Thứ Sáu
26 Apr 2024
5:58 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGOẠI QUỐC » BÓNG TỐI CỦA KÝ ỨC (THÁI HÀ (Dịch))
BÓNG TỐI CỦA KÝ ỨC
atoanmt Date: Thứ Bảy, 06 Apr 2013, 1:09 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
BÓNG TỐI CỦA KÝ ỨC

Thái Hà


Câu chuyện của một đứa bé gái mồ côi nay đã là một phụ nữ ở tuổi 30, thành công trên thương trường, cứ mãi vương vấn bên lòng câu hỏi, “Liệu cái người đàn bà thời xa xưa đó muốn nhận cô làm con nuôi có thật lòng yêu thương cô không?”


Bất cứ ai lớn lên cùng một cách như Regina Louise sẽ hiểu thế nào là ngờ vực những gì còn ghi trong ký ức mình: bị cha mẹ bỏ rơi, bị những người chăm sóc hành hạ, lưu lạc từ nhà nuôi trẻ mồ côi này qua nhà nuôi trẻ mồ côi khác, ngay cả những kỷ niệm hạnh phúc nhất cũng tựa như giấc mơ không có thật.

Louise nhớ lại có lần nó suýt được một phụ nữ nhận nó làm con nuôi. Bà ấy dẫn nó đi xem vũ Ba Lê, đi nghe nhạc cổ điển, dạy cho nó lòng tự tin và may cho nó chiếc áo đầm mầu xanh da trời, phía trước thêu hình cầu vồng với một trái tim.
Thế rồi bà ta biến mất tăm khỏi đời nó!

Năm 1999, Louise 37 tuổi, trở thành chủ nhân của hai tiệm uốn tóc nổi tiếng và đông khách tại vùng Vịnh, cô bắt đầu ngồi xuống viết hồi ký đời mình. Quanh cô, không có một ai có thể giúp cô xác minh những gì đã xảy ra trong quãng thời gian này.

Chỉ có những vết sẹo trên thân thể cô làm chứng cho những trận đòn thế nhưng cái áo đầm màu xanh thì thế nào, liệu nó có thật hiện hữu không?
Tình thương yêu của người cho cô chiếc áo ấy quả sâu sắc vậy sao?
Có vẻ như trí nhớ lẫn lộn với huyền thoại. Có vẻ như những điều đó chưa bao giờ xảy ra cả.

Trong tập hồi ký có tựa đề “Somebody's Someone” được bày bán tại các tiệm sách vào mùa Hè năm 2003, Louise chỉ viết xuống những gì cô còn nhớ được hay đã cảm nhận, không mảy may ngờ rằng việc này có thể làm thay đổi tương lai cô như giấc mơ cô hằng ôm ấp lúc tuổi thơ.

Còn nằm nôi, cô đã bị mẹ ruột bỏ rơi ở Austin, Texas. Bà giao cô cho một người đàn bà chuyên giữ trẻ trong khi cha cô rất mơ hồ về sự hiện diện của cô trên mặt đất này.
Louise thường xuyên bị ngược đãi. Năm 11 tuổi, cô trốn đi North Carolina để mong gặp mẹ nhưng bà không muốn có cô trong đời bà nữa. Cô bị gởi qua Richmond, California, nơi cha cô đang sinh sống song ông khước từ nhận lại đứa con gái khốn khổ của mình. Sau cùng, cô bị đưa vào nhà nuôi trẻ mồ côi.

Năm 1975, buổi tối trước ngày sinh nhật thứ 13, cô bước chân vào trạm tiếp cư trẻ vô thừa nhận thuộc thành phố Cảng Martinez. Lúc đó, Jeanne Taylor làm việc cho trung tâm, bà nhìn thấy nơi Louise những tiềm năng tốt trong khi đám đông xung quanh chỉ thấy nết hư tật xấu của cô bé.

Bà nâng niu, bảo dưỡng những tiềm năng ấy bằng cách dẫn cô bé đi xem kịch nghệ, xem vũ Ba Lê, chỉ cho bé thấy những triển vọng tốt đẹp của bé trong tương lai. Có lần thấy Louise mang đôi giầy ăn cắp của ai đó, Taylor bảo cô đem trả. Trong mọi trường hợp, bà khuyến khích Louise xử sự tử tế. Taylor muốn nhận cô làm con nuôi và Louise không mong ước gì hơn thế.

Tuy nhiên, vài cán sự xã hội và cả Hiệp Hội Cán Sự Xã Hội Da Màu Toàn Quốc lại có khuynh hướng đưa trẻ da đen vào các gia đình da đen, tin rằng điều này thích hợp hơn cho lũ trẻ. Tiếc thay, Taylor da trắng, còn độc thân ở tuổi 31 nên tòa án bác đơn.

Chuỗi ngày lưu lạc
Từ khước của tòa án đưa tới chuỗi ngày lưu lạc của Louise trong suốt thời niên thiếu. Cô trải qua ít nhất là 30 địa điểm nuôi trẻ vô thừa nhận, nổi tiếng với thành tích đi hoang. Cô bé ngây thơ nghĩ rằng cứ liên tục trốn khỏi những nơi cô không thích như thế, sẽ có lúc một vị cán sự xã hội nào đó cho phép cô được sống với “mẹ” Taylor của cô.

May mắn ấy không đến với Louise. Cô bị gởi tới một nhà trừng giới hết sức nghiêm nhặt dành cho trẻ bất trị. Cô đơn đã khổ nhưng chưa đủ, giờ đây, cô bị những người canh giữ cô cho là cô mắc bệnh tâm thần. Họ bắt cô phải uống thuốc.

Thỉnh thoảng, Taylor thăm viếng cô nhưng rất hạn chế. Bà không được phép đón cô ra ngoài, nhiều lắm là cả hai ngồi trên xe, lái chạy vòng vòng quanh bãi đậu để trò chuyện.
Sau đó, đột nhiên Taylor bặt tin. Louise không hiểu nguyên nhân việc này, cô trăn trở suốt nhiều năm với câu hỏi không có lời giải đáp.

Dẫu sao, sự kiện Taylor thương yêu cô, tin cậy cô, đã cứu rỗi đời cô. Nó khiến cô muốn sống có ý nghĩa. Cô học rất khá, được ít nhất bẩy đại học nhận cô vào năm thứ nhất.
Với mớ hành trang nhét đầy cái túi rác, cô giã từ nơi tạm cư cuối cùng để bước vào San Francisco State, hoàn toàn cô độc như khi cô bước vào căn nhà nuôi trẻ đầu tiên.

Cô vẫn sẽ là kẻ vô gia cư, không có một mái nhà để nhớ về, một gia đình để thăm viếng trong dịp lễ lạt, không cả một người sẽ nói với cô:
“Con yêu ơi, ta hãnh diện vì con.”

Louise học bộ môn Xã Hội và Kịch Nghệ nhưng cô không tốt nghiệp ngành nào cả. Ở tuổi 23, cô có một con trai. Cô lập gia đình rồi ly dị. Sau nhiều năm u buồn, cô lại có những bước đi chệnh choạng trong đời. Làm việc cho một trung tâm tạm tuyển nhân công, đi bỏ báo, có một thời gian cô phải sống nhờ nhà cứu trợ dành cho phụ nữ.

Một khúc quanh mới đến với Louise khi cô tìm lại giấc mơ thời niên thiếu: cô từng muốn trở thành người thợ làm tóc! Cô trở lại trường, ghi tên học ngành thẩm mỹ. Ra trường, cô xin tập sự với Vidal Sassoon. Thời gian qua, cô và một cộng sự viên hùn nhau mở tiệm riêng. Thành công ở tiệm này, họ mở tiệm thứ hai.

Mặc dầu cuộc sống nay đã khởi sắc hơn, quá khứ vẫn đeo đẳng Louise. Cô quyết định ngồi xuống, viết một cuốn sách, theo cô, là cách tốt nhất để ra khỏi những ám ảnh cũ.

Khám phá kỳ thú
Khi những nhân vật có trách nhiệm nhuận sắc cuốn sách của Louise hỏi cô xem họ cần tiếp xúc với ai để có thêm phần bổ sung cho câu chuyện cô kể, cô viết thư cho Sở Xã Hội để xin trích xuất hồ sơ cá nhân của cô.
Chính là trong mớ giấy tờ này, cô tìm thấy điều bất ngờ: những lá thư bà Taylor gởi cho cô nhiều năm trước mà không một người nào ở cái cơ quan xã hội ấy thèm bận tâm chuyển cho cô.
Trong một thư, viết năm 1976, Taylor bày tỏ:
“Mặc dầu chúng ta phải một mình đối phó với vài việc trong đời, con luôn luôn ở trong ý nghĩ của ta và trong lòng ta.”

Giờ đây, thay vì trả lời cho nỗi ngờ vực năm xưa, những lá thư cũ đã lay thức trở lại nỗi ngờ vực ấy. Louise tự hỏi:
“Nếu ngày đó bà đã thương yêu tôi, bây giờ bà ở đâu? Bà đã quên tôi rồi ư?”

Phần Louise, cô không bao giờ quên Taylor. Cô tự vấn cả ngàn lần những câu:
“Bà ở đâu bây giờ? Ðiều gì đã xảy ra?”

Louise khởi sự tìm kiếm Taylor trên Internet, rà soát sổ bộ hôn thú, thậm chí dán cả cáo thị ở nơi họ cư ngụ ngày xưa.
Vào thời điểm cuốn sách sắp ra mắt, một người bạn cho cô danh sách những địa chỉ khả dĩ truy tìm được Taylor. Louise trở lại Bakerfield, đi lùng sục qua hết mọi địa chỉ trong khu vực, ao ước được nhìn thấy Taylor mở cửa và cười vui chào cô nhưng may mắn ấy đã không xảy ra.

Sau khi cuốn sách ra thị trường, Louise được một tờ báo vùng Bay Area phỏng vấn. Trong một lúc nóng nẩy, Louise gọi tên thật của Taylor thay vì cái tên giả như trong truyện. Bài báo lọt vào mắt một cựu nữ nhân viên từng làm việc tại nhà tạm trú Martinez 25 năm trước và bà đã giúp tìm ra tung tích Taylor hiện sống tại bang Alabama.

Tuần lễ đầu tiên của chương trình du hành giới thiệu sách, một điện thư tới trong cái laptop của Louise, đem theo câu:
“Ta rất tự hào về con, con yêu ơi!”

Louise đọc thư, nghĩ thầm ai đó muốn trêu ghẹo cô. Chữ nghĩa khả nghi, cũng chẳng gây xúc động nhiều song nội dung điện thư, với tên ký ở dưới “Jeanne”, hết sức rõ ràng:
Người đàn bà mà Louise dốc lòng tìm kiếm muốn cô điện thoại tới. Ðắn đo nữa là thừa, Louise đậy nắp máy vi tính xách tay của cô.

Giây phút chờ đợi
Vài ngày sau, Louise quay số điện thoại, chờ đợi nghe tiếng máy nhắn tin thế nhưng không, chính cái giọng lảnh lót như hát của Taylor trả lời bên kia đầu dây:
“Hello-o-o?”
Louise nghẹn thở, cô lắp bắp:
“Tôi xin nói chuyện với... Phải Jeanne đó không?”

Ðến lượt Taylor hụt hơi:
“Ôi, con đó ư? Con bé bỏng của ta đó ư, đứa con đầu lòng của mẹ! Mẹ không lúc nào ngừng thương nhớ con. Mẹ thương con lắm... Mẹ thật đã cố gắng...”

Louise phải kéo điện thoại ra xa để tiếng cô khóc không vọng vào ống nghe.

Sự thực
Câu chuyện trao đổi sau đó giữa hai người đàn bà là để phác họa lại mấy thập niên xa vắng.

Sau khi đơn xin nhận Louise làm con nuôi của Taylor bị tòa án bác bỏ, bà vẫn cố giữ liên lạc với Louise nhưng thư bà viết đi không có hồi âm. Bà nghĩ là cô bé đã đủ lớn để không cần bà nữa, mặt khác, bà cũng không thể làm lay chuyển quan điểm của các cán sự xã hội và tòa án, những người in trí như đinh đóng cột là bà không thích hợp với vai trò làm mẹ cô bé.

Rồi Taylor (trong trí nhớ của Louise, bà có tên là Jeanne Kerr) kết hôn. Bà lấy một quân nhân, mang họ của ông ta và rời vùng Bay Area. Họ có với nhau một con trai, dời đổi chỗ ở qua nhiều nơi.
Gặp lại nhau cũng tựa như hoàn tất được một câu viết bị gián đoạn đã lâu lắm. Taylor vẫn muốn chính thức nhận Louise làm dưỡng nữ như thời xa xưa ấy. Bà gọi cho chồng hiện đang đồn trú tại Iraq, bàn chuyện cùng ông. Sau đó, bà gọi Louise và hỏi:
“Liệu con có còn muốn làm con của ta không?”

Louise hứa cô sẽ gọi lại bà. Gác điện thoại, Louise đến đứng trước gương, tập uốn môi để phát âm chỉ một chữ mà cô đã gìn giữ trong bấy lâu cho giây phút này. Rồi cô gọi Taylor, trả lời: “Mẹ ơi!”

Ðối diện
Vài tuần sau, Louise vẫn đang ở giữa cuộc du hành giới thiệu cuốn hồi ký của cô khi cả hai người hẹn gặp nhau tại phi trường La Guardia, Nữu Ước. Máy bay tới chậm mấy tiếng đồng hồ, vừa ngồi chờ, Louise vừa nhớ lại những lúc Taylor phải lái xe chở cô chạy vòng vòng bãi đậu để nói chuyện vì cô không được phép ra khỏi phạm vi nhà trừng giới.

Giờ đây, chẳng có viên cán sự xã hội hay bất cứ ai khác có thể phán là sự lựa chọn tình thân của họ là không đúng. Thay vào đó, Louise có xe hơi đẹp với tài xế, mang theo cô, kẹo chocolat Godiva và chiếc khăn quàng lụa cashmere để làm quà.

Khi máy bay hạ cánh, Louise nhận ra Taylor ngay. Vẫn dáng vẻ mảnh mai, mái tóc muối tiêu để dài, bà hối hả chạy ùa đến chỗ cô. Cả hai ôm lấy nhau, khóc, cười, nhìn ngắm những đổi thay và cả nét nguyên vẹn trải qua với thời gian.

Taylor trao cho Louise cuốn album nhỏ, trong đó có hình Louise cùng đi xem vở kịch The Nutcracker với Taylor hoặc cả hai cùng vui đùa trong một công viên có nhiều trò giải trí. Cũng có cả hình tấm áo đầm mầu xanh da trời mà Taylor tự tay thêu thêm phía trước ngực cho cô chiếc cầu vồng và mấy quả tim.

Giờ đây, Louise hiểu rằng niềm hy vọng làm nền tảng cho đời cô không phải là câu chuyện thần tiên trong hoang tưởng của một đứa bé khao khát tình thương. Chiếc áo là sự thật. Và Taylor trở lại với cô, đem theo bà quá khứ như món quà tặng vô giá.

Ngày 20 tháng 11 năm 2003, cũng tại tòa án quận Contra Costa nơi một vị chánh án từng bác đơn xin con nuôi do Taylor đệ nạp nhiều thập niên trước, nay chứng kiến Taylor, 59 tuổi, nhận Louise, 41 tuổi, làm nghĩa nữ.

Thái Hà dịch


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 06 Apr 2013, 4:45 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Đôi khi, mình bắt gặp những hình ảnh nhân đạo như thế này, trong phim ảnh, tiểu thuyết và ngoài đời ở xã hội Tây Phương.

Sống nhiều năm ở xứ Người, mình thấy họ dể thân thiện nhưng lại khó gần, dể hoà đồng nhưng không thể kết làm bạn, họ vồn vả nhưng lạnh lùng, ích kỷ cả với quan hệ vợ chồng, nhưng bù lại họ rất nhân đạo. Phải nói là nhân đạo hơn người Việt Nam.

Không hiểu sao, người Việt mình rất hiếu chiến và hơi bị ác, tuy rằng ca dao tục ngữ Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc hiền lành hiếu thuận.

Con nuôi, con ghẻ, con ruột trong xã hội Việt Nam đều có vị trí khác nhau. Tuỳ theo nhu cầu của gia đình mà có ca'ch đối xữ khác nhau.Đôi khi thiếu cả trách nhiệm làm cha làm mẹ của người ta.

Mình ít khi coi truyện Tây phương do ảnh hưởng văn hóa, do cách đối thoại của nhân vật và do nội dung không phù hợp với tình cảm Việt. Đôi khi coi phim bị ảnh hưởng 2 nền văn hóa Đông Tây cấu xé tư tưởng mình, làm mình cũng muốn tửng tửng. Lấy văn minh bên này áp dụng vào văn hóa bên kia đôi khi trở thành dị hợm.

Đôi khi mình nhìn và quan sát gương mặt ông Tây bà Đầm mình thấy họ giống quỷ sứ. Và khi mình quan sát gương mặt của Người Việt ( người Á Châu ) thì mình thấy giống ma trơi xấu xí. ( Dĩ nhiên lúc ấy mà mình tự soi gương thì mình cũng muốn ói rồi )

Con Người ai cũng có số mạng, dù là một đứa con bất hạnh như trong truyện cũng có một số mạng được an bài, nhưng có bao nhiêu đứa trẻ bất hạnh như thế có được một số phận như vậy???

Cái này phải hỏi Ông Trời, hay phải tự Tu Thân để thoát được những khổ lụy trần ai của hậu kiếp???


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Bảy, 06 Apr 2013, 4:49 PM
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGOẠI QUỐC » BÓNG TỐI CỦA KÝ ỨC (THÁI HÀ (Dịch))
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO