Thứ Sáu
19 Apr 2024
3:17 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

ĐẠI SƯ THỨ 12 - SANTIPA
26 Sep 2012, 8:57 AM

CÁC VỊ CHÂN SƯ ĐẠI THỦ ẤN

Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

---o0o---





Đại sư thứ 12: Santipa - Nhà truyền giáo

Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu

Những cái rễ của cây vô danh

Được vun tưới bằng những cơn mưa

Của thói quen vọng tưởng

Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh

Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy

Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư

Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập




Truyền thuyết

Sư Santipa còn được gọi là Ratnakasanti, vốn là một vị giáo thọ nổi tiếng uyên bác về Ngũ minh môn (five arts and sciences) thuộc Tu viện Vikramasila ở xứ Magadha.

Thuở ấy, Śrỵ Lanka (Tích Lan) nằm dưới quyền trị vì của vua Kapina, một bậc minh vương có đầy đủ phẩm hạnh và công đức.

Nhà vua từng nghe nói đến pháp vi diệu của Phật và tiếng tăm lừng lẫy của đại sư Santipa, nhưng đạo Phật lúc bấy giờ chưa được truyền sang nước ngài.

Ngưỡng mộ đạo hạnh của sư, vua sai sứ mang vô số vật thực đến cúng dường cho tu viện, đồng thời gửi một điệp văn cho sư, đại ý như sau:
“Trẫm và dân chúng trong nước lâu nay ngưỡng mộ oai đức của đại sư. Nay cúi xin đại sư rủ lòng bi mẫn chiếu soi đèn pháp vào bóng tối vô minh, dội cơn mưa pháp dập tắt lửa tham, bẻ gãy gươm sân mà cứu vớt chúng sinh ngu muội. Trẫm ngày đêm mong đợi được kề cận thánh tăng, như con đỏ mong mẹ hiền. Cúi mong đại sư một lần dời bước đến tệ quốc cho thoả lòng quy ngưỡng.”

Chấp nhận lời thỉnh cầu của quốc vương Śrỵ Lanka, sư và một tăng đoàn gồm 2.000 vị tỳ-kheo mang theo Tam tạng kinh điển khởi hành đến Śrỵ Lanka.

Đoàn người đi qua các vùng Nalanda, Odantapuri, Rajagrha, Vajrasaha (tức Bồ-đề đạo tràng) và cuối cùng đến vùng biển thuộc Śrỵ Lanka.

Nhà vua cùng triều đình và toàn thể dân chúng vui mừng ra đón tiếp tăng đoàn. Họ cúng dường đầy đủ tất cả vật dụng cần thiết để chư tăng có thể lưu lại trong thời gian ba năm để truyền bá giáo pháp Đại thừa.

Sau ba năm giáo hoá, sư cùng đại chúng quay về cố hương. Chuyến trở về lại theo một lộ trình khác, dài hơn, băng ngang qua nhiều xứ, nên khi về đến tu viện thì sư Santipa đã già yếu. Các môn đồ phải di chuyển ngài bằng xe bò.

Khi được 100 tuổi, sư nhập thất để thiền định trong 12 năm. Cũng trong khoảng 12 năm ấy, môn đồ của ngài là Kotapila cũng nhập thất tu luyện.

Trong Tam tạng kinh điển chia làm Kinh, Luật và Luận thì Santipa uyên bác về Luận.

Trong thiền quán, ngài dùng trí phân biệt để quán sát các pháp. Trái lại, môn đồ của ngài là Kotapila lại dùng trí vô phân biệt để quán sát các pháp.

Kotapila tu tập 12 năm thì chứng ngộ. Khi ngài đắc Đại thủ ấn (Mahamuddra) thì chư thiên hiện ra chung quanh rưới mưa hoa ca tụng công đức của ngài. Các thiên vương khẩn cầu ngài cai quản 33 cõi trời Dục giới nhưng ngài từ chối.

Ngài bảo chư thiên:
“Nay ta vào được đạo tràng của chư Phật là nhờ oai đức dạy dỗ của chân sư. Ta cần phải vấn an Thầy ta trước hết. Bởi trong kinh nói rằng chân sư là Phật, chân sư là Pháp, chân sư là Tăng-già, chân sư là Tam bảo.”

Nói xong, sư dùng hoá thân đi đến Magadha trong thời gian nhanh như khảy móng tay.

Đến nơi, ngài đảnh lễ Thầy mình và chào hỏi các đạo hữu nhưng không ai đáp lời vì họ không thể nhìn thấy pháp thân vô tướng của ngài.

Cuối cùng Kotapila phải hiện nguyên hình để đảnh lễ đại sư Santipa. Sư lấy làm lạ, hỏi: “Ngươi là ai?”

“Đệ tử vốn là môn đồ của ngài.”

“Ta có vô số môn đồ, làm sao nhớ hết.”

Kotapila bèn thuật lại tự sự. Sư nhớ ra lấy làm hoan hỷ. Thầy trò hàn huyên tâm đắc. Đoạn, sư hỏi:
“Kết quả tu tập bấy lâu của ngươi ra sao?”

“Bạch thầy! Đệ tử thấy các pháp vốn do duyên sinh, không có tự tánh, không dơ, không sạch, nên vào được cảnh giới của Đại thủ ấn.”

Sư ngửa mặt than rằng: “Ấy là ta dạy ngươi! Tiếc thay, ta chưa hề thân chứng cảnh giới ấy. Nay ngươi hãy vì ta mà nói lại pháp tu tập kẻo ta quên đi mất.”

Vâng mệnh thầy, Kotapila nói lại những gì mà sư Santipa trước đây đã dạy ngài.

Sau đó đại sư Santipa thiền định thêm 12 năm nữa thì chứng đắc.

Hành trì

Truyền thuyết này nêu lên một sự phê phán nghiêm túc về sự nghiệp tu hành của một bậc giáo thọ.
Nó nhằm chỉ trích tất cả những nỗ lực tu học có tính chất kinh viện, lối tu lan man, phương pháp thiếu thực tiễn, lòng tự mãn
và thiếu quan tâm đến môn đệ của một bậc thầy.


Tuy nhiên, nó khẳng định một chân lý mới. Một bậc thầy không nhất thiết phải ngộ hay thân chứng mới có thể truyền pháp cho môn đồ. Bởi vì một bác sĩ đâu cần phải mắc một căn bệnh nào đó rồi mới có thể rút kinh nghiệm để chữa trị cho người bệnh?

Cũng thế, các nhà khoa học không cần phải đích thân bay lên vũ trụ xem xét để vẽ đường bay cho các con tàu vũ trụ.










TRUYỆN PHẬT GIÁO



THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 1048 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 0
CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]