Thứ Tư
24 Apr 2024
4:18 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

KINH ẨN DỤ III
23 Jan 2011, 3:26 PM


Bài 057: Giấy Và Dây

Thấy có miếng giấy cũ,
Phật bảo Tỳ Kheo nhặt,
Phật hỏi: “Miếng giấy chi?”
“Thưa miếng giấy bao hương,
Tuy bị bỏ đã lâu,
Mùi hương vẫn còn thơm”.

Thầy trò đi một đổi,
Lại gặp một khúc dây,
Phật bảo Tỳ Kheo nhặt,
Phật hỏi: “Dây chi đó?”
“Thưa dây chi không biết,
Người ta dùng buộc cá,
Nên có mùi tanh hôi”.

Phật nói: “Hai vật ấy,
Trước kia vẫn sạch sẽ,
Chẳng có mùi gì hết,
Mà vì bởi nhơn duyên,
Nên mới có thơm hôi.
Gần những người hiền minh,
Thời hấp thụ đạo nghĩa.
Bạn với đứa ngu ám,
Thời tai họa đến thân.
Cũng in như hai vật,
Giấy và dây kia vậy.
Đựng hương thời thơm tho,
Buộc cá thời hôi thối,
Nó thấm nhiễm dần dần,
Tự nó nào hay biết”.


Bài 058: Rùa Với “Chó Nước"

Khi Phật còn tại thế,
Có một người đạo nhân,
Ở gốc cây học đạo.
Trong khoảng mười hai năm,
Chẳng trừ được tham dục,
Tâm ý thường tán loạn,
Cứ nhớ năm món dục.
Muốn được mắt thấy sắc,
Tai nghe và mũi ngửi,
Miệng nếm và thân cọ,
Và ý nương các pháp,
Không có chút yên nghỉ.

Đã đến lúc độ được,
Kẻ đạo nhân nói trên,
Ngài đến chổ đạo nhân,
Và ngự lại một đêm.
Gần đó có con rùa,
Từ dưới sông bò lên,
Lại có con ‘chó nước’,
Đến đó để kiếm ăn.
Gặp rùa muốn ăn thịt,
Rùa liền thụt đầu lẹ,
Cả đuôi chân vào mai.
‘Chó nước’ không hại được,
Chó bỏ đi xa xa,
Rùa ta ló đầu ra,
Và thong thả bò đi,
‘Chó nước’ đành chịu thua,
Rùa ta được thoát nạn.

Đạo nhân bạch hỏi Phật:
“Có phải rùa nhờ mai,
Chẳng bị chó hại không?”

Đức Phật trả lời: “Phải!”
Ngài tiếp: “Nghĩ người đời,
Chẳng bằng rùa này vậy.
Họ chẳng biết vô thường,
Nên buông lung thất tình.
Bị ngoại ma làm hại,
Khi thân hình hư hoại.
Thần thức phải xa lìa,
Sanh tử thật không ngằn,
Trôi lăn theo sáu đường,
Khổ não đến trăm ngàn.
Tất cả đâu chẳng phải,
Do căn ý gây nên,
Vì vậy phải cố gắng,
Cầu an vui diệt độ”.

Nhân đó Phật nói kệ:
“Dấu căn như rùa nọ,
Phòng ý như thành kia,
Chiến đấu với ma dữ,
Không lo sợ bại trận”.


Bài 059: Cành Mềm Trước Cơn Gió Lốc


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người muốn sống khoái lạc,
Không nhiếp độ các căn,
Uống và ăn vô độ,
Biếng nhác chẳng tinh cần,
Dễ bị ma cám dỗ,
Như một cành mềm kia,
Trước cơn gió lốc vậy”.


Bài 060: Gió Thổi Núi Đá


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Hành giả đối tiên cảnh,
Chẳng vướng mắc khoái lạc,
Không khéo nhiếp hộ căn,
Uống ăn có tiết độ,
Vững tín và siêng năng,
Ma không dễ thắng họ,
Như gió thổi núi đá”.


Bài 061: Hoa Sen Thanh Khiết

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Như từ trong ao bùn,
Mới sanh ra hoa sen,
Thanh khiết và ngào ngạt,
Làm đẹp ý mọi người.
Cũng thế, chỉ từ nơi,
Chốn phàm phu mê muội,
Mới sản xuất những vị,
Đệ tử bậc chánh giác,
Đem trí huệ soi sáng,
Nơi cõi thế gian này”.

Bài 062: Kẻ Lữ Hành Mỏi Mệt

Phật dạy: “Đêm rất dài,
Với kẻ bị mất ngủ.
Đường rất xa với kẻ,
Lữ hành bị mỏi mệt.
Cũng thế, vòng luân hồi,
Sẽ tiếp nối vô tận,
Với kẻ quá ngu si,
Không minh đạt chánh Pháp”.


Bài 063: Cái Muỗng Múc Thuốc


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người ngu, dầu suốt đời,
Gần gủi những người trí,
Mà chẳng thông hiểu gì.
Người ngu trên đời này,
Đối với Pháp của Phật,
Như cái muỗng múc thuốc,
Được dùng luôn hằng ngày,
Mà nó chẳng bao giờ,
Biết được mùi vị thuốc”.

Bài 064: Cái Lưỡi Với Thuốc Thang

Phật dạy trong đại chúng:
“Người trí, dù chỉ gần,
Với người trí trong giây lát,
Cũng hiểu ngay chánh Pháp.
Chẳng khác gì cái lưỡi,
Mới tiếp xúc thuốc thang,
Biết ngay mùi vị thuốc”.


Bài 065: Phòng Hộ Thành Quách


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Như phòng hộ thành quách,
Tự thân mình cũng phải,
Nên phòng hộ như thế.
Dù là một giây lát,
Cũng chớ nên buông lung,
Hễ giây lát buông lung,
Là giây lát sa đọa”.

Bài 066: Voi Xuất Trận

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Voi xuất trận nhẫn chịu,
Cung tên như thế nào,
Ta đây thường nhẫn chịu,
Đủ mọi điều phỉ báng.
Như thế ấy chẳng khác.
Thật vậy, trong đời này,
Nhiều người thiếu đức nhẫn,
Nên thường phá giới hạnh”.


Bài 067: Luyện Voi


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Luyện voi đem dự hội,
Luyện voi cho vua cởi,
Đáng khen là giỏi lắm.
Nhưng nếu luyện được lòng,
Thản nhiên trước chê khen,
Mới là người có tài,
Điêu luyện hơn mọi người”.


Bài 068: Loài Heo

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Như heo kia ưa ngủ,
Và lại còn tham ăn.
Kẻ phàm phu cũng thế,
Vì tham ăn ưa ngủ,
Nên phải bị tiếp tục,
Sanh tử luân hồi mãi”.


Bài 069: Người Quản Tượng Tài Giỏi


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Trong những thời quá khứ,
Ta cũng từng thả tâm,
Theo các thứ dục lạc,
Tham ái và nhàn du.
Nhưng nay đã điều phục,
Được tâm ta lâu rồi.
Như voi được điều phục,
Dưới tay người quản tượng”.


