Chủ Nhật
28 Apr 2024
1:56 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » Xử sự (Phan)
Xử sự
LongTracAn Date: Thứ Hai, 02 Jul 2012, 6:10 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Xử sự - Phan

Nghiệp chướng hay sao mà tôi lại lọt thỏm vào cái nghề buôn bán? Cứ hễ Nhà hàng đắt thì tôi bực mình! Mệt xác là một, không được về sớm là hai. Những lúc ấy tôi thường nghĩ về việc người ta ăn để mà sống hay sống để mà ăn, sao thiên hạ siêng ăn dữ vậy trời! Ước gì ai chế ra được viên thuốc uống vô no ba ngày, đỡ vất vả biết bao nhiêu cho những người buôn bán. Đời còn bao nhiêu cái vui hơn ăn uống…

Tối thứ bảy rồi, mấy ông kẹ vỉa hè đang chờ họp cuối tuần mà tôi thì lả giò nhà trên nhà dưới như phi thuyền con thoi. Tôi chán Nhà hàng như ông chủ chán tôi nhưng ai cũng sau lưng là một cái gánh hát mà tuồng đời: “một cảnh hai quê” còn dang dở nên đôi bên cũng đành “hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng quen…”

Tám giờ, một con ‘me’ đói gọi hồn: “Tao order nửa tiếng rồi mà sao đồ ăn chưa tới?” Nghe là mừng húm, có cớ thăng, tôi bốc cái order vọt ra ngoài hít khí trời. Mới de xe ra khỏi parking, bắt đầu chạy thì trong quầng sáng của ánh đèn xe tôi chiếu thấy cái cellphone dưới đường xe chạy. Tôi đạp thắng, xuống nhặt cái phone của ai đánh rơi, bỏ vào xe mình rồi dông, không hề coi tới.

Mười giờ, tôi rời Nhà hàng trong tâm trạng bực tức ai đâu: Ăn chi cho lắm rồi cũng thương đau… ba cái thứ China-fast-food dầu mỡ thấy ớn, ăn nhiều sinh bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường… chứ làm gì! Không hiểu dân Mỹ lười biếng tới đâu rồi mà không nấu được một bữa ăn cuối tuần cho gia đình? Văn hóa Mỹ đã thay đổi rồi sao? Nghĩ theo một nghĩa nào đó thì người Tàu đang đầu độc cả dân Mỹ bằng những thức ăn chết người từ từ. Người Việt cũng góp phần làm cho dân Mỹ ỉ lại bằng đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn của người Việt qua nhiều dịch vụ như nghề nail, lắp ráp linh kiện điện tử. Người Mễ gánh vác hết những nhọc nhằn trong công việc xây dựng, cầu đường… Tóm lại: Khối di dân lấy hết việc của người Mỹ trong đời sống và ý nghĩa tinh thần là đưa người Mỹ đến suy nghĩ hưởng thụ một chiều. Có rất nhiều người Mỹ mang suy nghĩ họ là dân tộc thượng đẳng nên được những dân tộc khác phục vụ một cách đương nhiên. Họ chỉ còn làm những công việc thượng tầng như lãnh đạo chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật… nhưng số người Mỹ đủ trình độ để làm việc đòi hỏi trí tuệ cao thì ngày càng ít. Nước Mỹ đi về đâu với tỷ lệ dân chúng béo phì ngày càng cao, ngôi vị đỉnh cao của trí tuệ loài người thì từng ngày lung lay với những dân tộc kiên trì lấy hết chất xám Mỹ như Việt Nam, Aán Độ…

Suy nghĩ cho quên đường dài, tôi hoàn toàn không nhớ tới việc mình nhặt được cái cellphone hồi tám giờ. Tôi lái xe trên xa lộ 75 để về nhà chỉ có niềm lo duy nhất là bia bị đóng đá vì tối nay tôi về trễ qúa!

Sáng chủ nhật trời mưa sớm, cơn mưa hạ trắng trời. Ngày nghỉ duy nhất trong tuần của tôi nên chẳng tội gì mà không tà tà cà phê cái đã. Ngồi nhìn mưa tắm mát cho đất trời vào hạ oi nồng bên ly cà phê sướng tê, mưa Dallas làm tôi nhớ mưa Sàigòn: mưa mờ mắt mắt mờ mưa/ nhắm hai con mắt nhớ vừa một con/ bồ còn ở lại Sàigòn/ bỏ nghề vé số đổi nghề đánh ghen. (Thơ của ông Huy vỉa hè chọc thằng nhóc kể chuyện lúc trời mưa trên phố vắng mà hàng nào cũng ế nhệ. Dân tỉnh lên thành làm Hồ sơ xuất cảnh có dăm hôm mà đã ra đi mang theo bóng dáng nàng vé số dạo. Tôi phục tuổi trẻ tài cao của cu Ngô). Mà không nhớ sao được! Nhất là những người đã sinh ra và lớn lên trên thành Phố ấy như tôi. Nhớ những cơn mưa rào, mưa mây của Sàigòn đùa trên áo mỏng làm con gái mắc cỡ nhưng con trai thì có cớ! Thỉnh thoảng mới có cơn mưa trắng trời hiếm hoi để ngập đường, để con gái lội trong nước ngập dơ òm cho con trai coi! Thường thì mưa Sàigòn không đủ dài/ cho hai người đụt tiếc hoài sợi mưa. Nghĩ đến: ai giờ đi sớm về trưa/ ngang qua chỗ đụt người xưa không về. Nghĩ tiếp: ngày mưa tháng nắng lê thê/ sợi mưa như sợi tóc thề vụt bay… thì ra tôi cũng đâu khác gì cu Ngô, đang nhớ con nhỏ hay hờn, lội mưa nước ngập có hai cái bắp chân trắng như bột mình ơi!

Rồi tâm hồn thi sĩ tắc tử, ngủm cù đèo ngang xương khi con kêu đói bụng:

“Bố ơi con tói (đói) bụng qúa! Con muốn ăn bột chiên được hôn?”

“Ừm. Hôn bố một cái bự đi, bố chiên bột cho ăn.”

(Từ hôm má nó sắm cho nó chai bùa mê xịt vô nách trước khi đi học, nó tự cho là nó đã lớn lắm rồi. Không muốn ai vô nhà tắm khi nó đang tắm, nhưng tắm xong thì ở truồng chạy cùng nhà kiếm quần áo mặc. Oan nhất cho bố là ngại ngần hôn bố như xưa. Bố ghiền qúa thì bắt bí chứ sao! Vậy là được cái hôn qúa đã!)

“Con hôn bố một cái bự nhứt rồi đó! Bố phải chiên cho con một dĩa bột chiên bự có hai cái trứng”.

“Ừm. Đi đọc sách đi, chừng nào xong bố kêu”.

“OK. Thank you bố”.

Nếu đừng có chuyện tương cà mắm muối thì tôi dám thành nhà thơ lắm chứ! Nhưng thiếu gia vị cuộc đời thì thơ nhạt phèo, thơ của những con mèo lười, sáng bảnh mắt rồi còn cuộn mình trong chăn, rặn ra thơ siêu thực mà người thiển cận như tôi ưa gọi là thơ ‘xạo’ thì lềnh bềnh trên báo, còn in thành tập để khủng bố tinh thần người bị tác gỉa ký tặng, đau nhất là người bị ép mua (ai mua thơ tui bán thơ cho/ thơ tui/ thơ chồng tui hay lắm đó! Không mua thì sợ người khác nữa bảo mình không yêu nghệ thuật! Nhưng làm gì có nghệ thuật trong thơ bán ép, nghệ thuật chỉ có trong thơ đi tìm đỏ con mắt mới được một câu, đọc rồi lịm luôn theo câu thơ mới gọi là nghệ thuật được chứ!)

Cơn mưa chưa dứt mà nhà-thơ-tôi đã thành tên bán bột chiên. Tội nghiệp con trông bố ngày nghỉ để được ăn xả giàn chứ ngày thường thì mẹ quản lý chế độ ăn uống rất tân thời vì qúa sợ béo phì, tiểu đường, tim mạch… nên mấy thằng nhỏ nhắm mắt nuốt chứ cũng không dám hỗn. Tôi lấy quyền đệ nhất ngang bướng trong nhà mà du di cho chúng bằng cách tự mình ra tay nướng, nấu, chiên, xào…

Sau đó lo thay nhớt xe, hớt tóc cho con, tự hớt tóc cho mình, cắt tóc cho nàng sau cơn mưa hạ để để dành tiền phòng thân khi bị ép mua thơ. Cả ngày Chủ nhật không nhớ gì tới cái điện thoại đã nhặt được hồi tối hôm qua (thứ bảy).

Sáng thứ hai đi làm. Thấy có cái phone lạ trong xe mới nhớ. Cái phone đẹp và chủ nhân là một người tử tế!(đoán thế bởi dòng chữ set trên màn hình là “God is so Good”) làm tôi có cảm tình nên muốn tìm cách trả lại cho chủ nhân.

Tôi tìm được một số phone nhà, một số cellphone đã gọi vô cái phone này đôi lần, lần cuối cùng là 9:42 tối thứ bảy (tôi nhặt được hồi 8:00 nhưng bỏ trong xe nên đã không trả lời cho họ). Tôi gọi lại cho hai số phone đó thì không service nữa (điện thoại đã cắt). Tôi dùng điện thoại của mình để gọi hai số điện thoại đó cũng không được trả lời.

Đến chỗ làm, tôi mân mê cái phone nhặt được trong tay. Một cái phone đắt tiền với rất nhiều options-tôi không biết xài gì? Ai cũng trầm trồ khen tôi có cái phone mới đẹp qúa! Khi mọi người biết được là tôi nhặt được chứ không phải mới mua thì tên Mỹ đen làm bên cây xăng nhanh miệng trả tôi một trăm đôla. Tôi đuổi hắn đi: “mày biết cái phone này bao nhiêu không mà trả tao một trăm!” Hắn lên gía trăm hai: “Cái phone này mua ngoài tiệm thì bốn trăm, nhưng tao biết chỗ mua ba trăm thôi! Nên tao trả mày trăm hai vì không có dây cắm xạc pin trong xe, trong nhà.”

Mấy tên đầu đen đứng cười, một tên lên tiếng: “Mỹ đen là Mỹ đen - chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Một trự Việt Nam khác trả tôi trăm rưởi, tên nhóc Đại Hàn (con chủ tiệm giặt) trả tôi hai trăm. Một người Việt Nam khác nữa, nói chuyện tình nghĩa: “Nếu ông bán cho thằng nhóc Đại Hàn hai trăm thì bán cho tôi hai trăm. Tôi sắp đi VN, cũng tính mua cho thằng em bên đó cái phone xịn chút”.

Người VN cuối cùng thông thái hơn đám chợ trời, phát biểu khá suy tư: “Theo tôi thì không bán cho ai hết, lấy cái ‘sim’ bên cái phone khui bia của ông bỏ qua mà xài. Không tốn tiền mà có cái phone xịn như vầy đâu phải dễ!”

Khi mọi người đã giải tán vì tới giờ mở cửa những thương hiệu kinh doanh, tôi nhìn và so sánh cái phone dùng để gọi thì ít mà dùng để khui bia thì nhiều của tôi thật thê thảm, như chó gặm. Nhìn cái phone mới toanh, hiện đại… đã con mắt. Tôi đang trả gía với lương tâm nhân loại! Ông Tàu-chủ tiệm nói với tôi: “Mày ngu qúa vậy! Lượm được đồ tốt thì dấu đi chứ sao để cho nhiều người biết! Lỡ có người tìm thì tụi nó chỉ mày lượm được, sao?”

Thì ra hết đám cô hồn các đảng âm binh ở đây không hề có ý thức nhặt được của rơi phải tìm cách trả lại cho khổ chủ. Tôi cũng suýt nghe lời bọn xấu chứ tốt đẹp gì! Tôi nghĩ đến hai người bạn gìa của tôi, tôi gọi ông Lì trước:

“Ông Lì ơi! tôi lượm được cái phone xịn lắm! Ông muốn không, qua đây!”

“…Gian ác vừa thôi cha, trả cho người ta đi. Biết cách tìm người mất phone, không?”

“Trả thì dễ rồi! Nhưng trả khơi khơi… có uổng không?”

Thì đàn ông hay ‘xấu’ - một thùng bia - tối uống. ‘Đẹp’ thì ông đi mua bia, uống với tôi hết thùng bia tôi trả lại phone, cho! Lúc nào rảnh kể cho tôi với ông Huy nghe chuyện uống bia với người đẹp! Hahaha…”

Có lý! Tôi gọi tiếp cho ông Huy:

“Huy ơi! Tôi lượm được cái phone xịn lắm! Mát mẻ động trời…”

“Copy vô laptop rồi hẵn trả lại, chừng rảnh mình coi.”

“Muốn coi thì qua đây! Không tôi trả lại người ta bây giờ”.

“Hổng được ông ơi! Vợ tui đang lên cơn với mớ giấy tờ thuế, tui đi là nó cắn tui chết luôn bây giờ”.

Thì ra cũng được hai người có ý trả lại có điều kiện! Sống trong thời đại một trăm cái penny là một đồng, hai trăm đồng là một đống penny lận đó! Lòng tham phừng phừng trỗi dậy, quên hết lời hay ý đẹp như gương mặt cô giáo miệt vườn - thời tiểu học: “nhặt được của rơi phải trả lại cho người đánh mất…” Tôi lại nghĩ: Sao không nhân thể kiểm tra lại nội các của mình? Tôi gọi thằng con lớn của tôi:

“Ê, nhóc. Bố nhặt được cái phone tốt qúa trời luôn! Sao giờ?”

“…thì trả lại cho người ta chứ sao!”

(Nghĩ cũng an ủi cho mình về con cái, thử tiếp coi thằng này thông minh tới đâu?)

“…cái phone bị cắt rồi con, bố không gọi được người mất.”

“Bố tìm trong missed calls, số nào nhiều nhất là vợ người mất… cũng như cái phone của bố đó!”

(Ai nói con nít không biết nói xéo! Có nhiều khi lời con trẻ lý lẽ hơn cả con không còn trẻ. Thôi được, hai cái được. Được thằng con không tham, được bài học: đừng coi thường con trẻ.)

Tôi lấy điện thoại của mình, gọi số phone miss nhiều nhất. Hân hạnh được nói chuyện với một giọng nữ vô cùng nhỏ nhẹ, lịch thiệp… nhưng cô ta là người bán bảo hiểm nên chẳng biết khách hàng nào của cô đã đánh mất điện thoại. Cuối cùng cô xin số phone của tôi để nếu có biết ai mất điện thoại thì cho họ hay. Cô nói câu cuối cùng làm tôi lên tinh thần dễ sợ: “Bạn thật tốt, nếu ai cũng tốt như bạn thì đời sống vui hơn!...”

Tôi gọi số phone thứ hai, được nói chuyện với một người đàn ông đã có tuổi, giọng ông chững chạc. Ông cũng xin số phone của tôi để có gì gọi lại, ông cũng khen tôi hết lời như cô bán bảo hiểm trước đó. Thì ra cuộc sống cũng còn rất nhiều người biết khen chê đúng lúc, rất tiếc không phải người mình!

Nửa tiếng sau, có người đàn ông Mỹ trắng khác gọi cho tôi:

“Xin chào ông… tôi là TaHoe. Tôi mới được ông xếp của tôi cho hay là ông đã nhặt được cái phone của tôi bị mất tối thứ bảy - tuần trước. Xin ông cho tôi nói về cái phone để ông tin là chính tôi đánh mất. Cái phone của tôi màu xanh blue, có tên TaHoe và giòng chữ: ‘God is so Good’ Tôi đã cắt số phone của cái phone đó để bảo mật nên không gọi vào được cho ông tin, tôi biết nói sao cho ông tin được bây giờ? Tôi còn có thể chứng minh là tấm hình đầu tiên trong cáo phone đó là con gái tôi, (hình chụp hôm sinh nhật của con tôi nên có thấy bánh và nến đang cháy trong hình, nếu đếm sẽ được 12 cây nến nhỏ), kế đến là hình vợ tôi tên Tracy, hình thứ ba là con chó của tôi, nó có lông trắng và một đốm lông đen giữa hai mắt nó…”

“Anh đã mất cái phone ở đâu? Nói đúng chỗ tôi nhặt được thì tôi trả anh.”

“Chiều thứ bảy tuần rồi, tôi đi coi triển lãm xe ở parking Bưu điện. Tôi nghĩ là rơi ở đó. Tôi đã gọi hai lần bằng phone nhà tôi, tôi gọi hai lần bằng phone của vợ tôi. Lần cuối tôi gọi khoảng 9:40…”

“ Vậy thì đúng là cái phone của anh rồi, bây giờ anh đến Bưu điện và gọi cho tôi thì tôi sẽ trả lại cho anh cái phone bị mất.”


Người đàn ông Mỹ trắng chừng bốn mươi, ăn mặc lịch sự kiểu dân làm Văn phòng. Anh ta trình bằng lái xe và thẻ tín dụng cho tôi (nếu cần thì ghi lại số ID để tiện báo cảnh sát sau này, nếu anh ta gian trá.) Sau những lời cảm ơn chân thành của tiếng Mỹ, những tâm sự vụn về việc mất cái phone làm anh ta mất ăn mất ngủ vì bao nhiêu thông tin lưu trữ trong đó. Cuối cùng anh ta đưa tôi cái phong bì và nói: “Tôi có một trăm đô la gởi bạn để trả công bạn đã có lòng và vất vả tìm tôi để trả lại cái phone cho tôi. Hơn hết là lòng biết ơn của tôi đối với bạn. Xin bạn nhận sự biết ơn này…”

Tôi đánh gía cao những người đưa tiền cho người khác (có phong bì) nên tôi không nhận, ép cỡ nào tôi cũng không nhận. Anh ta không vui lắm khi hết cách ép tôi nhận, người Mỹ thiệt kỳ! Nhưng câu cuối trước lúc anh ta ra xe thì nghe được:

“Bạn là người Tàu hay Việt Nam?”

“Tôi là người Việt Nam, chúng tôi trông không khác những người Tàu, Thái Lan, Lào, Phi Luật Tân, Đại Hàn… bởi cùng Asia với nhau cả. Nhưng người Việt thì nhặt được của rơi không thích giữ lại cho mình, còn những dân tộc khác thì tôi không biết!”

Anh ta đi rồi. Tôi nhớ mãi nụ cười thấu hiểu câu nói của tôi. Tôi quay lại với những người bạn hàng xóm trong khu thương mãi này. Thằng Mỹ đen tiếc ngẩn ngơ, bây giờ nó mới nói thiệt là cái phone đó gía đến sáu trăm đô la. Thì ra Mỹ đen cũng đâu coi trọng người Việt mà nói thật dù người Việt chưa bao giờ coi trọng Mỹ đen. Thằng nhóc Đại Hàn ỉ thế con chủ tiệm giặt giàu có, nó nói giọng từng trải của một thằng nhóc, đại ý nói tôi ngu! Tôi chẳng hơi đâu mà tranh luận với dân vô học. Mấy người bạn Việt Nam của tôi không nói nhưng họ đã nói hết qua tiếng thở dài, đại khái: “Ngu cũng chừa cho con bò một chút với chứ! Thôi thì trả lại của rơi đã là không bình thường, nhưng điên đến mức người ta cho một trăm đô la mà không lấy thì hết biết ông điên hay ông chảnh!”.

Tôi vui sao nổi khi ông chủ-Tàu chửi thẳng vào mặt tôi, chửi thay cho hết những người có mặt: “Mày đừng về nhà kể cho vợ mày nghe, nó không những chửi mày mà có thể đuổi mày đi luôn…”

Ừ ha! Sao tôi không gọi vợ, xem sao!

“Em ơi! Anh nhặt được cái phone tốt lắm! Đủ thứ options. Cái phone này chừng năm trăm đô la chứ không ít đâu. Tối nay anh về, anh thay sim của cái phone em qua là em có cái phone lé mắt thiên hạ luôn!”

“Đâu biết xài đâu! Mà sao không trả lại cho người ta? Anh bây giờ khó hiểu dữ đa!”

“Em không thích phone xịn hả?”

“Ai không thích… nhưng những người đã xài tới cái phone cỡ đó thì một là dân cà chớn - show up, hai là người làm việc quan trọng lắm mới xài tới cỡ mà người thường không cần. Biết đâu người đó làm việc quốc phòng thì sao? Trả lại người ta đi anh ơi!”

“Thôi được! Nhưng nếu chủ nhân là dân cà chớn thì em tính sao?”

“Anh search qua cái phone thì biết chủ nhân loại nào chứ gì! Nếu họ ‘Cà’ thì chắc chắn có bà con với anh. Hích… hích…!”

Thôi, thua đi cho cao cờ! Tôi tin được chuyện mẹ nào con nấy. Nhưng nhà tôi còn thằng nhóc 9 tuổi nữa, thử luôn xem sao? Nó tỉnh bơ (wow) quao quào quao… bố coi trong đó có game nào hay hôn? Copy cho con chơi rồi hãy trả lại cho người ta. Nó hông biết mình đã copy hết game của nó đâu! hahaha…

Bởi tôi là người viết (kể) nên không phát biểu được cảm giác người nghe (đọc). Còn bạn thì sao? Tôi thật khủng hoảng với xử sự của con người và thời đại bây giờ! Nhất là chúng ta đang sống trong môi trường Hợp Chủng Quốc. Tôi cũng cho bạn hay thêm chi tiết của chuyện tào lao này: Tối hôm sau (thứ ba) tôi đi giao hàng về, người chủ Nhà hàng nói với tôi: “Hai vợ chồng thằng Mỹ mất điện thoại ghé đây tìm mày, họ gởi cho mày chai rượu cảm ơn. Con vợ tiếc rẻ không gặp được mày để cảm ơn vì cái phone của chồng nó rất quan trọng!”

Tôi khui chai rượu cho mọi người cùng uống. Nhưng hình như… chỉ mình tôi thấy ngon.

Phan


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 03 Jul 2012, 6:46 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » Xử sự (Phan)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO