Thứ Sáu
26 Apr 2024
8:16 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN TÔN GIÁO » ÐỨC THÁNH TRẦN
ÐỨC THÁNH TRẦN
LSK Date: Thứ Tư, 03 Oct 2012, 2:47 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
ÐỨC THÁNH TRẦN
Thạch Hà Võ Sum




Lúc nhỏ tôi chỉ thường được nghe nói đến Ðức Thánh Trần, chứ tuyệt nhiên trong gia đình, cha mẹ tôi không bao giờ dùng danh xưng Trần Hưng Ðạo. Bởi vì đó là một phong tục người xưa rất kiêng; cho là vô lễ đối với những bậc tiền bối khả kính.

Dạo ấy cha tôi đổi lên miền Thượng du, làm Quản Ðạo (Tỉnh Trưởng) tỉnh Kontum. Cả tỉnh có mười làng, mà hết tám làng theo Thiên Chúa giáo. Còn lại hai làng Phật giáo, nhưng chưa có nơi thờ tự. Việc đầu tiên cha tôi làm, là đôn đốc xây dựng một ngôi Chùa. Ðiều đặc biệt là hồi ấy, cách đây năm mươi năm, chưa ai ấn định sự thống nhất trang trí và thờ phụng tại các Chùa, cho nên "mạnh ai có gì thì mang ra trưng bày" và việc thờ tự cúng kính thật là đa dạng .

Trong ngôi Chùa nhỏ ấy, được sắc tứ của Hoàng triều ban tên là Bác Ái tự. Trong Chùa thờ phượng ngoài các pho tượng Phật và các Long thần Hộ Pháp, Tiêu diện, lại có cả Ðức Quan Thánh, Thánh Mẫu Thượng ngàn Thiên-Y-A-Na, và Ðức Thánh Trần nữa.

Tôi nhớ dạo ấy, người ta đi Chùa không những để lễ Phật, mà phần đông còn để xin xăm Ông (tức là Ðức Quan Thánh) và xin trừ tà (chữa bệnh điên), tại bàn thờ Ðức Thánh Trần nữa.

Bây giờ với sự thống nhất của Giáo Hội Phật giáo, các Chùa Việt Nam chỉ thờ Phật, hay nói cho đúng hơn, là thờ các đức Phật của tất cả các thời gian.

Các vị Thánh được thờ trong các Ðiện, hoặc Ðền. Tại các nơi thờ Thánh, nhất là Thánh Mẫu Thiên Y, hay Thánh Trần; các Bà và các Cô thường hay lên "đồng", có cung văn phụ họa nhạc đệm, nghe rất hấp dẫn, vui tai. Nếu tại Mỹ mà có nhiều Ðền, Ðiện "chầu văn" và "hầu đồng" thì chắc dễ phát triễn hơn các Chùa thờ Phật.

Việc tách riêng Phật và Thánh như vậy thật đúng. Bởi vì Phật thì từ bi, hỷ xả,mục đích dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi, đau khổ, nhưng ai muốn theo thì theo, không bắt buộc. Phật Tử đến Chùa để tu tâm, tịnh độ, sám hối tội lỗi, chứ không phải để van xin, cầu nguyện dành sự tốt đẹp về cho bản thân mình và gia đình mình.

Thánh khác Phật ở chỗ Thánh là những bậc vĩ nhân, cũng có độ lượng, bác ái, nhưng không phải là kẻ xuất gia giữ giới. Những vị Tướng lỗi lạc hiễn hách chắc chắn phải "tàn sát" rất nhiều ngoài trận mạc, nếu không thì làm sao có câu "Nhất tướng công thành vạn cốt khô".

Như vậy thì những vị Tướng hiễn Thánh như Quan Công hay Trần Hưng Ðạo đều đã phạm giới "sát sanh", một trọng giới mà mọi Phật tử tại gia hay xuất gia phải giữ. Mặc dầu sau khi hiển Thánh và được người đời tôn thờ, các vị Thánh cũng không thể thuộc vào hàng Bồ Tát, và cũng không bao giờ thành Phật được.

Thánh không dữ như người đời thường rủa nhau "Trời đánh Thánh vật". Thật ra Thánh có phạt, hay là la rầy, nếu chúng ta "vô lễ", hay là "thất lời hứa".

Ðối với Phật, hay Chúa, bổn đạo "thất lời hứa" là thường, không bao giờ có sự Phật phạt, hay Chúa phạt. Biết bao nhiêu người vượt biên, trong khi khốn khổ thì kêu cứu van xin và hứa nguyện với Chúa, Phật đủ điều, nhưng khi đến đất liền, nhất là đến "đất hứa" rồi thì mãi lo tìm "job thơm", lo "oen-phe" , không còn nghĩ gì đến Chúa, đến Phật nữa. Thì giờ nhàn rỗi cuối tuần còn dành để "ăn-doi" (enjoy) và "rì-lắc"(relax) tại vũ trường hay phòng trà ca nhạc.

Nhưng nếu đã hứa với Thánh thì phải cẩn thận. Thánh có nhiều cấp dưới Thánh, có Thần. Người đời thường nói chung "Thần Thánh" cho nên hay hiểu lầm và đổ lỗi "oan". Theo tôi nghĩ thì các bậc Thánh như Trần Hưng Ðạo, Quan Công, Quang Trung,... không hay bắt bẻ, chấp nê, nếu chúng ta có phạm lỗi lầm sơ suất nhỏ nhặt. Nhưng đối với các vị Thần ở cấp nhỏ thì nên cẩn thận hơn.

Thần cấp nhỏ thường trú nhậm tại các miều, đình. Tục ngữ ta có câu: "Chớ thấy miễu rách mà khinh, Miễu rách mặc miễu, thần linh hãy còn".

Ông Cụ tôi kể chuyện lúc còn hàn vi, ông đang làm thông phán tại toà Khâm sứ Huế. Một hôm cỡi ngựa về thăm làng quê, đi ngang qua đồng Hương Thủy, gần trưa nắng gắt, thấy bên đường có một cây cổ thụ bóng mát, ông ghé vào cho cả người lẫn ngựa nghỉ ngơi.

Thấy cái miễu nhỏ đổ nát, ông thầm khấn nguyện: " Thần linh thiêng xin hãy phù hộ cho tôi ăn nên làm ra, công thành danh toại, thì tôi sẽ không quên ơn...".

Hai mươi năm sau, lúc ông đổi đi làm Tỉnh Trưởng, nghĩa là cải ngạch thư ký ngành Bão Hộ để qua Nam Triều làm việc với nhà Nguyễn, thì một đêm ông nằm chiêm bao thấy một vị "Thần" đến nhắc nhở:
- " Lúc xưa hàn vi ông có khấn nguyện những gì...sao nay ông quên lời...".

Ông Cụ tôi toát mồ hôi, vì ông còn nhớ rõ lắm, nhưng không ngờ " Thần" rất coi trọng lời thệ nguyện. Thế là ông giao công tác cho bà Cụ, Bà phải sắm lễ vật lên đường tìm về vùng cũ để tạ ơn và cáo lỗi.

Bà Cụ tôi về đến nơi nhưng không làm sao tìm ra được đúng chốn cũ ; vì cảnh vật đổi dời sau bao nhiêu năm xa cách. Bà đã dừng bên đường, bày lễ vật ra cúng tế và khấn nguyện rất chân thành, trang trọng. Từ đấy câu chuyện xem như chấm dứt vì lương tâm ông Cụ tôi không còn bị cắn rứt nữa.

Thần cấp nhỏ hay nhận lời giúp đỡ, và một khi khấn nguyện thì bạn phải giữ đúng lời hứa. Nhưng dù sao khi bạn "chơi chữ" trong giao kèo để nắm phần lợi về mình, "Thần" cũng chỉ đành chịu cười thua.

Chuyện kể rằng:
Có chàng lái buôn, vì công việc phải cỡi ngựa đi băng qua rừng và bị lạc đường trong khi trời giông tố bão bùng, mưa to gió lớn. Anh lái buôn mới khấn với Thần linh giữa rừng rằng:

“Xin Chư vị Thần linh cứu tôi ra khỏi rừng già . Sau khi tai qua nạn khỏi, về được đến nhà yên ổn, tôi sẽ bán con ngựa nầy để cúng tạ Thần linh."

Chừng một giờ đồng hồ sau đó, trời quang đãng dần và anh chàng cũng tìm được về đến nhà. Sáng hôm sau anh ta giữ lời hứa rao bán:

"Một con gà và con ngựa, giá tổng cộng là 90 đồng. Con gà giá riêng là 89 đồng và con ngựa giá 1 đồng. Ai muốn mua phải mua cả cặp gà và ngựa".

Dù giá tiền có vẻ kỳ quái nhưng tính chung lại thì hợp lý nên có người mua ngay. Và anh ta lấy số tiền bán con ngựa 1 đồng để sắm lễ vật tạ Thần. Lương tâm anh ta không cắn rứt, nhưng chắc Thần không vui lòng trứơc sự thông minh vặt ấy.

Các bậc Thánh lớn như Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo, đã đuợc Hải Quân Việt Nam tôn kính chọn làm Thánh Tổ, chắc chắn phải ngự trị tại một vùng "Trời", hay là một " Thiên hà" riêng biệt trong không gian vũ trụ. Các Ngài không phát những lời đại nguyện rõ rệt như các vị Bồ Tát trước khi thành Phật, nhưng các Ngài còn nặng vướng cảm tình với thế giới ta bà, với nhân loại đau khổ, cho nên các Ngài rất sẵn sàng đáp ứng những lời cầu nguyện van xin và sẵn sàng cứu giúp trong mọi trường hợp.

Vì tính cách riêng biệt như thế cho nên các vị hiễn Thánh thường được tất cả các tôn giáo sùng kính, không có sự phân cách chia rẽ hay kỳ thị. Bằng chứng cụ thể là một Hạm Trưởng có thể thuộc Thiên Chúa giáo; khi làm Lễ Khánh thành Chiến Hạm, linh mục Tuyên Uý được mời đến ban phép lành .

Hoặc Hạm Trưởng thuộc Phật giáo, có Ðại Ðức Tuyên uý Hải Quân đến làm lễ cầu an, truớc giờ phút " đập vỡ đầu" chai sâm-banh. Nhưng Hạm Trưởng nào cũng cầu nguyện chung một vị Thánh tổ là Ðức Trần Hưng Ðạo, mỗi lần gặp nguy biến trong khi hãỉ hành ngoài xa khơi mù mịt.

Chúa hay Phật, hay bất cứ một vị Giáo chủ của một Tôn giáo đứng đắn nào trên thế giới, đều là những vị đã "thành tựu", đã đạt được chánh quả, và việc cứu nhân độ thế của họ nhằm vào đại sự. Các bậc Thánh, trái lại, phần nhiều khi chết vẫn chưa toại ý nguyện quá lớn lao của họ lúc còn sống. Anh linh hiễn hách của họ còn vương vấn, thiết tha với cõi trần, và họ còn muốn tiếp tục đóng góp thêm nhiều nữa với trần thế .

Ðọc đến đây có bạn sẽ hỏi:
-"Rõ khéo bày đặt, Thánh tổ để làm gì và có ích lợi gì?".
Nếu người hỏi thuộc về phái "vô thần", nghĩa là vô Tôn giáo thì thôi, xin miễn trả lời. Nhưng nếu người hỏi có được một Tôn giáo gốc chính chắn, đàng hoàng, thì sự ích lới của vị Thánh tổ là ở vai trò đoàn kết, tôn giáo, san bằng các sự dị biệt, kỳ thị vì tôn giáo.
Và như trên tôi đã đề cập, vị Thánh tổ gần với chúng ta hơn, để đáp ứng mọi sự nguyện cầu khẩn trương mà Chúa và Phật không cứu xét trực tiếp.

Các cụ xưa có nói "Linh tại ngã, bất linh tại ngã" (Việc linh thiêng có hay không là cũng tại nơi mình tin hay không tin". Kẻ không có đức tin hay là không biết tin, không hẳn là những kẻ "vô thần", và cũng không phải là những kẻ tinh thần luôn luôn mạnh mẽ.

Ðức tin do truyền thống và giáo dục gia đình gieo vào con người từ thuở nhỏ. Lúc trưởng thành, với lý trí và phán đoán, chúng ta loại bỏ những sự mê tín dị đoan , chỉ giữ lại tinh hoa của niềm tin.

Người có đức tin có đời sống tâm linh phong phú, ngoại-cảm giác quan bén nhạy, trực-giác và linh tính dồi dào . Biết sống với nội tâm, hợp với mọi hoàn cảnh, không thấy đau khổ; vì chấp nhận mọi khổ đau chỉ là một ‘vô thường” trong cảnh giới vô thường mà thôi !

Ðối với người có đức tin, thì Ðức Thánh Trần vẫn là Ðức Thánh Trần, ngự trị nơi cõi "Thiên hà" xa lắc. Nhưng hình ảnh Ngài đã in sâu vào tiềm thức họ như một vì sao sáng, một ngọn Hải đăng. Khi cần thiết, họ chỉ định tâm hòa mình vào thế giới tâm linh ,là gặp ngay ánh sáng ngọn Hải đăng đã trang bị sẵn trong tiềm thức hướng dẫn vào cảnh giới an lạc ....


Nguồn: vomyngoc.com
 
LSK Date: Thứ Năm, 04 Oct 2012, 0:35 AM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Phát hiện tượng Trần Hưng Đạo ở vùng châu Ô, châu Lý cũ

Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần
7/1/ 2010


Pho tượng đồng chúng tôi được chiêm ngưỡng quả là một phát hiện hiếm có. Tượng mô tả một người ngồi trên bệ ngai hai cổ tay đeo tràng hạt nắm vào nhau theo tư thế bắt quyết, mặt hơi ngẩng thể hiện dung nhan đầy đặn, sáng sủa, tươi tắn, khoan dung với cặp môi cười mỉm và đôi mắt mở to.

Điều mới mẻ của pho tượng là phong cách thể hiện phối trộn những yếu tố nghệ thuật trang trí đồ đồng truyền thống ở Tây Nguyên, nghệ thuật Chăm Pa và nghệ thuật làm tượng Đại Việt.


Gần như chúng ta chưa bao giờ phát hiện tượng đồng Trần Hưng Đạo trong thời Phong kiến.


Pha trộn phong cách nghệ thuật 3 vùng miền

Pho tượng ở tư thế ngồi với tổng chiều cao khoảng hơn 60cm. Phần thân người được khoác bộ trang phục nhà quan với chiếc áo khoác ngoài có phần cổ cánh sen trang trí hoa văn, trước ngực sẻ hình chữ T ngược thường thấy trong các tượng làm bằng gỗ hay đất thời Lê. Nếu chỉ nhìn bức tượng từ phần cổ trở xuống, ta dễ dàng nhận ra sự quen thuộc với các tượng trong các đền chùa miền Bắc nước ta ở thời Lê, Trịnh. Tuy nhiên, cách trang trí bệ ngồi và nhất là cung cách thể hiện nét mặt và chiếc mũ cánh chuồn phản ánh tính địa phương rõ nét của nghệ nhân làm tượng.

Bức tượng thể hiện một người đàn ông không có râu, không lông mày, mắt rộng hơi nhếch cười nhưng không có con ngươi và nếp mí, mang phong cách chân dung tượng Chăm rất điển hình. Trên đầu bức tượng đội mũ cánh chuồn, nhưng không giống các mũ cánh chuồn miền Bắc mà được tạo một bản hình tròn ở trên và hai cánh cong như lá cây ở hai bên. Chính giữa bản tròn phía trên là đồ án trang trí gồm hai hình chữ C xoắn hai đầu úp lưng vào nhau tương tự đồ án điển hình của những chiếc “hộ tâm phiến” bằng đồng trong văn hóa Đông Sơn. Phía dưới là một bông hoa đào bốn cánh ở giữa có gắn một viên đá quý màu xanh đen. Viền trang trí trên mũ cánh chuồn thống nhất chung với mọi băng viền trang trí trên bệ ngai tượng, đó là viền băng hình quấn thừng đối xứng giống như các nhánh đôi của bông lúa mạch. Băng trước trán cũng được trang trí tương tự, nhưng được bổ sung thêm một băng phía trên tạo bởi những hình chữ C xoắn hai đầu nằm ngửa. Cách trang trí hình xoắn thừng (hay hình bông lúa) và hình sợi dây cuốn chữ C và chư S xoắn hai đầu là phong cách điển hình của nghệ thuật Tây Nguyên.

Trên cổ bức tượng là một vòng hạt chuỗi gần giống tràng hạt của tăng lữ. Tràng hạt như vậy còn thấy được đeo trên hai cổ tay bức tượng tôn thêm vẻ thánh thiện mộ đạo của nhân vật.

Bức tượng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên khi xem xét kỹ chúng tôi nhận thấy hai bàn tay bắt quyết trước ngực dường như cầm nâng một vật gì đó đã bị gẫy từ trước. Có thể đó là một thanh kiếm. Như vậy, xét trang phục, mũ đai có thể nhận ra tư thế của một vị quan, nhưng cách thể hiện khuôn nét mặt lại như một vị thánh. Điều này đã được giải mã nhờ những dòng chữ khắc chìm sau lưng bức tượng.

Vì sao Trần Hưng Đạo viết thành Trần Hương Đạo?

Phía sau bức tượng, nghệ nhân đã khắc chữ thành 4 dòng với tổng số 9 chữ. Dòng trên cùng có 4 chữ Đại Vương Thượng Thần khắc ở phía trên tấm đỡ lưng hình chữ nhật. Điều đáng lưu ý là chữ Đại sai chính tả. Đó là chữ Đại mang nghĩa Đời, Thời Đại chứ không phải chữ Đại là to lớn, vĩ đại trong nghĩa đúng của chữ Đại Vương. Dòng thứ hai gồm ba chữ Trần Hương Đạo được khắc ở chính giữa tấm đỡ lưng, ngay trên đai thắt lưng. Lưu ý là Hương chứ không phải là Hưng. Dòng thứ ba có một chữ Trần khắc ở bên dưới đai thắt lưng. Dòng thứ tư có một chữ không đủ nét, có thể là chữ Thần (?) khắc ở chính giữa phía dưới bên ngoài tấm đỡ lưng.

Nhờ những chữ này mà việc giám định và định danh bức tượng được dễ dàng hơn rất nhiều. Rõ ràng đây là một bức tượng Trần Hưng Đạo. Theo chủ nhân bức tượng thì người dân ở một vùng Miền Trung đã đào được báu vật này trong một am gạch. Nghiên cứu cách phát âm của nhiều địa phương miền trung (kể từ Hà Tĩnh trở vào) cho thấy chữ Hưng thường đọc là Hương. Việc khắc chữ Trần Hương Đạo thay cho Hưng Đạo phản ánh rõ vùng đất đã đúc ra bức tượng này là vùng miền Trung ở thời điểm còn mang đậm phong cách nghệ thuật Chăm Pa và Tây Nguyên. Nét chữ khắc chân phương nhưng không nhà nghề lại sai chính tả đã chứng tỏ tính dân dã của thợ tạo tượng. Vậy nguồn gốc và niên đại bức tượng này thế nào?


Phía sau bức tượng.


Hé mở những vấn đề lịch sử

Kích thước tượng chỉ phù hợp với những điện thờ dòng họ. Và điều đó gợi ý hướng tìm tòi nguồn gốc bức tượng từ những quan lại họ Trần đã theo chúa Nguyễn vào khai khẩn xứ Đàng Trong ở thế kỷ 16-17.

Theo sách Ô Châu Cận lục của Dương Văn An, người sống ở thế kỷ 16, thì từ cuối đời Trần, đặc biệt dưới thời khuynh loát của Hồ Quý Ly cuối TK 14 đầu TK 15, vùng Thuận Quảng đã có nhiều dòng tộc người Việt vùng Hoan Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh) vào khai khẩn cùng người địa phương. Trong đó, họ Hồ và họ Trần chiếm số đông và thuộc vào những danh gia vọng tộc trong vùng. Trong Ô Châu Cận lục Dương Văn An đã liệt kê tới hàng chục nhân sĩ họ Trần, nhiều người khi đó đã được lập đền thờ.

Vào thời bắt đầu xưng vương của chúa Nguyễn ở Thuận Quảng nổi lên vai trò của một viên quan họ Trần làm Khám lý cai quản Phủ Hoài Nhân (vùng đất Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), đó là Trần Đức Hòa. Chính vị quan này đã có công lớn chiêu nạp Đào Duy Từ dưới trướng vào năm 1625 rồi hai năm sau (1627) giới thiệu Đào Duy Từ với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Tương truyền, Trần Đức Hòa thuộc dòng dõi nhà Trần, làm quan và theo chúa Nguyễn vào trấn thủ Thuận Hóa.

Phân bố đền thờ Trần Hưng Đạo dày đặc ở miền Bắc nước ta. Tuy nhiên khá vắng bóng ở vùng châu Ô Châu Lý. Việc đưa tượng Trần Hưng Đạo vào thờ ở vùng Chăm Pa cũ như một Thượng đẳng thần rõ ràng gắn liền với những quan lại họ Trần trong vùng mà một trong những nhân vật họ Trần có nhiều uy tín và thế lực nhất ở vùng đất Thuận Quảng ở thế kỷ 17 là Trần Đức Hòa. Vì thế có cơ sở để nghĩ rằng Trần Đức Hòa đã cho thợ địa phương đúc tượng này để thờ vọng Đức Thánh Trần như cung cách người Việt ở Đàng Ngoài.

Đây là một phát hiện rất có giá trị cả về lịch sử lẫn mỹ thuật. Gần như chúng ta chưa bao giờ phát hiện tượng đồng Trần Hưng Đạo trong thời Phong kiến. Đây lại là pho tượng phân bố ở một vùng cách xa khu vực tập trung đền thờ Trần Hưng Đạo, được tạo tác ở niên đại khá cổ xưa.

Hy vọng trong một thời gian gần đây chủ nhân bức tượng sẽ tạo điều kiện để đông đảo nhân dân cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật có thể chiêm ngưỡng kiệt tác vô giá này.

Theo TS Nguyễn Việt/TT&VH


Message edited by LSK - Thứ Năm, 04 Oct 2012, 0:38 AM
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 04 Oct 2012, 10:00 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
LSK


AToanMT
 
Cường Date: Chủ Nhật, 24 May 2015, 6:41 AM | Message # 4
Major general
Group: Disciples
Messages: 352
Status: Tạm vắng
 
kathy Date: Chủ Nhật, 24 May 2015, 9:06 AM | Message # 5
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN TÔN GIÁO » ÐỨC THÁNH TRẦN
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO