Thứ Năm
25 Apr 2024
6:10 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » THÀNH VIÊN » TRUYỆN BÌNH THƯỜNG » Những nẻo đường tầm đạo của tôi (truyện hồi ký)
Những nẻo đường tầm đạo của tôi (truyện hồi ký)
sangminh2006 Date: Thứ Ba, 25 Nov 2014, 6:07 PM | Message # 1
Sergeant
Group: Users
Messages: 24
Status: Tạm vắng
Xin phép các vị hữu hình hay vô hình, bà con chú bác , cô dì cậu mợ đã có nhân duyên gặp gỡ cho tôi được chia sẻ những câu chuyện về các vị với các bạn ở đây. Do trí nhớ của tôi không tốt nên có thể có 1 vài chi tiết bị sai lệch đôi chút mong quí vị hoan hỉ xí xoá bỏ qua.

Phần 1 : Những lần thoát chết may mắn của tuổi thơ

Tôi sinh ra trong 1 gia đình bình thường. Thuở nhỏ tôi rất èo uột , bị suy dinh dưỡng , 1 tháng 30 ngày tôi bệnh hết 28 ngày. Chết đi sống lại không dưới 2-3 lần.
Lần đầu tiên thì bị chết đuối sông, lúc đó tôi khoảng 5 tuổi , tôi vẫn còn nhớ mang máng như vầy : hôm đó tôi đi học mẫu giáo về , thì có chiếc máy cày chạy qua nhà. Thời đó, con nít xứ tôi mà thấy máy cày là chạy theo đuôi , vui như ngày hội. Tôi lon ton chạy theo đến cuối đường. Xem xong máy cày , tôi thấy có 1 anh đang xách 1 cái chài cá. Ai ở vùng sông nước sẽ biết loại hình chài cá này. Đó là 1 tấm lưới nhỏ , phía dưới có bọc chì. 1 tay nắm khúc đầu của cái chài , 1 tay lấy khúc giữa khoác lên vai , xoay 1 góc 45 độ , quăng lưới ra thành hình tròn nhìn rất đẹp , "bủm". Đợi chài chìm xuống đáy sông nhờ những miếng chì nhỏ kẹp vào , "anh chài" từ từ kéo từng đoạn lên. Ơi chu choa, kéo đến đâu , cá mắc lưới đến đó , đủ loại cá : cá lòng tong , cá thiểu , cá sơn,....Mấy con cá này về kho tiêu là ngon phải biết smile . Kéo hết chài lên khỏi mặt nước , anh ta mới bắt đầu gỡ từng con cá để vào cái thùng nhỏ mang theo. Ốc nhỏ , cua nhỏ cũng mắc vào lưới nhưng anh bỏ không lấy. Tôi ngồi lặng thing vui sướng quan sát từng thao tác của anh. Đợi anh đi chỗ khác để tiếp tục công việc mưu sinh của mình. Tôi mới lượm từng con cua , con ốc nhỏ còn sót lại bò loe ngoe trên nền đất thả xuống sông. Cứ thế cứ thế , có 1 con ốc tôi thả , nó bị vướng 1 đám lục bình đang trôi cập mé. Tôi rướn người ra xa để gỡ con ốc đó , và sau đó tôi thấy mình đang đứng dưới nước. Ở dưới nước, tôi thấy chú tôi đi ngang, tôi kêu "Chú ơi kéo con lên" mà tôi kêu không được. Thế là tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ, không có cảm giác nghẹt thở hay đau đớn gì. Thời gian như ngưng đọng lại , êm ái nhẹ nhàng. Cảm giác đó tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ. Bỗng tai tôi nghe tiếng xù xì nói chuyện càng lúc càng lớn ,tôi cố mở mắt ra thì thấy bà con chú bác đứng chật cả nhà. Tôi đưa mắt cố tìm mẹ mà không thấy , tôi tủi thân muốn khóc. SAu này mới biết , con nít chết đuối lúc mới tỉnh không được gặp mẹ , nếu không sẽ " hộc máu mà chết". Người cứu tôi là 1 bà hàng xóm bơi xuồng đi chợ , bà thấy giữa sông có 2 con vịt đang lặn hụp đạp mái (thật ra là tóc của tôi, lúc đó tôi đang đạp tay đạp chân trồi lên để kêu chú tui) , bà bơi xuồng lại tính bắt 2 con về nấu cháo happy Cũng may bà vừa bơi tới, chụp xuống nước bắt vịt thì bắt dính tóc tui , bà hoàng hồn la lên. Thế là tôi được cứu sống. Chỉ cần chậm 1 vài giây nữa là xong rồi.
- Lần thứ hai cũng liên quan đến vịt, mà là ăn thịt vịt. Nhà nghèo đâu có thịt mà ăn. Lâu lâu mới được ăn thịt vịt xiêm nấu cháo. Tôi ngồi xem mẹ nấu mà nước miếng nuốt ừng ực, bụng kêu rào rào. Tôi nghiệp thằng nhỏ , mẹ cho tôi 1 cái đùi vịt to. Quá đã , tôi chạy vô góc bếp ngồi ăn ngấu nghiến. Miếng nhắm lại , miệng mở to cắn từng miếng , nhai rao ráo. Bỗng mẹ tôi quay lại thấy tôi tím tái cả người, giãy đành đạch , biết là tôi mắc xương vịt nhưng không biết làm gì để cứu. Bà chỉ biết la lên để hàng xóm đến. Tôi càng lúc càng giãy , toàn thân đều màu tím , mắt trợn lên sắp chết. May mắn , ông nội tôi đi làm ruộng về, nghe tôi mắc xương , ông chạy lẹ về. Thấy tôi, ông liền lấy ngón tay chọc mạnh vào cổ họng , khúc xương tọt vào trong. Tôi thở "cái khì" , sống rồi. Ông tôi chậm về 1 xíu thôi là tôi cũng xong rồi.

- Lần thứ ba , cũng liên quan đến vịt smile . Máu tôi hay dị ứng , hễ ăn gà vịt tôm cá là nổi mề đay , ghẻ ngứa toàn thân. Lần đó sau vụ hóc xương vịt , tôi bị dị ứng nổi ghẻ khắp người. Ghẻ càng ngày càng to , vỡ ra , nước vàng chảy tùm lum ghê lắm. Mẹ tôi xót , nên kiếm tùm lum thuốc để xức mà không hết. Có 1 bà chỉ mẹ tôi :

" Chị về lấy thuốc nổ trong trái lựu đạn , xức cho cháu , hay lém ".

Mẹ tôi nghe nói thế về làm liền ,xức vào thử 1 ít thì thấy ghẻ bắt đầu bớt. Thương con , bà xức luôn hết liều lượng nguyên trái "nựu đạn" cho mau hết. Hết đâu không thấy , 1 giờ sau , tôi sùi bọt mép , mắt trợn ngược , toàn thân tím như mực trái mùng tơi. Tức tối chở ra bệnh viện. Hàng xóm nói chuyến này nó tiêu thiệt rồi. Đến bệnh viện bác sĩ đứa vô phòng cấp cứu. Lát ra, ông bác sĩ la mẹ tôi 1 hơi :"Xức gì không xức, lại xức thuốc nổ của trái lựu đạn , bó tay với chị." Cũng may , lần đó vẫn còn cứu kịp. NHưng mắt tôi vẫn đỏ như máu , ông tôi phải mua thuốc nhỏ vào thì mới hết (ông nội tôi lúc đó làm nghề y sĩ "chui" nên ông có 1 số kiến thức về nghề Y ).
Đó là mấy vụ lớn , còn mấy vụ nhỏ thì nhiều lắm kể không hết. Do chết hụt nhiều lần , người tôi như ốm như con khỉ người ta thường kêu la " đau ban khỉ" , đầu bự đít teo. Cũng may , lớn lên tôi vẫn to cao , "đập chai " , thông minh nhưng rất mau quên chắc do bị ảnh hưởng mấy lần chết hụt đó.
Tôi suy nghĩ mình rất hạnh phúc được ông bà , thần linh phù hộ cho nên mới thoát được nạn kiếp. Hay phải chăng còn có gì gọi là " thiên cơ " nên "ơn trên" mới bảo toàn mạng sống cho tôi ??? Câu hỏi đó vẫn luôn luôn ám ảnh trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời.

(còn tiếp)

sangminh2006
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Ba, 25 Nov 2014, 7:10 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
sangminh2006 Date: Thứ Tư, 26 Nov 2014, 5:40 AM | Message # 3
Sergeant
Group: Users
Messages: 24
Status: Tạm vắng
PHẦN 2 : VỀ QUÊ NGOẠI NGHE KINH PHẬT

Một năm nọ tôi được mẹ cho về bên ngoại chơi. Quê ngoại cũng nghèo làm nghề dệt chiếu ở miệt An giang.

Cả xóm của ngoại đều làm nghề dệt chiếu. Nhà ngoại có chừng 5-6 khung dệt nên người ta lại dệt gia công cũng đông vui lắm. Khung dệt bố trí của giống như cây đàn tranh nhưng lớn hơn rất nhiều, gồm nhiều cọng dây song song nhau được căng thẳng cố định ở 2 đầu. Một người cầm con thoi bằng gỗ luồn cọng lác qua khung dệt, người kia cầm 1 con sập (tôi quên tên cái này rồi ) kéo cọng lác về phía mình , kêu 1 cái "sập" , tôi gọi là " con sập" smile . Từng cọng lác khác màu đan xen với nhau cứ thế tiếp nối nhau , tiếng sập cứ vang lên đều đều. Những chiếc chiếu lần lượt hoàn thành. Đó là nhiệm vụ của người lớn. Còn tụi con nít chúng tôi có nhiệm vụ , sáng sớm trời có nắng là đem ra “bó lác” phơi , trời mưa là phải gom nhanh vào nhà không thôi hỏng hết.


Ấy vậy mà , thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng bị đòn hoài vì cái vụ phơi cọng lác. Số là ngoại tôi trồng rất nhiều xoài đủ loại. Ngày xưa trồng bằng hột chứ không phải trồng bằng gốc chiết, gốc ghép như bây giờ. Nhất là trái xoài tượng , ui cha , quả nó to như cái dĩa hột xoài , cỡ 1 kg 1 quả chứ không ít, 2 tay cầm 1 trái mới hết. Hái 1- 2 trái , vô gọt vỏ, làm nước mắm đường mà đường thốt nốt nữa thì tuyệt, ra bẻ 2-3 trái ớt hiểm cay xé lưỡi (lúc đó chưa có ớt sừng trâu như bây giờ) dầm vào.
Cả chục đứa cháu bu vô vừa ăn vừa hít hà vì cay vì ngon, nước mắt nước mũi tèm lem , miệng thì nhai nhóp nhép miếng xoài. Ăn xoài xong là cả bọn túa ra tranh ca trà đá uống cho đã khát. Mà vui nhất là sau khi uống trà đá smile , 1 đám đau bụng , chạy đi kiếm chỗ giải quyết. SAu mấy vụ đó , 1 số biệt danh như "trịnh", "quẹt","lá chuối ",......ra đời biggrin .

Còn đây là cái vụ bị đánh đòn tập thể , tôi vẫn còn nhớ. Xoài của ngoại tôi vào mùa vụ, chim hay dơi thường lựa mấy trái chín và ngon nhất xơi trước. Gió thổi mạnh là những trái đó sẽ rụng trước. Trời chuẩn bị mưa thì gió thổi rất mạnh. Tụi tui chuẩn bị ra gom lác phơi vào nhà. Thì bỗng nghe "bịch", rồi " bịch", rồi "bịch bịch bịch".

" Xoài rụng tụi bây ơi".

Thế là cả đám nhào ra sau vườn lượm xoài

" Tao xí trái màu vàng "

"Tao xí trái đằng gốc cây"

Cả bọn cãi cọ , tranh giành nhau mấy quả xoài rụng. Tội nghiệp con nít nghèo không có tiền mua quà bánh nên mấy quả xoài chín rụng là cái gì đó rất có giá trị đối với bọn con nít chúng tôi lúc đó. Mưa 1 cái ào, mưa như trút nước, mưa như chưa từng được mưa , cả bọn mới nhớ đến 1 thứ quan trọng hơn .

" Lác , mấy bó lác tụi bây ơi , lượm vô nhà mau , ngoại về là no đòn "

Mấy trái xoài lúc nãy tranh giành giờ nằm vương vãi dưới đất cả bọn chạy vô sân cứu mấy bó lác. Cuối cùng cũng may , hơi bị ướt chút xíu , nhưng cả đám nhóc trong đó có tui bị phạt đứng khoang tay cả tiếng đồng hồ. Ai cũng buồn duy có thằng Tư "quẹt" nó cười tủm tỉm. Nó nói :

" Tụi bây ngu, tao biết trước sau gì cũng bị phạt, mấy trái xoài tụi mày quăng lại, tao ăn hết trơn , rồi vô chịu phạt chung cho nên tao không có buồn......hè.....hè "

Cái thằng khôn lõi ghê.

Đến mùa nước nổi, lũ về. Xưởng chiếu phải nghỉ mấy tháng này. Ngoại không có tiền mua gạo cho đám cháu loi nhoi lúc nhúc . Khổ lắm. Cá mắm thì không thiếu rất rẻ. Nhất là cá linh , người ta bán thúng , bán giạ chứ không bán kí như bây giờ. Chừng 2 ngàn đồng là được cả thúng cá linh về nấu “canh chua trái giác" cho cả nhà ăn.

Nói đến trái giác mới nhớ , nó là cây dại mọc đầy vườn. Chùm quả của nó giống như chùm nho, sống màu xanh , chín có màu tím. Hái về dầm với nước sôi , chế vô nồi canh chua cá linh. Mùi vị chua chua ngọt ngọt , thanh thanh không lẫn vào đâu được. Rau muống vườn mùa nước lũ, cọng nào cọng nấy no tròn , xanh mướt , mọc đầy ở mé mương. Hái 1 rổ to , rửa sạch, đợi nước sôi cá chín , thì thả vào.

Thêm 1 nồi cá linh kho ăn với canh chua trái giác, rau muống. Cả nhà chúng tui ăn rất ngon lành. Cho dù đó chẳng phải là cao lương mỹ vị gì. Ngoại tôi ăn chay trường , bà chỉ nhìn chúng tôi ăn rồi mỉm cười hạnh phúc .


Ăn xoài riết cũng chán , chúng tôi còn tìm ra 1 đặc sản khác là “nấm xoài” . Nó mọc từ những gốc xoài đã mục . Cây nấm có màu trắng thân mập . Hái nấm vào , kiếm bếp than còn lửa hồng, bỏ vào nướng . Hương vị và thịt của nấm không khác chi con khô mực nướng . Cả bọn ngồi nhai nhép nhép giống như người ta đang ngồi nhai khô mực “ thiệt “ vậy .

Buổi tối ăn cơm xong, đợi tới giờ chiếu phim là đủ mặt cả nhà . Nhất là phim “ Phạm công Cúc hoa” , ui choa , hay thiệt là hay , khoái nhất cảnh Phạm Công chém đầu tướng Sầm Hưng . Đầu ổng bị chém lại mọc ra cái đầu khác, khoái nhưng không có đứa nào dám nhìn hết .Ghét con mợ Tào Thị kinh lắm . Xem phim xong là sáng hôm sau ngồi bàn tán đủ chuyện theo kiểu con nít .

Hết phim , đám nhóc chuẩn bị đi ngủ . Tôi thấy bà ngoại với 2 dì đem chuông mõ ra chuẩn bị tụng kinh. Hồi nhỏ có hiểu biết gì về kinh Phật đâu . Chỉ biết mỗi lần sắp ngủ ngon là nghe “cốc cốc beng beng” chịu không nổi . Riết rồi cũng quen , cứ đêm nào cũng nằm nghe rồi ngủ thiếp đi . Nghe mãi mà chỉ nhớ mỗi cái tên của ông “ Mục Kiền Liên” gì đó . Thấy trong phim Phạm Công đi xuống địa ngục cứu vợ , ông này xuống địa ngục cứu mẹ ,cho nên mới nhớ tên ổng .



Tôi tự hỏi :” Sao đêm nào ngoại cũng tụng kinh này? Ông Phật là ông nào ? Ông Mục Kiền Liên là gì của ông Phật?” Tôi không dám hỏi ngoại. Sau đó tôi trở về nhà để đi học lại . Và cũng quên luôn ông Phật và ông Mục Kiền Liên gì đó .



(còn tiếp)

sangminh2006
 
sangminh2006 Date: Thứ Hai, 01 Dec 2014, 3:08 AM | Message # 4
Sergeant
Group: Users
Messages: 24
Status: Tạm vắng
Phần 3 : Tôi đi ăn cơm chùa và xin xâm của Quan Thánh

Tôi lớn dần lên theo năm tháng tốn không biết bao nhiêu gạo tiền của cha mẹ. Tôi ra trường tỉnh để học lớp 10. Mỗi ngày 2 lượt đi về phải đạp xe đạp gần 20 cây số . Nhưng rất vui, sáng nào mấy đứa bạn cùng xóm í ới gọi nhau đi học. Tuổi học trò thật đẹp , thật hồn nhiên. Vui nhất là đi ăn cơm chùa vào những ngày rằm lớn. Rằm tháng Giêng , rằm tháng Bảy , rằm tháng Mười , không bỏ sót cái nào.

Trống tiết thứ 5 vừa vang lên, tôi với các bạn ùa ra lấy xe đạp. Phóng nhanh tới ngôi chùa có đãi cơm chùa cho khách thập phương ăn. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhãi dưới cái nắng trưa gay gắt , nhưng đứa nào cũng không thấy mệt. Đạp xe vù vù, miệng nói cười toe toét vì sắp được ăn 1 bữa miễn phí no nê happy .

Dọc đường người ta có trồng rất nhiều vườn nhãn. Nhãn đang vô mùa chín, trái trĩu cành , ong bướm bay vi vu xung quanh chùm nhãn thơm phức. Để đề phòng chim chóc hay dơi quạ ăn, người ta thường bao lại bằng những tấm đệm nhỏ. Lúc đó nhãn có giá rất cao nên người ta mới làm thế. Nhất là nhãn tiêu da bò , cơm rất dày , hột nhỏ xíu ăn rất ngon. Hay nhãn xuồng cơm vàng có lá như chiếc xuồng , cơm dày màu vàng , cắn vào dòn dòn , ít nước. Mấy giống nhãn này nghe nói lấy từ giống nhãn cổ ở Bạc Liêu do người Hoa đem sang.

Lúc đầu người Việt chì có giống nhãn long , trái rất to mà hột cũng rất to smile , cơm nhãn mỏng, được 1 cái là nước rất nhiều và ngọt. Nhà nội tôi có trồng 1 cây nhãn long, mỗi lần có trái hơi lớn tí , trái nhãn mới có tí cơm , chưa có nước ngọt trong trái , mọc ra chùm nào là bị hái chùm đó. Mỗi lần thấy tui tui tắm là bị mất 1 chùm nhãn , mà tụi tui 1 ngày tắm 3 lần smile .

Giống nhãn tiêu da bò hay nhãn xuồng cơm vàng , người Trung Quốc rất thích. Thế là bà con cô bác đổ xô trồng nhãn , nhãn chín đem sấy bán rất có giá. Cứ đi 3 -4 nhà là gặp 1 cái lò sấy nhãn , được 1 thời gian dội chợ , rớt giá thê thảm. Bà con chuyển sang đóng thùng nhãn tươi. Vui lắm , công việc tỉa cày tỉa lá cho chùm nhãn trước khi đóng thùng tạo ra công ăn việc làm cho bà con nghèo. Con nít , người lớn , phụ nữ, đàn ông ai cũng làm được. Đang vui thì lái thương Trung quốc ép giá , bán không được bà con quay sang bán nội địa trong nước. Nhãn gặp ngay mùa chôm chôm và sầu riêng thì giá càng thê thảm hơn nữa , Nhãn chín rụng đầy sân. Bà con sáng kiến mở ra tham quan vườn nhãn " Ăn no bụng 10 ngàn /người". Cứ bỏ ra mười ngàn , vào vườn ăn thoả thích , tụi học trò thích lắm , ăn lấy ăn để , hôm sau mở mắt đi học không nổi vì nghèn đầy 2 con mắt. happy

Chưa hết , bà con còn sáng kiến nuôi ong để lấy mật hoa từ cây nhãn. Hết mùa , bà con đem đàn ong ra miền bắc lấy mật từ cây vải thiều hay nhãn lồng. Hay đâu chưa thấy. Lúc đem đàn ong trở về Nam đem theo 1 loài nhện ký sinh trên cây nhãn. Gây ra bệnh" chổi rồng ", chùm nhãn đang ra hoa , chuẩn bị kết trái là nó bị tua tủa giống như cây chổi quét nhà , chẳng còn 1 trái . Nông dân nghèo tiếp tục nghèo thêm.

Hành trình làm giàu của người nông dân Việt nam còn xa vời lặm

Một vòng quanh co qua các vườn nhãn , tôi cũng đến được ngôi chùa. Ngôi chùa này rất lớn , rợp bóng cây , nhiều bóng mát , đặc biệt có cây Sa la lớn , bông màu đỏ từng chùm dài rất đẹp. Tương truyền mẹ của Phật - hoàng hậu Maya - lúc về quê ngoại để sinh nở , đi ngang vườn Lâm Tì Ni thấy bông hoa rất đẹp. Bà rướn tay lên hái thì đau ở bên hông , đức Phật ra đời. Cây có hoa rất đẹp đó sau này người ta gọi là cây Sa la. Lúc đó tui không có biết nó là cây gì đâu, thấy bông đẹp nên nhìn thôi. Sau này đọc kinh Phật mới biết.

Bây giờ mới là tiết mục chính : Giờ ăn đến rồi. Ui chu choa , rất đông Phật Tử già trẻ lớn bé. Và rất nhiều màu áo trắng của "thứ 3 học trò "- tư tưởng lớn gặp nhau happy .

Bên dãy nhà ăn xếp 2 hàng ghế chia làm 2 dãy , chúng tui ngồi vào bàn. Có mấy vị Phật tử và chú tiểu dọn cho chúng tui ăn. Chùa làm rất nhiều món , nhưng tôi khoái nhất 2 món : món kiểm và mắm chay . Thức ăn ngon với lại ăn....chùa không tốn tiền nên tui với mấy đứa bạn chung lớp hì hục ặn, mồ hôi chảy khắp người.

Ăn xong , chúng tôi chuồn lẹ. Không cúng dường Phật , không lạy Phật. MỤc đích duy nhất đến chùa là ăn....chùa. Thật là tuổi thơ khờ dại , không biết làm như vậy là thiếu nợ của không biết bao nhiêu "đàn na thí chủ " đã cúng dường cho nhà chùa để đãi cho vài trăm người 1 bữa cơm ngon. Nợ này biết bao giờ trả cho xong.

Trên đường về chúng tôi ghé qua chùa Ông để xin xâm. Chùa Ông thật ra thờ ngài Quan Công do người Hoa Kiều vùng đó lập ra. Vào chùa khói nhang nghi ngút , muốn vào xin xâm phải vòng ra sau chánh điện. Ở đó có 2 miếng thẻ âm dương để mọi người xin keo. MỘt âm , một dương thì mới xin quẻ xâm được . Khói quá , cay cả mắt , tôi quăng đại 2 miếng thẻ rồi rút 1 quẻ xâm , chạy ra ngoài. Coi cây xăm số mấy rồi xin miếng giấy ghi lời giải. Ra bàn có 1 ông lão ngồi đằng trước , để ông xem rồi giải nghĩa quẻ. TÔi không nhờ ông giải quẻ giùm bởi vì tôi rút đại happy .

Thật ra tui rất sùng bái ngài Quan Thánh qua bộ truyện " tam Quốc diễn Nghĩa ". Giữa tôi và ngài hình như có liên quan nhân duyên với nhau. Ngài có bộ mặt đỏ , tôi cũng mặt đỏ, mỗi lần tôi mắc cỡ, nhất là mấy cô chọc là mặt tui như ông mặt trời. Ngài nhân nghĩa lễ trí tín đều đủ cả. Tôi chỉ học được 1 chữ "tín " của ngài mà muốn theo không nổi. Bây giờ trong bất cứ việc gì, tôi đã hứa thì phải làm, nếu không làm được thì phải xin lỗi người ta. Không được thất hứa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tôi rửa mặt cho bớt cay mắt , sau đó đi vòng vòng xem phong cảnh đợi mấy đứa bạn giải quẻ xâm. Tôi thấy 2 hàng binh đao của nhà tướng. Tôi chậc lưỡi tấm tắc khen đẹp thật. Ấn tượng nhất là 2 bên tường , người ta vẽ cảnh của " thập điện Diêm Vương ". Những cảnh trừng trị phạm nhân, máu chảy đầu rơi , quỷ "đầu trâu mặt ngựa" ,tôi nhìn mà nổi da gà ,lạnh tóc gáy. Tôi tự hỏi :

" Liệu đây có phải là sự thật hay chỉ là do người ta dựng lên để hù doạ?"

" Tại sao lại có cảnh giới Tiên , Phật , Địa ngục? "

" Sau khi chết , con người sẽ đi về đâu?"

Mỗi năm, sau mỗi lần ăn cơm chùa và xin xâm , những câu hỏi đó cứ tiếp tục vang lên trong lòng tôi.

(còn tiếp)

sangminh2006
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 01 Dec 2014, 10:26 AM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Quote sangminh2006
Giống nhãn tiêu da bò hay nhãn xuồng cơm vàng , người Trung Quốc rất thích.


Câu này Bạn lầm rồi !
Người Trung Quốc không thích đâu !!!
Mà đó chỉ là 1 trong hàng ngàn thủ-đoạn mà Người Trung Quốc muốn
giết dân ta đó !

Bởi vậy, khi viết Văn, thì tạm gọi là "văn-hoá", chúng ta phải cẩn-thận từng lời, từng chữ, kẻo...
"Văn hoá mà lầm thì hại đến muôn đời !"


AToanMT
 
sangminh2006 Date: Thứ Hai, 01 Dec 2014, 5:21 PM | Message # 6
Sergeant
Group: Users
Messages: 24
Status: Tạm vắng
bác Toàn

Cháu về sẽ nhắn lại với bà con nên cẩn thận. Thương bà con nghèo quá xá chỉ buôn bán kiếm sống qua ngày . Thấy Trung Quốc qua mua nhiều thì tưởng tụi nó thích chứ có biết thủ đoạn âm mưu gì đâu angry .Thấy có giá thì trồng thì bán, rẻ thì đốn bỏ cry

Khổ nhất vẫn là người nông dân xứ Việt sad
 
hailove Date: Thứ Ba, 02 Dec 2014, 9:21 AM | Message # 7
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
cái thủ đoạn của bọn thương lái Trung Quốc quanh đi quẩn lại cũng là qua mua với giá cao, dân mình tưởng ngon ăn tích trữ thật nhiều thì chúng chuồn vậy là ôm nợ, mà không hiểu sao dân Việt Nam mình cứ bị nó lừa hoài có 1 kiểu. sad

NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
champiqn Date: Thứ Năm, 04 Dec 2014, 7:09 PM | Message # 8
Lieutenant
Group: Users
Messages: 45
Status: Tạm vắng
 
FORUM » THÀNH VIÊN » TRUYỆN BÌNH THƯỜNG » Những nẻo đường tầm đạo của tôi (truyện hồi ký)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO