Có một người đi chơi với bộ trang phục rất đẹp, chẳng may giữa đường gặp trời mưa to. Sau cơn mưa đường xá lầy lội, người kia sợ lấm, hết sức cẩn thận đi tránh xa những nơi bùn dơ nước đọng. Không ngờ trong một lúc vô ý, người kia xẩy chân bước vào vũng bùn. Thấy chân đã bị lấm, người kia không còn ngần ngại nữa, tự nhủ thầm : - Dẫu sao chân ta cũng đã lấm bùn, vậy còn phải tránh bùn làm chi nữa. Thế là người đó cứ giẫm bừa vào bùn mà đi mặc cho quần áo, chân tay vấy đầy bùn dơ nước bẩn. Những người đi đường thấy thế hỏi : - Sao anh không tìm chỗ sạch mà đi, lại đi bừa vào chỗ dơ như thế? Người kia đáp : - Chân tôi đã lấm bùn rồi, có lấm thêm nữa cũng không sao. Nghe anh ta nói vậy, ai cũng lắc đầu cười chê. Có người bảo : - Chân bẩn ít không muốn, lại muốn bẩn nhiều. Sao không tìm nước mà rửa đi cho sạch ? Người kia nghe nói chợt tỉnh ra.
♥♥♥ Người đi đường kia trong một lúc vô ý đã xẩy chân bước vào bùn lầy làm cho chân bị lấm. Nếu biết rửa chân cho sạch sẽ và cẩn thận hơn để không giẫm vào bùn nữa thì mới thật là người khôn. Đằng này người ấy cứ tiếp tục lội trong bùn, để chân lún sâu vào bùn, cho rằng có bẩn dơ thêm cũng chẳng sao vì chân đã không còn sạch nữa. Suy nghĩ và hành động như thế thật là cố chấp và mê muội, đáng bị mọi người chê trách. Cũng tương tự như thế, khi đã vướng vào điều ác, bất thiện, rơi vào vòng tội lỗi thì người ta thường có xu hướng không còn e dè, ngần ngại gì nữa mạnh dạn lao vào trong nghiệp dữ, sẵn sàng làm bất cứ điều ác gì, vì cho rằng dẫu sao mình cũng không còn trong sạch, có bẩn dơ thêm nữa cũng chẳng ngại gì, không có gì để mất ! Đã lỡ lầm tạo ra tội lỗi rồi lại cố tình tiếp tục sai phạm để tội lỗi càng chồng chất thêm hơn thì thật là mê muội, đáng chê trách biết chừng nào ! Đức Phật từng nói : - Có hai hạng người được khen ngợi, đó là người không phạm lỗi lầm và người đã phạm lỗi lầm mà biết ăn năn sám hối. Là con người ai mà không có lỗi, nếu không phạm lỗi lớn cũng phạm lỗi nhỏ, không phạm lỗi nhiều cũng phạm lỗi ít, chỉ có Thánh nhân mới không phạm lỗi mà thôi. Có lỗi mà biết ăn năn sám hối, biết sửa chữa và quyết tâm không tái phạm nữa, biết làm điều tốt để bù đắp những khuyết điểm, lỗi lầm, như thế mới là thái độ sáng suốt của người trí, đáng được ngợi khen, cũng như lỡ sa chân vào vũng bùn thì phải mau mau rút chân ra và nên rửa cho thật sạch. Nếu biết sám hối thì tội lớn hóa nhỏ, tội nhỏ hóa không, như người lỡ giẫm lên bùn dơ mà biết rửa chân cho sạch, sau khi chân đã sạch thì cẩn thận không để chân dính bùn trở lại. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta phải thường xuyên tự kiểm điểm, xem mình đã từng phạm những khuyết điểm, lỗi lầm nào rồi can đảm nhìn nhận và nhanh chóng khắc phục, sửa chữa. Chúng ta đã có những hành động sai quấy hay trái đạo... thì phải nhanh chóng sám hối và quyết không tái phạm, phải biết nỗ lực cải thiện và chuyển hóa bản thân, đó mới là người trí.
|