Thứ Hai
18 Mar 2024
10:14 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

File Catalog

TRANG CHÍNH » HỒ SƠ » TRUYỆN PHẬT GIÁO

ĐẠI SƯ THỨ 52 - GHANTAPA
27 Sep 2012, 1:14 PM
CÁC VỊ CHÂN SƯ ĐẠI THỦ ẤN

Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

---o0o---



Đại sư thứ 52 GHANTAPA (Người rung chuông)


Tự ban phép lành cho chính mình

Bằng cách buộc tâm ở ba nơi

Kinh lalana ở bên phải

Kiânh rasana ở bên trái

Avadhuti ở ruột cùng

Ðể nắm bắt được chân lý

Kẻ trí giả cần quan tâm đến ba điều:

Chân sư – Tâm – và Hiện tượng.



Truyền thuyết

Ghantana vốn là tu sĩ của một đại tu viện thuộc vùng Sri Nalanda. Ngài nổi tiếng là người giữ gìn giới luật tinh nghiêm và thông thạo về Ngũ Minh Môn. Chẳng bao lâu ngài lại rời Nalanda đi vân du đây đó để hoằng dương chánh pháp làm lợi lạc quần sanh và thực hành hạnh vô ngã,cũng là để mở rộng tầm hiểu biết về mọi mặt.

Vào thời đó, hoàng đế Devapala, do công đức thời trước nên cai trị một vương quốc giàu có và thịnh vượng gồm một triệu tám trăm ngàn hộ dân và hai nước chư hầu khác là Kamapura và Bengal. Xứ Kamapura có chín ngàn hộ, xứ Bengal có bốn trăm ngàn hộ, vị chi ngài cai trị cả thảy ba triệu một trăm ngàn hộ dân.

Thủ phủ Pataliputra là nơi mà đạo sư Ghantapa đến để truyền bá đạo pháp. Thường ngày ngài đi khất thực và về nghỉ ngơi dưới một bóng cây đại thọ. Một hôm vị hoàng đế bàn với hoàng hậu rằng:

-"Tất cả các pháp đều vô thường. Tất cả chúng sinh đều chịu khổ đau. Tất cả những thấy biết, cảm thọ trong cuộc sống, thật là vô nghĩa.
Ðối với công việc triều chính, ta đã chu toàn trách nhiệm, ta đã trải rộng biên cương, lo cho dân lành một cuộc sống bình yên, no đủ. Vậy, chúng ta có nên cúng dường những thứ vật thực cần thiết cho tăng chúng để tích luỹ thêm công đức cho đời sau chăng?"

Hoàng hậu nghe qua, bèn tâu:

-"Trong nhiều đời thuộc quá khứ, bệ hạ đã từng cúng dường cho các thánh tăng, nên đời này mới được hưởng phước báo. Cớ sao chúng ta lại không tiếp tục tạo dựng công đức cho đời nay lẫn đời sau ?
Thần thiếp nghe nói rằng hôm nay có một du tăng từ phương xa đến. Có lời đồn rằng ngài là một bậc đạo hạnh, trí huệ thông suốt như một bậc thánh. Ngài chẳng có gì quí giá ngoài những vật dụng cần thiết và một tấm tọa cụ. Thường ngày ngài đi khất thực loanh quanh. Vậy, ta nên thỉnh ngài đến hoàn cung để dự đại tiệc. Chúng ta sẽ thiết đãi ngài tám mươi tư món ăn chính, mười bốn loại thịt ngon, rượu bồ đào và năm loại thức uống khác. Chúng ta sẽ thay chiếc đèn cũ kỹ tù mù của ngài bằng ánh sáng lấp lánh của những viên kim cương. Và rồi,chúng ta sẽ dâng ngài tất cả những thứ giải trí mà vương quốc của chúng ta có thể mang lại".

Nhà Vua nghe qua những lời tấu trình của hoàng hậu liền hoan hỷ chuẩn y. Sáng ngày hôm sau Vua sai quân hầu đến thỉnh sư nhưng người từ chối, sứ giả đành phải quay về báo lại với đức Vua. Ngày hôm sau nữa, đức Vua đích thân đi thỉnh sư. Khi nhà Vua đến nơi, ngài cúi mình đảnh lễ sư và muốn biết lý do vì sao sư từ chối lời mời đến hoàng cung. Sư đáp:

-"Bệ hạ bất tất phải phiền luỵ đến thế".

-"Quả nhân vì kính tín đại sư nên mới thân hành đến đây. Mong đại sư quá bước đến hoàng cung".

-"Vương quốc của bệ hạ đầy rẫy những điều tác tệ. Ta không đến đâu !".

-"Cúi mong đại sư hoan hỷ lưu lại với chúng tôi một năm thôi".

Mặc cho đức Vua nài nỉ, Ghantapa vẫn một mực từ chối không chịu đến viếng hoàng cung dù chỉ một ngày. Sư bảo:

-"Nhà Vua đi, đứng, nằm, ngồi đều cũng không tránh được tội lỗi. Thật bất tịnh, nên ta dứt khoát không nhận lời mời".

Thế là, nhà Vua đành phải quay về, nhưng ngày nào ngài cũng đến vấn an sư với hy vọng sư sẽ đổi ý, và cứ như thế trong suốt bốn mươi ngày nhưng không đem lại kết quả gì. Cuối cùng nhà Vua và Hoàng Hậu cảm thấy bị xúc phạm quá đáng. Ngọn lửa sân hận bùng cháy trong tâm thức họ. Vua hạ chiếu rao truyền khắp nơi nơi, rằng người nào có thể phá được phạm hạnh của sư Ghantapa sẽ được trao cho nửa vương quốc và được thưởng một trăm cân vàng.

Lúc bấy giờ ở kinh thành Hoa Thị (Pataliputra) có một mụ điếm già tên là Darina luôn luôn mong mỏi có một cuộc sống giàu sang. Khi hay tin ấy bèn tìm đến hoàng cung để hiến kế. Mụ khẳng định với nhà vua rằng mụ có thể thoả mãn yêu cầu của nhà vua và làm cho nhà sư kiêu mạn kia phải thân bại danh liệt. Thế là vua chấp thuận kế sách của mụ.

Darina vốn có một thời oanh liệt ở chốn lầu xanh, mụ biết đủ trăm phương nghìn kế để quyến rủ đàn ông, lại có một cô con gái vô cùng xinh đẹp ở tuổi vừa mới cập kê. Nàng hãy còn rất trong trắng chưa hề bị nhiểm ô bởi cuộc đời. Nàng có một khuôn mặt tựa trăng rằm, dáng đi uyển chuyển, lời nói dịu dàng, ngôn ngoan, một thân hình khiêu gợi và một khuôn ngực tròn đầy.
Mụ quyết định:

-"Ta sẽ khiến con gái ta đem ông tăng này trở lại với thế giới của dục vọng và ta sẽ phá huỷ đạo hạnh của y !".

Trong mười ngày liên tục,mụ già đi đến chổ ở của Ghantapa để cúng dường. Mỗi lần đến như thế, mụ đều tỏ ra rất cung kính đảnh lễ trước ngài. Ðến ngày thứ mười, mụ tiến lại gần bên sư thưa:

-"Bạch Thầy! Xin thầy cho phép tôi được phục vụ trong suốt mùa Kiết Hạ này".

Ghantapa không hề quan tâm đến mụ. Nhưng từ ngày này sang ngày khác, mụ cứ theo nài nỉ xin được phục vụ ngài và cuối cùng mụ cũng được sự đồng ý của sư. Darina lấy làm vui mừng liền bày ra một cuộc tiệc để ăn mừng cái gọi là sự thành công bước đầu của mình. Mụ ngâm nga luôn miệng:

"Mánh khoé của một cô gái
giúp nàng thực hiện ước mơ.
Sức quyến rũ của nàng
là vũ khí vô cùng lợi hại".

“Bằng mưu mẹo, ta có thể lừa phỉnh cả thế gian này”, mụ tự nhủ thầm, ”Sá chi một nhà sư”.
Thế là mụ điếm già liếng thoáng phô trương năng lực của mình.

Khi mùa Kiết Hạ bắt đầu, Ghantapa bảo với mụ rằng chỉ nên sai các người nam mang vật thực đến cúng dường. Tuy nhiên, sư không đề cập với mụ việc không cho người nữ đến phục vụ trong kỳ lễ này. Darina bèn ưng thuận. Trong hai tuần lễ đầu, mụ sai toàn những thanh niên mang vật thực gồm gạo và nước suối đến cúng dường. Nhưng đến ngày thứ mười lăm, mụ chuẩn bị một bữa tiệc. Mụ sửa sang, trang điểm cho cô con gái ăn vận lộng lẫy như một nàng công chúa, đoạn sai nàng cùng năm mươi thanh niên mang vật thực đến cúng dường sư.

Mụ căn dặn con gái khi đến nơi phải đứng từ xa quan sát vị trí túp lều của sư. Cô gái vâng theo lời mẹ và cố gắng ghi nhớ những lời mẹ dặn. Sau khi đám thanh niên ra về, cô gái tìm cách lén vào bên trong căn lều của Ghantapa. Khi nhà sư từ trong rừng trở về, ngài thấy vắng đi những người hầu nam và ngài lấy làm ngạc nhiên khi thấy một thiếu nữ ăn vận sang trọng như một công nương đang ở trong chổ ở của ngài. Sư thắc mắc hỏi cô gái:

-"Chuyện gì đã xãy ra với các chàng trai vậy?"

-"Thưa thầy, họ không có thời gian lưu lại nên tiện thiếp phải ở lại để phục vụ ngài".

Sư ăn xong bữa nhưng cô gái vẫn cứ nán lại không chịu ra về. Mãi đến khi sư nghiêm khắc xua nàng về, cô gái đáp:

-"Trên trời có những đám mây ngũ sắc, thiếp e rằng trời sắp đổ mưa, vì vậy thiếp nán lại xem thử".

Cô gái lưu lại cho đến khi mặt trời lặn khuất chân trời. Cuối cùng cô nói:

-"Mặt trời đã tắt nắng mà tôi không có người đi cùng để hộ vệ. E rằng đi một mình giữa đêm tăm tối sẽ bị cướp mất tư trang và thiệt hại đến tính mạng".

Ðến lúc này không thể từ chối được nên sư đồng ý cho cô ngủ lại ở bên ngoài căn lều. Nhưng khi đêm đến, cô gái hoảng sợ kêu khóc ầm ĩ. Và không biết làm sao hơn, sư đành để cho cô vào bên trong để ngủ. Túp lều lại quá nhỏ dành cho hai người nên tất nhiên thân thể hai người phải chạm vào nhau. Cho đến nữa đêm thân thể hai người quyện vào nhau làm một và họ cùng nhau trải qua bốn từng lạc thú.
Sáng ngày hôm sau, Ghantapa yêu cầu cô gái ở lại và họ trở thành một đôi vợ chồng. Một năm sau, đứa con của họ cất tiếng chào đời.

Trong thời gian ấy, nhà vua càng trở nên mất kiên nhẫn hơn. Ngài cứ luôn hỏi thăm mụ Darina về việc thực hiện quỷ kế của mụ đã thành công đến đâu nhưng mụ cứ né tránh mãi. Cho tới ba năm sau, mụ mới đến báo cho nhà Vua kết quả của âm mưu hại nhà sư Ghantapa. Ðược tin, nhà vua lấy làm hài lòng phán:

-"Bảo với con gái nhà ngươi, trong ba ngày nữa ta sẽ đến viếng thăm nàng và nhà sư".

Ðúng ngày hẹn, Vua tập trung dân chúng khởi hành đi đến chổ sư Ghantapa. Vị thầy bèn bàn với người vợ:

-"Chúng ta nên ở đây hay đi sang một xứ khác ?"

Cô gái muốn ra đi vì cô sợ mọi người sẽ quở mắng và sĩ nhục cô. Vì vậy, Ghantapa dấu đứa bé trong tấm áo choàng, kẹp theo một bình rượu ở nách rồi dẫn vợ ra đi. Rủi ro thay, trên đường đi họ gặp nhà Vua ngay ở giữa đường. Nhà vua ngồi trên mình voi cất giọng dè bỉu:

-"Cái gì dưới lớp áo của thầy vậy? Và cô gái xinh đẹp này là ai?"

-“Ta mang theo bình rượu và đứa bé trong tấm áo choàng là con của ta.”
Ghantapa đáp, mắt vẫn nhìn thẳng vào đức Vua.

-"Khi ta mời Thầy đến hoàng cung, Thầy từ chối,lại còn chê ta là kẻ tội lỗi. Bây giờ Thầy hãy nhìn lại xem! Một Thầy tu lại có vợ, có con. Rõ ràng như năm với năm là mười. Thầy là một con người đầy tội lỗi !".

-Ta vô tội. Ngươi chớ xỉ nhục ta.

Khi nhà vua lập lại lời cáo buộc một lần nữa, Ghantapa hất tung đứa bé và bình rượu xuống dưới đất. Nữ thần đất lúc bấy giờ cả kinh vội dùng thần thông phụt một dòng nước cực mạnh lên cao hứng lấy đứa bé và bình rượu lơ lững giữa khối nước. Ðứa bé trở thành sấm sét và bình rượu biến thành một cái chuông (Ghanta)

Nhà sư Du-Già và vợ cùng biến thành hai vị thần Samvara và Varahi trong tư thế âm dương giao hoà. Cả hai bay lên trên không trung, còn nhà Vua và đoàn tuỳ tùng bị ngập trong làn nước. Ðám người sắp bị chết đuối sợ hãi nhìn đau đáu lên trời, gào khóc, van xin mong cứu giúp:

-"Chúng tôi quy y thầy.

Nhưng lúc ấy, Ghantapa đang ở trong Phẫn Nộ Bất Ðộng Ðại Ðịnh (Samadhi of immutable wrath) nên ngài vẫn giữ im lặng.
Khi mọi người sắp nguy khốn thì Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra, dùng một bàn chân chèn nơi chổ đất nứt và làm cho nước trở về chổ cũ, thế là mọi người được cứu sống.
Họ mừng rỡ cúi lạy cầu xin sư tha tội.
Bấy giờ một tượng Quán Thế Âm bằng đá hiện ra ngay chổ ấy, và cho đến ngày nay ở vị trí nơi chân của bức tượng này vẫn còn phun ra một tia nước nhỏ cao đến sáu thước. Sư xuất định, dạy như sau:

Mặc dù dược thảo và thuốc độc

tạo ra kết quả trái ngược nhau.

Nhưng trong bản chất rốt ráo của chúng,

cả hai đều như nhau

Giống như những thuận duyên và nghịch duyên

trên con đường tu tập

Chúng hữu ích như nhau,

vì vậy chớ nên phân biệt

Bậc trí giả chẳng chối bỏ điều chi

Cớ sao đứa con tinh thần lại không thừa nhận?

Nếu ngươi bị đánh độc đến năm lần,

thời cũng bị lạc lối trong luân hồi vậy.


Qua lời giải thích của sư,nhà vua cùng mọi người từ bỏ các kiến chấp và lối tư duy cũ, họ thấy được niềm tin và đồng lòng quy y pháp.
Từ đó, Ghantapa được mệnh danh là “Người giữ chuông”, danh tiếng của ngài vang dội khắp nơi.

Trong sáu kiếp thuộc đời quá khứ, cô gái luôn luôn là người khiến cho sư phải từ bỏ phạm hạnh nhưng trong đời này, vì tâm phân biệt của sư không còn nữa;

cấu trúc nhị phân trong tâm của ngài đã tan biến trong cảnh giới vô tận của Tánh Không,

nên dòng tâm thức của ngài đã phát triển đến mức cùng tột.

Ghantapa đặt tên cho con trai của ngài là Vajrapani tức Kim Cương Thủ. Còn cô gái,vợ của ngài, do công đức phục vụ ngài trong nhiều đời nên nay cô cũng thoát khỏi vô minh.
Ghantapa có quyền năng và phẩm tính của một vị Phật.

CHÚ GIẢI:
Một bản dịch khác liên quan đến đạo sư Ghantapa càng làm sáng tỏ những chổ còn mơ hồ trong truyền thuyết. Theo bản dịch này, Ghantapa vốn là con trai của đức Vua Nalanda.

Ngài không chịu nối ngôi cha lại đi xuất gia thọ cụ túc giới với hoà thượng Jayadeva Subhadra. Sau đó ngài trở thành quốc sư của Vua Nalanda. Ngài gặp Darikapa và được vị này điểm đạo và truyền cho Mạn-Đà-La Samvara, rồi bảo ngài vào rừng tu tập.

Cho đến một hôm ngài nghe một giọng nói vọng xuống từ trên không trung bảo ngài phải đi đến Oddiyana. Vị nữ chân sư của ngài vốn làm nghề chăn lợn. Ban đầu ngài tỏ ý từ chối vì bà này dung mạo cực kỳ xấu xí, nhưng sau đó ngài nhận ra bà chính là một Dakini. Và một lần nữa, vị nữ chân sư này truyền cho ngài Samvara mạn-đà-la.

Tại cánh rừng già ở Oddiyana,ngài đã xúc phạm đến đức Vua khi ngài từ chối đi cùng với nhà Vua vào kinh thành. Cô gái được sai đến để quyến rũ ngài chính là yếu tố còn thiếu trong thiền định của ngài. Ghantapa đã điểm đạo cho cô và nhận cô như là một Dakini của ngài. Mặc dù nhà vua tìm cách nhạo báng nhưng chính thực là Ghantapa vốn vào thành để hoá độ dân chúng.

Tương truyền ngài dùng thần thông hoá hiện ra hai đứa bé,một trai và một gái. Ðoạn dùng một cái muỗng lớn chiết rượu ra, rồi sai chúng đi đổ đầy các bình rượu của mọi nhà trong kinh thành.
Sau đó ngài vất cái muỗng xuống đất, khiến nước phụt lên từ một khe nứt. Hai đứa bé biến thành sấm chớp và một cái chuông. Ngài cùng vợ biến thành hai vị thần Samvara. Ðiều này giải thích lý do vì sao Orrisa là nơi mà Kim Cương Thừa được truyền bá rộng rãi.

Truyền thuyết đưa ra một chủ đề lớn đề cập đến sự mông-muội của một hạng người tự cho rằng cách tư-duy của mình là đúng. Họ chấp chặt vào những nguyên tắc luân lý hữu hạn để kết tội người khác dám có một lối sống vượt thoát khỏi cái thường tình của những quy ước xã hội.
Cô gái Dakini trong tiền kiếp đã từng quyến rũ, cám dỗ Ghantapa. Và trong những kiếp ấy, ngài đều bị trói buộc bởi những mệnh lệnh của luân lý.

Trong đời này, tâm ngài đã thuần thục nên ngài chấp nhận giáo pháp của một Dakini, đồng thời đạt tới giải thoát sau khi trãi qua bốn trạng thái an lạc. Tâm thanh tịnh của ngài đã được ấn chứng bởi Ðại Thủ Ấn nên nhà Vua đâu thể hiểu rằng
“Tâm hoan hỷ không bao giờ ô nhiễm”.

Nhà Vua tự cho mình có lý khi kết tội
“Một người đàn ông và một người đàn bà sống trong tội lỗi”
vì nhà Vua không chấp nhận các thanh tịnh khả hữu nơi người khác.
Nếu truyền thuyết nêu rõ rằng thiền định Ðại Thủ Ấn ngăn không cho Ghantapa chấp nhận lời mời của nhà Vua thì ở đây thiếu vấn đề trả nghiệp khi nhà Vua tìm mọi cách để làm nhục ngài.

Trong giáo pháp sư dạy cho nhà vua và mọi người, ngài đã truyền lại cái mà ngài đã chứng nghiệm :
”Chớ ưa điều tốt, chớ ghét điều xấu.
Hãy chấp nhận mọi thứ như tự thân của chúng.
Hãy thâm nhập vào thực thể để nếm được vị chung của các pháp.”


Nhưng chính điều này Ghantapa đã không nhận ra trong sáu kiếp quá khứ.
Ở đây có hai cặp phạm trù đạo đức:
Cuộc sống ban đầu của ngài là một bậc tu hành đầy đủ giới đức và sống phạm hạnh,
và về sau là cuộc sống của một nhà Du-Già phóng khoáng.
Hai phương tiện khác nhau nhưng cùng một đích đến.

Ðiều này hơi nguy hiểm khi các bậc Thầy rao giảng truyền thuyết này cho một người đang bám víu vào các tiêu chuẩn đạo đức nhị phân để tu tập tìm sự thanh tịnh và tỉnh giác, vì y sẽ nhanh chóng cảm thấy hụt hẫng và rơi vào hố thẳm của nghi ngờ và lầm lẫn.

Tuy nhiên, không có một sự trùng lắp nào cho thấy những con người bị xã hội ruồng rẫy vì phi đạo đức lại có thể được khai tâm trong môn Tantra này.

Những ý niệm luân lý đôi khi cũng là những trở ngại khó vượt qua để thành tựu Bồ Tát nguyện, vì đôi khi những nguyên tắc này có tính quyết đoán và không thoả hiệp với hành động từ bi.

Sử liệu:

Về mặt lịch sử, Ghantapa là người đồng thời với đệ nhị hoàng đế Devapala (810-830 sau Công Nguyên)
Nhưng hình như đây không phải là vị Vua mà Ghantapa đã xúc phạm. Devapala là một đại thí chủ rất hào phóng của tu viện Nalanda. Vào thời ấy, xứ Bengal được gọi là Bengala. Nó gồm cả đông và tây xứ Bengal hiện nay, không kể những phần đất của Bihar.
Kamapara chính là thành phố tiếp giáp với thung lũng Brahmaputra mà thủ phủ là Pataliputra, gồm cả đông và nam Bihar.

Ghantapa rất nổi tiếng ở Tây Tạng vì sự nghiệp khai sáng dòng tu Samvara Pancakrama. Pancakrama bao gồm các kỹ thuật luyện tập thân thể được Ghantapa đề cập trong mười tám tác phẩm nỗi tiếng của ngài và hầu hết những tác phẩm này điều liên quan đến Samvara Tantra.

Ngài nhận được sự khải huyền về Samvara Mạn-Đà-La từ Kim Cương Thánh Nữ, mà có lẽ bà này chính là người phụ nữ chăn lợn ở Oddiyana, nhưng cũng có thể là nữ Du-Già Vilasyavajra, đệ tử của sư Dombipa Heruka.

Trong dòng Mật Phái Tây Tạng, đôi khi người ta gác bỏ tên của Dengipa qua một bên, nhưng lại đề cập đến Darikapa như là một chân sư của Samvara. Dòng Kalacakra cũng gồm Ghantapa.
Ðiều này khiến ngài trở nên là một trong những người Ấn Ðộ đầu tiên được truyền môn Tantra này.
Do đó,có thể kết luận rằng môn Tantra này xuất hiện tại Ðông-Ấn vào khoảng thế kỷ thứ 9.










TRUYỆN PHẬT GIÁO



THỂ LOẠI: TRUYỆN PHẬT GIÁO | CẬP NHẬT bởi: atoanmt
Xem: 871 | TẢI XUỐNG: 0 | ĐÁNH GIÁ: 5.0/1
Tổng-số Ý-kiến: 0
CHỈ CHO THÀNH VIÊN GÓP Ý
[ ĐĂNG-KÝ | ĐĂNG NHẬP ]