Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh. Ngày xưa ở trong thành Xá Vệ có một vị phú ông tên gọi là Sư Chất, rất ngưỡng mộ Phật giáo. Một hôm, ông sắm sửa thức ăn vật uống cao quý thành tâm cúng dường đức Phật và chúng tăng. Đức Phật nạp thọ sự cúng dường đó, đồng thời khai thị cho họ rồi cùng chúng tăng trở về Tịnh-xá. Trên đường trở về, lúc đức Phật và chúng tăng ngồi nghỉ dưới gốc cây bên cạnh dòng sông, bỗng có một chú khỉ từ trên cây nhảy xuống xin mượn bình bát của Phật, đức Phật không chút ngần ngại trao cho chú khỉ. Sau khi được đức Phật cho mượn, thoắt một cái, chú khỉ đã mang về một bình bát đầy mật ngọt, hai tay cung kính dâng lên cúng dường đức Phật. Đức Phật nhận lấy rồi chia đều cho chúng tăng cùng thọ hưởng, nhờ việc làm đó mà chú khỉ đã được vô lượng phước báu. Không lâu sau đó, chú khỉ qua đời, chuyển thế làm người và sanh vào gia đình của Sư Chất. Khi đứa bé vừa lọt lòng, tất cả những vật dụng trong nhà đều tràn đầy đường và mật. Vợ chồng Sư Chất cảm thấy rất kỳ lạ, liền đặt tên cho con là Mật Thắng. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nháy mắt đã mấy năm, Mật Thắng giờ đây lớn khôn, cậu chán ngán cảnh đời ô trược nên cầu xin cha mẹ cho phép cậu xuất gia, và cha mẹ cậu đã đồng ý. Được cha mẹ tán thành, Mật Thắng khăn gói đến Tịnh-xá Kỳ Viên xuất gia đầu Phật. Vì gieo nhân lành đời trước, nên chẳng bao lâu Mật Thắng đã chứng đạo quả. Có một lần, Mật Thắng cùng với các vị Tỳ-kheo đồng tu trên đường ra ngoài thành hóa duyên, cảm thấy nóng và khát vô cùng, mọi người đều muốn có một chút nước để uống. Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Mật Thắng liền quẳng bình bát lên không trung, sau đó đưa hai tay hứng lấy, tức thì có một bình bát mật ngọt lịm, liền đem đến chia sẻ cùng chúng tăng giải khát. Khi trở về Tinh-xá, có một vị Tỳ-kheo liền đến bạch Phật rằng: - Bạch Thế Tôn! Kiếp trước của Tỳ-kheo Mật Thắng tu phước đức gì mà tại sao lúc nào, bất cứ ở đâu, ông ấy cũng dễ dàng cầu được mật ngọt? Đức Phật ôn tồn dạy: - Các ngươi còn nhớ, cách đây khá lâu có một chú khỉ đã từng mượn bình bát của ta rồi đựng một bình mật đầy đem dâng cúng Ta và chúng tăng không? Do vì tâm hoan hỷ cúng dường đó mà sau khi chết đã chuyển kiếp khỉ làm kiếp người, nên đời này dù bất cứ ở đâu, lúc nào, cũng cầu được mật ngọt. Đức Phật dạy xong, vị Tỳ-kheo lại bạch: - Bạch Thế Tôn! Vậy kiếp trước Mật Thắng vì gây nhân gì mà bị đọa làm kiếp khỉ ? Lúc đó có rất nhiều các vị đệ tử ngồi vây quanh Ngài, Ngài nhìn đại chúng và dạy: - Mật Thắng bị đọa làm khỉ vì năm trăm kiếp về trước, vào đời Phật Ca Diếp tại thế, có một vị Tỳ-kheo trẻ nhìn thấy một vị Tỳ-kheo khác nhảy qua một khe suối, liền cười chê vị đó giống như con khỉ. Vì do tội ác khẩu đó nên đã đọa làm kiếp khỉ. Tuy nhiên, sau đó vị Tỳ-kheo này đã biết lỗi và ăn năn sám hối trước vị Tỳ kheo kia, vì vậy mới không đọa vào địa ngục thọ khổ, đồng thời nhờ thắng duyên đó nên con khỉ đã gặp được Phật, được Ngài hóa độ, và kiếp này chứng quả A la hán một cách nhanh chóng. Khi đức Phật thuyết xong, các vị Tỳ-kheo mới hiểu được rằng, một câu nói ác cũng có thể mang lại khổ báo nơi địa ngục, đọa làm kiếp súc sanh chịu khổ vô cùng. Vì thế, mọi người không nên lạm ngôn, ác khẩu mà bị quả báo trầm thống từ đời này qua kiếp khác, mà nhân quả thì không chừa một ai cả.
Hàn Long Ẩn dịch Bài sưu tầm từ Blog Diệu Hoa
|