Thứ Sáu
26 Apr 2024
0:46 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » Y-HỌC - SỨC KHỎE » ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG (BS. ĐỖ HỒNG NGỌC)
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
saigoneses Date: Thứ Tư, 07 Jan 2015, 7:43 PM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng




Thế giới già đi một cách nhanh chóng lạ lùng, không chỉ ở các nước giàu mà ở cả các nước nghèo, nước đang phát triển cũng vậy ! Ấy là nhờ cải thiện dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc y tế... tốt hơn xưa ! Nhưng dân số già đi thì đặt ra nhiều vấn đề xã hội ! Các bệnh mạn tính kéo dài, chất lượng cuộc sống sa sút là những vấn đề đang được nhiều nước quan tâm. Ngày xưa, chăm sóc người già là chuyện của gia đình. Bây giờ là chuyện của xã hội ! Cho nên hệ thống kinh doanh cũng chuyển hướng: đầu tư phục vụ người già, dụ dỗ người già bỏ tiền mua sắm, tiêu dùng... Hệ thống y tế cũng chuyển hướng: ngành lão khoa, tâm thần phát triển nhanh ! Bệnh viện, dưỡng đường cho người già mọc lên ngày càng nhiều. Người già vốn hay lo nghĩ, sợ sệt, thích dùng thuốc, thích máy móc xét nghiệm, nghe đồn thuốc gì hay ở đâu cũng thử, cũng tìm và bày vẽ cho nhau ! Vậy là hết ghế chữa bách bệnh lại đến giường chữa bá bệnh, máy chữa bệnh đa năng, báu vật thế giới... Rồi nước cá thần, niệu liệu pháp, khu vườn kỳ lạ, các Thần y hoạt động nhộn nhịp...!

Có lần tôi viết một bài về người già có tựa là : "Già sao cho sướng ?" không ít bạn bè vừa đọc cái tựa đã kêu lên: Quái, cái ông bác sĩ này bây giờ bày đặt viết chuyện "tục tĩu" !!??

Cái chữ "sướng" thiệt là tai hại, gây hiểu lầm nhiều quá ! Thiệt ra "sướng" tôi dùng đây là trái với "khổ". Phật dạy "Sinh bệnh lão tử" là khổ, thương yêu mà xa cách là khổ (ái biệt ly), oán ghét mà phải gặp gỡ là khổ (oán tắng hội), mong muốn mà không đạt là khổ (cầu bất đắc); ngũ uẩn không điều hòa là khổ...

Kể đủ thứ "khổ" như vậy thực ra không phải để bi quan, yếm thế, mà trái lại, khi đã nhận chân được sự thực thì sẽ có cách giải thoát khổ đau. Như người thầy thuốc phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm ra được nguyên nhân thì mới có phương cách chữa trị hữu hiệu !

Già là một cái "khổ" không chối cãi được, ít có ai già mà khăng khăng bảo mình sướng lắm, sướng lắm chớ ! Sướng sao nổi? Lực bất tòng tâm. Muốn mà không làm được, tức lắm chớ, buồn lắm chớ. Muốn bay nhảy như hồi thanh xuân đâu có dễ ? Nhiều nỗi cay đắng ngậm ngùi không tiện nói ra, không biết bày tỏ cùng ai. Người già đôi khi như hổ nhớ rừng:

"Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua...”

(Thế Lữ)

Đó là không kể già thì thường có bệnh. Bệnh thì không đơn giản. Đủ thứ bệnh ở lục phủ ngũ tạng, "ba cao một thấp"... Bệnh này kéo bệnh kia. Thuốc chữa được bệnh này thì sinh ra bệnh khác. Lòng vòng mãi không dứt. Một người bạn ở nước ngoài về cho biết lúc này bạn bè có tuổi của mình bên đó bị bệnh "ba cao một thấp" nhiều lắm. Tôi ngạc nhiên hỏi bệnh ba cao một thấp là bệnh gì ? Đó là bệnh cao máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (tăng acid béo, tăng cholesterol xấu). Còn một thấp là gì ? tôi hỏi. Bạn nói một thấp là thấp... khớp ! Thì ra vậy. Nhưng đâu chỉ có ở nước ngoài, ở đây bây giờ ta cũng đầy "ba cao một thấp" đó thôi ! Mấy năm trước, tỷ lệ tiểu đường (type II) rất thấp, nay đã tăng gấp mấy lần. Bệnh tim mạch, huyết áp, thấp khớp, béo phì... đang tăng nhanh. Ra đường bây giờ thấy thanh niên trai tráng thì cà-phê, thuốc lá nhậu nhẹt tưng bừng còn người già thì cà lết cà nhắc tập đi bộ, huơ tay múa chân thiệt là náo nhiệt !

Có một nhà báo nằm mơ thấy mình gặp Thượng Đế, và xin được phỏng vấn ngài. “Được, muốn hỏi gì thì hỏi !” - Thượng đế nói.

Nhà báo bèn thưa:
- Từ lúc tạo ra loài người đến giờ Ngài có thắc mắc hay ngạc nhiên gì về họ không ?

- Nhiều lắm ! Ta ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn rồi thì mong cho nhỏ lại ! Ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc trẻ thì đem hết sức khỏe ra để kiếm thật nhiều tiền để rồi sau đó đem tiền ra phục hồi... sức khỏe ! Lại nữa, ngạc nhiên thấy con người luôn sống trong tương lai hoặc trong dĩ vãng, mà tương lai thì chưa tới, dĩ vãng đã qua rồi, nên có thể nói con người chưa bao giờ... biết sống cả !

Sống trong hiện tại "ở đây và bây giờ' chính là cách sống tốt nhất ! Nhưng, dĩ nhiên là phải sống với tuệ giác, nếu không lại rơi vào "hiện sinh chủ nghĩa" thô thiển !

Già là một vấn đề sinh học nhưng trước hết là một vấn đề văn hóa. Về sinh học, người ta có thể "đo già" bằng nhiều cách như đo mức tăng huyết áp, khả năng điều tiết của thủy tinh thể, khả năng nghe v.v… Ta biết mạch máu giống như cái ống dẫn nước bằng cao su, dùng càng lâu càng khô cứng, không dẻo dai như lúc mới, càng có tuổi, mạch máu càng căng giòn, huyết áp tăng dần lên và do đó cũng dễ vỡ. Thủy tinh thể ở mắt như một cái ống kính của máy hình nhưng co giãn được để điều tiết nhìn gẩn nhìn xa, khi có tuổi, độ co giãn không còn linh hoạt nữa, đơ cứng và vì thế phải mang "kính lão" để điều chỉnh mỗi khi cần đọc sách báo...

Nhưng, già trước hết là một vấn đề văn hóa. Có nền văn hóa ở đó người ta ham già, mong chóng già; có nền văn hóa người ta sợ già, trốn già ! Ở Đông phương ngày trước, với nền văn minh lúa nước: "kính lão đắc thọ", "già làng", "lão làng", người ta thích già sớm, có khi phải sắm vai... già. Ở Tây phương tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, nên người ta che giấu tuổi già, luôn sắm vai... trẻ ! Cái gì quá cũng trở nên lố bịch. Chưa già mà làm bộ già đã khó coi mà quá già làm bộ trẻ càng khó coi ! Tiếng Việt ta rất hay, có già cả, già khú, già khú đế, già dê, già dịch, già không nên nết v.v... Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, truyện cười bên Tây... hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn một bà già thì là mụ phù thủy độc ác. Ta thì khác, ông Bụt, ông Tiên trong cổ tích luôn là một ông già phúc hậu nhân từ, bà Tiên thì hiền lành, xinh đẹp, hiện ra giúp đỡ mọi người ! Trong một thế giới "toàn cầu hoá" như hiện nay thì sự phân biệt già Tây già Ta không còn rạch ròi rõ nét như xưa. Người ta quan tâm đến Chất lượng cuộc sống (Quality of life) của người già nói chung. Chất lượng cuộc sống là "những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ" (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).

Một bà cụ già "nhà quê" sống vui với cánh đồng lúa vàng, với dòng sông xanh mát, cá kho tộ, canh chua, bông bí chấm kho quẹt được con cái - nay là đại gia - hiếu thảo mang về thành phố nhét vào phòng máy lạnh, cho ăn uống toàn cao lương mỹ vị chắc chắn sẽ rất buồn khổ, chỉ mong tìm cách trốn thoát!

Người già còn khỏe, có thể "tự lập" được nhưng con cháu... quá chiều chuộng, quá "hiếu thảo", đút từng món ăn, nâng từng bước đi, bắt khám bệnh liên tục, bắt uống thuốc liên tục sẽ... làm cho nhanh chóng kiệt quệ và trở nên lệ thuộc.

Tổ chức Sức khỏe Thế giới đề ra một bảng chỉ số để đo đạc chất lượng cuộc sống trong lãnh vực sức khỏe - yếu tố quan trọng bậc nhất của tuổi già - có thể ứng dụng để mỗi người tự đánh giá vể mình mà tự điều chỉnh, cũng như có sự quan tâm và hỗ trợ của gia đình và xã hội. Bảng chỉ số đó gồm các yếu tố về thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống.

Chẳng hạn có câu thì hỏi tổng quát, như trong hai tuần qua, bạn đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn ở mức độ nào ? Rất xấu ? xấu ? Không tốt không xấu ? Tốt ? Rất tốt ?

Rồi những câu hỏi cụ thể hơn vào từng vấn đề nêu trên: Bạn có hài lòng vể sức khỏe hiện nay của bạn không ? ở mức độ nào ? Bạn có bị đau nhức gì về thể chất không ? ở mức độ nào ? Bạn có cẩn đến thuốc men gì không ? ở mức độ nào ? Bạn có cảm thấy vui sống ? Có cảm thấy cuộc sống là có ý nghĩa không ?

Bạn có chấp nhận ngoại hình (bề ngoài) của bạn hiện nay không ? ở mức độ nào ? Bạn có đủ tài chánh để đáp ứng nhu cẩu hằng ngày không ? Bạn có được vui chơi giải trí không ? Bạn có đi lại thoải mái không ? Bạn có hài lòng về giấc ngủ của bạn không ? Bạn có hài lòng về mối quan hệ của bạn với những người chung quanh không ? Bạn có thường cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm...? Ở mức độ nào ? Luôn luôn ?Thường xuyên ? Đôi khi ? Không bao giờ ?...

Đại khái đó là một ít câu hỏi trong hàng trăm câu hỏi được đặt ra để "đo lường" một cách tương đối chất lượng cuộc sống của ta.

Trên đây chỉ là chút gợi ý nhân mùa xuân về để thỉnh thoảng ta nên... tự hỏi mình như vậy, và ngắm nghía lại mình xem sao ? Đã có khi nào thấy giật mình: "Nhìn lại mình đời đã xanh rêu" (TCS) chưa nhỉ? ■

BS. Đỗ Hồng Ngọc
(Tạp chí VHPG số 216 - 1/1/2015)


Message edited by saigoneses - Thứ Tư, 07 Jan 2015, 9:28 PM
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Năm, 08 Jan 2015, 4:14 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
1

Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Bảy, 24 Mar 2018, 10:18 AM
 
kathy Date: Thứ Năm, 08 Jan 2015, 11:44 AM | Message # 3
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 08 Jan 2015, 11:47 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



Tuy nhiên, có 1 điều đáng buồn là:
Khi sống trong 1 xã hội, mà mọi người chung quanh cứ dùng các "Từ Ngữ" sai, ta nghe mãi thành quen Tai, rồi ta lại dùng nó !

Như chữ "CHẤT LƯỢNG" của tựa bài là SAI !

CHẤT = 質 :

* Là cái bản thể của các vật, như "khí chất 氣質 = chất hơi"
* "Lưu chất 流質= chất lỏng",
* "Chất điểm 質點" = chia rẽ vật thể ra từng bộ phận rất nhỏ.
* "Nguyên chất 原質" = không lẫn lộn cái gì.
"Tư chất" 私質 nói về cái bẩm tính của con người.

LƯỢNG = 量:
Là chỉ số, là đồ đong, đo lường .

Do đó chỉ có thể nói SỐ LƯỢNG chứ không thể nói CHẤT LƯỢNG
Hoặc ta có thể nói: Phẩm chất tốt hay xấu và số lượng nhiều hay ít, chứ không thể nói chung là "chất lượng" được !

VN ta sau này vì KÉM GIÁO DỤC, nên nhiều người tự chế ra các từ ngữ gượng ép làm ra sai lạc, què quặt như các chữ sau đây:

"Ùn tắc", "Bức xúc" ...v...v...

Nhưng có thể Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc không quên! nên trên hình bìa ta thấy câu "Chất lượng cuộc sống" được viết trong ngoặc kép: "
biết đâu khi để trong ngoặc kép đó là Bác Sĩ ngầm có ý "khôi hài" cho chữ "Chất lượng" ?



AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Năm, 08 Jan 2015, 6:44 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
1

Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Bảy, 24 Mar 2018, 10:18 AM
 
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » Y-HỌC - SỨC KHỎE » ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG (BS. ĐỖ HỒNG NGỌC)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO