Thứ Hai
06 May 2024
9:41 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN MA - TRUYỆN KINH DỊ » Cho em một mảnh đời (Bình Huyên)
Cho em một mảnh đời
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 07 Apr 2012, 8:37 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Cho em một mảnh đời - Bình Huyên

Bùi-Hồng rời xe ca, đặt chân xuống vệ đường bên cạnh bản Nuôn-Nhang, nơi xưa kia gia đình anh bị tập trung trong một cái chùa bỏ hoang. Khi ấy, dân trong bản tự nhiên quý mến gia đình anh là những người Việt-Nam duy nhất trong đám tỵ nạn. Họ xin phép ông tà-xen và ông phó-bản, là các đại diện chính quyền Pathet-Lào, cho họ dựng lên một cái nhà sàn ở ngay trong bản. Xong, họ mời gia đình Bùi-Hồng rời trại tập trung vào bản sống với họ. Cuộc sống thật là êm đềm và thân ái trong vòng ba tháng. Kỷ niệm ấy khó mà quên được...

... Cách nay hơn hai mươi tám năm, anh theo gia đình, rời bỏ miền Nam nước Việt, đi tìm tự do bằng cách đáp xe đò ra Quảng-Trị. Ở đó, bố mẹ anh thuê mấy cái xe gắn máy chở hai vợ chồng và các con cùng hành lý ra Khe-Sanh. Gia đình anh dự tính qua Lào, vượt sông Cửu-Long, sang Thái-Lan xin tỵ nạn. Nhưng cả gia đình bị chặn lại ở quận Tchépone thuộc tỉnh Savannakhet. Họ bị giam lỏng trong một cái bản cùng với các dân tỵ nạn khác. Gần ba tháng sau, cộng sản Lào đem xe đưa họ đến tỉnh Savanakhet. Gia đình Bùi-Hồng bị tập trung cùng với hơn hai trăm người khác mang quốc tịch Cao-Miên. Chín tháng sau, những người đó bị trả về Cambodge. Riêng gia đình Bùi-Hồng cùng một số người khác được mang lên Vientiane, vì họ đều khai quốc tịch Pháp. Ba tháng sau, họ bị trục xuất khỏi Lào. Hội Hồng-Thập-Tự quốc tế cho máy bay chở ba mươi bảy người đó sang Pháp. Lúc bấy giờ, Bùi-Hồng mới mười lăm tuổi. Anh được nhận ngay vào trường Pháp.

Hiện tại, Bùi-Hồng là chuyên viên tu nghiệp về điện toán tại Paris. Anh hãy còn độc thân. Ngoài khả năng chuyên môn rất xuất sắc, anh là một văn, thi, hoạ, nhạc sĩ có tài. Anh được nhiều độc giả, thính giả ái mộ. Trái lại, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, ngay cả cái trung tâm văn bút bỏ túi mà anh thường hợp tác, thi nhau ghét bỏ anh. Họ làm đủ mọi cách gây khó khăn cho các hoạt động văn hoá của anh. Tất cả chỉ vì lòng ghen tức, đố kỵ. Cái tội duy nhất của Bùi-Hồng là quá tài hoa trong nghề nghiệp cũng như văn hoá nghệ thuật. Vì vậy, anh thường đi du lịch để quên những bực mình đó.

Lần này, đi công tác tại Krung Thep và Ubon hai tuần lễ tại các chi nhánh của hãng anh làm việc, anh dùng một tuần lễ được nghỉ, trở lại thăm xứ Lào. Chuyến xe đò đầu tiên trong ngày rời bến Oubon, Thái-Lan, chạy qua ven tỉnh Kemarat về phía Savannakhet bên Lào...

... Đang nghĩ miên man, Bùi-Hồng nghe tiếng chào:

- Xầm bai. Pay sai, pò? (Chào ông. Ông đi đâu thế?)

Bùi-Hồng dừng chân, thấy một người đàn ông Lào đi ngược chiều với anh. Anh bèn mỉm cười, chào lại bằng tiếng Lào, rồi dùng tiếng Việt nói tiếp:

- Tôi tên là Bùi-Hồng. Ngày xưa, tôi và gia đình đã ở trong bản này gần ba tháng. Hôm nay, tôi trở lại thăm bản. Ông là ai? Tôi trông ông quen quen.

Người đàn ông reo lên, cũng dùng tiếng Việt rất sõi:

- A! Bùi-Hồng! Tôi nhớ ra rồi. Tôi là Nô. Nhà sàn của gia đình anh ở gần nhà của bố mẹ tôi. Hồi đó, bố tôi làm phó bản. Bố anh hay cho tôi và mẹ tôi thuốc sốt rét.

Bùi-Hồng nhớ ngay đó là người bạn trai khá thân của anh trong bản Nuôn-Nhang. Anh nắm tay Nô, hỏi:

- Nô còn ở chỗ cũ không? Bố mẹ anh có khoẻ không? Cô em gái của anh vẫn còn ở trong bản đấy chứ?

Nô buồn buồn :

- Bố mẹ tôi chết cả rồi. Tôi lấy vợ, có hai con. Sâm-Tiên, em gái tôi, đã bị rắn cắn chết cách nay mười tám năm. Anh đến đây ở chỗ nào? Nếu chưa có chỗ nghỉ chân, anh lại nhà tôi ở cho vui.

Bùi-Hồng im lặng nhìn ra xa, đoạn chàng thở dài đáp:

- Buồn quá nhỉ! Tôi ghé qua đây thăm lại chốn cũ, định tìm người quen xin tạm trú vài ngày. Được đến ở với gia đình anh chị, còn gì bằng. Sáng mai, chúng mình đi chợ Hung-Mo nhé.

Nô vỗ vai bạn cũ:

- Mình sẽ đi nhiều chỗ. Nhưng vấn đề ăn uống, anh đừng lo. Vợ tôi làm bếp rất giỏi. Mùa này chúng tôi không bận lắm. Khâu niêu, khâu chao (gạo tẻ, gạo nếp), gà, vịt, lợn, hoa quả, nhiều lắm. Anh muốn ở chơi đến bao lâu cũng được.

Vợ con của Nô tiếp đón Bùi-Hồng rất nồng nhiệt. Giống đa số phụ nữ Lào, chị Nô trắng trẻo, má đỏ, môi hồng, mắt đen láy, và luôn luôn tươi cười. Những người đứng tuổi biết Bùi-Hồng cách nay hơn hai mươi lăm năm không còn nữa. Một số bạn trẻ của anh đã di chuyển sang tỉnh khác vì công việc. Gia đình Nô coi như là người quen duy nhất của anh còn ở chốn này.

Xế chiều ngày hôm sau, Bùi-Hồng một mình thả bộ sang chùa ở cuối bản, nơi các người tỵ nạn bị tập trung xưa kia. Trên chùa loáng thoáng vài bóng áo vàng của các ông sư. Bùi-Hồng đi sâu vào cánh rừng nhỏ sau chùa. Đến bên dòng suối, nơi mà anh thường ra tắm rửa ngày xưa, anh gặp một đám trẻ con vây quanh một vật gì dưới đất. Lại gần, anh thấy đó là một con rắn khá dài đang từ từ lột xác. Vài đứa trẻ đi tìm đá mang lại, toan đập chết con rắn. Cặp mắt con rắn nhìn Bùi-Hồng trừng trừng. Anh tự nhiên thấy thương con rắn, bèn giơ tay cản mấy đứa trẻ, bảo chúng bằng tiếng Việt:

- Đừng giết.

Bọn trẻ như hiểu lời của khách lạ, ngoan ngoãn bỏ đá xuống, nắm tay nhau bỏ chạy. Bùi-Hồng đứng bên con rắn cạnh dòng suối trong vắt, đầy đá sỏi. Chung quanh vắng vẻ. Con rắn đã chui ra khỏi đống vỏ lẫn lộn vảy xanh lục đen trắng. Nó chưa đủ sức bò đi. Mắt nó vẫn nhìn Bùi-Hồng như thôi miên. Anh quay đi, không nhìn vào mắt rắn để tránh bị con vật mê hoặc, trước khi tấn công. Anh ngắm dòng suối chảy quanh co mất hút vào trong rừng rậm rạp âm u. Bóng tối miền thượng du toả xuống thật nhanh.

- Xầm bai, pò. (Chào ông)

Một giọng nói thật trong trẻo, dễ thương cất lên ngay bên tai Bùi-Hồng. Anh quay lại. Một bóng đen đứng sát sau lưng anh. Mùi gỗ trầm nồng ấm, trộn với hơi nước suối hoang dại, phà tới làm anh lùi mấy bước. Anh hết sức kinh ngạc khi thấy bóng đêm đen như bay đi từng mảng, để lộ dần khuôn mặt một thiếu nữ Lào. Bắt đầu là cặp mắt nhung đen thẳm long lanh, rồi đến chiếc mũi cao, hai má hồng, đôi môi mọng đỏ, cái cằm xinh xắn, tóc mây bới cao cuộn thành một búi tròn trên đỉnh đầu. Quần áo của cô gái lẫn trong màn đêm mờ đục và bóng cây xanh đen. Cô nở một nụ cười rộng rãi, sáng ngời, khoe hai hàm răng đều đặn trắng nuột:

- Khập trai lai. Khập trai lai. (Cám ơn nhiều nhiều.)

Bùi-Hồng cố trấn tĩnh, dùng tiếng Việt:

- Chào cô. Cô cám ơn tôi về chuyện gì thế? Hình như chúng mình đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải. Nhìn cô, tôi thấy quen quen.

Cô gái cười thành tiếng. Một chuỗi cười hiền hoà, nồng nàn. Cô cũng dùng tiếng Việt:

- Anh đã cứu tôi khỏi bị đám trẻ con đập chết lúc nãy đó.

Bùi-Hồng choáng váng vì hoảng sợ. Tay anh chỉ vào người cô gái, miệng không cất thành lời. Cô gái lại cười, nói tiếp:

- Tôi là con rắn lột xác lúc nãy. Không có anh, tôi có thể bị nát đầu, dập xác rồi. Tôi là Sâm-Tiên, em gái của anh Nô. Ngày xưa, anh là bạn của anh tôi, còn tôi chỉ là đứa con gái nhỏ mới mười ba tuổi. Anh hay cho tôi ăn bánh ngọt mua ở cửa hàng Hung-Mo. Anh nhớ không?

Nàng cúi đầu một vài phút, biểu lộ mối cảm xúc sâu kín, rồi ngẩng lên kể tiếp, vẻ mặt buồn xa vắng:

- Năm hai mươi tuổi, tôi vào rừng chơi, bị rắn cắn chết. Gặp giờ linh thiêng, tôi thành ma rắn. Mỗi năm, tôi bị yếu đuối, mất hết uy lực trong khi lột xác. Thường thường, tôi lột xác chỗ kín đáo. Hôm nay, duyên Trời cho tôi gặp lại anh, nên tôi lột xác ở đây. Anh đã nhìn vào mắt tôi và giao cảm với cô em gái nhỏ bé ngày xưa, nay đã thành ma rắn. Thế rồi, như cơ Trời định đoạt, anh đã ngăn cản không cho đám trẻ đập nát thân xác rắn của tôi!

Bùi-Hồng hơi hoàn hồn, giọng bớt run, hỏi:

- Sâm-Tiên gặp tôi có việc gì quan trọng?

Sâm-Tiên đưa bàn tay trái lên miệng. Đoạn, nàng ngửa các ngón tay nhỏ bé nõn nà. Trong lòng bàn tay đỏ hồng có một viên ngọc tròn to bằng quả trứng chim. Ngọc mầu đỏ óng ánh. Cô gái ma rắn đưa viên ngọc cho Bùi-Hồng, nói:

- Ngày xưa, một buổi tối, anh Nô và anh cùng tôi và mấy con bạn đi pay phon (khiêu vũ Lào ) ở sân chùa. Anh đã pay phon với tôi. Khi đưa chúng tôi về nhà ban đêm, anh đã tặng tôi một viên ngọc nhỏ mầu nâu hồng, bảo rằng đó là đá quý anh bắt được khi đi câu cá ở một cái hồ tại tỉnh Sóc-Trăng hồi anh còn nhỏ. Tôi quý viên ngọc đó lắm. Khi tôi chết, ngọc đó còn nằm trong túi áo, chôn theo xác tôi. Bây giờ, tôi tặng lại anh viên ngọc rắn của tôi tu luyện mười tám năm nay, để tạ lòng thân mến của anh với tôi. Xin anh nhận cho.

Bùi-Hồng nhìn viên ngọc rắn quý giá, nhưng không cầm. Anh hỏi:

- Sâm-Tiên cho tôi ngọc quý, rồi lấy đâu ra ngọc để tu luyện cho riêng mình?

Sâm-Tiên nhoẻn miệng cười, nói:

- Anh đừng lo cho tôi. Ngọc rắn khác sẽ thành hình với sự tu luyện. Thời gian không n4hiã lý gì với hồn ma. Nhận ngọc rắn, anh sẽ được nhiều điều tốt lành.

Bùi-Hồng ngắt lời cô gái ma rắn:

- Viên ngọc rắn của Sâm-Tiên sẽ giúp tôi những gì?

Sâm-Tiên nhẹ nhàng nắm tay Bùi-Hồng, đặt vào lòng bàn tay của người bạn trai viên ngọc sáng ngời. Da tay nàng mịn mát mềm nhũn như khối thạch sương sa. Nàng nhìn vào mắt anh, nói bằng giọng trầm âm rất lôi cuốn:

- Mang ngọc rắn trong người sẽ tránh mọi bệnh tật truyền nhiễm. Ngậm ngọc rắn trong miệng sẽ không bị chết cháy, chết vì chất nổ, chết đuối.

Bùi-Hồng lại hỏi:

- Ngoài ra, ngọc rắn không giúp tôi có uy lực siêu nhiên nào cả, theo như truyền thuyết trong dân gian sao?

Sâm-Tiên trầm ngâm nhìn người bạn trai cũ trên dương gian mà nàng rất yêu mến. Đoạn, nàng khẽ gật đầu, nói:

- Tôi biết rằng anh đang có những ưu tư về cuộc đời. Các người chung quanh anh không có thiện cảm với anh, chỉ vì họ ganh tỵ với anh. Ngọc rắn sẽ giúp anh trừng trị những người đó. Tuy nhiên, anh phải để cho ma lực của tôi kết tinh trong ngọc hoà hợp với cơ thể anh. Nếu anh quyết định trừng trị những người có ác ý với anh, anh hãy nuốt viên ngọc này. Anh sẽ trở thành nửa người, nửa ma rắn, có đủ uy lực siêu nhiên để hoá rắn hoặc trở lại xác người theo ý muốn. Tuy nhiên, mỗi năm, đến thời kỳ lột xác, anh sẽ bắt buộc ở trong xác rắn và bị yếu đuối vài buổi. Trước khi nuốt ngọc rắn, anh cần phải lựa chọn một trong hai hình thể khi lột xác: giữ nguyên xác rắn hay thành một vật vô tri tùy theo ý muốn.

Bùi-Hồng mỉm cười hiền lành:

- Tôi chỉ muốn trừng trị những kẻ xấu bụng độc ác, khiến họ chừa thói ganh tỵ, chứ tôi không muốn tiêu diệt người ta.

Sâm-Tiên gật đầu, tán thưởng ý tưởng khoan hoà của Bùi-Hồng. Nàng nhẹ nhàng giải thích thêm:

- Nọc độc rắn thần sẽ biến hoá tác hại theo ý định của chủ nhân nó. Anh đừng ngại.

Bùi-Hồng suy nghĩ rất nhanh. Tất cả những buồn bực vì sự ganh ghét mà anh phải hứng chịu hiện rõ trong trí óc anh. Cuối cùng, anh gật đầu, nói:

- Tôi sẽ nuốt ngọc rắn và muốn rằng trong mỗi thời kỳ lột xác, tôi sẽ biến thành chiếc khăn quàng ngũ sắc của dân Lào. Làm như thế, tôi sẽ được gần Sâm-Tiên mãi mãi, phải không?

Sâm-Tiên mỉm một nụ cười huyền bí, gật đầu, trìu mến nhìn Bùi-Hồng. Anh bỏ viên ngọc vào miệng nuốt chửng. Phút chốc, anh thấy trong người giá lạnh, hai mắt loà đi, thân thể thu nhỏ mềm nhũn. Anh thấy mình nhẹ hẫng, rơi xuống cỏ ướt. Sâm-Tiên, cỏ cây, cảnh vật xung quanh anh là những khối ánh sáng chập chờn. Anh nhận ra cô bạn gái ma nhờ cử động của cô, hoặc phong cảnh nhờ gió thổi làm rung động cỏ cây. Khi cô gái không cử động và gió không thổi, hình dạng cô gái cùng cảnh vật lu mờ đi. Nhưng rồi hai mang tai của anh bỗng nhiên phát ra hai luồng sóng vô hình mà anh đoán là hồng ngoại tuyến, giúp anh thấy lại được hình Sâm-Tiên và mọi cảnh vật. Cảm giác đó kéo dài trong khoảnh khắc. Khi Sâm-Tiên hoá thành con rắn khác, bò sát vào mình anh, quấn lấy thân thể dài mềm của chính anh, Bùi-Hồng thấy cảnh vật trở lại như cũ, rõ ràng sáng sủa với đủ mầu sắc âm thanh tự nhiên. Anh đã trở thành ma rắn mang thêm cảm giác tri giác của con người. Ma rắn Bùi-Hồng cùng ma rắn Sâm-Tiên cuộn mình, quăng đi vù vù.

Dưới một cây me tươi tốt, trên thảm cỏ xanh mướt, chung quanh cây cối um tùm, âm u, vắng vẻ, cặp rắn quấn lấy nhau. Một sợi dây trắng từ bụng con rắn đực bò sang bụng con rắn cái. Cả hai nằm yên. Một lúc lâu sau, Sâm-Tiên và Bùi-Hồng trở lại hình người. Họ ôm chặt lấy nhau như không muốn rời. Sâm-Tiên trao đổi những cái hôn say sưa với Bùi-Hồng. Mùi gỗ trầm trộn với hơi nước suối bốc lên nồng nàn. Sau cùng, nàng miễn cưỡng buông người yêu, dịu dàng nói:

- Anh hãy trở về nhà anh Nô, cho mọi người khỏi mong. Khi về nước của anh, anh vẫn sinh hoạt trên dương gian như thường. Em sẽ luôn luôn ở trong anh, cùng anh làm những gì anh muốn.

Bùi-Hồng vuốt má Sâm-Tiên, hỏi:

- Làm sao anh gặp lại được em?

- Em sẽ đến với anh khi anh gọi tên em ba lần ở một nơi kín đáo. Thôi, anh đi về đi,...

???

Chị Hoa vừa làm xong một bài thơ lấy nhan đề “Đàn ông”, trong đó chị lôi đời tư của người bạn trai cũ là Bùi-Hồng ra chế giễu đồng thời chỉ trích các tác phẩm văn chương thi phú của người ấy. Ngồi một mình trong ánh đèn đêm, chị lẩm bẩm:

- Khi còn ở trung học, mày chê tao đanh đá. Bây giờ, mày dám làm bài thơ “Nếu còn trẻ” chọc máu tao. Mày lại dở trò làm thơ viết văn gửi đăng tùm lum trên các báo. Tao sẽ cho độc giả ngửi mùi con thuyền Nghệ An của mày! Hừ! Phải diệt ngay từ đầu thằng này, kẻo nó nổi tiếng là mình sẽ uất lắm!

Nhìn xuống bài thơ “Đàn ông”, chị Hoa giật bắn mình. Các dòng chữ mực tím đen tự nhiên nhoè đi, tan ra thành hai vết mực to bằng hai đồng bạc hai mươi cents mầu tím đen. Chị Hoa cầm tờ giấy lên gần mắt nhìn kỹ. Chị cho rằng mình nhìn quáùng. Nhưng hai vết mực tròn từ từ loang dài ra thành hình hai con rắn. Hình thể hai con rắn hiện ra rõ ràng như ảnh chụp mầu. Cặp rắn rất linh động với cái đuôi nhọn ngọ nguậy, thân mình uốn éo có vảy ly ty. Cả hai con vật phồng lên, bắn ra khỏi mặt giấy. Chị Hoa chỉ kịp ngửa mặt lên, hai con rắn bằng cặp bút nguyên tử nhảy vút tới, chui tọt vào hai lỗ mũi của chị, đâm ngang xương cổ, nhập vào tủy xương sống, chạy tuốt xuống hông, toả ra hai cẳng, đọng lại ở hai bàn chân. Chị có cảm giác giẫm trên hai cục nước đá. Nhìn xuống, chị thấy mu bàn chân đỏ bầm như bị phỏng lạnh. Da chân từ từ lở loét, ngứa ngáy vô cùng.

Chị Hoa trố mắt nhìn dòng chữ chạy ngoằn ngoèo trên mặt tờ giấy trước mặt chị: “Tội ghen tỵ mang lại cho nhà ngươi hình phạt bị lở lói hai bàn chân cho đến năm Tân-Mão mới hết, với điều kiện nhà ngươi phải thành tâm quyết chừa.”

Trong cùng một tiểu bang với chị Hoa, có chị Tư, goá phụ. Chị đang tranh luận trên điện thoại với người chị ruột của chị, cũng goá chồng:

- Chị Ba à. Chị phê bình em là hay lên mặt dạy đời. Em không phủ nhận điều đó. Nhưng chị cũng biết rằng ở đời, cờ đến tay, ta cứ phất lia liạ. Mặc dầu em chẳng biết gì về các vấn đề của thanh niên, thiếu nữ ngày nay, ngoài việc chạy hàng xách trong chợ, các cửa tiệm, từ khi lấy chồng cho tới lúc chồng chết trong khám. Anh chị đã bảo lãnh cho em sang bên này, giới thiệu cho em đi làm kiếm chút tiền nuôi thân. Anh Ba còn cho em một số tài liệu về tâm lý tuổi trẻ, đồng thời cài em vào vài tổ chức văn hoá. Nhờ đó, em mới có dịp cầm bút dạy đời. Ngày xưa, thằng Bùi-Hồng cùng các bạn của nó chê em quê muà, gọi em là “cô Tư răng ngựa”. Bây giờ nó đang ngọ nguậy làm văn hoá, em phải dìm nó xuống không cho mở mặt với tầng lớp văn nghệ sĩ hải ngoại,...

Đang nói thao thao qua ống máy, chị Tư chợt thấy lỗ tai và mồm chị buốt rát vô cùng. Từ ống nghe nói, có rất nhiều tia nước nhỏ ly ty lạnh buốt bốc mùi tanh tưởi bắn ra cực kỳ mạnh. Chị kêu ằng ặc trong cổ. Chị ôm lỗ tai bị tấn công rát như có acide đốt cháy. Từ trong ống nghe, không phải là tiếng nói quen thuộc của chị Ba mà là một giọng nói thật oai nghiêm cất lên: “Tội ganh ghét mang lại cho nhà ngươi hình phạt bị câm và điếc một bên tai cho đến năm 2020 mới khỏi, với điều kiện nhà ngươi phải thành tâm quyết chừa.”

Nơi nhà riêng trong hẻm đường Chi-Lăng Sài-Gòn, bà Thiều “bán cá khô” đang ngồi trên giường trước mặt các con trai, con dâu, con gái, con rể của bà. Cất tiếng đanh thép, bà nói như ra lệnh:

- Các anh các chị phải hết sức thi hành công tác văn hoá vận. Liên lạc chặt chẽ với các hội người Việt yêu nước ở hải ngoại. Yêu cầu họ nói với toàn thể hội viên nhân danh độc giả, viết thư gửi tới các báo chí bên đó, bôi nhọ các thi, văn, nghệ sĩ chống lại đảng ta, bằng cách dèm pha nội dung, hình thức các tác phẩm của chúng. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn, tụi chúng nó sẽ hục hặc, diệt lẫn nhau. Đặc biệt là thằng Bùi Hồng. Nó là anh họ của các con. Nó cùng em trai may mắn trốn ra được ngoại quốc, học cao, kiếm nhiều tiền. Riêng thằng Bùi Hồng lại còn nổi tiếng về văn, thơ, hoạ, nhạc. Thằng đó hay viết bài chống lại đảng ta. Phải diệt nó cho bằng được! Các anh chị nghe không?... Ối giời ôi! Cái gì thế kia! Rắn! Rắn! Làng nước ôi! Cứu tôi!

Ngay trên giường, trước mặt bà Thiều “bán cá khô”, một con rắn cạp nong thuộc giống Maroc đen xì cắn ngực áo bà lôi cho rách, để lộ cái máy trợ tim. Nó phà hơi độc vào máy. Bà Thiều “bán cá khô” há miệng, trợn mắt, không thốt nên lời. Con rắn ngoác to mồm, cất tiếng như lụa xé: “Tội dối trá và tỵ hiềm mang lại cho nhà ngươi hình phạt bị bệnh yếu bộ phận hô hấp. Phải nằm cho máy chuyền dưỡng khí vào phổi mười hai giờ mỗi ngày, trong nhiều năm, cho đến khi chết.”

Cùng một lúc ấy, tại một thành phố Bắc Âu, trong nhà hàng ăn “Hoa-Lá-Cành”, chị Dinh đang bận rộn chạy từ nhà hàng đang có khách ăn uống xuống nhà bếp. Thấy chồng đứng gãi bụng bên cạnh mấy cô làm bếp, chị gọi giật giọng:

- Anh Dinh! Rửa bát tiếp đi chứ! Đứng xớ rớ cạnh mấy cô bé đó làm gì?

Anh Dinh cáu sườn, nói bướng:

- Rửa gì mà rửa hoài vậy! Phải cho người ta nghỉ chứ. Ngày mai họp trung tâm văn bút đấy. Phải cho anh về nhà xem lại chương trình chứ. Gần khuya rồi.

Chị Dinh cong cớn :

- Rửa hết chỗ chén bát đó đi, rồi sẽ được về nhà. Mà này, anh nhớ xắp xếp chương trình lại như em đã sửa chữa. Anh phải để bài diễn văn của anh viết cho em lên đọc, với lại các bài hát của em và các bạn em vào đầu chương trình. Mục ngâm thơ của thằng Bùi-Hồng lần này bỏ đi. Anh cứ bảo rằng bài của nó không hợp chủ đề lần này là xong chuyện.

Chị Dinh vừa nói vừa đi vào trong cầu tiêu. Chị lẩm bẩm một mình:

- Ta đã dùng những số báo của tờ tạp chí thằng Bùi-Hồng gửi tặng làm đồ lót xoong chảo dưới bếp. Báo bị mất giá trị rất nhiều vì vô ý cho đăng những bài viết lủng củng của mấy văn sĩ ba xu, có trình độ học vấn lớp ba trường làng, kém đến nỗi không biết tý gì về luật chấm, phẩy, xuống hàng. Đọc một hai đoạn phát bực mình, không thèm xem tiếp. Cấm các con cháu đọc tạp chí thổ tiệt đó, kẻo đã kém tiếng Việt lại càng dở thêm,...

Đang chảu cái mồm như miệng ống nhổ với hàm răng vổ dài như răng ngựa, chị Dinh chợt kêu một tiếng nghẹn ngào, hai tay đưa lên cổ gỡ một vật gì vừa quấn quanh cần cổ khẳng khiu đen đúa của chị. Tay chị chạm vào một khúc thịt da, dài lòng thòng, nhờn nhẫy lành lạnh. Mắt chị Dinh xanh lè khi thấy đuôi một con rắn vắt vẻo trên bộ ngực lép xẹp của chị. Ngay trước mặt chị, đầu một con rắn cạp nong to bằng bàn tay trẻ con ngoác miệng, để lộ mấy cái răng nanh nhọn hoắt, dài lêu nghêu. Cái lưỡi rắn nhọn chẻ đôi đỏ như máu thè ra thụt vào. Vòng rắn siết chặt làm chị Dinh nghẹt thở. Cái lưỡi trắng của chị thè ra khỏi miệng. Mỏ rắn mổ vào giữa lưỡi. Bốn cái răng cắm sâu trong lần thịt lưỡi.

Khi miệng con rắn nhả ra, lưỡi chị Dinh cứng đơ. Đầu con rắn ngất ngư trước đôi mắt mở to muốn đứt kẽ của chị Dinh. Từ trong miệng đỏ lòm của con rắn, một âm thanh chói tai phát ra: “Tội hiềm khích và nanh ác mang lại cho nhà ngươi hình phạt bị tật nói ngọng cho đến tám chục tuổi, với điều kiện ngươi phải chừa những thói xấu đó đi!“

Trong cùng một tỉnh, cách đó ba quận, cụ Huyền-Anh chủ bút kiêm thi sĩ ngồi một mình trong phòng đọc sách tại tư gia, kiểm soát các bài vở cho số tạp chí lá cải bán nguyệt san của cụ sắp xuất bản. Cặp kính trắng trễ trên sống mũi ngắn có lỗ mũi hin của gương mặt đỏ ké. Cụ lấy tay gãi mái tóc bạc, miệng nói nho nhỏ:

- Thằng nào con nào tung hô vạn tuế ta thì được đăng bài trên báo. Đứa nào cứng cổ, dù bài có hay, ta cũng xếp xó. Nhất là những tên tập tểnh làm thơ, như thằng nhóc Bùi-Hồng, dám cạnh tranh với thơ của nhà thơ Huyền-Anh. Ông cho tác phẩm của bay đi vào cõi âm u hết. Hề hề!

Từ nãy, trong góc phòng, dưới gầm tủ sách, hai con rắn nằm cạnh nhau giương hai cặp mắt xanh lè quan sát cụ Huyền-Anh làm việc. Một trong hai con rắn nhắm mắt mệt mỏi. Trời sập tối. Cụ Huyền-Anh rời phòng đọc sách, sang buồng tắm rửa tay, rồi đi ăn bữa cơm tối do đứa cháu gái mang đến. Một trong hai con rắn bò chậm chạp sang phòng ngủ dành cho khách khứa, có cửa xép dẫn thẳng ra vườn. Ở đó, con rắn leo lên giường, chui vào trong chăn. Gần khuya, Thanh-Hương, cô cháu gái, dọn dẹp xong, vào căn phòng dành cho khách, cởi hết quần áo, lên giường ngủ. Đang say giấc điệp, cô gái giật mình tỉnh dậy vì nửa thân trên của nàng bị lạnh. Nàng thấy cái chăn vén sang một bên. Cánh tay và vú bên trái trắng nuột của nàng ôm ấp một cái khăn quàng khá dài mầu sắc sặc sỡ. Thanh-Hương nói một mình :

- Ai đã vào phòng này để quên chiếc khăn quàng đẹp quá!

Nàng ngừng nói, ngồi nhỏm dậy, vì cảm thấy chiếc khăn quàng tiết ra hơi ấm, và một mùi hương rất đàn ông. Hai bàn tay nhỏ dài của nàng đưa vội lên che cặp nhũ hoa. Trong ánh sáng lờ mờ, nàng bỗng hốt hoảng giơ tay lên miệng che giấu tiếng kêu nghẹn trong cổ. Chiếc khăn quàng biến mất, nhường chỗ cho một thân hình con trai nở nang vạm vỡ như tượng thần Hy-Lạp. Trên khuôn mặt rất đẹp trai điểm nụ cười vô cùng quyến rũ, đôi mắt chàng trai mở ra, nhìn Thanh-Hương đăm đăm. Nàng đờ đẫn như bị thôi miên. Chàng trai hé miệng, cất tiếng nói ấm áp:

- Cô đừng sợ. Tôi cũng là người như cô. Tuy nhiên, trong tôi có hồn ma rắn nhập vào, đến đây để trừng trị ông nội của cô, vì ông ấy mắc tội ganh ghét và kiêu căng đối với tất cả mọi người, kể cả tôi. Cụ lại hay quỵt tiền nhuận bút của văn, thi sĩ cộng tác với tờ báo của cụ cũng được phát hành trên Internet. Đáng nhẽ tôi đã cắn chết cụ Huyền-Anh từ tối hôm qua. Nhưng lúc đó là thời gian ma rắn lột xác, nên tôi phải ẩn mình. Tôi đã vào phòng này, biến thành chiếc khăn quàng, nằm bên cô suốt đêm. Bây giờ, tôi sắp hoá rắn, đi tìm cụ Huyền-Anh để trừng phạt. Cụ ấy sẽ chảy máu thất khiếu mà chết.

Thanh-Hương lấy lại bình tĩnh, giơ tay như ngăn cản, miệng run run nói :

- Khoan! Xin anh đừng giết ông nội tôi. Tôi sẽ khuyên ông tôi đừng ganh ghét, kiêu căng và gian dối nữa. Thế nào ông tôi cũng nghe tôi, vì ông tôi thương tôi nhất trong số các cháu.

Bùi-Hồng, chàng trai ma rắn, ngồi thẳng lên, cương quyết nói:

- Tôi phải trừng trị cụ Huyền-Anh như đã thề nguyền. Nếu không, tôi sẽ mất hết uy lực hiện có, trở thành người bình thường. Do đó, tôi sẽ tiếp tục bực mình về những tánh ganh ghét, dối trá, kiêu căng, tỵ hiềm của một số người trên cõi đời này.

Thanh-Hương nhìn Bùi-Hồng bằng cặp mắt long lanh trìu mến, nói bằng giọng hết sức ngọt ngào chân thành:

- Em chưa có người yêu. Nếu anh tha cho ông nội em, em hứa sẽ hiến dâng tâm hồn thể xác trinh trắng của em cho anh.

Bùi-Hồng nhìn kỹ khuôn mặt của Thanh-Hương, và thấy nàng giống Sâm-Tiên vô cùng. Điều này làm anh hết sức xúc động. Anh nhắm mắt lại. Một lát sau, anh mở mắt ra, nắm hai tay Thanh-Hương, nói bằng giọng hiền hoà:

- Anh bằng lòng tha tội cho ông nội của em, vì tình yêu trong trắng và tâm hồn cao thượng của em. Riêng anh sẽ cố gắng hành động kín đáo hơn để người đời bớt ngứa mắt trước tài hoa của anh.

Vừa nói xong, viên ngọc rắn từ trong miệng Bùi-Hồng rơi xuống nệm, nẩy lên cao. Một con rắn to và dài hiện ra, há miệng đớp viên ngọc, bò ngoằn ngoèo trên sàn gạch, biến mất trong bóng tối...


Đại Bi Chú
 
tieuthu_soma Date: Chủ Nhật, 08 Apr 2012, 8:27 AM | Message # 2
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 08 Apr 2012, 12:03 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN MA - TRUYỆN KINH DỊ » Cho em một mảnh đời (Bình Huyên)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO