Thứ Sáu
26 Apr 2024
9:14 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » THÀNH VIÊN » CHUYỆN XÃ HỘI » THƯƠNG TÍCH NƠI LƯNG (Nguyễn Ý Đức)
THƯƠNG TÍCH NƠI LƯNG
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 2:53 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Các bạn thân mến, trong cuộc sống hằng ngày. Có những điều chúng ta đương nhiên được hưởng, được bảo vệ, nhưng vì không hiểu biết, không được hướng dẩn, hoặc một sự thông đồng giữa chính quyền và giới chủ nhân, mà phần thiệt thòi luôn luôn là ở người lao động.

Trong xã hội Âu - Mỹ, luật pháp rõ ràng và bảo vệ người dân trong cuộc sống, trong xã hội độc tài thì ngược lại luật pháp dùng để cai trị, bắt bớ, giam cầm người dân khi có tiếng nói khác với tiếng nói của chính quyền.
Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Y Đức sẽ giúp các bạn bên Viet Nam tránh được những tai nạn lao động và đòi hỏi quyền lợi an toàn lao động đối với giới chủ nhân. Hy vọng các bạn dành chút thời gian suy gẫm vào hoàn cảnh của nơi mình sinh sống và làm việc, áp dụng thực tế và bảo vệ cơ thể khỏi bị những tai nạn lao động, và rủi ro có bị tai nạn thì phải biết cách đòi hỏi quyền được bồi thường.


THƯƠNG TÍCH NƠI LƯNG


Phòng ngừa thương tích ở phần lưng của cơ thể là một thử thách lớn về an toàn tại nơi làm việc.

Theo Phòng Thống Kê Lao Động (Bureau of Labor Statistics), mỗi năm có hơn một triệu công nhân bị trấn thương ở lưng, và cứ năm trường hợp thương tích hoặc bệnh tật xẩy ra tại sở làm thì có một thương tích ở lưng. Hơn nữa, một phần tư tổng số tiền bồi thường tai nạn đều là do thương tích ở lưng và đã gây tổn thất cho các ngành kỹ nghệ hàng tỷ mỹ kim, chưa kể đến những đau đớn, buồn khổ mà công nhân phải gánh chịu.

Ngoài ra, tuy rằng việc bốc dỡ hàng hoá chủ yếu là làm bằng tay (nguyên nhân chính gây thương tích có thể được bồi thường) như nâng cao, sắp đặt, khuân, vác, ôm và hạ thấp đồ vật, cuộc khảo sát của Phòng Thống Kê Lao Động cho thấy là bốn trong năm trường hợp thương tích như vậy xảy ra ở dưới thắt lưng và ba trong bốn truờng hợp xảy ra khi nâng vật nặng lên cao.

Cho tới nay, chưa có một phương thức nào có thể hoàn toàn loại bỏ tai nạn gây thương tích nơi lưng do khiêng vác, mặc dù nhiều người nghĩ rằng phần lớn những thương tích này có thể ngăn ngừa bằng các chương trình kiểm soát hữu hiệu và áp dụng tư thế thích hợp khi làm việc.

OSHA đang nghiên cứu biện pháp để giúp chủ nhân và công nhân giảm thiểu các loại thương tích này. Năm 1986, cơ quan đã yêu cầu dân chúng góp ý để hình thành các hướng dẫn hoặc quy luật về công việc nâng vác bằng tay.

Cơ quan OSHA đang nghiên cứu hai loại phương pháp chính để ngăn ngừa các thương tích do khuân vác: kiểm soát hành chánh và kiểm soát kỹ thuật. Phương pháp thứ nhất gồm chọn lựa công nhân và hoặc huấn luyện tường tận để họ biết khuân vác một cách an toàn. Phương pháp sau cố gắng sắp đặt lại công việc để nâng vác ít nguy hiểm hơn.

Kiểm Soát Hành Chánh Gồm Có:

Huấn luyện nhân công sử dụng các kỹ thuật nâng vác để phần dưới lưng chịu ít sức nặng hơn.

Đưa ra những chương trình vận động cơ thể hoặc tập co giãn gân cốt để giảm thiểu nguy cơ tổn thương bắp thịt.

Kiểm Soát Kỹ Thuật Gồm Có:

Giảm bớt trọng lượng hoặc dung tích những vật liệu cần nâng vác. Các yếu tố được quy định gồm một trọng lượng tối đa khả dĩ nhấc được cho từng loại công việc; độ chắc đặc của kiện hàng; tình trạng của tay cầm và mức độ bền vững của kiện hàng khi được nhấc lên.

Điều chỉnh chiều cao của giá để hàng hoặc các ngăn kệ. Khi nâng vật nặng nằm dưới đầu gối hoặc cao hơn vai thì phải dùng sức nhiều hơn là nâng vật ở khoảng giữa hai điểm này. Chướng ngại vật cản trở sự tiếp xúc giữa cơ thể nhân viên với vật được khiêng cũng làm tăng nguy cơ thương tích.

Lắp đặt các máy móc phụ như cầu nâng bằng hơi, băng tải và/hoặc dụng cụ nâng chuyển hàng hóa tự động.

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy ít nhất ta có thể ngăn ngừa một phần ba thương tích nơi lưng nếu công việc được sắp đặt phù hợp với cơ thể con người. Một số yếu tố khác bao gồm số lần nâng vác, thời gian nâng vác, và loại vật liệu được nâng vác, cũng như điều kiện cá nhân chẳng hạn tuổi tác, phái tính, kích thước cơ thể, tình trạng sức khỏe, và thể lực tổng quát.

Những phương pháp đề nghị gồm có Bảng Hướng Dẫn thực hành công tác nâng vác của Viện Quốc Gia về Sức Khoẻ và An Toàn Nghề Nghiệp (NIOSH), áp dụng vị trí ngang bằng, vị trí thẳng đứng, chiều dài tính từ dưới lên trên và tần số nâng vác. Một phương pháp khác là giới hạn sức nặng tối đa cho mỗi lần nâng vác hoặc đặt giới hạn thời gian và khoảng cách mà kiện hàng di chuyển trên cơ thể người khuân vác. Bảng ghi trọng lượng tối đa cho tỷ lệ bách phân công nhân nam nữ cũng đã được đề nghị nghiên cứu.
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:08 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
An Toàn Khi Sử Dụng Màn Hình
An Toàn Với Màn Hình Vô Tuyến


Cơ Quan Quản Lý An Toàn và Sức Khỏe Nghề Nghiệp (OSHA) thường được hỏi về vấn đề an toàn và sức khỏe mà màn hình vô tuyến có thể gây ra. Những điều được quan tâm gồm: điện cao thế, tư thế làm việc, và tiếng ồn. Nhưng ưu tư lớn nhất là liệu sóng tần số thấp phát ra từ màn hình có là vấn đề hay không, nhất là cho phụ nữ mang thai.

OSHA không có tiêu chuẩn áp dụng đặc biệt cho màn hình hoặc với sự tiếp cận tần số điện và từ trường cực thấp. Tuy nhiên, OSHA có các tiêu chuẩn bảo vệ nhân viên chống lại các rủi ro do những tiếp cận quá mức với bức xạ, tiếng động và điện năng.

