136. Các vị A la hán còn sợ hãi?
- Thưa đại đức! Trẫm có nghe đại đức nói nhiều lần rằng bậc A-la-hán không còn một sự sợ hãi nào trên thế gian này, kể cả sợ hãi sự chết! Vì các nguyên nhân của sợ hãi các ngài đã chấm dứt, đã tuyệt diệt, có phải thế không ạ?
- Tâu, vâng!
- Trẫm có đọc một đoạn kinh , đại ý rằng: khi Đức Thế Tôn, năm trăm vị A-la -hán cùng đại đức Ànanda đi vào thành Vương-xá để khất thực, Đề-bà-đạt-đa với ác tâm, bèn thả con voi dữ uống rượu say cố ý giết Phật. Năm trăm vị A-la-hán thấy con voi như điên cuồng lao tới, các ngài sợ hãi quá bỏ trốn hết; chỉ có đại đức Ànanda là không sợ hãi gì cả, bước đến, đứng chắn phía trước, cố ý thà chết để bảo vệ cho Đức Thế Tôn! Phải vậy không, thưa đại đức?
- Tâu, vâng!
- Sao kỳ lạ như thế! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc vô lậu, đã chấm dứt mọi nguyên nhân của sợ hãi; lại tham sống sợ chết, thấy voi dữ, bỏ trốn hết, để Đức Thế Tôn đứng đấy một mình! Còn đại đức Ànanda là bậc hữu học, phiền não còn nhiều, nguyên nhân của mọi sợ hãi chưa được cắt đứt; thế mà ngài lại không hề sợ hãi, chẳng tiếc sanh mạng của mình, hy sinh cái thân giả tạm để che chắn cho Đức Đạo Sư? Hay năm trăm vị A-la-hán ấy tò mò, muốn biết, muốn thấy Đức Thế Tôn sử dụng thần thông, phép lạ ra sao? Lý nào lại thế được?
- Vâng, chẳng có lý nào mà năm trăm vị A-la-hán còn tò mò, khởi tâm muốn thấy, muốn biết phép lạ, thần thông
của Đức Thế Tôn. Quả thật không hề có chuyện đó xảy ra!
- Nếu là không có lý thì đại đức phải giải thích cho minh bạch chứ?
- Vâng! Quả đất hoặc như tối đại sơn là đỉnh Sineru có khi nào lay động, sợ hãi bởi điều gì không, hở đại vương?
- Dĩ nhiên là không! dù cho ai cuốc, ai đào, ai đánh, ai đập, ai dùng lửa đốt, thì quả đất hoặc núi Tu-di vẫn không lay động, không sợ hãi bao giờ.
- Quả đất hoặc núi chúa không lay động, không xao động, không sợ hãi bất cứ một điều gì; cũng giống như tâm bất động, trạm nhiên của các bậc A-la-hán vậy, tâu đại vương. Dù có một số đông người, tay nắm xà-mâu sắc bén, vây quanh một vị A-la-hán với thái độ rất hung dữ, đằng đằng sát khí, muốn giết vị A-la-hán ấy; cũng không vì vậy mà vị A-la-hán tỏ ý khiếp sợ hoặc có một sự dao động, xao động nào ở trong tâm. Đại vương nên hiểu như vậy.
- Nói thế cũng không biện hộ được cho thái độ hèn nhát, khiếp nhược của các vị A-la-hán khi họ tham sống, sợ chết, bỏ trốn lấy thân mình mà bỏ mặc Đức Đạo sư ở lại đấy với voi dữ!
- Đại vương nói như vậy hơi nặng lời! Đại vương hãy sám hối đi là vừa! Đại vương có biết khi ấy các vị A-la-hán suy nghĩ gì không?
- Thưa, không biết!
- Không biết thì đừng võ đoán! Hoặc chỉ nhìn thấy bên ngoài, chưa thấy sự thật ở bên trong thì đừng vội quy kết! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc lậu hoặc đã tận, mọi nguyên nhân của cái gọi là hèn nhát, khiếp nhược gì đó đã chấm dứt. Khi thấy voi dữ xông đến, các vị ấy tâm ý tương thông, đồng khởi niệm như sau:
"Đức Ànanda suốt đời tận tụy, kính cẩn, thương yêu phục vụ, hầu hạ Đức Thế Tôn, thật trong hàng đệ tử chẳng ai dám sánh. Rõ là đức Ànanda sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ cho Đức Thế Tôn mà chẳng khởi lên một tí sợ hãi nào. Vậy tất cả chúng ta hãy lánh đi, để bố cáo những đức tính cao quý sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng của đức Ànanda; cho tứ chúng cùng tất thảy mọi người trong nhiều quốc độ được thấy, được biết! Còn việc đối trị với voi dữ chỉ là trò trẻ con đối với Đức Tôn sư! Chỉ có Đức Tôn sư mới biết rõ ngài nên làm gì!"
Đức vua Mi-lan-đà giật mình, kinh sợ:
- Quả các ngài ấy đã nghĩ như vậy sao?
- Quả đúng thế, đại vương!
- Vậy là trẫm có tội rồi! Làm sao sám hối cho hết cái tội võ đoán, loạn ngôn, lộng ngữ của trẫm đây, đại đức?
Đại đức Na- tiên mỉm cười:
- Nói thế chứ đại vương không có tội! Bần tăng hiểu rõ tâm ý của đại vương, là chẳng có sự khi mạn nào đối với các bậc Thánh Tăng! Sở dĩ đại vương lập ngôn, lập ngữ như thế là lợi ích cho phần đông, có vậy mới lột tả được cái "phản diện" của vấn đề!
Đức vua chợt thốt "Sàdhu, lành thay" rồi quỳ xuống đảnh lễ thật cung kính:
- Chỉ có sự thông tuệ của đại đức mới hiểu được dụng tâm sâu kín cuả trẫm!
- Không dám!
* * *
137. Đức Phật dạy cắt đứt sợ hãi?
(Tương tự câu hỏi 125)
- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn dạy chư tỳ kheo chấm dứt nguyên nhân của sợ hãi, rồi sau đó, dạy cho hai hàng cận sự nam nữ đem nguyên nhân sợ hãi đến cho chư tỳ kheo là nghĩa làm sao?
- Đại vương nói gì bần tăng không hiểu?
- Thưa, đây là câu hỏi đã hỏi rồi, nhưng trẫm đã lý giải để hỏi theo cách khác.
- Đại vương cứ dẫn chứng cho đầy đủ.
- Vâng. Có lần Đức Bổn Sư thuyết rằng: "Này các thầy tỳ kheo! Sự sợ hãi chỉ xảy đến cho các thầy khi các thầy còn tham luyến chỗ ở, quyến niệm trú xứ của mình. Vậy muốn chấm dứt sợ hãi, các thầy phải sống đời không dính mắc, như hươu nai được tự do đi lại trong rừng sâu!"
- Quả đúng thế!
- Nhưng khi dạy cho cận sự nam nữ, Đức Tôn Sư lại thuyết rằng: "Người nào cúng dường, tôn tạo chùa, thất, liêu, chỗ ngự cho tỳ khưu Tăng sẽ có phước báu lớn, lợi ích lớn.Tại sao vậy? Vì rằng các ngài là con mắt sáng của thế gian, là bậc đa văn, quảng kiến; là người thông suốt tam tạng, là người hằng đem đến lợi ích, phước báu cho chư thiên và loài người."
- Cũng đúng như thế!
- Một bên thì dạy đừng nên có chỗ ở, một bên thì dạy nên tạo chỗ ơ ? Tham luyến chỗ ở đem đến sợ hãi, thế mà còn dạy người ta nên tôn tạo chùa, thất, liêu; điều ấy không phải là sự mâu thuẫn lạ lùng sao, hở đại đức?
Đại đức Na- tiên im lặng một lát rồi hỏi:
- Đại vương có thấy, là nếu chư tỳ khưu sống hạnh không dính mắc chỗ ở, sống đời ta-bà vô trú như hươu nai tự do, tự tại giữa rừng sâu có lợi ích chăng?
- Dĩ nhiên là lợi ích.
- Còn nếu các hàng cư sĩ phát tâm cúng dường, tôn tạo chùa thất đến cho tỳ khưu Tăng, thì có lợi ích chăng?
- Dĩ nhiên là lợi ích.
- Xin đại vương cho nghe tôn ý? Chúng có những lợi ích gì?
- Thứ nhất là giúp cho chư Tăng có nơi để hành đạo. Thứ hai là cận sự nam nữ dễ dàng lui tới học đạo, nghe pháp, làm phước cúng dường, thọ trì quy giới v.v... Thứ ba là có nơi để cho chư Tăng học hành, nghiên cứu, trao đổi kinh, luật, luận. Thứ tư là để cho kẻ ngoại giáo, vua chúa, quan lại... có chỗ lui tới để vấn đạo, học đạo...
- Đúng vậy. Và những lợi ích ấy có thiết thực, hữu ích cho nhân quần, xã hôi không hở đại vương?
- Rất thiết thực. Tuy nhiên, nó vẫn là nguyên nhân đem đến sự sợ hãi trong hàng tăng lữ, thưa đại đức?
- Nguyên nhân ấy là gì?
- Là sự tham luyến chỗ ở.
- Vậy thì vấn đề là sự tham luyến và không tham luyến, tâu đại vương!
- Ồ! trẫm đã sai rồi!
* * * 138. Cái gì nơi Đức Thế Tôn là cao quý không ai sánh bằng?
- Thưa đại đức! Trẫm còn thắc mắc về một câu hỏi trước đây, khi Đức Thế Tôn khen ngợi rằng tỳ khưu Bàkula cao quý không ai sánh bằng... Đại đức có thể trả lời cho trẫm những câu hỏi liên quan đến vấn đề ấy chăng?
- Tâu, vâng, đại vương cứ hỏi.
- Đức Thế Tôn là vị lương y, chữa trị tất cả mọi căn bệnh cho chúng sanh; nhưng chính ngài là người lại đau ốm luôn, ít ra là bốn lần. Trị bệnh cho chúng sanh mà chính mình lại bị bệnh, đấy không là điều đáng ngạc nhiên sao?
- Đại vương lầm rồi, hay chính đại vương giả vờ đặt ra câu hỏi ấy? Những căn bệnh thống khổ của chúng sanh là tham sân, phiền não, luân hồi tử sinh... chứ không phải là bệnh tật thông thường, tâu đại vương! Ngài đã thuyết pháp, giảng giải con đường đi đến Niết bàn, nơi diệt tận những điều thống khổ ấy nên thế gian tôn ngài là vị lương y. Còn sở dĩ tỳ khưu Bàkula cao quý không ai sánh bằng là do vị ấy thiểu bệnh hơn các vị Thanh văn khác, chỉ có thế thôi.
- Vậy thì Đức Tôn Sư ám chỉ sự cao quý gì trong lời thuyết: "Như Lai là bậc bà-la-môn tối thượng, xứng đáng để cho kẻ khác xin rửa tay dâng vật phẩm cúng dường, không có ai sánh bằng!"? Trong lúc vô bệnh thì ngài không bằng tỳ khưu Bàkula, phước vật thực thì không bằng đại đức Sìvali, đầu đà khổ hạnh thì không bằng ngài Mahà Kassapa v.v... Ngoài ra, các vị Thinh văn đệ tử Phật, thọ thực ngày một lần, có vị dù chết cũng không thọ thực hai lần một ngày; còn Đức Tôn Sư thọ thực ngày một lần, ngày hai lần hoặc ngày ba lần cũng có. Vậy thì trẫm e rằng phẩm hạnh của Đức Thế Tôn không cao quý bằng chính đệ tử của mình rồi.
- Tâu đại vương! Như bần tăng đã trình bày hôm trước, Đức Thế Tôn cao quý không ai sánh bằng ở phương diện tâm, phương diện tuệ và phương diện giải thoát. Tức là những pháp mà ngài đã chứng đạt và chứng ngộ. Cụ thể hơn, Đức Thế Tôn có những pháp tối thượng sau đây:
Thứ nhất, giải thoát tri kiến (Vimutti nànadassana); Thứ hai, thập lực tuệ và bốn tuệ dũng cảm (Vesàvajjanàna); Thứ ba, mười tám pháp Phật (Buddha Dhamma); Thứ tư, sáu tuệ không phổ thông (Àsàdhàranàna); Thứ năm, tất cả pháp trình độ của Phật (Buddhavisaya Dhamma).
Cho nên, dù Đức Thế Tôn có bệnh hay không bệnh, thọ thực một bát hay thọ thực hai bát, thọ đầu đà hay không thọ đầu đà; thì tất cả chíng sanh trong tam giới, chúng sanh không chân hay hai chân, có bốn chân hay nhiều chân, có thân hình hoặc không có thân hình, có tâm tưởng hoặc không có tâm tưởng v.v..., chẳng chúng sanh nào có thể cao thượng, cao quý để so sánh với Đức Tôn Sư!
- Thưa đại đức! Trẫm không còn nghi ngờ gì về điều ấy nữa.
* * *
139. Đức Thế Tôn là người khai sáng Đạo hay Đạo có sẵn từ ngàn xưa?
- Thưa đại đức! Đạo vốn có sẵn tự ngàn xưa phải chăng?
- Vâng, có tự ngàn xưa, do chư Phật quá khứ đã khai sáng, đã tìm ra.
- Thế sao Đức Thế Tôn của chúng ta lại nói rằng "Như Lai là người làm cho Đạo chưa phát sanh được phát sanh"? Vậy ra lời nói sau lại nghịch ngôn, mâu thuẫn với lời nói trước.
- Chẳng có hai lời sái nghĩa đâu, tâu đại vương! Đạo xưa ấy là nói về Bát chánh đạo, con đường có tám chi; đấy là con đường đi đến giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi. Chính chư Phật quá khứ sau khi giác ngộ con đường, đã tán dương, tuyên thuyết con đường ấy cho chúng sanh thực hành, noi theo. Nhưng khi các ngài nhập diệt, Bát chánh đạo ấy cũng theo thời gian mà khuất lấp đi, chẳng còn ai biết đến để tu tập nữa.
Đến thời Phật Thích Ca, do công hạnh ba-la-mật sâu dày, ngài đã vén mở con đường xưa cũ; đã phát hiện lại con đường, đã phát quang lại con đường, tu tập theo con đường, giác ngộ con đường... cho nên gọi là làm cho con đường được phát sanh! Lý nghĩa ấy thì có gì mâu thuẫn đâu, tâu đại vương?
- Thưa đại đức! Phát sanh là chưa có mà bây giờ lại có, lại sanh ra. Còn Đạo vốn là cái có sẵn nên không thể lập ngôn như vậy được!
- Đại vương nói rất có lý. Nhưng đại vương nghĩ thế nào trong trương hợp viên ngọc mani với đức Chuyển luân Thánh Vương? Phước đức của đức Chuyển luân Thánh Vương từ ngàn xưa có công năng làm cho ngọc mani xuất hiện, gọi là ngọc mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương. Nhưng đến khi đức Chuyển luân Thánh vương mãn tuổi thọ, ngọc mani ấy cũng bị biến mất, đến trú ẩn nơi đỉnh núi Vikula. Nhiều đời sau, đức Chuyển luân Thánh vương khác lại ra đời trên thế gian, ngọc mani xuất hiện, lại tìm đến cho đức vua ấy. Thế có thể lập ngôn là ngọc Mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương không hở đại vương?
- Có thể được.
- Nghĩa là đức vua ấy không thể tạo ra ngọc mani mà mani ấy vốn có sẵn?
- Đúng vậy.
- Chữ "phát sanh" mà Đức Thế Tôn dùng cũng nằm trong ngữ nghĩa ấy. Đức Thế Tôn không tạo ra Đạo mà Đạo vốn là có sẵn.
- Trẫm hiểu rồi.
- Ngọc mani xưa thần bí, ẩn tàng không ai có thể thấy được, chẳng ai có khả năng làm cho nó lộ diện, chỉ có công năng phước báu của đức Chuyển luân Thánh vương mới làm cho nó phát sanh. Tương tự như thế, Bát chánh đạo sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó tìm; chẳng ai trong tam giới có khả năng làm cho Bát chánh đạo hiện hữu; chỉ có công hạnh ba-la-mật sâu dày, trí tuệ vô thượng của Đức Phật mới có công năng làm cho Bát chánh đạo phát sanh giữa cuộc đời.
- Trẫm đã hiểu.
- Lại nữa, ví như người nữ sanh con. Trong bụng người nữ có con mới gọi là người nữ sanh con. Nếu trong bụng người nữ không có con thì người nữ có sanh con được không hở đại vương?
- Chẳng thể nào.
- Đức Phật giác ngộ Bát chánh đạo từ ngàn xưa, ở trong tâm, rồi nói ra bát chánh đạo ấy; cũng như người nữ có con trong bụng, rồi sanh đứa con ấy ra, tâu đại vương!
- Hay lắm!
- Lại nữa, ví như một người đàn ông giàu có, của cải tài sản, châu báu được chôn giấu nhiều nơi; do chiến tranh, loạn lạc, vật đổi, sao dời, người đàn ông không tìm ra tài sản ấy nữa. Sau đó, do cố gắng, do kiên trì, do trí nhớ, ông ta đã tìm lại được. Ấy có thể gọi là làm cho tài sản phát sanh trở lại không, hở đại vương?
- Có thể được.
- Lại nữa, ví như một người đàn ông nọ tự ý vào rừng, nhắm hướng đông tây nam bắc rồi chặt bỏ bụi bờ, gai góc, làm sạch một con đường, thì tình cờ phát hiện một con đường xưa cũ bộ hành qua lại. Tương tự như thế, Đức Thế Tôn cũng là một người đi vào một khu rừng, phát quang bụi bờ gai góc, chợt tìm ra con đường Bát chánh đạo mà chư Phật quá khứ đã đi qua, vốn đã bị thời gian khuất lấp. Trường hợp ấy cũng cùng một ý nghĩa cả, tâu đại vương!
- Trẫm đã hết nghi ngờ rồi, thưa đại đức!
* * *
140. Đức Phật từ bỏ sự tinh tấn, lại khuyên đệ tử nên tinh tấn?
- Thưa đại đức! Có phải Đức Thế Tôn đã tinh tấn thực hành khổ hạnh để diệt trừ phiền não, hủy diệt ma quân? Và sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy trên thế gian không ai bằng được?
- Tâu, vâng!
- Cũng do sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy mà thân thể ngài trở nên suy nhược, gầy yếu...; nếu tiếp tục, có thể đưa đến tử vong, nên ngài đã cương quyết từ bỏ, trở lại ăn uống bình thường. Nhờ vậy mà ngài đã đắc vô thượng Bồ đề tuệ! Có đúng thế chăng?
- Tâu, vâng!
- Thế sao ở một chỗ khác, khi thuyết giáo cho chư đệ tử, Đức Thế Tôn lại khuyên nên thực hành hạnh tinh tấn, tức là con đường sai lầm mà trước đây ngài đã chán nản, từ bỏ?
- Đại vương nói thế có chứng cứ gì không?
- Có chứ! Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý như vầy: "Này chư tỳ khưu! Các ngươi hãy tinh tấn, hãy ra khỏi phe nhóm, đừng ở trong phe nhóm. Hãy là người tri túc, sống đời nhẹ nhàng. Hãy đi vào rừng, thọ đầu đà ở trong rừng hay tìm đến một côi cây nào đó. Hãy tinh tấn tiến tu chỉ tịnh, quán minh. Hãy dứt bỏ quân binh của diêm chúa. Hãy như voi chúa lớn sổ mạch (dậy tình) phá đổ tất cả nhà cửa, dũng mảnh tinh tấn để đạp nát thành lũy của ma quân. Dẫu trường hợp nào cũng phải thực hành tinh tấn, đừng bỏ tinh tấn cho đến lúc giác ngộ, giải thóat hẳn thôi!"
- Đúng là Đức Tôn Sư đã có thuyết như vậy.
- Cái đại nguyện tinh tấn ấy, cái siêng năng mãnh liệt ấy, khi hành đại khổ hạnh, chính Đức Thế Tôn đã thấy rõ nó có hại, không đưa đến yểm ly, ly tham, giác ngộ, Niết bàn nên ngài đã chán nản và từ bỏ. Vậy mà bây giờ ngài lại khuyên đệ tử nên thực hành theo sự sai lầm của mình! Than ôi!
- Đại vương đã hiểu sai đoạn kinh ấy rồi!
- Trẫm chưa hiểu ý của đại đức.
- Đại vương chưa hiểu thế nào là khổ hạnh, thế nào là tinh tấn! Chẳng lẽ nào tinh tấn và khổ hạnh lại giống nhau, hở đại vương?
-- Xin đại đức giải thích cho!
- Tâu đại vương! Tinh tấn dõng mãnh, cường liệt để thực hành chỉ tịnh và quán minh, nó rất khác biệt so với sự tinh tấn, dõng mãnh, cường liệt để thực hành khổ hạnh! Cũng là đại tinh tấn, nhưng hai sự tinh tấn ấy, dù có sự quyết tâm hạ thủ công phu tương tợ nhau, nhưng đối tượng thì lại hoàn toàn khác biệt nhau!
- Trẫm chưa hiểu.
- Tâu, khi tinh tấn để thực hành khổ hạnh, trong sáu năm lầm lạc, Đức Thế Tôn suy nghĩ rằng: "Ta phải thực hành khổ hạnh cho thế gian này không ai có thể thực hành bằng ta, hơn ta! Ta phải phát nguyện cho đại tinh tấn tốt hơn nữa, bằng cách cương quyết thọ thực ngày một ít dần đi, phải giảm thiểu cho đến lúc không cần cả ăn, cả uống, cả đại tiểu tiện... và cả hơi thở nữa!". Và chính do đại tinh tấn khổ hạnh ấy mà Đức Thế Tôn sút giảm sức khỏe, tiều tụy thân thể... cho đến lúc mạng sống sắp lâm nguy! Sự hành thân hoại thể ấy chỉ đưa đến việc chấm dứt sự sống chứ không thể chấm dứt phiền não, giải thoát sinh tử khổ đau!
- Điều ấy thì trẫm đã có nghe.
- Sau khi từ bỏ đại tinh tấn khổ hạnh, Đức Phật thọ thực ngày một bữa, rồi khởi tâm đại tinh tấn quay sang đề mục chỉ tịnh và quán minh. Nhờ vậy ngài mới chứng đắc vô thượng Bồ đề tuệ. Nói cách khác, ngài từ bỏ khổ hạnh ép xác, chứ không phải từ bỏ đại tinh tấn, tâu đại vương! Với đại tinh tấn thì ai muốn chấm dứt khổ cũng phải thực hành y chỉ, tuân theo ! Vật thực nuôi mạng chúng sanh trong các cõi như thế nào, thì đại tinh tấn cũng nuôi mạng tuệ giác cho tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại , vị lai cũng y như thế ấy.
- Xin đại đức cứ giảng thêm.
- Vậy, tội không phải là tội của sự tinh tấn, mà là tội của khổ hạnh, ép xác, tâu đại vương!
- Vâng!
- Đức bồ tát muốn mau đắc thành Chánh Đẳng Giác mà ép xác khổ hạnh, cũng tương tợ như người đi đường muốn đến đích nhanh, cố gắng chạy, rán sức chạy cho đến lúc kiệt quệ. Muốn nhanh lại trở thành chậm vậy.
- Tại sao?
- Vì rằng, đến lúc kiệt lực, chân tay rã rời, nhấc không nổi thì làm sao mà đi được? Trái lại, có kẻ chạy bình thường, liên tục, đều đặn, biết duy trì hơi thở; thì tuy thấy chậm, còn ở đằng sau, nhưng sẽ đến đích nhanh hơn. Có phải thế không, đại vương?
- Vâng!
- Trường hợp người kia đến đích chậm hoặc kiệt lực nằm dài ở dọc đường... thì lỗi ở đôi chân, lỗi ở con đường, lỗi ở mặt đất hay lỗi ở đâu, đại vương?
- Thưa, lỗi do tâm nóng nảy muốn mau đến đích mà sanh ra. Lỗi do không biết duy trì sức lực mà làm cho kiệt lực.
- Đức bồ tát sáu năm khổ hạnh do thiếu trí tuệ mà ép xác cho đến kiệt lực cũng y như thế. Tội là do si mê ép xác khổ hạnh chứ không phải do tinh tấn, tâu đại vương!
- Thưa, vâng!
- Ví như một người mặc áo quần quá dơ bẩn, không biết cách giặt, không có thuốc tẩy lại đổ lỗi cho nước, có được không, đại vương?
- Nước vốn không có lỗi như thế nào thì tinh tấn cũng không có lỗi như thế ấy, đại đức!
- Một người nấu cơm bị khê, bị cháy, lại không tự trách mình mà đi đổ lỗi cho lửa, có được không, đại vương?
- Không thể do lửa được.
- Cũng là đại tinh tấn, nhưng biết sử dụng đại tinh tấn cho chỉ tịnh, quán minh thì được tuệ giác; còn sử dụng đại tinh tấn cho ép xác, khổ hạnh thì si mê chồng chất si mê, có được gì đâu! Đại vương đã thấu đáo vấn đề chưa?
- Bây giờ thì trẫm đã hoàn toàn lãnh hội rồi.
* * *
141. Tại sao có sự đắc quả nhanh, chậm khác nhau?
- Thưa đại đức! Đức Toàn-thắng-ma có dạy rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Các thầy phải biết sợ hãi luân hồi, phải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cấu uế, dơ bẩn, phiền não. Phải thỏa thích trong pháp xa lánh cấu uế, tìm an lạc trong pháp xa lánh cấu uế!". Pháp ấy được gọi là Nippapanca. Trẫm không hiểu Nippapanca là gì?
- Tâu đại vương! Nippapanca dhamma là pháp nhằm thoát ly ra khỏi mọi nhơ bẩn, cấu uế của tâm; hàm chỉ bốn quả vị của bốn bậc thánh: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na- hàm và A-la-hán quả.
-Thế Đức Đạo Sư muốn dạy bảo đệ tử phải tu tập để chứng đắc tứ quả thánh?
- Tâu, vâng.
- Nhưng rải rác chỗ này, chỗ kia, Đức Thế Tôn không dạy chứng quả ngay như thế; mà ngài dạy phải bố thí, cúng dường..., dạy phải học kinh, học kệ thi, học văn phạm, học túc sanh truyện, học phi thường pháp v.v..., thế là sao nhỉ?
- Tâu đại vương! Chư tỳ khưu phải học và hành tuần tự thứ lớp cho đầy đủ như thế, nhưng mục đích cuối cùng cũng đều phải đắc pháp Nippapanca giống nhau. Người đắc pháp Nippapanca ngay, thoát ly mọi cấu uế nhơ bẩn, được trong sạch không phải là một cái gì chợt đến một cách tức khắc; mà là do sự huân tu lâu đời, duyên ba-la-mật già dặn từ nhiều kiếp trước. Những kẻ ấy, trong đời này, sẽ đắc quả nhanh, không chậm trễ, chỉ một sát na tâm là họ nhập vào dòng thánh rồi. Trường hợp trái lại, những tỳ khưu đang còn phàm, chưa có huân tu sâu dày, duyên ba-la-mật chưa đủ, muốn đắc Nippapanca cũng phải học và hành tuần tự thứ lớp, tinh tấn mỗi khi mỗi ít, đến một lúc nào đó, dù chậm trễ, họ cũng sẽ đắc quả Thánh!
- Trẫm hiểu rồi, nhưng đại đức có ví dụ cụ thể nào về hai trường hợp ấy chăng?
- Tâu, vâng! Ví dụ có người nông dân cần mẫn, chăm lo làm ăn. Mấy năm trước ông ta khai phá một mảnh ruộng, làm hàng rào rất chắc chắn. Ngoài ra, ông ta còn siêng năng nhổ cỏ, thêm phân, thêm nước thường xuyên cho đám ruộng của mình. Đến mùa, đám ruộng ấy được bội thu, nuôi sống mình và gia đình... Tâu đại vương! Hạt gạo của người nông phu ấy, tức khắc được làm ra, nó có ngay, hay phải trải qua thời gian lâu dài?
- Thưa, họ phải tốn biết bao công sức, thời gian cùng sự chăm chuyên cần mẫn mới có được !
- Đúng là vậy. Lại có một người nông dân khác, quanh năm đói nghèo do tính chậm lụt, thiếu quyết tâm, ít siêng năng, chịu khó; luôn luôn than thở mình thiếu phước, đến nhà người ''nông dân giàu'' để vay gạo, nói rằng: ''Tôi thiếu gạo, anh dư gạo, hãy cho tôi vay gạo!'' Người kia đáp: ''Không ai là người thiếu gạo cả, chỉ tại anh làm biếng, không có chí, không có đầu óc, không biết siêng năng, chịu khó mà thôi!". "Vậy anh hãy dạy tôi!". "Hãy cầm lấy cái cuốc, vào ven suối làm một đám ruộng, rồi tuần tự làm những việc như tôi đã làm, thời gian sau sẽ có gạo ăn!".
Nguời nông dân nghèo nghe lời bạn dạy bảo, quyết tâm khởi lên, cầm lấy cái cuốc, chí thú, tinh cần...; thời gian sau, anh ta có đủ gạo ăn! Tâu đại vương! Người nông dân này cho ta một ví dụ về sự đắc quả chậm, người nông dân trước cho ta ví dụ về sự đắc quả nhanh; nhưng ai cũng phải trải qua thời gian khởi tâm, quyết tâm, chí thú, tinh cần cày bừa và gieo hạt. Có gạo ăn được ví cho Nippapanca, các công đoạn làm ruộng thì ví cho sự học và hành tuần tư, thứ lớp, tinh tấn mỗi ngày một ít, tâu đại vương!
- Vâng, thế đại đức còn ví dụ nào nữa không?
- Tâu, vâng. Ví như có hai người đi vào rừng để kiếm trái cây. Một người gan dạ dũng cảm, có trí. Một người nhác nhớm, lề mề, chậm chạp, không có gan lại thiếu trí. Người đầu tiên nhanh tay nhanh mắt, xông xáo tìm ra một cây nhiều trái ngon; bèn xắn gọn quần áo, lựa thế leo lên. Thế là anh ta hái được rất nhiều trái cây. Người thứ hai rất lâu sau mới tìm được cây có trái, thấy cây cao và thân cây to quá, anh ta sợ hãi không dám leo.
Sau một hồi suy nghĩ bèn chặt cây rừng làm thang, bắt thang vào khi ấy mới leo lên được. Thế là anh ta cũng hái được trái nhưng mất thời gian hơn anh thứ nhất rất nhiều. Phàm việc tu hành, đắc quả nhanh chậm cũng y như thế. Người có trí, nhậm lẹ, chịu khó, có sức mạnh nội tâm, tinh cần, nhiều nỗ lực bao giờ cũng đắc quả sớm hơn người thiểu trí, người yếu đuối, đầy mặc cảm sợ hãi, thiếu tinh cần, chuyên niệm, thiếu nỗ lực huân tu, tâu đại vướng!
- Vâng, trẫm rõ rồi.
- Lại nữa, ví như hai người cùng làm một việc giống nhau. Một người tự nguyện làm, hiểu công việc của mình. Một người thiếu tự nguyện, không biết rõ công việc của mình, nên phải được nhắc nhở, khuyên bảo; đôi khi phải cho họ bạc tiền, lắm lúc còn la mắng, đánh đập, kẻ kia mới thành tựu công việc được, nhưng lại chậm hơn rất nhiều. Tương tự như thế, kẻ có căn cơ Nippapanca và kẻ có căn cơ anavajja - tuần tự thứ lớp - giống như những ví dụ trên, không hai, không khác.
- Cảm ơn đại đức.
* * * 142. Về cư sĩ A-la-hán
- Thưa đại đức! Dường như đại đức có nói với trẫm rằng, một vị cư sĩ đắc quả A-la-hán trong ngày nào thì phải xuất gia ngay trong ngày ấy; nếu trong ngày ấy , vì một lý do nào đó mà không xuất gia được, thì vị ấy bắt buộc phải nhập Niết bàn. Điều ấy có đúng thế không ạ?
Đôi nơi bảo là một tuần lễ.
- Tâu đại vương! Hoàn toàn đúng như vậy.
- Họ có thể tự cạo bỏ râu tóc, mặc y cà sa, nghĩa là tự tu lấy; hay là phải cần có thầy tiếp dẫn, thầy hòa thượng tế độ, chứng minh?
- Không thể tự ý được, mà phải có thầy, tâu đại vương! Tự tu là trộm phẩm mạo, tăng tướng, cách tu ấy không có mặt trong giáo pháp của Đức Tôn sư!
- Thế có nghĩa là sau khi người cư sĩ đắc quả, các vị thầy tiếp dẫn, tế độ là những bậc có thần thông, tức khắc hiện đến và làm lễ xuất gia ngay cho người cư sĩ ấy chăng?
- Có thể có trường hợp ấy, tâu đại vương!
- Giả dụ họ đến muộn một, hai ngày không được sao?
- Dĩ nhiên là không được! Chính vị cư sĩ đắc quả phải đi tìm vị thầy tế độ cho mình ở trong vùng, ở trong trú xứ ấy. Nếu tìm không ra, đến lúc mặt trời lặn của ngày ấy, vị cư sĩ phải nhập Niết bàn.
- Đã đắc quả rồi mà tại sao còn nôn nóng chấm dứt sinh mạng như thế? Hay có lý do bí ẩn nào chăng?
- Tâu đại vương! Chẳng phải do nôn nóng, cũng chẳng phải có lý do bí ẩn nào. Phẩm mạo cư sĩ thấp thỏi quá, thật không xứng đáng với quả vị A-la-hán mà người ấy đã đắc, do vậy phải thay đổi phẩm mạo xúất gia. Chính phẩm mạo xuất gia mới tương ứng, xứng đáng với quả vị A-la-hán.
- Về lý do thì tạm thời trẫm chấp nhận kiến giải của đại đức, nhưng nếu có những ví dụ cụ thể để chứng minh, có lẽ dễ thuyết phục trẫm hơn, thưa đại đức.
- Vâng, bần tăng sẽ đưa ví dụ. Ví như có người vào buổi đói kém chẳng có vật thực để nuôi mạng, phải nhịn đói lâu ngày. Hôm kia có vị bá hộ thương tình cho người ấy ăn thỏa thích những món ăn thượng vị. Do không biết tiết độ, người ấy ăn một bụng căng, chất lửa không có đủ để tiêu hóa, cơ thể nhịn đói lâu ngày không chịu đựng nổi, người ấy bội thực mà chết. Tâu đại vương! Trường hợp ấy có nên bắt tội "vật thực" không?
- Vật thực không có tội gì, thưa đại đức!
- Thế sự chấm dứt sanh mạng của người kia là do nguyên nhân nào?
- Thưa, do nhịn đói lâu ngày, cơ thể quá suy yếu, không đủ lửa để tiêu hóa.
- Cũng vậy, tâu đại vương! Phẩm mạo cư sĩ tại gia quá suy yếu, quá thấp thỏi, thật không đủ sức tiêu hóa món ăn thượng vị - là quả vị A-la-hán tối thượng - nên bắt buộc người ấy phải xuất gia; nếu không xuất gia kịp thời, phải chấm dứt mạng sống bằng cách nhập Niết bàn thôi.
- Hay lắm! Ví dụ ấy có hình ảnh cụ thể, dễ nắm bắt lý nghĩa hơn.
- Ví như một lùm cỏ nhỏ, thật không đủ sức chịu đựng nổi một tảng đá lớn dằn lên trên.
- Vâng!
- Quả vị A-la-hán là tảng đá mà phẩm mạo cư sĩ chỉ là lùm cỏ nhỏ.
- Trẫm đã hiểu.
- Ví như một người bần tiện, hạ liệt, ngu si, mà người ta đặt để cho y một quả lớn - ngôi vua chí tôn chẳng hạn - thì sẽ xảy ra chuyện gì hở đại vương?
- Thưa, không khốn đốn, nguy hại đến cho y thì thế gian cũng loạn lạc. Không phát sinh lo âu, sợ hãi... thì kẻ khác cũng giết y, chấm dứt mạng sống của y để chiếm ngôi. Thiếu đức, thiếu tài, thiếu phước mà an ngự ở địa vị quá lớn là mầm mống của họa hại, diệt vong... thôi, thưa đại đức!
- Không phải lỗi do vương vị chứ?
- Vương vị không có tội gì! Chỉ tội do kẻ không xứng đáng với vương vị!
- Cũng thế, tâu đại vương! Quả A-la-hán không có tội gì, chỉ tội cho phẩm mạo cư sĩ không tương xứng, không xứng đáng với quả vị A-la-hán đó thôi!
- Hay lắm!
- Chính phẩm mạo xuất gia như kẻ có đức, có trí, có tài, nhiều phước báu, mới xứng đáng với quả vị A-la-hán. Phẩm mạo xuất gia có thể được ví như một bảo cái lớn rộng, có khả năng che chở cho quả vị A-la-hán, tâu đại vương!
- Sàdhu, lành thay! Thật chẳng có chỗ nào để mà hoài nghi nữa.
* * *
143. Tại sao bồ tát Loma Kassapa giết hại chúng sanh để tế lễ?
- Thưa đại đức Na-tiên! Có lần Đức Thế Tôn thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Vào thời quá khứ, Như Lai hành trì ba-la-mật không mệt mỏi, luôn luôn tinh cần, nỗ lực để bổ khuyết ba-la-mật cho chính mình. Một kiếp nọ, dù năng lực ba-la-mật của Như Lai còn non yếu, còn khiếm khuyết, đấy là kiếp làm người có tên là Avihe Dhaka - nhưng Như Lai cũng đã không lấn hiếp, đe dọa hoặc cướp đoạt mạng sống của bất cứ chúng sanh nào." Lời tuyên bố ấy của Đức Đạo Sư có đúng chăng, đại đức?
- Đại vương có trí nhớ rất tốt.
- Không dám. Bồ tát kiếp làm người có tên là Avihe Dhaka, tuy ba-la-mật còn non yếu, lại không hề giết một sanh mạng nào; nhưng sau đó, nhiều kiếp về sau, dĩ nhiên là ba-la-mật sung mãn hơn, lại đang tâm giết rất nhiều sanh mạng để cúng dường đại tế, là nghĩa làm sao, thưa đại đức?
- Xin đại vương nói cho rõ hơn.
- Vâng, đấy là kiếp bồ tát làm vị đạo sĩ tên là Loma Kassapa. Đạo sĩ vì nghe lời nàng Cinda Vatì đã giết hại rất nhiều chúng hữu tình dùng cho việc tế lễ. Điều này chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng, lời Đức Thế Tôn không như một. Đã không như một lại phơi bày sự thật hiển nhiên, rằng là, ba-la-mật ít lại không sát sanh, ba-la-mật nhiều lại sát sanh? Sự mâu thuẫn không thể lý giải này làm cho người học Phật đời sau như rơi vào mê lộ tối tăm, chẳng tìm đâu ra ánh sáng nữa. Mong đại đức chỉ giáo cho.
Đại đức Na tiên chợt mỉm cười:
- Câu hỏi của đại vương như một cái thòng lọng, nhúc nhích một cái là bị siết chặt vào cổ ngay! Hay lắm, chúng ta sẽ cố gỡ xem sao.
- Tất cả chỉ nhờ vào trí tuệ của đại đức.
- Không dám, bần tăng sẽ cố gắng cùng với đại vương xem thử lý do nó nằm ở đâu. Chắc đại vương biết rõ là bồ tát Loma Kassapa thuở ấy chưa đắc quả Thánh chứ?
- Dĩ nhiên là chưa đắc.
- Thế có nghĩa là vẫn còn dục ái chứ?
- Vâng.
- Và dục ái thì cho chí bậc thánh Tu-đà-huờn, Tu-đà-hàm vẫn còn bị chi phối, đến bậc thánh A-na-hàm dục ái mới hoàn toàn yên lặng.
- Vâng.
- Thế thì bồ tát Loma Kassapa bị dục ái chi phối mà sát sanh thì cũng là chuyện không lạ lùng lắm. Năng lực của dục ái, luyến ái đến độ cường liệt thì nó che mờ tất cả mọi thiện pháp, làm nguội tắt tất cả năng lực ba-la-mật! Vì yêu nàng Cinda Vatì, vì luyến ái, mê đắm nàng Cinda Vatì mà bồ tát Loma Kassapa đã phạm tội sát sanh, tâu đại vương!
- Trẫm nghe rằng, sát sanh có tám lý do:
Sát sanh do năng lực dâm dục; Sát sanh do sân hận; Sát sanh do si mê; Sát sanh do ngã chấp; Sát sanh do tham lam; Sát sanh do nuôi mạng; Sát sanh do ngu si, không có trí tuệ, không thấy tội, phước, lợi, hại v.v...; Sát sanh do các quy luật tự nhiên.
Vậy thì bồ tát Loma Kassapa sát sanh là do một trong tám lý do thông thường ấy chăng?
- Nó là một trong tám lý do ấy nhưng cũng ở ngoài tám lý do ấy!
- Tại sao?
- Tâu, cũng là luyến ái nhưng luyến ái ấy quá cường liệt, quá mạnh mẽ đã che mờ hết tâm trí; hành động do năng lực luyến ái ấy chẳng khác gì hành động của người điên, tâu đại vương!
- Xin đại đức giải thích cho trẫm nghe.
- Vâng. Một người điên thì có dẫm chân lên một đống than đỏ rực cũng không sợ hãi, bắt rắn độc bỏ lên tay cũng không ngán, dù gặp voi sổ mạch (voi động dục) hung dữ hắn ta cũng có thể liều mạng bắt cỡi được. Biển cả sâu và lớn rộng không thấy mé bờ, người mất trí ấy cũng có thể nhảy ùm xuống và lội qua. Đối với các loại thú dữ như cọp, beo, tê giác, trâu rừng v.v..., y cũng có thể đến gần đùa chơi mà không sợ nguy hiểm.
Cả một rừng cây gai chằng chịt hắn cũng có thể ung dung đi vào! Nói tóm lại, người điên chẳng sợ núi cao, vực sâu; chẳng hề thấy vật đáng nhờm gớm; chẳng hề biết mắc cở, hổ thẹn khi trần truồng trước mắt mọi người. Việc gì y cũng có thể làm được. Trong đầu người điên không có chuyện thiện ác, phải trái, an nguy, lạnh nóng, khôn dại, đúng sai, xấu đẹp, được mất, hơn thua, khen chê v.v...
Đạo sĩ Loma Kassapa của chúng ta khi thấy sắc thân nàng Cinda Vatì, tâm luyến ái phát sanh, lửa dục thiêu đốt; nên hành động của vị ấy chẳng khác gì hành động của người điên, tâu đại vương! Vậy đối với người điên hư hỏng tâm tính, đánh mất nhân cách; nếu có hành động nào sái quấy xâm phạm đến pháp luật quốc gia, đại vương sẽ xử tội như thế nào?
- Thưa đại đức, người điên nếu phạm tội tử hình, luật pháp của trẫm cũng không thể giết được. Dẫu phạm tội nặng thế nào, vì an nguy cho mọi người xung quanh, trẫm cũng chỉ bắt trói hoặc nhốt y lại là cùng.
- Đại vương không ghép vào tội tử hình, chỉ bắt trói hoặc nhốt lại thôi! Nhưng sau đó? Giả dụ người điên kia tỉnh lại thì đại vương làm sao nhỉ?
- Thì phải thả người ta ra.
- Thế đại vương có xét lại những tội lỗi mà y đã làm từ trước?
- Thưa, không thể xét lại được, hoàn toàn tha bổng.
Đại đức Na-tiên chậm rãi nói:
- Trường hợp đạo sĩ Loma Kassapa cũng y như thế đó, tâu đại vương! Khi lửa dục thiêu đốt, đạo sĩ làm những điều sai lầm, càn quấy giết hại loài hữu tình do năng lực nàng Cinda Vatì xúi giục. Đại vương không bắt tội người điên như thế nào thì cũng không nên luận tội đạo sĩ Loma Kassapa theo lý giải thường tình. Người điên sau khi hết điên, đại vương tha bổng, cho người ấy trở lại đời sống bình thường. Tương tự thế, đạo sĩ Loma Kassapa sau khi " hết điên", có "trí nhớ" trở lại, "tỉnh táo" trở lại; đã trở về với sinh hoạt tâm linh bình thương, đã tiến tu, đã đắc thiền và đắc ngũ thông, hết tuổi thọ được sanh vào cõi Phạm thiên.
- Ồ! hy hữu vậy thay!
- Người điên khôngthể luận phải trái, thiện ác, đúng sai... như thế nào, thì đạo sĩ Loma Kassapa khi bị lửa dục thiêu đốt, cũng không thể luận ba-la-mật non hay già, tâm từ ít hay nhiều, sát hay không sát...; chỉ coi là sự đột khởi điên loạn nhất thời, chẳng thể xác định phẩm hạnh hoặc tư cách trọn vẹn của một con người được.
- Vâng, vâng!
- Hãy dùng tuệ giác mà ngắm nhìn vấn đề, đại vương! Dùng đạo đức, luân lý của thế gian hay tôn giáo mà nhìn ngắm vấn đề sẽ đưa đến cục bộ, giới hạn. Dùng tuệ giác mà soi chiếu, đại vương sẽ tỏ tường, thông suốt, xuyên thấu vấn đề hơn, tâu đại vương!
- Thật là tri ân đại đức!
* * *
Mời xem tiếp: 144-146
Duới đây là "Danh Mục" thu gọn, xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":
|