Bài 018: Đất Đai
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Bạch Ngài, còn hiếu thuận, Nghĩa của nó ra sao?” “Hiếu thuận là nền tảng, Của các điều đức hạnh, Và ba mươi bảy phẩm, Cũng gốc hiếu thuận ra”. “Ba mươi bảy phẩm Pháp, Có nghĩa là thế nào?” “Là bốn cái ý dứt, Và bốn cái ý đoạn. Bốn phép niệm thần túc, Thêm năm món căn bổn, Và năm món sức lực, Cùng bảy cái trí giác, Và tám cách hành đạo”
“Bốn ý dứt là sao?”
“Đức Phật có dạy rằng:
1) Quán tưởng chân chẳng sạch, Thời cái thân liền dứt.
2) Quán tưởng bệnh hoạn khổ, Thời bệnh hoạn khổ dứt.
3) Quán tưởng tâm vô thường Thời tâm ý liền dứt.
4) Quán tưởng pháp vô ngã, Thời pháp vô ngã dứt.
Bốn ý dứt là vậy”.
“Bốn ý đoạn là sao?” “Bốn ý đoạn cũng gọi, Là Tứ Chánh Cần vậy:
1) Không phạm tội lỗi nữa, Nếu đã có lỡ phạm,
2) Bỏ cái điều lỗi trước,
3) Làm tất cả điều thiện, Mà mình chưa làm đến.
4) Tăng trưởng các điều thiện, Mình đã có làm rồi”.
“Bốn thần túc là sao?”
“1) Phép niệm làm cho mắt, Thấy tất cả vạn vật. 2) Phép niệm làm cho tai, Nghe tất cả thứ tiếng.
3) Phép niệm làm cho biết, Người khác toan tính chi, Trong lòng không nói ra. 4) Phép niệm làm cho thân, Bay đi trên hư không.
Bốn phép niệm thần túc Có nghĩa như thế đó!” “Năm căn bổn là sao?”“
1) Tâm không chú ý đến, Hình sắc tốt hay xấu, Mà con mắt được thấy, Là căn bổn đầu tiên.
2) Tâm không chú ý đến, Tiếng nói dịu hay xẳng, Tiếng nói lành hay dữ, Mà lỗ tai được nghe, Là căn bổn thứ hai. 3) Tâm không chú ý đến, Mùi thơm hay mùi hôi, Mà lỗ mũi được ngữi, Là căn bổn thứ ba.
4) Tâm không chú ý đến, Vị ngọt hay vị đắng, Mà cái lưỡi được nếm, Là căn bổn thứ tư.
5) Tâm không hề vui thích, Vì thân đụng chạm đến, Vật mềm mại êm ái, Và nó không ghê gớm, Vì thân đụng chạm đến, Vật thô xấu bẩn thỉu,
Là đủ năm căn bổn”. “Năm sức lực là sao?”
“1) Có sức lực kềm chế, Con mắt của chúng ta.
2) Có sức lực kềm chế, Lỗ tai của chúng ta.
3) Có sức lực kềm chế, Lỗ mũi của chúng ta.
4) Có sức lực kềm chế, Lỗ miệng của chúng ta.
5) Có sức lực kềm chế, Cái thân của chúng ta. Và luôn dịp kềm chế, Cái ý khỏi sa ngã,
Đó là năm sức lực”. “Bảy trí giác là sao?”
“1) Trí lực chọn chánh Pháp.
2) Trí tinh tấn mạnh mẽ, Để tu hành chánh Pháp.
3) Trí vui đặng chánh Pháp.
4) Trí sáng dứt phiền não.
5) Trí thường niệm Định Huệ.
6) Trí thường được Đại Định, Không bao giờ tán loạn.
7) Trí bỏ các phép tà, Các điều đã làm sai.
Bảy trí giác là vậy”. “Tám Chánh Đạo là sao?” “1) Là hiểu biết chân chánh. 2) Là suy nghĩ chân chánh. 3) Là lời nói chân chánh.
4) Là hành động chân chánh.
5) Là sinh hoạt chân chánh.
6) Là chuyên cần chân chánh.
7) Là chuyên tâm chân chánh.
8) Là an định chân chánh.
Đó là tám Chánh Đạo.
Ba mươi bảy phẩm ấy, Đều ở trong hiếu thuận, Mà sanh ra cả vậy”. “Xin ngài cho thí dụ, Để cho Trẩm hiểu rõ!” “Như có người đi xa, Mang đồ nặng theo mình, Mà đi đứng vững vàng, Là nhờ đất chịu lấy. Như lúa nếp, cây cối, Mọc trổ ngọn lên trời, Cũng nhờ đất chịu lấy. Đất tức là hiếu thuận. Như nhà mãi võ kia, Muốn diễn võ người xem, Liền dọn chổ dẹp đá, Miểng chai và miểng sành, Rồi anh mới nhào lộn, Trên khoảng đất êm bằng. Cũng như thế, chẳng khác, Các đệ tử của Phật, Phải yên trụ vững chắc, Trên nên hiếu thuận đã, Rồi mới lo tu học, Trì giới và tham thiền, Diệt luyến ái mê dục”. “Làm sao diệt luyến ái, Với mê dục cho được?” “Phải nhất tâm quán tưởng, Về đạo lý Phật Đà, Thời luyến ái mê dục, Sẽ tan mất tức khắc”.
Bài 019: Chống Nhà Xiên Muốn Sập Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Nghị lực là thế nào?” “Nghị lực tinh thần là, Giữ vững những điều thiện, Giúp điều thiện tăng tiến. Nghị lực xác thân là, Sức bền vững chống chịu. Nhờ đó các điều thiện, Không thế nào ngã nghiêng”. “Xin ngài cho thí dụ, Để cho Trẩm hiểu rõ!” “Như tấm vách sắp đổ, Ngôi nhà xiên muốn sập, Có người biết chống đỡ, Thì được yên không sao. Nghị lực là như thế, Lại cũng như có giặc, Vua sai quân ra đánh, Quân binh ít sắp thua, Vua cho binh tiếp chiến, Đánh thắng được quân địch. Cứ giữ vững điều lành, Thời trừ được điều ác, Như vua kia tăng binh, Mà thắng được quân giặc. Vậy vừa giữ nghị lực, Vừa giúp đỡ điều lành, Điều lành thêm tăng tiến”.
Bài 020: Quan Hầu Của Vua Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ý niệm lành là sao?” “Phân ra và hiệp lại, Cũng như có người hái, Những hoa thơm cỏ lạ, Kết chặt lại với nhau, Khi chúng bị gió thổi, Không tản lạc đi được. Như quan giữ kho vua, Ông tách ra cộng lại, Thời biết trong kho vua, Có bao nhiêu vàng bạc, Châu ngọc và thủy xoàn. Cũng như thế, chẳng khác, Tu hành muốn đắc đạo, Phải niệm tưởng luôn luôn, Ba mươi bảy phẩm Pháp, Như thế mới gọi là, Tâm ý niệm tưởng lành. Niệm tưởng về đạo lý, Nhờ nương theo đạo lý, Mới biết được rõ ràng, Điều lành hay điều ác, Điều nào phải nên làm, Điều nào chẳng nên làm. Phân tích rõ đen trắng. Sau niệm tưởng, suy xét, Liền bỏ ác, theo lành”. “Xin Ngài cho thí dụ, Để cho Trẩm hiểu rõ!” “Như quan hầu của vua, Ông biết những người nào, Được nhà vua yêu chuộng. Ai có ích cho vua, Những ai là vô ích. Những người được nhà vua, Yêu chuộng và có ích, Thời quan hầu thỉnh vào. Còn những người nhà vua, Không yêu chuộng vô ích, Thời ông chẳng cho vào. Cũng như thế, chẳng khác, Người tâm ý giữ vững, Niệm tưởng ở sự lành, Họ chỉ cho điều lành, Thâm nhập vào tâm mình. Còn những điều gì ác, Thời họ để ở ngoài, Giữ tâm ý chế ngự, Niệm tưởng như thế đó!”
Bài 021: Ông Vua Là Chủ
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Nhất tâm là thế nào?” “Chính nhất tâm thiền định, Là hạnh cao cả nhất, Người mà nhất tâm được, Thời các nền đức hạnh, Mới mở thông đầy đủ”. “Xin Ngài cho thí dụ, Để cho trẫm hiểu rõ!” “Như nhà có nóc nhọn. Rui mè đâm lên nóc, Bắt từ nóc kéo xuống, Nóc đứng trên cao hết. Như vua ngự đánh giặc, Dắt theo bốn đoàn binh, Một đoàn binh cỡi voi, Một đoàn binh cỡi ngựa, Một đoàn binh đi xe, Một đoàn binh đi bộ. Ông vua tức là chủ, Là sự nhất tâm vậy. Còn hết thảy giới luật, Hay là các điều lành, Tùng theo sự nhất tâm”. Bài 022: Người Cầm Đèn Sáng Vào Phòng Tối
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Trí huệ là thế nào?” “Là đoạn tuyệt vọng giác, Tu hành đắc trí huệ, Thời đoạn tuyệt sở nghi, Làm sáng tỏ điều lành, Trí huệ là như vậy”. “Xin Ngài cho thí dụ, Để cho trẫm hiểu rõ!” “Như người cầm đèn sáng, Đi vào căn phòng tối, Bóng tối liền tan đi, Căn phòng lại sáng ra. “Cũng như thế, chẳng khác, Trí huệ người giác minh, Chẳng khác nào ánh sáng, Của ngọn đèn kia vậy. Đối với người đời này, Trí huệ đứng bậc nhất, Tu hành đắc trí huệ, Mới thoát khỏi sanh tử”. Bài 023: Các Đoàn Binh Của Vua
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Các điều thiện khác nhau, Hiệu lực có giống chăng?” “Hiệu lực đều như nhau, Để diệt trừ phiền não”. “Xin Ngài cho thí dụ, Để cho trẫm hiểu rõ!” “Như các đoàn binh vua, Tuy có sai khác nhau, Có đoàn binh cỡi voi, Có đoàn binh cỡi ngựa, Có đoàn binh đi xe, Có đoàn binh đi bộ, Song chỉ có mục đích, Quyết đánh thắng quân địch. Cũng như thế, chẳng khác, Các điều thiện trong tâm, Mà bần tăng đã giải, Tuy có sai khác nhau, Nhưng chỉ có mục đích, Đua nhau diệt phiền não”. Bài 024: Người Nông Phu Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Những người hết luân hồi, Họ có biết được mình, Chẳng còn luân hồi không?” “Có nhiều nhà tu hành, Có thể biết được mình. Chẳng còn luân hồi nữa”. “Làm thế nào mà biết?” “Những vị ấy biết được, Mình không còn trìu mến, Không còn ham muốn gì, Không còn phiền não chi. Nhờ vậy nên tự biết, Sau khi lìa thân này, Chẳng còn sanh tử nữa”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như người nông phu kia, Cày bừa và gieo giống, Sau gặt được nhiều lúa, Phơi khô cho vào vựa. Năm sau không cày bừa, Và không gieo giống nữa, Chỉ ăn lúa ở vựa, Vậy người ấy có biết, Mình chẳng gặt lúa chăng?” “Bạch Ngài! Họ biết rõ”. Làm thế nào biết được?” “Vì không cày không gieo, Tự nhiên chẳng có lúa, Để gặt nữa chớ sao!” “Cũng như thế chẳng khác, Người tu hành đắc đạo, Đã diệt bỏ trìu mến, Khổ não và vui sướng, Không còn ham muốn gì, Thời tự nhiên biết được, Mình chẳng còn đáo lại, Cõi trần gian này nữa”. Bài 025: Ngọn Đèn Cháy Suốt Đêm Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Người thác sanh trở lại, Với người cũ hay khác?” “Cũng không phải người cũ, Cũng không phải người khác”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Người Bệ Hạ hồi nhỏ, Với con người bây giờ, Là một người hay khác?” “Bạch! Khác, không phải một” “Nếu vậy thời mẫu hoàng, Và phụ hoàng hồi đó, Không phải là mẫu hoàng, Và phụ hoàng bây giờ, Và Bệ Hạ đâu có, Ông thầy nào dạy học, Vì những ông thầy đó, Dạy đứa trẻ thơ kia, Chớ không phải Bệ Hạ”. “Bạch Ngài! Lời Ngài nói, Theo tôi chưa hiểu rõ, Nếu như ai hỏi Ngài, Thời Ngài đáp thế nào?” “Người bần tăng hồi nhỏ, Với người bây giờ đây, Vốn là một người thôi. Những khoảng đời dầu khác, Nhưng vẫn một thân thể, Và cùng một tinh thần”. “Xin Ngài cho thí dụ, Để cho trẫm hiểu rõ!” “Như có người thắp đèn, Ngọn đèn ấy có thể, Cháy tới sáng hay không?” “Có thể cháy tới sáng”. “Ngọn đèn lúc đầu hôm, Ngọn đèn lúc giữa đêm, Ngọn đèn lúc rựng sáng, Có giống nhau hay không?” “Bạch Ngài! Không giống nhau. Trong ba khoảng trong đêm, Vậy người ta có thắp”. “Ngọn đèn nào khác không?” “Với một ngọn đèn thôi, Một tim một thứ dầu, Nhờ đó mà cháy được, Từ đầu hôm đến sáng”. Cũng như thế, chẳng khác, Sự liên tiếp các Pháp, Vốn là trường tồn vậy. Cái Pháp này đã đi, Cái Pháp kia sẽ lại. Tinh thần của con người, Là trường tồn bất diệt. Nhưng nó vào thai sanh, Thân thể lần lớn lên, Khổ, bệnh, già rồi chết. Nó thác sanh trở lại, Nhập vào thai sanh khác, Cho nên mới nói rằng, Cũng không phải người cũ, Cũng không phải người khác”. “Xin cho thí dụ khác!” “Như có người nặn sữa, Rồi mới tạo thành bơ, Kế trở thành bơ trong, Bấy giờ nói sữa kia, Không phải là sữa vậy, Nói sao cũng được thôi. Cũng như thế, chẳng khác, Con người do tinh thần, Mà được sanh sản ra, Lớn lên rồi già chết, Chết rồi thì tinh thần, Lại nhập vào nuôi lấy, Một cái thân thể khác, Và lại sanh ra nữa, Cứ như thế đó mãi. Nên nói người tái sanh, Với người đã thác kia, Là một không được vậy, Mà nói là khác hẳn, Cũng không được nữa vậy”. Bài 026: Ngọn Đèn Và Bức Thư
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Bậc trí huệ đắc đạo. Có khác kẻ thường chăng?” “Các vị đắc trí huệ, Khác với kẻ thế thường”. “Trí huệ và thông minh, Có giống nhau hay không?” “Giống hệt như nhau cả, Những vị đắc trí huệ, Và thông minh như vậy”. “Họ có thấu tột cùng, Vạn vật trong đời chăng? Hay là có những vật, Mà các Ngài không thấu?” “Có vật mà trí huệ, Có thể thấu đạt được. Và cũng có những vật, Lại không thấu đạt được”. “Những vật nào trí huệ, Có thể thấu đạt được. Những vật nào trí huệ, Không thể thấu đạt được?” “Những môn nào chưa học, Những xứ nào chưa đến, Những nghĩa lý chưa nghe, Thời những nhà trí huệ, Không thể thấu đạt được. Còn đã học, đã đến, Và đã được nghe rồi, Thời họ thấu đạt được”. “Với nhà đắc trí huệ, Thời si mê u ám, Đều sẽ như thế nào?” “Nó tiêu tan đi mất”. Xin Ngài cho thí dụ”. “Như người cầm đèn sáng, Đi vào cái phòng tối, Trong phòng liền sáng ngay, Bóng tối tiêu đi mất. Cũng như trí huệ vậy, Nhà tu đắc trí huệ, Thời si mê u ám, Đều tiêu tan đi mất”. “Rồi cái trí huệ kia, Trở nên như thế nào?” “Đã làm tròn phận sự, Cái trí huệ tắt nghỉ. Song tất cả điều gì, Trí huệ đã tạo ra, Như thông hiểu giả cuộc. Đau khổ và bốn ngã, Tất cả đều giả dối, Những sự ấy thì còn” “Xin Ngài cho thí dụ”. “Như con người đang đêm, Lại muốn viết bức thư, Liền đòi thầy thư ký, Và bảo người đem đèn. Ông đọc thư viết xong, Liền tắt đèn đi nghỉ, Cây đèn tắt, thư còn, Như trí huệ, tắt nghỉ. Song những sự thông hiểu, Do đó đã tạo ra, Tất cả đều còn đủ”. “Nó đã tạo ra xong, Rồi nó biến mất đi, Là nghĩa thế nào vậy? Xin Ngài cho thí dụ !” “Ví như những người kia, Lo phòng hờ nạn lửa, Nên sắp trước nhà họ, Năm cái ché đựng nước, Dự hờ để chửa lửa. Nạn lửa quả xảy ra, Họ liền lấy nước đó, Tạt vào lửa đang cháy, Nước đã làm tắt lửa, Hết cần năm ché kia, Họ dẹp ra sau nhà. Nhà tu thì lại dùng, Năm điều thiện thiết yếu, Để diệt trừ phiền não, Như người kia đã dùng, Năm ché nước trừ lửa. Năm điều thiện ấy là, Thành tín và nghị lực, Ý niệm lành nhất tâm, Và trí huệ sau hết. Nhà tu đắc trí huệ, Thì diệt trừ phiền não, Một phen bị đoạn tuyệt, Phiền não chẳng sanh tại. Đã làm tròn phận sự, Trí huệ liền tắt nghỉ. Song những sự thông hiểu, Do nó đã tạo ra, Thời còn mãi không mất”. “Hay lắm! Hay lắm vậy! Bài 027: Không Hái Quả Sống Chỉ Hái Quả Chín
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Nhà tu hành đắc đạo, Đã thoát vòng luân hồi, Còn đau khổ nữa không?” “Có khi thấy đau khổ, Có khi lại không thấy. Đối với sự đau khổ, Về thân thể thì còn, Còn với sự đau khổ, Về tâm ý thì hết”. “Tại sao vậy? Bạch Ngài” “Vì nhân duyên thân thể, Nhân duyên là nguồn gốc, Sự đau khổ hãy còn, Vì thế mà thân thể, Hãy còn phải đau khổ. Chớ nhân duyên tâm ý, Đã bị tiêu diệt rồi, Nó đã dứt phiền não, Và không còn ham muốn, Nên không còn đau khổ. Đức Phật có dạy rằng, Nhà đắc đạo chỉ còn, Đau khổ một chút ít, Về thân thể mà thôi. Về tâm ý, hẳn không”. “Tại sao nhà đắc đạo, Chẳng chịu nhập Niết Bàn, Để cho mình hết khổ, Nán lại trần thế chi, Cho chịu khổ về thân?” “Chư vị A La Hán Không chuộng mà không ố, Không thích mà không chán, Các Ngài sống bình tỉnh, Không hái quả còn sống, Chỉ hái quả chin thôi. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Tôi không muốn tịch diệt, Tôi không muốn sống đời, Tôi chờ cho tới lúc, Để được nhập Niết Bàn, Cũng như kẻ làm công, Chờ đến ngày lãnh tiền”. Bài 028: Người Trộm Xoài Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Người nào sanh trở lại, Tên gọi và thân sắc, Có phải đúng tên gọi, Và sắc thân cũ kia, Sanh ra nữa hay không?” “Không! Với cái tên gọi, Và cái thân sắc này, Người ta sống ở đời, Mà làm việc thiện ác, Rồi do sự phước tội, Sau khi bỏ thân này, Tên gọi, thân sắc khác, Mới nối tiếp sanh ra”. “Nếu không phải tên gọi, Thân sắc cũ sanh ra, Ví như trong đời này, Làm bao nhiêu điều ác, Thời qua đến đời sau, Đâu có mang quả báo, Đâu có chịu luân hồi”. “Nếu ai chuyện làm lành, Chẳng mê dục phiền não, Thì khi bỏ thân này, Có thể chẳng sanh nữa. Song thường khi người nào, Có làm những điều lành, Cũng có phạm điều ác, Vì thế chiếu theo đó, Phải sanh ra trở lại, Thì hẳn có mắc tội, Không trả đâu có được”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Có người hái trộm xoài, Chủ xoài rình bắt được, Đem nó nạp đến vua, Và trình thưa: ‘Tên này Hái trộm xoài của tôi’. Tên trộm cải lại rằng: ‘Tôi không có trộm xoài, Của anh ấy, vì cớ Cây xoài anh ấy trồng, Hồi trước thì thấp nhỏ. Còn trái xoài tôi hái, Trên một cây xoài to. Tôi không phạm tội trộm’. Vậy Bệ Hạ xử sao?” “Người trồng xoài được kiện, Vì anh ra công trồng, Cây xoài lớn đâm trái, Kẻ trộm dầu chối cải, Cũng không khỏi phạm tội”. “Người sanh ra trở lại, Cũng như thế, chẳng khác. Với tên gọi, thân sắc, Người ta sống trên đời, Mà làm việc thiện ác. Do phước ấy, tội ấy, Rồi đời sau tên gọi, Thân sắc khác sanh ra. Cũng như nhờ có người, Ra công trồng săn sóc, Sau mới có cây xoài, Đơm trái như thế đó. Làm việc thiện hay ác, Trong đời hiện tại đây, Tức như lấy hột giống, Đem gieo xuống đất vậy. Cho nên nói tội ác, Gây tạo nơi đời này, Mà trải qua đời sau, Không trả quả không được”. Bài 029: Ngòi Và Trứng Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ngài đã luận giải xong, Về tên gọi, thân sắc, Vậy tên gọi là gì? Và thân sắc là gì?” “Cái chi thuộc thể chất, Đó là thân sắc vậy, Cái chi thuộc tinh thần, Cảm giác và tư tưởng, Suy xét và phân biệt, Tức: Thọ, Tưởng, Hành, Thức”. “Sao tên gọi thân sắc, Phải đi chung với nhau? Mà chẳng tách riêng ra?” “Vì thể chất tinh thần, Phải nương với nhau luôn, Không thể tách riêng được”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Ví như trứng con gà, Nếu chẳng có cái ngòi, Làm sao nở ra được? Ngòi, trứng phải nương nhau, Tên gọi và thân sắc, Cũng như thế chẳng khác. Chúng nó nương với nhau, Cặp kè nhau không rời. Vì vậy mà con người, Phải luân hồi mãi mãi, Trong những khoảng thời gian, Dài dặc và vô hạn”. Bài 030: Ương Hột Xuống Đất
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ngài nói không biết được, Nguyên thủy của thời gian, Xin Ngài cho thí dụ”. “Người ương hột xuống đất, Trông hột nở ra mầm, Đâm rễ và lớn lên, Đơm bông và trổ trái. Luôn tiếp tục ương mãi, Vậy sự liên tiếp ấy, Có ngừng dứt hay không?” “Không bao giờ ngừng dứt”. “Cũng như thế, chẳng khác. Thời gian liên tiếp mãi, Không biết được nguyên thủy, Của thời gian từ đâu”. “Xin Ngài so sánh nữa”. “Cũng như gà đẻ trứng, Trứng nở ra gà khác, Gà này đẻ trứng khác, Cứ liên tiếp mãi mãi. Cũng như thế, chẳng khác, Kiếp người mãi liên tục, Hết sanh rồi lại tử, Hết tử rồi lại sanh, Biết đâu là nguyên thủy”. “Xin Ngài so sánh nữa”. Ngài Na Tiên liền vẽ, Hình bánh xe dưới đất, Ngài hỏi nhà vua rằng: “Trong cái hình vẽ đây, Bệ hạ có biết được, Chổ nào bắt đầu không?” “Không thể nào biết được”. “Cũng như thế, chẳng khác, Vòng luân hồi cũng thế, Chẳng biết được nguyên thủy, Con người sanh tử mãi, Chịu khổ não chẳng thôi. Đức Phật có dạy rằng: ‘Bởi có được con mắt, Cùng hình sắc đối lập, Mới sanh ra cái thấy. Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Bởi vì có cảm xúc, Nên mới có thọ cảm. Mới sanh ra yêu mến, Bởi yêu mến khao khát, Mới hành động mọi việc, Nên cần có con mắt. Như bởi có lỗ tai, Cùng tiếng động đối lập, Mới sanh ra cái nghe, Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Bởi vì có cái mũi, Cùng hương vị đối lập, Mới sanh ra cái ngữi, Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Bởi vì có cái lưỡi, Cùng chất vị đối lập, Mới sanh ra cái nếm, Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Bởi vì có cái thân, Với mọi vật mịn màng, Hay mọi vật thô kệch, Mới sanh ra chạm đụng, Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Bởi vì có cái ý, Với mọi thứ tư tưởng, Mới sanh ra nghĩ ngợi, Ba cái ấy hợp lại, Gọi là sự cảm xúc. Cảm xúc rồi sanh ra, Thọ cảm và yêu mến, Khao khát và hành động, Rồi cần sáu giác quan, Để sống ở đời vậy. Có đủ sáu giác quan, Đối lập với sự vật, Mới nhận biết cảm xúc, Cứ thế liên tiếp mãi’. Cũng như thế, chẳng khác, Thời gian liên tiếp mãi, Không biết được nguyên thủy, Của thời gian từ đâu. Nếu giác quan sự vật, Cùng với sự nhận biết, Mà không cùng hợp lại, Thì không có cảm xúc, Không thọ cảm, yêu mến, Cũng không khao khát chi. Không làm việc này kia, Không vui, buồn, sướng, khổ, Không đau đớn già cả, Không sống đi chết lại, Tức là dứt luân hồi, Đắc đạo nhập Niết Bàn”. Bài 031: Ngôi Điện Thượng Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Bạch Ngài ở đời này, Có vật nào tự nhiên, Mà sanh ra hay không?” “Không hề có vật nào, Tự nhiên mà sanh ra, Tất cả mọi sự vật, Đều do một cái nhân. Một sự sống sẵn có, Với nhiều duyên kết hợp”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Ngôi điện thượng đồ sộ, Bệ hạ đang ngự đây, Có phải tự nhiên có, Hay do người sáng tạo?” “Do tay người sáng tạo”. “Con người cũng như thế, Không phải tự nhiên sanh”. “Xin Ngài cho thí dụ nữa”. “Như hột ương xuống đất, Nứt mộng và nở nang, Mỗi ngày thêm phát triển, Trở thành cây to lớn, Và đơm bông kết trái. Những cây ấy nào phải, Tự nhiên mà có đâu. Trước hết những cây ấy, Đã có một cái nhân. Một sự sống sẵn rồi, Tức là những cái hột, Rồi nhờ công người trồng, Vun phân và tưới nước, Nên mới có cây tốt, Đơm hoa và kết quả. Con người và vạn vật, Cũng như thế đó cả.” “Ngài luận biệt rất hay!” Bài 032: Người Có Công Trạng Với Vua Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Thọ cảm nghĩa thế nào?” “Là nhận biết, hưởng lấy”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Ví như có người nọ, Có công trạng với vua, Vua lấy làm vừa lòng, Ban thưởng cho rất nhiều, Vàng bạc và của cải, Và phong cho chức cao. Người ấy được vui thích, Hưởng phú quý vinh hoa. Người lại suy nghĩ rằng, Nhờ mình có công ra, Giúp vua nên ngày nay, Được giàu có quyền tước, Hưởng được nhiều lạc thú. Ví như có người nọ, Biết dùng tâm ý mình, Ăn ở cho hiền đức, Biết dùng miệng lưỡi mình, Ăn ở cho hiền đức. Biết dùng thân thể mình, Ăn ở cho hiền đức. Nhờ sống có hiền đức, Ở nơi thế gian này, Khi thác được sanh về, Cõi thượng thiên vui sướng. Nơi ấy, người toại chí, Biết qua đủ khoái lạc. Người này suy nghĩ rằng, Nhờ mình hồi ở thế, Ăn ở có hiền đức, Ngày nay sanh về đây, Hưởng được nhiều lạc thú. Thọ cảm tức nhận biết, Và hưởng lấy là vậy”. Bài 033: Ông Quan Giữ Kho
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Giác, nghĩa như thế nào?” “Giác, tức là biết vậy, Biết tất cả các món”. “Hình thể ra làm sao, Màu sắc như thế nào? Xin Ngài cho thí dụ!” “Như có một ông quan, Giữ kho cho nhà vua. Quan này vào kho xem, Nhìn qua thời biết ngay, Những món vàng và bạc, Châu báu và ngọc ngà, Và lụa là gấm vóc. Tất cả là bao nhiêu, Tất cả ra làm sao, Tất cả màu sắc gì, Mỗi món để ở đâu, Như vậy gọi là Giác Trí”. Bài 034: Người Chế Thuốc Độc Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Sở niệm, nghĩa thế nào?” “Tức suy tính sắp đặt, Do đó mà con người, Làm lành hoặc làm ác”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như người chế thuốc độc, Rồi tự mình lại uống. Và bảo người khác uống. Sau đó, anh đau đớn, Và người khác cũng đau. Cũng như thế, chẳng khác, Người có ý nghĩ ác, Lo tính những điều ác, Sẽ bị phạm điều ác. Chừng thác sa địa ngục, Hễ sở niệm ác độc, Tức suy tính sắp đặt, Toàn là những điều ác. Rồi không khỏi làm ác, Trái lại như có người, Chế một thứ đồ uống, Bằng sữa đường mật ong, Anh uống thấy ngon ngọt, Và cho người khác uống, Ai cũng thỏa thích lắm. Cũng như thế, chẳng khác, Người có ý nghĩ lành, Suy tính những điều lành, Và làm những điều lành, Chừng thác, hưởng cảnh tiên, Ai theo gương người ấy, Cũng hưởng được hạnh phúc, Ở cảnh tiên như vậy. Sở niệm lành tức là, Suy tính và sắp đặt, Toàn là những điều lành, Thế nào cũng làm lành”. Bài 035: Tiếng Đại Hồng Chung Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Nội động, nghĩa thế nào?” “Mong cầu sanh tư tưởng, Chính lúc ấy cảm thấy, Phát động ở trong tâm, Nên gọi là nội động”. “Từ khi khởi nội động, Cho đến lúc thi hành, Trải qua như thế nào? Xin Ngài cho thí dụ, Để cho trẫm hiểu rõ!” “Như cái đại hồng chung, Khi dóng lên từng hồi, Nghe tiếng vang thanh tao. Lúc người ta thôi dóng, Cũng còn nghe rền mãi, Như nồi đang nấu sôi, Khi nhắc xuống khỏi lửa, Bọt nước vẫn còn trào. Nơi con người cũng thế, Do bởi sự mong cầu, Làm tấm lòng phát động, Tư tưởng mới thi hành. Chuông dóng và nước sôi, Tức là lúc sôi động, Thôi dóng, tiếng còn rền, Thôi nấu, bọt còn trào. Tức là lúc thi hành, Theo sự mong cầu vậy”. Bài 036: Người Đầu Bếp Của Vua Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Nỗi lòng đã dung hợp, Có thể phân tách không?” “Như phân ra mà nói, Đây là cái xúc động, Cái thọ cảm, cái giác, Cái sở niệm nội động, Chúng nó đã dung hợp, Không phân tách ra được”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như người bếp của vua, Đã nấu một món ăn, Dâng lên cho nhà vua. Trong ấy có để sữa, Muối vừng gia vị khác. Vua lại bảo người bếp, Anh hãy lấy sữa muối, Trong đó đưa cho trẫm. Vậy Bệ Hạ nghĩa xem, Có lấy ra được chăng?” “Không thể lấy ra được, Vì các món gia vị, Dung hợp trong món ăn”. “Những nỗi lòng cũng thế”. Bài 037: Gieo Năm Thứ Hột Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ngũ quan của con người, Sở dĩ nhận biết được, Do duyên nghiệp khác nhau, Hay do một duyên nghiệp?” “Do duyên nghiệp khác nhau”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như trên một cánh đồng, Có gieo năm thứ hột, Những hột ấy mọc lên, Về sau có sanh ra, Những trái khác nhau chăng?” “Những trái đều khác nhau”. “Ngũ quan của con người, Cũng như thế, chẳng khác, Chúng nó có cảm hóa, Nhân biết là do nơi, Những duyên nghiệp khác nhau”. Bài 038: Trái Trên Cây Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ai cũng đồng hình thể, Tại sao người sống lâu, Có kẻ lại chết yểu. Người thời khoẻ mạnh luôn, Còn kẻ lại đau ốm. Có người giàu, kẻ nghèo, Có người sang, kẻ hèn, Có người khôn, kẻ dại, Sao họ không giống nhau?” “Cũng như trái trên cây, Có thứ ngọt, thứ chua, Có thứ chát, thứ đắng, Có thứ ngon, thứ dỡ, Tại sao đồng trái cây, Chúng nó chẳng giống nhau?” “Tại hột giống khác nhau”. “Con người cũng như thế, Bởi duyên nghiệp chẳng giống, Bởi sở tâm, sở hành, Từ trước chẳng giống nhau. Nên địa vị căn tánh, Mỗi người đều khác nhau, Mới có sự sai khác. Đức Phật có dạy rằng: ‘Do sự lành hay ác, Mỗi người làm từ trước, Có báo ứng về sau. Trước đã làm điều lành, Thời nay được sống lâu, Sức khoẻ và tốt tướng, Oai thế và cao sang, Thông minh và trí tuệ. Còn trước đã làm ác, Thời nay phải chết yểu, Ốm đau và xấu hình, Yếu hèn và thấp kém, Ngu đần và khờ dại, Không sai chạy chút nào’. Trong các cuộc luân hồi, Của con người chúng ta, Duyên nghiệp quản trị mình, Đùm bọc, ban thưởng mình, Nó cũng trừng trị mình, Chẳng khác nào cha mẹ”. “Hay lắm! Hay lắm vậy!” Bài 039: Đào Giếng Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Như người muốn làm lành, Thời phải làm từ trước, Hay là về sau này?” “Phải nên làm từ trước, Thời mới được quả phúc, Chớ đợi về sau này, Chẳng có hiệu lực gì. Như Bệ Hạ khát nước, Mới khởi sự đào giếng, Thời Bệ Hạ có nước, Kịp thời để uống chăng?” “Bạch không! Phải chết khát, Nên phải đào từ trước”. “Cũng như vậy, chẳng khác, Phải làm lành, tu tập, Từ mấy đời trước kia, Thời mới có quả phúc. Để hưởng trong đời này, Thời đâu có hiệu lực. Đức Phật có dạy rằng: ‘Hễ nhận ra điều thiện, Thời tức tốc làm liền’. Mau lên đường trí huệ, Đừng như kẻ đánh xe, Bỏ con đường rộng lớn, Đi đường mòn cong queo, Hư xe rồi khóc than. Cũng như thế, chẳng khác, Kẻ điên dại mê muội, Bước ra khỏi đường lành, Nó lạc vào đường ác, Chừng thấy chết đến nơi, Bấy giờ mới khóc than, Như kẻ bị hư xe”. Bài 040: Loài Sấu, Rùa, Công, Bồ Câu Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Chư Sa Môn dạy rằng: "Lửa địa ngục sức nóng, Hơn lửa thường nhiều lắm. Đá nhỏ ném vào lửa, Trọn một ngày không tiêu. Chớ một cục đá to, Ném vào lửa địa ngục, Trong chốc lát tiêu mất". Trẫm lấy làm hoài nghi, Làm sao tin cho được? Các Ngài lại còn dạy: ‘Những kẻ đọa địa ngục, Bị thiêu cả ngàn năm, Mà không thể tiêu được’. Đối với cái lý này, Trẫm còn hoài nghi hơn”. “Bệ Hạ hãy nghĩ xem, Với những loài sấu, rùa, Công và bồ câu mái, Có ăn sạn đá không?” “Chúng nó ăn thứ ấy!” “Thứ ấy có tiêu không?” “Các thứ ấy tiêu hết!” “Còn trứng trong bụng chúng, Có tiêu đi hay không?” “Trứng thời không tiêu được”. “Tại sao trứng không tiêu?” “Tại ảnh hưởng của nghiệp”. “Con người cũng thế đó, Kẻ mắc đọa địa ngục, Bị thiêu cả ngàn năm, Mà không tiêu là thế, Bởi ảnh hưởng của nghiệp. Đức Phật có dạy rằng: “Hễ cái nghiệp chưa dứt, Thời con người chưa chết”. “Hay lắm! Hay lắm vậy!” Bài 041: Nước Chịu Lấy Đất Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Chư Sa Môn dạy rằng: ‘Đất nương dựa trên nước, Nước nương dựa không khí, không khí nương không gian’. Trẫm khó mà tin được”. Ngài Na Tiên liền đưa, Cái bình để lọc nước, Và tâu với nhà vua: “Bệ Hạ nên xem đây, Rõ ràng nước nương dựa, Trên không khí chớ gì!” Bài 042: Niết Bàn Là Tịch Diệt Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Niết Bàn có phải là, Tịch diệt hay tắt nghỉ, Trọn vẹn không? Thưa Ngài” “Phải! Ðúng như thế đó!” “Xin Ngài giải thích cho”. “Kẻ vô minh mê muội, Thường vui thích ham muốn, Trìu mến theo giác quan, Hình hài và sự vật. Trôi giạt dòng sông mê, Lênh đênh nơi bể khổ, Họ không thoát khỏi được, Sự sanh, già, bệnh, chết. Bậc hiền đức tu trì, Không vui thích ham muốn, Cũng không hề trìu mến, Theo giác quan, hình hài. Và mọi sự, mọi vật, Nhờ vậy mà diệt được, Lòng khao khát, luyến ái, Sự sanh khổ, già khổ, Và các điều đau đớn, Hay sầu lụy ở đời. Cho nên nói Niết Bàn, Là tịch diệt, tắt nghỉ, Trọn vẹn, là như vậy”. “Có phải người tu hành, Đều đắc Niết Bàn không?” “Không phải như vậy được, Người nào có thể đi, Thẳng vào đường đức hạnh, Học những điều minh chánh, Luyện tập những điều não, Thật đáng để luyện tập, Bỏ những điều đáng bỏ, Diệt những điều đáng diệt, Người ấy mới có thể, Đắc được Niết Bàn vậy!” Bài 043: Niết Bàn Là Cảnh Sướng Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ai chưa đắc Niết Bàn, Có biết được Niết Bàn, Đúng là cảnh sướng không?” “Có thể họ biết được” “Bạch Ngài! Tại sao biết?” “Người chưa bị chặt tay, Có biết bị chặt tay, Là đau khổ lắm không?” “Bạch Ngài! Họ biết được”. “Tại sao mà biết được?” “Tuy họ không bị chặt, Chớ họ được nghe thấy, Những kẻ bị chặt tay, Kêu la và than khóc, Nên biết thế là khổ”. “Cũng như thế, chẳng khác, Ai chưa đắc Niết Bàn, Cũng biết được Niết Bàn, Đúng là cảnh vui sướng, Vì nghe người đắc đạo, Thuật lại sự vui sướng, Nhàn lạc cảnh Niết Bàn!” Bài 044: Phật Có Ra Đời Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Ngài có thấy Phật không?” “Không! Phật đã diệt độ, Từ mấy ngàn năm rồi”. “Mấy ông thầy của Ngài, Có thấy được Phật không?” “Mấy ông cũng không thấy”. “Thế Phật không ra đời, Vì thầy cùng thầy Ngài, Không ai thấy Phật cả”. “Vậy Bệ Hạ có thấy, Sông U Há trên núi, Hy Mã Lạp sơn không?” “Trẫm chưa thấy bao giờ”. “Tiên Đế có thấy không?” “Tiên Đế cũng không thấy”. “Vậy không có sông đó, Vì Bệ Hạ, Tiên Đế, Đều không thấy sông ấy?” “Tuy Trẫm và Tiên Đế, Không thấy được sông ấy, Chớ sông ấy vẫn có, Ở Hy Mã Lạp sơn”. “Cũng như thế, Bệ Hạ, Tuy bần tăng không thấy, Thầy bần tăng cũng vậy, Chớ Phật có ra đời!” Bài 045: Phật Là Cao Thượng Hơn Hết Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Phật có phải cao thượng, Hơn hết trong đời chăng?” “Phải! Ðúng như vậy đó”. “Làm sao Ngài biết được, Vì Ngài không thấy Phật”. “Người chưa từng thấy biển, Song thấy năm sông cái, Hằng Hà, Da Mu Na, A Xi Ra Hoa Ti, Sa Ra Bu, Ma Hi Cứ chảy ra biển mãi. Mặt biển không thấp cao, Người ấy có thể biết, Biển là lớn và sâu, Đến không lường được không?” “Họ có thể biết được”. “Cũng như thế, chẳng khác, Thấy chư đại đệ tử, Đã nhập Đại Niết Bàn, Tôi mới biết được Phật, Là cao thượng hơn hết”. “Xin cho thí dụ khác!” “Xưa có nhà dạy chữ, Là đại đức Ty Xa, Ngài đã tịch lâu rồi, Làm sao biết được Ngài?” “Biết được là vì Ngài, Có để tuồng chữ lại”. “Cũng như thế, chẳng khác, Ai thấy được giáo Pháp, Tức là thấy được Phật, Vì chính Phật đã truyền, Giáo Pháp cho tăng đồ, Và cho tín đồ nữa. Giáo Pháp Phật để lại, Quả thật là vi diệu, Cao siêu không lường được, Thấy giáo Pháp của Phật, Thời biết được Đức Phật, Là cao thượng hơn hết”. “Hay lắm! Hay lắm vậy! Ngài có thấy Pháp chăng?” “Pháp tức là những điều, Đức Phật đã chỉ dạy, Những giới luật Phật truyền, Để đệ tử gìn giữ, Học hỏi và tu hành”. Bài 046: Châm Lửa Đuốc Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Người khác bỏ xác thân, Có sanh ra nữa không?” “Người thác rồi thời nhận, Một hình thể mới khác, Bỏ hình thể cũ lại”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Cũng như châm lửa đuốc, Cây này sang cây kia, Lửa đỏ cây đuốc cũ, Cháy qua cây đuốc mới. Con người cũng như thế, Hình thể cũ không theo, Ta nhận hình thể mới”. “Xin cho thí dụ khác!” “Hồi Bệ Hạ còn nhỏ, Có học hỏi kinh kệ, Với ông thầy nào chăng?” “Có! Nay trẫm còn nhớ” “Những kinh kệ đã truyền, Cho Bệ Hạ hồi đó, Ông thầy còn nhớ chăng? Còn giữ gìn lấy chăng? Hay Bệ Hạ đã lãnh, Tất cả về mình hết?” “Truyền xong thầy của trẫm, Vẫn còn thông hiểu luôn”. “Con người cũng như thế, Lìa bỏ hình thể cũ, Nhận lấy hình thể mới”. “Thần hồn có thật chăng?” “Y theo lý tuyệt đối, Thì nó không có thật”. Bài 047: Cây Chưa Có Trái Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Có thể nào chỉ ra, Tỏ rõ sự kết quả, Mỗi điều thiện ác chăng? Chỉ quả ấy sẽ sanh, Chỗ này hay chỗ kia?” “Không thể nào chỉ được”. “Tại sao không chỉ được? Xin Ngài cho thí dụ!” “Như cây chưa có trái, Bệ Hạ có thể nào, Chỉ ra tỏ rõ được, Cành này có trái nào, Cành kia trái nào chăng?” “Không thể nào chỉ được”. “Cũng như thế chẳng khác, Vòng luân hồi vô tận, Không thể nào chỉ được, Quả nào sanh chổ này, Quả nào sanh chổ kia”. Bài 048: Nông Phu Cày Và Gieo Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Người còn sanh ra nữa, Có biết được rằng mình, Còn tái sanh nữa chăng?” “Họ có thể biết được!” “Làm thế nào mà biết, Xin Ngài cho thí dụ!” “Như nông phu cày, gieo, Nếu trời mưa đầy đủ, Họ có biết được mình, Sẽ có lúa gặt chăng?” “Bạch Ngài! Họ biết được”. “Cũng như thế chẳng khác, Người còn sanh ra nữa, Biết mình sẽ tái sanh”. Bài 049: Đốt Một Đám Lửa Lớn
Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Làm sao để biết được, Hiện ở cảnh Niết Bàn, Phật ngự chổ nào chăng?” “Phật đã nhập Niết Bàn, Không có thể chỉ được, Ngài ngự ở chổ nào”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như có người đốt lên, Một đám lửa thật lớn, Rồi họ tắt lửa ấy, Có thể nào chỉ được, Ngọn lửa ở đâu chăng?” “Không có thể chỉ được, Ngọn lửa đã tiêu diệt”. “Cũng như thế chẳng khác, Đâu có thể chỉ được, Đức Phật ngự ở đâu! Song có thể chỉ được, Cái Pháp thân của Người, Tức là nền giáo Pháp, Mà Ngài truyền cho đời”. Bài 050: Ông Lương Y Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Đức Phật có biết hết, Và thấy hết hay không?” “Phật biết và thấy hết”. “Tại sao Phật chờ dịp, Mới ban hành giới luật, Không ban ra một lần?” “Có ông lương y nào, Biết hết các thứ thuốc, Khắp hoàn cầu hay không?” “Bạch! Có ông biết được”. “Vậy ông lương y ấy, Bảo bịnh nhân dùng thuốc, Trong khi cần phải dùng, Hay bảo dùng trước khi, Chưa cần phải dùng đến?” “Bảo dùng trong khi cần”. “Cũng như thế chẳng khác, Phật chỉ chờ dịp cần, Mới ban hành giới luật, Cho các vị đệ tử, Để trọn đời họ nhớ, Ăn ở đúng đạo hạnh”. Bài 051: Tòa Sen Trăm Cánh Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Đức Phật có đầy đủ, Ba mươi hai tướng tốt, Và tám mươi tướng phụ. Nước da Ngài vàng hực, Tựa như vàng ròng vậy, Và một vừng hào quang, Lớn bằng một ông trăng. Phật có đủ tướng ấy, Đức cha và mẹ Ngài, Có đủ tướng đó chăng?” “Cha mẹ Ngài không có, Những phước tướng như vậy!” “Thế thường, con thời giống, Cha mẹ giòng họ chứ?” “Bệ Hạ có biết được, Tòa sen trăm cánh chăng?” “Trẫm biết tòa sen ấy”. “Tòa sen đó ở đâu?” “Nó sanh ở dưới bùn, Và lớn lên trong nước”. “Màu sắc và mùi vị, Của tòa sen có giống, Bùn với nước hay không?” “Nó không giống bùn nước”. “Đức Phật cũng như thế, Cha mẹ Ngài không có, Nhưng Ngài có phước tướng, Của các bậc Như Lai, Ngài sanh ra ở thế, Lớn lên ở cõi trần, Mà không giống nhân vật, Ở chốn trần thế này”. Bài 052: Hai Người Khóc Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Trong hai người khóc than, Một người thời ưu sầu, Vì mẹ thác mà khóc. Một người vừa nghe được, Pháp Phật vừa tỉnh ngộ, Sanh ái mộ mà khóc, Vậy nước mắt của ai, Êm dịu và thơm lành?” “Người khóc vì buồn thảm, Say mê và sân hận, Thời giọt nước mắt ấy, Là chất độc địa đó. Người vì sự an lạc, Và thanh tịnh mà khóc, Thời nước mắt trong sạch. Cũng đồng là nước mắt, Nơi người trước nóng nảy, Ở người sau mát mẻ, Nóng nảy thời hư hại, Mát mẻ thời tốt lành”. Bài 053: Mê Tỉnh Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Người mê và người tỉnh, Khác nhau ở chổ nào?” “Người thời còn trìu mến, Kẻ thời hết trìu mến”. “Như vậy nghĩa làm sao?” “Tức người còn ham muốn, Và người hết ưa muốn”. “Như Trẫm từng trông thấy, Dù xuất gia, tại thế, Dù đắc đạo, còn mê, Ai cũng lo sướng thân, Và no bụng mà thôi”. “Bệ Hạ nên chú ý, Người mê khi ăn uống, Thời lấy làm vui thích, Mong có món ngon lạ, Để ăn cho thỏa lòng. Người tu hành dứt mê, Đã đắc đạo quả rồi, Khi ăn không chú ý, Đến ngon dở mùi vị, Các ngài không vui thích, Vì ăn ngon, lạ miệng, Chỉ dưỡng lấy mạng sống, Để độ đời mà thôi!” “Hay lắm! Hay lắm vậy!” Bài 054: Gió Ở Tại Đâu Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Trí huệ ở tại đâu?” “Không ở tại đâu hết?” “Vậy nó không có sao?” “Chớ gió ở tại đâu?” “Không ở tại đâu hết?” “Vậy không có gió sao?” Bài 055: Bụm Nước Biển Mà Nếm Vua Di Lan Đà hỏi, Ngài Na Tiên Tỳ Kheo: “Đại đức có nói rằng: ‘Đức Thế Tôn đã làm, Một sự thật rất khó’. Làm sự chi mà khó?” “Vì Ngài phân biệt ra, Các cái Pháp vô hình, Các cái Pháp vô tướng. Ở trong mỗi giác quan, Của con người thế gian, Từ đụng chạm nhận biết, Cảm động và tư tưởng, Đến xét nét trí thức”. “Xin Ngài cho thí dụ!” “Như người bụm nước biển, Đưa vào miệng mà nếm, Người ấy có nhận ra, Trong bụm nước phần nào, Là nước sông Hằng Hà, Nước sông Da-Mu-Ná. Phần nào là nước sông, A-Xi-Ra-Hoa-Ti, Nước sông Xa-Ra-Bú, Nước sông Ma-Hí chăng?” “Rất khó mà nhận ra”. “Vậy mà Đức Thế Tôn, Ngài lại nhận ra được, Phân biệt ra hết được, Các cái Pháp vô hình, Các cái Pháp vô tướng. Bởi vậy nên bần tăng, Mới nói rằng: “Ngài làm, Một sự hết sức khó!” “Hay lắm! Hay lắm vậy!”
Chương III Kinh Pháp Cú Bài 056: Có Thân Là Khổ Đức Phật kể chuyện rằng: “Xưa có vị Tỳ kheo, Tên là Tinh Tấn Lực, Ở trong núi tu đạo, Cũng chính tại nơi đây, Có bốn con cầm thú, Nương ở xung quanh là, Câu, quạ, rắn và nai. Đêm nọ chúng hỏi nhau: ‘Cái khổ trong đời này, Thứ nào nặng hơn hết’. Quạ mọn mồm nói trước: ‘Đói khát khổ hơn hết, Những khi bị đói khát, Thân ốm và mắt mờ, Lòng dạ chẳng an ổn. Lắm khi vì bởi thế, Thân sa vào cạm bẫy, Chẳng tránh được mũi nhọn, Thiệt mạng vì đói khát’. Chim câu tiếp theo nói: ‘Dâm dục khổ hơn hết, Khi sắc dục bức bách, Chỗ nào cũng nghĩ tới, Nhân đó bị thiệt mạng, Sắc dục hại hơn hết’. Đến lượt con rắn độc: ‘Riêng tôi thì giận dữ, Là khổ hơn hết cả, Một khi nổi giận lên, Không kể gì thân sơ, Lắm khi làm hại mình, Hại người nữa là khác’. Cuối cùng là con nai: ‘Kinh hãi khổ hơn hết, Lòng tôi thường hồi hộp, Và run sợ liên miên, Sợ những kẻ thợ săn, Cùng chó săn, lang sói. Chợt nghe có tiếng động, Thôi thì tuông chạy mau, Bán sống và bán chết, Ruột gan rất run sợ, Bỏ cả mẹ, vợ, con, Khi sa hầm, sụp hố, Nguy hiểm đến tính mạng’. Sau khi nghe chúng bàn, Tỳ kheo đính chính rằng: ‘Những điều vừa nói đó, Chỉ là khổ ngọn ngành, Chưa phải khổ cội gốc. Nỗi khổ trong thiên hạ, Không gì bằng cái thân, Thân là cái món đồ, Để đựng mọi thứ khổ. Cho nên ta bỏ tục, Xuất gia mà tu đạo, Chính vì muốn tiêu diệt, Những ý tưởng xằng xiêng, Chẳng tham thân giả dối, Mục đích là dứt hẳn, Nguồn gốc đau khổ vậy.’” |