Thứ Năm
23 Jan 2025
10:05 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 16
22 Apr 2015, 2:51 PM
82. Biển

- Đại đức có nhắc đến biển. Tại sao người ta gọi là biển trong khi nó cũng chỉ là nước thôi?

- Sở dĩ gọi là biển vì trong đó có nước hòa với muối, nên nước biển thường có vị mặn.

- Tại sao nó lại mặn?

- Vì nó tích tụ quá lâu ngày, lại tích lũy quá nhiều xương cốt của các loài thủy tộc khiến nước trở nên mặn, tâu đại vương!

- Chỉ đơn giản thế thôi ư?

- Vâng, chỉ có thế là đủ hiểu rồi, còn truy nguyên đến tận gốc cho rõ lý do thì tất là trùng trùng nhân duyên tương tác, tương thành.

- Đúng vậy.

* * *


83. Ngưng hơi thở

- Thưa đại đức, các sa môn Thích tử có thuyết rằng, nếu nhập định đến một độ sâu nào đó người ta có thể ngưng hơi thở mà vẫn không chết?

- Đúng vậy.

- Đại đức có thể cắt nghĩa được chăng?

- Vâng, nhưng đại vương có biết các loại hơi thở thường liên hệ với tâm con người như thế nào không?

- Quả thật chưa biết.

- Vậy thì đại vương hãy nghe đây. Người mà tâm địa nóng nảy, độc ác, xan tham, nhiều mê si thì hơi thở của họ thô tháo, dồn dập, đứt quảng, nặng nề. Còn người tâm an ổn, vắng lặng, thư thái, mát mẻ thì hơi thở nhẹ nhàng, điều hòa, diu và sâu. Đại vương có biết điều đó chăng?

- Thưa, có biết.

- Thế người ngủ mà thường ngáy thì ra sao?

- Có trường hợp người ban ngày làm việc nhiều, tối ngủ mê mà ngáy. Có người ham ăn, mê ngủ, đầu óc rỗng không, to mập, ngủ thường ngáy. Có người chất phát, vô tư, không lo, không nghĩ, nằm ngủ thường ngáy. Có người thân bệnh hoạn, tâm không được tu tập, ngủ thường ngáy - thưa đại đức.

- Nhưng nói chung thì ngáy, hơi thở họ ra sao? Ngủ mà ngáy thì tốt hay xấu?

- Khi ngáy, hơi thể nặng nề, thô trọc; biểu hiện trạng thái tâm không yên tĩnh nên đa phần là xấu.

- Đúng vậy. Còn người khi sắp chết, hơi thể khò khè, phát ra tiếng kêu ức ức hoặc vật mình vật mẩy, hoặc rống như trâu bò hoặc kêu như heo bị chọc tiết là sao?

- Đấy là biểu hiện một cái tâm buông lung, phóng dật, thân khẩu ý tự tung tự tác làm càn, làm quấy, làm dữ, không có giới, không có định, không có trí. Còn những biểu hiện kèm theo như kêu rống là do tạo ác nghiệp quá nặng... Chẳng hay trẫm nghĩ như thế có đúng không, đại đức?

- Hoàn toàn đúng. Cho nên hơi thở càng thô, tâm càng thô, hơi thở càng tế, tâm càng tế. Những vị tỳ kheo càng đi sâu vào thiền định thì thân an tịnh, tâm sẽ an tịnh. Thân tâm càng an tịnh thì hơi thở càng lúc càng dịu nhẹ, vi tế. Đến một lúc nào đó thân hoàn toàn chỉ tịnh thì tâm cũng hoàn toàn chỉ tịnh. Lúc ấy hơi thở cũng mất luôn, chấm dứt luôn hơi thở nhưng sự sống, sức nóng vẫn còn tồn tại.

- Có thể là đúng vì nghe rất hợp lý.

- Đấy không phải là cái lý mà là sự thật. Các tỳ kheo nhập tứ thiền có thể ngưng hơi thở, các vị Thánh nhập định diệt thọ, tưởng - không những các ngài chỉ ngưng hơi thở mà còn ngưng luôn cả cảm giác và tri giác đấy, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức đã cho trẫm mở rộng kiến văn.

Đại đức Na-tiên mỉm cười, chỉnh thêm một lượt nữa:

- Đấy không chỉ là kiến văn mà là "sự thật" khá thâm sâu của giáo pháp, tâu đại vương!

- Thật là kỳ diệu.

* * *


84. Pháp xuất thế gian

- Đại đức vừa giải thích điều cao siêu ấy mà đại đức bảo là "sự thật khá thâm sâu" của giáo pháp, thế ra giáo pháp còn những điều thâm sâu hơn thế nữa chăng?

- Phải, không những nó thâm sâu mà còn tế vi và mầu nhiệm nữa.

- Đại đức có thể nói về các pháp ấy cho trẫm nghe với chăng?

- Có thể được, nhưng đó chính là các pháp xuất thế gian (Lokuttaradhamma) nên rất khó nói.

- Tại sao lại khó nói?

- Thưa, vì rằng pháp xuất thế gian thì phải được diễn đạt và thông hiểu bằng tuệ xuất thế gian. Pháp xuất thế gian không thể lãnh hội bằng phàm tuệ được.

- Hóa ra là vậy - hóa ra là vì trẫm là người phàm!

Đại đức Na-tiên mỉm cười, không trả lời.

* * *


85. Tuệ xuất thế gian nằm ở đâu?

- Đại đức vừa nói đến tuệ xuất thế gian, vậy tuệ xuất thế gian ấy khác với tuệ như thế nào? Và tuệ xuất thế gian ấy trú ở đâu?

- Cũng chỉ là tuệ ấy (Pannà) nhưng nó sâu hay cạn đó thôi, tâu đại vương! Tuệ xuất thế gian nó cũng không có trú xứ, không có nơi chốn, như gió vậy!

- Cảm ơn đại đức! Thế thì câu hỏi ấy đại đức đã giải đáp một lần rồi.

* * *


86. Thức, tuệ và sanh mạng

- Thưa đại đức, thức và tuệ có ý nghĩa, ngữ tự giống nhau hay khác nhau?

- Ý nghĩa và ngữ tự của thức và tuệ hoàn toàn khác nhau, tâu đại vương.

- Xin đại đức giảng cho nghe.

- Thức là vinnàna, nghĩa là nhận biết, thu góp mọi kiến thức, kinh nghiệm; còn tuệ là pannà có nghĩa là thấy rõ, biết chắc mọi sự mọi vật (các pháp) đúng như thực tướng, tâu đại vương.

- Cả hai thức và tuệ ấy chính là sanh mạng ở trong thân tứ đại này phải không?

- Đại vương! sanh mạng theo cách hiểu của đại vương là linh hồn phải chăng? Và vấn đề linh hồn thường tại ở trong thân thì đại vương đã hỏi rồi, và bần tăng cũng đã giải đáp thỏa đáng rồi. Đừng nên rơi vào quan niệm thường kiến như thế!

- Vâng, nhưng trẫm vẫn bị một hoài nghi khởi sanh. Là nếu không có một sanh mạng thường tại ở trong thân thì ai là người thấy bằng mắt? Nghe bằng tai? Ngửi bằng mũi? Nếm bằng lưỡi? Đụng chạm bằng thân? Và suy nghĩ bằng ý? Hẳn phải có một linh hồn ở trong thân chứ?

- Đại vương, xin ngài hãy nghe cho kỹ đây, khi đại vương nhìn thấy một cái hoa đẹp, đại vương nhận thức rõ là cái hoa ấy đẹp chứ?

- Vâng!

- Nếu sau đó, đại vương thoáng nghe một âm thanh chát chúa, đại vương cảm thấy khó chịu chứ?

- Vâng!

- Vậy thì cái "thức nhận biết" đóa hoa đẹp và "thức cảm nghe" âm thanh chát chúa ấy nó là một thức hay là hai thức?

- Thưa, nó là hai thức.

- Vậy thì thức trước diệt rồi mới có thức sau phải chăng?

- Đúng vậy!

- Thế là đại vương đã tự trả lời, rằng là chẳng có thức thường trú như linh hồn, như sanh mạng, mà thức chỉ là duyên sanh, duyên diệt!

Đức vua Mi-lan-đà chợt như bừng sáng:

- À ra thế, chẳng có lý giải nào rõ nghĩa hơn thế! Vậy còn tuệ thì sao?

- Tuệ cũng từ cái nhận biết ấy, từ cái thức ấy chứ không phải là hai cái khác nhau: nhưng thức thì dễ sai lầm, còn tuệ thì thấy đúng, biết đúng - tuệ thấy đúng như thực tướng, tâu đại vương!

- Đại đức có thể nói rõ nghĩa hơn một chút nữa chăng?

- Thưa vâng, nhận biết của cái thức là do vô minh, ái dục chi phối, còn cái thấy của tuệ là một cái thấy trong sáng, thanh tịnh từ sự giác ngộ và giải thoát, không bị ngăn che bởi vô minh và ái dục nữa, tâu đại vương!

- Nghĩa là thức có chức năng khác, và tuệ có chức năng khác? Hay nói cách khác "thức thanh tịnh" thì "tuệ" khởi sanh?

- Vâng, có thể hiểu như vậy.

- Còn sanh mạng thì sao?

- Sanh mạng cũng như thức và tuệ vậy, nó có vai trò và chức năng khác nhau trong toàn bộ cơ cấu thân tâm của loài hữu tình, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức! Quả thật là vi diệu!

- Đại vương, điều vừa trình bày ấy quả thật là vi diệu nhưng trí óc con người vẫn có thể lãnh hội được. Còn Đức Thế Tôn thì ngài liễu tri cả những điều thậm mật hơn thế nhiều, làm được cả những việc huyền diệu mà trong tam giới không ai làm được!

- Những điều ấy là điều gì, thưa đại đức?

- Những việc tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm là cái gì cụ thể, tuy nhiên, nhận biết cho đúng là một việc khó. Nhưng thử hỏi những pháp vô hình, vô tướng, những pháp tế vi trừu tượng từ tâm vương, tâm sở thì ai là người có khả năng thấy rõ, biết chắc bằng Đức Thế Tôn?

- Vâng, xin đại đức giảng rộng cho nghe?

- Đại vương, ví như có người ngụm một ngụm nước biển, y có thể biết được nước biển ấy là mặn chăng?

- Biết được.

- Nhưng y có thể phân tích trong ngụm nước biển ấy, bao nhiêu là nước từ Hằng hà? Bao nhiêu nước từ sông Yamanà? Bao nhiêu nước từ sông Sarabbù? Bao nhiêu nước từ sông Aciravatì? Bao nhiêu nước từ sông Nahì?

- Thật không thể! Chẳng ai có khả năng phân tích ra được.

- Tại sao?

- Vì chúng đã bị trộn lẫn làm một rồi.

- Đại vương có thấy không, lưỡi nếm vị là một cái gì cụ thể, thế mà ta chẳng thể nào phân tích được, huống hồ là những pháp vô hình, vô tướng, tế vi và trừu tượng. Chúng ta làm thế nào để biết được đây là thọ (cảm giác), đây là tưởng (tri giác), đây là hành (ý chí), đây là tác ý (khởi tâm); đây là tâm vương này, tâm vương kia?

- Quả thật là khó khăn.

- Đức Thế Tôn không những biết rõ mà còn phân tích chi ly, rằng đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở trong dục giới, đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở sắc giới, đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở vô sắc giới!

- Vâng, vâng.

- Rồi Đức Thế Tôn còn biết rõ và phân tích được các trạng thái tâm, đạo và quả xuất thế gian nữa, tâu đại vương.

- Thật là kỳ diệu, thật là phi thường, thưa đại đức.

- Đúng vậy.

* * *


88. Thì giờ phải lẽ rồi

Đến đây, đại đức Na-tiên nói rằng:

- Tâu đại vương, bây giờ nửa đêm, cũng là thì giờ phải lẽ, bần tăng còn trở về chùa.

Đức vua Mi-lan-đà đáp:

- Thưa vâng, canh đầu đã qua, trống hoàng thành đã báo canh giữa từ lâu, trẫm đã làm phiền giờ giấc của đại đức nhiều lắm rồi.

Nói xong, đức vua truyền quan hầu lấy vải dạ cuộn lại, bên trong tẩm đầy dầu, đốt lên làm đèn để tiễn đại đức Na-tiên ra về. Ngài nói với quan hầu:

- Các ngươi tôn kính và phục dịch trẫm như thế nào thì phải tôn kính và phục dịch đại đức y như thế.

Các quan hầu vâng dạ rồi tán thán:

- Đại vương là bậc đại trí thức thế gian không ai dám sánh mà vị đại đức kia cũng vậy, thật là bậc trí thức cổ kim hy hữu.

Đức vua gật đầu, đáp với giọng vừa hài lòng, vừa tự mãn:

- Đúng vậy! Có vị thầy như đại đức kia và có người học trò như trẫm đây thì trên thế gian này có môn học nào lại không thể truyền đạt được? Đại đức kia kiến thức siêu quần bạt tụy thì trẫm đây cũng y như thế!

Đức vua Mi-lan-đà hoan hỷ vô cùng vì đại đức Na-tiên đã giải đáp mau lẹ, đầy đủ, rành mạch và rõ ràng những câu hỏi của ngài; bèn sai lấy bộ y gấm Kambala cực kỳ quý báu trị giá một trăm ngàn lượng bạc, dâng cúng đến đại đức Na-tiên, rồi tâu rằng:

- Ngoài bộ y này, trẫm còn muỗn dâng cúng hằng ngày tại vương cung một trăm lẻ tám mâm cơm bánh vật thực đến Chư Tăng chùa Sankheyya, xin đại đức và Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận cho. Và đại đức cùng Chư Tăng cần dùng gì xin cứ tùy thích, của trong kho luôn luôn có sẵn.

- Bần tăng xin đa tạ, nhưng tứ sự hằng ngày chúng tôi đã có đủ, đại vương đừng bận tâm suy nghĩ.

- Trẫm cũng biết đại đức sống đời tri túc nuôi mạng, chẳng màng đến lợi lộc vật chất thế gian; nhưng đại đức phải biết hộ trì mình, đồng thời hộ trì cho trẫm nữa chứ?

- Xin đại vương hãy trình bày cho rõ tôn ý?

- Vâng. Ý trẫm muốn nói là, nếu đại đức khước từ vật dụng cúng dường thì dư luận, miệng tiếng sẽ bất lợi cho đại đức và bất lợi cho trẫm nữa. Tại sao vậy? Vì mọi người trong khắp quốc độ, cả quốc độ khác nữa, sẽ nói rằng: tỳ kheo Na-tiên thật là vô tích sự, chẳng tài cán gì; nghe đồn là trí tuệ vô song nhưng đã không giải đáp được những câu hỏi sắc bén, thâm sâu của đức vua Mi-lan-đà, đến nỗi đức vua chẳng dâng cúng thứ gì đến ông ta cả. Như thế, thì dư luận ấy có tổn hại thanh danh của đại đức chăng?

Nhè nhẹ gật đầu, mỉm cười, đại đức Na-tiên nói:

- Quả có thế thật. Còn về phía đại vương thì bất lợi gì?

- Dư luận họ sẽ nói rằng, ông vua Mi-lan-đà thật là keo lẫn, rít róng; đại đức Na-tiên đã khổ công ngày đêm chẳng quản mệt nhọc, giải đáp cho đức vua từ câu hỏi này đến câu hỏi kia, từ gần đến xa, từ cạn vào sâu, từ pháp thô thiển đến pháp vi tế... thật không có chỗ nào mà chê được. Chỗ nào cũng đầy đủ rõ ràng. Chỗ nào cũng như mặt trời, mặt trăng. Thế mà đức vua hà tiện kia chẳng cúng dường gì đến bậc tu hành khả kính, trí tuệ vô song kia cả! Có đáng chán không chứ!

- Quả là người ta có thể đàm tiếu thế thật.

- Cho nên, để tự hộ trì, bảo vệ danh thơm, tiếng tốt cho cả hai, đại đức thật không thể khước từ phẩm vật cúng dường của trẫm vậy.

- Khi mà đại vương sử dụng sự khôn khéo của lý luận và miệng lưỡi thì tất cả các giống hữu tình trên thế gian đều phải bị thuyết phục! Bần tăng xin cung kính nhận sự cúng dường nhưng không phải để hộ trì danh thơm, tiếng tôt - mà chính là để hộ trì giáo pháp vậy!

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

- Thật là khéo nói thay! Và cũng thật là hộ trì chánh đáng thay!

Đến ngang đây, hốt nhiên đức vua có vẻ trầm ngâm, rồi chậm rãi, bùi ngùi tâm sự:

- Trẫm ngày ngày như con sư tử bị nhốt trong cái cũi vàng, nhưng thường hướng mặt ra bên ngoài mơ ước một cuộc đời tự do phóng khoáng. Ngôi vị đế vương của trẫm đây hằng phải chăm lo việc nước, lo nghĩ trăm công ngàn chuyện chẳng có khi nào được thanh thản ở trong lòng. Lắm lúc trẫm muốn từ bỏ tất cả để ra đi, sống đời xuất gia giải thoát, nhưng chướng duyên còn nhiều quá. Rốt lại, mơ ước cũng chỉ là mơ ước thôi!

Khi đại đức Na-tiên trở về chùa rồi, nằm trên long sàn, đức vua thao thức không ngủ được. Ngài hồi tưởng lại cuộc vấn đáp trong ngày, tự hỏi:
"Ta đã hỏi đại đức Na-tiên những gì? Và đại đức Na-tiên đã trả lời ta như thế nào?"
Rồi từng câu hỏi và đáp lần lần hiện ra trong tâm trí của đức vua. Sau khi rà soát lại toàn bộ nội dung và ý nghĩa các câu hỏi và đáp, Đức vua tự tán thán:
"Hay lắm, tất cả các câu hỏi của ta đều thỏa đáng, chơn chánh và các câu đáp của đại đức Na-tiên cũng thỏa đáng và chơn chánh vô cùng."
Với niềm vui lâng lâng trong lòng, đức vua không ngủ cho đến sáng.

Về phần đại đức Na-tiên, cũng y như đức vua vậy, vừa nằm nghỉ nghiêng lưng thì các câu hỏi và đáp lại mồn một hiện ra: "Nhà vua đã hỏi ta những gì? Và ta đã đáp những câu hỏi ấy như thế nào?" Rồi đại đức cũng tự xét: "Các câu hỏi của đức vua đều rất hay, những câu trả lời của ta cũng chẳng có chỗ nào là khiếm khuyết cả." Đại đức cũng giữ niềm hân hoan trong lòng cho đến lúc trời sáng.

Sớm hôm ấy, đại đức Na-tiên lại y bát đi vào cung, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Đức vua Mi-lan-đà đến đảnh lễ rồi ngồi một bên phải lẽ.

Đức vua chấp tay nói:

- Thưa đại đức! Suốt đêm qua trẫm đã không ngủ được vì các câu hỏi và đáp cứ lởn vởn hiện ra trong đầu. Tuy nhiên, trẫm rất hân hoan và vui sướng vì những câu hỏi của trẫm rất là chánh đáng và những câu trả lời của đại đức cũng chí lý và tốt đẹp dường bao!

Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười rồi nói:

- Đại vương tưởng rằng đêm qua bần tăng ngủ ngon giấc sao? Đại vương thao thức, hồi tưởng về ý nghĩa của những câu hỏi và đáp suốt đêm, rồi hân hoan, thích thú vì nó cho đến sáng - thì bần tăng cũng vậy chớ có khác gì! Nói tóm lại là tất cả đều tốt đẹp, về phần đại vương cũng vậy mà về phần bần tăng cũng thế!

Hai bậc trí tuệ vô song gặp nhau, tâm đắc với nhau, cùng tâm sự với nhau như thế rồi từ giã, hẹn hôm sau sẽ tái ngộ đàm đạo nữa.
---o0o---

Ghi chú:

Bản Bắc truyền "Na-tiên Tỳ kheo kinh" chấm dứt ngang đây, chỉ có 62 câu, so với bản Nam truyền là 88 câu. Ngoài ra bản Nam truyền còn hơn 150 câu hỏi và đáp nữa, xin chư vị độc giả hãy xem tiếp.


* * *


89. Phật và chư tăng, ai phước báu nhiều hơn?

Hôm sau, sau khi an vị nơi chỗ ngồi, đức vua Mi-lan-đà lại hỏi tiếp:

- Thưa đại đức, Bà Pajàpati Gotàmì là di mẫu của Phật, có dâng cúng đến Đức Phật một bộ y quý giá, nhưng Đức Phật không thọ nhận, lại nói với bà rằng: "Hãy cúng dường bộ y này đến Chư Tăng, vì cúng dường đến Chư Tăng cũng như cúng dường đến Như Lai vậy." Chẳng hay điều ấy có đúng chăng?

- Thưa, quả có như thế.

- Như vậy chứng tỏ rằng Đức Phật không cao quý hơn Tăng, không cao thượng hơn Tăng, không phải là bậc thầy tối thượng của Tăng rồi! Đại đức nghĩ như thế nào? Bộ y kia đã được làm ra thật công phu, mất biết bao nhiêu là thì giờ cùng tâm huyết? Chính tự tay bà Pajàpati Gotàmì cán bông, bắn bông, quay sợi rồi tự dệt lấy. Thế mà Đức Thế Tôn đã cam tâm từ chối!

Nếu Đức Thế Tôn quả đã tròn đủ các đức tánh cao thượng đặc biệt phi thường hơn Tăng thì ngài đã thọ nhận để cho bà di mẫu - vốn có ân đức nuôi dưỡng ngài từ nhỏ - được phước báu to lớn mới phải. Chuyện xảy ra như vậy làm cho trẫm có hai mối nghi, thưa đại đức . Mối nghi thứ nhất là phước báu của Phật không hơn phước báu của Tăng. Mối nghi thứ hai là Đức Thế Tôn quên nghĩ đến ân đức dưỡng dục đối với bà di mẫu của mình!

- Tâu đại vương, cả hai mối nghi của đại vương đều chính đáng, tuy nhiên, việc làm của Đức Phật chứng tỏ Đức Phật cao thượng hơn đại vương nghĩ rất nhiều.

- Xin đại đức hoan hỷ giải thích cho nghe.

- Bần tăng muốn giải thích bằng ví dụ.

- Vâng, trẫm rất vui lòng.

- Ví như đại vương sắp truyền ngôi cho một vị hoàng tử vậy. Muốn cho hoàng tử sau này được mọi người tôn trọng, nể phục, khả dĩ có đủ uy tín để lãnh đạo quốc độ, có đủ uy tín với lân bang; nên trước mặt bá quan văn võ triều đình, trước mặt các sứ thần ngoại giao, đại vương thường ca ngợi tài đức, phẩm hạnh của hoàng tử. Đại vương làm như thế là nghĩ đến sơn hà xã tắc trong tương lai, hay làm như thế vì nghĩ rằng hoàng tử cao quý, cao thượng hơn đại vương?

- Dĩ nhiên là trẫm nghĩ đến quốc độ sau khi trẫm nhắm mắt.

- Việc ca ngợi phước báu của Tăng cũng y như thế. Đức Phật vì nghĩ đến tương lai của giáo pháp, muốn cho giáo pháp được thịnh mãn lâu dài nên Đức Phật mới ca tụng phước báu của Tăng. Dù sao, đến thời phải lẽ, Đức Phật sẽ nhập diệt; và kẻ kế thừa sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp tồn tại năm ngàn năm là sứ mạng của Tăng. Tăng còn thì giáo pháp còn, cho nên Đức Phật khuyên bà di mẫu cúng dường đến Tăng cũng vì lẽ ấy. Đức Phật nghĩ đến Tăng cũng như đại vương nghĩ đến vị hoàng tử của đại vương vậy, đâu phải vì Tăng cao quý, cao thượng hơn Đức Phật! Đại vương hãy suy gẫm thử xem?

- Có lý lắm, trẫm đã suy gẫm rồi. Nhưng đại đức có ví dụ nào nữa chăng?

- Ví như cha mẹ vì thương con, lo lắng, chăm sóc con. Ngoài vấn đề lo cơm ăn áo mặc cho đầy đủ, đôi khi cha mẹ còn bóp tay, bóp chân tắm rửa, kỳ cọ, thoa dầu, trang điểm cho con nữa. Việc làm ấy của cha mẹ có phải là vì con cái cao quý, cao thượng hơn cha mẹ không, hở đại vương?

- Không phải thế. Mà vì cha mẹ nào cũng thương con, hằng lo cho con, mong cho con được sung sướng, được xóm làng nể trọng, để còn kế thừa sự nghiệp, đem lại danh thơm tiếng tốt cho gia đình, tổ tiên...

- Vâng, đúng là vì Đức Phật hằng chăm lo cho Tăng trong mai hậu được đầy đủ tứ sự cúng dường, được ngoại giáo và thế gian nể trọng, để thừa tự giáo pháp cho được xán lạn và vinh quang, tâu đại vương!

- Ngài còn ví dụ nào nữa chăng?

- Ví như một nước lân bang vốn quy phục đại vương, đem cống hiến cho đại vương những phẩm vật quý giá. Đại vương lại đem vật cống hiến ấy tặng cho vị quốc sư mà đại vương hằng kính trọng và thương mến. Người ta có vì lẽ đó mà bảo quốc sư ấy cao quý và cao thượng hơn đại vương chăng?

- Không thể bảo như thế được. Sở dĩ mà trẫm đem vật quý giá ấy ban tặng cho vị quốc sư là vì vị quốc sư xứng đáng được hưởng, ngoài ra, trẫm còn muốn văn võ bá quan trong triều đình tôn trọng danh dự và địa vị của vị quốc sư ấy nữa.

- Đức Thế Tôn là bậc thầy tối thượng của Tăng, là bậc thầy của chư thiên và nhân loại; ngài vĩ đại, cao thượng và cao quý hơn tất thảy chúng sanh trong tam giới, ân đức và phước báu của ngài ai nào dám so sánh được, tâu đại vương? Ở trong kinh Samyutta Nikàya (Tương ưng bộ) có kệ ngôn như sau: "Cao quý hơn tất cả các núi ở tuyết lãnh chỉ có Tuyết Sơn. Mặt trời là bá chủ, là cao quý hơn tất thảy các vật giữa hư không. Biển cả cao quý hơn tất cả sông hồ trên mặt đất. Mặt trăng cao quý hơn tất cả các vì tinh tú. Giữa tam giới, Đức Phật cao quý, cao thượng hơn tất cả chúng sanh."

Lại nữa, Đức Pháp chủ Sàriputta có thuyết rằng:
"Trên thế gian này chỉ có một người, một con người duy nhất, độc nhất, trải qua vô lượng kiếp tu tập các công hạnh, là kẻ tế độ chúng sanh; sanh ra trong thế gian là vì sự an vui, tiến hóa, sự lợi ích cho chư thiên và loài người. Vị độc nhất vô nhị ấy chính là Đức Chánh Đẳng Giác, bậc A-la-hán vô song, là Đức Phật Sakya Muni vậy." Tâu đại vương! Đức Phật cao quý và cao thượng như thế thì tâm bi mẫn của ngài đối với Chư Tăng mai hậu, đối với tiền đồ của giáp pháp cũng giống như đại vương đối với hoàng tử, như cha mẹ lo cho con, như đại vương ban tặng phẩm vật cho vị quốc sư vậy. Đại vương đã sáng tỏ chưa?

- Sáng tỏ rồi. Nhưng còn mối nghi thứ hai?

- Vậy đại vương nghĩ thế nào? Bà di mẫu cúng dường bộ y quý giá do tự tay mình làm đến Đức Phật là do động cơ nào thúc đẩy?

- Có lẽ là do động cơ mẹ con, nghĩa là nặng về tình cảm cá nhân hơn là bố thí cúng dường vì tâm ly tham, vì các trạng thái tâm cao thượng.

- Cúng dường, bố thí do tình cảm cá nhân, phước báu sẽ như thế nào so với sự cúng dường, bố thí bằng các trạng thái tâm cao thượng như xả, ly tham hoặc chỉ nghĩ đến Tăng cùng sự tồn tại lâu dài của giáo pháp?

- Dĩ nhiên bố thí cúng dường với các trạng thái tâm sau, phước báu sẽ thù thắng hơn nhiều.

- Đức Thế Tôn chính vì nghĩ đến ân đức to lớn của bà di mẫu nên ngài đã tạo duyên cho bà cúng dường bố thí đến Tăng, để bà hưởng được phước báu thù thắng trong mai hậu vậy. Điều lợi ích ấy chính đại vương đã tự nói ra.

- Vâng, hóa ra Đức Thập Lực Tuệ đã giúp cho bà di mẫu cúng dường cao thượng để bà hưởng được phước báu cao thượng. Trẫm đã rõ. Ôi! Hay vậy thay! thật là những ý nghĩa vàng ngọc, cao quý vậy thay!

-ooOoo-

Mời xem tiếp: 90-91

Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





TRUYỆN PHẬT GIÁO

TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 1253 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 0
CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]