Thứ Ba
23 Apr 2024
3:51 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » CƯ-SĨ THIỀU CHỬU (Thái Doãn Hiểu)
CƯ-SĨ THIỀU CHỬU
atoanmt Date: Thứ Sáu, 16 Jan 2015, 8:49 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
CƯ-SĨ THIỀU CHỬU


Thái Doãn Hiểu



Thiều Chửu (1902-1954)


Thiều Chửu là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ. học giả Việt Nam, tác giả Hán Việt tự điển và nhiều bộ sách về Phật Giáo nổi tiếng khác.



Ông từng được mời tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Kha, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Hữu Cầu, quen gọi là cụ cử Đông Tác, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục nên bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Cụ nội của ông là ông nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý.

Ông kể về tuổi thơ của mình:

"Nhà nghèo quá, chị em tôi 7-8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa.
Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng".


16 tuổi, Hữu Kha một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí đi ăn xin. Hai năm trời cực nhục ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật.

Cuối năm 1920, cụ Cử Cầu ra tù, ông về giúp cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở. Ông học được nghề thuốc Nam và trở thành vị lương y suốt đời chữa bệnh cứu người không lấy tiền.

Ông lấy hiệu Tịnh Liễu (Tịnh: trong sạch, Liễu: hiểu biết), bắt đầu tự học đạo Phật và ngoại ngữ. Được bà nội và bác ruột dạy chữ Hán, cùng đức tính kiên trì tự học, dần dà ông đã am hiểu chữ Hán, Nho giáo và Phật giáo, lại thông thạo các tiếng Anh, Pháp, Nhật.

Bén duyên với Phật giáo, ông lấy hiệu là Thiều Chửu, có nghĩa là cái chổi quét bụi, thể hiện rõ tâm nguyện của mình là "cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình".

Ngoài ra,
"hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm,
đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp".

Ông không trở thành tu sĩ mà chỉ là một cư sĩ, tu tại gia.

Khi bà chị ruột túng bấn, ông thôi việc hiệu thuốc để giúp chị mưu sinh bằng nghề cho thuê đòn tang. 28 tuổi, ông giúp cậu em họ kiếm sống bằng cách cùng mua một máy in dập chân, thuê nhà số 36 phố Sinh Từ mở hiệu sách Hoà Ký (lấy tên từ phương châm Lục Hoà của Phật).

Đi sâu nghiên cứu Phật giáo, năm 1932-1933 ông cho ra đời bản dịch "Khóa hư lục", "bộ kinh cứu khổ cho đời" mà theo ông tác giả là vua Trần Nhân Tông, vị tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (theo Đào Duy Anh thì tác giả là vua Trần Thái Tông).

Thiều Chửu góp công lớn trong sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934), nhưng khi Hội mời vào Ban Trị sự thì ông lại do dự vì thấy Ban này có mấy vị quan cai trị. Sau cùng ông nhận lời với ý nghĩ có thể lợi dụng Hội này để thực hành cái chí đánh đổ chế độ thối nát của nhà chùa thời đó

Sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1934 và ra báo Đuốc tuệ, Thiều Chửu nhận lời làm quản lý và biên tập cho tờ báo.
Ông cũng tham gia thành lập Hội truyền bá quốc ngữ vào năm 1938 để nâng cao dân trí.
Năm 1936, ông cùng bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyển) đồng sáng lập Hội Tế Sinh và làm Tổng Thư ký Hội. Ngay năm sau Hội lao vào cứu giúp nạn nhân trận lụt Đinh Sửu. Ông kể:

"Chính vì chung một chí nguyện chịu khổ sở nhọc nhằn để giúp đỡ đồng bào, cả đời không ăn ngon mặc đẹp, không ai có gia đình riêng, nên chúng tôi được nhiều người tin lắm. Rất nghèo mà tiền bao nhiêu cũng có".

Năm 1937, lụt tràn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngoài việc góp sức cho cơ quan cứu tế, ông cùng bà Cả Mọc còn vận động đi lấy tiền lấy áo; rồi cùng ông Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng hàng ngày đem thuốc, tiền, quần áo đi tới từng nhà nạn nhân giúp cho đến khi họ sống được.

Những yếu nhân của Hội đã đi cứu tế ba tháng liên tục cho đến lúc lúa chín.
Năm 1941, khi trường Phật học Phổ Quang được mở, ông đảm nhận việc dạy chữ Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ mà nhiều học viên sau này trở thành các bậc tu hành có uy tín như Hòa thượng Thích Tâm Tịch, đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong chính phủ Lâm thời, nhưng ông từ chối để tiếp tục việc giảng dạy cho các lớp Phật giáo, cùng Cô nhi, để theo con đường tu trì lợi tha mà mình đã chọn.

Năm 1946 ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách. Ông ba cùng với học sinh vượt qua vô vàn gian khổ duy trì đến cùng trường vừa học vừa làm.

Khi đội Cải cách ruộng đất về địa phương, thấy trường làm ăn nên nổi, quy ông là địa chủ, vu cáo ông dùng Phật giáo để mê hoặc quần chúng, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam mà cảm thấy mình bất lực,

Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ 1954, tức cuối ngày giỗ cha, ông ra thác Huống trên sông Cầu tại xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm lễ Tam Bảo và Thiên địa rồi gieo mình xuống sông.

Trước khi mất, Thiều Chửu thức trắng đêm viết thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ Tịch, thư dặn dò các học trò mình phấn đấu theo Kháng chiến chống Pháp đến cùng, và viết lời kết bản Tự Bạch (cũng gửi Hồ Chủ Tịch) như sau:

"Cái án “mạc tu hữu” (tức vu cáo, ông viết chữ Nho) mà ông Nhạc Phi phải chịu đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa".

Cái chết “Thiên cổ kỳ oan” của ông đã gây ra nỗi chấn động và tiếc thương vô hạn trong dân chúng địa phương và giới Phật Tử cả nước.
Ni sư Thích Đàm Ánh, một học trò của Thiều Chửu kể Thiều Chửu có dặn đừng vớt xác ông, nhưng các hậu duệ và học trò không ai nỡ làm thế. Sau hòa bình lập lại, họ trân trọng rước hài cốt ông về Hà Nội mai táng. Hiện nay mộ ông đặt tại nghĩa trang Thanh Tước, số mộ 170-C3.

Trước tác:

Thiều Chửu để lại 93 tác phẩm viết và dịch. Ngoài bộ Hán Việt tự điển có giá trị vượt thời gian, ông còn dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư.

Các sách dịch khác của ông có thể kể: Vì sao tôi tin Phật giáo, Phật học cương yếu, Tây du ký...

Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (NXB Lá Bối, 1985) đã đánh giá:
"các bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng", nhất là văn trong Khóa Hư "là văn biền ngẫu rất khó dịch".

Ông cũng viết các sách về Phật học như Sự tích Phật tổ diễn ca, Nhòm qua cửa Phật, Cải tà quy chính, Khóa tụng hàng ngày, Con đường Phật học thế kỷ 20.

Năm 1943, ông soạn cuốn “Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính”, chủ yếu dùng triết lý Phật học để giải thích.
Ông coi tập thơ Nôm khuyết danh đó là kinh Phật chứ không chỉ là một tác phẩm văn chương.Tác phẩm cuối cùng của ông là “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX” xuất bản năm 1952 thể hiện quan điểm của một Phật Tử chân chính, tiên tiến, yêu nước, kiên quyết vạch mặt một số tăng sĩ mưu mô thần bí hóa đạo Phật.

Nhà văn Nguyên Ngọc viết về Thiều Chửu:

"Ngày nay nhìn lại, thật đáng kinh ngạc về tư tưởng sâu sắc và mạnh mẽ của ông về nhân dân. Đó là một tư tưởng xã hội có tầm cao rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm... Tính thời sự vẫn còn nguyên".

Học giả Vũ Khiêu đánh giá Thiều Chửu là một con người chân chính, một nhà trí thức lớn của dân tộc, và kính tặng đôi câu đối :
"Nửa kiếp trầm luân, bác cổ thông kim, lòng bốn bể;
Trăm năm phù thế, cứu dân báo quốc, phép muôn đời".


Học giả Vũ Tuấn Sán nhìn nhận Thiều Chửu:
"là một hiện tượng khá đặc biệt trong giới trí thức ở thế kỷ XX, một người sống cuộc đời thanh cao, hoàn toàn vì lý tưởng".


---o0o---

Trích:
Chuyện Bây Giờ Mới Kể
của Thái Doãn Hiểu


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 16 Jan 2015, 9:00 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Năm 2003 Ông Đặng Thế Kiệt ở Pháp, đã cùng 1 số những người trí-thức khác biên soạn Bộ Tự Điển của Thiều Chửu thành Bộ Tự Điển cho Vi Tính, sau đó đã có rất nhiều người đóng góp thêm vào công-trình này. Tôi đã dùng bộ Tự Điển này ngay từ lúc nó mới được viết ra cho đến nay. Xin giới thiệu đến các bạn .
Các bạn có thể vào đường dẫn dưới đây để xem Tự Điển trực tuyến :
http://hanviet.org/


Trân trọng
Atoanmt

LỜI NGỎ CỦA HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN VI TÍNH


Chúng tôi thực hiện bộ "Hán Việt tự điển" Thiều Chửu dưới dạng "điện tử" với mục tiêu cống hiến cho các học sinh, những nhà nghiên cứu, … một phương tiện thích hợp với kỹ thuật ngày nay để học hỏi, tìm hiểu chữ Hán Việt.

Chọn "Hán Việt tự điển" của Thiều Chửu, vì bộ sách này được coi là tiêu chuẩn về Hán Việt cho nhiều thế hệ người Việt Nam từ hơn 60 năm qua.

Hai ưu điểm chính của tự điển điện tử so với dạng sách in là:
Nét chữ rõ ràng
Tra tìm nhanh chóng.
Khi chuyển bộ sách của Thiều Chửu sang dạng điện tử, chúng tôi hết sức tôn trọng nguyên tác.

Tuy nhiên, chúng tôi đã mạo muội thay đổi chút ít, như sau:
Thay đổi cách trình bày để thích ứng với dạng điện tử,
Sửa chữa một số sai sót tìm ra dựa theo các tài liệu tham khảo có giá trị hoặc ý kiến của bậc thức giả có uy tín, trên nguyên tắc sau :

Nếu chắc chắn có sai sót thì mới sửa, nếu không cứ giữ nguyên để tồn nghi,

Thiều Chửu dùng nhiều chữ cổ hơi khó hiểu cho độc giả ngày nay, chúng tôi giữ nguyên, nhưng đôi khi thêm vào định nghĩa vài chữ với mục tiêu duy nhất là giúp người dùng dễ dàng lãnh hội ý nghĩa của mỗi hán tự,

Đánh số các định nghĩa một cách chính xác hơn,
Trong nhiều trường hợp, nếu không bắt buộc phải biến đổi câu văn quá nhiều, cố gắng phân biệt chữ Việt dịch từ chữ Hán với phần giải thích chi tiết, điều này giúp cho các định nghĩa khỏi quá nặng nề,

Thêm những thí dụ hoặc bổ túc những thí dụ có sẵn, ghi thêm xuất xứ, tên tác giả nếu tìm được, để làm sáng tỏ các định nghĩa,
Nỗ lực chua thêm chữ Hán cho một số từ quan trọng trong các định nghĩa.

Trong phần Phụ lục [1], chúng tôi xin đưa ra chi tiết những thay đổi tiêu biểu trình bày ở trên.

Vì sự hiểu biết non nớt hoặc vì thì giờ eo hẹp, nhiều sai sót không thể nào tránh khỏi, kính xin những bậc trưởng thượng vui lòng chỉ dẫn, để sửa chữa cho hoàn hảo hơn trong những phiên bản tới.

Ðặng Thế Kiệt
Paris, 10-jan-2003


Dưới đây là danh sách đồng Tác-Giả:

Ðặng Thế Kiệt, Paris, Pháp Quốc.
(dangthekiet2002@yahoo.fr)

Lê Văn Ðặng, Seattle, WA, Hoa Kỳ.
(dle1234000@aol.com)

Nguyễn Hữu Vinh, Hsin-Chu, Ðài Loan.
(yurong@itri.org.tw)

Nguyễn Doãn Vượng, San Jose, CA, Hoa Kỳ.
(levan@hotmail.com)

Ðây là một công trình tập thể, đã được nhiều người Việt các nơi hỗ trợ về tinh thần và công sức. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ.

Âu Ðịch Xương, Úc
http://www.viethoc.org

Alexandre Lê, Pháp
Viet Gutenberg, Gia Nã Ðại

Ðỗ Quốc Bảo, Ðức

Lê Trung Chính, Nhật Bản

Ngọc Yến & Dương, Hoa Kỳ

Nguyễn Minh Châu & Hoàng Yến, Pháp

Nguyễn Vũ Văn, Hoa Kỳ

Todd David Rudick, Hoa Kỳ

T.R. Lavigne, Pháp
hanviet@yahoogroups.com

Siliconband@yahoogroups.com

Và nhiều người khác nữa ...

Ðặng Thế Kiệt
Paris, 21-jan-2003


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 16 Jan 2015, 9:04 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
THIỀU CHỬU


Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, pháp danh Thiều Chửu, tên tự là Lạc Khổ, sinh năm Nhâm Dần (1902), tại làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời, thân sinh là cụ Cử Cầu, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông là người con thứ hai trong bốn anh em: 3 trai, 1 gái.

Từ thuở bé, ông đã được sống với bà Nội, vốn là một cô Tú văn hay chữ giỏi ở đất Hà Nội và lại là người Phật tử mộ đạo thuần thành. Do đó, ông đã tiếp cận được nếp sống đạo hạnh, tập ăn chay từ năm lên 8 tuổi, và cũng nhờ bà Nội chỉ dạy cận kẽ về Nho học, nên ông đã sớm tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Được thừa hưởng vốn liếng căn bản quan trọng ấy, Khi vào độ tuổi thiếu niên ông được học chữ Quốc ngữ, đồng thời tự nghiên cứu thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa và Nhật. Nhờ thiên tư sẵn có, ông dễ dàng bước vào lãnh vực nghiên cứu giáo lý Phật Đà, và thấm nhuần sâu sắc, nhanh chóng.

Năm Tân Dậu (1921), lúc ông 20 tuổi, đã bắt đầu dạy Nho học giúp cho Tăng đồ quanh vùng, nên có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm trong việc nghiên cứu giáo lý. Từ đó, nhận thấy mình có túc duyên với Phật pháp, và với khả năng tri thức của mình, ông sẵn sàng hộ pháp. Bằng tâm nguyện và tư thế một cư sĩ, ông đảm nhận phụ giảng cho Tăng Ni và công tác từ thiện xã hội.

Tâm nguyện cao đẹp đó, được ông thể hiện qua nếp sống giản dị, đạm bạc. Ông bắt đầu trường chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa; y phục đơn giản như những người chân quê. Ông rất quí thời giờ nên công việc được phân chia thời khóa rành mạch, phần lớn là dịch kinh, viết sách, tu học và dành rất nhiều thời giờ để gần gũi và chăm sóc các trẻ em mồ côi.

Để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc góp phần tuyên dương Phật pháp. Ban đầu, ông lập nhà bán sách lấy hiệu là Hòa Ký ở Phố Khâm Thiên, Hà Nội. Khi phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ được khởi xướng, ông cùng các đạo hữu cư sĩ cùng thời như Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc v.v...là những nhà trí thức tiên tiến, được chư vị Tăng giới như Ngài Trí Hải, Tố Liên mời đồng đứng ra thành lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo vào năm Giáp Tuất (1934). Hội ban đầu do Hòa thượng Thích Thanh Hạnh làm Thiền Gia Pháp Chủ.

Năm Ất Hợi (1935), hoạt động nổi bật nhất của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ là việc cho ra đời tạp chí Đuốc Tuệ. Trong đó ông là một cây bút đắc lực và bền bỉ nhất, phát huy được vai trò Phật học trên từng trang báo, góp phần cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Báo Đuốc Tuệ do ông quản lý trực tiếp, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.

Có thể nói, thời gian Đuốc Tuệ tồn tại trên văn đàn là do ông điều hành, đã nêu bật tính tích cực và tầm vóc của một tạp chí Phật giáo lớn thời bấy giờ nơi đất Bắc. Song song với công việc báo chí, ông còn là tác giả của bộ Hán Việt Tự điển, đương thời đã được sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dục và việc từ thiện xã hội, Hòa thượng Trí Hải đã ủy thác cho ông lập trường Phổ Quang và nghĩa trang Tế Độ, cả hai cơ sở này đặt tại ngoại thành Hà Nội. ông tận tình trông nom và ra sức dạy học. Lớp học có các Tăng Ni theo học, ngoài việc dạy chương trình thế học, Nho học, ông còn kèm giảng dạy Phật học cho Tăng Ni. Từ những lớp Phật học đầu tiên,có những vị đã trở thành danh Tăng sau này như Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thanh Kiểm..., bên Ni như sư Đàm Tuệ, ni sư Đàm Ánh...

Năm 1945, nạn đói xảy ra ở miền Bắc. Thể hiện lòng từ bi, ông cùng với các Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải đứng ra thành lập Tổng hội Cứu tế, đặt tại chùa Quán Sứ để giúp những người đói khổ, và dựng nên một Cô nhi viện, nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi. Cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ, các Phật sự phải đình chỉ và số phận các cô nhi bấp bênh. Một nửa các em được đưa về chùa Mai Xá tự túc sinh sống. Một nửa còn lại, ông mang theo lên Phúc Yên làm thủ công và trồng khoai sắn vừa sinh sống vừa học tập.

Thời gian ông nhận công tác từ thiện dạy dỗ chăm lo các trẻ cô nhi, cũng là nhân duyên ông dịch kinh và sáng tác nhiều bài hát để dạy các em Cô nhi và truyền bá cho dân chúng như: Tấm lòng vị tha, Người chân tu, Lấp biển trầm luân, Khuyên tu... và một số bài có nội dung giáo dục thiếu nhi như: Đánh đu... ước tính có đến 15 bài Phật Ca do ông sáng tác lưu truyền lúc bấy giờ.

Năm Mậu Tý 1948, ông còn mở thêm lớp học bình dân cho người nghèo ở Cao Phong - Phú Yên, quy tụ trên 100 học viên đến học thường xuyên, ông hướng dẫn các em mồ côi lớp trước chăm nom trở lại người lớp học sau.

Năm Kỷ Sửu 1949, chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt, dân chúng phải sơ tán khắp nơi. Ông phải đưa lớp học đi sơ tán qua những vùng khác nhau như: Đan Thâm, Đồng Quan, Sơn Tây, Phúc Yên, Thái Nguyên ... rất vất vả khó khăn, có khi chỉ ăn toàn cháo sắn (khoai mì) suốt tháng. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, đi đến đâu ông cũng cùng học trò xây dựng trường học, cất nhà cho người nghèo và kiên định giữ đúng thời khóa của bản thân. Vẫn ăn ngày một bữa, đêm thức dịch kinh, chỉ ngủ 3 giờ đồng hồ, 2 giờ sáng thức dậy ngồi thiền, trì chú, rồi tập thể dục, uống trà và đôi phút ngâm thơ... Ông nghiêm khắc với bản thân cho nên với đồ chúng ông cũng tạo được nghiêm minh triệt để, kỷ luật gắt gao khi có sai phạm. Riêng đối với Tăng Ni, tuy là học trò của ông, nhưng ông luôn kính lễ, sách tấn họ tu học và tận tâm chỉ dạy sở học của mình cho họ.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc tiến hành phong trào cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản địa chủ. Nhận thấy những đau khổ của không ít nông dân bị hàm oan, ông rất đau buồn, cộng vào sự kiện có lời vu cáo ông về mặt uy tín, và thuộc tầng lớp trí thức tư sản.

Để chứng minh cho sự trong sáng và thanh bạch của mình, ông đã viết bốn tâm thư, ba bức gởi cho chính quyền trình bày nổi lòng của ông với ý kiến đóng góp những điều nên làm và nên tránh để lợi nước ích dân. Một bức thư còn lại, ông gởi cho các học trò của mình, dặn dò cố gắng tu hành, tu tập để giáo hóa đời mà đừng để bị đời hóa.

Ngày 15.7.1954 tức ngày 16.6 năm Giáp Ngọ, sau khi từ biệt học trò, lễ tạ bốn phương, ông đã kết thúc đời mình tại sông Đuống, thuộc Đồng Mỹ - Thái Nguyên, để cúng dường Tam Bảo tấm lòng trong sáng thanh tịnh của mình, và để giữ toàn khí tiết trong nhà Nho, một người yêu nước chân chính, một cư sĩ hoàn thành nhiệm vụ giáo hóa cho đạo và đời. Ông mất năm 52 tuổi với 30 năm công quả cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp.

Trích đoạn từ: "Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam".

Ðặng Thế Kiệt


AToanMT
 
kathy Date: Chủ Nhật, 18 Jan 2015, 7:42 AM | Message # 4
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » CƯ-SĨ THIỀU CHỬU (Thái Doãn Hiểu)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO