thanhlongphapsu |
Date: Thứ Tư, 04 Mar 2015, 5:02 AM | Message # 1 |
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
| Đi trễ
Huy Lâm
Người Việt chúng ta có lẽ đã quá quen với hiện tượng đi trễ. Báo chí hải ngoại cũng đã nhiều lần nói về tình trạng này. Hầu như ở bất kỳ cuộc họp mặt đông người, từ họp mặt gia đình, đám cưới, đám hỏi, đến những buổi lễ lớn có tính cách sinh hoạt cộng đồng, đâu đâu cũng thấy người đi trễ. Không chỉ một vài người mà là con số rất đông: có người đi trễ năm phút, mười phút, có người thậm chí đi trễ cả nửa tiếng đến một tiếng. Thế nên, chúng ta cũng đã từng nghe câu nói này: “Không đi trễ thì không phải người Việt Nam.”
Thực ra, nói như thế là oan cho người Việt chúng ta. Người Mỹ, người Canada, người Pháp cũng đi trễ đầy đấy thôi. Đã là người thì cũng có đôi lần bị trễ vì lý do này hay lý do kia. Nhưng có một số người hầu như lúc nào cũng trễ.
Hãy lấy ví dụ, ông thị trưởng của thành phố New York là Bill de Blasio, ông này bị mang tiếng là người hay đi trễ. Có lần trong một buổi lễ tưởng niệm được tổ chức khá chu đáo, khi tất cả các quan khách đã tề tựu đông đủ nhưng nhìn quanh thì không thấy ông thị trưởng đâu cả, mà ông lại là một trong những diễn giả của ngày hôm đó. Rốt cuộc rồi ông cũng vác xác tới mặc dù hơi trễ làm ban tổ chức một phen hú hồn, vừa chờ vừa run.
Một lần khác, trên một chuyến bay của hãng hàng không JetBlue, khi tất cả các hành khách đã lên đầy đủ mà trong danh sách của chuyến bay còn thiếu một hành khách có tên de Blasio, phi hành đoàn biết de Blasio là ai và chẳng lẽ cứ cho máy bay bay đúng giờ và bỏ ông thị trưởng ở lại theo đúng thủ tục. Thế nên tất cả hơn một trăm hành khách bắt buộc phải ráng chờ và dĩ nhiên là có một số hành khách bực mình không ít.
Ông Bill de Blasio không phải là trường hợp biệt lệ. Đi trễ là hiện tượng hết sức bình thường, nhưng thường xuyên đi trễ thì nó không còn là chuyện bình thường nữa.
Theo ước tính của một nghiên cứu, tình trạng đi trễ như trên làm thiệt hại cho nền kinh tế của Mỹ $90 tỉ mỗi năm.
Khoa tâm lý giải thích hành vi đi trễ đó là vì những người này thường tính sai giờ để hoàn tất một công việc (lái xe tới một cuộc hẹn được xem là một công việc). Vì tính sai giờ giấc nên đưa tới tình trạng tính sai thời điểm hoàn tất công việc. Thói hay tính sai giờ giấc đó, theo các nhà nghiên cứu tâm lý, là một trong những thói tật khó thay đổi nhất.
Hành vi hay bị trễ có thể làm chậm lại những công việc nơi sở làm, làm một buổi họp bị gián đoạn và thậm chí có khi mất luôn cả những người bạn quen biết lâu năm nữa vì những người này cứ hay phải mất thì giờ để chờ mình. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu vấn đề từ đủ mọi góc cạnh để xem vì sao lại có hiện tượng này và họ thấy rằng nó có thể là bất cứ điều gì, từ dở tính toán cho đến có thể người đó mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó.
Kết quả nghiên cứu của trường Đại học Wilfrid Laurier tại Waterloo, Ontario, ước tính trung bình người ta tính giờ sai lệch có thể lên tới 40%. Nghiên cứu này cho biết việc tính sai giờ liên quan tới đủ mọi thứ công việc, từ việc nhỏ nhặt đơn giản như gửi một lá thứ đến những công việc quan trọng như khai và gửi giấy thuế đúng thời hạn.
Các nhà nghiên cứu đã thử nhiều cách để xem có thể giúp được những người thường hay bị trễ. Một trong những cách đó là dựa vào những kinh nghiệm quá khứ để đoán thời lượng cần có để hoàn tất một công việc. Một cách khác là xé công việc ra thành từng mảnh nhỏ, đoán từng phần nhỏ như vậy sẽ dễ và chính xác hơn.
Một nghiên cứu khác còn cho thấy những người có tính ôm đồm nhiều việc cũng thường hay bị trễ hơn những người khác. Thử tưởng tượng tới giờ phải ra xe rồi mà những người ôm đồm này còn ráng treo thêm vài cái áo lên móc, rửa cho xong cái chén đang nằm trong bồn, đặt lại bình hoa cho ngay ngắn. Thế là ra xe trễ và tới nơi hẹn trễ.
Giáo sư tâm lý Jeff Conte của trường Đại học San Diego State chia người ta thành hai loại: Loại A – là những người nhanh nhẹn, làm việc gì là làm cho xong nhưng cũng là người nhiều khi tỏ ra không mấy thân thiện – thì thường đến đúng giờ hơn; và loại B – là những người tình dễ dãi, tà tà, chẳng bao giờ tỏ ra vội vã – thường là những người đến trễ.
Qua kết quả nghiên cứu của giáo sư Conte, những người loại A ước lượng một phút trôi qua trong 58 giây so với người loại B là 77 giây. Do đó, với khoảng cách khác nhau 18 giây của mỗi phút đó cộng lại thành sự khác biệt to lớn giữa người đúng giờ và trễ giờ.
Với những người hay đi làm trễ, người ta còn có thể đoán biết những đứa con ở nhà lớn bé thế nào. Thường những đứa con ở nhà càng nhỏ thì người nhân viên ấy thường đi làm trễ hơn những nhân viên khác.
Hiện tượng đi làm trễ cũng có thể đoán được phần nào là nhân viên ấy không mấy thích công việc đang làm hoặc không thích nơi làm việc.
Có một vài trường hợp thường xuyên đi trễ là do tình trạng sức khoẻ bất thường: người đó có thể mắc chứng trầm cảm, lú lẫn, hoặc mất trí.
Những người mắc những chứng bệnh trên thường đòi hỏi phải qua điều trị bằng những phương pháp có thể giúp họ biết cách sắp xếp thời giờ cho thích hợp.
Tuy nhiên, theo nhà báo Joe Queenan của tờ Wall Street Journal, phần lớn những trường hợp đi trễ không có gì là ghê gớm cả. Việc đi trễ đã có từ thời khai thiên lập địa đến nay và chẳng có liên quan gì đến những căn bệnh về thể xác hay tâm lý.
Queenan cho biết suốt đời ông gặp toàn là những người đi trễ và đều là những người rất đỗi bình thường, từ vợ ông cho đến bạn bè, con cái. Đi coi phim cũng trễ, xem hát cũng trễ, ăn tiệc trễ, thậm chí có người đi dự đám tang cũng trễ, đến nơi thì đã tới giờ hạ huyệt. Và những người này đi trễ là có lý do của họ.
Đi coi phim trễ 15 phút không sao, vì 15 phút đầu là phần dành quảng cáo cho những cuốn phim sắp ra chẳng có gì đáng coi. Tới trễ một buổi tiệc quan trọng cũng không sao, vì phần đầu bị mất đó là lúc người MC dẫn chương trình đang giới thiệu quan khách đấy thôi.
Không có gì đáng quan trọng xảy ra trong nửa tiếng đầu ở sở làm, đó là thời gian nhân viên lo kiếm một ly cà phê, một miếng bánh ngọt lót dạ. Nửa tiếng đầu của một vở kịch chẳng hề bao giờ là phần gay cấn hay hồi hộp nhất. Đi nghe nhạc ư? Ấy, nửa tiếng đầu luôn dành cho những ca sĩ hạng B hay C mở màn nên mất cũng không sao. Thế còn đi dự một buổi dạ hội? Thường không khí buổi dạ hội chưa thật sự vui nhộn cho đến khi người ta uống hết vài ba ly đã, đến lúc đó người ta mới không còn dữ kẽ nhau và cái vỏ lịch sự giả tạo bề ngoài mới được tháo gỡ xuống. Còn đám tang đi trễ thì đã sao đâu, vì cái người khách đặc biệt lại chính là người đang nằm trong quan tài rồi thì còn biết gì nữa.
Vì vậy, nếu có đi trễ trong những trường hợp đó thì cũng chả sao và nếu được thì dùng những thì giờ đó cho những việc khác có lợi hơn. Không ai thèm quan tâm đến 15 phút hay nửa tiếng trễ đó cả. Chẳng ai thèm để tâm tới 15 phút trễ của một buổi họp phụ huynh hay 15 phút trễ trong ngày đầu trở lại trường, và nếu có hôm nào chẳng may đến sân ga trễ thì vẫn có thể đón chuyến xe kế vì sau đó nó cũng đưa ta tới đúng địa điểm mà ta cần tới. Mà những chuyến xe lửa đó có mấy khi theo đúng lịch trình.
Trong giới nghệ sĩ phương Tây, người ta kể câu chuyện nhạc sĩ Eric Clapton đã sáng tác ca khúc “Wonderful Tonight” trong khi chờ cô vợ lúc đó là Pattie Boyd sửa soạn trang điểm để đi dự bữa tiệc do vợ chồng Paul McCartney mời.
Lúc đó đã trễ lắm rồi và Pattie thì đã thử gần hết tủ quần áo nhưng vẫn chưa ưng ý với một bộ áo nào cả. Nàng cứ chạy lên chạy xuống cầu thang, và mỗi lần xuất hiện dưới chân cầu thang là lại một chiếc áo mới trên người và Eric thì cứ nói mãi với nàng rằng, “Em đẹp lắm rồi. Mình đi được chưa?” Và tất nhiên là nàng đâu có nghe chàng nói gì, nàng vẫn muốn mình đẹp hơn một chút nữa.
Cuối cùng, sau khi đã nhắc nhở chán chê mà không có kết quả, chàng bèn giết thì giờ bằng cách cầm chiếc guitar lên và chỉ một lúc sau thì viết xong ca khúc “Wonderful Tonight”. Suốt đêm đó, chàng không một lần tỏ ra bực mình hay hờn dỗi. Họ vui vẻ đi dự tiệc, rồi họ trở về nhà, và trước khi lên giường ngủ chàng còn nói với nàng câu cuối: “Oh my darling, you are wonderful tonigh.” (Ôi em yêu ơi, đêm nay em tuyệt vời quá chừng.)
Thế thì Eric Clapton là người chồng và là người đàn ông tuyệt vời nhất đời rồi. Thường thì không ai có đủ kiên nhẫn và bình tĩnh khi phải chờ những người đi trễ như thế. Nhà báo Joe Queenan có lý lẽ của ông, nhưng cũng chỉ ở một vài trường hợp thôi. Còn chúng ta, nếu có thể tránh được để không đi trễ thì nên tránh. Nhất là khi sự chậm trễ đó của chúng ta làm liên lụy đến người khác, bắt người khác phải chờ mình thì không nên chút nào.
Nhưng cũng đừng bắt chước kiểu Hồ Dzếnh: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.” Không, không thể thế được. Không bao giờ.
|
|
| |