Thứ Năm
18 Apr 2024
0:43 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 33
23 Apr 2015, 3:20 PM
165. Năng lực của thiện và ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?

- Thưa đại đức! Năng lực của thiện nghiệp và năng lực của ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?

- Tâu, năng lực của thiện nghiệp bao giờ cũng mạnh hơn năng lực của ác nghiệp!

- Thưa, trẫm không tin như vậy. Đại đức xem! Trên đời này, những kẻ giết người, cướp của, trộm heo, trộm gà; những kẻ tà hạnh vợ người, lường gạt, tước đoạt gia sản của người v.v... họ bị trả báo tức thì. Pháp luật của trẫm sẽ xử phạt những người ấy. Tùy theo mức tội nặng nhẹ mà trẫm sẽ căng nọc ra đánh bằng gậy, giam cầm, đôi khi cắt tay, cắt chân hoặc chém đầu nữa. Như vậy là rõ ràng ác nghiệp sẽ trổ quả nhanh do năng lực của nó mạnh. Có người bị trả quả tội báo ngay ngày hôm sau, có kẻ trả quả sau một tuần, nửa tháng, một hoặc hai năm v.v..., nghĩa là trước sau cũng sẽ trổ quả, ngay chính trên đời này!

Còn những người làm việc thiện thì sao nhỉ? Họ bố thí, trai tăng, làm phước, cúng dường ngày này sang ngày khác, đến một vị tỳ khưu, hai vị, bốn vị, một trăm vị, đến một ngàn vị...; ngoài ra, họ còn thọ trì tam quy, ngũ giới, bát giới, hành thập thiện... mà sao không thấy ai được quả báo trong hiện tại? Các vị tỳ kheo trong hàng ngũ của đại đức, bao giờ cũng nói, kiếp sau, kiếp sau nữa! Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ năng lực của thiện nghiệp rất yếu, không có khả năng cho quả trong hiện tại, phải đợi đến bao nhiêu kiếp sau mới đủ sức trổ !

Đại đức hãy chứng minh đi! Rõ là sức mạnh của nghiệp thiện thua sức mạnh của nghiệp ác rất xa vậy!

- Hãy từ từ, đại vương! Hãy nhẫn nại, đại vương! Không bao giờ sức mạnh của thiện nghiệp lại thua ác nghiệp được. Và không phải không có trường hợp người làm thiện được quả báo ngay trên đời này!

- Xin cho nghe!

- Nói về người bố thí, trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới, được quả báo nhãn tiền, có bốn người là:

Đức vua Sakkamandhàtu,
Đức vua Nemi,
Đưc vua Sàdhina,
Chàng Tinapàla.

Đại vương có nghe đến tên họ không?

Đức vua Mi-la-đà lắc đầu:

- Thưa, không biết. Hoặc giả đại đức kể tên những người thuộc đời nảo, đời nao... ai mà biết được! Đại đức hãy kể tên những người hồi Đức Phật tại tiền, may ra trẫm có thể nhớ được chăng?

- Tâu, vâng! Vậy thì thuở Phật tại thế có sáu người làm lành, được quả báo nhãn tiền, như sau:

Thứ nhất, người giúp việc tên là Punnakedàso;
Thứ hai là mẹ của người chăn bò;
Thứ ba, cận sự nữ Suppiyà;
Bốn là bà hoàng hậu Mallikà;
Năm, người làm tràng hoa tên là Sumana;
Thứ sáu, người bà-la-môn tên là Ekasàtaka.

Cả sáu người này đều được tài sản, chức tước, địa vị ngay trên đời đó, tâu đại vương!

- Thưa, xin đại đức cho biết rõ nhân quả của từng vụ việc như thế nào?

- Tâu, vâng, đại vương hãy nghe đây:

Trước hết, chàng giúp việc Punnakedàso dâng vật thực đến cho Tôn giả Xá-lợi-phất bèn được chức vị bá hộ giàu sang ngay chính trong ngày ấy.

Tiếp đến, mẹ của người chăn bò có đức tin trong sạch đối với thiện pháp, vì nghèo khổ quá nên đã tự cắt mớ tóc của mình, bán được tám xu tiền vàng, mua vật thực dâng cúng đến ngài Đại-ca-chiên-diên (Mahà Kacchàyam); bèn được đức vua Udena thương mến, kính trọng, phong cho làm hoàng hậu ngay trong ngày ấy.

Thứ ba, nàng cận sự nữ Suppiyà cắt lấy thịt bắp chân của mình, nấu cháo dâng đến cho một vị tỳ khưu bị bệnh; sáng sớm ngày hôm sau, nàng không còn tìm thấy dấu vết thương của mình.

Thứ tư, nàng Millikà chỉ dâng một cái bánh đậu đến Đức Phật, được trả quả báo ngay hôm ấy là làm hoàng hậu của đức vua Kosala.

Thứ năm, người thợ làm tràng hoa Sumana dâng tám nắm hoa lài, tung rãi cúng dường Đức Thế Tôn, được quả báo tức thì do nhà vua tặng rất nhiều của cải, tài sản.

Cuối cùng, ông bà-la-môn Ekasàtaka chỉ có một thước vải mặc, lấy tấm vải duy nhất ấy cúng dường Đức Phật, được phước quả hiện tiền, là tất cả đồ dùng, mỗi loại tám cái.

Đấy là nhân, là quả, năng lực thiện nghiệp trổ quả ngay hiện tại, tâu đại vương!

- Chỉ có bấy nhiêu thôi sao, đại đức?

- Vâng, theo những gì bần tăng có thể nhớ được, chỉ có sáu người ấy thôi!

Đức vua Mi-lan-đà bèn nói to:

- Đại đức dám bảo là năng lực thiện nghiệp có sức mạnh vĩ đại hơn năng lực của ác nghiệp, mà đại đức chỉ đưa ra được có sáu ví dụ, sáu người; trong lúc sức mạnh của ác nghiệp, có khả năng cho quả tức thời... thì trẫm có thể mang ra dẫn chứng nhiều không kể xiết, nào phải chỉ có hai mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm mà thôi đâu!

Lại có khi sức mạnh của ác nghiệp trả quả tức khắc khi nhân vừa gây ra. Ví dụ như quan đại thần Bhaddapàla, hô đội quân dũng mãnh của mình chiến đấu với đội quân của vua Cadagutta! Hai bên vừa ra quân, đao vừa vung lên, đầu bèn rụng xuống...; và cứ thế, gươm giáo tung ngang xẻ dọc làm cho hằng trăm hằng người bỏ mạng. Trận chém giết ấy rõ là trả quả ngay tức khắc, chứng tỏ nghiệp ác có sức mạnh dường bao!

Thế là rõ! Thế là luận cứ của đại đức đã bị bẻ gãy rồi!

- Chưa đâu, tâu đại vương! Năng lực của ác nghiệp vẫn không mạnh bằng năng lực của thiện nghiệp. Sở dĩ ác nghiệp trả quả nhanh là vì quả ấy ít; còn thiện nghiệp trả quả chậm vì quả báu rất nhiều! Ví như có một loại lúa ở ngoài biên địa quốc độ của đại vương, lúa ấy nhẹ, hạt nhỏ, vãi xuống trong ruộng một tháng là chín ngay, nhưng năng suất kém. Trái lại, lúa Sàli đến năm, sáu tháng mới chín nhưng năng suất rất lớn. Ví dụ này như thế nào thì thiện nghiệp, ác nghiệp trổ quả ít nhiều như thế ấy, tâu đại vương!

- Trẫm vẫn chưa đồng ý đâu. Ác trả quả mau nhưng ít, thiện trả quả chậm nhưng nhiều - nghe vẫn chưa thuyết phục. Cái trổ quả nhanh chính là do năng lực lớn, mạnh. Cái trổ quả nhanh mới là điều quan trọng. Vì sao? Ví như một chiến sĩ can trường, mới vào trận đã xông xáo tìm bắt tên thủ lãnh. Y đã hàng động rất nhanh, nhờ nhanh tay bắt được tên thủ lãnh nên sớm quyết định thắng, bại ở chiến trường.

Ví như một người bị rắn độc cắn được dẫn đến nhà thầy rắn để chữa trị. Người thầy rắn chẳng chần chờ phút giây nào, tức khắc tìm cách hút nọc rắn, nhanh tay cho thuốc uống, thuốc đắp. Nhờ lanh lẹ như thế, người bị rắn cắn thóat khỏi tử thần.

Còn nữa, ví như hai người cùng đang đếm một số lượng hàng hóa. Người nào đong lẹ, đếm nhanh người ấy chắc hẳn được hưởng phần lương cao hơn. Mà nếu phần lương không cao hơn thì y cũng còn được khoảng thời gian dư dã để làm công việc khác. Ai lợi hơn ai hẳn không cần phải trả lời.

Còn nữa, ví như hai tay đô vật vào cuộc. Có một tên chậm chạp, tay kia nhanh hơn, đã tìm cách quật ngã đối phương rất nhanh nên dành được chiến thắng lớn! Vậy đó, có sức mạnh thì bao giờ cũng nhanh. Ac có sức mạnh hơn thiện nên sẽ trổ quả mau hơn cũng là định luật tất yếu thôi, đại đức. Xin đại đức đừng đem chuyện nhiều và chuyện ít vào đây, nó không tương hợp đâu!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Tất cả những ví dụ của đại vương nghe thì có vẻ hay nhưng đều không áp dụng được. Vì sao? Vì tất cả những ví dụ ấy đều không tương hợp với định luật nhân quả.

Người chiến sĩ can trường ra tay nhanh, người thầy thuốc chữa bệnh rắn cắn nhanh, người đong đếm nhanh, người đô vật sức mạnh quật ngã đối thủ nhanh. Cái nhanh ấy là tốt, tốt cho nên trổ quả nhanh mới đúng chứ, sao đại vương nêu ra để chứng minh cho cái ác?

Có người ăn uống nhanh bị nghẹn họng, cạo đầu nhanh bị đứt da đầu, viết chữ nhanh khiến chữ xấu v.v... Ở đây, cái nhanh ấy lại là xấu, ác; thế thì phải nói cái ác trả quả nhanh sao?

Lại nữa, những ví dụ khác của đại vương về tội cướp của, giết người v.v... bị pháp luật của đại vương xử trị ngay, đại vương y cứ vào đó để bảo rằng ác trổ quả nhanh! Thế rõ là đại vương đang nắm trong tay định luật nhân quả đó chăng?

Định luật nhân quả phải xảy ra một cách lạnh lùng, không thiên vị. Ở đây, đại vương đã nghiêng về phía trừng trị kẻ ác rồi! Còn người làm điều thiện trong quốc độ của đại vương thì sao nào? Đại vương sẽ trả quả báo chậm cho họ hay sao? Hay là đại vương lý luận, để chứng tỏ người làm thiện không được phước báu gì hết?

Ác thì đại vương chặt đầu, treo cổ; còn những người giữ ngũ giới, bát giới, chẩn bần người đói khổ, cứu giúp người hoạn nạn... đại vương đã ra luật định ban thưởng cho họ như thế nào chăng? Không à? Chưa à? Thế ra đại vương không phải là người nắm định luật nhân quả, chi phối trọn vẹn vận mệnh con người ở trong quốc độ của đại vương hay sao? Đại vương hãy trả lời đi!

Những câu hỏi dồn dập của đại đức Na-tiên làm cho đức vua Mi-lan-đà bối rối không ít.

Đức vua đáp:

- Trẫm biết trẫm sai rồi, cái nhìn của trẫm ngắn và gần quá, chỉ ở trước mắt, hay chỉ từ những điều mà trẫm suy nghĩ được!

- Tâu đại vương! Cho chí các bậc thượng thủ A-la-hán như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng không có khả năng thấy rõ sự vận hành của lý nhân quả, ngoại trừ bậc Toàn Giác. Việc trổ quả nhanh hay chậm của thiện và ác, các bậc đại A-la-hán cũng không thấy rõ được. Nhân quả nó xảy ra ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ là nhân, hiện tại là quả. Hiện tại là nhân, vị lai là quả.

Trong chừng mực nào đó, chúng ta hiểu vậy - nhưng thật sự chúng ta không dám xác quyết cái gì là nhân, cái gì là quả chắc chắn đâu. Cái nhân bây giờ đôi khi chỉ là cái quả của quá khứ, và quả từ quá khứ đôi khi lại là nhân từ hiện tại. Nó trùng trùng duyên khởi, không thấy đầu, không thấy đuôi, đại vương ạ!

Lại nữa, bần tăng nói, năng lực thiện nghiệp có sức mạnh hơn năng lực của ác nghiệp, điều ấy không còn hồ nghi, tuy nhiên, ta cũng phải hiểu trong ý nghĩa tương đối. Vì sao vậy? Vì có những kẻ làm ác, như phạm vào ngũ nghịch đại tội
  • , thì kẻ ấy có khi phải bị trả quả báo nhãn tiền, tâu đại vương!

  • Giết cha, giết mẹ, chích máu Phật, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng.

    - Vâng, trẫm rõ rồi!

    - Lại nữa, ví như tướng cướp Angulimàla là tay khét tiếng giết người, sau vào tu trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, chứng ngộ đạo quả. Đáng ra, tội giết người kinh khiếp của Angulimàla sẽ bị ác báo nặng nề! Nhưng không, Angulimàla nhờ chứng ngộ đạo quả cao siêu, pháp xuất thế gian, là tối thượng thiện pháp - nhờ năng lực ấy nâng đỡ nên trả quả rất nhẹ. Thế điều này không chứng tỏ năng lực của thiện mạnh hơn năng lực của ác sao, đại vương?

    - Chính thị! Thôi cảm ơn đại đức đã xua tan sự u tối cho trẫm.

    * * *


    166. Hồi hướng phước có hiệu quả không?

    - Thưa đại đức! Khi người cư sĩ làm được một phước sự như trai Tăng, bố thí, cúng dường, rồi họ hồi hướng đến cho ân nhân, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng từ nhiều đời, không biết quả lành của sự hồi hướng đó có kết quả gì không?

    - Có số được, có số không, tâu đại vương!

    - Xin cho biết nguyên cớ?

    - Tâu, vâng! Nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc... sau khi chết, sanh vào các cõi trời, đọa sanh địa ngục, sanh làm muông thú... thì quả lành của sự hồi hướng không đến với họ được.

    Còn nữa, các loại a-tu-la, ngạ quỷ đói, ngạ quỷ bị lửa thiêu cháy... cũng không hưởng được phần phước. Chỉ có loại quỷ Paradattù pajìvì - tức là loại ngạ quỷ sống nhờ vào sự bố thí của người khác - mới thọ hưởng được quả lành của sự hồi hướng ấy.


  • Thật ra, có một số chư thiên, thọ thần hoan hỷ phước, tùy hỷ phước - thì sự hồi hướng vẫn có hiệu quả (Dịch giả).

    - À, hóa ra là vậy. Thế thì nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc của mình không sanh làm ngạ quỷ Paradattù pajìvì thì sự bố thí, cúng dường, tốn tiền bạc, tốn công sức sẽ trở nên vô ích, phải vậy không, đại đức?

    - Không, vẫn có lợi ích. Phước báu ấy sẽ không tiêu mất. Chính người làm phước được hưởng phước báu ấy.

    - Xin đại đức giảng cho nghe.

    - Tâu, vâng! Ví như có người sửa soạn một mâm vật thực gồm có rượu thịt cơm bánh v.v... để đãi đằng bà con quyến thuộc của mình. Vì một lý do nào đó, những người kia không đến, thì mâm vật thực ấy sẽ thuộc về phần ai, đại vương?

    - Hoàn về cố chủ.

    - Lại nữa, ví như có người đi vào cửa trước của ngôi nhà, tìm đến cửa sau để đi sang một chỗ khác. Cửa sau không tìm thấy, thì người kia đi trở ra bằng lối nào hở đại vương?

    - Lối cũ thôi!

    - Cũng tương tự thế. Phước báu gởi đi các nẻo không được, không ai thọ nhận thì phải trở về lối cũ, trở về chủ của nó, đại vương!

    - Rõ lắm rồi. Sàdhu!

    * * *


    167. Hồi hướng "ác" có được không?

    - Thưa đại đức! Hồi hướng thiện báo, thiện quả thì trẫm thông rồi. Nhưng còn ác báo, ác quả thì sao? Ví như có người tạo ngũ nghịch đại tội như giết cha, giết mẹ v.v... rồi hồi hướng đến cho cha mẹ, ân nhân, quyến thuộc... hoặc cho kẻ thù nghịch đã quá vãng từ nhiều đời, có được không, đại đức? Người được hồi hướng có nhận được ác quả, ác báo ấy chăng?

    Đại đức Na-tiên ngạc nhiên:

    - Thật là câu hỏi lạ lùng, bần tăng chỉ mới nghe lần đầu. Tuy nhiên, bần tăng sẽ trả lời ngay: việc ác không thể hồi hướng được, tâu đại vương!

    - Tại sao lại không được? Thiện hồi hướng được thì ác cũng phải hồi hướng được chứ! Thiện có nơi nhận được thì ác cũng phải có nơi nhận được chứ? Pháp vốn bình đẳng mà!

    - Câu hỏi tại sao này, thật khó trả lời! Và có lẽ đại vương cũng không nên đặt những câu hỏi như thế.

    - Tại sao?

    - Vì câu hỏi ấy cũng tương tự như những câu hỏi sau đây: Chanh, tại sao mày chua? Ớt, tại sao mày cay? Những câu hỏi ấy có thể trả lời được không, đại vương?

    - Đã trả lời không được, mà còn vô ích nữa.

    - Cũng tương tự như thế là câu hỏi của đại vương!

    - Trẫm thấy chúng chẳng có gì giống nhau cả! Thật ra, trẫm không cố ý tìm câu hỏi hiểm hóc để bắt bí đại đức. Sở dĩ trẫm hỏi như thế là vì thế gian sẽ có người đặt những câu hỏi tương tự. Mục đích mà trẫm muốn nhắm đến là lợi ích cho phần đông và lợi ích cho các thế hệ hậu lai. Đại đức nên thông cảm.

    Đại đức Na-tiên mỉm cười:

    - Bây giờ đại vương thử trả lời những câu hỏi của bần tăng xem sao! Rồi từ những câu hỏi ấy, chúng ta sẽ trở lại vấn đề, được chăng?

    - Thưa vâng.

    - Có người lấy ống nước - nghĩa là bên trong có lỗ bộng - để thổi nước đi xa; họ có làm được không, đại vương?

    - Được chứ!

    - Vậy nếu có một hòn núi - bên trong cũng có lỗ bộng -có thể thổi nước đi xa được không, đại vương?

    - Không thể được!

    - Còn nữa, người ta thường đốt đèn bằng dầu, có người bắt chước, lại thay dầu bằng nước, thế có đốt đèn được không, đại vương?

    - Không được!

    - Ví như có người nông phu khai nước thông từ hồ vào ruộng, làm được vụ mùa phát tài; có người bắt chước, dẫn nước biển vào ruộng, thế y có thu hoạch được gì không, đại vương?

    - Lúa chết hết còn gì!

    Đến đây, đại đức Na-tiên trầm ngâm giây lát rồi mới cao giọng nói:

    - Mỗi loài, mỗi vật, mỗi pháp trên thế gian này đều có những đặc tính, tính chất khác nhau, không ai có thể trả lời tại sao chúng có hình dáng, tính chất ấy. Chanh có vị chua, mít có vị ngọt. Chua, ngọt là đặc tính, tính chất của chanh, của mít. Cũng tương tự thế, ống hút nước có công dụng, chức năng của ống hút nước, cái ngọn núi bộng kia không thể làm chức năng của ống hút nước được. Dầu dùng để đốt vì nó có tính chất dẫn cháy, nước không thể thay thế dầu được. Nước ngọt giúp cho việc trồng lúa, nhưng nước mặn lại làm lúa chết! Tất cả những điểm mà bần tăng đưa ra ở trên, nghe có đúng không, đại vương?

    - Không sai!

    - Trở lại vấn đề đầu tiên, là thiện và ác. Thiện, ác là hai pháp, mỗi thứ có một tính chất, một đặc tính, công dụng và chức năng khác nhau. Tương tự như mít thì ngọt mà khế thì chua: người làm việc thiện thì tâm mát mẻ, người làm điều ác thì tâm nóng nảy. Mát mẻ hay nóng nảy là phản ứng tất yếu của thiện và ác; chúng không thể trao đổi trạng thái và phản ứng cho nhau được. Pháp nào bảo tồn và duy trì tính chất của pháp ấy! Đại vương đã nắm vững điều này chưa?

    - Trẫm còn lờ mờ lắm đấy!

    - Dầu thì đốt được, còn nước không đốt được vì dầu mang tính chất của vật dẫn cháy. Cũng tương tự thế, thiện hồi hướng được, ác không hồi hướng được là do tính chất của nó như vậy, chúng không thể làm khác tính chất của chúng, ta cũng không thể áp đặt bảo chúng phải khác đi!

    Nói rộng hơn tí nữa, bản chất của thiện là lan tỏa, càng thắp càng sáng, càng hồi hướng thì càng được nhiều. Bản chất của ác là co rút, cô đặc, không lan tỏa, người nào làm thì người ấy chịu thôi, chẳng thể chia xẻ được cho ai! Đại vương nghĩ thế nào?

    - Thưa, đã bắt đầu sáng ra rồi đấy.

    - Thiện có quả nhiều, ác có quả ít; đó là bản chất, tính chất của nó, là một cái gì cố hữu, tất yếu vậy, đại vương!

    - Nhiều và ít ấy như thế nào, đại đức?

    - Một giọt nước có thể rơi thấm được mười sào đất, hai mươi sào đất không, đại vương?

    - Không thể.

    - Thế một trận mưa to, rất lớn, rất lâu - thì sao đại vương?

    - Không những thấm nhuần cả một vùng mà còn đầy giếng, khe, suối, sông, rạch... nữa là khác!

    - Cũng tương tự như thế! Việc thiện mà người nào đã làm thì có thể thấm nhuần, chia sớt đến cho rất nhiều người, vì thiện vốn có quả nhiều. Còn ác thì không thể như vậy vì nó có quả rất ít, tâu đại vương!

    - Vâng!

    - Khi làm việc lành, tốt thì tâm người ta hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc. Khi làm việc xấu thì tâm người ta nóng nảy, ăn năn, hối hận. Cái tâm hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc ấy sẽ được lan tỏa, tươi nhuần, tuôn chảy đến nhiều người. Cái tâm nóng nảy, ăn năn, hối hận ấy sẽ co rút, cô đặc, khô cháy nên không thể tuôn chảy đến đâu được. Đấy là lý do thiện quả, thiện báo thì hồi hướng được, còn ác báo, ác quả thì không hồi hướng được, tâu đại vương!

    - Thật là kiến giải của bậc thông tuệ, trẫm xiết bao tâm phục.

    * * *


    168. Tại sao có chiêm bao?

    - Thưa đại đức, hôm nay chúng ta bàn về giấc mộng nhé! Tại sao có người mộng lành, có người mộng dữ? Tại sao có người chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc đã có từ trước? Có người lại chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc chưa hề có? Lại có người nằm thấy chuyện hạnh phúc, vui tươi; có người nằm thấy chuyện sợ hãi, khiếp đảm? Lại có người thấy một việc mình đã làm, người khác lại thấyviệc mình chưa hề làm? Rồi lại còn mộng thấy gần, thấy xa; có kẻ lại thấy chuyện đâu như hằng ức kiếp? Tất cả các loại chiêm bao ấy - nguyên cớ do đâu, đại đức?

    - Tâu đại vương! Tất cả các loại chiêm bao ấy đều do từ những lý do sau đây:

    Thứ nhất, do chất gió (phong đại) trong cơ thể dấy động.
    Thứ hai, do mật tác động.
    Thứ ba, do đàm tác động.
    Thứ tư, do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động.
    Thứ năm, do chư thiên, quỷ hay ma tác động.
    Thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ.

    Trong sáu nguyên nhân kể trên, chỉ có nguyên nhân thứ sáu là thật. Chiêm bao do nhân thứ sáu này tác động là chiêm bao có thật. Còn ngoài ra, các giấc chiêm bao do những nguyên nhân khác đều không thật.

    - Ý đại đức muốn nói, chiêm bao có thật này do cảnh, vật, người hay vụ việc mình đã tạo trữ từ trước hiện tồn trong dòng tâm hữu phần (Bhavangacitta) hay sao?

    - Tâu, đúng thế! Đúng là nó được tàng trữ trong hữu phần tâm. Tuy nhiên, nói tâm tạo ra nó là không đúng, mà nói nó tự hiện ra cũng không phải.

    - Thưa đại đức! Đã bắt đầu khó hiểu rồi đây!

    - Không khó đâu, ví dụ là đại vương hiểu ngay. Ví như cái hình và bóng ở trong gương, nói cái gương tạo ra bóng là không được mà nói bóng tự hiện ra cũng không được. Tuy nhiên, muốn có bóng thì phải có hình, hình soi vào gương mới có bóng. Trước đây, chúng ta làm một việc gì đó (hình), việc đó lưu bóng ở trong tâm (gương). Chiêm bao chính là thấy lại cái bóng ấy ở trong gương (bhavangacitta). Đơn giản chỉ có vậy.

    - Vâng, trẫm hiểu rồi! Nhưng có khi nào người nằm mộng thấy chiêm bao này là tốt, chiêm bao kia là xấu không, đại đức?

    - Người chiêm bao không thể biết chiêm bao ấy xấu hay tốt. Có thể kể lại chiêm bao ấy cho những người đoán mộng nghe, họ có thể biết được. Nó ví như những nốt ruồi đen hay đỏ ở trong cơ thể, chúng ta không thể biết được chúng mọc ở chỗ nào là tốt, chỗ nào là xấu, chỗ nào có tiền tài, chỗ nào nghèo khổ, chỗ nào họa hại, chỗ nào may mắn. Chỉ có những ông thầy tướng pháp mới có thể biết được điều đó, tâu đại vương!

    - Thế thì lúc chiêm bao, người ấy ngủ hay thức?

    - Ngủ hay thức đều không thể chiêm bao. Nói rõ hơn, ngủ say quá hoặc tỉnh táo quá đều không thể chiêm bao được; chỉ khi nào nửa tỉnh, nửa mê, nghĩa là ngủ mà không say đắm, tỉnh nhưng mà mơ mơ màng màng; chính ở giữa trạng thái ấy, chiêm bao mới xuất hiện.

    - Vâng!

    - Nói có tính giáo nghĩa, kinh điển, thì khi ngủ say, ngủ thật ngon, tất cả lục căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) đều đóng cửa, hoàn toàn không hay biết gì về lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài. Lúc ấy chỉ còn duy trì sự sống qua sự trôi chảy của hữu phần tâm (bhavangacitta). Ý thức (ý), lúc ấy cũng chìm vào hữu phần tâm này, nên hoàn toàn không hay biết gì cả. Lúc này không thể chiêm bao!

    Còn khi ngủ mà giấc ngủ chưa sâu, chưa ngon - thì ý thức lúc ấy chưa chìm vào hữu phần tâm - nên nửa tỉnh, nửa mê! Ngũ căn lúc ấy, nếu bị thế giới ngũ trần tác động mạnh, họ có thể tỉnh lại, hoặc có thể nhận biết! Chính đấy là thế giới mà chiêm bao hiện hữu.

    - Đại đức có thể nêu ví dụ chăng?

    - Tâu, vâng. Trở lại cái gương soi hồi nãy. Nếu cái gương để ở chỗ tối thì có thể thấy bóng một cách dễ dàng không?

    - Không thể.

    - Khi ý thức chìm vào dòng hữu phần tâm,như chìm hoàn toàn vào bóng tối, thì ta không thấy bóng; chiêm bao cũng y như thế.

    - Vâng!

    - Cũng y như có phần đất trên quả địa cầu này, mặt trời không rọi đến được, giấc ngủ sâu không hay biết gì, không thấy gì - là thế!

    - Những ai có được giấc ngủ sâu này, đại đức?

    - Người vô tâm, vô tư, người mà thế giới ý thức ít làm việc... thường có được giấc ngủ sâu này. Ngoài ra, những người có thiền định, các bậc thánh nhân thường có giấc ngủ ngon lành như thế!

    - Còn trạng thái tâm nửa tỉnh nửa mê, nghĩa là đang còn mơ mơ màng màng - tại sao chiêm bao lại xuất hiện?

    - Tâu, khi đó, người ấy không còn ghi nhận rõ những hình ảnh thực của ngoại trần; nói cách khác, nó hiện ra nửa thực, nửa hư, mà đa phần hư nhiều hơn thực. Chính trong lúc ấy, những điều được lưu giữ trong ký ức tiền kiếp hoặc được lưu giữ từ quá khứ lại hiện ra, cọng với hình ảnh hư hư thực thực trong hiện tại, chúng tương tác, trộn lẫn... mà làm nên giấc chiêm bao.

    - Vâng, thế sao họ lại chiêm bao?

    - Giấc chiêm bao có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng đa phần phản ảnh ước mơ thầm kín của chủ nhân. Trong đời sống thường nhật, họ có những nguyện vọng, những ước mơ, những mong muốn không thể thực hiện được. Chính bởi những ràng buộc áo cơm, sự cấm đoán của luân lý, đạo đức xã hội, những thực tế khó khăn không đáp ứng được trong đời sống... mà chúng được tái hiện trong giấc mơ, tâu đại vương!

    - Hay lắm, giấc ngủ sâu quá thì không biết gì, tỉnh quá thì giao tiếp với thế giới thường nhật rồi. Vậy chiêm bao chỉ xảy ra ở khoảng giữa hai tình trạng ấy, điều này rất đúng!

    - Đại vương đã lãnh hội rất tốt.

    - Vâng. Nói tóm lại, khi thức, tâm ý lăng xăng chuyện này chuyện kia nên chiêm bao không thể đến được.

    - Đúng vậy. Ví như một tỳ khưu phá hủy chánh mạng thanh tịnh giới, không nuôi mạng chơn chánh, sống thân cận với bạn ác, chuyên hành trược hạnh, rời khỏi sự tinh cần; lười biếng, ham ăn, mê ngủ - thì pháp trợ bồ đề sẽ không bao giờ đến được với họ. Tương tợ như thế, người có làm việc ác hoặc tâm ý lăng xăng, nghĩ ngợi lung tung, hoặc thế giới óc não làm việc nhiều, hoặc lo toan, hoặc mưu tính - thì đêm đêm thường khó ngủ, cứ chiêm bao mộng mị - thật khó khăn để có được giấc ngủ ngon, giấc ngủ sâu, đóng trọn vẹn sáu cửa để cho ý thức được chìm vào hữu phần tâm, tâu đại vương!

    - Rất rõ vậy. Và dường như đại đức cố ý phân chia giấc ngủ ra làm ba giai đoạn: đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối?

    - Đúng thế!

    - Đại đức có thể giảng giãi rõ ràng chăng?

    - Vâng. Đoạn đầu là lúc chuyển từ giai đoạn đang thức sang giấc ngủ. Đấy là tâm trạng lờ đờ, mệt mỏi, ngáp, cơ thể mệt nhừ, muốn nằm và muốn ngủ.

    Đoạn thứ hai, tuy nằm ngủ mà vẫn còn nhận biết thế giới xung quanh, nghĩa là có ngủ nhưng vẫn còn chút thức, ngủ mà ý thức chưa hoàn toàn đóng cửa.

    Giai đoạn cuối là lúc ngủ ngon, ngủ sâu, ý thức chìm hẳn vào dòng Bhavanga!

    - Cảm ơn đại đức! Thế trạng thái ngủ chút chút ấy, nói cụ thể là như giấc ngủ của con khỉ, nó làm cho phát sanh chiêm bao. Và rõ ràng sự kiện chiêm bao ấy là không tốt. Vậy người tu hành - ý nói bậc chân tu có tinh cần, có giới hạnh - sẽ đối trị với nó ra sao?

    - Câu hỏi hay lắm! Muốn đối trị với nó, cần thiết phải trang bị những thứ khí giới sau đây: tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp. Khi làm được thế, hành giả không bị chi phối bởi ngoại cảnh bên ngoài và những tư tưởng, ý niệm khởi động bên trong, tâm được an chỉ. Tuy nhiên, từ an chỉ dễ đưa đến nhất hành (ekagggatà) - nhất hành này tương tự như nhập vào dòng bhavanga - vị ấy không nhập vào nhất hành mà quán chiếu để thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã để đắc Thánh quả! Như thế, rõ ràng vị ấy không phải ngủ mà cũng chẳng phải thức, cũng chẳng phải ngủ như giấc ngủ con khỉ , tâu đại vương!

    - Khi chánh niệm, tỉnh thức, kiên trú trong pháp, rõ ràng vị ấy đang còn thức mà!

    - Tâu, thức, nhưng không như cái thức của phàm nhân là bị chi phối bởi mọi cái ồn ào, phức nhiễu ở xung quanh, nên không thể gọi là thức bình thường được!

    - Nếu vị ấy không nhập vào bhavanga, tức là còn đang ở giai đoạn thứ hai - nghĩa là ngủ chút chút như con khỉ - thì rõ là vị ấy sẽ chiêm bao!

    - Tuy không nhập vào dòng bhavanga nhưng vị ấy không mơ mơ màng màng, không ngủ chút chút như con khỉ, vì ý thức đã yên lặng, tâm đã an lạc. Do vậy, vị ấy không có chiêm bao, tâu đại vương!

    - Thế còn giai đoạn cuối, các vị ấy ngủ ngon, ngủ sâu chứ?

    - Dĩ nhiên rồi. Các ngài chánh niệm, tỉnh thức ở giai đoạn một; an lạc, vắng lặng ở giai đoạn hai nên đi vào giấc ngủ ở giai đoạn ba rất dễ dàng!

    - Thế có khác giấc ngủ ngon của phàm nhân không?

    - Không khác. Nhưng phàm nhân lâu lâu mới có được giấc ngủ ngon như thế, vì họ còn mộng mị, chiêm bao; còn các bậc Thánh nhân bao giờ cũng ngủ ngon và không bao giờ còn chiêm bao nữa!

    - Hay thật! Khi thức không phải thức, khi ngủ không phải ngủ, ở chỗ chiêm bao mà không phải chiêm bao; bao giờ cũng an lạc, vắng lặng, ngủ lúc nào cũng ngon - thì thật là hạnh phúc tuyệt vời trên cõi trần này, thưa đại đức!

    - Chí phải!

    * * *


    169. Chết đúng thời và chết không đúng thời


    - Thưa đại đức! Sinh ra trên đời ai cũng phải chết. Nhưng có người lại chết trẻ, có người lại chết già, tại sao như thế?

    - Tâu, vì có người chết đúng thời và có người chết không đúng thời!

    - Xin đại đức giảng cho.

    - Vâng, ví như xoài ra hoa rồi kết trái. Đúng lý ra, đúng thời, đúng tiết, đúng độ thì xoài chín vàng mới rụng. Nhưng đại vương không từng thấy có trái đang non đã rụng, trái còn xanh đã rụng, trái mới hườm hườm đã rụng, hay sao?

    - Trẫm có thấy.

    - Xoài rụng khi chưa đúng thời có nhiều lý do khác nhau. Có trái do sâu đục, trái do chim mổ, trái do gió thổi mạnh. Gẫm con người sinh ra ở đời cũng như thế nào có khác gì?

    - Ý đại đức muốn nói đến các sự chết, nhiều cách chết của con người khi chưa đến tuổi thọ phải không?

    - Đúng thế. Con người sống cho đến già, có bệnh, bệnh nhẹ hoặc vô bệnh mà chết, ấy gọi là chết đúng thời. Còn những người do hành trình của nghiệp, tác động của nghiệp, do phản ứng đoạn lìa của nghiệp - mà chết khi chưa hết tuổi thọ - đều gọi là chết phi thời, tâu đại vương!

    - Điều ấy nghe thì có lý - nhưng lấy đâu làm mốc, làm căn cứ để biết tuổi thọ của mỗi người là bao nhiêu? Giả dụ đứa bé đang còn trong bụng mẹ mà chết, có thể nói rằng, tuổi thọ của nó chỉ chừng đó thì sao? Tương tự thế, năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi mà chết - thì phải được hiểu tuổi thọ ngang chừng đó, nên gọi là chết đúng thời, không được sao? Suy từ luận cứ đó, tất cả mọi người chết ở độ tuổi nào cũng đúng thời cả, chứ không thể có cái gọi là chết phi thời, thưa đại đức!

    Đại đức Na tiên mỉm cười:

    - Đại vương, những người mà năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi... chết... là những người chết thọ nhỉ?

    - Không, họ chết yểu!

    - Thế những người tám mươi, chín mươi mới chết thì gọi là chết sao nhỉ?

    - Gọi là chết thọ!

    - Thế là đại vương đã tự xác nhận cái mốc "chết thọ" của đời người là bảy mươi, tám mươi, chín mươi v.v... Vậy chúng ta có thể hiểu rằng, chết đúng thời là chết thọ. Còn tất cả những ai chưa đến tuổi thọ, chết đang còn thanh niên, còn ấu thơ, chết bằng cách này hay cách khác - thì đều gọi là chết phi thời cả, tâu đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà cười:

    - Không sai được. Thế đại đức có thể tóm lược cho nghe có bao nhiêu cách chết phi thời ấy, ví như trái xoài rụng do sâu đục, do chim mổ, do gió thổi?

    Đại đức Na tiên lắc đầu:

    - Nhiều lắm, tâu đại vương! Thật là không thể kể hết tất cả những cách, những kiểu, những trường hợp chết vào loại phi thời này. Nó thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, hằng trăm hằng ngàn cách chết phi thời - đều có thể quy về một chữ, đó là nghiệp. Do nhân quả, báo ứng của Nghiệp mà tạo nên phi thời tử, tâu đại vương!

    - Vâng, thế đại đức có thể kể cho nghe một số trường hợp tượng trưng được chăng?

    - Tâu, có thể được! Bần tăng xin nêu ra đây một số cách chết không đúng thời:

    Chết do đói,
    Chết do khát,
    Chết do rắn cắn,
    Chết bởi độc dược,
    Chết cháy,
    Chết nước,
    Chết bởi khí giới v.v...

    Ở đây đa phần là nghiệp dữ, nghiệp nặng...! Ngoai trừ chết đói, chết khát xẩy ra từ từ, còn năm cách chết sau, đều là chết dữ tợn, chết có đổ máu, chết bị hành thân hoại thể, chết tức khắc - nên người đời thường gọi là chết bất đắc kỳ tử đó, tâu đại vương!

    - Vâng, cũng đều là nghiệp nhưng do tội báo quá nặng, phải chăng? Đại đức trình bày đại lược cho nghe một vài ví dụ liên hệ về nhân và quả của các cách chết ấy?

    - Tâu vâng! Kiếp này có người chưa đến tuổi thọ mà chết, do đói, nguyên nhân là bởi một quá khứ lâu xa đã bắt bỏ đói một chúng sanh nào đó, hoặc do cướp giật thực phẩm, hoặc do phá hoại mùa màng, nương rẫy của kẻ khác, hoặc do thù oán mà đốt lương thực, thực phẩm v.v...

    - Do nhân như vậy nên người kia đã bị chết đói nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong bốn đường ác. Nghiệp còn dư sót, tuy được sanh làm người nhưng quả báo vẫn còn chạy theo! Nếu quả nghiệp theo kịp lúc thiếu niên thì bị chết đói lúc thiếu niên. Quả nghiệp theo kịp lúc trung niên thì bị chết đói lúc trung niên. Nhân quả vận hành một cách chính xác, không thiên vị, thiên lệch bao giờ!

    Tương tự như thế, do nhân từng làm cho chúng sanh bị chết, chết do độc dược, do đốt cháy, do dìm nước, do đâm chém giết hại v.v... nên sau khi bị quả báo đau khổ trong bốn ác đạo, sanh làm người, vẫn bị trả quả báo dữ, bị đoạn lìa sanh mạng khi chưa đến tuổi thọ!

    Phi thời tử là vậy, tâu đại vương!

    - Chung quy là do nghiệp ác nặng, trẫm đã hiểu. Nhưng nếu chết do bệnh thì sao? Có người bệnh lương ương cả đời không chết? Có người bạo bệnh chết. Có người bệnh nặng, chạy thầy chạy thuốc hết cả gia sản mới lành. Có người bệnh sơ sơ, dưỡng vài ngày là khỏi. Tất cả những bệnh ấy, chết và không chết có phải là do nghiệp không?

    - Có cái do nghiệp, có cái không do nghiệp. Tâu đại vương!

    - Tại sao?

    - Tâu, nghiệp phải được hiểu là do hành động đã làm, đã tạo tác từ kiếp trước gọi là nghiệp nhân, kiếp này bị trả quả gọi là nghiệp quả. Định luật báo ứng nhân quả ấy gọi là nghiệp. Vậy những người chết do nhân quá khứ đã làm gọi là chết bởi nghiệp. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp do tạo nhân từ kiếp này mà chết - nên không được gọi là bởi nghiệp, tâu đại vương!

    - Xin đại đức cho thí dụ.

    - Vâng, ví dụ như có một người không biết giữ gìn cơ thể đối với thời tiết bất thường xảy ra ở xung quanh. Đại loại như trời nóng quá, trời lạnh quá, gió nhiều quá; hay nói cách khác, phong đại, thủy đại, hỏa đại... ở bên ngoài thịnh quá, tác động vào tứ đại của con người mà sinh bệnh... Cái ấy không bởi nghiệp quá khứ mà do nhân hiện tại, tâu đại vương!

    - À, trẫm hiểu rồi.

    - Ví dụ như có người làm việc quá độ, do thức ngủ quá độ, do lười biếng quá độ... làm cho tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm... không điều hòa, mà sinh bệnh; ấy cũng là do nhân hiện tại, tâu đại vương!

    - Vâng!

    - Ví dụ có người ăn uống bất thường, hoặc dùng thứ này nhiều, thứ kia không có, hoặc quá ít mà sinh bệnh tiêu chảy, táo bón, ung thư - hoặc mật nhiều, đàm nhiều, hoặc thiếu máu hoặc dư máu... đều là bệnh mà mình tự tạo trong kiếp này - nên không thể gọi là nghiệp, tâu đại vương!

    Cơ thể con người sinh bệnh còn do nguồn nước uống, không khí để thở, các định luật tự nhiên xung quanh tác động, ảnh hưởng nữa; đều là nhân của kiếp này cả, tâu đại vương!

    - Thế là quá rõ. Đối với những bệnh không chết thì không nói. Còn tất cả bệnh mà chết, dù nhân quá khứ hay nhân hiện tại cũng đều gọi là phi thời tử cả sao?

    - Đúng thế. Đúng tuổi thọ mới chết gọi là đúng thời, chưa đến tuổi thọ mà chết, do nhân thế nào đều gọi là chết không đúng thời cả!

    - Những điều này có ví dụ cụ thể không nhỉ? Đại đức!

    - Có chứ. Ví như đốt một đống củi khô, bổi khô, lá khô... Khi lửa cháy hết đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy, lửa tự động tắt - ấy gọi là lửa tắt đúng thời, tâu đại vương!

    - Đây chỉ cho trường hợp những người sống hết tuổi thọ của mình mới chết, là chết đúng thời!

    - Vâng. Còn đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy... đang cháy nửa chừng, bị một trận mưa ập xuống làm tắt lửa; ấy gọi là lửa tắt không đúng thời, tâu đại vương!

    - Đây chỉ trường hợp những người bị nghiệp nặng hay bệnh nặng đến phải chết khi họ sống chưa hết tuổi thọ của mình, gọi là phi thời tử đây?

    - Đúng vậy.

    - Nghiệp nặng hoặc bệnh nặng giống như mưa đổ ập xuống làm tắt lửa, dứt sanh mạng; còn trường hợp mưa ấy bị gió thổi tan đi, hoặc mưa sơ sơ không đủ tắt lửa thì sao, đại đức?

    - Những người sống hết tuổi thọ mà vô bệnh hoặc bệnh nhẹ thì như trời quang mây tạnh, không có mưa! Những người cũng sống hết tuổi thọ nhưng bệnh nặng rồi lành, hoặc bệnh liên miên - như trời có mưa, nhưng gió thổi tan mưa đi, hoặc có mưa nhỏ không đủ tắt lửa. Những người nghiệp nhẹ hoặc có bệnh nhưng không chấm dứt tuổi thọ đều y như thế!

    - Vâng!

    - Những người bị rắn cắn, chất độc mạnh, bị hành thân xác, nhưng thầy rắn chữa lành, không đoạn mạng sống được, cũng y như thế.

    - Vâng!

    - Ví như tên lìa khỏi giây cung, không bị chướng ngại cản trở sẽ đến được mục tiêu, nếu bị chướng ngại cản trở sẽ không đến được mục tiêu. Mũi tên đến được mục tiêu là đúng thời, mũi tên bị cản trở, rớt giữa chừng, gọi là phi thời, tâu đại vương!

    - Nghe rõ!

    - Ví như một người đánh trống đồng, âm vang đi rất xa - là đúng thời; nhưng vừa đánh lên, có kẻ đưa hai tay bịt mặt trống, ngăn lại, âm thanh ngưng dứt, không vang đi được - ấy gọi là không đúng thời, tâu đại vương!

    - Trẫm đã hiểu rồi!

    - Những người không bị nghiệp nặng đoạn lìa sanh mạng, nhưg bị bệnh do thời tiết tác động, do ăn quá độ, do làm việc quá độ, do ảnh hưởng nước và không khí ở xung quanh... thuốc thang không chữa được...đều phải được hiểu là phi thời tử y như thế, không khác.

    - Vâng!

    - Lúa cấy trong đám ruộng mưa thuận gió hòa, chăm sóc chu đáo, đến mùa gặt hái được dồi dào lương thực. Nhưng nếu đám ruộng ấy bị trời nắng hạn, thiếu nước, thiếu phân, chắc hẳn lúa sẽ khô chết hoặc thâu hái chẳng được bao nhiêu hạt, phải thế không đại vương.

    - Vâng.

    - Lúa khô chết ấy là đúng thời hay phi thời?

    - Tất là phi thời!

    - Nếu do hạn hán mà chết, do sâu đục thân, do chuột cắn nát, do châu chấu tàn hại... thì có phi thời chăng?

    - Dĩ nhiên là phi thời.

    - Đám ruộng phân nước đầy đủ, sâu không ăn, chuột không phá, châu chấu không làm hại, nhưng nếu bị một trận mưa đá dập xuống thì sao?

    - Cũng tiêu luôn. Cũng là phi thời!

    - Nói tóm lại, những ai vô bệnh, thiểu bệnh, bệnh nặng mà chữa lành; nghiệp nặng mà do phước bảo trợ được vượt qua, nhiều tai nạn nhưng may mắn thoát chết - sống hết tuổi thọ của mình mới lìa đời - gọi là hợp thời tử! Những ai bị bắt đắc kỳ tử, bị ác nghiệp quá khứ còn dư sót, bị nhân quá khứ hoặc nhân hiện tại tác động mà sinh bệnh, đoạn lìa mạng sống khi còn non trẻ, trung niên v.v... Tất cả đều được gọi là phi thời tử, tâu đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

    - Thật thiện xảo, phong phú thay là những ví dụ của đại đức; sự giải đáp nhiều mặt của đại đức, trên thế gian này, ai mà không hiểu được, quả là cô phụ tấm lòng của bậc đại trí vậy.

    * * *

    Mời xem tiếp: 170-175

    Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
    xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
    xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





    TRUYỆN PHẬT GIÁO

    TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

  • THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
    Xem: 887 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
    Tổng-số Ý-kiến: 0
    CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
    [ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]