Bài 070: Voi Vượt Khỏi Sa Lầy

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Hãy vui vẻ siêng năng,
Gìn giữ tự tâm mình,
Để tự cứu được mình,
Ra khỏi chốn nguy nạn,
Như voi kia gắng sức,
Để vượt khỏi sa lầy”.


Bài 071: Voi Giữa Rừng Sâu


Phật dạy trong đại chúng:
“Thà ở riêng một mình,
Hơn bạn cùng người ngu;
Ở một mình rảnh rang,
Khỏi mọi điều ác dục,
Như voi kia một mình,
Thinh thang giữa rừng sâu”.


Bài 072: Nhện Giăng Tơ


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người say đắm ái dục,
Tự lao mình trong lưới,
Cũng như nhện giăng tơ,
Dứt được sự buộc ràng,
Không còn dính mắc nữa,
Thời xa mọi thống khổ,
Để ngao du tự tại”.


Bài 073: Có Hại Ruộng Vườn


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham dục thời làm hại,
Rất nhiều bậc thế nhân,
Vậy phải nên bố thí.
Cho người được lìa tham,
Sẽ được quả báo lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân nhuế thời làm hại,
Rất nhiều bậc thế nhân,
Vậy phải nên bố thí,
Cho người được lìa sân,
Sẽ được quả báo lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Ngu si thời làm hại,
Rất nhiều bậc thế nhân,
Vậy phải nên bố thí,
Cho người được lìa si,
Sẽ được quả báo lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Ái dục thời làm hại,
Rất nhiều bậc thế nhân,
Vậy phải nên bố thí,
Cho người được lìa dục,
Sẽ được quả báo lớn”.


Bài 074: Múc Nước Thuyền


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Tỳ Kheo múc nước thuyền,
Nước hết thời thuyền nhẹ,
Và sẽ đi mau lẹ.
Đoạn trừ được tham dục,
Và luôn cả sân nhuế,
Ở trong cái thân này,
Hễ tham dục đã hết,
Thời sau chứng Niết Bàn”.


Bài 075: Thương Khách Điều Phục Ngựa


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Chính các người là kẻ,
Bảo hộ cho các người.
Chính các người là nơi,
Nương náu cho các người.
Các người hãy cố gắng,
Tự tìm hiểu lấy mình,
Tự điều phục lấy mình.
Như người thương khách kia,
Hiểu rõ ngựa của mình,
Và điều phục được chúng”.


Bài 076: Mặt Trăng Ra Khỏi Mây


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Những Tỳ Kheo tuổi nhỏ,
Mà cần mẫn siêng tu,
Đúng giáo điều Phật Đà,
Sẽ trở thành ánh sáng,
Chiếu soi thế gian này,
Như trăng ra khỏi mây”.


Bài 077: Thầy Tập Voi


Phật hỏi ông thầy tập voi,
Về phương pháp điều phục voi,
Có mấy thứ và ra sao?
Ông thầy tập voi trả lời:
“Bạch Thầy có ba thứ là:
1. Lấy móc sắc móc nơi miệng,
Xong rồi xỏ dây cột dắt.
2. Giảm ăn khiến nó đói ốm.
3. Lấy gậy đánh cho thật đau.
Bởi nhờ cái móc, móc miệng,
Mới chế được cái miệng dữ.
Bởi nhờ chẳng cho ăn nhiều,
Mới chế được thân hung bạo.
Bởi nhờ đánh đập thật đau,
Mới chế được tâm hung hăng”.

Phật bảo ông thầy tập voi:
“Ta cũng có ba Pháp đó,
Để điều phục chúng sanh,
Cũng tự điều phục mình nữa,
Khiến cho được đạo vô vi.
1. Lấy tâm thành mà chế ngự,
Bao nhiêu tội lỗi nơi miệng.
2. Lấy lòng lành mà chế phục,
Bao nhiêu tội lỗi nơi thân.
3. Lấy trí huệ mà trừ diệt,
Bao nhiêu mê lầm nơi ý.
Ai mà đủ ba món này,
Có thể độ được mọi người,
Xa lìa cả ba ác đạo”.


Bài 078: Đánh Chuông Khánh


Đánh chửi, kiêu mạn, khinh người,
Các điều ấy nếu khởi ra,
Ganh ghét, oán hận sanh ngay.
Nói khiêm tốn, tôn kính người,
Bỏ oán, nhẫn ác, nhịn nhục,
Ganh ghét, oán hận, tự dứt.
Ưa dùng miệng tranh đấu nhau,
Sau đôi bên đều không yên,
Nên đừng nói lời cộc cằn,
Khi nói phải sợ quả báo,
Lời ác đi, họa ác đến,
Dao gậy đến, thân, khó tránh.
Nếu thốt ra lời nói lành,
Như đánh chuông khánh chẳng khác,
Thân không nghi luận việc chi,
Suốt đời sẽ được an vui.


Bài 079: Bầu Chứa Vị


Khi Đức Phật ngự tại thành Xá Vệ,
Trong thành có ông già Bà La Môn,
Đã tám mươi tuổi, giàu có vô số.
Nhưng ông ta thuộc hạng người nan hóa,
Chẳng hề biết đạo đức là gì cả.
Cũng chẳng hề biết lo cơn vô thường,
Mà chỉ biết làm nhà cho đẹp.
Nào là nhà trước, nào là nhà sau,
Nào là nhà mát, nào là nhà ấm,
Nào là nhà Ðông, nào là nhà Tây.
Hai hàng dài có chừng vài chục nóc,
Nhưng chỉ còn hai nhà tiền đường,
Và hậu tẩm còn cách nhau chưa liền,
Lên xuống bị nắng mưa bất tiện,
Nên ông chỉ huy cho chúng bạn làm.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng đạo nhãn,
Xem thấy ông này chỉ mấy hôm nữa,
Sẽ bị tuyệt mạng mà ông nào hay biết,
Nên cứ loay hoay nhọc tâm nhọc sức,
Không ích gì đời sau. Thật đáng thương!
Đức Phật cùng A Nan, hai Thầy trò,
Đi đến tận nhà, vui vẻ hỏi ông:
“Ông làm gì đó, có nhọc mỏi không?
Nay còn cất nhà này nữa chi thế?”

Ông đáp và giải thích đủ mọi việc:
“Nhà trước để tiếp khách và thờ phượng,
Nhà sau là nơi đệ tử ở vậy.
Nhà Đông, Tây, con cháu tôi tớ ở.
Mùa nóng, thượng lên lầu cao cho mát,
Mùa lạnh, tụt xuống nhà kín cho ấm.
Nói như vậy, Ngài đã hiểu hết chưa?”

Đức Phật bảo: “Tôi nghe danh ông lão,
Muốn gặp nhau để đàm luận cho vui.
Tôi sẳn có một bài kệ khẩn yếu,
Rất có ích cho những lúc an lành,
Cũng rất có lợi cho những khi bất hạnh.
Ngay bây giờ tôi muốn tặng ông lão,
Vậy ông lão nên nghỉ tay cùng ngồi,
Để tôi đọc nghe, chừng có được không?”

Ông liền đáp: “Tôi đang bận việc lắm,
Nên không thể ngồi đàm luận được.
Hôm khác Ngài đến thì hay biết bao,
Nhưng bài kệ thì Ngài cứ việc đọc,
Tôi vừa làm vừa nghe cũng được vậy”.

Đức Phật phải chìu lòng đọc bài kệ:
Có con, có của,
Ngu lo bận rộn,
Ta chẳng phải ta,
Con của đâu có.
Nóng sẽ hết nóng,
Lạnh sẽ hết lạnh,
Lắm ngu lo trước,
Chẳng biết tai đến.
Ngu mờ ngu mịt,
Tự cho là trí,
Ngu mà xưng trí,
Ấy là rất ngu.

Ông ta khen: “Ngài thuyết kệ hay thật,
Nhưng nay bận quá, ngày mai Ngài đến,
Chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận vậy”.

Đức Phật thương hại ông ta rồi đi,
Đức Phật vừa đi khỏi nhà không xa,
Ông già tự tay trao cây cho thợ,
Chẳng may bị sẩy tay, cây rơi xuống,
Đánh vỡ đầu, ông chết ngay tức thì.
Người nhà la khóc, động cả xóm làng,
Đức Thế Tôn đi đến một làng khác,
Trên đường, Ngài gặp mười người Phạm Chí,
Họ thưa hỏi Đức Phật đi đâu vậy?
Phật đáp: “Ta viếng già ông làng kia,
Với mục đích để thuyết Pháp độ ông".

Nhưng ông không tin lời Phật chỉ dạy,
Và cũng không biết tai biến vô thường,
Ông vừa mới chết vì cây rơi đánh.
Rồi Đức Phật, vì các ông Phạm Chí,
Thuật lại ý nghĩa bài kệ khẩn yếu,
Mà Ngài đã đọc cho ông già nghe.
Nghe xong các Phạm Chí đều vui mừng,
Họ liền thấy được dấu vết của Đạo.
Đức Phật lại thuyết một bài kệ khác,
Để chỉ dạy thêm các ông Phạm Chí:
Ngu ám gần trí,
Như bầu chứa vị,
Chứa đựng tuy lâu,
Mà chẳng biết mùi.
Sáng suốt gần trí,
Như lưỡi nếm vị,
Đưa đến chót lưỡi,
Liền biết vị gì.
Người ngu tạo tác,
Vì thâm chuốc họa.
Cam lòng làm ác,
Tự gây tội nặng.
Gây điều bất thiện,
Khi biết ăn năn,
Khóc rơi nước mắt,
Trả báo nhân duyên.

Các ông Phạm Chí nghe bài kệ này,
Lòng tin của họ càng thêm bền vững,
Nên rất vui mừng, làm lễ phụng hành.


Chương IV Kinh Tứ Thập Nhị Chương




Bài 080: Một Người Chiến Vạn Người

Những người tu đạo kia,
Ví như chỉ một người,
Mà chiến với vạn người.
Khi mặt áo giáp xong,
Đã ra khỏi cửa thành,
Trong tâm hoặc khiếp sợ,
Hoặc nửa đường mà lui,
Hoặc bị chết tại trận,
Hoặc thắng trận mà về.

Sa môn, tuy học đạo,
Cần phải thật kiên quyết,
Giữ gìn tâm ý mình,
Tinh tiến và hùng dũng,
Chẳng sợ gì hết cả,
Quyết diệt hết các ma,
Mau chứng được đạo quả.

Bài 081: Bóng Hiện Theo Hình


Phật dạy các Tỳ Kheo:
- Đứa ác hại kẻ hiền,
Như khạc nhổ lên trời,
Khạc nhổ chẳng đến nơi,
Mà rơi lại thân mình.
Như kẻ đứng đầu gió,
Lấy chân quấy bụi chơi,
Bụi chưa làm dơ người,
Mà đã dơ thân mình.
Không thể hại người hiền,
Chỉ tự hại mình thôi.
Kẻ ngu thấy Đức Phật,
Tu Pháp đại nhân từ,
Họ cố ý mắng Phật,
Phật yên lặng không nói,
Họ mắng đã rồi thôi.
Phật hỏi người ấy rằng:
“Người cho ai lễ vật,
Nhưng người ta không nhận,
Lễ vật trở vào người,
Có phải vậy hay không?”

Người kia trả lời: “Phải!”
Phật hỏi người ấy rằng:
“Khi nảy ngươi mắng ta,
Mà ta không nhận lãnh,
Người tự đem họa ấy,
Về nơi thân người vậy.
Như vang ứng theo tiếng,
Như bóng hiện theo hình,
Quyết không sai một mảy,
Cẩn thận chớ làm ác”.


Bài 082: Trầm Hương Đốt Lửa


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người chạy theo tình dục,
Tìm cầu được thanh danh,
Thanh danh vừa ló mùi,
Cái thân đã chết mất.
Tham thanh danh thế gian,
Mà chẳng lo học đạo,
Rất uổng công nhọc sức.
Như trầm hương đốt lửa,
Thiên hạ chưa kịp ngữi,
Mùi thơm của nén hương,
Mà nén hương đã tiêu,
Thành tro bụi mất rồi.
Thân danh như nén hương,
Mà nén hương đã tiêu,
Lửa vô thường nguy hiểm,
Ở sát một bên lưng”.


Bài 083: Lau Bụi Mặt Gương


Vị sa môn hỏi Phật:
“Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nhờ bởi nhân duyên gì,
Mà biết được đời trước?”

Phật dạy: “Tâm thanh tịnh,
Và giữ bền chí luôn,
Thời tâm ắt lãnh hội,
Được đạo nhiệm mầu kia.
Như lau bụi mặt gương,
Bụi hết mặt gương sáng.
Người học đạo cũng vậy,
Đoạn trừ hết ái dục,
Thời biết được đời trước”.


Bài 084: Nước Trong Bị Quấy Đục


Phật dạy trong đại chúng:
“Người khởi tâm ái dục,
Không thể thấy được đạo.
Như nước đang lắng trong,
Cho tay quấy đục lên,
Mọi người đến soi mặt,
Không thể thấy bóng mình,
Hiện ra trong đó nữa.
Người tu đạo cũng thế,
Còn ham mê ái dục,
Trong lòng vẫn vẩy đục,
Không thấy đạo chân chánh.
Vậy, các vị Sa Môn,
Phải đoạn trừ ái dục,
Khi ái dục hết rồi,
Đạo mới lãnh ngộ được”.


Bài 085: Người Cầm Đuốc Vào Nhà Tối


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người thật tâm học đạo,
Đã thấy rõ được đạo.
Cũng như người cầm đuốc,
Đi vào trong nhà tối,
Bóng tối không còn nữa,
Chỉ ánh sáng còn lại.
Người hiểu rõ được đạo,
Vọng tâm mê mờ hết,
Chỉ còn toàn ánh sáng,
Thân tâm thường trụ vậy”.


Bài 086: Mật Dính Lưỡi Dao


Phật dạy trong đại chúng:
“Người ham mê tiền tài,
Sắc đẹp và danh vọng,
Thời sẽ bị tai vạ.
Tài sắc và danh vọng.
Như mật dính lưỡi dao,
Mật ngon không đáng chi,
Nhưng trẻ con ngây dại,
Tham liếm một chút mật,
Nhất định bị dính lưỡi”.


Bài 087: Sống Trong Nhà Tù


Phật dạy trong đại chúng:
“Cho rằng bị giam hãm,
Trong nhà tù là khổ,
Nhưng sự khổ bị tù,
Chưa bằng những nỗi khổ,
Bị ràng buộc gia đình,
Vợ chồng và con cái.
Người sống trong nhà tù,
Còn có giờ nhàn rỗi,
Và có khi được ra.
Còn người có gia đình,
Lúc nào cũng lo nghĩ,
Việc nhà cửa, làm ăn,
Gây ra nhiều nỗi khổ.
Do sắc, nên sinh tình,
Do tình, sinh ân ái,
Canh cánh bên lòng luôn.
Mặc dù có tai nạn,
Phải kề bên miệng hố,
Cũng cam tâm nhẫn chịu.
Xuống bùn phải lấm chân,
Nên gọi là phàm tục.
Vượt ngoài vòng ái dục,
Gọi là bậc xuất trần”.


Bài 088: Cái Túi Da Đựng Đồ Dơ


Thiên thần đưa Ngọc Nữ,
Đến chổ Đức Phật ở,
Cố ý muốn phá hoại,
Về quả tu của Ngài.
Phật nói: “Cái túi da,
Đựng chứa đồ dơ bẩn,
Lại đây làm gì vậy?
Hãy tránh xa mau đi,
Ta không thèm muốn đâu!”

Thiên thần nghe Phật nói,
Liền khởi tâm kính cẩn,
Ông bèn thưa hỏi Phật,
Mọi việc về đạo lý,
Phật giải đáp đầy đủ,
Thiên thần được nghe rồi,
Chứng quả Tu Đà Hoàn.


Bài 089: Cư Trần Bất Nhiễm Trần


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Cẩn thận đừng nhìn sắc,
Cũng chớ nên nói chuyện,
Phải chính tâm nhớ nghĩ,
Mình vốn là Sa Môn,
Sống cõi đời nhơ đục,
Như hoa sen trong bùn.
Tưởng người già như mẹ,
Người lớn như anh chị,
Người kém tuổi như em,
Người trẻ tuổi như con.
Khởi chính tâm cứu độ,
Khiến họ được giải thoát,
Để dập tắt ý nghĩ,
Xằng bậy, tội lỗi kia”.


Bài 090: Người Chiến Sĩ


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người tu đạo chẳng khác,
Người chiến sĩ cùng đánh,
Với quân địch kia vậy.
Khi người ấy ra trận,
Hoặc nửa đường rút lui,
Hoặc giao chiến mà chết,
Hay đánh thắng được địch.
Sa Môn cũng như thế,
Phải vững chí tinh tiến,
Quả cảm và hùng dũng,
Trước mọi sự hiểm nguy,
Quyết tiêu diệt ma quân,
Để chiếm lấy Đạo quả”.


Bài 091: Trừ Hết Sét Rỉ


Phật dạy trong đại chúng:
“Người thợ rèn sắt kia,
Trừ cho hết sét rỉ,
Thời sắt mới trở nên,
Món đồ dùng tốt đẹp.
Người học đạo cũng thế,
Trừ hết tâm nhơ bẩn,
Thì đạo hạnh trong sạch”.


Bài 092: Ăn Mật Ở Bát


Phật dạy trong đại chúng:
“Người học đạo nên tin,
Điều giáo hóa của Phật,
Những kinh sách của Ta,
Như ăn mật ở bát,
Giữa bát hay chung quanh,
Đều ngon ngọt tất cả”.


Bài 093: Trâu Kéo Mật


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người sa môn hành đạo,
Đừng như trâu kéo mật.
Thân tuy là hành đạo,
Mà tâm không hành đạo,
Như thế có ích gì ?
Nếu tâm có hành đạo,
Thời thân khỏi hành đạo”.


Bài 094: Trâu Chở Nặng Đi Chổ Bùn Lầy


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người hành đạo của Ta,
Như trâu kia chở nặng,
Đi vào đám bùn lầy,
Tuy chúng nó mỏi mệt,
Nhưng không dám quay lại,
Trông bên phải, bên trái,
Khi nào ra khỏi bùn,
Thời mới được nghỉ ngơi.
Vị Sa Môn cũng vậy,
Phải đề phòng tình dục,
Nguy hại hơn bùn lầy,
Phải nhứt tâm suy nghĩ,
Về việc đạo lý luôn,
Mới thoát khỏi khổ não”.


Bài 095: Vàng, Ngọc Như Ngói Sỏi


Phật dạy trong đại chúng:
“Ta coi ngôi vua quan,
Như bụi qua kẻ hở,
Vàng ngọc như ngói sỏi,
Nhung lụa như vải thô.
Xem muôn ngàn thế giới,
Như hạt cải chẳng khác.
Coi nước ao A-Nốc,
Như giọt dầu bôi chân.
Coi các môn phương tiện,
Như quả báu chuyển hóa.
Coi đạo vô thượng thặng,
Như vàng lùa giấc mơ.
Coi Ðạo Phật cao siêu,
Như hoa đớm trước mắt.
Coi pháp Thiền Ðịnh kia,
Như cột núi Tu Di.
Coi Niết Bàn giải thoát,
Như ban ngày thức tỉnh,
Coi tà kiến, chánh kiến,
Như sáu rồng lên xuống.
Coi các Pháp bình đẳng,
Như cảnh giới chân như.
Coi công cuộc thịnh suy,
Như cây trong bốn mùa”.


Bài 096: Hiếu Đạo


Phật hỏi Sa Môn rằng:
“Mạng người sống bao lâu?”
Thưa rằng: “Trong vài ngày”.
Phật bảo: “Chưa hiểu đạo!”
Phật hỏi Sa Môn khác:
Mạng người sống bao lâu?”
Thưa rằng: “Trong bữa ăn”.
Phật bảo: “Chưa hiểu đạo!”
Phật hỏi Sa Môn khác:
“Mạng người sống bao lâu?”
Thưa rằng: “Trong hơi thở”.
Phật khen: “Ông hiểu đạo”.


Bài 097: Thân Là Huyễn


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Quán bốn đại trong thân,
Mỗi đại tự có tên,
Không có gì là ngã,
Quả thật ngã không có,
Thì thân là huyễn vậy”.


Bài 098: Nước Và Biển

Người có nhiều lỗi,
Mà chẳng tự hối,
Mau đứt lòng ác,
Tội dồn đến thân,
Như nước về biển,
Lần thành sâu rộng.
Nếu người có lỗi,
Cải ác tùng thiện,
Tội tự tiêu dứt,
Như bịnh xuất hạn,
Sớm được lành mạnh.



Chương V Kinh Hoa Nghiêm


Bài 099: Đa Văn


Phật Tử khéo lóng nghe,
Chẳng phải chỉ nghe nhiều,
Vào được Pháp Như Lai.
Ví như bị nước trôi,
Sợ chìm mà chết khát,
Không thọ đúng Pháp tu,
Nghe nhiều, cũng như vậy.
Ví như có nhiều món,
Thức ăn thật là ngon,
Mình chẳng ăn hết đói,
Nghe nhiều, cũng như vậy.
Ví như thầy thuốc giỏi,
Biết đủ các phương thuốc,
Mà không chửa bịnh mình,
Nghe nhiều, cũng như vậy.
Ví như chàng nghèo sơ,
Ngày đêm đếm của người,
Nửa đồng mình không có,
Nghe nhiều, cũng như vậy.
Ví như người tai điếc,
Có tài tấu âm nhạc,
Người thích, mình chẳng nghe,
Đa văn, cũng như vậy.
Ví như người đui mù,
Xưa học, nay vẽ khéo,
Người xem, mình chẳng thấy,
Đa văn, cũng như vậy.
Như người dẫn đường biển,
Ðộ được rất nhiều người,
Cứu họ, chẳng cứu mình,
Đa văn, cũng như vậy.
Ví như trước đại chúng,
Khéo nói việc nhiệm mầu,
Chính mình không thiệt đức,
Đa văn, cũng như vậy.


Bài 100: Cây Trôi Dòng Nước


Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Người xuất gia tu hành,
Như cây trôi dòng nước,
Tìm giữa dòng mà trôi,
Chẳng bị người vớt lấy,
Chẳng bị quỷ thần hại,
Chẳng bị dòng nước xoáy,
Ngăn chận, làm dừng lại.
Cũng chẳng bị hư mục.
Ta bảo đảm cây này,
Quyết trôi vào biển cả.
Người học Đạo cũng vậy,
Tình dục chẳng mê hoặc,
Tà thuyết chẳng loạn tâm,
Tinh tấn và vô vi,
Ta bảo đảm người này,
Chắc chứng đặng Đạo quả”.


Bài 101: Con Trùng Nằm Trong Đống Phân


Chúng sanh tự buông lung,
Tham đắm năm món dục,
Cho nên mới hiện thành,
Cảnh giới bất tịnh kia.
Vì chúng sanh ngu si,
Do đó bị nữ sắc,
Làm mờ ám tâm trí,
Mà phải bị chìm đắm.
Cũng như chiếc áo trắng,
Rất dễ ăn màu nhuộm.
Giống như con côn trùng,
Nằm trong đống phân kia,
Nó cho phẩn là ngon.
Như kẻ bị phạm tội,
Chịu nhiều hình ngục khổ.
Nếu tổn hại căn lành,
Thời mất các Pháp Bảo.
Như xa lìa giới hương,
Thời thường hại huệ mạng.
Những chúng sinh như thế,
Đều là vì ngu si.
Cho nên bị tham dục,
Làm mù quáng mê mờ,
Và bị nó sai khiến,
Như đứa đầy tớ kia.


Bài 102: Mặt Trời Xuất Hiện

Như mặt trời xuất hiện,
Nơi cõi Diêm Phù Đề.
Trước chiếu núi Tu Di,
Và các núi cao cả.
Thứ, chiếu núi thấp hơn,
Thứ nữa, chiếu gò cao.
Nhiên hậu, mới chiếu đến,
Tất cả đại địa kia.
Nhưng mặt trời không hề,
Có quan niệm sai biệt,
Mà chiếu chổ này trước,
Và chiếu nơi nọ sau.
Nhưng vì chốn đại địa,
Có cao thấp không đều,
Mới có sự chiếu soi,
Trước sau sai khác vậy.
Đức Như Lai thuyết Pháp,
Cũng giống như thế đó.
Trước, chiếu các Bồ Tát,
Là bậc Đại Sơn Vương.
Thứ, chiếu hàng Duyên Giác,
Thứ nữa, chiếu Thanh Văn.
Và sau cùng mới chiếu,
Đến những chúng sanh nào,
Có căn lành quyết định.
Tùy theo mỗi tâm lượng,
Mà hiện trí rộng lớn.
Nhiên hậu mới chịu soi,
Khắp tất cả chúng sanh,
Cho đến kẻ lầm lạc,
Mà tu theo tà định,
Cũng đều soi chiếu cả.
Nhưng Đại Trí Nhật Quang,
Của Như Lai chẳng hề,
Nghĩ sai khác như vậy.
Phóng ánh sáng bình đẳng,
Rộng chiếu soi khắp cả,
Không hề có ngăn ngại.
Vì tâm trí chúng sanh,
Có cao, thấp khác nhau,
Cho nên sự chiếu soi,
Mới có trước, có sau,
Sai khác như vậy thôi.


Bài 103: Pháp Đức Phật Ví Như Đất, Lửa, Nước


Có lời hỏi như vầy:
“Pháp Đức Phật là chứng,
Chỉ có một mà thôi,
Nhưng cớ chi lại hiện,
Cõi nước vô lượng kia,
Giáo hóa các chúng sanh,
Cũng thật là vô lượng.
Diễn tiếng nói vô lượng,
Hiện thân vô lượng vậy?”

Đáp: “Ví như tánh đất,
Chỉ có một mà thôi,
Chúng sanh ở rãi rác,
Đất kia không hề nghĩ,
Là đồng hay là khác.
Lại còn như tánh lửa,
Cũng chỉ một thời thôi,
Mà hay đốt mọi vật,
Lửa không hề phân biệt.
Như nước ở biển cả,
Cũng chỉ có một thôi,
Mà hiện ra vô số,
Hàng vạn hình sóng nổi,
Nước không hề phân biệt.
Lại cũng như tánh gió,
Chỉ có một mà thôi,
Nhưng thổi tất cả vật,
Gió cũng không có nghĩ,
Thổi riêng từng vật nào.
Mà như vầng thái dương,
Khônng bị mây mù che,
Thời soi khắp mười phương,
Mà tánh chói sáng kia,
Chẳng hề có sai khác.
Pháp của các Đức Phật,
Cũng in như vậy đó".


Bài 104: Viên Ngọc Chưa Giũa Lau


Pháp Thân của Như Lai,
Với Pháp Thân Bồ Tát,
Bản thể tuy không khác,
Nhưng đối với công đức,
Oai lực thời chẳng đồng.
Tất cả Pháp Tánh tướng,
Thời bình đẳng như nhau
Bản thể cũng đồng nhất.
Phàm Thánh và mê ngộ,
Nhiễm tịnh và nhân quả,
Khứ lai và tiến thoái,
Đồng một Tướng như vậy.
Nhưng như ngọc Ma-Ni,
Chưa mài giũa lau chùi,
Cho nên không thể nói,
Là đồng với Pháp Thân,
Của Đức Như Lai được.



Bài 105: Con Đường Lớn


Bồ Đề tâm, con đường lớn,
Vì có thể đưa được người,
Đi vào cõi Nhất Thiết Trí.
Bồ Đề tâm, con mắt sáng,
Vì có thể thấy hết thảy,
Đường nào chánh, nẻo nào tà.
Bồ Đề tâm, mặt trăng sáng,
Vì soi rõ các tịnh Pháp,
Được hoàn toàn và viên mãn.
Bồ Đề tâm, nước trong sạch,
Vì rửa sạch hết dơ bẩn,
Mọi phiền não của chúng sanh.
Bồ Đề tâm, ruộng đất tốt,
Và nuôi dưỡng mọi chúng sanh,
Được trong sạch và khoẻ mạnh.
Bồ Đề tâm, hạt giống tốt,
Của tất cả mười phương Phật,
Vì có thể sanh tất cả,
Mọi Pháp của các Đức Phật.


Bài 106: Đồ Đựng Nước


Nghe Pháp khởi lòng tin,
Vui mừng không nghi ngại,
Chóng thành Đạo Vô Thượng,
Ngang hàng các Như Lai.
Tâm người được trong sạch,
Ví như đồ đựng nước,
Hình bóng thường hiển nhiên,
Tâm chúng sanh nhơ bẩn.
Như đồ kia bị nứt,
Thì chẳng thấy hình bóng,
Của Như Lai Pháp Thân.
Nếu biết trừ kiêu mạn,
Liền được thấy Như Lai,
Quả vậy, Tâm chẳng sạch,
Ức kiếp khó gặp thay!


Bài 107: Chốn Đại Địa


Bồ Tát nhẫn chịu,
Tất cả điều ác,
Đối với chúng sanh,
Tâm Ngài bình đẳng,
Chẳng hề lay động,
Như chốn đại địa.


Bài 108: Hoa “Ba Lợi Chất Đa”


Như hoa “Ba Lợi Chất Đa”,
Xông áo chỉ một ngày,
Hoa “Chiêm Bồ”, “Bà Sư”,
Tuy xông đến ngàn năm,
Chẳng thể nào sánh nổi.
Còn hoa “Bồ Đề Tâm”,
Công đức xông một ngày,
Mùi thơm khắp cõi Phật.
Hàng Thanh Văn, Duyên Giác,
Dùng trí Vô Lậu xông,
Công đức trăm ngàn kiếp,
Chẳng làm sao bì được.


Bài 109: Chim “Ca Lăng Tần Già”


Như chim “Ca Lăng Tần Già”
Khi hãy còn nằm trong trứng,
Thế lực nó đã mạnh rồi,
Tất cả loài chim chẳng bằng.
Bậc đại Bồ Tát cũng vậy,
Khi còn ở trong trứng sanh tử,
Đã phát tâm Bồ Đề rồi,
Công đức Ngài rất mạnh lớn,
Hàng Thanh Văn và Duyên Giác,
Không làm sao so sánh kịp.


Bài 110: Vàng Diêm Phù Đàn


Như vàng Diêm Phù Đàn,
Chỉ thua ngọc Như Ý,
Hơn tất cả các ngọc.
Bồ Đề tâm cũng vậy,
Như vàng Diêm Phù Đàn,
Chỉ thua Nhất Thiết Trí,
Hơn mọi thứ công đức.


Bài 111: Người Có Tay


Như người có tay,
Vào trong núi báu,
Tự do lấy ngọc.
Cũng vậy, chẳng khác,
Người có lòng tin,
Vào trong Phật Pháp,
Tự do thu lấy,
Của báu vô tận.

Chương VI Kinh Tăng Nhất A Hàm


Bài 112: Sáu Tên Giặc

Nếu chuyên niệm, phân biệt kỹ:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp,
Quyết chẳng đọa vào ác đạo.
Mắt xem sắc tốt hay xấu,
Tốt thì ưa, xấu thì ghét.
Tai nghe tiếng hay hoặc dỡ,
Hay là ưa, dỡ là ghét.
Mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy.
Tính tình chúng chẳng giống nhau.
Nếu có người bắt lấy nó:
Chó, chồn, khỉ, lươn, rắn, chim,
Lấy dây trói để một chổ,
Rồi mở thả chúng nó ra,
Thì mỗi con chạy mỗi nơi.
Chó chạy rong trong làng xóm,
Khỉ chạy vào rừng chuyển cây,
Chồn chạy vào hang vào bụi,
Lươn bò xuống nước mương rạch,
Rắn bò vào bụi vào hang,
Chim bay giữa trời hư không.
Vì sáu con tánh khác nhau,
Lại có người bắt sáu con,
Trói để nằm chung một chổ,
Chẳng cho chúng nó bay chạy,
Mặc chúng cửa quậy dãy dụa,
Nhưng chẳng xa lìa chổ nằm.
Sáu tình thức của chúng ta,
Cũng giống như thế chẳng khác.
Ý muốn của chúng đều khác,
Chổ nhận thấy cũng khác nhau,
Có điều tốt có điều xấu.
Các Tỳ Kheo trói buộc chặt,
Sáu tình thức để một chổ,
Các Tỳ Kheo tinh tấn tu,
Chẳng cho tâm ý loạn động,
Ma Ba Tuần muốn quấy rối,
Cũng chẳng hề làm gì được,
Các công đức đều trọn nên.

Bài 113: Vô Lậu Nhơn

Đức Phật biết mở dây,
Sanh tử cho chúng sanh.
Ngài đối với thần nhơn,
Chỉ rõ Pháp hiểu biết,
Khiến họ thấy hoặc nghe,
Tất cả được an tâm.
Đức Phật, bậc Đạo Nhơn,
Thiên nhơn, Quyết Định Nhơn,
Cũng là Vô Lậu Nhơn.
Ngài thấu suốt thân mệnh,
Chính Ngài bậc Đạo Nhơn,
Trí huệ cao cả vậy.

Bài 114: Sáu Sức Mạnh Thông Thường
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
“Có sáu sức mạnh thông thường:
1. Trẻ con lấy tiếng la hét,
Làm sức mạnh khi đòi gì.
2. Người nữ lấy sự giận dữ,
Làm sức mạnh, sau mới nói.
3. Bậc Sa Môn, Bà La Môn,
Dùng nhẫn nhục làm sức mạnh,
Thương nghĩ khiêm hạ với người,
Sau đó mới tự giải bày.
4. Quốc vương thường dùng kiêu ngạo,
Cùng hào thế truyền quân lịnh.
5. Bậc La Hán dùng chuyên tịnh,
Làm sức mạnh tự trần thuyết.
6. Phật thành tựu Đại Từ Bi,
Dùng từ bi làm sức mạnh,
Rộng lợi ích khắp chúng sanh.
Vậy Tỳ Kheo gắng tu hành,
Pháp Đại Từ Bi này luôn”.

Chương VII Kinh A Hàm


Bài 115: Người Có Bốn Vợ

Một người có bốn bà vợ,
Bà thứ nhất được ông chồng,
Rất mến yêu và chiều chuộng,
Đi đứng, nằm ngồi, làm lụng,
Nghỉ ngơi, không hề rời nhau,
Ăn uống, đồ mặc, được chồng,
Sắm sửa tử tế trước hết,
Luôn chìu theo ý của vợ,
Chưa bao giờ tranh cải nhau.

Người vợ thứ hai không rồi,
Thường ở hai bên tả hữu,
Chồng gặp thì vui mừng lắm,
Xa chút thì buồn vô hạn.

Bà vợ thứ ba thỉnh thoảng,
Mới được gặp nhau với chồng,
Cùng cực mới nghĩ đến nhau.

Người vợ thứ tư bị chồng,
Sai xử phục vụ đủ việc,
Có chuyện thì đến nhau,
Mà chưa từng giúp đở chi,
Thường khi hay bỏ qua luôn.

Đến khi chồng sắp phải chết,
Kêu vợ thứ nhất lại bảo:
“Người phải đi theo với ta”.
Vợ trả lời: “Không thể được!”
Chồng nói: “Ta yêu mến ngươi,
Thường chịu thuận ngươi luôn mà,
Ngươi muốn gì đều được nấy,
Tại sao ngươi chẳng theo ta?”

Vợ nói: “Anh tuy có lòng,
Rất mực yêu mến tôi thật,
Nhưng tôi đành không thể nào,
Đi theo với anh được mà!”


Chồng liền kêu vợ hai bảo:
“Mình hãy đi theo với tôi”.
Vợ đáp: “Anh yêu chị cả,
Hãy bắt chị ấy theo anh,
Tôi không theo anh được đâu!”

Chồng buộc rằng: “Ta ngày trước,
Tìm ngươi khổ không thể tả,
Chịu lạnh, chịu nóng, chịu đói,
Nay sao chẳng chịu theo ta?”

Bà ta nói: “Bởi lòng anh,
Tham dục nên mới cố gắng,
Mà tìm cần đến tôi vậy,
Chớ tôi đâu có cần anh,
Sao anh lại đem việc khổ,
Mà bảo với tôi làm gì?”


Anh chồng kêu vợ ba bảo:
“Mình nên theo tôi đi”.
Vợ nói: “Tôi đã chịu ơn huệ,
Của anh, nay anh vĩnh biệt,
Tôi tiễn đưa anh một đỗi,
Đến ngoài thành rồi trở lại,
Chớ không thể đi xa hơn,
Đến chổ cuối cùng của anh”.


Chàng bè kêu vợ tư bảo:
“Thôi mình đi theo tôi đi?”
Chị nói: “Tôi đã xa lìa,
Cha mẹ, anh chị em tôi,
Đến đây để hầu hạ anh,
Cho anh sai khiến mọi việc,
Thời việc sống chết khổ vui,
Quyết phải có mặt với nhau,
Giờ đây, tôi xin theo anh,
Đến chổ an nghỉ cuối cùng".


Ba vợ trước là những người,
Thích hợp với ý chồng,
Mà không thể theo được.
Duy vợ thứ tư khổ cực,
Xấu xí chẳng hợp ý chồng,
Lại chịu theo hầu chồng.

Phật nói bốn thí dụ trên:
Vợ thứ nhất, dụ thân người,
Người đời ưa mến xác thân,
Đến khi chết nó nằm trơ,
Ở dưới đất, ngoài đồng hoang,
Nhất định chẳng chịu đi theo.
Vợ thứ hai, dụ của cải,
Được thì vui không thì buồn,
Đến khi chết hoàn cho đời,
Không khi nào chịu đi theo.
Vợ thứ ba, dụ cha mẹ,
Vợ con, anh em, bè bạn,
Lúc sanh thì lấy ân nghĩa,
Tình ái cùng nhau tưởng đến,
Đến khi chết họ chỉ khóc,
Và tiễn đưa tới ngoài thành,
Nếu thương nhớ có lâu lắm,
Cũng không quá đến mười ngày,
Rồi cũng nhóm nhau ăn uống,
Quên mất hẳn người chết kia.
Vợ thứ tư, dụ tâm ý,
Trong thiên hạ, ai không có,
Tự ai bảo thủ ý mình,
Buông thả ý tâm dục,
Giận dữ chẳng tin chánh đạo,
Đến khi chết, riêng tâm ý,
Chịu đi theo, để phải đọa,
Vào nơi ác đạo thống khổ.
Cho nên sanh thời, chúng ta,
Tự mình thẳng tâm, chánh ý.


Chương VIII Kinh Trung A Hàm

Bài 116: Dây Đàn

Một lúc nọ, Phật ngự,
Tại tịnh xá Kỳ Viên,
Có một vị đệ tử,
Tên là Nhị Thập Ức,
Rất siêng năng học tập,
Cả đêm không hề ngủ,
Và chuyên cần tu tập.
Rồi ông lại tự nghĩ:
“Đối với những giới luật,
Ta có thể đứng đầu,
Nhưng các món lậu tâm
Ta chưa được giải thoát.
Cha mẹ ta giàu có,
Ta nay muốn xã giới,
Về nhà chỉ tu phước,
Và bố thí cũng được!”

Bấy giờ Phật quán biết,
Ý nghĩ Nhị Thập Ức,
Ngài liền sai thị giả,
Gọi đến và dạy rằng:
“Nghe đây, Nhị Thập Ức!
Ta nghe, khi tại gia,
Người chơi đàn hay lắm,
Nếu dây đàn quá thẳng,
Tiếng ấy có hay không?”
“Thưa Thế Tôn! Không hay!”

Đức Phật lại hỏi tiếp:
“Dây dùn, tiếng rõ không?”
“Thưa Thế Tôn! Không rõ!”

Đức Phật lại hỏi nữa:
“Không thẳng cũng không dùn,
Thì nó như thế nào?”
“Thưa Thế Tôn! Như vậy,
Tiếng đàn mới thật hay!”

Nhân đó Phật mới dạy:
“Nghe đây, Nhị Thập Ức,
Tinh tấn lắm, tâm loạn,
Mà lúc chẳng tinh tấn,
Tâm lại sinh biếng nhác,
Vừa vừa ở bậc trung,
Quyết được đạo giải thoát”.

Chương IX Kinh Tạp A Hàm


Bài 117: Con Rùa Mù


Phật bảo các Tỳ Kheo:
“Khi nào đại địa này,
Đã biến thành biển cả,
Sẽ có con rùa mù,
Sống lâu đến vô lượng.
Trải qua trăm ngàn năm,
Nó mới ngóc đầu lên.
Tại biển có cây nổi,
Lênh đênh trên mặt nước,
Vì bị sóng gió mạnh,
Trôi đi khắp mọi nơi.
Thân cây có một lổ,
Khi rùa mù ngóc đầu,
Tìm cây và chui vào,
Chừng có dễ gặp không?”

Ngài A-Nan bạch rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn!
Khó mà gặp được lắm,
Bởi vì rùa thời mù,
Biển đông hải mênh mông,
Cây lại là cây nổi,
Trôi theo chiều sóng gió,
Đẩy đưa đi khắp nơi,
Nào có nằm một chổ,
Nên rất khó gặp được”.

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Rùa mù và cây trôi,
Tuy rất khó gặp thật,
Nhưng còn có hy vọng,
Đến như kẻ ngu si,
Trôi nổi trong năm thú,
Mà tái sanh thân người,
Mới thật là khó hơn,
Rùa gặp cây gấp mấy.
Vậy các người hãy gắng,
Tinh tiến chớ bê trể,
Tìm đủ mọi phương tiện,
Phát khởi tâm học đạo,
Càng tăng cao mới được”.


Bài 118: Ma Già Thiên Tử


Bây giờ có một người,
Tên Ma Già Thiên Tử,
Hỏi Phật bằng lời kệ:
“Giết gì được ngủ yên,
Giết gì được vui vẻ,
Và giết hạng người nào,
Được Cù Đàm ngợi khen?”

Khi ấy Đức Thế Tôn,
Cũng đáp lại bằng kệ:
“Nếu giết sự giận dữ,
Được an ổn ngủ nghỉ,
Nếu hay giết giận dữ,
Khiến người được vui mừng,
Giết gốc độc giận dữ,
Thời được ta khen ngợi,
Người giết giận dữ rồi,
Đêm dài không lo sợ”.


Bài 119: Hoa Sen Trong Bùn


Biết các Pháp sanh diệt,
Rồi những Pháp đáng tu,
Phải hết lòng chuyên tu,
Đáng diệt phải diệt hết,
Mới gọi đó là Phật.
Phật khi còn tại thế,
Như hoa sen trong bùn,
Ngài ở ngay trong đời,
Mà chẳng hề nhiễm đời,
Phá tất cả phiền não,
Rốt ráo lìa sanh tử,
Mới được gọi là Phật.


Bài 120: Cái Búa Ở Tại Miệng


Người sanh ở thế gian,
Cái búa ở tại miệng,
Trở lại chém tự thân,
Ấy bởi vì nói ác.
Đáng chê lại khen ngợi,
Đáng khen lại chê bai,
Tội do miệng sanh ra,
Chết đọa vào địa ngục.


Chương X Kinh Biệt Dịch Tạp A Hàm


Bài 121: Bốn Giống Ngựa


Phật bảo các Tỳ Kheo:
“Có bốn giống ngựa tốt,
Kẻ hiền nhân nên cỡi:
- Thứ nhất, là loài ngựa,
Thấy bóng roi sợ hãi,
Mà đi theo ý chủ.
- Thứ hai, là loài ngựa,
Roi mà chạm đến lông,
Sợ đi theo ý chủ.
- Thứ ba, là loài ngựa,
Roi động da sợ hãi,
Mà đi theo ý chủ.
- Thứ tư, là loài ngựa,
Roi đánh mạnh thấu xương,
Sợ đi theo ý chủ.
Muốn độ bậc trượng phu,
Cũng phải có bốn pháp:
- Thứ nhất, là chỉ nghe,
Có kẻ đau sắp chết,
Rồi sanh tâm nhàm chán,
Tất cả pháp thế tục,
Nên hết lòng tu thiện,
Đây là bậc trượng phu,
Điều thuận mà được độ.
Cũng như thấy bóng roi,
Ngựa liền theo ý chủ.
- Thứ hai, là tự thấy,
Người bệnh nặng sắp chết,
Rồi sanh tâm nhàm chán,
Nên hết lòng tu thiện,
Đây là bậc trượng phu,
Điều phục mà được độ.
Như roi chạm vào lông,
Ngựa mới theo ý chủ.
- Thứ ba, dầu đã thấy,
Có người bệnh sắp chết,
Không sanh tâm nhàm chán,
Tất cả pháp thế gian.
Do vì có nhàm chán,
Nên siêng năng tu thiện,
Đây là bậc trượng phu,
Điều phục mà được độ.
Như roi vừa chạm da,
Ngựa mới theo ý chủ.
- Thứ tư, mặc dầu thấy,
Thân quyến của mình chết,
Nhưng cũng chưa nhàm chán.
Khi tự thân bị bệnh,
Quá khốn khổ ngặt nghèo,
Đã chịu đựng hết nổi,
Mới sanh tâm nhàm chán.
Do vì có nhàm chán,
Nên tu các hạnh lành,
Đây là bậc trượng phu,
Phải dùng nhiều phương tiện,
Điều phục mới được độ.
Như roi phải đánh mạnh,
Vào da thịt thấu xương,
Ngựa mới theo ý chủ”.


Chương XI Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật


Bài 122: Thuyền Hư Chìm Giữa Biển

Phật dạy các Tỳ Kheo:
Ví như chiếc thuyền hư,
Bị chìm giữa biển lớn,
Nếu người nào trong thuyền,
Chẳng ôm phao, cây ván,
Phải biết những người ấy,
Không thể vào bờ được,
Và sẽ bị chìm chết.
Người ôm phao, cây ván,
Phải biết những người này,
Sẽ khỏi bị chìm chết,
Được vào bờ yên ổn.
Cũng vậy đó chẳng khác,
Thiện nam và thiện nữ,
Cầu Phật Đạo Vô Thượng
Chỉ có lòng tin ưa,
Mà chẳng y Bát Nhã,
Ba La Mật Tâm kinh,
Chẳng biên chép, thọ trì,
Cũng chẳng đọc, chẳng tụng,
Chẳng giảng, chẳng ức niệm,
Phải biết những người này,
Giữa đường sẽ suy hao,
Chẳng khi nào đến được,
Đạo Nhất Thiết Chủng Trí.
Họ sẽ chứng các bậc,
Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Nếu thiện nam và thiện nữ,
Cầu Phật Đạo Vô Thượng,
Có đức tin, đức nhẫn,
Có tịnh tâm, thâm tâm,
Có nguyện và có giải,
Có xả, có tinh tấn,
Giữ đúng và y theo,
Bát Nhã, Ba La Mật,
Biên chép và thọ trì,
Đọc tụng và giảng thuyết,
Lại thêm chánh ức niệm,
Họ được sự gia hộ,
Nên họ chẳng suy hao,
Vượt khỏi bực Thanh Văn,
Và bậc Bích Chi Phật,
Hay tịnh nơi Phật độ,
Và thành tựu chúng sanh,
Chứng Vô Thượng Bồ Đề".


Bài 123: Người Tuổi Già Hơn Trăm



Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Ví như có người già,
Đã hơn một trăm tuổi,
Suy yếu và nhiều bệnh,
Người già nhiều bệnh này,
Nằm liệt luôn một chỗ,
Không thể vậy đi được,
Cũng không thể bước đi,
Xa một hai mươi dặm.
Cũng như vậy, chẳng khác,
Thiện nam và thiện nữ,
Dầu có Bồ Đề tâm,
Có đức tin và nhẫn,
Có định tâm, thâm tâm,
Có nguyện giải và xả,
Có đủ cả tinh tấn,
Nhưng thiếu sự gia hộ,
Của Đại Ba La Mật,
Và Nhất Thiết Chủng Trí,
Phải biết những người này,
Giữa đường sẽ sa vào,
Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Nếu người già trăm tuổi,
Suy yếu và nhiều bệnh,
Muốn đứng dậy bước đi,
Có hai người khỏe mạnh,
Kèm dìu cả hai bên,
Nhờ đó, người già bệnh,
Đi đến được chổ muốn.
Cũng như vậy, chẳng khác,
Thiện nam và thiện nữ,
Cầu Phật Đạo Vô Thượng,
Có đức tin, có nhẫn,
Có tịnh tâm, thâm tâm,
Có nguyện giải và xả,
Có đủ cả tinh tấn,
Lại được sự gia hộ,
Của Đại Ba La Mật,
Và Nhất Thiết Chủng Trí,
Phải biết những người này,
Giữa đường không sa vào,
Thanh Văn, Bích Chi Phật,
Đến được chổ muốn đến,
Tức chứng Vô Thượng Bồ Đề”.


>br />

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: HHMT
Xem: 1700 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 2 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 2
1 atoanmt  
0 Spam

2 Dragon  
0 Spam

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]