Thứ Tư
15 Jan 2025
3:02 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 39
24 Apr 2015, 6:55 AM

NHỮNG CÂU HỎI VỀ VÍ DỤ

- Thưa đại đức! một vị tỳ khưu muốn chứng đắc A-la-hán, cần phải thành tựu mấy điều kiện?

- Nhiều lắm, tâu đại vương. Muốn tỏ ngộ Niết bàn, vị tỳ khưu ấy phải cần bắt chước:

Những tập tính của con Lừa,
Những tập tính của con Gà,
Những tập tính của con Sóc,
Tập tính của Cọp cái,
Tập tính của Cọp đực,
Tập tính của con Rùa,
Như cây Kèn,
Như cây Súng,
Như con Quạ,
Như con Khỉ v.v...

* * *


178. Về con Lừa

- Ý nói tập tính như con lừa, là thế nào hả đại đức?

- Tâu, nghĩa là vị tỳ khưu phải tập theo, phải sống theo một điểm, một điều, một chi đặc biệt của con lừa. Con lừa không bao giờ kén chọn chỗ nằm. Nó có thể nằm nơi đống rác, nơi ngã tư đường, nơi pháp trường, nơi cửa nhà hoặc nơi đống trấu, hay bất kỳ đâu cũng được cả. Nhưng lừa thường không nằm lâu quá, nằm nhiều quá, nó đứng dậy rồi đi sang chỗ khác. Vị tỳ khưu sống đời tri túc, không dính mắc chỗ ở, đừng quan trọng hóa cái thân, không ở lâu một nơi, ngủ nghỉ chút ít cũng y như thế. Nằm trên lớp cỏ, nằm trên cây trải ra, trên giường ghế hoặc trên đống lá... Nghĩa là ở đâu cũng được, ở đâu cũng vô ngại. Điều quan trọng là đừng ngủ nghỉ quá lâu, quá nhiều, thường thức tỉnh để đi kinh hành, thiền tọa hoặc dời sang trú xứ khác.

Đức Phật có dạy rằng: "Nay các thầy! Các thầy hãy coi thân này như khúc cây, như khúc củi, để ở đâu cũng đặng, đặt ở đâu cũng được, nằm ở đâu cũng xong; nhưng các thầy phải cố gắng tu tập chỉ tịnh, quán minh. Ấy mới thật là chỗ nằm, chỗ nghỉ của các thầy đấy".

Đức Pháp chủ Xá-lợi-phất cũng dạy, là các vị tỳ khưu ở đâu cũng phải tọa thiền, phải biết xa lìa niềm vui hời hợt, phù phiếm; phải biết quên cái thân đi vì hạnh phúc tối thượng là Niết bàn.

Tâu đại vương! Một điểm, một điều, một chi của con lừa là như thế ấy!

- Thưa, vâng.

* * *


179. Về con Gà

- Thế như con Gà là sao ạ?

- Con Gà có những năm điểm, năm điều, năm chi đặc biệt, tâu đại vương.

- Xin cho nghe

- Vâng, đại vương hãy nghe đây:

Suốt đêm Gà luôn luôn tỉnh thức, chỉ một tiếng động nhẹ là nó biết ngay. Trời còn mờ mờ sáng, Gà không bước ra khỏi chuồng. Một vị tỳ khưu cũng cần phải tỉnh thức như thế. Trời còn sớm không nên ôm bát khất thực ra khỏi chùa, phải lo các công việc quét liêu thất, vườn, chùa, bảo tháp v.v... Rồi còn làm vệ sinh, múc nước đầy chỗ này chỗ kia, tìm đảnh lễ thầy tổ hoặc các vị tỳ khưu cao hạ...

Điểm thứ hai của Gà là trời sáng rõ đường mới xuống chuồng đi kiếm ăn, nó lang thang từ chỗ này sang chỗ khác. Một vị tỳ khưu cũng nên như thế, sau công việc ở chùa xong mới đi trì bình khất thực; cũng lang thang từ nhà này sang nhà nọ, từ con đường này sang con đường khác. Gà tuy kiếm miếng ăn nhưng luôn luôn đề phòng kẻ thù tấn công như chồn, cáo, diều hâu v.v.. Vị tỳ khưu cũng y như vậy, dầu khất thực xin ăn nhưng cũng phải cảnh giác đề phòng tâm hươu ý vượn, phải thu thúc thân khẩu ý v.v...

Điểm thứ ba, khi ăn vật thực, Gà rất chăm chú, rất cảnh giác. Nó lấy chân khều vật thực, bươi vật thực ra rồi mới ăn; ngon cũng ăn, dở cũng ăn, nhưng chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Vị tỳ khưu cũng như thế nào có khác gì? Khi ăn cũng phải chánh niệm, tỉnh giác. Ngon cũng ăn mà dở cũng ăn. Vật thực kiếm được chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Khi ăn cũng phải "khều" phải "bươi" vật thực ra mà quán tưởng: "vật thực này có gì đâu, nó là đất, nước, lửa, gió đấy thôi; thích thú mà làm gì, thỏa mãn mà làm gì! Ta ăn là để duy trì sức khỏe và sự sống mà tu hành; chẳng nên ăn để trang điểm cái thân, dưỡng cái thân cho mập mạp; chẳng nên ăn để mà chơi, để nô đùa, lêu lỗng...

Ăn để giảm trừ thọ khổ do đói gây nên, để khỏi ảnh hưởng đến việc tu tập..."

Đức Phật còn dạy các vị tỳ khưu, ăn chỉ là chuyện bất đắc dĩ: "Này các thầy! Các thầy còn phải quán tưởng sự ăn, như là ăn thịt con mình trên lộ trình qua sa mạc, chẳng sung sướng, khoái khẩu gì đâu. Rơi nước mắt xót thương cho chúng sanh là khác. Miếng ăn cũng tương tự như tra dầu và mở vào trục xe, giúp cho chiếc xe có trớn mà lên đường. Cũng vậy, các thầy chỉ nên coi sự ăn là tra dầu và mở cho chiếc xe trên lộ trình vượt qua sinh tử mà thôi!"

Điểm thứ tư, ban đêm Gà mắt mờ nhưng ban ngày mắt Gà rất sáng, rất tỏ tường cả cây kim, sợi chỉ. Chạng vạng tối, khi Gà lên chuồng là mắt mờ hẳn, dường như đui hẳn. Các vị tỳ khưu cũng nên mượn con mắt sáng của Gà trong ban ngày, mượn con mắt đui của gà ban đêm. Khi trì bình khất thực trong xóm làng, vào thành phố... tâm các thầy rất tỉnh thức, mắt các thầy rất sáng nhưng cũng phải làm như đui, không thấy, không biết gì hết. Khi giao tiếp với ngũ trần: sắc tướng, âm thanh, khí, vị v.v... các vị tỳ khưu giả đui, giả điếc, giả câm v.v...

Thật đúng như Đức Đại Ca-chiên-diên (Màhà Kaccàyana) đã dạy: "Hành giả tu tập, có con mắt sáng cũng làm như mờ, có lỗ tai tốt cũng làm như điếc, có miệng lưỡi thiện thuyết cũng làm như câm; có sức mạnh, dũng cảm cũng nên làm như kẻ yếu đuối ; có sự việc gì xẩy ra thì thân tâm đều nằm ngủ yên lặng, như mẹ ru con ngủ vậy."

Điểm cuối cùng. Dù ai lấy cây, lấy gậy xua đuổi gà đừng cho ngủ trong cái chuồng của nó, nó vẫn không đi, không bao giờ muốn bỏ cái chuồng cũ. Bám chặt, dính chặt vào chuồng cũ là một tập quán tính khác của gà. Một vị tỳ khưu khi làm bất cứ một công việc gì cũng phải bám chặt, kết dính, chú tâm vào công việc ấy. Khi đang mang y, bát hoặc sửa sang tu viện, tự viện, học Pàli, học chú giải... cũng phải nhất tâm bám chặt vào đấy, dù cho các ý niệm nổi trôi, dù cho những sự quyến rủ bên ngoài muốn xua đuổi rời khỏi công việc, cũng không đi!

Đúng như Đức Phật đã dạy: "Nầy các thầy! Bất cứ cái gì là "lộ hành", là chỗ ở, là cảnh giới của thầy tỳ khưu; "lộ hành" ấy, chỗ ở ấy, cảnh giới ấy, tức tứ niệm xứ - dù ai đuổi, ai xua, ai quăng cục đất, cục đá; các thầy cũng cương quyết không bỏ đi, kiên định bám vào chỗ trú xứ của mình."

Đức pháp chủ thượng thủ cũng có dạy: "Con Gà hằng biết rõ vật đáng ăn và vật không đáng ăn; dù hoàn cảnh nào cũng không bỏ cái chuồng cũ của mình. Phàm những người con của đức Xuất thế-sư cũng phải làm được như thế. Phải tuân thủ theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn để biết việc này đáng làm, việc kia không đáng làm. Phải khởi tâm, phải chú ý, phải bám chặt chỗ trú xứ cũ của mình, ấy là Tứ niệm xứ vậy."

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

- Thật tuyệt vời thay là con Gà này cùng với năm đức tính của nó. Tập tính mà biến thành phẩm chất cao quý thì chỉ có ở nơi những bậc thầy thông tuệ mà thôi!

* * *


180. Về con Sóc


- Con Sóc thì chỉ có một điểm, một điều, một chi cần phải học hỏi thôi, tâu đại vương!

- Phải cái đuôi của nó không?

- Hay lắm! Đại vương thật tinh mắt. Cái đuôi của Sóc thật đặc biệt. Khi thấy kẻ thù, kẻ nghịch, kẻ lạ đến... Sóc thường phồng cái đuôi của mình lên để hăm dọa hoặc chống cự lại! Cũng tương tự thế, các vị tỳ khưu khi gặp ngoại trần hung dữ, cường liệt, rất mạnh - cũng phồng cái đuôi Tứ niệm xứ của mình cho to lên để chiến đấu chống chọi lại.

Đúng như lời dạy của đại đức Cullapanthaka. "Khi nào phiền não là kẻ thù xâm lăng, loại trừ, họa hại các sa môn quả, đến gần, chư tỳ khưu phải dùng Tứ niệm xứ mà đương cự lại."

* * *


181. Về con Cọp cái

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Bây giờ đến lượt con Cọp cái nhé, đại vương?

- Cọp cái này cũng chỉ có một điểm cần phải nghiên cứu thôi, phải không đại đức?

- Vâng! Con Cọp cái thường chỉ mang thai một lần, không mang thai lần thứ hai! Vị tỳ khưu hành sa môn quả cũng tương tự thế, nghĩa là không còn muốn vào một thai bào nào nữa, không còn muốn tái sinh vào cõi luân hồi thống khổ một lần khác nữa; phải chấm dứt tái sanh, cấu sanh. Đúng như Phật ngôn mà Đức Đạo sư đã thuyết: "Bò chúa Usabha đã vùng đứt dây thừng buộc cổ để trốn thoát, không bao giờ nó qua lại chỗ ấy nữa. Cũng vậy, các ngươi đã cố gắng đoạn lìa dây buộc phiền não rồi thì đừng nên trở lại cõi luân hồi tái sanh thống khổ làm gì!"

* * *


182. Về con Cọp đực

-Tâu đại vương! Con Cọp đực thì có hai tập tính!

- Vâng, xin đại đức giảng cho nghe!

- Thứ nhất, Cọp đực thường tìm chỗ nương trú nơi động thẳm, hang sâu, chỗ núi rừng, suối khe thanh vắng! Cũng vậy, bậc hành giả sống đời khổ hạnh, khước từ, cũng phải biết tìm chỗ vắng lặng, xa chỗ loài người, như núi rừng, tha ma mộ địa, sơn động, cốc đạo... để tu tập, bổ túc công hạnh cho mình. Đúng như các vị kết tập kinh điển có dạy rằng: "Loài Cọp đực thường ở chỗ kín đáo, kiếm vật thực sinh sống ở chỗ vắng lặng; cũng vậy, chư Phật tử phải biết xa phố chợ ồn ào, xa chỗ thị phi huyên náo, tìm chỗ thanh tịnh để siêng tu thiền định và minh sát tuệ".

Thứ hai, loài Cọp đực có một tính kỳ lạ, là khi chụp mồi, nếu con thú ngã xuống bên trái hay bị sứt Tai trái - thì nó bỏ đi, không thèm xơi! Cũng tương tự thế, các vị sa môn yêu mến chánh pháp, mong được đạo quả vô thượng - không bao giờ thọ dụng tứ sự được phát sanh trái lẽ, không chính đáng, phát sanh do tà mạng và tà hạnh! Nếu cái gì có được do trái pháp, trái đạo - các vị sa môn cũng bỏ đi, không thèm thọ dụng!

Đúng như đấng đệ nhất trưởng tử của Đức Thế Tôn đã thuyết: "Tôi biết tôi dùng loại cơm sữa kia là tôi sẽ lành bệnh, nhưng tôi không thể dùng, tại sao? Vì cơm sữa ấy được phát sanh do khẩu cử động có tội, tức thuộc tà mạng! Tôi thà chịu chấp nhận đứt ruột hoặc lòi ruột ra ngoài, chấp nhận hy sinh thân mạng - chứ không thể làm cho hư hỏng chánh mạng để các bậc trí giả chê trách!"

Đại đức Upasena cũng nói tương tự thế: "Tôi thà bể ruột mà chết, chứ không thể kiếm ăn thấp thỏi, trái lẽ, tà mạng làm cho chánh mạng bị hủy hoại!"

* * *


183. Về con Rùa nước

- Thưa đại đức! Về con Rùa nước thì có bao nhiều điều cần phải học hỏi?

- Học hỏi Rùa thì có năm điều, tâu đại vương.

Thứ nhất: Thế giới của Rùa ở trong nước, là nơi mát mẻ. Bậc hành giả cũng thế, nên ở trong cõi từ bi trú, là cõi mát mẻ an lành; và nên rải tâm từ ấy đến cho tất cả chúng sanh, không được thù hại ai, không gây oan trái, oán độc với ai.

Thứ hai: Rùa ở trong nước, chìm trong nước, thỉnh thoảng ló đầu lên khỏi mặt nước; nếu thấy có gì nguy hiểm thì Rùa cảnh giác, lặn xuống ngay. Vị tỳ khưu tu tập cũng hằng như thế, khi thấy phiền não đến thì phải tức khắc lặn vào trong thiền cảnh của mình.

Thứ ba: Khi Rùa lên khỏi mặt nước, nếu thấy không có người hoặc thú thì Rùa nằm phơi mình trên bãi một cách an toàn. Tương tự thế, vị tỳ khưu tu tập chánh niệm chỗ yên tịnh, thanh vắng; khi cảm thấy an toàn không sợ ngoại trần quấy nhiễu, có thể đem tâm ra khỏi các oai nghi, nghỉ ngơi chút ít nhưng mà cũng phải thường trực tỉnh giác.

Thứ tư: Rùa thường đào lỗ trong bùn, trong đất, hoặc trong các kẹt đá để ở; là vì chỗ ấy không có ai quấy nhiễu, xâm hại. Bậc sa môn hành Tứ niệm xứ cũng y như thế, phải trốn khỏi lợi lộc, tiếng khen của thế gian... vào ẩn trong hang sâu, động vắng thì khỏi sợ nguy hiểm. Đúng như đại đức Upasena đã thuyết: "Bậc xuất gia phạm hạnh phải biết xa lìa nơi ồn ào, huyên náo... tìm chỗ ẩn cư miền cô quạnh như hoang thú giữa rừng sâu."

Điều thứ năm: Phàm khi thấy người, thú hoặc cái gì có vẻ nguy hiểm, Rùa thường thu gọn đầu và bốn chân vào trong chiếc vỏ bọc của mình, nằm yên lặng như thế để tự bảo vệ sự an toàn. Hành giả tu tập chỉ tịnh và quán minh cũng nên bắt chước như Rùa. Lúc nào thấy lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp) - có vẻ nguy hại, liền thu rút lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) vào trong đề mục thiền định hoặc thiền quán để bảo vệ cho sa môn hạnh của mình.
Đúng như lời Đức Phật dạy:
"Tỳ khưu là bậc tiến tu thoát khổ, nếu có khởi tâm thì đừng nên để cho dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy xâm chiếm; đừng nên để rơi vào cái bẫy tà kiến, khinh bỉ hoặc châm biếm kẻ khác. Không như vậy thì hoàn toàn thu rút lục căn, như con Rùa nằm trốn cái đầu và bốn chân trong chiếc mu của nó."

Đại vương đã hoàn toàn lãnh hội năm điều ấy về con rùa rồi chứ?

- Vâng ạ!

* * *


184. Về cái Kèn


Đức vua Mi-lan-đà hỏi:

- Một chi của cây Kèn là thế nào hở đại đức?

- Tâu, cái Kèn sở dĩ được phát ra thành tiếng, thành âm thanh trầm bỗng là tùy thuộc vào hơi gió của người thổi. Nói cách khác, cái Kèn không thể tách rời hơi gió thổi, hơi gió thổi không thể tách rời cái Kèn. Phàm sa môn tu hành giải thoát cũng y như thế, hạnh sa môn phải được dính chặt, không được buông lơi pháp hành. Nói cách khác, vị tỳ khưu là pháp hành, pháp hành là vị tỳ khưu. Cái Kèn không thể rời hơi gió, rời hơi gió thì cái Kèn không có âm thanh. Sa môn hạnh mà rời pháp hành thì không thể gọi là sa môn. Đúng như đại đức Ràhula đã thuyết:
"Là tỳ khưu trong hàng ngũ sa môn, phải lấy pháp hành làm y chỉ, cả ngày lẫn đêm đừng rời khỏi pháp hành, phải tinh tấn để tăng trưởng và hoàn thiện pháp hành của mình."

* * *


185. Về cây Súng

- Cái Kèn thì trẫm hiểu rồi, nhưng còn một chi của cây Súng là sao?

- Tâu, cây Súng tùy thuộc nòng Súng, nòng Súng phải thông suốt từ đầu này đến đầu kia, cây Súng mới sử dụng được. Cũng vậy, vị tỳ khưu trong giáo hội của Đức Tôn sư phải biết thích ứng, tôn trọng phẩm vị, thứ tự hạ lạp từ dưới lên trên, từ thấp lên cao y như thế. Nòng Súng thông suốt, không bị vướng mắc, trở ngại, đạn mới được ra khỏi nòng. Thứ tự hạ lạp thông thuận từ dưới lên trên, không có lộn xộn, vướng mắc, mới đem đến hữu ích cho chính mình và đại dụng cho cuộc đời.

Đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết trong kinh Vidhurapunnaka Jàtaka: "Các sa môn Thích tử thuộc giống giòng trí thức, phạm hạnh... thật không nên có hành động sai trái, tà vạy; phải biết tôn trọng, cung kính thứ tự hạ lạp, phải biết thông thuận, ngay thẳng như nòng súng của cây súng vậy."

* * *


186. Về con Quạ

- Tâu đại vương! Về con Quạ thì chúng ta có hai điều cần phải lấy đó để làm gương!

- Vâng, xin đại đức cho nghe.

- Con Quạ có hai tập tính sau đây:

Thứ nhất là khi đậu một chỗ nào, con Quạ thường đưa mắt lấm lét, đảo qua đảo lại đầy vẻ nghi ngờ, sợ sệt tất cả mọi thứ xung quanh. Nó luôn luôn đề phòng, giữ mình trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Một vị tỳ khưu cũng cần phải làm như thế, phải luôn luôn phòng hộ giữ mình, hằng có chánh niệm, thu thúc lục căn trong mọi oai nghi, trước các đối tượng ngoại trần luôn đầy những bất trắc có thể tác hại đến phẩm hạnh sa môn.

Thứ hai, khi Quạ được một món ăn gì, dù là tử thi, dù là vật thực dư thừa, dù là bắp đậu... Quạ thường kêu gọi đồng loại đến để cùng ăn. Một vì tỳ khưu sống trong giáo hội bình đẳng, đầy tình nghĩa đệ huynh của Đức Tôn Sư cũng phải nên bắt chước như Quạ. Khi được thọ dụng tứ sự, lợi lộc, nhất là vật thực, dù là một bình bát hay nửa bình bát - cũng nên chia sớt vật thực ấy đến các vị đồng phạm hạnh thiếu thốn hơn mình.

Đúng như đức pháp chủ Xá-lợi-phất đã từng thuyết: "Nếu có nam nữ thí chủ nào có lòng tin mà dâng cúng vật thực đến Xá-lợi-phất tôi; vì tôi là người sống hạnh khước từ, xả ly để tiêu hủy phiền não - nên tôi sẽ chia sớt phần vật thực ấy đến cho tất cả bằng hữu phạm hạnh đều nhau cả. Và tôi sẽ là người thọ dụng sau cùng."

* * *


187. Về con Khỉ

- Bây giờ chúng ta học về con Khỉ, tâu đại vương!

- Con Khỉ thì tốt đẹp gì mà học! Suốt ngày cứ chạy nhảy leo trèo từ cây này sang cây khác, từ cành này sang cành khác - giống như tâm ý lăng xăng của chúng sanh vậy, có hay hướm gì!

Đại đức Na-tiên gật đầu:

- Vâng, điều ấy thì chúng ta không học. Ta sẽ học ở hai điểm khác.

Một, là nó hằng lựa tìm những cội cây rất to, có rất nhiều cành nhánh vững chắc và xanh tốt, sum suê để làm chỗ ở. Các vị tỳ khưu cũng hằng nên như thế, phải lựa tìm những bậc phạm hạnh có đạo cao đức cả - như là gốc đại thụ vậy - để nhờ nương, làm chỗ ở cho mình. Bậc phạm hạnh có cành nhánh vững chắc và tàng lá sum suê xanh tốt, ấy là đầy đủ: giới đức, có tàm quý, nhiều pháp lành, đa văn, là người giữ gìn pháp, nâng đỡ pháp; có ngôn ngữ từ ái, tự mình tinh tấn và dìu dắt mọi người tinh tấn đi theo con đường phạm hạnh.

Hai, Khỉ thường tìm về chỗ ngụ của mình vào lúc hoàng hôn rồi nghỉ qua đêm ở đấy. Các vị tỳ khưu trong hàng ngũ sa môn cũng phải nên làm như thế. Nghĩa là một ngày, lúc hoàng hôn xuống cũng phải biết trở về trú xứ vắng lặng của mình như rừng, nghĩa địa v.v... để nghỉ qua đêm.

Khỉ không bao giờ rời bỏ cây ấy lúc ban đêm - thì vị tỳ khưu cũng không bao giờ rời bỏ pháp tu Tứ niệm xứ của mình. Suốt đêm, dù đi, đứng, ngồi, nằm cũng hằng phải chánh niệm, tỉnh giác. Đúng như đại trưởng tử của Đức Thế Tôn đã thuyết: "Vị tỳ khưu nên hoan hỷ, mến thích khu rừng và cội cây của mình. Lúc tọa thiền, lúc đi kinh hành hoặc ngủ nghỉ đều không được rời bỏ pháp hành."

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

- Những ví dụ ấy rất hay, rất dễ nhớ, thế đại đức có còn những ví dụ như thế nữa chăng?

- Tâu, những ví dụ ấy chẳng phải của bần tăng, mà do Đức Thế Tôn hoặc các vị Thánh A-la-hán nói ra, bàng bạc trong kinh điển. Còn bần tăng chỉ là người nói lại.

- Vậy thì cho trẫm được nghe tiếp.

- Vâng, ngoài những ví dụ trên, phạm hạnh của sa môn còn phải được ví như:

Giây Bầu leo;
Hoa Sen;
Hạt giống;
Cây sàla xanh tốt;
Thuyền bè;
Ghe mắc đá ngầm;
Cột buồm;
Người cầm lái thuyền;
Người làm công;
Biển lớn.

* * *


188. Về dây Bầu leo

- Xin đại đức giải về dây Bầu leo?

- Vâng, giây Bầu leo có một điểm rất đặc biệt, là ban đầu nó bò trên đất, trên cỏ, cái vòi của nó lần tìm những cành nè, những cành cây khô để leo lên. Sau khi bò lên cao hoặc trên chót đọt của cây; thì cành, nhánh lá của nó mới tỏa ra, xanh tốt rồi đơm hoa kết trái. Phàm người tu phạm hạnh cũng như thế, ban đầu, tu tập những pháp nhỏ, pháp thấp... rồi lần hồi, biết vươn lên cao, đến chót đỉnh để tỏa cành nhánh xanh tốt, đơm hoa rồi kết A-la-hán quả.

Đúng như tôn giả Xá-lợi-phất có dạy: "Dây Bầu leo thường dùng cái vòi bắt dính những cành nhánh khô rồi bò lên cao, xanh tươi tốt đẹp; vị tỳ khưu mong được quả A-la-hán cũng phải biết vin vào những pháp tu tập ban đầu, nắm bắt từng thành quả từ thấp lên cao để tiến triển đến quả vị của bậc Vô học."

* * *


189. Về Hoa Sen

- Về Hoa Sen thì - đại đức Na-tiên nói - có ba đức tính: từ trong bùn sinh trưởng, lớn lên mà không hôi mùi bùn; lên khỏi nước mới nở hoa, và khi gió thổi thì lay động nhẹ!

Đức vua Mi-lan-đà hỏi:

- Vậy gì là Bùn, thưa đại đức?

- Bùn hàm chỉ tất cả những gì thuộc về thế gian. Ví dụ như gia đình, chủng tộc, dòng họ, giai cấp, danh vọng, lợi lộc, tứ sự cúng dường hoặc tất cả những gì, tất cả những pháp dễ phát sanh đắm lụy, cấu uế như sắc đẹp, âm thanh quyến rũ, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái v.v...

- Có nghĩa là từ thế giới ấy lớn lên, từ thế gian trần lụy ấy mà sống đạo, nhưng không nên để cho cấu uế vẩn đục, lấm nhơ phạm hạnh...

- Vâng, đúng như thế! Đôi khi có những vị tỳ khưu xuất thân trong giai cấp, dòng họ... nào đó, sau khi xuất gia phạm hạnh rồi cũng không bước ra khỏi được giai cấp và dòng họ của mình, vẫn mang bản ngã giai cấp, dòng họ ấy. Và bị quyến niệm, hệ lụy bởi giai cấp, dòng họ của mình, tâu đại vương!

- Vâng, trẫm hiểu rồi, còn đức tính thứ hai?

- Sau khi nở hoa trên mặt nước, không bao giờ hoa Sen rơi trở vào nước, chìm lại trong nước. Cũng y như thế, vị tỳ khưu đã sống đời phạm hạnh không nên rơi trở vào cuộc đời, bị những ưu sầu, sợ hãi từ cuộc đời làm chìm đắm, chi phối nữa.

- Vâng, trẫm hiểu rồi.

- Điều thứ ba, khi có gió thổi, những hoa Sen lay động nhẹ. Có nghĩa là bậc hành giả, khi bị các phiền não thế gian, tám ngọn gió thế gian lay động phải biết ngay, tỉnh thức ngay. Nói cách khác, phải biết sợ hãi chút ít đối với các pháp trần làm cho lay động tâm, đúng như Đức Chánh đẳng giác đã thuyết: "Các thầy tỳ khưu nên thọ trì điều học, dù có giới phạm, tội lỗi chút ít cũng phải biết sợ hãi nhiều."

Đấy là tất cả ba đức tính của hoa Sen, tâu đại vương!

* * *


190. Về Hạt Giống

- Về Hạt Giống thì có hai điều cần phải học hỏi, tâu đại vương!

- Trẫm đang nghe đây.

- Vâng. Thứ nhất, hạt giống thường nhỏ, ít mà thâu hái kết quả bao giờ cũng lớn, nhiều. Tương tự vậy, một vị tỳ khưu khi thọ trì những điều học, đừng coi thường những nhân phạm tội, dù rất nhỏ, ít; vì kết quả của nó sẽ rất lớn, có thể tác hại phạm hạnh trọn đời của vị sa môn. Và cũng chính nhờ ngăn giữ những điều học nhỏ và ít ấy - mà kết quả sẽ thành tựu viên mãn sa môn hạnh rất cao thượng, rất cao quý sau này.

Thứ hai, Hạt Giống ấy nếu được gieo xuống một thửa ruộng được chuẩn bị tốt về nhiều mặt, như: cày bừa kỹ, nước và phân đầy đủ; thì Hạt Giống ấy sẽ sanh trưởng rất mau lẹ, xanh tốt, đơm hoa kết quả viên mãn. Tương tự thế, thửa ruộng chính là tâm của vị tỳ khưu, phải được chuẩn bị tốt về nhiều mặt: có đức tin trong sạch, vắng lặng, ở nơi chỗ yên tĩnh thì hạt giống Tứ niệm xứ sẽ dễ dàng phát triển xanh tốt, đơm hoa kết quả Thánh đạo.

Đúng như đại đức Anuruddha (A-nậu-đà-la) đã thuyết: "Gieo hạt giống xuống đám ruộng tốt, phân nước đầy đủ, kết quả thu hái sẽ làm vừa ý người chủ ruộng. Cũng như vậy, gieo hạt giống Tứ niệm xứ vào tâm của một hành giả có trạng thái tâm tốt: trong sạch, thanh tịnh, ở nơi vắng lặng - thì đạo quả Thánh nhân sẽ phát triển rất mau lẹ, sẽ đơm hoa kết quả như ý nguyện!

* * *


191. Cây Sàla xanh tốt

- Một chi của cây Sàla xanh tốt là thế nào hở đại đức?

- Tâu, vì ngài Ràhula có thuyết với đại ý rằng: "Sở dĩ có cây Sàla phát triển sung mãn, xanh tốt, thân cây chọc thủng lên trời cao một trăm hắt tay, xòe táng rộng vững chãi, cành nhánh to mạnh, lá xanh tốt tươi - là vì rễ nó đâm sâu trong lòng đất, rễ vươn dài trong đất đến một trăm hắt tay! Bậc hành giả tu tập cũng vậy, muốn đạt được thành quả cao siêu thì cũng phải đâm sâu vào lòng đất, vươn dài trong lòng đất. Đất ấy chính là ở nơi chỗ thanh vắng, có đức tin, nội tâm trong sạch và an tĩnh vậy."

- Thưa, trẫm đã hiểu.

* * *


192. Về chiếc Thuyền

Đại đức Na-tiên nói:

- Về chiếc Thuyền thì có ba điều, tâu đại vương.

- Vâng, cho trẫm nghe.

- Điều thứ nhất, một chiếc Thuyền được gọi là tốt, có thể vượt được biển khơi - thì chiếc Thuyền ấy phải được đóng bằng loại gỗ tốt, chắc bền, sắt thép tốt, nhựa tốt... nói chung là mọi vật liệu phụ tùng đều phải hoàn bị. Có được chiếc Thuyền như thế mới đưa được người, vật đến nơi an toàn. Một vị tỳ khưu cũng y như thế, chuẩn bị tốt cho mình về hạnh kiểm, giới đức, pháp học, pháp hành, trí tuệ... mới có khả năng tự cứu độ mình, đưa chúng sanh, người, trời vượt thoát khỏi đại dương sinh tử.

- Điều thứ hai, chiếc Thuyền ra khơi dĩ nhiên là phải sẵn sàng chịu đựng mọi phong ba bão táp, phải đương đầu các bãi đá ngầm, dòng nước xoáy v.v... Tương tự thế, vị tỳ khưu cũng phải sẵn sàng chịu đựng mọi sóng gió phiền não, những cạm bẫy, những hệ lụy phát sanh từ lợi lộc, danh vọng, lời khen, sự cung kính, lễ bái, tứ sự cúng dường v.v...

Điều thứ ba, ra khơi, chắc hẳn Thuyền phải đi qua những vực nước sâu đầy những cá sấu, thuồng luồng, cá mập hung dữ như thế nào cũng không nên sợ hãi, không thể sợ hãi. Cũng vậy, vị tỳ khưu nắm chắc Tứ diệu đế, thấy rõ Tứ diệu đế - đồng thời phải thấy rõ, biết rõ ba luân, mười hai chuyển
  • , đồng thời phải huân tập ba la mật khả dĩ vượt qua tất cả các hành (sankhàra) mà không sợ hãi, không thể sợ hãi.

    Đấy là tất cả ba chi về chiếc Thuyền, tâu đại vương!

    - Cảm ơn đại đức.

  • Có thể gọi là ba sắc thái và mười hai phương thức:

    Tuệ tri: Khổ: Đấy là khổ, phải được thấy, đã thấy.
    Tuệ diệt: Tập: Đây là nguyên nhân khổ, phải được tận diệt, đã tận diệt.
    Tuệ chứng: Diệt: Đây là diệt khổ, phải được chứng ngộ, đã chứng ngộ.
    Tuệ hành: Đạo: Đây là Đạo diệt khổ, phải được thực hành, đã thực hành tốt.


    * * *

    Mời xem tiếp: 193-207

    Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
    xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
    xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





    TRUYỆN PHẬT GIÁO

    TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

  • THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
    Xem: 994 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
    Tổng-số Ý-kiến: 0
    CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
    [ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]