Thứ Năm
23 Jan 2025
1:39 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

KINH ẨN DỤ V
26 Jan 2011, 3:32 PM

Chương XL Kinh Phật Bổn Hạnh

Bài 176: Thân Như Cây Đá

Hành động của thân,
Do tâm khởi ra.
Cho nên trước hết,
Phải điều khiển tâm.
Chớ lo nơi thân,
Thân không tri giác,
Như cây và đá.

Chương XLI Kinh Tạp Bảo Tạng

Bài 177: Trái Chín

Phước nghiệp như trái chín,
Chẳng phải nhờ cúng thần,
Mới được hưởng phước nghiệp.
Người cỡi xe trì giới,
Được sanh lên cõi trời.
Phải biết tất cả việc,
Do làm mới thành tựu.
Chớ chẳng phải là nhờ,
Sự cúng cầu mà được.

Chương XLII Kinh Quán Phổ Hiền

Bài 178: Sương Mù

Tất cả biển nghiệp chướng,
Đều bởi vọng tưởng sanh.
Hành giả chân sám hối,
An định niệm Thật Tướng.
Thấu rõ pháp chân thật,
Các tội như sương mù,
Ánh huệ nhật chiếu tan.

Chương XLIII Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt

Bài 179: Nhổ Gốc Tội

Người gây lỡ tội nặng,
Gây rồi liền tự trách,
Sám hối chẳng tái phạm,
Nhổ sạch được gốc tội.

Chương XLIV Kinh Vị Tàng Hữu

Bài 180: Nhổ Gốc Tội

Tiền tâm làm ác,
Như mây che trời.
Hậu tâm làm lành,
Như đuốc soi tối.

Chương XLV Kinh Tỳ Kheo Tỳ Nữ Nhân Ô Danh

Bài 181: Loại Thú Rừng

Tuy nghe nhiều tiếng xấu,
Người ta phải nhẫn nhục.
Chẳng nên tự nói khổ,
Chẳng nên sanh lòng buồn.
Nghe tiếng xấu sợ hãi.
Đây là loại thú rừng,
Người tánh tình vội vã,
Chẳng thành pháp xuất gia.
Phải đủ sức nhẫn nhục,
Tiếng xấu có ba bậc:
Bậc thượng, trung và hạ,
Phải vững tâm an trụ,
Là pháp xuất gia vậy.
Do lời nói kẻ khác,
Không thể khiến cho người,
Thành đứa giặc cướp được.
Cũng do lời của họ,
Không thể khiến cho người,
Chứng quả A La Hán.
Như người tự biết mình,
Chư thiên cũng biết người.

Chương XLVI Kinh Phật Cảnh Giới


Bài 182: Bóng Trong Gương

Pháp thân vốn yên lặng,
Bất sanh, bất hí luận,
Bất động, bất phân biệt,
Chẳng thể thấy hoặc nghe,
Chẳng thể ngữi hoặc nếm,
Chẳng khá rờ nắm được.
In như bóng trong gương,
Tùy nơi tâm chúng sanh,
Tin hiểu mà thị hiện,
Các thân tướng sai khác.


Chương XLVII Kinh Ưu Bà Tắc Giới


Bài 183: Bồ Tát Giáo Hóa Người

Trước trừ ác mình,
Sau dạy người trừ.
Nếu mình chẳng trừ,
Mà dạy người trừ,
Đâu có lý vậy.
Vậy nên Bồ Tát,
Phải tự bố thí,
Trì giới, tri túc,
Cần hành, tinh tấn,
Nhiên hậu các Ngài,
Mới giáo hóa người.

Chương XLVIII Kinh Viên Giác


Bài 184: Người Bệnh Mắt

Hết thảy chúng sanh,
Từ xưa đến nay,
Gây nhiều điên đảo.
Nhận lầm bốn đại,
Là tướng tự thân.
Duyên theo sáu trần,
Là tướng tự tâm.
Như người bệnh mắt,
Lầm thấy hoa đốm,
Giữ chốn không trung,
Giống như lầm thấy,
Mặt trăng thứ hai.
Do vì bệnh mắt,
Lầm thấy như vậy,
Chúng sanh mê mờ,
Khởi lên vọng nghiệp,
Nên bị trôi lăn,
Trong biển sanh tử.

Chương XLIX Kinh Mạ Ý


Bài 185: Bốn Nhân Chứng

Người làm thiện hoặc ác,
Có bốn hạng nhân chứng,
Một là trời, hai: đất,
Ba là người ở gần,
Bốn là ý của ta.

Chương L Kinh Đại Trang Nghiêm


Bài 186: Có Bị Trói Mới Có Mở Trói

Có người Bà La Môn,
Danh hiệu là Thân Giao.
Một hôm ông kính hỏi:
“Thưa ngài Kiều Thi Ca,
Phật nói tất cả pháp,
Đều không có cái ta,
Tôi không hiểu ý này,
Xin Ngài thương chỉ giáo”.

Ngài Kiều Thi Ca đáp:
“Tôi thấy trong Phật Pháp,
Sanh tử không ngằn mé,
Bởi các Pháp vô ngã,
Nếu ai chấp có ngã,
Thời khó được giải thoát.
Nếu biết được vô ngã,
Thời không còn tham dục,
Liền đó được giải thoát!”

Thân Giao bèn lý luận:
“Do có người bị trói,
Ngài nói không có ngã,
Tức không bị trói,
Vậy ai được giải thoát?”

Kiều Thi Ca đáp rằng:
“Tuy biết là vô ngã,
Không trói cũng không mở,
Nhưng vì có phiền não,
Che khuất lẽ chân thật,
Nên ví như bị trói”.

Người diệt trừ phiền não,
Liền thời được giải thoát.

Chương LI Kinh Bảo Tích


Bài 187: Tượng Gỗ Đá

Có những người ngu si,
Như sống trong đêm tối,
Luống uổng cả cuộc đời.
Thân giống như gỗ đá,
Chạm khắc thành hình tượng,
Bề ngoài tuy giống người,
Nhưng thiếu sự hiểu biết.

Chương LII Kinh Vô Lượng Nghĩa


Bài 188: Bốn Tướng Căn Bản

Từ khi Đức Như Lai,
Thành đạo cho đến giờ,
Đã hơn bốn chục năm.
Ngài thường vì chúng sanh,
Diễn nói nghĩa các Pháp.
Bốn tướng căn bản là:
Tướng Khổ Tướng Không,
Vô Thường Vô Ngã,
Vô Đại Vô Tiểu,
Vô Sanh Vô Diệt.
Nhất Tướng Vô Tướng,
Pháp Tánh Pháp Tướng,
Xưa nay đều vắng lặng,
Chẳng đến cũng chẳng đi,
Chẳng ra cũng chẳng vào.

Chương LIII Kinh Thập Trụ


Bài 189: Người Mê Đông Chỉ Tây

Có một người mê,
Chỉ Đông là Tây.
Nam Bắc cũng thế.
Người đời mê muội,
Cũng giống như vậy.
Có ba hạng người,
Người cuồng, hai si,
Ba bị bệnh gió.
Những người nói trên,
Tay cầm chiếc gươm,
Ý muốn chém Đông,
Mà lại chém Tây.
Còn muốn chém Nam,
Mà lại chém Bắc.
Những người mê lầm,
Bài báng chánh Pháp,
Cũng giống như thế,
Họ cho chánh Pháp,
Chính là tà pháp.
Và cho tà pháp,
Chính là chánh Pháp,
Cho Pháp Thường Trú,
Là Vô Thường vậy.
Cho Pháp Vô Thường,
Là Thường Trú vậy.
Họ lại cho rằng,
Lạc pháp là khổ,
Khổ pháp là lạc.
Bất tịnh là tịnh,
Tịnh là bất tịnh.
Mê lầm như thế,
Đó là những kẻ,
Mất tánh bình thường.

Cho nên Phật dùng,
Đủ mọi phương tiện,
Soi sáng rực rỡ,
Mọi chổ tối tăm.
Vì muốn dắt dẫn,
Mở thông cửa ngõ,
Giúp kẻ ngu si,
Soi sáng trí huệ.
Thương kẻ lạc đường,
Chỉ nẻo Chánh Đạo.
Vì muốn độ qua,
Ban cho cầu, thuyền.
Muốn khiến chúng sanh,
Đem lòng từ bi,
Đối đãi lẫn nhau,
Như cha và mẹ,
Anh chị em vậy.

Chương LIV Kinh Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn


Bài 190: Người Sợ Hư Không Và Người Tìm Hư Không

Phật bảo Tư Ích rằng:
“Ta chẳng bị sanh tử,
Cũng chẳng được Niết Bàn”.

Có năm trăm Tỳ Kheo,
Vừa nghe được lời ấy,
Từ chỗ ngồi đứng dậy,
Cung kính thưa Phật rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn!
Như vậy thì chúng tôi,
Tu phạm hạnh uổng chăng?
Nếu không có Niết Bàn,
Thời tu câu trí huệ,
Nào có chỗ lợi ích?”

Ngài Tư Ích Phạm Thiên,
Thay Phật để giải thích:
Cho các Tỳ Kheo rằng:
“Ví như có người si,
Rất sợ cõi hư không,
Bỏ hư không mà chạy.
Nhưng chạy cùng khắp nơi,
Cũng đều gặp hư không.
Trái lại có một người,
Ý muốn tìm hư không,
Chạy cùng khắp mà rằng:
‘Tôi cố tìm hư không’.
Người này chỉ biết rõ,
Cái tên hư không thôi,
Mà chẳng biết hư không,
Nó ra thế nào cả?
Cũng thế đó, chẳng khác,
Người tu cầu Niết Bàn,
Hình tướng nó ra sao?
Nên ở ngay Niết Bàn,
Mà tưởng là phiền não,
Bởi vì họ chỉ biết,
Cái danh từ Niết Bàn,
Mà họ chẳng biết rõ,
Bản thể của Niết Bàn”.

Chương LV Kinh Quán Vô Lượng


Bài 191: Hoa Sen Báu Trong Loài Người

Đức Phật bảo A-Nan
Và bà Vi Đề Hy:
“Các Đức Phật Như Lai,
Lấy Pháp Giới làm thân.
Nên vào trong tâm tưởng,
Của tất cả chúng sanh.
Vì vậy mà các người,
Mỗi khi tâm tưởng Phật,
Tâm này có nghĩa là,
Ba mươi hai tướng tốt,
Và tám mươi vẽ đẹp.
Thì tâm này là Phật,
Và Đức Phật Như Lai,
Là Biến Chánh Biến Tri,
Từ tâm tưởng mà sanh.
Nếu ai chuyên niệm Phật,
Thì phải biết người này,
Quả là hoa sen báu,
Ở trong loài người vậy.
Quán Thế Âm Bồ Tát,
Đại Thế Chí Bồ Tát,
Đều là bạn thù thắng,
Của người chuyên niệm Phật,
Và thường ở đạo tràng,
Sanh trong nhà chư Phật”.

Chương LVI Kinh Đại Bi

Bài 192: Cá Mắc Câu

Đức Phật bảo A-Nan:
“Người câu muốn được cá.
Thường gắn mồi lưỡi câu.
Thả vào ao và rạch,
Nhử cho cá nuốt mồi.
Cá đã mắc câu rồi,
Tuy còn ở dưới ao,
Nhưng rồi sẽ bị bắt.
Nầy A-Nan nghe đây!
Tất cả chúng sanh kia,
Đối với các Đức Phật,
Sanh được lòng kính tin,
Gieo trồng các căn lành,
Tu tập hạnh bố thí,
Cho đến phát tâm được,
Một niệm kính tin thôi,
Tuy còn bị nghiệp ác,
Bất thiện ngăn che đi,
Mặc dầu đọa địa ngục,
Ngạ quỷ và súc sanh,
Nhưng nhờ có đức tin,
Chắc chắn được giải thoát.
Các Đức Phật Thế Tôn,
Dùng Phật nhãn xem thấy,
Các chúng sanh nói trên,
Đã phát tâm thù thắng,
Nên cứu vớt ra khỏi,
Cảnh khổ nơi địa ngục,
Đem lên bờ Niết Bàn”.

Chương LVII Tương Ưng Bộ Kinh


Phẩm Cây Lau

Bài 193: Lau Xanh Rời Cành

Đức Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại.
Do than việc đã qua,
Do mong việc sắp tới,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành”.

Phẩm Vườn Hoan Hỷ

Bài 194: Chánh Giác Là Hơn Cả

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Giữa những loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng.
Giữa loài bốn chân,
Có trí là tối thắng.
Trong các hàng thê thiếp,
Nhu thuận là tối thắng.
Trong các hàng con trai,
Hiếu thuận là hơn cả”.


Phẩm Kiếm

Bài 195: Sáng Vô Thượng

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Có bốn vật chiếu sáng,
Ngày mặt trời sáng chói,
Đêm mặt trăng tỏ rạng.
Lửa cháy đó đêm ngày,
Chói sáng khắp mọi nơi.
Chánh giác: sáng tối thắng,
Sáng này sáng Vô Thượng!”

Phẩm Thiêu Cháy

Bài 196: Thiêu Cháy

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Trong ngôi nhà thiêu cháy,
Đem vật dụng ra ngoài,
Như vậy là tốt hơn.
Chớ để chúng bị thiêu,
Cũng vậy trong đời này,
Bị ‘già, chết’ thiêu cháy,
Đem ra bằng bố thí”.
Vật thí khó đem ra,
Có thí, có lạc quả,
Không thí, không lạc quả.
Kẻ trộm, vua cướp đoạt,
Còn lại, lửa thiêu cháy,
Khi giờ cuối cùng đến,
Bỏ thân, bỏ sở hữu.
Kẻ trí hiểu biết vậy,
Thọ dụng và bố thí,
Thí xong, thọ dụng xong,
Hành động như thế ấy,
Không bị ai chỉ trích,
Người ấy được sanh Thiên”.


Phẩm Già

Bài 197: Con Đường Khổ Đau Và Con Đường Giải Thoát

Phật dạy các Tỳ Kheo:
1. Già
“Vật gì, tốt đến già?
Vật gì, tốt kiên trú?
Vật gì, báu của người?
Vật gì, cướp không đoạt?
- Giới là tốt đến già
- Tín là tốt kiên trú
- Tuệ, vật báu của người
- Công đức, cướp không đoạt”.

2. Không Già
“Vật gì, tốt không già?
Vật gì, tốt trường cửu?
Vật gì, báu của người?
Vật gì, cướp không đoạt?
- Giới là tốt không già
- Tín là tốt trường cửu
- Tuệ, vật báu của người
- Công đức, cướp không đoạt.”

3. Bạn
“Ai, bạn kẻ đi đường?
Ai, bạn người ở nhà?
Ai, bạn khi cần thiết?
Ai, bạn cho đời sau?
- Bạn đường, bạn đi đường.
- Bạn ở nhà là mẹ.
- Bạn bè khi cần thiết,
Mới là bạn thường xuyên.
- Công đức tự mình làm,
Là bạn lành đời sau!”

4. Sanh Nhân (i)
“Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruổi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người sợ hãi?”
- Ái dục sanh thành người.
- Phàm tâm luôn dong duổi.
- Chúng sanh chịu luân hồi.
- Đau khổ người sợ hãi!”

5. Sanh Nhân (ii)
“Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruổi?
Cái gì chịu luân hồi?
Vì đâu không giải thoát?”
- Ái dục sanh thành người.
- Phàm tâm luôn dong duổi.
- Chúng sanh chịu luân hồi.
- Vì khổ không giải thoát”.
6. Sanh Nhân (iii)
“Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruổi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người nương tựa?
- Ái dục sanh thành người.
- Phàm tâm luôn dong duổi.
- Chúng sanh chịu luân hồi.
- Hoặc nghiệp, người nương tựa”.
7. Phi Đạo
“Cái gì gọi phi đạo?
Cái gì diệt ngày đêm?
Cái gì uế phạm hạnh?
Cái gì tắm không nước?
- Tham dục gọi phi đạo.
- Tuổi tác diệt ngày đêm.
- Nữ nhân uế phạm hạnh,
Khiến loài người huệ lụy,
Khổ hạnh và phạm hạnh,
Là nguyên nhân thanh tịnh.
- Rửa sạch các cấu uế,
Nên tắm không cầu nước”.

8. Người Bạn
“Cái gì, bạn của người?
Cái gì, giáo hóa người?
Cái gì, người ái lạc?
Giải thoát mọi khổ đau?
- Tín thành là bạn tốt.
- Trí huệ giáo hóa người.
- Niết Bàn, Người ái lạc.
- Giải thoát mọi khổ đau”.

Phẩm Thắng
Bài 198: Nguyên Nhân Khổ Và Khổ Não

Phật dạy các Tỳ Kheo:
1. Danh
“Vật gì, thắng tất cả?
Vật gì, không số hơn?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
- Danh vượt thắng tất cả
- Danh không số nào hơn
- Danh chính là một pháp
- Mọi vật đều tùy thuộc”.

2. Tâm
“Vật gì, dắt dẫn đời?
Vật gì, tự não hại?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
- Chính tâm dắt dẫn đời.
- Chính tâm tự não hại.
- Chính tâm là một pháp,
- Mọi vật đều tùy thuộc”.

3. Tham Ái
“Vật gì, lôi cuốn đời?
Vật gì, tự não hại?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
- Tham ái lôi cuốn đời.
- Tham ái tự não hại.
- Tham ái là một pháp,
- Mọi vật đều tùy thuộc”.

4. Kiết Sử (Sai Khiến)
“Vật gì, trói buộc người?
Vật gì, dẫn đưa người?
Do đoạn trừ pháp gì?
Mới được quả Niết Bàn?
- Ham vui trói buộc người.
- Tìm cầu, dẫn đưa người.
- Do đoạn trừ tham ái,
- Mới được quả Niết Bàn.

5. Triền Phược (Ràng buộc)
“Vật gì, ràng buộc người?
Vật gì, dẫn đưa người?
Do đoạn trừ pháp gì?
Dứt hết mọi ràng buộc?
- Ham vui ràng buộc người.
- Tìm cầu dẫn đưa người.
- Do đoạn trừ tham ái,
- Dứt hết mọi ràng buộc”.

6. Bị Áp Đảo
“Vật gì, áp đảo người?
Vật gì, bao phủ người?
Tên gì, bắn trúng người?
Bởi gì, thường nhiễm đắm?
- Sự chết áp đảo người.
- Già nua bao phủ người.
- Tên ái bắn trúng người.
- Bởi dục, thường nhiễm đắm”.

7. Bị Vật Treo Cột
“Vật gì, treo cột người?
Vật gì, bao phủ người?
Vật gì, đóng kín người?
Trên gì, người an trú?
- Tham ái treo cột người.
- Già nua bao phủ người.
- Sự chết đóng kín người.
- Trên khổ, người an trú”.

8. Bị Đóng Kín
“Vật gì, đóng kín người?
Trên gì, người an trú?
Vật gì, treo cột người?
Vật gì, bao phủ người?
- Sự chết đóng kín người.
- Trên khổ, người an trú.
- Tham ái treo cột người.
- Già nua bao phủ người”.

9. Dục Vọng
“Vật gì, trói buộc người?
Điều phục gì, được thoát?
Vật gì, được đoạn trừ?
Cắt đứt mọi ràng buộc?
- Dục vọng trói buộc người.
- Điều phục dục, được thoát.
- Dục vọng được đoạn trừ.
- Cắt đứt mọi ràng buộc”.

10. Đời (Thế Gian)
“Trên gì, thế gian sanh?
Trên gì, được giao tiếp?
Thế gian chấp trước gì?
Trên gì, đời khổ não?
- Sáu căn, thế gian sanh.
- Sáu căn được giao tiếp.
- Thế gian chấp trước sáu (căn).
- Sáu căn, đời khổ não”.

Phẩm Đoạn

Bài 199: Tài Sản Tối Thượng

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Lòng tin ở đời này,
Là tài sản tối thượng.
Chánh Pháp khéo tu trì,
Đưa đến chân an lạc.
Sự thật, ngọt tối thượng,
Trong tất cả vị ngọt.
Sống cuộc sống trí tuệ,
Được gọi sống tối thượng”.


Bài 200: Chim Bị Bẫy Sập

Phật dạy các Tỳ Kheo:
Lòng tin như lương thực,
Thần tài, tăng tài sản.
Lòng dục lôi cuốn người,
Ở đời, dục khó bỏ,
Tham dục buộc phàm nhân,
Như chim bị bẫy sập”.

Chương LVIII Luận Đại Trượng Phu


Bài 201: Hai Người Giàu Nghèo

Nếu người có lòng tham,
Thường sanh tâm ích kỷ.
Vật mọn như bùn nhơ,
Coi quý hơn vàng ngọc.
Không đem ra bố thí,
Vì sợ mất của mình.
Kẻ có từ bi tâm,
Tuy bố thí vàng ngọc,
Coi nhẹ hơn cỏ cây.
Nếu người lòng bỏn xẻn,
Rủi mất chút của cải,
Lòng họ rất sầu khổ.
Kẻ thương người bố thí,
Khiến người được lãnh thọ.
Vui mừng được chút của,
Tự mình cũng vui mừng.
Phỏng có đồ ăn ngon,
Nếu chẳng đem bố thí,
Mà để ăn một mình,
Ăn vậy chẳng thấy ngon.
Còn có đồ ăn dở,
Mà biết đem bố thí,
Rồi sau mình mới ăn,
Trong lòng rất vui sướng,
Như ăn được món ngon.
Khi đã bố thí rồi,
Còn dư mình mới ăn,
Là bậc đại trượng phu,
Tâm hẳn sanh vui mừng,
Như chứng được Niết Bàn.
Kẻ không có lòng tin,
Họ chẳng tin duyên này,
Lời chân thật quý báu.
Người không có lòng tin,
Dầu có ăn đồ dở,
Mà có kẻ nghèo đói,
Đang đứng xin trước mặt,
Họ vẫn chẳng thí cho,
Huống là vật tốt đẹp,
Họ đâu dễ cho ai.
Như có hai người nọ,
Một giàu và một nghèo,
Xảy có người hành khất,
Đến xin hai người ấy,
Cả hai đều buồn lo.
Kẻ giàu lo mất của,
Vì ngại phải bố thí,
Người nghèo buồn không của,
Để giúp kẻ đến xin.
Tâm trạng họ tuy đồng,
Mà quả báu khác nhau.
Người nghèo, vì lòng thương,
Lo nghĩ việc giúp người,
Được sanh về cõi trời,
Hưởng giàu, vui vô tận.
Người giàu có, bỏn xẻn,
Không làm việc phước thiện,
Bị đọa vào ngạ quỷ,
Chịu khổ sở vô cùng.

Chương LIX Luận Tỳ Bà Ta

Bài 202: Hai Người Cỡi Ngựa

Hai người đồng sắp sửa,
Đi đến một chổ kia.
Một người cởi ngựa hay,
Một người cởi ngựa dở.
Tuy là cỡi ngựa dở.
Nhưng vì khởi hành trước,
Nên được đến nơi trước.
Những người tin hiểu sớm,
Và siêng tu tinh tấn,
Sớm đến được Niết Bàn.





THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: HHMT
Xem: 1744 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 2 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 2
1 atoanmt  
0 Spam
Bạn HHMT

2 Dragon  
0 Spam

Cám ơn bạn HHMT rất nhiều.

♥♥♥
Thưa Thầy, Thầy khắc chữ trên bìa các quyển Kinh đẹp như thật vậy ..
Kính mong Thầy chỉ giáo !

biggrin


CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]