Phóng Xạ

Viện Quốc Gia An Toàn và Sức Khỏe Nghề Nghiệp (NIOSH), Cơ Quan Vệ Sinh Môi Trường Của Quân Đội Hoa Kỳ và nhiều cơ quan khác đã từng đo lường tia phóng xạ do màn hình phát ra. Kết quả cho thấy tần số của các loại phát xạ này đều thấp hơn so với mức an toàn cho phép. Vài kết quả đo lường cho thấy mức phát xạ quá thấp để có thể phân biệt với tia phát xạ trong thiên nhiên.

Hiện nay OSHA không có tài liệu đáng tin cậy nào về bất cứ một dị tật bẩm sinh đã xảy ra cho phụ nữ mang thai làm việc trước màn hình. Tuy nhiên, những ảnh hưởng có thể có của phóng xạ và từ trường cực thấp từ màn ảnh đối với thai nghén vẫn làm cho nhiều công nhân viên lo ngại. Do đó, NIOSH và nhiều cơ quan khác đang thực hiện một số nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng nguy hiểm này.

Sự Nguy Hiểm Của Âm Thanh và Điện Năng

Triển vọng rất thấp là tiếng ồn ở một nơi làm việc bình thường, ngay cả trong một văn phòng với nhiều màn hình, có thể vượt quá tiêu chuẩn ấn định bởi OSHA. Tuy nhiên, một dãy máy in có tốc độ cao mà không có thiết bị lọc âm thanh ồn ào có thể phát ra thì phải đặt thành vấn đề.

Cường độ âm thanh phải được giữ ở mức độ thoải mái. Những nguồn tiếng động quá ồn phải được che chắn bằng thiết bị hãm thanh hoặc để trong một phòng riêng biệt. Vật liệu hấp thụ âm thanh như tấm lót trần, thảm nhà, màn cửa và vật liệu nhồi nệm cũng có thể giảm bớt âm thanh.

OSHA có một số đòi hòi về điện năng đối với màn hình vô tuyến. Dụng cụ phải được lắp đặt, ráp và sử dụng đúng cách để bảo đảm an toàn cho nhân viên.

Những Khó Chịu Về Thể Chất

Người điều khiển màn hình đôi khi than phiền mắt bị mỏi và khó chịu, mắt mờ, nhức đầu, và chóng mặt. Một số người khác than phiền đau nhức và tê cứng ở cổ, vai và lưng. Những cảm giác khó chịu này có thể giảm bớt bằng cách điều chỉnh điều kiện thể lý và môi trường sử dụng. Tương quan giữa người sử dụng với bàn phím đánh máy và màn hình, tư thế ngồi, mức độ ánh sáng, và âm thanh chung quanh phải được điều chỉnh để phòng ngừa sự khó chịu.

Nghiêm trọng hơn là những thương tích từ cử động lập đi lập lại của bàn tay và cổ tay. Nguy cơ thương tích này có thể giảm thiểu bằng nhiều lần nghỉ tay ngắn và bằng việc sử dụng bàn phím đánh máy chế tạo đúng cách.

Ánh Sáng

Bàn làm việc và ánh sáng phải được sắp xếp để tránh phản chiếu từ màn hình hay từ mặt bằng ở chung quanh. Đèn phải được đặt sao để không chiếu thẳng vào mặt nhân viên khi họ nhìn vào màn hình. Nếu cần, hãy tăng cường mức ánh sáng bình thường trong phòng bằng đèn cá nhân mà nhân viên có thể điều chỉnh theo ý muốn.

Ánh Chói

Ánh chói có thể là phản chiếu từ màn hình hoặc từ bàn phím bóng nhoáng. Có thể ráp thêm tấm chống phản chiếu vào màn hình, và các bàn phím chế tạo sau này thường được phủ lớp chống phản chiếu. Để tránh bị chói, bạn có thể đặt màn hình gần cửa sổ để tầm nhìn giữa mắt và màn hình song song với cửa sổ, hoặc cửa sổ có thể được che để giảm bớt ánh mặt trời chiếu vào. Tường với nước sơn màu đậm và không phản chiếu đều có thể giảm bớt tình trạng lóa mắt.

Bàn Làm Việc

Bàn làm việc phải dành cho nhân viên một du di tối đa để điều chỉnh vị thế ngồi, vị thế cánh tay và vai, và chiều cao của bàn làm việc. Bàn làm việc cũng phải cho phép nhân viên có thể thoải mái khi cần với tới, sử dụng và quan sát màn hình, bàn phím và tài liệu. Điều rất quan trọng là nhân viên phải được hướng dẫn về cách thức điều chỉnh điều kiện làm việc để có sự hài hòa giữa nhân viên, dụng cụ và phương pháp làm việc.

Ngoài việc điều chỉnh tổng quát về dụng cụ cho thích hợp với nhu cầu của từng cá nhân, các hướng dẫn sau đây có thể giúp giảm bớt mệt mỏi:

Vật Tựa

Mặt phẳng ngồi và chỗ tựa lưng của ghế phải tạo một tư thế thoải mái để nhân viên có thể thỉnh thoảng thay đổi kiểu ngồi. Ghế phải có thể điều chỉnh dễ dàng chiều cao và độ ngả lưng. Ghế kê chân có thể cần cho những người thấp.

Cánh Tay

Khi bàn tay đặt trên bàn phím, cánh tay trên và dưới phải tạo nên một góc thẳng. Bàn tay phải nằm trên một đường thẳng so với phần dưới cánh tay. Nên tránh với xa và cao quá mức. Chỗ dựa cánh tay phải cho phép nghỉ dựa tay khi cần.

Chân Và Bàn Chân

Chiều cao của ghế vừa đúng nếu bàn chân nằm thẳng trên mặt đất hoặc trên vật kê chân và đầu gối hơi cao hơn mặt ghế một chút. Như vậy máu có thể lưu hành thong thả ở chân và bàn chân.

Điều Chỉnh Vị Trí Màn Hình

Màn hình có thể xoay ngang, nghiêng, nâng cao hay hạ thấp để nhân viên sử dụng có thể chọn lựa góc độ làm việc thích hợp..

Mặt Bằng Nơi Làm Việc

Bàn làm việc phải thích hợp với từng loại việc. Bàn phải đủ rộng để có thể để sách tham khảo, hồ sơ, điện thoại, hoặc giấy tờ cần thiết, và đồng thời cũng để có thể thay đổi vị trí màn hình và bàn phím. Mặt bàn có thể thay đổi cao thấp được là một lợi điểm.

Mắt và Màn Hình

Mức cao nhất của màn hình không được cao hơn mắt của người sử dụng máy. Màn hình và giá đặt tài liệu phải ở cùng khoảng cách với mắt (để tránh thay đổi liên tục sự tập trung thị giác) và ở gần nhau để người sử dụng máy có thể nhìn thấy cả hai mà không cần phải di động cổ hoặc lưng quá nhiều. Độ nghiêng của giá đặt tài liệu phải điều chỉnh được. Đọc được rõ ràng là điều kiện tiên quyết để lựa chọn màn hình. Điều này cũng áp dụng khi lựa tài liệu. Các yếu tố để dễ đọc gồm có kích thước và thiết kế dấu hiệu, độ tương phản và độ rõ nét của màn hình.

Điều Chỉnh Bàn Phím

Một bàn phím di động được là điều tốt với điều kiện là nó không đặt trên đầu gối người sử dụng. Nhờ di động, bàn phím có thể sắp xếp để thích ứng với từng công việc và với nhu cầu cần tham khảo tài liệu hay các ghi chép.

Cân Nhắc Làm Việc

Loại công việc thực hiện trên màn hình ảnh hưởng tới sự phát sinh của mệt mỏi. Do đó, khi thiết trí bàn làm việc, phải tùy theo loại công tác mà sắp đặt màn hình và bàn phím. Dù là công tác nào chăng nữa, nhân viên cần kiểm soát được công việc của mình, có cơ hội để sắp đặt nhịp độ làm việc, có những lần ngưng nghỉ ngắn hoặc có thể thay đổi vị thế ngồi.
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:16 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Làm Việc Theo Ca
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC


Trong vài tháng vừa qua, bác Minh cảm thấy trong người mỏi mệt, ăn mất ngon, đôi khi ngầm ngầm đau bụng, mất ngủ ban đêm. Trước đây, bác ngủ dễ dàng. Bây giờ chỉ ngủ được vài ba giờ nhất là sau mỗi ca làm việc vào ban đêm. Số là từ ba tháng nay, vì công việc sở gia tăng nên bác phải làm việc theo ca, thay đổi tùy theo nhu cầu.

Đi bác sĩ khám không thấy có bệnh gì. Bác than phiền với ông giám thị và được đổi sang làm việc theo giờ thường lệ ban ngày. Chỉ hơn tuần lễ sau, các dấu hiệu trên đều biến hết, bác lại làm việc hăng say vui vẻ như trước.

Trường hợp bác Minh là tiêu biểu cho hậu quả của sự xáo trộn trong giờ giấc làm việc. Cơ thể phải thích nghi lại với những thay đổi sinh học do việc làm đêm ngày khác thường gây ra.Hiện nay, trong mọi quốc gia, vì nhu cầu mà việc làm chia theo ca càng ngày càng phổ thông.

Làm việc theo ca có thể là: làm ban ngày trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối; theo ca cố định như mỗi ngày làm từ 6 giờ sáng tời 2 giờ chiều; từ 2 giờ chiều tới 10 giờ đêm; giờ đêm từ 10 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau. Trong ngày, có thể là hôm nay làm ca sáng, ngày mai ca chiều; hoặc ca thay đổi bất thường, không định trước tùy theo nhu cầu công việc và số lượng nhân viên.

Theo nhiều nghiên cứu thì ảnh hưởng không tốt của ca ban đêm là đáng kể hơn các ca khác và sự thích ứng hầu như là rất khó khăn. Số lượng ca làm đêm liên tục cũng quan hệ. Chẳng hạn nếu làm bốn đêm liền thì giấc ngủ và nhịp sinh học trong cơ thể không thể ứng xử được. Một ca đêm 12 giờ sẽ gây ra mỏi mệt hơn là ca 8 giờ, nhưng nhiều người lại thích làm 12 giờ liên tục, để được nghỉ bù một ngày ngõ hầu làm công việc khác.

Ðể tránh sự quá sức của công nhân, cơ quan Lao Động Thế Giới khuyến cáo nên giữ ca đêm ở mức 8 giờ mà thôi. Một điểm nữa là, theo kinh nghiệm, quan sát, nếu làm việc theo ca khác nhau thì nên đi theo chiều kim đồng hồ thì tốt hơn. Thí dụ chuyển từ ca sáng sang chiều rồi sang ca tối, chứ không nên đi ngược lại chiều kim đồng hồ như là ca tối rồi chiều rồi sáng.

Nói Về Nhip Circadian

Mọi sinh vật từ thảo mộc tới động vật đều có một đồng hồ sinh học điều hòa nhịp ngủ thức trong 24 giờ đồng hồ. Đồng hồ này lại liên hệ chặt chẽ với ánh sáng và bóng tối. Đồng hồ cũng điều hòa sự sản xuất kích thích tố, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim đập, sự tiết ra dịch vị của bao tử, và nhiều chức năng khác của cơ thể. Theo nhịp này thì nhiệt độ cơ thể cao nhất vào xế chiều, kích thích tố cortisol của nang thượng thận cao nhất vào lúc sáng sớm, mà chất giúp ngủ melatonin của tuyến tùng (pineal gland) lại cao nhất vào ban đêm.

Với con người, giấc ngủ ngon nhất là từ nửa đêm tới sáu giờ sáng. Cho nên người đang làm việc ca đêm thường hay ngủ gật mà ban ngày về nhà thì lại khó ngủ. Lý do là rất khó khăn cho cơ thể để sắp đặt lại nhịp sinh học đó.

Ảnh Hưởng Làm Ca Đến Sức Khỏe

a-Vấn đề giấc ngủ -

Ba phần tư công nhân làm ca bị rối loạn về giấc ngủ nhất là làm ca ban đêm.

Khi làm việc từ 11 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau thì công nhân hầu như đều phải đối phó với sự thay đổi về nhịp ngủ- thức. Ban đêm người đó phải cố gắng lắm mới có đủ tỉnh táo để làm việc. Ban ngày khi về nhà thì lại khó mà đi vào giấc ngủ. Do đó họ thường thiếu ngủ và giấc ngủ không được êm đẹp.

Tình trạng thiếu ngủ kinh niên này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát của công nhân, vì chính trong giấc ngủ mà con người phục hồi lại các chức năng của não bộ cũng như các cơ quan khác. Mất ngủ ba giờ một đêm đã gây ra thay đổi về tính tình; mất ngủ cả đêm làm giảm hiệu năng lao động. Nếu liên tục mất ngủ ba đêm thì khả năng làm việc mất hẳn, nhận thức, suy nghĩ, quyết định đều rối loạn.

Theo báo cáo điều tra về những tại nạn lớn như vụ thoát rỉ ở lò nguyên tử Chernobyl xảy ra lúc 1:35 sáng; vụ cháy của phi thuyền Challenger vào sáng sớm, thì sự mệt mỏi, thiếu ngủ của nhân viên cũng có một phần trách nhiệm.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay sự thích ứng của nhịp sinh học với thời khóa biểu làm việc mới của người làm theo ca đều rất khó khăn, đôi khi không thực hiện được dù là làm ca đêm thường trực.

b-Ảnh hưởng tới tính tình –

Khi đã thiếu ngủ thì con người trở nên dễ kích thích, cáu kỉnh, mất kiên nhẫn, hay lo âu, buồn phiền. Nhiều quan sát cho hay liên hệ với bạn đồng sở dễ tan vỡ ở nhóm người làm việc theo ca bất thường vì họ quá xúc động, quá mẫn cảm, luôn luôn chống đỡ tự vệ, có thái độ bướng bỉnh với người khác. Khi được yêu cầu làm một việc thì làm khác đi và cãi rằng họ làm đúng và đổ lỗi cho quản lý là sai. Họ cũng rất hay quên như là không ghi danh khi tới làm và khi tan sở.

c-Ảnh hưởng tới tim mạch –

Nhiều nghiên cứu cho hay bệnh tim, nhất là động mạch vành, gia tăng ở nam giới làm việc theo ca, so với người làm ca ngày. Nhiều chuyên viên y tế khuyên tránh dùng đèn quá sáng, ngủ trước khi đi làm và làm một giấc ngủ nhẹ giữa ca đêm. Nghiên cứu của M Romon và cộng sự viên cho hay người làm việc theo ca có lượng triglyceride cao hơn người làm ca ngày. Người làm ca đêm cũng hay bị nhồi máu cơ tim hơn người làm việc ban ngày.

d-Ảnh hưởng tới sự tiêu hóa –

Ðây là những rối loạn thông thường nhất của người làm việc ca đêm. Họ hay bị loét bao tử, viêm tá tràng, ăn không tiêu. Lý do có thể là dịch vị từ bao tử được tiết ra theo nhịp sinh học mà người làm ca ăn uống bất thường, không trùng hợp với các chức năng của hệ tiêu hóa. Nhiều người than phiền táo bón sau mỗi ca làm đêm. Làm ca đêm đôi khi cũng không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc không có thực phẩm để ăn.

e-Tử vong –

PJ Taylor và SJ Pocock công bố một kết quả nghiên cứu sự liên hệ giữa làm việc theo ca và tử vong, trên British Journal of Internal Medicine vào năm 1972, theo đó tử vong làm theo ca hơi cao hơn làm ban ngày.

g-Thai nghén –

Nghiên cứu cho hay làm việc theo ca khác nhau có thể đưa tới sẩy thai và sanh con thiếu tháng ở một số phụ nữ.

h-Mất năng lực và ước muốn tình dục

- Sau một ca làm đêm thì công nhân trở nên mệt mỏi, không còn sinh lực để làm công việc thường lệ khác, ngay cả việc ái ân, giao hợp.

i-Nguy cơ ung thư vú –

Nghiên cứu của bác sĩ Johnni Hansen bên Đan Mạch trên 7000 hồ sơ phụ nữ làm việc ca đêm cho thấy nguy cơ ung thư vú cao hơn. Lý do không biết rõ, có thể là do họ tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo.

k-Khó khăn trong sinh hoạt gia đình, xã hội.

Đây là lãnh vực bị ảnh hưởng rõ ràng nhất của người làm việc theo ca đêm hoặc ca bất thường. Họ không tham dự được các sinh hoạt thường lệ với thân nhân cũng như với cộng đồng vì có mâu thuẫn trong thời khóa biểu làm việc. Họ cũng bị bạn bè sao lãng vì giờ giấc khác nhau. Họ trở nên cô đơn, lạc lõng, vì khi mình đi làm thì người khác nghỉ và ngược lại khi mình nghỉ thì họ đi làm. Có những cặp vợ chồng sáng sớm vợ đi làm thì chồng vừa dứt ca về nhà, chỉ kịp chào hỏi nhau một câu, rồi một người đi làm, một người đi ngủ tới chiều.

Ngoài ra làm ca đêm cũng hay gây ra tai nạn xe cộ, nhất là sau khi tan sở.

Giải Quyết Khó Khăn

Có nhiều cách để giảm thiểu hậu quả không tốt của làm việc theo ca nhất là ca đêm:

a-Về công việc –

Công việc quá đơn điệu, nhắc đi nhắc lại cũng như công việc quá sức của công nhân dễ làm họ bị căng thẳng. Trong ca làm, cần dành thì giờ để công nhân nghỉ ít phút xả hơi. Tránh giao quá nhiều trách nhiệm cho người làm ca đêm hoặc kiêm nhiệm công việc của người vắng mặt. Cung cấp nơi làm việc thích hợp với tiện nghi tối thiểu.

b-Về công nhân –

Khi chia ca, cần để ý tới tuổi tác, tình trạng sức khỏe của công nhân. Cũng cần coi họ có khó khăn làm ca trong quá khứ, và khả năng ứng xử ra sao.

c-Về phía chủ nhân –

Chủ nhân có bổn phận cung cấp cho nhân viên một công việc không có rủi ro và nơi làm việc an toàn. Đặt đèn sáng sủa nơi làm việc để làm thức tỉnh các chức năng cơ thể. Có máy bán thực phẩm làm sẵn, đủ dinh dưỡng cho công nhân khi cần ăn đêm. Sắp đặt thời khóa biểu để công nhân có chút thì giờ nghỉ xả hơi trong ca cũng như giữa hai ca. Đừng khuyến khích làm thêm giờ ở công nhân làm ca. Cho nhân viên ngủ chợp mắt để họ tỉnh táo, làm việc có hiệu năng và sản xuất cao hơn.

d-Về những ca khác nhau –

Giảm thiểu ca đêm, tránh làm ca đêm thường xuyên.Tránh thay đổi ca quá gần, lý tưởng nhất là giữ mỗi ca khoảng hai ba ngày trước khi đổi sang ca khác; đổi ca theo chiều thuận: sáng, chiều và đêm; ca đêm không nên lâu quá 8 giờ và có thì giờ để chợp mắt; cho nhân viên hay trước thời khóa biểu để họ sửa soạn; tránh làm thêm giờ nhất là trước hoặc sau ca đêm; tránh để một người làm đêm một mình, nếu cần lắm thì thiết lập hệ thống đối thoại với người ở công việc khác để tránh cảm thấy cô độc; sau mỗi ca dành đủ thì giờ để nghỉ dưỡng sức, ít nhất là 16 giờ; người trên 45 tuổi nên để làm ca ngày.

e-Về phương diện cá nhân –

Người làm theo ca cũng cần trù bị để ứng xử với việc làm theo ca. Tìm hiểu về ca mình sẽ làm, về công việc với các rủi ro có thể có. Trong khi làm việc, cố giữ tỉnh táo bằng cách đối thoại với người cùng làm, lâu lâu thư giãn nghỉ xả hơi vài phút, việc khó khăn nên làm vào đầu ca. Thông thạo sử dụng máy móc cơ khí để tránh tai nạn vì buồn ngủ

g-Vấn đề ăn uống –

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh món ăn nhiều chất béo, lâu tiêu, khiến hay bị buồn ngủ; tránh thực phẩm có nhiều gia vị cay chua; ăn hai bữa thường lệ và một bữa nhẹ như trái cây, sữa vào khoảng giữa ca đêm; giới hạn cà phê khi sắp hết ca đêm để về nhà có thể ngủ được. Không nên dùng cà phê như thứ kích thích tỉnh ngủ.

h-Ngủ nghỉ theo thói quen thường lệ -

Công nhân cần tối thiểu là 4 giờ ngủ ngon và nằm nghỉ để hồi phục sức khỏe; tập thư giãn cơ thể giữa giờ làm việc và giờ ngủ; tìm khoảng thời gian nào thích hợp để ngủ: có người thích ngủ ngay sau khi tan việc, có người ngủ trước khi đi làm ca kế tiếp. Nhiều người cho là ngủ trong khoảng thời gian từ 2 giờ chiều tới 9 giờ tối, trước khi bắt đầu ca đêm là tốt hơn cả. Phòng ngủ cần yên tĩnh, mát mẻ, không ánh sáng giống như ban đêm.

i-Giao thông –

An toàn lái xe ra về sau khi dứt ca nhất là sau một đêm thức trắng làm việc. Nếu cảm thấy rất buồn ngủ thì nên chợp mắt ít phút trước khi lái xe ra về. Nếu có thể được thì đi chung xe với đồng nghiệp hoặc dùng phương tiện chuyên trở công cộng. Tan sở lúc nửa đêm ra về là càng phải cẩn thận vì có thể gặp vài anh say rượu trên bánh lái.

k-Sinh hoạt –

Duy trì sinh hoạt gia đình và xã hội tới mức tối đa. Vì làm theo ca, nên nhiều khi ta không tham dự các sinh hoạt hàng ngày với vợ con, lối xóm. Thảo luận với họ để có sự thông cảm và sắp đặt thì giờ sinh hoạt vào lúc thuận tiện cho mọi người.
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:21 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Chì Trong Ngành Xây Dựng


Chì đã gây độc hại cho công nhân cả ngàn năm nay. Ở ngành xây dựng, mối nguy hiểm do chì thường xảy ra với nghề hàn chì, lắp ống nước, và sơn phết.

Về xây dựng, chì thường được dùng trong vật liệu làm nóc nhà, mái đua, vật liệu trét đáy hồ, và ống dẫn điện. Trong ngành hàn chì, chất hàn mềm là một hỗn hợp chì và thiếc, dùng nhiều nhất cho việc hàn thiếc và chắp nối ống nước.

Trên thực tế, ở Hoa Kỳ chất hàn mềm đã bị cấm sử dụng trong nhiều lãnh vực. Sơn pha chì dùng để sơn nhà cửa cũng đã bị Hội Đồng An Toàn Sản Phẩm Tiêu Dùng (Consumer Product Safety Commission) cấm sử dụng. Tuy nhiên, sơn pha chì có thể chống rỉ sét và hao mòn của sắt thép nên còn được dùng để sơn cầu, đường rày, tàu, đèn hải đăng, và những kiến trúc dùng thép mặc dù có loại sơn khác để thay thế.

Trong việc sửa chữa cầu cống, tu sửa và phá hủy công trình, khả năng nhiễm chì cao hơn khi cần phải cạo lớp sơn cũ có pha chì. Với sự gia tăng công việc trên xa lộ, sửa chữa cầu, phá khu gia cư và tu sửa nhà cửa, sự nguy hiểm của sơn pha chì trở nên khá phổ biến. Những nghề sau đây cũng có nguy cơ dẫn đến nhiễm chì như nghề làm sắt, phá công trình, sơn phết, cạo sơn có chì, nghề hàn chì, nghề lắp đặt hệ thống sưởi/điều hoà không khí, nghề điện, và nghề mộc/tân trang/tu sửa.

Những hoạt động phát ra bụi và khói chì gồm có:

Cắt kim loại bằng ngọn lửa, hàn chì, sử dụng súng nóng, mài giũa bề mặt có phết sơn pha chì khi sửa chữa, tái thiết, tháo gỡ và đập phá;

Phá cầu và những công trình có sơn pha chì;

Sử dụng đuốc hoặc súng toả nhiệt, mài giũa, cạo các mặt bằng quét sơn chì trong tái thiết và giật sập;

Bảo quản máy móc sản xuất hoặc ống thoát.

Chủ nhân trong ngành xây dựng có nhiệm vụ phác thảo và thực hiện chương trình bảo vệ nhân viên đúng theo điều luật 29 Bộ Điều Lệ Liên Bang (CFR) 1926.20 và 29 CFR 1926.62(e). Chương trình này rất cần để giảm thiểu tối đa mức nguy hiểm của chì cho công nhân.

Công trình xây dựng có quy mô khác nhau nên mức nhiễm chì và mức nguy hiểm khác nhau. Nhiều dự án có mức nguy hiểm giới hạn như tu sửa, sơn phết nhà cửa. Nhưng cũng có những dự án có mức nguy hiểm cao hơn như cạo bỏ lớp sơn trên cầu lớn có số lượng chì khá nhiều. Nếu thấy cần thì chủ nhân nên trao đổi ý kiến với chuyên gia (*) an toàn và sức khoẻ để tiến hành và thực thi chương trình bảo vệ nhân viên một cách hiệu quả.

Cách hữu hiệu nhất để bảo vệ nhân viên là giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa bằng cách áp dụng phương pháp kiểm soát kỹ thuật và thực tập công việc. Theo tiêu chuẩn OSHA thì không được dùng máy hô hấp thay cho phương pháp kiểm soát kỹ thuật và thực tập công việc để giảm tiếp xúc với chì xuống dưới mức độ tối đa cho phép. Chỉ được sử dụng máy hô hấp khi kết hợp với hai phương pháp kiểm soát kỹ thuật và thực tập công việc để hạn chế mức nguy hiểm cho nhân viên.

Luật lệ của OSHA cho phép số lượng chì trong môi trường làm việc của nhân viên tối đa là 50 micrograms trong mỗi mét vuông với thời gian làm việc trung bình 8 giờ mỗi ngày .

Chương trình bảo vệ nhân viên tiếp xúc với chất chì tối thiểu phải hội đủ những yếu tố sau đây:

Nhận biết hiểm họa, bao gồm cả việc đánh giá mức độ nguy hiểm;

Kiểm tra kỹ thuật và thực hành công việc;

Máy bảo hộ hô hấp;

Y phục và thiết bị bảo hộ;

Lau dọn;

Phương tiện và phương pháp giữ vệ sinh;

Giám sát y tế và chuẩn bị phương tiện di chuyển y tế;

Huấn luyện;

Yết thị cảnh cáo;

Lưu giữ hồ sơ.

Để thực hiện chương trình bảo vệ nhân viên một cách thích đáng, chủ nhân cần phải bổ nhiệm một người có đủ trình độ, thí dụ như một người có khả năng nhận biết hiểm hoạ hiện có hoặc sắp xảy ra, hoặc thấy được hoàn cảnh nguy hiểm nơi nhân viên đang làm việc, đúng theo điều khoản an toàn và sức khoẻ trong luật xây dựng của OSHA. Người này phải có thẩm quyền đưa ra các biện pháp xử lý để loại bỏ các hiểm họa.

Nhân viên y tế có đủ trình độ chuyên môn phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho chủ và nhân viên ý kiến, lời khuyên về sự tác hại của chì đến sức khoẻ, và theo dõi chương trình y tế một cách cẩn thận.

