Thứ Hai
29 Apr 2024
9:05 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » Đông Hồ nhập thần Trưng Nữ Vương (Viên Linh)
Đông Hồ nhập thần Trưng Nữ Vương
LongTracAn Date: Thứ Hai, 05 Mar 2012, 3:31 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương

VIÊN LINH




Trong những ngày tháng 2 âm lịch năm nay Nhâm Thìn, người viết bài này giở sách báo cũ, lục tìm thơ văn viết về hai vị nữ anh thư, và nhất là về Trưng Trắc, người Lĩnh Nam đầu tiên đã võ trang nổi dậy lật đổ cuộc đô hộ của giặc Tầu, kéo dài từ năm 111 trước Tây lịch tới lúc đó, năm 39 sau Tây lịch, tức là 150 năm, (sau này ta quen gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất).


Chân dung nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác, thi sĩ từ trần tại giảng đường Văn Khoa khi đang đọc bài thơ “Trưng Nữ Vương.”

Sau vài ngày, chúng tôi chỉ tìm thấy có một vài bài đã cũ, thuộc các thế kỷ trước, nhưng bất ngờ là cùng một lúc, có hai ba nguồn tài liệu xuất hiện, nhắc đến bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nhà thơ nữ Ngân Giang và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ khi ông đang đọc bài thơ đó. Ðông Hồ (1906-25.3.1969) (1) là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam, lại là người đã mở trường dạy chữ quốc ngữ tại Hà Tiên khi mới trên 20 tuổi. Theo tác giả “Dự báo bùng nổ thơ ca,” thì chi tiết về bài thơ và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ, đã xảy ra như sau:

“Trưng Nữ Vương của Ngân Giang là bài thơ hay nhất về vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Ðược sáng tác ở tuổi 23 (1939), ‘Trưng Nữ Vương’ đã đi vào huyền sử nền thơ Việt với sự ra đi thần thoại của người thầy - nhà thơ Ðông Hồ - trên bục giảng đường Văn Khoa Ðại Học Sài Gòn, ngày 28 tháng 3, 1969, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.” (2)

Ðoạn văn dưới đây tác giả in nghiêng, nhưng không ghi rõ lời của ai, tuy nhiên theo như câu thứ ba và câu cuối cùng, “thầy đọc các con nghe,” thì phải là lời của chính thi sĩ Ðông Hồ:

“Thơ về Hai Bà kể rất nhiều. Nhưng có điểm chung các tác giả đều là đàn ông. Họ chỉ nhìn khía cạnh Hai Bà yêu nước, diệt xâm lăng. Cho đến ngày thầy được xem bài của một nữ sĩ tên là Ngân Giang trong tập 'Tiếng Vọng Sông Ngân' mới chợt thấy: Trời ơi, có một điểm mà từ trước tới nay chưa một ai nghĩ tới, mà tới nay mới có một người nhìn thấy! Ðó là khi đánh đuổi quân Tầu, thắng khắp nơi, Bà Trưng vẫn là một người góa bụa. Dù chiến thắng nhiều, dù quân thù kinh hãi, bà vẫn là một người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà, đến bốn câu kết thì thật tuyệt. Ðể thầy đọc các con nghe; ai thích thì chép.” Ðọc xong khổ cuối “Trưng Nữ Vương,” Ðông Hồ đứng vịn vào tường, gục xuống...” (tr. 532)

Bài thơ của Ngân Giang như sau:



Trưng Nữ Vương



Thù hận đôi lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng ánh sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.



Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai

Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.



Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!

Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.



Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận

Non Hồng quét sạch bụi trần ai.

Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.

Chàng ơi! Ðiện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...

(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)



[Bản này bị chép khác ở cuốn “Thơ Mới, 1932-1945,” NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, 1998: Câu thứ 2 in là: “bóng sao rơi” thay vì “ánh sao rơi,” câu thứ 7 in là “gió bão dồn chân ngựa” thay vì “gió bãi lùa chân ngựa,” câu 9 in là “cốt xương” thay vì “cốt xong,” - câu 15 in là “Cờ tang điểm tướng,” thay vì “Cờ tang điểm trống,” câu 16 in là “ngắt mấy trời” thay vì “ngát mấy trời,” câu 18 in là “Giáp vàng khăn trổ” thay vì “khăn trở” (tức khăn tang). Các cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Ðại của Vũ Ngọc Phan hay Việt Nam Thi Nhân Hiện Ðại của Phạm Thanh đều không nói đến Ngân Giang. Thi ca Việt Nam của Trần Tuấn Kiệt có mục về Ngân Giang, (đăng nguyên bài do Thẩm Thệ Hà viết thay), song lại không có bài Trưng Nữ Vương.] (3)

Ngoài đời, nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác là một người mảnh khảnh, y phục trang nhã, phong thái ung dung, tươi cười. Khi tòa soạn Nghệ Thuật của chúng tôi (Mai Thảo, Thanh Nam, Anh Ngọc, Viên Linh) đặt tại Thư Lâm Ấn Thư Quán, chủ nhân là con rể thi sĩ, tôi có được gặp ông và nhà thơ Mộng Tuyết. Người thơ Ðông Hồ, khi đọc bài Trưng Nữ Vương, hẳn đã nhập thần với đề tài. Quả thật, chỉ có Ngân Giang đã nhìn “thấu hai cõi” khi làm thơ về Trưng Trắc, và chỉ có Ðông Hồ mới nhìn thấy “cái thấy” của Ngân Giang. “Ta cũng nòi tình...”



Chú thích:

1. “Vào ngày 25 tháng 3, 1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Ðại Học Văn Khoa [Sài Gòn], Ðông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Ðông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Ðược các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó.” (Võ Văn Nhơn, Ðông Hồ, thi sĩ yêu tiếng Việt, online).

2. Nguyễn Phan Cảnh, “Ngân Giang, hình hài tình tự thế hệ,” 347-371, La Giang Publishing, Toronto-Hong Kong, 2007.

3. Một bài thơ có 20 câu, Hội Nhà Văn Việt Nam chép sai 6 câu. Ðược biết trong niên giám Hội in xong tháng 4, 2007, dầy 1200 trang đóng bìa cứng, có lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, khoe hội có non 1000 hội viên là nhà văn. Thật ra không biết có bao nhiêu hội viên ngành xuất bản đọc thông thơ văn?


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 05 Mar 2012, 5:32 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng




Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế. Các bút danh khác: Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên... Bà sinh ngày 20 tháng 3 năm 1916 trong một gia đình Nho học tại Hà Nội.
Bà kể:
"Năm lên 6 tuổi, theo người bác ra sân ga, nhìn những con tàu ra vào ga, buồn quá tôi bỗng thốt lên: Tàu về, rồi tàu lại đi, Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga."
Từ đó, ông bác dành nhiều thời gian để dạy cháu mình làm thơ, phú, dịch thơ Đường. Năm 8 tuổi, bà đăng bài thơ đầu tiên, "Vịnh Kiều", với bút danh Nguyệt Quyên.
Năm 9 tuổi, đọc kinh Phật thấy mình mắc nhiều tội lỗi quá, nên bà quyết định quyên sinh. Rất may, người nhà kịp thời phát hiện và cứu chữa.
Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên, "Giọt lệ xuân", tại NXB Tân Dân.

Hiểu rõ tính nết con gái mình, ông đồ nho Đỗ Hữu Tài muốn cho con yên bề gia thất sớm. Không chịu sự sắp đặt của cha, bà cố tình bỏ trốn nhưng không được.
Năm 21 tuổi, bà cho xuất bản cuốn "Duyên văn" và rời Hà Nội vào Sài Gòn viết cho "Điện Tín nhật báo" và báo "Mai".
Photobucket
Ngân Giang (Ảnh chụp 1954)


Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho "Tiểu thuyết thứ bảy", "Phổ thông bán nguyệt san", "Đàn bà"... Bốn năm sau, tập thơ "Tiếng vọng sông Ngân" ra đời đã đưa bà lên vị trí những người được yêu thích trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1935, bà tìm đến với phong trào cách mạng, bắt đầu bằng việc làm giao thông cho Đoàn Thanh niên. Thế rồi vào một đêm mật thám Pháp đã tới nhà khám xét, tra hỏi vì cô "Hạnh Liên (bút hiệu khác của Ngân Giang) đã làm thơ kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước dán ở Đền Ngọc Sơn".
Mẹ chồng, vì lo cho sự an toàn của gia đình, đã không ngớt lời chì chiết cô con dâu là "mầm mống gieo hoạ cho cả dòng họ".
Vào một đêm, khi đang có thai, Ngân Giang lại gieo mình xuống Hồ Tây;
"Dường như trời chưa cho tôi thoát kiếp trầm luân", sau này nữ sĩ nhớ lại.

Bà cũng nói:
"Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp"
(theo Lê Thọ Bình, tác phẩm đã nêu trên)

Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Ngân Giang hăng hái đeo ba lô, bồng hai con nhỏ theo đoàn quân cách mạng về Việt Bắc, để rồi hai năm sau đó phải quay trở lại nội thành. Giữa lúc không nơi nương tựa, bà chấp nhận làm vợ con trai tuần phủ Hà Đông với hy vọng "sẽ là lá chắn che chở an toàn để tiếp tục đóng góp cho cách mạng".

Đây cũng là bước ngoặt đầy bi kịch của nữ sĩ.

Năm 1954 hoà bình tái lập, Ngân Giang làm việc ở Sở văn hóa Hà Nội.
Năm 1957, bà được kết nạp chính thức vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
Năm 1958 - 1961, bà làm việc tại Hội Nhà Văn Việt Nam.

Ngân Giang làm việc ở Sở văn hoá Hà Nội một thời gian, rồi không hiểu vì lý do gì, bà bị buộc phải thôi làm nơi ấy khi ở tuổi 41...
Ngày ngày, bà ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán, tối về rửa bát thuê,
nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho những đứa con lay lắt sống qua ngày.

Rồi bà được nhận vào Hợp tác xã thêu ren.

"Một bận người ta phát động chống tiêu cực, tôi mạnh dạn vạch mặt kẻ tham ô, nào ngờ tham ô thì không chết mà mình bị đuổi việc",


Trả lời câu hỏi về Thơ Đường hiện tại, Bà đáp:
-"Tôi nghĩ đã là thơ Đường thì phải chuẩn xác về niêm luật. Bây giờ nhiều người sáng tác loại "thơ Đường" kỳ cục lắm, quên hết nghệ thuật vốn có của thể thơ này. Làm sao thơ Đường có thể chết được nhỉ ! Đấy là thể thơ luôn khơi gợi tình cảm dân tộc đậm đà, rất Á Đông.

"Anh biết không, những năm tháng trước đây ở Hà Nội, tôi chẳng có được lương hưu đâu, tôi sống bằng thơ Đường đấy."

Nghĩa là tôi biên tập, sửa thơ, dạy thơ Đường cho nhiều người, thậm chí, nói anh đừng cười, từng có lúc tôi làm thơ giúp cho người khác.
Thế đấy, thơ Đường đã nuôi tôi và tôi lại làm thơ Đường.
Tôi nhớ có lần anh Nguyễn Tuân nói:
"Đọc mỗi bài thơ Ngân Giang có thể vẽ được một bức tranh!".
Bà kể.

Khi không còn đủ sức để ra bờ sông quét lá nữa, bà ra đầu đường mở quán bán hàng nước... Bà mất ngày 17 tháng 8 năm 2002 và được chôn tại làng Hướng Dương, Thường Tín, Hà Tây. Mộ bà lúc nào cũng có hoa tươi của những người yêu mến bà và thơ bà.



“Đừng thấy người ta xấu 9 phần mà vùi dập, phải đưa phần tốt lên”.
Ngân-Giang


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 06 Mar 2012, 9:30 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
CHÙA TRẦM

Hương nào ngát tỏa chơi vơi
Ở đây non nước cách vời phồn hoa;
Hươu nai thoáng bóng gần xa,
Ngự hài võng lọng nhạt nhòa dấu son.
Tử Trầm ngọn núi chon von
Tầng tầng hoa đại trắng mòn lối xưa…

Thoai thoải đường son lượn dưới đồi
Long châu thăm thẳm lối hoa rơi.
Đào giang bóng lẩn thuyền ngư phủ,
Tiên động rêu phong dấu ngự hài ;

Giọt nước sườn non rơi lã chả
Khói trầm vách đá tỏa chơi vơi .
Thơ xưa toan hỏi ai đề vịnh
Chuông mộ chùa bên đã đổ hồi…

Chuông mộ chùa bên đã đổ hồi
Hiên trong vẫn ngát chén hồng mai.
Dăm câu hồ bể say mưa nắng,
Mảnh áo nâu sồng xót nhạt phai.
Đằm thắm tâm tình thơ hội kiến
Phiêu phiêu bóng dáng Phật Như Lai
Khói hương tịch mịch xa làng mạc
Chim chóc bay về…tiếng lá rơi.

Chim chóc bay về… tiếng lá rơi,
Giang thôn hờ hững bóng quăng chài.
Cây trùm trước miếu bông hoa rớt,
Sông uốn quanh chùa cánh nhạn trôi.
Lối cỏ sân rêu từ độ ấy
Cồn dâu mặt sóng đã lâu rồi.
Xe loan cửa động không còn vết
Mà nẻo Trăm gian những cách vời.

Mà nẻo trăm gian những cách vời
Lối mòn hái thuốc dấu chân nai.
Khói bay lối xóm chừng cao thấp
Đá lở đầu thôn đến dập vùi;
Võng lọng chiều xưa còn phảng phất
Điện đài lối cũ đã phai phôi.
Nhà tranh giậu trúc đôi ba mái
Núi đứng chênh chênh một phía trời.

Núi đứng chênh chênh một phía trời
Cây đa bên núi ráng chiều phai
Rễ vương chân động đàn dơi liệng
Lá rợp sân chùa bóng nguyệt soi.
Bàng bạc sương khuya in dặm vắng
Chơ vơ tháp cổ lạnh ven đồi.
Đêm nay thắp nến xem kinh sách
Thoáng thấy đài sen Phật mỉm cười…

Thoáng thấy đài sen Phật mỉm cười :
Ở, đi lưu luyến mãi chưa thôi !
Lạnh lùng gió nổi , chiều như giục ,
Vi vút thông reo , hạc vắng rồi ;
Bên quán trà suông còn có bạn
Đầu non hoa rụng biết tìm ai ?
Hãy về , để lại thơ ngoài động
Vẳng tiếng gà thôn , hạt móc rơi .

Vẳng tiếng gà thôn , hạt móc rơi
Cỏ hoa mấy ngả lối trần ai !
Đều đều nhịp mõ như lưu khách,
Ríu rít lời chim có tiễn người…
Cửa động ngâm vang thơ tống biệt
Hiên chùa hẹn mãi buổi trùng lai.
Ân cần sư trưởng trao phần lộc
Kẻ bước lên am , kẻ xuống đồi.

Kẻ bước lên am , kẻ xuống đồi
Đường về Hà Nội thấy xa xôi !
Thẫn thờ ngoảnh lại : mây che núi,
Ngừng ngập trông ra : nước lẫn trời…
Cảnh đẹp trăm năm dù có khác
Tình ai muôn thuở vẫn không nguôi.
Tử Trầm chốn ấy bao hò hẹn
Hoa trắng đầu non chắc vẫn rơi ?

Ngân Giang nữ sĩ


AToanMT
 
tieuthu_soma Date: Thứ Ba, 06 Mar 2012, 11:47 AM | Message # 4
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 06 Mar 2012, 1:37 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
SAU PHÚT BIỆT LY /II/

Trời ở đâu, mà nước ở đâu ?
Mây bay tám hướng lạnh chân cầu.
Tôi đi, đi mãi tìm trăng rụng,
Loáng thoáng hoa rừng vướng vó câu.

Nhà ở đây, và tôi ở đây,
Nửa khung cửa nhỏ, cánh thơ đầy.
Từng chiều nhẹ nhẹ vương theo gió
Có cả trăng về với bóng mây.

Thôi nhé !Người đi cứ việc đi,
Nhìn nhau lần chót nữa mà chi?
Có hồn nghệ sĩ lang thang đấy
Tiếng hát vang đường khóc biệt ly.

Tôi mơ hoa đăng đêm Giang Châu
Bốn mắt ngời sao…Họ hiểu nhau.
Họ hiểu nhau rồi, sau buổi ấy
Đôi lòng cùng nặng trĩu thương đau.

Bờ suối kìa ai soi võ vàng,
Nét gầy hằn rõ vẻ hiên ngang.
Tôi về khép kín dư âm lại
Cho đọng tơ lòng những tiếng vang.

Đấy một người đi tìm một người.
Sa trường ghê lạnh máu tanh hôi,
Sa trường có cả vầng trăng đẹp
Tôi nhớ đêm nào giọt lệ rơi…

Có tiếng chân người bước ở đâu,
Mênh mang cồn vắng trắng ngang đầu.
Sang Tần buổi ấy chia cành liễu
Sông Dịch trầm trầm nhạc nhớ nhau.

Kìa đôi chim én đã bay về
Mà cánh chim bằng vẫn cứ đi.
Lá rụng, cành rơi cành thấp thoáng,
Trăng vàng gầy gõ tiếng tử quy.

Thôi, không nhạc nữa, không thơ nữa,
Không khóc, mà không một tiếng cười.
Tôi nhất định không, không tất cả
Khi người ấy vẫn ở xa xôi…

Một đêm trăng
Mùa hoa đào nở 1946

Ngân Giang nữ sĩ


AToanMT
 
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » Đông Hồ nhập thần Trưng Nữ Vương (Viên Linh)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO