Chủ Nhật
28 Apr 2024
5:50 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » CỔ HỌC TINH HOA I ((Ôn Như) Nguyễn Văn Ngọc & (Từ An) Trần Lê Nhân)
CỔ HỌC TINH HOA I
HHMT Date: Thứ Sáu, 25 Mar 2011, 0:17 AM | Message # 1
Sergeant
Group: Moderators
Messages: 34
Status: Tạm vắng
CỔ HỌC TINH HOA

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
Từ An Trần Lê Nhân


TIỂU TỰ


“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất. Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: "Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm" ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông kim" được!

Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. Cựu học không phải là chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng làm cái học cử nghiệp mà thôi. Ngoại giả, còn Bác gia chư tử thật là man mác rộng như bể, học thuyết đủ mọi mặt, lý tưởng rất sâu xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công phu, thời giờ mới được. Nay, chúng tôi biên tập quyển sách nầy, không phải là muốn chuyên tâm nghiên cứu riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý tưởng trong Cổ học gọi là để cho người đọc thiệp liệp qua được một ít tinh hoa của lối học cũ mà thôi. Nên chúng tôi mới lạm dụng bốn chữ "Cổ Học Tinh Hoa" làm nhan sách.

Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói "Nhân" hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn "Nghĩa" chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói "Lễ" thật là đường bệ, Mặc Tử nói "Ái" thật là rộng rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây... các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ.

Dịch những bài văn như thế, chúng tôi lấy làm rất khó. Chẳng những chữ Hán dịch ra chữ Nam, lắm câu không hết được nghĩa, nhiều bài, chính nguyên văn cũng mỗi nơi chép một khác không lấy gì làm xác định. Nên khi dịch, chúng tôi phải châm chước cân nhắc từng bài, bài thì địch thẳng nguyên văn, bài thì chỉ dịch lấy đại ý, hoặc có bài phải rút bớt, hay thêm ra, hay đúc lại, cốt cho nó xuông tiếng Nam mà không hại đến nghĩa bài thì thôi. Dịch Hán văn ra quốc văn, tất phải dùng nhiều chữ Hán. Song chữ nào bất đắc dĩ phải dùng, thì ở dưới chúng tôi đã có "giải nghĩa" rõ ràng. Nghĩa ấy thường chỉ là nghĩa riêng trong bài, chớ không phải hết mọi nghĩa của từng chữ.

Những tên người, tên đất, muốn cho tinh tường, đáng lẽ phải có một cái biểu liệt đủ tên những tác giả cùng những người nói trong chuyện và một bức địa đồ Trung Hoa trải qua các thời đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc sử sau nầy, đây chúng tôi chỉ chua qua để cho độc giả đủ biết cái đại cương mà thôi. Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm mộ văn chương hay có cái thú ngâm nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp "Lời Bàn", cốt là để giải rõ các đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời buổi bây giờ.

Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nghiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào "như thóc gạo, như vải lụa", thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy.

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925)
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
Từ An Trần Lê Nhân


MỤC LỤC


1. Không Quên Được Cái Cũ ─ Khổng Tử Tập Ngữ
2. Lúc Đi Trắng, Lúc Về Đen ─ Liệt Tử
3. Lợi Mê Lòng Người ─ Tử Hoa Tử
4. Lấy Của Ban Ngày ─ Long Môn Tử
5. Khổ Thân Làm Việc Nghĩa ─ Mặc Tử
6. Cách Cư Xử Ở Đời ─ Khổng Tử Tập Ngữ
7. Tu Thân ─ Tuân Tử
8. Ôm Cây Đợi Thỏ ─ Hàn Phi Tử
9. Đánh Dấu Thuyền Tìm Gươm ─ Lã Thị Xuân Thu
10. Ba Con Rận Kiện Nhau
11. Hai Phải ─ Lã Thị Xuân Thu
12. Tăng Sâm Giết Người ─ Chiến Quốc Sách
13. Bán Mộc, Bán Giáo ─ Hàn Phi Tử
14. Ngọc Ở Trong Đá
15. Bắt Chước Nhăn Mặt ─ Trang Tử
16. Cái Được Cái Mất Của Người Làm Quan ─ Gia Ngữ
17. Can Vua Bỏ Rượu ─ án Tử Xuân Thu
18. Khéo Can Được Vua ─ án Tử Xuân Thu
19. Chết Mà Còn Răn Được Vua ─ Gia Ngữ
20. Yêu Nên Tốt, Ghét Nên Xấu ─ Hàn Phi Tử[/i]
21. Hà Bá Lấy Vợ ─ Sử Ký
22. Ghét Con Không Giống Mình ─ Khổng Tùng Tử
23. Lợn Mẹ Giết Lợn Con ─ Tử Hoa Tử
24. Giáp, Ất Tranh Luận ─ Âu Dương Tu
25. Mặt Trời Xa, Gần ─ Liệt Tử
26. Cách Phục Lòng Người ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
27. Lòng Cương Trực ─ Tả Truyện
28. Trí, Trung, Dũng ─ Hàn Phi Tử
29. Biết Lẽ Ngược Xuôi ─ Lã Thị Xuân Thu
30. Tài Nghệ Con Lừa ─ Liễu Tôn Nguyên
31. Đánh Đàn
32. Thổi Sáo ─ Hàn Phi Tử
33. Người Nước Lỗ Sang Nước Việt ─ Hàn Phi Tử
34. Giữ Lấy Nghề Mình ─ Lưu Cơ
35. Truyện Người A Lưu
36. Mất Búa
37. Tường Đổ ─ Hàn Phi Tử
38. Người Con Có Hiếu ─ Gia Ngữ
39. Thầy Tăng Sâm ─ Thuyết Uyển
40. Ông Quan Thanh Bạch ─ Hậu Hán Thư
41. Không Nhận Cá ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
42. Của Báu ─ Tả Truyện
43. Biết Rõ Chữ "Nghĩa"
44. Tri Kỷ ─ Thuyết Uyển
45. Cảm Tình ─ Liệt Tử
46. Vì Nghĩa Công, Quên Thù Riêng
47. Dung Người Được Báo ─ Ðào Ngột (Sở Sử)
48. Nói Thí Dụ ─ Huệ Tử
49. Con Cú Mèo Và Con Chim Gáy
50. Con Cò Và Con Trai ─ Chiến Quốc Sách
51. Hồ Mượn Oai Hổ ─ Chiến Quốc Sách
52. Mạnh Thường Quân Vào Nước Tần
53. Thập Bì Nói Chuyện Với Huệ Vương ─ Hàn Phi Tử
54. Tham Lợi Trước Mắt, Quên Hại Sau Lưng ─ Thanh Lê Tử
55. Trước Khi Ðánh Người Phải Biết Giữ Mình ─ Liệt Tử
56. Không Nên Sát Phạt Lẫn Nhau ─ Mặc Tử
57. Diều Gỗ ─ Mặc Tử
58. Lá Dó ─ Liệt Tử
59. Chữ Tín
60. Tự Lấy Mình Làm Khoan Khoái ─ Liệt Tử
61. Người Khôn Sống Lâu ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
62. Vợ Răn Chồng ─ Án Tử Xuân Thu
63. Bà Huyện Can Ðảm ─ Đường Thư Liệt Nữ Truyện
64. Thế Nào Là Trung Thần ─ Mặc Tử
65. Báo Thù ─ Chu Thư
66. Cách Dùng Pháp Luật
67. Thật Giả Khó Phân ─ Lã Tử
68. Truyện Đười Ươi ─ Diêu Dung
69. Thuật Xem Tướng ─ Lã Thị Xuân Thu
70. Theo Ai Phải Cẩn Thận
71. Say, Tỉnh, Ðục, Trong ─ Khuất Nguyên
72. Nhan Súc Nói Chuyện Với Tề Vương
73. Khấu Chuẩn Thương Nhớ Mẹ ─ Nhân Phủ
74. Tình Mẹ Con, Con Vượn ─ Tống Liêm
75. Học Trò Biết Học ─ Thuyết Uyển
76. Phúc Ðấy, Họa Ðấy ─ Úc Ly Tử
77. Họa Phúc Khôn Lường ─ Hoài Nam Tử
78. Vẽ Gì Khó
79. Cách Ðâm Hổ
80. Âm Nhạc ─ Tuân Tử
81. Trí Và Nhân ─ Gia Ngữ
82. Bọ Ngựa Chống Xe ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
83. Hết Lòng Vì Nước ─ Thuyết Uyển
84. Ứng Ðối Linh Lợi ─ Tấn Sử
85. Thửa Giày ─ Hàn Phi Tử
86. Cứu Người Lúc Nguy Cấp ─ Thuyết Uyển
87. Nghèo Mà Không Oán ─ Trang Tử Tuyết
88. Thân Trọng Hơn Làm Vua ─ Trang Tử
89. Thân Trọng Hơn Thiên Hạ
90. Chúc Mừng
91. Người Bán Thịt Dê ─ Trang Tử
92. Thành Thực
93. Mẹ Hiền Dạy Con ─ Liệt Nữ Truyện
94. Ngọc Bích Họ Hòa ─ Hàn Phi Tử
95. Nuôi Gà Chọi ─ Trang Tử
96. Dùng Chó Bắt Chuột ─ Lã Thị Xuân Thu
97. Lời Nói Người Bán Cam ─ Lưu Cơ
98. Vợ Chồng Người Nước Tề ─ Mạnh Tử
99. Đầy Thì Ðổ ─ Tuân Tử
100. Ông Lão Bán Dầu ─ Âu Dương Tử
101. Gặp Quỉ ─ Trần Tử Tuyết
102. Mua Nghĩa ─ Chiến Quốc Sách
103. Ứng Ðối Giỏi
104. Hà Chính Mãnh Ư Hổ ─ Lễ Ký
105. Hang Ngu Công ─ Khổng Tử Tập Ngữ
106. Trung Hiếu Lưỡng Toàn ─ Lã Thị Xuân Thu
107. Mong Làm Ðiều Phải ─ Lã Thị Xuân Thu
108. Kẻ Bất Chính ─ Sử Ký
109. Nhân Trung Dài Sống Lâu
110. Thuốc Bất Tử
111. Cái Lẽ Sống Chết ─ Dương Tử
112. Nói Về Sống Chết ─ Khuyết Danh
113. Biết Dở Sửa Ngay ─ Mạnh Tử
114. Tài Và Bất Tài ─ Trang Tử Tuyết
115. Quên Cả Cái Thân ─ Khổng Tử Tập Ngữ
116. Đại Ðồng ─ Lễ Ký
117. Cầu Ở Mình Hơn Cầu Ở Người ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
118. Hòa Thuận Với Mọi Người ─ Tô Thức
119. Mất Cung ─ Thuyết Uyển
120. Muôn Vật Một Loài
121. Lúc Nào Ðược Nghỉ ─ Gia Ngữ
122. Có Chịu Lo, Chịu Làm Mới Sống Ðược ─ Lã Đông Lai
123. Chính Danh
124. Nên Xử Thế Nào? ─ Mạnh Tử
125. Chiếc Thuyền Ðụng Chiếc Ðò ─ Trang Tử
126. Rắn Rời Chỗ Ở
127. Nhường Thiên Hạ ─ Trang Tử
128. Rửa Tai ─ Cao Sĩ Truyện
129. Chết Ðói Ðầu Núi
130. Đời Người ─ Đường Bá Hổ
131. Ba Ðiều Khó Học ─ Thuyết Uyển
132. Ba Ðiều Vui ─ Mạnh Tử
133. Thương Mẹ Già Yếu ─ Thuyết Uyển
134. Áo Ðơn Mùa Rét ─ Thuyết Uyển
135. Dâng Thư Cứu Cha ─ Sử Ký Hán Vân Đế
136. Nuôi Mẹ Bằng Ðiều Phải ─ Tống Sử Roãn Thuần Truyện
137. Say Bắn Chết Trâu ─ Tùy Kỷ
138. Tên Tù Nước Sở ─ Tả Truyện
139. Bệnh Quên ─ Liệt Tử
140. Bệnh Mê ─ Liệt Tử
141. Vợ Lẽ Phải Ðòn ─ Chiến Quốc Sách
142. Khoét Mắt ─ Lư Phu Nhân Truyện
143. Vợ Xấu ─ Thế Thuyết
144. Ghen Cũng Phải Yêu ─ Thế Thuyết
145. Lời Con Can Cha ─ Sử Ký Mạnh Thường Quân Truyện
146. Một Cách Ðể Lại Cho Con Cháu ─ Hậu Hán Thư
147. Một Cách Lo Xa Cho Con Cháu ─ Hán Thư Sở Quảng Truyện
148. Thầy Trò Dạy Nhau ─ Thuyết Uyển
149. Lưỡi Vẫn Còn ─ Trương Nghi Truyện
150. Không Chịu Nhục ─ Lã Thị Xuân Thu
151. Câu Nói Của Người Ðánh Cá ─ Tân Tự
152. Vua Tôi Bàn Việc ─ Tử Tuân
153. Khó Ðược Yết Kiến ─ Chiến Quốc sách
154. Không Phục Nước Tần ─ Chư Thư
155. Cậy Người Không Bằng Chắc Ở Mình ─ Mạnh Tử
156. Phẩm Trật Ông Quan, Phẩm Giá Con Người ─ Chúc Tử
157. Bài Trâm Của Người Làm Quan ─ Trương Động Sơ
158. Cười Người, Ta Khóc ─ Liệt Tử
159. Hiếu Tử, Trung Thần
160. Đọc Sách Cổ ─ Trang Tử
161. Mất Dê ─ Liệt Tử
162. Thực Học ─ Khuyết Danh
163. Đây Mới Thật Là Thầy ─ Ngụy Thư Từ Tuân Minh Truyện
164. Bỏ Quên Con Sinh ─ Gia Ngữ
165. Chọn Người Rồi Sau Hãy Gây Dựng ─ Hàn Thi Ngoại Truyện
166. Cơ Tâm ─ Trang Tử
167. Không Đợi Trông Cũng Biết ─ Tùy Đường Nhai Thoại
168. Khinh Người ─ Chư Thư
169. Hai Cô Vợ Lẽ Người Chủ Trọ ─ Trang Tử
170. Ba Điều Phải Nghĩ ─ Gia Ngữ
171. Lo, Vui ─ Thuyết Uyển
172. Thấy Lợi, Nghĩ Đến Hại ─ Liệt Tử
173. Thủy Chung Với Vợ ─ Án Tử
174. Đáng Sợ Gì Hơn Cả ─ Duyệt Vi
175. Chỉ Biết Có Mình ─ Tiết Huyên
176. Thở Dài ─ Hải Tiều Tử
177. Thằng Điên ─ Dương Minh Tử
178. Người Xuất Tục ─ Bão Phúc Tử
179. Vợ Thầy Kiện ─ Duyệt Vi
180. Ác Ngầm ─ Hàn Phi Tử
181. Bảy Cô Vợ Lẽ ─ Dục Hải Từ Hàng
182. Gõ Nhịp Mà Hát ─ Trang Tử
183. Liêm, Sỉ
184. Tiễn Người Đi Làm Quan ─ Liễu Tôn Nguyên
185. Viếng Người Đi Làm Quan ─ Thuyết Uyển
186. Đức Uống Rượu ─ Lưu Linh
187. Làng Say ─ Đái Danh Tế
188. Treo Kiếm Trên Mộ ─ Tân Tự
189. Chết Vì Lễ Nghĩa Hay Vì Tình
190. Vì Nghĩa Nên Tình ─ Tình Sử
191. Nghĩa Công Nặng Hơn Tình Riêng ─ Lưu Hương Liệt Nữ Truyện
192. Mẹ Khôn Con Giỏi ─ Hán Sử
193. Tu Tại Gia ─ Lý Nguyên Dương
194. Người Vợ Hiền Minh ─ Hậu Hán Thư Nhạc Dương Tử Truyện
195. Trọng Nghĩa Khinh Tài ─ Phạm Trọng Yêm Truyện
196. Mua Xương Ngựa ─ Chu Sử
197. Lời Nói Kẻ Bắt Rắn ─ Liễu Tôn Nguyên
198. Hòa Vi Quý ─ Ngô Tử
199. Cách Trị Dân ─ Tả Khưu Minh
200. Can Gì Mà Phá Đi ─ Tả Truyện
201. Hay Dở Đều Do Mình Cả ─ Mạnh Tử
202. Nguỵ Biện ─ Lã Thị Xuân Thu
203. Không Chịu Theo Lẽ Phản Nghịch ─ Tân Tự
204. Cách Cư Xử Ở Đời ─ Lã Khôn
205. Tự Xét Lại Mình ─ Mạnh Tử
206. Không Nên Câu Nệ ─ Quan Doãn Tử
207. Tri Kỷ ─ Sử Ký
208. Trồng Khó, Nhổ Dễ ─ [i]Bách Tử Toàn Thư

209. Người Kiếm Củi Được Con Hươu ─ Liệt Tử
210. Hỏi Thăm Dân
211. Dân Quí Nhất ─ Mạnh Tử
212. Nhuộm Tơ ─ Mặc Tử
213. Kéo Lê Đuôi Mà Đi ─ Trang Tử
214. Phải Biết Phòng Xa ─ Thanh Lê Tử
215. Một Câu Đoán Đúng ─ Tả Truyện
216. Cùng, Đạt Bởi Số ─ Liệt Tử
217. Thư Viết Răn Con ─ Gia Cát Lượng
218. Viết Thư Khuyên Bạn ─ Trần Kế Nho
219. Thư Viết Cho Bạn ─ Tiền Hạc Than
220. Tham Thì Chết ─ Tả Truyện
221. Vì Tham Bị Hại ─ Lưu Tử
222. Phân Tích Không Rõ ─ Mặc Tử
223. Không Yêu Nhau Mới Loạn ─ Mặc Tử
224. Cũng Là Ăn Trộm ─ Liệt Tử
225. Lo Trời Đổ ─ Liệt Tử
226. Dùng Rượu Say Để Khiến Chồng ─ Tả Truyện
227. Tưới Dưa Cho Người ─ Giả Tử Tân Thư
228. Cách Biết Lòng Người ─ Trang Tử
229. Cách Làm Cho Khỏi Tức Giận ─ Bảo Huấn
230. Tiễn Một Lời Nói ─ Gia Ngữ
231. Quý Lời Nói Phải ─ Thi Tử
232. Tư Tưởng Lão Tử ─ Lão Tử
233. Làm Nhà Cỏ Cũng Đủ ─ Tả Truyện
234. Thế Nào Là Đại Trượng Phu ─ Mạnh Tử
235. Thiên Hạ Sĩ ─ Tiềm Thất Tử
236. Dự Nhượng Báo Thù ─ Chiến Quốc Sách
237. Quan Tài Con ─ Mai Hiên Bút Ký
238. Lệch Thừa Không Bằng Ngay Thiếu ─ Thông Chí
239. Bắt Thay Chiếu ─ Lễ Ký
240. Đám Ma To ─ Trang Tử
241. Muôn Vật Một Thể ─ Trương Hoành Cừ
242. Tự Tính ─ Từ Mi Vân
243. Ngu Công Dọn Núi ─ Liệt Tử
244. Mã Viện
245. Danh Ngôn Danh Lý
246. Bạt




1. KHÔNG QUÊN ĐƯỢC CÁI CŨ

Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc".

Đức Khổng Tử hỏi: “Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?

Người đàn bà nói: ”Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa”.
Khổng Tử Tập Ngữ


GIẢI NGHĨA

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về Ðức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.


LỜI BÀN

Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.


2. LÚC ĐI TRẮNG, LÚC VỀ ĐEN

Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng, đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.

Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh.

Anh là Dương Chu chạy ra bảo: "Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi, thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?"
Liệt Tử


GIẢI NGHĨA

Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.


LỜI BÀN

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.


3. LỢI MÊ LÒNG NGƯỜI

Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: “Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này”. Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa.

Người đàn bà cãi: “Ông mất cái áo thâm, tôi biết đấy là đâu. Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra”.

Anh kia nói: “Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dày, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cái áo thâm dày cho tôi, còn phải nói lôi thôi gì nữa!”

Tử Hoa Tử


GIẢI NGHĨA

Nước Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Thâm: Sắc đen.
Níu: Giằng dai giữ lại không cho đi.


LỜI BÀN

Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dày bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái. Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong truyện này.


4. LẤY CỦA BAN NGÀY

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy.

Anh ta nói rằng: "Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được".

Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói: "Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại".

Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ.

Anh ta mắng: "Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!"
Long Môn Tử


GIẢI NGHĨA

Long Môn Tử: tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh.
Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái.
Lửa tham: lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người.
Mờ cả hai con mắt: chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa.
Thế gian: cõi đời người ta ở.
Thiên phương bách kế: mưu này, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp.
Ban ngày: lúc sáng sủa dễ trông thấy.


LỜI BÀN

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.


5. KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”

Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"
Mặc Tử


GIẢI NGHĨA

Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Nghĩa: việc phải, việc hay mà người ta nên làm.
Tự khổ thân: tự mình làm cho mình khóc nhọc vất vả.


LỜI BÀN

Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.


6. CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"

Đức Khổng Tử nói: "Người hỏi thế phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói”.
Khổng Tử Tập Ngữ


GIẢI NGHĨA

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về Đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn Chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng Tử.
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.
Lễ độ: phép tắc mực thước.
Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu.


LỜI BÀN

Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.


7. TU THÂN

Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi. Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy.

Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.

Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.
Tuân Tử


GIẢI NGHĨA

Tuân Tử: tên thật là Huống, tên tự là Khanh, người nước Triệu, sinh ra sau Mạnh Tử độ 50 năm, thấy đời bấy giờ cứ loạn luôn mãi và phong hóa suy đồi, làm sách nói về lễ nghĩa, lễ nhạc, cốt ý để chỉnh đức và hành đạo.
Quân tử: Người có tài đức hơn người.
Tiểu nhân: Kẻ bất chính, gian ác, tự tư, tự lợi.
Cầm thú: cầm: giống có hai chân và hai cánh; thú: giống có bốn chân, hai chữ chỉ loài chim và loài muông.
Chính trực: ngay thẳng.
Trung tín: hết lòng, thật bụng.


LỜI BÀN

Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế, thì mới tu thân được.


8. ÔM CÂY ĐỢI THỎ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.
Hàn Phi Tử


GIẢI NGHĨA

Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác.


LỜI BÀN

Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.


9. ĐÁNH DẤU THUYỀN TÌM GƯƠM

Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý đánh rơi thanh gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây".

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!
Lã Thị Xuân Thu


GIẢI NGHĨA

Lã Thị Xuân Thu: Sách của Lã Bất Vi làm. Lã Bất Vi người đời nhà Tần thời Chiến Quốc, trước là lái buôn to, sau làm tướng, chính là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng. Khi làm quyển Lã Thị Xuân Thu xong, Bất Vi đem treo ở cửa Hàm Dương, nói rằng "Ai bớt được, hay thêm được một chữ, thì thưởng cho ngàn vàng".
Sở: một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.
Thanh gươm: tục xưa người ta đi đâu cũng hay đeo gươm để thủ thân mà lại giữ lễ nữa.


LỜI BÀN

Thanh gươm rơi xuống sông, thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền, đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm nầy có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! Người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chờ "thời" là gì?


10. BA CON RẬN KIỆN NHAU

Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:

- Ba anh kiện nhau về việc gì thế?

Ba con rận đáp:

- Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.

Con rận kia nói:

- Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

GIẢI NGHĨA

Quần tụ: quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau.
Đồ tể: người làm thịt các giống vật để bán.


LỜI BÀN

Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện này.

Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho một mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn: trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.


11. HAI PHẢI

Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bậy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “Hai Phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng.

Sông Vĩ nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.

Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Ðặng Tích.

Ðặng Tích bảo: "Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?"

Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa, lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Ðặng Tích. Ðặng Tích bảo: "Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?"
Lã Thị Xuân Thu


GIẢI NGHĨA

là tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam, Trung Quốc.
Ðặng Tích: quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, là một nhà luật pháp giỏi.


LỜI BÀN

Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về; còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn mang tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Ðặng Tích mới có chốn xúi bậy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa "Hai Phải" ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.


12. TĂNG SÂM GIẾT NGƯỜI

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh.

Ông Tăng Sâm ở đất Phị ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người.

Một người hớt hãi chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người" Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.

Một lúc lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người" Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Chiến Quốc Sách


GIẢI NGHĨA

Tăng Sâm: Người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và có hiếu, học trò Ðức Khổng Tử và mau truyền được đạo của Ngài.
Trùng danh: Cùng giống tên nhau.
Điềm nhiên: Biết mà cứ im lặng như không.


LỜI BÀN

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Thốt nhiên có kẻ bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không tin, và người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã có cùng một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến người ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hóa ra con rươi, trông con chó thành con cừu. Đến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.


13. BÁN MỘC BÁN GIAO

Có người nước Sở làm nghề bán mộc, vừa bán giáo.

Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng: "Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng".

Ai hỏi mua giáo, thì anh ta khoe rằng: "Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng".

Có người nghe nói, hỏi rằng: "Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác, thì thế nào?"

Anh ta không đáp ra làm sao được.
Hàn Phi Tử


GIẢI NGHĨA

Sở: Một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.
Mộc: Đồ binh khí bằng gỗ, hình bầu dục để đỡ khi mũi nhọn đâm xỉa. Cái khiên thì đan bằng mây và hình tròn.
Giáo: Đồ binh khí, đầu nhọn, cáng dài, dùng để đâm.


LỜI BÀN

Ôi! Một cái chắc, đâm không thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: "Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang" Đến lúc có người bẻ: "Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?" thì tắc khẩu mà đành vác tượng về.


14. NGỌC TRONG ĐÁ

Một người thợ ngọc qua hàng thợ đá, vào xem các thứ đá, thấy một tảng trong có ngọc, mua về, đẽo ra quả nhiên được ngọc. Ngọc ấy trắng muốt và có gân đỏ, quý giá vô cùng. Người thợ ngọc nhờ đó mà giàu có.

Thợ đá thấy thế, lấy làm thích lắm, cũng muốn bắt chước. Anh ta nghĩ bụng: "Đá nào trong cũng có ngọc" Rồi ở nhà có bao nhiêu thứ đá, đem cả ra đập để tìm ngọc. Không những không thấy ngọc, mà các đá vỡ tan chẳng dùng được việc gì nữa.

Anh ta vừa mất của, vừa lỗ vốn, cùng quẫn khổ sở, chẳng bao lâu rồi chết.

GIẢI NGHĨA

Cùng quẫn: Túng bần quá không đủ ăn tiêu.


LỜI BÀN

Ngọc chẳng qua là một thứ đá đẹp, đá quý lẫn với đá thường mà thôi. Nhưng phải có con mắt tinh xem ngọc mới nhận ra và tìm được ngọc ở trong đá. Người thợ ngọc biết ngọc nên trông qua đủ biết đá nào có ngọc, chớ người thợ đá chỉ biết đá, lại muốn tìm ngọc, chẳng những không tìm thấy ngọc mà lại còn hại cả bao nhiêu đá của mình nữa! Ôi! Thực là xôi hỏng bỏng không! Tham thì thâm! Cái thói tham không phải đường nó vẫn hại con người như thế! Cho nên người trí giả phải có kiến thức rõ đích xác rồi mới chịu làm.


15. BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT

Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp lắm. Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.
Trang Tử


GIẢI NGHĨA

Tây Thi hoặc còn gọi là Tây Tử: Người con gái nước Việt ở thôn Trữ La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi. Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai.
Trang Tử: Sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia.


LỜI BÀN

Chỉ biết nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng tiếc! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không? Ôi! Bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến bản thân.






CỔ HỌC TINH HOA:





Message edited by HHMT - Thứ Hai, 28 Mar 2011, 0:36 AM
 
cafesnt Date: Thứ Sáu, 25 Mar 2011, 5:05 AM | Message # 2
Major general
Group: Moderators
Messages: 357
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 27 Mar 2011, 10:22 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Bạn HHMT

AToanMT
 
LouAnn Date: Chủ Nhật, 27 Mar 2011, 10:35 PM | Message # 4
Major
Group: Users
Messages: 86
Status: Tạm vắng
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 01 Nov 2012, 12:35 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » CỔ HỌC TINH HOA I ((Ôn Như) Nguyễn Văn Ngọc & (Từ An) Trần Lê Nhân)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO