Thứ Năm
28 Mar 2024
11:10 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

NGƯỜI HAY NÓI DỐI
25 Feb 2011, 4:16 PM

La Hầu La là con trai duy nhất của Phật, ra đời khi Ngài rời cung vua đi tìm giác ngộ. Năm 7 tuổi, ông được tôn giả Xá Lợi Phất cho thọ giới làm Sa di nhân Phật về thăm Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên sau khi đạt giác ngộ. Dù đã thọ giới Sa di nhưng còn trẻ tuổi, La Hầu La chưa ý thức rõ hết tầm quan trọng của con đường mới và cũng chưa đủ kiến thức để lãnh hội chánh pháp.

Trong tăng đoàn La Hầu La giống như một cái máy, các bậc trưởng thượng bảo sao nghe vậy, chẳng biết trách nhiệm của một sa di phải làm những gì? Khi Xá Lợi Phất nhận thêm chú bé Quân Ðầu vào làm Sa di, La Hầu La bắt đầu có bạn và thường bày các trò chơi nghịch ngợm, dối gạt người khác. Lúc ở rừng Ôn Tuyền, ngoài thành Vương Xá, có nhiều quan quyền, trưởng giả, cư sĩ đến hỏi nơi Ðức Phật đang thuyết giáo để viếng thăm, La Hầu La thường trêu chọc bằng cách chỉ không trúng chỗ. Nếu Phật ở Tinh Xá Trúc Lâm, La Hầu La bảo ở Kỳ Xà Quật, ngược lại nếu Phật ở Kỳ Xà Quật, La Hầu La chỉ ở Trúc Lâm, hai nơi này cách nhau đến những 5 dặm. Nhiều người không bằng lòng cách trêu chọc của La Hầu La, nhưng La Hầu La vừa là Sa di, vừa là con Phật lại thuộc dòng họ quyền quý, nên không ai dám chỉ trích hoặc trách cứ. Chuyện nghịch ngợm dối gạt để mua vui lâu ngày cũng đến tai Phật. Phật không vui chút nào, vì đã là một Sa di mà tập khí vương giả, tính ý lại chưa tẩy trừ được, Ðức Phật đích thân đến vườn Ôn tuyền khiển trách La Hầu La.

Khi nghe tin Phật đến, La Hầu La vội vàng ra nghinh đón. Thấy Ðức Phật rất oai nghiêm từ xa mới đến, La Hầu La đem nước đến để Phật rửa chân. Rửa xong, Phật chỉ nước trong chậu hỏi La Hầu La:

- Này La Hầu La! Nước này có thể uống được không?

- Bạch Thế Tôn! Không thể uống.

- Tại sao?

- Vì nước đã ô uế.

- Này La Hầu La! Ông cũng giống như thứ nước đó. Thời gian xuất gia làm Sa di khá dài, nhưng với lề thói xấu xa, ông chưa dứt được. Nước ô uế không uống được, thân tâm những người còn ô uế các tập khí có khác gì đâu? Hình thức xuất gia mà thân, khẩu, ý còn trần tục tất không thể thăng hoa. Người rời bỏ thế tục phải giữ lòng thanh tịnh, hành vi cử chỉ nhẹ nhàng, nói năng ngọt ngào, lựa lời mà nói. Xuất gia mà không trừ bỏ ba độc uế, chẳng khác gì nước dơ, nước không sạch người ta sẽ đem đổ, con người mang nhiều tật xấu ắt sẽ sa đọa tương lai đen tối.

Rồi Thế Tôn, bảo La hầu la đổ nước đi, nhưng còn giữ lại một ít:

- Này La hầu la, Ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này La hầu la, những người nói dối thì căn lành không còn lại bao nhiêu, ít như nước trong chậu này.

Rồi Thế Tôn, sau khi bảo La hầu la đổ đi chút ít nước còn lại ấy đi, Ngài hỏi tiếp:

- Này La hầu la, ông có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi không?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Cũng đổ đi vậy, này La hầu la, - Đối với những người tiếp tục nói dối, thì thiện căn sẽ mất hết như chiếc chậu không có nước này.

Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo La hầu la.

- Này La hầu la, ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Cũng lật úp vậy, này La hầu la, nói dối mà không biết xấu hổ, nhân cách cũng sẽ bị đảo lộn như cái chậu này.

Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả La hầu la:

- Này La hầu la, ông có thấy chậu nước này trống không không?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Cũng trống không vậy, này La hầu la, là giá trị nhân cách của người nói dối không biết xấu hổ.

Đức Phật hỏi tiếp:

- Này La Hầu La! Chậu này có đựng thức ăn được không?

- Thưa không.

- Tại sao?

- Vì vết dơ bám đầy chậu.

- Này La Hầu La! Chậu dơ không đựng thức ăn được, thân dơ cũng thế thôi. Ông chỉ là một hình đồng Sa di mà thân, khẩu, ý không đồng, không tu tập giới, định, huệ, tâm không trong sạch, lời nói bông đùa nghịch ngợm, thân dính đầy cấu uế, mất hết oai nghi, như thế khác gì nước uế, chậu dơ. Chậu dùng không được thì giữ lại làm gì?

Nói vừa dứt lời, Phật lấy chân đá nhẹ vào chậu khiến chậu vỡ đôi, Người lại hỏi tiếp:

- Này La Hầu La! Ông có tiếc cái chậu không?

- Thưa không.

- Tại sao?

- Vì chậu dơ, có gì phải tiếc!

- Này La Hầu La! Vì chậu dơ ông không tiếc khi nó vỡ. Giống như mọi người không thương kính ông, vì ông còn nhiều lầm lỗi, kể cả việc nói để mà chơi. Mang danh xuất gia, ăn nói không được thật thà, oai nghi thiếu chững chạc, phỉnh gạt người khác, ai mà thương mến ông được?

Phật dạy tiếp: xưa kia có một ông vua chuẩn bị đầy đủ cho con voi lâm trận, mình mặc áo giáp, ngà nối tên nhọn, túi giắt kiếm báu... Khi lâm trận voi sử dụng đủ các bộ phận của cơ thể, như hai chân trước, hai chân sau, đầu, tai, ngà, đuôi, nhưng không dùng cái vòi, luôn luôn co lại dấu kín. Nếu không bảo vệ cái vòi thì bị tên bắn, liền bị toi mạng. Ðức Phật khuyên La Hầu La cần cẩn thận lời nói, giống như con voi bảo vệ cái vòi, mở miệng nói dối dù nói chơi huệ mạng của người sẽ mất. Con voi ra trận mà không biết bảo vệ cái vòi thì chẳng còn biết sợ gì hết.

Phật lại dạy: ví dụ, như tấm gương dùng để phản chiếu, người tu hành cũng phải phản tỉnh khi sắp làm, đang làm, hoặc đã làm một thân hành, ngữ hành, ý hành nào, xem nó có đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó bất thiện, đưa đến đau khổ, thì nhất định không làm, hoặc đình chỉ và phát lộ sám hối để chừa bỏ. Nếu sau khi phản tỉnh, biết thân hành, ngữ hành, ý hành ấy không đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó là thiện, đưa đến an lạc, thì hãy hoan hỷ tiếp tục. Ðấy là đường lối phản tỉnh của tất cả sa môn bà, la môn trong quá khứ, hiện tại và vị lai để tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý.

Con người không cẩn thận, cân nhắc lời nói để cứ nói lừa, nói dối mà không biết xấu hổ thì không có một việc xấu xa nào mà người đó không thể làm. Bởi thế con người hãy nói năng cẩn thận, giữ miệng giữ mồm.

Nghe Ðức Phật răn dạy, La Hầu La tỉnh ngộ phát nguyện sửa đổi oai nghi, bỏ lời dối gạt, âm thầm vắng vẻ tu luyện mật hạnh.

***

Cafesnt sưu tầm từ Thiền Viện Đại Đăng



THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: cafesnt
Xem: 1403 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 0
CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]