Thứ Ba
28 Jan 2025
6:55 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
THƠ VĂN NGÀY TẾT
atoanmt Date: Thứ Sáu, 08 Feb 2013, 12:39 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5085
Status: Tạm vắng
Chim Kêu Vượn Hú

Trần Mộng Tú


Những năm tháng của mấy chục năm về trước, mỗi độ Tết âm lịch về, lòng tôi lúc nào cũng buồn buồn. Một nỗi buồn không sao tránh được. Nỗi buồn đó như thói quen, như bệnh lâu ngày, như một công thức đời sống bám chặt lấy mình.

Là người Việt tha hương lâu năm khi Tết Nguyên Đán về chắc chắn không nhiều thì ít lòng ai cũng nao nao buồn, khi sửa soạn lòng mình để đón một năm mới ở xứ người. Cười đấy, nói đấy, nhưng bỗng dưng có lúc ngồi lặng thinh, im ắng, ứa nước mắt một riêng mình, nhớ về quê nhà, nhớ ông bà, cha mẹ dù còn sống hay đã qua đời.
Có một năm, chỉ còn một vài ngày nữa là Tết.

Tôi lái xe từ chợ về nhà, trời chưa vào tối, nhưng là mùa đông nên âm u, lái xe giữa đường bỗng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê nhà thăm thẳm làm lòng quặn thắt, phải tạt xe vào lề đường, vừa bật lên khóc nức nở, vừa gọi phôn cho cô em (đang làm việc ở sở), em tôi cũng bối rối nhưng chẳng biết nói gì hơn là vài câu an ủi: mình phải buồn là chuyện tự nhiên thôi.

Những năm gần đây tôi lại mang một tâm trạng khác. Tôi đối diện với tuổi đời, biết là mình đã sống, đã kinh qua buồn vui, biết “Niềm vui ngọt ngào nhất của đất trời đều là kết quả của những ưu phiền” nên lòng tôi chỉ mang mang một nỗi buồn rất nhẹ nhàng về năm tháng, lại thấy tâm an khi nghĩ mẹ cha đã ở một chốn tốt đẹp và đang chúc phúc cho con cháu. Còn mình, thì theo lẽ đương nhiên của đất trời sẽ được gặp lại mẹ cha một ngày nào đó.

Tưởng lòng mình đã lắng xuống với buồn vui, nhưng mấy tháng cuối năm nay, đọc cái bản tin về một người mẹ trẻ, ôm hai đứa con nhỏ nhẩy lầu ở Đại Hàn, chết cả ba mẹ con, tôi không sao giữ cho tâm an được. Khổ đến thế nào mà cô phải đi đến quyết tâm cả ba mẹ con cùng chết.

Chim Kêu Vượn Hú
Má ơi! Đừng gả con xa
chim kêu vượn hú biết nhà má đâu


Câu ca dao của miền Nam thời xa xưa đó bỗng quay về trong trí tôi mấy ngày cuối năm. Thuở đó, gả con xa có nghĩa là gả con sang làng khác, sang tỉnh khác. Là đưa dâu, đón dâu hết một ngày đò dọc hay đi bằng xe hàng một chặng đường dài từ sáng đến chiều. Cô gái đi làm dâu xa, khi sanh đứa con đầu lòng mới được về cho mẹ chăm nom “Con so nhà mạ/Con dạ nhà chồng” Sanh con cứng cáp rồi lại quay về bên chồng. Có khi cả năm tới tết mới được ôm con về thăm cha mẹ, hay cha mẹ ốm đau lắm hoặc qua đời mới được về trả hiếu.

Vì cô đã thuộc về dâu con nhà người. Cha mẹ thương nhớ con nhưng gái lớn thì phải theo chồng, nên tuy khóc nhưng cũng mừng vì con có gia đình. Nếu con được vào gia đình khá giả, tử tế cha mẹ hãnh diện, an tâm; nếu chẳng may con lấy phải chồng nghèo cũng khuyên con chịu thương chịu khó gánh vác giang san bên chồng, ở cho phải đạo dâu con.

Số cô có vất vả lắm cũng là thức khuya, dậy sớm, làm đủ mọi việc trong gia đình. Số cô có khổ lắm thì gặp anh chồng vô tích sự, còn cờ bạc, rượu chè, gặp mẹ chồng cay nghiệt bắt bẻ. Như thế đã là quá sức chịu đựng cho một người phụ nữ rồi và làng trên, xóm dưới, ai cũng chê trách cái gia đình bên chồng cay nghiệt đó.

Chữ “Má ơi” cho ta biết câu hát đó phát xuất ở miền Nam nước Việt. Gái quê của miền tây Nam Bộ đẹp nổi tiếng. Gái Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, gái Cao Lãnh, Nha Mân cô nào cũng đẹp, cũng da trắng, tóc dài. Hình ảnh những cô gái dậy thì trong chiếc áo bà ba ngồi bên sạp trái cây là hình ảnh những du khách ngoại quốc cho in vào những tấm thiệp lưu niệm gửi đi khắp nơi trên thế giới.

Cha mẹ chỉ gả cô sang làng khác, sang tỉnh khác thôi mà cô đã tức tưởi kêu lên như vậy rồi. Bây giờ cô lìa cha mẹ, xa anh em, xa làng, xa nước, sang tận Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc lấy chồng.
Cô đi lấy chồng, một người chồng lớn hơn cô từ 10 đến 20 tuổi, người chồng tàn tật hay người chồng mang bệnh tâm thần, có cô chồng gần bằng tuổi cha mình. Cô không nói cùng chung ngôn ngữ, cô không biết gia cảnh nhà chồng, cô bước lên máy bay, bay tít lên vòm trời rồi hạ xuống một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Cô kêu lên “Má ơi!”

Nhưng má cô không thể nào nghe được tiếng kêu đó nữa. Cô mất liên lạc với gia đình, với quê nhà, ngay khi bước chân vào nhà chồng. Cô bị hành hạ, đánh đập, cô không biết chỗ trốn, không biết chỗ chạy. Nhà chồng trấn lột hết giấy tờ tùy thân của cô, cô không có một tờ giấy nào chứng minh cô là một người vợ đến từ phương xa, cô không có ngôn ngữ để giãi bầy.

Ở Đại Hàn, cô bị cả nhà chồng đánh đập. Cô bị đánh đến gẫy xương, cô chết, xác vứt xuống hầm như vất một con chó chết; cô bị đánh đến dập gan, nát phổi, cô chết ngay bên cạnh đứa con sơ sinh; hay cô tự tử vì không còn lối nào thoát ra được sự hành hạ ngoài cái chết. Cô ôm cả hai đứa con thơ dại nhẩy từ lầu cao xuống để ba mẹ con cùng chết. Đó là cách duy nhất có thể bảo vệ mình và con mình.

Ở Đài Loan, sau khi làm vợ vài tháng, cô bị đánh đập gán cho bao nhiêu tội cô không hề có, trước khi họ mang đi bán, như bán một con heo vào những động mãi dâm. Cô mất hết đường về.

Ở Trung Quốc, hình ảnh những cô dâu Việt Nam mặc áo dài truyền thống được quảng cáo trên tường, trên cột đèn ngoài phố, với cái giá rẻ mạt kèm theo những hàng chữ: Không còn trinh, được đổi cô khác. Cô về đến nhà chồng mới hay mình được đem về làm con vật tế thần cho từ bố chồng, anh chồng, đến em trai của chồng. Người ta coi như mua về được một con nô lệ vừa lao động trong việc đồng áng vừa phục vụ tình dục cho những người đàn ông trong nhà. Cô cũng không bao giờ trốn được họa chăng là phép lạ.

Nhưng phép lạ, đôi khi cũng xẩy ra nên thế giới bên ngoài mới biết được những nghịch cảnh mà những cô gái Việt Nam gánh chịu. Có cô đã trốn thoát.
Tại sao biết những chuyện bất hạnh như thế có thể xẩy ra cho mình mà các cô gái quê, vẫn theo nhau vào Sài Gòn tìm đến những dịch vụ hôn nhân với người nước ngoài.

Các bà mẹ vẫn hân hoan khi có con gái lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan. Vì cũng trong mười cô chết thì có một cô may mắn sống, một cô không bị nhà chồng hành hạ và mang được tiền về cho cha mẹ ở cái làng nghèo nàn bên Việt Nam. Cái làng mà ruộng đồng, ao cá, không còn vì đất đai bị chiếm hết để xây cao ốc hay công xưởng, nhà máy. Có khi bị chiếm để xây những nghĩa địa cho các đại gia hay các ông lớn (chưa chết,) những ngôi nhà mồ, đắp tô với rồng bay phượng múa, phỏng theo mô hình cung điện của các vua chúa thời xưa bên Trung Hoa.

Có bà mẹ đã nói:
“Ôi! Trời kêu ai nấy dạ. Đâu có phải ai lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan cũng chết hay cũng bị mang bán cả đâu. May mắn nó mang tiền về xây nhà mới cho mình chứ lấy chồng Việt để ôm nhau chết đói à?”

Có bà ngoại, bà nội nhìn con cháu bé lên bốn lên năm cất tiếng khen:
“Con bé này xinh quá, nuôi cho mau lớn rồi gả chồng Hàn.”

Tôi đã nhiều lần đọc được những cái tin như thế, nghe lòng bải hoải cả mấy tuần. Cứ tự hỏi: Sao ở trong nước, không có phu nhân hay một tiểu thư nào là vợ, con, của một ông Bộ Trưởng, ông Tổng Giám Đốc, ông Thủ Tướng hay một Đại Gia nào đó với gia tài cả trăm triệu, cả bạc tỷ Mỹ kim, đứng lên làm một việc gì tốt lành cho những cô gái này, như: xây trường dạy nghề, hướng dẫn công việc, cho mượn vốn buôn bán, để cứu giúp những cô gái quê, ít học, có một công việc nuôi thân.

Tôi nghĩ nếu các cô được hướng dẫn thì cái tỷ lệ mang thân làm dâu Hàn, dâu Đài Loan, dâu Trung Quốc sẽ bớt đi nhiều. Hay ít ra giúp họ tìm cho rõ ngọn nguồn trước khi ký vào những tờ giấy hôn thú mang rủi nhiều hơn may đó.

Cái động lực nào đã đưa các cô đến chỗ không sợ hãi trước những chuyện người chồng Hàn có thể đánh vợ cho đến chết, hay hành hạ cho đến lúc người phụ nữ phải tự tử để an thân.
Người chồng Đài Loan có thể mang vợ đi bán cho ổ mãi dâm, hoặc chuyện phải làm nô lệ tình dục cho cả một gia đình bên Trung Quốc. Kinh hoàng quá!
Cái xã hội cô đang sống có đưa bàn tay nào ra, níu cô lại, giúp đỡ cô hay cũng chính cái xã hội đó thản nhiên nhìn cô bước vào một thế giới cô không có khả năng hình dung ra trước được. Đau thương quá!

Cô đi lấy chồng như thế đau khổ cho cô, tủi nhục cho cha mẹ đã đành mà còn xấu hổ cho cả một quốc gia nữa. Ông anh tôi ở tiểu bang California, một hôm kể cho tôi nghe, ở cái Club anh chơi Tennis, anh gặp một người đàn ông Đại Hàn mới nhập hội chơi. Sau vài lần chơi chung, cà phê, ăn sáng hai người có vẻ hợp lắm. Một hôm anh Đại Hàn hỏi anh tôi người nước nào, anh tôi nói là người Việt Nam.

Hôm sau thấy anh ta lạnh lùng ra mặt và có ý tránh không nói chuyện, mới đầu anh tôi không để ý, sau thấy mình hỏi anh ta lờ như không nghe. Anh tôi thấy vậy cũng phớt tỉnh. Anh không thích tôi thì tôi cũng chẳng cần thích anh. Bẵng độ hai ba tuần không nói với nhau, anh Đại Hàn bỗng một hôm quay lại thú thật:
"Mới đầu tôi tưởng ông là người Hoa hay người Phi, tôi không biết ông là Việt Nam.
Tôi không thích dân Việt Nam, một cái dân gì mà cứ mang con gái họ bán hết cho nước này nước khác làm vợ.
Người Hàn tử tế coi thường người Việt ở chỗ đó".


Anh tôi nổi xùng. Thế cái thằng đi mua vợ rẻ có đáng khinh không? Hai bên lý sự một hồi, bất phân thắng bại. Bây giờ họ nói chuyện với nhau trong lúc chơi banh, nhưng vẫn không phải bạn. Một bên mua vợ giá rẻ và một bên bán vợ với bất cứ giá nào. Bên nào đáng khinh hơn.

Anh tôi kết luận:
Nhục cho cả nước, anh em mình sang tận đây rồi mà vẫn nhục lây.

Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang sang.


Tôi được người lớn tuổi hơn giảng cho nghe:
Canh Cần là do chữ Tần Tảo (một loại rau Tần/ tảo là rau)
Ngày trước người nghèo có thể kiếm rau tần trong vườn nấu những bát canh đạm bạc. Người con gái nghèo đi kiếm rau tần cả ngày được gọi là tần tảo. Nên mới có chữ “Tần Tảo” chỉ cho người phụ nữ chịu khó làm việc trong hoàn cảnh túng thiếu.

Bây giờ ở Việt Nam, các cô gái quê dù có muốn tần tảo cũng hiếm có cơ hội, cô không lấy chồng gần, vì người chồng gần cũng chẳng có việc làm, cả hai vợ chồng cô giỏi lắm cũng chỉ kiếm được một bát canh cho cả gia đình, làm sao cô có cơ hội để đem sang chia cho cha cho mẹ được. Cô đành phải lấy chồng xa, cô coi thân cô như một cuộc bài may rủi. Biết đâu cô chẳng kiếm được người tử tế, biết đâu cô chẳng mang tiền về cho mẹ uống thuốc, cho mẹ có một bát canh thịt thơm ngon, cho cha sửa nhà, mua sắm truyền hình, tủ lạnh, biết đâu…, biết đâu…, biết đâu…Cô lại chết thảm thương như thế. Cô không kêu được: “Má ơi!” nữa rồi.

“Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.”
Tâm nào còn an được để đón xuân về!


Trần Mộng Tú
(Jan. 2013)





Tơ nhện mùa xuân

Trần Vấn Lệ


Mùa xuân treo trên cành hoa đào, những nụ còn xanh đã xôn xao, con chim bé xíu xòe cánh vẫy, đi ra đi vào dưới tán lá cong
giữa hai nhánh hoa có con nhện chăng tơ mắc võng, nó chạy bên này sang bên kia, cái võng nó treo mong manh quá, em chỉ sợ gió thổi cuốn đi
nhưng gió hình như là rất nhẹ, nên chiếc võng đong đưa mà không rơi, những sợi tơ chùng như có ai kéo xuống, rồi lại buông tay khi tơ đang chơi vơi
em bây giờ lòng mềm như tơ nhện, sợ chuyện thương tâm tránh chuyện buồn, chỉ muốn nghe những điều rất nhẹ, êm như ngọn gió ngày vào xuân
ngày vào xuân có khói thơm mùi trầm hương, có hoa thở nhẹ ở trong vườn, có hình bóng mẹ cha về ăn tết, có con, có cháu, có yêu thương
ngày vào xuân lượng Trời như cha rộng tay ban phát, chim hót trong vườn, bướm bên hàng giậu, nhựa ở cành khô, lộc ở hoa, em dán lên tường câu đối đỏ, nhuộm tình rất cũ của hai ta
ngày vào xuân tình Đất như mẹ mở lòng ra, cho anh cho em con cá ở sông, con bò trên cánh đồng, cho cả bánh chưng trên bàn, con gà trong bếp, em ôm vào lòng nghe mật chẩy đầy tay
ngày vào xuân bạn cũ gặp nhau như những giọt rượu nồng đựng chung trong chén, mỗi ngày ta sống là một hồng ân, ta tặng cho nhau từng mảnh xuân rất mới, ngửa mặt uống vào trong ngực cả thâm ân.
hãy hưởng những ngày mùa xuân thật đẹp, võng nhện thời gian cứ chao qua
giọt thời gian mới rơi nhè nhẹ, nhẹ như tơ nhện mới như xuân.

(Xuân Quý Tỵ - 2013)
Trần Vấn Lệ





Cuối Năm

Nguyễn Đông Giang


Sắp mưa chăng? Gió lạnh rồi!
Ba ngày nắng ấm vừa rơi sương mù

Cuối năm ngờ ngợ mùa Thu
Nhánh hoa mấy giọt sương từ từ lăn…

Cuối năm chờ đơi ngày Xuân
Tưởng nay mai đã thấy gần còn xa!

Biết là ngày tháng đang qua
Sợ bâng quơ chứ tuổi già đi theo!

Ấm nồng nhớ thuở thương yêu
Thuở ai hai mắt trong veo nắng Hè.

Phải chi níu được tóc thề
Của ai hồi đó đem về chiều nay…

Mưa thưa mưa mỏng mưa dày
Tình ai nhẹ mấy vẫn đầy trong tim…

Gọi ai chưa gọi bằng em
Tình trong biết đã, mặt ngoài thấy đâu!

Nguyễn Đông Giang




Mùa Xuân Ấy, Đã Thành Cổ Tích

Hồ Chí Bửu


Xuân nầy , anh về lại San jose

Thành phố dễ thương , Hoa kỳ tây bắc

Tháng giêng tháng hai , quê người trời rét

Bên nhà cuối chạp , trời sắp vào xuân

Xóm dưới làng trên , rộn rịp tưng bừng

Bánh tét bánh chưng , dưa hành củ kiệu

Cúc thọ nhà em , vàng thêm mấy nụ

Mấy nụ quê nhà , có nở niềm vui ?

Anh bên nầy , quen với ngậm ngùi

Chưa bỏ được , đời quê thói cũ

Làm sao bỏ, nơi chôn nhau máu mủ !

Nên cõi người , vời vợi nhớ xuân xưa

Nhớ ngày xưa , Ba thức cúng giao thừa

Gọi con dậy , để nghe pháo nổ

Gọi con dậy , thắp hương Tiên Tổ

Khấn lạy Ông Bà , phò hộ các con

Xuân năm nay , Ba Mẹ chẳng còn

Anh xa xứ , biết xuân nào trở lại

Chẳng lẽ cuối đời , còn tha hương mãi

Chờ buổi thanh bình , biết có hay không !

………………

Mùa xuân nào , Ba thức cúng giao thừa

Mùa xuân ấy , đã thành cổ tích

Đêm cuối năm , bên nầy u tịch

Nén hương lòng , có bay tới cố quê !

Hồ Chí Bửu


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 08 Feb 2013, 12:43 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5085
Status: Tạm vắng
Đầu Năm Vào Quán Với Trần Hoài Thư

năm mới đại ca dẫn ta vào quán

quán từ miền trung dài đến miền tây

vào quán Qui Nhơn ( không thăm Hàn Mạc Tử)

xuôi đèo Mang Yang, An Khê qua tuốt Tam Quan



hứng chí đại ca đưa ta lên Buôn Mê Thuột

vượt thêm 100km chểm chệ ở Pleiku

đại ca ghiền café nên kêu toàn xây nại

ta uống bia lon bụng phệ hơi nhiều



xuống miền tây vào quán Cần Thơ, Chương Thiện

quậy tưng bừng mà cứ nhắc Qui Nhơn

có lẽ đại ca ta ghiền café quán nẫu

dừa Tam Quan – eng thì nó chẻng cho eng..



tóc chớm bạc- nét nhăn hằn khoé mắt

anh ngậm ngùi cái thuở trước ba mươi

ta đã hiểu nỗi lòng con thần điểu

đôi cánh kia đã gãy tự lưng trời



thôi chia tay để anh về New York

“Nữu Ước ta về, ghé lại Chinatown

ngồi quán bên dường, hâm tình Chợ Lớn”(*)

Bình Định vẫn hoài trong trái tim Thư !





Cụng Ly Với Vũ Ngọc Giao

chiều nay say tới bến

cốc ổi xoài me non

cuộc đời ta bất xá

bán luôn cái Saigon ?



ta còn con ngựa sắt

chở ngươi về BìnhDương

quậy Ngạn Thư xám mặt

chiến hữu mà đồng hương



đì ta lên Dầu Tiếng

thăm nhỏ bồ năm xưa

con nàng năm bảy đứa

cho điếng hồn ngươi chưa ?



nửa đêm về lạnh buốt

sương trắng buồn giăng giăng

ta một mình trở lại

theo sau là vầng trăng !

Nhật Phương Lan & Thầy Chạy Sydney





XƯỚNG - Chúc TẾT

Nhật Phương Lan


Tay bắt mặt mừng chúc chúc nhau.

Bao nhiêu câu đẹp ướm lời trao…

Vận xui phủi sạch qua qua hết,

May mắn đón chào đến đến mau.

Phước lộc lan tràn đưa tới mãi,

Tiền tài như nước cứ bay vào.

Đón mừng năm mới tôi xin chúc:

-Hưởng một mùa Xuân vẹn ước ao.

Nhật Phương Lan


HỌA - Cùng Chúc TẾT

(Kính họa vận bài thơ trên của nhà thơ Nhật Phương Lan)

Bắt đầu quà cáp gởi cho nhau,
Chúc tết bà con lại đổi trao.
Chúc bạn đào tơ vô lẹ lẹ,
Chúc cô kép đẹp tới mau mau.
Thần tài, ông mến ông tìm đến,
Bao bạc, cụ thương cụ xách vào.
Phú quý thêm dồi dào sức khỏe,
Trọn năm như ý ước cùng ao.

Thầy Chạy Sydney


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 08 Feb 2013, 12:48 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5085
Status: Tạm vắng
Thái Chính
Không Đề ...


Hôm nay ngày 25 tháng chạp
Tết đến gần kề , sao ngồi đó vu vơ
Đúng , hôm nay tui giã bộ thằng khờ
Bấm đốt ngón tay, tui điễm qua thế sự ...

Quê hương mình bốn ngàn năm lịch sử
Đâu hèn , đâu thua những kẻ xâm lăng
Mà hôm nay trong tâm tui lại thấy rằng
Quê hương mình dần dần sẻ mất càng nhiều hơn ...

Hôm nay ngày 25 tháng chạp
Một ly đầy cay đắng cuộc đời tôi
Thì em ơi ! Xá chi những nụ hôn rồi
Nhưng ...trong anh lúc nào cũng nhớ mãi ...

Em ra đi , trong lòng anh khắc khoải
Tiếc thương gì ??? Chỉ số phận mà thôi
Đôi khi nhớ lại ...con tim tiếc bồi hồi
Đòi ngang trái , tình đôi khi còn hơn ngang trái ..

Hôm nay ngày 25 tháng chạp
Co ro một mình lại nhớ bạn bè xưa
Đứa còn , đứa mất đứa phương xa
ước gì chúng ta nay gặp lại ...

Chuyện xưa kia luyên thuyên lể mãi
Nhưng không quên kể chuyện hôm nay
Chuyện tiếu lâm , chuyện tà , chuyện tục , chuyện đêm ngày
Mong ước đôi khi chỉ là mộng ước ..

Hôn nay ngày 25 tháng chạp
Tui ngó mình và tui ngó lại dung nhang
Tháng ngày qua cuộc sống quá bẻ bàng
Tui , hạt cát ..làm sao nên sa mạc...

Ý của tui ..còn mọi người đôi khi khác
Tui muồn rằng ..mọi người ..ai cũng sướng
Bỏ hận thù và ôm lấy yêu thương
Hình như ..đây chỉ là giấc mơ ảo tưởng ..

Hôm nay ngày 25 tháng chạp
Cuộc đời qua , ngày tháng cũng đi qua
Hôm nay tui muốn gởi đến nhiều món quà
Gởi tất cả anh em trong thế giới ...

Và nhất là mấy em tuổi đôi mươi
" Anh" tui đây tuy đã tuổi xế chiều
Nhìn hoa đẹp ..tim tui còn muốn xĩu
Ngày cuối năm tâm sự để hiểu nhau nhiều ...

Huỳnh Phước Minh





Mùa Xuân trôi…

Nguyễn Khôi


Mùa xuân trôi trên sông
Theo lục bình hoa tím
Mẹ chèo con thuyền nhỏ
Chở hàng Tết xuôi dòng

Mùa xuân trông thật mềm
Theo đàn chim én lượn
Như con thuyền nhẹ lướt
Giữa dòng sông êm đềm

Xuân trôi trong ký ức
Kỷ niệm về xôn xao
Vệt nắng loang dòng nước
Sắc mai vàng năm nao

Mùa Xuân về bến cũ
Cánh đồng đã gặt xong
Nêu nhà nào mới dựng
Tiếng cu cườm mênh mông…

Nguyễn Khôi





Xuân

Một ấm trà xanh. Một cành Mai
Một giọt sương đêm phủ trắng trời
Xuân nay được thấy Lạng Sơn tuyết
Ngát chén hương lòng chẳng muốn vơi.
(Hà Nôi, 2013)

Như Nguyệt





Đầu năm đi lễ

Nguyễn Hoài Sâm



Đầu năm đi lễ

Nắng ấm mây xanh

Con chim trên cành

Vỗ cánh bay nhanh



Sáng nay đi chùa

Nghe thầy giảng pháp

Giảng về từ bi

Chợt thấy nhu mì



Bài pháp thật hay

Từ bi hỉ xả

Xin người thứ tha

Tội lỗi con đầy



Đầu năm đi chùa

Sao thấy thảnh thơi

Phật ngồi trên cao

Phật quá nhân từ



Sáng nay đi chùa

Hớn hở vui tươi

Phật ở trên caoNhìn xuống mĩm cười

Nguyễn Hoài Sâm





Khung trời kỷ niệm

NNS


Trong ký ức tuổi thơ tôi có một khung trời kỷ niệm…Khung trời đó không sầm uất, ồn ào; không phải nơi sử sách ngợi ca, không là thành phố lớn, chẳng là nông thôn vất vả ruộng đồng. Nơi ấy, giản dị với mùa hè, nắng xênh xang tràn ngập hoa phượng đỏ, đầy quyến rũ đối với những cô học trò nhỏ.

…Khung trời ấy, là những cơn mưa kéo lê thê, những đứa trẻ con cha mẹ đi làm “nhốt” trong nhà, ngoan ngoãn ngồi thò chân, dán mặt ra ô cửa sổ, dõi theo cơn mưa rả rích, thích thú hát vang “Mưa to lên cho gà nó đẻ, cho trẻ nó chơi…”, đâu biết rằng mưa to cha mẹ đi làm vất vả khó khăn, ruộng đồng ngập lụt.

Buổi trưa, cha mẹ về, trẻ con như chim sổ lồng, í ới gọi nhau tắm mưa dưới mái hiên nhà nước chảy, con gái mười hai nhu nhú chũm cau cũng không áo như con trai…

Ngôi trường nhỏ, nhưng sân đủ cho lũ học trò giờ ra chơi ồn ã các trò hiếu động chồng nụ trồng hoa, nhảy ngựa, ném bóng, chơi âm…vào lớp rồi mặt mũi trò nào cũng đỏ tưng bừng.

Những ngày thứ năm học hai tiết, cả bọn hè nhau đạp xe vượt cầu Rào thả phanh tay, tuột dốc thi gan. Sang Thuỷ Nguyên, sang Rế thăm nhà ông bà. Đến cổng, chạy ùa vào vườn hái khế, hái táo, hái me… chấm muối ớt cay xè ngấu nghiến. Chao ôi, cái vị chua ngon lành đến giờ nhắc lại còn tứa nước miếng. Khi ra về, những cô cậu nhóc nhỏ đùm túm, bận bịu chở theo nào chó con mới mở mắt, mèo con, gà con, me, khế, táo…đòng đòng non và lúa sữa về rang cốm… cả bọn líu ríu lên xe đạp về, dừng xe không biết bao nhiêu lần trấn an và vuốt ve chú cún nhỏ kêu rên ngùng ngoằng nhớ mẹ, mèo con ngao ngao cào cấu đòi ra…

Những lần đi chơi ở làng hoa Lũng, đẹp mê hồn! Tuổi thơ nhìn hoa nào cũng đẹp, thần tiên và diệu kỳ khoe sắc. Tôi thích ngắm những cánh hoa đồng tiền đơn đỏ rực, cong vút, mỏng manh và duyên dáng như bờ mi thiếu nữ. Lang thang đi mãi, ngẩn ngơ trong những ruộng hoa, trước cái đẹp tinh khôi, thơm ngát, chỉ đến khi ông mặt trời tắt nắng, không nhìn thấy hoa nữa mới í ới gọi nhau về.

Những buổi trưa đi bộ đến trường, rúc rích nói chuyện, đến trường rồi mà chuyện vẫn còn. Trường cũ, bàn ghế cũ…thầy cô nhiệt tình, cảm thông và yêu trò biết bao.

Những chiều đông, bầu trời tím xám, hàng quán co ro, ghế đẩu cũ kỹ, bên ly trà xanh bốc khói, kẹo vừng ăn rồi còn thơm nức trên môi…

Nhớ hàng ốc bốc khói, thơm gừng, chanh, sả thơm phức gọi mời. Ly sữa trứng đậu nành thơm ngon, ấm áp trong vòng tay bè bạn, đêm khuya lạnh giá, chẳng muốn ra về …

Sông Lấp, sông Tam bạc còn đó như ngày theo mẹ đi Chùa lễ Phật, đi chợ Sắt, chợ Dư hàng. Háo hức dậy sớm theo mẹ đi chọn con giống về nuôi. Heo con, gà con, vịt con, cây con, hạt giống…bàn tay nhỏ ấp ủ, âu yếm dỗ dành, vậy mà đến nhà con giống vẫn còn run rẩy …

Chợ hoa ngày Tết là thiên đường trong náo nức của tâm hồn trẻ thơ xúng xính mặc áo mới. Hoa đẹp như mơ, nhất là khi hoàng hôn vùa tắt; trong giá lạnh của mùa Xuân, chút mưa phùn lất phất, hương của hoa, của đất trời, của người hòa quyện, sắc đào đỏ sẫm hơn, đằm thắm và duyên dáng gọi mời … chỉ một cái nắm tay đi trong chợ hoa đủ thấy mình thổn thức, trước mùa Xuân, trước cuộc đời, khi trẻ con không ngừng lớn lên và thời gian không dừng lại cho một ai…

Bạn bè mỗi đứa mỗi phương, như những chú chim đã đủ cánh bay xa, tìm xây tổ ấm…mỗi người một thân phận. Bạn cũ bao nhiêu năm lưu lạc, gặp nhau khi mái tóc đã ngả màu sương gió, ký ức vỡ òa…

Bao năm, khung trời ấy vẫn nhỏ bé, không mấy thay đổi sau bao xa cách, vẫn thân thương quá đỗi. Lạc lõng chốn phồn hoa, tôi trở về, thấy như có lỗi với lời hẹn xưa…

Kính.
NNS


AToanMT
 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO