Thứ Ba
19 Mar 2024
0:05 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

MI-TIÊN VẤN ĐÁP 17
22 Apr 2015, 4:00 PM
SỰ CHUẨN BỊ CỦA ĐỨC VUA VỀ NHỮNG CÂU HỎI MENDAKA

Khi đại đức Na-tiên trở về chùa rồi, đức vua Mi-lan-đà tìm chỗ thanh vắng, suy nghĩ rằng: "Ta có những câu hỏi Mendaka rất thù thắng, rất vi diệu, rất sâu kín; trong tam giới này không ai có thể đáp được, ngoài các vị Bồ Tát. Những câu hỏi này, nếu không được giải đáp thỏa đáng, sẽ phát sanh nhiều hoài nghi to lớn; và nó sẽ là nguyên nhân cho mọi cuộc tranh luận, tranh chấp bởi các hàng học Phật thời hậu lai! Nhưng trước khi đặt những câu hỏi Mendaka này để đại đức Na-tiên trả lời rõ ràng từng điểm một, ta phải chuẩn bị tâm, chuẩn bị trí cho thanh tịnh và sáng suốt."

Hừng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ửng hồng ở phương đông, khi các loài chim vừa rời khỏi tổ bay liệng giữa hư không, khi các thầy bà-là-môn đang tụng kinh điều thắng hạnh; khi các âm thanh như kèn, đàn, sáo... cùng những sinh hoạt nhân gian bắt đầu rộn ràng thì đức vua Mi-lan-đà đã tắm rửa vệ sinh thân thể, súc miệng bằng nước thơm tinh khiết, ngự ra chỗ yên tĩnh nhất của vườn ngự. Ngồi thiền định một lát, giữ hơi thở điều hòa, đức vua xả ly mọi vướng bận, vắng lặng dục và sân, chắp tay lên đỉnh đầu niệm ân đức của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Rồi ngài nghĩ rằng: "Ta sẽ bàn giao quốc sự cho các vị đại thần trong vòng bảy ngày. Bảy ngày ấy ta sẽ thọ trì tám pháp lành. Tám pháp lành ấy có công năng thiêu hủy ác pháp và những trần cấu dơ uế. Khi nội tâm đã đầy đủ, sung mãn tám pháp lành ấy, ta sẽ tìm đến đại đức Na-tiên để đặt những câu hỏi Mendaka."

Sau khi công việc triều chánh đã được bàn giao, đức vua cởi vương bào cùng châu báu ngọc ngà; mặc chiếc y màu hoại sắc như các đạo sĩ, quấn chiếc khăn thô lên đầu như hình chiếc nhẫn; rời khỏi long ngai, ngự lên lầu cao, trú trong một căn phòng thoáng đãng và tịch mịch.

Suốt bảy ngày ấy, đức vua thành tựu được tám pháp lành sau đây:

Một là, không suy nghĩ, vướng bận hoặc bàn chuyện quốc sự.

Hai là, không để cho tâm ái dục, luyến ái chi phối.

Ba là, không có sân niệm nào đối với bất kỳ một ai.

Bốn là, không có hành động nào do mê tối, lầm lạc, si mê.

Năm là, không một điều tiếng nào dù hận, dù tức, dù khó chịu đối với mọi người, quan lại, kẻ hầu, chánh hậu, thứ phi, hoàng tử hoặc cung nga thể nữ...

Sáu là, thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, đánh đập người; khẩu không nói dối, ác khẩu, lời hung dữ v.v...

Bảy là, hoàn toàn thu thúc lục căn. Sáu cửa đều được thanh tịnh.

Tám là, trú từ bi tâm.

Ngày thứ tám, đức vua Mi-lan-đà thọ thực sớm, với hỷ và an, với từ bi tâm tỏa mát ở khí sắc, ngài đi chào hỏi mọi người với những lời vui vẻ đầy từ ái. Sau đo, với oai nghi đỉnh đạc và trầm tịnh, với ý được thu liễm, với tâm đầy hoan hỷ, với trí trong sáng và rỗng rang; đức vua đi bộ thanh thản đến chùa gặp đại đức Na-tiên, hai tay chấp lại đặt lên giữa đỉnh đầu, rồi bạch như sau:

- Đại đức Na-tiên tôn kính! Hôm nay trẫm muốn hội diện với ngài để hỏi về những câu hỏi có ý nghĩa sâu kín. Như mặt đất bí mật thường ẩn chứa của báu, như khu rừng thanh vắng thường để dành cho các sa môn tĩnh tu; những câu hỏi mà trẫm sẽ hỏi ngài đây cũng phải được tìm chỗ thích hợp, phải tránh xa tám điều cấm kị, nếu không, cuộc diện đàm của chúng ta sẽ bị hư hỏng.

- Đại vương cứ nói.

- Thứ nhất là phải tìm chỗ bằng phẳng, tránh chỗ gồ ghề, lồi lõm, chỗ chông chênh, chỗ có khe vực nguy hiểm. Thứ hai là tránh chỗ sẽ phát sanh nhiều sợ hãi. Thứ ba là tránh chỗ có gió mạnh, gió dữ, gió độc, gió lạnh. Thứ tư, tránh chỗ quá kín đáo như mật thất hoặc hang động. Thứ năm là tránh chỗ người ta hay đến để cúng vái cầu khấn chư thiên hoặc thọ thần. Thứ sáu, tránh chỗ gần đường cái quan, gần lối đi mà bộ hành thường qua lại. Thứ bảy, tránh chỗ gần thị thành, chợ búa. Thứ tám là tránh chỗ gần bến nước, giếng nước. Đó là 8 chỗ không thích hợp cho những câu hỏi về Mendaka, thưa đại đức.

- Bần tăng đã hiểu lý do, nhưng đại vương hãy cứ giải thích một cách rộng rãi theo ý mình.

- Vâng. Chỗ bằng phẳng chỉ đơn giản là để dễ dàng thay đổi oai nghi mà không ngại vấp té vô ích. Chỗ không có thú dữ như cọp, beo, rắn độc để khỏi phát sanh sợ hãi. Chỗ có các loại gió dữ, gió mạnh, ác phong, hàn phong sẽ khiến dễ bị nhiễm cảm, nhức đầu, sổ mũi. Không tới chỗ quá kín đáo để tránh sự tò mò, dòm ngó, nghi vấn của nhiều người. Còn tránh bốn chỗ sau là tránh sự đông đúc của bá tánh, tránh ồn ào, huyên náo, hỗn tạp dễ bị phân tâm, không chuyên nhất cho sự suy nghĩ tế vi và sâu kín. Ý nghĩa, lý do của tám điều cấm kỵ là vậy, thưa đại đức!

- Hay lắm - đại đức Na-tiên gật đầu tán thán - đại vương quả là người chu đáo nhất thế gian này.

- Không dám. Tránh tám chỗ cấm kỵ ấy không thôi thì cũng chưa đáng được gọi là chu đáo đâu, thưa đại đức!

- Xin cho bần tăng được nghe cao kiến?

- Còn tám hạng người nữa sẽ không được dự nghe những câu hỏi và đáp của chúng ta, vì tám hạng người ấy không đủ trình độ tâm, trình độ trí, sẽ phát sanh nghi ngờ vô ích. Có họ thì các câu hỏi Mendaka sẽ bị chúng làm cho hư hoại.

- Xin đại vương cứ trình bày.

- Thứ nhất là hạng người nặng về luyến ái, thiên về luyến ái. Thứ hai là hạng người nhiều sân hận, nóng nảy, hung dữ. Thứ ba là hạng người si mê, đần độn. Thứ tư là hạng người nhiều ngã chấp, kiêu căng, kiêu mạn. Thứ năm là hạng người thấp thỏi, hèn hạ, ti tiểu. Thứ sáu là hạng người ương lười, biếng nhác, dễ duôi. Thứ bảy là hạng người chỉ thấy cái bụng của mình, nhìn không xa hơn cái bụng hoặc hay suy bụng ta ra bụng người. Thứ tám là người ngu, kém hiểu biết không chịu thấy ra cái ngu của mình!

- Vậy là quá chu đáo rồi.

- Chưa đâu, thưa đại đức.

- Còn gì nữa, hở đại vương?

- Thưa, cũng còn phải tránh chín hạng người nữa. Thứ nhất là người đắm đuối, ái luyến đã thành quen, thành nề. Thứ hai là người nóng nảy, hung dữ, sân hận đã thành tâm, thành tánh. Thứ ba là người si mê, đần độn đã biến thành bản chất...

Đến đây, đại đức Na-tiên chợt hỏi:

- Ở trên cũng tham, sân, si; dưới cũng tham, sân, si nhưng một bên là mới "nặng về", "nghiêng về", còn một bên là tham, sân, si đã gắn chặt, kết dính kiên cố... Phải chăng đấy là điều khác nhau, thưa đại vương?

- Vâng. Đúng là vậy.

- Xin cho nghe sáu hạng người kế tiếp.

- Thứ tư là người nhiều lo âu, sợ hãi. Thứ năm là người ham mê danh lợi. Thứ sáu là người uống rượu. Thứ bảy là người thích trang sức, trang điểm, nước hoa, dầu thơm. Thứ tám là đàn bà, thứ chín là trẻ con...

- Hay lắm! Đại vương không cần phải giải thích thêm nữa. Tuy nhiên, bần tăng chỉ muốn hỏi thử đại vương về hạng người thứ tám và thứ chín thôi, tại sao họ không có khả năng tiếp thu những câu hỏi và đáp về Mendaka?

- Thưa, đàn bà và trẻ con thời Đức Phật có rất nhiều người có căn cơ lớn, trí tuệ lớn; họ có khả năng giác ngộ giáo pháp, nhưng bây giờ thì hết rồi. Giáo hội tỳ kheo ni Đức Thế Tôn đã không cho phép duy trì, kế thừa nữa. Và trẻ con thì chẳng có ai bảy tuổi mà đắc quả A- la- hán cả!

- Vâng, thật là chính xác! Đại vương có gì trao đổi nữa chăng?

- Thưa, còn! Tất cả hạng người kể trên đều không được dự nghe. Còn người đặt câu hỏi và được dự nghe như trẫm đây phải hội đủ một số điều kiện, bằng không, các câu hỏi Mendaka cũng sẽ bị hủy hoại.

- Các điều kiện ấy là gì, đại vương?

- Thưa, thứ nhất là tuổi tác đã trưởng thành. Thứ hai là không ham mê chức phận. Thứ ba là phải siêng năng học hỏi. Thứ tư là không thân cận với kẻ ngoại đạo. Thứ năm là luôn khởi tâm hướng đến cái chân thực, cái như thực (yonisomanasikàra = như lý tác ý). Thứ sáu là thích luận đạo, vấn đạo để phát triển trí tuệ. Thứ bảy là ưa thích trong pháp và ý nghĩa của giáo pháp. Thứ tám là nơi quốc độ thích hợp (ở trú xứ thích hợp).

- Lý do của tám điều kiện ấy là gì, tâu đại vương?

- Thưa, có tám điều kiện ấy mới có trí tuệ, trí tuệ mới phát triển được, thưa đại đức.

- Quả đúng như thế.

- Thưa đại đức! trẫm là người học trò có đầy đủ tám điều kiện để phát sanh trí tuệ như đã kể ở trên, thật cũng khó kiếm trên cõi Diêm phù đề này. Nhưng một bậc thầy A-xà-lê như đại đức, muốn được xứng danh, chơn chính, chơn thực là một bậc A-xà-lê trọn vẹn, tuyệt hảo...thì có lẽ lại càng hy hữu hơn...

- Tại sao lại hiếm có bậc A-xà-lê như thế? Hãy cho nghe, tâu đại vương!

- Thưa, vì trẫm chỉ có tám điều kiện, nhưng một bậc A-xà-lê sư như đại đức thì phải hội đủ hai mươi lăm điều kiện, thưa đại đức!

- Đại vương hãy nói đi!

- Vâng. Hai mươi lăm đức tính của một bậc A-xà-lê sư như sau:

Thứ nhất, thầy luôn luôn hộ trì, thương yêu, bi mẫn đối với đệ tử.
Thứ hai, thầy biết rõ đệ tử này cần gần gũi, đệ tử kia không nên gần gũi.
Thứ ba, thầy biết rõ đệ tử này phóng dật, giải đãi, dễ duôi, đệ tử kia thì không.
Thứ tư, Thầy phải biết rằng lúc này nên cho người đệ tử nằm và nghỉ, lúc khác thì không.
Thứ năm, thầy phải biết đệ tử này đau ốm, đệ tử kia khỏe mạnh.

Thứ sáu, thầy phải lưu ý người đệ tử này đầy đủ vật thực, đệ tử kia thiếu thốn.
Thứ bảy, thầy phải hiểu rõ từng đức tính, từng cá tính của từng đệ tử.
Thứ tám, thầy phải biết chia sớt phần vật thực của mình nếu đệ tử không đủ no.
Thứ chín, thầy phải tìm cách trấn an giúp người đệ tử giải thoát mọi nỗi lo âu, sợ hãi.
Thứ mười, thầy phải theo dõi, theo sát pháp hành của người đệ tử để biết cách hướng dẫn người đệ tử tu tập mau tiến bộ.

Mười một, thầy phải biết rõ tất cả các pháp và người nên thân cận, gần gũi để giáo huấn đệ tử.
Mười hai, thầy phải biết chùa chiền nào, tăng lữ nào là nên thân cận, gần gũi để chỉ bày cho đệ tử.
Mười ba, thầy không nên để cho đệ tử cười đùa, nô giỡn một cách vô ích.
Mười bốn, thầy biết đệ tử có tội, phải ngăn cấm tội ấy và sẵn sàng xá tội cho đệ tử.
Mười lăm, thầy phải luôn luôn nhu thuận, nhu nhuyến với đệ tử.

Mười sáu, thầy luôn luôn nhắc nhở không cho đệ tử bỏ bê pháp học và pháp hành.
Mười bảy, thầy không được dấu diếm những ý nghĩa sâu xa của giáo pháp đối với đệ tử.
Mười tám, thầy không nên để sót lại dầu một chút ít những pháp sâu xa mà không dạy cho đệ tử.
Mười chín, thầy cần cho đệ tử biết lần hồi sức tài, sức học của mình.
Hai mươi, thầy thường xuyên nâng đỡ đừng cho đệ tử hư hỏng, phải giúp cho đệ tử tiến bộ.

Hai mươi mốt, thầy luôn luôn nghĩ rằng, phải làm sao cho đệ tử học tập đến nơi đến chốn.
Hai mươi hai, thầy luôn có tâm từ với đệ tử.
Hai mươi ba, thầy không được bỏ đệ tử trong lúc đệ tử bị tai ương, hoạn nạn, rủi ro, tai hại.
Hai mươi bốn, thầy không được thờ ơ trong bổn phận và trách nhiệm đối với đệ tử.
Hai mươi lăm, thầy phải chỉ ra những chỗ mà đệ tử đã học sai và phải giải thích cho rõ ràng.

Sau khi đức vua Mi-lan-đà nói ra đầy đủ hai mươi lăm đức tính của một bậc làm thầy, đại đức Na-tiên lại một lần nữa tán thán:

- Quả thật là vi diệu! Nhưng không biết trên thế gian này có bậc thầy nào hội đủ các đức tính ấy chăng?

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

- Ngài quá khiêm tốn. Trẫm cảm nhận ra rằng đại đức là bậc A-xà-lê sư ấy. Khi có người đệ tử như Trẫm đây hội đủ tám điều kiện; và khi có bậc thầy hội đủ hai mươi lăm đức tính như đại đức - thì chúng ta hãy tìm chỗ tránh xa tám điều cấm kỵ, xa lánh mười bảy hạng người. Và ở đấy, các câu hỏi về Mendaka sẽ được bắt đầu.

- Lành thay! - Đại đức Na-tiên nói - Nhưng vẫn chưa đủ, tâu đại vương! Đại vương đã chấp nhận mình là một người đệ tử, vậy đại vương có thông thuộc mười đức tính phải có của một người cận sự nam, cận sự nữ chăng?

- Xin cho nghe!

- Vâng. Điều thứ nhất là một người cận sự nam (hay nữ) phải biết chia vui, chung khổ với tỳ khưu Tăng. Điều thứ hai là thân khẩu phải thanh hạnh, lìa xa trược hạnh. Thứ ba là phải biết lấy pháp làm chủ, pháp là mục đích. Thứ tư là thường hoan hỷ, xả ly, bố thí. Thứ năm là phải chăm chuyên, tinh tấn học, suy nghĩ để hiểu cho thấu đáo lời dạy của Đức Thế Tôn. Thứ sáu là phải biết rời xa những niềm vui huyên náo và rỗng không bên ngoài Phật giáo, dù có mất sanh mạng cũng không nhận ngoại đạo làm thầy. Thứ bảy là phải có chánh kiến kiên cố, bất động. Thứ tám là vui thích trong việc làm cho Tăng được hòa hợp, cận sự nam nữ hai hàng đoàn kết, hoan hỷ làm phước sự. Thứ chín không được thực hành hạnh giả dối, thấp hèn. Thứ mười là phải lấy Tam Bảo làm chỗ quy hướng, nương nhờ.

Tâu đại vương! Mười đức tính ấy cần phải có và đầy đủ ở trong tâm của đại vương. Ngoài ra, đại vương biết nguyên nhân nào làm cho Phật giáo suy vong, tiêu hoại thì phải ngăn ngừa, dập tắt nguyên nhân ấy. Phải hộ trì cho Phật giáo được hưng thịnh dài lâu vì hạnh phúc và an vui cho đại vương cũng như cho chư thiên và loài người. Đại vương có làm được như thế chăng?

- Thưa, trẫm làm được. Và mười đức tính ấy của một cận sự nam trẫm cũng có đầy đủ.

- Lành thay! Vậy chúng ta hãy tìm nơi thích hợp, và đại vương hãy tùy nghi đặt bất cứ câu hỏi nào về Mendaka.

- Vâng, mọi nhân, mọi duyên điều viên mãn, chúng ta hãy bắt đầu hỏi và đáp.

- Thưa vâng!

* * *


90. Lễ bái, cúng dường Xá lợi, Kim thân Phật, cây Bồ-đề... không có phước báu!

Khi tìm được chỗ thích hợp, đức vua Mi-lan-đà đê đầu xuống sát chân đại đức Na-tiên, thành kính đảnh lễ rồi thưa rằng:

- Bạch đại đức! Chúng ngoại đạo thấy Phật tử cung kính lễ bái, cúng dường xá lợi, cây bồ đề, kim thân Phật, chúng đã nói rằng: "khi Đức Phật còn tại tiền, các Phật tử cung kính, lễ bái, cúng dường ngài cũng phải lẽ. Nay ngài đã nhập diệt rồi, các ngươi dẫu có lễ bái cúng dường bao nhiêu chăng nữa thì Đức Phật cũng đâu có hoan hỷ? Mà không hoan hỷ tất không có phước báu. Không có phước báu tất sẽ có tội. Coi chừng các ngươi làm vậy là rơi vào tà kiến đấy!"

Thưa đại đức! Sự nhận xét ấy của ngoại đạo đúng hay sai? Là chánh kiến hay tà kiến? Những mong đại đức với tâm bi mẫn, với tuệ chân thật hãy phá nghi cho những người học Phật thời hậu lai.

- Tâu đại vương! Đại vương hãy nghe đây, bần tăng sẽ giảng giải. Nhưng trước khi giảng giải, bần tăng xin hỏi đại vương: thuở Phật còn tại tiền, khi nhận được sự lễ bái, cung kính, cúng dường của cận sự nam nữ hai hàng, Đức Phật có hoan hỷ không?

- Dĩ nhiên là có hoan hỷ.

- Chẳng phải thế, tâu đại vương! tâm hoan hỷ là tâm thô lậu, nó chính là cấu uế đối với các vị tu tập thiền quán, huống chi đối với Đức Phật là bậc ở ngoài ba cõi? Khi nhận sự lễ bái, cúng dường của Phật tử, Đức Thế Tôn trú tâm giải thoát chớ không phải tâm hoan hỷ đâu, tâu đại vương!

- Vâng, đúng vậy!

- Đức Thế Tôn đã hoàn toàn vắng lặng và siêu thoát từ cội cây bô-đề sau khi thành đạo quả Chánh Đẳng Giác; nghĩa là ngài không còn thỏa thích, hoan hỷ với bất cứ lợi lộc, phẩm vật cúng dường nào của chư thiên hoặc loài người. Và dĩ nhiên, Đức Phật giờ đã Niết bàn rồi thì Ngài không còn hoan hỷ với những lễ phẩm cúng dường cũng là điều chắc thật. Ngoại đạo nói vậy là đúng, nhưng lời chỉ trích của chúng đã phản tác dụng, vô tình đã nói lên sự thực về Đức Đạo Sư. Vì Đức pháp chủ Xá-lợi phất đã từng thuyết như sau: "Đức Thế Tôn không có sự hoan hỷ với những phẩm vật cúng dường của chư thiên và nhân loại, nên những ai cúng dường đến ngài sẽ được quả báu nhiều vô số kể." Tâu đại vương, vậy thì luận điểm tuyên truyền của ngoại đạo rằng là "không hoan hỷ tất không có phước báu, không có phước báu tất là có tội" chính là tà kiến, là sự thấy biết lầm lạc không phù hợp với chân lý!

Đức vua Mi-lan-đà nói:

- Nghe thì có lý nhưng sự y cứ của đại đức không đáng tin cậy. Tại sao vậy? Ngài Xá-lợi phất thì biện minh cho Đức Thế Tôn, đại đức thì dựa vào ngài Xá-lợi phất thì có khác nào cha con khen ngợi và tâng bốc lẫn nhau? Chính đại đức phải tự giải thích, phân tích sao cho đúng pháp, đúng với chánh lý để giải trừ những tà kiến nguy hại kia chứ không phải là trích dẫn những câu có sẵn!

- Đúng như thế, tâu đại vương! Những người cận sự nam nữ họ đều cung kính, lễ bái, cúng dường Xá-lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật...; mặc dầu biết rằng Đức Phật đã nhập diệt, ngài không có thỏa thích hoan hỷ gì trong những lễ phẩm ấy; nhưng nhờ vậy, họ tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn, tưởng nhớ đến những pháp lớn, pháp nhỏ mà Đức Thế Tôn đã từng dạy bảo để tu tập. Nếu như sự tu tập ấy được kiên trì, với nhiếp tâm, với tinh cần thì họ có thể được thiện sanh làm người, làm trời, cao hơn là chứng đắc bốn đạo quả và Niết bàn không, hở đại vương!

- Có thể là như vậy, nhưng trẫm muốn nghe bằng ví dụ cụ thể, dễ hiểu kìa!

- Vâng, người ta hay dùng lửa để đốt cháy cỏ khô, cây khô hoặc những vật uế tạp. Khi cỏ khô, cây khô hoặc những vật uế tạp đã được thiêu hủy rồi thì lửa ấy có còn chăng, đại vương?

- Dĩ nhiên, khi không còn vật dẫn cháy thì lửa cũng tắt theo.

- Vậy khi muốn dùng lửa trở lại, người ta làm sao để có lửa, đại vương?

- Người ta lấy cây khô cọ xát với cây khô, đặt bùi nhùi là vật dẫn cháy thì sẽ có lửa.

- Trí tuệ được ví như lửa vậy, tâu đại vương! Đức Phật đã Niết bàn rồi, trí tuệ ngài không còn nữa, nhưng những đệ tử của ngài đã theo lời dạy của ngài, tu tập theo những pháp lớn, pháp nhỏ của ngài; cũng dùng cây khô cọ xát với cây khô, cũng đặt bùi nhùi dẫn cháy để phát sanh trí tuệ. Như vậy, Đức Phật thuở tại tiền không hoan hỷ lễ phẩm cúng dường, khi Niết bàn cũng không hoan hỷ lễ phẩm cúng dường; nhưng những người Phật tử cung kính, lễ bái, cúng dường xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật; đã hằng ngày tự mình nhắc nhở, hằng ngày tự mình hành thiền, hằng ngày đã dùng phương pháp lấy lửa để thành tựu trí tuệ; nên kết quả của việc làm ấy được phước báu vô lượng vô biên, là chứng đắc ba thứ đạo quả: quả người, quả trời và quả Niết bàn, tâu đại vương!

- Thật là thông đạt, nhưng trẫm muốn nghe thêm ví dụ?

- Vâng, ví như một ngày mùa hạ khí trời oi bức, một cơn gió mát mẻ thổi qua làm cho mọi người đều khoan khoái. Nhưng khi cơn gió qua rồi, lúc nóng nực, người ta không biết làm sao để chống nóng, phải không đại vương?

- Người ta có thể làm gió được, thưa đại đức! Người ta dùng lá thốt nốt và tre kết thành một tấm lớn đặt trên trần nhà, có dây kéo, thế là có thể có gió quạt mát cho cả nhà. Cũng có thể dùng nan tre, dán giấy để cầm tay quạt mát cho từng người, thưa đại đức!

- Gió qua rồi nhưng người ta có thể làm gió được, ấy là từ miệng đại vương nói ra. Đức Phật với giác ngộ, với trí tuệ, với từ bi hỷ xả... có mặt trên thế gian này, quả là một cơn gió lớn, thanh lương và mát mẻ vô cùng. Cơn gió ấy đã thổi vẹt vô minh và si mê trên trần thế. Cơn gió ấy đã xua tan biết bao sân hận, hung dữ, bạo tàn, ác độc... của con người. Cơn gió ấy đã làm cho hằng sa thế giới chấn động, ma vương sợ hãi và chúng sanh thì được tẩm mát, được an lạc và thanh bình.

Làn gió của Đức Thế Tôn đến như vậy, an trú như vậy và ra đi như vậy - nói hoan hỷ hoặc không hoan hỷ đều không đúng - nhưng rõ ràng là ích dụng và lợi lạc cho vô số chúng sanh. Đức Thế Tôn nhập diệt rồi, gió ấy đã qua rồi, nhưng người ta có thể làm gió được, bằng nổ lực cá nhân, bằng lá thốt nốt, nan tre và giấy; bằng sự cung kính, lễ bái cúng dường xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật... để quạt mát, đem lợi lạc, hạnh phúc, an vui đến cho mình và mọi người, tâu đại vương!

- Ví dụ ấy cũng khá chính xác, nhưng trẫm muốn nghe thêm ví dụ khác để hiểu thêm về nhiều mặt của một vấn đề!

- Vâng! khi muốn nghe tiếng trống, đại vương phải làm sao?

- Trẫm sai lực sĩ đánh. Đánh mạnh thì âm thanh lớn vang xa, đánh nhẹ thì âm thanh nhỏ vang gần.

- Vậy khi không đánh thì âm thanh kia đi đâu?

- Nó diệt rồi!

- À, té ra âm thanh đã mất hẳn, không còn nữa!

- Không, nó diệt chứ không mất! Đại đức nghĩ thế là sai rồi! Bởi khi cần âm thanh, ta sẽ có cách làm cho âm thanh có mặt trở lại!

- Phải làm sao?

- Trẫm sai lực sĩ đánh trống! Đại đức nên nhớ rằng cái trống chỉ là nhân, cái trống không tự nó phát ra âm thanh, một nhân không thể thành quả. Nhân phải có hỗ trợ duyên, một duyên hay nhiều duyên mới trổ thành quả. Cũng vậy, cái trống cần phải có dùi trống, người đánh trống trợ duyên mới phát ra âm thanh được.

- Vậy là chính đại vương đã giải tan những nghi vấn của đại vương! Đức Phật gióng lên Tiếng Trống Bất Tử ở giữa đời, Đức Phật nhập diệt rồi nhưng tiếng trống không hẳn đã mất đi vĩnh viễn. Cái trống còn đó, Pháp bảo còn đó; nếu có người đánh trống thì âm thanh kia vẫn vang lên như thường.

- Xin thưa, đồng ý Pháp bảo dụ như cái trống, nhưng cây bồ-đề, xá lợi, kim thân Phật đâu phải là Pháp bảo? Vậy cung kính lễ bái, cúng dường những hình tượng ấy có thể nào lại vang lên âm thanh của Pháp bảo?

- Rất là chính xác. Tuy nhiên, tâu đại vương, cái trống tự nó không phát ra âm thanh mặc dầu có người đánh trống;
  • cũng vậy, Pháp bảo và người gióng trống Pháp bảo không cũng chưa đủ, nó phải cần có nhiều duyên hỗ trợ. Cúng dường, lễ bái xá lợi, kim thân Phật nó chính là trợ duyên cho chúng sanh nhớ tưởng đến ân đức, trí hạnh của Đức Phật mà tu tập, phải thế không đại vương?

  • Vì còn thiếu dùi trống

    - Hay lắm!

    - Lúc Đức Thế Tôn diệt độ, ngài dạy rằng: "Khi Như Lai Niết bàn rồi, pháp và luật là thầy của các ngươi." Pháp và luật chính là tam tạng, chính là Pháp bảo, chính là giới định tuệ, chính là 37 trợ đạo phẩm. Vậy thì cái trống Pháp bảo luôn còn ở đấy, chỉ thiếu người đánh trống và dùi trống nữa mà thôi. Khi nào có dùi trống, có người đánh trống, gióng lên tiếng trống Pháp bảo thì chắc hẳn rằng đức tin, phước báu, từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát sẽ có mặt ở đời này, phải thế không đại vương?

    - Phải vậy!

    - Thế thì lời nói của ngoại đạo là ngoa ngôn, xảo ngôn, là hư ngụy, là không thật, là tà kiến...; chính chúng muốn cho các hàng Phật tử không có nơi nương tựa, không có nơi hướng về, không có nơi tôn kính, không có nơi lễ bái...; làm cho Phật tử hoang mang, sợ hãi, đức tin bị lung lay... Đại vương có thấy thế không?

    - Đúng vậy! Nhưng còn sự hoan hỷ và không hoan hỷ?

    - Đức Phật đã nhập diệt rồi, đặt vấn đề hoan hỷ và không hoan hỷ chỉ là trò chơi của sự lập ngôn! Chính sự khởi tâm khi thành kính, lễ bái, cúng dường... đã thành tựu phước báu rồi! Tiếng trống có hoan hỷ và không hoan hỷ cũng là trò hý lộng ngôn ngữ! Âm thanh của tiếng trống là tùy thuộc vào sức yếu mạnh của người lực sĩ. Pháp bảo được giác ngộ sâu cạn là tùy căn cơ, trình độ, sự lãnh hội cùng túc duyên của người tu Phật. Người tu theo đức tin, người theo tinh tấn, người theo trí tuệ cũng do từ kho tàng Pháp bảo cùng căn cơ trình độ mà ra, từ cá biệt duyên của mỗi người mà ra!

    - Trẫm đã thông suốt, đã tỏ tường, tuy nhiên, trẫm còn muốn nghe thêm về sự hoan hỷ!

    - Được thôi! Trên quả đất rộng lớn này biết bao nhiêu là kỳ hoa, dị thảo; biết bao nhiêu là giống cây cùng nứt hạt, nẩy mầm và lớn lên làm cho xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ và phong phú! Tâu đại vương, quả đất có hoan hỷ không, mà cây cối, muôn hoa nẩy nở và phát triển như thế?

    - Chúng hoan hỷ gì đâu! Chúng nương nhờ từ đất, đón nhận nước, không khí, ánh sáng mà trở nên sum suê, tươi xanh đấy chứ!

    - Cũng vậy, Đức Thế Tôn còn sống hay đã Niết bàn, ngài cũng chẳng hoan hỷ gì cả; nhưng tứ chúng, chư thiên và nhân loại nương nhờ nơi ngài, đón nhận giáo pháp của ngài; tạo phước báu, tu tập từ bi, hỷ xả, tu tập để đắc các tầng Thánh quả. Nói cách khác, đức tin và nghe pháp là hạt giống, giới là gốc rễ, định là thân cây, tuệ là lá hoa và giác ngộ, giải thoát các tầng Thánh là quả, tâu đại vương!

    - Đúng là không cần có sự hoan hỷ mà chính do tâm tạo thiện nghiệp, học hỏi giáo pháp và tu tập. Phước báu phát sanh ở đó.

    - Còn nữa, ví như những loại vi trùng sống nhờ nơi thân, trong bụng chúng sanh như voi, ngựa, trâu, bò, dê, lừa, lạc đà...; các loài động vật ấy chúng không hề hoan hỷ, thỏa thích các loài vi trùng ấy, nhưng vi trùng vẫn lớn lên, sinh con đẻ cháu hàng hàng lớp lớp.

    - Vâng, quả vậy. Trường hợp này có lẽ là do nghiệp duy trì, nuôi dưỡng.

    - Đúng thế! Ví như con người thường phát sanh chứng bệnh channavuti. Dẫu con người có hoan hỷ hay không hoan hỷ thì bệnh channavuti vẫn phát sanh, tồn tại và hành hạ con người. Tại sao như thế, đại vương?

    - Dĩ nhiên là do nhiều nguyên nhân, nhưng nói ngắn gọn là do ác nghiệp sanh ra.

    - Lại ví như dạ xoa Nanda có tâm ác độc, đánh mạnh vào đầu đức pháp chủ Xá lợi phất, sau đó dạ xoa Nanda bị quả đất rút. Đại vương nghĩ như thế nào, đức pháp chủ có hoan hỷ khi dạ xoa Nanda bị ác báo ấy không?

    - Dẫu cõi trời, cõi người có tiêu hoại đi, mặt trời, mặt trăng có bị rơi xuống đất, núi Tu di bị vỡ tan tành... đức pháp chủ Xá lợi phất cũng không có tâm địa ấy đâu!

    - Vậy dạ xoa Nanda bị quả đất rút do nguyên nhân nào?

    - Do năng lực của nghiệp mà dạ xoa kia đã làm.

    - Đúng vậy! Còn bốn người nữa làm hại Đức Phật bị quả đất rút là nàng Cincà, Đức vua Suppabuddha, ông Devadatta, kẻ trộm Udameyyaka... thì đại vương nghĩ như thế nào, Đức Phật có hoan hỷ về điều đó không?

    - Đức pháp chủ không có tâm địa ấy thì dĩ nhiên Đức Phật cũng hoàn toàn không! Chính chúng gây nhân ác thì bị ác báo.

    - Vâng! Gây nhân thiện thì quả báo lành, tốt, gây nhân ác thì bị quả báo dữ, xấu. Đấy là định luật. Đức Phật dẫu đã Niết bàn rồi, không có hoan hỷ về việc Phật tử cung kính, cúng dường, lễ bái xá lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật; nhưng lạc báo, thiện báo, phước quả sẽ trổ sanh cho người ấy, do thiện tâm của người ấy. Trái lại, Đức Phật, đức pháp chủ Xá lợi phất không có hoan hỷ về việc những người làm hại mình bị quả đất rút nhưng khổ báo, ác báo, tội báo vẫn lôi những kẻ ấy vào địa ngục a-tỳ như thường. Như vậy, lời nói của ngoại đạo là rỗng không, không có y cứ vào định luật nhân quả, không thấy không biết sự vận hành của nhân quả; không biết rằng tác ý là nghiệp...! Luận cứ của chúng là tà kiến, không đúng với chân lý. Đại vương là bậc có trí, hãy từ đó mà suy gẫm thêm!

    Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ, hết lời tán dương trí tuệ phá nghi của đại đức Na-tiên, rồi kết luận:

    - Lời xuyên tạc, phá hoại của chúng ngoại đạo từ nay đã tiêu tan, vô hiệu quả, nhờ tuệ đức của ngài vậy.

    * * *


    91. Đức Phật có toàn giác không?
    [Hơi khác với câu hỏi 60]

    - Bạch đại đức! trẫm có một mối nghi rất to lớn, là Đức Thế Tôn không phải là bậc Toàn Giác!

    - Tại sao?

    - Thưa, đọc trong kinh, trẫm thấy rằng, có rất nhiều trường hợp Đức Thế Tôn "hướng tâm" đến mới biết, không hướng tâm đến thì không biết. Như vậy, sao gọi là "toàn giác" được?

    - Tâu đại vương! Đức Thế Tôn đúng là bậc Toàn Giác, ngài biết rõ tất cả các loại tâm. Duy nhất chỉ có Đức Thế Tôn mới thông suốt, mới biết rõ sự hiện hữu và sự vận hành các tướng tâm ấy!

    - Các tướng tâm ấy như thế nào?

    - Thứ nhất là tướng tâm tham dục, sân hận, si mê, thường dính mắc bởi ái luyến và phiền não. Cái tâm ấy gọi là trì độn, chậm chạp, không có tu tập, tức là loại tâm chưa được tiến hóa. Cái tâm ấy được ví như một cây tre chằng chịt từ đầu đến ngọn bởi những mắc, những gai nè phức tạp, vô phương tháo gỡ, tâu đại vương!

    - Đấy là tâm của tất cả chúng sanh, nhất là những chúng sanh đang lặn hụp, đau khổ trong bốn đường dữ, phải thế không đại đức?

    - Vâng, loại tướng tâm thứ hai là tâm của những chúng sanh đã ra khỏi bốn ác đạo ấy. Đấy là tâm của những vị Thánh Tu-đà-huờn, kẻ đã cắt đứt ba sợi dây ràng buộc là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Loại tướng tâm này đã vượt khỏi trì độn, đã bước vào dòng tiến hóa, đã thật sự có tu tập, đã có đức tin chơn chánh vào con đường và giáo pháp diệt khổ của Đức Thế Tôn, tâu đại vương!

    - Xin cho nghe ví dụ.

    - Ví như cây tre có mười đốt chằng chịt gai nè của chúng sanh ở tướng tâm thứ nhất, đã được trẩy sạch ba mắc cùng những gai nè dính mắc, ràng buộc ở nơi ba mắt ấy. Cây tre như vậy là đã được tháo gỡ và kéo ra được một đoạn ba đốt, tâu đại vương. Ấy là tướng tâm thứ hai.

    - Vâng, trẫm đã hiểu, còn tướng tâm thứ ba?

    - Là tâm của vị Thánh Tư-đà-hàm, kẻ đã làm nhẹ bớt thêm hai sợi dây ràng buộc là tham dục và sân hận. Ví như cây tre có mười đốt ở trên, sau khi đã trẩy sạch ba mắc cùng với gai nè, vị này đã trẩy thêm được một ít gai nè ở hai mắc kế nữa, tâu đại vương!

    - Thế là tướng tâm thứ ba, chưa trẩy sạch hẳn tất cả gai nè trên năm mắc, năm đốt ấy?

    - Vâng, đến tướng tâm thứ tư, tâm của vị Thánh A-na-hàm mới trẩy sạch trọn vẹn, trơn tru cả năm mắc, năm đốt, tâu đại vương.

    - Xin cho trẫm nghe tướng tâm thứ năm?

    - Là tướng tâm của vị A-la-hán, bậc đã cắt đứt luôn năm sợi dây ràng buộc còn lại là sắc ái; vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh, tâu đại vương. Ví như năm đốt cùng với gai nè còn lại trên cây tre, vị này đã trẩy sạch, cây tre đã dễ dàng lấy ra, không còn vướng mắc gì nữa. Đây gọi là bậc vô sanh, vô lậu, giải thoát, tâu đại vương! Còn tướng tâm thứ sáu là tâm của vị Độc Gíac Phật, là bậc tự tu, tự chứng, tự mình giác ngộ, giải thoát.

    - Có gì khác nhau giữa tâm giải thoát, tuệ giải thoát của một vị A-la-hán và một vị Độc Giác Phật, thưa đại đức?

    - Về giải thoát, vô lậu ấy thì giống nhau nhưng về sự sâu cạn của tâm, của tuệ thì khác nhau. Ví như, vị Độc Giác Phật có thể biết tâm của vị A-la-hán, còn vị A-la-hán không biết tâm của vị Độc Giác Phật.

    - Vâng, còn về tâm thứ bảy, có lẽ đó là tâm của vị Phật Toàn Giác. Thưa, tâm và tuệ của ngài khác với vị Độc Giác Phật như thế nào?

    - Ví như một người đàn ông dũng cảm có thể dễ dàng bơi qua sông lớn lúc nửa đêm, nhưng khi đối diện với biển cả, ông ta lại cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin. Một vị Độc Giác Phật so sánh với đấng Toàn Giác cũng y như thế. Đức Toàn Giác thường có đầy đủ bốn tuệ và mười tám pháp (Buddha dhamma) vô ngại, vô lượng, bất khả tư nghì. Chẳng ai so sánh được. Đó là thấy mọi việc quá khứ, hiện tại, vị lai, khả năng tư duy, ngôn ngữ, trí nhớ, trực giác, thiền định, ý chí, nghị lực, giải thoát, thắng tuệ, tự do, thanh tịnh, định tĩnh, chú ý, tĩnh thức, quan tâm đến người khác. Nhờ có đầy đủ 18 pháp ấy nên Đức Thế Tôn rất dễ dàng thấy biết tâm của chúng sanh, dễ dàng thấy biết mọi việc để hóa độ chúng sanh, tâu đại vương!

    - Sự dễ dàng ấy như thế nào, thưa đại đức?

    - Ví như một tay xạ thủ thiện xảo, có mũi tên tốt, cái cung tốt, nhắm bắn vào một tấm vải được căng sẵn. Đại vương nghĩ thế nào, mũi tên kia sẽ được xuyên suốt qua tấm vải có dễ dàng không?

    - Thưa, rất dễ dàng.

    - Đức Toàn Giác dễ dàng và mau chóng quán xét sự việc gì cần biết như ý muốn, còn nhanh hơn người đàn ông cầm một vật gì từ bàn tay phải đặt sang tay trái, dễ dàng hơn viên lực sĩ co duỗi cánh tay, tâu đại vương.

    - Thưa đại đức, trẫm vẫn còn nghi ngờ Đức Thế Tôn không phải là bậc Toàn Giác. Vì sao vậy? Vì còn quán tâm, còn hướng tâm thì rõ ràng còn tìm kiếm. Còn tìm kiếm thì nhất định còn điều chưa thấy, chưa biết - thì sao được gọi là "biết hoàn toàn" được ?

    - Đại vương! Ví như có nhà phú hộ giàu có muôn kho, đầy ắp tài sản, của cải, ngũ cốc, mật ong, đường, sữa v.v... Nếu như có người muốn xin một nắm gạo để nấu cháo, thì cháo ấy có sẵn ngay hay không?

    - Cháo ấy không thể có sẵn để ăn ngay. Phải vào lấy gạo trong kho, bỏ vào nồi nước và đun nấu một thời gian nào đó, thưa đại đức.

    - Trí giác của Đức Thế Tôn cũng giàu có, thịnh mãn như vị phú hộ kia; muốn sử dụng thứ gì, thuộc "cái biết" nào thì phải vào kho mà lấy ra, cũng y như thế! Tuy nhiên, ví dụ cái kho của ông phú hộ là hữu hạn, là giới hạn; ví dụ vào kho để lấy gạo rồi nấu cháo để ăn là phải tốn một thời gian. Cái kho hiểu biết của Đức Thế Tôn là vô hạn định, vô hạn lượng; và muốn biết việc gì, điều gì ngài chỉ cần hướng tâm đến là biết ngay tức khắc với thời gian còn nhanh hơn cái chớp mắt, với thời gian chỉ có một niệm, tâu đại vương!

    - Thưa, cái niệm ấy như thế nào?

    - Ví như đức vua Chuyển luân Thánh vương vừa nghĩ đến xe báu thì tức khắc xe báu hiện ra. Một niệm là một móng tâm, một khởi tâm, một hướng tâm, một ý nghĩ, tâu đại vương!

    - Bây giờ thì trẫm không còn lý do gì để nghi nan nữa. Đức Thế Tôn đích thực là đấng Toàn Giác vậy.

    * * *



    Mời xem tiếp: 92-95

    Duới đây là "Danh Mục" thu gọn,
    xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn Bài xem
    xong bấm vào "CHỌN XONG, BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM":





    TRUYỆN PHẬT GIÁO

    TRỞ VỀ DIỄN ĐÀN

  • THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
    Xem: 1383 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 0.0/0
    Tổng-số Ý-kiến: 0
    CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
    [ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]