Thứ Sáu
29 Mar 2024
1:25 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA 15
26 Mar 2015, 3:24 PM
Phật thuyết pháp lần thứ ba trong hoàng cung [35]


Thấm thoát mà giáo đoàn đã ở lại Kapilavatthu gần sáu tháng. Số người đến xin xuất gia với Phật hoặc với các vị khất sĩ lớn đã lên tới gần năm trăm vị. Số cư sĩ tại gia thì đông quá không thể đếm xiết. Vua Suddhodana đã dâng cúng cho giáo đoàn một cơ sở mới để có đủ chỗ trú ngụ cho các vị khất sĩ. Đó là cung điện mùa hè ngày xưa của thái tử Siddhattha, có vườn cây rộng mát nằm về phía bắc Kapilavatthu. Đại đức Sàriputta đưa vài trăm vị khất sĩ về tu viện này. Tăng đoàn đặt được cơ sở vững chắc cho sự hành đạo tại vương quốc Sàkya.

Trước khi đức Phật trở về tinh xá Venuvana cho kịp mùa an cư như đã hứa với vua Bimbisàra và tăng đoàn tại đó, vua Suddhodana thỉnh Phật vào cung để cúng dường và nghe pháp. Cả hoàng tộc và triều đình đều đến tham dự.

Trong buổi thuyết pháp này, đức Phật nói về đạo đức và chính trị :

–Thưa quý vị, đạo đức là ngọn hải đăng soi sáng cho con thuyền chính trị. Người làm chính trị nên nương theo đạo đức để thực hiện công bằng xã hội, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho mọi người dân.

Người làm chính trị phải biết tu dưỡng bản thân, dùng lòng từ bi bác ái tổ chức guồng máy chính trị và kinh tế. Không nên sống đời giàu sang thái quá, không nên mải mê thụ hưởng dục lạc, nên dành nhiều thì giờ lo việc ích nước lợi dân và khuyến khích dân chúng sống đời đạo đức, giữ gìn 5 giới ...


Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và quần thần chăm chú lắng nghe. Hoàng thúc Dhotodana (Hộc Phạn), chú ruột của Phật, nói :

–Con đường đức trị mà Thế Tôn vừa nêu ra thật đẹp đẽ. Nhưng có lẽ ở đây chỉ có Thế Tôn mới có đủ tư cách và đức độ để thực hiện mà thôi. Vậy Thế Tôn nên ở lại Kapilavatthu để kế nghiệp hoàng huynh Suddhodana, giữ lấy giềng mối chính trị tại vương quốc Sàkya này hầu tạo an lạc và hạnh phúc cho muôn dân.

–Tuổi trẫm đã cao, vua Suddhodana nói, nếu Thế Tôn chịu ở lại thì trẫm sẽ thoái vị ngay. Với đạo đức, uy tín và tài trí của Thế Tôn, trẫm tin chắc là quốc dân sẽ hoàn toàn ủng hộ, và chẳng bao lâu vương quốc sẽ trở nên giàu mạnh, lẫy lừng.

–Tâu Phụ vương và hoàng thúc, đức Phật mỉm cười đáp, con đã xuất gia, giờ đây con không còn là người của một gia đình, của một dòng họ hay của một tổ quốc nữa. Hiện nay gia đình của con là nhân loại, nhà cửa của con là trời đất, địa vị của con là một khất sĩ sống nhờ vào hột cơm bố thí của mọi người.

Con đường mà con đã chọn là con đường của người tu sĩ chứ không phải con đường của nhà chính trị. Con nghĩ là con sẽ phụng sự hữu ích hơn cho nhân loại và chúng sanh với tư cách của một tu sĩ.


Hoàng hậu Gotamì và Yasodharà chăm chú cúi mặt ngồi nghe với hai dòng nước mắt chảy dài trên má.

Đức Phật tiếp tục thuyết giảng về tam quy, ngũ giới và cách thức hành trì năm giới trong phạm vi gia đình và xã hội để đem lại đời sống an lành cho mọi người.

Phật đến thành phố Anupiya thuộc xứ Malla
[36]

(Ànanda, Anuruddha, Bhaddiya, Bhagu, Devadatta, Kimbilavà Upàli xuất gia)
[37][38][39][40][41]

Đức Phật rời Kapilavatthu đi về phía tây nam với một trăm hai mươi khất sĩ, đến thành phố Anupiya[42]thuộc xứ Malla, tạm trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anomà. Đi theo Phật còn có các đại đức Sàriputta, Kàludàyi, Nandà và chú sa di Ràhula.

Lúc Phật còn ở tinh xá Nigrodha thuộc ngoại ô Kapilavatthu, nhiều thanh niên trong hoàng tộc đã đến xin xuất gia, phần nhiều thuộc những gia đình có từ ba người con trai trở lên.

Sau khi Phật rời Kapilavatthu độ một tuần, có hai anh em ruột tên Mahànàma và Anuruddha, con của hoàng thúc Sukkodana (Bạch Phạn)[43], cũng muốn xin xuất gia. Thấy nhiều bạn hữu của mình trong hoàng tộc đã đi xuất gia với Phật, Mahànàma cũng muốn được đi xuất gia. Chàng bàn với em :

–Này Anuruddha, nhà ta chưa có ai xuất gia theo Phật cả, vậy một trong hai anh em mình nên có một đứa đi xuất gia.

–Thân em ốm yếu hơn anh, chắc em không kham nổi đời sống khất sĩ, vậy anh đi xuất gia đi.

–Được rồi, vậy phần em ở lại nhà lo việc ruộng vườn nhé !

–Lo việc ruộng vườn là làm sao ?

–Là phải trông nom việc cày bừa, trồng trọt, gặt hái, vân vân cho đúng mùa màng thời tiết để thu hoạch được nhiều hoa lợi cho gia đình.

–Thôi thôi, những việc đó em hoàn toàn mù tịt. Để em đi xuất gia làm khất sĩ có vẻ khoẻ hơn.

–Em muốn đi xuất gia cũng được. Tùy ý em chọn lựa.


Anuruddha liền đến xin phép mẹ đi xuất gia, bà Kàligodhàya nói :

–Chừng nào bạn của con là Bhaddiya đi xuất gia thì mẹ sẽ đồng ý cho con đi xuất gia.
Bà nói vậy vì bà nghĩ rằng Bhaddiya là người có chức vị cao, danh vọng và quyền hành lớn, chắc không thể bỏ đi tu. Anuruddha nghe mẹ nói liền tìm tới Bhaddiya hiện đang trấn thủ các tỉnh miền bắc vương quốc Sàkya. Dưới quyền chàng có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Bhaddiya tiếp Anuruddha như một thượng khách. Anuruddha bảo bạn :

–Tôi muốn đi xuất gia theo học với Phật, nhưng không đi được cũng tại vì anh.

–Tại sao vì tôi mà anh không xuất gia được ? Bhaddiya cười hỏi. Tôi cấm anh xuất gia hồi nào ? Trái lại tôi sẽ làm đủ mọi cách cho anh xuất gia nữa là khác.


Anuruddha kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi nói tiếp :

–Anh vừa hứa với tôi là anh sẽ làm đủ mọi cách cho tôi được xuất gia. Nhưng chỉ có cách duy nhất là anh cùng đi xuất gia với tôi.


Bhaddiya bối rối, thấy mình sơ ý bị kẹt lời hứa. Không phải chàng không hâm mộ Phật với đạo lý giác ngộ giải thoát của người. Chàng cũng có ý định xuất gia, nhưng không phải ngay bây giờ. Chàng nói :

–Bảy năm nữa tôi sẽ đi xuất gia. Anh cứ yên chí đợi tôi.

–Bảy năm nữa thì lâu quá. Biết tôi có còn sống đến lúc ấy hay không ?

–Sao anh bi quan quá vậy ? Bhaddiya cười nói. Nhưng thôi, tôi cũng chìu ý anh. Vậy anh hãy đợi tôi ba năm nữa.

–Ba năm cũng còn lâu !

–Thôi thì bảy tháng. Tôi còn phải thu xếp gia đình, xin từ chức và bàn giao quyền hành lại cho người khác.

–Đã xuất gia thì cần gì phải sắp đặt lâu như thế. Xuất gia là từ bỏ tất cả để đi theo con đường xuất trần siêu thoát. Đợi lâu như thế lỡ anh đổi ý thì sao?

–Anh đã nói vậy thì bảy hôm nữa tôi sẽ đi với anh. Thôi, anh yên chí về đi.


Anuruddha mừng rỡ về báo cho mẹ và anh biết tin. Bà mẹ không ngờ quan tổng trấn Bhaddiya lại chịu bỏ chức tước, danh vọng một cách dễ dàng như thế. Bà chợt ý thức được tầm cao siêu của đạo lý giải thoát và bằng lòng cho con xuất gia.

Anuruddha rủ thêm được một số bạn hữu nữa cùng đi xuất gia, gồm có Ànanda, Bhagu, Devadatta và Kimbila. Ànanda là con của hoàng thúc Amitodana (Cam Lộ Phạn). Devadatta là con của vua Suppabuddha (Thiện Giác) và hoàng hậu Amità. Suppabuddha là anh ruột của Mahà Màyà và Pajàpati Gotamì. Amità là em gái của vua Suddhodana. Devadatta cũng là em trai của Yasodharà. Trong số sáu vị vương tử sắp xuất gia thì cao niên nhất là Bhaddiya, lớn hơn đức Phật vài tuổi, nhỏ nhất là Ànanda mới được mười tám tuổi, được phép cha là hoàng thúc Amitodana cho xuất gia.

Sáu vị vương tử đi bằng xe tứ mã đến sát biên giới xứ Malla thì xuống xe, cho xe trở về, rồi cùng nhau đi bộ đến Anupiya, cách biên giới không xa. Anuruddha đề nghị mọi người cởi bỏ hết đồ trang sức quý giá, chỉ ăn mặc thật đơn giản trước khi qua biên giới. Mọi người tán thành. Họ cởi những xâu chuỗi ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra gói lại trong một cái áo.

Khi vừa đến một làng nhỏ thì họ gặp một tiệm hớt tóc nghèo nàn. Anh thợ hớt tóc là một thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới. Anuruddha ghé vào quán hỏi thăm đường đi đến thành phố Anupiya. Anh thợ hớt tóc cho biết tên anh là Upàli và tình nguyện dắt sáu người khách lạ đi một đoạn đường sang biên giới.

Upàli đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya, rồi vái chào các vương tử để trở về. Anuruddha cám ơn Upàli và trao cho Upàli cái áo gói đầy châu báu trong đó. Chàng nói :

–Này Upàli, chúng tôi muốn theo Phật xuất gia. Chúng tôi không cần dùng những thứ trang sức châu báu này nữa. Chúng tôi tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.

Các vương tử từ giã Upàli rồi lên đường. Anh thợ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe mắt. Anh không tin đây là sự thật. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ, anh cảm thấy mất hết sự an ổn thảnh thơi hằng ngày. Anh sợ kẻ tham biết được sẽ giết anh để cướp đoạt. Anh sợ quan quân biết được sẽ cho anh là kẻ trộm cắp.

Upàli suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu sang đến thế, quyền hành như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia, thì chắc việc xuất gia phải có cái gì quý báu hơn giàu sang danh vọng. Anh chợt có ý nghĩ liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử. Anh treo gói châu báu lên một cành cây gần đó, thầm nhủ rằng ai là người đầu tiên thấy gói châu báu này thì gói châu báu này sẽ thuộc về người ấy. Rồi anh lật đật chạy theo các vương tử.

Các vương tử ngạc nhiên thấy Upàli chạy theo vừa tới. Devadatta hỏi :

–Upàli, anh chạy theo chúng tôi làm chi ? Bọc châu báu anh để đâu ?

Upàli thở hổn hển, rồi kể lại câu chuyện. Anh ta nói đã treo gói châu báu lên một cành cây, vì khi cầm gói châu báu ấy trên tay anh cảm thấy lo sợ cho tánh mạng, tâm không an. Anh xin các vị vương tử cho phép anh cùng đi theo đến Anupiya để xin xuất gia với Phật. Devadatta cười ha hả :

–Anh mà cũng muốn đi xuất gia như chúng tôi à ?


Nhưng Anuruddha và Bhaddiya tán thành ngay :

–Hay lắm, như vậy chúng ta cùng đi. Có anh dẫn đường càng dễ dàng cho chúng tôi.

Phật và tăng đoàn đang cư trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anomà, gần thành phố Anupiya thuộc xứ Malla. Bảy người tìm tới nơi xin gặp Phật. Bhaddiya thay mặt cả nhóm trình lên Phật ý nguyện của họ xin được xuất gia. Phật im lặng chấp thuận. Bhaddiya nói :

–Chúng con xin Thế Tôn cho Upàli được xuất gia trước. Như vậy chúng con phải xem Upàli như một sư huynh để trừ ý niệm phân biệt kỳ thị còn sót lại trong lòng chúng con.

Đức Phật khen ngợi cả bảy người, rồi cho Upàli xuất gia trước, sau đến sáu vị vương tử.
Ànanda tuy mới mười tám tuổi cũng được xuất gia, nhưng chỉ thọ giới sa di [44] (tiểu giới, Pabbajjà) và học theo hạnh khất sĩ.
Đúng hai mươi tuổi chàng mới được thọ giới khất sĩ (đại giới, upasampada).
Lúc bấy giờ Ànanda là người trẻ nhất trong tăng đoàn, trừ Ràhula.

Ngay trong năm đó đại đức Bhaddiya chứng được Tam minh, Anuruddha chứng được Thiên nhãn, Ànanda chứng quả Dự lưu, Devadatta đạt được các thần thông.









TRUYỆN PHẬT GIÁO

TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 952 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 1 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 1
1 atoanmt  
0
[35]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 233-236.

[36]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 237-243; The Life of Buddha as Legend and History, trang 102-103; Buddhist Legends, quyển III, trang 267-269; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 337-344.
[37]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 260: Ànanda (Ànanda có nghĩa là “Khánh hỷ” vì bà con thân tộc nói ngài sanh ra mang đến điềm lành vui vẻ cho cả gia đình).

[38]Anuruddha (A Na Luật, A Nậu Lâu Đà) Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 256: Anuruddha.

[39]BhaddiyaKàligodhàyaputta (Bạt Đề), còn gọi là Bhaddiya Sukhavihàri, là con của Dhotodana (Hộc Phạn vương). Dhotodana là em vua Suddhodana (Tịnh Phạn).

[40]Kimbila: Kim Tỳ La, Khâm Bà La.

[41]Xem Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 180: Upàli.

[42]Trong tuần lễ đầu tiên khi mới xuất gia thái tử Siddhattha cũng đã ở tại đây.

[43]Theo Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 256 (Anuruddha), thì Anuruddha và anh là Mahanama là con của Amitodana (Cam Lộ Phạn).

[44]Sa di(sàmanera), sa di-ni(sàmaneri) là ngườI tập sự xuất gia nam và nữ, từ 15 tuổi trở lên.

Sa di phải thọ 10 giới: 1-Không sát sanh; 2-Không trộm cắp; 3-Không dâm dục; 4-Không nói dối; 5-Không uống rượu; 6-Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng; 7-Không xức nước hoa, đeo đồ trang sức; 8-Không múa hát xướng ca, không xem, không nghe; 9-Không cầm giữ tiền bạc và vật quý giá; 10-Không ăn phi thời.

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]