Thứ Bảy
04 May 2024
5:53 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN TÌNH YÊU » Xem Mắt… (Thiên Thu)
Xem Mắt…
LongTracAn Date: Thứ Ba, 09 Aug 2011, 12:34 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Xem Mắt… - Thiên Thu

Như vừa dẫn xe ra đến cửa thì đã nghe tiếng Bố dặn với theo:
- Ngày mai con nhớ về trước 6 giờ vì sẽ có người đến xem mắt con đó.
- Bố ơi, con sắp thi rồi, để tháng sau xem mắt có được không?
- Không được. Mẹ con đã hẹn với người ta lúc 7 giờ rồi.
- Thật là khổ, mắt con có gì đâu để mà xem, chiều mai con phải ôn bài với bạn.
- Con phải về sớm, không được cãi lời.
Như dựng xe vào tường rồi đi nhanh về hướng Bố năn nỉ:
- Bố ơi, con không muốn cho người ta xem mắt.
- Tại sao? Tại sao là con gái mà không muốn cho người ta đến xem mắt là thế nào?
- Tại vì con không muốn người ta xem xong rồi lại chê con xấu.
- Ai dám chê con xấu?
- Bố thật tình không biết người chê con gái của Bố “quá xấu” là ai hay sao?

Không đợi Bố trả lời, Như đã tiếp theo với một giọng nói cay đắng, pha lẫn hằn học, và có một chút mai mỉa, diễu cợt kèm theo:

- Thì là cái “Ông thầy giáo dạy Anh Văn lớp 12” mà Bác Ba dẫn đến “xem mắt” con ba tháng trước đó. Bố có muốn biết “Ông ấy” nói gì không? “Ông ấy” bảo nhà mình cái gì cũng được cả, “môn đăng hộ đối”, nhưng chỉ tiếc một điều là cô Như “quá xấu”.

Nói đến đây thì Như không còn giữ được cái vẻ lì lợm và bình tĩnh như lúc ban đầu nữa. Hình như có một cái gì chặn ngang qua cuống họng và nước mắt thì đã bắt đầu ứa ra. Như lấy vạt áo dài tím chậm nhanh vì không muốn Bố nhìn thấy sự đau khổ ngấm ngầm trong lòng từ bấy lâu nay. Như lặng lẽ dẫn xe đi ra thì Bố vội vã hỏi với theo:

- Làm sao con biết người ta nói như vậy?
- Con nghe được khi đi ngang qua phòng khách lúc Bác Ba nói chuyện với Mẹ. Mẹ không biết là con đã nghe được sự thật này, vẫn nói dối con là “Ông ấy” ấy thích con.

Bố nhìn Như ái ngại, nét chua xót hiện rõ trên gương mặt khắc khổ và chất chứa nhiều ưu tư. Bố tiến lại gần hơn, an ủi đứa con gái xấu xí nhất nhà đang thút thít khóc:

- Thôi nín đi con. Nghe lời Bố, con đừng khóc nữa.

Người đàn ông háo sắc như vậy, chỉ vừa nhìn thấy con trong vài phút ngắn ngủi, chưa biết tính nết con ra sao, mà đã vội phê bình con như vậy thì cũng không đáng để con gái của Bố phải buồn đâu.

Bố tiễn Như ra cửa và vỗ nhẹ lên vai con thay cho lời nói thầm: “Bố hiểu là con buồn lắm”. Như không nói thêm lời nào, lau vội những giọt nước mắt còn sót lại và lặng lẽ rời nhà.
Con đường Hồng Thập Tự dẫn đến trường đại học Khoa Học hôm nay sao mà dài thế! Hai hàng cây xanh bên đường dường như cũng héo úa và đẫm nước mắt của Như. Như đi đến trường mà đầu óc rỗng tuếch. Như cảm thấy trống trải vô cùng đến độ không muốn gặp bất cứ người nào. Thói quen của Như trên đường đi học là nghĩ đến tương lai sau khi tốt nghiệp. Như luôn luôn hy vọng là sẽ vừa được làm ở phòng thí nghiệm và vừa lo chuyện gia đình. Giấc mơ ấy đã không còn nữa sau khi nghe được câu chuyện Bác Ba nói với Mẹ.

Kể từ lúc biết khóc thầm khi nghe người ta phê bình về cái “vẻ đẹp” dưới trung bình của mình, tính tự tin bẩm sinh của Như đã biến mất để thay vào đó bằng một khối tự ti mặc cảm to lớn. Như hay khóc thầm và ngầm trách sự bất công của tạo hóa. Tại sao cũng cùng một cha mẹ sinh ra mà Như thì không được đẹp như các chị em của mình? Khi các chị cười thì người ta bảo là tươi như hoa nở; còn khi Như cười thì họ lại bảo là như mếu. Khi em gái của Như mặc chiếc áo dài mới thì mọi người rối rít khen là đẹp quá; còn khi Như mặc áo mới thì thiên hạ nhìn rồi lắc đầu như tội nghiệp cho chiếc áo dài. Bất cứ cái gì để lên người Như cũng trở thành xấu xí, cũng mất đi cái giá trị của món hàng, chỉ vì một lý do thật đơn giản là Như không được đẹp như các chị và em gái của mình. Lời giải thích của Bố Mẹ là Như rất giống Bà Nội khi còn trẻ, có nghĩa là Như cũng sẽ giỏi như Bà Nội ngày xưa, hình như không đủ sức thu nhỏ cái mặc cảm thua thiệt của mình. Như hay tủi thân mỗi khi có người bàn đến chuyện hôn nhân. Như không còn tin vào lời dạy của người xưa là “Cái nết đánh chết cái đẹp” nữa. Quả thật, tạo hóa đã không công bình đối với Như, đã cho Như ra đời nhưng quên cho Như một vài nét mềm mại, dễ thương và dễ nhìn của một thiếu nữ.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, Như vẫn không thể nào tập trung để nhớ trọn vẹn chương cuối cùng nói về chất đạm của một chứng chỉ Như đang theo học. Như xếp tập dàn bài dầy cộm lại và rời khỏi giảng đường C. Đây là một lớp học nhỏ, nơi Như và các bạn hay đến để ôn bài vào những lúc không có giờ học lý thuyết. Như lấy xe đi về thư viện Đắc Lộ với hy vọng khi đổi môi trường học, Như có thể tập trung dễ dàng hơn. Con đường Yên Đổ dẫn đến thư viện hôm nay cũng thật là dài và xa lạ đối với Như. Hai hàng cây bên đường dường như thấu hiểu được nỗi buồn và sự trống vắng trong lòng Như nên cũng ủ rũ và héo uá phần nào.

Vừa đến nơi, Như chọn ngay cho mình một chỗ trống ở cuối phòng học dành cho nữ sinh viên. Nhìn qua khung cửa sổ, cây me già thân thuộc của khu cư xá, hình như cũng không xanh mướt như những ngày tháng trước. Những quả me non cũng không làm cho Như nuốt nước miếng vì thèm nữa. Mà thôi, Như tự nhủ, sẽ không có nỗi buồn nào lớn hơn nếu Như thi trượt kỳ này.

Như ôm xấp dàn bài xuống sân thư viện và đi thẳng về phía chiếc ghế đá quen thuộc. Gió hiu hiu thổi nhẹ như có ai nói nhỏ bên tai Như: “Đừng buồn nữa, đừng vì một lời phê bình hời hợt của một người đàn ông xa lạ mà phí đi tuổi xuân vui vẻ”. Tự nhiên, Như nhếch mép cười vì thấy chính mình tự an ủi lấy mình. Như lắc đầu đôi ba lần, nhắm chặt mắt lại như cố xua đuổi sự phiền muộn ra khỏi cái đầu nhỏ bé của mình và lẩm nhẩm ôn bài …

Đúng 6 giờ 30 phút chiều Chủ Nhật, Như rời thư viện Đắc Lộ. Như không muốn đi nhanh vì không muốn phải đối diện với một sự thật sắp sửa diễn ra trong căn nhà của mình. Như dừng xe lại bên lề đường, mua một quả cóc ngâm cam thảo và đây không phải là thói quen của Như. Như không biết phải làm gì hơn để trì hoãn giờ phút bước lên “đoạn đầu đài” của “kẻ tử tội xấu xí” giống như Như. Trong cuộc đời này, chưa bao giờ Như thấy ghét cái tên cúng cơm của mình như hôm nay. Cái tên cha mẹ đặt cho “Phạm thị Quỳnh Như”, thật là trớ trêu. Tên và người, quả thật không đi đôi với nhau một chút nào cả. Phải chi đừng có chữ “Quỳnh” đứng trước chữ “Như”. Như vậy, có lẽ sẽ dễ nghe hơn và sẽ không làm cho thiên hạ phải giật mình khi nghe cái tên thật đẹp mà phải đối diện với một người không đẹp chút nào. Đúng là tên đặt và người thật đã tự mai mỉa lẫn nhau!
7 giờ 15 phút, Như về đến nhà. Cô bé giúp việc đã chờ sẵn ở cửa, vội vã thúc hối:

- Bác dặn em nói với Chị là về đến nhà, không được ăn cơm mà phải lên phòng khách ngay. Khách đã đến từ lúc 7 giờ. Em đã châm trà lên mời khách rồi. Chị coi chừng vì Bác gái giận Chị lắm đó.

Như gật đầu, trả lời cô bé, ừ hữ cho qua chuyện rồi đi thẳng về phía phòng khách. Vừa đi Như vừa lẩm bẩm “Đi xem mắt mà làm như là đi ăn cướp không bằng. Mặt mũi của tôi có gì lạ đâu để mà phải đến xem tận mắt. Lần này thì tôi sẽ cho biết là ai chê ai xấu. Đúng là cổ hủ, phong kiến, lạc hậu”. Ý nghĩ quái gở, hằn học và có ý trả thù này, thực sự đã làm Như giật mình. Như không thể hiểu được là mình đã trở nên đanh đá, độc ác và nham hiểm như vậy từ lúc nào, dù chỉ mới là trong tư tưởng mà thôi. Như lê từng bước mệt mỏi đi qua hành lang giống như kẻ tử tội sắp bước ra pháp trường. Hình như có một cái gì nghèn nghẹn ở cổ và có một cái gì cay cay trong mắt. Như lạnh lùng bước vào phòng khách và lí nhí trong miệng:

- Cháu xin chào Ông Bà.

Như không chào người đàn ông trẻ ngồi ở chiếc ghế đơn mà chỉ hướng về phía ấy gật nhẹ. Như không mong đợi người ấy đáp lễ cái gật đầu không mấy thân thiện của mình thì đã nghe một giọng nói thật trầm ấm cất lên:

- Chào Như. Cám ơn Em đã phải nghỉ ôn bài để về sớm chiều nay.

Như hơi giật mình nhưng không dám ngửng đầu lên. Hình như người ấy đã nhìn thấy sự bất mãn của Như qua nét mặt lạnh lùng và cái gật đầu thay cho câu chào hỏi ban nãy. Nguy thật rồi! Thế nào hôm nay, sau khi khách ra về, Như cũng sẽ bị Mẹ mắng cho một trận vì cái thái độ bất lịch sự của mình. Như còn đang lo lắng không biết phải làm sao thì đã nghe tiếng Mẹ thân thiện:

- Xin phép Ông Bà cho cháu Như ngồi xuống để hầu chuyện ạ.
- Vâng, Cháu cứ tự nhiên.

Tiếng nói nhẹ nhàng của bà mẹ người đến xem mắt Như tiếp lời. Như lí nhí “Cháu xin phép” rồi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ được sắp đối diện với người đàn ông trẻ. Như vẫn không chịu ngửng mặt lên. Không khí trong phòng khách thật là ngột ngạt, khó thở. Hình như tất cả mọi người đang chăm chú nhìn vào mặt Như. Như cảm thấy có một luồng điện chạy qua mặt và làm cho hai má của Như nóng hẳn lên. Như bối rối và có phần ngượng ngùng vì sự thừa thãi của hai bàn tay. May quá, khi Như chưa tìm được cách nào để rời khỏi phòng khách thì Bố của người đến xem mặt Như đã lên tiếng:

- Nghe nói Ông Bà có một vườn hoa rất đẹp, xin cho phép vợ chồng chúng tôi lên xem có được không ạ?
Khách vừa dứt lời thì Bố của Như đã vội đính chính:

- Dạ, tôi chỉ trồng được một ít hoa trên cái sân nhỏ sau phòng này thôi. Tôi không dám khoe nhưng cũng xin được mời Ông Bà ra xem cho vui mắt.

Thế là đôi bên cha mẹ đứng lên, rời phòng khách, để đi ngắm hoa. Bây giờ chỉ còn lại hai người. Như càng thấy ngại ngùng hơn, hai bàn tay đan chặt vào nhau và không có chỗ nào để mà dấu cả. Như vẫn ngồi yên như khúc gỗ, không động đậy. Người đàn ông trẻ nhanh nhẹn phá tan bầu không khí nặng nề bằng một câu hỏi rất tự nhiên, pha thêm một chút gì lo lắng:

- Như mới đi học về, chắc là Em mệt và đói lắm, có phải không?

Như lí nhí trong mồm “Vâng” rồi lại tiếp tục im lặng, hai tay vẫn đan vào nhau, mắt thì vẫn không rời khỏi cái nền nhà. Ước gì anh ta bảo Như: “Thôi Em xuống nhà ăn cơm đi” thì tốt biết mấy. Nhưng không phải như vậy, người đàn ông lại tiếp tục:

- Mải nói chuyện, anh quên tự giới thiệu với Như, anh là Khôi, hiện đang phục vụ trong quân đội. Đơn vị của anh ở Đà Lạt. Tuần này anh được về phép và Ba Mẹ nói là đã được sự chấp thuận của Hai Bác để anh đến thăm Như. Xin lỗi Như, biết là Em đang bận ôn bài thi mà vẫn đến quấy rầy vì anh phải trở về đơn vị chiều mai.

Như vẫn im lặng chẳng biết phải nói gì với khách. Hình như anh Khôi biết quá nhiều chi tiết về Như. Tự nhiên Như cảm thấy hơi hối hận vì thái độ cư xử không mấy lịch sự của mình lúc ban đầu. Như ngước mặt nhìn and Khôi để thay cho một lời xin lỗi. Không hiểu sao nước mắt Như tự nhiên ứa ra. Như đã cố gắng nhiều lắm từ khi bước vào phòng khách. Như đã cố giữ nước mắt lại để không khóc trước mặt khách nhưng nước mắt đã đoanh tròng. Như lúng túng đáp lời:

- Vâng, em là Như, học ở trường Khoa Học. Em sắp thi rồi nên rất lo. Em sợ nếu không qua được thì chắc là sẽ phải bỏ ngang.

- Tại sao lại lo? Anh nghe nói Như rất chăm học và học giỏi nữa có đúng không?

- Không đúng như vậy đâu. Tại em không được thông minh nên phải chăm thì mới theo kịp các bạn cùng lớp. Còn học giỏi thì lại càng không đúng vì em cũng bị thi trượt hai lần ở trường này rồi.

Sau khi nói hết câu, Như lại ngồi yên. Anh Khôi như đọc được sự lúng túng của Như nên tìm cách phá tan bầu không khí căng thẳng ấy, anh đã tiếp lời ngay:

- Như ạ, Em có phiền không nếu anh hỏi Như câu này. Nó có hơi riêng tư một chút?

Như ngạc nhiên và chưa biết phải trả lời như thế nào vì ba chữ “hơi riêng tư” đã làm cho Như hơi lo sợ. Nếu rủi câu hỏi ấy có liên quan đến cái “xấu” của Như thì phải làm thế nào đây?! Anh Khôi không chờ câu trả lời mà tiếp tục:

- Như không phản đối thì cũng đồng nghĩa là đã bằng lòng cho anh hỏi phải không? Thế thì anh hỏi đây ... Như ạ, tại sao Em không để móng tay dài?

Trời ơi, Như thầm nghĩ trong đầu “Hỏi gì mà lạ vậy. Có ai đi xem mắt mà lại đi để ý đến móng tay của người con gái mới gặp lần đầu như vậy đâu!”. Nghĩ như thế nhưng Như vẫn không thấy bực mình vì trong giọng nói của anh Khôi có pha một cái gì rất ân cần, rất nhẹ nhàng và rất thành thật. Như nhìn anh Khôi, tủm tỉm cười, nói nhỏ:

- Tại vì em không quen. Khi xưa, em có lần làm ở phòng thí nghiệm về vi trùng độ một năm. Nếu để móng tay dài thì sẽ không tiện cho việc làm của em, nên từ đó em đã có thói quen cắt móng tay thật ngắn.
- Thế à, đó là luật của phòng thí nghiệm hay sao?
- Em không rõ lắm, nhưng không thấy ai để móng tay dài cả.
- Thế à. Thế các cô làm chung phòng thí nghiệm với Em có trang điểm không?

Như ngạc nhiên vô cùng trước câu hỏi quá tò mò của anh Khôi. Như hơi khó chịu trước câu hỏi này và có phần nào bực mình một chút. Như nhìn thẳng vào mặt khách với ánh mắt không mấy vui rồi hỏi nhanh:

- Tại sao Anh lại hỏi em câu này?
- Vì anh thấy Như lớn rồi, đã là sinh viên rồi, mà cũng không trang điểm, son phấn như nhiều người anh gặp, nên anh tò mò muốn biết tại sao.

Như lại nhìn xuống nền nhà, không biết phải trả lời như thế nào đây. Bây giờ phải nói thật hay nói dối đây. Như muốn hét to lên “Đủ rồi, xin Anh đừng hỏi thêm nữa. Tôi đã khổ tâm lắm rồi”, nhưng không hiểu sao, Như lại không thể nào nói ra thành lời. Đôi mắt hiền hòa, cái nhìn đứng đắn như che chở, như bảo bọc và rất “đàn ông” của anh Khôi hình như đã có một sức mạnh thúc hối Như phải trả lời. Thu hết can đảm, Như nhìn thẳng vào mắt khách, hỏi thêm:

- Anh thật sự muốn biết tại sao?
- Đúng vậy! Anh thật lòng muốn biết tại sao.
- Nếu Anh thật tình muốn biết, em sẽ nói thật …

Như ngần ngừ một lúc, đôi mắt nhìn vào khoảng không trước mặt, lạnh lùng và xa vắng như không hồn, Như thu hết tàn lực còn sót lại rồi nói nhỏ:

- Tại vì em xấu … Mấy tháng trước đây có một người thầy giáo đến xem mắt và đã chê vì em “quá xấu”. Vì vậy, em không nghĩ là mỹ phẩm hay phấn son có thể làm cho gương mặt của em dễ coi hơn so với người thật của em đâu.

Vừa nói dứt câu, mọi vật trong phòng khách như nhòa nhoẹt trước mắt Như. Hai giọt nước mắt tủi thân đã từ từ lăn dài xuống má. Như vội đưa tay áo lên lau nhanh. Như muốn xin phép rời khỏi phòng khách ngay lập tức nhưng anh Khôi đã vội vã ngăn lại:

- Như à, anh thật tình xin lỗi Em. Anh không có ác ý khi hỏi Em câu ấy đâu. Anh chỉ vì tò mò muốn biết tại sao khi anh thấy Như thật đơn sơ, thật giản dị và thật trong sáng so với các thiếu nữ cùng lứa tuổi với Em mà anh đã gặp. Anh xin lỗi đã làm Em buồn. Như ạ, nín đi, anh có thể xin Em đừng khóc nữa được không?

Lời thành thật xin lỗi và giọng nói ân cần của anh Khôi đã làm Như cảm động. Như vẫn nhìn xuống nền nhà nhưng nước mắt đã thôi rơi. Trong cuộc đời này chỉ có hai người đàn ông biết an ủi và làm cho Như bớt tủi thân mà thôi. Người đầu tiên, đó là Bố của Như, và bây giờ là anh Khôi. Như muốn nói với anh Khôi lời xin lỗi vì đã khóc trước mặt anh, nhưng chưa kịp mở lời thì cha mẹ của hai bên đã trở lại phòng khách.

Mười lăm phút sau, khách kiếu từ ra về. Như theo chân Bố Mẹ tiễn khách ra cửa. Bụng đói cồn cào, đầu óc trống rỗng, Như lủi thủi đi theo sau cùng. Như không đủ can đảm nhìn vào mặt anh Khôi nhưng Anh đã đến bên cạnh và nói đủ to để cho cả sáu người cùng nghe:

- Nếu Như đồng ý, lần sau về phép, anh sẽ đến thăm Em, có được không?

Như đáp lại như một cái máy: “Vâng” và vẫn không dám ngửng đầu lên nhìn vì hình như có một cái gì không bình thường trong lòng. Anh Khôi bước lại gần Như hơn:

- Vậy anh về nghe. Chúc Em thi đỗ cao. Anh sẽ về thăm Như vào lần phép tới.

Như muốn nói lời cám ơn với anh Khôi, nhưng lại thôi vì sợ hiểu lầm. Xã hội ngày đó không dễ dàng chấp nhận một người con gái nói nhiều khi mới gặp người đàn ông lần đầu. Như chỉ gật nhẹ và lí nhí trong miệng:

- Chúc Anh lên đường bình an ...

Thời gian trôi qua thật nhanh. Như bận rộn với việc học nên cũng chẳng có thì giờ để ý đến những chuyện vui buồn chung quanh. Trong khi đó, chiến cuộc càng ngày càng sôi động. Ngày nghe tin Huế thất thủ, tiếp theo mất Đà Lạt, Như đã khóc và rất buồn. Như không thể nói được với bất cứ ai nỗi khổ tâm này. Những ngày tháng chờ đợi cứ tiếp tục trôi qua. Người đàn ông đến xem mắt Như mấy tháng trước đã kẹt lại trên vùng cao nguyên đất đỏ.

Như rất muốn hỏi thăm tin tức của anh Khôi, nhưng chẳng biết tìm ai để mà hỏi cả. Như cũng không biết là anh Khôi thuộc binh chủng nào và đơn vị phục vụ ở đâu. Như chỉ biết vỏn vẹn một điều anh là đại uý ở Đà Lạt, tên Khôi. Như cũng không biết nhà Ba Mẹ của anh Khôi ở đâu nữa. Như sống trong chờ đợi từng ngày tin tức của anh. Lời hứa hẹn “Anh sẽ về thăm Như vào lần phép tới” như vẫn vang vọng bên tai. Sự mong mỏi ngày gặp lại anh Khôi càng mong manh hơn khi cả miền Nam đã mất …

Hơn một năm sau ngày người đàn ông đến xem mắt và để lại cho Như khá nhiều kỷ niệm êm đềm, Như lại vô tình được nghe mẩu chuyện ngắn, tin tức về anh Khôi. Sáng hôm ấy, Bác Ba đã buồn bã, thì thầm nói với Mẹ rằng “Cậu Khôi bị đi tù cải tạo ở Đà Lạt, đã mất tích, không có tin tức gì cả. Bố Mẹ Khôi buồn lắm và cũng đã dọn nhà đi nơi khác. Tôi đã hoàn toàn mất liên lạc với gia đình này rồi Thím ạ!”

Thế là hết! Kết qủa của hai lần “xem mắt” đã để lại cho Như hai kỷ niệm thật khó quên trong đời. Một kỷ niệm thì thật là chua chát. Lời nhận xét của ông thầy giáo rằng Như “quá xấu” sau lần xem mắt không quá 10 phút cứ ám ảnh Như mãi. Hai chữ ấy đã có đủ sức mạnh để giết chết giấc mơ tương lai của một người con gái mới lớn trong xã hội Việt Nam. Còn một kỷ niệm thì thật là ngọt ngào. Tuy cuộc gặp gỡ qua lần xem mắt thứ hai không quá một tiếng đồng hồ nhưng nó đã giúp Như lấy lại niềm tin và sống vui vẻ cho đến ngày nghe tin anh Khôi mất tích. Như đã hiểu thêm và hiểu rất rõ là cái “xấu” hay cái “đẹp” của người phụ nữ thực sự thay đổi tùy theo lăng kính bẩm sinh, sự dạy dỗ của gia đình, sự giáo dục của trường học, cùng với quan niệm sống … của người đàn ông đối diện.

Hơn ba mươi năm qua rồi, không còn ai đến xem mắt Như nữa! Như đã quên hẳn hình ảnh của ông thầy giáo ngày nào đã một lần chê Như xấu xí. Tuy vậy, Như vẫn thấy tủi thân và thỉnh thoảng cũng rơi nước mắt khi nhớ lại. Nhưng quả thật, Như không thể nào quên được gương mặt của anh Khôi, người đã một lần xin lỗi Như. Anh Khôi đã đến xem mắt và cũng đã làm cho Như khóc vì hai câu hỏi hơi tò mò, ngộ nghĩnh nhưng chan chứa tình người. Phải chi anh Khôi về thăm Như được thêm một lần nữa! Nếu được như vậy, Như cũng có thể ôm mối tình ngắn ngủi ấy, sống mãi trong nuối tiếc như nhiều thiếu nữ cùng lứa tuổi, có cuộc tình dang dở … vì cuộc chiến tàn nhẫn này. Hay ít nhất, Như cũng có lý do chính đáng để viết vào nhật ký của mình những câu thơ tình tứ và lãng mạn …

Nửa vuông vải quấn ngang mái tóc,
Chiều hôm nay em khóc tình đầu!
Nếu xưa chẳng biết mặt nhau,
Thì đâu để nhớ, để sầu cho em!

Nhưng rất tiếc, anh Khôi chỉ gặp Như được đúng một lần. Một lần đến xem mắt, rồi anh đi, và không bao giờ trở lại thăm Như, như lời anh đã hứa! Anh Khôi đã đến xem mắt và đã để lại cho Như một cái gì thật nhẹ nhàng, ấm áp, ân cần, thành thật và rất tự nhiên.

Lời hứa hẹn đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh đã giúp Như không còn để ý đến những lời phê bình về cái “xấu” của mình như trước nữa. “Anh Khôi có biết là Như đã nghĩ đến Anh rất nhiều và buồn không ít trong những năm tháng lẻ loi vừa qua trên xứ người hay không? Như vẫn hy vọng được nghe tin anh còn sống, được gặp lại anh ở bất cứ nơi nào, trong hoàn cảnh nào cũng được, nhưng Anh vẫn bặt tin … ”. Như vẫn khóc thầm mỗi khi nhớ đến và đôi khi, không hiểu tại sao, Như cảm thấy rất giận anh Khôi ... Có lẽ vì anh Khôi đã lỗi hẹn và đã để cho Như chờ đợi gần nửa cuộc đời trong vô vọng!
Lại một năm nữa qua đi! Như viết lại câu chuyện “Xem Mắt” đặc biệt của hơn ba mươi năm về trước, xin tạm thay cho một ngọn nến, một nén hương trầm, một cành hoa dại, và nỗi nhớ mong của một người Việt Nam … để gửi đến cho người tù “cải tạo” đã mất tích trên vùng cao nguyên Đà Lạt từ sau ngày mất nước 30-4-1975!

Như vẫn nhớ và vẫn buồn mỗi khi nghĩ đến người đàn ông chỉ gặp đúng một lần trong đời. Tuy buổi gặp gỡ thật ngắn ngủi qua sự sắp đặt của gia đình, nhưng Như cũng xin được cám ơn anh Khôi thật nhiều, người đã đến “xem mắt”, đã đi, và đã để lại cho Như một khoảng trống không nhỏ trong tâm hồn với một giọng nói trầm ấm còn vang mãi bên tai, qua một hình tượng “rất đàn ông”, đứng đắn, lãng mạn, tình tứ, nhưng chân thật … để thương và để nhớ trong cuộc đời này!

Canada, 11-11-2007


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 13 Aug 2011, 9:10 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
tieuthu_soma Date: Thứ Hai, 13 Feb 2012, 9:02 AM | Message # 3
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN TÌNH YÊU » Xem Mắt… (Thiên Thu)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO