Thứ Năm
25 Apr 2024
3:54 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » NGÔN NGỮ CƯỜI » GIAI THOẠI QUANH TRUYỆN KIỀU. (LƯỢM LẶT)
GIAI THOẠI QUANH TRUYỆN KIỀU.
newxp Date: Thứ Sáu, 20 May 2011, 10:07 AM | Message # 1
Private
Group: Users
Messages: 15
Status: Tạm vắng
newxp xin gửi tới cả nhà:Giai thoại quanh Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (Thái Kim Đỉnh sưu tầm).Hi vọng “mua vui cũng được một và trống canh”.
CÁC VUA NHÀ NGUYỄN VỚI TRUYỆN KIỀU
Mặc dầu chẳng ưa gì tác giả Truyện Kiều,các ông vua đầu triều Nguyễn vẫn phải trân trọng tác phẩm tuyệt diệu của Nguyễn Du.
Ngay sau khi lên ngôi,Minh Mệnh (1) đã cùng các văn thần đưa Truyện Kiều ra bình luận và cùng làm thơ vịnh, tạo nên một phong trào “vịnh Kiều” rộng rãi,sôi nổi trong giới nho sĩ kéo dài đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.Riêng Minh Mệnh có tập thơ “Ngự chế”, và Tiến sĩ Hà Tôn Quyền có tập thơ “Ung chế” gồm 45 bài “vịnh Kiều”.Năm 1830,Minh Mệnh lại viết bài “Tống thuyết” về truyện Kiều,mở đầu (dịch):
“Bản của Thánh Thán (tức bản truyện văn xuôi của Thanh Tâm tài nhân) không còn,khói tàn tản mạn,bản “Hoa Đường” (tức bản Truyện Kiều của Nguyễn Du đầu tiên,Phạm Quý Thích khắc in) đã vắng,vách cũ tiêu điều.Trộm nghĩ,phải tìm lại các sách của họ truyền cho những người cùng chí văn chương,mới theo truyện in trong sách mà viết ra bài này….”
Tự Đức(2) là một ông vua rất hợm về văn tài,tự cho mình hay chữ,giỏi Nôm cũng phải mê Kiều:
“Mê gì mê đánh tổ tôm,
Mê ngựa hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều”
Nhưng “ngài ngự” không chịu nổi sự “bất kính” của tác giả Truyện Kiều.Tương truyền khi đọc đến câu “Chọc trời quấy nước mặc dầu.Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” thì “ngài” dẫy nẩy lên,phán:
- Giá tên này còn sống thì nọc ra mà đánh cho ba mươi trượng!
Tự Đức đã tự ý sửa chữa, thêm bớt nhiều câu,nhiều đoạn trong Truyện Kiều,nhưng câu văn “phạm thượng” ấy đúng với tính cách Từ Hải quá, “ngài” cũng đành phải giữ lại và cho khắc in.Vua lại có câu đối đề Truyện Kiều sau đây: (Trần Lê Nhân dịch) “Nghiệm căn duyên trong mộng kia, biết rõ ràng miếng uống,miếng ăn,đều do số trời định trước; Xem phận mệnh khúc đàn nọ,những quái lạ đa tình đa sự,riêng chiếm tiếng đứng đầu tiên”.
Bản Kiều do Tự Đức cho in ở Kinh (Huế),thường được gọi là “bản Kinh”.Còn các bản do nhà xuất bản tư nhân in ở Hà Nội là “bản Phường”.
(1) Minh Mệnh: tên là Nguyễn Phúc Đảm (1791-1840),làm vua từ 1820-1840.
(2) Tự Đức: tên là Hồng Nhậm hay Nguyễn Phúc Thì (1829-1883),làm vua từ 1848-1883.
******************************
CỬ TRỊ “ĐÁNH” NÀNG KIỀU ĐỂ VẠCH MẶT TÊN GIAN
Tôn Thọ Tường (1) là một kẻ vô liêm sỉ,cúi đầu theo Pháp,tiếp tay cho chúng đàn áp nhân dân ta.Bị đồng bào và sĩ phu Nam Kỳ oán ghét, Tường đã làm mười bài thơ liên vận và các bài “Tôn phu nhân quy thục”, “Từ Thứ quy Tào Tháo”…để thanh minh cho tội lỗi của mình.Lập tức, nhà nho yêu nước Phan Văn Trị (tức Cử Trị), Lê Quang Chiểu, Nhiêu Học Mân (2)…họa thơ đập lại.
Tôn Thọ Tường vẫn chưa thôi,làm tiếp bài thơ “vịnh Kiều”,hòng nhờ vía nàng Kiều biện hộ cho sự nhơ nhuốc của hắn:
“Mười mấy năm trời nợ trả xong,
Tiền Đường sông đục hóa ra trong
Cái duyên bình thủy (3) đành nong nả
Chút phận tang thương luống ngại ngùng.
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết,
Mối tình nặng nhẹ chị em chung,
Tấm lòng thiên cổ thương mà trách
Chẳng trách chi Kiều,trách Hóa công (4).”
Bài thơ của Tường vừa đưa ra, Cử Trị liền viết ngay một bài “vịnh Kiều” vạch mặt kẻ gian tế:
“Tài sắc chi mi hỡi thúy Kiều?
Bởi thương nên nhắc một đôi điều.
Ví dù Viên ngoại vu oan ấy,
Sao chẳng Đề Oanh (5) mảnh chước kêu?
Nghĩa nặng chàng Kim đà đáng mấy,
Nén vàng họ Mã giá bao nhiêu?
Liêu Dương ngàn dặm xa chi đó?
Nỡ để Lâm Tri bướm dập dìu.”
Nàng Kiều bị đòn oan,cụ Cử biết vậy nhưng nấp dưới bóng nàng là một tên giặc nước,cụ đành phải ra roi.Sĩ phu hồi ấy đã bình phẩm: nàng Kiều “quên mình giúp các cụ phóng bút trừ gian.”
(1) Tôn Thọ Tường (1825-1877), người Gia Định, theo Pháp, làm Đốc phủ sứ đầu tiên ở Nam Kỳ, sau ra tòa lãnh sự Pháp ở Hà Nội,chết trên đường đi quan sát miền thượng du Bắc Kỳ.
(2) Phan Văn Trị (1830-1910),người làng Hạnh Thông, Gia Định, đỗ cử nhân,về dạy học.Ông là nhà nho yêu nước,nhà thơ có tài.Lê Quang Chiểu và Nhiêu Học Mân đều là những nhà nho yêu nước Nam Bộ (không rõ tiểu sử).
(3) Bình thủy: bèo nước.
(4) Hóa công: Tạo hóa hay ông Trời.
(5) Đề Oanh: con gái Thuần Vu Ý làm quan đất Tề.Vu Ý bị tội,nàng dâng thư lên Hán Văn để xin tha tội cho cha.
(còn tiếp)

Added (06 May 2011, 10:13 Am)
---------------------------------------------
NGUYỄN KHUYẾN CHẤM THI THƠ VỊNH KIỀU
Mùa xuân năm Ất Tỵ (1905),tổng đốc Hưng Yên là Lê Hoan đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh “20 hồi Kiều”.Nhiều nhà khoa giáp,túc nho đã tham gia cuộc thi,trong đó có Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh,lúc đó làm Án sát Hưng Yên.Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng làm tập thơ “vịnh Kiều” nhưng không dự thi,vì thơ của cụ Yên Đổ là “thơ…chửi’.Ví như bài “Kiều bán mình’ có câu:
“…Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a?”
Lê Hoan chẳng ưa gì Nguyễn Khuyến, nhưng muốn lôi kéo được thêm nhiều người tham gia cuộc thi,làm “rạng rỡ” cho hắn,bèn mời cụ làm giám khảo.
Tập “vịnh Kiều” của Chu Mạnh Trinh được lấy giải nhất về thơ Nôm.Trong bài “vịnh Sở Khanh” của ông Nghè Chu có câu:
“Làng nho người ấy cũng ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.”
Cụ giám khảo hạ bút phê:
“Rằng hay thì thật là hay,
Nho đối với xỏ,lão này không ưa!”
Thấy cụ Tam nguyên mỉa mình, ông Nghè Chu oán lắm.Khi Nguyễn Khuyến mắt đã lòa,nhân đầu xuân,ông Nghè cho người đưa tặng một chậu hoa trà.Tặng người mù lòa thứ hoa hữu sắc vô hương thì thật là mỉa mai.Biết người tặng hoa có ý “trả thù”,Nguyễn Khuyến làm bài thơ “Sơn trà” và tự dịch ra quốc âm là “Tạ lại người cho hoa trà”.Bài thơ có những câu:
“Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá”
(nhắc lại chữ “xỏ” trong câu phê thơ) và:
“Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi hương,một tiếng khà!”

Added (20 May 2011, 11:07 Am)
---------------------------------------------
TÚ XƯƠNG “OÁN” KIỀU
Cách đây hơn 80 năm,ở thành Nam (tức Nam Định) có tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Du.Lão công sứ Pháp và viên Tổng trấn Nam Định giao cho Chánh án Trần Tấn B một món tiền lớn để chi cho buổi lễ.Ban tổ chức có “nhã ý”mời bà Chánh Kỷ một danh ca ở phố Hàng Thao đến ngâm Kiều và ông ấm Lễ đệm đàn đáy.
Dự lễ tưởng niệm nhà thơ lớn Việt Nam hôm ấy toàn là các ông Tây,bà đầm (lại có cả non hai chục Tây con nữa) cùng các vị tai to mặt lớn ở tỉnh,phủ,huyện….lớn nhỏ tấm bé vẻn vẹn trong vòng một trăm.Và cố nhiên,ban tổ chức hời to.
Ngày hôm sau,khắp thành Nam truyền đi bài thơ của Tú Xương (1):
“Hỡi cụ Tiên Điền có biết cho,
Hôm qua có kẻ khóc trên mồ?
Khóc đây không phải rằng thương cụ
Thương bạc quan thầy món lợi to.”
Chỉ trong một buổi,bài thơ đã bay đến tai quan Chánh án, trưởng ban tổ chức.Điên tiết,quan Chánh án gọi tê-lê-phôn hạ lệnh cho quan Phòng thành và quan Phó cẩm Vị: “Tối nay,từ tám giờ,thiết quân luật,cấm đường!”.
Riêng mấy ông bạn của Tú Xương thì khoái chí,mời nhà thơ tối đó tới cổng thành chiêu đãi một bữa cháo gà.Ở quán ăn ra,ông Tú ngất nghểu vác ô lục soạn về nhà.Nào ngờ,mới đi được mấy bước,đã bị cu-lít (police) tóm,rước về “bóp”(đồn cảnh sát) vì đã vi phạm “luật nhà binh”.
Cẩm Vị,vốn có cảm tình với Tú Xương,liền cho biết: “Cụ án được hay bài thơ truyền khẩu là của ông,cụ giận lắm,nên mới ra lệnh thiết quân luật để giăng lưới bắt ông”.
-À,ra thế!-Tú Xương điềm nhiên nói-Nhưng tôi vừa uống rượu say,khát quá,quan Cẩm làm ơn cho tôi một chén trà nóng nào!
Cẩm Vị vui vẻ gọi người pha trà,rồi “quan” cùng mười hai thầy đội xếp (tiếng dùng gọi nhân viên cảnh sát) ngồi quây quanh nhà thơ,vừa uống nước vừa chuyện trò vui vẻ.
Lát sau,Tú Xương gật gật đầu rồi ngâm luôn một bài thơ “ngẫu tác”:
“Hỡi hỡi nàng Kiều hỡi có hay?
Vì nàng nên tớ chịu tai bay.
Nàng còn bán được ba trăm lạng,
Chứ tớ ai mua khố rách này?”
Các thầy đội xếp vỗ tay khen hay và yêu cầu nhà thơ ngâm lại một lần nữa.Sau đó,Cẩm Vị gọi điện “lập bô” (báo cáo) lên quan Chánh án,và đọc luôn cả bài thơ mới của ông Tú để hầu quan Chánh.Lập tức,từ phía đầu dây kia có lệnh: thả Tú Xương ra ngay!
Hôm sau,bài thơ “Tú Xương oán Kiều” lại từ sở Cẩm tung ra,bay khắp thành Nam.
(1) Tú Xương,tên là Trần Tế xương, hay Trần Kế Xương (1870-1907),người làng Vị Xuyên,tỉnh Nam Định đỗ tú tài,ông là nhà thơ trào phúng nổi tiếng.
************************************************************************************
THƠ VỊNH KIỀU CHỬI TỪ ĐẠM
Nghè Từ Đạm (1) nổi tiếng về ăn của đút,chạy chọt được nhắc lên đến Tổng đốc.Hồi còn làm Án sát Ninh Bình,Từ Đạm có bắt giam một người học trò can án quốc sự.Nằm trong ngục,anh học trò cứ ngâm Kiều sang sảng.Bọn cai ngục quát tháo,bắt im lặng,anh thản nhiên nói:
- Cùm tay,khóa chân rồi mà còn sợ cái mồm tao à?
Anh lại tiếp tục ngâm Kiều sang sảng.Bọn lính sợ quan qưở,bèn lên trình rõ đầu đuôi.Từ Đạm liền cho gọi người học trò lên,bảo:
-Anh sính Kiều lắm hử? Vậy thì hãy làm bài thơ “vịnh Kiều” xem!
Người học trò ngẫm nghĩ một lúc,rồi đọc:
“Khóa cửa buồng xuân để đợi chờ.
Mà em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng
Viên ngoại chiều con chết ngẩn ngơ.
Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ (2)
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng,
Còn trách làm chi gã bán tơ!”
Từ Đạm tím mặt,quát:
-Dắt hắn xuống,cùm nghiến lại!
Vào ngục,người học trò lại tiếp tục ngâm Kiều.
(1) Từ Đạm: người làng Khê Hồi(Hà Đông),đỗ tiến sĩ năm 1895,làm quan đến tổng đốc,đã có lần sung vào một phái bộ sang Pháp.
(2) Đạm,Từ: nghĩa đen chỉ nàng Đạm Tiên,chàng Từ Hải nhưng nghĩa bóng dùng ám chỉ Từ Đạm.

 
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » NGÔN NGỮ CƯỜI » GIAI THOẠI QUANH TRUYỆN KIỀU. (LƯỢM LẶT)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO