Thứ Năm
25 Apr 2024
10:20 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA 11
26 Mar 2015, 3:13 PM
Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

Kiều Nữ Ambapàli gặp Phật [21]



Vào đầu tháng mười năm 588 trước tây lịch, khi mùa an cư gần mãn, có một thiếu phụ rất đẹp đến Venuvana (Trúc Lâm) xin gặp Phật. Nàng đi xe song mã màu trắng, cả hai con ngựa cũng màu trắng. Thiếu phụ bước xuống xe, nàng trang sức cực kỳ lộng lẫy với dáng điệu rất quý phái. Một khất sĩ trẻ tuổi đưa nàng từ cổng tinh xá đến trước am Phật. Gặp lúc Phật đang đi thiền hành, vị khất sĩ mời thiếu phụ ngồi xuống cái ghế tre đặt trước sân.

Một lát sau Phật về tới, cùng với Sàriputta, Kàludàyi và thầy thị giả[ 22] Nàgasamàla. Thiếu phụ đứng dậy vái chào. Đức Phật mời hai người ngồi xuống, rồi tự mình ngồi vào chiếc ghế thứ hai được đặt sẵn.

Mặc dù đã quen sống trong triều nội, Kàludàyi chưa bao giờ thấy một người đàn bà xinh đẹp lộng lẫy và duyên dáng như thế. Thầy mới xuất gia được một tháng nên rất bỡ ngỡ, không biết nhìn ngắm một người đàn bà đẹp như vậy có đúng phép không. Thầy thị giả Nàgasamàla cũng có phản ứng như thế. Cả hai thầy đều nhìn xuống đất.

Chỉ có Phật và Sàriputta nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ mà thôi. Sàriputta nhìn thiếu phụ rồi quay sang nhìn Phật. Thầy thấy sắc diện Phật hiền lành trong sáng như mặt trăng rằm. Hào quang tự tại và an lạc của Phật thấm vào lòng thầy.

Ambapàli cũng đang nhìn Phật. Bà chưa thấy ai nhìn bà như vậy bao giờ. Từ trước đến nay mỗi khi có một người đàn ông hay một thanh niên nhìn bà, bà đều thấy trong ánh mắt người đó một thoáng bối rối, một thoáng mơ ước, hoặc một dự tính chiếm hữu. Phật đang nhìn bà như nhìn một đám mây, một dòng sông hay một đóa hoa. Hình như ngài thấy được những cảm nghĩ sâu kín trong tâm hồn bà. Ambapàli chắp tay bạch :

–Con là Ambapàli, con đã được nghe nói về thầy và con rất ao ước được có duyên lành tới học hỏi cùng thầy.

–Tốt lắm, vậy mỗi khi rỗi rảnh bà cứ tự tiện tới Venuvana để học hỏi với quý thầy.

Ambapàli đã tưởng rằng Phật chỉ là một đạo sư nổi tiếng như những đạo sư nổi tiếng khác mà bà đã từng gặp. Nhưng không, bà chưa từng gặp một đạo sư nào như Phật. Bà chưa thấy ai có tư cách đáng kính phục và quý mến như Phật. Qua cái nhìn dịu hiền và từ ái của Phật, bà có cảm tưởng như ngài đã thấu hiểu tất cả những tâm sự khổ đau thầm kín của bà, bà không cần phải nói ra. Được gần Phật, bà cảm thấy vơi bớt rất nhiều nỗi khổ. Một giọt nước mắt ứa ra trên khóe mi, bà nói :

–Lạy thầy, đời con khổ lắm. Tuy rằng con không thiếu thốn gì về phương diện vật chất, nhưng con chưa bao giờ có được một niềm tin. Hôm nay là ngày sung sướng nhất của đời con.

Ambapàli năm nay độ 32 tuổi. Nàng là một ca nhi già giặn, tài ba, sắc sảo, nhưng nàng không hát cho bất cứ ai. Những người mà nàng nhận thấy thiếu phong độ và tư cách thì dù có trả bao nhiêu tiền nàng cũng từ chối. Từ năm 16 tuổi, nàng đã gặp một cuộc tình duyên trắc trở làm cho nàng đau khổ. Nỗi khổ càng tăng với lòng ganh ghét và thù hận. Nàng quý tự do như bảo vật duy nhất còn lại trong đời nàng. Cho nên từ ấy đến nay chưa ai trói buộc được nàng.

Phật bảo Ambapàli :

–Nhan sắc cũng chịu luật sinh diệt và cũng sẽ tàn phai theo thời gian như bao nhiêu hiện tượng khác. Của cải và sự giàu sang cũng vậy. Chỉ có niềm an lạc và cái tự do do công phu thiền định và quán chiếu đem tới mới là hạnh phúc chân thật mà thôi. Này Ambapàli, đã đến lúc bà phải tập sống đời sống tỉnh thức an lạc. Phải quý trọng từng giây phút còn lại của đời mình, đừng lãng phí đời bà trong sự vui chơi để tìm quên lãng. Điều này rất quan trọng cho hạnh phúc của bà.


Rồi Phật dạy cho Ambapàli cách tổ chức lại cuộc sống hằng ngày, cách hành trì năm giới, cách thở, cách ngồi thiền, cách sử dụng thì giờ, cách cúng dường và làm việc phước thiện. Ambapàli sung sướng ngồi nghe những lời dạy quý báu của Phật. Cuối cùng, trước khi từ giã Phật, bà nói :

–Tại ngoại ô thành Vesàlì, con có một vườn xoài rất mát mẻ và thanh tịnh ở làng Amvara. Con mong thầy và chư vị khất sĩ, trên đường đi hoằng hóa, có dịp ghé nơi ấy nghỉ ngơi. Điều đó sẽ là một vinh hạnh lớn cho con. Kính xin đức từ bi hoan hỉ nhận lời.

Phật mỉm cười nhận lời. Bà Ambapàli đi rồi, thầy Kàludàyi xin phép được ngồi xuống bên Phật. Thầy thị giả mời đại đức Sàriputta ngồi trên chiếc ghế còn lại, còn thầy thì khoanh tay đứng hầu sau lưng Phật. Một số khất sĩ đang đi thiền hành gần đấy, thấy khung cảnh ấm cúng cũng ghé vào. Đại đức Sàriputta mỉm cười nhìn Kàludàyi và thầy thị giả Nàgasamàla rồi hỏi Phật :

–Thưa Thế Tôn, người xuất gia nên có thái độ nào đối với phái nữ ? Sắc đẹp của phái nữ có phải là một trở ngại cho công phu tu tập không ?

Phật nhìn Nàgasamàla và các vị khất sĩ trẻ, đáp :

–Này các thầy, tự tính của vạn vật không có đẹp xấu. Đẹp xấu là do cảm thọ hay nhận thức của mỗi người tùy nghiệp riêng của mình mà phát sanh. Do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà sanh ra nhãn thức. Nhãn thức tùy nghiệp của mỗi người mà sanh ra cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Cảm thọ dễ chịu sanh ra ý niệm đẹp, Cảm thọ khó chịu sanh ra ý niệm xấu. Một nghệ sĩ và một nông dân chất phác có quan niệm khác nhau về đẹp và xấu.

Do đó, tùy theo quan niệm của mỗi người mà một dòng sông, một đám mây, một chiếc lá, một bông hoa, một tia nắng sớm, một buổi chiều vàng có vẻ đẹp khác nhau. Nhưngkhông có sắc đẹp nào có thể trói buộc và làm mất ý chí của nam nhi bằng sắc đẹp của người phụ nữ. Không có thanh, hương, vị, xúc nào làm say đắm tâm trí đàn ông bằng thanh, hương, vị, xúc của đàn bà. Tham đắm vào nữ sắc thường làm mất chí nguyện và sự nghiệp lớn lao của nam giới. Vì vậy Như Lai muốn căn dặn quý thầy hãy rất cẩn thận đối với nữ sắc (Tăng Chi Bộ, chương 1 pháp, kinh 1: Nữ sắc).

Đối với những người đã đạt đạo, đã tự giải thoát ra khỏi sự khống chế của cảm thọ, ái dục và ý thức, đã vượt ra ngoài những ý niệm đối đãi đẹp/xấu, hay/dở, phải/quấy thì mọi việc đều được dễ dàng, mỗi lời nói, cử chỉ, hành động đều hợp Chánh Pháp. Nhưng đối với những người tu hành chưa đủ công phu, quán chiếu chưa được thuần thục, định tuệ chưa đủ sức mạnh, thì Như Lai khuyên họ không nên gần gũi nữ sắc, mà phải để hết thì giờ vào việc học hỏi và thiền tập. Chỉ có cái đẹp của tâm giải thoát và lòng từ bi là cái đẹp vĩnh cửu mang đến cho ta niềm an lạc chân thật.


Kàludàyi, Nàgasamàla và các vị tỳ kheo có mặt đều rất sung sướng được nghe lời Phật dạy.

Khi mùa an cư hoàn mãn, vào ngày trăng tròn tháng Assayuja, Phật bảo Kàludàyi và Channa về Kapilavatthu trước để báo tin cho vua Suddhodana và Yasodharà hay ngày Phật trở về.









TRUYỆN PHẬT GIÁO

TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 770 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 1 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 1
1 atoanmt  
0
[21]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 203-207.

[22]Thị giả (antevasin, upatthaka) là người hầu cận sư phụ hay một vị trưởng lão.

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]