Thứ Năm
28 Mar 2024
6:27 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » Thiên Như Ðại Sư Khai Thị Niệm Phật (HT Thích Thiền Tâm chuyển dịch)
Thiên Như Ðại Sư Khai Thị Niệm Phật
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 26 Apr 2014, 6:07 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Thiên Như Ðại Sư Khai Thị Niệm Phật



Hỏi:- Sự nhiếp cơ của Tịnh Độ quả thật là rộng, ngu giả không còn dám luận bàn. Nhưng tôi thường nghe nói: 'Di Đà bản tánh, Tịnh Độ duy tâm,' trong ý cũng có trộm mừng! Đến chừng xem qua các kinh luận về tông nầy, thì Tịnh Độ là miền Cực Lạc ngoài muôn ức cõi. Di Đà là vị giáo chủ ở Liên Bang. Như vậy thì kia đây cách xa, ngoài nghĩa lý duy tâm bản tánh rồi! Thế là ý chỉ gì?

Đáp:- Chỗ hiểu ấy còn nông cạn hẹp hòi. Ông không biết rằng chân tâm của ông rộng rãi và sáng suốt vô cùng? Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Những non sông đất liền cho đến hư không ở ngoài sắc thân ta, đều là cảnh vật trong chân tâm mầu sáng.' Lại nói: 'Các pháp sanh hóa, đều là hiện cảnh của duy tâm.' Thế thì đâu có cõi Phật nào ngoài tâm ta ư? Cho nên ý nghĩa của Tịnh Độ duy tâm là nói cõi Tịnh Độ ở trong chân tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, mà không có bóng bọt nào ở ngoài biển cả. Lại như những hạt bụi nơi đất liền, không có hạt bụi nào chẳng phải là đất; cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên Tiên Thánh đã nói: 'Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Vô Chướng Ngại, và Thường Tịch Quang.'

Cõi Phàm Thánh Đồng Cư có hai: Đồng Cư Tịnh Độ và Đồng Cư Uế Độ. Đồng Cư Uế Độ là như cõi Ta Bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung lẫn, mà phàm và thánh đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức bốn thú, và thiện chúng sanh, tức trời người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh nhơn thuộc bốn đạo quả, bậc Bích Chi Phật, bậc thất địa trong Thông giáo, thập trụ trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo. Những vị nầy phần thông hoặc tuy dứt song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi là thật. Quyền thánh là các vị Bồ Tát trụ ở những cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang cùng bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng sanh vào cõi Đồng Cư. Bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền. Những vị trên đây cùng với phàm phu đồng ở, nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư, và cảnh cư trú về phần khí thế giới, có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu tình giới có bốn ác thú, nên gọi là Uế Độ. Đồng Cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song cũng gọi Phàm Thánh Đồng Cư vì chúng sanh sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo. Như trong kinh nói: 'Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh.' Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế Giới Cực Lạc cũng có hai hạng Thánh Cư và bởi y báo chánh báo đều sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ. Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di, và Tịnh Độ đã như thế, uế độ cũng như vậy.

Cõi Phương Tiện Hữu Dư là chỗ ở của bậc Nhị Thừa và ba hạng Bồ Tát đã chứng Phương Tiện Đạo. Những vị nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần sa, bỏ thân phân đoạn thọ thân pháp tánh, tự tại ở ngoài ba cõi; nhưng vì họ chưa đoạn được biệt hoặc vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi phương tiện vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng Phương Tiện Đạo. Gọi hữu dư là bởi họ chưa đoạn được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: 'Ngoài tam giới có cõi Tịnh Độ, đây là chỗ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cư trú, thọ Pháp Tánh thân, không còn sự phân đoạn sanh tử.'

Cõi Thật Báo Vô Chướng Ngại là nơi không có hàng Nhị Thừa, chỉ thuần là bậc pháp thân Bồ Tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh, được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đoạn hết vô minh nên còn nhuận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh, và cảnh giới nầy cũng gọi là Quả Báo Độ. Kinh Nhân Vương nói: 'Ba hiền mười thánh trụ quả báo' là chỉ cho sự việc trên đây. Sở dĩ gọi Thật Báo, vì các Đại Sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật. Gọi Vô Chướng Ngại là bởi chư Bồ Tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân Đà La Võng, chính là cảnh nầy.

Cõi Thường Tịch Quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc Diệu Giác. Đây là Phật Tánh Chân Như, tức độ là thân, tức thân là độ, thân và độ không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ Lô Giá Na, cũng gọi là Pháp Tánh Độ. Thường chính là đức pháp thân. Tịch là đức giải thoát. Quang là đức bát nhã , như chữ Y (() có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một. Đây cũng gọi là Bí Mật Tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường, thanh tịnh cùng cực.

Hai cõi trước là chỗ ở của Ứng Thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ứng cũng thuộc về Báo, mà chánh thức là chỗ ở của Báo Thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và Báo mà kiêm cả Ứng, Báo, là chỗ ở của Pháp Thân Phật.

Bốn cõi trên đây tùy theo chỗ tu chứng mà phân chia, song kỳ thật vẫn là một. Cho nên chân tâm bao trùm muôn tượng, vô biên quốc độ như vi trần ở khắp mười phương, chính là cảnh giới trong tâm ta, hằng sa chư Phật trong ba đời, cũng là các Đức Phật trong tâm ta; tất cả không ngoài bản tâm mà có. Hiểu được lý nầy thì biết không có cõi nào chẳng nương nơi tâm ta mà kiến lập, không có vị Phật nào chẳng nương nơi tánh ta mà xuất sanh. Thế thì miền Cực Lạc ngoài mười muôn ức cõi há chẳng phải là cảnh Tịnh Độ của duy tâm ư?

Thế Giới Cực Lạc đã như thế, thì vị giáo chủ ở cõi ấy cũng là Đức Di Đà của bản tánh. Nên biết chỉ một tâm nầy bao trùm đủ mười giới, thân và độ dung thông, trùng trùng không ngại. Lại nên biết tâm, Phật, chúng sanh, ba chính là một, đồng thể không khác nhau, chúng sanh và Phật hỗ hiện, mỗi niệm giao tham. Cho nên cổ đức nói: 'Chúng sanh trong tâm chư Phật, mỗi trần đều là Cực Lạc, chư Phật trong tâm chúng sanh, mỗi niệm chính thật Di Đà. Mười phương tịnh uế gom về trong khoảng sát na. Một niệm sắc tâm, bủa khắp gồm thâu pháp giới.' Xem thế thì biết tất cả đều sẵn đủ trong thể thiên chân, không phải do duyên khởi mới thành lập. Một tâm niệm đã như thế, một điểm trần lại khác chi? Vì vậy nên mới có thể: 'Trong mỗi mỗi trần tất cả cõi. Trong mỗi mỗi tâm tất cả tâm. Mỗi mỗi tâm trần lại khắp nhau. Trùng trùng không tận không chướng ngại. Đồng thời hiện rõ không ẩn hiển. Tất cả viên thành chẳng kém hơn.' Cảnh giới chân tâm bao hàm vô biên quốc độ trên đây, như lưới báu Thiên Châu của trời Đế Thích, bóng và ánh sáng của bao nhiêu hạt châu đều gom hiện vào một hạt châu, bóng và ánh sáng của một hạt châu lại hiện khắp vào tất cả các hạt châu khác. Tuy mỗi mỗi hạt châu giao hiện lẫn nhau, nhưng hạt châu nầy không thể là hạt châu kia, hạt châu kia không thể là hạt châu nầy, xen mà không tạp, lìa mà chẳng phân, mỗi mỗi khắp bày, vẫn không sở tại! Thế giới Cực Lạc cho đến mười muôn ức cõi mỗi miền cũng như một trong các hạt châu. Nói tinh tế hơn khắp mỗi cõi từ tam thừa thánh nhơn cho đến trời, người, tu la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, mỗi mỗi lại cũng như một trong các hạt châu. Và Đức A Di Đà cũng là một trong các hạt châu. Cho nên, thấy một vị Phật, tức thấy mười phương chư Phật, mà cũng là thấy chín giới chúng sanh ở khắp mười phương. Cõi Phật vô biên, mười phương kim cổ toàn thể là một hải ấn đốn viên, không còn pháp chi khác nữa!

Như thế thì, thần trải qua mười muôn ức cõi, chính hóa sanh trong bản tâm ta; chất gởi nơi chín phẩm hoa sen, há cách biệt ngoài chân như Phật? Những lời dẫn giải trên đây đều là những minh huấn của Phật, Tổ, Thánh, Hiền đã tuyên dương vậy. Hiểu được lý này tất sẽ thấy thế giới Cực Lạc là duy tâm, mỗi cõi Phật mỗi điểm trần đều là duy tâm; Đức Di Đà là bản tánh, mỗi vị Phật mỗi chúng sanh cũng đều là bản tánh. Như thế lại còn chi phải nghi ngờ?

Lời phụ:

Pháp giới chân tâm là một thể rộng rãi vô biên, bao hàm vi trần thế giới, chư Phật và chúng sanh. Trong thể nhất chơn ấy, phần thế giới chúng sanh luôn luôn biến đổi, thuộc về sanh diệt môn; phần tịch quang lặng mầu sáng suốt và thường hằng, gọi là chân như môn. Chân tâm là một thật thể chung, gồm hai môn hữu vi và vô vi đó. Tất cả những danh từ: Chân Tâm, Bản Tánh, Bản Thể, Phật Tánh, Như Lai Tạng, Pháp Giới, Pháp Tánh, Thật Tướng, Niết Bàn, Pháp Thân, Vô Cấu Bạch Tịnh Thức, Như Lai A Lại Da Thức, Bản Lai Diện Mục, Bát Nhã, Chân Không, đều là chỉ cho thật thể ấy. Để trở về thật thể nầy, giáo môn của Phật chia làm hai. Các tông như: Thành Thật, Tam Luận, Thiên Thai, Thiền, Thai Tạng Bộ của Mật Giáo, từ nơi không môn mà đi vào. Còn các tông: Câu Xá, Pháp Tướng, Luật, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, và Kim Cang Bộ của Mật Giáo, lại do nơi hữu môn mà thể nhập. Cho nên những vị hiểu sâu về lý Bát Nhã của Thiền, hay lý huyền môn của Hoa Nghiêm, đều nhận rõ sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Trái lại, các vị học chưa thấu đáo, nếu không chấp có tất cũng chấp không. Nhưng chấp có thì còn biết kiêng sợ nhân quả, lánh dữ làm lành, đời sau hưởng phước nhân thiên, hoặc chuyên niệm Phật lại có thể sanh về Tịnh Độ. Đến như chấp không tất sẽ đi đến chỗ bài nhân quả, bác Phật Thánh, tương lai bị đọa xuống tam đồ. Cho nên tiên đức đã răn bảo: 'Thà chấp có như non Tu, chớ chấp không như hạt cải!'

Vị thiền giả trên, vì chưa nhận rõ chân tâm, nên nghe nói 'duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà', vội hiểu lầm rằng tâm mình thanh tịnh đó là Tịnh Độ là Di Đà rồi, chớ không có cõi Cực Lạc hay Đức Di Đà nào khác nữa. Phật Pháp dù ở xứ nào, Trung Hoa hay Việt Nam cũng có hạng người tà kiến chấp không ấy. Đại khái họ bác không có Di Đà, Cực Lạc, không có địa ngục, thiên cung, hoặc như nói Địa Tạng là tâm địa tánh tạng, chớ không có Đức Địa Tạng nào cả. Như người đeo cặp kiến đen thì thấy nơi nào cũng tối tăm, những kẻ ấy dù có giảng thuyết bao nhiêu lời, diễn dịch bao nhiêu kinh sách, kết cuộc cũng lạc vào bịnh không chấp. Những kẻ chấp không thường tự cao tự mãn, cho mình là cao siêu, bác người là chấp tướng. Xét ra khi diễn dịch kinh, họ cũng có tâm muốn hoằng dương Phật Pháp, không dè ngược lại thành ra kết quả hủy báng Tam Bảo; tự mình đã sai lầm, khiến cho bao nhiêu người khác bị lầm lạc theo. Ví như kẻ dung y đem tâm muốn cứu đời, chẳng ngờ sự học hiểu về y dược không rành, trở lại làm cho nhiều người thêm bịnh.

Cho nên sự dịch kinh, thuyết pháp, vị tất là có phước, là hoằng dương Phật Giáo nếu hành giả lạc vào tà kiến, không hiểu ý kinh.

Hỏi:- Sở dĩ Phật, Tổ ra đời vì độ chúng sanh; học giả chỉ lo việc lớn chưa xong, nếu đã phát minh đại sự (tức ngộ đạo), nên theo gương đấng Đại Giác hiện thân vào nơi khốn khổ, không hiềm đường sanh tử, mà độ khắp hàm linh. Nếu bậc đã ngộ đạt mà còn cầu sanh Tịnh Độ, đó chẳng qua là tâm niệm chán khổ tìm vui, không đoái đến kẻ đang ở trong vòng chìm đắm? Tôi dù ngu hèn, vẫn không thích làm như vậy!

Đáp:- Thấy chiếc trứng mà muốn cho nó nở liền, tâm niệm ấy sao đà vội gấp! Ông cho rằng sau một phen tỏ ngộ, thì nghiệp tập đã dứt sạch, được ngay vị bất thối chuyển ư? Và cũng không còn học khắp Phật Pháp, không cần phải tu hành thêm để chứng những quả vị từ thấp đến cao ư? Hay là ông lại nghĩ: sau một phen ngộ đạo, tất đã đồng hàng với chư Phật, có thể vào sanh ra tử không bị chướng duyên nhiễu loạn ư? Nếu quả như thế thì chư Đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa kiếp tu sáu độ muôn hạnh, cũng đều phải hổ thẹn với ông vậy! Cổ giáo đã có lời răn nhắc: 'Hàng Thanh Văn còn muội lúc ra thai, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm!' Hai hạng ấy mà còn như thế, huống chi người ngộ giải non kém, tự cứu chưa xong giữa đời nay ư? Dù cho chỗ tỏ ngộ có sâu xa, trí thông hiểu có cao sáng, hạnh cùng giải hợp nhau, chí quyết muốn độ người; nhưng vì chưa lên hàng bất thối, lực dụng chưa đầy đủ, mà muốn ở cõi đời ác nầy hóa độ kẻ cang cường, điều ấy bậc Tiên Thánh cũng chưa hứa nhận. Ví như đem chiếc thuyền đóng trám chưa kỹ, để vớt người nơi biển dậy ba đào, cái họa trầm nịch cả đoàn tất không tránh khỏi. Cho nên Luận Vãng Sanh nói: 'Muốn du hành nơi địa ngục, muốn cứu độ chúng hữu tình mê khổ, trước phải cầu sanh về cõi kia, đợi khi chứng được Vô Sanh Nhẫn rồi sẽ trở lại đường sanh tử mà thật hành bản nguyện. Do nhân duyên ấy nên người tu mới cầu về Tịnh Độ.' Lại Tiên Thánh cũng đã bảo: 'Chưa được vị Bất Thối Chuyển, chưa chứng Vô Sanh Nhẫn, cần phải thường không rời Phật. Ví như trẻ thơ không nên xa mẹ, như chim non chỉ có thể bay chuyền theo cành cây.'

Nay ở cõi Ta Bà nầy Đức Thích Ca đã diệt, Phật Di Lặc chưa sanh. Huống nữa, bốn đường khổ thú, nhân quả dây dưa, trăm mối ngoại tà, thị phi rối loạn; sắc tốt tiếng dâm hằng quyến dụ, cảnh hư duyên ác mãi vây quanh. Trong hiện trạng ấy, đã không có Phật để nương nhờ, lại bị cảnh duyên làm khuấy động, hàng sơ tâm ngộ đạo hỏi mấy ai không bị thối lui? Cho nên Đấng Thế Tôn ân cần chỉ về Cực Lạc là bởi lý do ấy. Phương chi ở cõi kia, Đức Di Đà hiện đang nói pháp, cảnh diệu độ muôn thứ thuận duyên; đã nương nhờ hải chúng, nhẫn lực mau thành, lại gần Đấng Pháp Vương, Phật Thừa dễ đạt. Chừng ấy muốn ra ứng hoá độ sanh, còn chi trở ngại? Cũng vì lẽ ấy, nên bậc thượng căn lợi trí còn nguyện thác sanh, huống chi ông là hạng trung hạ mới được đôi chút giải ngộ đó ư?

Ông há không thấy trong kinh Quán Phật Tam Muội, Ngài Văn Thù tự bày tỏ túc nhân, bảo mình đã chứng môn Niệm Phật Tam Muội, thường sanh ở Tịnh Độ ư? Do bởi đó, Đức Thế Tôn mới thọ ký cho ngài rằng: 'Ông sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc.'

Lại chẳng thấy trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đem mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội, nên dùng công đức đó cầu sanh về Cực Lạc ư? Trong ấy có đoạn nói: 'Tôi nguyện khi đến lúc lâm chung. Dứt trừ tất cả điều chướng ngại. Diện kiến Đức Phật A Di Đà, liền được sanh về cõi Cực Lạc.'

Lại chẳng thấy trong Kinh Lăng Già, Đức Thế Tôn đã huyền ký: 'Sau xứ Nam Thiên Trúc, có danh đức Tỳ Khưu, tôn hiệu là Long Thọ. Hay phá hữu, vô tông. Trong thế gian hiển ngã. Pháp Vô Thượng đại thừa. Chứng Sơ Hoan Hỷ Địa. Sanh về cõi Cực Lạc' ư?

Và chẳng thấy trong Luận Khởi Tín, Mã Minh Bồ Tát, khen ngợi sự vãng sanh; trong Kinh Đại Bảo Tích, Phật hứa khả cho Tịnh Phạn Vương và bảy muôn Thích chủng đồng về An Dưỡng; trong Kinh Thập Lục Quán, Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp cho bà Vi Đề Hy cùng năm trăm thị nữ được lễ cẩn Đức A Di Đà ư?

Trong mấy vị trên, như Vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy hiện tiền đều đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ở Tây Trúc những hạng ấy cầu vãng sanh rất nhiều. Bên đông độ thì có Viễn Công ở Lô Sơn cùng các bậc cao nhơn trong Liên Xã, những vị tôn túc ở hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ, tất cả đều dùng môn niệm Phật tự tu và độ người khuyến hóa hàng tăng tục đồng cầu sanh về Tịnh Độ. Nói chung những bậc cao đức tu tịnh nghiệp số lượng không biết bao nhiêu mà kể! Đến như hai ngài Văn Thù, Phổ Hiền là bậc Đại Bồ Tát, Thiện Tài Đồng Tử và hải chúng Hoa Tạng đều là bậc đại nhơn trong bốn mươi mốt vị. Mã Minh, Long Thọ là hàng Bồ Tát, mà cũng là bậc Đại Tổ Sư.

Những thánh nhơn ấy chỗ ngộ và chứng siêu xuất hơn người ngộ đạt ngày nay như trời với vực, mà còn nguyện sanh về Tây Phương, ông bảo rằng đã tỏ ngộ không cầu về Cực Lạc, lại bác sự cầu sanh, thì các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, chắc là không bằng ông rồi! Ông thử tự lượng xem chổ tu chứng có bằng hai bậc Đại Sĩ, và hai vị Tổ Sư; sự tham ngộ có bằng ngài Thiện Tài cùng hải chúng, cảnh giới sở đắc và được Phật hứa khả có bằng vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy chăng? Vã Tịnh Phạn Vương là thân sanh của Phật, bảy muôn Thích chủng là tộc thuộc của Ngài, nếu sự về Tịnh Độ không có lợi ích thì Đức Thế Tôn đâu nỡ khiến phụ vương và hàng thân thuộc cầu vãng sanh? Trước kia đã nói bậc chứng được Vô Sanh Nhẫn có thể vào tục độ sanh, nay vua Tịnh Phạn và người thân thuộc của Phật đã đắc quả ấy mà Đức Như Lai còn khuyên và thọ ký cho vãng sanh, thì tấm lòng hộ trì bảo dưỡng của Ngài há chẳng là thân thiết và sâu xa ư?

Tôi thấy hàng thiền giả đời nay phần nhiều không xét liễu nghĩa của Như Lai, chẳng rõ huyền cơ của Đạt Ma, bụng rỗng lòng cao, tập quen thành bệnh cuồng vọng. Khi thấy người tu Tịnh Độ, họ khinh thường và cười bảo: 'Đó là việc làm thấp kém của hàng ngu phu ngu phụ!' Tôi thường cho đó không phải khinh hạng ngu phụ ngu phu, mà chính là khinh các Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; đó chẳng những tự mê chánh đạo, tự làm mất căn lành mà còn tự bỏ quên huệ thân và tự để tiêu Phật chủng. Đó cũng là tự gây ra tội báng Chánh Pháp, tự kết thành nghiệp khinh Thánh Tăng. Chư Phật, Tổ xem những kẻ ấy là hạng người đáng thương xót! Vì lẽ ấy nên Ngài Vĩnh Minh động mối bi tâm đem hết tâm can chủ trương Tịnh Độ, đã tự tu lại khuyên đời. Nên khi lâm chung, Đại Sư biết trước ngày giờ, có các điềm lành ứng hiện; lúc trà tỳ xá lợi tuôn ra vô số. Về sau có một vị tăng ở Phủ Châu thường cung kính đi nhiễu xung quanh tháp của ngài, nhiều người hỏi lý do thì vị tăng ấy đáp: 'Nhân lúc tôi bị bịnh nặng thần thức đi vào minh giới, Diêm Vương xét thấy thọ số chưa mãn, cho đưa trở về. Khi ấy tôi thấy bên phía tả đại điện có thiết bàn thờ di tượng một vị Đại Đức, Diêm Vương lễ bái ân cần. Hỏi ra thì Quan Chủ lại bảo đó là chân dung của Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư, vì ngài tu hành tinh tấn, được sanh về Thượng Phẩm ở Cực Lạc, nên Diêm Vương họa tượng để thờ.' Vĩnh Minh Đại Sư là bậc đã ngộ suốt môn thiền trực chỉ của tổ Đạt Ma, mà lại gởi chất nơi phẩm sen thượng thượng bên trời An Dưỡng; những sự kiện ấy đủ giải thích mối tình chấp của người tu thiền, còn làm duyên khuyến tấn cho chúng sanh đời mạt pháp. Cho nên tôi nói ngài rất có công đối với bên tông cũng như bên giáo là ở điểm nầy.

Song chẳng những chỉ có Vĩnh Minh Đại Sư mới như thế mà thôi. Ngoài ra, còn có Tử Tâm Tân Thiền Sư đã ngộ bên Thiền, lại khuyên tu bên Tịnh. Ngài đã bảo: Di Đà rất dễ niệm, Tịnh Độ rất dễ sanh. Người tham thiền niệm Phật rất tốt. Nếu kẻ căn cơ hơi kém, sợ e đời nay chưa được đại ngộ, kiếp sau dễ lạc bến mê, thì nên nhờ sức bi nguyện của Đức A Di Đà để sớm vãng sanh về Cực Lạc. Nếu vị nào chí tâm niệm Phật mà không được sanh về Tịnh Độ, lão tăng xin chịu đọa vào địa ngục Bạt Thiệt (ngục rút lưỡi). Lại như Chân Yết Liễu Thiền Sư, trong bài văn khuyên tu Tịnh Độ, có nói: 'Tại sao người trong tông Tào Động, ngoài sự tập thiền, còn mật tu Tịnh Độ? Sở dĩ có việc ấy, vì pháp môn niệm Phật là con đường tắt trong các lối tu hành. Xét trong Đại Tạng môn nầy ngoài sự tiếp dẫn bậc thượng thượng căn còn thâu nhiếp hạng người trung hạ... Bậc đại tượng trong tông môn đã ngộ pháp phi không phi hữu, lại chăm chú tu tịnh nghiệp, có phải sự thấy Phật cửa Tịnh Độ còn giản dị hơn tông môn chăng? Cho nên dù Phật dù Tổ, hoặc Giáo hoặc Thiền, đều do nơi cửa Tịnh Độ đồng về nơi chân nguyên. Vào được môn nầy, tức có thể vào được vô lượng pháp môn khác...'

Đến như các ngài: Thiên Y Hoài Thiền Sư, Viên Chiếu Bản Thiền Sư, Từ Thọ Thâm Thiền Sư, Nam Nhạc Tư Thiền Sư, Pháp Chiếu Thiền Sư, Tịnh Yết Thiền Sư, Tịnh Từ Đại Thông Thiền Sư, Thiên Thai Hoài Ngọc Thiền Sư, Lương Đạo Trân Thiền Sư, Đường Đạo Xước Thiền Sư, Tỳ Lăng Pháp Chân Thiền Sư, Cô Tô Thủ Nạp Thiền Sư, Bắc Nhàn Giản Thiền Sư, Thiên Mục Lễ Thiền Sư, những đại lão ấy là bậc tông tượng trong thiền môn, song xét ra chỗ mật tu và hiển hóa đều phát dương ý chỉ Tịnh Độ, tuy không ước hẹn mà ngẫu nhĩ đồng đường. Chẳng những các vị đại lão ấy như thế mà thôi, tôi lại thường nghe một vị kỳ túc bên tông môn nói: 'Hầu hết ngũ gia tông phái và những thiền tăng trong thiên hạ, đã tỏ ngộ cùng chưa tỏ ngộ, đều quy hướng về Tịnh Độ.' Hỏi lý do thì vị đó đáp: 'Ngài Bá Trượng Trí Hải Thiền Sư là đích tử của Giang Tây Mã Tổ, những tòng lâm trong thiên hạ đều y theo cách thức của ngài mà kiến lập và thanh quy ở khắp thiền môn đều y theo pháp chế của ngài mà cử hành. Từ xưa đến nay không ai dám có lời thị phi và trái với pháp chế ấy. Theo thanh quy của ngài, thì nghi thức tụng cầu cho những vị tăng bệnh nặng có lời văn như sau: 'Phải nhóm chúng lại, tất cả đồng tụng bài kệ tán Phật A Di Đà, rồi cao tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc trăm câu, ngàn câu. Khi niệm xong, hồi hướng phục nguyện rằng: Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành. Như hạn lớn đến kỳ, sanh về A Dưỡng.' Đó chẳng phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Lại trong nghi thức đưa những vị tăng đã tịch có đoạn nói: 'Đại chúng đồng niệm A Di Đà Phật hồi hướng phục nguyện rằng: Thần siêu cõi tịnh, nghiệp dứt đường trần, thượng phẩm sen nở hiện kim thân, nhứt sanh Phật trao phần quả ký.' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Đến như lúc trà tỳ, trong thanh quy lại dạy: Vị Duy Na chỉ dẫn khánh niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật mười lần, đại chúng đồng xướng họa theo.

Khi xướng xong, lại hồi hướng rằng: 'Trước đây xưng dương mười niệm, phụ giúp vãng sanh...' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Cho nên lão tăng nói: 'Các thiền gia trong thiên hạ đều quy hướng Tịnh Độ, là bởi nguyên nhân đó.' Tôi nghe những lời dẫn chứng của vị kỳ túc ấy đều có y cứ, nên không biện bác ra sao được. Nhân đó tôi lại chợt hiểu chỗ lập pháp của ngài Bá Trượng tất có thâm ý nhiệm mầu.

Nay ông ở tòng lâm, thân đã đưa không biết bao nhiêu vị tăng quy tịch, tai cùng miệng đã nghe và xướng không biết bao nhiêu lần mười niệm, ý đã chuyên chú hồi hướng về Tịnh Độ lại không biết bao nhiêu lần nữa! Thế mà ông đã không hiểu ý Tổ Sư, đã không phát lòng thức tỉnh, lại lầm bảo: những bậc ngộ đạt không nguyện vãng sanh. Quả thật cái bệnh chấp thiền trong thiên hạ, không còn ai hơn ông được.

Hỏi:- Tu làm sao cho mỗi niệm nối nhau, thật ra tôi vẫn muốn được như thế. Song chỉ hiềm định lực chưa thành, niệm đầu không chủ, hoặc tri giác cũ khó quên, hoặc tư tưởng vọng nổi dậy, hoặc xúc đối cảnh duyên tự kềm giữ không vững, hoặc tâm tình rối loạn cố ngăn dẹp chẳng kham. Cứ ngồi vào lần chuỗi một lúc, là tâm niệm đã chạy hết đông sang tây, bất giác nó đã đi xa cách mấy ngàn muôn dặm hồi nào, cũng không tự hay biết. Có khi phải bận lo một việc chi, thì luôn trong năm mười ngày hoặc đến cả tháng, tâm trí vẫn vướng vít chưa quên, chỉ dẹp trừ nó còn chưa xong, nói gì đến việc gián đoạn! Điều nầy thốt ra thật đáng hổ thẹn, song nghĩ lại cũng đáng thương tâm! không biết có cách gì đối trị chăng, xin nhờ Đại Sư chỉ bảo?

Đáp:- Đó là căn bịnh chung của hầu hết người tu. Trong lúc ấy nếu ông không thống thiết tự trách răn, thì khó mà thành tựu pháp chuyên tu vô gián. Tôi nghe người xưa có ba điều thống thiết tự trách răn, nay vì ông tỏ bày, nên ghi nhớ cho kỹ:

Điều thứ nhất là phải nghĩ đến sự báo ân. Người tu có những ân trọng. Hãy tạm gác qua ân Phật ân thầy, như ông là phận xuất gia, công ơn sanh dưỡng của cha mẹ há chẳng phải là sâu nặng ư? Ông đã lìa tục xuất gia, vì đi học đạo nên phải xa cách quê quán nhiều năm, cha mẹ nhọc nhằn cực khổ ông cũng không biết, khi già yếu đau bịnh lại cũng không hay mà săn sóc thuốc thang. Đến lúc cha mẹ mãn phần, ông không biết, hoặc có được tin gì về cũng đã trễ muộn. Khi ông còn nhỏ, có khi cha mẹ vì nuôi nấng thương lo cho con mà gây ra nhiều tội nghiệp, lúc chết rồi hoặc bị đọa vào nẻo khổ, hy vọng ông cứu độ, như khát chờ uống, như hạn trông mưa. Nếu ông tu hành lơ láo tất tịnh nghiệp không thành; đã không thành thì tự cứu chưa xong, làm sao cứu được cha mẹ? Đối với song thân ông đã lỗi phần phụng dưỡng về thể chất, mà còn không cứu độ được phần hương linh, tức là phụ nghĩa quên ân, là người đại bất hiếu. Kinh nói: 'Phạm tội bất hiếu, sẽ bị đọa vào địa ngục.' Thế thì tâm niệm gián đoạn không chuyên tu, chính là nghiệp địa ngục vậy.

Lại ông không dệt mà mặc, không cày mà ăn. Phòng, nhà, chăn, gối, cơm áo, thuốc thang đều do đàn việt cúng dâng. Tổ sư từng răn dạy: 'Hàng thiện tín vì sùng kính Tam Bảo đã chia cắt bớt phần ăn của gia đình đem đến cúng dường. Nếu người tu đạo hạnh không tròn, thì dù là tấc vải hạt cơm, kiếp sau cũng phải đền trả. Muốn báo ân đàn việt ông phải lo chuyên tu tịnh nghiệp để độ mình độ người. Nếu ông sanh một niệm gián đoạn không chuyên. Tất đã có phần trong kiếp luân hồi vay trả. Và tâm niệm ấy chính là nghiệp hạ tiện hoặc súc sanh vậy.

Điều thứ hai là phải có chí quyết định. Người tu hành phải kiên quyết để đi đến kết quả. Ông một đời tham thiền đã chẳng ngộ thiền, khi học giáo lại không tinh về giáo. Cho đến ngày nay tâm địa chưa lắng yên, niệm đầu còn sôi nổi, khi thì muốn làm thi, lúc lại thích tả tự, khi thì thuyết giáo, lúc lại đàm thiền, ý chí ly tán đi ba bốn nẻo. Tổ sư đã bảo: 'Tâm niệm còn vướng mắc, đó là nghiệp luân hồi. Tình tưởng vừa sanh ra, muôn kiếp bị ràng buộc.' Sở dĩ ông chưa được chánh niệm, là do vì còn tình tưởng phân vân, và tình tưởng còn phân vân cũng bởi chí không quyết định. Cho nên người tu mà ý chí không nhất quyết, đó chính là đầu mối của sự sa đọa tam đồ vậy.

Lại nếu người tu ý chí không quyết định, thì không thể gìn giữ giới căn. Do ý niệm phân vân nên không thể thâu nhiếp thân và khẩu. Kinh nói: 'Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng, nguyện không để miệng phá giới nầy thọ các thức ăn uống của tín tâm đàn việt. Thà dùng lưới sắt nóng quấn thân thể mình, nguyện không để thân phá giới nầy thọ những y phục của tín tâm đàn việt.' Phương chi, do các giới không trang nghiêm, nên tâm càng vọng động; nhân sự vọng động ấy mà phần chuyên tu bị gián đoạn. Thế thì một niệm gián đoạn, đâu chỉ là nghiệp nhân của lưới sắt nóng và nước đồng sôi ư?

Và nếu người tu ý chí không quyết định, tất không nhận rõ tướng đời giả huyễn, dễ chạy theo danh lợi hư phù. Khi danh lợi thuộc về mình thì sanh lòng mê đắm, danh lợi thuộc kẻ khác lại sanh lòng ganh ghét hơn thua. Cổ đức bảo: 'Tham đắm danh lợi đi về nẻo súc đường quỉ, buông lòng thương ghét đồng vào hầm lửa vạc dầu!' Thế thì một niệm gián đoạn chính là ngạ quỉ, hầm lửa vậy.

Điều thứ ba là cầu sự ứng nghiệm. Người đã tu tịnh nghiệp, nên cố gắng làm sao cho có sự ứng nghiệm. Kiếp người mong manh, vô thường chẳng hẹn. Như ông nay tóc đã điểm bạc, da đượm nét nhăn, tướng suy tàn hiện rõ, kỳ lâm chung phỏng còn được mấy ngày? Vậy ông phải cố gắng chuyên tu, làm sao cho có triệu chứng vãng sanh chắc chắn. Như khi xưa, Huệ Viễn Pháp Sư ở Lô Sơn, ba phen thấy Phật xoa đầu. Lại như Hoài Cảm Pháp Sư chí thành xưng danh hiệu Phật, liền thấy Đức A Di Đà phóng ánh quang minh, hiện ra tướng hảo. Và như Thiếu Khang Pháp Sư khi niệm Phật một câu, đại chúng liền thấy một vị Phật từ nơi miệng bay ra, cho đến trăm ngàn câu cũng như thế, tợ hồ các hạt chuỗi nối tiếp nhau. Những sự ứng nghiệm như thế có đến muôn ngàn. Nếu tâm ông không gián đoạn, thì thấy Phật rất dễ; như còn gián đoạn, tất khó thấy Phật. Đã không thấy Phật thì cùng với Phật vô duyên. Và đã vô duyên quyết khó sanh Tịnh Độ. Khi không được sanh về Tịnh Độ tất sớm muộn gì cũng bị đọa vào ác đạo. Thế thì một niệm gián đoạn chính là nghiệp tam đồ vậy. Phải nên răn dè và suy nghĩ kỹ!

Ba điều cảnh sách trên, người tu tịnh nghiệp phải ghi nhớ suy nghĩ rồi tự trách răn một cách thống thiết, làm sao cho tâm không rời Phật, Phật chẳng rời tâm, đạo cảm ứng giao thông, hiện đời được thấy Phật. Đã thấy Đức Phật ở Cực Lạc, tức thấy chư Phật khắp mười phương, và thấy chư Phật mười phương, tức thấy vị Phật thiên chân của tự tánh. Khi thấy được Phật tự tánh, thì sự đại dụng sẽ hiện tiền. Chừng ấy mới theo lòng bi nguyện, độ khắp quần sanh. Đó gọi là Tịnh Độ Thiền mà cũng là Thiền Tịnh Độ vậy. Thế thì ý của ngài Vĩnh Minh nói: 'Có Thiền có Tịnh Độ, dường như cọp mọc sừng, đời nay làm thầy người, đời sau làm Phật Tổ.' há chẳng là ứng nghiệm trong giai đoạn nầy ư? Phải nên cố gắng!

Thiền giả nghe xong vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, lặng lẽ giây lây, dường như tìm được vật chi đã mất. Thiên Như lão nhơn lại bảo: 'Thiền cùng Tịnh Độ vẫn không hai, nếu liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê, bởi ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, đừng nên lầm nhận!' Thiền thượng nhơn liền đảnh lễ mà thưa rằng: 'Tôi rất may mắn được nhờ ơn chỉ bảo, nay đã biết đường về!' rồi từ tạ mà lui.


Đại Bi Chú
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 26 Apr 2014, 11:03 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 27 Apr 2014, 8:38 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
kathy Date: Chủ Nhật, 11 May 2014, 1:07 PM | Message # 4
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » Thiên Như Ðại Sư Khai Thị Niệm Phật (HT Thích Thiền Tâm chuyển dịch)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO