Thứ Năm
23 Jan 2025
10:19 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

KINH ẨN DỤ VI
28 Jan 2011, 1:23 PM


Chương LX Luận Trí Độ


Bài 203: Cảnh Chiêm Bao


Trong cảnh chiêm bao kia,
Thật không có việc lành,
Mà lại cho là lành.
Việc không đáng giận dữ,
Mà giận dữ nổi lên.
Việc không đáng run sợ,
Mà lại run sợ quá.
Chúng sanh trong ba cõi,
Cũng như thế ấy cả.
Vì các mê vô minh,
Còn nằm ngủ trong lòng,
Cho nên chẳng đáng sân,
Mà lại nổi sân lên,
Chẳng đáng phải buồn phiền.
Cho nên phải biết rằng,
Ngoài tâm ra chẳng có,
Cảnh chi sai khác cả.
Chỉ do sự mê, tỉnh,
Mà thấy có sai khác,
Người mê bị nhiễm cảnh,
Người tỉnh chẳng động tâm.
Thế nên ngoài tâm ra,
Không có tướng địa ngục,
Khi ác nghiệp thành tựu,
Mới thấy có chịu khổ.

Chương LXI Luận Thập Nhị Nhân Duyên

Bài 204: Bánh Xe Chạy Tròn

Gọi mười hai nhân duyên,
Phiền não nghiệp và khổ,
Ba món này thay đổi,
Mà làm nhân, làm duyên,
Lẫn nhau mãi mãi vậy.
Như bánh xe chạy tròn,
Vô minh và ái, thủ,
Ba thứ là phiền não,
Hành và hữu là nghiệp.
Còn lại bảy món kia,
Là thức và danh sắc,
Lục xứ, xúc và thọ,
Sanh, lão, tử là khổ.
Do phiền não sanh nghiệp,
Nhân nghiệp mà sanh khổ,
Nhân khổ sanh phiền não.
Phiền não, nghiệp và khổ,
Ba món này thay nhau,
Sanh luôn chẳng ngừng nghĩ,
Như bánh xe chạy tròn.

Chương LXII Luận Tà Trí

Bài 205: Cây Nghiêng

Ngài Ma Ha bạch Phật:
“Những lúc tôi gặp xe,
Ngựa, voi điên và người,
Đang chửi bới đánh lộn,
Tôi mất tâm niệm Phật,
Nếu lâm nạn bị chết,
Sẽ sanh vào cõi nào?”

Đức Phật dạy bảo rằng:
“Những lúc không may ấy,
Người được sanh cõi lành,
Chẳng sanh ác đạo đâu,
Vậy người đừng lo sợ.
Ví như cái cây kia,
Thường ngày nghiêng hướng Đông,
Nếu mà nó bị ngã,
Quyết định ngã hướng Đông.
Người lành cũng như thế,
Nếu khi thân bị chết,
Nhờ nơi sức hun đúc,
Ý thức lành từ lâu,
Như: chuyên tâm trì giới,
Học hỏi và bố thí,
Chắc được nhiều lợi ích,
Mà sanh về cõi trời”.

Chương LXIII Luận Đại Trang Nghiêm

Bài 206: Sư Tử Và Chó Dại

Ví như con sư tử,
Khi bị người đánh bắn,
Nó liền tìm kẻ ác,
Mà trả thù cho được.
Lại như con chó dại,
Cũng bị người đánh đập,
Nhưng chẳng biết kẻ thù.
Sư tử, dụ người trí,
Biết tìm nơi cội gốc,
Mà diệt trừ phiền não.
Chó dại, dụ ngoại đạo,
Thường lấy năm thứ lửa,
Mà đốt hại thân mình,
Chẳng biết bản tâm vậy.
Đã là kẻ phàm phu,
Đa số mờ Chân Đạo.
Họ chẳng biết quan sát,
Thân tâm là vô ngã,
Chỉ chuyên tập khổ hạnh,
Cho đó là Chánh Đạo.
Rồi họ cũng vọng hành,
Như ngoại đạo tà pháp,
Lầm chấp tà làm chánh,
Tự gây nên ác nghiệp.

PHỤ TRƯƠNG

Những bài ví dụ sau đây chúng tôi không biết ở trong Kinh nào nên phải xếp vào phần phụ trương

Bài 01: Người Bị Bắn Mũi Tên

Phật thông suốt vạn vật,
Nhưng chỉ dạy mọi người,
Pháp Tứ Đế mà thôi.
Có một lần Phật ngự,
Tại thành Kô Sam Bi,
Trong rừng Sing Na Sa,
Phật ngắt một nắm lá,
Và hỏi các Tỳ Kheo:
“Lá trong tay Ta nhiều,
Hay lá trong rừng nhiều?”

Các Tỳ Kheo bạch Phật:
“Những lá Phật cầm ít,
Còn lá trong rừng nhiều”.

Phật dạy các Tỳ Kheo:
“Những điều ta thấy biết,
Tựa như lá trong rừng.
Những điều ta đã dạy,
Ví như một nắm lá,
Ta đang cầm trong tay.
Sao ta không giảng dạy,
Cho các người điều biết,
Lý nghĩa của sự vật,
Bởi vì những điều đó,
Không ích lợi trực tiếp,
Trên con đường giải thoát,
Đưa đến quả Niết Bàn.
Bởi thế ta chỉ dạy,
Căn nguyên những sự khổ,
Làm sao để diệt khổ,
Nương tám đường Chánh Đạo.
Để diệt hết sự khổ,
Đến cảnh giới Giải Thoát”.

Phật liền lập thí dụ:
“Có người bị bắn phải,
Mũi tên tẩm thuốc độc,
Không cho thầy thuốc chữa,
Lại chờ hỏi cho rõ,
Người bắn mũi tên ấy,
Thuộc về bộ lạc nào,
Mũi tên làm bằng gì?”

Đúng như thí dụ này,
Nếu có ai nói rằng:
‘Tôi không quy y Phật,
Nếu Phật không chỉ dạy,
Cho tôi biết vũ trụ,
Có trường tồn hay không?’
“Người đó sẽ chết trước,
Khi được ta khai ngộ”.

Bài 02: Như Lai Cũng Cày Và Gieo
Đức Phật, một thời kia,
Ngự tại Ê Ka Na La,
Một làng Bà La Môn,
Của xứ Ma Ga Đa.
Có năm trăm nông dân,
Đang cùng nhau làm việc,
Cho ông Bà La Môn,
Tên KaSi-Bara-Vaza,
Vừa sửa soạn ra đồng.
Phật đắp y, mang bát,
Đến nơi họ sắp đặt,
Phân phối những vật thực.
Phật đứng sang một bên.
Vị Bà La Môn ấy,
Thấy Đức Phật bèn nói:
“Này Tôn Giả nên biết!
Tôi phải cày và gieo,
Sau đó mới được ăn,
Tôn Giả phải gieo cày,
Sau đó mới được ăn”.
“Này ông Bà La Môn!
Như Lai cũng cày gieo,
Đã cày và gieo xong,
Như Lai mới hưởng dụng”.
“Nhưng tôi có thấy đâu?
Cái cày và cái ách,
Cũng không có thấy bò, roi,
Của Tôn Giả Cồ Đàm.
Mặc dầu Tôn Giả nói,
Đã cày và gieo xong,
Như Lai mới hưởng dụng.
Tôn Giả cũng tự xưng,
Là một người dân cày,
Nhưng chúng tôi nào thấy,
Lằn cày của Tôn Giả,
Xin Tôn Giả cho biết,
Tôn Giả cày ở đâu?”

Đức Phật bèn đáp lời:
“Đức tin là hột giống,
Kỷ luật là trận mưa,
Trí huệ là cái cày,
Cũng là cái ách nầy,
Khiêm tốn là cáng cày,
Tâm tức là dây cương,
Chánh niệm là lưỡi cày,
Cũng là roi bò vậy.
Như Lai luôn luôn sống,
Với Lục Căn thu thúc,
Lời nói cùng ăn uống,
Bao giờ cũng độ lượng.
Như Lai dùng chân thật,
Cắt hết cọng cỏ dại,
Khi thành đạt Đạo quả,
Tối thượng A La Hán,
Mà mở dây thả bò.
Tinh tấn là loài thú,
Chở chuyên nặng nề nhất,
Đã giúp đưa Như Lai,
Đến trạng thái tốt đẹp,
Được tự tại an lạc,
Tức là Niết Bàn vậy.
Nếu tinh tấn thẳng tới,
Không còn quay trở lại,
Không còn vướng phiền não,
Chính lằn cày của ta.
Được thực hiện như thế,
Đem lại kết quả tốt,
Là trạng thái bất tử,
Đã kéo xong lằn cày,
Thì không còn phiền muộn”.

Nghe xong lời Phật nói,
Vị Bà La Môn ấy,
Bới đầy một chén cơm,
Trộn sữa dâng Đức Phật,
Và cung kính thưa mời:
“Xin Tôn Giả Cồ Đàm,
Độ chén cơm trộn sữa,
Tôn Giả Cồ Đàm đây,
Quả thật là nông dân,
Vì Ngài đã gieo trồng,
Một loại cây bất tử”.

Tuy nhiên, Phật chối từ,
Không nhận chén cơm ấy,
Ngài dạy như thế này:
“Vật thực, mà nhận lãnh,
Sau khi giảng dạy đạo,
Là điều không thích đáng,

Để cho Như Lai dùng.
Này ông Bà La Môn!
Đó đúng là thông lệ,
Của bậc Đại Giác vậy.
Một Đấng Chánh Biến Tri,
Không dùng vật thực ấy,
Khi nào truyền thống này,
Luôn luôn được tôn trọng,
Thì đó là Chánh Mạng”.


Bài 03: Mưa Rải Từ Khắp


Nếu mưa không riêng tư,
Lòng thương người của Phật,
Cũng không riêng người nào.
Dưới đây là câu chuyện,
Lúc Phật còn tại thế,
Ở ngoài thành Xá Vệ,
Có một túp liều tranh,
Của người Chiên Đà La.
Cha mẹ anh đã chết,
Anh sống nghề gánh phân,
Tự nhận thấy vất vả,
Nhưng trong lòng vẫn vui,
Đối với việc anh làm,
Tuy người cho hèn mọn.
Một hôm anh nghe đồn,
‘Có một bậc vương giả,
Bỏ ngôi báu đi tu,
Đã chứng được Đạo quả,
Đem cứu khổ mọi người,
Không riêng tư cho ai’.

Anh không dám mơ ước,
Gặp người cao quý ấy.
Nhưng anh đã gặp được,
Đức Phật khoác y vàng,
Mang bát đi trên đường,
Cùng sống đông đệ tử.
Anh nép mình vào bụi,
Để nhường lối Phật đi,
Anh nghe có tiếng gọi,
Rõ ràng là tên anh.
Phật đang vẫy tay gọi,
Kêu bảo anh lại gần,
Anh đứng im một chỗ.
Phật gọi anh lần nữa,
Anh ngập ngừng thưa rằng:
“Con là người gánh phân,
Thân ô uế thấp hèn,
Con không dám gần Ngài”.

Đức Phật hiền từ bảo:
“Con đừng e ngại gì,
Không có sự thấp hèn,
Trong thớt thịt con người,
Hay trong dòng máu đỏ,
Đang lưu chuyển trong thân.
Con hãy đến với ta!”

Anh rụt rè đến gần,
Sụp xuống dưới chân Phật,
Phật rờ đầu anh bảo:
“Ta thật đã hiểu thấu,
Nỗi băn khoăn của con,
Nay ta cứu độ con”.
Lòng anh rất vui mừng,
Tưởng tất cả hạnh phúc,
Đều đã đến với anh.
Phật thân hành dắt anh,
Đến sông Hằng tắm rửa,
Rồi đưa anh thẳng về,
Tịnh xá hiệu Kỳ Hoàn,
Xuất gia làm Sa Môn.
Anh khoác chiếc áo vàng,
Đi vào cuộc đời mới.
Đức Phật giảng dạy anh,
Những băn khoăn thắc mắc.
Nhờ Phật khai tâm trí,
Và nhờ công luyện tập,
Đến độ rằm tháng ấy,
Vị Sa Môn mới này,
Đã chứng quả La Hán,
Hiểu biết được sâu rộng,
Và thần thông xuất chúng.
Tin Đức Phật độ cho,
Một người Chiên Đà La
Được truyền đi khắp nơi,
Người nghèo thời ca tụng.
Kẻ giàu và vua chúa,
Thì họ nghĩ ngược lại.
Nhà vua thì bất bình,
Cho rằng làm như vậy,
Là ô nhục Sa Môn,
Gây khó khăn vua chúa,
Trong việc lễ cúng dường.
Nhà vua đến Tịnh Xá,
Vào sân, Ngài để ý,
Thấy một vị Sa Môn,
Đang ngồi tu thiền định,
Trên một phiến đá to,
Hiện thần thông kỳ diệu.
Ngài vô cùng cảm phục.
Nhà vua vào lễ Phật,
Ngài kính bạch Phật rằng:
“Sa Môn kia hiệu gì,
Sao có lắm thần thông?”

Đức Phật đáp: “Đó là,
Một người Chiên Đà La,
Trước làm nghề gánh phân,
Nhờ công hạnh tinh tấn,
Được chứng A La Hán”.

Nhà vua quá kinh hoàng,
Không biết nói thế nào,
Đức Phật bèn nói thêm:
“Trong bùn lầy thường mọc,
Những hoa sen tốt đẹp”.
Rồi Phật hỏi nhà vua:
“Như ở trong bùn lầy,
Mọc hoa sen thơm ngát,
Đã thấy được hoa ấy,
Bệ Hạ có hái không?”

Nhà vua trả lời ngay:
“Hoa tuy mọc trong bùn,
Mà hương hoa thơm ngát,
Nên dùng để trang nghiêm.
Còn bùn lầy dơ bẩn,
Nên xem như đang thai,
Của bà mẹ chẳng khác.
Chính từng trong bào thai,
Mà sanh những đóa hoa,
Công đức bất tư nghì”.

Phật gật đầu bằng lòng,
Nhà vua càng cảm phục,
Sự sáng suốt của Phật,
Nguyện cúng dường hơn trước,
Vua càng thêm chăm lo,
Săn sóc đến đời sống,
Của dân chúng nghèo khổ.


Bài 04: Hoa Hồng


Thế gian sai biệt này,
Không hoàn toàn tươi đẹp.
Thơm tho và tươi đẹp,
Những cây sinh ra nó,
Thời mình đầy gai gốc.
Hoa là phần của hoa,
Gai là phần của gai.
Ta không nên vì hoa,
Mà lao mình vào gai.
Cũng không nên vì gai,
Mà xa lánh hoa hồng.
Với hạng người lạc quan,
Thế gian như hoa hồng.
Người bi quan, trái lại,
Nhìn thấy đầy gai chướng.
Đối với người thực tiễn,
Thế gian không tuyệt đối,
Là hoàn toàn tươi đẹp,
Hay hoàn toàn xấu xa.

Bài 05: Cái Xay Quạt lúa Và Cái Rây

Cái xay quạt lúa kia,
Quạt đi những bụi rác,
Nhưng giữ lại tất cả,
Những hạt lúa no đầy.
Cái rây thì trái lại,
Giữ phần xác thô sơ,
Mà lược đi tất cả,
Nước trái cây ngon ngọt.
Cũng như thế, chẳng khác,
Cái tri thức trau dồi,
Tất cả phần tinh tế,
Bỏ đi phần thô sơ.
Hạng ngu si giữ gìn,
Toàn những cái thô trược,
Phần tinh vi tế nhị,
Lại chê bỏ không dùng.

Bài 06: Làm Như Kẻ Mù, Điếc, Câm

Để không thấy lỗi lầm,
Của tất cả người khác,
Ta làm như kẻ mù.
Để không nghe những lời,
Chỉ trích của người khác,
Ta làm như kẻ điếc.
Để không nói xấu người,
Ta làm như kẻ câm.


Bài 07: Chông Gai Và Đá Nhọn


Thế gian đầy chông gai,
Và rất nhiều đá nhọn.
Ta không thể dẹp sạch,
Tất cả gai và đá.
Nếu phải đi trên đó,
Tốt hơn ta nên mang,
Một đôi giày bền chặc,
Thận trọng đi từng bước,
Ta sẽ được an toàn.
Cũng như thế, chẳng khác,
Giữa những cảnh được thua,
Danh thơm và tiếng xấu,
Khen chê và thưởng phạt,
Hạnh phúc và đau khổ,
Tâm ta luôn bình thản.

Bài 08: Sư Tử - Luồng Gió - Hoa Sen

Hãy như loài sư tử,
Không hề biết run sợ,
Trước tất cả tiếng động.
Hãy như những luồng gió,
Không bao giờ dính mắc,
Trong tất cả màng lưới.
Hãy như loài hoa sen,
Từ bùn dơ mọc lên,
Nhưng không bị ô nhiễm.
Hãy vững bước một mình,
Lòng an nhiên tự tại.

Bài 09: Sống Trong Bùn Dơ Nước Đục

Ta sống trong bùn dơ,
Và ở trong nước đục.
Ví như đóa hoa đẹp,
Từ bùn dơ vượt lên,
Để tô điểm sơn hà,
Mà không bị nước đục,
Bùn dơ làm hoen ố.
Chúng ta phải vui sống,
Một đời thật trong sạch,
Giống như đóa hoa sen,
Nên hoan hỷ đón nhận,
Bùn nhơ nén vào mình.

Bài 10: Đại Ý Bát Nhã

Quán Tự Tại Bồ Tát,
Hành thâm Pháp Bát Nhã.
Ngài soi thấy năm uẩn,
Đều không có Thật Tướng,
Nên độ hết khổ ách.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Này ông Xá Lợi Phất!
Sắc uẩn là chân không,
Chân không tức sắc uẩn.
Lãnh thọ và nghĩ tưởng,
Hành động và phân biệt,
Đều cũng như thế cả.
Này ông Xá Lợi Phất!
Tướng chân không mọi vật,
Không sinh và không diệt,
Không nhơ và không sạch,
Không thêm và không bớt.
Nên trong chổ chân không,
Không có hẳn năm uẩn,
Hình sắc và lãnh thọ,
Nghĩ tưởng và hành động,
Luôn cả phân biệt nữa.
Cũng không có tai, mắt,
Mũi, lưỡi và thân, ý,
Cũng không có sắc, thanh,
Hương vị cùng xúc pháp.
Và cả mọi sự vật,
Không có gọi tám thức,
Không có hết vô minh,
Cũng không có vô minh.
Nhãn thức đến ý thức,
Cho đến không già chết,
Không có hết già chết,
Không khổ, tập, diệt, đạo.
Không trí huệ phải tu,
Không có quả phải chứng.
Nên các vị Bồ Tát,
Y theo Pháp Bát Nhã,
Tâm không bị vướng mắc,
Bởi không vướng mắc gì,
Nên không có sợ hãi,
Xa hẳn mọi loạn tướng,
Rốt ráo tới Niết Bàn.
Trong ba đời Chư Phật,
Y theo Pháp Bát Nhã,
Thành tựu quả Chánh Giác.
Vì thế nên biết rằng,
Pháp Bát Nhã Ba La,
Là Chú Đại Thần Kỳ,
Là Chú rất sáng láng,
Là Chú không chi bằng,
Là Chú không gì hơn,
Hay trừ mọi đau khổ.
Chân thật không sai dối,
Cho nên mới nói Chú,
Bát Nhã Ba La Mật:
“Yết Đế, Yết Đế,
Ba La Yết Đế,
Ba La Tăng Yết Đế
Bồ Đề Tát Bà Ha”


.

B.C.: Bài Kinh Bát Nhã tóm tắt ở bộ Kinh “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật” do Đức Phật đã thuyết lâu nhất đến 22 năm. Kế đó Đức Phật mới thuyết Kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn rồi Ngài Di Giáo và nhập diệt.
Bởi vậy bộ kinh Đại Bát Nhã quan trọng hơn tất cả các kinh, nó bao hàm được ý nghĩa toàn bộ “Đại Tạng Thánh Giáo” nói về cái lý chân không.

HẾT


THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: HHMT
Xem: 1714 | TẢI XUỐNG: 0 | BÌNH LUẬN: 2 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 2
1 Dragon  
0 Spam

2 atoanmt  
0 Spam
Bạn HHMT

CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]