Thứ Sáu
19 Apr 2024
11:42 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA 17
23 Jul 2017, 7:10 AM
Phật độ ông Sudatta Anathapindika (Cấp-cô-độc)[50]



Mùa an cư thứ ba vừa chấm dứt được ba hôm thì có một thương gia trẻ rất giàu có, tên Sudatta (Tu-Ðạt-Ða), từ thủ đô Sravasti xứ Kosala đến thủ đô Rajagriha xứ Magadha buôn bán. Như mọi lần trước, ông tới tạm trú tại nhà người anh vợ là trưởng giả Santana (San-Ðà-Na). Thay vì được tiếp đón niềm nở như mọi khi, lần này ông Santana mãi lo chỉ huy gia nhân dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng các thứ rất bận rộn, để chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Sudatta hỏi ra mới biết ngày hôm sau trong nhà có thỉnh Phật và chư tăng đến thọ trai, hiện Phật đang ngụ trong cụm rừng Sitavana gần đó. Ông Santana nói sơ cho ông biết là nhờ thường đến tinh xá Venuvana nghe pháp nên ông hiểu rằng Phật là đấng Giác-ngộ, đạo Phật là đạo Từ Bi nhằm giải thoát chúng sanh khỏi cảnh đau khổ luân hồi nhờ các phép thiền quán và nhờ tu tập giới, định, huệ.

Ông Sudatta là người đã sẵn có thiện tâm rất lớn, thường đem tiền của ra giúp đỡ vô số những người nghèo khổ nên được mệnh danh là Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Do đó vừa nghe nói qua về đấng Giác-ngộ là trong lòng ông đã chớm nở một hứng thú lạ thường, ông hết lòng mong mỏi được gặp Phật. Vì trong lòng quá nôn nao mong gặp Phật nên đêm đó ông không ngủ được yên giấc. Ông đã giựt mình thức dậy hai lần, tưởng trời đã sáng. Ðến lần thứ ba ông quyết định thức dậy thay y phục, đi lần đến rừng Sitavana để gặp Phật. Nửa đường bỗng nhiên ông nhận thấy thân ông phát ra ánh sáng. Ông đâm ra sợ hãi, muốn quay trở về, tức thì ánh sáng biến mất. Rồi có tiếng của vua trời Ðế-thích (Sakka Indra) khuyến khích ông như sau:

- Hàng trăm thớt tượng hay, cả trăm ngựa giỏi, hàng trăm cỗ xe, cả trăm ngàn thị nữ đeo đầy vòng vàng cũng không bằng một phần nhỏ của một bước đi trong lúc này. Hãy tiến bước! Hãy mạnh dạn đi tới! Tiếp tục đi có lợi hơn trở về.[51]

Ðược khích lệ, trưởng giả Sudatta hết sợ, can đảm bước tới, đức tin trở lại trong sạch. Ánh sáng từ thân ông lại phát sanh. Ông sợ. Ánh sáng mất. Vua trời Ðế-thích lại khuyến khích. Sau lần thứ ba, ông đến rừng Sitavana, nhằm lúc Phật đang đi kinh hành. Bỗng Sudatta nghe gọi tên mình, ông nhìn thấy dạng một người đang đi tới. Ông tin chắc đó là đức Phật. Ông chắp tay đảnh lễ và hỏi:

- Thế Tôn thức dậy sớm quá. Thế Tôn có yên vui không?

- Chắc chắn lúc nào cũng yên vui, đức Phật đáp. Vì trong lòng một vị A-la-hán, mọi thứ lửa đều được dập tắt. Không còn vướng víu dục vọng. Hoàn toàn mát mẻ. Ðã dứt trừ mọi mầm giống sanh tử. Cắt đứt mọi ràng buộc phiền toái. Chế ngự mọi đau khổ và phiền não. Một vị A-la-hán luôn luôn được an tịnh và vắng lặng. Vì tâm đã thành tựu hòa bình tịch tịnh.

Sau khi nghe bài pháp trên, ông Sudatta đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Ông sụp xuống lễ dưới chân Phật và thỉnh nguyện:

- Bạch đức Thế Tôn, dân chúng nước Kosala chúng con chưa có cơ duyên được gặp Phật và giáo đoàn để được nghe giáo pháp giác ngộ giải thoát. Con cầu xin Thế Tôn chấp nhận lời mời của con về cư trú tại quê con là thủ đô Sravasti[52] trong một thời gian. Con sẽ cố gắng thu xếp để Thế Tôn và giáo đoàn có nơi an trú hành đạo thuận lợi theo sự chỉ dạy của ngài. Kính xin Thế Tôn rủ lòng thương xót dân chúng xứ Kosala.

- Như Lai thương xót tất cả chúng sinh. Ông hãy tùy nghi tìm nơi yên tĩnh, rộng rãi, ở ngoài thành phố nhưng không xa lắm để các khất sĩ dễ dàng vào thành khất thực và dân chúng dễ đến nơi nghe pháp.

Ông Sudatta vâng dạ và đảnh lễ tạ ơn.

Trưa hôm đó, sau lễ trai tăng và sau thời pháp của đức Phật, ông Sudatta xin Phật cử một đại đức có nhiều kinh nghiệm, theo ông về Sravasti để chỉ dẫn cách kiến lập tinh xá. Ðức Phật chỉ định đại đức Sariputta.


Sudatta và Sariputta đi Sravasti [53]

Một tuần lễ sau, Sudatta đến tinh xá Venuvana từ giã Phật và tăng đoàn, đồng thời rước đại đức Sariputta cùng lên đường về thủ đô Sravasti.

Hai người đi về phương bắc, đến thị trấn Pataliputta (hiện nay là Patna), vượt sông Hằng (Ganga), đến thành phố Vesali. Tại đây hai người được bà Ambapali rước về nghỉ ngơi tại vườn xoài trong hai hôm. Ðại đức Sariputta cho bà biết , theo dự trù thì khoảng sáu tháng nữa Phật và giáo đoàn sẽ đi hoằng pháp tại xứ Kosala, trên đường đi chắc chắn sẽ ghé qua Vesali. Ambapali rất vui mừng, bà mời Phật và giáo đoàn khi đi ngang qua Vesali ghé nghỉ nơi vườn xoài của bà vài hôm.

Từ giã bà Ambapali, hai người đi về phía tây bắc. Từ Rajagriha đến Sravasti phải đi trên 435 km. Ðây là lần đầu tiên ông Sudatta đi bộ trên một quãng đường dài như thế, vì ông phải cùng đi bộ với đại đức Sariputta. Ði đến đâu ông cũng loan báo trong vòng sáu tháng nữa Phật và giáo đoàn sẽ đi qua, mọi người nên chuẩn bị đón tiếp đấng Giác ngộ trọn lành, ngài sẽ giảng dạy giáo lý giải thoát khỏi mọi khổ đau sinh tử, để về cõi niết-bàn an lạc thanh tịnh. Ông Sudatta (Tu-Ðạt-Ða) là trưởng giả Cấp-cô-độc (Anathapindika), là người phú hộ giàu lòng từ ái, đã cứu giúp vô số kẻ nghèo khó nên ai cũng biết tiếng, và ông nói gì người ta cũng tin. Ai nghe nói cũng ao ước được trông thấy Phật và nghe giáo pháp của ngài. Mỗi buổi sáng, khi đại đức Sariputta vào thôn xóm khất thực thì ông Sudatta đi theo để nói cho dân chúng nghe về đức Phật và giáo đoàn khất sĩ.

Ði như thế được non một tháng thì hai người về tới Sravasti. Ðại đức Sariputta được Sudatta mời về nhà riêng để cúng dường. Ông ân cần giới thiệu đại đức với mọi người trong gia đình và xin đại đức thuyết pháp cho mọi người nghe. Thân phụ, thân mẫu và vợ ông là Punnalakkhana đều phát tâm xin thọ tam quy ngũ giới. Vợ chồng ông có bốn người con, ba gái và một trai út, tên là Subhadha chị, Subhadha em, Sumagadha và Kala.

Mỗi buổi sáng đại đức Sariputta đi khất thực trong thủ đô Sravasti. Chiều và tối thầy về cư trú trong một khu rừng thưa gần bờ sông Aciravati, hiện nay là sông Rapti (Rapati). Trong khi đó Sudatta đi tìm nơi có thể làm tinh xá cho Phật và giáo đoàn cư trú, thuận tiện cho việc hoằng pháp. Ðồng thời hai người cũng báo cho dân chúng biết đức Phật và giáo đoàn sắp đến Sravasti trong vài tháng nữa.


Sudatta mua vườn của thái-tử Jeta[54]



Sudatta đã đi xem nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của thái tử Jeta (Kỳ Ðà), rộng độ 50 mẫu tây, nằm sát phía nam thủ đô Sravasti. Sudatta tìm đến dinh thái tử Jeta xin gặp. Lúc ấy trong dinh thái tử đang có một vị quan văn quen biết với Sudatta. Sau khi chào hỏi, vị quan văn giới thiệu Sudatta với thái tử. Sudatta trình bày ước vọng của mình xin thái tử nhường lại cho ông khu vườn của thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho đức Phật và tăng đoàn. Thái tử Jeta vừa được hai mươi tuổi và vừa được vua cha Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) ban khu vườn ấy cho chàng năm ngoái. Thái tử nhìn vị quan văn rồi nhìn Sudatta nói:

- Khu vườn này của phụ vương vừa ban cho tôi. Nó quý như vàng. Nếu ông trải vàng đầy khắp vườn thì tôi sẽ nhường lại cho ông.

Thái tử Jeta nói nửa đùa nửa thật, tin rằng không ai có thể mua như vậy. Ông Sudatta cũng biết ý thái tử không muốn bán. Nhưng ông đã đến đây với quyết tâm mua cho được khu vườn rộng rãi mát mẻ với địa thế hiếm có này để cúng dường tam bảo và để dân chúng xứ ông có phương tiện học đạo lý cao thượng hiếm có. Ông liền đáp:

- Thưa thái tử, tôi đồng ý mua theo điều kiện của thái tử vừa nêu ra. Bắt đầu ngày mai tôi sẽ cho chở vàng tới.

Thái tử giật mình, nói:

- Tôi nói đùa thôi mà. Tôi không bán khu vườn đó đâu. Ông đừng chở vàng tới.

- Thưa thái tử, tôi đến đây với ý định xin mua khu vườn kia để cúng dường đức Phật Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) là bậc Ðại Giác-ngộ, là một thánh nhơn hiếm có trên đời. Khu vườn sẽ được tu bổ lại để làm nơi hoằng pháp của đức Phật, làm nơi tu học cho hằng ngàn tăng sĩ, và sẽ là nơi tất cả mọi người ở Sravasti có thể đến học hỏi giáo lý cao thượng giải thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi ở cõi đời này. Tôi đã từng được nghe đức Phật thuyết pháp tại Sitavana gần thủ đô Rajagriha. Tôi tin rằng sự ích lợi mà đức Phật và tăng đoàn sẽ mang đến cho dân chúng nơi đây còn quý hơn số vàng mà tôi phải bỏ ra gấp bội. Vì đại sự nhân duyên vừa nêu ra, tôi xin thái tử hãy giữ lời hứa do chính tự ý ngài đưa ra.

- Thưa thái tử, vị quan văn nói nhỏ với thái tử, ngài đã lỡ đưa ra giá cả rồi. Bây giờ người mua đã đồng ý thì ngài không thể không bán. Hơn nữa với giá đó chắc hoàng thượng cũng không thể trách thái tử được.

Khi ông Sudatta đã trải vàng khắp cả vườn, chỉ còn lại nơi các gốc cây, không biết làm sao. Ông hỏi ý thái tử. Thái tử đáp:

- Ông đã vì đức Phật, vì tăng đoàn, vì dân chúng, vì giáo lý cao thượng mà bỏ ra từng ấy vàng, thật đáng phục. Vậy phần còn lại là phần của tôi đóng góp vào, ông khỏi phải lo nữa. Cứ xem như ông cúng đất, còn tôi cúng tất cả các cây trong vườn để lập tinh xá cho đức Phật.

Từ đó khu vườn này được gọi là ‘’Kỳ-Ðà thọ Cấp-Cô-Ðộc viên ‘’, hay gọi tắt là Jetavana (vườn Kỳ-Ðà, Kỳ viên). Ngày nay khu vườn này có tên là Saheth.

Ông Sudatta rất vui mừng, tán thán công đức của thái tử, và mời thái tử qua hôm sau cùng đưa đại đức Sariputta đến viếng Jetavana. Thái tử dắt đại đức Sariputta và ông Sudatta đi xem khắp nơi trong lâm viên. Ba người hoạch định sơ lược cách kiến lập am thất, giảng đường, giếng nước, nhà tắm, lối đi, cổng vào, vân vân ... Nhân dịp này thái tử cũng được biết qua về sinh hoạt của giáo đoàn và đạo lý giác ngộ giải thoát của đức Phật. Ông Sudatta yêu cầu đại đức Sariputta cư trú ngay tại Jetavana để tiện việc hướng dẫn và điều động việc xây dựng tinh xá. Tin ông Sudatta trải vàng mua đất và thái từ Jeta cúng dường tất cả cây trong lâm viên để làm tinh xá cho Phật lần hồi loan rộng khắp thủ đô Sravasti. Dân chúng hiếu kỳ đến xem được đại đức Sariputta thuyết pháp cho nghe. Nhiều người tình nguyện đến làm công quả, góp phần kiến lập tinh xá.

Bốn tháng sau, công cuộc xây cất đã gần hoàn thành. Ðại đức Sariputta bắt đầu lên đường trở về Rajagriha đón Phật.


Phật thọ trai tại vườn xoài của bà Ambapali tại Vesali[55]

Khi đại đức Sariputta về đến Vesali (Tỳ-xá-ly), thầy thấy rất nhiều bóng dáng áo vàng trong thành phố. Hỏi ra thầy biết Phật và trên năm trăm vị khất sĩ đã tới đó mấy hôm và hiện đang tạm trú tại Mahavana (Ðại Lâm, Rừng Lớn). Ðại đức lập tức đến Mahavana tìm Phật. Thầy tường trình việc ông Sudatta trải vàng mua đất và thái tử Jeta cúng dường cây để lập tinh xá; công tác tu bổ đến nay đã gần hoàn tất, và thầy về đây để rước Phật đến Sravasti (Xá-vệ). Phật cho thầy biết bà Ambapali vừa đến đây thỉnh Phật và tăng đoàn ngày mai đến thọ trai tại vườn xoài của bà; đại đức Kondanna và Uruvela Kassapa đã lớn tuổi, không thể đi xa, nên tình nguyện ở lại Venuvana để hướng dẫn đại chúng tu học và hành đạo tại Magadha; ngày mai dự lễ trai tăng tại vườn xoài của bà Ambapali; ngày mốt hai trăm vị tỳ-kheo sẽ ở lại Mahavana hành đạo, còn ba trăm vị sẽ theo Phật và thầy Sariputta đi Kosala.

Hôm qua, sau khi tới Mahavana thỉnh Phật, trên đường về, bà Ambapali gặp các vương tử Licchavi (Lê-xa-tử) ở giữa đường. Vesali là thủ đô xứ Vajji (Bạt-kỳ). Các vương tử hỏi bà đi đâu. Bà trả lời là vừa đến Mahavana (Ðại Lâm) thỉnh Phật và tăng đoàn ngày mai đến dùng cơm trưa tại vườn xoài của bà. Các vương tử bảo bà nên hủy bỏ việc mời Phật để mời họ:

- Nếu nàng chịu mời chúng tôi, chúng tôi sẽ trả giá bữa cơm ngày mai là một trăm ngàn đồng tiền vàng.

- Quý vị chưa biết đức Phật nên mới nói thế, Ambapali đáp. Ðức Phật là bậc Giác-ngộ, là một thánh nhân hiếm có trên đời. Tôi đã mời Phật và giáo đoàn ngày mai rồi thì dù quý vị có cho tôi cả thành Vesali này tôi cũng không thể thay đổi ý kiến. Tuy nhiên, tiện đây tôi xin mời quý vị đến dự lễ và nghe Phật thuyết pháp. Thôi, xin quý vị hãy tránh đường cho tôi về nhà sớm để lo cuộc đón tiếp ngày mai.

Các vương tử Licchavi tránh đường cho bà đi; rồi họ rủ nhau đến Mahavana để xem đức Phật là người thế nào mà bà Ambapali kính trọng đến thế. Ðến nơi, họ đậu xe ở ven rừng rồi đi bộ vào. Ðức Phật biết các vương tử Licchavi là những thanh niên có nhiều hạt giống từ-bi và trí-tuệ. Ngài mời họ ngồi, rồi kể cho họ nghe chuyện ngài phát tâm xuất gia tu học và thành đạo như thế nào, và giáo lý diệt khổ mà ngài đã phát minh ra sao. Các vương tử Licchavi được biết đức Phật cũng thuộc giai cấp kshatriya (chiến sĩ, vua chúa) như họ, ngài là một thái tử đã vì đại nguyện cứu khổ cho chúng sanh nên xuất gia tu học, nay đã thành đạo, ngài đang đi khắp nơi truyền bá giáo lý cao thượng của ngài, chẳng những có khả năng cứu khổ cho con người hiện đời này mà còn có thể giúp họ thoát ra khỏi vòng luân hồi để vào cõi niết-bàn an lạc tịch tịnh. Các vương tử sụp xuống đảnh lễ Phật, xin ngài nhận họ làm đệ tử tại gia, rồi thỉnh Phật ngày mốt đến thọ trai tại nhà họ. Ðức Phật mỉm cười nhận lời.

Tại lễ cúng dường trai tăng tổ chức tại vườn xoài, bà Ambapali đã mời các thân hữu của bà và một số các vương tử Licchavi đến nghe Phật thuyết pháp về Tứ-diệu-đế và Tứ-niệm-xứ.


Phật thọ trai tại cung điện các Vương-tử Licchavi[56]

Qua ngày hôm sau, đức Phật với trên một trăm vị khất-sĩ tới dự lễ trai tăng tại cung điện của các vương tử Licchavi (Lê-xa-tử). Buổi lễ được tổ chức thật long trọng. Các thức ăn chay được chuẩn bị rất chu đáo và đặc biệt. Thọ trai xong, Phật giảng cho mọi người nghe giáo lý duyên sinh, hạnh không phóng-dật (trụy-lạc) và Bát Chánh Ðạo. Do vô minh mà muôn vật nương nhau sinh khởi theo bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không, tạo ra biết bao nghiệp báo thiện, ác dắt dẫn chúng sinh vào vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ. Muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ đó trước hết phải tu hạnh không phóng-dật, tức không sống buông thả theo dục vọng, kế đến phải thực hành Bát Chánh Ðạo (Bát Thánh Ðạo), tức là đi theo con đường của tám sự hành trì chân chánh của thánh nhân:

1- Chánh kiến: Thấy biết sự vật đúng theo thật tánh.

2- Chánh tư duy: Suy nghĩ cặn kẻ để hiểu rõ chân lý, để biết cách hành động lợi mình, lợi người.

3- Chánh ngữ: Nói lời nhu hòa đúng sự thật, có lợi ích cho người nghe.

4- Chánh nghiệp: Làm việc gì cũng chính đáng, lợi mình, lợi người.

5- Chánh mạng: Hành nghề sinh sống vừa phải, không cầu lợi nhiều, không làm hại sinh mạng, tài sản kẻ khác.

6- Chánh tinh-tấn: Siêng năng làm điều thiện.

7- Chánh niệm: Luôn luôn nhớ các điều lành phải làm, nhớ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tâm luôn vắng lặng thanh tịnh.

8- Chánh định: Thực hành thiền định để giữ tâm luôn luôn vắng lặng thanh tịnh, không loạn động trước ngoại cảnh.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp, mười hai vị vương tử xin xuất gia theo Phật. Trong số đó có Otthaddha và Sunakkhatta[57] là hai vị vương tử có ảnh hưởng lớn trong bộ tộc Licchavi. Các vương tử thỉnh Phật và giáo đoàn sang năm về an cư tại Vesali. Họ hứa sẽ xây cất giảng đường, am thất vân vân để biến Mahavana thành một tinh xá đầy đủ tiện nghi cho giáo đoàn tu học và hành đạo.

Bà Ambapali, có mặt hôm ấy, cũng ngỏ ý cúng dường khu vườn xoài của bà cho giáo đoàn khất sĩ. Phật đều hoan hỷ chấp thuận.


Sariputta rước Phật đi Sravasti[58]

Sáng hôm sau, đức Phật, đại đức Sariputta và giáo đoàn lên đường đi về thủ đô Sravasti của xứ Kosala. Ðường về Sravasti đối với đại đức Sariputta đã trở nên quen thuộc. Trên con đường này thầy và cư-sĩ Sudatta Anathapindika đã gây được niềm tin nơi dân chúng đối với Phật và giáo đoàn. Lần này Phật và giáo đoàn đi tới đâu đều được dân chúng tiếp đón niềm nở. Trên tả ngạn sông Aciravati có nhiều khu rừng mát mẻ cho Phật và giáo đoàn nghỉ ngơi mỗi tối. Ðoàn người chia làm ba nhóm. Nhóm của Phật đi đầu có thầy Sariputta hướng dẫn. Nhóm thứ hai do đại đức Assaji cầm đầu. Nhóm thứ ba có đại đức Moggallana trông nom. Các đoàn khất sĩ đi rất trang nghiêm, khi khất thực cũng như lúc đi trên đường dài. Dân chúng các thôn xóm ven sông thỉnh thoảng được nghe pháp thoại của Phật hoặc của các thầy cả nói sau giờ cơm trưa tại một khu rừng hay trên một bờ sông mát mẻ.

Từ Vesali đến Sravasti độ 340 km. Giáo đoàn đi độ một tháng thì đến nơi. Cư sĩ Anathapindika và thái-tử Jeta ra tận ngoài thành đón Phật và tăng đoàn đến ngay tinh xá Jetavana (Kỳ Viên). Thấy tinh xá là một khu vườn rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh, được tu bổ khéo léo, đức Phật rất hoan hỷ ngỏ lời khen ngợi. Sudatta rất sung sướng bạch Phật là nhờ ý-kiến và sự trông nom xây cất của đại đức Sariputta và thái tử Jeta mới được như thế. Nhờ địa thế rộng-rãi, mát-mẻ, yên tĩnh nhưng không quá xa đô thị, nhờ ông Sudatta và thái tử Jeta hết lòng giúp đỡ về tài chánh và nhân công, và nhờ rút kinh nghiệm tại tinh-xá Venuvana (Trúc-Lâm) nên đại-đức Sariputta đã kiến tạo Jetavana thành một tinh-xá vô cùng lý tưởng cho giáo đoàn từ một đến hai ngàn khất sĩ. Có am riêng của Phật (Gandha kuti), 80 am dành cho các khất sĩ lớn tuổi, nhiều dãy phòng trống trải cho các khất sĩ trẻ, ba bốn giếng nước lớn và một giảng đường rộng lớn có nhiều tầng. Jetavana được xem là cơ-sở quan trọng nhứt của đức Phật, và ngài đã nhập hạ tại đây khoảng 25 lần trong suốt 45 năm hoằng dương chánh pháp.

Chú tiểu Rahula năm nay được chín tuổi. Theo nguyên tắc chú phải thân cận với đại đức Sariputta để học hỏi với thầy. Nhưng sáu tháng nay vì thầy Sariputta vắng mặt nên chú đã được giao lại cho đại đức Moggallana. Tới tinh xá Jetavana, chú lại được theo hầu thầy Sariputta như cũ.

Thái tử Jeta và cư sĩ Sudatta thiết lễ cúng dường tại tinh xá, ngay sau ngày Phật và giáo đoàn tới Sravasti. Dân chúng quanh vùng được mời tới để nghe Phật thuyết pháp. Ðã nghe nói tới Phật từ nhiều tháng rồi, nên hôm ấy dân chúng thủ-đô đến tinh xá rất đông. Sau bữa ngọ trai, Phật giảng về Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo: Trước hết phải nhận thức rõ ràng những nỗi khổ trong đời sống hằng ngày; kế đến phải tìm hiểu các nguyên nhân gần và xa của những nỗi khổ đó; rồi đức Phật chỉ cách diệt khổ bằng tám hành động chơn chánh để đạt đến hạnh-phúc chân-thật và trường cửu của cảnh giới niết-bàn vô lậu, thanh-tịnh. Trong số người nghe hôm ấy có hoàng-hậu Mallika, phu nhân của vua Pasenadi xứ Kosala, và công chúa Vajiri do thái tử Jeta mời đến. Công chúa Vajiri mới lên mười sáu tuổi.

Nghe thuyết pháp xong, thái tử và công chúa đều muốn xin quy-y tam bảo; nhưng hoàng hậu bảo nên chờ có sự đồng ý của vua trước đã. Hoàng hậu Mallika biết là trong tương lai thế nào vua Pasenadi (Prasenajit, Ba-tư-nặc) cũng có cảm tình với Phật. Em gái của vua là hoàng hậu Videhi của vua Bimbisara (Tần-bà-ta-la hay Bình-sa vương) xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) đã quy-y với Phật từ ba năm nay.

Trong số những người đến nghe Phật thuyết pháp hôm ấy có nhiều nhân vật quan trọng thuộc các giáo phái đang thịnh hành tại Sravasti. Họ đến vì tò mò hơn là học hỏi. Có người nghe Phật xong chợt thấy tâm hồn cởi mở. Có người nghe xong thì thấy Phật là một thế lực chống đối đáng ngại. Nhưng ai nấy đều công nhận rằng sự xuất hiện của Phật tại thành Sravasti là một biến cố rất trọng đại trong lịch-sử tư tưởng và tôn giáo tại vương quốc Kosala (Kiều-tát-la).

Sau khi lễ cúng dường và thuyết pháp đã hoàn mãn, cư sĩ Sudatta cung kính đảnh lễ Phật và bạch rằng:

- Bạch Thế-tôn, thái tử Jeta, con và gia-đình con cùng với tất cả bạn hữu kính dâng tinh xá Jetavana này lên Phật và giáo đoàn. Kính mong Thế-tôn hoan hỷ chấp nhận.

- Này Sudatta, công đức của quý vị thật là to lớn. Tinh xá Jetavana rất thuận lợi cho việc tu học và hoằng pháp. Quý vị đã hết lòng hộ trì chánh pháp thì từ nay quý vị cũng nên cố gắng tinh tấn trên đường tu tập giải thoát.

Sáng hôm sau, Phật và giáo đoàn ôm bát vào thành khất thực. Ðại đức Sariputta chia các vị khất sĩ thành hai mươi nhóm, mỗi nhóm mười lăm người, chia nhau đi vào các khu phố theo đúng phép khất thực. Sau đó tập họp về tinh xá trước giờ ngọ để chia nhau thức ăn và thọ trai.

Cứ bảy hôm lại có một buổi thuyết pháp của Phật tại Jetavana. Dân chúng đến nghe rất đông. Trong vòng mười hôm, vua Pasenadi, tuy chưa hề nghe Phật thuyết pháp, nhưng cũng đã nhiều lần nghe hoàng hậu và triều thần tán dương giáo lý cao thượng của Phật. Theo lời thái tử Jeta thì Phật chỉ mới 39 tuổi, cùng một tuổi với vua Pasenadi. Nhà vua không tin một người trẻ tuổi như vậy mà có thể có đức độ và hiểu biết hơn các đạo sư cao niên danh tiếng hiện thời như Purana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Sanjaya Belatthiputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccana, Nigantha Nataputta (các lục sư ngoại đạo). Lòng vua nửa tin nửa ngờ. Vua nghĩ thầm khi có cơ hội ta sẽ đến gặp Phật để tìm hiểu trực tiếp con người mà cả hoàng hậu Mallika và thái tử Jeta đều tỏ lòng cảm mến và kính phục.
THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 520 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 3 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 3
1 atoanmt  
0
[1] Theo quyển Geography of Early Buddhism thì Trúc-Lâm là Veluvana. Nhưng theo tài liệu chính thức của Bộ Du Lịch Ấn năm 1999 thì Trúc Lâm là Venuvana.

[2] Hạ (vassa) gồm 3 tháng mưa nhiều ở Ấn-độ, từ ngày trăng tròn tháng 7 đến ngày trăng tròn tháng 10 dương lịch, Ðức Phật và chư Tăng ở lại một nơi để tích cực tu tập.

[3] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 187, 1428; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Lalitavistara.

[4] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 149-152; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 187, 1428.

[5] Theo Buddhist Legends, quyển I, trang 197.

[6] Ông Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na Mãn-Từ-Tử) còn gọi là Purana Maitrayaniputra (Phú-Lâu-Na Di-Ða-La-Ni-Tử) là con một vị Quốc-sư ở triều vua Suddhodana. Ông cùng một tuổi với Phật. Có thuyết cho rằng sau khi Thái-tử Siddhattha xuất gia thì ông Punna cùng 29 người bạn cũng xuất gia, vào núi Himalaya tu học, chứng được tứ thiền và ngũ thông, dùng thiên-nhãn thấy Phật thuyết pháp tại Lộc-Uyển, liền cùng các bạn bay đến nơi, đảnh lễ Phật, xin thọ giới tỳ-kheo, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

[7] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 153-165; The Life of The Buddha của A. Foucher trang 158-161; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Lalitavistara; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 187, 190, 1428.

[8] Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngũ ấm hay ngũ uẩn.

[9] Hai kinh đầu tiên là kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng.

[10] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 166; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 190.

2 atoanmt  
0
[11] Ðời sống phạm hạnh: Ðời sống trong sạch, thanh tịnh, tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, xa lìa ái dục và phiền não.

[12] Vua Bimbisara được 31 tuổi, nhỏ hơn đức Phật 5 tuổi.

[13] Ajatasattu vừa được 4 tuổi, nhỏ hơn Rahula 2 tuổi..

[14] Theo Samyutta-nikaya / Maha-vagga; xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 164-170.

[15] Theo kinh Lăng-Nghiêm, quyển 5, thì ông Sariputta và ông Moggallana đang đi ngoài đường nghe ba anh em ông Uruvela Kassapa bàn luận về lý nhân duyên của Phật giảng, hai ông liền ngộ đạo.

[16] Bài kệ bằng chữ Hán như sau:

"Chư pháp tùng duyên sanh,

"Diệt, tùng nhân duyên diệt.

"Ngã, Phật, Ðại sa-môn,

"Từng ưng như thị thuyết.

[17] Lúc bấy giờ ba tháng an-cư (vassa) bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng 7 đến ngày trăng tròn tháng 10 dương lịch. Mười hai tháng của Ấn-độ lúc đó tương đương với 12 tháng dương lịch ngày nay.

[18] Xem Samyutta: Maha-vagga; Ðại Chánh TTÐTKinh 186: Phật thuyết Phổ Diệu Kinh; Ðại Chánh TTÐT Kinh 157: Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh; Lalitavistara; Theragatha 527-536.

[19] Xem Majjhima-nikaya 74: Dighanakha-sutta; Ðại Chánh TTÐT Kinh 584: Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn Kinh.

[20] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 198-201; Majjhima-nikaya 74: Dighanakha-sutta.

[21] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 202; The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 171-172.

[22] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 550; Buddhist Legends, quyển III, trang 168-176; Mahavastu.

[23] Sông Ganga nơi đây là ranh giới giữa hai xứ Magadha và Vajji.

[24] Khuddaka-nikaya / Khuddaka-patha / Ratana-sutta (kinh Tam Bảo).

[25] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 203-207; Majjhima-nikaya 55: Jivaka-sutta; Tạp A-Hàm 622.

[26] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 208-222; Buddhist Legends, quyển I, trang 217-220; Buddhist Legends, quyển II, trang 2-3; Ðại Chánh TTÐT Kinh 187: Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh.

[27] Xem kinh Pháp-Cú, bài 168.

[28] Xã-hội nước Ấn lúc bấy giờ có 5 giai cấp:

1- Brahmana, Bà-la-môn, dòng tu-sĩ, dòng thánh.

2- Kshatriya, Sát-đế-lợi, dòng vua chúa, dòng tướng.

3- Vaisya, Phệ-xá, dòng thương gia, trưởng giả.

4- Sudra, Thủ-đà-la, dòng làm ruộng, tiểu công nghệ.

5- Candala, Chiên-đà-la, dòng nô-lệ, hạ tiện.

[29] Xem Mahavastu, II 234.

[30] Xem kinh Jataka (Bổn Sanh, Túc Sanh Truyện), số 485, iv. 282-288: Canda Kinnara.

1 Yamaka Patihariya là phép thần thông mà chỉ một vị Phật mới có. Xem bản chú giải Patisambhidamagga,I,125; Túc-Sanh-Truyện (Jataka) tập VI, trang 479, số 56; Dhammapadattha katha tập III, trang 163-164; Mahavastu III 115.

[32] Vua Suddhodana đảnh lễ Phật lần thứ nhứt khi thấy hoàng tử, lúc mới sanh, gác chân lên đầu tóc đạo sĩ Asita; lần thứ nhì trong lễ hạ điền, khi thấy thái tử ngồi thiền định dưới gốc cây nigrodha.


3 atoanmt  
0


[33] Xem kinh Jataka 547: vi. 479-593.

[34] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 229-230; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101; The Buddha and His Teachings, trang 139-140.

[35] Xem The Buddha and his teachings,trang 139-140; Buddha and the Gospel of Buddhism,trang 41; Buddhist Legends, quyển I, trang 218-219.

[36] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 230-233; The Buddha and His Teachings, trang 128-130; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101-102; Tứ Phần Luật; Ðại Chánh TTÐT Kinh 1428.

[37] Khu-ô sa-di là hàng sa-di từ 7 đến 13 tuổi, lo việc đuổi quạ trong lúc các vị khất sĩ ngồi thiền.

[38] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 233-236.

[39] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 237-243; The Life of Buddha as Legend and History, trang 102-103; Buddhist Legends, quyển III, trang 276-270.

[40] Anuruddha : A-Na-Luật, A-Nậu-Lâu-Ðà. (Xem phần Phụ Ðính: 10 đệ tử lớn của Phật: Anuruddha)

[41] Kimbila : Kim-Tỳ-La, Khâm-Bà-La.

[42] Trong tuần lễ đầu tiên khi mới xuất gia thái tử Siddhattha cũng đã ở tại đây.

[43] Bhaddiya (Bạt-Ðề) là con của Dhotodana (Hộc-Phạn). Dhotodana là em của vua Tịnh-Phạn.

[44] Sa-di (samanera), sa-di-ni (samaneri) là ngườI tập sự xuất gia nam và nữ.

Sa-di phải thọ 10 giới: 1-Không sát sanh; 2-Không trộm cắp; 3-Không dâm dục; 4-Không nói dối; 5-Không uống rượu; 6-Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng; 7-Không xức nước hoa, đeo đồ trang sức; 8-Không múa hát xướng ca, không xem, không nghe; 9-Không cầm giữ tiền bạc và vật quý giá; 10-Không ăn phi thời.

[45] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 186.

[46] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 188.

[47] Theo kinh Buddhacarita của Tổ Asvaghosa; xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 170-171.

[48] Ðầu-đà (dhuta): khổ hạnh vừa phải, thiểu dục tri túc.

[49] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 242-243; Ðại Chánh TTÐT Kinh 1428: Tứ Phần Luật.

[50] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 104; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 43; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 245-250.

[51] Xem The Buddha and His Teaching, trang 164-166.

[52] Sravasti hay Savatthi hiện nay là thành phố Saheth-Maheth thuộc tiểu bang Uttar-Pradesh.

[53] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 248-249.

[54] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 251-253; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428: Tứ Phần Luật.

[55] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 253-255.

[56] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 255-256.

[57] Không nên lầm với Sunakkhatta (Thiện-Tinh) là con của thái tử Siddhattha với một thứ phi.

[58] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 257.

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]