
(Xem thêm công án 2)

2104.- Mỗi ngày chỉ xem một chữ.

Triệu Châu Tòng Thẩm hỏi một ông tăng ;
-Một ngày ông xem bao nhiêu kinh ?
-7, 8 quyển hoặc 10 quyển.
-Ông không biết xem kinh.
-Sư phụ một ngày xem bao nhiêu kinh ?
-Lão tăng một ngày chỉ xem một chữ.
(Công Án 100)

Thời cổ, kinh Phật được chép trên những thanh trúc, mỗi quyển đại khái có chừng một vạn chữ. Một ngày xem 10 quyển là chính thường. Triệu Châu không cho là phải. Mỗi ngày ông chỉ xem một chữ. Chữ đó là chữ gì ?
Triệu Châu không cho biết. Nhưng Triệu Châu có lưu lại một công án “Con chó không có Phật tánh, cũng còn gọi là “Vô tự công án”. Người sau tham công án này rất kỹ, tham tới khi trong tâm không còn gì khác ngoài chữ Vô, không ngừng tự hỏi Vô là cái gì ? Đó cũng có thể coi là chỉ xem một chữ.
Một có thể nói là tâm thống nhất, không nhị dụng, nhất tâm nhất ý. Làm bất cứ việc gì cũng dùng thái độ chuyên tâm nhất ý thì sự gì làm không được ? Sự gì mà chả thành ? Lúc tu hành, tâm không phân biệt, không chấp trước, không dụng công thì nhất định sẽ khai ngộ.
(Xem thêm công án 529)

2105.- Ăn cháo chưa ?

Một ông tăng hỏi Triệu Châu Tòng Thẩm :
-Đệ tử còn mê, xin sư phụ chỉ thị.
-Ông ăn cháo chưa ?
-Dạ, đã !
-Vậy đi rửa bát đi.
Ông tăng ngay khi đó khai ngộ.
(Công Án 100)

Công án này rất nổi danh gọi là “Cháo Triệu Châu”. Lúc đó có lẽ đã quá bữa sáng và ông tăng có lẽ là từ nơi khác đến tham học. Triệu Châu chỉ hỏi một câu trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng lẽ ăn cháo và rửa bát lại có thể khai ngộ ? Lúc ăn cháo thì ăn cháo, ăn cháo xong thì rửa bát.
Đó là sinh hoạt hiện thực. Ngộ cảnh cũng không thể lìa hiện thực. Nhiều người cho rằng khai ngộ là một cái gì sâu xa không thể đo lường được, huyền diệu không thể biết hoặc nói được.
Kỳ thật trong sinh hoạt hàng ngày mỗi cử mỗi động đều là chân lý hiển lộ. Ông tăng tưởng là phải bị đánh một gậy, bị hét một tiếng, phải trải qua nhiều giai đoạn ly kỳ, thâm ảo, huyền diệu mới tới được ngộ cảnh, nào ngờ Triệu Châu chỉ dùng một câu nói giản dị, bình thường mà phiền não biến mất, ngộ cảnh hiện tiền.
Thiền là ngay trong hiện tại, hiện tại không có được, mất.
Được, mất là thuộc về quá khứ, vị lai, tuyệt đối không ở trong hiện tại.

Nếu chỉ sống trong hiện tại không tính toán, không bẻ cong nhận thức thì thấy mọi người chung quanh đều đáng yêu đều đồng cảm, đó chẳng phải là tự tại giải thoát ư ?
(Xem Thêm công án 1073)

2106.- Muỗi đốt trâu sắt.

Vân Nham Đàm Thạnh hỏi sư phụ là Quy Sơn Linh Hựu :
-Tướng mạo của Bách Trượng (sư phụ của Quy Sơn) ra sao ?
-Cao lớn hùng tráng, trước khi mở miệng không tiếng, sau khi chết không thân. Ông hãy như con muỗi đốt trâu sắt.
(Công Án 100)

Câu hỏi của Vân Nham Đàm Thạnh có nghĩa là Bách Trượng biểu hiện ra tướng Phật như thế nào ? Sau khi đáp là cao lớn hùng vĩ, Quy Sơn lại thêm khi chưa mở miệng thì không có tiếng, nhục thân chết rồi thì không còn hình thể. Tại sao lúc trước có hình dung có thanh, có sắc lúc sau lại không thanh, không sắc ?

Đây không phải là chỉ ra mâu thuẫn mà là chỉ cho Đàm Thạnh đừng chấp trước. Ông muốn tôi tả ra tướng của Bách Trượng, tôi tuy có diễn tả ra nhưng đó không phải là tâm cảnh của Bách Trượng, không phải là ngộ cảnh biểu hiện cảnh giới Phật, ông hãy như con muỗi đốt trâu sắt, không có chỗ để cắm vòi vào mà chích.
Muỗi đốt trâu sắt là một dụng ngữ của Thiền tông , có 2 ý :
1.Ngộ cảnh không thể dùng lời để diễn tả.
2.Khi chưa ngộ nên biết mục đích là con trâu sắt, mình là một con muỗi, phải cố gắng liên tục để cắm vòi vào chích. Dùng suy luận thì không thể vào, nhưng đứng về phương diện công phu thì chỉ có như thế mới đạt được mục đích. Khi dụng công không dùng sức, không mong mỏi, không chờ đợi, cuối cùng quên cả mình đang dụng công, quên cả mục đích, bỏ tất cả trong ngoài, chủ khách xuống. Đó là giác ngộ.

2107.- Tay cầm tang vật còn kêu oan.


Đại Mai Pháp Thường hỏi Mã Tổ Đạo Nhất :
-Phật là thế nào ?
-Tâm là Phật.
Vô Môn Huệ Khai có bài kệ :
Ban ngày sáng tỏ
Chớ đi tìm quanh
Lại hỏi sao thế ?
Cầm vật kêu oan.
(Xem nguyên văn chữ Hán tắc 30 trong Cửa Không Cửa)
(Công Án 100)

Hạng người này chúng ta thường thấy trong xã hội, ngay chính chúng ta cũng thuộc hạng đó.
Tự mình không làm đủ trách nhiệm lại còn nhận mình là người bị hại. Tự mình làm sai lại đổ thừa cho hoàn cảnh và người khác đúng như câu “Vừa đánh trống vừa ăn cướp”.

Ý câu nói này là phiền não là do mình tạo ra, lại còn oán trời, oán người.
Rượu không làm say người, người tự say.
Tự mình say sưa lại còn nói là bị rượu làm hại.
Ai bảo ông uống rượu ?
Rượu là chất độc.

Ông say vì ông không có cách nào tự chủ, không quản lý được chính mình. Nếu như ông quản lý được tâm mình, biết rõ mình đang nghĩ gì, làm gì ? Cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì nên muốn, cái gì không nên muốn, thì lúc đó người ta có đút tang vật vào tay ông, ông cũng không nhận, há phải đợi đi lấy trộm ?
Người ta đưa tài vật cho ông là có nguyên nhân, ông không nhận sẽ không bị phiền não.
Trên đời này có nhiều chuyện oan thật, chỉ cần có cơ hội là phải minh oan. Nhưng tay cầm tang vật mà kêu oan thì đó là lỗi ở mình, do sự sơ sót của mình, phải sám hối.
Người trí không vĩnh viễn làm sai.
Đừng đổ trách nhiệm cho người khác, đừng vu oan giá hoạ cho người thì tâm luôn luôn được bình thản.

2108.- Người mù theo người mù.

Có ông tăng hỏi Đại Điên Bảo Thông :
-Biển khổ sóng lớn, dùng thuyền bè nào để qua ?
-Lấy gỗ đóng thuyền mà qua.
-Làm vậy mà qua được sao ?
-Người mù theo người mù đi trước, người câm theo người câm đi trước.
(Công Án 100)

Ông tăng hỏi Đại Điên Bảo Thông phải dùng phương pháp nào để qua cửa sanh tử phiền não ? Chúng ta thường nghe nói Phật pháp là con thuyền từ đưa chúng sanh sang bờ bên kia. Nhưng Phật pháp là gì ? Nhiều người niệm kinh cũng chưa khai ngộ, nghe giảng Phật pháp cũng chưa lìa khổ được vui, ông tăng nghĩ nhất định phải có một cửa để qua nên hỏi Đại Điên. Đại Điên cũng không chỉ ra một phương pháp gì thần bí, kỳ lạ, chỉ thuận mồm đáp :
-Ông dùng gỗ đóng thuyền là có thể thoát được sóng lớn mà qua bờ bên kia.
Ông tăng không hiểu, nghĩ thuyền gỗ chỉ qua được biển nước, còn biển khổ làm sao qua? Thực ra, thuyền gỗ và biển khổ đều là tỷ dụ. Thuyền gỗ là chỉ Phật pháp. Phật nói tất cả các pháp đều là Phật pháp, lại nói “phi pháp, phi phi pháp là Phật pháp”, còn nói Phật chưa hề nói một pháp. Chỉ cần bỏ thuyền xuống leo lên bờ là qua được biển khổ, còn thắc mắc gì nữa ? Do đó Đại điên mới nói :
-Người mù theo người mù đi trước. Ông đã giảng rõ rồi, ai muốn qua biển khổ thì lấy gỗ đóng thuyền mà qua. Đã chỉ cho ông tăng rồi mà ông ta nhìn không thấy, chẳng là mù thì là gì ?
(Xem thêm công án 334)

2109.- Bức hoạ tổ sư.

Đời Đường, tể tướng Bùi Hưu đến Khai Nguyên tự dâng hương. Bùi Hưu chỉ bức tranh treo trên tường hỏi viện chủ :
-Vẽ gì vậy ?
-Vẽ tổ sư.
-Tranh ở đây, còn tổ sư ở đâu ?
Viện chủ không trả lời được.
(Công Án 100)

Đối thoại này như một đoản kịch. Tiếc rằng Bùi Hưu tuy thông minh nhưng không phải là một thiền sư, và viện chủ thì lại chưa khai ngộ, nếu không thì trong 2 người sẽ có một người nhân đó mà ngộ. Bùi Hưu lại hỏi trong chùa có vị thiền sư nào không xin mời ra gặp mặt. Vừa may lúc đó Hoàng Bá vừa đến quải đơn. Viện chủ bèn mời ra. Bùi Hưu lập lại câu hỏi. Hoàng Bá nói :
-Bùi Hưu.
Bùi Hưu ngay đó tỉnh ngộ. Vì sao ông ngộ ? Khi ông hỏi tổ sư ở đâu là ông tâm ông đã lìa lúc này, ở đây mà vin vào một duyên ở một thời gian khác, một không gian khác. Hoàng Bá lên tiếng gọi là kéo tâm ông trở lại, tự quán sát tự tâm mà kiến tánh. Giả sử lúc đó Hoàng Bá nói tổ sư ở Tây phương cực lạc hoặc ở một Phật quốc nào đó, thì đó chỉ là tín ngưỡng đối với Bùi Hưu không có ích lợi gì cho việc soi sáng tự tâm cả. Chỉ có cách đừng hướng ra bên ngoài, vin vào một duyên nào đó mà vọng tưởng thì mới thể nghiệm được hiện tại, vấn đề của mình còn chưa giải quyết còn hỏi những chuyện không liên quan gì đến mình làm chi ?
Bùi Hưu lúc đó bỏ xuống vạn duyên, mới thật là khai ngộ. Cao đồ gập minh sư chỉ cần điểm nhãn là rồng có thể bay lên. Nếu không phải là Bùi Hưu mà là một người khác, Hoàng Bá cũng dùng thủ pháp này thì chưa chắc người đó đã ngộ.
(Xem thêm công án 269)

2110.- Hòn đá toát mồ hôi.

Có ông tăng hỏi Thạch Sương Khánh chư :
-Thế nào là bản phận sự của hoà thượng ?
-Hòn đá còn toát mồ hôi sao ?
(Công Án 100)

Bản phận sự là thành Phật, khai ngộ, giải thoát. Hễ đã khai ngộ tất có tâm đại từ bi để quảng độ chúng sanh. Nếu như khai ngộ mà không độ chúng sanh thì không thể thành Phật. Hòn đá là vô sinh vật làm sao có thể toát mồ hôi? Đây là tỷ dụ người đã khai ngộ tuy tích cực cứu độ chúng sanh, nhưng không tưởng đến công đức quả báo, không quái ngại, không thủ xả, làm sao còn có cái gì gọi là bản phận sự ? người đó và bản phận sự đã hợp thành một.
Một ngày làm hoà thượng đánh chuông gõ mõ là bản phận sự trước mắt, làm gì làm cho hết sức là bản phận sự. Làm việc thiện không cần cho ai biết, bố thí chẳng cần hồi báo vì làm thiện, bố thí là bản phận sự của Phật tử. Chung cực của bản phận sự là thành Phật. Thạch Sương bảo hòn đá không thể toát mồ hôi là dạy chúng ta tận tâm tận lực mà làm, tâm không mong thành tựu, chờ đợi gì, nếu không sẽ gập phiền não.
(Xem thêm công án 392, 2073)

2111.- Dã hồ tinh.

Đời Đường, Đại Nhĩ Tam Tạng từ Ấn Độ tới Trung Hoa tự xưng đắc tha tâm thông. Đường Túc Tông yêu cầu quốc sư Huệ Trung trắc nghiệm. Quốc sư hỏi 2 lần “Tâm lão sư đang ở đâu ?” Đại Nhĩ Tam Tạng đều đáp trúng, một lần ở Tứ Xuyên, một lần ở Thiên Tân kiều. Quốc sư hỏi lần thứ 3, Đại Nhĩ Tam Tạng yên lặng không đáp được. Quốc sư mắng :
-Dã hồ tinh ! Tha tâm thông của ngươi ở đâu ?
(Công Án 100)


Thiền tông không phủ nhận thần thông, nhưng cũng không vận dụng thần thông để mê hoặc người, bành trướng thế lực.
Thần thông có thực, có giả.
Mặc kệ là thật hay giả cũng không thể đi ngược lại luật nhân quả.
Dù có thể dùng thần thông để ích lợi nhất thời, nhưng hậu quả phải gánh sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

(Xem thêm công án 388, 1636)

2112.- Long Đàm thổi tắt đèn.

Khi Đức Sơn cáo lui, ra ngoài thấy trời tối bèn quay lại thưa với Long Đàm :
-Bên ngoài trời tối quá !
Long Đàm đốt đèn lên trao cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa giơ tay ra, Long Đàm bèn thổi tắt phụt đèn.
(Công Án 100)

Bất kể chúng ta đang ở đâu, nên nhận định mình ở hoàn cảnh nào ? trạng huống mình ra sao? không so sánh mình trong quá khứ và hiện tại, cũng không so sánh mình với người, vì sẽ sinh ra tự tôn hoặc tự ty, vĩnh viễn bị ngoại cảnh ảnh hưởng, không làm chủ được mình. Mình là sao thì là vậy. Ngoài trời tối, có đèn thì càng tốt, không có đèn cũng chẳng sao. Vượt lên sáng tối, đối lập mới thật là giải thoát tự tại.
(Xem thêm công án 1989)

2113.- Có đủ tất cả.

Đại Châu Huệ Hải hỏi Mã Tổ Đạo Nhất về Phật pháp. Mã Tổ nói :
-Tâm có đủ tất cả, không thiếu thốn gì, xử dụng thoải mái, việc gì phải tìm kiếm ở bên ngoài?
(Công Án 100)

Trong tâm mỗi người đều có đầy đủ điều kiện để thành Phật, không phải tìm Phật pháp ở bên ngoài. Khi sư phụ dẫn vào cửa, phương pháp là do sư phụ chỉ, nhưng khai ngộ là phải nhờ vào chính mình, vào sự dụng công của chính mình. Vốn không có gì gọi là cửa, nỗ lực là cửa, làm sao nỗ lực ? Bỏ xuống cái tâm chấp ngã, tự tư, phiền não, tìm cầu thì có thể kiến tánh thành Phật.

2114.- Đạp đổ tịnh bình.

Có người đến gặp Bách Trượng , muốn kiếm một người trong đám môn hạ, thích hợp để làm trụ trì một quả núi. Bách Trượng chọn Quy Sơn thay vì toạ chủ Hoa Lâm. Hoa Lâm không phục. Bách Trượng chỉ tịnh bình đặt trên đất bảo :
-Không gọi là tịnh bình thì gọi là cái gì ? Ai đáp trúng thì sẽ được làm trụ trì.
Hoa Lâm đáp :
-Không gọi là tịnh bình, cũng không gọi là khúc gỗ.
Bách Trượng lại hỏi Quy Sơn. Quy Sơn không đáp, đạp đổ tịnh bình, đi ra.
Bách Trượng cười bảo :
-Hoa Lâm ! Ông đã thua một toà núi rồi.
(Công Án 100)

Câu đáp của Hoa Lâm không sai vì tịnh bình và khúc gỗ là 2 vật khác loại. Quy Sơn vì không nghĩ đến làm trụ trì một toà núi, không cần biết tịnh bình gọi là gì, không sợ được thua, trong tâm ông chuyện đó là dư thừa, nên đạp đổ là xong.
Phản ứng này là của người trí. Người hoạn đắc, hoạn thất trong tâm phản ứng sai lệch. Đem cái tâm sai lệch đó quan sát hiện tượng thì dĩ nhiên sẽ cho ra những nhận thức sai lệch, không thể khách quan.
(Xem thêm công án 210)

2115.- Không mang gì đến.

Nghiêm Dương hỏi Triệu Châu Tòng Thẩm :
-Con không mang gì đến thì thế nào ?
-Ông hãy bỏ xuống đi !
-Con đã không mang vật gì đến, hoà thượng bảo con bỏ xuống cái gì ?
-Ông đã không bỏ xuống được thì mang nó đi.
Nghiêm Dương ngay đó đại ngộ.
(Công Án 100)

Nhiều người được sanh ra trong gia đình giàu có, đẹp trai, học giỏi. Lại có nhiều người khác sanh ra trong gia đình nghèo khó, xấu trai, học dốt. Đây chẳng phải là do phúc báo, khổ báo ư ? Nhưng chấp vào nghiệp báo là vẫn còn chấp, là không bỏ xuống được, là phiền não, là căn nguyên của thống khổ.
Người có trí tuệ thì nhận định rằng khi chúng ta sanh chúng ta đến với hai bàn tay không, khi chết chúng ta cũng ra đi với hai bàn tay không, chúng ta chẳng mang gì đến cũng chẳng mang được gì đi.

Cũng không để niệm trước dắt niệm sau. Trong sinh hoạt hãy làm hết sức mình, tận hiến hết sức mình. Có thể nhấc lên, cũng có thể bỏ xuống. Nếu làm được như vậy thì phiền não, đau khổ, hối hận, khát vọng, lo lắng v . v . đâu còn làm phiền chúng ta được nữa ? Câu hỏi của Nghiêm Dương có 2 ý :
1.Thế nào là không mang một vật gì đến.
2.Nếu đã tu hành tới trình độ không mang một vật gì tới, tức đã khai ngộ rồi, còn người chưa khai ngộ thì sao ? Nghĩa là ông đem cái tâm chưa ngộ muốn biết cái tâm khai ngộ như thế nào ? Câu hỏi của Nghiêm Dương cho thấy ông còn bị tự ngã làm phiền não. Do đó, Triệu Châu khai thị cho ông :
-Ông hãy bỏ xuống đi !
Ý Triệu Châu là ông hãy bỏ cái vấn đề “mang tới hay không mang tới cái gì “ xuống đi. Nhưng Nghiêm Dương vẫn chưa hiểu :
-Nếu con không mang gì tới thì đâu cần phải bỏ xuống ? Rõ ràng là ông không biết phải bỏ xuống cái gì ? làm sao bỏ xuống ? Triệu Châu lại giúp ông :
-Được rồi ! Ông không bỏ xuống được thì hãy mang nó đi.
Cuối cùng Nghiêm Dương đã khai ngộ. Hiểu được ý của Triệu Châu :
-Nếu ông không bỏ xuống được thì ông đã biết không bỏ xuống được cái gì ? Vậy thì hãy mang nó đi.
Nghiêm Dương nghĩ lại: Nếu đã không mang gì đến, cũng không cần mang gì đi, như người đang bệnh tự nhiên khỏi.
(Xem thêm công án 1)

2116.- Xuống núi làm trâu.

Nam Tuyền sắp lìa đời, chúng đệ tử hỏi :
-Hoà thượng qua đời rồi đi đâu ?
-Tôi xuống núi làm một con trâu.
Có ông tăng hỏi :
-Con có thể theo hoà thượng xuống núi không ?
-Nếu ông muốn theo tôi thì ngậm theo một bó cỏ.
(Công Án 100)

Sư phụ muốn xuống núi làm trâu, đệ tử không hiểu mình có đi theo được không ?Câu đáp của Nam Tuyền có nghĩa là tâm ông còn quái ngại, chưa bỏ xuống được nghiệp chướng thì không thể tự do đến đi siêu thoát được. Nam Tuyền không phải đã tạo nghiệp ác mà làm trâu. Vì có người hỏi chết rồi ông đi đâu nên ông mới thuận mồm nói xuống núi làm trâu. Đây không phải là dự ngôn mà làm gì cũng được. Dưới con mắt thiền thì làm một vị Bồ tát hoặc làm trâu đều như nhau không khác. Nam Tuyền đi đâu là do nhân duyên chỗ nào cần ông tới thì ông sẽ tới, tuỳ duyên độ chúng, cùng loại biến hoá, tuỳ nơi mà thị hiện. Ở trong loài người có thể làm quốc vương, phú ông, ăn mày, thục nữ . . . Tất cả đều không sắp đặt trước, không nhất định phải làm gì, không làm gì. Ông muốn đả phá quan niệm của một số người cho rằng cao tăng chuyển thế nhất định sẽ làm một vị cao tăng hoặc vãng sanh tịnh độ. Đó là còn có ngã, có niệm, có tướng là còn chấp, vì thế khi đệ tử hỏi có đi theo được không là còn chấp. Sư phụ đã ngộ làm trâu là tuỳ loại ứng hoá, đệ tử chưa ngộ làm trâu là tuỳ nghiệp thọ báo.
(Xem thêm công án 1149)

2117.- Nói giống một vật là không trúng.

Nam Nhạc Hoài Nhượng tham phỏng Lục tổ Huệ Năng, tổ hỏi :
-Ông từ đâu tới ?
-Con từ Tung Sơn Lão An hoà thượng tới.
-Là vật gì ? Làm sao tới ?
Hoài Nhượng không trả lời được, ở lại tu học. Tám năm sau mới khai ngộ, thưa với Lục tổ :
-Con nghĩ ra rồi.
-Thế nào ?
-Nói giống một vật là không trúng.
(Công Án 100)

Nam Nhạc Hoài Nhượng là một trong 2 đại đệ tử của lục tổ Huệ Năng, vị kia là Thanh Nguyên Hành Tư. Câu hỏi của Lục tổ có nghĩa là “Khi cha mẹ chưa sinh ra thì ông là vật gì “ Nếu theo thường tình thì sẽ đáp :
-Con tên Hoài Nhượng, từ Tung Sơn Lão An tới.
Là được rồi. Nhưng ông biết đây không phải là những gì Lục tổ muốn hỏi. Tám năm sau cuối cùng đã khai ngộ ông mới đưa ra câu trả lời :
-Nói giống một vật là không trúng !
Ý là từ kinh nghiệm nội chứng tự do tự tại, không, rộng sáng, tĩnh không một vật, nhưng chứa vạn vật, dù nói thế nào, mô tả thế nào cũng không thể hình dung ra được. Nói tự mình là cái gì hoặc không là cái gì đều sai vì mọi dạng đều không phải, mọi dạng đều phải. Nói mình từ đâu, làm sao tới hoặc không từ đâu, không làm sao tới đều sai, vì bản tánh mình và chư Phật không những tương thông mà còn tương đồng. Làm gì còn vấn đề đến đi gì nữa ?
Người khai ngộ là người mà vị Phật ngủ yên trong tâm thức dậy, phát hiện rằng mình vốn không lìa mình thì làm gì có đến đi. Chưa ngộ và khi đã ngộ sự thể nghiệm hoàn toàn bất đồng, còn gọi tên là gì ư ? Vị Phật ấy không có hình tượng không thể miêu tả, không thể hình dung chỉ có thể thể hội. Nếu có thể thể hội trong tâm không có phiền não không có đến đi, được mất, không có chấp trước thì đó là ngộ cảnh chân chính.
(Xem thêm công án 369)

2118.- Hòn đá trong tâm.

La Hán Quế Khâm chỉ một hòn đá hỏi Pháp Nhãn Văn Ích :
-Các vị tổ sư đều nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, theo ông thì hòn đá này ở trong tâm hay ngoài tâm ?
-Ở trong tâm.
-Ông ném hòn đá đó vào tâm để làm gì ?
(Công Án 100)

Tam giới duy tâm là nói tất cả mọi người, mọi sự, vật đều từ tâm xuất hiện, lại quay trở về tâm. Ngày nghĩ gì thì đêm mộng thấy cái ấy, đó là duy tâm. Làm việc thành công là do để hết tâm vào mà làm đó là duy tâm.Chữ pháp trong vạn pháp duy thức là chỉ tất cả mọi hiện tượng bất luận sinh lý, tâm lý, vật lý đều nhân nhận thức, chấp trước phân biệt tích tụ lại mà thành nghiệp thức.
Nếu một người không có tự ngã làm trung tâm chấp trước thì bất cứ hiện tượng nào dù tồn tại thì đối với người ấy cũng như không tồn tại. La Hán dùng câu này để giúp Pháp Nhãn khai ngộ. Bất kể Pháp Nhãn trả lời thế nào cũng không tránh khỏi bị mắng. Quả nhiên Pháp Nhãn nghe sư phụ hỏi, bèn động niệm trả lời :
-Nếu đã là tam giới duy tâm thì hòn đá dĩ nhiên ở trong tâm.
Câu trả lời này vừa đúng, vừa sai. Đúng vì tam giới duy tâm, sai vì không thể ném hòn đá đó vào tâm được.
Do đó La Hán cho ông một gậy :
-Ông ném hòn đá đó vào tâm để làm gì ?
Bình thường hình dung tâm có đeo một hòn đá là biểu thị lo âu, sợ hãi, bất an. Tuy Pháp Nhãn không có ý này, nhưng câu đáp đã sai rồi. Hòn đá là hòn đá làm sao ném vào tâm được ? “Tâm” trong tam giới duy tâm là nói có chấp trước.
Nói hòn đá trong tâm là chấp có hòn đá, phân biệt có hòn đá, đó không phải là cảnh giới khai ngộ. Nếu không có tính toán, phân biệt được mất, lợi hại, phiền não, chấp trước thì trong tâm chẳng có hòn đá nào cả.
(Xem thêm công án 1026)

2119.- Đãi gạo.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn ở nơi Động Sơn Lương Giới coi việc bếp nước. Một hôm đang sàng gạo, Động Sơn đến hỏi :
-Ông đãi gạo bỏ cát hay đãi cát bỏ gạo ?
-Gạo và cát đều bỏ.
-Vậy đại chúng lấy gì ăn ?
Tuyết Phong không nói, lật đổ sàng gạo.
(Công Án 100)

Theo thường thức gạo có thể ăn nên giữ lại, cát không thể ăn nên bỏ đi. Đây là một cặp đối đãi có không, thiện ác. Động Sơn dĩ nhiên là biết điều này, nhưng vẫn cố hỏi để trắc nghiệm xem trình độ Tuyết Phong đến đâu. Tuyết Phong liền đáp :
-Gạo và cát đều bỏ.
Rồi sau đó ông lật đổ sàng gạo. Cử động này không phải là ông chống đối sư phụ mà là diễn tả tâm cảnh của ông đã vượt lên đối đãi ăn được và không ăn được, không bị ăn được và không ăn được làm cho tâm bị phiền não.
(Xem thêm công án 624, 2000)

2120.- Thai trâu sanh voi.

Có ông tăng hỏi Vĩnh Minh Diên Thọ :
-Học nhân ở đây đã lâu mà vẫn không biết thế nào là gia phong của Vĩnh Minh.
-Ông hãy từ chỗ không hiểu mà hiểu.
-Đã không hiểu làm sao hiểu ?
-Thai trâu sanh ra voi, biển xanh dậy bụi hồng.
(Công Án 100)

Rất nhiều người cho rằng cảnh giới khai ngộ rất phi thường thâm ảo, huyền diệu; kỳ thực không phải vậy. Nếu bỏ xuống được hết tâm tìm cầu, lo lắng, chờ đợi thì đó là ngộ cảnh. Ông tăng theo học đã lâu nhưng vẫn không biết Vĩnh Minh truyền thiền pháp gì ? Vĩnh Minh cho ông biết nếu ông đã không hiểu, vậy thì cứ không hiểu là được rồi. Nhưng ông tăng vẫn không hiểu nên Vĩnh Minh đành nói :
-Tôi nói chuyện với ông như đem đàn gảy tai trâu, như thai trâu sanh voi, như biển xanh dậy bụi hồng. Câu ông hỏi giống như vô sự mà tạo ra có sự. Cái ông muốn hỏi như lông rùa, sừng thỏ, vốn không tồn tại, nếu ông còn chưa hiểu thì hãy thử nghĩ coi thai trâu có thể sanh ra voi ư ?

2121.- Phiền não tức bồ đề.

Lục tổ Huệ Năng nói :
-Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức bồ đề.
(Công Án 100)

Niệm trước chấp cảnh sanh ra những cảm thọ tốt, xấu hoặc những phản ứng khác thì đó là phiền não. Nếu chuyển niệm, niệm sau lìa mọi phân biệt, chấp trước, tính toán của niệm trước thì đó là trí tuệ. Tựa hồ như lìa phiền não là được bồ đề, kỳ thực phiền não và bồ đề đều cùng một thể, đều là tác dụng của tâm. Hãy lấy một ví dụ khi ta đi đường gặp một quả núi chắn ngay trước mặt (phiền não). Trong ví dụ này ta có thể rút ra 2 điểm :
1. Không có chuyện gì là không giải quyết được. Nếu không thể trèo qua núi thì ta tìm đường đi vòng qua ngọn núi, hoặc một con đường khác (bồ đề).
2. Không vì thiếu tôi, thiếu ông mà chuyện không thể làm được (vô ngã). Các người khác có thể tìm ra những cách khác nhau để vượt qua.

2122.- Hai gương chiếu nhau.


Có ông tăng hỏi Giáp Sơn Thiện Hội :
-Khi hai gương chiếu nhau thì thế nào ?
-Trai thì hiến hạt châu, rồng thì khạc hạt châu trong bụng ra.
(Tứ Lý Thiền)

Hai gương chiếu nhau là dụ cho nhận thức tự nhận thức. Nhận thức là gì ? là tôi xem tôi. Cái tôi nào (chủ thể) nghiên cứu cái tôi nào (đối tượng) ? Mã Tổ nói :
-Đây là đem tất cả tài sản mình có quăng bỏ đi, lại đi tìm tài vật ở bên ngoài.
Giáp Sơn thì đưa ra hình ảnh trai và rồng hiến châu. Đây là chuyện khiến người ta khó mà lãnh hội, nếu đã rõ rồi thì vẫn là câu : Mặt trời còn cần ánh nắng soi sáng nó sao?

2123.- Nhàn nhã trong bận rộn.

Có ông tăng hỏi Giáp Sơn Thiện Hội :
-Làm sao nhận biết của báu nhà mình ?
-Nhàn nhã trong bận rộn.
(Tứ Lý Thiền)

Câu hỏi của ông tăng là làm sao nhận ra tự tánh ? Thiền tông nhận định rằng không thể dùng nhận thức để đạt được cảnh giới tối cao, bỏ nhận thức xuống là đã ở cảnh giới đó rồi.

2124.- Tre dài, tre ngắn.

Thuý Vi bảo Thanh Bình :
-Đợi không có người tôi sẽ bí mật truyền Phật pháp cho ông.
Thanh Bình đợi một lúc, nhìn quanh không có ai , bèn thưa :
-Sư phụ, hiện không có ai, xin sư phụ truyền pháp cho con.
Thuý Vi không nói một lời dẫn Thanh Bình ra vườn. Thanh Bình lại thưa :
-Sư phụ ! Chỗ này không có người, xin sư phụ truyền pháp cho con đi.
Thuý Vi chỉ bụi tre bảo :
-Ông hãy chú ý coi, chỗ này tre ngắn, chỗ kia tre dài.
(Tứ Lý Thiền)

Chân lý là cái gì ? Không ai nói ra được rõ ràng, nhưng không chỗ nào không có nó. Chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày trong mỗi cử động, hoặc trong tự nhiên, một cây, một cỏ lãnh hội được ý vị của chân lý không ?
Cây tre này dài, cây tre kia ngắn đối với bất cứ người thường nào thì cũng là một nhận thức thực tế đâu có gì là lạ ? Chính điểm này bao dung toàn bộ chân lý. Chúng ta hãy từ những điểm nhỏ nhặt này mà tiến vào cửa chân lý.
(Xem thêm công án 85)

2125.- Núi lớn tốt.

Có ông tăng hỏi thiền sư Duy Khoan :
-Thế nào là Đạo ?
-Núi lớn tốt .
-Con hỏi Đạo sao thiền sư lại đáp núi lớn tốt ?
-Ông chỉ biết núi lớn tốt, làm sao hiểu Đạo ?
(Công Án 100)

Ông tăng hỏi Duy Khoan là muốn biết tin tức về Đạo. Lúc đó hoặc Duy Khoan trông thấy núi hoặc nghĩ tới núi nên thuận miệng nói ra :
-Núi lớn tốt.
Câu nói này bản thân vô ý nghĩa, nhưng đáp trúng. Đạo chẳng lìa bất cứ thời gian, không gian nào, thuận tay chỉ bất cứ cái gì cũng là Đạo. Đạo bản thân không là một vật cụ thể, nhưng cũng không lìa vật cụ thể.
Cho nên khi ông tăng hỏi Đạo là gì, vì thiền sư nói là núi lớn tốt, thì làm sao ông khai ngộ được ? Đạo chỉ có tự mình thể hội, không ai có thể bảo cho mình biết Đạo là thế nào, dù có nói cũng chỉ là phí lời, ông không thể tìm được tin tức gì trong đó.
Thiền sư dùng một động tác hoặc một lời dường như không liên quan gì để tạo nên một loại thể nghiệm hoặc phản ứng tâm lý, có thể xúc tiến việc khai ngộ của ông tăng. Đó là tinh tuỷ của công án này. (Xem thêm công án 621)

2126.- Một cọng cỏ.

Triệu Châu Tòng Thẩm thượng đường nói :
-Như minh châu trong lòng bàn tay : hồ đến hồ hiện, Hán đến Hán hiện. Lão tăng lấy một cọng cỏ làm kim thân trượng sáu, lấy kim thân trượng sáu làm một cọng cỏ. Phật là phiền não, phiền não là Phật.
Lúc đó có một ông tăng bước ra hỏi :
-Không biết Phật là phiền não của nhà nào ?
-Là phiền não của tất cả mọi người.
-Làm sao để trừ ?
-Trừ để làm gì ?
(Công Án 100)

Câu chuyện này là để phá trừ những cặp đối đãi lớn nhỏ, phàm thánh, trí ngu. Bất kể Hồ, Hán tới minh châu không bị ảnh hưởng gì. Minh châu vẫn là minh châu.
Câu Triệu Châu nói về cọng cỏ và pháp thân Phật là chỉ rằng các pháp đều bình đẳng, không khởi tâm phân biệt, chấp trước. Nếu chấp pháp thân Phật là kim thân trượng sáu là còn phiền não. Ngoài ra vì các pháp đều bình đẳng nên Phật là phiền não.
Chấp Phật là phiền não, không chấp Phật là không tin Phật cũng là phiền não. Lúc đó, ông tăng hỏi Phật là phiền não của ai ? Triệu Châu đáp Phật làm cho mọi người phiền não. Ý là vì có quan niệm Phật khiến cho mọi người chấp do đó bị phiền não. Còn một ý nữa là chúng sanh tự mình đã là Phật nhưng nhiều người chưa biết điều này do đó phiền não do tự tâm sinh ra cũng như Phật chấp phiền não cho chúng sanh. Ông tăng lại hỏi làm sao để trừ phiền não. Triệu Châu bảo :
-Không cần phải trừ, chỉ cần không chấp nó là được rồi. Nếu ông muốn trừ phiền não thì lại tăng thêm một tầng phiền não nữa. Nếu mặc kệ nó, vượt lên nó thì cả Phật và phiền não đều tan biến. (Xem thêm công án 723)

2127.- Tâm giữ tĩnh là bệnh.


Ngưu Đầu Pháp Dung nói :
-Giữ cho tâm tĩnh là còn bị bệnh.
(Công Án 100)
Phật giáo Trung Quốc có 2 định nghĩa về Thiền :
1.Do tĩnh toạ vào thiền định : đó là thiền tiểu thừa, là giữ tâm cho tĩnh : ninh tĩnh, an tĩnh, bình tĩnh. Giai đoạn thô thiển gọi là tĩnh toạ, thâm sâu hơn gọi là thiền định.
2.Thiền ngộ : không nhất thiết phải ngồi thiền, chỉ cần bỏ xuống mọi chấp trước, mong cầu, khiến tâm được an định.
Bệnh là gì ? nếu tâm an tĩnh nhưng chưa sáng, nếu có rối ren phát sinh tâm sẽ bị ảnh hưởng, xao động. Do đó, không lạ khi những người giữ tĩnh thích độc cư nơi vắng vẻ, xa lánh mọi người. Những người này dù vào được định nhưng khi xuất định vẫn không tránh được phiền não. Khi gặp hoàn cảnh được, mất xung đột thì tham, sân, si lại xuất hiện.
Vì vậy Pháp Dung bảo những người này chưa lìa bỏ được phiền não. Thiền tông tuy nhận toạ thiền là một phương pháp tu hành, nhưng lại càng quý trọng những người tham thiền ở ngã tư đường hơn. Thân ở nơi náo loạn mà tâm không bị ảnh hưởng đó mới là thiền ngộ.

2128.- Không vì trời, người mà tới.

Có lần Động Sơn Lương Giới đi hành cước, bị lạc đường ở núi Long Sơn, gập được Long Sơn hoà thượng. Động Sơn hỏi :
-Núi này không có đường vào, hoà thượng làm sao vào được ?
Hỏi ba lần Long Sơn đều đáp không biết, Động Sơn chất vấn :
-Vì sao hoà thượng không biết ?
-Tôi không phải vì trời, người mà tới.
(Công Án 100)

Đây là đoạn đối thoại rất trí tuệ của hai vị thiền sư đã khai ngộ. Long Sơn là tên núi, Động sơn cũng là tên núi. Động Sơn đến Long Sơn thấy cây cối rậm rạp nên hỏi Long Sơn từ đường nào vào núi. Sự thật thì khi Động Sơn vào núi cũng chẳng thấy đường nào, ông đã biết nhưng vẫn hỏi để trắc nghiệm xem Long Sơn có phải là một vị cao tăng hay không ? Long Sơn đáp :
-Tôi không phải là mây, nước. (vân thuỷ : chỉ ông tăng đi hành cước
Mây trên trời theo gió trôi, nước dưới đất theo dòng chẩy.
Ý nói không có chỗ trú nhất định, cũng có nghĩa chẳng tới, chẳng đi.
-Nếu hoà thượng không đi hành cước thì trú ở núi này đã bao lâu rồi ?
-Xuân, Thu chẳng kể.
Ý nói ông đã vượt qua thời, không; đây không phải là nói nhục thân ông không già mà là cảnh giới giác ngộ của ông không liên quan gì đến thời, không.
Động Sơn lại hỏi để xem ông ngộ thật hay giả :
-Ngọn núi này ở đây trước hay hoà thượng ở đây trước ?
-Không biết.
-Vì sao hoà thượng không biết ?
-Tôi không vì trời, người mà tới.

Chỉ có trời và người chưa ngộ mới tính toán thời gian. Ngộ cảnh vượt lên thời, không cho nên không rơi vào tầng trời người. Người chưa giải thoát không biết cảnh giới siêu thoát thời, không như thế nào, có nói ra cho họ thì cũng như là không nói. Đối với người đã ngộ trả lời không biết dường như là ngu mà thực ra là đại trí.
(Xem thêm công án 953, 2090)

2129.- Đại cơ đại dụng.

Một hôm Quy Sơn bảo các đồ đệ :
-Có nhiều người chỉ được đại cơ, không được đại dụng.
Ngưỡng Sơn đem câu nói này hỏi một vị am chủ ở dưới núi :
-Lão hoà thượng nói câu này là ý gì ?
-Ông nhắc lại coi. Ngưỡng Sơn mở miệng định nhắc lại, am chủ đạp cho một đạp ngã lăn trên đất. Ngưỡng Sơn về báo cáo lại cho Quy Sơn. Quy Sơn cười ha hả.
(Tứ Lý Thiền)

Các chướng ngại tâm lý ảnh hưởng đến sự phát huy trí thức. Nếu một người có thể buông bỏ tất cả xuống thì sẽ cảm thấy mình đột phá được những chướng ngại tâm lý. Cơ dụng của thiền là như thế.

2130.- Căn nguyên của Phật pháp.

Hà Dịch Thần Hội hỏi Lục tổ Huệ Năng :
-Phật pháp khởi từ đâu ?
-Từ tâm chúng sanh.
(Công Án 100)

Hà Dịch Thần Hội là một chú sa di nhỏ tuổi rất được Lục tổ coi trọng. Câu hỏi của Thần Hội có nghĩa là căn nguyên của thiền pháp cũng là trí tuệ, niết bàn, giải thoát, lìa khổ được vui là gì ? Nói cách khác, Phật pháp có thể dùng để thấy được khổ não của chúng sanh đồng thời vận dụng để được giải thoát, tự tại, từ đâu ra ?
Nhiều người cho rằng Phật pháp là những lời dạy của Đức Phật, nhưng Lục tổ Huệ Năng lại bảo Phật pháp xuất phát từ tâm chúng sanh. Vậy chúng ta hãy xét tâm Phật và tâm chúng sanh để hiểu cho rõ.
Tâm Phật ổn định và bất động nên là trí tuệ, còn tâm chúng sanh khởi phục bất định nên là phiền não.
Ổn định và bất động của trí tuệ có công năng soi chiếu. Khởi phục bất định của phiền não sanh ra những hiện tượng tâm lý như, nhân ngã, đúng sai, được mất v . v .
Tâm Phật và tâm chúng sanh đồng thể lưỡng diện. Chỉ cần tâm phiền não bất động thì tâm trí tuệ hiển hiện, tương tự như mặt biển khi lặng yên có thể phản chiếu mọi hình tượng, nhưng khi có gió thổi, sóng dậy thì không phản chiếu được gì.
Chỉ cần chúng sanh có thể giữ cho tâm được bình tĩnh, an định không bị hoàn cảnh ảnh hưởng thì trí tuệ tương đồng với chư Phật hiển hiện. Do đó, Phật pháp không do bên ngoài đưa tới mà do trong tâm mỗi chúng sanh đã có Phật pháp hiện thành. Bởi vậy có thể nói :
“Chúng sanh là chúng sanh ở trong tâm của chư Phật, Chư Phật là chư phật ở trong tâm của chúng sanh. Tâm Phật và tâm chúng sanh tâm tâm tương thông. Chư Phật đã khai ngộ nên tâm an định không bị gió thổi làm lay động. Chúng sanh còn chấp mê chưa ngộ nên còn theo tình huống khởi phục làm mình bị khốn và đồng thời làm khốn người khác.


AToanMT
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 07 Oct 2012, 11:06 AM | Message # 409
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
2131.- Chẳng động môi họng.

Bách Trượng Hoài Hải thượng đường yêu cầu đại chúng :
-Các ông không được động môi, họng. Nói mau ! Nói mau !
Quy Sơn Linh Hựu bước ra thưa :
-Con không nói, mời sư phụ nói.
-Nếu tôi nói cho ông nghe thì về sau không còn con cháu nữa.
(Công Án 100)

Hai thầy trò nói gì vậy ? Thầy muốn trò không dùng lời mà nói, trò rất thông minh, thầy đã không cho dùng lời vậy con không dùng lời, mời thầy nói đi. Bách Trượng bảo nếu tôi nói ra thì sau này không còn Thiền tông nữa. Thế là thế nào ?
Công án này cho chúng ta biết chân lý không thể dùng lời mà diễn tả ra được. Trong kinh Phật nói không thể nghĩ bàn là chỉ chân lý tuyệt đối. Người trí thì nhận định rằng không có một lời nhất định nào để nói về chân lý, cũng không có một chân lý nhất định nào để giảng. Bởi vì dùng lời để nói ra thì chân lý không còn là chân lý nữa. Nếu ta giơ một bông hoa lên bảo mọi người mô tả, thì lời của mỗi người mỗi khác. Đó là vì mọi người có hoàn cảnh, trình độ, tư chất v . v . khác nhau. Vì vậy chúng ta có thể rút ra một điều là trong sinh hoạt chúng ta nên tôn trọng ý kiến của người khác, đừng bắt người nào phải cảm nhận, suy nghĩ giống như mình.

2132.- Ép dân lành làm giặc.

Động Sơn Lương Giới tới tham Nam Tuyền Phổ Nguyện gập đúng ngày kỵ Mã Tổ. Nam Tuyền bảo đại chúng :
-Ngày mai cúng chay Mã Tổ, không biết Mã Tổ có tới không ?
Đại chúng không ai trả lời được. Động Sơn nói :
-Đợi có bạn sẽ tới.
Nam Tuyền khen :
-Ông tuy là hậu sanh, nhưng là ngọc có mài dũa.
-Hoà thượng đừng ép người dân lành làm giặc .
(Công Án 100)

Thiền tông vẫn giữ tập tục văn hoá, đến ngày kỵ của lão sư, đều làm bữa cơm chay cúng, giữ tập tục nhưng không chấp, vô tướng, vô ngã. Nam Tuyền nhân ngày kỵ Mã Tổ đề ra vấn đề này. Mã Tổ đã ngộ đạo há cần người sau cúng ? Tăng chúng nghĩ nếu đã cúng sao còn hoài nghi Mã Tổ không đến ? Do đó không trả lời được.
Đối với những người đã ngộ thì các nghi thức không cần thiết, nhưng đối với những người chưa ngộ thì đó là một nhu cầu.
Động Sơn Lương Giới đã khai ngộ nên đáp :
-Mã Tổ không đến một mình, đợi có bạn sẽ tới.
Mã Tổ đã khai ngộ, giải thoát, nếu còn ỷ lại vào bạn thì không phải là Mã Tổ nữa. Câu nói này có nghĩa Mã Tổ không thể đến, cũng có thể nói là vấn đề đến hay không đến không được đặt ra. Nam Tuyền nghe nói liền khen ngợi vị hậu sanh khả uý này.

2133.- Ở mọi nơi thì hoả táng còn ở đây thì chôn sống.

Hoàng Bá dẫn tăng chúng ra vườn trà cuốc đất, thấy Lâm Tế chống cuốc liền hỏi :
-Ông mệt lắm hả ? Sao không làm việc ?
-Con vừa mới tới, làm sao đã mệt ?
Hoàng Bá biết Lâm Tế muốn quẫy nhiễu, liền giơ gậy lên đánh. Lâm Tế nắm lấy gậy, thuận tay đẩy lão sư ngã lăn cù trên đất.
Hoàng Bá kêu lên :
-Duy Na, mau đỡ tôi dậy.
Duy Na chạy lại vừa nâng Hoàng Bá dậy vừa lẩm bẩm :
-Cái gã Lâm Tế khùng này, thực hết nói, dám đẩy ngã phương trượng, phải đuổi gã ra khỏi sơn môn mới được !
Nào ngờ Hoàng Bá lại đánh Duy Na. Lâm Tế đứng bên cuốc vài nhát nói lời điên khùng :
-Ở các nơi thì hoả táng, còn ở đây thì chôn sống.
Ông dùng cuốc không phải để trồng trà mà là chuẩn bị chôn sống Hoàng Bá.
(Công Án 100)

Công án này cho chúng ta biết điều gì ? Tâm Lâm Tế đã tự tại, độc lập, siêu thoát, hy vọng được Hoàng Bá kiểm nhận. Nếu Hoàng Bá không chấp nhận thì là công phu chưa đủ, còn phải cố gắng thêm. Do đó, mới hướng Hoàng Bá thỉnh giáo. Sư phụ đánh ông, ông nắm lấy gậy, đẩy ngã sư phụ. Nếu là người khác thì có can đảm làm việc này không ?
Ý Lâm Tế là : đánh con không phải là biện pháp, không có công dụng gì, con không cần phải đánh. Do đó, đẩy ngã sư phụ để biểu lộ tâm cảnh. Nếu Lâm Tế giả ngộ thì sẽ lộ ra tỳ vết và Hoàng Bá sẽ tiếp tục đánh. Nhưng kết quả là Hoàng Bá lại đánh Duy Na. Duy Na không hiểu vì không biết chuyện gì đã xẩy ra giữa Hoàng Bá và Lâm Tế. Hoàng Bá đánh để ông hiểu rõ sự tình. Câu của Lâm Tế có nghĩa là: tôi đã tự do, tự tại không còn ỷ lại vào sư phụ nữa.
(Xem thêm công án 582)

2134.- Bay qua rồi.

Bách Trượng Hoài Hải theo hầu Mã Tổ Đạo Nhất ra ngoài nơi khoáng dã chơi, gập một bầy vịt trời bay qua. Mã Tổ hỏi :
-Là con gì ?
-Vịt trời.
-Bay đi đâu ?
-Bay qua rồi.
Mã Tổ bóp mũi Bách Trượng, Bách Trượng bị đau kêu toáng lên. Mã Tổ bảo :
-Ông còn nói đã bay qua rồi ư ?
Bách Trượng ngay đó đại ngộ.
(Công Án 100)

Đây là một công án trứ danh. Bách Trượng là thiền sư khai sáng ra Nông Thiền, ông khai ngộ là nhờ công án này. Những câu đáp của Bách Trượng đều không sai, nhưng đối với Thiền thì tâm phải luôn luôn giữ ở hiện tại. Tâm Bách Trượng đáng nhẽ phải không còn lưu giữ dấu vết gì của vịt trời, nhưng tâm ông lại theo vịt trời bay về quá khứ. Do đó, Mã Tổ bóp mũi ông, ông bị đau. Cái đau đó là hiện tại, chân thật, trọng yếu, thân thiết, ngay trước mắt. Trong từng giây phút nếu giữ được thân tâm là một, tâm khẩu là một thì đó là tu hành. Nếu không có động tác gì thì không có tôi, không có ông, không có thời gian, không gian dĩ nhiên cũng không có “ đã bay qua rồi”. Từ công án này chúng ta rút ra được 3 điều :

1. Hiện tại là trọng yếu nhất.
2. Nếu động một cái thì đã là quá khứ rồi.
3. Nếu không động thì không tồn tại.

(Xem thêm công án 1041, 1572, 1719)

2135.- Trụ trì bận rộn.


Tam Thánh Huệ Nhiên hỏi Tuyết Phong Nghĩa Tồn :
-Cá trong lưới ăn gì để qua ngày ?
-Đợi khi nào ông ra khỏi lưới, tôi sẽ nói cho ông biết.
-Hoà thượng lãnh 1500 chúng mà sao không hiểu lời con hỏi ?
-Tôi làm trụ trì bận rộn lắm.
(Công Án 100)

Có một số người không biết mình như cá nằm trong lưới, chỉ bận rộn sanh hoạt, không biết cái chết ở ngay trước mặt, cứ như người sống say chết mộng.
Có một số người khác như Tam Thánh biết mình như cá nằm trong lưới , nhưng không biết lối nào thoát ra. Vấn đề là trong lưới không có đồ ăn, chỉ đành cá lớn nuốt cá bé, phải làm sao đây ?
Tuyết Phong bảo :
-Giản dị lắm, khi nào ông ra khỏi lưới tôi sẽ bảo.
Tam Thánh không hiểu nên mới thốt ra lời oán trách. Thực ra Tuyết Phong đã trả lời rõ ràng rồi mà ông không hiểu. Lưới phiền não ở đâu mà ra ? Chính là do ông tự đan, tự buộc lấy mình. Nếu bỏ tất cả mọi vọng tưởng xuống : không so sánh, tính toán, ỷ lại, chờ đợi v . v . thì đã thoát ra khỏi lưới phiền não rồi. Lão tăng làm trụ trì bận rộn lắm không có thì giờ mà giải đáp những câu hỏi như câu hỏi này .

(Xem thêm công án 1077, 2068)

2136.- Mã Tổ xem nước.


Ma Cốc theo hầu Mã Tổ Đạo Nhất, hỏi :
-Thưa thầy thế nào là Đại Niết Bàn ?
-Gấp.
-Gấp cái gì ?
-Xem nước.
(Công Án 100)

Lúc đó hai thầy trò Mã Tổ và Ma Cốc có lẽ đang đi dạo ở bên bờ suối. Ma Cốc đang suy nghĩ về vấn đề sanh tử Niết Bàn. Mục đích của người tu là giải quyết vấn đề sanh tử. Nếu vấn đề này chưa giải quyết xong thì phải nỗ lực tu hành, nếu không thì không được giải thoát, không thể ngưng nghỉ. Do đó, khi Ma Cốc hỏi, Mã Tổ đáp “Gấp” ý là ông hãy mau vào Niết Bàn.

Niết Bàn là bất sanh bất diệt, tịch diệt giải thoát cùng sanh tử tương đối. Ý nghĩa sanh tử có thể nhỏ, có thể lớn. Nhỏ nhặt như một vọng niệm khởi diệt, lớn hơn như đời người từ sanh tới tử, lớn hơn một tầng nữa là chết đi sống lại.
Chết ở đây là chết đi mọi phiền não, vô minh. Sống lại là cứu nhân độ thế của tâm hạnh bồ tát.
Theo Thiền tông thì sống lại là đại tự tại, đại giải thoát, đại trí tuệ, đại từ bi, đại hoằng nguyện, không còn phiền não, không còn bị khốn quẫn.
Câu đáp “Gấp” của Mã Tổ là nói nếu ông chưa biết sanh tử thì phải mau lên. Đối với người đã giác ngộ thì sanh tử và Niết Bàn chỉ là một. Mã Tổ nói “xem nước” ý là nếu ông còn hỏi Niết Bàn là gì thì hãy xem nước vì đối với người đã ngộ thì xem bất cứ một sự vật gì, thể nghiệm bất cứ một hiện tượng gì, đều là ngộ cảnh.

(Xem thêm công án 729)

2137.- Gập nhau ở đâu ?

Vân Nham Đàm Thạnh bị bệnh nặng, Đạo Ngô Tông Thái đến thăm hỏi :
-Lìa cái túi da này, chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu ?
-Ở nơi bất sanh bất diệt.
-Sao ông không nói ở nơi phi bất sanh, bất diệt ? và chúng ta cũng chẳng cần gặp nhau ?
(Công Án 100)

Người tu coi thân thể là một công cụ tạo nghiệp. Tạo ác nghiệp, tội nghiêp sẽ bị khổ báo, tạo thiện nghiệp sẽ được phúc, lộc, thọ báo. Vân Nham bị bệnh, Đạo Ngô đến thăm lại còn hỏi “Sau khi chết sẽ gặp nhau ở đâu ?”Cho thấy các Thiền sư không chấp sự sanh tử ly biệt.

Thực ra, lúc sanh không đến, lúc chết không đi. Nhục thể chết đi là một hiện tượng tự nhiên. Người giác ngộ chỉ nhận cái tâm bất sanh bất diệt thanh tịnh, thường tịnh, thường chiếu, hằng động, hằng tĩnh, không để ý đến cái thân ảo sanh, ảo diệt. Coi cái thân ngũ uẩn này là không thì cùng chư Phật, chúng sanh tương kiến bởi vì ông là không, tôi cũng là không, không thời không nơi tồn tại. Chỉ cần siêu việt thời không thì vĩnh viễn gặp nhau.

Vân Nham hy vọng sẽ gặp nhau ở nơi bất sanh, bất diệt là hãy còn chấp. Người đã tu hành đến tầng thứ bất sanh bất diệt thì không còn phân biệt chủ khách tương đối, còn cần phải nói vĩnh viễn tương kiến, nơi nơi tương kiến sao ? Đạo Ngô đề ra phi bất sanh, bất diệt là vượt lên sanh diệt và bất sanh diệt, đồng thời bỏ xuống gặp nhau và không gặp nhau, cho thấy tâm ông đã viên mãn, tự tại.

(Xem thêm công án 234, 1975)

2138.- Đem chôn một lượt.

Có ông tăng vừa khóc vừa chạy vào pháp đường. Bách Trượng hỏi ông ta :
-Có chuyện gì vậy ?
-Cha mẹ con đều chết hết cả rồi, thỉnh hoà thượng chọn ngày phát tang.
-Đem chôn cả đi !
(Công Án 100)

Thông thường cha mẹ một ông tăng chết không việc gì phương trượng phải lo, hơn nữa trong lúc phương trượng đang giảng pháp lại đưa ra thỉnh cầu này. Ý ông tăng là việc sanh tử bức thiết như cha mẹ chết, xin hoà thượng chỉ điểm. Dĩ nhiên là Bách Trượng hiểu ý của ông nên thuận nước đẩy thuyền bảo :
-Được rồi ! Đem cha mẹ ông, ông và mọi người đem chôn hết đi.
Ý Bách Trượng là đem chôn tất cả mọi quái ngại, cá nhân, đoàn thể, trong tâm, ngoài tâm. Đó là thủ pháp nhanh chóng giúp cho ông tăng và thính chúng đạt được giải thoát.

Nếu tất cả mọi sự trong tâm đều đem chôn hết thì sẽ phát hiện thiên hạ vốn vô sự, chỉ là tự mình làm khó mình. Trước khi ngộ nên tu giới định tuệ để tiêu diệt tham, sân, si, thân tâm đừng khẩn trương, sau khi ngộ nên kết thiện duyên để phổ độ chúng sanh. Câu “Đem chôn tất cả đi” giống như đề hồ quán đỉnh làm tâm các ông được trong trẻo.

2139.- Hoà thượng gót chân còn chưa chấm đất đất.


Một hôm Tuyết Phong Nghĩa Tồn thượng đường nói :
-Đại chúng nên biết chuyện này như gương cổ trên đài : Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện.
Huyền Sa hỏi :
-Nếu như gương vỡ thì sao ?
-Hồ, Hán đều ẩn.
-Gót chân hoà thượng còn chưa chấm đất.
(Công Án 100)

Tuyết Phong giảng cho đại chúng lìa phiền não thì được trí tuệ. Minh tâm kiến tánh như gương cổ trên đài Hồ đến thì có ảnh Hồ, Hán đến thì có ảnh Hán. Ý nói sau khi ngộ rồi thì có nhận thức khách quan, không có thành kiến, không lấy ngã làm trung tâm. Lời này không sai, nhưng Huyền Sa cho rằng lời nói này có ngữ bệnh, sợ rằng người sau nhận rằng có một gương cổ thật thì sẽ biến thành tâm chướng, do đó phải phá gương giả tưởng đó đi. Tuyết Phong nhân Huyền Sa hỏi, thuận miệng đáp :
-Gương cổ đã vỡ rồi thì không có ảnh Hồ, ảnh Hán.
Câu đáp này cũng không sai, khi trí tuệ ẩn thì công năng không xuất hiện. Ảnh tuy không có nhưng Hồ, Hán còn đó phải làm sao ? Do đó, Huyền Sa đưa ra ý cảnh thâm sâu hơn :
-Gót chân lão hoà thượng còn chưa chấm đất.

Lão hoà thượng còn để ý đến có, không là hãy còn chấp, chưa triệt để giải thoát. Đối thoại này của hai thầy trò là phương thức siêu Phật, vượt Tổ. Không phải là trò cao hơn thầy mà là khai thị cho đại chúng đừng chấp vào quyền uy, ngẫu tượng, đừng nương tựa vào ai, phải tự mình thấy được bản lai diện mục.

(Xem thêm công án 325)

2140.- Tiệm tạp hoá.

Ngưỡng Sơn Huệ Tịch một hôm thượng đường nói :
-Nơi đây là một tiệm tạp hoá, người đến mua cứt chuột tôi bán, người đến mua vàng ròng tôi cũng bán.
(Công Án 100)

Ngưỡng Sơn tiếp dẫn học trò không kể giỏi, dốt hễ có lòng muốn học là ông dạy. Những lời chỉ dẫn của ông đồng dạng nhưng người trí thấy là hoàng kim, còn kẻ ngu thấy là cứt chuột. Điều này cho thấy đệ tử của Ngưỡng Sơn có nhiều tầng thứ. Có người thiện căn thâm hậu, thân cận Ngưỡng Sơn thu nhận được nhiều lợi ích, kiến tánh khai ngộ, sau tự hoằng pháp lợi sanh. Có người tuy chưa khai ngộ, nhưng cũng được chút lợi ích. Lại có những người khi tới đem thành kiến tới, khi đi đem biên kiến đi. Những người này tuy nghe Ngưỡng Sơn nói pháp nhưng tâm lại phản ứng như ngoại đạo, tà pháp, ma pháp, nói đó là học từ Ngưỡng Sơn, kết quả tự hại mình, hại người.


AToanMT
 
truclam2011 Date: Chủ Nhật, 07 Oct 2012, 9:47 PM | Message # 410
Lieutenant
Group: Users
Messages: 76
Status: Tạm vắng
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 14 Oct 2012, 6:23 PM | Message # 411
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
2141.- Tay không nắm cán mai.

Phó đại sĩ có làm bài kệ sau :
Tay không nắm cán mai
Đi bộ lưng trâu ngồi
Theo cầu qua bến nước
Cầu trôi nước chẳng trôi.
(Trúc Thiên dịch)
Xin xem nguyên tác chữ Hán ở công án 263.
(Công Án 100)

Phó đại sĩ bản danh là Truyền Ông, người đời Lương, là một vị thiền sư tiên khởi, trước làm nghề đánh cá, sau chuyển sang làm ruộng. Bài kệ này toàn nói những lời trái ngược, theo như thường thức thì chỉ là những lời nói điên khùng, nhưng suy nghĩ kỹ lại thì thấy cũng có đạo lý.
Tay không nắm cán mai : tay tuy có nắm cán mai nhưng tâm không để cho cái mai chiếm hữu, vĩnh viễn không bỏ xuống được. Thí dụ ta có một chiếc xe hơi, có xe đi cũng tốt nhưng đừng cả ngày lo sợ bị mất xe. Sự thực ngay chính thân thể mình cũng không phải là mình còn nói gì đến vật ngoài thân.
Đi bộ lưng trâu ngồi : Có trâu để cưỡi dĩ nhiên là tốt, nhưng không nên chấp phải có trâu, không có trâu là không được. Không có trâu thì xuống đi bộ, có sao đâu ?
Theo cầu qua bến nước, cầu trôi nước chẳng trôi : nhìn xuống sông thấy nước chẩy đó là sự thật, là vô thường, nhưng luật vô thường lại bất biến.
Hai câu đầu là chỉ Hữu, vô bất nhị, hai câu sau là chỉ Động tĩnh bất nhị. (Xem thêm công án 1691)

2142.- Lễ Phật.

Đường Tuyên Tông lúc còn là sa di thấy Hoàng Bá lễ Phật bèn hỏi và bị tát ba cái.
(Công Án 100)

Công năng lễ Phật tối thiểu có 5 loại :
1. Để cầu cảm ứng : là để tiêu tai, tăng phước, tăng thọ.
2. Để sám hối : trước mắt Tam Bảo thừa nhận lỗi lầm, xin chịu trách nhiệm, hứa sẽ không tái phạm.
3. Tỏ lòng cảm ơn : vì học Phật pháp lìa khổ được vui.
4. Cầu an : dùng lễ bái để tâm được an định, bình tĩnh, thống nhất, đắc định, mở trí.
5. Không cầu gì cả : giống như Hoàng Bá đã khai ngộ rồi, không cầu gì cả, chỉ làm tăng một ngày nên đánh chuông, gõ mõ, làm một Phật tử nên ngày ngày lễ Phật. Đường Tuyên Tông không hiểu cảnh giới của Hoàng Bá nên mới bị đánh.
(Xem thêm công án 1930)

2143.- Sư cô nguyên là người nữ.

Trí Thông một đêm bỗng kêu lớn :
-Tôi ngộ rồi !
Hôm sau Quy Tông thượng đường hỏi Trí Thông :
-Ông ngộ được đạo lý gì, nói ra nghe thử ?
-Sư cô nguyên lai là người nữ.
(Công Án 100)

Tỳ khưu ni cũng gọi là ni cô hoặc tôn xưng là sư cô, có nơi gọi là sư thái. Câu nói của Trí Thông đối với mọi người dường như là vô vị. Ni cô đương nhiên là người nữ rồi, ai chả biết, sao nói là ngộ ? Nhưng nếu biết được bối cảnh của Trí Thông thì sẽ hiểu được. Nói được câu nói này chắc chắn Trí Thông phải trải qua một thời gian tu hành lâu dài, đột nhiên tâm địa loé ra trí huệ. Mục đích của người tu là khai ngộ để thành Phật. Các vị thiền sư không nói cho biết thế nào là ngộ và làm sao để ngộ. Họ chỉ cho biết những gì chưa ngộ. Nhiều người tu hành cả đời cũng chẳng biết thế nào là ngộ, chỉ khi nào nhân duyên đã chín mùi, lão sư hỏi một câu không những đáp ngay không suy nghĩ mà là làm cho lão sư hài lòng chấp nhận thì đó mới là khai ngộ.
(Xem thêm công án 523)

2144.- Hoà thượng bao nhiêu tuổi ?

Hàn Dũ hỏi Đại Điên :
-Hoà thượng bao nhiêu tuổi ?
-Ngày đêm 108.
Hàn Dũ không hiểu, ngày hôm sau lại lên chùa, gặp thủ toạ bèn nhắc lại câu hỏi, thủ toạ không đáp chỉ nghiến răng 3 lần. Khi gặp Đại Điên, Hàn Dũ cũng lập lại câu hỏi. Đại Điên cũng nghiến răng 3 lần. Hàn Dũ nói :
-Nguyên lai Phật pháp không hai.
(Công Án 100)

Câu chuyện này như một câu đố. Chuyện kể xong người nghe chẳng hiểu gì cả. Công án là những chuyện xảy ra trong Thiền sử, có thể khiến người ta khai ngộ. Hàn Dũ còn được gọi là Hàn Văn Công, vì dâng sớ bài Phật, kết quả bị Đường Ninh Tông đầy tới Hồ Châu. Đến nơi, nghe tiếng có vị cao tăng là Đại Điên Bảo Thông bèn tới bái phỏng. Hàn Dũ hỏi Đại Điên bao nhiêu tuổi, Đại Điên giơ chuỗi hạt lên hỏi :
-Ông hiểu không .
-Không hiểu.
-Ngày đêm 108. Chuỗi hạt có 108 hạt, đại biểu 108 phiền não. Đếm một hạt là trừ một phiền não, đếm xong 108 thì phiền não không còn nữa. Thực ra phiền não của con người đâu thể trừ đi một cách dễ dàng như thế ? Vì vậy phải đếm ngày đêm. Nhưng đếm niệm châu có quan hệ gì đến tuổi tác ? Do đó, ngày hôm sau Hàn Dũ lại lên chùa để hỏi, gập thủ toạ ông hỏi. Thủ toạ chỉ nghiến răng 3 lần để trả lời. Khi gặp Đại Điên ông nói :
-Khi con hỏi hoà thượng, hoà thượng đáp : ngày đêm 108, hỏi thủ toạ, thủ toạ nghiến răng 3 lần. Sao 2 câu trả lời không giống nhau ?
Đại Điên bèn nghiến răng 3 lần.
Đến đây các ông đã hiểu chưa ? Thực ra không có gì là huyền ảo cả. Niên kỷ người xuất gia có nhiều loại :
1. Sanh niên : là năm sanh, sanh được bao năm rồi ?
2. Tăng lạp : xuất gia được bao nhiêu năm ?
3. Giới lạp : thọ giới được bao năm ?
4. Pháp lạp : khai ngộ được bao năm ?
Trả lời những câu hỏi này không đại biểu cho Đại Điên. Tối thực tại là Đại Điên ngay trước mặt tay cầm hạt chuỗi. Đó mới là Đại Điên còn những câu đáp khác đều vô ý nghĩa. Để trả lời Hàn Dũ, Đại Điên đáp : Ngày đêm 108 là nói : Tôi ngày ngày , đêm đêm đều như thế này, đếm 108 hạt, tâm cảnh nhất quán, cái ông nhìn thấy là toàn thể, tướng mạo và tâm cảnh đều bầy ra cho ông coi. Hàn Dũ không hiểu, hôm sau hỏi thủ toạ, thủ toạ không trả lời, lại không có chuỗi hạt bên cạnh nên nghiến răng 3 lần để đáp, ý nghĩa cũng giống như Đại Điên. Khi Đại Điên nghiến răng 3 lần thì cuối cùng Hàn Dũ đã hiểu Phật pháp vốn không hai, ngay đây không tính toán, không tưởng tượng.
(Xem thêm công án 1139)

2145.- Không chịu gánh vác.

Dược Sơn Duy Nghiễm hỏi Cao sa di :
-Nghe nói thành Trường An rất náo nhiệt, có phải không ?
-Dạ, thành Trường An rất náo nhiệt, nhưng tâm con bình tĩnh.
-Cảnh giới đó là do ông xem kinh hay thỉnh ích lão sư mà được ?
-Đều không phải.
-Có nhiều người cũng như ông, không xem kinh, không thỉnh ích các vị lão sư, sao không đạt được cảnh giới này ?
-Vì họ không chịu gánh vác.
(Công Án 100)

Cao sa di là một ông tăng nhỏ mà đã đạt được công phu thâm hậu, thật không dễ dàng. Dược Sơn hỏi ông do kinh điển hay được sư phụ giảng dạy ? Ông bảo đều không phải, là do ông tự ngộ, tự chứng, không hướng ra ngoài mà tìm cầu. Dĩ nhiên những gì mà kinh Phật và những gì mà lão sư chỉ điểm đã biến thành một bộ phận nội tại của sinh mạng ông, do đó ông có thể tự làm chủ. Cảnh giới của ông không như kinh Phật và lão sư chỉ cho, vì những trí thức, quan niệm này chỉ thuần tuý là trí thức, giáo huấn chỉ là giáo huấn, đối với nội tại sanh mạng của ông không kết thành một thể. Có nhiều phần tử trí thức có thể xem kinh điển hiểu rõ nghĩa lý, có thể giảng dạy cho người khác minh tâm kiến tánh nhưng những hành vi về thân, khẩu, ý của họ còn đầy thất tình lục dục, chẳng khác gì người thường cho thấy trí thức, học vấn của họ cùng với sự tu dưỡng không tương ứng. Đó là họ không chịu gánh vác, không đem những kiến thức do kinh điển và chỉ dẫn của lão sư đem thể nghiệm, thực hành.
(Xem thêm công án 1943)


Đại Bi Chú
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 14 Oct 2012, 6:25 PM | Message # 412
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
2146.- Sự khai ngộ của Vân Môn Văn Yển.

Vân Môn Văn yển đến tham Mục Châu Trần Tôn Túc, mỗi lần đến gõ cửa cầu pháp, Mục Châu thấy là Văn Yển bèn đóng sập cửa lại. Đã 3 lần như vậy, đến lần cuối Văn Yển đã học khôn. Khi cửa vừa hé mở ông vội lùa một chân vào trước rồi xông vào sau. Mục Châu túm lấy ông vừa đẩy, vừa nói :
-Ông nói mau ! nói mau !
Văn Yển vốn có nhiều lời để hỏi Mục Châu, không ngờ giờ lại bị Mục Châu hỏi khiến ông ngẩn người ra. Mục Châu vừa đẩy ông, vừa mắng :
-Ông chỉ chở những chuỳ nặng đời Tần ! (Những chuỳ nặng đời Tần đến đời Đường đã trở thành võ khí vô dụng không còn dùng nữa).
Nói rồi sập cửa. Đáng thương chân Văn Yển bị kẹt trong cửa bị gẫy khiến ông bị đau đến tận tim, phổi. Nhưng nhờ thế mà Văn Yển được khai ngộ.
(Công Án 100)

Người ngoài xem chuyện này như một trò phường tuồng chả có đạo lý gì cả. Sự thật thì giữa 2 thầy trò họ đã phát sinh một chuyện kinh thiên động địa. Văn Yển muốn biết làm sao khai ngộ. Mục Châu muốn giúp ông, hai người tâm tâm tương ứng. Mục Châu dùng thủ đoạn rất phi thường, ông bảo Văn Yển :
-Ông nói mau ! nói mau !
là bức bách Văn Yển vào đường cùng, không tiến không được. Lúc đó, Văn Yển không biết phải trả lời làm sao. Mục Châu lại bồi thêm một câu :
-Ông chỉ chở những võ khi vô dụng đời Tần !
Ở đây những võ khí vô dụng là chỉ tâm mong cầu khai ngộ của Văn Yển. Hơn nữa, chân Văn Yển lại bị gẫy khiến ông đau đớn. Lúc đó bị bức bách, ông bỏ cả thân tâm xuống do đó mà khai ngộ. (Xem thêm công án 276, 1160)

2147.- Hãy còn cái đó.

Ngưu Đầu Pháp Dung dẫn sư phụ là Song Phong Đạo Tín thăm chỗ tu hành của mình. Trên đường gặp hổ, Đạo Tín làm ra vẻ sợ hãi. Pháp Dung nói :
-Sư phụ còn cái đó !
Về sau, Đạo Tín viết chữ Phật lên bàn thạch nơi Pháp Dung thường ngồi Thiền. Pháp Dung không dám ngồi xuống. Đạo Tín bảo :
-Ông hãy còn cái đó !
(Công Án 100)

Xem ra thì đây là hai thầy trò khảo nghiệm lẫn nhau và người không vượt được sự khảo nghiệm là đệ tử Pháp Dung. Lịch đại tổ sư sống nơi rừng sâu gập hổ báo là chuyện thường, vẫn an nhiên tự tại, thậm chí còn thu phục làm đệ tử, tại sao sư phụ lại sợ hãi, do đó Pháp Dung nói :
-Sư Phụ ! Sao trong tâm sư phụ còn nỗi lo sợ ?
Ý nói sư phụ chưa được giải thoát. Đến lúc hai người sửa soạn ngồi thiền, Đạo Tín viết chữ Phật lên thạch bàn, Pháp Dung trông thấy không dám ngồi xuống. Đạo Tín bèn cười ông :
-Trong tâm ông hãy còn một chữ Phật nhé ! Phật chỉ là một chữ viết, một quan niệm, cũng không phải là bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni ở đó, huống hồ Thiền tông chủ trương Phật ở trong tâm chứ không ở bên ngoài, lại còn chủ trương nơi nơi đều là Phật, không đâu không có Phật. Ngờ đâu chỉ một chữ Phật đã làm ông không dám ngồi xuống. Điều đó đã cho thấy tâm thái chấp trước của ông. Do sự chỉ điểm đó Pháp Dung cảm thấy hổ thẹn, nỗ lực tu hành cuối cùng đã khai ngộ.
(Xem thêm công án 1082)

2148.- Trường không không trở ngại mây trắng bay.

Thiên Hoàng Đạo Ngộ hỏi Thạch Đầu Hi Thiên :
-Thế nào là đại ý Phật pháp ?
-Không được, không biết.
-Hướng thượng còn chỗ xoay trở không ?
-Trường không không trở ngại mây trắng bay.
(Công Án 100)

Phật pháp đại ý là chỉ tinh nghĩa của thiền hoặc tâm pháp, cũng là chỉ ngộ cảnh của chư Phật, tổ. Câu đáp của Thạch Đầu nghĩa là không thể dùng phương pháp truyền thọ mà được. Không được, không biết vậy phải làm sao ? Do đó, Đạo Ngộ hỏi :
-Vậy có cửa nào để khai ngộ ? Thầy có thể chỉ cho con không ?
Một dải trường không vạn dậm, mây trắng tự do bay lượn có gì để chỉ ? Đó là tâm cảnh người khai ngộ. Ông thấy không mặt trời, mặt trăng, tinh tú, chim lượn, mây bay tất cả đều không. Người khai ngộ tâm không phiền não, nhưng mọi hiện tượng đều xuất hiện trong tâm. Những gì xuất hiện cố nhiên là có hình, có tượng, có đối lập, sai biệt nhưng không làm khốn quẫn ông. Có thể nói tuy mọi hiện tượng đều tồn tại nhưng không ảnh hưởng đến ngộ cảnh của ông như mây trắng bay, muốn bay thế nào thì bay không ảnh hưởng gì đến trường không, trường không cũng không vì đó mà biến đổi. Người ngộ đạo thân ở thế gian cùng người, sự, vật tiếp xúc đều vào tâm ông, nhưng ông không kháng cự, không chiếm hữu. Những hiện tượng này tự sanh diệt trong tâm ông, đối với ông không có quan hệ gì. Người đại trí chính là như vậy, không bị tốt xấu, đúng sai, thiện ác v . v . làm khốn quẫn, ông ta có thể bao dung và xử lý chúng.

2149.- Xử dụng 12 thời.

Có ông tăng hỏi Triệu Châu Tòng Thẩm :
-Làm sao dụng tâm trong 12 thời ?
-Ông bị 12 thời chuyển, còn lão tăng chuyển 12 thời.
(Công Án 100)

Thời cổ, Trung Quốc chia một ngày một đêm là 12 giờ. Mỗi giờ tương đương với 2 giờ ngày nay. Thông thường lúc tỉnh người thường khó mà khống chế được tâm niệm của mình, nói gì đến khi nằm ngủ. Do đó, ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Một vị cao tăng như hoà thượng chắc là trong 12 giờ không có khoảnh khắc nào không dụng tâm, làm sao làm được như thế ?
Ý ông tăng là làm sao có thể liên tục không gián đoạn cả ngày, cả đêm không khởi vọng tưởng, tạp niệm, chỉ nhất tâm chuyên chú tu hành ? thí dụ một người ăn cơm, không chỉ ăn cơm mà còn xem truyền hình, nghe nhạc, đọc báo, nói chuyện v . v ., tâm khẩu không nhất chí, tâm niệm không thể chuyên chú vào một việc. Thiền tông gọi hiện tượng này là tạp dụng tâm, tâm viên ý mã, vọng tưởng phân phi. Đó là tâm tán loạn. Ngược lại, tâm có thể tập trung vào một việc gọi là chuyên tâm, nhất tâm do tâm không làm 2 việc một lúc, tiến lên nữa là đạt tới vô tâm. Đó là sự dụng tâm của thiền sư. Câu đáp của Triệu Châu có nghĩa là trong 12 giờ ông bị các tạp niệm vọng tưởng làm khốn quẫn, còn tôi thì tâm không tán loạn, thậm chí không dụng tâm mà xử dụng 12 giờ. Trọng điểm của công án này là không nên nghĩ làm sao dụng tâm trong 12 giờ, mà đối với mỗi giây phút ngắn ngủi của hiện tại hãy tự tĩnh hoá mình, giúp đỡ, bao dung người, tuỳ thời, tuỳ chỗ, tuỳ cảnh, tuỳ duyên đều nỗ lực học tập cống hiến tha nhân. Còn nếu bỏ rơi hiện tại vin vào quá khứ hay vị lai là bị 12 giờ chuyển. (Xem thêm công án 1860)

2150.- Toàn thân là mắt.

Đạo Ngô Tông Trí hỏi Vân Nham Đàm Thạnh :
-Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, mắt nào là chánh.
-Như người trong đêm sờ cái gối.
-Đệ hiểu rồi.
-Ông hiểu thế nào ?
-Toàn thân đều là mắt.
(Công Án 100)

Mắt có mắt chánh, mắt tà, mắt thịt, mắt tuệ. Kiến giải chân chánh là mắt chánh, cong queo là mắt tà, cha mẹ sanh ra là mắt thịt. Khi tâm không còn phiền não thì mắt tuệ sẽ sanh. Mắt tuệ lại có nông, sâu. Nông là có cái nhìn khách quan, sâu là vượt lên tự ngã. Chánh nhãn của Quán Âm là tuệ nhãn. Tuệ nhãn này phối hợp với thiên nhãn có thể nhìn thấy những thống khổ của chúng sanh ở mọi nơi, với lòng từ bi dùng ngàn tay để cứu độ. Nếu đã là Bồ Tát Quán Âm thì mắt nào chả là mắt chánh ? Vân Nham lại khai triển thêm, phàm phu ngoài mắt thịt ra toàn thân đều có thể sản sinh công năng của mắt. Trong đêm tối không nhìn thấy gối nhưng có thể sờ được, bất cứ bộ phận nào của cơ thể hễ chạm đến đều có thể nhận biết đó là cái gối. Do đó, có thể nói toàn thân đều là mắt. Phật nói Quán Âm có ngàn mắt kỳ thực chỉ có 2 vì toàn thân đều là tuệ nhãn.
(Xem thêm công án 185)

Chung.

Các sách trích dịch


Công Án 100 Thánh Nghiêm
Công Án Thiền Cơ Huyền Tường
Danh Thiền Bách Giảng Chung Sĩ Phật
Đạo Nguyên Ngữ Lục Tâm Linh Nhã Tập
Lưỡng Nhẫn Tương Giao Lâm Cốc Phương
Nhất Nhật Nhất Thiền Đông Phương Văn Duệ
Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ Long Mân
Nhất Chuyển Ngữ Thiền Lý Tuấn Dật
Nhất Thiền Nhất Thế Giới Long Tử Dân
Phật Pháp Tu Chứng Tâm Yếu Nguyên Âm Lão Nhân
Thiền Cơ Lâm Minh Dục
Thiền Môn Khai Ngộ Thi Đỗ Tùng Bách
Thiền Ngộ Dữ Thực Hiện Trịnh Thạch Nham
Thiền Lâm Châu Cơ Duy Minh
Thiền Tông Đại Ý Chánh Quả
Thiền Tư Chiêm Hanh Vũ
Thiền Vị Chiêm Hanh Vũ
Tinh Vân Thiền Thoại Tinh Vân
Tứ Lý Thiền Học Thành Cư Sĩ
Zen Light Barragato


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 15 Oct 2012, 0:11 AM | Message # 413
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Những đoá hoa Thiền (Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ)
  • Page 9 of 9
  • «
  • 1
  • 2
  • 7
  • 8
  • 9
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO