Thứ Ba
16 Apr 2024
3:26 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Chánh Tín Và Mê Tín
Chánh Tín Và Mê Tín
phongba Date: Thứ Bảy, 15 Jun 2019, 7:11 PM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
NHỮNG NHẬN ĐỊNH PHONG TỤC TẬP QUÁN

(CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN)

Trước hết ta để tâm suy luận về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, có những điều sau đây:

1/Lễ rước (đón) giao thừa: Từ “giao thừa” hay nói rõ hơn là giao thời. Theo phong tục người Tàu họ cho rằng mỗi năm có một toán bộ Thần thừa lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống nhân gian để cai quản việc làm thiện và ác của phàm trần.

Khi giáp Tết (hết năm) Ngọc Hoàng sai một toán khác thay thế cho năm mới. Ví dụ:

Năm Tý có bốn ông:

– Hành Khiển là ông Châu Vương

– Hành Binh là ông Thiên Ôn

– Phán Quan là ông Lý Tào

– Quỷ Vương là ông Thiên Tặc

Chuẩn bị bước sang Năm Sửu cũng có bốn ông:

– Hành Khiển là ông Triệu Vương

– Hành Binh là ông Tam Thập Lục Thương

– Phán Quan là ông Thần Tào

– Quỷ Vương là ông Thiên Tặc

Cho đến Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi,…mỗi năm đều có bốn ông riêng biệt khác nhau.

Như thế đến thời điểm giao thời (giao thừa) giáp tết khi năm cũ bước sang năm mới, trên nguyên tắc dĩ nhiên nhiệm vụ của bốn ông cũ phải bàn giao công việc cho bốn ông mới, mọi việc họp bàn, trao quyền, việc nào xong và việc gì còn tồn đọng hai bên đều bàn bạc dứt điểm…dân gian lúc đó quan niệm:

a/ Đón mừng (rước) bốn ông mới, chúc tụng, cầu xin những điều khẩn khoản cho năm mới.

b/ Đối với bốn ông cũ tỏ ý hối lỗi những việc của năm vừa qua, nếu có những lỗi lầm sai phạm nhờ bốn ông tha thứ và về tấu trình với Ngọc Hoàng cho con (dân gian) xin thiết tha sám hối, ngưỡng cầu Ngọc Hoàng xóa tội mà ban phúc cho con (dân gian), bởi thế có tục lệ đón rước, tống tiễn giao thời (giao thừa).

2/Tại sao có tục bùa dựng niêu và đốt pháo giao thừa:

Nguyên nhân theo quan niệm mê tín thần quyền dân gian cho rằng: Bốn ông năm cũ rời khỏi dân gian, bốn ông mới còn đang sắp xếp công việc, ở khoảng giữa thời gian ấy không ai cai quản, âm hồn, cô hồn, các đảng cõi âm nó thừa cơ hội này quấy nhiễu nhân gian, một phần chúng nó đói khát, khổ sở, nhờ cơ hội cúng kiến này, chúng nó trồi lên giành giựt tranh đua, nhiễu loạn, vô trật tự, do thế mà dân gian tin vào bùa trấn áp (của Thái Thượng Lão Quân) ở cửa nhà dùng trấn áp lũ âm hồn, xong bảy ngày hạ xuống (hạ cây niêu) treo trước cửa nhà nhằm mục đích trấn yểm cho gia đạo suốt năm được bình an.

Còn ngày mùng 3 tết, tục cúng ra mắt có nghĩa là từ đêm giao thừa, hai bộ thần bàn giao, một bộ về trời, một bộ ở lại. Bộ ở lại thì trong ba ngày (tức từ ngày mùng 1 đến mùng 3) chúng bộ thần này đi tuần du tế sát, nghiên cứu địa hình, địa vật, tâm ý của cõi nhân gian, đến ngày mùng 3 mọi việc vào nề nếp – dân gian sắm sanh lễ vật hoa quả, bánh trà cúng ra mắt các bộ thần này – lúc cúng tùy tâm khấn nguyện v/v..gọi là lễ ra mắt. Lưu ý: không nên cắt cổ gà cúng lên các chúng bộ thần, bởi nếu đã là thần từ cõi trời họ tu phước báo rất lớn mới sanh về cõi trời (phước báo đó là phải tu thập thiện, tức 10 điều thiện gồm: 1/không sát sanh 2/không trộm cắp ,….ai có tu trọn vẹn 10 điều thiện mới là tôi dân của nước trời…nhất là được làm thần thì phước đức sâu dày – nếu xuống đây mà ăn một con gà của dân gian cúng thì cuối năm làm sao về trời được. Xin những ai mê tín phải bình tâm suy nghiệm lại những lời Phật dạy nói trên. Còn dân gian mình muốn nhậu vui chơi trong ba ngày tết thì cứ làm mà nhậu, không nên cúng tội lỗi lắm. Đôi khi các Ngài còn quở trách chúng ta là khác nữa! Thứ nữa, xem móng chân gà, do vì đám dị đoan không có chuyện gì để nói, nó bày ra “gà cúng mùng 3, bộ chân của nó chặt ra phơi khô treo trước cửa nhà đến khi sau hạ niêu ta sẽ đến coi bộ chân gà năm nay tốt hay xấu, tiền của, vận mạng có nắm vững vàng hay không…” sau đó chủ nhà mời ổng lại, lấy bộ chân gà lật qua lật lại một hồi: “À, bộ chân gà mùng 3 năm nay tốt lắm, bởi 4 ngón nó chụm lại khích đều, tiền bạc năm nay, gia chủ làm ăn nắm giữ tiền của chắc chắn ngon lành”. Ngược lại ổng có cách khác để nói “xàm” nói “bậy” v/v…trong đó ví dụ 10 nhà thế nào cũng có 1 nhà trúng, xúm nhau đồn bá (nhất là người coi trúng họ “gáy” rùm ben) tạo thành tập tục. Họ đâu hiểu rằng “phước chủ mai thầy” hình thức này nó cũng giống như xem chỉ tay để biết vận mạng.

3/Tục đốt pháo giao thừa:

Phải hiểu pháo chỉ trong dịp đầu năm chứ ngoài ra các tháng khác đều không có pháo, tại sao?

a/Pháo trong đó nó có chất lưu huỳnh, khói và mùi của lưu huỳnh nó xua tan mùi xủ uế, âm khí, tà khí, người ngửi khói và mùi đó nó có một phần kích thích thần kinh tăng lên nhuệ khí. Như người lính ra chiến trường ban đầu nó run như cầy sấy nhưng bắn được một phát đạn tự dưng nó hăng lên, sẵn sàng lao vào chiến trận, xem như rất can đảm. Bởi trong thuốc đạn có chất lưu huỳnh, làm kích thích hăng say.

b/Dịp giao thừa thì tiếng pháo, khói pháo nó xua tan âm khí. Vì lúc giao thời (giao thừa) chúng bộ thần chưa bắt tay vào công việc quản trị, đám âm binh, cô hồn nó dậy động…nhờ tiếng pháo và khói của lưu huỳnh làm xua tan âm khí trả lại sự an bình trong giờ khắc giao thời hay 3 ngày đầu năm.

c/Suốt một năm bao nhiêu chuyện vất vả, chán chường trong cuộc sống. Hôm nay nhân dịp năm cũ đi qua, năm mới vừa đến, nhờ tiếng pháo nổ giòn tan, hơi lưu huỳnh lan tỏa khắp nơi, chất lưu huỳnh kích thích tăng thêm nhuệ khí, xua đi những chán chường suốt một năm phấn đấu, nó tạo cho con người năm mới cố gắng phấn đấu vươn lên hầu mang lại cuộc sống thịnh vượng của năm mới, cộng những lời chúc tết cho nhau, khuyên nhủ, góp ý, và khề khà trong chén rượu, chung trà mà trở thành nguồn sinh lực mới. Nói đây ta nhận xét tiếng pháo nêu trên có phần hợp lý, trong đó vừa có mê tín vừa có tâm lý và khoa học.

4/Tục kiêng cữ quét nhà:

Xưa nay còn lưu xót lại một số quan niệm cho rằng: ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết không nên quét nhà, nếu có quét thì gom lại một góc nhà hoặc gầm giường. Họ quan niệm cho rằng nếu quét nhà thì rác rưởi sẽ ra ngoài, năm đó tiền bạc của báu bị thoát đi hết, nghèo chết.

Quan niệm trên đúng hay sai? Xin thưa rác bụi là thứ dơ uế, biểu trưng cho sự xấu ác, nạn tai, họa hoạn ,…nó không phải tượng trưng cho sự an lành, tốt đẹp. Lẽ ra nếu là dị đoan, ba ngày đầu năm nên quét để tống khử nó ra khỏi nhà, hầu đem lại sự sạch sẽ, những tai nạn, họa hoạn, tất cả đều lui tan, giữ lại sự kiết tường cho năm mới. Một quan niệm khác cho rằng ba ngày xuân, ông thần tài vào viếng thăm nhà mình, mà mình dùng chổi quét rác bụi bay lên đầu ổng không nên. Xin thưa, ai bảo rằng ba ngày trên có ông thần tài vào viếng thăm nhà mình. Bậc thần ấy muốn thỉnh ổng vào nhà phải 3,4 phen van thỉnh hổng biết ổng có đến được không? Bộ ổng rảnh rỗi lắm sao mà đi rà rà thăm nhà này viếng nhà kia? Quý vị ba ngày ấy có đi thăm con cháu của mình được hay không? Hay con cháu phải đi viếng mình? Mà phải dựng lên câu chuyện cấm quét nhà sợ bụi bay lên đầu ông thần tài. Xin mọi người dùng chút trí tuệ suy ngẫm câu chuyện trên.

Đã sợ phạm thượng (tội) tại sao lại thờ thần tài, thổ địa ngồi trệt dưới đất? Quét nhà hằng ngày bụi đầy đầu, đầy cổ “ổng”, chưa nói đến hai ông ngồi dưới háng, mình đi ngang, ống quần giũ lên đầu ổng xoành xoạch. Và chưa nói, con gái trong nhà hoặc khách nữ vào nhà, lúc có ngày có tháng không sạch sẽ, vẫn sóng sượt, báo hại thần tài thổ địa phải ngồi dưới mà đội lên. Như vậy, chúng ta có cảm thấy vô lễ, thất kính, và đại tội lỗi hay không? Cho nên đừng quan niệm mê tín dị đoan, vô căn cứ, thiếu nhận định mãi. Cứ duy trì tập tục vô lý này đến hôm nay.

Lại có số quan niệm rằng đầu năm ngày mùng Một tết phải kiêng cữ, không la rầy, chửi mắng, không xuất tiền. v..v..suốt năm gia đạo bất hòa, tiền của ra hết. Tóm lại đầu năm làm gì thì suốt năm đều chịu ảnh hưởng việc đó.

Quan niệm trên có thật đúng hay không? Nếu là đúng thì gia đình nào mùng Một tết nhịn nhục không cãi vả, chắc gia đình ấy suốt năm ấm êm hạnh phúc hết trơn. Còn vật dụng ra vào (xuất – nhập) nếu nhập vào, không xuất lấy gì bổ hàng để bán ra và có thu vô (nhập). Chẳng lẽ cái gì cũng thiếu chịu để cuối năm mới trả, quan niệm trên có vô lý không? Thế nữa bảo rằng ngày mùng Một tết đầu năm làm gì thì suốt năm phải lãnh hậu quả “y chang” như vậy, thì xin thưa, cái vất vả khổ sở nhất của con người từ cái ăn, cái mặc v/v…Vậy muốn hết khổ sở xin ai đó ngày mùng 1 tết đừng ăn, để suốt năm đỡ khổ về việc ăn, đừng mặc để đỡ khổ về vải xồ, gấm vóc, khỏi khổ về giặc giũ, đỡ khổ mọi tốn kém và lao tâm.

Tất cả những tập quán nói trên đúng hay sai? Nên duy trì làm theo hay gạn lọc loại bỏ ra! Tóm lại hủ tục nào đúng ta nên duy trì và áp dụng để giữ gìn bản sắc văn hóa ấy mỗi ngày thêm phong phú cho dân tộc, còn hủ tục nào bất hợp lý, do kiến chấp, thói quen của dân gian mà mãi duy trì, bảo thủ cho rằng “đây là tục lệ tổ tiên ông bà ta phải giữ” điều này không chối cãi, tuy nhiên tục lệ ấy có ý nghĩa và phù hợp hay không? Chẳng lẽ tổ tiên ngày xưa vì hoàn cảnh nào đó bị thất học, hôm nay con cháu của mình phải dốt nát theo tổ tiên, ai mà học tìm tòi được vốn liếng thông minh, người ấy mất nguồn cội, có tội với tổ tiên hay sao? “Cha làm ăn cướp, con cũng phải ăn cướp để giữ nguồn cội và truyền thống ấy à?”

Những tập tục kiêng kỵ trong dân gian thường mang óc bảo thủ kiêng kỵ như:

Mùng 5, 14, 23 (3 ngày nguyệt kỵ) tuyệt đối không được đi đường, khởi nghiệp, thi công v/v..Nếu thực sự bị kỵ như vậy, chắc ba ngày ấy xe cộ, đường xá vắng tanh, mọi việc ba ngày trên đều ngưng hoạt động bởi nó kỵ. Chúng ta hãy suy nghiệm và chứng kiến ba ngày đó có xảy ra điều gì không? Vậy sự kiêng cữ đó có đúng không? Không nên bảo thủ tập tục đó, nó là sự mê tín một cách hàm hồ vô căn cứ.

Không nên đụng chạm đến bát hương (lư hương), nếu ai đụng đến là phạm đến thần thánh, tổ tiên, ông bà, trời Phật. Nếu muốn sửa đổi, đụng đến phải thỉnh ông thầy đến làm phép khấn nguyện đúng pháp, mới được lau chùi sửa chữa, nơi đây ta đặt lại vấn đề: bát hương nó không là gì của thần thánh, ông bà gia tiên, trời Phật cả mà bát hương (lư hương) chỉ là một vật để cắm cây hương cho được vững vàng và ngay thẳng, tạo cho sự trang nghiêm tốt đẹp chỗ thờ phượng, miệng bát hương rộng để tro tàn hương không rơi đầy bàn. Mỗi nửa tháng bưng xuống, rút lấy chân hương ra bớt, xới lên ém xuống cho xốp để dễ cấm hương, lau chùi sạch sẽ và cũng tùy theo việc thấp hương cúng kiếng nhiều ít, miễn sao gọn đẹp và trang nghiêm. Tác hại để nhiều chân hương, một là bụi bặm nhơ bẩn, hai là bất cẩn cắm hương lỡ phụp xuống sâu, vô tình bị phát hỏa cháy cả tổ tiên lẫn nhà cửa và xóm giềng. Tóm lại, bát hương chỉ là đồ để cấm hương không ăn nhập gì với thần thánh, tổ tiên, Phật trời cả. Không nên cố chấp “đụng đến bát hương là đụng đến gia tiên”. Rồi phải bắt buộc thỉnh “ông thầy” đến để làm phép và làm xàm lẩm bẩm đôi câu và rồi rút chân hương lau chùi, mình phải tạ lễ cho ổng 5,10 triệu, ổng ăn nhậu lút cà tha, ta thử đặt lại vấn đề: ông thầy ấy có đủ quyền năng đạo lực gì mà dám cả gan đụng vào thần thánh (nếu bát hương có thần thánh ngự trị trong đó). Sau việc làm đó nó còn “hâm dọa”: Nè, nhớ không nên tự tiện đụng bát hương chạm vào thần thánh nghe chưa? nếu cần thỉnh ta lại” .Tuy nhiên, cũng có số người tự tiện đụng vào bát hương khiến xui trong nhà lục đục, tai bay họa gửi, cơ hội ấy chính là cái dịp cho số người mê tín dị đoan, tung ầm lên”. Đó thấy chưa! Dám cả gan đụng đến bát hương, thấy nguy hiểm chưa? Hỏng nghe lời tôi, cãi lời tổ tiên,…Nhưng ta phải hiểu “năm khi mười quạ” nó mới xảy ra một việc, xúm nhau ù ré lên tạo thành tập tục dị đoan mê tín.

5/Tập tục coi ngày giờ phong thủy:

Xét kỹ trên hành tinh này có 196 quốc gia bao gồm có mấy tỷ nhân loại. Trong đó chỉ có một vài quốc gia quan trọng việc xem phong thủy là Tàu và Việt Nam. Tàu là nước phát minh ra vận số, coi ngày, xem giờ, đặt để phong thủy, phong tục, tập quán. Họ chỉ lấy họ và tên của Tàu mà đặt ra tên thần thánh để quản trị dân gian. Vũ trụ dân gian phải dưới quyền quản trị của thần thánh, điển hình như là Tàu có Tổ bùa phép tên Trương Thiên Sư, trên trời thiên binh thiên tướng nào là: Lý Thái Bạch, Lý Tịnh và toàn bộ nhân vật nhị thập bát tú trong truyện phong thần được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong làm thần, làm thánh để quản trị nhân gian, có quyền ban phước giáng họa. Có khi nào tướng nhà trời lấy tên Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành, Trần Nhân Tông v/v…hay Napoleon, Washington, Galileo, Eistein,…hoàn toàn tên họ người Tàu trùm hết cõi đất này. Rồi tự đặt ra 10 can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Nào ngũ hành, bát quái, cửu cung, rồi cung phi: sinh khí, ngũ quỷ, diên diên, lục sát, họa hại, thiên y, tuyệt mạng, phục vĩ, v/v.. và v/v.. Còn lá số tử vi biết nắm hết số mạng, số kiếp con người, đặt ra coi ngày, coi giờ, coi cung, coi mạng. Ta thử đặt vấn đề: trong 12 con giáp và 10 can làm sao giải quyết toàn bộ mấy tỷ nhân loại trên hành tinh này?

Thí dụ: lập thành lá số tử vi để đón bắt vận mệnh. Nếu có 10 người sinh cùng giờ cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, y chang không xê dịch tơ hào. Thì ông chấm số tử vi, ông ấy phải giải thích như thế nào? Chả lẽ làm đại gia tỷ phú hết hay quan cao tước trọng hết hoặc què lếch xin ăn hết. Chỉ tạm nói trùng hợp chỉ 10 người thôi, chưa nói hết bị trùng 1% cả thế giới này. Vậy số tử vi có chuẩn xác hay không? cho nên ta có thể kết luận: lá số tử vi chưa tuyệt đối đúng, đừng nói chi các loại khác, nào tiên thiên dịch số, xem ngày, coi tuổi, đoán vận mệnh, phong thủy, xem tướng mạng, chỉ tay v/v.. và v/v…tất cả các việc coi trên chẳng qua LẦN VÁCH – PHƯỚC CHỦ MAI THẦY, xác xuất chính xác rất thấp.

Dẫn chứng trên thế giới này gồm 196 quốc gia, trong mỗi quốc gia gồm nhiều chủng loại con người khác nhau, nhưng riêng việc xem coi ngày giờ, định hướng xây dựng v/v.. thì chỉ có hai quốc gia TÀU và VIỆT NAM là biết coi ngày giờ trong mọi việc của sự sống, còn 194 nước kia họ đâu có biết xem coi gì đâu, vậy chẳng lẻ 194 nước kia bị tàn gia tru lục, tán gia bại sản ráo trọi mà duy chỉ có hai nước Tàu và Việt Nam là giàu có, văn minh, hạnh phúc nhất trên thế gian này hay sao? Vì sao ta lại nói vậy, bởi vì Tàu và Việt Nam từ xưa đến nay có ai dựng vợ gả chồng, xây cất nhà cửa, làm nhất nhất việc gì mà không đi coi tuổi tác ngày giờ đâu? Từ thành thị đến thôn quê, từ tri thức đến bình dân, dù ông thầy coi “dỏm” cũng trúng được năm ba chục phần trăm thì hai nước này đều đạt từ trung lưu đến thượng lưu, còn hạ lưu thì sách số đã cho biết rồi, khi cất nhà chỉ việc theo phong thủy đặt phương vị bếp núc, cửa nẻo vài tháng sau người ấy cũng bước lên hàng thượng lưu hoặc lên nữa. Còn ngành lập pháp của hai quốc gia Tàu và Việt Nam soạn luật gì đó cứ soạn, không cần soạn luật hôn nhân vì ai ai trước khi dựng vợ gả chồng đều có đi coi tuổi tác, nào tránh né bát sang tuyệt mạng, bát sang giao chiến, nào ngũ hành tương sanh, ngũ hành tương khắc, giờ hoàng đạo, ngày phản chủ, thọ tử, sát chủ dương, sát chủ âm, vãng vong v/v..Còn vị nào bị năm giá thú lưu niên, tháng, ngày dương công kỵ nhật, kim thần thất sát, ngày bành tổ, giờ đại minh, hồ nam chưởng v/v..ôi là quá xá, coi đủ các thứ. Thế là cặp vợ chồng này vô cùng hạnh phúc, giàu có cực kỳ, chắc chắn suốt đời vợ chồng không có nói chuyện lớn tiếng. Tưởng sao được mấy người đạt được như trong sách nói, còn bao nhiêu người “chén bát trong sóng bể tan nát” rùm ben cả xóm ngủ không yên. Chánh án tòa xử về hôn nhân muốn khùng ba trợn, cha mẹ đôi bên khổ tâm khóc muốn hết nước mắt. Đã không chuẩn xác, tại sao mãi duy trì tập tục này, mà không dùng chút xíu trí tuệ để nhận định các nước trên thế giới này họ có biết Tý, Sửu, Dần, Mẹo… gì đâu mà vợ chồng vẫn ấm êm hạnh phúc. Thỉnh thoảng cặp vợ chồng nào chung sống với nhau mà có bất đồng ý kiến xây dựng cho nhau không được, họ vui vẻ nắm tay nhau ra tòa xin ly dị, tòa ký cho rồi, hai người trước tòa ôm nhau trao nụ hôn giã từ. Còn Tàu và Việt Nam xem coi kỹ lắm, nhưng tại lỡ lên lưng cọp ráng cắn răng chịu đựng đến suốt cuộc đời. Vì đã lỡ rồi và nặng nề về mặt đạo lý cho nên đêm đêm hát nghêu ngao “đường vào tình yêu có trăm lần vui cả vạn lần buồn”.

6/Tục rước dâu không lên đèn:

Tục lệ bảo rằng: Hai tuổi vợ chồng này phạm bát sang và có nhiều khắc kỵ. Khi rước dâu về nhà không được lên đèn cúng kiến tổ tiên, không được đi cửa chánh của nhà, phải đi cửa sau hoặc chui lỗ chó. Nếu ai cãi lời này không quá ba tháng cha hoặc mẹ chồng phải chết, vợ chồng cự cãi ốm đau chia lìa.

Tục lệ nói trên đúng hay sai? Đưa ra một thí dụ để dẫn chứng: Con cái trong nhà lỡ có sai quấy lỗi lầm, nói chung là làm những điều bất phải mà đối trước ông bà, cha mẹ nó sắm khai lễ và quỳ trước ông bà, cha mẹ thiết tha nhận khuyết điểm, nhận sai lầm, vậy đấng làm ông bà, cha mẹ khi thấy con cái nó biết hối lỗi, lúc bấy giờ chúng ta có nên cố chấp hay tha thứ? Còn đứa đã sai phạm mà khi nó gặp ông bà, cha mẹ nó vẫn cố tình tránh né, cha mẹ đi cửa trước nó đi lòn cửa sau, không tỏ chút thành ý hối lỗi, hỏi đấng làm ông bà, cha mẹ nhìn cảnh tượng đó có tha thứ nổi hay không?

Nơi đây cũng thế, đúng ra hai đứa được tuổi tốt, ngày cưới lên đèn cúng kiếng tổ tiên một đôi đèn vừa nhỏ, mâm lễ đơn sơ cũng được. Còn gặp tuổi nào sai phạm (xấu) phải lên đôi đèn số 1 thật lớn, mâm lễ phải trịnh trọng, bình hoa phải cao đẹp giá trị. Hai đứa nó cùng hai sui gia đứng trước tổ tiên, quỳ mọp, van xin cầu khẩn một cách thiết tha. Lúc đó, tổ tiên ông bà nói với nhau rằng “ Giờ sao ông, tụi nó bị sai phạm, hôm nay nó trình lễ cầu khẩn với mình, mình giải quyết sao đây? Thôi! vậy chúng ta góp sức phù hộ cho tụi nó trăm năm hạnh phúc đi ”. Nhận định trên đây, chúng ta có thấy hợp lý hay không?

Tóm lại những gì hợp lý chúng ta nên duy trì, phát huy. Còn bất hợp lý nên đào thải nó ra, có đâu cứ cố chấp hù dọa tạo thành tập tục phi lý. Vả lại ở trên thế giới này có ai sai phạm mà rước dâu “chui lỗ chó” đâu, chẳng lẻ nếu không làm vậy thì họ bị chết lán và tan vỡ ráo trọi hết rồi hay sao?

7/Về việc xây cất nhà cửa:

Tàu và Việt Nam xây dựng từ villa, biệt thự cho đến chòi tranh trại lá, ai ai cũng đi coi, mà phải coi thật kỹ mới chịu, nào ngày giờ động thổ, thụ trụ, thượng lương, gác đòn tay, lợp, ráp cửa, ngày về nhà mới (nhập gia). Còn nữa, nào coi phong thủy, phong hỏa, phong ôn, phong hoàng,… xem bếp núc đặt đâu, cầu thang, cổng vào, hoa kiểng đặt để ở đâu v/v…rồi phải coi nào là cung phi, cung bát trạch xem phương hướng: sinh khí, diên niên, ngũ quỷ, lục sát, họa hại, thiên y, tuyệt thể (mạng) phục vì…báo hại tốn cho mấy cha thầy thêm mấy triệu bạc. Nhưng kết quả được bao nhiêu phần trăm về bình an và kinh tế. So với 194 nước khác thì mình như thế nào? Một đồng đô la của người ta Việt Nam phải đổi lấy trên 22 ngàn đồng Việt Nam, đối với một đồng “ria” của Campuchia, Việt Nam mất 6 đến 7 ngàn đồng, nhưng làm ăn càng ngày vẫn càng sa sút. Bề ngoài nhìn vô thấy là bạc tỷ, bên trong nợ nần bạc chục tỷ. Có hơn ai không mà cứ bảo thủ hủ tục, đi coi ngày, coi giờ, chấp mê vào ba cái sách tướng số, ôm giữ tục lệ không bổ ích, cộng thêm những người truyền bá, lâu ngày làm cho con người trở thành mê tín. Ví dụ: “Nè tôi đã coi và quyết định cặp vợ chồng này nếu cãi tôi, cưới nhau về ngủ không nát chiếc chiếu là phải tan rã hoặc chết chóc”. Chuyên hù dọa người ta, không có chút ý thức khoa học đối chiếu. Thử xét lại, ngày sanh tháng đẻ, không chỉ trên thế giới duy nhất có cặp vợ chồng này , 1 giờ trong khoa sản biết bao nhiêu em bé chào đời, đây chỉ trong phạm vi tỉnh chưa kể cả nước, cả thế giới, nếu ai trùng hợp như trên đều “ngủ không nát chiếc chiếu hay sao ?” So kỹ lại mấy tỷ nhân loại, nếu có trùng hợp thì xác suất tỷ lệ quá thấp.

Tóm lại, những người viết và đặt để sách vở, bói khoa thuật số vẫn còn trong địa vị phàm phu, chưa chứng quả tam minh lục thông thì làm sao biết được nhân quả nghiệp báo kiếp trước của chúng sanh mà khẳng định. Đấy chẳng qua như viết cuốn quẻ giải bàn xăm. Từ số 1 đến số 100, người xin xăm cứ lắc nhảy ra con số nào là bàn giải con số nấy, chơi vậy thôi. Hay mấy người cho số đuôi cũng từ 01 đến 99 nếu mua hết chắc chắn phải trúng thế thôi.

8/Coi phong thủy:

Quan niệm từ phong thủy của các nước phương Tây, người ta giải nghĩa đơn giản, chữ Phong là gió, chữ Thủy là nước. Khi họ cất cái nhà nếu lô đất nằm chánh trục hướng Tây, nắng chiều chiếu thẳng vô nhà tạo ra khí oi bức, thì họ trấn lại, bằng cách khai thông hướng gió chung quanh nhà, để khí gió luồn vào nhà tạo ra trung hòa bớt oi bức, dễ chịu.

Còn về mặt Thủy, thì họ trang trí màu sắc cho cái nhà từ trong ra ngoài vừa phù hợp, vừa hài hòa, vừa thẩm mỹ để ếm đi tiếng (Phong) phê bình của mọi người. A! nhà thằng này sơn màu sắc hài hòa đẹp đẽ lắm , kẻ qua người lại đều khen tặng, nhà đó làm ăn tự nhiên phát đạt, còn sơn phết kiểu phong thủy Tàu và Việt Nam lấy theo mạng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để tô màu, đôi khi kẻ qua người lại họ đàm tiếu: thằng này cất nhà sơn phết màu sắc vô duyên chết âm đức. Trước sau làm ăn cũng mạt rệp bởi coi theo phong thủy Kim, Mộc, Thủy, Hỏa,Thổ. Tóm lại, tiếng nói con người là Phong, bước vào nhà nhìn màu sắc ngột ngạt hay thông thoáng là Thủy, cho đến trang trí nghệ thuật, bố trí mỹ quang đó chính là phong thủy của các nước văn minh trên thế giới. Chứ họ không có vấn đề sinh khí, ngũ quỷ, diên niên, lục sát, họa hại, thiên y, tuyệt mạng, phục vì, và ngũ hành… Ngược lại, người ta văn minh giàu có cực kỳ. Còn Việt Nam ta theo phong thủy, đời đời chỉ biết bắt chước, nháy theo là hay là giỏi, mía người ta ăn nhả xác ra rồi ta nhai lại tiếp tục nữa mà vẫn tự hào ta đây nhờ coi phong thủy.

9/Luận về phong thủy, long mạch:

Nếu cho rằng có long mạch, thì phải lấy cục diện trước khi thành lập thành phố, thủ phủ, kinh đô, phải lấy chung cả hình thể một đất nước. Trong đó gồm núi, sông, chầm, rạch, ao, hồ hình dạng bên ngoài. Bên trong lòng đất các nhà tinh thông địa lý biết được thềm lục địa, mạch nước ngầm, dầu, thao, đồng, chì, nhôm, kẽm, vàng, bạc, sắt,…mỗi loại túi (quặng) nó xuất phát từ đâu, vị trí nào trong đó mang lại lợi, hại, thịnh, suy, hay cần bế mạch nào, cần khai thông mạch nàongiữa trên bề mặt và trong lòng đất v/v.. gọi là trấn long mạch hay khai long mạch ngõ hầu mang lại sự thịnh đạt cho giống nòi, chứ không phải chỉ lấy 8 cung: sinh khí, ngũ quỷ,…

Thử hỏi, nhà cửa trong phố thị sát vách với nhau, khoảng cách chưa quá 10 thước góc trái nhà mình là hướng long mạch sinh khí (tốt) không phép đào hầm vệ sinh, đứt long mạch sinh khí. Nhà ông bên kia góc phải của ổng là hướng xấu (ngũ quỷ) phải trấn long mạch hầm cầu. Thử hỏi giữa bức tường trái phải kẻ chừa người đào, khoảng cách như nhau không quá một thước, thì còn gì là long mạch tốt xấu. Chả lẽ mỗi người có 1 cho đến 8 long mạch, nếu như vậy long mạch trong lòng đất chằng chịt như hệ thống thần kinh, rồi ai ai cũng trấn cũng khai, lúc bấy giờ long mạch nát như thịt xá xíu. Phải hiểu rằng long mạch phương hướng phải cách nhau ít nhất 50 thước thì long mạch, phương hướng đó mới luân lưu vận hành. Ví long mạch như là chùm rễ của cây, khi rễ bị chặt phải cho nó một khoảng cách nó mới bung rễ cám (bạ) ra được, còn mạnh ai nấy chặt, nấy đẻo từa lưa tận củ hủ thì tiêu tan bộ long mạch, phương hướng khí (gió) cũng thế, phải có khoảng cách nó mới sinh khí. Còn nhà cửa xan xát, bày đặt nghe lời mấy ông coi phong thủy, nào phải khai cửa đó nó đem lại khí thiên y làm ăn phát đạt, không ngờ khí thiên y của mình mà nhà ông bên sát vách ổng đặt ống hơi hầm cầu để phá lục sát của ổng, thì hướng thiên y của mình trở thành hướng thiên thúi (mỗi khi bên kia dội cầu).

Tóm lại, việc coi ngày giờ, xem tướng, thuật số, chỉ tay, phong thủy, v/v.. không hoàn toàn đúng, chẳng khác nào xin xăm, lần vách, phước chủ mai thầy hay người cho số đuôi. Tất cả chỉ là hư ảo, phiêu lưu do trí tưởng tượng, dần già dẫn con người đi vào con đường mê tín.

Nhân quả, oan trái, nghiệp lực. Đức Phật dạy tất cả mọi hành vi trong cuộc sống của chúng sanh đều nằm trong định luật nhân quả, oan trái và nghiệp lực. Không có Thánh Thần, Trời, Phật nào hoán đổi được.

Ví dụ: Cất cái nhà lên, làm ăn khá giả do ngày tháng của kiếp trước tu tạo phước đức, cứu giúp, bố thí v/v.. kiếp này cũng năm tháng ngày giờ của kiếp trước khởi công xây dựng ngôi nhà lên làm ăn phát đạt, còn kiếp trước ngày, tháng, năm tạo nhân cướp của, giết người, phỉnh phờ, lừa bịp, bóc giựt thì kiếp này cũng ngày giờ của kiếp trước, khởi công cất nhà lên làm ăn suy sụp, càng ngày càng lụn bại, dù coi tuổi tác, nhứt kiết, nhì nghi, tam địa sát, tứ tấn tài ngủ thọ tử, lục hoang ốc,.. chọn cung thật tốt, ngày giờ cực tốt rồi đối chiếu sách vở qua kim lâu thân, kim lâu thê, chọn cung Khảm – Ly – Chấn – Đoài (tứ kiết) rồi lấy phong thủy chỉnh sửa phương hướng v/v…nhằm hóa giải điều xấu, trong khi cái nhân kiếp trước đã cướp của, giết người, tạo nhiều nhân ác.

Trên đây đơn cử một việc cất nhà, còn tất cả các việc làm khác cũng do nhân và quả không có sách vở, coi ngày, trấn áp phong thủy mà cải đổi nhân quả được, đừng nên mê tín tin theo, bảo thủ những luận thuyết, phi nhân quả trên, nên nhớ “hạt ớt quả nó phải cay”, không thể dùng ngày giờ phong thủy mà biến trái ớt thành trái dưa hấu ngọt được , còn hạt dưa hấu bảo nó cay để dầm nước mắm thì lại càng không thể nào thành hiện thực, hết sức hoang tưởng.

10/Vợ chồng cưới hỏi:

Vợ chồng là oan trái nghiệp (vô oan trái bất thành phu phụ) nếu không oan trái làm sao thành vợ chồng. Nhưng oan trái có thuận và nghịch gắn kết nhân quả của kiếp trước. Ví dụ: kiếp trước vợ chồng làm tròn bổn phận có trách nhiệm thương yêu đùm bọc lấy nhau cho đến đầu bạc, thì kiếp này đầu thai lên kén lừa, lựa lọc cũng gặp lại người kiếp trước. Dù hai tuổi bị Dần Thân Tỵ Hợi (tứ hành xung) phạm bát san tuyệt mạng, bát san giao chiến, giá thú lưu niên vẫn ăn đời ở kiếp đến trăm năm đầu bạc là bởi nhân thuận của kiếp trước. Còn kiếp trước, ỷ quyền làm chồng hà hiếp vợ con, mèo mã gà rừng, vô bổn phận, vô trách nhiệm gây cho vợ chịu đựng nhiều khổ đau. Kiếp này đầu thai ngược lại, người chồng trở lại làm vợ, người vợ trở lên làm chồng, dù ba tuổi Thân Tý Thìn (tam hạp) mọi thứ đều tốt hết không có sai sót chổ nào, nhưng nhắm có tốt không, bởi nhân gây khổ thì kiếp này vợ trở lại làm chồng để nó trả mối hận tình của nó kiếp trước. Vậy sách vở hoán đổi được luật nhân quả không?

Còn sách vở bảo rằng hai tuổi này cưới nhau sau này làm ăn khá giả nên cửa nên nhà. Người viết sách đặt điều trên họ có chứng đắc TÚC MẠNG MINH chưa? Thế sao lại dám khẳng định quả quyết như vậy. Việc vợ chồng hai tuổi có khá giả, hay lụng bại cũng từ nhân của kiếp trước mà có cái quả kiếp này. Ví dụ: nhân kiếp trước, chồng giúp đỡ người kia 10 đồng, vợ chạy ra khuyên: Ông ơi, ông giúp cho họ 20 đồng đi để họ xoay sở bữa nay hoặc vợ giúp cho người kia 1 lít gạo, chồng vào bảo, bà giúp họ 2 lít để ăn đủ bữa nay, ngày mai họ quay mới kịp, cả hai vợ chồng đồng thuận làm việc phước thiện đó, thì kiếp này gặp gỡ lại nhau, cưới nhau về làm ăn phấn chấn lên.

Còn kiếp trước, chồng đi ăn cắp người ta trái xoài về nhà vợ nói: trời ơi, bẻ thì bẻ 5,7 trái ăn cho đã bẻ chi có 1 trái, hoặc chồng cạy cửa, khoét vách, đào tường, người vợ nói: nè, ông cứ hành động đi, để tui đứng ngoài trông coi cho, nếu ông nghe tôi tằng hắng thì ông rút lui. Vợ chồng đồng thuận với nhau việc đào tường khoét vách kiếp này gặp gỡ lại nhau, hai tuổi có tốt cỡ nào đi nữa, chọn ngày, lựa giờ, xem tướng, xem tay vẫn tàn gia tru lục đến tán gia bại sản bởi nhân kiếp trước quả báo kiếp này.

Luận về nhân quả có người bảo rằng: tại sao người kia không biết tu hành, chuyên làm việc ác mà sao họ giàu có sung túc không có việc gì xảy ra cho họ, còn tui biết tu hành làm phước, ăn hiền ở lành, cớ sao làm ăn gặp nhiều rắc rối, lo sáng hụt chiều cộng thêm tai bay họa gởi v/v… Xin thưa: Phật dạy nhân quả phải trải qua ba đời: quá khứ tạo nhân, hiện tại gặt quả, hiện tại tạo nhân vị lai gặt quả. Người hiện tại thấy họ ác mà giàu có là do cái nhân kiếp trước họ gieo trồng nhân tốt, còn cái ta thấy họ ác trong hiện tại là cái nhân để kiếp vị lai chắc chắn họ gặt quả khốn khổ. Còn ta hiện tại mới gieo nhân lành, ai biết được kiếp trước ta gieo nhân ác, cho nên hiện tại ta gặt cái quả của nhân ác, còn nhân lành hiện tại chắc chắn ta sẽ hưởng thụ kiếp sau. Nhưng thiện bao giờ cũng đến chậm chạp còn ác bao giờ cũng đến gấp đôi: “Nhứt nhựt hành thiện, thiện du bất túc – Nhứt nhựt hành ác, ác tự hữu dư”.

Tóm lại, là đệ tử Phật, phải áp dụng bát chánh đạo của Phật dạy: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh niệm, chánh tin tấn, chánh ngữ. Từ đó ta đặt để đức tin của ta vào con đường chánh tín. Phật dạy: “không nên nhắm mắt tin càng bất cứ một xu hướng nào, các ông phải tin giáo pháp của ta bằng lý trí phán đoán, chớ nên tin theo trên một cảm tình nông cạn”.

Trên đời này bất kỳ mọi lý thuyết nào đưa ra, ta phải dùng trí tuệ và chính chắn tư duy đối chiếu cho thật kỹ càng trước khi áp dụng điều đó. Thật thế, đối với văn minh khoa học hiện đại, bất kỳ vật chất, luận thuyết gì đưa ra phải được từ 70% trở lên thì họ mới công nhận và cho lưu hành. Một viên thuốc từ viện bào chế trước khi đưa ra cũng phải được giảo nghiệm đạt trên 70% v/v….

Tài liệu giảng dạy khóa bồi dưỡng trụ trì.

(Đồng Tháp, tháng 6/2017. Phật lịch 2561).
Biên soạn HT Thích Nhật Quang

Nguồn :http://chualongphuoc.thientinhmat.com/tai-lieu-nhan-dinh-me-tin-chan-tin/


Message edited by phongba - Thứ Bảy, 15 Jun 2019, 7:12 PM
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Chánh Tín Và Mê Tín
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO