Thứ Năm
25 Apr 2024
11:56 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum moderator: Nam  
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh
Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh
phongba Date: Thứ Năm, 23 Jun 2016, 7:38 PM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
Thân thế và cuộc đời

Theo gia phả tính đến đời cụ Nguyễn Đức Nhuận, thì là đời tổ thứ năm tại làng Đại Yên – Hà Nội. Cụ Nhuận sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng có nền nếp. Xưa gọi là con nhà cụ đồ. Từ lúc còn nhỏ cụ đã phải đi chăn trâu cắt cỏ, việc học cũng chỉ hết quyển Tam tự kinh. Từ năm 17 tuổi, cụ đã đi làm thợ xây. Vốn tính cần cù và có chí, lại thông minh và biết tính toán giỏi như một kỹ sư, chẳng bao lâu cụ đã trở thành một nhà thầu có tiếng ở Hà Thành.

Cụ Nguyễn Đức Nhuận đẹp duyên cùng cụ Hoàng Thị Khế, người con gái thứ ba của một gia đình mang dòng họ Hoàng Văn ở làng Đại Yên.

Đêm 30 Tết Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân thứ 3, Cụ Hoàng Thị Khế sinh lần thứ năm, là con trai, đặt tên là Nguyễn Đức Cần.

Các cụ già trong làng kể lại rằng: Khi bà cụ Khế sinh người con trai thứ năm này vào đêm 30 Tết, thì đêm hôm ấy trời bỗng sáng trưng như có trăng rằm. Phải chăng đó là một điềm lành báo rằng, có một bậc kỳ tài xuất thế để ra giúp đời.

Khi cậu bé Nguyễn Đức Cần lên tám tuổi, bố cậu lúc ấy đã là một nhà thầu có tiếng ở Hà thành, cho cậu đi học tại trường làng. Sau đó ông xin cho con vào học tại trường Albert Sarraut Hà Nội. Trường Anbe Xarô được xây dựng sau khi Phủ Toàn quyền hoàn thành. Mặt trước của trường là phố Cộng Hòa (Rue de la Respublique), nay là phố Hoàng Văn Thụ. Trường chủ yếu dành cho học sinh người Pháp, ngoài ra cũng dành chỗ cho các học sinh dòng quý tộc Luang Prabang (Lào), con cháu tổng đốc Vân Nam và một số ít con quan lại cao cấp như tổng đốc, tuần phủ, hoặc gia đình tư sản người Việt Nam, nhưng số lượng cũng rất hạn chế
Cậu học sinh Nguyễn Đức Cần theo học ở Trường Xarô bốn năm. Đây là một ngôi trường nội trú, học sinh ăn học tại trường, một tháng mới được về thăm nhà một lần. Quần áo được may đồng phục, việc giáo dục học hành theo như hình mẫu ở Pháp quốc.

Mùa thu năm 1919, cụ Nguyễn Đức Nhuận, khởi công xây dựng ngôi nhà 86 làng Đại Yên cho con trai, đến năm sau, ngôi nhà đã được hoàn thiện. Cụ muốn gây dựng cho con trai mình có một tài sản và muốn hướng cho cậu kế tục công việc kinh doanh của mình.

Nhưng ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, cậu bé Nguyễn Đức Cần đã tỏ rõ thiên hướng của mình. Cậu không thiết gì đến ngôi nhà to rộng cũng như sự giàu sang mà bao người khác đang mơ ước.

Năm 1921 khi cậu mới lên 12 tuổi, gia đình đã làm lễ cưới cho cậu. Vào thời kỳ phong kiến lúc đó, ở các làng quê, người ta thường cưới vợ gả chồng rất sớm.

Ông bà, cha mẹ dạm hỏi đám nào có môn đăng hộ đối, rồi nhờ thầy xem ngày lành tháng tốt là tiến hành hôn lễ. Cô dâu, chú rể nhiều khi chẳng biết mặt nhau.

Sau này, cụ Nguyễn Đức Cần có kể lại rằng: Bố mẹ sắp đặt cả. Bảo cưới là cưới, thế thôi.

Cô dâu lúc đó 14 tuổi, là con gái nhà họ Lê ở làng bên Hữu Tiệp. Nhưng sau khi cưới được ít ngày, cô dâu chê chú rể trẻ con nên bỏ về sống ở nhà mẹ đẻ.

Năm 1922 cụ Nguyễn Đức Nhuận ra làm phó chánh tổng Thập tam trại (mười ba làng Trại trong Tổng Nội – thành Thăng Long xưa) và làm lễ khao làng rất lớn. Thế là một công đôi việc, khi trước là một nhà thầu giàu có, nay lại có thêm chức vị trong hàng quan lại, công việc kinh doanh của cụ ngày càng phát đạt. Cũng từ đấy dân làng gọi cụ Nguyễn Đức Nhuận là Cụ Tổng ông.

Sau khi nhận chức Phó tổng thập tam trại ít lâu, Cụ Tổng tiến hành xây dựng thêm một ngôi nhà nữa tại Đại Yên. Ngôi nhà này bề thế như một ngôi phủ tổng đốc, ngay gần cổng làng, trên con đường đi đến thôn Đống nước và núi Voi.

Lúc đầu dân làng không hiểu tại sao cụ lại xây nhiều dinh cơ như vậy, nhưng rồi sau mới rõ là cụ chuẩn bị nhà riêng cho bà hai, bà ba.

Lẽ đời như vậy, khi người ta đã có đầy đủ tiền của lẫn danh vọng thì đi tìm thú vui, vợ nọ con kia cũng là việc bình thường.

Nhưng rồi ở đời chẳng ai học được chữ ngờ. Sau khi hoàn tất ngôi nhà trên thì Cụ Tổng gặp bao việc rắc rối thị phi. Cụ bị những người đồng liêu kiện vì đã xây nhà phạm luật phong kiến. Vụ kiện cứ kéo dài mãi, tuy cuối cùng có thắng, nhưng cũng làm cụ hao tốn biết bao nhiêu tiền bạc.

Sau chuyện đó tưởng rằng đã yên, không ngờ cụ lại bị lâm bệnh. Khi đi khám các quan đốc tờ tây, người ta không tìm ra được đó là bệnh gì, chỉ thấy trong bụng cụ nổi lên một cái u to như quả trứng, có điều lạ là khi uống thuốc vào thì cái u đó nó chạy lung tung trong bụng và gây đau đớn cho cụ. Người nhà thấy thuốc tây không đỡ bèn đổi sang cho cụ uống thuốc ta. Làng Đại Yên có truyền thống trồng cây thuốc nam từ lâu đời, người ta cắt cho cụ uống thuốc nam không khỏi rồi thay sang thuốc bắc mà bệnh cũng không chuyển.

Dân làng đồn rằng cụ bị ai đó hại chăng? Vì họ kể rằng, khi cụ xây nhà có những người lạ, có vẻ như là những thầy địa lý lảng vảng gần khu đất đang xây và làm phép gì đó để hại cụ. Thật là mọi việc cứ rối cả lên

Người ta bảo, có bệnh thì vái tứ phương. Chẳng lẽ cứ để chồng nằm đó chờ chết, cụ Tổng bà quyết chí đi tìm thầy, tìm thuốc để cứu chồng. Sau bao ngày lặn lội ngược xuôi, cụ Tổng bà đã mời được một vị Thầy về làng. Người làng không hiểu ông thầy đó chữa bệnh như thế nào, nhưng chỉ sau đó vài hôm thì cụ Tổng ông đã khỏi bệnh. Thật là một sự thần kỳ. Nhưng điều mà gia đình cụ càng thêm khâm phục là vị Thầy đó không nhận tiền bạc thù lao chữa bệnh, mà chỉ nói là chữa bệnh làm phúc mà thôi.

Lúc đó cậu học sinh Nguyễn Đức Cần đã tốt nghiệp trường Anbe Xa rô và đang ở nhà cùng mẹ chăm sóc bố.

Sau khi hỏi ý kiến con trai, cụ Tổng bà thưa chuyện với ông Thầy và xin phép Thầy cho con trai mình được đi theo học, vì cụ thấy ông thầy đó giỏi quá và lại là một người đạo cao đức trọng như vậy, gửi con cho Thầy vừa là để trả ơn Thầy, vừa là để cho con được theo học Thầy. Dĩ nhiên là Cụ Tổng ông cũng phải đồng ý như vậy, vì chính cụ cũng thấy rằng tiền của bao nhiêu cũng không khỏi được bệnh, không cứu được mạng sống của con người.

Đây là lần thứ hai, cậu bé Nguyễn Đức Cần phải xa gia đình. Lần đầu là lúc cậu đi học tại trường An be Xa rô, phải ở nội trú trong trường. Nhưng thời gian đi học đó thật đầy đủ sung sướng, cậu được ăn ngon, mặc đẹp và được vui chơi cùng các bạn học đồng trang lứa.

Lần đi này là bước vào trường đời. Cậu chưa hình dung nổi con đường trước mặt sẽ như thế nào, nhưng được ở bên cạnh một bậc Minh sư, thì cậu cảm thấy yên lòng, vững dạ và hăm hở lên đường. Lúc hai Thầy trò ra đi, mẹ cậu tiễn đến cổng làng, bà nói với người Thầy: Trăm sự nhờ Thầy dạy bảo cho cháu. Người Thầy cũng rất kiệm lời, nói rằng: Cơ Trời đã định, Đại An sẽ trở về. Rồi hai thầy trò rảo bước lên đường.

Trên con đường thiên lý, hai thầy trò, ngày đi đêm nghỉ. Nơi họ dừng chân, có khi là một quán xá ven đường hay một nếp nhà đơn sơ ở một miền quê nào đó, nhưng cậu thấy bất kỳ ở nơi nào, thầy trò họ đều được đón tiếp thật ấm nồng, như những người khách quý. Qua câu chuyện của chủ nhà, cậu mới hiểu rõ, vị Thầy đây là người ân nhân của họ, đã cứu bệnh cho gia đình họ. Nay được gặp lại Thầy thì ai nấy đều mừng rỡ. Tình cảm của người dân quê thật là mộc mạc chân thành. Nhà nào cũng thiết tha mời thầy ở lại, nhưng hai thầy trò chỉ dừng chân một đôi ngày, rồi lại lên đường.

Một buổi chiều kia, hai thầy trò dừng chân ở một miền quê vùng trung du, còn chưa biết đêm nay sẽ nghỉ ở đâu, thì bỗng thấy phía trước một ngôi cổ tự. Thật may, vị sư chủ trì ngôi chùa đó lại là một người bạn cũ của người thầy.

Đúng là: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, có duyên thì vạn dặm cũng gặp nhau.

Vị sư trưởng mời hai thầy trò vào thư phòng dùng trà, căn phòng tuy nhỏ nhưng trang nhã, trên tường treo những bức tranh thủy mạc và những bức thư họa.

Chủ khách cùng an tọa, vị Thầy giới thiệu cậu với sư trưởng. Vị trưởng lão ngắm nhìn cậu, rồi bảo: Cậu bé này thân tướng uy nghiêm, ngũ quan thật đầy đặn, má đầy như má sư tử, ắt hẳn là người chủ của tương lai.

Vị Thầy đáp lại: Hiền huynh quả là có cặp mắt thần quang, và hai người cùng cười vang.

Tối hôm đó, Thầy hỏi cậu: Con có nhớ câu “Nhân bất học, bất tri lý” không? rồi thầy giảng rằng: Học với thầy đây là học ở trường đời và học để làm Người. Lý ở đây là cái lẽ tự nhiên của trời đất, rồi Thầy hỏi đến câu: “Ngọc bất trác, bất thành khí” và thầy giảng nghĩa: Con người ta phải rèn luyện thì mới trong sáng và mới giúp được đời, như hòn ngọc kia không đẽo gọt mài rũa, thì không thành của quý.

Sáng sớm hôm sau, thầy trò chào từ biệt vị sư trưởng để tiếp tục cuộc hành trình. Vừa đi, Thầy vừa giảng giải cho cậu: Đạo là gì? “Đạo nhược lộ nhiên, đắc kỳ môn nhi nhập”. Đạo như con đường đó, hễ gặp được cửa thì vào. Đạo là đạo tự nhiên của trời đất. Đức là gì? Đức nằm trong Đạo. Đức là nhờ vật ấy mà thành hình… Cứ thế mỗi ngày, lời dạy của Thầy cứ như mưa dầm thấm lâu.

Một buổi, thầy bảo với cậu: Ngày mai ta sẽ vào đến rừng. Rừng xanh, ôi rừng xanh, đó là những từ mà cậu chỉ được đọc trong những cuốn sách, nay sẽ được theo chân thầy đến đó. Hẳn có bao điều lý thú… nhưng thầy lại dặn rằng: Bây giờ sẽ là những ngày gian khổ.

Hôm ấy, khi hai thầy trò vừa mới đến cửa rừng, thì gặp một ngôi đền nhỏ. Thầy bảo cậu: Chúng ta hãy vào lễ Bà chúa rừng. Ngôi đền đó dân quanh vùng gọi là đền Đá Đen. “Đất có thổ công, sông có Hà bá, rừng cũng có Chủ” và thầy chỉ cho cậu thấy ngọn núi cao vời phía xa kia, là nơi thầy trò ta sẽ tới.

Khỏi phải nói đến bao nỗi vất vả khi băng rừng, vượt núi. Khi khát thì thầy trò uống nước lâm tuyền, bụng đói thì kiếm quả rừng. Một buổi chiều tối, hai người dừng chân ở một hang núi. Thầy bảo cậu đi kiếm củi khô để nấu ăn. Ngồi bên đống lửa bập bùng trong rừng khuya vắng lặng, cậu thấy cuộc đời mình đã chuyển sang một trang mới. Có một sức mạnh huyền bí nào đó đang thấm dần vào cậu…

Bỗng thầy hỏi cậu: Con có biết tại sao ta lại đưa con đến chốn này không? và thầy dạy: Người tu thân là rửa lòng nuôi đức, chứa nhóm tinh thần là cái tự lực bên trong. Giấu tích ẩn danh, bặt dứt ồn ào là cái trợ duyên bên ngoài.Trong tâm, ngoài cảnh được vắng lặng thì cái thể tính chân như sẽ tự bày, rồi Thầy nói tiếp: Sớm mai ta sẽ đưa con lên đỉnh non Tản.

Nui Ba Vi 2

Không biết ngày ấy, vị Thầy đã đưa cậu lên bằng cách nào, nhưng sau này cụ Nguyễn Đức Cần có kể lại: Vào thời đó, chưa người nào có thể lên được đỉnh Mẫu, vì bên dưới là vách đá thẳng đứng, mà lạ lắm trên đỉnh có một bàn cờ tiên và có một giống cỏ mềm như tóc người. Cũng tại đó, Thầy đã truyền dạy cho cậu phép luyện thần nhãn. Phép hấp thụ dương quang này, mới đầu người học, tập nhìn không nheo mắt vào mặt trời lúc mới mọc, dần dần khổ công cho đến khi nhìn được mặt trời lúc chói chang và khi thần nhãn trông thấy rõ thế giới thanh khí, thì có thể gọi là thành công. Thầy bảo cậu: Con phải nhớ, nơi đây chính là linh khí của nước Việt.

Không biết có bao tháng ngày thầy trò họ sống cách biệt ở trên núi, nhưng đến một hôm, vị Thầy bảo cậu: Thôi thế là đủ, đã đến ngày Thầy trò ta xuống núi.

Họ ngược sông Đà để đến vùng Thác Bờ, Hòa Bình. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam chảy qua Lai Châu, qua rất nhiều thác ghềnh, đến Sơn La thì sông uốn khúc, rồi lại chạy thẳng xuống Hòa Bình, đến đây lòng sông đã mở rộng và đỡ hung dữ hơn.

Hai thầy trò dừng chân ở vùng Chợ Bờ, Hòa Bình. Nơi đây có rất nhiều hang động sâu, nhiều tầng, thạch nhũ muôn hình lung linh soi bóng nước. Họ sống trên sông cùng những người đánh cá. Ở đây cậu học cách chèo thuyền, chống mảng làm quen với cuộc đời sông nước.

Đêm đêm, Thầy truyền cho cậu phép hấp thụ Tuệ quang. Thầy dạy: Trên trời có mặt trời, mặt trăng và muôn vàn tinh tú gọi là Văn. Dưới đất có núi, sông, gò, hốc gọi là Lý. Do vậy địa lý ứng với thiên văn.

Cứ như thế, vào những đêm trời quang, thầy trò nằm kiểm đếm các vì sao. Thầy dạy: có bẩy vị sao thất chính là Thái dương, Thái âm, sao Thủy, hỏa, mộc, kim, thổ, lại còn có nhị thập bát tú định vị ở bốn phương. Phương đông là chòm sao Thanh long có bẩy vị: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Phương nam là Chu tước có bẩy vị: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Phương Tây là Bạch hổ cũng có bẩy vị: Sâm, Chủy, Tất, Mão, Vị, Lâu, Khuê. Phương bắc là Huyền Vũ có bẩy vị: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Bích, Thất. Xem dải Ngân Hà, khi thấy có ngôi sao nào qua sông, ngôi sao nào mới mọc lên, ngôi nào sắp mất, thì ứng với điều gì ở chốn nhân gian.

Được Thầy tận lòng giảng giải như vậy, cậu càng thấy vũ trụ thật bao la và tâm trí cậu cảm thấy như được bay bổng cùng với trời mây.

Một hôm, thầy lại bảo cậu rằng: Chúng ta lại lên đường thôi.

Đứng ở phía chợ Bờ, nhìn về miền Tây bắc, cậu không ngờ rằng trên đỉnh của những dãy núi xa kia lại có những vùng bằng phẳng, những cao nguyên rộng lớn. Họ đi qua suối Rút, từ giã bản cuối cùng của Hòa Bình rồi leo đèo để lên cao nguyên Mộc Châu, ngày ấy toàn thấy một vùng cỏ tranh hoang vu, nhưng khí trời nơi đây thật mát mẻ, dễ chịu.

Năm 1895 tỉnh Vạn Bú được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Pá Giang bên bờ sông Đà. Đến năm 1904, người Pháp chuyển tỉnh lỵ về Sơn La và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Đến Sơn La, thầy trò lại vượt đèo Pha Đin để sang Lai Châu. Có đến đây mới thấy cảnh núi non hùng vĩ, núi cao ngất trời, trùng trùng điệp điệp, các bản chiềng trở nên thưa thớt, xa xa thấp thoáng những nếp nhà sàn, cả ngày họ chẳng gặp một bóng người, ven đường những cây hoa trạng nguyên nở đầy hoa đỏ rực,những bông hoa lau màu trắng bạc đung đưa như đang reo trong gió núi, mây ngàn in lên nền trời xanh thẳm, vẽ lên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thầy trò họ cứ đi mãi, đi mãi và sang đến vùng thượng Lào.

Sau này, cụ Nguyễn Đức Cần kể lại: Ngày ấy sang bên thượng Lào, trong rừng sâu, cụ có gặp một ngôi đền thiêng thờ Đức Lê Sơn thánh mẫu và cụ đã ở lại nơi đó tu một thời gian.

Không ai biết Thầy trò họ đã còn đi những nơi đâu, và đã trải qua bao nhiêu mùa hoa Ban, hoa Mận …

Đến một ngày kia, vị Thầy bảo cậu rằng: Đã đến lúc con phải trở về nhà, mẹ con đang mong nhớ từng ngày.

Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Thầy dặn rằng: Nay con đã đủ sức tự lập, nhưng lúc nào khó khăn, ta vẫn ở bên con
 
phongba Date: Thứ Năm, 23 Jun 2016, 7:48 PM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
Cứu nhân độ thế

Cụ Nguyễn Đức Cần có một quyền năng siêu phàm. Sau buổi quay phim hai ca chữa bệnh của cụ ngày 30 tháng 4 năm 1974 tại Đại Yên – Hà Nội, Ông Nguyễn Hoàng Phương đã phát biểu: Cụ Nguyễn Đức Cần có một khả năng kỳ diệu và phương pháp chữa bệnh hoàn toàn mới và rất thần tình.

Sau này qua nhiều năm nghiên cứu khoa học về ngoại cảm và tâm linh, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương cho rằng: Trên thế giới hàng ngàn năm mới xuất hiện một con người có quyền năng siêu phàm như cụ Nguyễn Đức Cần.

Vậy cụ đã sử dụng quyền năng siêu phàm và phương pháp chữa bệnh như thế nào?

Phương pháp chữa bệnh

Cụ Nguyễn Đức Cần có thể chữa bệnh cho người khác không cần dùng thuốc và không động chạm vào cơ thể họ. Người bệnh trực tiếp đến gặp cụ, trình bày bệnh tật của mình, nếu cụ nhận lời hoặc cụ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ, bệnh có thể khỏi mà không cần thuốc. Có trường hợp người bệnh nằm ở nhà hay đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân đến gặp cụ xin chữa, nếu cụ nhận lời, bệnh nhân cũng có thể khỏi. Cụ có thể chữa bệnh từ xa hàng trăm Km, thậm chí hàng ngàn Km. Qua những năm tìm hiểu và theo dõi kết quả việc chữa bệnh của cụ, thì có 3 phương pháp chữa bệnh mà cụ thường sử dụng :

1- Lời nói
2- Tờ Đạo
3- Điều khiển bằng tay

Cụ Nguyễn Đức Cần đã dùng kết hợp cả 3 phương pháp trên một cách tài tình và đạt được nhiều kết quả trong việc cứu đời, trị bệnh. Cách chữa của cụ có thể so sánh với Ấn – Phù – Chú trong Mật tông tâm pháp.

1 – Chữa bệnh bằng Lời nói (chú – mật chú – mật ngữ trong Mật tông)

Mật ngữ là gì? Mật ngữ nghĩa là lời nói bí mật, lời nói kín, còn gọi là chân ngôn, tức là lời nói chân thật. Lời nói bí mật vì nó không được giải nghĩa, vì chỉ có Chư Phật thì mới hiểu trọn vẹn. Mật ngữ được truyền đạt giữa người nói ra chân ngôn với các cõi giới khác. Mật ngữ còn gọi là chú. “Chú “ là từ Hán Việt, có nghĩa là niệm, rót sức vào, những lời tốt đẹp tha thiết nhất để đạt được một cái gì đó hoặc tống một cái gì đi. Những lời chú chứa đựng rất nhiều và rất mật. Mật ngữ có khi được dùng cùng Ấn, gọi là Ấn – Chú.

Lúc đầu khi chữa trị bệnh, cụ Nguyễn Đức Cần dùng phương pháp Mật ngữ.

Bà An Thị Phú, sinh năm 1924, ở tại làng Hữu Tiệp, Hà Nội kể lại: Lúc tôi độ 15, 16 tuổi (khoảng năm 1939 – 1940), thì tôi bị một trận sốt thương hàn hơn hai mươi ngày, người gầy và mệt lắm, cụ đến chữa bệnh cho tôi, không thấy cụ cho thuốc gì cả, chỉ thấy ông cụ nói thứ tiếng gì đó, lạ lắm, rồi sau đó tôi khỏi bệnh. Đó là, cụ đã sử dụng mật ngữ để chữa bệnh.

Cụ Phạm Thị Chút, sinh năm 1920, ở tại làng Đại Yên, Hà Nội kể lại: Tôi là em họ cụ Nguyễn Đức Cần, trước đây có thời gian tôi nấu cơm giúp đỡ ông cụ. Một hôm, khi tôi bê mâm cơm từ dưới bếp lên nhà, thì tôi nhìn thấy cụ đang ngồi nói chuyện bằng thứ tiếng gì đó với các vị thiên quan, người nào cũng đội mũ cánh chuồn, mặt hồng tươi đẹp đẽ, tôi sững người sợ quá làm rơi mâm bát đến xoảng một cái. Thế rồi cảnh tượng trên bỗng biến mất. Chờ tôi, thu dọn xong chỗ bát vỡ, cụ ôn tồn bảo tôi: Tôi quên mất không dặn, lần sau cô có trông thấy thì đừng có sợ. Đó là cụ dùng mật ngữ để giao tiếp với các cõi giới mà chúng ta gọi là vô hình. Thỉnh thoảng về sau này, vào những lúc vắng khách, những người gần gũi cụ vẫn thấy cụ ngồi nói chuyện một mình bằng mật ngữ với các Ngài, các Vị trong các cõi giới vô hình.

Sau này, khi chữa trị bệnh cho người khác cụ Nguyễn Đức Cần ít khi sử dụng đến mật ngữ nữa. Do quá trình đạo pháp của cụ ngày càng cao lên, Mật ngữ đã chuyển hóa thành Việt ngữ. Đó là một việc chưa từng có trong sử dụng Mật ngữ để chữa trị bệnh.

Chúng tôi xin dẫn chứng một số trường hợp cụ đã chữa bệnh bằng Việt ngữ:

Ông Vũ Như Lộc, một giáo viên ở Hà Nội, bị viêm bàng quang, mỗi khi đi tiểu tiện thì bị đau buốt. Khi đến xin cụ chữa bệnh, cụ nhận lời và nói: 7 giờ tối mai sẽ khỏi. Thì đúng 7 giờ tối hôm sau, ông Lộc đi tiểu, một viên sỏi to như một hạt ngô bắn ra và ông khỏi luôn bệnh viêm bàng quang.

Một trường hợp khác là bà Sâm, vợ đại sứ Nguyễn Tiến Thông ở Tiệp Khắc (cũ) bị bệnh mất ngủ, đã được các giáo sư, bác sỹ Tiệp chữa nhưng không khỏi. Trong 9 tháng, bà Sâm đã uống hơn 2000 viên thuốc ngủ. Khi lên cụ xin chữa bệnh, bà nói: “Chín tháng nay con không biết giấc ngủ là gì, hoàn toàn ngủ là do thuốc“. Cụ nói : À, nếu vậy tôi sẽ chữa cho bà biết là Việt Nam còn giỏi hơn cả Tiệp Khắc. Tối nay, tôi sẽ cho bà ngủ.

Bà Sâm kể lại đúng 7 giờ tối hôm đó, bà ngáp lên ngáp xuống, rồi tự nhiên lên giường ngủ một lèo tới sáng. Bà nói: Ba năm nay, tôi mới có một giấc ngủ ngon như vậy, cũng từ đó bà Sâm khỏi bệnh mất ngủ.

Chúng ta biết rằng ngôn ngữ hàng ngày mà chúng ta sử dụng là một dạng của sóng thông tin. Người Việt Nam nói tiếng Việt thì người Anh nghe thấy nhưng không hiểu ý nghĩa, muốn hiểu thì phải học tiếng Việt. Mật ngữ cũng vậy, muốn sử dụng mật ngữ phải có quá trình tu học lâu dài, thậm chí phải học trong nhiều kiếp và không phải ai cũng học được.

Lời cụ nói: Tôi sẽ cho bà ngủ, là một dạng mật ngữ đã chuyển hóa thành Việt ngữ, sóng thông tin này được chuyển đến nơi cần đến như một mật lệnh. Tất nhiên, chỉ có cụ mới có phép sử dụng như vậy. Chúng ta biết rằng bản chất của ngôn ngữ tạo nên những “xung động”, những “trường” di chuyển theo dạng sóng với những bước sóng khác nhau. Những lời cụ nói khi chữa bệnh là một dạng sóng thông tin đã được mã hóa. Như vậy chúng ta nhận thấy rằng: âm thanh trong thế giới tự nhiên chứa đựng trong nó một sự truyền cảm vô cùng to lớn và huyền diệu.

2 – Chữa bệnh bằng tờ đạo – (Phù – linh thần phù trong Mật tông)

Linh thần Phù, thần Phù, Phù, trong dân gian còn gọi là Bùa. Bùa là một từ Việt cổ, người Việt dùng từ Bùa thay cho “Phù” là âm Hán Việt. Bùa diễn đạt tác dụng của khí để dùng trong chữa bệnh, phong thủy, hộ mệnh, trừ tà… Những ký hiệu mà chúng ta thấy trong Bùa (phù) có chức năng truyền tải thông tin và năng lượng. Với những Phù sử dụng trong chữa bệnh, nó tác động tới thể xác và tinh thần nên có thể chữa thân bệnh và tâm bệnh. Một điều quan trọng nữa là Phù chỉ có tác dụng khi được trì chú bởi các vị cao tăng, đạo sỹ, những bậc chân tu đạo hạnh. Nếu không nó chỉ như một tờ giấy trắng mà thôi. Trở lại việc chữa trị bệnh của cụ, khi cụ nhận lời chữa bệnh, thì cụ thường cho những bệnh nhân một tờ giấy mà những người bệnh gọi là tờ đạo.

Tờ đạo đó như thế nào? Đó là một tờ giấy trắng, được cắt ra mỗi chiều khoảng 4cm (kích thước gần giống như một bao diêm). Khi cụ nhận chữa bệnh thì cụ dùng bút bi ghi những ký tự vào tờ giấy đó và cụ dặn đặt vào chỗ đau của người bệnh. Những ký tự mà cụ đã viết vào tờ giấy đó như thế nào? Có tờ cụ chỉ ghi chữ “Sốt” hay “Hen”, đó là nhưng căn bệnh mà người bệnh mắc phải… có những tờ đạo thì những ký tự trông như mây cuộn, sóng dồn, có tờ thì lại như chữ khoa đẩu thời thượng cổ… rất lạ. Thật ra những ký tự trên có tính quy luật (được đúc kết qua nhiều đời), mỗi hình đều có ý nghĩa riêng, ứng với một quy luật vận hành của năng lượng. Người vẽ bùa phải là người có công phu tu luyện thực sự, có khả năng phát ra năng lượng để nạp vào bùa. Khi vẽ bùa, người vẽ phải đạt được trạng thái xuất thần, để năng lượng đi vào hình vẽ một cách tự nhiên, và vận hành theo những quy luật đặc biệt mà người xưa đã đúc kết thông qua những nét vẽ, những đường uốn lượn kỳ lạ. Một điều đặc biệt là Tờ Đạo mà cụ cho người bệnh, không hề có trì chú như dùng Linh Phù. Chúng tôi xin dẫn chứng những tác dụng của tờ đạo của cụ khi cho người bệnh.

Ông Lý Hữu Thành, một bệnh nhân ở Thanh Hóa, viết thư kể lại: Trước năm 1980, năm nào tôi cũng bị sưng mụn ở lưng gần ngay cột sống, tây y gọi là hậu bối, tôi đã chữa ở bệnh viện Việt – Xô thuốc men tốn kém hàng tháng trời, nhưng chỉ đỡ chút ít chứ không khỏi. Tháng 9 năm 1980, mụn bối lại tái phát, sưng rất to làm tôi vô cùng đau đớn, cụ đã nhận chữa cho tôi và cho tôi tờ giấy (tờ đạo), hàng ngày trước khi đi ngủ, tôi đặt tờ giấy đó một phút lên chỗ đau, theo lời cụ dặn. Chỉ trong một tuần là mụn đó đã hết, tôi đã khỏi hẳn bệnh. Đến nay đã 3 năm không thấy còn tái phát nữa.

Ông Minh Đăng Khánh, phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng, viết thư kể lại một chuyện lạ kỳ qua bức thư sau :

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 8 năm 1982

“ Kính thưa cụ,

Trước hết, con xin thưa với cụ, một chuyện kỳ lạ mà con vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động. Nếu không được cụ cứu vớt thì chắc hẳn giờ này con không còn có thể ngồi viết thư được.

Đêm 19 tháng 8 vừa qua, lúc gần về sáng, con đang ngủ ngon giấc thì bỗng choàng dậy, con thấy người lạnh toát, miệng không nói được, chân tay nặng trĩu, vợ con nằm ngay ở bên cạnh mà con không sao gọi nổi. Con có một cảm giác rất rõ rệt là mình sắp chết. May thay cho con, trước khi ngủ, con để cái đạo cụ cho, ở ngay bên gối. Con vừa nghĩ tới cụ, vừa thu hết tàn lực, nhấc tay cầm cái đạo đặt lên đầu. Vài phút sau, người con ấm dần, chân tay bắt đầu nhẹ và nói được. Thế là con đã được cụ cứu sống một cách vô cùng kỳ diệu”.

Trong các tờ đạo mà cụ cho bệnh nhân, có một tờ đạo mà bệnh nhân gọi là tờ đạo sức khỏe. Những người đi công tác xa, đi nước ngoài, những người thấy trong mình không được khỏe hoặc ngay cả người đang khỏe mạnh nhưng vẫn xin cụ để dự phòng. Đối với trường hợp của Ông Minh Đăng Khánh, trước khi ông rời Hà Nội trở lại thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đang sinh sống, thì cụ cho ông Tờ đạo sức khỏe đó, nhưng ở trường hợp này tờ đạo đó có tác dụng như một Đạo hộ mệnh (bùa hộ mệnh).

Chúng tôi xin trích dẫn một bức thư của Ông Trần Năng Luận, một chiến sỹ lái xe, tại tuyến lửa Quảng Bình, trong những giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ:

Quảng Bình ngày 8 tháng 7 năm 1972

“ Kính lạy Thầy

Thầy cho phép con được kính lạy Thầy – “ Bhagavatta” Ba-ga-vat. Đó là danh từ Ấn Độ để chỉ Người Thầy đạo đức tôn quý nhất đời.

Kính thưa Thầy,

Sau khi con vô vùng may mắn được dự ba ngày Tết, đón xuân Nhâm Tý tại cố hương, được Thầy cho tờ đạo hộ mệnh, ngày mùng 4 Tết con lên đường vào Quảng Bình phục vụ công tác tiền tuyến. Trong lá thư này, con xin báo với Thầy được rõ những nguy hiểm mà con đã trải qua, trong những chuyến xe trên các nẻo đường chiến tranh ác liệt, xe con đã bị 10 trận bom bao trùm.

Ngày 17, 18 và 19 tháng 6 năm 1972, đơn vị con bị máy bay giặc Mỹ 8 lần oanh kích, hàng trăm quả bom bi mẹ tung ra hàng vạn quả bom nhỏ xuống nơi đóng quân, xe ô tô bị cháy 17 chiếc, nhà cửa, trại chăn nuôi, kho xăng dầu bị sập và cháy hoàn toàn, ngay cả một con chim bồ câu, biết bay cũng còn bị 5 viên bi vào mình, một quả bom sát thương 25 cân đã rơi cách thùng xe con nửa thước, xe bị vỡ kính, thủng hai lốp và đầy mảnh bom… trong những lúc hiểm nguy như vậy con đã thấy rõ Thầy đã cứu con và con đã được an toàn, mạnh khỏe.

Một lần khác, lúc con đang lái xe trong đêm đi qua một trọng điểm, chợt con thấy những tia ánh sáng màu hồng đỏ, như một ngôi sao băng, nổ tung ngay giữa đường và bắn ra một cục lửa đỏ ra ven đường, con hốt hoảng phanh xe đứng dừng lại. Con tưởng rằng chiếc xe trước bị bom bi, nhưng lại không nghe thấy tiếng nổ gì cả. Điều đó làm con ngạc nhiên, con đi chậm đến điểm đỏ, thì xuống xem, thì ra đấy chỉ là một chiếc đèn có kính màu đỏ. Con thấy bàng hoàng và con tự kiểm tra lại thần kinh của mình, con thấy mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Bỗng một trận bom bi rơi nổ ngay vào giữa đường cách chỗ con khoảng 1000m (ở phía sau), tiếp theo một trận bom lân tinh trắng ở trước mặt và 5 quả dù pháo sáng bùng ra giữa hai trọng điểm ấy. Đó là một chiến thuật đánh tiêu diệt xe của giặc mỹ. Nếu con không phanh xe dừng lại lúc trước, thì con đã bị chết cháy trong trận bom lân tinh ấy rồi. Nhờ ơn tờ Đạo Thầy cho mà con đã thoát chết trong gang tấc”.
 
phongba Date: Thứ Năm, 23 Jun 2016, 7:49 PM | Message # 3
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
Việc sử dụng tờ đạo của cụ Nguyễn Đức Cần cũng có nhiều cách :

+ Dùng tờ đạo đặt vào chỗ đau của người bệnh: Người bệnh đặt trên chỗ đau, đeo trong người…

Nhạc sỹ Tu My – Đỗ Mạnh Cường ở số nhà 20 phố Nguyễn Văn Tố, Hà Nội bị bệnh tim (loạn nhịp tim), ông lên gặp cụ để xin chữa bệnh và ông được cụ cho một tờ đạo. Ông đã may một cái túi nhỏ, đeo tờ đạo đó ngay cạnh trái tim. Ông kể rằng: từ ngày có tờ đạo của cụ, trái tim ông đã đập ổn định và ông thấy mình đã trở lại khỏe mạnh như một người bình thường.

+ Hóa tờ đạo tại nơi người bệnh nằm

Những trường hợp bệnh rất nặng đã chết lâm sàng hoặc khi cụ chữa bệnh cho gia súc (bò, lợn…)

Ông Nguyễn Quang Chiểu, Giám đốc Nhà máy cơ khí Nông nghiệp bị ung thư, sau khi mổ, đã chết lâm sàng, chuẩn bị khâm liệm, gia đình lên cầu xin cụ cứu giúp. Cụ cho tờ giấy có chữ ký của cụ, gia đình đã hóa tờ giấy đó ngay trước phòng hồi sức của bệnh viện Bạch Mai. Khi hóa xong tờ giấy đó, thì người bệnh hé được mắt và người ấm dần lên. Sau đó ít ngày ông Nguyễn Quang Chiểu đã hồi phục sức khỏe và trở lại công tác.

Ông Vũ Văn Ngọc, một nhà giáo ở phố Thụy Khuê, Hà Nội kể: Thời kỳ bao cấp, gia đình tôi nuôi một con lợn lai khoảng trên một tạ, đến kỳ nó mang thai được khoảng hai tháng thì nó ốm bỏ ăn. Chúng tôi rất lo lắng, vì nó là một nguồn thu nhập thêm của gia đình tôi. Tôi có sang nhà thưa với cụ, xin cụ cứu nó. Cụ cười bảo: Chữa cho người, chữa cả cho lợn. Rồi cụ cho tôi tờ đạo, dặn về hóa ở trước cửa chuồng nó, rồi đổ cháo cho nó ăn. Tôi về làm theo lời cụ dạy, sau khi hóa tờ đạo, con lợn nhỏm dậy ra ăn cháo, rồi nó khỏi ốm, về sau nó đẻ được 11 con.

+ Hóa tờ Đạo trên cốc nước

Bệnh nhân uống nước hoặc dùng nước đó lau cơ thể.

Bà Chu Thị Bài ở thôn Thạch Bàn, ngoại thành Hà Nội kể lại : Tôi bị thấp khớp rất nặng, đi chữa ở nhiều bệnh viện không khỏi, khi tôi lên cụ xin chữa bệnh, cụ cho tôi một mảnh giấy bằng bàn tay, có nhiều chữ ký của cụ. Cụ dặn : Mỗi ngày uống một chữ thôi. Tôi về hóa tờ đạo có chữ ký của cụ trên cốc nước, vừa uống chữ của cụ vừa đi làm, cứ thế là khỏe dần lên, bệnh khỏi lúc nào cũng không biết.

Thiếu tá Vũ Huy Hậu, bị bệnh vẩy nến (Psoriasis) từ năm 1961 đã chữa nhiều lần ở Liên Xô (cũ), bệnh viện 108, bệnh viện Đường Sắt… nhưng không khỏi. Đến tháng 3 năm 1974, đến xin cụ chữa bệnh, cụ cho một tờ đạo về nhà hóa trên chậu nước, rồi lấy nước đó lau rửa chỗ chân bị vẩy nến. Ông Hậu cho biết : Sau ba tuần, các nốt vẩy dầy cộm đã giảm rất nhanh, đã thấy giảm ngứa rõ rệt, ngủ rất ngon giấc ngay từ ngày thứ hai sau khi lên gặp cụ, khi trước đó mất ngủ nhiều.

3 – Chữa bệnh bằng đôi tay (Ấn quyết trong Mật tông –Mudra)

Mudra người Trung Quốc gọi là yin, người Nhật gọi là in-zô, ta dùng chữ ấn hay thành ngữ ấn quyết, tiêu biểu cho quyền lực và hiện hình thần thánh. Mudra thường được dùng với mantra (mật ngữ), một thể thức cầu khấn. Trong khuôn khổ một nghi lễ, người giáo sĩ vừa đọc một mantra vừa xác định một vị trí cho bàn tay, vị trí có thể thay đổi tùy theo chữ, theo câu hay âm vang của giọng đọc. Chúng ta thấy tượng các đức Phật thường được trình bày với một kiểu tay đặc biệt, vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Trong Đại thừa, các Thủ ấn chỉ các ấn nơi tay, đều tương ứng với các ý nghĩa đặc biệt, đối lập với Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, tọa thiền… Ấn là phần rất quan trọng trong các lễ nghi tôn giáo, các nghi thức Ấn giáo và Phật giáo. Bàn tay còn biểu hiện bản ngã của chúng ta nữa. Bắt ấn có thể làm với một hay hai tay cùng một lúc. Tay phải tượng trưng cho ngoại ngã, tay trái cho nội ngã. Mỗi ngón tay lại có ngôn ngữ riêng. Trong trị bệnh, ấn quyết dùng hai bàn tay để điều khiển khí lực. Bàn tay trái gọi là Thiện niệm thủ hay còn gọi là Chỉ thủ. Bàn tay phải gọi là Bi niệm thủ hay còn gọi là Quán thủ. Mười đầu ngón tay gọi là Thập Ba la mật phong (mười đỉnh của mười ngọn núi cao). Bàn tay trái ngón cái là Trí, ngón trỏ là Lực, ngón giữa là Nguyện, ngón đeo nhẫn là Phương, ngón út là Huệ. Bàn tay phải, ngón cái là Thiền, ngón trỏ là Tiến, ngón giữa là Nhẫn, ngón áp út là Giới, ngón út là Thí. Có nhiều cách bắt ấn tùy theo công dụng như Phục Ma ấn là bắt ấn trừ tà ma. Tâm ấn là truyền đạt năng lực tư duy giác ngộ… Khi chữa một số bệnh như liệt chân, liệt tay… cụ Nguyễn Đức Cần đã dùng đôi bàn tay điều khiển khí lực để chữa bệnh.

Ông Lê Ngọc Vân, cán bộ quân đội, công tác tại Bộ tổng tham mưu kể lại: “Vào khoảng tháng 5 năm 1973, trong dịp đến thăm, tôi đã được chứng kiến một trường hợp chữa bệnh của cụ. Đó là một một bà cụ ở Hải Phòng lên, không đi lại được, người nhà phải dìu vào nhà. Sau khi gia đình bệnh nhân trình bầy, cụ hỏi: “Bây giờ, cần chữa gì trước”. Gia đình người bệnh đề nghị: Xin cụ chữa cho bà cụ đi lại được. Cụ chỉ tay, mỉm cười nói: “Bà cụ đứng lên, đi lại bình thường đi”. Trong vòng vài giây, khi cụ dứt lời thì người bệnh (bà cụ) đứng ngay dậy đi lại khá nhanh nhẹn như người bình thường. Ông Lê Ngọc Vân kể tiếp: Trường hợp thứ hai là cháu Bùi Thị Hạnh 18 tuổi, con gái ông Bùi Thế Vinh, nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cháu Hạnh bị thấp khớp rất nặng, tay bị co quắp, chân rất đau đi phải có người dắt, cháu Hạnh nằm ở bệnh viện đã hai năm nhưng không khỏi. Ngày 15 tháng 7 năm 1973, bố con cháu Hạnh lên xin cụ chữa bệnh. Khi thấy cháu đau quá, không đứng dậy được. Cụ ôn tồn nói: Cháu dứng dậy đi xem nào. Cụ vừa dứt lời thì cháu Hạnh vụt đứng dậy, mắt mở to, nét mặt cháu vừa vui sướng, vừa kinh ngạc, cháu đi lại bình thường trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt hôm đó. Một điều diệu kỳ nữa là hai tay co quắp của cháu cũng đã trở lại hoạt động, cháu cứ nắm ra nắm vào như tìm lại vật quý. Khi trở về nhà cháu vẫn chưa hết bàng hoàng và nói rằng: “Tưởng như cháu đang nằm mơ trong chuyện thần thoại”.

Như đã nói ở trên, các vị thiền sư khi chữa bệnh dùng ấn quyết thì phối hợp giữa ấn và mật ngữ (Matra), nhưng cụ Nguyễn Đức Cần khi chữa một số bệnh, cụ dùng Ấn và Mật ngữ đã chuyển đổi thành ngôn ngữ tiếng Việt và hiệu quả của việc chữa trị thấy ngay tức thì.
nguồn :http://dienchan.vn/tam-linh/tiem-nang-con-nguoi/nguyen-duc-can-nha-van-hoa-tam-linh.html#more-1082
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 25 Jun 2016, 10:40 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Quote phongba ()
Ông Vũ Như Lộc, một giáo viên ở Hà Nội, bị viêm bàng quang, mỗi khi đi tiểu tiện thì bị đau buốt. Khi đến xin cụ chữa bệnh, cụ nhận lời và nói: 7 giờ tối mai sẽ khỏi. Thì đúng 7 giờ tối hôm sau, ông Lộc đi tiểu, một viên sỏi to như một hạt ngô bắn ra và ông khỏi luôn bệnh viêm bàng quang.


Bàng Quang là bọng đái nơi chứa nước tiểu .

Hạt sỏi to bằng hạt ngô ?? Có quá to không ? Mà sỏi thận thị ở trong ống dẫn nước tiểu nằm bên trong thận không nằm ở bọng đái .

Tưởng tượng có một vật to như hạt bắp di chuyễn trong ống dẫn tiểu để phóng ra ngoài thì dù có khỏi bệnh sỏi thận chắc cũng vào bệnh viện cấp cứu để khâu lại nòng súng .


Quote phongba ()
Một trường hợp khác là bà Sâm, vợ đại sứ Nguyễn Tiến Thông ở Tiệp Khắc (cũ) bị bệnh mất ngủ, đã được các giáo sư, bác sỹ Tiệp chữa nhưng không khỏi. Trong 9 tháng, bà Sâm đã uống hơn 2000 viên thuốc ngủ. Khi lên cụ xin chữa bệnh, bà nói: “Chín tháng nay con không biết giấc ngủ là gì, hoàn toàn ngủ là do thuốc“. Cụ nói : À, nếu vậy tôi sẽ chữa cho bà biết là Việt Nam còn giỏi hơn cả Tiệp Khắc. Tối nay, tôi sẽ cho bà ngủ.


9 Tháng là 270 ngày . Mà uống 2000 ( hai ngàn ) viên thuốc ngủ vị chi một ngày uống 7 viên thuốc ngủ . Vậy sao hỏng chết ta ??? Hay là thuốc ngủ được bào chế bằng xuyên tâm liên ??
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 28 Jun 2016, 2:22 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
phongba

Tác-Giả bài viết trên, ngoài việc kể lại Tiểu-Sử và những giai-thoại trị bịnh của Cụ Nguyễn Đức Cần... đã viết ra thêm rất nhiều chi-tiết về Mật Tông !, mà trong đó trộn lẫn lộn 1 chút của Mật Tông Tây-Tạng, và Mật Tông của Tàu !

Từ trước đến nay, ta hay dùng chữ "Lá Bùa, Lá Phép", nhưng lần đầu mình mới thấy trong bài viết tác-giả đặt là "Tờ Đạo", lại 1 từ mới chế ra, tạo ý nghĩa mù mờ !!!

Goi "Tờ Đạo" cho có vẻ VN, hay là tác-giả muốn VN hóa cho dễ hiểu hơn Chữ Bùa, Phép ?
Nhưng nếu đã VN hóa, sao không viết:
-"Đốt Tờ Đạo" ? cho hoàn toàn VN đi, mà lại viết:

-"Hóa Tờ Đạo" ??? (Hóa, tiếng Bắc dịch từ tiếng Tàu nghĩa là Đốt) Thành ra lại nửa Ta nửa Tàu !

Ngoài ra, tuy có rất nhiều chi-tiết đến độ ra ngoài lề, nhưng chi-tiết chính liên quan TRỰC-TIẾP và rất quan-trọng với nhân-vật chính của Cụ Nguyễn Đức Cần, là Người Thầy đã dạy Cụ, thì tác-giả không kể ra đó là Ai ? Họ Tên gì ?

Bài viết kể về Tiểu-Sử danh-nhân, hay bài viết giảng-giải về Ấn Chú Mật Tông?

Còn cái tựa-đề thì theo đúng kiểu "Thời nay" là chuyên sáo rỗng và vô nghĩa nữa, tác-giả, cũng như nhiều tác-giả thời nay không hiểu định-nghĩa chữ "Văn-Hóa" là gì !!!
nên đã đề tựa:
" Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh"???

Mình thấy bài viết này được copy lan truyền trên nhiều trang web, đọc, thì thấy Kính nể Cụ Nguyễn-Đức-Cần, nhưng lại mắc cười với cách trình bày kể lể của người viết !
Đồng thời cũng buồn cho thế-hệ văn-chương VN bây giờ xuống dốc thảm hại quá !!!

CHẾ RA CHỮ SAI, RỒI NGƯỜI KÉM HỌC THỨC DÙNG THEO, DẦN DÀ CHỮ SAI ĐÓ PHỔ BIẾN THÀNH THÓI QUEN !!!

Ví dụ hai chữ "Phẩm Chất" "Số Lượng" đã bị 1 tên ngu xuẩn nào đó cộng chung lại và chế ra là: CHẤT LƯỢNG

Trong khi

"Chất" có nghĩa là phẩm-chất tốt hay xấu,
"Lượng" có nghĩa là số lượng nặng nhẹ, nhiều hay ít.


Nếu gượng mà nói "chất lượng cao" thì tạm có thể dùng cho những gì vừa có phẩm chất tốt, vừa có số lượng nhiều hoặc là nặng ký thì được !

Như nói:
-"Chời ơi, Chị Nấu Nồi Bò Kho cho 50 người ăn này đúng là chất lượng cao !"

Còn nói:
Mua được "cái Áo chất-lượng cao" nghĩa là Áo vải tốt và lượng cao = Áo nặng à ?

-"Tô Phở "Chất lượng"

-"Phát biểu "chất lượng"

Hoặc quảng cáo:
"Nhạc mới hay nhất chất lượng cao" = Nhạc mà chất lượng cao là cái quái gì ???

Ngu vừa vừa thôi, đừng chiếm hết chỗ Ngu, phải chừa chỗ cho người khác Ngu với chứ !

Thiệt là tào-lao hết biết, mà nói ra cứ tự nghĩ là văn-chương hay mới chết !

Còn hàng ngàn cái "chất lượng" tào lao nữa !!!

Chán ghê !


AToanMT
 
loclv88 Date: Thứ Ba, 28 Jun 2016, 11:57 PM | Message # 6
Colonel
Group: Users
Messages: 161
Status: Tạm vắng
Đọc thấy Thầy nói đến từ " Chất lượng"... công nhận ai cũng dùng sai hết rồi Thầy. Trong đó có con.hix. smile

Nam Mô A Di Đà Phật !
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 29 Jun 2016, 2:46 PM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Kiểu làm Thầy như Cụ Nguyễn-Đức-Cần này, trong miền Nam trước 1975 có rất nhiều, nhưng đa số họ chỉ được người dân biết đến mà thôi.

Qúy Thầy không hề được đăng tải phổ biến ... cho dù chính họ đã trị được nhiều bịnh nan y, hoặc cải tử hoàn sinh cho những người có chức có quyền !


AToanMT
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO