Thứ Hai
20 May 2024
4:32 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » Đi tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê (Trần Thị Trung Thu)
Đi tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê
atoanmt Date: Thứ Tư, 20 Sep 2017, 11:27 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng

Tại toà soạn Bách Khoa
Nguyễn Hiến Lê - cà vạt màu. Vi Huyền Đắc -cà vạt đen


Đọc bài này mà buồn rưng rưng. Học giả Nguyễn Hiến Lê là người mà tất cả các nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh VN trước năm 75 đều kính trọng ông. Sau năm 75 VNCH bị cưỡng chiếm, CS thu gom đốt hết sách vở, tôi đã giấu lại một số sách của ông và đã tặng cho các nhà trí thức ở Hà Nội vào thăm miền Nam, họ đã đọc và phải thốt lên:
“Ở trong Nam nhiều người viết sách hay quá, toàn những sách có giá trị văn học đạo đức”.

Phải mất hơn 15 năm sau, tôi mới thấy ở Saìgòn cho in lại các tác phẩm của ông, nhưng thật đáng buồn họ lại không biết đến cuộc sống của ông, tác giả sống chết ra sao? Sách của Ông là người Thầy là kim chỉ nam của tôi khi còn là một học sinh lớp năm cho đến bây giờ! Bây giờ tôi vẫn còn giữ lại những quyển sách được in trước năm 75 của ông làm kỷ niệm : “Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Sống đẹp, Đắc Nhân Tâm, Nghệ Thuật Nói trước Công Chúng”. Nhất là đọc cuốn Nghệ Thuật Nói trước Công Chúng, đã giúp tôi thành công trong các buổi thuyết trình ở trường của thời trung học, tôi đã trở thành kẻ tháo vác, có tài hùng biện đứng đầu trong lớp.

Nhớ đến ông, Học giả Nguyễn Hiến Lê với lòng kính trọng và thương tiếc!

MDDL


Đi tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê


Trần Thị Trung Thu


– Mộ Nguyễn Hiến Lê hả? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ.

Chị Dương vừa nói vừa lắc cái đầu nhỏ nhắn làm đuôi tóc vẫy vùng sau lưng. Giọng nói nhẹ nhàng của cô gái miền Tây không chút giấu giếm và đùa giỡn. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật.

Có lẽ nào, tôi tự nhủ trong lòng. Ông Nguyễn Hiến Lê mà chị ấy không biết sao. Tôi cứ nghĩ một vị học giả lẫy lừng như ông chí ít ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ, chị là một nhân viên kế toán kiêm luôn chân giữ thư viện huyện mà lại lạ lẫm với cái tên quen thuộc ấy sao. Kỳ lạ! Ngửa mặt nhìn tấm bảng hình chữ nhật treo vững vàng trên bậu cửa, tôi nhẩm lại dòng chữ “Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lai Vung – tỉnh Đồng Tháp”. Không lẽ nào.

Khi đọc xong cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, tôi nổi hứng muốn đi tìm mộ tác giả để thắp một nén nhang biết ơn. Nhớ có lần đọc trong một cuốn sách nói rằng mộ ông nằm ở Lai Vung, tôi phóng xe Honda đến đó. Tôi nghĩ, với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như ông, chắc sẽ có một khu mộ đàng hoàng mà chỉ cần hỏi nhỏ người dân ở đó là biết.
Cho nên, ngay cả khi chị Dương nói một câu rất chân thật nhưng phũ phàng, tôi cũng không suy suyển lòng tin. Tôi tự an ủi, chắc chị nghe không rõ tiếng tôi, cũng có thể là chị chưa kịp nhớ ra. Tôi cẩn thận ghi tên ông ngay ngắn vào một tờ giấy rồi đưa chị đọc. Chị đọc đi đọc lại một cách chậm rãi như thể đầu óc đang làm việc hết công suất để sàng lọc từng milimet trí nhớ hòng tìm ra cái tên Nguyễn Hiến Lê. Cuối cùng, chị trả lại tôi mảnh giấy với nụ cười e lệ.

– Chị không biết thật rồi. Chắc anh Tú, trưởng phòng Văn hóa Thông tin biết. Để chị dẫn em vô gặp anh ấy nhé.

Tôi lẽo đẽo theo chị trong lòng khấp khởi mừng. Nếu quả thật người tôi đang đi tìm có ở Lai Vung và nổi tiếng như thế thì trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện biết là cái chắc. Anh Tú có phòng làm việc riêng, trên bàn chiếc máy tính nối mạng đang phát một bài nhạc cách mạng hào hùng. Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, anh nhún vai nói giọng rề rà nhưng chắc nịch.

– Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Chắc em lầm với ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc rồi.

Tôi nhủ thầm, người miền Tây thích đùa và biết cách đùa khéo quá. Chắc anh ấy thử mình thôi chứ với chức vụ anh ấy mà không biết ông Nguyễn Hiến Lê thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi cố nở một nụ cười hỏi lại anh bằng giọng nhẹ tênh:

– Anh không biết ông ấy thật à?

– Thật mà. Ông ấy là ai vậy em? Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ. Nhìn chiếc máy tính, tôi đề nghị:

– Anh cho em mượn máy tính chút nhé? Anh đồng ý.

Tôi gõ tên ông vào Google, cả một núi thông tin về ông xổ ra nhưng không có một chi tiết nào đả động đến chuyện mộ ông hiện ở đâu. Anh trưởng phòng đứng cạnh tôi nheo mắt chăm chú đọc. Cuối cùng anh à lên một tiếng:

– Ông này cũng nổi tiếng dữ hen.

Thấy anh có vẻ say sưa, tôi bỏ ra ngoài hiên ngồi mong nguôi ngoai cơn thất vọng đang dâng lên trong lòng. Có vẻ như ông trời cũng biết tôi buồn, nên đang nắng ngon lành, tự dưng đổ mưa xối xả. Cơn mưa giữa trưa đuổi bắt nhau trên những tấm tôn lúp xúp, xám màu. Mưa níu chân tôi lại nơi góc hiên thư viện.

Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo, tôi tự hỏi mình còn cách nào không, còn mối quan hệ nào tôi chưa chạm tới để tìm ra mộ ông không. Tôi có cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để tìm kiếm một linh hồn bí ẩn trên sách vở. Giây phút linh hồn mỏng manh kia vút lên trời cao khiến tôi thấy lòng hồi hộp một cách lạ kỳ. Tôi chỉ mới hỏi han hai người, quá ít để đi tới một kết luận. Hẳn phải còn một khe hở nào đó mà tôi chưa tìm ra.

Chợt nhớ bà cô dạy văn hồi cấp 3. Quê của cô ở Lai Vung thế nào cô cũng có chút thông tin về mộ ông Nguyễn Hiến Lê nếu nó thật sự ngự trị tại đây. Cô là người học cao hiểu rộng chắc sẽ giải đáp được thắc mắc cho tôi. Không chần chừ đến một giây, tôi hăng hái bấm số điện thoại của cô. Tiếng bên kia đầu dây đánh thức những dây thần kinh trong người tôi đến mức phấn khích như người chết đuối vớ được chiếc phao. Nhưng đôi khi, phao không đưa ta đến bờ được. Cô biết ông nhưng không biết mộ ông nằm ở đâu. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết không, và dặn tôi chờ.

Còn ai có thể trả lời câu hỏi của tôi đây? Nhà giáo không biết liệu nhà văn có hơn không? Nghĩ thế tôi không ngần ngại bấm số của một anh nhà văn. Tôi tin rằng giới văn nghệ sĩ rất rành mấy chuyện bên lề này. Anh bạn tôi là người hay giang hồ vặt, lại thêm dân miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay ho. Nhưng câu hỏi của tôi thuộc loại khó nuốt, anh biết rất rõ ông Nguyễn Hiến Lê nhưng cái vụ mồ mả thì anh bí. Anh nói sẽ gọi những bạn văn của anh để hỏi xem có ai biết không. Lại một lời hứa.

Đã hỏi hai “nhà” rồi, tôi hăng hái hỏi nốt nhà báo cho đủ bộ tam. Nhà báo đi còn ác liệt hơn nhà văn và giao thiệp rộng, sao lại không hỏi thử nhỉ? Đã mất công đi xuống tận đây thì lẽ nào lại đi về tay không? Tôi tìm số anh nhà báo quê miền Tây. Sau hồi chuông thứ nhất, anh bắt máy liền. Vừa nghe câu hỏi của tôi xong, anh đáp lại bằng một tràng cười sặc sụa. Có vẻ như chuyện tôi đang làm buồn cười lắm. Khi không lại đi tìm mộ một người không phải họ hàng thân thích, chưa một lần gặp mặt, chỉ biết qua những trang sách. Thật điên rồ! Cuối cùng, anh cũng nín được cười để trả lời tôi một cách rõ ràng và mạch lạc rằng không biết.

Ngoài kia mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, và tôi ngồi đây, lục tìm trong danh bạ số điện thoại của một người quen ở Đồng Tháp, bất chợt bàn phím ngừng ở số tổng đài 19001080. Tại sao lại không gọi nhỉ? Tổng đài là nơi giải đáp mọi thắc mắc từ quan trọng đến tầm phào mà. Hơn nữa, nơi ấy đâu chỉ có một cái đầu. Tôi bấm số tổng đài. Tiếng tút tút dài đằng đẵng kết thúc bằng giọng nhẹ nhàng của cô nhân viên.

Nhưng nghe yêu cầu của tôi xong, giọng cô có vẻ khác. Tôi nghĩ rằng cô đã phải nhịn cười. Cô nói tôi chờ máy để cô tra cứu thông tin. Một phút. Ba phút. Năm phút trôi qua. Đến phút thứ sáu, cô nói rằng tổng đài của cô chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm. Tôi có thể thông cảm và hiểu cho yêu cầu kỳ quặc này, nhưng sẽ thật là có lỗi với người đã khuất khi ông mất đến nay là tròn 25 năm. 25 năm mà chưa cập nhật thì bao giờ mới cập nhật đây?

Chị Dương thấy tôi cầu cứu hết mọi nơi mà không kết quả gì cũng ái ngại giùm tôi.

– Em tính đi đâu bây giờ?

– Em cũng không biết nữa. Tôi nghĩ đến đoạn đường về.

– Em có muốn về nhà chị ăn cơm không?

Có người nhắc, tự dưng cái bụng tôi đâm ra dở chứng. Tôi biết người miền Tây rất hiếu khách nhưng không ngờ hôm nay lại được mục kích sự hào sảng ấy. Cớ gì lại từ chối lòng tốt của một người như chị nhỉ?

– Em không làm phiền chị chứ?

– Phiền gì đâu. Về cho biết nhà. Sau này có xuống Lai Vung thì ghé nhà chị chơi.

Trời đã tạnh. Cơn mưa ban trưa như gột rửa cái nóng mùa hè, để lại những vũng nước loang loáng trên đường. Chị chạy xe đi trước, tôi rà rà theo sau. Mái tóc chị bay bay trong gió làm tôi nhẹ lòng. Nếu chuyến đi này không tìm được mộ ông Lê thì ít nhất, tôi cũng có thêm được một người chị dễ thương. Tóm lại là không lỗ.

Từ phòng Văn hóa Thông tin đi chừng 2 km nữa là tới nhà chị. Ngôi nhà lá nằm im ắng bên đường quốc lộ. Cả nhà đang xem ti vi nên không ai chú ý đến tôi. Mọi người chỉ lao xao về tôi khi nghe tôi hỏi mộ ông Nguyễn Hiến Lê. Ba má chị là người sống gần hết một đời ở đây cũng không biết mộ ông ở đâu. Thấy vậy, tôi không hỏi thêm ai nữa. Tôi còn nhớ lời tựa của ông Nguyễn Hiến Lê mở đầu cho cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục có đoạn như sau:
“Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích cùng dật sự về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau.

Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao. Có như vậy các người cầm bút mới có tài liệu để soạn sách, còn như bây giờ thì một nhà văn Việt viết tiểu sử Tản Đà còn khó hơn viết tiểu sử của Molier, của Shakespeare, của Tolstoi. Thực là ngược đời nhưng rất dễ hiểu. Vì tra cứu ở đâu bây giờ để viết về đời sống của Tản Đà?”


Thật không ngờ, điều ông luôn canh cánh trong lòng đến khi mất lại vận vào chính đời ông.

Tôi đi tìm nơi an nghỉ của ông chỉ vì lòng kính trọng. Theo tôi, ông là một trí thức thứ thiệt lúc nào cũng trăn trở vun vén cho văn hóa nước nhà. Ông đã góp vào nền văn hóa Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ gấp bốn lần thời gian ông làm việc. Nhưng quan trọng hơn, đó là nhân cách sống của ông: giản dị và tự trọng. Một con người như thế rất đáng để tôi đi tìm và thắp một nén nhang chứ. Có điều, tôi vô duyên, không tìm được mộ ông dù biết là ông chỉ nằm đâu đó quanh đây.

Tôi biết ông qua một người thầy đáng kính. Đúng rồi, người thầy của tôi. Sao tôi không nghĩ ra nhỉ? Tôi cuống quýt gọi điện, thầy cười nói đi mà không rủ, ra nông nỗi này ráng chịu. Thì thầy cũng chưa tới mà, xem như chuyến này em đi dò đường trước, lần sau dẫn thầy đi mới ngon lành chứ. Thầy cười ha hả bảo được, rồi nhắn cho tôi địa chỉ mộ ông. Tôi hí hửng chạy lại khoe với chị Dương cái tin:
“Mo Nguyen Hien Le o chua Phuoc An – gan nga tu Cai Buong, Vinh Thanh, Lai Vung”.

Cả nhà chị xúm xít quanh tôi khi nghe nói tôi đã tìm ra nơi an nghỉ của ông. Tôi sung sướng đọc to rồi hồ hởi hỏi đường đi đến đó, nhưng lạ thay, tôi đọc xong mà chẳng ai hiểu đó là đâu. Cuối cùng, ba chị Dương đoán một hồi mới rõ đó là ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò chứ không phải Lai Vung. Té ra, cả cuốn sách tôi đọc lẫn tin nhắn của thầy đều sai tên huyện. Ba chị Dương dặn:

– Từ Lai Vung con đi thêm khoảng 10km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết.

Từ biệt ngôi nhà thân thiện, tôi tiếp tục cuộc khám phá. Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê vừa khấp khởi. Tôi thấy con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Đường mưa vắng tanh không một bóng người. Tịnh như chốn này chỉ có mình tôi và linh hồn ai đó đang luẩn khuất trong mưa, hí hửng và reo vui.

Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át chào đón tôi. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1km đường đất nữa là tới chùa Phước Ân. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Người thiên cổ về chốn điền viên này nằm, sáng nghe tiếng chuông chùa, chiều nghe tiếng sóng vỗ, làm tôi cũng phát ham.

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm lẫn thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Đang khi tôi không biết hỏi ai thì có một bà cụ đi ra. Bà mặc áo nâu sòng, mái tóc đã hoa râm. Tay bà cầm cỗ tràng hạt đang lẩm bẩm tụng kinh. Nghe tôi hỏi mộ ông, bà nói:

– Ông Lê viết sách chứ gì?

– Vâng ạ.

Nhìn tay chân tôi tím tái, bà lặng lẽ mời vào phòng khách. Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có bà con thân thích gì với ông ấy không? Sao lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió như thế này? Làm thế nào mà biết ông nằm ở đây? Tôi ngồi hầu chuyện bà cụ một hồi đủ để giải thích cho bà hiểu tôi chẳng là gì của ông cả và đi tìm mộ ông chỉ để thắp một nén nhang vì lòng mộ mến thôi.


Mộ Cụ Nguyễn Hiến Lê
Tại ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò


Nghe xong bà cười, rồi bà kể tôi nghe chuyện cách đây khoảng một tháng, cũng có cậu sinh viên đến viếng mộ ông ấy. Cậu ta còn mua trái cây, đèn nhang cho ông ấy nữa. Bà chưa đọc sách ông nên hỏi ông ấy viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn còn có người nhớ đến.

Tôi trả lời ông ấy không những viết hay mà còn rất hữu ích nữa. Nghe thế, bà dẫn tôi vào chánh điện, nơi khung ảnh ông Nguyễn Hiến Lê được treo bên cạnh người vợ thứ hai của ông, bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi ông mất, bà Liệp xuất giá đi tu và trước khi bà mất, bà nói con cháu hãy đem ông bà về đây an nghỉ. Phía sau lớp kính mờ ảo, nụ cười ông vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần đời.

– Đi theo bà, bà dẫn cháu ra mộ ông ấy.

Bên trái chùa có một khoảng đất rộng dành cho những người đã qua đời an nghỉ. Ngôi mộ ông Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong số khoảng 20 ngôi mộ khác. Không có gì đặc biệt cho thấy đó là ngôi mộ của một con người lỗi lạc. Nó nhỏ nhắn và giản dị như chính cuộc đời ông. Cạnh mộ, hoa đổ nhang tàn.
Tôi cắm vào lư hương nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay. Cay cay khóe mắt.

Trần Thị Trung Thu


Ðôi nét về cụ Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông được biết đến như một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục.

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau đó làm việc tại ​miền ​Nam . Sau ​ thời điểm tháng Tám năm 1945, ông đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Nguyễn Hiến Lê đã dành trọn phần đời còn lại của mình để miệt mài viết sách. Ông có khoảng 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn, dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…

Ông làm việc đều đặn 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày, gồm sáu tiếng đọc tài liệu và hơn sáu tiếng để viết. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt thời gian biểu này, ông đã hoàn thành một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhiều tác phẩm của ông trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên trẻ.


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 22 Sep 2017, 7:27 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Những “hạt mầm” đã vươn lên

(Viết về Nguyễn Hiến Lê)

BS Đỗ Hồng Ngọc


Bài viết “Đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê” của Trần Thị Trung Thu in từ năm 2009 trên Nguyệt san báo Pháp luật gần đây được các cư dân mạng dẫn lại và nhận được nhiều sự quan tâm của giới trí thức cũng như cộng đồng mạng yêu kính Nguyễn Hiến Lê.

Tôi nhận được email cùng lúc của Bùi Văn Nam Sơn, Huỳnh Như Phương, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Duy Chính (Mỹ)… và nhiều bạn bè khác hỏi thăm thêm một số chi tiết, và nhất là về chuyện tôi kể trên một trang mạng gần đây rằng có một số bạn trẻ ở miền Bắc đi xe máy 2200 km vào tận Lấp Vò, Đồng Tháp thăm mộ Nguyễn Hiến Lê.

Năm 1984 khi cụ Lê mất thì tro cốt được cụ bà Nguyễn Thị Liệp đưa về Long Xuyên, để trong một ngôi tháp mộ nhỏ, khiêm cung, đặt ngay trong sân nhà ở 92 đường Tôn Đức Thắng. Sau đó, bà dời tháp mộ về chùa Phước Ân ở ngả tư Cái Bường, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Nếu đi từ Long Xuyên về Saigon, qua bắc Vàm Cống một quảng thì tới ngả tư Cái Bường, quẹo phải chừng cây số sẽ đến chùa. Lâu nay cũng có nhiều đoàn ghé thăm thắp nén nhang cho cụ Lê.

Năm 2003, trong cuốn NGUYỄN HIẾN LÊ, Con người & Tác phẩm (NXB TRẺ) của nhiều tác giả: Trần Huiền Ân, Trần Văn Chánh, Lê Phương Chi, Nguyễn Duy Chính, Lê Anh Dũng, Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Minh Đức, Dương Hội, Xuân Huy, Nguiễn Ngu Í, Trần Khuyết Nghi, Đỗ Hồng Ngọc, Văn Phố, Minh Quân, Quách Tấn, Lê Ký Thương, Nguyễn Hoàng Xanh cũng đã cung cấp nhiều hình ảnh về ngôi nhà, căn phòng, nơi làm việc… rất giản dị của Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên và cả hình ảnh địa chỉ ngôi tháp mộ của Nguyễn Hiến Lê ở chùa Phước Ân (ảnh của Nghê Dũ Lan). Nếu tác giả Trần Thị Trung Thu được đọc cuốn này sớm thì không phải vất vả đến thế.

Ở Úc, có một cuốn sách viết về Nguyễn Hiến Lê do những học trò của ông biên soạn, đặc biệt kể về những ngày ông nằm bệnh và qua đời tại Bệnh viện An Bình.

Cũng đã có những nghiên cứu về sự nghiệp của Nguyễn Hiến Lê như luận văn thạc sĩ về “Vấn đề lao động nhà văn trong các trước tác của Nguyễn Hiến Lê” của Nguyễn Ngọc Điệp, bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM 12 năm trước đây do TS Huỳnh Như Phương hướng dẫn và gần đây Huỳnh như Phương cũng đang hướng dẫn một luận văn khác “Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, văn học của Nguyễn Hiến Lê” cho một nhà báo ở Cần Thơ.

Và thật thú vị, ảnh hưởng Nguyễn Hiến Lê ngày càng thấm sâu trên đất Bắc. Ngày 10.7. 2012, tôi nhận được email của một bạn trẻ không quen biết từ Hà Nội, Trần Văn Thuấn, 28 tuổi, cho biết về chuyến “Hành trình Xuyên Việt vượt 2200km bằng xe máy tri ân thầy Nguyễn Hiến Lê”.
Trong thư Thuấn cho biết nhóm của em hiện có Nguyễn Trung và Nguyễn Tiến đang đi xuyên Việt bằng xe máy, vượt hành trình dài 2200km từ Hà Nội vào thẳng chùa Phước Ân tại Lấp Vò, Đồng Tháp “để thắp hương tri ân tới thầy Nguyễn Hiến Lê”. Em viết:
“sách của thầy viết giản dị, chân thành, là thầy mà cũng như là bạn, chúng con rất vui là đã lan tỏa được sách của thầy tới anh em thanh niên, vì trước đây sách của thầy ngoài Bắc cũng hiếm ạ”.

Em cho biết các em Trung và Tiến rất mong gặp tôi để được
“ hiểu thêm về cuộc sống của thầy Lê qua những trải nghiệm thực tế của bác với thầy, bác thật may mắn!”

Trong thư, em gởi kèm một số hình ảnh của nhóm vừa đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình….” Chuyến đi sẽ vất vả lắm, nhưng anh em chúng con rất vui vì luôn tâm nguyện rằng thầy Lê sẽ che chở cho chúng con […]


Tôi vừa cảm kích, vừa băn khoăn. Cảm kích vì tấm lòng của các bạn trẻ từ phương Bắc như đã vừa phát hiện ra một Nguyễn Hiến Lê tận phương Nam xa xôi, còn ngại ngần vì thấy hình ảnh các em mặc áo phông in hình cụ Lê, mang cờ có ảnh NHL và câu chữ
“Cùng học làm người với Nguyễn Hiến Lê”

Vì thế, tôi đã trả lời: rất cảm kích, nhưng các cháu nên nhớ cụ Lê là một người rất khiêm cung, không thích sự ồn ào, vì thế các cháu nên học với cụ tinh thần tự học và giữ sự tĩnh lặng, không khoa trương. Bác thấy(…) đó không phải là tính cách của Cụ Lê (…)

Rồi tôi giới thiệu các em liên hệ với Phùng Hoàng Anh, giáo viên, cháu gọi em ruột cụ Lê bằng Bà nội, đã từng vào Nam nhiều lần thăm nhà và tháp mộ cụ Lê ở Đồng Tháp để biết đường đi nước bước. Phùng Hoàng Anh hiện đang sống ở Phương Khê, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội, nơi có nhà thờ họ và đã lập được một thư viện với hàng ngàn cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê.

Thuấn có vẻ không vui. Em trả lời:
“…thực ra đối với thanh niên ở ngoài Bắc có thiệt thòi hơn trong Nam nhiều, là ít được tiếp xúc với sách của cụ Lê(…), chúng con cũng phải dằn vặt mãi, mới quyết định làm, cũng xuất phát từ sự chân thành mong muốn tri thức Nguyễn Hiến Lê đến gần hơn, giúp đỡ cho thanh niên được nhiều hơn (…); nếu vì tri thức của cụ mà được mang lên tận các tỉnh miền núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên….giúp ích cho thanh niên ở đó, thì chúng con xin phép vẫn tiếp tục ạ. […]

Phùng Hoàng Anh cho tôi biết sau chuyến đi từ Bắc vào Nam thăm mộ cụ Lê, các em Tiến và Trung đã có đến gặp, cà phê cà pháo với nhau một buổi, kể về chuyến đi rất thành công của các em. Tôi cũng vui vì đã “ráp” được các bạn trẻ đó với nhau. Sau này, Tiến gởi tôi email nói em rất hiểu tôi, và sẽ nhớ lời tôi dặn về tính cách Nguyễn Hiến Lê.

Hiện cụ Lê còn có cô cháu gọi bằng bác ruột là Nguyễn Thị Hạnh đang sống ở Cần Thơ.
Ngôi nhà 92 Tôn Đức Thắng, Long Xuyên phía trong vẫn là trường Mẫu giáo, bên ngoài rào cho thuê làm một quán cà phê.

Trọn đời Nguyễn Hiến Lê đã chọn con đường “văn hóa”, và nay những “hạt mầm” đã vươn lên.

BS Đỗ Hồng Ngọc



Chuyến đi xuyên Việt

Bảo Trung

Cảm ơn cô Thuy HQCBM đã nhắc lại lời nhắc nhở của bác Ngọc: “luôn nhớ:cụ Lê là một người rất khiêm cung, không thích sự ồn ào, vì thế các cháu nên học với cụ tinh thần tự học và giữ sự tĩnh lặng, không khoa trương. Bác thấy(…) đó không phải là tính cách của Cụ Lê (…).”

Thực ra chuyến đi xuyên Việt đó-mà cháu gọi là “Tu Bụi” (theo tên cuốn “Tu bụi” của bác Trần Kiêm Đoàn) là ý muốn của cháu kết lại 4 năm ĐH, và ý tưởng đầu tiên (cho đến sau cùng) là: đi khắp đất Việt này, thắp nén nhang tri ân cho tất cả những Danh nhân đất Việt mà cháu biết và có thể làm được.

Vốn không có ý cờ quạt áo mũ rầm rộ gì cả, vì tâm tính cháu vốn hay trầm tư, càng học càng thấy như lời Lão Tử: “Chúng nhân chiêu chiêu – ngã độc hôn hôn”, như Socrates: Let’s “Know thyself” và i know only thing that i know nothing, và nghĩ rằng “hữu xạ tự nhiên hương”-thầy Lê không cần ai PR cho cả, nhưng anh em bạn bè có góp ý là cũng có thể làm thế như 1 hành động giúp mọi người biết tới Thầy Lê.

Trước khi xuất phát cháu cùng bằng hữu tri kỉ đến thắp hương cho các thầy Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện; rồi sau đó trên đường tu bụi, chúng cháu đã tới thăm viếng những Danh nhân mà mình yêu quý và kính ngưỡng, từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn…đến Thầy Lê.

Trên đường đi có vui, có buồn, nhưng nỗi buồn day dứt nhất là người Việt mình còn chưa ý thức được sự học và yêu quý tri thức. Cái luồng sóng vật chất và kinh tế hàng hóa nó xói mòn hết Đạo đức và trí huệ con người. Tụi cháu vốn là những kẻ hậu bối kém cỏi và chưa sống trải đời, nhưng thèm được hiểu biết và kính ngưỡng những bậc thầy đó, những người chưa từng đứng lớp dạy tụi cháu ngày nào nhưng họ đã nằm trong tâm thức tụi cháu từ lâu nay. Những con người như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Hiến Lê…đều là những bậc thầy tuyệt vời.

Trên đường đi tụi cháu đã tính sẽ xin tá túc trong Chùa trên khắp đất Việt, nhưng dường như cửa chùa thời nay đã không còn rộng mở với những tấm lòng nhỏ bé của tụi cháu nữa. Có bữa tới Hà Tĩnh vào chiều tối, xin ngủ nhờ nhà Chùa không được, nhà Chùa lại còn cho phong bì-như chút lòng để tụi cháu thuê nhà nghỉ. Tụi cháu muốn được ăn mày cửa Phật trong chuyến đi để thấm thía hơn hồn dân tộc, chứ đâu có ngại gì chỗ ngủ nghỉ. Buồn quá, tụi cháu đã quyết định đi xuyên đêm, mệt thì nằm ngủ tạm ven đường.

Sáng sớm ngày hôm sau vào nghĩa trang Trường Sơn, lấy số tiền kia mua hương thắp cho cha ông mình đã nằm đó. Lúc vào thăm mộ Nguyễn Du, anh em bàn nhau muốn ngủ lại cạnh mộ cụ một đêm, nhưng rồi nhìn quanh chỉ thấy toàn kim tiêm chích, lòng quá buồn nên đành ra đi, buồn cho con cháu ở 1 vùng đất quê hương của Tố Như! Vào Ghềnh ráng, muốn ngủ lại cạnh mộ Hàn Mặc Tử một đêm, cũng không được vì khu đó đã thành khu kinh doanh. Buồn lắm!
Đó là những người thầy đã về chốn Cố Hương, còn những bậc thầy đang còn ở chốn mê mộng Hồ Điệp này như Bùi Văn Nam Sơn, Đỗ Hồng Ngọc…là những người mà tụi cháu yêu quý và kính trọng.

Tụi cháu chỉ có cái lòng yêu cái Sophia và cái Bát Nhã trí huệ nhà Phật nên mới đi một chuyến tri ân như thế, hoàn toàn không có ý ngông cuồng khoe khoang rầm rộ chi cả. Cháu vốn bỏ học đi làm công nhân từ ngày 17 tuổi, cố quay lại con đường học hành, vào học Tổng Hợp, thấy buồn vì sinh viên bây giờ chẳng còn được như xưa nữa. Tất cả chỉ là tấm lòng của những hậu bối kém cỏi muốn tri ân những ân sư mà thôi. Mong các bậc tiền bối hiểu cho lòng kẻ hậu sinh mà thể tất cho việc làm nông nổi của con trẻ!

Mục Du Tử – Bảo Trung.


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 22 Sep 2017, 7:37 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Lãng quên “tượng đài văn hóa” Nguyễn Hiến Lê


Lâm Điền


Sau hơn 30 năm cầm bút, để lại cho đời 122 tác phẩm với nhiều thể loại, 250 bài báo và 23 đề tựa cho nhiều cây bút tên tuổi đương thời, cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) được giới cầm bút tôn vinh là “Tượng đài văn hoá đọc”. Trớ trêu thay, sau tạ thế, ông đã bị một bộ phận người làm công tác quản lý ở một số tỉnh ĐBSCL đối xử lạnh lùng đến rớt nước mắt.

Bụt nhà không thiêng


Học giả Nguyễn Hiến Lê và Đồng Tháp có mối lương duyên đặc biệt: Cụ bắt đầu văn nghiệp biên khảo và kết thúc cuộc đời tại đây. Thế nhưng, trái với công lao ông làm cho hàng triệu triệu lượt người trong và ngoài nước hiểu, biết và yêu thương vùng đất Đồng Tháp qua trước tác “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Đồng Tháp lại lãng quên ông.

Tháng 7.2013, tức 14 năm sau khi di cốt của ông an nghỉ tại chùa Phước Ân (xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò), Đồng Tháp mới nhận ra mối lương duyên này. Phân hội trưởng Phân hội văn học (Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp) Hữu Nhân - tác giả của “Đôi điều quanh phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê ở Đồng Tháp”, bài viết đầu tiên của Đồng Tháp về “sự hiện diện của cụ Lê” trên đất Sen Hồng - kể: “Tôi biết được mộ phần của cụ khoảng 3 tháng nay trong dịp rất tình cờ”.

Đầu tháng 5.2013, trong lần lang thang trên mạng, anh Nhân mới biết di cốt cụ Nguyễn Hiến Lê đang ở rạch Cai Bường. Sau chuyến đi đó, anh viết ngay bài báo với tất cả sự cảm phục tài năng và nhân cách của cụ, nhất là chuyện cụ công khai từ chối nhận Giải thưởng Văn chương toàn quốc (1967) và Giải Tuyên dương công trạng (Văn hóa - 1973) do chính quyền Sài Gòn trao tặng với lý do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh”. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, nhờ bài báo này mới biết đến sự hiện diện của cụ Nguyễn Hiến Lê với lý do lâu nay chưa có thông tin.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nói tránh thực tế có phần phũ phàng: Trong lúc mãi đến nay những người trong cuộc chưa tỏ, thì ngoài ngõ đã tường từ rất lâu. Điều này được chính anh Hữu Nhân ghi nhận ngay trong bài báo: “Theo lời của cô Út - người phụ nữ có 37 năm làm công quả ở chùa Phước Ân và hàng ngày nhang khói khu nghĩa trang trong khuôn viên nhà chùa - thì từ khi ông Nguyễn Hiến Lê được cải táng về đây, năm nào cũng có nhiều đoàn người từ khắp nơi đến viếng mộ. Có người đến do cảm phục tài năng văn chương của ông. Có người là học trò cũ. Cũng có người là thân nhân gia đình ông. Thậm chí có những đoàn khách đến chùa, mặc trên người chiếc áo sau lưng có in hình ông. Chỉ riêng từ hôm tết tới nay đã có hàng chục đoàn khách lên đến cả trăm người đến viếng phần mộ”.

Không chỉ có vậy, từ năm 2009 đã có nhiều người vì bức xúc sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng trong đầu tư đường sá, tôn vinh nơi an nghỉ của “một trong những học giả lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20” đã viết báo và trực tiếp “gõ cửa” chính quyền địa phương. Ông Trương Vĩnh Khánh - đang sinh sống tại huyện Lấp Vò - cho biết cụ thể: “Ngay từ năm 2009, khi từ Bình Định vào đây sinh sống tôi đã biết và viếng mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Thấy đường sá chật hẹp và gồ ghề, tôi báo cáo lên lãnh đạo ở huyện Lấp Vò. Vì vậy nếu nói không biết, không có thông tin là khó chấp nhận”.

Đã trễ còn trầy trật

Mất 14 năm, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mới biết di cốt cụ Nguyễn Hiến Lê an nghỉ trên vùng đất do mình quản lý qua một bài báo. Đó là sự chậm trễ không thể chối cãi. Nhưng trớ trêu thay, mãi đến nay nhiều lãnh đạo cơ quan hữu trách ở Đồng Tháp vẫn chưa có “phản ứng”. Thậm chí còn “cò kè bớt một thêm hai” với việc “khắc phục hậu quả”. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Tới đây hội có dự tính gì về cụ Lê với tư cách nhà văn “duyên nợ đặc biệt” với Đồng Tháp”?

Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp Phạm Khiêm xin phép không trả lời với lý do: “Chờ anh em chuyên môn xem lại ông Nguyễn Hiến Lê đóng góp cụ thể thế nào rồi mới tính được”. Thậm chí, ngay cả cấp lãnh đạo cao hơn là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp cũng lúng túng không kém khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Liệu có thể tôn vinh bằng hình thức dùng tên học giả đặt tên đường, tên trường...”?


Ông Trương Vĩnh Khánh bên bảo tháp
lưu giữ di cốt học giả Nguyễn Hiến Lê.


Anh Nhân điện thoại cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xin ý kiến thì nhận được câu trả lời: “Sắp tới sẽ xem xét... cụ thể”. Một lối phản ứng có phần quá xa lạ, thậm chí đi ngược với truyền thống tốt đẹp mà trước đó nhiều bậc tiền bối đất Sen Hồng đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” dệt nên “bản hùng ca bất tận” về lòng tôn kính những người có công với đất Đồng Tháp.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi lo hơn là đằng sau sự chậm trễ này đang manh nha nguy cơ hiểu sai sự thật bắt nguồn từ sự thiếu chính xác trong bài báo của Hữu Nhân. Hữu Nhân viết: “Ngày 28.5 Kỷ Mão (9.7.1999), an táng bà Nguyễn Thị Liệp xong thì hai ngày sau, di cốt của ông Nguyễn Hiến Lê được đưa từ Long Xuyên sang và đặt ngay phía trên phần mộ bà Liệp...”. Tuy nhiên theo anh Nguyễn Thành Chuẩn - người cháu từng giữ nhiệm vụ “tiểu đồng” cho cụ Lê lúc sinh thời - thì di cốt của ông được đưa đi và an táng cùng ngày với bà Liệp. Theo anh Chuẩn, bảo tháp này không chỉ là nơi an nghỉ của riêng cụ ông và cụ bà. “Toàn ngôi tháp có đến 10 di cốt. Cụ Liệp được chôn dưới đất, 9 di cốt còn lại được chia ra 2 hộc tháp. Trong đó di cốt của cụ Lê được đặt trong hộc bên dưới cùng với 4 anh, chị em bà Liệp...”.

“Đơn giản hoá” văn nghiệp


Thật ra đây không phải là lần đầu tiên học giả Nguyễn Hiến Lê bị hậu nhân hành xử... lạ. Sinh thời, học giả Giản Chi (1904-2005) đã đánh giá văn tài của Nguyễn Hiến Lê là “của hiếm”. Trong đôi liễng đề tặng cụ Hiến Lê (Hiến Lê nhơn huynh nhã chính), ông viết: “Thương mang học hải như kim / Hoạt bát văn tài hữu kỷ nhân” (tạm dịch: (Trong) biển học mênh mông ngày nay, nhân tài văn học (như huynh) được mấy người?). Vậy mà tại An Giang - nơi cụ làm rể gần một phần ba thế kỷ và sống trọn vẹn những năm cuối đời - đã “đơn giản hoá” văn nghiệp đồ sộ của cụ đến mức không thể đơn giản hơn được nữa.

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT An Giang, người được giao nhiệm vụ chấp bút mục Văn học trong “Địa chí An Giang” (tập 2, 2007) - cho biết: “Nhận thấy văn nghiệp cụ Lê quá đồ sộ, nên dù cố gắng hết mức, tôi cũng chỉ có thể gói gọn trong 2 trang A4 với khoảng 1.000 từ”. Trong đó ông Hoài đã dành những câu chữ rất trang trọng: “Nguyễn Hiến Lê là một học giả được giới trí thức quý mến và kính trọng về tài hoa cũng như nhân cách. Ông lao động miệt mài, nghiêm túc, một tấm gương cho người cầm bút. Tác phẩm của ông được đại bộ phận công chúng đón nhận, được nhiều giải thưởng văn chương, là những đóng góp lớn cho đời sống xã hội, cho nền học thuật Việt Nam hiện đại”.

Thế nhưng đến khi in thành sách, người ta gần như đã vứt bỏ tất cả, và phần nói về cụ chỉ còn đúng 64 từ... vô cảm:
“Nguyễn Hiến Lê từ Bắc vào Nam, đến Long Xuyên nhận việc làm, đi khắp miền Tây Nam Bộ, bắt đầu viết ký sự, tiểu luận và dịch thuật. Sau đó ông về sống ở Sài Gòn một thời gian dài, dạy học và sáng tác; nhưng đến cuối đời ông trở lại An Giang, tiếp tục hoàn thành một số tác phẩm nữa”(trang 31). Nhiều người cầm bút đã xót xa gọi đó là cuộc “hạ bệ”, thậm chí là “hạ nhục” học giả Nguyễn Hiến Lê, bởi tập sách này lại dành khá nhiều đất cho nhiều cây bút mà tên tuổi và tác phẩm của họ không được nhiều bạn đọc biết đến”.

ĐBSCL đang là “vùng trũng” văn hoá nghệ thuật của cả nước, vậy mà người ta sẵn sàng “lãng quên”, sẵn sàng “hạ bệ” con người và văn nghiệp đồ sộ của cụ Nguyễn Hiến Lê. “Sau hàng loạt những sai lầm, giờ đến lúc chúng ta không được phép để xảy ra thêm những sai lầm nào nữa trong ứng xử với học giả Nguyễn Hiến Lê... Theo tôi, với tầm cỡ như cụ, cần có công trình kỷ niệm cấp quốc gia”...

Chúng tôi xin mượn lời nhà thơ Trịnh Bửu Hoài để kết thúc bài viết này và xem đó cũng chính là tâm tư, tình cảm và kỳ vọng mà hàng triệu độc giả muốn đánh động đến lương tri người có trách nhiệm để sớm có công trình tôn vinh xứng tầm với học giả đáng kính: Nguyễn Hiến Lê.

Lâm Điền


AToanMT
 
kathy Date: Thứ Sáu, 06 Oct 2017, 6:20 PM | Message # 4
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
Christiannguyen Date: Thứ Hai, 02 Jul 2018, 1:36 AM | Message # 5
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
Con cám ơn Thầy. Con đọc sách của Cụ Nguyễn Hiến Lê mà giờ con mới có cơ hội được biết nhiều hơn về Cụ.
 
magic-one Date: Thứ Năm, 05 Jul 2018, 7:46 PM | Message # 6
Sergeant
Group: Users
Messages: 38
Status: Tạm vắng
Khi xưa Ba em thích đọc và mua nhiều sách lắm nên cũng có mấy cuốn của Ông Nguyễn Hiến Lê như : Sử kí Tư Mã Thiên , Quẳng gáng lo đi và vui sống , Đắc nhân tâm ... Sách nào của Ông cũng giúp chúng ta tìm kiếm được điều tâm đắc để áp dụng cho cuộc sống , rất ý nghĩa . Cám ơn anh Toàn .

Message edited by magic-one - Thứ Năm, 05 Jul 2018, 7:47 PM
 
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » ÔN CỐ TRI TÂN » Đi tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê (Trần Thị Trung Thu)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO