Thứ Sáu
19 Apr 2024
10:59 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

KINH ẨN DỤ IV
21 Jan 2011, 3:29 PM


Chương XII Kinh Niết Bàn

Bài 124: Voi Dữ Và Ác Tri Thức


Các vị Đại Bồ Tát,
Xem kẻ ác tri thức,
Như những con voi dữ,
Vì đều loại hại thân.
Các Ngài đối với dữ,
Tâm không hề sợ hãi,
Chứ đối ác tri thức,
Tâm sinh khiếp sợ ngay.
Dù voi có dữ mấy,
Cũng chỉ hại thân thôi,
Mà không thể hại tâm.
Còn đối ác tri thức,
Hại tâm vô lượng thiện tâm.
Voi dữ chỉ phá hoại,
Cái thân nhơ nhớp thôi.
Còn đối ác tri thức,
Phá hoại cả tinh thần,
Và lẫn cả tịnh tâm.
Voi dữ chỉ phá hoại,
Thân xác thịt chúng ta.
Còn đối ác tri thức,
Phá hoại Pháp Thân ta.
Nếu bị voi dữ giết,
Chẳng đọa ba ác đạo,
Bị ác tri thức giết,
Quyết đọa ba ác đạo.
Voi dữ là kẻ oán,
Của xác thân chúng ta.
Còn đối với ác tri thức,
Kẻ oán của thiện Pháp.
Vậy nên các Bồ Tát,
Thường phải xa lìa hẳn,
Bọn ác tri thức vậy.


Bài 125: Bốn Núi Lớn Ở Bốn Phương


Phật bảo vua Ba Tư Nặc:
“Hởi Đại Vương, nay phỏng có,
Người thân tín bảo nhà vua,
Bốn núi lớn ở bốn phương,
Sắp sập, thiệt hại nhân dân,
Nhà vua có phương kế chi,
Để đối phó đề phòng không?”
Vua thưa: “Kính bạch Thế Tôn!
Nếu có việc ấy xảy ra,
Thật là không nơi lánh nạn,
Nhưng chỉ chuyên tâm trì giới,
Và tu bố thí mà thôi!”

Phật khen: “Hay thay Đại Vương!
Ý ta nói bốn núi đó,
Là muốn chỉ bốn món khổ,
Sanh, lão, bệnh, tử chúng sanh,
Chúng nó hay cướp mạng người,
Vậy phải tu giới bố thí”.

Vua nói: “Bạch Đức Thế Tôn!
Nếu trì giới và bố thí,
Được những quả báo thế nào?”

Phật đáp: “Sanh vào cõi người,
Hoặc là sanh về cõi trời,
Được hưởng nhiều điều vui sướng”.


Bài 126: Hoa Vàng Và Vàng Thật


Ví như có hoa vàng,
Nặng được một ngàn cân,
Chẳng bằng lượng vàng thật.
Gây tội tuy rất nhiều,
Chẳng bằng một chút đức.
Ta đối với Đức Phật,
Mà làm điều giả dối,
Chẳng khác như người mù,
Vì mình chẳng nhìn thấy,
Tưởng người cũng chẳng thấy,
Mình làm việc ác đó.
Cho nên đối trước Phật,
Và đại chúng sám hối,
Vì tội không tự tánh,
Được gặp duyên lành tốt,
Quyết được tiêu diệt vậy.


Bài 127: Con Voi Đại Ác


Cái tâm nó lanh lẹ,
Và nhẹ nhàng động chuyển,
Khó mà nắm bắt nó,
Nó rông chạy lung tung.
Như con voi đại ác,
Nó thoạt qua nhanh chóng,
Như chớp sáng điện khí,
Nó nhảy vọt rộn ràng.
Chẳng yên như vượn khỉ,
Chính đó là cội gốc,
Của tất cả điều ác.


Bài 128: Người Có Bảy Đứa Con


Như nhà có bảy con,
Có một đứa bị bệnh,
Sự lo lắng của mẹ,
Cố nhiên phải nghiêng nặng,
Về đứa con bị đau.
Phật đối với chúng sanh,
Chẳng phải bất bình đẳng,
Nhưng kẻ nào có tội,
Lòng thương hại nặng hơn.


Bài 129: Người Lực Sĩ


Thà tự mổ bụng, xẻ xương,
Quyết chẳng theo tâm làm ác.
Duy lực sĩ là vô địch,
Mới thắng được các sức mạnh.
Ai tự mình tu tâm được,
Thời hơn kẻ lực sĩ kia.
Phật đã phấn đấu với tâm,
Biết bao kiếp, nhiều không xiết,
Chẳng dám theo tâm làm ác,
Tận lực tu hành tinh tấn,
Mà tự được thành Phật vậy.


Bài 130: Kẻ Mù Chữa Mắt


Phật bảo: “Này Ca Diếp,
Phật Tánh rất thâm sâu,
Khó thấy và khó vào.
Ví như có một trăm,
Kẻ mù muốn chữa mắt,
Rủ nhau đến danh sư.
Thầy thuốc lấy dao vàng,
Cắt màng trong con mắt,
Rồi đưa một ngón tay,
Hỏi chung cả bọn mù:
'Có thấy gì hay không?'
Họ đáp: 'Chưa thấy được!'
Ông đưa hai, ba ngón,
Bọn mù thấy lờ mờ.
Như vô lượng Bồ Tát,
Đã có được đầy đủ,
Các món Ba La Mật,
Tuy chứng đến Thập Trụ,
Nhưng chưa được Như Lai.
Dạy nói đến Phật Tánh,
Nên chẳng thấy Phật Tánh,
Thập Trụ Bồ Tát kia,
Hãy còn chẳng thấy thay,
Huống hồ là Nhị Thừa.
Và đến khi Như Lai,
Đã dạy nói Phật Tánh,
Họ mới thấy chút ít.
Ví như có người kia,
Đang đi ngoài đồng nội,
Quá khát mà tìm nước,
Vừa thấy con hạc trắng,
Ở trong đám cây rừng,
Kẻ khát vì mê muội,
Không thể phân biệt được,
Cho con hạc là nước,
Khi đến nơi xem kỹ,
Mới biết là con hạc”.


Bài 131: Người Bệnh Với Thuốc


Có bốn pháp làm nhân,
Gần cho Đại Niết Bàn:
1. Gần gũi các bạn lành,
2. Chuyên tâm nghe đạo Pháp,
3. Chuyên niệm và suy nghĩ,
4. Đúng như Pháp tu hành.
Vì nếu chỉ nghe suông,
Chẳng được Đại Niết Bàn.
Ví như người bệnh hoạn,
Tuy được thầy thuốc nói,
Cho nghe tên món thuốc,
Nhưng bệnh chưa thể lành,
Muốn bệnh được lành mạnh,
Trước hết phải uống thuốc.


Bài 132: Nhà Mục


Dòng sanh mạng chảy không ngừng,
Mau hơn nước núi chảy xuống.
Ngày nay tuy còn tồn tại,
Ngày mai khó được bảo đảm.
Thế mà cứ làm điều ác,
Ví như nhà mục sẽ sập,
Mạng ta cũng y như thế.


Bài 133: Giọt Nước


Kỳ Bà nói: “Bề tôi này,
Nghe Phật thường dạy đại chúng,
Nếu ta tu được một niệm lành,
Thời phá được trăm điều ác”.

Phật giảng dạy: “Này Đại Vương,
Ví như có chút Kim Cang,
Có thể phá núi Tu Di.
Cũng như chỉ có chút lửa,
Có thể đốt cháy tất cả.
Và cũng như chút thuốc độc,
Có thể hại mạng chúng sanh.
Chút lành, cũng vậy, tuy nhỏ,
Kỳ thật là lớn, vì sao?
Vì có thể phá đại ác.
Vậy đừng có khinh ác nhỏ,
Cho là ác nhỏ không tội,
Giọt nước tuy là bé thật,
Nhưng cứ chứa dồn, đầy lu”.


Chương XIII Kinh Đại Bát Niết Bàn


Bài 134: Mặt Trăng

Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát:
“Có người thấy mặt trăng lặn,
Cho rằng mặt trăng đã mất,
Nhưng thật mặt trăng không mất,
Đang hiện ra ở phương khác.
Chúng sanh xứ kia lại nói:
Mặt trăng đã mọc lên kìa!
Thật ra mặt trăng không mọc,
Vì bị che chướng không thấy,
Nên nói mặt trăng mọc, lặn.
Đức Như Lai Chánh Biến Tri,
Hiện nơi Đại Thiên Thế Giới,
Hoặc sanh tại Diêm Phù Đề,
Có đủ cả cha và mẹ.
Chúng sanh nói Đức Như Lai,
Giáng sanh trong Diêm Phù Đề.
Hoặc là thị hiện Niết Bàn,
Chúng sanh lại cũng cho rằng,
Đức Như Lai nhập Niết Bàn.
Nhưng thật ra Như Lai tánh,
Không có sanh, không có diệt.
Như xứ này thấy trăng tròn,
Còn phương khác thấy trăng khuyết.
Hoặc thấy bắt đầu có trăng,
Nói ngày mùng một đầu tháng,
Thấy trăng tròn nói ngày rằm,
Nhưng trăng thật không khuyết, tròn,
Vì bị che chướng đó thôi,
Mà thấy trăng có khuyết, tròn.
Cũng vậy, trong Diêm Phù Đề,
Như Lai hoặc hiện Niết Bàn,
Giáng sanh: như trăng đầu tháng,
Đi bảy bước: trăng mùng hai,
Vào học đường: trăng mùng ba,
Xuất gia: như trăng mùng tám.
Phóng ánh sáng Đại Trí Huệ,
Phá vô lượng Ma Ba Tuần,
Như mặt trăng tròn ngày rằm,
Thị hiện ba mươi hai tướng,
Cùng với tám mươi vẽ đẹp.
Rồi thị hiện nhập Niết Bàn,
Như cuối tháng mặt trăng ẩn.
Chúng sanh thấy đều sai khác,
Hoặc thấy nửa, hoặc thấy tròn,
Hoặc thấy trăng ẩn trọn vẹn.
Nhưng trăng nào có thêm bớt,
Trăng vẫn luôn luôn đầy đủ.
Cũng vậy, thân Đức Như Lai,
Vẫn Thường Trụ, không biến đổi.
Thật Tánh của Đức Như Lai,
Là Pháp Thân, thân vô sanh,
Là thân phương tiện đó vậy.
Tùy thuận thế gian thị hiện,
Vô lượng vô biên nghiệp dung,
Thị hiện sanh ra khắp nơi.
Như mặt trăng kia chẳng khác,
Hiện ra khắp mọi đất nước.
Cho nên nói Đức Như Lai,
Là Thường Trụ, không biến đổi,
Ví như khi nào tối tăm,
Mặt trời, mặt trăng chẳng hiện,
Người ta không biết cho rằng,
Mặt trời, mặt trăng lặn mất,
Thật ra mặt trời, mặt trăng,
Chẳng phải lặn, mất, vẫn còn.
Thời chánh Pháp Phật diệt hết,
Tam Bảo cũng chẳng còn nữa,
Nhưng chẳng phải là dứt hẳn,
Cũng như mặt trời, mặt trăng,
Lúc đã lặn mất kia vậy.
Vì thế nên biết Như Lai,
Là Thường Trụ, không biến đổi,
Vì chân tánh của Tam Bảo,
Chẳng bị cấu nhơ ô nhiễm.
Vậy thiện nam, nữ hãy tin,
Tin nhận chánh Pháp chẳng dứt,
Tin nhận chẳng Tam Bảo diệt”.


Chương XIV Kinh Bách Dụ


Bài 135: Chứa Sữa Trong Bụng Bò


Có người sắp mở hội,
Mời một số khách đông,
Để cúng dường sữa bò.
Rồi tự nghĩ như vầy,
Từ nay nếu mỗi ngày,
Nặn lấy sữa ắt nhiều,
Lấy gì để chứa hết,
Như chứa để lâu ngày,
Sợ e sữa phải hư.
Nên chứa trong bụng bò,
Ngày nào có khách đến,
Nặn lấy một lần thôi.
Nghĩ vậy, bắt bò con,
Đem cột xa bò mẹ.
Qua thời gian một tháng,
Anh mới mời khách đến,
Đem bò ra nặn sữa,
Sữa đã khô mất hết,
Nặn ra không một giọt.
Người đợi cho giàu to,
Mới tu đại bố thí,
Thường ngày chẳng giúp ai,
Đến khi muốn bố thí,
Thời của cải không còn,
Đã bị giặc cướp hết,
Cũng như chuyện chứa sữa,
Trong bụng bò chẳng khác.


Bài 136: Người Khát Nước


Có người khát kiếm nước,
Tìm đến chổ nhiều nước,
Đứng xem mà chẳng uống.
Có người bảo anh rằng:
“Anh khát, tìm được nước,
Thật lắm bề khó nhọc,
Nay tìm gặp được nước,
Chẳng uống là tại sao?”

Anh chàng trả lời rằng:
“Nếu uống hết mới uống,
Nhưng nước đây nhiều quá,
Uống không thế hết được,
Nên tôi mới không uống”.

Bọn người kia nghe vậy,
Cười cho là kẻ ngu.
Cũng như có nhiều người,
Thấy giáo Pháp của Phật,
Quá nhiều và cao siêu,
Cho mình không thế nào,
Đọc và hiếu hết được,
Nên chẳng chịu học hỏi,
Suy nghĩ và tu tập.

Chương XV Kinh Tạp Thí Dụ

Bài 137: Để Bát Cúng Dường Phật

Đức Phật đứng trước cửa,
Một nhà, để khất thực,
Vợ chủ nhà đem cơm,
Để vào bình bát Ngài,
Rồi làm lễ cúng dường.
Phật dạy: “Đem hột giống,
Trồng một sanh được mười,
Trồng mười sanh được trăm,
Trồng ngàn sanh được vạn,
Trồng vạn sanh được ức,
Được thấy đạo chắc chắn”.

Người chồng không tin, bảo:
“Chỉ cúng một bát cơm,
Đâu được phước nhiều thế!”

Đức Phật liền chỉ dạy:
“Người thấy cây đại thọ,
Ni Câu Đa kia không?
Nó cao lớn thịnh mậu,
Đến bốn mươi lăm dặm,
Mỗi năm trái nó sanh,
Có chừng vài vạn hộc,
Hột nhỏ như hột cải,
Mà đất nào có biết,
Được kết quả nhiều thế!
Nhưng đất thuộc vô tình,
Chớ người, loại hữu tình,
Do tâm thật vui mừng,
Kính đem một bát cơm,
Dâng lên cúng dường Phật,
Được phước báo rất lớn,
Không thể kể xiết được”.

Bây giờ cả tâm ý,
Đôi vợ chồng tỏ ngộ,
Chứng quả Tu Đà Hoàn.


Bài 138: Con Rắn


Xưa có con rắn kia,
Đầu, đuôi tranh hơn nhau,
Cái đầu thì bảo rằng:
“Ta có tai để nghe,
Mắt thấy và miệng ăn,
Đi, thời ta đi trước,
Còn người làm gì có,
Những tài đã nói đó,
Mà hơn ta được chứ!
Cho nên ta chắc chắn,
Hơn người hẳn đó vậy”.

Đuôi cố cãi lại rằng:
“Tuy vậy, nhưng nếu ta,
Quyết chẳng cho người đi,
Người không thể đi được”.

Rồi nó liền đem đuôi,
Quấn vào cây ba vòng,
Nằm tại chổ ba ngày,
Nhất định chẳng buông tha.
Đầu muốn đi kiếm ăn,
Mà không thể đi được
Đói gần muốn hụt hơi;
Tính bề không xong rồi;
Bất đắc dĩ bảo rằng:
“Thôi ta đành chịu thua,
Người hơn ta rồi vậy,
Xin thả thân ra cho”.

Cái đuôi chịu thả thân
Đầu bảo: “Người hơn ta,
Vậy người phải đi trước”.

Cái đuôi đã thắng trận,
Liền vút vắt đi trước,
Đi chẳng được bao lâu,
Bị sa xuống hầm lửa,
Mà chết thui mất xác.
Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Cái thí dụ trên đây,
Ví cho người ngu muội,
Tranh chấp nhân và ngã,
Rồi đôi bên giận dữ,
Mà cùng nhau bị đọa,
Vào Tam Đồ ác đạo”.


Bài 139: Kẻ Nhạc Sĩ Xin Trâu


Xưa có kẻ nhạc sĩ,
Biết đủ các điệu nhạc,
Đến trưởng giả xin trâu,
Trưởng giả chẳng muốn cho,
Nên ông bảo anh rằng:
“Nếu anh đánh nhạc được,
Cả ngày đêm chẳng nghỉ,
Được đủ một năm tròn,
Thời tôi cho anh trâu”.

Anh thưa: “Tôi đánh được,
Xin ông cũng nghe luôn”.

Trưởng giả trả lời rằng:
“Tôi nghe luôn chớ sao!”
Anh ta rất vui mừng,
Chăm lòng đánh không nghỉ,
Luôn ba ngày ba đêm.
Trưởng giả nghe chán quá,
Không thể nghe được nữa,
Liền sai người nhà ông,
Đem trâu ra cho anh.
Bậc Tỳ Kheo tu đạo,
Cần tinh tấn như thế,
Được hưởng quả báo tốt,
Bất tất phải trải qua,
Nhiều đời hay nhiều kiếp,
Hễ tinh tấn càng mạnh,
Được quả báo càng sớm.


Bài 140: Ba Người Tu Đắc Đạo


Xưa có ba người tu
Cùng hỏi với nhau rằng:
“Các anh đã nhờ đâu,
Mà chứng được đạo quả?”

Một người đáp lại rằng:
“Một hôm, lúc sáng sớm,
Tôi thấy giàn nho kia,
Những chùm trái rất đẹp,
Quá trưa, người ta đến,
Hái không còn một trái,
Và làm cho cành lá,
Hư hao và tàn tạ.
Tôi nhận thấy như vậy,
Mới giác ngộ các Pháp,
Vô thường là như thế,
Do đó tôi đắc đạo”.

Người thứ hai đáp tiếp:
“Khi ở bên bìa nước,
Tôi thấy người đàn bà,
Đang quậy tay rửa bát,
Hai chiếc vòng nơi tay,
Chạm vào nhau thành tiếng,
Do nhân duyên hội họp,
Mà phát ra thành tiếng,
Tôi do đó đắc đạo”.

Người thứ ba đáp rằng:
“Lúc ở bên hồ sen,
Tôi thấy nơi hồ nầy,
Nhiều hoa sen rất đẹp,
Hôm đó khi quá trưa,
Vài chục chiếc xe đến,
Rồi người ta lội xuống,
Làm hư nát tan tành,
Những đóa hoa tuyệt hảo,
Tôi mới giác ngộ được,
Pháp vô thường là thế,
Do đó tôi đắc đạo”.


Bài 141: Thấy Bóng Đánh Lộn


Xưa có gia đình trưởng giả,
Vợ chồng rất yêu kính nhau,
Chồng bảo vợ vào nhà bếp,
Lấy rượu ra đây cùng uống.
Người vợ vừa dở nắp lu,
Chợt thấy bóng mình trong lu,
Cho là có người ẩn trốn,
Ở trong lu từ bao giờ,
Trở ra sân si với chồng:
“Anh đã chứa dấu đàn bà,
Trong lu rõ ràng như vậy,
Còn cưới tôi làm sao nữa?”

Chồng tức quá chạy vào xem,
Lại thấy bóng mình trong lu,
Liền chạy ra nạt vợ rằng:
“Mầy dấu trai ở trong đó,
Mà lại cho ta dấu gái”.

Thế là cùng nhau ẩu đả,
Đánh đập la khóc um sùm,
Đàng nào cũng cho mình phải.
Giây lát có thầy Tỳ Kheo,
Đi ngang qua, nghe được chuyện,
Liền vào nhà ấy xem thử,
Mới biết vì nhìn lầm bóng,
Mà thành ra đánh lộn nhau.
Nên bùi ngùi tự than rằng:
“Người đời rõ thật quá ngu,
Lấy cái giả cho là thật”.

Rồi mạnh bạo nói to rằng:
“Ta sẽ giúp dùm các người,
Bắt người trong lu ra cho”.

Rồi Ngài lấy cục đá to,
Đập lu vở, rượu chảy cả,
Còn người bóng ở trong lu,
Cũng biến mất liền lúc đó,
Đã giải quyết cái bóng xong,
Đôi vợ chồng rất hổ thẹn,
Thầy Tỳ Kheo liền nói Pháp,
Khiến cho hai người đắc đạo.
Đức Phật nói thí dụ này,
Vì bởi đời người chẳng biết,
Cái “khổ không” của Năm Uẩn,
Và bốn đại mà bị khổ,
Sanh tử chẳng lúc nào dứt.


Bài 142: Con Ba Ba


Xưa, có con ba ba,
Gặp phải trời nắng khô,
Nước ao hồ cạn hết,
Tự mình không đi được,
Đến những ao còn nước.
Bấy giờ có con hạc,
Bay đậu gần bên đó,
Ba ba liền cầu xin,
Nhờ hạc cứu giúp cho.
Hạc thương tình giúp đở,
Dùng mỏ kẹp ba ba,
Tha bay đi một đỗi,
Bay qua nơi xóm làng,
Ba ba mới hỏi rằng:
“Đây là nơi nào vậy?
Sao chẳng đậu ở đây?”

Để trả lời ba ba,
Hạc mới há mỏ ra,
Ba ba rớt xuống đất,
Bị người bắt ăn thịt.
Vậy những người quá ngu,
Chẳng cẩn thận nơi miệng,
Cũng hại như thế đó.

Chương XVII Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Bài 143: Cái Điên Của Chàng Diễn Nhã Đạt Đa
Và Những Em Bé Muốn Mơ Trăng Trong Chậu Nước

Phật thấy ông Phú Lâu Na,
Còn mắc míu chỗ mê ngộ,
Nên không thoát khỏi đối đãi,
Vì sinh lòng nghi, hỏi rằng:
“Nếu bản tính quả là mê,
Thì không thể giác ngộ được,
Và nếu bản tính là ngộ,
Thì sao lại hóa mê?”

Do đây, Phật tùy phương tiện,
Lấy chuyện người điên hiếm có,
Ở thành Thất Na Phiệt,
Làm ví dụ chỉ dạy,
Để dứt trừ mối nghi hoặc,
Cho đệ tử Phú Lâu Na.
Đó là Diễn Nhã Đạt Đa,
Người này lấy gương soi mặt,
Thấy cái đầu ở trong gương,
Mặt mày rõ ràng là mình,
Thế rồi đột nhiên phát điên,
Nghĩ mình không có đầu nữa,
Như loài yêu quái chẳng khác.
Nhân đó sợ hãi bỏ chạy,
Đi tìm cái đầu của mình,
Nguyên nhân của sự sợ hãi,
Chỉ vì người ấy phát điên,
Chứ không duyên cớ gì khác.
Tâm tính chúng sinh sáng suốt,
Chứ không có gì là vọng.
Vì chúng sinh nhận thức sai,
Nên thành hình như có vọng.
Chúng sinh từ cái vọng này,
Rồi lại sang cái vọng khác.
Như anh Diễn Nhã phát cuồng,
Xoay vần mãi mãi như thế,
Trong vô lượng vô biên số kiếp.
Đến khi được Phật chỉ dạy,
Vẫn còn không chịu giác ngộ,
Chẳng trực nhận được tâm tính,
Xét nghĩ cho thật cùng tận.
Chỉ do nhận thức mê lầm,
Mà có vọng này vọng nọ,
Không do nguyên nhân gì khác.
Chúng ta thử nghĩ lại chuyện,
Chàng Diễn Nhã phát điên kia,
Các công việc của anh làm,
Mấy ai lại không soi gương,
Và soi gương ai cũng thấy,
Cái đầu của mình trong gương.
Nhưng anh Diễn Nhã Đạt Đa,
Lại phát điên bỏ chạy được,
Là do nhận thức sai lầm,
Đâu có nguyên nhân gì khác.
Lại nữa nhận thức sai lầm,
Cũng còn có thể ví dụ,
Với những em bé mò trăng,
Trong các chậu nước chẳng hạn.
Đêm trăng, chậu nước trong nào,
Cũng hiện ra bóng mặt trăng,
Nào phải có nhân duyên gì,
Gây ra nhận thức sai lầm,
Cho các em bé ra sức,
Tìm mò trăng trong chậu nước.
Nhận thức mê lầm quả thật,
Không có nhân, không gì cả.
Các em bé khi lớn lên,
Tự nhiên biết trong chậu nước,
Làm gì có được mặt trăng,
Thì tất nhiên không mò trăng,
Bất luận trong chậu nước nào.
Chàng Diễn Nhã cũng như thế,
Khi chàng đã hết điên rồi,
Thì thấy đầu mình vẫn còn
Không phải từ đâu đưa tới.
Nhưng dầu anh chưa hết điên,
Thì cái đầu cũng không phải,
Vì điên tưởng mình mất đầu,
Mà hóa thành không có đầu.
Nhận thức mê lầm của ta,
Như cái điên của Diễn Nhã,
Vốn không có nguyên nhân nào,
Do vì chúng sinh mãi mãi,
Phát khởi tâm niệm phân biệt.
Tất nhiên Như Lai Tạng Tính,
Theo duyên ấy mà hiện ra.
Thế giới chúng sinh, nghiệp quả,
Nếu chúng sinh đều giác ngộ,
Tất cả các Pháp hữu vi,
Đều do phân biệt biến biện,
Không còn theo các phân biệt,
Thì đoạn được hẳn các duyên,
Tạo nên chủng tử mê lầm.
Sinh ra các Pháp hữu vi,
Giác được như thế đó rồi,
Cái tính điên của tự tâm,
Thoát nhiên tự hết dễ dàng,
Đã diệt hết mê lầm rồi.
Thì trong kinh đó gọi là:
“Tâm tính bản lai thanh tịnh”,
Hiện tiền cùng khắp Pháp giới,
Tâm tính ấy ai cũng có,
Không phải tu chứng mà được.

Cũng như chàng cùng khổ kia,
Sẳn có trong chéo áo mình,
Hạt châu như ý quý báu,
Mà bấy lâu không tự biết,
Để phải nghèo nàn rách rưới.
Đến khi được người ta chỉ,
Nhận ra hạt châu như ý,
Người ấy muốn gì được nấy,
Trở thành người giàu có lớn.
Người ấy sẳn có hạt châu,
Không biết thì phải nghèo khổ,
Biết thì hóa thành giàu có.
Chứ hạt châu như ý ấy,
Không phải từ ngoài đưa tới.
Chúng sinh cũng như thế đó,
Ai cũng có sẳn đầy đủ,
Như Lai Tạng Tính như nhau.
Mà khổ nổi không tự biết,
Để phải luân hồi khổ não.
Đến khi nhờ Phật chỉ dạy,
Chừng ấy mới biết không theo.
Những điều phân biệt giả dối,
Cùng những nhận thức sai lầm,
Thì liền đó nhận được ngay,
Như Lai Tạng Tính nơi mình,
Đầy đủ hiệu dụng rộng lớn.
Mới biết mọi người sẳn có,
Như Lai Tạng Tính như nhau,
Chỉ cần phải trực nhận thôi.

Chương XVIII Kinh Lăng Nghiêm

Bài 144: Một Bong Bóng Trong Biển Cả

Quan sát tấm thân này,
Do cha mẹ sanh ra,
Như thổi một mảy bụi,
Giữa hư không mười phương,
Thoát còn, thoắt mất đi.
Lại cũng như biển cả,
Nổi lên một bong bóng,
Rồi trôi nổi lênh đênh,
Thoạt còn, thoạt mất đi.
Sanh hay diệt cũng thế,
Chẳng từ đâu mà có.

Chương XIX Kinh Di Giáo

Bài 145: Vị Thuốc Uống

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Khi nhận thức ăn uống,
Nên xem như vị thuốc,
Ngon, chớ sinh lòng tham,
Dở, đừng khởi tâm giận.
Cốt tạm giúp thân này,
Để chữa bệnh đói khát.

Ví như ong hút hoa,
Chỉ hút lấy hương vị.
Không hề làm thương tổn,
Đến sắc và hương hoa.
Các Tỳ Kheo cũng vậy,
Nhận các thứ cúng dường,
Cốt để trừ phiền não,
Chớ nên tham cầu nhiều,
Khiến cho người cúng thí,
Bị giảm mất thiện tâm.
Như người có trí sáng,
Phải nên biết sức khoẻ,
Tùy theo thời, theo việc,
Cho hợp sự, hợp duyên,
Để khiến chúng làm việc,
Không nên làm quá sức,
Khiến chúng phải kiệt quệ”.

Bài 146: Cái Búa Bén

“Nầy các Tỳ Kheo!
Người có trí huệ,
Thì không tham đắm,
Nên cần tự tỉnh,
Chớ mất chánh niệm.
Ở trong Pháp ta,
Học đạo giải thoát,
Chẳng học trí huệ,
Chẳng phải người Đạo,
Cũng chẳng phải tục.
Người có trí huệ.
Như thuyền bền chắc,
Vượt qua biển lớn,
Sanh, lão, bệnh, tử,
- Là đèn vĩ đại,
Soi tới vô minh.
- Là vị thuốc hay,
Chữa lành mọi bệnh.
- Là cái búa bén,
Hạ cây phiền não.
Vậy nên các người,
Lấy ba món huệ,
Là Văn, Tư, Tu,
Mà tự lợi ích.
Người có trí huệ,
Tuy thiếu thiên nhãn,
Nhưng cũng là người,
Có đủ minh kiến”.


Bài 147: Đắp Bờ Giữ Nước


“Hỡi các Tỳ Kheo!
Nếu ai nhiếp tâm,
Thời tâm có định,
Mới có thể biết,
Cái lẽ sanh diệt,
Của muôn sự vật.
Vậy nên các người,
Thường phải tinh tấn,
Tu tập các định,
Nếu ai được định,
Tâm chẳng tán loạn.
In như nhà nông,
Đắp bờ giữ nước.
Các người cũng nên,
Giữ nước trí huệ,
Khéo tu thiền định,
Chớ để lọt mất,
Thì uổng lắm vậy”.

Bài 148: Rắn Hổ Mun

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Ngày thời siêng tu tập,
Các Pháp lành đúng thời,
Đầu đêm và cuối đêm,
Cũng gắng đừng luống bỏ.
Giữa đêm thời tụng kinh,
Việc làm có chừng mực,
Đừng vì sự ngủ nghỉ,
Để luống qua một đời,
Không được một chút gì.
Phải nhớ lửa vô thường,
Đốt cháy các thế gian,
Nên sớm cầu tự độ,
Chớ ham sự ngủ nghỉ.
Giặc phiền não hung ác,
Thường rình rập giết người,
Hơn là kẻ oan gia.
Nếu người ham ngủ nghỉ,
Tự mình chẳng tỉnh ngộ,
Loài rắn độc phiền não,
Còn ngủ trong tâm ngươi.
Ví như rắn hổ mun,
Còn ngủ trong nhà người,
Hãy lấy móc trì giới,
Mau diệt trừ nó đi.
Rắn độc đã chạy khỏi,
Rồi mới nên yên nghỉ,
Nếu nó chưa chạy khỏi,
Mà vẫn cứ ngủ nghỉ,
Người này thật mê si,
Khó tránh khỏi tai họa”.


Bài 149: Người Chăn Trâu


Năm căn, tâm làm chủ,
Vọng tâm thật đáng sợ,
Sợ hơn loài ác thú,
Giặc cướp và lửa dữ.
Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Đã an trụ giới Pháp,
Phải ngăn ngừa năm căn.
Ví như người chăn trâu,
Giữ chẳng cho buông lung.
Ăn hại lúa mạ người,
Cũng ví như ngựa dữ,
Nếu chẳng dùng dây cương,
Ắt nó sẽ lôi người,
Sa vào nơi hầm hố.
Lại như bị cướp hại,
Khổ chỉ một đời thôi,
Còn như hại năm căn,
Gây khổ lụy nhiều kiếp,
Lẽ nào chẳng cẩn thận.
Người có trí tự ngăn,
Chẳng buông theo năm căn,
Như phòng giữ giặc cướp,
Chẳng cho chúng tự tiện.
Nếu để chúng tung hoành,
Trong chừng giây lát thôi,
Liền thấy rõ tai họa.
Vậy nên các đệ tử,
Phải kéo chế phục tâm”.

Chương XX Kinh Tâm Địa Quán

Bài 150: Mặt Trời Với Kẻ Mù

Có năm trăm trưởng giả,
Thưa hỏi Đức Phật rằng:
“Phật Bảo rất có lợi,
Cho tất cả chúng sinh,
Cớ sao có nhiều người,
Chẳng hề thấy được Phật,
Và vẫn bị khổ não?”

Đức Phật trả lời rằng:
“Ví như mặt trời kia,
Tuy soi khắp thế giới,
Mà những kẻ bị mù,
Nào có thấy ánh sáng?
Còn có nhiều chúng sanh,
Thường hay gây ác nghiệp,
Mà chẳng biết tự giác,
Cũng không biết hổ thẹn,
Lại cũng chẳng gần gủi,
Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Nếu có chúng sanh nào,
Biết tôn trọng Tam Bảo,
Thời nghiệp chướng tiêu trừ,
Phước huệ được thêm lớn,
Căn lành đều trọn nên,
Hẳn lìa được sanh tử,
Được chứng quả Bồ Đề”.

Bài 151: Kiếp Hỏa Phá Thế Gian

Nếu ai sám hối đúng như Pháp,
Bao nhiêu phiền não đều tiêu trừ,
In như kiếp hỏa phá thế gian,
Cháy hết Tu Di và Đại Hải.
Sám hối được vãng sanh cõi trời,
Sám hối hay được vui Tứ Thiền,
Sám hối mưa ngập Ma Ni Bảo,
Sám hối được sống lâu Kim Cang,
Sám hối được vào cõi Thường Lạc,
Sám hối được thoát ngục Tam Giới,
Sám hối được nở hoa Bồ Đề,
Sám hối được ngộ cảnh Đại Viên,
Sám hối khiến người đến cõi báu.


Bài 152: Người Không Tay


Như người không tay,
Tuy đến núi báu,
Không lấy được gì,
Người không lòng tin,
Dầu gặp Tam Bảo,
Cũng không ích gì.

Chương XXI Kinh Xuất Diệu


Bài 153:Cá Ít Nước

Một hôm biển Nam Hải,
Vụt nổi một cơn sóng,
Dữ dội kinh khủng quá,
Đẩy ba con cá lớn,
Vào trong chỗ nước cạn.
Cá cùng bảo nhau rằng:
“Chúng ta bị nguy rồi,
Hiện giờ nước chưa cạn,
Vẫn còn chảy ra vào,
Nên thoát khỏi nơi này”.

Không may, có con thuyền,
Lại chận ngang thủy khẩu,
Cá không thể chạy ra.
Con thứ nhất tận lực,
Vượt qua được khỏi thuyền.
Con thứ hai cũng may,
Nhờ cỏ lủi qua được.
Duy có con thứ ba,
Bởi vì yếu sức quá,
Bị ngư ông bắt được.
Đức Phật thấy việc này,
Liền nói bài kệ rằng:
“Ngày nay đã qua rồi,
Mạng ta cũng giảm đi,
Như cá kia ít nước,
Đâu có gì là vui.
Cá nhờ nước mà sống,
Khi nước hết thì chết.
Người nương nơi mạng căn,
Mạng căn còn thời sống,
Mạng căn giảm thời chết.
Ngày qua mạng căn giảm,
Vô thường già bệnh kia,
Chẳng cho người hẹn lâu.
Như cá bị cạn nước,
Nào có gì vui đâu?”


Bài 154: Trốn Cái Chết


Xưa có bốn anh em,
Thuộc dòng Đại Phạm Chí,
Đều có thần thông cả,
Biết mình sắp phải chết,
Nên bàn với nhau rằng:
“Khi cái chết nó đến,
Người ta khó tránh được,
Bằng cách đi ẩn trốn”.

Người thì bay thật cao,
Lên không trung mịt mù.
Người vào trong biển cả,
Người trốn giữa núi lớn.
Người ẩn trong chợ đông,
Giữa đám rất nhiều người.
Nhưng khi đến ngày chết,
Bốn người đều chết cả.
Vì sống cảnh vô thường,
Khổ, không và vô ngã,
Đều là cảnh giả tạm,
Nên không thể bền lâu.
Nếu ai biết suy nghĩ,
Đạo lý xác thực này,
Thời sẽ thoát khỏi hẳn,
Cảnh sanh, lão, bệnh, tử.
Và ưu bi khổ não,
Liền đạt đến đạo quả,
Cõi Niết Bàn tịch diệt.


Bài 155: Luyện Kim Khí


Người trí huệ luyện tâm,
Thường hay xét các lỗi,
Như kim khí còn quặng,
Cần phải luyện nhiều lần,
Mới thành vàng ròng được.
Như biển cả sôi động,
Mới sanh ra ngọc báu,
Người tu hành cũng vậy,
Ngày đêm tu chẳng dứt,
Mới chứng được Đạo quả.


Chương XXII Kinh A Dục Vương Thí Dụ


Bài 156: Nuôi Trâu Bán Thịt

Xưa, có người hàng thịt,
Nuôi một ngàn con trâu,
Con nào cũng béo mập,
Mỗi ngày giết một con,
Lấy thịt đem chợ bán.
Giết đã năm trăm con,
Còn lại năm trăm con,
Mà chúng vẫn húc báng,
Nhảy nhót và vui giỡn.
Đức Thế Tôn vào làng,
Thấy trâu vô tình kia,
Ngài động lòng từ bi,
Mà ngoảnh lại phía sau,
Bảo các đệ tử rằng:
“Trâu này ngu si quá,
Bè bạn sắp tận mạng,
Mà vẫn cứ vui giỡn.
Một ngày đã qua rồi,
Mạng người cũng giảm dần.
Cho nên đạo độ thế,
Phải để tâm suy nghĩ,
Mà siêng năng cầu vậy”.

Chương XXIII Kinh Đại Tập

Bài 157: Người Cứu Khổ

Người nghe Pháp nghĩ tưởng,
Vị thuyết Pháp như là:
“Ông thầy thuốc giỏi vậy,
Hay như người cứu khổ,
Hoặc như vị Cam Lồ,
Hay là món Đề Hồ ”.

Trái lại, người thuyết Pháp,
Đối với người nghe Pháp,
Phải nên nghĩ tưởng là,
“Tự tăng trưởng thắng giải,
Liền chữa bệnh mau lành”.

Người nói và người nghe,
Đều dụng ý như thế,
Thì mới kham duy trì,
Phật Pháp và Phật Đạo,
Mỗi đời thường gặp Phật.


Bài 158: Áo Bẩn Trăm Năm


Như áo bẩn trăm năm,
Đem ngâm chừng một ngày,
Khi giặt liền sạch sẽ.
Cũng như thế, chẳng khác.
Nghiệp bất thiện dù lâu,
Cho đến trăm ngàn kiếp,
Nương nhờ sức Phật Pháp,
Kính thuận và suy nghĩ,
Mỗi ngày một giờ thôi,
Các tội sẽ tiêu diệt.

Chương XXIV Kinh Đại Thừa Nghĩa

Bài 159: Quy Y

Quay về mà nương dựa,
Nên gọi là quy y.
Hành tướng quy y là,
Như con theo cha mẹ.
Nương dựa và phục tòng,
Như dân nương nhờ vua,
Như yếu nương nhờ mạnh.
Nương nhờ Phật như thầy,
Nên gọi quy y Phật.
Nương nhờ Pháp như thuốc,
Nên gọi quy y Pháp.
Nương nhờ Tăng như bạn,
Nên gọi quy y Tăng.

Chương XXV Kinh Tứ Tự Xâm


Bài 160: Danh Tướng

Như quân ra trận,
Đông hàng trăm vạn.
Nhờ các danh tướng,
Mà thắng được địch.
Còn kẻ đạo nhân,
Uốn dẹp tâm ý.
Phụng đạo tu Pháp,
Thuận tu giới cấm,
Thuận ý trong sạch.
Thi ân bố đức,
Trừ bỏ giận dữ,
Kiêu sa, tranh cãi,
Như bậc danh tướng,
Điều khiển binh cơ.

Chương XXVI Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ

Bài 161: Chiếc Thuyền Thiệt Ngữ

Nếu ai không vọng ngữ,
Được mọi người tin kính.
Dù là kẻ nghèo cùng,
Cũng được tất cả người,
Cúng dường như bậc vua.
Trong tất cả loài người,
Người thiệt ngữ bậc nhất,
Như ánh sáng rực rở,
Của mặt trăng sáng tỏ,
Hơn cả các vì sao.
Trong các thứ ngọc báu,
Ngọc thiệt ngữ quý nhất.
Trong tất cả các thuyền,
Để độ qua khỏi dòng,
Sanh tử và luân hồi,
Thuyền thiệt ngữ hơn hết.
Muốn xa lìa tà ác,
Nên xa lìa vọng ngữ.
Hết thảy các thứ đèn,
Đèn thiệt ngữ sáng nhất.
Những kẻ dẫn đường đi,
Tránh ba đường ác đạo,
Kẻ dẫn đường thiệt ngữ,
Là giỏi hơn tất cả.
Tất cả vật trong đời,
Vật thiệt ngữ hơn hết.
Trong tất cả thế lực,
Thiệt ngữ mạng hơn hết.
Trong các nơi nương về,
Nương thiệt ngữ hơn hết.
Tất cả bạn tri thức,
Bạn thiệt ngữ hơn hết.
Nếu mọi người đều biết,
Thu lấy của thiệt ngữ,
Thì trong thế gian này,
Không ai bị đọa lạc,
Vào cảnh nghèo và ác,
Được sanh ngang bậc trời.

Chương XXVII Kinh Tiên Ý

Bài 162: Chổi Quét Đất

Kẻ sa môn tu hành,
Lấy nhẫn nhục làm đầu,
Phải như thứ nước trong,
Không một chút dơ bẩn.
Nước đối với thây chết,
Và đồ đại tiểu tiện,
Đều rửa tẩy sạch cả.
Nhưng nước vẫn trong sạch.
Cần phải trì tâm mình,
Như cầm chổi quét đất,
Quét sạch chổ dơ bẩn.
Nếu người muốn hại mình,
Mình cũng chẳng nên giận,
Hoặc họ chê cười mình,
Cũng chẳng nên giận dữ.
Cần từ tâm chánh ý,
Thì tội diệt phước sanh.

Chương XXVIII Kinh Nhật Minh Bồ Tát

Bài 163: Xiềng Cùm Của Đời

Sắc dục là xiềng cùm,
Của cõi đời này vậy.
Phàm phu bị say đắm,
Không thể tự cứu được.
Sắc dục bệnh nặng nhất,
Của cõi đời này vậy.
Phàm phu rẩt khốn khổ,
Đến chết cũng không khỏi,
Sắc dục là tai họa,
Của cõi đời này vậy.
Phàm phu, nếu gặp nó,
Lâm nguy rất khó tránh.
Người tu theo Phật Pháp,
Đã bỏ nó được rồi,
Lại còn nghĩ vẫn vơ,
Như tù được phóng thích,
Còn muốn vào ngục lại.
Cũng như bệnh đã lành,
Còn muốn đau trở lại,
Cho nên bị người trí,
Quở trách nó là điên.

Chương XXIX Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung


Bài 164: Cái Cung Nặng Vạn Tạ

A Nan thưa Phật rằng:
“Người đời và Phật Tử,
Khinh rẻ bậc thầy kia,
Và họ đem ác tâm,
Đến cả bậc thầy nữa,
Cùng người đạo đức kia,
Thời tội ấy thế nào?”

Phật bảo A Nan rằng:
"Là người phải yêu mến,
Đạo đức của người khác,
Mừng điều lành của họ,
Chẳng nên ganh tỵ họ.
Còn như đem ác tâm,
Đến bậc thầy như vậy,
Và cả người đạo đức,
Cũng như đem ác tâm,
Đến Đức Phật không khác.
Ví như đem cung nặng,
Đến một vạn tạ kia,
Mà bắn vào thân mình,
Chừng có đau hay không?”

A Nan kính thưa Phật:
“Thật đau lắm, đau lắm!”
Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Những người có ác ý,
Đối với người đạo đức,
Cũng là bậc thầy kia,
Hãy còn đau hơn nhiều,
Gấp mấy vạn lần nữa,
So với mũi tên kia,
Bắn vào thân mình vậy.
Là đệ tử của Phật,
Thật chẳng nên khinh rẻ,
Và đem ác ý đến,
Bậc đạo đức nhân từ.
Người thật có đạo đức,
Phải xem họ như Phật,
Chớ chẳng nên ganh tỵ,
Hay là hủy báng họ.
Người thật có giới đức,
Cảm động đến Thiên, Long,
Và tất cả quỷ, thần.
Không có một vị nào,
Chẳng hết lòng cung kính.
Thà nhảy vào đống lửa,
Chớ chẳng nên ganh tỵ,
Và hủy báng thiện nhân,
Tội ấy chẳng phải nhỏ,
Cho nên phải cẩn thận”.

Chương XXX Kinh Bột

Bài 165: Bạn Bè

Đức Phật thường giảng dạy:
“Bạn bè có bốn thứ:
Có thứ bạn như hoa,
Có thứ bạn như cân,
Có thứ bạn như núi,
Có thứ bạn như đất.
Sao gọi bạn như hoa?
Khi tươi, cắm trên đầu,
Lúc héo, liền dứt bỏ,
Giàu sang thì phụ họa,
Nghèo hèn lại bỏ rơi,
Ấy là bạn như hoa.
Sao gọi bạn như cân?
Gặp vật nặng thấp xuống,
Mà vật nhẹ cao lên,
Ấy là bạn như cân.
Sao gọi bạn như núi?
Ví như loại chim thú,
Tập trung trên núi vàng,
Thời lông cánh của chúng,
Đều ánh vàng rực rỡ.
Cũng như thế, chẳng khác,
Nếu bạn được sang trọng,
Cũng khiến cho thân mình,
Cùng được hiển vinh chung,
Ấy là bạn như núi.
Sao gọi bạn như đất?
Là trăm giống của báu,
Bạn cung cấp cho ta,
Tất cả rất ân hậu,
Đối xử rất đậm đà,
Ấy là bạn như đất".


Bài 166: Cát Trong Biển Cả

Như cát trong biển cả,
Số nhiều không thể biết,
Cũng như người tạo nghiệp,
Thiện ác và họa phước,
Trước nay đã gây nên,
Nhiều không thể kể xiết.
Chừng đến khi mạng tận,
Những người đã làm ác,
Phải sanh về chỗ khổ.
Còn người đã làm lành,
Sẽ sanh về chỗ vui,
Bởi vì phước hay họa,
Đều do nghiệp gây ra.

Chương XXXI Kinh Hiền Ngu


Bài 167: Ngọn Đèn Chẳng Tắt

Xưa, ở nước Xá Vệ,
Có cô gái rất nghèo,
Tên cô là Man Đà,
Sống cuộc đời cô độc.
Thường chỉ đi xin ăn,
Bấy giờ, cô được thấy,
Có các vị vua chúa,
Đại thần và trưởng giả,
Cúng dường Phật, chư Tăng.
Lòng cô tự nghĩ rằng:
“Ta mắc tội báo gì,
Mà sanh vào cảnh nghèo,
Nên không thể cúng dường,
Đấng Phước Điền đáng kính?”

Cô tự hối trách mình.
Nhưng một hôm sau đó,
Xin được một đồng tiền,
Liền đến tiệm mua dầu,
Nguyện cúng dường Đức Phật.
Người bán dầu hỏi cô:
“Mua chỉ có một đồng,
Số dầu thật ít lắm,
Làm sao dùng cho được,
Vì sao mua ít thế?”

Cô tỏ bày nổi niềm,
Về tâm nguyện của mình,
Người bán dầu thương tình,
Bán số dầu gấp đôi.
Man Đà xiết nỗi mừng,
Đem thẳng đến “Kỳ Viên”,
Dâng cúng Đức Thế Tôn.
Rồi cô liền phát nguyện:
“Nay tôi xin dâng dầu,
Thắp ngọn đèn mọn này,
Nguyện đời sau sẽ được,
Trí huệ thật sáng suốt,
Diệt trừ mọi ngu ám,
Cho tất cả chúng sanh”.

Rồi lễ Phật, ra về.
Hôm đó, quá nửa đêm,
Theo đúng như thường lệ,
Hết thảy đèn “Kỳ Viên”,
Đều được thổi tắt hết,
Chỉ còn ngọn đèn này,
Vẫn sáng luôn không tắt.
Tôn giả Mục Kiền Liên,
Đã ba lần thổi nó,
Mà nó chẳng hề tắt.
Đức Phật thấy vậy bảo:
“Mục Kiền Liên nghe đây,
Đừng mất công thổi nữa,
Đèn này do tín nữ,
Kính đem Tâm Bồ Đề,
Chân thành cúng Như Lai,
Dầu cho nước bốn biển,
Đổ lên cũng không tắt”.

Chương XXXII Kinh Duy Ma Cật

Bài 168: Mặt Trăng Với Kẻ Mù

Phật nói với Bảo Tích:
“Bồ Tát muốn nhiêu ích,
Cho tất cả chúng sanh,
Vì thế nên các Ngài,
Mới giảng môn tịnh Pháp.
Nên trí huệ thanh tịnh.
Do trí huệ thanh tịnh,
Nên tâm mới thanh tịnh.
Tâm tịnh nên tất cả,
Các công đức được tịnh.
Vì công đức được tịnh,
Cho nên cõi nước kia,
Mới được trọn thanh tịnh.
Muốn cõi nước thanh tịnh,
Thời trước phải tịnh tâm.
Bởi do tâm thanh tịnh,
Cõi Phật cũng thanh tịnh”.
Bấy giờ Xá Lợi Phất,
Sinh lòng nghi, thưa Phật:
“Kính bạch Đức Thế Tôn!
Nếu Bồ Tát tâm tịnh,
Thời cõi Phật cũng tịnh,
Như lời Thế Tôn dạy,
Thì khi Thế Tôn còn,
Ở địa vị Bồ Tát,
Tâm ý chẳng tịnh sao?
Mà cõi Ta Bà đây,
Bất tịnh như thế này?”
Phật dạy: “Xá Lợi Phất,
Kìa mặt trời, mặt trăng,
Vẫn thanh tịnh sáng chói.
Mà sao những kẻ mù,
Lại chẳng thấy gì cả?
Vậy lỗi do mặt trời,
Hay do mặt trăng kia,
Hay lỗi bởi kẻ mù?”

Xá Lợi Phất bạch Phật:
“Chẳng phải mặt trời, trăng
Không cho người mù thấy,
Mà lỗi do người mù,
Không thể nhìn thấy được”.

Phật bèn kết luận rằng:
“Vậy cõi Ta Bà này,
Vẫn thật là thanh tịnh.
Chỉ vì bọn các ngươi,
Chẳng thấy được đó thôi.
Vì con mắt trí huệ,
Phần đông chưa tự mở”.

Chương XXXIII Kinh Tam Huệ


Bài 169: Lòng Lành Như Lúa, Ác Như Cỏ

Tấm thân như đất,
Lòng lành như lúa,
Lòng ác như cỏ.
Cỏ dục chẳng trừ,
Lúa chẳng thành gạo,
Người chẳng trừ ác,
Thời chẳng đặng đạo.
Người mà giận dữ,
Là đất sanh cỏ.
Lòng lành như điện,
Nó đến thời sáng,
Nó đi thời tối.
Tà niệm như mây,
Che mờ, chẳng thấy,
Ánh sáng mặt trời.
Đã khởi lòng ác,
Làm gì thấy đạo.

Chương XXXIV Kinh Lăng Già

Bài 170: Sanh Diệt Đồng Thời

Xưa tại núi Lăng Già,
Vua Dạ Xoa hỏi Phật:
“Kính thưa Đức Thế Tôn!
Khi chúng sanh chết rồi,
Mà thân sau chưa sanh,
Thời thần thức ở đâu?”

Phật đáp: “Này Đại Vương!
Như hột giống sanh mộng,
Hột giống phải diệt trước,
Sau đó mộng sanh chăng?
Hay là mộng sanh trước,
Hột giống sau mới diệt,
Khi đó mộng sanh ra?”

Nhà vua liền bạch Phật:
“Đang khi hột giống diệt,
Lúc đó mộng sanh ra”.

Phật nói với nhà vua:
“Sanh và diệt đồng thời,
Không cái nào trước sau,
Như khi thức trước diệt,
Đồng thời thức sau sanh”.

Chương XXXV Kinh Nhẫn Nhục

Bài 171: Áo Giáp Thần

Ánh sáng nhẫn nhục,
Mạnh hơn sức mạnh,
Của mặt trời, mặt trăng.
Rồng voi rất mạnh
Sánh với nhẫn nhục,
Muôn phần chẳng kịp.
Ánh sáng bảy báu,
Kẻ phàm quý trọng,
Nhưng hay tạo khổ,
Vì gây tai họa.
Của báu nhẫn nhục,
Thủy chung được yên.
Bố thí mười phương,
Tuy được phước lớn,
Phước chẳng bằng nhẫn.
Ôm nhẫn tu trì,
Đời đời không oán,
Lòng dạ an nhiên,
Trọn không độc hại.
Đời không chổ nương,
Duy nhẫn đáng nương,
Là nhà yên ổn,
Chẳng sanh tai quái.
Nhẫn: áo giáp thần,
Khỏi nạn đao binh.
Nhẫn là thuyền lớn,
Vượt qua bể khổ.
Nhẫn là thuốc hay,
Cứu sống nhiều mạng.
Chí hướng kẻ nhẫn,
Muốn gì cũng được.

Chương XXXVI Kinh Quán Phật Tam Muội


Bài 172: Cây Chiên Đàn

Vua Tịnh Phạn đại vương
Một hôm thưa hỏi Phật:
“Công đức hiệu niệm Phật,
Kết quả như thế nào?”

Đức Phật kính thưa rằng:
“Như rừng cây Y Lan,
Rộng bốn mươi do tuần.
Loại Y Lan hôi thối,
Nếu ăn nhằm hoa trái,
Ắt phải bị phát cuồng.
Trong rừng Y Lan này,
Riêng có một loại cây,
Tên Ngưu Đầu Chiên Đàn,
Nó đã có rễ mộng,
Mà chưa mọc khỏi đất.
Sau mộng rễ Chiên Đàn,
Được sanh trưởng thành cây,
Mùi thơm rất ngào ngạt,
Át mùi hôi Y Lan,
Khắp nơi đều thơm đẹp,
Chúng sanh được nghe thấy,
Đều cho là hiếm có”.

Đức Phật thưa Phụ Vương:
“Tất cả chúng sanh nào,
Còn ở trong sanh tử,
Thành tâm niệm hiệu Phật,
Cũng chính như thế đó.
Chỉ hay chăm niệm luôn,
Quyết định sanh cõi Phật.
Đã được vãng sanh rồi,
Tức có thể cải biến,
Tất cả điều ác kia,
Trở thành đại từ bi.
Như gỗ của trầm hương,
Và gỗ cây Chiên Đàn,
Biến cải được mùi hôi,
Của rừng cây Y Lan”.

Chương XXXVII Kinh Lục Độ Tập


Bài 173: Dắt Trâu Làm Thịt

Sự sống chết của người,
Như dắt trâu làm thịt.
Trâu từ từ đi tới,
Mỗi bước đến chỗ chết.
Cũng như vậy nào khác.
Người sống qua một ngày,
Mạng sống giảm lần lần,
Như trâu nọ khác gì,
Từng bước đến lò chết.

Chương XXXVIII Kinh Tiểu Địa Quán

Bài 174: Đại Thuyền Trưởng

Tam Bảo như trời biển,
Lợi lạc cho chúng sanh,
Không thể nghĩ bàn được,
Không khi nào ngưng nghĩ.
Thân chư Phật chân thiện.
Trong thời gian lâu dài,
Tu nhơn và đắc đạo,
Nghiệp quả trong ba cõi,
Đã dứt hẳn không còn.
Công đức của Tam Bảo,
Đồ sộ như núi vàng,
Chúng sanh làm sao biết,
Ơn đức ngôi Tam Bảo,
Rộng lớn như biển cả.
Trí huệ như hư không,
Ánh sáng chiếu mười phương.
Chúng sanh vì phiền não,
Cùng nghiệp chướng ngăn che,
Đắm chìm trong bể khổ,
Sống chết luân hồi mãi.
Ngôi Tam Bảo ra đời,
Chính là đại thuyền trưởng,
Đưa qua khỏi dòng ái,
Thẳng lên tới bờ giác,
Người trí đều mến mộ,
Ơn đức hải Đạo Sư.

Chương XXXIX Kinh Báo Ân

Bài 175: Miệng Là Dao Búa

Đức Phật dạy A Nan:
“Chúng sanh ở thế gian,
Tại họa từ miệng ra.
Nên phải giữ miệng kỹ,
Hơn đề phòng lửa dữ.
Họa từ miệng sanh ra,
Nên miệng là dao búa,
Giết hại thân mạng vậy”.




THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: HHMT
Xem: 1508 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 2 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 2
1 Dragon  
0 Spam

Cám ơn Thầy vì hình bộ Kinh rất đẹp này.
Cám ơn bạn HHMT 1 lần nữa.

2 atoanmt  
0 Spam
Bạn HHMT

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]