Thứ Hai
29 Apr 2024
8:28 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » RẠP CHIẾU PHIM SAIGON (TRƯỚC 1975)
RẠP CHIẾU PHIM SAIGON
atoanmt Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:31 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
NGÀY XUÂN VÒNG QUANH CÁC RẠP CINÉ SÀIGÒN NGÀY XƯA

Nguyên Trần




Nhắc đến các thú vui của dân tộc ta trong 3 ngày Tết mà không có mục xem ciné thì quả là một điều thiếu sót giống như cầu thủ bóng tròn ra sân cỏ mà trái banh… bị bà xã ôm ở nhà vậy đó. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tiền lì- sì Tết được bao nhiêu là tôi cúng hết cho mấy ông chủ rạp hát bóng và mấy cha bầu cua cá cọp ráo trơn. Thú thật là tôi mê ciné từ lâu lắm rồi, khoảng một ngàn chín trăm…hồi đó. Mấy công thức toán học, vật lý thì tôi ù ù cạc cạc chứ còn phim ảnh thì tôi rành 6 câu. Phim gì? Hãng nào? Ai đóng? Ai đạo diễn sản xuất? là tôi thuộc vanh vách. Thậm chí đến cả ngày giờ sanh của tài tử điện ảnh tôi cũng nằm lòng luôn mặc dù đôi lúc tôi quên sinh nhật của ba má tôi và của cả …chính tôi nữa.

Mấy tấm vách ở nhà tôi dán đầy những posters của Gary Cooper, John Wayne, Burt Lancaster, Robert Mitchum, Kirk Douglas…, Ava Gardner, Yvonne de Carlo, Susan Hayward, Jane Russell, Rita Hayworth…
Thỉnh thoảng tôi “dợt le” với đám con nít lối xóm:
- Liz Taylor mới ly dị với Mike Todd.
- Nathalie Wood vừa làm đám cưới với Robert Wagner
- Tuần rồi, James Dean bị tử nạn xe hơi.
- Phim Quo Vadis tổn phí tới 5 triệu mỹ kim

Nghe tôi thuyết trình, tụi nhỏ chỉ có há mồm trố mắt thán phục. Tụi nó cứ tưởng như tôi vừa đi Mỹ…tho mới về. (mà thực sự tôi là người Mỹ…tho chứ bộ)
Dần dà, tôi được coi như là kim chỉ nam “hát bóng” của cả xóm. Hể có tranh cải nhau về điện ảnh là mọi người kéo đến gặp tôi để nhờ phân xử. Lẽ dĩ nhiên tôi tuyên bố vung vít (nghề của chàng mà lị), còn nếu có chỗ nào bí, tôi tự động phịa luôn thì cũng chẳng chết thằng Tây nào và cũng chẳng ma nào mà biết được. Tụi nhỏ có lúc mượn tên tôi để bảo đảm cho câu chuyện của chúng:
“Anh Lộc, anh ấy nói dzậy đó”.

Giá mà có cuộc thi kiến thức điện ảnh lúc bấy giờ thì…
“chưa chắc thằng này hơn thằng nào đó nghe”.

\

y chết, từ nãy giờ tôi đã đi lạc đề hơi xa, xin mời các bạn trở lại câu chuyện đầu năm rạp hát. Hôm nay nhân ngày Xuân nơi xứ lạnh quê người, chúng ta hồi tưởng lại “nước thanh bình 30 năm cũ” vào khoảng thập niên 5, 60, lúc mà lũ con cháu Hồ tặc chưa lê “đôi dép râu dẩm nát đời son trẻ” vào thủ đô Saigon để chúng ta cùng du xuân một vòng quanh các rạp của hòn ngọc Viễn Đông. Cũng xin thưa trước cùng các bạn là những sự việc được ghi ra đây theo trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của tôi nên nếu có gì sai sót thì xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!
Saigon thân yêu của chúng ta lúc bấy giờ có 2 hệ thống rạp trình chiếu khác nhau.
1- Rạp thường lệ: có giờ xuất hẳn hoi giống như các rạp ở Canada.
2- Rạp thường trực: chiếu liên tu bất tận, ai vô ra bất cứ lúc nào cũng được
Rạp thường trực có cái dở là có khi ta vừa vào rạp thì thấy thằng kép chính bị bắn gục rồi một lúc sau lại thấy nó hung hăng đấm đá tưng bừng thì thật là mất sướng. Nhưng nó có ưu điểm là khán giả không phải sắp hàng chờ đợi giờ, xuất lôi thôi.



Để bắt đầu cho chuyến du xuân tưởng tượng, mời các bạn đi từ Chợ Lớn trước nhé.
Rạp hát đầu tiên chúng ta ghé thăm là rạp Hồng Liên ở đường Minh Phụng (dưới dốc cầu Bình Tiên). Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt và đặc biệt là con nít ở đâu mà tàu chở hổng hết. Lớp khóc đòi bú, lớp khóc vì nóng nực, lại có đám la hét cười giởn om sòm khiến ta có cảm tưởng đi lạc vào nhà trẻ. Thôi thì phải “dĩ đào vi thượng” để tới rạp Victory Lê Ngọc ở đường Tổng Đốc Phương (góc Nguyễn Trải). Rạp này cũng thường chiếu phim Tàu (ngay trung tâm China town mà lị) nhưng được cái tương đối sạch sẽ và có chút trật tự.
Quẹo xuống đường Đồng Khánh về hướng Saigon có một lô rạp Lido, Oscar, Hào Huê cũng thuộc loại khá. Vì ở lằn ranh giới giữa Saigon Chợ Lớn nên những rạp này chiếu phim Tây Tàu lẫn lộn.
Rẽ qua Xóm Củi có rạp Huỳnh Long thuộc loại bình dân học vụ. Tuy nhiên tôi thích nhất cái màn xe ngựa uýnh trống tùng xình quảng cáo, 2 bên thành xe gắn 2 tấm paneau bành ky vẽ những cảnh action của phim đang trình chiếu. Xe chạy khắp phố phường, ngựa phi nhịp nhàng theo tiếng trống trong khi đám con nít rượt theo 2 bên xe hò hét vang trời để xin cho được tờ giò-ram (programme) đủ màu xanh đỏ trắng vàng.



Đến vùng chợ Thái Bình thì có 3 rạp:
- Quốc Thanh ở đường Nguyễn Trải, bên hông Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.
- Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh nên ai vào xem cũng cứ muốn “yêu nhau cởi áo cho nhau” hết.
- Trên đường Phạm Ngũ Lão cạnh chợ Thái Bình có rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự thì… giặc đến.
- Rẽ ra đường Trần hưng Đạo có rạp Đại Nam của ông Ưng Thi nổi tiếng sang trọng.

Vào coi rạp này thì nên ăn mặc cho đàng hoàng một chút. Chứ áo thun quần cụt, còn chơi thêm đôi dép Nhật lủng la lủng lẳng như “Phánh ký Hủ tiếu” thì người ta cười…cha mẹ mình.

Đầu đường Nguyễn Thái Học (ngã ba Phạm ngũ Lão) đỗ xuống tận Cầu Ông Lảnh là nơi tọa lạc 2 rạp:
Đình Tân Kiểng và Nam Tiến, dành cho những khán giả dể tính, sau này chỉ để cho các đoàn cải lương, hát bộ, hồ quảng.

Xuống ngay downtown Saigon có rạp Vĩnh Lợi ở đường Lê Lợi gần bệnh viện đô thành. Vào xem phim ở đây có cái tiện lợi là nếu “thả dê” bậy bạ lỡ bị ăn guốc “phun máu đầu” thì chỉ cần mấy bước là tới nhà thương ngay. Rạp thuộc loại trung bình.
Coi phim xong rồi tạt vô quán Thanh Bạch đá một dĩa cơm rang “bổn tiệm” hay một ổ bánh mì gà thì thiệt là mát trời ông địa.



Xích lại đường Nguyễn Huệ, các bạn sẽ thấy ngay rạp Rex, rạp hát đầu tiên có thang cuốn (escalator) cũng của ông Ưng Thi (Đại Nam). Đây là rạp de luxe nhất của thủ đô. Khán giả rất thanh lịch, ai lạng quạng thì ngài đô trưởng ở kế bên sẽ bước qua hỏi thăm sức khỏe liền. Giá vé mắc hơn các rạp khác nhưng money’s worth. Nghe tụi bạn nói trong ngày khai trương (chiếu phim Ben Hur với Charton Heston), có một người đẹp nọ đi thang cuốn lúc lên gần tới tầng lầu không hiểu quýnh quáng thế nào mà để cái thang “mắc dịch” nó cuốn luôn cái quần, chỉ còn độc cái quần lót nhỏ xíu. Thế là nhiều khán giả may mắn hôm đó được no con mắt với màn striptease 50%.

Tôi chắc kiếp trước vụng đường tu nên không có diểm phúc địa được hình ảnh “kêu gọi” này. Mà thèm thì nói vậy chứ nếu tôi có mặt ở đó trong giờ phút nghiêm trọng như vậy thì chắc bị tẩu hỏa nhập ma đến chết mất thôi.



Đối điện rạp Rex là rạp Eden mà cho tới bây giờ nhắc đến là tôi vẫn còn “Ô Mê ly đời ta”. Số là trên lầu 3 của rạp này có chia từng ô riêng rẻ, rất ư là riêng biệt kín đáo để “bàn tay đưa anh vào cuộc đời” và “bú mồm” thả giàn. (danh từ bú mồm là do các đồng chí ta sáng tạo) Kế tiếp, ta đi trên con đường Tự Do xuống tận bến Bạch Đằng để vào xem phim ở rạp Majestic mà tây đầm coi cũng rất nhiều.
Tưởng cũng nói thêm là hầu hết các phim chiếu tại Saigon lúc bấy giờ đều nói tiếng Pháp hoặc chuyển âm tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ. Phim nói tiếng Anh thì chỉ Xuân Thu nhị kỳ. Có lẽ các hảng phim nghĩ rằng Việt Nam là cựu thuộc địa của Pháp nên cứ phạng cho cái Francophonie là tiện việc sổ sách. Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và nóng nực lắm. Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn văn Sâm, (góc Hàm Nghi) tương đối còn mới và chiếu phim cũng “xịn” lắm.
Băng qua đường Pasteur gần ngã tư Lê Lợi có rạp Casino Saigon thuộc loại trung bình. Tuy nhiên sau khi xem phim xong, dẫn đào tấp qua bên kia đường làm một dĩa bò bía đính kèm ly nước mía Viễn Đông thì cũng có điểm với em lắm chứ bộ. Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ.

Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.



Nếu muốn thưởng thức văn hóa cari, mời bạn bước chân tới rạp Long Phụng ở đường Gia Long, nơi chuyên chiếu phim của hậu duệ ông Gandhi như Công Chúa Thủy Tề, Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ với các than hầm minh tinh: Ganeshan, Savitri…

Để xem nữ sinh Saigon hấp dẫn cở nào, mời các bạn đến rạp Lê Lợi đường Lê thánh Tôn. Ở đó bạn sẽ thấy rất nhiều nữ sinh với chiếc áo dài hoa xuân thướt tha, thân liễu dịu dàng trông bắt con mắt lắm. Chính vì thế mà dê thả vào rạp đông nghẹt đến đổi không còn chỗ ngồi. Tội nghiệp nhiều em đứng xem phim mà bỗng cảm thấy như có ai cầm ổ bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn kê sát phía sau mình thì đích thị là nó đó! Các cô phải di tản đi chỗ khác gấp gấp chứ không thì bị ô nhiểm môi trường rán chịu à.

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của VC, ủa lộn, của rệp.
Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào restaurant, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

Đi dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (ngay ngã ba Trần quý Cáp) cũng thuộc loại khá. Vào đầu thập niên 70, rạp được tân trang và đổi tên là Thăng Long. Tôi còn nhớ (vì chính tôi đi coi chứ ai) phim cuối cùng được chiếu trước khi bọn cướp ngày từ rừng rú về thành là phim “The French Connection” do tài tử Michael Caines đóng vai chính.

Gần cuối đường Cao Thắng (ngã tư Phan thanh Giản xéo chợ 20), có rạp Đại Đồng Saigon rất ư là bình dân, chiếu toàn phim cũ, giá vé chỉ bằng giá một tô phở xe lửa. Nhưng được cái xe bò viên ngay ngay trước rạp thì tuyệt cú mèo.

Quẹo qua đường Phan thanh Giản về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Đô Thành, chung cư Minh Mạng…

Phía bên kia ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung (Vườn Lài) mà khán giả vào xem có cái “thú đau thương” là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.
Chiều mồng một Tết, ta kéo vài người bạn cùng tới đường Hồng Thập Tự (ngang tiệm bàn ghế Phan văn Nhị) để đón xuân bằng tô cháo vịt nóng hổi thơm lừng hành hương nước mắm gừng đậm đà rồi đưa cay một ly nước mắt quê hương.

Sau đó ta băng qua đường vô rạp Olympic xem phim “Le mirage de la vie” do Sandra Dee đóng thì thấy đời còn dễ thương lắm chứ. Rạp Olympic sau đó được đoàn Kim Chung từ Aristo, đường Lê Lai, tới bao rạp làm sân khấu thường trực.

Rời đường Hồng Thập Tự, bạn thừa thắng xông lên tới rạp Kinh Đô đường Lê văn Duyệt (ngã ba Huyền Trân công chúa) ngang Tổng Liên Đoàn Lao Công của bố già Trần quốc Bửu.

Có lẽ mang tên là Kinh Đô nên rạp rất sạch sẽ thanh lịch. Tiếc là rạp chỉ hoạt động có 4, 5 năm gì đó rồi đi chỗ khác chơi nhường địa điểm lại cho cơ quan USAID của Mỹ.

Bây giờ mời bạn đàng trước - bước - tới ngã tư Trần quý Cáp, Lê văn Duyệt để vào xem rạp Nam Quang (chợ Đủi) thuộc loại Bình dân học vụ. Cũng nằm trên đường Lê văn Duyệt, qua khỏi trung tâm nghỉ mát dài hạn Chí Hòa có rạp Thanh Vân, cũng đại loại như rạp Nam Quang. Có điều cần lưu ý các bạn là các rạp này có nhiều Bê-Đê lắm đó. Đang ngồi xem phim mà bạn bỗng “giác ngộ” là có bàn tay năm ngón của thằng ngồi bên cạnh vượt biên vào vùng cấm địa của bạn để bấm nốt nhạc thì chính nó đó. Nó định biểu diễn altosax đó. Bạn chỉ còn có đi chỗ khác xem cho khỏi ngất ngư con tàu đi.

Đi một chút tới đường Thoại Ngọc Hầu, rẽ vô chợ Ông Tạ bạn sẽ gặp ngay rạp Đại Lợi chiếu đủ thứ phim Âu Á. Sau ngày đứt phim 30-4, bọn VC xử dụng rạp Đại Lợi (cũng như nhiều cơ sở khác) làm nhà tù. Quẹo xuống đường Trương Minh Giảng có rạp Văn Lang không gì đặc biệt.



Và bây giờ mời bạn ghé vào Đakao để xem rạp Casino Đakao (ngã ba ba Hiền Vương - Đinh tiên Hoàng). Rạp này chung một chain với rạp Casino Saigon nhưng kém thanh lịch, sạch sẻ hơn. Tuy nhiên bạn có thể tự yên ủi bằng tô mì Cây Nhãn danh tiếng gần bên rạp. Đi trên đường Hai Bà Trưng qua khỏi Cầu Kiệu tới chợ Phú Nhuận bạn sẽ gặp rạp Văn Cầm Phú Nhuận chung một chủ với rạp Văn Cầm Chợ Quán (Nguyễn Biểu- Bến Hàm Tử) Theo tôi đây là rạp nhỏ nhất Saigon và giá vé rẽ nhất. Tiền nào của nấy đó các bạn ạ. Nếu không muốn vào xem rạp Văn Cầm thì mời bạn quay trở về Tân Định để tới rạp Kinh Thành bên hông chợ Tân Định. Rạp này rất xưa nên dưới mức trung bình trên mọi phương điện.
Cách đó không xa, trên đường Trần Quang Khải có rạp Văn Hoa. Đây là rạp mới nhất của thủ đô Saigon nên màn ảnh, âm thanh tuyệt hảo, ambiance lại rất khang trang lịch sự, chiếu toàn phim mới. Sau đó, ta cùng hướng về Gia Định qua đường Bạch Đằng (bên hông chợ Bà Chiểu) có rạp Cao đồng Hưng, còn đường Nguyễn văn Học (ngã tư Bình Hòa) có rạp Đại Đồng Gia Định. Cả hai rạp dưới xa mức trung bình, nạn đứt phim rất thường xãy ra. Có điều là cạnh rạp Đại Đồng có quán cơm tấm bì ăn cũng phê lắm.

Giờ thì bạn hãy đi dọc theo đường Lê quang Định (Gia Định) để đến trạm cuối của cuộc du xuân là rạp Lạc Xuân nằm trên đường Gia Long (cạnh chợ Gò Vấp). Rạp chiếu toàn phim cũ và cái projecteur chắc của Tây để lại nên phim cứ sọc rằn làm nhức mắt người xem.



Thưa các bạn, sau khi đi một vòng các rạp chiếu bóng Saigon, các bạn có thấy bồi hồi nhớ thương quê hương thân yêu của chúng ta hay không? Chắc hẳn là có vì không ai trong chúng ta không giữ trong tâm tư những hình ảnh, những kỉ niệm êm đềm của một thời hoa mộng. Có thể đó là một buổi tối đi bên người yêu giữa trời lất phất mưa dưới hàng me lá xanh rơi nhè nhẹ trên mái tóc em.

Hay có thể cũng là một ngày về thăm quê Ngoại, ăn bửa cơm tép kho canh rau dền trong mái tranh nghèo bàng bạc khói lam chiều, bên dòng sông nước lững lờ đẩy đưa đám lục bình tim tím trôi giạt đến một phương trời vô định.

Nhưng cảm động nhất có lẽ là chuyến tháp tùng đoàn học sinh ngày đầu xuân đi thăm tiền đồn Dakto, Ben-Het. Đến thăm để mà cảm thương cho cuộc đời chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa nơi rừng núi âm u, áo bạc màu chiến trận, thân dãi dầu phong sương, tay ghì chặt súng để sẳn sàng chiêán đấu. Tất cả đã bỏ lại thành phố những người thân yêu mòn mỏi đợi chờ, những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân.
Đối với lính, Xuân chỉ là:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền”
(Phiên Gác Đêm Xuân, Nguyễn văn Đông)


hoặc:
“Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, Anh đâu biết Xuân về hay chưa?”
(Đồn Vắng Chiều Xuân, - Trần Thiện Thanh)


hay chua xót hơn:
“Quà Xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ,
Đời lính chiến lấy gì về tặng em”
(Phút Giao Mùa, Trần Thiện Thanh)


Trở lại chuyện coi phim Tết, ta không thể không nói đến bói tuồng đầu năm, một tập tục rất thú vị của dân tộc. Này nhé! bạn đừng xem trước quảng cáo phim mà cứ đi thẳng tới một rạp nào đó rồi xem phim mà đoán vận mạng trong năm.

Nếu gặp phim cao bồi đấm đá chẳng hạn như Gunfight at the O.K.Corral thì bảo đảm trong năm có chuyện thượng cẳng tay hạ cẳng chân.

Còn nếu xem nhằm phim bài bạc như Casino thì quanh năm sẽ ngồi sòng hơi nhiều. Nếu coi trúng phim travel như “Around the world in 80 days” thì cứ chuẩn bị mà đi du lịch.

Nếu không đi Mỹ…tho thì cũng đi Tây… ninh hoặc Đức… hòa vậy,

Còn như ai mà lỡ coi phải phim cấm trẻ em như Nam Nữ Y Học Bửu Giám “thì cầm chắc là phải tới nhà thuốc Võ văn Vân mua một lô ‘Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” nếu là quý ông, còn quý Bà thì sao? Mắc cở gì mà hổng chịu xài “Dưỡng thai nhành mai” cho fetus nó được nhờ.

Cũng trong mục bói tuồng đầu năm, có một điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc là hồi Tết Ất Mão (1975), không hiểu có rạp nào chiếu phim “Chúng tôi muốn sống” (Lê Quỳnh, Mai Trâm, Thu Trang…)

hay “Ánh sáng miền Nam (Lê Quỳnh, Khánh Ngọc) hay không và đa số đồng bào ta có xem không mà suốt năm phe ta ùn ùn xuống tàu, xuống ghe, xuống bè, xuống cả cần xé để vượt biên quá chừng chừng.

Dĩ nhiên trong số những người “chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa” có cả bần bút nên mới có được ngày hôm nay ngồi viết lếu láo góp vui cùng các bạn trong ngày đầu Xuân Kỉ Mẹo và nhất là để chúng ta cùng hoài niệm về một “Saigon đẹp lắm! Saigon ơi! Saigon ơi!”

Nguyên Trần
(Nguồn:làngchài.com)


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 4:53 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
1

Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Bảy, 24 Mar 2018, 6:48 AM
 
saigoneses Date: Thứ Ba, 11 Dec 2012, 11:37 PM | Message # 3
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
anh Toàn

Bài viết làm SGN nhớ lại ngày xưa ta bé quá . Nhà SGN gần rạp Casino lẫn Văn Hoa Đa Kao nên khi xưa được ba dắt đi coi phim chưởng lia lịa. Coi phim Tây Mỹ thì đi ra coi ở rạp Eden, rạp REX. Coi phim chưởng, kiếm hiệp có mấy cái màn dzui nhất là phút 89, anh hùng nữ hiệp gì gì đó sau khi luyện công thành chánh quả, hùng hục xuống núi phi ngựa chạy đi rửa hận cho sư phụ, cho gia đình vv... cả rạp phấn khích vỗ tay rần rần. Dzui ác happy


Message edited by saigoneses - Thứ Tư, 12 Dec 2012, 9:41 PM
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 12 Dec 2012, 1:19 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Bạn saigoneses à,
Bạn nói đúng, hồi nhỏ lúc mình coi phim Cao-Bồi (Cow Boy) của Mỹ
Những phút mờ "Hiệp-Sĩ Cao Bồi" phi ngựa đi giải cứu gì gì đó, thì cả Rạp hát đều vỗ tay lên ầm ầm dzui thiệt...

Bạn có thường coi Đá Banh ở sân Banh Cộng-Hoà đường Nguyễn Kim hông?

Mình có rất nhiều kỷ-niệm ở Sân Đá Banh đó lắm...luôn tiện, xin kể 1 chuyện Vui của mình ở sân Banh đó cho các bạn đọc...cười chơi :

Hồi đó, Cậu của mình có cái Thẻ đặc biệt, 4 góc có bấm kẹp bằng Đồng đỏ. Dùng Thẻ đó, vào cửa lúc nào cũng được, miễn mua vé và ngồi ở "Khán-đành danh-dự" có mái che đàng hoàng mát rượi !

Thường thì khi vào Khán-Đài danh dự đó, chọn chỗ ngồi xong, Cậu mình cho mình ít tiền để ăn quà vặt, lúc đó mình khoảng 6, 7 tuổi, thích nhất là ăn Bánh Mì chiên, trên mặt có mấy con Tôm đỏ, rót lên nước Tương nâu đặc ngọt ngọt nữa, và thêm mấy cây cà rem, hoặc uống nước xi-rô bịch !

Khi cầm tiền, xong là mình xin phép Cậu để đi tìm mấy thằng Bạn chơi, Cậu luôn dặn là:
-"Đi đâu thì đi, nhưng hễ thấy gần hết giờ đá banh thì phải chạy lại với Cậu, nếu không, người ta chen ra về đông sẽ bị lạc !"

Sân Banh ngoải Khán-Đài danh-dự có mái che ra, còn các khán đài ở 2 bên cánh phải và trái, thêm khán đài đối diện nữa thì không có mái che, người ngồi xem đá banh phải phơi nắng !, rộng như vậy, mà mình chỉ leo rào cản, băng sang khán đài thường, chạy đi chạy lại có khoảng vài phút là đã kiếm thấy ngay 2 thằng Bạn...Khỉ !

Khi tập họp đủ 3 đứa, là cả bọn đắt nhau đi tìm... "nạn nhân" để phá !
Nạn nhận đây là 3 Ông Già !
Mà bọn mình phải tìm sao có đúng chỗ nào mà có 3 Ông Già ngồi cạnh nhau, cả 3 Ông phải đều đội Nón, và ngay sau lưng của 3 Ông đó, phải còn băng trống chưa ai ngồi mới được !

Cả bọn đi vòng vòng từ khán đài này, leo sang khán đài khác, rồi cũng tìm được "đối-tượng như-ý" !
Lập tức cả 3 đứa xúm lại ngồi ngay sau lưng 3 Ông Già đó !
Khán đài xây theo kiểu lòng Chảo, nên khi mình ngồi sau lưng mấy Ông đó, thì dãy băng trước mặt của mấy ổng luôn luôn thấp hơn dãy băng mình ngồi 1 bậc !

2 Thằng Bạn mình, mỗi thằng chỉ vào 1 Ông và nói:
-"Tao xí ông này"
(Xí= là tiếng lóng trẻ con Sài Gòn thời đó, nghĩa là "chọn" hoặc "lấy")

Nói xong tụi nó ngồi ngay sau lưng ông đã được chọn đó !
Mình cũng chỉ vào 1 Ông và nói:
-"Tao xí ông này"
Rồi cũng chiếm ngay chỗ ngồi sau lưng Ông ta !

Hẳn các Bạn đã biết không-khí sôi nổi của sân banh, khi các cầu thủ dẫn banh tiến vào "vùng đất cấm" chuẩn bị sút vô gôn...
Cho đến khi trái Banh tung lưới, Ta sẽ thấy cả rừng Nón bay lên cao, vì ai ai cũng dỡ Nón mà mình đang đội để thẩy lên bằng nỗi kích-động hào-hứng, khoái-trá vô cùng...

Tụi minh ngồi sau lưng 3 Ông Già, và tụi mình đã..."canh me" sẵn, nên Banh vừa lọt lưới, là lập tức 3 tằng nhóc, chụp ngay 3 cái Nón của 3 Ông trước mặt và tung lên trời !

Còn 3 Ông với khí-thế cao hứng tột độ, chụp lên Nón, tính thẩy lên để hoan-hô ! thì Nón đã bay mất, chỉ chụp vào đầu tóc trơn mà thôi ! THIỆT LÀ CỤT HỨNG !

Khi quay nhìn ra sau, chỉ thấy 3 thằng nhóc đã chạy ra xa cười ngắc nghẻo, mấy Ông tức quá, chỉ chỉ và chửi tùm lum !

Rồi cả 3 thằng nhóc tụi mình lại chạy vòng vòng qua các khán đài khác để tìm thêm các "nạn nhân" mới !

Chuyện chọc ghẹo như vậy, cứ diễn ra đều đều...cho đến 1 lần, 3 đứa bị 3 Ông đứng vọt lên, rượt đuổi tới cùng !

Mình nhớ là đã chạy bắn khói, leo cả qua hàng rào khán đài, mà mấy ổng vẫn không tha ! vẫn đuổi theo, làm cả 3 đứa sợ teo lun !
Sau cùng, cả bọn chạy theo đường hầm chui xuống dưới mặt đất của khán đài, tông vào ngay khu phòng tắm tập thể của các Vận động viên đá Banh, khiến mấy ảnh đang tắm trần truồng la lên um xùm:
-"Trời ui, tụi mày chạy dzô đây mần chi hả? đi ra !"

Bọn mình mếu máo nói:
-"Tụi con mà ra là bị mấy ông kia đánh chết, mấy chú cho núp đỡ"

Nghe vậy, mấy anh cầu thủ mở 1 cửa buồng tắm tống 3 thằng vào đó trốn.

Chỉ 1 tích tắc sau là 3 Ông già chạy đến, hỏi thì mấy Anh cầu thủ nói tụi nó hong có chạy dzô đây !
Khi mấy Ông già bỏ đi, các Anh cầu thủ hỏi nguyên nhân, nghe bọn mình kể vụ "liệng nón trước tay" khiến mấy ổng cụt hứng ! làm các anh cầu thủ cười quá xá...

Trong phòng cầu thủ, có đặt nhiều xô nhựa, đựng đầy Cam đã cắt sẵn làm 2, nên bọn mình được mấy ảnh lấy Cam cho ăn đã đời lun !
Đồng thời mấy anh cũng dạy:
-"Thôi tụi mày đừng chơi trò đó nữa, có bữa bị mấy ổng bắt được, chắc tụi mày bị ăn đòn chít lum à !"

Dĩ nhiên là sau lần bị chạy muốn giáp vòng sân đá banh Nguyễn Kim , cả bọn "tởn tới già" không còn dám chơi trò...nghịch ngợm đó nữa... Nhưng thỉnh thoảng cũng xạo xạo mò dzô phòng cầu-thủ kiếm Cam ăn...


AToanMT
 
TLD Date: Thứ Tư, 12 Dec 2012, 11:09 AM | Message # 5
Private
Group: Users
Messages: 15
Status: Tạm vắng
 
saigoneses Date: Thứ Tư, 12 Dec 2012, 9:39 PM | Message # 6
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
Cám ơn anh Toàn đã chia xẻ câu chuyện vui happy smile

Thưa anh, trước 75, em vẫn còn đang học... tiểu học! surprised đi đâu làm gì ba đưa mẹ đón nên làm gì 'có cửa' đi coi đá banh ở sân banh Cộng Hòa được anh? Hơn nữa, ba em lại chỉ thích đi coi phim, đủ thứ phim, từ chưởng, kiếm hiệp, cao bồi, trinh thám, drama tây tàu lẫn lộn nên em được 'hưởng xái' nhiểu nhất ở khoản này

Như vậy em cũng đã có một thời để... học, một thời để... sống , vui chơi tùm lum đủ để biết và cảm nhận cái 'air' của cuộc sống Sài Gòn trước năm 75.

Nói tới chuyện này, em nhớ lại chuyện vui. Vài năm trước, có dịp uống cà phê với cô bạn, thế hệ 8X đời giữa.. Cô ta cười hồ hởi: "Em mới đi thi môn chính trị triết học về nên người còn... đỏ lè hết trơn" lúc đó SGN cũng chỉ cười... tâm thần wacko

Rồi cô ta hồn nhiên như cô tiên:"Em nghe ba em nói nhờ có ngoài kia vào giải phóng nên miền Nam mới được như ngày hôm nay phải không anh?"

Điếu thuốc lá SGN mới hút bỗng dưng rớt xuống đất cái cạch (chưa té ghế là may ), SGN lồm cồm lươm điếu thuốc lên vừa hỏi lắp bắp: "Hả, em vừa nói cái gì surprised ?"

Cô ta bèn lập lại. SGN hỏi tiếp: "Thế thời điểm đó ba em làm nghề gì?".

- Dạ, ba em khi đó là bộ đội

- ... (tranh không lời sweated sad )

Quay trở lại chuyện phim ảnh, anh Toàn xem dưới đây một số posters phim cao bồi chiếu ở các rạp xi-nê Sài Gòn trước 1975 nhé. Nhìn lại posters tên rạp hát một số để hồi tưởng dzui dzui đó mà

Phim Cao Bồi - Tập 1

Phim Cao Bồi - Tập 2

Rạp Xi-Nê Sài Gòn Trước 1975

happy smile biggrin


Message edited by saigoneses - Thứ Sáu, 14 Dec 2012, 4:53 AM
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 13 Dec 2012, 10:08 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
saigoneses
Bạn sưu tầm được web có các Posters này hay quá !

Mình dzô coi 1 hơi lun, và hình như có 1 vài tấm mờ chính mình đã "Vẽ" ủa lộn, đã "tô" màu qua rùi đó...
Cả 1 trời kỷ niệm ấu thơ trong đó...
Mời Bạn vào link dưới đây xem sẽ rõ...:
http://atoanmt.ucoz.com/forum/67-1700-1

Thân mến.


AToanMT
 
saigoneses Date: Thứ Sáu, 14 Dec 2012, 4:29 AM | Message # 8
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
Thật ra bài anh đưa lên ở trên trở nên sống động với những hình ảnh minh họa của anh chứ bài 'gin' lại quá buồn vì hình ảnh... hẻo quá

Vâng, khi còn làm khách ẩn danh đứng bên ngoài happy thì em đã coi bài anh viết qua đường link ở trên rồi anh ạ. Em khi còn nhỏ cũng được tiếng là có hoa tay vẽ vời ...bậy bạ nhưng thấy cái mũ cao bồi anh vẽ thời thiếu niên là đã hết hồn surprised rồi. Sau này thấy thêm hình anh vẽ Phật Thích Ca và Sư Tổ Bồ Đề là biết ... thứ dữ rồi

Vâng, nói đến phim ảnh và rạp xi nê Sài Gòn trước 75 là cả một trời kỷ niệm vui vẻ của thời thanh thiếu niên tongue .

Mẹ em mê mẩn cô đào Vivien Leigh trong "Cuốn Theo Chiều Gió". Riêng phim "Vũ Điệu Trong Bóng Mờ" (La Valse Dans L'ombre hay Waterloo Bridge), bà đi coi đến 6 lần, lỡ dại xách em theo 1 lần. Còn nhỏ, coi phim tình cảm chẳng hiểu sao mà 'các cô các chú' trên phim cứ nói chuyện qua lại gì khiếp quá mà làm cả rạp khóc hu hu làm em 'bức xúc' quá nên cũng khóc theo hụ hụ làm bà mắc cỡ luôn vì con nít đâu có cái dzụ khóc rỉ rả, tỉ tê nước mắt lăn dài như các chị các cô được mà phải khóc vang rân .

Tới phim "Tora, tora, tora" coi với ba em ở rạp Quốc Tế với màn ảnh đại vĩ tuyến "hoành tráng" thì các bác các chú trên phim đầu bù tóc rối bàn mưu tính kế chiến lược thì em... ngủ khò khò . Tới lúc đoàn máy bay thần phong Kamikaze Nhật phù cất cánh, Ba dựng đầu em: "Dậy! dậy! Sắp đánh nhau rồi kia cà" happy

anh Toàn đã chia xẻ


Message edited by saigoneses - Thứ Sáu, 14 Dec 2012, 4:59 AM
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 15 Dec 2012, 5:45 PM | Message # 9
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
1

Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Bảy, 24 Mar 2018, 6:48 AM
 
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » RẠP CHIẾU PHIM SAIGON (TRƯỚC 1975)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO