Thứ Năm
16 Jan 2025
1:55 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 04
22 Apr 2015, 10:53 AM


2.3. Thấp thoáng bóng SƯ TỬ

Nhắc lại chuyện vua Mi-lan-đà.

Sau khi đi hỏi đạo, vấn đạo, tất cả các bà-la-môn, sa môn hữu danh trong quốc độ, đức vua Mi-lan-đà vô cùng thất vọng vì chẳng ai thỏa mãn được cho ngài vài câu, huống hồ là đi sâu vào giáo pháp! Chán nản, ngài đành vùi đầu vào chính sự, rảnh rỗi, ngài lại xem kinh, đọc sách, suy tư. Đức vua thấy rằng, tư tưởng của đạo Phật rất uyên thâm, hầu như nói ra được tòan bộ về đời sống con người, sự vui khổ cũng như sự sống chết của nó. Nhưng giáo pháp ấy cũng hàm tàng biết bao nghi vấn mà tri thức của ngài không với tới được, không kiến giải được. Ôi! hỏi ai bây giờ? Các bậc A-la-hán thật sự vắng mặt trên cuộc đời này rồi sao?

Đã bao năm, nhốt mình trong cung cấm, đức vua cũng không nhớ nữa. Hết xuân khứ rồi đông lai, tuổi già lại đến mà vấn đề "tử sinh đại sự" không giải quyết được thì phỏng đời sống này còn có tích sự gì!

Hôm kia, khi nhà vua đang dạo chơi trong vườn thượng uyển thì có một vị đại thần tìm đến xin được ra mắt ngài. Đức vua cho phép viên đại thần cùng ngồi dưới bàn đá bên gốc cây sàla tỏa bóng xanh mát.

- Tâu đại vương! Hạ thần thấy một hiện tượng rất lạ lùng.

Đức vua ưu ái ban cho viên lão thần một chung ngự tửu rồi phán:

- Khanh cứ nói đi!

- Hạ thần thu lượm rất nhiều nguồn tin khác nhau, đều là những nguồn tin đáng tin cậy. Rằng là các chùa chiền, am thất, tu viện, tự viện trước đây hoang tàn, đổ nát ở nhiều nơi, bây giờ đang được xây dựng lại quy mô hơn, tráng lệ hơn!

Đức vua thóang nhăn mày, nhưng lại nói:

- Điều ấy tốt thôi! Bản tâm của trẫm cũng thấy rõ đạo Phật xứng đáng được như vậy.

- Rồi Tăng lữ không biết từ đâu xuất hiện mà đông đúc thế không biết!

- Còn các sinh hoạt khác?

- Cận sự nam nữ hai hàng trở lại chùa sinh hoạt còn đông đảo hơn trước đây, với những lễ như: cầu an, cầu siêu, an vị Phật, trai tăng, để bát, thọ bát quan trai giới, nghe thuyết pháp v.v...

- Khanh còn nghe gì nữa chăng?

- Tâu, nghe đâu hiện có rất nhiều bậc Thánh nhân xuất hiện, họ đều là các bậc A-la-hán có nhiều thần thông; ngoài ra còn có hằng chục vị pháp sư siêu việt có mặt đó đây để chủ trì các buổi thuyết giảng, có nơi đông đến hằng chục ngàn người nghe.

Đức vua nghe đến đây bỗng thấy rạo rực trong người, hưng phấn nói:

- Thế là hay lắm! Vậy trong kinh đô ta thì thế nào? Đã mấy năm nay trẫm không hề ra ngoài.

- Tâu, ngôi chùa Sankheyya to lớn, hùng vĩ ở kinh đô bao năm nay chỉ có mấy vị sư già kinh kệ, nhang khói; mấy tháng nay có vị trưởng lão tên là Àyupàla dẫn Chư Tăng từ đâu về đông hơn cả một trăm vị. Thiện nam tín nữ lục tục kéo tới cúng dường, nghe pháp.

Đức vua Mi-lan-đà chợt đứng dậy, niềm vui vỡ òa theo với lời nói:

- Hay lắm ! Vậy trẫm lại được dịp đi hỏi đạo nơi vị đại đức Àyupàla ấy. Ôi! Hạnh phúc thay!

Thế rồi, hôm sau đức vua cho người đến chùa Sankheyya thông báo trước rồi cùng với tùy tùng xa mã, ngự giá lên đường. Rất kính trọng chốn Phật điện, đức vua ra lệnh ngừng xe ở ngoài cổng, rồi cùng với năm trăm tùy tùng, thị vệ chậm rãi đi bộ vào chốn thiền môn. Các vị sư thị giả lịch thiệp dẫn đức vua vào gặp đại đức Àyupàla, đang chờ ngài ở giảng đường mênh mông, rộng lớn, có khả năng dung chứa cả hằng vạn người.

Sau khi chào hỏi cung kính, xã giao, yên vị chủ khách rồi, đức vua hỏi:

- Bạch đại đức! Sự xuất gia của ngài đây có lợi ích như thế nào? Cao quý như thế nào?

Trưởng lão Àyupàla đáp:

- Tâu đại vương! Người xuất gia có ba điều lợi ích và cao quý như sau: nhờ thọ trì giới, người ấy thường lánh xa điều ác, thành tựu điều lành, tăng trưởng điều lành, người ấy sẽ trở thành một con người đức hạnh. Đấy là sự lợi ích và cao quý thứ nhất. Thứ hai, nhờ thực hành thiền định, người ấy tìm được sự quân bình và yên tĩnh tâm hồn, người ấy sẽ không còn bị tham sân nung đốt, quấy nhiễu nữa. Thứ ba, nhờ thực hành thiền quán mà người ấy phát sanh trí tuệ, viên mãn trí tuệ... để lần lượt chứng đắc đạo quả Thánh nhân, chấm dứt khổ đau, phiền não...

Đấy là ba điều lợi ích lớn, cao quý lớn của người xuất gia, tâu Đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu hài lòng rồi nói:

- Trẫm rất hoan hỷ về cách đáp vắn tắt nhưng đầy đủ của đại đức. Nhưng trẫm còn thắc mắc rằng, là người cư sĩ tại gia có thể thực hành để gặt hái ba điều lợi ích lớn, ba điều cao quý lớn ấy chăng?

- Có thể được, tâu đại vương !

- Xin đại đức từ bi chỉ giáo cho !

- Người xuất gia nhờ tu tập theo giới định tuệ nên gặt hái được ba điều lợi ích lớn, cao quý lớn. Còn người cư sĩ tại gia dù họ tu tập theo bố thí, trì giới, tham thiền, nhưng họ còn có cơ hội nghe Pháp mà tăng trưởng trí tuệ. Bố thí có công năng tạo trữ phước báu, mở rộng tấm lòng và học hạnh xả ly. Thọ trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới làm cho con người trở nên hiền thiện, đức hạnh. Tham thiền có công năng làm cho tham sân lặng yên. Và nghe pháp có thể khai mở trí tuệ, chứng đắc các đạo quả Thánh nhơn . Như vậy, người cư sĩ tại gia cũng có thể thực hành và thành tựu ba điều lợi ích, cao quý ấy, tâu đại vương !

- Đại đức nói vậy thì có gì làm bằng chứng?

- Có chứ, tâu đại vương! Lúc Đức Thế Tôn thuyết về Túc sanh truyện, nhất là truyện kể về thái tử Vessantara với 700 đại thí, ở gần cửa thành Sankassa, hằng chục ngàn cư sĩ dự nghe đều đắc được quả Thánh, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà chợt cất lời tán thán:

- Ôi! Thật là vi diệu! Hôm nay nhờ đại đức khai mở kiến thức cho trẫm thấy rõ răng: chỉ nghe Pháp thôi cũng có thể thành tựu được đạo quả Thánh nhân, không kể là xuất gia hay tại gia!

- Đúng thế, tâu đại vương!

Bất ngờ nhất, đức vua Mi-lan-đà hỏi vặn lại:

- Thế thì, thưa đại đức! Sự xuất gia của ngài và của hơn trăm vị tỳ khưu trong ngôi chùa Sankheyya này, trong khắp quốc độ này, quả thật là vô ích, rỗng không, chẳng lợi ích gì ráo, chẳng cao thượng gì ráo. Vì sao vậy? Vì làm một tại gia cư sĩ cũng có thể thành tựu ba điều lợi ích lớn, ba điều cao quý lớn? Thưa, có phải vậy chăng?

Trưởng lão Àyupàla Phật học uyên thâm nhưng không sở trường về tranh luận, không nắm rõ những câu hỏi nom có vẻ bình thường nhưng ẩn dấu nhiều gút mắc, nên ngài đã không trả lời được, nín lặng.

Đức vua Mi-lan-đà còn tấn công tiếp, không khoan nhượng:

- Như vậy, giống dòng của sa môn Thích tử xuất gia, giữ gìn trai phạn nghiêm cẩn, không dùng quá ngọ là vì đã tạo trữ những việc làm xấu xa từ trước, nghiệp còn dư sót nên kiếp này phải bị trả quả ăn mỗi ngày một bữa, có phải thế chăng? Có phải các vị xuất gia ấy trước đây đã cướp đoạt món ăn của kẻ khác, bỏ đói kẻ khác nên kiếp này phải ăn ít lại để trả nợ mình đã gieo?

Có một số các vị xuất gia khác, theo hạnh đầu đà sống đời không nhà cửa, ngụ ở cội cây, rừng, nghĩa địa, chỗ không có mái che ... trông rất là tội nghiệp. Tại sao thế? Các vị ấy trước đây lỡ gây nhân trộm cướp, đốt phá xóm làng, dỡ nhà cửa của kẻ khác, cướp đoạt nhà cửa của kẻ khác làm cho người ta không có mái che trên đầu, chẳng còn nhà để ở; nên kiếp này, suốt đời phải bị trả quả xấu do nghiệp mình đã làm, chứ cao thượng cái nỗi gì?

Có rất nhiều vị thọ đầu đà bậc thượng, suốt đời ngăn oai nghi nằm, họ cũng chẳng cao thượng gì đâu! Tại sao? Vì họ đã từng làm trộm cướp, sau khi đón đường tước giật của cải, tài sản của kẻ lữ hành còn bắt trói họ, buộc hai cánh tay vào sau, bắt họ ngồi không cho họ nằm! Thế đấy, gây nhân sao thì gặt quả vậy chẳng sai trật tí nào.

Thưa đại đức! Vậy những giới, những định của các bậc sa môn xuất gia chẳng hơn gì người tại gia, mà trái lại, còn tệ hơn nữa vậy. Sống đời tại gia được phước báu nhiều hơn; được thọ hưởng ngũ dục nhưng rồi cũng đắc đạo quả Thánh nhân như ai. Có phải thế không, đại đức hãy trả lời cho trẫm nghe đi?

Trưởng lão Àyupàla thấy lập luận của nhà vua không đúng với sự thật, không đúng với vận hành nhân quả qua các kiếp sống, nhưng vì không có biện tài nên ngài không đáp được, đành ngồi giữ im lặng của bậc Thánh.

Một vị lão thần trong năm trăm người tùy tùng tâu rằng:

- Thưa Đại vương! Theo hạ thần được biết, ngài đại đức trưởng lão thâm uyên Phật học, từng thuộc lòng năm bộ kinh Nikàya, nhưng vì do không được lợi khẩu, lợi trí nên không đáp được đấy thôi. Ngưỡng mong đại vương mở lượng hải hà dung thứ!

Lòng cao ngạo chợt khởi lên, đức vua Mi-lan-đà nói to, giọng như sấm động:

- Chẳng phải chỉ riêng có đại đức đây không đáp được, mà toàn cõi châu Diêm-phù-đề này cũng thế, chẳng có sa môn nào đáp được đâu. Tất cả đều rỗng không, điêu tàn, hoang phế... là kiến thức và trí óc của các sa môn Thích tử đời nay! Cho dẫu họ có tự xưng mình là bậc A-la-hán, là bậc Chánh Đẳng Giác đi chăng nữa thì cũng ngồi mà toát mồ hôi vì những câu hỏi của trẫm đưa ra!

Trưởng lão Àyupàla tự nghĩ: "Đúng là ta chẳng thể nào soi sáng vấn đề cho đức vua dầu kinh điển ta nắm vững. Các vị đại tôn túc đã nói rất rõ rằng, lúc cần thiết, tỳ kheo Na-tiên sẽ có mặt ở đây, sẽ dùng trí tuệ biện tài để khuất phục đức vua này. Trách nhiệm bước đầu của ta thế là xong."

Từ giã chùa Sankheyya, đức vua vô cùng buồn bã. Ba hôm sau lại có vị đại thần tên là Nemittiya vào tâu với đức vua:

- Mấy năm nay hạ thần có nghe danh một vị Thánh tăng tên là Na-tiên, còn đang độ thanh xuân nhưng sức học bao trùm thiên hạ. Vị ấy xuất thân trong gia đình bà-la-môn, thuở mới bảy tuổi đã thông suốt Tam Phệ-đà luôn cả chú giải cùng năm bộ sách truyền thống của tôn giáo này. Thế rồi, vị ấy từ bỏ truyền thống, bao năm tu học trong nhiều hang động ở tuyết sơn và các thảo am dưới chân ngọn Hymalaya. Vị ấy đã thọ giáo chân truyền từ các bậc đại ẩn sĩ. Sau đó, mới hơn hai mươi tuổi đầu, vị ấy đã được các bậc đại sư phụ cho xuống núi. Từ đó, suốt từ miền đông đến miền nam, chùa chiền được chỉnh tu, am thất, tự viện mọc lên, Tăng chúng từ đâu đổ về, những chiếc y vàng chói lọi dày đặc khắp các thành phố, thị trấn, hang cùng ngõ hẻm...

Tâu đại vương! Vị ấy quả thật có thần cơ diệu toán, phục hưng Phật giáo rất có chiến lược và chiến thuật. Vị ấy đánh ngoài vào trong và hiện đang bao vây kinh đô của đại vương! Cuộc luận chiến cách đây mấy hôm ở ngôi chùa Sankheyya mà đại vương đã gặp, đấy chỉ là một đội quân "tiền trạm", thăm dò thực lực của đại vương đấy thôi!

Đại thần Nemittiya vốn là viên võ tướng nên cách trình bày, ngôn ngữ nhuốm mùi trận mạc. Vừa nghe đến tên Na-tiên, đức vua đã cảm thấy xao xuyến, rúng động cả châu thân, không biết tại sao!

Vị đại thần vô tình không hay biết, cứ thao thao bất tuyệt:

- Vị Thánh Tăng Na-tiên ấy từ nơi này sang nơi khác, lần lượt luận thắng các danh sĩ bà-la-môn, lần lượt khai đàn thuyết giáo độ cho rất nhiều tu sĩ và thiện nam tín nữ. Đi đâu, vị Thánh Tăng ấy cũng rất đông đảo đệ tử tùy tùng cùng đồ chúng. Người ta nói rằng dung mạo vị ấy đẹp như đức Ànanda, là vị thị giả của Đức Phật thời sinh tiền, đạo hạnh và trí tuệ thì đúng là tôn giả Sariputta, đại đệ tử trí tuệ đệ nhất của Phật tổ hóa sanh!

Tâu đại vương! Hiện tại, vị Thánh Tăng ấy với đông đảo tùy tùng vừa đến chùa Sankheyya sáng nay, kinh đô Sàgala của đại vương đã bị hằng trăm ngàn tu sĩ áo vàng đánh chiếm mất rồi!

Bần thần, đức vua đứng dậy làm rơi vỡ một tách trà, trong lúc ấy, viên đại thần tên là Devamantiyà xuất hiện:

- Tâu đại vương!

- Cứ nói - đức vua phán.

- Vị Thánh Tăng Na-tiên mà quan thượng thư vừa trình bày là đúng sự thật. Vị ấy thông suốt Tam Phệ-đà, thông suốt Tam Tạng là chuyện không phải ngoa truyền. Không kể vị ấy, chính những đệ tử của vị ấy, mới xuất gia tỳ kheo hai, ba năm mà cũng rất nhiều vị thuộc lòng một tạng, hai tạng. Họ chẳng sợ hãi một ai cả, chia nhau từng người đi hoằng pháp đó đây.

Đức vua Mi-lan-đà đã lấy lại bình tĩnh, chậm rãi hỏi:

- Các khanh có nghe nói đến sở học và trí tuệ của vị ấy chăng?

- Tâu, đại vương thông suốt mười tám môn học nghệ, thì nghe đâu vị ấy còn thuộc vào loại tổ sư! Như vậy mọi kiến thức về triết học, thắng luận, thiên văn, địa lý, toán học, văn chương, sử truyện, ngữ ngôn, cú pháp, cổ văn, tử vi, chiêm tinh v.v... thì đại vương chớ nên đụng đến làm gì! Còn Phật học thì kiến thức của vị ấy nghe đâu được một trăm lẻ tám vị Thánh Tăng A-la-hán trên Hy mã lạp sơn trao truyền. Vị ấy còn là bậc lợi khẩu, lợi trí, lợi tuệ; ăn nói lại du dương, trầm bỗng, lưu loát; quần chúng như bị mê hoặc bởi từ nhiều vẻ đẹp: kiến thức, tâm hồn cùng tướng mạo của vị ấy nữa.

Tâu đại vương! Nghe đâu, các vị chư thiên, Tứ đại Thiên vương, Đế thích Thiên vương cũng bị vị ấy nhiếp phục, thâu làm đệ tử. Nếu thế, vị ấy muốn làm thầy không những chỉ cõi người mà còn làm thầy cả cõi trời nữa!

Vị ấy hiện giờ đang ở trong kinh đô của đại vương, chùa Sankheyya; Tăng chúng và thiện nam tín nữ từ mười phương đang kéo nhau về đấy để nghe pháp, cúng dường. Năm con sông đổ tuôn về biển như thế nào thì mọi ngã đường người ta đổ tuôn về chùa Sankheyya cũng dường thế ấy!

Đức vua Mi-lan-đà đi tới đi lui, đi lui rồi đi tới, trời không nóng mà ngài chảy mồ hôi. Đức vua đã cảm thấy sợ hãi thật sự, mọi biện pháp trấn an, làm chủ cảm xúc chợt trở nên vô ích khi nghe kể về vị Thánh Tăng tên là Na-tiên!

Thật lâu sau, đức vua mới nói:

- Các khanh hãy đến chùa Sankheyya, nói với đại đức Na-tiên rằng, là hoàng đế Mi-lan-đà sẽ đến thăm đại đức và Tăng chúng ngay ngày mai.

Thế rồi hôm sau, đức vua sửa soạn long xa cùng với thị vệ tùy tùng năm trăm người, ngự giá đến chùa Sankheyya. Khi ấy, ngài Na-tiên đã chuẩn bị sắp xếp đâu vào đó sẵn sàng: ngài đang ngồi giữa giảng đường to lớn cùng với tám mươi ngàn tỳ khưu! Sở dĩ ngài Na-tiên tập trung số Tăng chúng đông đảo như vậy là muốn đánh mạnh vào tâm lý của đức vua; vì uy lực của Tăng thường làm cho cả loài chúa sơn lâm kiêu hùng nhất cũng phải cụp đuôi!

Và quả thật như vậy, vừa bước vào, ngó lên giảng đường, tóc đức vua đã dựng ngược! Tăng chúng lớp lớp uy nghi, trang nghiêm ngồi bất động, trầm mặc tạo nên một uy lực làm cho đức vua run sợ thật sự!

Đức vua hỏi nho nhỏ vị đại thần thân tín:

- Này Devamantiya! Tăng chúng ở đâu mà đông đúc kinh khiếp như thế?

- Tâu, hạ thần cũng không biết nữa, chắc là họ dùng thần thông biến hóa ra!

- Hoang đường!

- Vậy thì hạ thần xin tâu rõ: bốn mươi ngàn vị ngồi ở đằng sau đều là tân tỳ kheo, thọ đại giới từ một hạ đến sáu hạ! Bốn mươi ngàn vị ngồi đằng trước cao hạ hơn, từ tám hạ đến hai mươi hạ.

Tuy nhiên, dầu nhỏ, dầu lớn, họ đều là tùy tùng, đang theo học với vị Thánh tăng Na-tiên cả thảy! Đại vương đã khiếp chưa, họ đều quy giáo, khâm phục ngài Na-tiên!

- Sao khanh biết rõ vậy?

- Tâu, vì khâm phục và sợ hãi vị ấy nên hạ thần đã điều tra tận tường!

Đức vua Mi-lan-đà lúc ấy như con voi bị vây khổn giữa bầy tê ngưu, như loài rồng nằm co lại trước móng vuốt của những con chim đại bàng, như con chó chóc bị con trăn quấn chặt và sắp nuốt, như con gấu ngựa bị trâu rừng bao vây, như con ếch bị con rắn rượt đuổi, như con nai bị sập bẫy thợ săn, như con chuột run sợ trước oai lực của mèo, như loài tà tinh quỷ mị ở trong tay ông thầy pháp, như mặt trăng bị nhật thực ăn nuốt... Hoặc như rắn bị bắt trong giỏ, chim bị nhốt trong lồng, cá bị dính lưới, như trẻ đi lạc trong rừng sâu nhiều thú dữ, như dạ xoa có tội gặp mặt Tỳ sa môn Thiên vương (Vessavanna), như vị trời hết thọ mạng rời thiên cung v.v... Cũng như thế ấy là sự sợ hãi của đức vua khi đối diện với tỳ kheo Na-tiên cùng với Tăng chúng của ngài. Tuy nhiên, vốn là người trí dũng song toàn, văn võ toàn tài, đức vua đã vội trấn an bằng ý nghĩ như vầy: "Đại đức này dầu có ghê gớm đúng như lời đồn đãi, với khí thế uy mãnh, hùng lực hôm nay, cũng không làm gì nỗi ta đâu!" Rồi ngài mỉm cười nói với viên đại thần thân tín:

- Khanh khỏi cần giới thiệu. Giữa tám mươi ngàn vị tỳ kheo, trẫm có thể nhận ra ngay ai là Na-tiên đại đức.

Và quả đúng như vậy, tỳ kheo Na-tiên ngồi giữa như một vầng trăng sáng bởi diện mạo uy nghi và cốt cách tỏa ra, chẳng thể lầm lẫn được.

Quan đại thần Devamantiya gật đầu:

- Đúng thế, tâu đại vương! Ngài đã nhận ra chúa sư tử lông vàng rồi vậy.

Dầu đã tự trấn áp, tâm của đức vua vẫn bị chao đảo, như bị sóng đánh, nó không thể lặng yên: ngài đã không làm chủ được mình trước cuộc luận tài vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người!

Cuộc vấn đáp giữa vua Mi-lan-đà và tỳ kheo Na-tiên bắt đầu!

-ooOoo-





Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





TRUYỆN PHẬT GIÁO

TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 1145 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 1 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
Tổng-số Ý-kiến: 1
1 Cường  
0 Spam

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]