Thứ Năm
28 Mar 2024
4:51 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » CHUYỆN PHẬT GIÁO » PHẬT TẠI TÂM (Lâm thanh Huyền-Phạm Huê (dịch))
PHẬT TẠI TÂM
muusy Date: Thứ Hai, 28 Jul 2014, 1:02 PM | Message # 1
Sergeant
Group: Users
Messages: 29
Status: Tạm vắng
PHẬT TẠI TÂM? PHẬT NGOÀI TÂM?
Nguyên Tác: Lâm Thanh Huyền.
Người Dịch: Phạm Huê.


Một buổi sáng, trời trong gió mát, tôi bỗng nhiên thấy tinh thần thảnh thơi, có thể là con người phàm phu, tục tử của tôi, đã đạt được trình độ phát ra “tự tánh Bát Nhã” rồi chăng?

Tôi tự nghĩ rằng, nếu như ngày hôm nay mà đi ra ngoài, chắc chắn sẽ gặp được nhiều điều …thú vị.
Vì vậy, tôi khăn gói lên đường, đón xe buýt đi về hướng đông của thành phố Đài Bắc.

Trạm cuối cùng của tuyến đường xe buýt này, nằm ngay cổng chùa Viên Thông Thiền Tự, một ngôi chùa đã có hơn trăm năm lịch sử.
Toàn bộ kiến trúc của ngôi cổ tự, đều dùng toàn đá hoa cương, đẽo gọt mà tạo thành, vì vậy ngôi chùa trông rất cổ kính, và khiến cho những tín đồ tự nhiên sinh ra một sự trang nghiêm sùng bái trong lòng.

Mỗi một tín đồ Phật Giáo, khi đi ngang qua một ngôi chùa hay miếu thờ, họ thường vào trong chiêm ngưỡng và lễ bái.
Trường hợp của tôi cũng không ngoại lệ, tôi bước vào chánh điện để làm lễ trước đấng Từ Bi.

Khi tôi bước vào, trên chánh điện đã có một vị nữ thí chủ, trên dưới 40 tuổi đang lạy Phật.
Tôi đứng một bên lẳng lặng theo dõi.
Nhìn cung cách vái van, cách quì, cách đứng, lễ bái, dâng hương, chấp tay, đãnh lễ ….thì mỗi một động tác, bà đều làm một cách thành thạo và nhẹ nhàng.

Nhìn sắc diện của bà, tôi thấy trong đó có một sự thành kính, tin tưởng, và gương mặt của bà thì tươi tắn, một sự tươi tắn nhẹ nhàng, khiến ta có cảm tưởng là gương mặt bà, đang chia xẻ một niềm vui nội tại của trái tim.

Đứng trước cảnh trang nghiêm, nhẹ nhàng này, tự nhiên tôi cũng thấy háo hức, muốn đốt một nén nhang, trước Đấng Như Lai.

Trong lúc tôi thành tâm khấn nguyện, lục căn dần dần thanh tịnh, thì đột nhiên nhĩ căn của tôi, bị đánh thức bởi hai tiếng “bốp, bốp” vang lên khô khan, trong sự yên lặng của ngôi chùa.

Tôi bàng hoàng, chợt dậy, như tỉnh ….giấc mơ.
Theo kinh nghiệm, thì tôi đoán âm thanh vừa rồi gây ra bởi hai cái tát tay, nẩy lửa.

Quả thật như vậy, người phụ nữ thành tâm khấn vái trước tượng Phật, mà tôi nhắc tới lúc nãy đã tặng hai bàn tay của mình lên mặt một đứa bé,… đứa con trai của bà, theo tôi đoán, có lẽ không quá …8 tuổi.

Cậu bé phụng phịu đứng đó, mà trên gương mặt nổi hằn hai dấu bàn tay.
Da thịt trẻ con rất non nớt, cho nên mỗi một sự đụng chạm nhẹ nào cũng thường để lại dấu vết.

Có lẽ bà mẹ đang bực tức điều gì, cho nên dấu hai bàn tay của bà rõ ràng hiện lên đôi má cậu bé.

Hai dấu tay đỏ ửng này, bỗng khiến ký ức tôi nhớ đến những bàn tay máu của Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc sầu, trong truyện “Thần Điêu Đại Hiệp” mà tôi đã đọc cách đây 10 năm về trước.

Người phụ nữ mặt mày hầm hầm quát tháo đứa con:

“Cái thằng chó này, mày không thấy tao đang dâng hương lễ Phật hay sao, mà cứ đeo theo đòi tiền mua cà rem?
Muốn ăn thì cũng phải đợi tao cúng Phật xong, rồi hãy tính.
Mày nhịn ăn cà rem một bữa, thì có chết hay không?”


Đứa bé không những không cảm thấy hối hận, và tôi cũng không nhận thấy nét sợ hãi, trên gương mặt trẻ thơ đó.
Cậu sừng sộ trả lời bà mẹ:

“Thì má đợi chút xíu nữa, cúng Phật có được không?”

Bà mẹ nghe xong câu này thì càng lồng lộn, tức giận hơn nữa.
Cậu bé tiếp tục phân bua:

“Bây giờ, má không cúng Phật, Phật cũng còn …ngồi đó.
Nếu con mà không mua cà rem, một chút nữa là xe cà rem đi mất tiêu.”


Tôi cảm thấy lời cậu bé tuy xấc xược, nhưng không hoàn toàn vô lý.
Cậu bé tuy chỉ lên 8, mà có những sự phân tích rõ ràng, minh bạch, hơn mẹ của cậu ta nữa.

Người mẹ nghe xong câu nói đó, thì không còn nhẫn nhịn được nữa, bà tức thì sấn tới, định túm lấy đứa nhỏ.

Thế nhưng, cậu bé hình như đã có sự chuẩn bị trước ,cho nên khi bà mẹ vừa sấn đến, là cậu ta đã “di hình, hoán vị”, nhảy sang một hướng khác.

Sự nhanh nhẹn của cậu, lại khiến cho tôi tưởng tượng ra chiêu thức “Lăng Ba Di Bộ” của Đoàn Dự, trong truyện “Lục Mạch Thần Kiếm”.

Hai mẹ con rượt đuổi nhau, vòng vòng trong chánh điện, rồi cậu bé nhanh như sóc, nhảy tót ra ngoài cửa.
Bà mẹ có lẽ quá tức giận, cho nên tiếp tục đuổi theo, mà miệng thì quát tháo không ngừng.

Bà vừa đuổi theo con ra khỏi chánh điện, bỗng chạy vòng trở lại ngay, vì bà vừa chợt thấy “cây đòn gánh” của ai, dựng trước cổng chùa.
Có thể bà nghĩ rằng, với hai bàn tay thì khó bắt được đứa bé, thà dùng cây “để đập” có lẽ dễ trúng hơn.

Tất cả những diễn tiến trên đây nói ra thì dài dòng, nhưng thực tế thì chỉ xảy ra trong một thoáng.

Tôi vốn là một người chậm chạp, cho nên lúc đó có muốn ra tay can thiệp, cũng không kịp.


Lúc này, thì tôi không còn tâm trí để mà tiếp tục lạy Phật, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ là chứng nhân của một màn kịch sắp sửa diễn ra tại đây, phải chăng đây là hồi thứ nhất của vở tuồng “Máu Nhuộm Sân Chùa”?

Tôi định bụng là, xem xong màn kịch này rồi hãy lạy Phật.

Lời cậu bé có thể rất đúng, Phật còn ngự tại đây dài dài, đi đâu mà vội mà vàng.
Hãy đứng đây chờ xem, ai sẽ thắng cái màn “thi triển khinh công” này trước đã.
Thế nên tôi lần bước ra ngoài sân chùa đứng đợi.

Chùa Viên Thông nằm trên một đỉnh đồi, cho nên sau bậc tam cấp, thì sân chùa rộng lớn chạy thoai thoải xuống phía dưới.
Đứa bé có thân hình lanh như cắt, vừa chạy, vừa nhảy, trông rất ung dung.
Bà mẹ cũng thi triển ngón khinh công “chân truyền”, đuổi theo bén gót, chỉ trong chốc lát là hình bóng của hai người đã vượt xa khỏi tầm mắt của tôi.
Trước sân chùa, có một xe cà rem đang đậu.
Nắng bắt đầu lên cao, tôi thấy khô cổ họng, nên ghé vào mua một ly kem lỏng ăn cho đỡ khát.

Ly kem ăn vừa quá nửa, thì tôi thấy bà mẹ đứa bé, ….lê lết trở về.
Cây đòn gánh hùng hổ, như con mãnh long, trên tay bà lúc nãy, bây giờ èo uột, què quặt và bị kéo lệch xệch dưới đất, như một …..con rắn chết.

Mặt bà đỏ au …vì mệt, tóc tai thì …rũ rượi, còn hơi thở thì hổn hển như …..trâu.
Tôi vừa ăn, vừa hỏi bà có đập trúng được …đứa nhỏ hay không?

Tuy rằng tôi đã đoán trước được câu trả lời.
Bà vừa thở, vừa nói:

“Cái thằng khốn ấy, nó lanh như cắt, dễ dầu gì đuổi kịp nó.
Hôm nay nể mặt Bồ Tát, tha cho nó một phen, về nhà rồi mi sẽ biết tay bà.”


Trả lời xong, bà liền đem cây đòn gánh trả về chỗ cũ.
Phần tôi, sau khi thanh toán xong ly cà rem, tôi bước trở vào chùa để làm tiếp công quả đang làm dở dang lúc nãy.

Tôi thấy bà mẹ đuổi đánh con lúc trước, đang quì trở lại trên chánh điện, và đang lâm râm khấn vái.

Tiếng khấn nguyện của bà không to lắm, nhưng đủ để tôi nghe thoảng là bà cầu xin ơn trên phù độ vợ chồng, con cái của bà, được sống an vui, hạnh phúc.

Tôi đứng ngây người ngạc nhiên.
Ai có thể ngờ được một bà mẹ, chỉ mới 10 phút trước đây, vì muốn đập cho đứa con một trận nhừ tử, mà lồng lộn như ….“Ngọc Diện Diêm Bà”, thì bây giờ lại ngoan hiền, thuần thiện, như một …con chiên trên chánh điện.

Nếu như lúc nãy, bà đập được một cây đòn gánh ….”vào đầu đứa nhỏ”, thì không biết bây giờ bà có còn an vui, hạnh phúc được không nhỉ?

Tôi càng nghĩ, mà trong lòng càng thấy quá nhiều ….cảm khái.

Khi một người tu tập đạo Phật, như Thiền, niệm Phật, hoặc là theo đuổi một cảnh giới cao hơn, cho tâm hồn….
Nếu như sự chân thành của họ, không xuất phát từ nội tâm, thì cái điều mà họ theo đuổi, sẽ từ từ rời xa cuộc sống thực tế.

Nếu như lý tưởng họ theo đuổi, càng ngày càng rời xa cuộc sống thực tế, thì tu Thiền, học Phật cũng không có một tác dụng nào, và cũng chẳng giúp ích gì cho cuộc sống tinh thần của họ cả.

Lý thuyết nhà Phật là “Phật tại tâm”.

Nếu như ta, mang được đức Phật vào trong quả tim, thì ta sẽ nhìn đời với một thái độ bao dung của đức Phật.

Còn nếu như chỉ nguyện cầu, khấn vái, trong một lúc nhất thời, mà hành động và sự suy nghĩ của quả tim luôn luôn đi ngược với tôn chỉ của nhà Phật.
Thì dù kim thân của Đức Phật có ở ngay trước mặt. Tư tưởng của ngài, cũng không thể nào lọt được vào trong quả tim của ta.

Nói một cách khác, thì đây chính là hiện tượng “Phật ngoài tâm”.

Một khi Phật đã ở ngoài trái tim, thì không ai có thể đưa đường dẫn lối, để ta chọn lựa được một thái độ đúng đắn, và một hành động thích nghi.
Điều này đã được minh chứng ở câu chuyện kể trên.

Nếu ở “cương vị” của một vị Bồ Tát, thì bạn sẽ nghĩ sao về hành động của “người mẹ” trong câu chuyện này?

Nguồn: Những Hạt Đậu Biết Nhảy.
Văn Nghệ Xuất Bản, California 1997



Message edited by muusy - Thứ Hai, 28 Jul 2014, 4:09 PM
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 28 Jul 2014, 3:36 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



Quote Những Hạt Đậu Biết Nhảy.
Văn Nghệ Xuất Bản, California 1997
Nếu ở “cương vị” của một vị Bồ Tát, thì bạn sẽ nghĩ sao về hành động của “người mẹ” trong câu chuyện này?


Qua câu chuyện mà Tác giả đã kể trên, và câu hỏi đặt cuối bài...
Tôi lại không đặt trọng tâm vào :
..."nghĩ sao về hành động của “người mẹ”"
!!!

Vì theo thiển ý của tôi, thì câu hỏi đó chỉ nhằm vào "Ngọn" của câu chuyện, nên nếu ta nhìn vào "Gốc" và giải quyết ngay từ "Gốc", thì dĩ nhiên chuyện "Ngọn" sẽ mất đi !

Vậy "Gốc" ở đây là chỗ nào? Chúng ta hãy đọc lại đoạn:

..."Lúc này, thì tôi không còn tâm trí để mà tiếp tục lạy Phật, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ là chứng nhân của một màn kịch sắp sửa diễn ra tại đây, phải chăng đây là hồi thứ nhất của vở tuồng “Máu Nhuộm Sân Chùa”?

Tôi định bụng là, xem xong màn kịch này rồi hãy lạy Phật."


Như vậy "Tác Giả" dám khoanh tay nhìn màn kịch sắp sửa gây đổ máu... rồi hãy lạy Phật sau ư?

Chuyện những người giống như "Người Mẹ" trong chuyện này, khi đến chùa lạy Phật mà trong lòng hãy còn rất nhiều "Tham, Sân, Si"... có đầy dẫy ở xã-hội, nhiều đến nỗi tôi xem đó là chuyện thường tình !

Nhưng chuyện những người trí thức, đứng khoanh tay nhìn mới là chuyện đáng nói !

Lẽ ra phải ngăn chặn ngay "Người Mẹ" để không cho chuyện "Nếu lỡ đổ máu" xảy ra !

Như chính tôi, khi còn ở VN, có 1 cái chùa nọ, các bà đến mua nhiều hoa quả phẩm vật cúng dường, nhưng trong khi ngồi trong chánh điện, các bà thường kể cho nhau nghe... "Chuyện thời sự" ngoài đời, có khi liên quan đến đời tư của người khác... mà nếu nói nôm-na thì là chuyện "ngồi lê đôi mách" hoặc chuyện nói xấu người khác tùm lum...

Chưa kể là nhiều bà có thói quen nói chữ đệm ( Đ.M.) trong các câu nói của mình nữa ...

Nên 1 hôm, nhân dịp Sư Cô trụ-trì nhờ tôi lên bục giảng nói chuyện với bà con Phật Tử, tôi bèn nói như sau:
-"Xin hỏi quý Vị là tại sao chúng ta để giầy dép ở ngưỡng cửa chánh điện chứ không mang thẳng vào chánh điện vậy ?"


Nhiều người trả lời cùng 1 lúc là:
-"Sợ làm bẩn chánh điện. làm ô-uế trước ...v...v..."


Lúc đó, tôi đã nói đại khái như sau:
-"Quý vị sợ đôi Dép dơ đem vào làm ô-uế chánh điện ! Nhưng sao tôi thấy mỗi ngày Quý vị nói nhiều lời không trong sạch trước mặt Phật ? Quý Vị không sợ làm ô-uế ngay trong chánh điện sao ?

Quý Vị nghĩ rằng mình có thể nói bậy, làm bậy, nói hành nói tỏi người khác trước mặt Phật, xong rồi chỉ cần quỳ lạy, cúng Phật chút ít trái cây rồi cầu xin Phật đủ thứ, là Phật sẽ OK, đáp ứng ngay lời cầu xin của Quý Vị sao ?

...Mong rằng từ nay trở đi, khi đến Chùa, lúc để đôi dép ở cửa, xin Quý Vị nhớ để tất cả các thứ ô-uế, không trong sạch, nằm theo cùng với đôi dép ở ngoài, đừng đem vào làm phiền Phật nữa !

Thực ra, nếu ta giữ những điều xấu xa ô uế đó trong Tâm, thì ta tự làm bẩn Tâm mình, nếu nói ra, thì trước tiên ta tự làm dơ Miệng mình, kế đến chính Tai ta nghe, ta lại làm Tai mình dơ trước khi đến Tai người khác nữa !
Chi bằng tập xóa bỏ hẳn nó ra khỏi Tâm, thì ta sẽ được lợi ích biết bao ..."


Chỉ có vậy, mà sau đó, khi vào Chùa, tôi thấy không ai còn nói bậy bạ tào lao nữa ...



AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 28 Jul 2014, 4:55 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng


Tác giả hỏi mọi Người là với cương vị " Bồ Tát" thì không đúng. Mà phải hỏi là " nếu là bạn, là một Phật tử bạn cư xử ra sao , nếu khi bạn đang " NHẬP TÂM " mà có kẻ phá " thì câu hỏi sẽ có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Bởi " Bồ Tát " thì phép mầu vô số, giải quyết chuyện đó là chuyện nhỏ.

Nhưng theo " ngu ý " thì cái bà đó đừng có lồng lộn lên như vậy giữa chánh điện. Mà phải thành tâm khấn nguyện, xin Phật Tổ cho nghĩ tu 5 phút. Sau khi đảnh lễ xong thì phải dịu dàng gọi con thơ đến gần, lựa chổ nào cho chắc và biết là nó sẽ không thể chạy thoát. Lúc đó sẽ tung " Cữu Âm Bạch Cốt Trão " vào mông đít nó happy Hay dùng " Nhất Dương Chỉ " chọt giữa trán nó. Có phải đở mệt không happy

Dường như bài viết với nội dung câu chuyện không liên quan gì đến câu : " Phật Tại Tâm "

Cá nhân tui, không lên Chùa cũng gần 40 năm. Tuy rằng, gia đình có nhiều Người và đa số đều Quy Y Tam Bảo. Nội của tui cũng là một Phật Tử , Người đã dẫn dắt tui làm quen với " Phật " rất sớm từ những năm tui 7 tuổi. Sau khi bà Nội mất thì tui đến Chùa với bạn bè trong lớp những dịp lễ rằm.... nhưng không phải là đến Chùa của Nội tui.

Sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản , cái Chùa đó lòi tẩy ra là ổ chứa Việt Cộng nằm vùng , sư sãi toàn là việt cộng giả dạng. Thế là chán phèo, tui cũng giã từ luôn. Thêm tình trạng phá Chùa của cộng sản khắp nơi. Nên xem như " Đường vào Cửa Phật" của tui bị tịt ngòi.

Lên đến đảo tỵ nạn, cũng có ngôi Chùa. Tui lên bái tạ Quan Âm cứu mạng rồi thôi không lên nữa, vì Phật Tử trên đó tụ tập để làm chuyện bậy bạ. Phe nhóm, phân biệt giàu nghèo ( vì các Phật Tử được thân nhân viện trợ hàng tháng để tiêu xài trong khi chờ định cư )

Sau khi định cư, ở thành phố tui cũng có cái Chùa, cách nhà tui khoảng 1 giờ lái xe. Nhưng tui cũng chưa bao giờ đặt chân vô, bởi mấy bà Phật Tử trong đó toàn lợi dụng cửa Thiền để buôn bán , chơi hụi, cầm đồ và bàn chuyện gia đình người khác.

Về Việt Nam thì có gia đình chú em cũng Quy Y ở một cái Chùa, Thầy trụ trì cũng ngang bằng tuổi tui, chú em mang về một cái vòng bảo là tặng tui , chú ấy bảo là anh mang chiếc vòng này vô thì tai qua nạn khỏi, may mắn , tiền bạc sẽ đến nhà ào ào, chiếc vòng đã được " sên bùa " và Thầy trụ trì chỉ lấy tiền vốn chiếc vòng là 300 000 đồng VN ( 15 usd ).

Nhà tui cũng có bàn thờ Phật, người nhà cũng siêng năng cúng bái Phật đàn, nhưng tui thì rất lười. Bởi nhiều khi tui nghe họ lâm râm khấn nguyện, chỉ toàn là " XIN XỎ " có khi còn xin trúng loto nữa chứ.

Cho nên, từ lâu lắm, lâu thật là lâu tui chẳng để ý đến Chùa chiền, cúng bái..... cho đến khi lọt vào trang nhà atoanmt.

Và bây giờ, mỗi tháng 2 ngày mồng một và rằm tui đều mua Hoa cúng Phật, tự tay tui đi mua nghe. Làm mọi Người chưng hửng không biết tui " Ngộ Đạo " hồi nào.

Vì lý do nào đó, bạn không lui tới cửa Thiền, nhưng trong lòng bạn vẫn có một đấng thiêng liêng. Trước khi " Hành Động " bạn đều cân nhắc lợi hại , thì vẫn như là " Phật tại Tâm " vậy.
 
muusy Date: Thứ Hai, 28 Jul 2014, 6:15 PM | Message # 4
Sergeant
Group: Users
Messages: 29
Status: Tạm vắng
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ LÂM THANH HUYỀN

(Phạm Huê)

Lâm Thanh Huyền sinh năm 1953 tại núi Kỳ Sơn, Quận Cao Hùng. Ông bắt đầu cầm bút viết văn từ ngày còn đang học bậc trung học.

Trải qua bao gian nan ông mới đậu được vào nghành phim ảnh trường đại học Thế Tân. Sau khi ra trường, ông quyết định lấy nghề cầm bút để mưu sinh, ông chuyên viết về loại tản văn, phóng sự và thỉnh thoảng cũng xuất bản một vài loại tiểu thuyết.

Văn của ông trong sáng, khiến cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, tuy nhiên lời văn trong những chuyện tùy bút cũng không kém phần dí dỏm. Cũng từ điểm này đọc giả có thể đánh giá con người của ông có một chiều sâu trí tuệ.
Ông đã đoạt được rất nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như giải Văn Nghệ Quốc Gia, giải Trung Sơn Văn Nghệ, giải thưởng Ngô Tam Liên, giải Đỉnh Vàng, giải Trung Ương Nhật Báo, giải Văn Học Thời Báo vân vân. Cũng từ những giải thưởng này mà tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Những tác phẩm nổi danh của ông gồm có Phụng Nhãn Bồ Đề, Mây Bay Lạc Lối, Kẻ Du Hành Trong Vũ Trụ, Bút Ký Thành Thị v.v... Đến năm 30 tuổi, ông bổng nhiên từ giã chức vụ chủ nhiệm biên tập của Liên Hiệp Thời Báo để bắt đầu con đường nghiên cứu Phật giáo. Có một thời gian dài hơn hai năm, ông đã ẩn cư trên núi để đọc kinh sách Phật học. Sau giai đoạn tu hành, ông đã chuyển hướng nhân sinh quan và bắt đầu viết những loạt bài Bồ Đề Liệt Truyện. Phần lớn những câu chuyện trong quyển sách này đã trích ra từ quyển Như Ý Bồ Đề, một quyển sách có kỷ lục tái bản 7 lần trong vòng 30 ngày và đã lôi cuốn hàng trăm ngàn đọc giả.

Hiện nay, song song với việc viết sách, viết báo hàng ngày ông còn đi du lịch khắp nơi trong nước để diển thuyết. Đề tài thuyết trình của ông trải rộng từ Phật pháp, Phật học, bảo tồn môi sinh cho đến nhân sinh trong vũ trụ vân vân.

Tuy không phải là người chính thức qui y tam bảo, thế nhưng tiếng nói của ông rất có chất lượng trong thế giới Phật giáo Đài Loan hiện nay.

Ngay chính một vị cao tăng đương thời là Tinh Vân Đại Sư, cũng đã ngợi khen ông có công phát triển Phật giáo, tạo được lòng tin trong giới Phật tử, và nhất là đã diễn dịch những mẫu chuyện trong kinh Phật sang thể loại văn chương tiểu thuyết khiến cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng.
Điều này vô hình trung đã khiến cho Phật giáo Đài Loan đi được những bước rất dài trong những năm vừa qua.

(Copy từ trang cuối quyển sách Những Hạt Đậu Biết Nhảy)

Nguồn: Những Hạt Đậu Biết Nhảy
Văn Nghệ Xuất Bản, California 1997



Message edited by muusy - Thứ Ba, 29 Jul 2014, 1:17 AM
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 28 Jul 2014, 7:13 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Bạn có đồng ý với mình , vấn đề không phải là " nội dung " bài viết được viết bởi nhân vật danh giá nổi tiếng nào. Mà là ở chổ, bài viết đã cho chúng ta được cái gì, bài học gì.

Những câu chuyện ngụ ngôn, truyền miệng trong dân gian với vô vàn ý nghĩa cho cuộc sống đều là....... ẩn danh, không tên, không rõ tác giả nhưng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Như một bài học cho giống nòi.

Bài viết trên tuy là được một cây viết tên tuổi " đẻ ra " được đăng trên một " tạp chí " danh giá của Đài Bắc. Nhưng xét cho cùng, thì vẫn là cách hành xử riêng của tác giả, hay nói một cách khác là do lối văn hóa China. Tác giả viết cho Người Tàu Đài Loan đọc và được sự ủng hộ của độc giả Đài Loan theo cách hành xử của dân Tàu Đài Loan ngoài xã hội.

Thí dụ : trên trang nhà bé nhỏ này , anh Toàn là một cao tăng trụ trì , bạn là người viết về đạo pháp được vị cao tăng khen ngợi. Nhưng khi độc giả vào xem bài viết của bạn , có nhiều điều họ không đồng ý với cách nhìn của bạn về một vấn đề xã hội. Thì họ vẫn có quyền lên tiếng. Mà họ không cần quan tâm đến bạn là ai, và anh Toàn là ai.

Cho nên, chỉ là vấn đề trao đỗi. Không có gì quan trọng cả. Mỗi người trong chúng ta tự rút ra bài học xử thế, cách tu tâm dưỡng tánh để không uổng công tu học và theo đạo.
 
muusy Date: Thứ Ba, 29 Jul 2014, 1:21 AM | Message # 6
Sergeant
Group: Users
Messages: 29
Status: Tạm vắng
-Vô cùng cảm ơn Bác Toàn, và Bác thanhlongphapsu.

Kính chúc sức khoẻ Bác Toàn, Bác thanhlongphapsu và tất cả.

 
atoanmt Date: Thứ Tư, 30 Jul 2014, 10:26 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



Bạn muusy mến,
Thực ra mình rất trân-trọng những bài post của Bạn cũng như của tất cả các Thành-Viên khác !
Và hơn nữa, chuyện mà bạn post ở trên, nếu đọc qua, ai ai cũng phải thấy vui vui, mắc cười với lối hành văn vui tếu của Tác Giả Lâm Thanh Huyền.
Mình nghĩ có lẽ vì lý do "vui tếu" đó nên bài viết mới được Bạn post vào đây ! Và mình cũng đồng ý với bạn ở điểm này.

Tuy nhiên, với 1 tác giả nổi tiếng "am tường về Phật Pháp" là Lâm Thanh Huyền, thì mình hơi thất vọng qua bài viết trên của ông !
Vì với tựa bài "PHẬT TẠI TÂM? PHẬT NGOÀI TÂM?" thì chính trong bài viết, ông đã vô tình nói là Ông không có Tâm Phật !
Nếu có, đã không để Bà Mẹ rượt con chạy vòng vòng mà còn có thể đập con bể Đầu nữa !
Chẳng lẽ Tác Giả cũng lây cái "Bệnh vô cảm" của thời đại bất lương này sao?

Như ở Toronto, khi người Vợ bỏ tiền cho Chùa mượn, rồi người Chồng lôi Vợ vào Chùa cãi lộn trước mặt vị Sư trụ-trì người đã mượn tiền của họ !
Ông Sư cứ ... bình chân như vại ! thủ khẩu như bình ! an nhiên tự tại ... Lẳng lặng mà nghe 2 Vợ Chồng người ta cãi nhau vì Sư !

Cho đến khi Ông Chồng tức quá, đánh Vợ ! Thì Sư cũng ..."vô cảm" lẳng lặng bỏ đi chỗ khác, mặc kệ cho họ đánh nhau! Ngu chết ráng chịu, Sư hông thèm can đến nửa lời !

Nhiều người chứng kiến, kể lại cho tôi nghe ! về việc Sư "vô cảm" khi thấy người ta hoạn nạn, nhưng với các cô trẻ trẻ thì Sư lại dành rất nhiều cảm tình đặc biệt ...

Ô hô ai tai !!! Ô hô ai tai !!! Ô hô ai tai !!!


AToanMT
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 08 Aug 2014, 8:38 PM | Message # 8
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » CHUYỆN PHẬT GIÁO » PHẬT TẠI TÂM (Lâm thanh Huyền-Phạm Huê (dịch))
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO