Thứ Năm
02 May 2024
0:51 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » THÀNH VIÊN » SƯU-TẦM GÓP NHẶT » CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT (Sưu tầm)
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
cafesnt Date: Thứ Năm, 11 Oct 2012, 5:51 PM | Message # 1
Major general
Group: Moderators
Messages: 357
Status: Tạm vắng
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
...hoặc đã biết nhưng vẫn muốn biết thêm...

8 biểu tượng phổ biến nhất trong Phật Giáo

Cho dù từ lâu Phật đã có biểu tượng mang dáng vẻ con người (tượng Phật) thì trong Phật giáo nguyên thủy lại không hề thờ tượng Phật. Có rất nhiều các hình ảnh ẩn dụ đã được vẽ trong các đền đài, sách vở liên quan tới Phật giáo và duy trì cho tới tận bây giờ (ngay cả khi đã có tượng Phật). Tám biểu tượng dưới đây là tám biểu tượng thường được thấy nhất trong các biểu tượng liên quan tới Phật giáo trừ tượng Phật. Bông sen, bánh xe Pháp, stupa (tháp xá lợi) là 3 biểu tượng thường xuyên xuất hiện tại các chùa và các tu viện Phật giáo.

1.Hoa sen (Padma)

Hoa sen biểu tượng cho sự thuần khiết. Hoa sen trong Phật giáo có thể sử dụng tất cả các màu sắc, trừ màu xanh da trời (Blue).

2.Bánh xe Pháp (Dharmachakra)

Đây là bánh xe thể hiện cho Công Lý. Bánh xe được chia thành 8 phần thể hiện cho Bát Chính Đạo : chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định.

3.Tháp xá lợi (Stupa)

Dấu vết kiến trúc Phật giáo cổ nhất của stupa là ở Ấn Độ vào thế kỉ 4-1 TCN, dạng bán cầu, xung quanh có lan can, được trang trí bằng những hoạt cảnh về cuộc đời Đức Phật, trên đỉnh là hình tượng chiếc lọng. Ở các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, stupa có dạng bán cầu và đỉnh nhọn, vì theo tương truyền trước khi tịch, Phật được hỏi: làm thế nào để bảo tồn sự tôn kính di thể Phật? Phật gấp tư áo cà sa, úp bát khất thực lên, rồi đặt cái gậy chống lên trên cùng rồi tịch.
Tháp thường được thu nhỏ dần cho tới trên cùng, bên trong chứa xá lợi của Phật hoặc hài cốt của sư trụ trì chùa.

4.Triratana

Đây là biểu tượng đại diện cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Người ta khi quy y cửa Phật sẽ gọi là quy y Tam Bảo, có nghĩa là quy y Phật (người dẫn đường), quy y Pháp (phương pháp diệt khổ của Phật), quy y Tăng (Tăng đoàn là những người cùng tu hành với mình).

5.Chattra

Đây là cái lọng (Chattra còn nghĩa là cái nấm) thể hiện cho sự che chở của bầu trời, cho sự che chở khỏi mọi quỷ dữ, cám dỗ. Chiếc lọng này cũng thể hiện cho hoàng gia, cho đẳng cấp cao có giá trị tinh thần to lớn. Hình tượng của Phật trong tranh vẽ cổ thường có người che lọng đi kèm.

6.Lá cờ Dhvaja

Trong lịch sử Ấn Độ, Dhvaja là lá cờ chiến không thể thiếu trong mỗi cuộc chiến tranh. Tuy vậy, đạo Phật coi đây là lá cờ thể hiện cho sự chiến thắng của Phật pháp trước quỷ dữ và cám dỗ. Tại Tây Tạng, Dhvaja có cùng ý nghĩa như trên nhưng được dựng trên nóc của các tu viện dưới hình dạng trụ đồng.

7.Con nai

Hình tượng con nai – thường đi cặp đôi – được thể hiện cho bài giảng đầu tiên của Phật (Kinh Chuyển Pháp Luân) tại Vườn Lộc Giả (Deer Park) cho năm anh em Kiều Trần Như. Đây là bài kinh đầu tiên của Phật thể hiện con đường Trung Đạo của mình.

8.Vua rắn Naga

Trong sự tích này kể về “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”, khi ngài đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề (Boddhi) thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể ngài, đúng lúc đó một vị vua rắn Naga liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc táng che chỡ cho Đức Phật. Do vậy hình tượng rắn Naga là hình tượng cực kỳ phổ biến trong văn hóa Khmer và Phật giáo Nam tông.

Nguồn : Baomoi.com

_________



Message edited by cafesnt - Thứ Năm, 11 Oct 2012, 6:13 PM
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 11 Oct 2012, 6:58 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 11 Oct 2012, 11:03 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
cafesnt Date: Thứ Bảy, 13 Oct 2012, 11:13 AM | Message # 4
Major general
Group: Moderators
Messages: 357
Status: Tạm vắng
Ỷ Lan

Vua Lý Thánh Tông (1054- 1072), tên thực là Nhật Tôn, đã 40 tuổi mà không có con, nên hết sức lo lắng cho việc kế vị sau này.

Ỷ Lan - có thuyết cho rằng tên thật của bà là Lê Thị Yến Loan - là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở ngoại thành Thăng Long thời Lý. Ỷ Lan ra đời ở làng Thổ Lỗi (làng Sủi sau đổi là Siêu Loại, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội) - năm nào không rõ, sử sách chỉ ghi lờ mờ: bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông. Sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt có chép "Nhật Tôn (tức Lý Thánh Tông) mất, Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên, dùng quan là Lý Thượng Cát (Lý Thường Kiệt) và mẹ là thái phi Lê Thị Yến Loan cùng coi việc nước".

Câu chuyện Yến Loan vào cung vua Lý, đó là một giai thoại người người đều nghe, đều biết.

Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063) Lý Thánh Tông đã đến bốn mươi tuổi. Vua chưa có con trai để truyền ngôi báu, đêm ngày triều thần lo ngại. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, Lý Thánh Tông lo lắng cho triều đình nhà Lý và xã tắc Đại Việt. Một sớm mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương quang phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá. Thánh Tông hoàng đế cùng hòa vào dân chúng trong hội làng đông vui. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Cô gái vẫn miệt mài bên bãi dâu, mặc cho đoàn ngự diễu qua. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ "kiêu căng" đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Vua ngồi trên kiệu trông thấy lấy làm lạ, truyền gọi lại hỏi, người con gái ứng đối trôi chảy mạch lạc, không có vẻ gì là luống cuống sợ hãi

Qua câu chuyện, Vua Lý hết sức chú ý đến giọng nói thanh thoát như tiếng chuông của cô ta, và khi Vua tỏ lời khen, thì nàng mỉm cười mà hát một câu hát như sau:

Người thanh thì tiếng cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.


Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà vua đã từng gặp. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Cô gái làng quê được đón về cung vua ấy là Yến Cô Nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu-Loại (Sủi). Nhưng Lý Thánh Tông là ông vua chăm việc nước, luôn luôn thân chinh dẹp giặc. Vua ít nhàn rỗi để ngự tới cung Ỷ Lan. Đương lúc cung Ỷ Lan vắng tiếng đàn, tiếng sáo, thì bỗng một hôm sau khi Thánh Tông đi trảy hội chùa Thổ Lỗi, cung Ỷ Lan lại nhộn nhịp hơn xưa. Yến Cô Nương nhờ "thông minh vốn sẵn tư trời" được học tập, trau dồi đã trở thành một cung phi "nổi danh tài sắc một thời" kinh sử làu thông, văn chương uyên bác. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến, phong làm Ỷ Lan phu nhân, lấy tên cung Ỷ Lan và cũng có ý kỷ niệm cô gái đứng tựa bên gốc lan, khi tuân lệnh đến bệ kiến buổi đầu ở làng Sủi (Siêu Loại).

Sau đó (1066), Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức (Càn Ðức). Càn Đức trán cao, tay dài quá gối, thông minh, tuấn tú, vua càng yêu dấu hơn, Yến Loan được tôn là Ỷ Lan nguyên phi - đứng đầu các cung phi, sau thái hậu; con trai được lập làm thái tử.

Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm. Trong khi vua cùng Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan nguyên phi đảm đang, chăm lo quốc sự, trị nước điều khiển có kỷ cương khiến thần dân thán phục, cõi nước được yên vui. Lý Thánh Tông từ ngoài biên ải đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, vua Thánh Tông tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao! Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng trận. Năm đó, mùa hạ vua đem quân về ca khúc khải hoàn, đại xá cho thiên hạ, giảm thuế khóa, phát tiền lụa, thóc cho dân nghèo. Ỷ Lan rất nhân từ dạy con ngoan, đào tạo con trở thành một nhà vua anh minh sau này; lại lo cho dân giàu nước mạnh, yêu thương nhân dân được mọi người kính phục.

Năm Nhâm Tý (1072) tháng giêng mùa xuân, Lý Thánh Tông mất ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy vua mới lên bảy, tôn mẹ là ỶLan nguyên phi lên làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Ỷ Lan vừa giúp coi triều chính, vừa làm nhiệm vụ bà mẹ dạy dỗ con. Trong khi vua còn thơ ấu, Ỷ Lan điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075, 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt giữ vững giang sơn, xã tắc; công ấy đời sau còn nhắc mãi.

Ỷ Lan xuất thân là một thôn nữ, nên hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà cho xuất của trong kho chuộc về, và xây dựng chồng con hạnh phúc cho họ. Về việc này Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy!".

Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, bố phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Ỷ Lan còn khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của nông dân khi việc nông trang cày bừa không có trâu cày.Ỷ Lan bảo vua phạt tội nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu bừa bãi; có lần bà đã nói với vua: "Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy, và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước". Nhân Tông bèn ra lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác.

Sống trong lầu son, gác tía mà lúc nào Ỷ Lan cũng không quên đến người nghèo, Ỷ Lan vẫn chăm sóc đến đời sống cùng cực của nông dân lao động. Cũng như Lý Thánh Tông, Ỷ Lan thường phát chẩn thóc lúa cho kẻ nghèo. Bà sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện lập nhiều đình chùa.

Bà thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long) thết các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà hỏi về nguồn gốc đạo Phật ở các nước và ở ta. Bà có óc phán đoán đòi hỏi các sư "nói có sách mách có chứng". Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý (sách Thiên uyển tập anh ngữ lục đời Trần còn ghi lại tường tận chuyện này), mà đến nay ta còn biết gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào nước ta. Có lần bà đến chùa Phổ Minh (Từ Liêm) tranh luận với sư Thông Biến về những điều của Phật giáo. Bà cũng có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:

Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông
(*)

Là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa, bà vẫn cho là điều "sắc sắc, không không", đó là phù vân... Bà là một người phụ nữ vương giả, ngọc ngà vàng son không làm vẩn đục tâm hồn bà, cũng là một phụ nữ hiếm có trong lịch sử nghìn năm trước.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, Hội tường đại khánh năm thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức. Hiện nay còn miếu thờ bà ở hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
_________


 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 13 Oct 2012, 11:44 AM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
LSK Date: Thứ Hai, 15 Oct 2012, 11:24 AM | Message # 6
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
cafesnt Ca-fe -sua- nong- tach
 
cafesnt Date: Thứ Hai, 15 Oct 2012, 5:49 PM | Message # 7
Major general
Group: Moderators
Messages: 357
Status: Tạm vắng
Cảm ơn Anh Thầy, LongTracAn và LSK


Hậu cung và những cuộc thanh trừng, thao túng của các bà Hoàng

Trong lịch sử, bên cạnh những bà Hoàng được lưu danh sử sách bởi đức cao vọng trọng, tài binh chiến lược,… thì cũng có không ít những Hoàng hậu – Hoàng phi đã chuyên quyền, ích kỉ mà tiến hành những cuộc thanh trừng cả trong chốn hậu cung và thao túng cả triều đình thông qua nhan sắc và sự sủng ái của nhà vua, nhà chúa hay thông qua vây cánh của mình. Sau khi đã chiếm giữ được ngôi vị, họ bắt đầu nuông chiều ngoại thích, thân cận nịnh thần, gây ra những tai họa nặng nề cho nhân dân, xã hội và cho cả gia tộc mình.


Chân dung Nguyên Phi Ỷ Lan

Án thượng dương cung

Lê Thị Yến Loan tức Nguyên phi Ỷ Lan từ một cô gái hái dâu, nhờ sự thông minh, xinh đẹp mà trở thành Hoàng phi của vua Lý Thánh Tông. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một vụ án rất nổi tiếng trong lịch sử “Án thượng Dương Cung”.

Bấy giờ Hoàng hậu họ Dương là Thượng Dương hoàng hậu không có con bèn ngầm bàn với cung tần trong nội điện bắt trộm Thái tử Càn Đức về làm con mình, vu cho Nguyên phi Ỷ Lan sinh ra cầm thú. Đến khi Thái tử khôn lớn chỉ biết Hoàng hậu họ Dương là mẹ mình, mà không hề biết mẹ mình là người phụ nữ họ Lê. Mãi sau này, khi vua cha mất, Thái tử lên ngôi, nhà vua mới biết Nguyên phi Ỷ Lan mới chính là mẹ ruột. Vua bấy giờ mới ôm mẹ mà khóc rồi phong cho bà là Á Quốc phu nhân, một lòng tôn kính.

Sau đó, vua cùng mẹ, vì oán giận Hoàng hậu đã lập mưu gian, bèn hạ lệnh giết 72 cung nữ (cũng có sách ghi là 76 cung nữ) can dự vào việc này, rồi đem chôn họ ở lăng vua Thánh Tông. Dương Hoàng hậu do biết trước nên đã chạy trốn. Sử gọi vụ này là “Án thượng Dương cung”. Ỷ Lan nguyên phi lúc này được phong là Hoàng Thái Hậu.

Sau này hối hận về vụ án “Án thượng Dương cung” bà đã cho xây 72 ngôi chùa và tháp Báo Thiên cao 182 trượng, hàng năm cứ đến ngày 25/7 thì làm lễ giải oan cho họ.

Nguyên phi Ỷ Lan được coi là phụ nữ không chỉ có sắc đẹp, mà có tài và uyên bác bậc nhất của nước Việt, nhưng thật đáng tiếc, hành động bức tử Hoàng hậu Thượng Dương cùng các cung nữ đã trở thành một tì vết trong cuộc đời đẹp đẽ của Nguyên phi.

Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh và thủ đoạn độc ác

Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh là vợ vua Lê Thái Tông. Bà là người mưu mô, hiểm độc. Bà là mẹ của Hoàng tử Bang cơ nhưng khi đó vua vẫn chưa định ai ở ngôi vị Thái tử. Giữa lúc đó, Tiệp dư Ngọc Giao vốn là người duyên dáng, dịu dàng, hiền hậu được vua sủng ái lại đang mang thai. Hoàng hậu sợ Tiệp dư sinh được con trai thì Hoàng tử Bang Cơ sẽ không được kế vị bèn cấu kết với Đinh Thắng, một hoạn quan tâm phúc để lập mưu hại Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao.

Đinh Thắng lấy một hình nhân đàn ông, lấy 7 mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua. Hoàng hậu là kẻ chủ mưu nhưng lại ra vẻ là người bị hại và đòi nhà vua phải truy cứu việc này đến cùng, phải tìm ra được người làm việc này và xử theo luật cho voi dày ngựa xéo. Một không khí nặng nề bao trùm trong cung. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao là người bị nghi ngờ nhiều nhất. Nhà vua rất băn khoăn và chỉ khép vào tội phát lưu (đày đi xa). Biết chuyện, quan hành khiển Nguyễn Trãi vào triều kiến và ra lời can gián. Ông cho rằng chứng cớ xác đáng không có mà đã vội kết án Tiệp dư là một việc làm thất đức và ông xin nhà vua cho mình được lo liệu việc này. Thái Tông nghĩ mãi, không còn cách nào hơn nên đành chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi. Ngay đêm ấy, Nguyễn Thị Lộ (vợ thứ của Nguyễn Trãi) đã bí mật đưa Tiệp dư họ Ngô ra ẩn náu ở chùa Huy Văn (ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng ngày nay). Tháng 11 năm 1441, nhà vua xuống chiếu lập Bang Cơ làm Hoàng Thái tử. Sau khi Thái Tông mất, Thái tử Bang Cơ lên nối ngôi, lấy hiệu là Nhân Tông, Nguyễn Thị Ngọc Anh trở thành Thái hậu nhiếp chính.

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì đến khi Tư Thành (con của Tiệp dư Ngọc Giao) được 4 tuổi Thái hậu mới ăn năn cho người đi tìm và rước mẹ con bà Ngọc Giao về Kinh, phục vị cũ cho bà là Tiệp dư và phong cho Tư Thành làm Bình Nguyên vương, sau đó đổi làm Gia Vương. Ngày 3 tháng 10 năm 1459, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ tin cậy đem hơn trăm quân vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông, và hôm sau, giết luôn Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh.

Đặng Thị Huệ và kết cục bi thảm của những âm mưu không thành


Tuyên phi Đặng Thị Huệ bên chúa Trịnh Sâm


Đặng Thị Huệ biết mình có chút nhan sắc nên tự nguyện vào cung làm nô tỳ, tìm mọi cách để được Chúa chú ý đến mình, để có cơ hội trở thành cung phi. Tham vọng của Huệ nhanh chóng thành sự thực. Đặng Thị Huệ khéo léo, biết cách làm vừa lòng Chúa nên chẳng bao lâu được Chúa cho vào ở liền trong cung với Chúa như vợ chồng. Chúa phong nàng làm Tuyên phi. Trịnh Sâm con người đầy quyền uy ngày càng chịu lép vế trước người con gái xinh đẹp quá sắc sảo này. Năm Đinh Dậu (1777), Huệ sinh hạ được một người con trai, tên là Trịnh Cán (1777 – 1782) nên càng được Chúa sủng ái. Huệ bắt đầu có ý giành ngôi kế vị cho con mình.

Bấy giờ Thái phi Ngọc Hoan có con trai là Thái tử Trịnh Tông, rất được các quan trong triều ủng hộ, nhưng thâm tâm Chúa yêu quý Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán nên đã có ý khác. Trịnh Tông lo lắng, có ý phản đối, tạo loạn. Một tay chân thân tín của Huệ mách với Trịnh Sâm. Ông giận lắm bèn quyết định xuống chiếu phong Trịnh Cán là Thế tử, sẽ là người kế vị và Quận Huy được cử làm A phó để phò tá. Chúa Trịnh vì chiều lòng người đẹp còn gả con gái yêu cho Đặng Mậu Lân, một tên côn đồ, hung bạo, em trai của Huệ.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi. Thuận theo lời tâu của Quận Huy, vua Lê cho Tuyên phi được tham dự việc quyết đoán chính sự. Kể từ đó, liên minh Tuyên phi – Quận Huy nắm hết mọi việc trong ngoài. Mối quan hệ này có phần không minh bạch nên người trong nước có ý không khỏi nghi ngờ. Chính Quận Huy đã kể với nàng rằng ông đã phải đe dọa dùng hình phạt cực kì độc ác để trấn áp dư luận mà không dập tắt được những câu ca như:

Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy Quận vào rờ Chánh cung


Do đó, Tuyên phi Đặng Thị Huệ ngày đêm lo lắng, lo sao giữ chắc ngôi báu cho con, lo cho phe cánh của mình được vững vàng, lo đề phòng Trịnh Tông lật đổ Trịnh Cán vì y vẫn còn được nhiều người ủng hộ.


Chân dung Tuyên phi Đặng Thị Huệ


Nhưng dự định sâu sắc, lâu dài của Đặng Thị Huệ đã không thành công vì Huệ và Quận Huy đã gây nhiều sự công phẫn cho mọi người, từ trong triều đình đến nhân dân. Tháng 10 năm Tân Dậu (1781), binh lính tam phủ đã nổi loạn, truất ngôi của Trịnh Cán, giáng xuống làm Cung quốc công, đập phá nhà cửa, đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, lập thành Đoan Nam Vương (1782). Phe cánh của Đặng Thị Huệ bị truy lùng, trả thù khốc liệt. Bà Dương Ngọc Hoan trở lại nắm ngôi Mẫu hậu, đã bắt Đặng Thị Huệ, đánh đập rất tàn tệ rồi giam Huệ vào ngục. Cho đến ngày giỗ Đại tường Chúa Trịnh Sâm, Huệ mới được đưa ra cho dự lễ. Tuyên phi đã gào khóc và tự tử trước bàn thờ chồng (1784).

Họa nữ sắc đời Nguyễn

Trong thời gian nhà Nguyễn tồn tại, nhắc đến cái họa nữ sắc người ta thường nói tới một người đàn bà gây nên đó là Tống Thị. Cùng với Tống Thị là ba người đàn ông có quan hệ rất gần về mặt huyết thống với bà. Đó là Nguyễn Phúc Kỳ, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Trung.

Tống Thị trước là vợ của Nguyễn Phúc Kỳ, sinh được 3 con trai. Kỳ mất, Tống Thị ve vãn và truy hoan với em chồng là Chúa Nguyễn Phúc Lan. Góa phụ họ Tống được Chúa tin cậy, quý trọng, sủng ái đến độ nàng muốn nói gì thì nói làm gì thì làm. Nàng khiến gì Chúa cũng nghe theo. Đắm mê sắc dục, nghe lời yêu nữ làm nhiều việc sai trái, chúa Thượng dần dà thay đổi. Từ một người khiêm nhã, nhân hậu, chúa Thượng trở thành một hôn quân, một bạo chúa nóng nảy, hiếu sát, đam mê vật dục, xa xỉ. Từ một vị vương chiến công hiển hách, chúa trở thành kẻ hoang dâm vô độ đến bỏ bê quốc sự, coi nhẹ xã tắc hơn sơn hà.

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan đột ngột qua đời, Tống Thị lại nhắm vào Nguyễn Phúc Trung bằng thuật ái ân. Tống Thị ngầm huấn luyện cho nàng Hoa, một nữ tì duyên dáng nhất thành một người thành thạo trong việc phục dịch các chốn cao môn rồi nhờ người tin cẩn tiến vào dinh Nguyễn Phúc Trung. Nàng Hoa hàng ngày tin cho Tống Thị biết những sở thích của Trung, còn Tống Thị thì truyền ngón cho nàng Hoa thỏa mãn những đòi hỏi của Trung.

Chính thông qua những hành vi của mình, Tống Thị đã được “diện kiến” Phúc Trung và Thị đã chinh phục được lòng say đắm của một võ quan hung bạo từng xem bà như một loại ma quái cần xé xác, phanh thây. Nghe theo lời Tống Thị, Phúc Trung bỏ tiền của kết nạp dũng sĩ chuẩn bị một cuộc “đảo chính” vào trung tuần tháng 4 năm Giáp Ngọ (1654) lật đổ Hiền Vương. Những người tham gia cuộc đảo chính đều có tên trong một danh sách do Tống Thị cất giữ.

Vương phi Ngọc Cầu và âm mưu thâu tóm triều đình chúa Nguyễn

Nguyễn Phúc Ngọc Cầu là quận chúa, xét về mối quan hệ nàng và Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là anh em con chú con bác đồng chung ông nội. Ông có người cậu ruột giúp việc đắc lực là Trương Phúc Loan. Loan luôn tìm cách để khuếch trương quyền hành, tài sản, thao túng vương triều họ Nguyễn. Thấy Ngọc Cầu là một trang tuyệt sắc, Phúc Loan âm mưu dùng vẻ đẹp của nàng để lung lạc Võ Vương, lộng hành triều chính. Và Võ Vương đã nhanh chóng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Những ngày đầu họ còn vụng trộm, nhưng càng về sau Võ Vương càng say mê đến nỗi không thiết lâm triều, phó mặc việc nước cho Trương Phúc Loan, bất chấp cả lời can gián của triều thần.

Ngọc Cầu sinh được người con trai tên là Nguyễn Phúc Thuần. Từ đó, Ngọc Cầu luôn nghĩ cách làm sao cho mình phải chính thức là Vương Phi, con nàng phải nối nghiệp cha, phải giành được ngôi chúa. Điều này phù hợp với ý đồ bấy lâu nay của Trương Phúc Loan.

Nhưng Võ Vương trước đó đã chọn Nguyễn Phúc Hậu là người kế nghiệp. Khi Hậu chết non. Ngọc Cầu nắm cơ hội, hết sức dỗ dành Võ Vương cho con mình kế vị. Các quan trong triều biết âm mưu của Ngọc Cầu, ra sức can ngăn Võ Vương không nên lập chúa bé. Do đó Võ Vương không dám nghe theo lời uốn éo của Ngọc Cầu và định lập con của Trương Thái Phi là Nguyễn Phúc Côn (Luân) làm Thái tử, chỉ định 2 viên quan nổi tiếng thanh liêm là Thái phó Y Đức Hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỳ chuyên lo giáo huấn cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Côn (Luân).

Thấy tình hình như vậy, Ngọc Cầu lo lắng bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó. Đúng lúc đó, Võ Vương bệnh nặng rồi qua đời. Ngọc Cầu và Trương Phúc Loan không chịu phát tang, lập tức cho gọi 100 võ sĩ nấp sẵn trong vương phủ, rồi cho gọi Thái phó Y Đức Hầu Trương Văn Hạnh vào bàn việc. Trương Phúc Loan ra tiếp, ném cây đèn xuống giường làm hiệu, vệ sĩ xông ra giết chết Y Đức, bắt giam Nguyễn Phúc Luân và tôn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa. Từ đó mọi việc nước đều lọt vào tay quốc phó Trương Phúc Loan, Ngọc Cầu chỉ giúp đỡ con phần nào. Chính sự Đàng trong ngày một đổ nát. Từ loạn luân đến loạn nước, tội của Ngọc Cầu và Phúc Loan ngày càng chồng chất.

Năm 1774, quân Trịnh từ Bắc kéo vào giết chết Trương Phúc Loan, Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy. Ngọc Cầu không muốn theo con, bà đi tu tại chùa Phước Thành (làng An Cựu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lấy đạo hiệu là Thượng Long giáo chủ, năm 1804 thì mất. Sau, vua Gia Long truy tặng danh hiệu: Huệ tĩnh thánh mẫu Nguyên Sư.

Nguồn : phaply.net
_________
 
FORUM » THÀNH VIÊN » SƯU-TẦM GÓP NHẶT » CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT (Sưu tầm)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO