Thứ Năm
18 Apr 2024
8:56 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 19
22 Apr 2015, 4:06 PM
96. Nghi về thời gian giáo pháp tồn tại

- Thưa đại đức! Khi Đức Thế Tôn cho phép nữ giới vào tu, ngài có nói là giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm. Nhưng khi sắp Niết bàn, Đức Thế Tôn lại nói với Subhaddà rằng: chừng nào chư tỳ khưu đệ tử của Như Lai, có đức tin đầy đủ, biết thực hành đúng đắn giáo pháp của Như Lai thì chừng ấy trong thế gian sẽ không mất quả vị A-la-hán! Thưa đại đức! Tại sao Đức Thế Tôn thuyết lời nói sau lại ngược với lời nói trước? Tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết hai lời, trước sau không như một, làm cho kẻ hậu học không xiết nghi ngờ; và kẻ ngoại đạo sẽ lấy lý do ấy để dị luận, tiếu đàm giáo pháp của đức Tôn Sư?

- Tâu đại vương! Quả là hai lời ấy Đức Thế Tôn đều có thuyết. Và quả thật, Phật ngôn ấy ý nghĩa không đồng nhau, có ý nghĩa khác nhau, văn tự, ngữ nghĩa đều khác nhau. Nó xa nhau, khác nhau và cách biệt nhau lắm. Ví như đất và trời, ví như bảo điện chốn thiên cung và hỏa lò nơi địa ngục; ví như vui với khổ, như tội với phước, như có đức và thất đức v.v... Bần tăng xin xác nhận sự thật ấy!

- Thế ra đại đức cũng đồng ý sự mâu thuẫn giữa hai Phật ngôn của Đức Tôn Sư?

- Đại vương, đại vương hiểu thế nào, khi Đức Thế Tôn tuyên bố giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm, là ngài tiên tri về thời gian giáo pháp tiêu hoại hay là ngài có ý ngăn cấm sự giác ngộ đạo qủa?

- Dĩ nhiên Đức Tôn Sư chỉ nói đến thời hạn giáo pháp tiêu hoại thôi.

- Đúng thế, Đức Thế Tôn nói đến thời kỳ tiêu hoại giáo pháp như là ranh giới không có phần dư, nhưng "phần còn lại" thì Đức Thế Tôn chưa nói đến, tâu đại vương!

- Cái gì là "phần còn lại" thưa đại đức?

- Ví như có một người gia chủ biết rằng tài sản của mình ba năm nữa là tiêu hoại, nhưng y không thối chí, ngã lòng, ăn tiêu cần kiệm, cố gắng làm ăn tích lũy thì thời hạn ba năm ấy có đúng chăng, đại vương?

- Sẽ kéo dài, và thời kỳ tiêu hoại sẽ lâu hơn.

- Nhưng giả dụ y cứ tiếp tục phung phí, ăn tiêu xa xỉ thì thế nào hở đại vương?

- Thời gian tiêu hoại sẽ rút ngắn lại.

- Cũng vậy là ý nghĩa đằng sau lời tuyên bố của Đức Thế Tôn. Giáo pháp năm ngàn năm nữa là tiêu hoại, nhưng nếu chư tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam nữ chuyên tâm tu thiền định, thiền quán, tu tứ vô lượng tâm, cần cầu sự giác ngộ, giải thoát thì thời hạn kia chắc chắn sẽ được kéo dài, phải thế không, đại vương?

- Đúng thế.

- Và nếu tứ chúng đệ tử sống buông lung, phóng dật, chẳng chịu tu tập gì cả thì thời hạn kia sẽ thế nào, hở đại vương?

- Dĩ nhiên là giáo pháp sẽ nhanh chóng tiêu hoại hơn thế nữa.

- Vậy thì hai lời tuyên bố của Đức Thế Tôn ở trên mặc dù văn tự khác nhau, ngữ nghĩa khác nhau, dường như nó mâu thuẫn nhau, nhưng lại bổ túc ý nghĩa cho nhau, tâu đại vương!

- Thưa, trẫm đã hiểu nhưng trẫm còn muốn nghe ví dụ nữa.

- Vâng, ví như một cái hồ với sức chứa như vậy, mạch nước rỉ ra hằng ngày như vậy thì khi mùa hạ đến, chừng vài tháng là hồ cạn; nhưng nếu năm, bảy ngày lại có những trận mưa lớn thì thời hạn cạn nước của cái hồ kia sẽ thế nào, hở đại vương?

- Dĩ nhiên là có thể kéo dài thêm một tuần, hai tuần hoặc một tháng, hai tháng nữa cũng chưa biết chừng!

- Cái hồ chính là giáo pháp, thời hạn khô nước chính là giáo pháp đến thời phải tiêu hoại, nước mưa tuôn đổ thêm chính là phẩm hạnh tu tập của tứ chúng. Nếu tứ chúng tu hành đúng đắn, thực hành trọn đủ và nghiêm túc về giới, về định, về tuệ thì giáo pháp sẽ lâu dài hơn năm ngàn năm; và bốn đạo, bốn quả, sẽ còn tồn tại trên thế gian lâu dài hơn thời hạn giáo pháp bị tiêu hoại, có phải vậy không, đại vương?

- Vâng, đúng thế!

- Lại nữa, ví như một đống lửa lớn được cháy bởi củi khô, lá khô, rác khô! Đống lửa ấy sẽ tàn nếu như củi lá và rác ấy bị cháy hết. Nhưng nếu thỉnh thoảng ta bỏ vào đống lửa ấy thêm rác, thêm củi, thêm lá thì đống lửa ấy sẽ lâu tàn hơn, phải vậy không, đại vương?

- Thưa vâng!

- Đống lửa này được ví là giáo pháp. Thời gian tiêu hoại của giáo pháp ví như đống lửa tàn sau khi hết nhiên liệu. Củi, lá, rác được bỏ thêm vào được ví là những giới đức, phẩm hạnh, sự tinh cần tu tập của tứ chúng. Và như thế thì dẫu giáo pháp năm ngàn năm bị tiêu hoại, nhưng nếu tứ chúng thực hành chánh pháp một cách nghiêm túc, có hiệu quả thì quả vị A-la-hán sẽ còn tồn tại lâu dài! Đại vương còn hoài nghi gì nữa chăng?

- Vâng, trẫm không còn hoài nghi gì nữa. Trẫm chỉ còn một thắc mắc nhỏ chưa hiểu rõ mà thôi, ấy là sự tiêu hoại của chánh pháp. Nói cho dễ hiểu là chánh pháp bị tiêu hoại được biểu hiện bởi những tiêu hoại gì?

- Vâng, sự thắc mắc của đại vương rất chính xác. Có ba sự tiêu hoại cả thảy. Ây là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ. Thứ hai là tiêu hoại về hạnh kiểm, giới luật. Thứ ba là tiêu hoại về tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương.

- Xin đại đức giảng cho nghe thế nào là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ?

- Vâng! Ây là khi mà tứ chúng không còn kiên tâm trì chí thực hành giáo pháp cho đến nơi đến chốn. Chúng chỉ thực hành cho có lệ, được chút gì hay chút ấy, vì vậy chúng không còn có khả năng chứng ngộ đạo quả. Điều ấy được gọi là sự tiêu hoại sở đắc, giác ngộ, thưa đại vương!

- Trẫm đã hiểu. Còn thế nào là tiêu hoại hạnh kiểm, giới luật?

- Đấy là vào thời mà tứ chúng khinh thường những giới điều nhỏ, không thực hành, không tôn trọng những giới cấm lớn. Chúng mất tư cách, thiếu phẩm hạnh, thiếu hạnh kiểm, phá giới luật ... như vậy được gọi là sự tiêu hoại giới luật, hạnh kiểm, tâu đại vương!

- Thế còn điều thứ ba: Sự tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo?

- Tâu đại vương! Đến một lúc nào đó, Tăng chúng không còn mặc y cà-sa nữa. Chúng viện cớ phương tiện, việc cớ đi lại khó khăn, việc cớ "phá tướng", nên không còn thích mặc y cà-sa vướng víu ở trên người, chúng thích mặc áo thế tục. Đến lúc ấy, chiếc y cà-sa màu vàng chỉ còn là một mảnh vải vàng tượng trưng, vắt qua lỗ tai mà thôi. Rồi đến lúc, chút vải vàng ấy cũng không còn nữa, ấy được gọi là tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ:

- Cảm ơn đại đức đã giàu lòng bi mẫn, với nhiều câu ví dụ thiện xảo đã phá nghi cho trẫm.

* * *


97. Đức Thế Tôn còn khổ chút ít nào không?

- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn đắc thành vô thượng bồ đề tuệ, ngài thiêu hủy tất cả ác pháp "một cái một" phải không? Hay là ác pháp còn dư sót chút ít?

- Đức Tối-thượng-giác đã tận diệt tất cả mọi nguyên nhân của nghiệp ác, không còn dư sót, ngài dứt "một cái một", tâu đại vương rõ!

- Không còn dư sót bất cứ một nghiệp ác nào, như vậy có nghĩa là ngài chẳng còn bị trả qủa đau khổ, dẫu là một chút ít, có phải thế không, thưa đại đức?

- Đau khổ chút ít ở nơi thân thì có - còn ở nơi tâm thì hoàn toàn không!

- Xin đại đức cho ví dụ cụ thể.

- Vâng! Thưa đại vương! Như một lần nọ, khi Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá từ trên núi xuống cố ý làm hại Đức Phật; tảng đá ấy va đụng tảng đá khác, một mảnh nhỏ đã văng trúng chân Đức Phật làm cho chân ngài bị bầm máu sưng lên. Như vậy là Đức Phật bị đau chân. Ngài đau chân, tức là đau ở nơi thân, còn tâm giải thoát của ngài thì chẳng bị đau bao giờ.

Một lần khác, tại xứ Veluvana, Đức Phật bị bệnh ra máu, sau đó có ông thầy thuốc dâng thuốc cầm máu cho ngài. Lần khác nữa, do phong đại thịnh, Đức Phật bị bệnh, ngài Ànanda dâng nước nóng cho Đức Phật uống. Cả hai trường hợp sau Đức Phật đều chỉ bị đau chút ít ở nơi thân mà thôi, tâu đại vương!

- Thưa đại đức! Trẫm không đồng ý như thế! Có thọ khổ chút ít vậy tức là còn khổ rồi. Nếu Đức Thế Tôn đã chấm dứt tất cả ác pháp để thành Phật Chánh Đẳng Giác - thì làm gì còn ác nghiệp để phải bị trả quả đau khổ, dầu là chút ít? Trẫm nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng Đức Thế Tôn thiêu hủy tất cả ác pháp để thành Phật quả là không đúng chăng? Nghi ngờ rằng Đức Chánh Đẳng Giác mà còn thọ khổ bệnh là không đúng chăng? Hai mối nghi ấy mâu thuẫn nhau, là hai khía cạnh chống đối nhau. Vậy nhờ đại đức hãy phá nghi cho trẫm.

- Không có mâu thuẫn đâu, thưa đại vương! Sự thọ khổ do ác nghiệp ở nơi Đức Thế Tôn đã hoàn toàn được tận diệt, đó là điều chắc thật. Còn những thọ khổ khác nó còn có bảy nguyên nhân phát sanh, không phải do quả của nghiệp, thưa đại vương!

- Ây là những nguyên nhân gì?

- Thưa, đó là phát sanh bởi gió, bởi mật, bởi đàm, cơ thể bị chi phối bởi nhiều tâm trạng, bởi thời tiết thay đổi, bởi oai nghi không đều, bởi cơ thể bị nhiều sự co thắt v.v...

- Làm thế nào để phân biệt được sự thọ khổ nào là phát sanh bởi nghiệp và sự thọ khổ nào là không phát sanh bởi nghiệp, thưa đại đức?

- Có thể phân biệt được, tâu đại vương! Sự thọ khổ do bảy nguyên nhân kể trên nó chỉ phát sanh trong hiện tại, còn sự thọ khổ do ác nghiệp nó liên hệ từ quá khứ đến vị lai.

- Xin đại đức giảng giải cho rõ ràng hơn.

- Vâng, ví dụ sự thọ khổ phát sanh bởi gió. Vì phát sanh bởi gió nên nó chỉ phát sanh trọng hiện tại. Trong hiện tại thì sự thọ khổ ấy bị tác động do lạnh quá, do nóng quá, do thọ dụng quá độ, do đứng lâu quá, do ngồi lâu quá, do chạy nhiều quá, do nằm nhiều quá, do làm việc nhiều quá, do cố gắng quá sức .v.v... Sự thọ khổ ấy chỉ phát sanh trong hiện tại, không phát sanh từ quá khứ đến vị lai nên không phải là quả của ác nghiệp, tâu đại vương!

- Sự thọ khổ phát sanh do mật, do đàm, do thời tiết đổi thay, do oai nghi không đều - đều y như thế?

- Thưa, vâng! Nói tóm lại, sự thọ khổ phát sanh do nghiệp quả thì ít hơn, còn sự thọ khổ phát sanh do nhiều nguyên nhân khác trong hiện tại thì nhiều hơn, thưa đại vương!

- Thưa đại đức! Trẫm đã hiểu sự thọ khổ chút ít của Đức Thế Tôn do gió, do mật, do đàm ... là phát sanh trong hiện tại, không phải quả của ác nghiệp. Nhưng trường hợp Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá xuống làm Đức Phật chảy máu chân, bầm tím và đau ... chúng ta phải hiểu thế nào, do ác nghiệp hay do nguyên nhân khác?

- Đại vương! Trước khi muốn hiểu cho thấu đáo trường hợp ấy, đại vương có thể cho bần tăng biết, nghiệp là gì không?

- Thưa, nghiệp chính là tác ý, là khởi tâm!

- Đề-bà-đạt-đa lăn đá làm hại Phật là tác ý của Phật hay là tác ý của Đề-bà-đạt-đa?

- Của Đề-bà-đạt-đa!

- Đúng vậy! Và giả dụ Đề-bà-đạt-đa kết oan trái với Phật từ quá khứ thì đấy là nghiệp của Đề-bà-đạt-đa hay nghiệp của Phật?

- Của Đề-bà-đạt-đa!

- Đại vương! Vậy là đại vương đã tự trả lời! Đề-bà-đạt-đa gây nhân dữ thì bị quả xấu - còn Đức Thế Tôn vì đã chấm dứt tất cả mọi ác nghiệp nên không còn bị khổ báo nữa, đấy là sự thật hiển nhiên vậy.

- Nhưng dù sao thì Đức Thế Tôn cũng bị thọ khổ, thưa đại đức!

- Tâu đại vương! Vì Đức Thế Tôn còn mang thân xác hữu vi nên những thọ khổ ấy là những tác động đương nhiên của các định luật nhiên giới, không thể bảo là thọ khổ do ác nghiệp được!

- Đại đức có ví dụ nào về điều ấy chăng?

- Vâng, có! Ví như có một người làm ruộng. Người ấy được có kẻ cho ruộng và có kẻ cho lúa giống! Khi ruộng đã được cày bừa xong, người kia gieo lúa giống vào đám ruộng ấy. Thời gian sau, lúa ấy không phát triển được tốt, vậy là lỗi do người cho ruộng hay là lỗi do kẻ cho lúa giống hở đại vương?

- Thưa, thật khó nói là do lỗi của ai, thật khó nói là do nguyên nhân nào!

- Vâng, đúng thế! Lại nữa, ví như có người ăn vật thực vào, cảm thấy không được an vui vì tức hơi, đầy bụng! Có thể nào người ấy lại đổ lỗi cho cái bụng, hoặc đổ lỗi cho vật thực, hở đại vương!

- Thật không thể!

- Vậy thì tại sao sự thọ khổ ở nơi thân chảy máu của Đức Thế Tôn, đại vương lại dám bảo do một nguyên nhân là ác nghiệp?

- Vâng, thật không thể!

- Đại vương! Sống giữa cõi đời này, còn mang thân xác tứ đại, còn cảm thọ, còn tri giác ... nên phải nhận chịu các định luật tương tác ở chung quanh của nhiên giới, của xã hội và con người. Những chuyện trái ý nghịch lòng, được mất, hơn thua, khen chê ... rơi xuống thân tâm chúng ta cũng giống như những viên đá từ hư không rơi ruống mặt đất. Mặt đất đâu có tạo nghiệp gì mà phải bị như thế, hở đại vương?

- Mặt đất làm sao lại tạo nghiệp được!

- Cũng dường như thế ấy là viên đá làm chảy máu chân Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chẳng tạo nghiệp gì từ trước cả và chính khi bị viên đá làm chảy máu chân, Đức Thế Tôn vẫn với tâm giải thoát, tuệ giải thoát đấy, đại vương!


  • - Thưa, vậy chính là do Đề-bà-đạt-đa tự gây nhân ác?

    - Vâng, y gây nhân ác thì chính y phải chịu quả khổ chứ chẳng liên hệ gì Đức Thế Tôn cả.

    - Vâng, giờ thì trẫm đã hiểu rồi!

    - Đại vương! Đức Thế Tôn có thuyết trong kinh Samyutta Nikàya như là cái dấu ấn của đức vua để minh thuyết cho lời bần tăng vừa nói. Đó là: "Này bà-la-môn Sivaka! Tất cả những thọ khổ ở nơi thân hoặc do gió phát sanh hoặc do đàm phát sanh hoặc do mật phát sanh hoặc do thời tiết thay đổi v.v...

    Tất cả thọ khổ ấy ngươi phải cần thấy như thật, rằng là, có thể chúng là nhân, có thể chúng là duyên, hỗ trợ, tương tác mà thành. Sự thọ khổ ấy đừng vội quy kết là do nghiệp, như một số sa môn, bà-la-môn vì không thấy rõ các định luật tự nhiên mà tuyên bố rằng: "Người đời hằng thọ vui, thọ khổ hoặc không vui không khổ, tất thảy đều do nghiệp đã làm từ trước!". Các sa môn, bà-la-môn ấy đã chạy vượt quá sự hiểu biết của mình, đã không có trí tuệ lại tự xưng là có trí tuệ, họ đã sai lạc và rơi vào tà kiến vậy".

    - Cảm ơn đại đức đã mở con mắt sáng cho trẫm.

  • Theo bộ chú giải Apàdàna, phần Budthapadàna, thời quá khứ Bồ tát xô đá giết chết em trai của mình. Nên đây là nghiệp còn dư sót.( chỗ này dường như có mâu thuẫn)

    * * *


    98. Đức thế tôn đã thật sự hoàn tất mọi phận sự chưa?

    - Thưa đại đức! Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, nghe nói Đức Thế Tôn còn nhập định ở đấy ba tháng
  • nữa phải chăng?

    - Thưa vâng!

    - Đã là bậc Chánh Đẳng Giác, nghĩa là ngài đã thành tựu trọn vẹn và viên mãn tất cả mọi công hạnh, thế thì ngài còn nhập định ba tháng để làm gì nữa? Ngài còn tu tập, còn tự huấn luyện mình như thế nghe có kỳ dị chăng, có mâu thuẫn chăng, thưa đại đức? Trẫm có nghe rằng, người không đau thì không cần thuốc, người không đói thì không cần ăn cơm?

    Ở đây chẳng lẽ nào đấng Toàn Tri Diệu Giác không đau, không đói mà vẫn dùng thuốc, dùng cơm? Đã hoàn tất mọi công hạnh, phận sự thế mà ngài vẫn tu tập, vẫn huấn luyện mình là nghĩa làm sao, trẫm không hiểu được?

    - Câu hỏi của đại vương xác đáng lắm! Tuy nhiên, nếu đại vương hiểu được ân đức của thiền thì đại vương sẽ không đặt những câu hỏi như thế đâu!

    - Nghĩa là ngài có nhập thiền ba tháng đấy chứ?

    - Thưa, có!

    - Và khi giác ngộ dưới cội bồ đề, Đức Phật đã thành tựu tất cả mọi công hạnh, đã hoàn tất cả mọi phận sự trên đời này?

    - Thưa vâng!

    - Vậy xin đại đức hãy lý giải cho trẫm nghe về sự mâu thuẫn ấy?

    - Đại vương! Không phải chỉ Đức Phật Thích Ca, mà là tất cả vị Phật quá khứ, sau khi chứng ngộ đạo quả, các ngài đều nhập định ba tháng như thế. Và trong khi nhập thiền, các ngài không tu tập, hoặc huấn luyện gì đâu! Các ngài nghĩ tưởng đến ân đức vô cùng cao thượng của thiền nên các ngài trú thiền để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả, tâu đại vương!

    - Ý đại đức nói là chư Phật nhập thiền là do nghĩ tưởng đến ân đức cao cả của thiền?

    - Vâng, đúng vậy!

    - Xin đại đức giảng giải rộng cho nghe?

    - Đại vương! Ví như đại vương có một viên quan mẫu mực, chăm chuyên mọi bổn phận một cách tuyệt hảo; thấy vậy đại vương ban thưởng cho nhiều vật phẩm, tiền bạc, lợi lộc sang cả. Vị quan ấy rất cảm kích ân đức của đại vương, nên thường lui tới thăm viếng, cung kính hầu hạ đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, viên quan ấy hằng lui tới thăm viếng, cung kính, hầu hạ đại vương do tri ân đại vương; việc làm ấy của viên quan kia là xứng đáng, là phải lẽ chăng?

    - Rất là phải đạo vậy!

    - Cũng thế, tâu đại vương! Chư Phật quá khứ cũng như Đức Thích Ca vì nhận được ân huệ của thiền, ân đức cao cả của thiền nên các ngài trở về lại trú xứ ấy để tri ân thiền - như viên quan đến hầu thăm đại vương vậy thôi!

    - Vâng, cũng có thể là như vậy, nhưng đại đức còn ví dụ nào rõ nghĩa hơn chăng?

    - Có thể được, ví như có người mắc bệnh nan y, thường chịu nhiều cơn đau thống khổ, may nhờ có người thầy thuốc giỏi trị cho người kia lành bệnh. Cảm kích vị lương y đã cứu mạng sống mình, người kia thường hay trở lại nhà người thầy thuốc để thăm viếng và tri ân. Điều ấy là phải lẽ hay không phải lẽ, hở đại vương?

    - Rất phải lẽ!

    - Chư Phật quá khứ và Phật Thích Ca nhập thiền để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả ... cũng là một cách tri ân giống như người bệnh đến nhà vị lương y kia vậy, tâu đại vương!

    - Ân đức cao thượng của thiền như thế nào, ghê gớm như thế nào mà đến nổi chư Chánh Đẳng Giác phải tri ân, thưa đại đức?

    - Nói tóm gọn là các ngài thọ hưởng lạc về thiền, thọ hưởng lạc về quả, nhưng nếu nói rộng ra thì thiền có cả thảy hai mươi tám ân đức!

    - Xin ngài giảng giải cho thật đầy đủ.

    - Vâng, đại vương hãy nghe đây. Thiền có cả thảy hai mươi tám ân đức sau đây:

    Một là, bảo vệ, giữ gìn thân thể được khang kiện.
    Hai là, công năng tăng tuổi thọ.
    Ba là, tăng sức mạnh.
    Bốn là, đóng hẳn tội lỗi.
    Năm là, không cho mất danh dự, danh vọng.

    Sáu là, đem lại danh dự, danh vọng.
    Bảy là, làm cho tiêu mất sự "không hoan hỷ".
    Tám là, làm cho phát sanh sự hoan hỷ.
    Chín là, dứt hẳn sự sợ hãi.
    Mười là, tăng lòng dũng cảm.

    Mười một là, dứt trừ lười biếng.
    Mười hai, phát sanh tinh tấn.
    Mười ba, dứt trừ tham luyến.
    Mười bốn, dứt trừ sân hận.
    Mười lăm, dứt trừ si mê.

    Mười sáu, dứt trừ ngã chấp.
    Mười bảy, dứt trừ suy nghĩ.
    Mười tám, làm cho tâm nhứt hành (định).
    Mười chín, làm cho tâm ưa thích nơi thanh vắng.
    Hai mươi, làm cho phát sanh sự tươi vui.

    Hai mươi mốt, phát sanh phỉ lạc.
    Hai mươi hai, làm tăng thêm sự tôn kính.
    Hai mươi ba, làm cho phát sanh lợi lộc (lợi lộc phát sanh quả).
    Hai mươi bốn, làm cho vừa lòng.
    Hai mươi lăm, giữ gìn đức nhẫn nhục.

    Hai mươi sáu, dứt hẳn lậu hoặc hữu vi.
    Hai mươi bảy, không cho tạo nhân tái sanh trong tam giới.
    Hai mươi tám, được kết quả của sa môn.

    Hai mươi tám ân đức của thiền đầy đủ là như thế đó, tâu đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

    - Thật là to lớn và quảng đại vậy thay! Nhưng trẫm còn một hoài nghi: Tại sao không nghe nói tới ân đức vô lậu, vô vi mà ở đấy dường như chỉ là hữu lậu, hữu vi, thưa đại đức?

    - Đã gọi là thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả thì đều là hữu vi, tâu đại vương!

    - Thế thì chư Phật không nhập thiền để thọ hưởng hạnh phúc giải thoát sao?

    - Có chứ, nhưng nếu đã giải thoát thì không còn dính cả hai mươi tám ân đức hữu vi ở trên, tâu đại vương!

    - Ồ, thật là thâm diệu dường bao!

    - Tuy nhiên, tâu đại vương! Các chư Phật xuất hiện ở đời là vì sự lợi lạc cho chư thiên và loài người - nên các ngài thường nhập thiền, thường lui tới cõi thiền còn vì bốn nguyên nhân khác nữa. Bốn nguyên nhân này là nhằm để nêu gương tốt, nhằm giáo hóa chúng sanh, tâu đại vương!

    - Xin đại đức bi mẫn cho nghe bốn nguyên nhân ấy?

    - Thứ nhất, các ngài thường thân cận với thiền, vui thích với thiền vì thiền đem đến sự an lạc. Thứ hai, thiền thường tăng trưởng những đức tính tốt, cao quý, các tội lỗi không có cơ hội dấy sinh. Thứ ba, nếu có đắc một vài tầng thánh đạo rồi thì nhập thiền thường có công năng tiến hóa thêm trong các thánh đạo cao hơn. Bốn là, chư Phật hay ngợi khen những ai thường an trú trong thiền!

    Tâu đại vương! Nếu đại vương lãnh hội hai mươi tám ân đức và bốn nguyên nhân của thiền như trên rồi - thì đại vương sẽ không còn nghĩ rằng Đức Phật là còn tu tập, còn rèn luyện, còn tự huấn luyện nữa. Chư Phật đã là bậc thầy trong tam giới, các ngài đã giác ngộ và giải thoát trọn vẹn rồi, công hạnh đã viên mãn rồi; các cấu uế phiền não đã tận diệt rồi thì mọi phận sự đã được buông bỏ xuống, mọi bổn phận với chính mình đã được giải quyết xong! Đại vương đã liễu thông điều ấy chưa?

    - Thưa, liễu thông rồi! Nghĩa là vì còn thân tứ đại, còn ở trong hữu y dư nên chư Phật phải nuôi dưỡng thân tâm này trong thiền lạc, thiền quả vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người, phải vậy không đại đức?

    - Thật là chính xác, cảm ơn đại vương!

    - Không dám, cảm ơn đại đức!
    ---o0o---


  • Ghi chú của Dịch giả: Thật ra, không phải ba tháng mà chỉ có 7 tuần:

    - Tuần 1: Đức Phật thọ hưởng hạnh phúc giải thoát, ngày cuối tuần Ngài suy niệm về thập nhị nhân duyên, chiều xuôi và chiều ngược.

    - Tuần 2: Đức Thế Tôn đứng nhìn cây bồ đề suốt một tuần lễ không chớp mắt: Ngài tri ân cây bồ đề!

    - Tuần 3: Ngài dùng thần thông tạo một con đường bằng ngọc giữa hư không rồi đi kinh hành suốt cả tuần trên ấy.

    - Tuần 4: Ngài suy niệm về tạng Vi điệu pháp.

    - Tuần 5: Ngài thọ hưởng hạnh phúc giải thoát. Cuối tuần, gặp một người Bà-la-môn ngã mạn và Ngài đã thuyết giáo đến cho người Bà-la-môn ấy. Theo chú giải Túc sanh truyện, trong tuần này, ba người con gái của Ma vương là Tanhà, Aratìvà, Ragà dùng nhan sắc quyến rũ Phật, nhưng thất bại.

    - Tuần 6: Chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Có trận mưa rất lớn và Mãng xà vương quấn xung quanh Đức Phật 7 vòng để che mưa cho Ngài.

    - Tuần 7: Chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát.

    * * *

    Mời xem tiếp: 99-103

    Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
    xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
    xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





    TRUYỆN PHẬT GIÁO

    TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

  • THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
    Xem: 978 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
    Tổng-số Ý-kiến: 0
    CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
    [ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]