Thứ Sáu
19 Apr 2024
5:54 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » NGỤ NGÔN THI HỌA » NGỤ NGÔN THI HOẠ 3 (TRẦN TỬ ÍCH)
NGỤ NGÔN THI HOẠ 3
atoanmt Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 11:00 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


NGỤ NGÔN THI HOẠ
Của Trần-Tử-Ích
Minh Hoạ: Đinh Thông
Bản dịch: Nhất Như - Phạm Cao Hoàn


---o0o---



---o0o---


41. MŨ Ô SA



Tề-Tử-Tiên là người khẳng-khái, dám đả-kích thẳng vào người cầm quyền.
Ông đến chào Quan Thái-Thú. Thái-Thú sợ, dẹp tả hữu, cúi đầu dạ dạ mà nghe.
Tử-Tiên đi ra, cười nói với mọi người:
“Một cái Mũ-Quan-Cách (Ô-Sa, lụa đen) có nặng là bao mà phải cúi đầu ú-ớ, không dám bày tỏ chính-nghĩa ?”.

Thái-Thú nghe thấy, trong lòng kính-phục, ngầm tiến-cử Tử-Tiên với triều-đình. Sau đó Tử-Tiên được nhận chức Quan trong Triều.

Đến khi Tử-Tiên vào cung nhận chức Ngự-Sử, Phủ-đệ cao sang, nô-tỳ đầy nhà, vui-vầy hưởng-lạc, không nghĩ đến chuyện chăm-lo việc Quan nữa.
Một hôm Thái-Thú gời thư viết:
-“Huynh ở chức Quan Ngự-Sử mở đường ngôn-luận, lại không phải kẻ cúi đầu ú-ớ không dám ăn nói, nhớ đến phong-thái trước đây, Đệ phải dâng lời can-gián, Huynh có lưu-tâm hay không ?”

Tử-Tiên rất thẹn, bèn dâng thư bàn việc cai-trị. Thư viết xong, họp Thê-thiếp, con-cái đến bàn rằng:
-“Thánh ý khôn lường, có khi sẽ mang họa, làm sao bây giờ ?”

Vợ nói:
-“Quần vải Áo gai, Tôi không thể chịu nổi !”

Thiếp nói:
-“Nhớ Rau nuốt Cám, Thiếp không cam lòng !”

Con Trai, con Gái nói:
-“Ra ngoài không có xe cộ, ra vào không có tỳ-nữ, những người gặp mình đều ngoảnh Mặt đi, sao còn ra con người ?”

Đầy nhà tiếng thút-thít, khóc-lóc than-thở như nhà có Tang. Tử-Tiên ngửa mặt lên Trời than dài:
-“Nay ta mới biết cái Mũ-Ô-Sa nặng như thế nào !”.

---o0o---


42. ĐIỂM VÀNG



Cách ba ngàn năm trăm dặm về phía Nam Đại hoang sơn có nước Vô Kê. Dân ở đấy làm nghề cày ruộng, dệt Vải, vất-vả suốt ngày mà vẫn không khỏi đói rét.
Một đạo nhân từ bờ biển Tây đến, thương Dân khổ-sở, nói:
- “Ta có thuật điểm Vàng, các ngươi có chịu học không ?”

Người trong nước đồng-lòng học theo, người làm Ruộng bỏ Cày, người dệt Vải quăng Thoi, chỉ lo việc điểm Vàng. Chưa hơn năm, nhà nhà đụn Vàng cao ngất. Việc canh-nông đã bỏ phế, Cơm Áo không đủ ăn, Gạo Châu, Củi Quế, một bát cơm, một cái Bánh, dù có vạn lạng Vàng cũng không đổi được.
Dân chúng lo-sợ, nổi giận họp nhau lại, đánh đuổi Đạo-Nhân.

Đạo-Nhân than-thở:
-“Lỗi tại Ta, nay khó mà thoát chết ! Bỏ Cày, quăng Thoi, là bởi ai ?

---o0o---


43. Ý MỚI



Đàm-Nam-Dương làm Quan ơ3 Kỳ-Thiệt. Miền này bốn bề là núi. Dân nghèo nhưng hay nói. Nam-Dương muốn gây mối lợi, ông bèn họp các trưởng-lão lại bàn-bạc.

Một trưởng-lão lấy gậy chọc xuống đất nói:
“Lợi không gì lớn bằng đánh cá, làm Muối. Đào ao nuôi cá, làm ruộng phơi muối. Sau ba năm, Dân không còn quẫn-bách về cơm áo nữa”

Một trưởng-lão khác lấy gậy chỉ lên Trời nói:
-“Lợi không gì lớn bằng buôn-bán. Đào sông, khơi ngòi, làm ăn hưng-vượng. Ba năm sau Dân có thể mặc áo gấm ăn thịt.”

Những người còn lại, hoặc bàn về đánh Cá làm Muối, hoặc bàn về đóng Thuyền chở hang, ai nấy lải-nhải cả ngày, không biết mệt-mỏi.
Nam-Dương chán-ngán, phất tay đứng dậy nói:
-“Lời các ông bàn đều phải, chỉ hiềm nghề đánh Cá làm Muối, đóng Thuyền không thể thi-hành được ở miền Núi, thôi về đi !”

Ngày hôm sau, lại họp bàn, cũng lại đề-xướng đánh Cá làm Muối, đóng Thuyền bè. Nam-Dương mệt-nhọc chán-nản nói:
-“Bọn các ông không có ý mới, sao cứ lải-nhải toàn lời cũ rích ?”

Các trưởng-lão biến sắc mặt nói:
-“Sao Ông lại nói như vậy ? Lời của chúng tôi hôm nay khác với hôm qua, đem ý cũ đổi cho nhau thành ý mới rồi đó !”

---o0o---


44. TRÈO CAO



Cung Sinh, ở gần Nam-Nhạc. Hồi nhỏ thấy một Đạo Nhân cầm phất trần đánh vào đầu nói:
-“ Trèo núi, nên tìm đến ngọn Núi cao nhất, không phải ngọn cao, chớ trèo”.

Sinh liền cho là ý Trời, hang ngày leo trèo ở vùng núi Nam Nhạc. Mỗi lần trèo lên một ngọn, cứ đến lưng-chừng núi, thấy một ngọn khác cao hơn ngọn này thì tụt xuống …trèo lên ngọn khác, được một nửa, lại thấy núi bên kia cao hơn núi này.
Cứ vậy ba năm, vùng Nam Nhạc có 72 ngọn Núi, mà Sinh leo bám cùng khắp, chân tay chai sần, than-thể mệt nhọc, tinh-thần rã-rượi, nhưng không một ngọn núi nào Sinh trèo đến đỉnh.
Người thời bấy giờ làm bài vè rằng:
“Trời cao Đất cao
Anh cao Tôi cao
Đòi phải tối cao
Không hề có cao”


---o0o---


45. TỤNG KINH



Thái-Sử Mỗ về hưu, sống ở bìa rừng, ông nói với con cái còn nhỏ rằng:
“Sách của Thánh Nhân là lời chuẩn-mực trong thiên-hạ, không thể thay-đổi. Hàng ngày đọc thì mọi điều cần dùng trong đời sống tự tìm đến, không cầu mà được !”
Ông bèn ra lệnh cho cả nhà bỏ hết việc cày cấy, dệt vải, xay giã. Hàng ngày cứ lo tụng Kinh không ngơi, ngay cả tôi-tớ tỳ-thiếp cũng phải tụng như vậy.
Không bao lâu, tiền bạc hết, thóc lúa hết sạch, ruộng vườn bỏ hoang, già trẻ gầy ốm, rách-rưới, bụng đói đi quanh-quẩn ngoài khe ngòi.
Duy Thái-Sử vẫn còn rì-rầm đọc “Luận Ngữ” của Thánh Khổng cho người nhà nghe !

---o0o---


46. CHẶT CHÂN



Vương Sinh ở Giang Tả, chân có tật mà chăm học võ nghệ của nhiều Môn Phái, nhưng vì chân bị tật nên sự học không thành.
Ông bèn lựa chọn, sắp xếp chiêu thức của các Phái, dung-hợp trăm nhà, tự sáng-tạo môn võ mới, trở thành vô-địch suốt giải Giang-Nam, Giang-Bắc. Do đó học trò theo học đông-đảo, tôn là “Bả Công” (Ông què), lập ra Môn “Bả Tông” (Tông Phái Què).

Bả Công chết, đệ-tử Lý-Sinh được chân truyền cùa Bả-Công, dùng chân khỏe nên thuật phi-thân nhảy nhót càng xuất-sắc phi-thường.
Nhưng Lý vẫn lấy chuyện chưa thật giống Sư-Phụ làm xấu-hổ, bèn tự chặt một chân để cho thật giống Thầy mình.
Từ khi Lý làm, thiên-hạ nhao-nhao, nói đệ-tử Bả-Công đều nên chặt chân, như phái Thiếu-Lâm đều đi tu-hành.
Cho nên đệ-tử sợ-hãi bỏ đi hết ! Trong vòng một tuần, phái Bả Công đã tan rã.

Ôi Vương Sinh vì không thể giống mà sáng tạo ra chiêu thức mới,
Lý Sinh vì không thể không giống mà phế bỏ chân, đều là người có chí.
Nhưng một đằng thì hưng, còn một đằng thì suy-bại. Vì sao vậy ?
Một người mong có cái mới, một người lo giữ cái cũ. Lấy cái thuật bất-biến ứng-phó với thế vạn-biến, là con đường cầu bại.
Đem cầu bại ra cầu hưng, làm sao có thể được !

---o0o---


47. BẤT TRÍ



Vu-Trung-Thừa mắc bệnh mất trí, nói nhiều điều bậy-bạ, lão-bộc Vu-Trí thương-xót, tuy trái với lòng mà vẫn theo.
Một hôm Vu bảo cột hành-lang đã xiêu, lệnh cho Trí dỡ cột đi, Trí nói bỏ cột thì hành-lang sẽ đổ. Vu giận, cứ sai làm, Trí không chịu theo. Vu bèn vịn tội kháng lệnh Chủ, kiện lên Quan Huyện.
Quan lại là bạn đồng-niên với Vu.

Trí ở công-dường sang-sảng biện-bạch, mà Quan không nghe, phạt Trí bốn mươi roi. Trí kêu oan không phục, nói:
“Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, nếu có điều nào thiếu sót thì tôi xin chịu tội. Sao Quan lại cứ bênh bạn như thế ?”.

Quan Huyện thong-thả nói:
-“Nói về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín ! Ngươi mà có Trí ư ?”.

Trí trả lời:
-“Không theo lệnh sai trái, sao bảo là bất Trí ?”

Quan nói:
-“Biết là người mất trí, mà còn quyến-luyến, ở lại không đi, đó là một điều bất Trí.

Bàn Lý với người không thể đem Lý mà nói, đó là hai điều bất Trí.

Trước mặt Quan Nha, so đúng sai, luận phải trái với người mất trí là ba điều bất Trí.


Có ba điều bất Trí, người còn nói gì nữa ?”


Trí im lặng, cam chịu đánh đòn.

---o0o---


48. LÀM CHÍNH SỰ



Giả-Văn-Trang sắp đi nhậm chức, đến nhà Gia-Cát-Bản-Vô hỏi về Đạo làm Chính-Sự. Bản-Vô nói:
“Không có gì khác ngoài: Nghiêm, Kiệm, Cung, Cần, mà thôi”.

Văn-Trang nói:
-“Xin lĩnh-giáo”.

Chưa đầy nửa năm, bị bãi-chức về. Lại đến thăm Bản-Vô nói:
-“Trước khi đi, tôi thụ giáo, không ngày nào quên. Dốc lòng làm theo “bốn chữ”, ngày đêm không trễ-nãi. Tại sao mong điều ích-lợi mà thân lại bị tổn-hại, không được dân chúng đồng lòng ? Trang này không hiểu, xin Ngài bảo cho”.
Nói xong, vẻ hậm-hực hiện trên sắc mặt.

Bản-Vô nói:
-“Tiên Sinh làm cái Đạo “Nghiêm, Kiệm, Cung, Cần”, Vô này cũng đã được nghe nhưng vẫn chưa được rõ.
Khi chế-ngự trăm họ nghiêm, có chế-ngự đám con cháu trong nhà như vậy không ?

Khuyên răn người khác Kiệm, có khuyên Thê Thiếp như vậy không ?

Yết kiến bậc Quan sang cung-kính, gặp người Áo nâu, có cung-kính không ?

Bắt-buộc người dưới chuyên-cần, Ông có tự răn mình cũng chuyên-cần không ?


Văn Trang hổ-thẹn bàng-hoàng, chỉ biết dạ dạ mà thôi ! Bản-Vô bèn luận:
-“Nghiêm, Kiệm, Cung, Cần”, Ta cố sức làm thì thiên-hạ đều bắt-chước,

chỉ nói mà không làm, thiên-hạ sẽ chê-bai.

Bó buộc người mà không cô-thúc mình thì thiên-hạ khinh.

Khinh-bỉ thì ruồng-bỏ, không được Dân ưa là đúng rồi !”


---o0o---


49. CHÓ ! CHÓ !



Minh-Thái-Tổ trách phạt nghiêm-khắc, ráo-riết, hình phạt đến chỗ cùng-cực, chỉ đối với Lôi là khoan-dung. Lôi làm chủ Bộ-Lại. Có người tố-cáo Lôi nhận số vàng rất lớn của người mua Quan-tước. Thái-Tổ nghe được, tức giận nói:
“Đồ Chó !”.

Nhưng chỉ cách chức Lôi mà thôi. Không bao lâu, lại sai làm Chủ Bộ Công. Lại có người tố-cáo Lôi nhận số Vàng lớn để miễn đi Quân-Dịch cho các hộ giàu có. Thái-Tổ nghe được, nổi giận nói:
-“Đồ Chó !”.

Nhưng chỉ cách chức Lôi mà thôi. Không bao lâu, lại sai làm Chủ Đại-Lý-Viện, ai nấy đều bất-bình. Có người báo-cáo rằng Lôi vẫn tham-nhũng, ăn hối-lộ như trước. Nhưng đối với Thái-Tổ, Lôi vô-cùng trung-thành, mỗi khi có điều sai-khiến, dù khó-khăn vất-vả bao nhiêu cũng không từ.

Có người kể:
-“Xưa Lôi tu ờ chùa Hoàng-Giác, đồng-môn với Thái-Tổ…
Lại có người kể:
-“Lôi từng trong đám loạn quân cứu Thái-Tổ thoát chết …”
Hoặc có người nói:
-“Lôi với Thái-Tổ thực là anh em khác Mẹ, cho nên được khoan-dung…”

Nhưng Thái-Tổ đều gạt đi, nói:
-“Đồ Chó, tức là Chó, sao có-thể đem lời con người nói với nó ?
Vàng ăn hối-lộ, là cái Xương cho Chó ăn.
Cách chức là cái Roi để thuần-phục nó.
Dùng cả Roi và Xương há chẳng là thuần-phục hay sao ?”


Lời của Thái-Tổ, mọi người đều dùng để thuần-phục đồ Chó.

Thái-Tổ chết, cả đàn Chó sủa bậy sủa bạ,
cái cách ấy được thi-hành rộng-rãi, không sao còn chế-ngự được nữa.
Việc cai-trị của Quan-lại rất tồi-tệ. Cái hại của Chó, kéo dài mãi-mãi,
chỉ vì Thái-Tổ không sao liệu trước được mà ra.


---o0o---


50. THƠ CỦA THƯ-LẠI



Thư-Lại Nhạc-Châu, duyên may được thăng chức Đổng-Tri, nhưng không bằng-cấp khoa-cử, bị đồng-liêu coi thường. Lại không có văn-chương, mà giao-du với Văn-Nhân Mặc-Khách, để che dấu cái dốt của mình.

Một hôm, hắn mời một số Văn-Sĩ đến ăn tiệc ở Nhạc-Dương-Lầu. Trăng trong sáng soi, ánh nước lấp-loáng, rượu say nổi hứng, họ hẹn nhau làm Thơ liên-hoàn…

Bắt đầu, một người ngâm rằng:
-“ Trăng trong gió mát bước lên Lầu”

Kế đến một người nói:
“Đối cảnh núi hồ nhớ cựu du”

Mộ người đọc:
“Mây nổi vì đâu che vướng mắt”

Thư-Lại tiếp rằng:

“Ơn Vua lồng-lộng chúc nghìn thu”


Một người bắt đầu ngâm”
“ Khói vàng, nước cuộn, cỏ xanh tươi”

Kế đến, một người đọc:
“Giấc khách, dăm ba đốm lửa chài”

Người tiếp theo:
“Mấy tiếng Ếch kêu, kinh bóng Hạc”

Thư-Lại tiếp rằng:

“Ngô Hoàng vạn-tuế thọ tày Trời”


Thư-Lại rất tự-đắc, nhưng những người nghe đều bưng miệng mà cười. Có người khách nói với Lại:
-“Thơ của ông, không hổ với cái danh “Lại-Thi” !”

Thư-Lại hỏi:
-“Sao lại nói như vậy ?”

Khách phất tay đứng dậy nói:
-“Chỉ biết ca-tụng Vua Chúa”

Nói xong đứng dậy ra đi.
Do đó, cái danh “Lại Thi” truyền xa. Không bao lâu, Lại nhờ thơ mà được thăng làm Nội-Các-Học-Sĩ.
Vua chúa quyến-luyến ân-cần, thiên-hạ học theo, “Lại Thi” cơ-hồ nổi danh ngang hàng với “Thơ Văn bát cổ”
---o0o---

Việt Nam ta cũng có 1 “Thi Lại” còn giỏi hơn tên “Thi Lại” trong chuyện này rất xa ! Thi-Lại trong truyện, chỉ biết làm thơ “Nịnh”, “Bốc thơm” Vua của hắn.
Còn “Thi-lại” của VN chơi nổi hơn: Bốc Thơm Vua của mình xong, lại “phấn-khởi hồ-hởi”…bốc thơm đến Vua của Nước Khác !
Mà tệ nhất là tên Vua này, mang tiếng là “Tội Đồ của Thế Giới” vì hắn đã tàn-sát đồng-bào hắn 1 cách dã-man!
Các Bạn hãy xem 1 đoạn Thơ của “Thi-Lại Việt-Nam” dưới đây:


Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
“Thi-Lại Việt-Nam”


SỐ NGƯỜI BỊ BẠO CHÚA STALIN GIẾT TRONG 23 NĂM CAI TRỊ :
“…Con số này được đưa ra từ cuốn sách của Robert Conquest: “Terror Great: Stalin Purge những năm ba mươi” (Macmillan 1968).
Trong phụ lục của mình trên các số-liệu thương vong, ông Robert Conquest đánh giá một số ước tính của những người đã bị giết dưới thời Stalin, và tính toán số lượng hành quyết 1936 đến 1938 là khoảng 1.000.000 người.
Từ 1936 đến 1950 khoảng 12.000.000 người đã chết trong các trại tù.
Và 1930-1936 khoảng 3.500.000 người chết trong các trại tập thể.
Ông Robert kết luận:

Như vậy, chúng ta có được một con số của 20 triệu người do Stalin giết. Con số đó là gần như chắc chắn quá thấp và có thể tăng thêm 50%, số người bị giết của chế độ Stalin trong chỉ 23 năm !!!.”
“The figure comes from the book by Robert Conquest, The Great Terror: Stalin’s Purge of the Thirties (Macmillan 1968). In his appendix on casualty figures, he reviews a number of estimates of those that were killed under Stalin, and calculates that the number of executions 1936 to 1938 was probably about 1,000,000; that from 1936 to 1950 about 12,000,000 died in the camps; and 3,500,000 died in the 1930-1936 collectivization. Overall, he concludes:
Thus we get a figure of 20 million dead, which is almost certainly too low and might require an increase of 50 percent or so, as the debit balance of the Stalin regime for twenty-three years.”


---o0o---


51. THẦY BÓI



Bên cầu có Thầy Bói, tự khoe học được bí truyền của danh-sư Quỷ Cốc.
Căn cứ vào chỉ tay mà đoán tốt xấu, không hề sai lệch. Tần-Hiếu-Tiên tìm thầy, vái dài xin hỏi về hôn-nhân. Thầy bói xem chỉ tay trái, nói:
-“Vân Trời không đủ, hôn-nhân chậm-chạp, mãi không thành ! ” …

Hiếu-Tiên nói:
-“Tôi 16 tuổi đã bàn chuyện hôn-nhân với Dư Thị, sao bảo là chậm ?”

Thầy bói cúi nhìn nói:
-“Phải, phải, vân Đất kéo dài, bù đắp vào cái hụt của vân Trời, không những không chậm mà còn được Vợ đẹp”

Hiếu-Tiên nói:
-“Miệng sứt, Mũi tẹt, Tóc vàng, Da gà, sao bảo là đẹp ?”

Thầy bói nói:
-“Xem vân Đất thì đáng được Vợ đẹp, nhưng hiềm vì vân Người nửa chừng đứt đoạn, đáng tiếc. đáng tiếc ! Tuy-nhiên, nhà ông gia-cảnh giàu”

Hiếu-Tiên phì cười nói:
-“Nhà không có lương ăn đến ngày hôm sau, bốn bề không có thứ gì đáng giá, nếu gọi là giàu, thì người trong thiên-hạ không ai nghèo !”

Thầy bói nghẹn họng, gượng nói:
-“Tạo-hóa trêu người, không gì mà không thể xảy ra. Ông tích đức sâu, phúc-trạch dày dặn, tuy có điều trắc-trở, mà cuối cùng sẽ đại quý, cứ chờ rồi sẽ thấy nghiệm”

Hiếu-Tiên cả cười, nói:
-“Cái chuyện bói toán, Ta đã biết rồi, cần gì ứng-nghiệm về sau, chỉ cần nhìn trước mắt”

Thầy bói sợ. quỳ xuống xin khoan-thứ. Hiếu-Tiên vội nâng dậy, nói:
-“Ông có thể gọi là người giỏi xem khí-sắc, chỉ tiếc ông sống trà-trộn nơi chợ búa, nếu vào Quan-trường, kiếm công-danh dễ như trở bàn tay”

Không bao lâu, thầy bói có duyên may, được làm Quan. Người ta bảo Hiếu-Tiên giỏi xem tướng người. Hiếu Tiên nói:
-“Ta đâu giỏi xem tướng, chỉ giỏi xem tướng Quan-trường thôi !”
---o0o---


Sẵn chuyện Thầy Bói này, Tôi xin tiếp vào 1 chút xíu, hy-vọng các Bạn nào thích xem Bói (Nhất là Quý Cô, Quý Bà) đọc qua, sẽ có thêm chút kinh-nghiệm nhé.
Tôi, đã có nhiều lần, tình-cờ chứng-kiến 1 số Thầy Bói (Nam, Nữ và cả … “bán Nam, bán Nữ” nữa),
Tất cả đều có 1 chiêu-thức giống nhau để “đánh phủ đầu” người mê-tín khoái coi Bói…
Thầy Bói phán:
-“Ô, Tui thấy có 1 , 2 vong linh con nít đang theo Cô ( Cậu, Ông…Bà) đó”

Nếu Cô, Bà đó nhớ là đã từng xẩy Thai, hoặc phá Thai, sẽ sợ xanh mặt, rồi tự-thú với Thầy, rồi Thầy sẽ vẽ cho cách cúng kiến …(Lễ vật dài thòng tùm-lum tà-la tá-lả + tiền nhang đèn cho Thầy làm Lễ)…
Còn nếu Cô, Bà đó không biết gì hết, thì Thầy sẽ nói là:
1. “Cô ráng nhớ coi, có bị hư Thai bao giờ chưa?”

Nếu Cô Bà đó, hoàn-toàn không có, thì Thầy sẽ biến chiêu khác:
2. “Vậy thì chắc Má cô bị xẩy Thai hoặc có anh chị em của Cô đã mất…, bi giờ “thương Cô” nên vong-linh theo phù hộ cho Cô đó”

B/- Nếu là Nam giới, sẽ ngạc nhiên hỏi lại Thầy, Thầy sẽ phán ngay:
1. “Bà Xã Ông có bị hư thai lần nào hông?”

Nếu không, Thầy sẽ oánh típ chiêu khác như:
-“Ông có con rơi con rớt nào hông? Tui thấy rõ có vong linh con nít đang theo Ông mà !”

Thầy nói kiểu này, bảo-đảm sẽ khó trật, và làm các Cô, các Bà , các Ông…phục Thầy quá-xá-quà-xa lun, hàng tháng, hoặc hàng tuần lại mò đến gặp Thầy, tâm-sự tỉ-tê, rùi Thầy cứ theo lời “vô-tình kể-lể” của thân-chủ mà nói dựa theo, khiến họ dzui-dzẻ, và Túi Tiền của Thầy cũng dzui-dzẻ lun ! Hèn gì người ta thường nói:
“Bói ra Ma, quét nhà ra Rác”

Thật đúng phải hông các Bạn ?

---o0o---


52. BIÊN HỌC



Hiếu-Vũ Đế để dành gác Phan-Long bàn về Muối. dành lầu Phụ-Phượng bàn về Văn.
Đến khi lên lầu, Thái-Giám dẫn lầm người bàn về Muối vào Phụ-Phượng, người bàn về Văn vào Phan-Long.
Người vào Phụ-Phượng, lấy Muối mà bàn Văn-Học !
Nói ngoài Muối không gì có thể thu-hoạch lợi lớn, không có lợi, Ai cam chịu làm thân Trâu Ngựa ?
Văn-Học phải nghĩ đến lợi trước tiên, người làm Văn-Học trước hết nên kinh-doanh Muối

Người vào Phan-Long, lấy Văn-Học mà bàn về Muối !
Nói tu-từ lập trên ý Thành, tới được mức Thành thì Lợi sẽ đến.
Do đó biết về Muối, là cái bên ngoài, lập được ý Thành là cái bên trong, từ ngoài vào trong, người làm Muối cần tu từ, lập ý Thành trước đã .

Hội-nghị 3 ngày, nói bậy-bạ trái khoáy, Hiếu-Vũ-Đế rất hài lòng, nói:
-"Điều các Khanh bàn, Ta chưa từng nghe, đó là cái Học bên lề phải không ?"

Bèm sai Hàn-Lâm-Viện biên-soạn: "Diêm Thiết Văn Học Luận" - "Văn Học Luận Về Muối".
Sau đó, ban hành các Châu Huyện, nổi tiếng một thời, được gọi là "Biên Học" (Cái Học bên lề)

---o0o---


53. CẤM THUỐC PHIỆN




Trang-Văn-Túc làm Quan ở Tuyền-Châu, muốn cấm Thuốc Phiện, bèn bàn với Tấn-Thân Tiên-Sinh.
Nhà Tấn-Thân dựa vào Thuốc Phiện mà kiếm lợi vô số, người người vui thú với "ả Phù-Dung" rất đông
(Ả Phù-Dung hoặc Nàng Tiên Nâu là tiếng ám chỉ Thuốc Phiện)
Nên không muốn cấm Thuốc Phiện.

Thấy Văn-Túc kiên- quyết giữ ý mình, ngoài mặt vâng dạ, nhưng Tấn-Thân ngầm dụ-dỗ con của Văn-Túc hút xách Thuốc Phiện.
Lệnh cấm Thuốc Phiện ban xuống, nhà Tấn-Thân bố-trí mạng lưới canh gác, đóng cửa đặt "Bàn đèn" (Bàn đèn dùng đề hút Thuốc Phiện) Khách khứa vẫn nhả khói phun mây như cũ.

Sở-dĩ Ông ta không sợ, vì đã có con của Văn-Túc ở đó.
Chẳng bao lâu, Văn-Túc biết, bèn cấm cửa Con, trách mắng, đánh đòn, nó kiệt lực mà chết.

Văn-Túc không cấm nổi con mình, lệnh cấm Thuốc Phiện trở nên vô hiệu-lực. Vì thế nạn hút thuốc Phiện ở Tuyền Châu, ngày càng lan rộng.

---o0o---


54. CHỬI NGƯỜI CHẾT




Hai Sinh ở Giang tả, Vương Sinh và Lý Sinh, nhờ chửi mà nổi tiếng ở đời, đều có thể dùng lời văn vẻ hoa mỹ, mà chử đau thấu xương.
Người đời không thể định được cao thấp.

Có người nhiều chuyện đến mời Chi Ông.
Chi Ông là bậc lão thành ở Giang Tả, Ông thận-trọng lời nói, đã nói ắt trúng.
Sau khi nghe rõ, vuốt râu nghẫm-nghĩ hồi lâu, rồi nói:
-"Vương Sinh chửi người chết, Lý Sinh chửi người sống.
Chửi người sống, người ấy còn có thể cãi qua cãi lại được.
Nếu chửi người chết, thì họ làm sao nói lại ?
Cho nên, kẻ chử người chết thì nhiều, mà kẻ chửi người sống lại hiếm hoi quá".


Mọi người đều phục lới nói ấy, nên cao, thấp liền định được ngay.

---o0o---


55. KHỈ TẮM




Mục-Tử-Phùng nhờ duyên may, được làm Quan, không biết Quan phải làm công việc gì, cho rằng ra ngoài tất có Xe, Ngựa, vào nhà thì được ngồi cao ăn thức ngon bổ, mặc Áo gấm vóc, như thế tức là làm Quan !

Hàng ngày sai người đi dò xom nhà Tả Tướng làm những gì.
Tả Tướng mặc màu Lục, Mục cũng may Bào lục, Tả Tướng thắt giải lụa, cử động Tay Chân, cách nói, câu cười, cố ý bắt chước.
Hơn tháng sai gương ngắm mình, vuốt Râu nắn dải, không gì không giống, vui-vẻ cho rằng hay lắm rồi.
Nhưng công-việc thì không lo đến, bản án chất như Núi, Dân oán khắp trong ngoài, lời đàm-tiếu truyền khắp Thị Thành. Mục như người nằm trong kén, không biết gì cả.

Một hôm, Tả Tướng triệu vào, Mục mặc Bào lục, dải lụa, ngồi xe mà đến.
Tả Tướng nói:
-"Ăn lộc của Vua, thờ Vua phải trung. Khanh hàng ngày làm những việc gì ?"


Mục vuốt Râu, nắn dải, soi ngắm bóng mình, làm đủ mọi điệu bộ, rồi nói:
-"Vẫn con chưa đủ hay sao ? Xin chỉ bảo cho"


Tả Tướng nổi giận nói:
-"Người làm Quan, điều-tiết Âm Dương, hòa-hợp trăm họ, khuyến nông, xử kiện, làm trọn chức trách, nếu chỉ biết đội khăn, vuốt dải, chỉ là Khỉ tắm đội Mũ mà thôi !"


Xua tay đuổi đi, ngay hôm ấy bãi Quan, đuổi về .

---o0o---


56. "A ĐỔ"




An Tử Bình ở xứ nọ, nhà giàu có mà tính rất keo bẩn, được người ta đặt cho biệt hiệu là "Tài Nô" 財奴 (tôi tớ đồng tiền).
Bình hổ thẹn, muốn có tiếng tăm trong sạch, bèn ước hẹn với Vợ rằng:
-"Ngày trước Vương Di Phủ miệng không nói đến chữ "Tiền", Vợ Ông lấn Tiền rải quanh giường, muốn thử xem, Di-Phủ vẫn nói:[i]
-"Cất cái đồ "A Đổ" này đi"

Nhân thế mà mà tiếng tăm lừng lẫy. Nay ta muốn có thanh-danh, nên bắt chước.

Do đó Vợ nhân lúc Bình ngủ, lấy Tiền rải quanh giường, ngầm sai gia nhân mời láng giềng đến xem.
Láng giềng đến, Bình trở dậy, thấy Tiền, làm ra vẻ giận, sai Vợ:
-"Mang cái vật "A Đổ" này đi"


Vợ vội cầm xâu tiền để cất đi, dây mục đứt rời, tiền lăn đầy đất. Bình vội nhỏm người lên, mặt cau có lớn tiếng kêu:
-"Thiếu một Tiền cũng không được, một đồng mua được một cái bánh nướng đấy !"


Láng giềng nghe nói phải ôm bụng nhịn cười mà tản đi.

---o0o---


57. XUỐNG DỐC




Vương-Tương-Dương may được Minh-Tử-Tông tin dùng, cho giữ quyền-thế nghiêng Trời lệch Đất, những người tài giỏi một thời, đều coi họ như Trâu Ngựa.

Tương-Dương nói Đen, mọi người không dám nói Trắng, Tương-Dương nói Sáng, mọi người không dám nói Tối, mỗi một lời xuất ra, người trong nước tranh nhau sao chép truyền đi.

Tương-Dương liền cho rằng mình không gì không biết, không gì không làm nổi, miệng nói nhiều điều bậy-bạ, mà vẫn không biết.


Tử-Tông mất, Tương-Dương gặp vận suy, quyền-thế xuống dốc, trước cửa vắng tanh. Mỗi một lời nói ra thì mọi người họp nhau lại công-kích.
Tương-Dương nói Đen, mọi người tất nói Trắng, Tương-Dương nói Sáng, mọi người tất nói Tối.
Tương-Dương liền cho rằng mình không biết gì hết, không làm nổi việc gì nữa ...

Ôi Tương-Dương, biết hay không biết, làm nổi hay không làm nổi, đều lệ-thuộc vào ân-sủng của người khác.

Như Tương-Dương này là Phúc ư ? là họa ư ?, là may ư ? là nhục ư ?

---o0o---


58. LỜI QUAN




Hồ-Tử-Vân làm Quan ở Lai-Châu, Vua sai dâng đá Hoa-Cương, liền bắt các thân sĩ và dân chúng dâng nộp, cả Quận đều khổ sở.
Lưu-Tử-Văn, là kẻ sĩ ngang-tàng đến gặp Hồ, xin bãi lệnh dâng nộp cho Dân đở khổ.
Hồ nhắm mắt hất hàm nói:
-"Ông muốn lấy lòng Dân quê để chống lại thiên mệnh ư ?
Tôi không cho là có thể được ! Ông đừng nói nữa, đi đi thôi".


Lưu tức giận mà lui.

Không bao lâu, Hồ mất chức, Lưu đến thay thế.
Bàn giao xong-xuôi. Hồ bỗng nắm tay Lưu, khẩn-thiết dặn rằng:
-"Chuyện đá Hoa-Cương phiền-nhiễu Dân đã lâu, Ông nên xin bãi đi".


Lưu ngạc-nhiên nói:
-"Sao hôm Ông tối-tăm mà hôm nay lại sáng suốt như vậy ?"


Hồ nói:
-"Hôm qua là thân làm Quan, ăn cơm Quan, đương-nhiên là nói lời cùa Quan, nay chức Quan đã mất, đương-nhiên là nói lời của Dân"


Lưu cười to, vài dài sát đất nói:
-"Xin lĩnh-giáo. Nay mới biết thân Quan không phải là thân Người, lời của Quan không phải là lời của Dân. Nhưng lấy Ông đề ví Tôi, nay tôi đã làm Quan, sao có thể nói được tiếng Dân.
Sao bằng vẫn giữ tính thuần-hậu như cũ"


Hồ ngạc-nhiên không biết trả lời ra sao.

Hồ lui, Lưu cảm-khái than rằng:
-"Không biết rằng Quan cũng là người Dân, không thất-bại sao được ?"


---o0o---


59. QUA CẦU




Cách bảy dặm về phía Tây miền Sơn-Dương có Cầu bắc trên mặt nước. Cầu rất hẹp, người đi qua lại, người vác, đội, gánh gồng, thường phải tranh nhau đi.

Một hôm có viên-chức với Anh Nông-Dân tranh đường. Kiện lên Quan.
Quan nói:
-"Dân là gốc của Nước", cho Dân đi trước"


Ngày hôm sau, Tú-tài với Nông-Dân gặp nhau trên Cầu. Nông-Dân dựa vào "gốc của Nước" đi trước, Tú-Tài không cho, cãi:
-"Anh là gốc của Nước, Mỗ cũng là "gốc của Nước", vì sao "gốc của Nước" này không bằng "gốc của Nước" kia ?"

Lại kiện lên Quan. Quan xử:
-"Sĩ, Nông, Công, Thương" Sĩ đứng đầu nên cho đi trước"


Hôm sau nữa, Viên-Chức và Tú-tài gặp nhau trên Cầu, cũng vì tranh đường mà kiện nhau. Quan xử:
-"Sĩ lấy Lại (Thư-Lại=viên-chức) làm Thầy, cho Thầy đi trước"


Ngày hôm sau, Tú-Tài, Viên-Chức và Nông-Dân cùng tập-hợp ở đầu Cầu, mỗi người đều dẫn lời của Quan ra để tranh đi trước:
Nông-Dân trước Viên-Chức, Viên-Chức trước Tú-Tài, Tú-Tài trước Nông-Dân, tranh-cãi rối bời, cả ngày chẳng xong.

Đến gặp Quan, Quan không biết xử sao cho ổn, nói:
-"Lời Ta tất có căn-cứ, nhưng sao Lời Thánh Hiền ngày xưa lại mâu-thuẫn nhau như vậy ?"


---o0o---


60. THUYẾT VỀ LÃO TỬ




An-Tây-Vương mời Cừu-Sinh và Chử-Sinh đến bàn-luận về Lão-Tử.
Chử-Sinh đem sách của các Nhà chú-thích, giải-nghĩa rõ về "Đạo" của Lão-Tử.
Phân-biệt Có Không, làm rõ Họa Phúc, nói về Đầy Vơi, bàn về Trống Mái, cất giữ Hư Tĩnh, quay lại gốc ban đầu, lời nói xác-thực, phân-tích-ngọn-ngành.
Nhưng An-Tây-Vương nghe mà buồn ngủ,bèn thưởng năm lạng Vàng rồi cho về.

Đến Cừu-Sinh, không bàn đạo-đức, chuyên thuyết Âm-Dương:
Nào hít vào thở ra, nào yếu nào mạnh, nào phế nào hưng. Nào lấy nào cho, đủ thứ quyền-biến sinh-khắc tàn-nhẫn.
An-Tây-Vương mấy lần ngồi xích lại lắng nghe. Suốt ngày không biết mệt mỏi, phong Cừu-Sinh chức thượng-khanh.

Khi về, Chử nói với Cừu:
-"Quyền trá, âm-mưu, là cái mà Đạo Gia cấm, sao thầy cứ lải-nhải mãi thế ?"


Cừu nói:
-"Ngày trước, Công-Tôn-Ưởng thuyết Tần-Hiếu-Công, bàn Đế Đạo, không vào, nói Vương Đạo, cũng không vào, đến khi thuyết Bá Đạo, Hiếu-Công vô cùng thích-thú. Bởi vì Hiếu-Công đang âm-mưu làm bá Vương.
Nay An-Tây-Vương và Đông-Bình-Vương đang ra sức chèn ép nhau, đâu có rảnh để nghe nói về Đạo-Đức !
Âm-nưu quyền trá tuy là điều mà Đạo Gia cấm-kỵ, nhưng lại đúng vào thứ mà An-Tây-Vương ưa thích.


Chử-Sinh bèn than rằng:
-"Học và Thuật nên nói thế nào đây ? Nói thế nào đây ?
Nay mới biết Học thường không thắng nổi Thuật là vậy !"


---o0o---



Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:




CHUYỆN XỬ THẾ





AToanMT
 
Trantrans_68 Date: Thứ Hai, 12 Nov 2012, 1:27 AM | Message # 2
Lieutenant colonel
Group: Disciples
Messages: 125
Status: Tạm vắng
 
mituot Date: Thứ Tư, 13 May 2015, 9:49 AM | Message # 3
Sergeant
Group: Users
Messages: 37
Status: Tạm vắng
Còn nữa hông Thầy?
Mong Thầy có thêm thời giờ để post tiếp...
Hay quá ạ...

 
duyenhanhngo Date: Thứ Ba, 02 May 2017, 1:48 PM | Message # 4
Lieutenant
Group: Users
Messages: 77
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » NGỤ NGÔN THI HỌA » NGỤ NGÔN THI HOẠ 3 (TRẦN TỬ ÍCH)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO