Thứ Năm
02 May 2024
0:51 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » THÀNH VIÊN » SƯU-TẦM GÓP NHẶT » Con số 1 đáng ghét - Vũ Đức Nghĩa
Con số 1 đáng ghét - Vũ Đức Nghĩa
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 03 Jun 2011, 10:33 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Con số 1 đáng ghét - Vũ Đức Nghĩa

Có lẽ, tôi không bao giờ quên buổi đầu đi học. Ðó là một ngày đầu mùa hè lúc tôi đã lên 7 tuổi. Hôm ấy, bỗng dưng cha tôi cứ nhìn chằm chằm rồi nói với mẹ tôi:
- Thằng cu nhà mình dạo này lớn tướng.
Mẹ tôi ngừng tay sàng gạo ngước lên nhìn tôi, mỉm cười mãn nguyện:
- Ừ nhỉ, trông ra dáng lắm.
Cha tôi trầm ngâm một lúc rồi gật gù:
- Có lẽ phải cho đi học.
Mẹ tôi lập tức phản đối:
- Hôm nay đã cuối tháng ba, còn hơn một tháng nữa là mãn khóa, con người ta đã học được bao nhiêu bài, con mình bây giờ vào lớp theo sao được.
Cha tôi nghiêm giọng:
- Ngày mai cho con đến lớp, tôi đã quyết định rồi, bà đừng bàn lùi.
Ngày hôm sau mẹ tôi dẫn tôi đến lớp.
Ðó là một lớp học có khoảng mười lăm, mười sáu đứa, lớn bé, ngồi chen chúc trong năm bộ bàn ghế thấp lè tè ngay trong nhà ông giáo trường làng. Không biết mẹ tôi nói với ông giáo những gì, tôi chỉ thấy ông gật đầu lia lịa và sau khi mẹ tôi về, ông xếp tôi ngồi cạnh chị Nga - người ở cạnh nhà tôi, năm ấy chị đã mười tám tuổi, đã có người dạm hỏi.
Sự kiện tôi vào lớp ồn lên một lúc rồi tất cả im bặt khi ông giáo gõ cây thước xuống bàn đánh "cạch" và hô: trật tự! Ông gườm gườm nhìn từng học trò rồi hắng giọng:
- Ừ. hừm. Nga. Trò Nga lên bảng.
Tôi thấy chị Nga giật bắn người, mặt tái mét, chân tay run lập cập. Ông giáo phải gọi đến lần thứ ba chị mới đứng lên được, co ro cúm rúm bước đi như một kẻ tội đồ.
- Trò Nga.
Chị lại Nga giật bắn người lên:
- Dạ.
- Ðã học thuộc bài chưa?
- Dạ.
- Tôi hỏi đã học bài chưa?
- Thưa thầy học rồi.
- Thế thì nghe đây: Một, cộng một, bằng mấy?
- Thưa thầy. thưa.
- Một cộng một bằng mấy - Ông giáo đã bắt đầu nổi nóng, cầm cây thước đập xuống bàn đánh "cạch".
Ở dưới lớp, có những tiếng xì xào, ông giáo đứng phắt dậy giơ cây roi mây lên trời răn dạy:
- Ðứa nào vừa bép xép? Liệu hồn!
Rồi, ông quay sang chị Nga:
- Bằng mấy?
- Dạ thưa thầy. bằng một.
- Bằng một này, bằng một này - ông vừa thét như điên, vừa quất vun vút chiếc roi mây vào mông chị Nga, vậy mà chị không dám khóc, cứ cắn chặt lấy môi, người vặn vẹo lên vì đau đớn.
Chợt, ông giáo như nghĩ ra điều gì, chắc là hay ho lắm, mặt ông tươi tỉnh hẳn lên. Ông cúi sát mặt chị Nga, rồi giơ ra một ngón tay:
- Nhìn đây, đồ con khỉ: một này - ông giơ thêm một ngón tay nữa: hai này. Tao. với mày, cộng lại với nhau, bằng mấy? Con khỉ.
Ðôi mắt u tối của chị Nga bỗng sáng rực lên, chị ngước nhìn ông giáo như một con chiên ngoan đạo bày tỏ lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối:
- Thưa thầy. thưa. một con khỉ. cộng với một con khỉ - chị thì thầm nhẩm lại cho chắc ăn - thầy. cộng với em. bằng hai. bằng hai con khỉ ạ.
Cả lớp cười rộ lên, ông giáo tím mặt, nghiến răng, rồi cũng bật cười:
- Ðồ. con khỉ.
Lần đầu tiên trong đời, đầu óc trẻ thơ của tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của con số: Con số 1 có cái gì hắc ám, ghê tởm mà vì nó, chị Nga - người bạn cùng xóm, cùng bàn với tôi đã bị xỉ nhục, bị ăn đòn chí tử. Còn con số 2 khi vừa được phát ngôn, cả lớp đã vui vẻ cười ồ lên, chị Nga thì được thầy tha bổng - dù con số đó, chỉ là. hai con khỉ!
Sau giờ ra chơi, bài học vỡ lòng đầu tiên của tôi cũng là bài học gần kề những trang cuối cùng tập sách. Ðó là bài tập đọc, tập viết "Ðường làng". Khi chúng tôi vào lớp, bài đã được viết sẵn lên bảng, ông giáo cầm cây thước chỉ vào từng chữ, đọc:
- Ư. ơ. en. giê.ương. Ðờ. ư. đư. en. giê. đương. huyền.. đường. Ðường làng quanh co.
Cả lớp gào lên, tôi cứ thế gào theo và suốt đêm hôm đó, về nhà tôi đã thuộc lòng bài học "Ðường làng quanh co, quanh co đường làng".
Cha tôi thấy tôi chăm chỉ học hành có vẻ hoan hỉ lắm. Ông ngồi đan rổ, đan rá ở góc sân thi thoảng lại nhìn về phía chiếc chõng tre - nơi tôi đang chổng mu lên ê a. - gật gù mãn nguyện.
Cho đến một hôm. Ông đi qua chỗ tôi đang học, bất thần dừng lại, rồi cúi xuống, nhìn vào cuốn sách:
- Mày đang đọc cái gì?
Tôi cầm sách giơ lên ngang mặt, liếng thoáng: "Con cóc là cậu ông Trời; ai mà đánh nó thì Trời đánh cho".
Ông giật lấy cuốn sách, xem kỹ một hồi rồi lại cầm cuốn tập viết lật đi lật lại từng tờ. Những bài tập viết tôi dậm theo chữ viết bằng bút chì mà ông giáo viết vào tập cho tôi, và những bài tập viết, tôi viết theo mẫu chữ có sẵn ở đầu dòng trang sách, về "Ðường làng quanh co", và những "con cò, con cóc.". Tôi thấy nét mặt ông có vẻ bực bội, nhăn nhó, rồi ông lẩm bẩm "mới đi học được mấy ngày đã được tới ba con 1". Ðoạn ông đưa lại cuốn sách cho tôi, nghiêm mặt, nói dằn từng tiếng:
- Mày đọc lại tao coi.
Tôi cầm sách, không cần phải đánh vần từng chữ, đọc ngay một mạch: "Con cóc là cậu ông Trời; ai mà đánh nó thì trời."
- Ông Trời này, ông trời này - thanh tre cạp rổ trong tay cha tôi bỗng trở thành cây roi mây lợi hại. Ông gầm lên như Thiên lôi nổi trận lôi đình - ông Trời, học vẹt, ông trời này.
Cũng may sao mẹ tôi đi làm vừa về tới. Mẹ tôi chạy lại giữ chặt lấy cánh tay đang cầm roi của cha tôi, van vỉ:
- Trời ơi! Ông đánh con chứ sao lại đánh ông Trời, tội chết. Ngài mà nghe thấy thì.!
Cha tôi vẫn chưa bớt giận, nhưng ông đã hạ thanh tre xuống, rồi cầm lấy quyển sách đưa lên tận mũi mẹ tôi, cáu tiết:
- Bà xem. Bài học hôm nay là bài con cò. Thế mà nó cứ ra rả bài ca con cóc. Láo toét. Ðồ con vẹt. Bởi vậy mới đi học được mấy ngày đã được ba con 1.
Bấy giờ, mẹ tôi mới kịp hiểu ra, nửa cười, nửa mếu:
- Thì tôi đã bảo, con người ta đã học được gần năm trời, mình mới đưa con đến lớp, chữ a chữ b chưa học thì làm sao biết được chữ cò, chữ cóc huống chi chuyện trên trời dưới đất. Ông nóng giận, đánh oan con.
Cha tôi hình như đuối lý, quay sang vớ lấy cái điếu cày rít một hơi cực dài như người ta xả nguyên băng súng tiểu liên vào không gian cho hả giận. Dù sao, tôi cũng đã bị đánh một trận đòn đau, mà thủ phạm chính là mấy bài điểm 1.
Biết được mẹ bênh, ngày hôm sau, tôi giở chứng: đình công - không đi học nữa. Mẹ tôi dỗ ngon, dỗ ngọt, rồi dọa sẽ mách với cha tôi. Tôi vẫn một mực không đi. Cuối cùng, mẹ tôi cũng tìm ra được một yếu điểm của tôi: mẹ tôi hứa, nếu con đi học, mỗi ngày mẹ sẽ mua cho một chiếc bánh đa.
Tôi đã bị chiếc bánh đa khuất phục.
Sáng hôm ấy, tôi đi học sớm, giấu chiếc bánh đa vào dưới gầm bàn. Tôi định bụng là đến giờ ra chơi sẽ đem vào một góc nào đó ngồi xơi. Nhưng rồi, cái mùi bánh đa vừng thơm thơm, ngầy ngậy cứ xông vào mũi tôi trêu tức, mà bụng lại đói, tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đến lúc ra chơi, nên đã thò tay xuống gầm bàn bẻ một miếng đưa lên miệng.
Cái giống bánh đa rất tệ, chỉ vừa đụng vào là nó đã kêu đánh "rắc", còn khi nhai nó lại kêu to hơn, cứ "rắc, rắc, ráu ráu" y như người ta xay bắp. Ông giáo đang nắn nót viết bài trên bảng, bỗng dừng tay, lắng nghe, rồi từ từ xoay người lại:
- Ai làm mất trật tự?
Im lặng.
- Ai - Giọng ông lạnh và sắc như dao, khiến học trò đứa nào cũng nổi cả da ga- nếu không ai nhận, tôi sẽ đánh mỗi người ba roi.
Ngay lập tức, thằng Toàn đứng bật dậy:
- Thưa thầy. thưa - thằng Toàn đưa ngón tay chỉ vào gáy tôi: Nó.
Ông giáo cầm cây thước thủng thẳng đi xuống. Ông nâng cằm tôi lên, hỏi:
- Mày vừa bẻ cái gì kêu rôm rốp thế?
- Thưa thầy bẻ bánh.
- Bánh gì?
- Bánh đa ạ.
- Tố. tốt.
Tôi đã khấp khởi mừng thầm vì nhận thấy trên gương mặt nghiêm khắc của ông giáo có tín hiệu hài lòng. Nhưng ông tiếp tục thẩm vấn:
- Mày phải thật thà khai báo: Có mấy cái?
- Dạ một - Tôi thò tay xuống gầm bàn lôi chiếc bánh ra trình diện.
- Tại sao lại chỉ có một?
Câu hỏi oái oăm và bất ngờ đến nỗi tôi không sao mở miệng ra được: tại sao, tôi chỉ có một chiếc bánh mà không phải là hai, ba chiếc! Tôi còn đang ú ớ thì cây thước trong tay ông giáo đã nện vào mông tôi tới tấp. Hình như, câu trả lời của tôi cũng chẳng cần thiết lắm. Vì vậy, sau khi quất cho tôi vài roi như một thói quen, ông bình thản quay về bục giảng và cầm theo chiếc bánh đặt lên bàn.
Kể từ lúc ấy, học trò - không một đứa nào còn thiết tha nghe ông giáo giảng bài, bởi vì, chúng nó cứ nhìn chằm chặp vào chiếc bánh đa. Ông giáo cũng nhận ra điều đó, đành phủi phấn trên tay, cầm chiếc bánh đa giơ lên, căn dặn:
- Trò Cốc. Lần sau có mang bánh đến lớp thì phải mang hai cái. Hiểu chưa. Mày đem một cái mà lớp ta có tới mười sáu đứa. Một cái làm sao đủ chia!
Nói rồi, ông bẻ bánh ra nhiều miếng nhỏ, phân phát cho từng học trò. Ông cũng cầm một miếng. Thầy trò chúng tôi ăn bánh rất vui vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra.
Lúc ấy, tôi mới thấy những lằn roi đau nhói và chợt nhận ra rằng: Trận đòn vừa qua cũng tại con số 1 - Lần này là một chiếc bánh đa. Nếu hôm nay tôi mang hai chiếc và khôn ngoan nói rằng: Một chiếc của em, còn một chiếc biếu thầy. thì rất có thể tôi không bị ăn đòn. Con số 1 khốn kiếp.
Con số 1 hầu như đeo đẳng, ám ảnh hàng chục năm suốt thời kỳ niên thiếu của tôi. Nó là hiện thân của cây roi mây trong tay thầy giáo, là thanh tre trong tay cha tôi, là điềm báo trước bị phạt phải lau bảng, quét nhà và nói chung nó thường là nỗi đau, nỗi khổ, nhiều khi nó còn là nỗi bất hạnh cho những ai còn ngồi ghế nhà trường.
Ðến khi trưởng thành, tôi đã tưởng từ nay có thể dõng dạc tuyên bố "xin chào nhé" con số 1 đáng ghét. Vậy mà vừa có công ăn việc làm ổn định, thì cha tôi liền kể với tôi rằng: Từ lâu, cha mẹ đã nhắm cho con một đám.
Suốt một buổi tối, cha mẹ tôi chỉ toàn nói những điều tốt đẹp về ông bà thông gia và cô con dâu tương lai, làm tôi cũng cảm thấy xiêu lòng. Duy có một điều, cô ta năm nay hai mốt tuổi, cái tuổi có con số 1 làm tôi ái ngại. Sau đó vài ngày, tôi đã được cha mẹ dẫn đến đàng gái để hai nhà chính thức kết thân. Có lẽ những lời cha mẹ kể cho tôi nghe là đúng: Ông bà thông gia vui vẻ, nhà cửa khang trang, còn cô ấy cũng hay hay, nho nhỏ, xinh xinh nói chung là có thể cưới làm vợ được.
Hôm đám cưới, dân làng ai cũng khen "đẹp đôi"; "nhất đấy"; "ông chủ sạp vải chợ huyện có cô gái rượu duy nhất, sau này thế nào ông ta chẳng bắt thằng Cốc về ở rể, đúng là chuột sa chĩnh gạo."
Nghe những lời chúc mừng, khen tặng của chòm xóm, dòng họ, tôi thấy mát cái lỗ tai. Tuy vậy, ngay sau đêm tân hôn tôi vẫn còn tỉnh táo để nhớ ra một lời vàng ngọc của ông bà, tổ tiên và lớp người đi trước:
"Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở lơ ngơ mới về"
Nhìn đồng hồ đã chỉ sáu giờ rưỡi sáng mà nàng vẫn còn đê mê trong giấc mộng, tôi buộc lòng lay gọi:
- Em à, dậy đi. Con gái mới về nhà chồng cũng cần được lòng cha mẹ. Chúng ta nên dậy sớm một chút, thức khuya một chút. Trưa nay, em trổ tài nấu một bữa cơm ngon để ra mắt cả nhà. Em đồng ý không?
Nàng ngẫm nghĩ, gật đầu, nhưng ánh mắt dường như khó chịu. Nàng cố nằm ráng thêm một lúc rồi uể oải ngồi dậy, xỏ chân vào guốc, làm vệ sinh, rồi lại đến ngồi trước tủ gương trang điểm đến nửa giờ.
Trưa hôm ấy, khi mở nắp nồi cơm, tôi lập tức bị hắt xì mấy cái bởi mùi khê xông lên khét lẹt. Mẹ tôi sợ con dâu xấu hổ liền chữa thẹn:
- Ôi, em nó mới về chưa quen bếp quen núc. Bữa đầu, ai mà chẳng thế.
Bất ngờ, nàng sổ toẹt móng heo!
- Không. Ở bên nhà, con không bao giờ phải nấu cơm, ba cái chuyện vặt: quét nhà, rửa chén, giặt đồ, người giúp việc phải làm. Cha mẹ con cưng con lắm. Nhà con một mà.
Hầu như tất cả, mọi người trong bữa cơm bỗng dưng câm bặt, không ai nói được lời nào, lặng lẽ nhai, lặng lẽ nuốt những miếng cơm vừa đắng vừa khét, chỉ có riêng mẹ tôi vẫn còn bình tĩnh, vừa ăn vừa vui vẻ động viên an ủi con dâu.
Tôi thấy thương mẹ quá, bởi người đang phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Suốt mấy tháng sau, tôi luôn miệng tâm niệm lời dạy bảo của người đi trước: "Dạy vợ từ thuở lơ ngơ mớivề". Tôi vừa làm, vừa rủ vợ làm theo nhưng rốt cuộc, nàng vẫn đinh ninh rằng, nàng sinh ra để được yêu chiều, bởi vậy nàng thường lặp đi lặp lại điệp khúc "em là con một, con gái rượu của cha, những việc đó em không làm, em không biết."
Cuộc hôn nhân của chúng tôi hóa ra chỉ là một vở hài kịch, một trò chơi của tạo hóa: vợ chồng son trẻ mà luôn luôn cự cãi, giận hờn, rồi hòa bình, hữu nghị, nhưng rồi cũng chỉ cầm cự được nửa năm, hai chúng tôi đều nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục sống với nhau thì người này sẽ là của nợ của người kia.
Tôi đã vĩnh viễn chia tay cô con gái rượu, tiểu thư con một của ông chủ sạp vải lớn nhất chợ huyện.
Tuy vậy, chuyện ấy không đơn giản chút nào: sống với nhau mới được nửa năm - dù nửa năm ấy cơm không lành, canh chẳng ngọt nhưng tình chồng nghĩa vợ sâu nặng đến nỗi khi chia tay lòng tôi tê tái. Tôi cảm thấy như mình đang phải tiễn đưa một người thân yêu nhất vào chốn vĩnh hằng. Ở cổng tòa ly dị, tôi phải quay mặt đi để nàng không biết được là tôi đang khóc.
Và, ngay sau ngày hôm ấy, tôi phải xây dựng một chương trình làm việc và làm việc hết mình để trả khoản nợ còn gần mười triệu do việc sắm sanh nữ trang và tiệc cưới - số tiền này, chúng tôi từng hy vọng: ông nhạc sẽ viện trợ một phần, có thể viện trợ toàn phần. Nhưng bây giờ thì.!
Tôi đã làm việc cật lực gần một năm trời, đoạn tuyệt với cà phê, thuốc lá, từ chối hầu như tất cả những cuộc tiệc tùng nhậu nhẹt để dành tiền trả nợ.
. Hôm ấy là một ngày cuối tuần. Vui: vì đã trả xong món nợ, trong túi vẫn còn một khoản tiền nho nhỏ, tôi nghĩ ngay đến chuyện: tìm một người bạn thân tình để xổ bầu tâm sự, và cũng để tự thưởng cho mình một bữa tiệc tươm tươm tại quán bia hơi thịt rừng vì thành tích một năm phấn đấu quên mình vì nợ, đã bỏ được khá nhiều thói hư tật xấu, bởi miệt mài làm việc.!
"Ðường đi ta rắc đầy hoa; người ta gặp đẹp như thiên thần; Này bạn ơi! dù gặp nhiều gian nan, và nhiều lần vấp ngã, thì cuộc sống vẫn là một ân huệ lớn mà thiên nhiên ban tặng". Tôi vừa lái xe vừa huýt sáo bài ca "Ơi, cuộc sống ta yêu". Bất chợt, tôi phát hiện ở ngã tư trước mặt, trên tín hiệu đèn xanh, con số 2 vừa biến thành con số 1. Trong đầu tôi, một ý nghĩ vụt đến: Nếu không nhanh, đèn đỏ bật lên, tôi sẽ phải phanh xe, đứng đợi tới ba mươi giây. Không. Tôi xiết ga, xe chồm lên phía trước. Lúc ấy, ở cả hai bên, dòng người, xe đã nhận được tín hiệu đèn xanh. Tất cả ào tới như một dòng thác lũ. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng "Ki. it. kít" xiết mạnh xuống nền đường, rồi không biết gì nữa.
Hai ngày sau, tôi tỉnh lại, bạn bè kể cho tôi nghe rằng, chiếc xe tải nặng mười bốn tấn đã kịp phanh, nên vừa chạm vào người tôi là dừng lại, nghĩa là chỉ còn một phần nghìn giây tôi đã bị bánh xe cán nát.
Tôi nhận ra, bên giường bệnh còn có hai cảnh sát giao thông. Họ chào tôi và mỉm cười tế nhị:
- Anh đã vượt đèn đỏ!
Bản năng tự vệ trong người tôi trỗi dậy, tôi cãi:
- Lúc tôi đến gần ngã tư, đèn xanh vẫn còn số 1.
- Ðúng - người cảnh sát giao thông khẳng định - nhưng lúc đó anh còn cách ngã tư mười lăm mét. Lẽ ra ở khoảng cách ấy, nhìn đèn xanh báo hiệu số 1, anh nên dừng lại.
Ðã u đầu, sứt trán mà kiểu này. còn lôi thôi to, chắc sẽ bị phạt. Thế có tức không?
Thì ra. lại là con số 1. Lần này là một giây. Chỉ vì tranh thủ 1 giây, suýt nữa tôi mất mạng.
Ðấy, các bạn xem: nếu ở địa vị tôi, bạn thấy con số 1 có đáng ghét không?


Đại Bi Chú
 
FORUM » THÀNH VIÊN » SƯU-TẦM GÓP NHẶT » Con số 1 đáng ghét - Vũ Đức Nghĩa
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO