Thứ Năm
25 Apr 2024
3:01 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA 13
26 Mar 2015, 3:21 PM
Nandà xuất gia [29]


Nửa tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Phật tới thọ trai trong hoàng cung để vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Phật thuyết pháp. Lần này vua chỉ mời Phật, thầy Sàriputta, thầy Kàludàyi và thầy Nàgasamàla.

Trong không khí gia đình, sau bữa ngọ trai, Phật đã giảng dạy về cách quán niệm hơi thở, quán chiếu các cảm thọ của 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), phương pháp thiền hành và thiền tọa. Ngài chú trọng đến cách thức quán chiếu để vượt qua những phiền muộn, nóng giận trong đời sống hằng ngày.

Ngài chỉ cách duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm. Yasodharà, Ràhula, Nandà[30]và Sundarì Nandà đều có mặt trong buổi thuyết pháp này. Ràhula rất thích ở bên cạnh thầy Sàriputta và nắm lấy tay thầy.

Khi Phật ra về, mọi người đưa ngài ra đến cổng hoàng thành. Đức Phật trao bình bát của ngài cho Nandà cầm, chấp tay xá chào vua Suddhodana và từ giã mọi người. Nandà đứng ôm bát, chờ Phật chào xong thì trả bát lại. Nhưng Phật không lấy bát lại mà lặng thinh, trang nghiêm, thong thả, nhìn thẳng xuống đất phía trước mặt, bước lần về tu viện Nigrodha. Nandà không dám quấy rầy, lặng yên cầm bát theo sau.[31]

Về tới tu viện, Phật bảo Nandà ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm tại đây. Vừa thương vừa kính Phật, Nandà vâng lời. Thấy nếp sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị thái tử trẻ đem lòng mến mộ.

Một hôm Phật hỏi Nandà có muốn xuất gia theo Phật tu học một thời gian không. Nandà đáp có. Phật bảo thầy Sàriputta làm lễ xuất gia cho Nandà. Nandà vì quá nể Phật nên chịu lễ xuất gia, nhưng trong lòng vẫn thương nhớ người vợ đẹp mới cưới là Janapada Kalyani [32].
Nandà tâm sự:
- Sư huynh biết không, tôi còn nhớ hôm tôi cầm bình bát theo Phật từ đền vua về tinh xá Nigrodha, công nương Janapada Kalyani đã bước đến nói thật nhỏ nhẹ vào tai tôi "Ðiện hạ đi mau về nhé, em chờ điện hạ. Ðừng đi lâu, em buồn, em nhớ!" Thế mà bây giờ đã hơn một năm tôi xa nàng. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lại người vợ mới cưới trẻ đẹp, dịu hiền, để nàng phải sầu muộn trông chờ, tuyệt vọng.
Tôi nay tuy đã thọ lễ xuất gia để sống đời đạo hạnh cao thượng, nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì tôi cảm thấy rất ân hận, không còn chịu nỗi nữa. Tôi có ý định từ bỏ những giới luật thanh cao này, xin Thế Tôn cho tôi trở về đời sống của người cư sĩ tại gia để được gần nàng.


Chiều hôm sau, Phật gọi Nanda cùng đi thiền hành. Ngài hỏi đại đức Nanda có quả thật đã nói như thế không. Ðại đức Nanda nhìn nhận tinh thần của mình suy nhược vì lo ngại cho vị tân nương đang đau khổ mong chờ mình. Phật bảo:

- Này Nanda, cuộc đời là đau khổ, nào ai tránh khỏi. Nếu có em ở bên cạnh thì Kalyani cũng lại đau khổ vì nguyên nhân khác thôi, như ghen tương, lo lắng, bệnh hoạn, già yếu, vân vân ... Chỉ có người giác ngộ, biết sống đời tỉnh thức trong thiền định và thanh tịnh mới có được sự an lạc nội tâm, không tùy thuộc ngoại cảnh. Sau khi trút bỏ thân này, ít ra cũng được sanh về cõi trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) để hưởng đầy đủ lạc thú. Em có muốn đi xem cảnh trời Ðao-Lợi để thấy chúng sanh nơi đó sinh sống như thế nào không?

- Thưa Thế Tôn, em muốn lắm. Nhưng đi bằng cách nào?

- Em cứ ngồi thiền định bên cạnh ta, ta sẽ đưa em đi.


Ðức Phật tìm nơi thanh vắng, hai người cùng ngồi thiền định dưới một cội cây cổ thụ. Ðức Phật dùng thần lực đưa Nanda vào cung trời Tavatimsa. Trên đường đi, ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa hoạn, Nanda thấy một con khỉ cái, bị cháy tai, cháy mũi, cháy đuôi, đang cố bám lấy thân cây trụi lá. Khi đến cảnh trời, Nanda bỗng cảm thấy hân hoan sung sướng lạ lùng. Mọi vật nơi đây đều tươi đẹp, sáng rỡ: các tiên nữ xinh đẹp đang múa hát trong những cung điện nguy nga tráng lệ, cảnh vật đều mang sắc thái an lạc, thanh tịnh, gợi trong tâm Nanda một niềm vui khó tả.


Nanda quên mất cảnh hạ giới, quên luôn người vợ mới cưới, chàng như bị thôi miên trước khung cảnh lộng lẫy trang nghiêm cõi trời. Ðức Phật lên tiếng:

- Này Nanda, em thấy các tiên nữ nơi đây và công nương Janapada Kalyani ai đẹp hơn?

- Bạch Thế Tôn, nếu so với các tiên nữ nơi đây thì Kalyani chẳng khác nào con khỉ cái bị cháy đang cố bám lấy thân cây khi nãy.

- Này Nanda, vậy em hãy hăng hái, cố gắng lên. Như Lai bảo đảm rằng nếu em tinh tấn thực hành giáo pháp của Như Lai thì sau khi mạng chung, em sẽ được tái sanh đến đây sống chung với các tiên nữ này.


Như một đứa trẻ được khuyến khích, đại đức Nanda bạch:

- Thưa Thế Tôn, đệ tử nguyện sẽ cố gắng tu tập giáo lý cao thượng để được sanh về cõi trời Tavatimsa này.


Khi các vị tỳ kheo biết đại đức Nanda cố gắng sống đời đạo hạnh thanh cao, và siêng năng tu tập thiền định chỉ vì mong được sanh về cõi trời Tavatimsa để sống chung với các tiên nữ thì chế nhạo đại đức là người "làm thuê" để mong được Phật thưởng công theo lời cam kết. Ðại đức Nanda tỉnh ngộ mục tiêu thấp hèn của mình, lấy làm hổ thẹn, gạt bỏ tư tưởng xấu, tận lực cố gắng tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán. Ðại đức đến bạch với Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn hãy hủy bỏ lời hứa là nếu đệ tử cố gắng tu tập sẽ được sanh về cõi trời Tavatimsa sống chung với các tiên nữ.

- Này Nanda, chừng nào tâm thầy được hoàn toàn thanh tịnh, không còn vướng chút bợn nhơ nào nơi trần thế, lúc ấy Như Lai sẽ hủy bỏ lời hứa.


Khi có vài vị tỳ kheo tỏ vẻ hoài nghi về thành quả tu tập của đại đức Nanda, đức Phật nói:

- Trước kia Nanda như một mái nhà dột nát, nhưng ngày nay thầy ấy như một mái tranh dày. Nước mưa không thể lọt qua được lớp tranh dày của một mái nhà lợp kín. Cũng thế, dục vọng không thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ.


Trong hàng đệ tử của Phật, đại đức Nanda nổi tiếng là người tự kiểm soát chặt chẽ nhất.

Theo kinh Theragatha, chính đại đức Nanda đã thốt ra những lời sau đây:

- Có một thuở, tôi vừa nhẹ dạ vừa nông cạn. Tâm trí tôi chỉ chăm chú vào lòng can đảm bộc lộ ra ngoài. Quả tôi thật nhẹ dạ và nông nổi. Tất cả ngày tháng của tôi bị phung phí tiêu hao trong nhục dục, phóng đãng, si tình.

Nhưng nhờ sự khéo léo và lòng từ bi quảng đại của đức Thế Tôn, nguyên là dòng dõi hoàng tộc, tôi có diễm phúc được đưa vào đời sống thanh cao với những tư tưởng sâu xa thâm diệu. Và từ ao tù vô tận của đời sống, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát.










TRUYỆN PHẬT GIÁO

TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 964 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 1 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 1
1 atoanmt  
0
[29]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 229-230; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101; The Buddha and His Teachings, trang 139-140.

[30]Nandà có nghĩa là hoan hỉ, vì lúc sanh ngài cả hoàng tộc đều vui mừng (Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, 139: Nanda).

[31]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 139: Nanda.

[32]Xem The Buddha and his teachings, trang 139-140; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 41; Buddhist Legends, quyển I, trang 218-219.

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]