Thứ Tư
15 Jan 2025
11:52 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

ĐẠI SƯ THỨ HAI - LILAPA
21 Sep 2012, 8:22 AM
CÁC VỊ CHÂN SƯ ĐẠI THỦ ẤN

Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

--- o0o ---




Đại sư thứ 2: Lilapa - Đức vua ẩn sĩ


Trong cái vút nhanh

của bốn trạng thái tâm cao thượng,

Đức vua - Nhà Du-già - Con sư tử chốn rừng già

Vương miện là năm chòm lông màu lam ngọc

Còn nhà Du-già kia

Vương miện là năm thức thanh tịnh

Với mười vuốt sắc

Con mãnh sư xé nát thịt con mồi

Mười hạnh tốt của nhà Du-già

Bén như gươm đao

chặt đứt những quyền năng tiêu cực

Vì ngộ được chân lý này nên Lilapa giải thoát



Truyền thuyết




Một ngày nọ, trong khi vị quốc vương vùng Tây Ấn đang tựa lưng ở bệ rồng, chợt có lính canh tâu rằng có một vị đạo sĩ muốn vào bái kiến.

Nhìn vẻ cơ hàn và nét phong trần của đạo sĩ, nhà vua tỏ vẻ ái ngại và thương xót, vua phán: “Sống rày đây mai đó, hẳn là thầy khổ lắm? ”

“Tâu bệ hạ, tôi không hề lấy đó làm khổ não. Có chăng chính bệ hạ mới là kẻ đau khổ, đáng thương.” Đạo sĩ ung dung đáp.

“Cớ sao thầy nói vậy? ” Nhà vua sửng sốt hỏi.

“Trước hết, bệ hạ luôn sống trong nỗi lo mất ngôi, mất nước. Lòng của bệ hạ lúc nào cũng canh cánh lo sợ cơn thịnh nộ của thần dân dễ đưa tới việc tạo phản. Vì thế nên bệ hạ đau khổ. Còn như tôi đây, vào nước không chìm, vào lửa không cháy, độc không hại được, lại biết thuật trường sinh bất tử, ra khỏi luân hồi.”

Nghe qua lời đạo sĩ nói, nhà vua bồi hồi than rằng: “Bạch thầy, làm thế nào quả nhân có thể bắt chước nếp sống rày đây mai đó cơ cực như thầy. Cúi xin thầy từ bi ban cho diệu pháp. Có cách tu nào phù hợp với hoàn cảnh của quả nhân, không lìa ngôi báu, vợ đẹp con xinh, cung điện nguy nga mà vẫn tu thành chánh quả được chăng? ”

Bạch xong, vua phủ phục năm vóc sát đất khẩn cầu đạo sĩ truyền pháp.

Đạo sĩ hoan hỷ nhận lời, bèn trao tâm pháp cho nhà vua. Nghe xong pháp từ, vua liền vào định.

Kể từ đó, nhà vua thường tu tập thiền định ngay trên ngai vàng và thậm chí trong khi cùng các phi tử thưởng thức vũ nhạc. Nhà vua được mệnh danh là Lilapa vì tính ưa lạc thú và yêu thanh sắc của ngài.

Cách tu của Lilapa là chú mục bất động vào chiếc nhẫn ngài đeo ở bàn tay phải.

Sau khi đắc định, vua bèn quán thân tướng của thủ thần (Yidam) Hevajra cùng quyến thuộc của ngài. Lilapa ngộ được chân lý rốt ráo và đắc thần thông Đại thủ ấn sau khi thành tựu pháp quán này.



Hành trì


Qua truyền thuyết của ngài Lilapa, ta thấy một khi giáo pháp của một bậc thầy khế hợp với căn cơ của người đệ tử thì người ấy không nhất thiết phải lìa bỏ đời sống gia đình, từ bỏ các thú vui ngũ dục, mà vẫn có thể tu tập tập đạt tới cứu cánh Niết-bàn.

Kim cương thừa trở nên ngày càng cực thịnh, trước hết là do khuynh hướng chung của xã hội Ấn Độ thời ấy, khi mà quyền lực của giai cấp Bà-la-môn bắt đầu suy sụp, Đa thần giáo phát triển rộng rãi trong các giai tầng thấp hơn, lối tu khổ hạnh không còn sức thu hút quần chúng và chủ nghĩa hưởng lạc xuất hiện.

Kim cương thừa vừa là nhân vừa là quả của một sự kết hợp giữa dục lạc và giải thoát.

Trong giáo pháp Kim cương thừa, triết học nhất nguyên (Vạn pháp duy tâm tạo) của Ấn Độ đã đạt đến chỗ cùng tột của nó. Đó là xem bản chất của hành vi con người cũng đồng với các bậc thánh.

Tuy nhiên kẻ cầu đạo phải có đủ sức dũng mãnh tinh tấn, dám thừa nhận mình vốn là Phật và cảnh giới quanh mình vốn là cõi Phật.

Điều quan trọng nhất là hành giả phải gặp được chân sư. Vị chân sư này sẽ xem xét căn cơ mà truyền pháp khế hợp với kẻ cầu đạo, hướng vị này đến chân lý giải thoát rốt ráo để cứu độ chúng sinh với tâm vô ngã chứ không hướng đến dục lạc.

Ngoài ra, căn cơ của hành giả cần phải ở vào giai đoạn chín mùi, nghĩa là vị ấy phải dốc một lòng cầu chân lý giải thoát.

Ngài Lilapa có những đủ cơ duyên ấy, nên sau khi được điểm đạo ngài đã say mê tu tập pháp thiền định trụ tâm vào một điểm duy nhất (one-pointed samadhi).

Đây là việc khó làm đối với những ai có đời sống bận rộn hay đang chìm đắm trong dục lạc. Bởi ngay các hành giả Mật tông (tantrika) muốn nhất tâm quán điểm như thế cũng phải tìm nơi an tịnh như mật thất hay hang động hẻo lánh để tu luyện.

Nhưng trong Kim cương thừa, một khi hành giả hội đủ các duyên và được chân sư khai ngộ thì việc xuất gia không theo nghĩa thông thường là “ly gia cát ái”, mà được hiểu như là một trạng thái của tâm - trạng thái dứt bỏ mọi vọng tưởng và phân biệt đối đãi. Tâm an tịnh ấy là mật thất. An trú trong tâm an tịnh ấy, hành giả tự do quán sát cảnh giới di chuyển bên ngoài mà tâm vẫn không bị thôi thúc xô đẩy. Hành giả liền nhận biết rằng “không” không lìa khỏi “sắc”.

Đây nói trụ tâm vào một điểm tức là thâm nhập vào đối tượng. Trụ tâm vào một điểm chỉ là giai đoạn sơ khởi, vì như thế hành giả cũng chỉ mới nhập vào đàn pháp (mandala). Lúc ấy, tướng của thủ thần Heruka và quyến thuộc của ngài chưa hiện rõ. Hành giả phải tiếp tục quán tưởng cho đến lúc thân tướng của vị thần này xuất hiện đầy đủ, rõ ràng đến từng chi tiết, màu sắc phải phân minh.

Sau đó, quán tưởng hai vị thủ thần nhập vào nhau giữa trung tâm đàn, đồng thời quán mười sáu vị Kim cương thủ vây quanh, mỗi mỗi hiện ra đầy đủ với các màu sắc khác biệt.

Thành tựu giai đoạn này tức thời hành giả đắc pháp.

Phép quán này gọi là phép quán về tính hư vọng của sắc, vì sắc ấy tức là tướng của thủ thần cùng quyến thuộc vốn từ hư không mà hiện ra.

Trên mặt nhẫn của ngài Lilapa vốn không có tướng của các thủ thần, vì vận tâm quán tưởng mà có nên gọi sắc ấy là từ nơi không. Vì nghịch lý ấy, nên nói “sắc tức là không”.

Đây là Hevajra mạn-đà-la. Hevajra còn có tên là Heruka. Hevajra tantra tức Yoginitantra, chính là Tantra Mẹ.

Trong bài kệ xưng tán đệ nhất nghĩa đế, Lilapa tán dương con tuyết sư (sư tử tuyết) là chủ tể bí mật của muôn loài. Con sư tử cái cho một thứ sữa mà ai uống vào thì được trường sinh bất tử. Nhưng loại sữa đặc biệt này chỉ được đựng trong bình ngọc mà thôi. Năm chòm lông xanh trên bờm con sư tử đực tượng trưng cho năm thức thanh tịnh. Mười vuốt chân tượng trưng cho Mười Ba-la-mật. Thành trì bất khả xâm phạm là Bốn tâm vô lượng.

Theo một số các tượng thường thấy thì tượng thủ thần Hevajra màu xanh có tám mặt, bốn tay và bốn chân trong tư thế ôm choàng minh phi của ngài là Nairatma có khuôn mặt trắng, hai tay và hai chân. Cả hai đều trong tư thế nhảy múa, một chân co, một chân duỗi. Có tượng vẽ ngài mười sáu tay, mỗi tay cầm một cái đầu lâu, còn Nairatma thì một tay cầm đầu lâu, một tay cầm câu liêm, trong dáng đứng uy vũ chống lại pháp thuật của bốn quỷ thần gồm Phạm Thiên, Visnu, Siva và Sakra (Đế thích).

Hình Phạm Thiên màu vàng, tượng trưng cho ngũ ma.

Hình Visnu màu xanh, tượng trưng cho nhục cảm.

Hình Siva màu trắng, tượng trưng cho sự huỷ diệt.

Hình Sakra màu trắng, tượng trưng cho kiêu mạn và tha
m dâm.











TRUYỆN PHẬT GIÁO



THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 1007 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 0
CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]