Chú thích (*): Các nguồn tham khảo chuyên nghiệp về an toàn và sức khoẻ bao gồm công ty bảo hiểm, thương đoàn, chương trình tư vấn trực tuyến của tiểu bang 7©(1), và tư vấn viên.
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:24 AM | Message # 5
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Bảo Vệ Sức Khoẻ Và An Toàn Nơi Làm Việc: Vấn Đề Sinh Tử
TS Nguyễn Đình Thắng


Rất nhiều người Việt, nhất là thành phần lao động chân tay, thường nhật phải đối phó với những rủi ro và nguy hiểm nơi làm việc. Với một số kiến thức căn bản về sức khoẻ và an toàn, họ có thể tránh được phần lớn các tai nạn gây thương tích hay tử vong cho chính mình hay cho đồng nghiệp.

Theo luật định, các hãng có đông công nhân đều phải huấn luyện cho công nhân về các tiêu chuẩn sức khoẻ và an toàn nơi làm việc. Tuy nhiên, vì trở ngại ngôn ngữ nhiều công nhân Việt đã không nắm vững các tiêu chuẩn này để tự bảo vệ và phòng ngừa tai nạn.

Tuy không có một con số thống kê nào, qua những câu chuyện kể chúng tôi biết nhiều trường hợp công nhân Việt bị què cụt hay thiệt mạng một cách oan uổng.

Câu chuyện đầu tiên chúng tôi nghe được xẩy ra năm 1998.

Mùa hè năm ấy UBCNVB nhận được lời cầu cứu của một vị linh mục người Việt ở vùng Amarillo, Texas. Đây là thành phố trong khu “cán chảo”—mẩu đất thìa lìa miền Tây Bắc tiểu bang Texas. Vị linh mục hớt hải báo động là một công nhân Việt mới vào làm tại một hãng mổ heo bò chỉ được mấy hôm thì bị máy cưa cắt lìa bàn tay. Anh bị cho nghỉ việc, không được bồi thường một đồng xu. Vợ con ở nhà không có nguồn thu nbập nào khác.

Vị linh mục kể rằng có hàng trăm người Việt làm việc ở hãng mổ heo bò này và trong mấy năm qua hàng chục người bị máy cưa cắt cụt tay. Các nạn nhân đều cắn răng chịu vì khi nhận việc, họ bị chủ nhân bắt ký hợp đồng không được đòi bồi thường nếu xảy ra tai nạn trong vòng ba tháng đầu.

Điều kiện này rất oái oăm vì tai nạn thường xảy ra trong mấy tháng đầu khi mà công nhân mới nhận việc hãy còn lớ ngớ. Trong phòng đông lạnh, tay chân bị cóng nên mất cảm giác; khi đẩy những khối thịt khổng lồ qua máy cưa thì chỉ cần sơ sểnh đẩy tay quá đà là đứt lìa bàn tay.

Ngay sau khi được vị linh mục báo động, chúng tôi liên lạc ngay với hai luật sư thiện nguyện sẵn sàng đứng ra bênh vực cho anh công nhân vừa bị cưa đứt bàn tay. Theo hai vị luật sư này thì hợp đồng mà anh phải ký khi nhận việc vi phạm luật lao động và do đó hoàn toàn vô hiệu lực.

Nhưng chúng tôi chờ một tuần, rồi hai tuần mà không thấy vị linh mục liên lạc trở lại. Sốt ruột, chúng tôi gọi thì vị linh mục thở dài, giải thích rằng hàng trăm công nhân Việt đang còn làm việc phản đối, không muốn nạn nhân làm lớn chuyện vì sợ chủ nhân trả thù và sa thải mọi người.

Thế là nạn nhân chịu mất một bàn tay, mất cả việc làm, và mất cả sinh kế trong tương lai. Không biết bao nhiêu người nữa tuần tự trở thành nạn nhân tại hãng mổ heo bò này.

Chúng tôi phải ấm ức bó tay vì không có cách liên lạc trực tiếp với nạn nhân.

Ít công nhân Việt nào biết rằng họ có quyền đòi hỏi chủ nhân cải thiện điều kiện làm việc để giảm thiểu rủi ro xảy ra tai nạn. Họ có quyền xem xét các hồ sơ tai nạn trong quá khứ để ước lượng mức độ rủi ro nếu có điều hồ nghi. Nếu chủ nhân không giải quyết, công nhân có thể báo động cho cơ quan OSHA (viết tắt của chữ Occupational Safety and Health Administration). Đây là cơ quan Liên Bang chuyên về sức khoẻ và an toàn nơi làm việc. Người Việt chúng ta, nhất là những người mới đến từ Việt Nam, khó có thể hình dung được là chính phủ lại quan tâm và bảo vệ cho công nhân đến như vậy.

Ngay khi báo động cho cơ quan OSHA thì công nhân lập tức được đặt dưới sự bảo vệ của cơ quan này. Chủ nhân sẽ bị phạt nặng nếu có bất kỳ hành động hay lời lẽ nào tình nghi có dụng ý trả thù.

Trong trường hợp hãng mổ heo bò kể trên, chủ nhân lẽ ra đã phải trang bị tấm chắn trước lưỡi cưa để dù công nhân có sơ ý thì tay cũng được chặn lại trước khi chạm vào lưỡi cưa. Một tấm chắn như vậy giá không đáng bao nhiêu mà tránh được máu đổ thịt rơi cho biết bao công nhân.

Còn anh công nhân đã lỡ mất bàn tay, nếu hiểu luật, thì đã biết rằng chủ nhân không được quyền sa thải, phải tiếp tục trả lương trong thời gian anh bị nghỉ việc, phải trang trải mọi chi phí bệnh viện, và phải bồi thường cho những tổn thất thu nhập tính cả trong tương lai. Sự lên tiếng của anh không những giúp cho chính anh và gia đình mà còn giúp tránh mối rủi ro cho hàng trăm công nhân Việt khác.

Qua năm 1999, UBCNVB thành lập Chương Trình Hướng Dẫn Sức Khoẻ Và An Toàn Nơi Làm Việc, với tài trợ của cơ quan OSHA. Mục đích là giúp công nhân Việt trên toàn quốc ý thức được những tiêu chuẩn về sức khoẻ và an toàn để ngăn ngừa tai nạn, và hiểu quyền lợi của mình trong trường hợp lỡ xẩy ra tai nạn.

Khi vừa thực hiện chương trình hướng dẫn được vài tháng, chúng tôi đã thu thập được khá nhiều tin tức về các tai nạn xẩy ra cho công nhân Việt tại nơi làm việc. Lượng thông tin này có được, một phần là do chính nhân viên của UBCNVB để tâm nhiều hơn đến vấn đề tại nạn nơi làm việc và một phần là do nạn nhân liên lạc với UBCNVB để hội ý hay yêu cầu can thiệp.

Một trường hợp hết sức đáng thương tâm xảy ra ngay tại Camden, New Jersey chỉ vài tuần sau khi chúng tôi đem chương trình hướng dẫn kể trên đến vùng này. Một công nhân Việt vừa mới sang Hoa Kỳ cùng vợ con được vài năm bị đè nát bấy bởi một khối sắt khổng lồ bị đứt dây treo. Vợ con không được nhìn xác vì quá thảm thương.

Tai nạn này lẽ ra tránh được nếu chủ nhân và công nhân theo đúng tiêu chuẩn OSHA: khi một vật nặng được treo cao thì ngoài dây treo còn phải trang bị đai sắt, phòng hờ dây treo bị đứt thì đai sắt sẽ kềm giữ vật nặng đủ thời gian để di tản mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Để tránh những thảm cảnh tương tự cho đồng hương, chúng tôi ráo riết soạn tài liệu để phổ biến trên đài phát thanh, qua báo chí, qua các tờ bướm, qua bích chương, qua biểu ngữ, và qua các buổi nói chuyện.

Đến nay trên một chục người gọi đến nhờ can thiệp. Điển hình là một bác gái đứng tuổi ở Virginia, nhờ nghe về chương trình phát thanh, đã đến văn phòng UBCNVB cầu cứu vì bị viên quản đốc gây khó dễ và ngụ ý sẽ sa thải bác. Bác làm việc hàng chục năm cho một công ty đóng gói thực phẩm nguội cho các hãng hàng không. Chỉ có hai mẹ con, nếu bị nghỉ việc bác không biết lấy thu nhập đâu để sống.

Vì phải đứng suốt trong hàng chục năm nên khớp xương chân của bác bị sưng. Xin ngồi thì viên quản đốc không cho. Ông ta bắt bác phải nghỉ không lương. Khi quay trở lại làm việc thì ông ta gây khó dễ muốn bác nghỉ luôn. Một luật sư thiện nguyện của UBCNVB gọi thẳng cho văn phòng quản trị nhân viên để đặt vấn đề, báo cho họ biết rằng điều kiện lao động tại nơi làm việc của họ có lẽ đã vi phạm tiêu chuẩn OSHA. Chỉ mấy hôm sau, bác gọi lại hớn hở báo tin được chuyển sang công việc nhẹ hơn và được ngồi ghế thay vì phải đứng. Văn phòng quản trị nhân viên có lẽ không muốn gặp rắc rối vì thấy có luật sư can thiệp và sợ bị cơ quan OSHA điều tra.

Tuy nhiên cứ mỗi trường hợp thành công như vậy thì lại có hàng trăm hay hàng ngàn trường hợp đang bị đe doạ hàng ngày đến sức khoẻ và có khi đến cả tính mạng vì điều kiện lao động mang nhiều rủi ro.

UBCNVB sẽ liên tục cung ứng tin tức về các lãnh vực sức khoẻ và an toàn nơi làm việc. Chúng tôi mong rằng bạn đọc sẽ giúp chuyển đạt các tin tức này rộng rãi đến bà con, bạn bè để cùng nhau phòng ngừa rủi ro, và nhỡ tai nạn đã xẩy ra thì biết cách đối phó để tự bảo vệ quyền lợi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Với kiến thức, chúng ta có thể tránh được những tổn thất đến thân thể và tính mạng.
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 3:27 AM | Message # 6
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Phụ Nữ và Việc Làm
Bác sĩ Nguyễn Ý- Đức


Vì nhu cầu vật chất của đời sống, người phụ nữ bây giờ cũng tham gia vào nhiều công việc ngoài xã hội như nam giới.

Loại Việc Làm

Thời nay đàn bà có thể làm hầu hết công việc nào mà đàn ông làm. Đã có phụ nữ điều khiển phi thuyền lên không gian, nhiều người lái phản lực cơ chiến đấu. Họ cũng tham gia công việc xây dựng kiến trúc, việc trên núi, dưới biển. Nhưng một số nghề mà phụ nữ thuờng làm là cung cấp dịch vụ, công việc văn phòng.

Theo thống kê của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, từ năm 1964 tới năm 1999, công việc người phụ nữ đảm trách gia tăng gấp đôi trong mọi ngành ngoại trừ ngành sản xuất. Công việc người nam làm nhiều gấp đôi ở ngành dịch vụ, tài chánh và bán lẻ.

Phụ nữ có thể làm toàn hoặc bán thời gian. Tính ra có tới 2/3 công việc bán thời gian do nữ giới đảm trách và chỉ một nửa phụ nữ có việc toàn thời gian

Công việc bán thời gian càng ngày càng nhiều, đôi khi cũng tiện cho phụ nữ vì các bà còn trách nhiệm nuôi con, nhất là sau khi sinh đẻ. Nhưng lợi tức ít, đôi khi không có bảo hiểm sức khỏe, không hưu trí, không được hưởng thời gian nghỉ hè hoặc đau ốm. Vì tạm thời nên không an toàn, cứ nơm nớp lo âu bị cho nghỉ bất thình lình. Người làm bán thời gian đôi khi tham giờ, nên họ làm thêm khi có cơ hội.

Các Việc Thường Làm

Việc trong nhà

- Các bà nội trợ vẫn là nhóm người đông đảo nhất làm việc trong gia đình như quét dọn, lau chùi và giặt giũ. Họ không được trả lương vì theo phong tục đó là trách nhiệm tề gia nội trợ của họ. Nhưng cũng rất đông phụ nữ lấy việc dọn dẹp nhà cửa cho người khác là một nghề để kiếm kế sinh nhai. Lương bổng của họ thường thấp, lại không có bảo hiểm sức khỏe, hưu trí, việc làm không bảo đảm. Họ lại tiếp xúc nhiều với các rủi ro của hóa chất lau chùi, sơn phết nhà cửa.

Hãng điện tử

- Thống kê cho thấy phụ nữ là một lực lượng công nhân lớn trong ngành lắp ráp đồ điện tử. Tại vài xí nghiệp lớn ở thung lũng San Jose, công nhân nữ chiếm tới trên 70%, mà đa số là người Á Châu và Châu Mỹ La Tinh. Lương bổng của họ thấp mà lại thường xuyên tiếp cận với nhiều hóa chất, kim loại nguy hại. Công nhân làm việc với các vật liệu bán-dẫn có tỷ lệ đau ốm cao hơn công nhân sản xuất khác vì ô nhiễm môi trường

Công việc bệnh viện

- Công nhân nữ chiếm tới 70% trong tổng số nhân viên trong một nhà thương, từ việc điều trị tới các dịch vụ hỗ trợ, phụ thuộc, giữ gìn vệ sinh cơ sở. Họ tiếp xúc với nhiều hóa chất điều trị, khử trùng cũng như máy móc có điện năng, phóng xạ cao hoặc dụng cụ bén nhọn. Nhiều người còn phải nặng nhọc nâng đỡ, chuyển vận bệnh nhân nên dễ bị thương tích xương khớp lưng và tứ chi. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ những người mà họ săn sóc. Họ thường phải làm việc theo ca, đôi khi thường trực, đôi khi bất thường. Nói chung, stress ở các công nhân này rất đáng kể.

Công việc văn phòng

- Phụ nữ chiếm tới gần 80% lực lượng công nhân văn phòng. Công việc của họ rất đa dạng và trong nhiều lãnh vực khác nhau. Có văn phòng chỉ toàn là phụ nữ. Họ tiếp cận với đủ loại rủi ro, từ dụng cụ văn phòng, văn hóa phẩm tới sắp đặt tiện nghi cơ sở.

Máy vi tính

- Nhiều nhân viên bị các rủi ro do phóng xạ từ máy, ảnh hưởng xấu như nhức đầu, đau xương vai, xương cổ, viêm sưng cổ tay. Đã có lúc người ta cho là màn ảnh từ các máy này phát ra tia phóng xạ có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi của phụ nữ có thai.

Khác Biệt Nam Nữ Trong Việc Làm

Có rất nhiều khác biệt so với nam giới mà 2 điều cụ thể dễ thấy nhất là:

Lương bổng

- Người nữ chỉ hưởng 70% lương bổng so với nam ở cùng công việc, và sự cách biệt càng xa khi chức vụ cao. Lương bổng của người dân thiểu số lại chỉ bằng 50%. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì phụ nữ chiếm ½ dân số thế giới, làm 2/3 tổng số giờ của toàn công nhân mà chỉ lãnh có 1/10 tổng số lợi tức và chỉ làm chủ 1/100 tài sản của cả thế giới.

Số giờ làm việc

- Ngoài việc làm ăn lương, người nữ vẫn phải đảm trách công việc nội trợ: bếp núc, chợ búa, săn sóc con cái đau ốm, học hành, săn sóc cha mẹ già đôi bên. Đôi khi số giờ họ làm ở ngoài cũng nhiều như người chồng mà trách nhiệm gia đình lại không được chia sẻ đồng đều. Một phụ nữ có đứa con năm tuổi mà có công việc toàn thời gian thì phải làm thêm việc nhà tới gần 50 giờ. Trong khi đó người đàn ông chỉ làm có 10 giờ trong gia đình. Nếu một mình trách nhiệm nuôi con thì người đàn bà phải làm tổng cộng cả trên 100 giờ một tuần. Do đó, sự cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc làm ăn có nhiều trở ngại.

Những Khó Khăn Trong Công Việc

a-Khó khăn khi làm việc tại gia

–Ða số là về may mặc, công việc văn phòng lợi tức theo đơn vị, nên người nữ cố gắng làm nhiều làm mau, trong khung cảnh không thuận tiện, phù hợp với công việc nên dễ đau yếu. Lại còn rủi ro do hóa chất mà không biết hoặc không có trang bị phòng ngừa. Hậu quả là họ dễ bị mất sức, đau ốm, không có thì giờ rảnh rỗi như đàn ông và không còn thì giờ cho tiêu khiển, giải khuây. Nhiều phụ nữ bị chứng thiếu ngủ kinh niên.

b-Bị kỳ thị

-Kỳ thị nữ giới có thể là kém lương bổng, không được giữ vai trò chỉ huy, điều khiển, không được hỏi ý kiến. Họ như xa lạ, lạc lõng trong đám đa số nhân viên nam, nhiều khi phải cố gắng vươn lên. Bất hạnh hơn nữa khi họ thuộc về nhóm sắc dân thiều số hoặc chủng tộc nhược tiểu.

c-Bị quấy nhiễu tình dục

–Ðây là vấn đề có chiều hướng càng ngày càng thường thấy và đã gây ra nhiều xáo trộn trong việc điều hành một cơ sở. Nhiều nghiên cứu cho thấy, từ 40 đến 80% nữ giới bị sách nhiễu trong khi làm việc.

Quấy nhiễu tình dục là khi có những yêu sách liên quan tới tình dục, hoặc bằng lời nói hoặc hành động mà đối phương không muốn hoặc không đồng ý. Yêu sách đôi khi lại kèm theo cả dọa nạt hoặc hứa hẹn về thăng thưởng, trừng phạt. Nhiều trường hợp cưỡng bách đã xẩy ra.

Sách nhiễu đưa tới tổn thương tâm thần, thể chất cho người nữ và cũng có ảnh hưởng không tốt tới điều hành, lợi nhuận của cơ sở. Nhiều nạn nhân đã phải tự nghỉ việc hoặc bị sa thải vì tệ nạn này.

Tại nhiều quốc gia, đã có những luật lệ bảo vệ phụ nữ cũng như bồi thường thiệt hại do sách nhiễu tình dục gây ra.

Thiết bị bảo hộ cá nhân

–Trang bị nhiều khi không vừa với vóc dáng nhỏ bé của nữ công nhân, họ phải sửa đổi cho vừa. Ðây là những trang bị bảo vệ cho công nhân với các rủi ro khi làm việc. Tuy nhiên các trang bị này không phải là phương thức hoàn hảo, nhưng có còn hơn không.

Rủi ro từ công việc

–Công việc với cử động lập đi lập lại mà phụ nữ thường làm như trả lời điện thoại, đánh máy vi tính, máy thu tiền, quấn thuốc lá, ráp nối điện tử, thường hay đưa tới đau nhức khớp xương vai, cổ, và tay. Hội chứng đường hầm cổ tay thường thấy ở phụ nữ làm nghề may mặc, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, gói hàng. Nhân viên nâng đỡ săn sóc nguời bệnh thường bị đau lưng dưới.

Công nhân có thai

–Nhiều công việc có hóa chất mạnh cũng ảnh hưởng tới sức khỏe nữ công nhân nhất là khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ. Phụ nữ có thai mà làm việc nặng nhọc kéo dài có nguy cơ hư thai hoặc sanh non.

Quyết định làm việc khi mang thai là tùy ở đương sự và thầy thuốc căn cứ vào loại công việc, tình trạng sức khỏe của người mẹ và thai nhi.

Ý kiến của các chuyên viên y tế thì khi mang thai mà không có biến chứng thì vẫn có thể làm công việc thường lệ trong đời sống hàng ngày cho tới ngày gần sanh. Họ cũng có thể trở lại làm việc sau vài tuần, nếu việc sanh đẻ suông sẻ. Luật pháp không cho phép chủ nhân đối xử khác biệt khi công nhân có thai: không bị sa thải, từ chối, trì hoãn thăng thưởng chì vì có thai. Khi vì có thai mà khả năng làm việc sút giảm thì phải được giao công việc thích hợp.

Nếu muốn, công nhân đang mang thai có quyền xin nghỉ không lương trước và sau khi sanh rồi trở lại công việc cũ của mình. Trong thời gian nghỉ, vẫn được hưởng thâm niên công việc, tăng lương, thời gian nghỉ theo luật. Mỹ có luật cho nghỉ 12 tuần trước sanh, trở lại công việc cũ hoặc tương đương với cùng số lương, quyền lợi và chức vụ. Nhưng phải đã làm việc ít nhất 12 tháng, làm ít nhất 1250 giờ trong năm vừa qua, hãng phải có ít nhất 50 nhân viên
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 10 Dec 2012, 7:30 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » THÀNH VIÊN » CHUYỆN XÃ HỘI » THƯƠNG TÍCH NƠI LƯNG (Nguyễn Ý Đức)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO