Chủ Nhật
05 May 2024
6:20 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » những truyện phật giáo hay
những truyện phật giáo hay
hailove Date: Chủ Nhật, 13 Jan 2013, 10:02 AM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
Tình cờ cài ứng dụng trong market của android,thấy được ứng dụng có những mẩu truyện phật giáo đọc thấy hay mạo muội post lên cho anh chị em đọc,anh chị em nào phật học cao thâm có đọc qua cũng xin nở 1 nụ cười với người post bài,do thời gian có hạn nên mỗi ngày hailove xin post 1 ít cho đến khi đủ bộ.

Truyện 1: BÁT BÁU CỦA ATULA

Tương truyền rằng A Tu La là một loài chúng sanh ở khoảng giữa loài người và loài trời. Nam A Tu La thì hung bạo xấu xí, còn nữ A Tu La thì trái lại cực kỳ xinh đẹp.

Các tôn giả A Tu La cũng có phước báo như chư Thiên, nghĩa là không phải lao động vất vả như chúng ta mà vẫn có ăn. Mỗi A Tu La đều có một chiếc bát báu. Ðến giờ ăn, tùy theo phước báo của từng A Tu La mà thức ăn hiện ra trong bát báu, màu sắc và hương vị khác nhau, không có ai có thể ăn ké của ai được hết.

Ðiểm đặc biệt của dân chúng A Tu La là họ rất dễ nổi giận. Vì vậy, mà hầu hết đàn ông con trai A Tu La đều dùng thì giờ rảnh rang để đánh lộn với chư Thiên, thay vì trồng trọt, mua bán như loài người. Phụ nữ A Tu La thì không bận nấu nướng giặt giũ, tề gia nội trợ như phụ nữ của loài người, nên rất ư là diễm lệ.
Nhưng mà ... ấy chứ! Xin các tôn giả loài người chớ nghe nói thế mà phát nguyện xin về thế giới của A Tu La.

Cũng theo tương truyền, chiếc bát báu của loài A Tu La là một vật dụng kỳ dị, nghĩa là trong giờ ăn, khi các tôn giả A Tu La "xực phàm" một cách ngon ơ ... thì bỗng dưng thức ăn của họ biến thành đồ bất tịnh, đầy dẫy những bùn đất, dòi bọ ... Vì thế, các A Tu La cảm thấy nhàm chán, thống khổ kịch liệt khi khám phá ra mình đang ngậm và nhai những của quỷ ấy.
Như thế, loài A Tu La chỉ ăn được có nửa bát báu mà thôi. Nếu kẻ nào húp đến cạn tàu ráo máng thì không sao tránh khỏi tình trạng trên.


Bạn thân mến,
Tuyền thuyết trên đây hư thật thế nào chúng ta chưa rỏ được, nhưng em có nhận thấy rằng, loài người chúng ta cũng chỉ hưởng được có một nửa hạnh phúc trần gian, hệt như chiếc bát báu của loài A Tu La chăng?
Từ lúc chúng ta chào đời, thân bằng quyến thuộc đầy đủ, nhà cửa sung túc, cầu được ước thấy ... , đó chính là nửa bát trên.

Và nếu phần trên ngon ngọt dễ chịu bao nhiêu thì phần dưới lại cay đắng ê chề bấy nhiêu. Ðó chính là lúc chúng ta vật vả khóc than chôn cất hết người thân nầy, đến người thân khác. Ðó cũng chính là lúc mà chúng ta phải đối diện với cái già, cái chết, cùng những tai biến thình lình xảy đến. Cũng giống hệt như loài A Tu La, chúng ta không biết phải nên dùng đũa lúc nào để khỏi ăn nhằm đồ bất tịnh.

Mỗi lần với được ngũ dục là chúng ta hưởng thụ một cách mê ly, cho đến bao giờ bị chúng làm cho đau khổ khốc liệt, nuốt không xong mà nhả chẳng ra ... đợi đến lúc ấy, chúng ta mới chịu dừng đũa thì ôi thôi, quá muộn rồi!

Các thứ tình đời, tình bạn, tình yêu ... đều là những món nhấm khó chịu như thế cả, em có thấy vậy không? Hãy thử nhìn các cặp tình nhân mới yêu nhau thì biết; khóe mắt, làn môi, giọng cười, tiếng nói ... của họ đều biểu lộ một niềm hỷ lạc, hạnh phúc sung mãn tràn trề. Ðó là nửa bát trên. Và sau đó, em hãy cố gắng nhìn tiếp, khi họ bắt đầu hằn học, tru tréo, chửi rủa, đánh đập ... tìm đủ cách hành hạ nhau cho thỏa tức, đó là nửa bát dưới.

Ðiều oái oăm nhất là loài người chúng ta cũng như loài A Tu La, không ai tìm được ranh giới phân chia giữa khoái lạc và đau khổ để có thể dừng lại kịp thời. Trong lúc đang hưởng hạnh phúc, nếu có ai ngăn cản, bắt chúng ta dừng lại, đương sự sẽ đòi ... uống thuốc tự vận ngay! Và thật là tội nghiệp, khi người ta đang phản đối ầm ĩ, tìm đủ trăm phương ngàn kế để tiếp tục hưởng món ăn ngon thì ... đùng một cái, thức ăn hoá thành độc dược!

Nhận chân được điều đó, đức Phật khuyên chúng ta rằng: "thọ là khổ", nghĩa là cảm giác nào cũng khổ hết, kể cả cảm giác gây khoái lạc, vì bản chất của chúng ta là sinh diệt vô thường. Và Ngài cũng dạy chúng ta rằng chỉ nên thọ dụng khi có nhu cầu cần thiết, cốt sao cho diệt được thọ khổ, mà đừng để nảy sinh thọ lạc, nghĩa là nên dừng lại cho kịp thời. Nhưng dừng lại nơi đâu nhỉ? Thưa, ở nơi nào chúng ta thấy có đắm trước, trìu mến, lưu luyến ... thì phải một, hai, ba ngừng ngay lập tức.

Nguyên tắc thì như thế đó, nhưng khi thực dụng thì còn tuỳ theo sự khôn ngoan, mê hay tỉnh của từng người. Nhưng mà có rất nhiều chúng sanh đã từng nguyện rằng: "thà sống bên nhau để được gây gổ đánh đập hoài hoài, còn hơn là cô đơn gối lẻ ... !" nghĩa là họ tình nguyện nốc chén của mình cho đến giọt cuối cùng đó, em ạ!


NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 14 Jan 2013, 7:37 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
hailove Date: Thứ Hai, 14 Jan 2013, 10:56 AM | Message # 3
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
Truyện 2: Ba bà Hoàng Hậu

Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua trẻ. Ðức vua cai trị một vương quốc giàu có, xinh đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là ba bà hoàng hậu của đức vua.
Ba vị hoàng hậu này vừa có sắc lẫn có tài, nên cả ba đều được đức vua sủng ái như nhau, "Mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười". Cho đến một hôm, nhà vua bỗng nảy ra một ý nghĩ: Trong ba mỹ nhân này thế nào cũng có một người tuyệt diễm hơn hai người kia, nhưng ta không tài nào nhận ra được, có lẽ vì mình nhìn mãi nó quen mắt đi chăng? Hay là ta hỏi ý kiến bọn cung phi vậy".

Ðức vua bèn mở cuộc trưng cầu dân ý tại hậu cung để tìm xem trong ba mỹ nhân ai là người đẹp nhất. Kết quả cũng không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, vì ai cũng cho rằng cả ba vị hoàng hậu đều đẹp ngang nhau. Kẻ tám lạng, người nửa cân vậy.
Nhà vua lại đem nội vụ ra bàn với đình thần. Kết quả cũng tương tự như trên.

Quan tể tướng khuyên đức vua nên dừng cuộc giảo nghiệm lại, vì e nó chẳng ích lợi gì mà đôi khi mang đến hậu họa khó lường được.
Thay vì nghe lời khuyên sáng suốt của vị trung thần lão thành ấy thì đức vua của chúng ta lại nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh cho quan tể tướng phải giải quyết cho xong công việc trong vòng ba hôm. Sau một lúc im lặng, quan tể tướng kính cẩn tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ rằng, bọn hạ thần chỉ sở trường về chuyện cung kiếm văn thơ, còn chuyện đẹp xấu tướng hảo ra sao thì chắc phải nhường cho các vị bốc sư nổi tiếng. Hay là bệ hạ cho vời y vào, y sẽ phân biệt rõ ràng hơn không?

Nhà vua nguôi giận. Một ông thầy bói được lập tức triệu vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan ba người đẹp. Vị bốc sư không chịu cho biết kết quả ngay mà xin khất lại ngày hôm sau để về "tra tự điển" lại.
Lão bốc sư đi rồi, quan tể tướng bèn tâu nhỏ với đức vua:
- Muôn tâu thánh thượng! Hạ thần trộm nghĩ rằng qúi đức bà, mỗi người có một vẻ đẹp riêng, tùy theo nhãn quan và sở thích của từng người. Ý kiến của chúng thần có thể bất đồng nhau, nhưng vì sợ uy quyền của quí đức bà, nên bọn hạ thần không dám nói lên ý kiến của mình mà chỉ kết luận chung chung rằng, cả ba đức bà đều tài sắc như nhau. Nếu thần không lầm thì lão bốc sư này cũng lâm vào một tình thế khó xử như bọn hạ thần, nên lão mới xin khất lại vào ngày mai đó thôi.

- Thế thì khanh giải quyết bằng cách nào?
- Muôn tâu! Ngu thần có một kế mọn là bệ hạ giả mạo bức thư, ký tên của ba đức bà, hẹn lão ấy đến ba địa điểm riêng. Nếu y đến địa điểm nào thì đức bà ấy sẽ là người đẹp nhất.

- Hay lắm, khanh hãy thi hành ngay cho trẫm.
Ba bức thư tức tốc được gởi đi và lão bốc sư đi đến chỗ hẹn với bà hoàng đẹp nhất.

Ðức vua truyền lệnh chém đầu lão thầy bói ... Và từ đó ngài đặc biệt sủng ái vị hoàng hậu vào chung kết này.
Hai bà hoàng hậu còn lại vô cùng tức tối, họ âm mưu với nhau dùng độc dược giết chết bà hoàng hậu đẹp nhất.
Chuyện bại lộ, đức vua truyền lệnh xử tử luôn hai bà hoàng hậu còn lại.
Ba vị hoàng hậu xinh đẹp nhất nước đều chết hết, đức vua còn lại một mình để thấy hoàng cung sao mà trống trải lạnh lẽo, bất kể Xuân Hạ Thu Ðông.

---o0o---


Lời bàn:

Các bạn thân mến!
Vạn pháp trên thế gian này, mỗi pháp đều có một đặc tính riêng, nhưng khi chúng ta bắt đầu "ưu tiên một" cho pháp nào, tức là để tâm vào nó, thì sự việc bắt đầu trở nên rắc rối. Có lẽ vì vậy mà đức Phật thường khuyên chúng ta là hãy để yên cho các pháp trụ ở bản vị của nó. Chớ xen vào phân biệt để tự chuốc khổ cho mình và làm di hoạ cho người chung quanh.

Cũng thế, trong cuộc tương giao với bạn bè lân cận, mỗi người bạn của chúng ta đều mang một cái tính riêng biệt, chiếm một vị trí, cách thế khác nhau, chẳng ai giống ai. Và chúng ta cũng khó mà kết luận rằng ai quan trọng hơn ai. Mùa Xuân có hoa lan, mùa Thu có hoa cúc, mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng của nó, không thể nào bắt loại hoa này phải bắt chước hoa kia được. Em có thấy rằng số phần rủi ro luôn luôn đến với người mà chúng ta đặc biệt ưu ái hay không?

Vậy thì, ta có nên ngu muội đem cái ý thức phân biệt của mình xen vào các mối tương giao ấy, để cảm thấy cuộc đời này sao mà lạnh lẽo bất kể bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông hay không?


NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
hailove Date: Thứ Hai, 14 Jan 2013, 11:07 AM | Message # 4
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
Truyện 3: ba câu hỏi của đức vua

Có bao giờ bạn thấy rằng dù chung sống với bao nhiêu người, ta vẫn cô đơn như một mình, dù nói chuyện huyên thuyên suốt ngày, mà mình vẫn như câm nín? Ngày trôi qua như mơ, đêm đến tràn mộng mị.
Quyển truyện này được soạn ra từ những cơn mơ bất kể đêm ngày như thế, là lời độc thoại của kẻ chiêm bao tự nói với mình hơn là độc giả.

Thiền Viện Viên Chiếu 06 tháng 8 Nhâm Tuất 1982
Như Thủy


Thuở xưa, có một vị vua thuộc vào hàng minh quân, ngài thương dân như con đẻ, nhưng dù là minh quân, ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.

Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu, ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ ngài sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm. Ðó là những nghi vấn sau:
1. Thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc?
2. Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?
3. Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?

Ðức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc ... và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất. Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành, mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị lang làm việc tận lực suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua, vị chánh chủ khảo tối cao cả nước.

Ðáp lại câu hỏi đầu tiên, có người bảo rằng:
Muốn biết thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình, kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong, ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo những thời điểm qui định sẵn đó ...

Nhưng ý kiến này liền bị nhà vua bác bỏ vì không có ai có thể tiên đoán được những điều sẽ xảy ra mà lập một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được.

Có trường phái lại cho rằng một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Ðức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung.

Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc ...
Như thế, đại để mọi người đều đồng ý với nhau rằng: Thời gian quan trọng nhất của công việc là thời gian chuẩn bị, nghĩ suy về công việc ấy.

Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng Ðế, đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư v.v... được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất.

Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất - thưa:
Đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay là tôn giáo ...

Các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập tới.
Và vị chánh chủ khảo tức là vua ấy không chấp nhận câu giải đáp nào cả. Nhiều năm trôi qua, ba câu hỏi dần dần rơi vào quên lãng

... Cho đến một hôm, nhà vua nghe đồn rằng ở trên một đỉnh núi phủ đầy mây nọ, có một đạo sĩ coi là bậc giác ngộ, nhưng vị chân tu này không bao giờ chịu hạ sơn để giao tiếp với các nhà quyền quí. Tiếng đồn về đạo sĩ khiến đức vua chú ý và một hôm, ngài quyết định cải dạng thường dân đến tham vấn vị ẩn tu.

Ðến nơi, nhà vua gặp đạo sĩ đang cuốc đất. Vua vái chào và nêu lên ba câu hỏi. Ðạo sĩ chỉ mĩm cười, đưa tay vỗ nhẹ nhà vua rồi tiếp tục công việc. Ðã được báo trước về tánh khí lạ thường của đạo sĩ, đức vua không nản lòng, ngồi xuống một tảng đá chờ đợi. Hồi lâu, buồn tay, đức vua mời đạo sĩ nghỉ tay, trao cuốc cho vua làm giúp.

Nhiều giờ trôi qua, đức vua vẫn xới đất, còn đạo sĩ thì nhổ cỏ quanh quẩn bên lều tranh. Khi đôi tay vương giả bắt đầu chai phồng, đức vua ngừng cuốc nghỉ mệt giây lâu và nói với đạo sĩ:
- Tôi từ xa lặn lội đến đây, cầu Thầy chỉ giáo cho ba điều nghi vấn. Nếu Thầy biết thì xin vui lòng chỉ dẫn cho. Bằng không cũng xin cho tôi biết để tôi trở về kẻo tối.

Ðạo sĩ mỉm cười, định nói câu gì đó, thì chợt cả hai người cùng nghe tiếng chân chạy dồn dập. Nhà tu bảo đức vua:
- Bác xem ai đến kìa!

Nhà vua quay lại thì thấy một người vừa ngã quỵ xuống đất, toàn thân nhuộm máu. Hai người già không ai bảo ai, đều hối hả đến bên người bị nạn. Nạn nhân chỉ còn thở thoi thóp. Vua phụ lực với đạo sĩ băng bó các vết thương ...

Hai người im lặng làm việc cho đến lúc ngừng tay thì mặt trời đã lặn ở đỉnh núi bên kia. Ðưa nạn nhân vào thảo am đặt người bệnh trên chiếc chõng tre độc nhất của căn lều, họ chia nhau mấy củ khoai rừng luộc và vì quá mệt, đức vua ngả mình xuống nền đất thiếp đi.

Sáng hôm sau, khi nhà vua giật mình thức giấc thì nắng đã nhuộm hồng chiếc thảo am, và chim rừng kêu rộn rã. Ðức vua phải bàng hoàng hồi lâu, mới nhớ rõ mình đang ở đâu và làm gì ...

Ðạo sĩ đã đi làm vườn, sau khi đặt một rổ khoai luộc bên cạnh ông khách. Trên chõng tre, nạn nhân đã hồi tỉnh và đang nhìn đức vua bằng cặp mắt long lanh. Ðức vua đến bên người bệnh, đặt một bàn tay lên vần trán nóng như lửa của anh ta và cất tiếng hỏi thăm bệnh tình ... Nạn nhân bỗng òa lên khóc:
- Xin bệ hạ tha tội cho ngu thần ...

Vô cùng ngạc nhiên, đức vua hỏi:
Khanh là ai mà lại biết Trẫm?

Bệ hạ không biết thần đâu! Hạ thần chính là em trai của võ tướng Trần Ðoàn, người bị bệ hạ giết oan trong mùa thu năm Tân Dậu. Thần đã thề trước linh cữu anh là sẽ giết bệ hạ để báo thù ... Biết bệ hạ lên núi này, thần mai phục sẵn. Không ngờ, đợi đến tối mà bệ hạ vẫn chưa xuống núi, thần liền đi tìm ... và bị trợt chân té xuống triền núi. Nếu không nhờ bệ hạ ra tay cứu chữa thì có lẽ thần đã mất mạng. Từ đây oan cừu xin giải hết... Thần cúi mong bệ hạ tha tội chết cho thần.

Câu chuyện đáng tiếc năm xưa đã làm ta hối tiếc không nguôi ... Nhưng việc đã dĩ lỡ rồi Trẩm không biết tính sao. Bây giờ chẳng những Trẩm sẽ tha tội cho khanh mà Trẩm còn phục hồi chức tước và chu cấp cho gia đình Trần Ðoàn nữa. Khanh hãy yên tâm mà tịnh dưỡng đi.

Ðức vua ra hiệu gọi vệ sĩ đến, cho khiêng nạn nhân xuống núi và vời ngự y chăm sóc vết thương. Sắp xếp đâu đó xong xuôi, vua đi tìm đạo sĩ. Nhà tu đang lúi húi trồng rau trên vạt đất mới cuốc hôm qua. Ðức vua ngỏ ý cáo từ và lập lại ba câu hỏi:
- Xin đạo sĩ giải đáp cho.

Nhà tu mỉm cười:
- Bần đạo đã trả lời cho bệ hạ rồi ...

Ðức vua ngạc nhiên:
Thưa, hồi nào đâu?

Ngay lúc bệ hạ vừa nêu câu hỏi.

!??

Này nhé, thời gian nào là thời gian quan trọng nhất, đó là lúc bệ hạ cuốc đất giúp bần đạo. Nếu thiếu khoảng thời gian này thì bệ hạ đã chết về tay anh chàng kia rồi nhé!

Nhân vật quan trọng nhất chính là bần đạo đây, quan trọng đến nỗi bệ hạ phải trèo non lội suối đi tìm, có phải không?

Và câu thứ ba: "Công việc nào cần thiết nhất" -
Thưa đó là cuốc đất, việc mà hai chúng ta đã làm ngày hôm qua ...

Rồi sau đó, khi chàng thanh niên xuất hiện thì anh ta biến thành nhân vật quan trọng nhất, công việc cần thiết nhất là cứu cấp cho anh ta, và thời gian đó quan trọng nhất ...
Có phải thế không nào?

Nhà vua cúi đầu ngẫm nghĩ giây lâu, cất tiếng:
- Thưa đạo sĩ, Trẩm đã hiểu. Thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại.

Nhân vật cần thiết nhất là người mà ta cần gặp gỡ trong hiện tại,

và công việc khẩn thiết nhất, cũng là công việc trong hiện tại ...

Quá khứ là những điều đã qua vĩnh viễn, vị lai chỉ là những ảo tưởng mơ hồ ...
Chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi trong hiện tại là quí nhất mà thôi.

Những điều cần làm nhất là giúp đở người chung quanh ngay trước mắt ta trong giây phút ngắn ngủi quí báu đó ...

Thưa, có phải thế không ạ?

Ðạo sĩ mỉm cười, và nụ cười đó thay lời tống biệt, đưa nhà vua xuống núi, nơi mà triều đình và thần dân đang chờ đón ngài.

---o0o---


BẠN THÂN MẾN,

Hiện tại là cái khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta luôn luôn bỏ quên vì nỗi lo hoài bão về tương lai, tiếc thương cho quá khứ. Không ngờ đó lại là thời gian quan trọng nhất. Chư Tổ Thiền Tông cũng dạy chúng ta rằng: Việc qua rồi chẳng nhớ, việc chưa đến chẳng lo, việc hiện tại chớ đem lòng vọng tưởng.

Lời dạy này cũng đồng nghĩa với câu giải đáp của đạo sĩ trên. Nếu chỉ sống với giây phút hiện tiền, thì dù ta đang gánh nước, bửa củi, uống trà, mặc áo, ăn cơm ... tất cả những chuyện tầm thường nhất, không hành vi nào mà không phải là đạo.

Nhưng điều thú vị nhất của câu chuyện trên là lời giải đáp cho câu hỏi thứ ba:
"công việc nào là cần thiết nhất" .
Thưa: đó là giúp đở những người chung quanh ta, cũng ngay trong hiện tại.

Trong cuộc sống hàng ngày, mãi lo ngong ngóng đến tương lai, chúng ta thường bỏ quên hiện tại. Có lẽ vì mãi nghĩ đến chúng sanh mình sẽ độ sau này (khi đã thành Phật hay Bồ Tát chính hiệu), nên em không thấy được rá rau của người bạn tri nhật đang hối hả lặt cho kịp giờ cơm, quên luôn nền nhà đầy rác đang cần quét, chiếc ly uống nước đầy cáu bẩn v.v...

Tương lai đã che khuất khiến em không thấy được người bạn đồng tu của mình đang nhể nhại mồ hôi, đầu tắt mặt tối vì công việc. Và điều này khi nói ra e làm em bất bình. Nhưng tôi xin chân thành xin lỗi em trước, cũng như tôi đã sám hối và ân hận mãi vì đã có một thời - tôi và em - những người mãi miết lo nghĩ đến tương lai, đã biến chuyện tu hành của mình thành một gánh nặng cho bè bạn.

Và chúng ta đã đặt tên cho những hành động lạ lùng đó bằng các danh từ thật kêu như: "hạ thủ công phu", "giải quyết sanh tử", "miên mật tu hành", v.v... và v.v...

Hỡi ôi! Tại sao trong hiện tại chúng ta nhẫn tâm lợi dụng sức lao động của bạn bè mình, để làm một bàn đạp tiến thân, tiến đến quả vị Phật, Tổ ... là những quả vị không còn dấu vết của bản ngã và những phụ tùng của nó là tham, sân, si!

Chúng ta thản nhiên nhắm mắt làm ngơ trước những công việc cần thiết cấp bách cho mình và cho người chung quanh, để chỉ lo thực hiện cho kỳ được những hoài vọng của cái bản ngã đa sự của chính mình, với một lời hứa hẹn trấn an lương tâm là:
"Chừng nào thoát nhiên đại ngộ, hay thành Phật chẳng hạn, tôi sẽ độ cho quí vị hết trơn, hết trọi"

và chúng ta sẽ nhủ thầm rằng:
"Còn bây giờ quí vị nên làm công quả cho tôi ... chuyện tu hành khó khăn dữ lắm, cần phải có những căn cơ siêu việt mới có thể đảm đương nổi (như tui đây chẳng hạn) ... chừng nào cuộc thí nghiệm của tui thành công, công lao của quí vị sẽ được đền bù gấp trăm, gấp nghìn lần ..."

Bạn thân mến,
Trong kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Ðề có hỏi Phật rằng:
"Những người thiện nam hay thiện nữ khi đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi thì làm sao hàng phục được tâm mình?"

Ngài đã đại diện cho chúng ta, nêu lên cái nguyện vọng, nỗi băn khoăn nghìn đời là: "Làm thế nào để con được thành Phật?" Câu trả lời của đấng đạo sư đã khiến ta bối rối hết sức:
- Con nên độ cho hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ ...

Câu đáp trở thành khó hiểu khi chúng ta ngỡ rằng "thành Phật" tức là thành một "đấng" gì đó cao hơn hết thảy chúng sanh, một "khối" gì đó ... chẳng hạn ...

Còn nếu chúng ta chỉ hiểu một cách giản dị rằng: Phật chính là sự giác ngộ, thì thành Phật tức là thành một chúng sanh giác ngộ. Nhưng giác ngộ cái gì mới được chớ?

- Thưa, giác ngộ rằng "bản ngã" không thật, không bền, không có ...

Nỗi bận tâm duy nhất và tha thiết nhất của chúng ta là cái "bản ngã" của chính mình ...

Từ lâu, chúng ta mê mải tìm cầu ngũ dục, cho nó hưởng thọ ... Không ngờ, cái dư vị của ngũ dục quá đắng cay khiến chúng ta đâm hoảng và thay vì si mê, tham đắm ngũ dục chúng ta lại xoay qua mê tu, tham đắm Niết bàn, giải thoát.

Ðối tượng có thay đổi nhưng lòng tham lam, tính toán vẫn còn đó. Ngày xưa, chúng ta bon chen, thủ lợi, giành giật ngũ dục ra sao, thì bây giờ ta cũng tính toán để tóm cho bằng được cái Niết bàn, hay quả Phật hệt như vậy.

Thế nên, nếu đức Phật đưa ra một đường lối, một phương pháp để đạt Niết bàn thì chúng ta sẽ chịu lắm! Ta sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả ... để giật cho được cái Niết bàn lè lẹ kẻo ... thiên hạ phỏng tay trên.

Vì thế, câu trả lời của đức Từ Phụ đã làm cho chúng ta chưng hửng và thất vọng biết là bao! Hỏi làm cách nào để được giải thoát, Ngài lại bảo:
"Hãy lo độ sinh đi thì tức khắc tâm con được an".
Tâm an tức là giải thoát.


NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 19 Jan 2013, 2:12 AM | Message # 5
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
hailove Date: Thứ Tư, 23 Jan 2013, 10:19 AM | Message # 6
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
Truyện 4: Tôn Giả Hoàn Mỹ
Khất thực tỳ kheo, thầy có hay…

Trong khi trú tại Ôn Tuyền tinh xá (Tapoda), gần thành Vương Xá (Rājagaha), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Tôn giả Hoàn Mỹ (Samidhi).

Một lần, Tôn giả Hoàn Mỹ suốt đêm an trú trong thiền định. Rồi vào lúc bình minh, thầy xuống sông tắm rửa, sau đó quấn nội y, cầm thượng y trên tay và đứng phơi thân cho khô. Khi thầy đứng như vậy, toàn thân thể rực lên như vàng. Thầy giống như một bức tượng bằng vàng được tạc bởi một tay thợ thiện xảo, sự hoàn thiện của vẽ đẹp. Đó là lý do tại sao thầy được gọi là Hoàn Mỹ.

Một thiên nữ nhìn thấy vẽ đẹp khác thường của Tôn giả đã sanh lòng say đắm, và đã hỏi thầy như thế này:

– Này Tỳ-kheo, Thầy còn trẻ và đầy nhựa sống, chỉ là một thanh niên với mái tóc còn xanh. Chao ôi! thầy có tuổi xuân, thầy đáng yêu và khả ái trong mắt mọi người. Tại sao một người như thầy lại xuất gia mà không hưởng thụ khoái lạc cuộc đời? Trước tiên thầy nên thọ hưởng lạc thú cuộc đời, rồi sau xuất gia và thực hành hạnh Sa môn!

Nghe vậy, Tôn giả trả lời:

– Này Thiên nữ, đến một lúc nào đó ta phải chết, và lúc nào chết ta không biết; thời gian đó đối với ta bị che kín. Do đó trong sự sung mãn của tuổi xuân, ta nguyện sống đời xuất gia, mong được chấm dứt khổ đau.

Thiên nữ xét thấy không cám dỗ được Tôn giả, liền vội biến mất. Tôn giả đi đến bạch với đức Thế Tôn về việc đó. Nghe thế đức Thế Tôn nói:

– Này Hoàn Mỹ, không phải chỉ mình thầy bây giờ bị Thiên nữ cám dỗ thôi đâu. Vào đời trước, những người xuất gia cũng đã bị thiên nữ cám dỗ.

Và theo lời thỉnh cầu của thầy, đức Thế Tôn kể lại một câu chuyện đời quá khứ.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vị vua trị vì Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn sống tại một ngôi làng ở Ca-thi (Kāsi). Đến tuổi trưởng thành, sau khi hoàn thiện tất cả việc học của mình, Bồ-tát đã xuất gia làm ẩn sĩ, sống trong rặng Tuyết Sơn (Himalaya), cận bên một hồ nước tự nhiên, tu tập Thiền định và Thần thông.

Bồ-tát suốt đêm an trú trong thiền định, và vào lúc mình minh, Ngài tắm rửa, mặc một chiếc y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay, Ngài đứng lên phơi thân cho khô. Vào lúc đó, một thiên nữ nhận thấy vẽ đẹp hoàn thiện của Ngài đã sanh lòng say đắm. Cám dỗ Ngài, cô nàng đọc lên bài kệ đâu tiên:

Khất thực Sa môn, thầy có hay

Những lạc thú gì giữa đời nay ?

Đây chính là lúc, không lúc khác

Trước hãy hưởng lạc, tu sau này!

Bồ-tát lắng nghe lời của thiên nữ, và sau đó trả lời, bày tỏ chí nguyện của mình bằng cách đọc lên bài kệ thứ hai:

Giờ phút mạng chúng tôi không hay

Thời gian giấu che không hiển bày

Giờ là đúng lúc, không lúc khác:

Xuất gia khất thực, chính lúc này.

Khi nghe Bồ-tát nói vậy, Thiên nữ lập tức biến mất.

* * *

Sau pháp ngữ này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

Thiên nữ là người như vậy trong cả hai câu chuyện, còn ta chính là ẩn sĩ.


NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT

Message edited by hailove - Thứ Tư, 23 Jan 2013, 10:24 AM
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 27 Jan 2013, 12:31 PM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » những truyện phật giáo hay
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO