Chủ Nhật
28 Apr 2024
10:32 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » CỔ HỌC TINH HOA II (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
CỔ HỌC TINH HOA II
HHMT Date: Thứ Hai, 28 Mar 2011, 0:53 AM | Message # 1
Sergeant
Group: Moderators
Messages: 34
Status: Tạm vắng
CỔ HỌC TINH HOA


Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
Từ An Trần Lê Nhân




16. CÁI ĐƯỢC CÁI MẤT CỦA NGƯỜI LÀM QUAN

Khổng Miệt là cháu Đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò Đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.

Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: "Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?"

Khổng Miệt thưa: "Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều:
- Việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới;
- Bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết;
- Công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn
".

Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng. Sau Ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.

Bật Tử Tiện thưa: "Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều:
- Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ;
- Bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần;
- Việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân
".

Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: "Tử Tiện thực là người quân tử".
Gia Ngữ


GIẢI NGHĨA


Chu cấp: Chu - giúp, cấp - cho, giúp đỡ cho người ta những cái mà người cần đến.
Thân thiết: Gần gũi năng đi lại.
Thực hành: Đem ra làm thật sự.
Bạc: Mỏng, đối lại với hậu, đây là ít ỏi.


LỜI BÀN

Hai đoạn này bày ra hai cái cảnh phản đối lại hẳn với nhau. Cũng là làm quan, mà một đàng "mất" một đàng "được" khác nhau chẳng qua là chỉ do tự mình cả, chớ không phải nghề làm quan bó buộc mình phải như thế. Đức Khổng Tử khen người "được" là quân tử, thì tất bỉ người "mất" là tiểu nhân. Ôi! Làm quan tuy là bận việc, tuy là ít lương, tuy là hẹp thời giờ, mà vẫn học hành cho rộng thêm trí thức mà vẫn chu cấp được cả cho bà con, mà vẫn ân cần cả với chúng bạn, thì cũng đáng phục là ông quan quân tử thật.


17. CAN VUA BỎ RƯỢU

Vua Cảnh Công nước Tề hay uống rượu, có bận say luôn mấy đêm ngày, xao lãng cả việc nước. Huyền Chương can, nói: "Nhà vua uống rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, nhà vua không nghe, hạ thần xin tự tận"

Ngay lúc ấy Án Tử vào yết kiến vua. Vua bảo: "Huyền Chương can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu ta mà nghe, thì ta hóa ra non, nếu ta không nghe, lỡ Huyền Chương chết thì cũng đáng tiếc!"

Án Tử nói: "May lắm! May mà Huyền Chương gặp được nhà vua, chớ như vua Kiệt, vua Trụ, thì chết mất rồi, còn đâu sống được đến bây giờ nữa!"

Cảnh Công nghe nói, tỉnh ngộ, tự hôm đó chừa rượu.
Án Tử Xuân Thu


GIẢI NGHĨA

Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân thu Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Hạ thần: Hạ: dưới, thần: bầy tôi. Tiếng bầy tôi xưng với vua.
Tự tận: Tự mình làm cho mình chết.
Yết kiến: Vào hầu.
Kiệt, Trụ: Hai vua tàn bạo, độc ác say mê tửu sắc, bỏ cả chính sự đến nỗi mất nước.
Tỉnh ngộ: Đang say mê việc gì mà biết hối lại.
Án Tử Xuân Thu: Bộ sách ghi chép những công việc cùng lời nói của Án Tử. Án Tử tức Án Anh, tên tự là Bình Trọng, người nước Tề thời Xuân Thu, làm tướng ba đời vua Linh Công, Trang Công, Cảnh Công, có tính cần kiệm, một bụng trung thành nổi tiếng thời bấy giờ.


18. KHÉO CAN ĐƯỢC VUA

Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa.

Án Tử đang ngồi chầu, thấy thế, ngăn lại, hỏi vua rằng: "Vua Nghiêu vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước?"

Cảnh Công ngơ ngác nhìn rồi nói: "Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội".

Án Tử nói: "Tên phạm này chưa biết rõ tội gì mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục"

Vua nói: "Phải!"

Án Tử bèn kể tội rằng: "Nhà ngươi có ba tội đáng chết.
Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết.

Lại để chết con ngựa rất quý của vua, là hai tội đáng chết.

Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...
"

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: "Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân".
Án Tử Xuân Thu


GIẢI NGHĨA

Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Phanh thây: Mổ người, róc xương, lấy thịt.
Vua Nghiêu vua Thuấn xưa ...: Câu nầy hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
Thôi hãy buông ra: Cứ theo như sách Án Tử Xuân Thu thì là "Tòng quả nhân thủy" (khởi tự ta ra) theo Hàn Thi Ngoại Truyện thì lại là Túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để ăn nghĩa với câu trên.
Trăm họ: Chỉ nhân dân trong nước.
Dòm dỏ: Ngấp nghé xem người ta hở cơ thì làm hại.


LỜI BÀN

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết, mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn biết nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi mà cảm hóa được quân vương.


19. CHẾT MÀ CÒN RĂN ĐƯỢC VUA

Cừ Bá Ngọc là người hiền mà vua Linh Công nước Vệ không dùng. Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng.

Sử Ngư thấy thế, đã răn nhiều lần, mà vua không nghe. Lúc ông có bệnh, sắp mất, dặn con rằng: "Ta làm quan tại triều nước Vệ, không hay tiến được Cừ Bá Ngọc, thoái được Di Tử Hà thế là bầy tôi không khuyên răn nổi vua, thì khi ta nhắm mắt, không được làm đủ lễ. Cứ để thây ta dưới cửa sổ, thế là xong việc cho ta".

Lúc ông mất, người con cứ làm theo lời dặn. Vua Linh Công đến viếng thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên.

Người con đem lời di chúc của cha tâu lại. Vua thất sắc nói rằng: "Ấy là cái tội của Quả Nhân!"

Rồi sai người đem xác ông Sử Ngư vào nhà, bắt khâm liệm và mai táng cho đủ lễ.

Sau quả nhiên vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc mà bãi Di Tử Hà.

Đức Khổng Tử nghe truyện ấy, nói: "Đời cổ những gián quan đến lúc chết là hết cả mọi việc, chưa có ai được như Sử Ngư chết rồi mà còn dùng xác để can vua làm cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế chẳng là trung trực lắm ư!"
Gia Ngữ


GIẢI NGHĨA

Tiến: Cử lên làm một chức gì.
Thoái: Trừ bỏ đi.
Thất sắc: Mặt tự dưng tái đi.
Khâm liệm: Khâm: đồ bổ khuyết xếp trên, dưới bốn bên thây người trong áo quần cho chặt; liệm: vải hay lụa để bó thây người chết.
Gián quan: Chức quan chủ việc cản ngăn vua mà đàn hặc các quan khi có lầm lỗi.
Trung trực: Trung: hết lòng; trực: ngay thẳng.


LỜI BÀN

Đời quân chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người chế hạn được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nếu can khuyên vua không được thì chẳng là không làm hết cái chức trách rất trọng của gián quan ư? Nhưng một đàng vua cứ nhất định không nghe, một đàng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy! Xem chuyện Sử Ngư lại nhớ đến chuyện bác sĩ Bergonie suốt đời hết lòng với khoa học, lúc chết, cũng hiến xác cho người ta mổ xẻ để nghiên cứu về y học. Như thế mới thực là những gương sáng tận tâm với chức vụ để cho thiên hạ soi chung.


20. YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU

Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng: "Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân".

Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói: "Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta".

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: "Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày".

Nói xong bắt đem trị tội.

Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng như vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.
Hàn Phi Tử
[/color]

GIẢI NGHĨA

Di Tử Hà: Người thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Vệ.
Chặt chân: Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ.
Thiện tiện: Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm liều.
Trị tội: Đem luật hình ra mà trừng trị kẻ phạm phép.
Thân: Gần, đằm thắm, quý hóa.
: Xa, hững hờ, ghét bỏ.
Đàm luận: Nói năng, bàn bạc.


LỜI BÀN

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ là một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.


21. HÀ BÁ LẤY VỢ

Dân đất Nghiệp có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá. Sự mê tín ấy có đã lâu ngày, không ai phá nổi. Lúc ông Tây Môn Báo, đến làm quan ở đấy, ông thân hành ra đứng làm chủ lễ cưới cho Hà Bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng:
"Người con gái này không được đẹp! Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói với Hà bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn".

Ông lập tức sai lính khiêng một ông đồng quăng xuống sông. Một lúc, ông nói:
"Sao lâu thế này!"
Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói hộ. Lập tức sai lính bắt bắt một bà cốt ném xuống sông. Một lúc, ông nói:
"Sao không thấy tin tức gì cả! Chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho."
Lại lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông. Một lúc, ông ông nói: "Sao mãi không thấy về thế này! Bọn đồng cốt, bô lão dễ đi cũng không được việc, phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong."

Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều xám xanh mặt lại van lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói: "Để thong thả ta xem đã..." Mọi người run như cầy sấy. Một chốc ông mới bảo: "Thôi tha cho họ Thế là Hà bá không lấy vợ nữa rồi".
Thành thử từ đây dân đất Nghiệp không ai dám nhắc đến truyện Hà bá lấy vợ nữa.

Sử Ký


GIẢI NGHĨA
Nghiệp: Tên một huyện đời nhà Hán tức là huyện Lâm Chương tỉnh Hà Nam bây giờ.
Tục: Thói quen lưu truyền lâu ngày đã thành nếp.
Hà bá: Thần ở dưới nước.
Mê tín: Tin một cách mê muội không biết lẽ phải là thế nào nữa.
Tây Môn Báo: Người nước Ngụy thời Chiến Quốc làm quan rất giỏi, trừ được hại, hưng được lợi cho dân.
Thân hành: Chính mình đi làm lấy một việc gì.
Bô lão: Các cụ già.
Hào trưởng: Kẻ có quyền thế, làm bực trên trong dân làng.


LỜI BÀN
Sự mê tín thường làm hư người, tốn của, nát nhà, có khi mất cả mạng, thật là tai hại. Khi mê tín đã thành tục, thì khó lòng mà phá nổi. Muốn phá, tất phải dụng tâm khéo làm sao mới được. Ông Tây Môn Báo sở dĩ mà phá nổi cái tục cưới vợ cho Hà bá là vì ông biết trừ tự cái gốc rễ; tức là đám đồng cốt quàng xiên, bọn cường hào ngoan cố, xưa nay quen thói cổ hoặc nhũng nhiễu người ta để kiếm ăn, để cầu lợi. Trừ hai hạng ấy để cứu vớt lương dân, chỉnh đốn phong tục thật là công minh và cương quyết vậy.


22. GHÉT CON KHÔNG GIỐNG MÌNH

Doãn Văn Tử sinh được một đứa con, không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh, thấy Tử Tư đến chơi bèn nói rằng:
"Nó không giống tôi, không phải là con tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ ..."

Tử Tư hỏi:
"Cứ như ông nói thì vợ vua Nghiêu vua Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư? Hai ông là bậc thánh đế mà đẻ ra Ðan Chu và Thương Quân thực không bằng kẻ thất phu. Như thế thì còn cái gì mà giống cha? Cái đạo thường, thì phần nhiều cha mẹ làm sao đẻ ra con được như vậy. Nhưng cha hiền mà đẻ con ngu thì cũng là cái thế thường tự nhiên như thế, chớ nào có phải tội tự người vợ đâu?"

Doãn Văn Tử nghe hiểu, nói rằng:
"Thôi, xin ông đừng nói nữa."
Rồi về sau Văn Tử không bỏ vợ.

Khổng Tùng Tử


GIẢI NGHĨA
Khổng Tùng Tử : tên bộ sách, ba quyển, 21 thiên của Khổng Phụ làm ra. Khổng Phụ, tên Tử Ngư hay Tử Giáp, cháu đời thứ tám của Khổng Tử.


LỜI BÀN

Có cha ấy tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng như thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều, chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tâm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá mà hóa ra si ư? Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi rồi cứ trách con dở, giận con hư, đó là lỗi nặng của người làm cha mẹ vậy.


23. LỢN MẸ GIẾT CON

Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: "Gớm thay tâm thuật hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.

Tử Hoa Tử


GIẢI NGHĨA
Tử Xa: quan Ðại phu nước Tần.
Tâm thuật: cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia.
Chuyển di: Thay đổi.
Thế lợi: quyền thế, tài lợi.

LỜI BÀN

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc. Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau là lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.

Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!


24. GIÁP ẤT TRANH LUẬN

Giáp hỏi Ất:
"Ðúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong - boong thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay đồng kêu?"

Ất đáp:
"Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở như đồng."

Giáp hỏi:
"Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở như đồng mà ra không?"

Ất nói:
"Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở như các đồ vật rỗng mà ra."

Giáp hỏi:
"Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?"

Âu Dương Tu


GIẢI NGHĨA
Tiền trinh: tiền đồng, có người cho tiền đồng bên Trung Quốc đem sang ta đầu tiên là tiền đồng niên hiệu Càn Trinh nên gọi là tiền trinh.
Âu Dương Tu: Người đời nhà Tống thi đỗ tiến sĩ làm quan Hiếu sư, là một nhà văn chương có tiếng.

LỜI BÀN
Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân, không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được. Tiếng kêu là gì? Chẳng qua là cái âm thanh từ hai vật chọi nhau, chạm vào nhau mà sinh ra. Tuy vậy, nếu nói tiếng kêu là tự cả chuông, cả dùi mà ra, thì hình như giữ cái chủ nghĩa "hai phải" trắng, đen là một. Thế mới hay, lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra, không tài nào gỡ rối. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ cố chấp nhất câu nệ cho mình là phải, không bết cái phần phải của người, thì là có tính nhân thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng: muốn rõ vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý thì không tài nào xác thực được.


25. MẶT TRỜI XA, GẦN

Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau, hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng:
"Tôi thì tôi cho mặt trời, lúc mới mọc, ở gần ta hơn, về buổi trưa, ở xa ta hơn."

Còn một đứa nói:
"Tôi thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa, ở gần ta hơn,"

Ðứa trước cãi:
"Mặt trời lúc mới mọc to nhứ cái bánh xe, đến giữa trưa, nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?"

Ðứa sau cãi:
"Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?"

Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được ra làm sao. Hai đứa bé cười bảo:
" Thế thì cho ông là người học rộng hiểu nhiều thế nào được "

Liệt Tử


LỜI BÀN
Buổi sáng, buổi trưa, mặt trời ở cách trái đất cũng không phải lúc gần, lúc xa gì cả. Nếu buổi sáng, thấy mát, buổi trưa thấy nóng hơn, chẳng qua là tại tia nóng mặt trời chiếu vào chỗ ta ở trên mặt đất, buổi sáng còn chếch, buổi trưa mới thẳng. Vả chăng buổi sáng, còn những sương móc ban đêm chưa tan hết cho nên mát hơn buổi trưa là lúc khí nóng tụ tích mãi vào, cho nên nhiệt độ càng cao. Còn nếu buổi sáng, trông mặt trời to, buổi trưa trông mặt trời nhỏ, chẳng qua là một cõi hoãn hình của con mắt trông như thế mà thôi. Mặt trời đâu vẫn ở đó. Trái đất xoay chung quanh mặt trời. Lúc mặt trời mọc, con mắt trông chếch, đến buổi trưa, con mắt trông thẳng mà lại trông qua từng không khí, cho nên thấy to nhỏ khác nhau. Vậy chỉ tại người trông hóa to, nhỏ, chớ không phải chính mặt trời xa, gần gì cả.

Ấy đại để bây giờ thì ta giải nghĩa như thế. Nhưng ở vào cái đời ông Khổng, khoa học chưa có mấy, thì xem hai đứa bé suy lý với nhau, đứa nào cũng phải, khó lòng mà quyết định được thật. Vả lại ngừơi ta thông minh, thánh trí đến đâu cũng không sao biết cho hết mọi sự vật được. Vì rằng đời người sống có hạn, mà sự trí thức thì mông mênh, không bờ bến nào!


26. CÁCH PHỤC LÒNG NGƯỜI

Mình làm người sang trọng giàu có, thì chớ nên kiêu sa.
Mình là bậc trông minh tài trí, thì chớ nên khinh ngạo.
Mình có sức lực khỏe mạnh, thì chớ nên đè nén người.
Mình ăn nói linh lợi, thì chớ nên dối trá người.
Mình còn kém thì phải học, chưa biết thì phải hỏi.
Ðối với làng nước, thì phải giữ cái trật tự trên dưới.
Ðối với người nhiều tuổi, thì phải giữ cái nghĩa con em.
Ðối với người bằng vai, thì phải giữ cái nghĩa bầu bạn.
Ðối với lũ trẻ thơ, thì phải dạy bảo khoan dung.
Như vậy thì ai cũng yêu, ai cũng kính, không ai tranh giành với mình. Tâm địa rộng rãi thênh thang như trời đất, thì bao bọc được cả muôn loài.
Hàn Thi Ngoại Truyện


GIẢI NGHĨA
Hàn Thi Ngoại Truyện: là bộ sách chép những câu nói đời xưa, dưới mỗi bài có những chứng dẫn mấy câu thơ của Hàn Anh làm. Hàn Anh là người đời nhà Hán làm bác sĩ đời vua Văn Ðế lấy những ý trong thơ của người ta mà làm Nội, Ngoại truyện gọi là Hàn Thi, bây giờ chỉ còn ngoại truyện mà thôi.

LỜI BÀN
Muốn cho người tâm phục, không phải lấy tiền tài hay quyền thế mà khiến được, tất phải biết cách cư xử với người cho phải đạo thì mới được. Bài này chính tóm tắt mấy câu về cái đạo ấy.
Ðoạn trên cốt ngăn ngừa mấy câu, cái ác tính thường kẻ hơn người hay mắc phải. Ðoạn dưới nói cách ăn ở với mọi bậc người trong xã hội.
Nói tóm lại khiêm nhã kính ái là một phương pháp rất hay để ở đời.


27. LÒNG CƯƠNG TRỰC

Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không nhất quyết không chịu thề.
Thôi Trữ bảo Án Tử:
"Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức."

Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử vẫn không biến sắc mặt, ung dung nói rằng:
"Lấy lợi nhử người ta, mà bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân, lấy binh khí hiếp người ta mà làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm."


Thôi Trữ nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy ung dung bước ra.
Tả Truyện


GIẢI NGHĨA

Cương trực: cứng rắn, ngay thẳng.
Quyền thần: người bầy tôi chiếm hết cả quyền của vua chúa.
Sĩ: quan nhỏ.
Phu: quan to.
Ăn thề: giết một con vật lấy máu cùng uống mà thề ước với nhau làm một việc gì.
Tả Truyện: Sách của Tả Khưu Minh nhà Chu làm, kể những sự về lịch sử thời Xuân Thu.

LỜI BÀN

Cường quyền thường muốn át công lý, tuy vậy công lý vẫn hay uốn được cường quyền. Thôi Trữ mạnh biết bao nhiêu, mà chỉ một câu nói của Án Tử cũng đủ làm cho phải lùi.

Thế mới hay cái lòng người, cái lẽ phải có sức hơn là mũi gươm, ngọn giáo.
Những người có lòng trung nghĩa, có tính cương quyết như Án Tử, cứng như sắt, đỏ tựa son, dù nguy cấp thế nào cũng không đổi đại tiết chính, là những người giữ được công lý để đối phó với cường quyền.


28. TRÍ, TRUNG, DŨNG.

Nước Trần bị nước Sở đánh, phá tan mất cửa thành bên Tây. Sau người Sở bắt dân nước Trần ra tu bổ lại cửa thành ấy.
Một hôm đức Khổng Tử đi xe qua đấy, không cúi đầu vào miếng gỗ trước xe. Thầy Tử Cống dừng cương lại, hỏi:
"Cứ theo lễ, đi xe qua chỗ ba người thì phải xuống, qua chỗ hai người thì phải cúi đầu vào miếng gỗ trước xe để tỏ lòng kính trọng. Nay quan, dân nước Trần sửa sang cửa thành biết bao nhiêu là người, thế mà thầy đi qua, không có lòng kính trọng, là cớ làm sao?"

Đức Khổng Tử nói:

"Nước mất, mà không biết, là bất trí ; biết, mà không lo liệu, là bất trung ; lo liệu, mà không liều chết là bất dũng.
Số người nước Trần tuy đông, mà ba điều ấy không biết được một, thì bảo ta kính làm sao được!"
Hàn Phi Tử


GIẢI NGHĨA

Tu bổ: sữa sang chữa lại.
Bất trí: ngu dại không biết phải trái.
Bất trung: chểnh mảng không hết lòng với vua, với nước.

LỜI BÀN
Cứ theo cổ lễ rất phiền (ba người xuống xe) nhưng đức Khổng tử vốn là người hay giữ lễ nên thầy Tử Cống mới hỏi. Đức Khổng Tử đáp thế, ý hẳn quan dân nước Trần bấy giờ ai nấy đều ra dáng vui vẻ, hình như không còn ai biết đến nước là gì.
Nếu quả vậy thì có người cũng như không, ngài không kính rất là phải, ví rằng:
"Ngu dân bách vạn vị chi vô dân",
nghĩa là nhân dân ngu dại thì tuy dân số nhiều đến trăm vạn, cũng đáng bảo là không có người dân nào.


29. BIẾT LẼ NGƯỢC, XUÔI

Việc đời có lắm cái hình như ngược, mà thật thì xuôi, có lắm cái hình như xuôi, mà thật ra lại ngược.
Ai biết rõ việc thật ngược, xuôi thế nào, người ấy mới là người tinh đời. Phàm cái gì đã đến cùng cực thì tất nhiên phải quay trở lại; dài quá thì tất phải ngắn dần đi; ngắn quá thì tất lại dài dần ra. Đó là cái lẽ tự nhiên như thế.
Vua Trang Vương nước Kinh muốn đánh nước Trần, sai người sang dò. Người ấy về nói:
“Nước Trần không nên đánh."

Trang vương hỏi: “Tại làm sao?"
Người ấy thưa rằng:
"Nước Trần thành cao, hào sâu, kho tàng súc tích nhiều."

Triều thần có người Ninh Quốc nói:
“Như thế thì nước Trần nên đánh lắm. Nước Trần vốn là nước nhỏ, mà kho tàng súc tích nhiều thì chắc là thuế má nặng. Thuế má nặng thì tất dân oán vua. Thành cao, hào sâu thì phục dịch nhiều. Phục dịch nhiều, thì tất dân kiệt sức. Nếu ta đem quân sang đánh, tất lấy được Trần.”

Vua Trang Vương nghe lời, cất quân đánh, quả lấy được nước Trần.
Lã Thị Xuân Thu


GIẢI NGHĨA
Dài quá thì ...: câu này ý nói đầy, vơi, tròn, khuyết, dài, ngắn, thường hay đắp đổi cho nhau. Thí dụ như ngày hạ chí là ngày dài nhất trong một năm, thì những ngày sau ngày hạ chí tất cứ mỗi ngày mỗi ngắn dần, lại ngày đông chí là ngày ngắn nhất thì những ngày sau ngày đông chí lại dài dần mãi ra.
Kinh: cũng là tên nước Sở.
Súc tích: chứa chất để dành.

LỜI BÀN
Bài này có hai đoạn: Đoạn trên nói cái lẽ ngược, xuôi, đoạn dưới dẫn một câu thí dụ. Ở đời có lắm cái tưởng là xuôi, mà thực là ngược, có lắm cái cho là ngược, mà thực là xuôi. Ngược, xuôi điên đảo rất là khó phân. Chỉ có người nào không chịu xét bề ngoài, biết cái đầy, vơi, tròn, khuyết, dài, ngắn, đắp đổi cho nhau là mới đóan trúng được. Như người sứ đây, đến tận nơi, mắt trông thấy thế nào chỉ biết có thế thôi, chớ Ninh Quốc vẫn ở nhà, lấy cái lý mà biết rõ được, cái tình hình ở bên trong thực là người cao đoán vậy.


30. TÀI NGHỆ CON LỪA

Đất Kiểm xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự, tải một ít lừa đến đấy nuôi. Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa, cao lớn, lực lưỡng tưởng là loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe quen tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi đá lại quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy, mừng bụng bảo dạ rằng:
“Tài nghệ con lừa ra chỉ có thế mà thôi!”
Rồi hổ gầm thét chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa đoạn rồi đi.
Liễu Tôn Nguyên


GIẢI NGHĨA
Kiểm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam ngày nay.
Hiếu sự : hay bày việc, sinh việc.
Liễu Tôn Nguyên: tên tự là Tử Hậu, tinh anh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ làm quan Thứ Sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.

LỜI BÀN
Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa. Nhác trông ngỡ tượng tô vàng, nhìn ra mới biết là chẫu chàng ngày mưa.

Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nổi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn bây giờ vẫn thường hay dùng hai chữ “kiềm lô” (lừa đất Kiểm) để chỉ những người tài nghề kém cỏi, không có gì lạ.


31. ĐÁNH ĐÀN

Vua nước Tề thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chút công danh, đem đàn đến đứng trước cửa Nhà vua mà đánh. Đánh luôn ba năm, mà vua không hỏi tới. Anh ta giận lắm, gắt mà nói rằng:
“Ta đánh đàn đến cả quỷ thần cũng phải say mê, thế mà vua không biết cho ta!”

Có người nghe nói, cười mỉa, bảo rằng:
"Vua thích nghe tiếng sáo, mà bác đánh đàn, cho đàn bác hay đến đâu, nhưng vua không thích thì làm thế nào được? Thế là bác chỉ giỏi ngón đàn, chớ không khéo cầu danh ở nước Tề này vậy!”


GIẢI NGHĨA
Công danh: công là khó nhọc mà được việc, danh là tiếng tăm; công danh là đem sự khó nhọc ra để được danh giá.

LỜI BÀN
Đem đàn ra đánh cho người thích nghe sáo, mà cầu cho người ta ưa mình, thì chẳng là khờ vụng lắm ư! Cho nên mình tuy có tài, muốn thi thố cái tài, thì phải dò trước xem người dùng mình có ưa cái tài ấy không.
Bằng không, mà mình cũng cứ phô tài, thì chẳng những việc muốn cầu không được, mà lại để thiên hạ người ta chê cười cho nữa.


32. THỔI SÁO

Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong ba trăm người ấy, có Đông Quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn.
Đến khi vua Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông Quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước.
Hàn Phi Tử


GIẢI NGHĨA
Đông Quách tiên sinh : bấy giờ các nhà làm văn thường dùng bốn chữ này để chế nhạo những người vô tài mà lạm dự vào một địa vị nào. Chính nghĩa bốn chữ ấy là nhà thầy (tiên sinh) họ Đông Quách hay ở ngoài thành bên phía đông (Đông Quách)
Lạm dự: ăn may mà được hưởng một phần quyền lợi quá tài đức mình.

LỜI BÀN

Những kẻ vô tài, gặp may nhờ dịp, mà được làm quan, có khác gì Đông quách tiên sinh nói trong chuyện này?
Những khi ồ ạt, gọi là có mặt cho đủ số, thì còn giữ được địa vị, chứ đến khi khảo sát từng người một thì tài nào mà không bị thải.


33. NGƯỜI NƯỚC LỖ SANG NƯỚC VIỆT

Hai vợ chồng người nước Lỗ, chồng khéo đóng giày, vợ khéo đan mũ, muốn đem nhau sang kiếm ăn ở nước Việt. Có người đến bảo rằng:
“Vợ chồng nhà bác đi chuyến này thế nào cũng cùng khổ."

Người nước Lỗ hỏi: "Sao bác lại nói thế?"
Người kia bảo:
"Giày dùng để đi, mà người Việt đi chân không, không thích đi giày; mũ dùng để đội, mà người Việt để đầu không, không cần đội mũ.
Vợ chồng nhà bác làm giày, đan mũ giỏi thật, song đến ở nước người ta, người ta không dùng đến tài nghề của mình, thì làm thế naò mà không khốn cùng?”

Hai vợ chồng người nước Lỗ nghe nói, không sang nước Việt nữa.
Hàn Phi Tử


GIẢI NGHĨA
Việt: tên nước thời Xuân Thu ở vào tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Đông bây giờ.

LỜI BÀN
Đến chỗ đi đầu không, mà bán mũ, đến chỗ đi chân không mà bán giày thì cũng giống như mùa rét mà bán quạt, mùa nực mà bán chăn bông, tuy trái nơi và trái thời khác nhau, nhưng cũng là trái, không được việc cho mình mà lại còn để tiếng cười cho thiên hạ nữa. Cho nên người có tài phải tìm nơi đáng ở mà ở chớ đem đàn mà gảy tai trâu thì có ích chi.



Message edited by HHMT - Thứ Hai, 28 Mar 2011, 1:29 AM
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 30 Mar 2011, 9:26 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Bạn HHMT

AToanMT
 
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » CỔ HỌC TINH HOA II (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO