Thứ Ba
23 Apr 2024
4:41 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » TRUYỆN BIẾM » TỤC MÀ THANH TRONG TỤC NGỮ CA DAO
TỤC MÀ THANH TRONG TỤC NGỮ CA DAO
LSK Date: Thứ Sáu, 01 Nov 2013, 1:17 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
TỤC MÀ THANH TRONG TỤC NGỮ CA DAO



Trong một bài bình luận về thời cuộc, nhà bình luận lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã có một đoạn viết như sau:

“Hồi còn thanh niên, tôi là bạn vong niên của một bậc lão nho. Một hôm mạn đàm về những chữ tục và thanh của cái đã từng gây khốn khổ cho nhiều đấng mày râu, rồi bàn qua đến những cái tật cố hữu của con người, ông cụ cười vuốt râu đọc cho tôi nghe bốn câu sau:

Nó thì thật xấu
Ai cũng muốn xem
Nghĩ đến thì thèm
Bảo ăn lại giận…


Không biết cái thuở còn là một thanh niên ấy, cụ Sơn Điền và bậc lão nho kia đã nhắc đến những chữ tục và thanh nào và đã được dùng trong những trường hợp như thế nào, riêng người viết hôm nay xin được “nối điêu” (cứ tạm gọi là như thế) bàn về “tục mà thanh trong tục ngữ ca dao” để thấy ông bà ta ngày xưa cũng đã khéo lắm khi dùng những từ ngữ, những hình ảnh kỳ lạ để nói về “cái ấy” của giới phụ nữ.

Có lúc người viết đã muốn viết thẳng, viết rõ “cái ấy” là cái gì để gọi là tự xác định ngòi bút của mình, như bác sĩ Trần Văn Tích (Đức quốc) đã viết trong mục Ý Kiến Ngắn trên trang mạng Talawas, rằng “…ngòi bút có bản lãnh không kiêng sợ từ ngữ thô tục bất nhã. Thô tục mà đúng chỗ có sức mạnh riêng của nó, bất nhã nhưng đắc địa có tính đa năng của nó. Câu văn lời nói gắn với thế giới nội tâm, nên cứ để cho ngôn ngữ trao đổi chảy tràn theo dòng cảm xúc”. (Về ngôn ngữ không chấp nhận được – ngày 12 Sept. 2008).
Thế nhưng, cứ ngài ngại làm sao ấy! Thôi thì…đành giữ kẽ vậy!
Người ta thường nghĩ rằng các cụ nhà nho ta ngày xưa chúa ghét nói “tục”. Ấy là ở chỗ đông người chứ ở chỗ riêng tư giữa các cụ với nhau thì ai biết đấy vào đâu. Chả thế mà ngày xưa đã có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!”. Các cụ đã từng là “học trò” đấy chứ. Đọc tiếp khắc biết!

Tương truyền vào những năm cuối thế kỷ thứ XIX sang đầu thế kỷ thứ XX, tại các nhà hát cô đầu trên đất Bắc đã loan truyền một bài ca trù nói về “cái ấy” của quý cô, quý bà. Thiên hạ tán với nhau rằng, tác giả bài ca trù này là Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906) người huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, thi đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội và Đinh nên được tôn xưng là Tam nguyên Vũ Phạm Hàm. Giả sử như tác giả không là Vũ Phạm Hàm thì cũng là một nhà nho nào đó, chứ còn “ai trồng khoai đất này”? Và nữa, ai là người biết thưởng thức cái thú hát cô đầu? Lại cũng chính là những nhà nho. Đọc bài ca trù này để thấy rằng các cụ nhà nho ta ngày xưa cũng “rắn mắt” đáo để!

Tài tử giai nhân giai thích chí,
Chẳng gì hơn “cái ấy” nữa mà thôi.
Khách văn nhân tài tử ai ai,
Sinh cũng đấy mà vui chơi cũng đấy!
Dầu lá tre, lá vông thì cũng vậy,
Hở hang ra coi thấy dễ càng đau.
Khách tài tình rày ước mai ao
“Mao” cũng thú mà “vô mao” càng tuyệt thú!
Nền gấm lơ thơ tơ liễu rủ,
Cửa son thấp thoáng hạt hồng non.
Quyền thế gì một thú con con,
Dẫu trăm khéo, ngàn khôn thời cũng mắc!
Đố ai biết bên nào là chắc
Dầu có chăng bên “ấy” nữa mà thôi.
Của bà bà vỗ bà chơi!


Mà thôi, cứ hẵng biết rằng các cụ nhà nho ta ngày xưa không ưa nói “tục”, thế nhưng, giới bình dân của ta thì chẳng kể. “Thanh” được càng tốt, mà “tục” cũng chẳng sao! Vả lại, với giới bình dân cũng chẳng mấy khi phân biệt rạch ròi giữa “thanh” và “tục”. Giới bình dân đâu có để ý đến sự phân biệt giữa ngôn ngữ hằng ngày với ngôn ngữ văn chương. Bà con bình dân của ta không “làm văn chương”. Họ nói ra đã có văn chương. Văn chương ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ của dân tộc, văn chương ngay trong cách cấu trúc ngôn ngữ của tiếng Việt. Quả là có như vậy thật. Trong câu chuyện thường ngày, chí ít cũng đôi ba lần các cụ nói “tục ngữ, ca dao” mà các cụ đâu có để ý. Mà với các cụ thuộc giới bình dân của ta thì “ăn cục, nói hòn”, thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, có ý định trau chuốt gì đâu. Ấy vậy mà ngày nay chúng ta được hưởng một kho tàng tục ngữ ca dao thật vô cùng phong phú!
Để định danh cho “cái ấy” của phái nữ, trong ngôn ngữ của ta có nhiều cách gọi. Cách nói tục thì ai cũng biết rồi, người viết xin miễn nhắc đến. Văn vẻ hơn một chút thì gọi là “cái đồ”, “cái hĩm”, “cái bướm:”, “cái ngao”, “cái trai”, “lá đa”… Còn nói cho có vẻ “văn chương” thì có nhiều cách gọi lắm. Thường là “ý tại ngôn ngoại”, có khi nghe cả câu mới hiểu được là nói cái gì.

Người viết xin được không nêu lên những câu tục ngữ hoặc ca dao nói về “cái ấy” bằng cách gọi đích danh ; loại câu nầy nhiều lắm. Chúng ta có thể tìm đọc trong một bài sưu tầm khá công phu và đầy đủ của bác sĩ Hồ Đắc Duy (?) với nhan đề: “Tình dục trong ca dao”. (trong website nguyenkynam.com có bài này và chỉ ghi “sưu tầm” chứ không đề tên người sưu tầm”)
Vậy thì trước hết xin bàn đến chữ “đồ”. Đây là tên gọi mà chỉ có người miền Bắc dùng để chỉ “cái ấy” của người phụ nữ mà thôi. Dân miền Trung và miền Nam (đúng ra thì phải gọi là dân Đàng Trong, tức là từ sông Gianh trở vào) không mấy khi dùng từ này. “Cái đồ” chỉ là một tên gọi như tên gọi cái bàn, cái ghế chứ không mang một ý nghĩa nào đặc biệt như một số tên gọi khác đã được nêu lên ở trên. Cái điều đáng nói ở đây chính là sự trùng hợp danh xưng tai hại giữa hai chữ đồ: cái đồ và ông đồ.

Năm 1466 đời Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà vua cho cải tổ lại thi cử, những người thi hương đỗ tam trường gọi là sinh đồ. Trước thời Lê Thánh Tông gọi là mậu tài và đến năm 1828 đời Minh Mang (1820-1840) gọi là tú tài. Thường đỗ sinh đồ chưa được xuất chính tức ra làm quan mà thường làm nghề dạy học để đợi khoa thi sau cố thi cho đỗ được hương cống (tương đương với cử nhân thời Minh Mạng) mới được ra làm quan. Đỗ sinh đồ ra làm nghề dạy học nên được gọi là thầy đồ hay ông đồ tức thầy giáo dạy chữ nho.
Không hiểu sao lại có sự trùng hợp “chết người” giữa hai tên gọi khiến cho thầy đồ phải nhiều phen điêu đứng vì bị chòng ghẹo, chẳng hạn như trong bài hát nói sau đây (khuyết danh):
Thầy đồ là người tài bộ
Quảy cầm thư sang giáo thụ phủ Vĩnh Tường
Trước nha môn thiết một học đường
Dạy dăm đứa “chi, hồ, giả, dã”
Nhân gặp lúc thầy đồ nhàn hạ
Ra hồ sen ngắm ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy đồ ngâm ngay tức khắc
“Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc,
Thủy diện vi mang bạng thổ thần” *
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc
Suốt năm canh đồ nằm không nhắp
Những mơ màng đồ nọ nhớ đồ kia
Đồ đâu gặp gỡ làm chi!

(* Trước gió hoa tăng vẻ đẹp – Trên mặt nước cái trai thè lưỡi)

Vậy là “ông đồ” mô phạm nhà ta đã bị đánh đồng với “cái đồ”của chị em!
Một cô vợ có anh chồng mê cờ bạc, có lẽ cô nàng đã tìm mọi cách khuyên răn đều không hiệu quả, bèn dọa:
Chàng mà cờ bạc đêm ngày
Thiếp lấy sợi chỉ khâu ngay cái đồ!


Một cô chị tỏ vẻ khinh bỉ cô em không biết sống tự do thoải mái (!), chỉ biệt ru rú trong nhà, bèn nói khích cô em bằng cái giọng khinh thị:
-Em khôn em ở trong bồ
Chị dại chị ở kinh đô mới về!
Cô em cũng chẳng phải tay vừa. Đối với nàng, kinh đô chẳng có giá trị gì mà lại là nơi dễ làm cho con người ta hư hỏng:

Kinh đô thì mặc kinh đô
Chị đi cho lắm thì đồ chị tan!

Chuyện Trạng Quỳnh có kể thuở trẻ Quỳnh đã dám chơi khăm viên quan huyện khét tiếng gian tham và hống hách bằng một câu đối để đời.
Chuyện kể rằng: biết viên quan huyện trên đường hành hạt vừa ghé vào một quán nước kiếm bát nước chè xanh và ăn khẩu trầu, Quỳnh ôm quyển tập mon men đến ngồi trước cửa quán. Khi viên quan vất miếng bã trầu, Quỳnh giả vờ khúm núm nhặt miếng bã trầu lên săm soi rồi bỏ vào túi. Viên quan lấy làm lạ bèn cất tiếng hỏi:
- Thẳng học trò ranh kia, mày làm cái trò gì thế?
- Dạ bẩm, con thấy tục ngữ có câu “Miệng kẻ sang có gang có thép” nên con muốn xem gang thép của quan nó như thế nào ạ!
- Mày là học trò mày phải đối ngay câu tục ngữ ấy cho ta, bằng không phải chịu ăn đòn, nghe chưa?
Anh học trò lại giả vờ khúm núm thưa:
- Con đối chỉnh thì xin quan đừng bắt tội con, quan có chịu không ạ?
- Thì mày cứ đối đi.
- Dạ, con xin đối “Đồ nhà khó vừa nhọ, vừa thâm” ạ!
Quỳnh đã lấy tục ngữ đối với tục ngữ, viên quan không còn bắt bẻ vào đâu được, bèn cùng bộ hạ chuồn thẳng!
Trạng Quỳnh “đểu” thật, lấy “miệng” của quan” đối với “đồ” của đàn bà nhà khó – nhà khó tức là nhà nghèo.



Có khi người xưa đặt tên gọi theo hình dáng. Theo quan sát và cách hình dung của người xưa, “cái ấy” của quý cô quý bà có thể giống con ngao là một loại hến lớn còn gọi là con nghêu. Đó là hình thể chung. Còn riêng cho mỗi cô, mỗi bà thì cứ nhìn vào khuôn mặt là biết ngay “nó” như thế nào:
Mặt sao ngao vậy
Ngoài việc so sánh với hình ảnh của con ngao (nghêu), ông bà ta xưa còn so sánh “nó” với một loài hải sản khác cũng cùng loại với con ngao, đó là con “trai”. Trai cũng là một loại sò, khi về già thường sinh ra hạt châu, ta vẫn gọi là hạt ngọc trai.
Cái trai mày há miệng ra
Cái cò nó mổ muốn tha thịt mày!
Cái cò mày mổ cái trai
Cái trai quặp lại mà nhai cái cò!

“Cái cò” ở đây chính là “con cò” trong bài thơ “Dệt cửi” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Thắp ngọn đền lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt canh thâu!

“Cái trai” ở đây chính là “cái trai” (tức con trai, con sò) mà cụ Nguyễn Khuyến đã mô tả trong bài thơ “Nhất vợ, nhì trời” để giải thích lý do vì sao mà “vợ lại hơn trời”:
Cớ sao vợ lại hơn trời nhỉ?
Vợ chỉ hơn trời có cái trai!

Và rõ ràng hơn cả , “cái cò” “cái trai” ở đây cũng chính là “con cò” “con trai” trong câu ca dao dưới đây:
Nực cười cái sự con cò
Đương đêm trở dậy đi mò con trai
Trong tiếng Việt cổ, “nõ” để chỉ bộ phận sinh dục của phái nam, “nường” để chỉ bộ phận sinh dục của phái nữ. Về sau cái “nõ” biến âm thành cái “nõn”.
Xưa dân hai làng Dị Nậu và Khúc Lạc tỉnh Phú Thọ có tục “rước cái nõn nường” để cầu phúc. Nguyên thủy, cái “nõ” được đẽo bằng gỗ, cái “nường” làm bằng mo cau. Về sau cả hai đều được đẽo bằng gỗ và sơn phết đàng hoàng. Hàng năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán làng lại tổ chức “rước cái nõn nường”. Cuộc rước tổ chức rất trọng thể, đầy vẻ bí ẩn: “nõn” và “nường” được đặt lên kiệu rước, trước kiệu có nam đồng quan và nữ đồng quan đi giật lùi vừa đi vừa hát “Ba mươi sáu cái nõn nường; Cái để đầu giường, cái để đầu tay.” Sau khi đọc xong thần chú và ra lệnh cho chập “nõn” và “nường” vào nhau 3 lần, chủ lễ xướng cho ném tung “nõn” và “nường” cho mọi người cùng “cướp”. Nếu cậu trai nào cướp được cái “nường” và cô gái nào cướp được cái “nõn” thì đó là điều may lớn cho họ (theo quan niệm của dân gian) và dân làng tin rằng năm đó sự sinh sản được gia tăng và sự làm ăn được phồn thịnh.
Nhà biên khảo Nguyễn Xuân Quang trong bài “Ý nghĩa những từ thô tục trong cổ ngữ” lại giải thích “Thật ra nõn nường chỉ bộ phận sinh dục gái tơ với nõn là non, trẻ, mượt mà như phin nõn, trắng nõn trắng nà. (…) Nõn là nường non, gái tơ, cái nường trắng nõn trắng nà”.
Như ở trên đã nói, đám rước vừa đi vừa hát:
Ba mươi sáu cái nõn nường
Cái để đầu giường, cái để đầu tay.
Thế nhưng trong ca dao lại còn có câu:
Ba mươi sáu cái nõn nường
Cái gối đầu giường là ba mươi bảy

Và vì thế đã có người giải thích thành ngữ “ba mươi sáu cái nõn nường” là để mỉa mai những kẻ có những đòi hỏi quá đáng, đã có “ba mươi sáu cái nõn nường” (nhiều quá, phải không?), lại đòi thêm cái nữa để “gối đầu giường”!
Lại thêm một cách nói ỡm ờ thật thú vị của người bình dân ta ngày xưa. Ví “cái ấy” của quý cô, quý bà là “hoa” nghe ra cũng văn vẻ đấy chứ.
-Hoa kia tươi tốt rườm rà
Tuy rằng tươi tốt, khi mà ong châm!

Cái anh chàng đặt câu hỏi này mới quỷ quái làm sao! Anh nghi ngờ rằng, hoa có “tươi tốt” thật đấy, nhưng mà tiếc quá, “hoa” đã bị “ong châm” mất rồi (nói trắng ra là mất trinh)! Thế nhưng…Cô gái nào phải tay vừa. Đốp chát ngay lập tức. Trước hết, cô nàng đặt lại một câu hỏi làm chàng trai “chết điếng” vì bị làm nhục: Anh ở “trong ấy” hay sao mà biết “hoa” của chị bị “ong châm”? Và dĩ nhiên đây chỉ là một câu khích bác chứ thực tế anh chàng làm sao vào “trong ấy” được. Vậy thì, cậu không tin hả? Này chị “vén bức màn cho xem” nhé! Rắn mắt đến thế là cùng!
-Anh ở trong ấy anh ra
Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn?
Hoa tàn nhưng nhụy không tàn
Muốn xem chị vén bức màn cho xem!


Và đây là một cách đặt tên ngộ nghĩnh nữa: cái “tính tình tinh”. Cái “tính tình tinh” là cái gì vậy nhỉ? Cái “tính tình tinh” chính là cái “tình” đấy. Vâng, nó là “tình”: tình yêu, tình thương, tình sầu, tình oán, tình đa đoan, tình oan nghiệt, tình phản trắc, tình thủy chung…cũng do cái “tình” mà ra cả.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng không thể dứt bỏ được “tình”. Xưa vẫn có câu:
Cái tình là cái chi chi
Có chi chi cũng chi chi với tình!

Và để khen người phụ nữ, người xưa đã khéo tán tỉnh:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tính tình tinh cũng giòn!
Giòn ở đây không phải là “khô giòn” mà là “đẹp giòn” như trong câu:
-Bây giờ nhạt phấn phai son
Gương soi kém tỏ, người giòn kém tươi.
-Một ngày ba bận trèo non
Lấy gì mà đẹp, mà giòn hỡi anh!

Ngộ quá đi thôi! Đã là người đẹp thì cái gì cũng đẹp! Cái bóng không thôi cũng đã đẹp huống hồ là cái “tính tình tinh”!
Lại còn một cách gọi nữa cũng hay đáo để. Trong lúc “của quý” của các ông được gọi là “cái nợ đời” thì của các bà, các cô lại được gọi là “cái sự đời”.
Sáng trăng suông em tưởng tối trời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời!

Tại sao lại gọi là “cái nợ đời”? Nghĩ cho cùng cũng đúng thôi! Đúng là “của nợ” thật. Vì “nó” mà cánh đàn ông phạm không biết bao nhiêu là “tội ác” tày đình! Nào là tội “ngoại tình”, nào là tội “kiếm bồ nhí”, nào là tội “hiếp dâm”, nào là tội “xâm phạm tình dục”… chưa hết. Để thỏa mãn cho “cái nợ đời”, có lắm đấng mày râu đã lao vào con đường phạm tội tày đình như tham nhũng, thụt két, ăn của đút lót nếu là kẻ có chức có quyền, hay đào ngạch khoét tường, giết người cướp của …để rồi cuối cùng, có anh gia đình tan nát, có anh bị vợ cắt phăng “cái nợ đời” cho hết léng phéng, có anh phải vào nhà đá ngồi bóc lịch, khi được tha đi đến đâu cũng bị người ta tránh như tránh hủi! Đúng là “cái nợ đời” đã làm tình làm tội cánh đàn ông con trai quá lắm!

Sao lại là “cái sự đời” nhỉ?
Sự đời là chính cuộc đời. Sự đời cũng là những chuyện ở đời. Sự đời là cách thế của mỗi con người sống ở đời. Mà…Sự đời nghĩ cũng nực cười… Sự đời lắm chuyện lăng nhăng…Quả cũng đáng nực cười thật. Có người đã giả thiết rằng, trên thế gian này nếu không có đàn bà thì làm gì có chiến tranh! Vậy thì chiến tranh chẳng phải là một trò chơi vĩ đại bất tận đó sao?
Đúng là “cái sự đời” của các bà các cô đã gây ra lắm chuyện “lăng nhăng” thật chẳng chơi!
Nếu chẳng có “cái sự đời” của quý bà, quý cô thì cánh đàn ông con trai còn làm “lắm chuyện lăng nhăng” mà làm gì để rồi phải mắc vào những cái tội tày đình như vừa mới được dẫn ra ở trên? Chính “cái sự đời” cũng đã làm khổ quý bà không ít! Chẳng thế mà chính các bà cũng đã phải hằn học thét lên đòi “chém cha sự đời!” đó sao?
Lại có người nghĩ đến “công dụng” (!) của nó mới thật là ngộ. Hãy nghe cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy sinh động sau đây giữa một nam và một nữ. Anh “nam” mới ngộ làm sao. Gặp bên nữ không dám hỏi trực diện mà chỉ đánh tiếng xa xa:
-Ai lên đón gió hỏi mây
Có khuôn đúc trẻ cho đây mượn cùng?

Chữ “ai” trong ngôn ngữ Việt Nam mình ngộ lắm, nhất là trong ca dao. Cứ đọc mấy câu ca dao sau đây sẽ thấy chữ “ai” được sử dụng mang nhiều ý nghĩa khác nhau như thế nào:
- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?
- Trăm năm ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim

Đứng trước mặt cô gái mà anh chàng chỉ đưa ra một câu hỏi bâng quơ như câu hỏi của một ai đó chứ không phải là câu hỏi của chàng và người được hỏi cũng không phải là người trực diện với chàng. Tại sao vậy? Tại vì điều chàng muốn hỏi là một điều cấm kỵ. Có lẽ chàng đã suy nghĩ lung lắm để rồi chàng phải tìm ra một cách hỏi ỡm ờ. Chàng nhờ mà chẳng dám nói nhờ chỉ nói bâng quơ ai hiểu được thì hiểu: “Ai lên đón gió hỏi mây”. Hay quá, mình khôn quá. “Ai” hỏi chứ không phải tôi hỏi đâu nhé! Mà “ai” đó cũng chỉ “hỏi gió hỏi mây” chứ chẳng hỏi người nào đâu nhé! Bắt đầu như thế thì phải tiếp luôn thôi: “Có khuôn đúc trẻ cho đây mượn cùng!”. Ơ hay, ai đời lại đi “hỏi gió hỏi mây” mà mượn “khuôn đúc trẻ”! “Ai” là ai đây? Cái anh này mới ỡm ờ! Ỡm ờ mà khéo đáo để. Anh chàng muốn nói với cô gái về một chuyện thật khó nói nên anh chàng mới ỡm ờ mà mà gọi “ai” – một từ phiếm định và lại nói “đón gió hỏi mây” chứ không phải hỏi người trước mặt. Thế nhưng, cái từ “đây” trong câu thứ hai đã tố cáo người hỏi là ai rồi. “Đây” chẳng là ai khác mà chính là người đang đặt ra câu hỏi. Nói một chuyện “tục” mà lời thì “thanh” hết chỗ chê. Chẳng bắt bẻ vào đâu được.
“Vỏ quýt dày” có “móng ta nhọn”. Chị “nữ” cũng chẳng vừa, “bên kia tám lạng” “bên này nửa cân”, ngang ngửa với nhau, chẳng ai thua kém ai. Từ chối một cách dứt khoát, thẳng thừng, vừa khéo léo mà vừa lịch sự, vừa hợp lý lại vừa hợp tình, không giận dữ cũng chẳng sỗ sàng:
-Anh kia ăn nói lạ lùng
Khuôn ai nấy đúc, mượn cùng ai cho!

Như ở trên ta đã nhắc đến, “cái ấy” của người phụ nữ có nhiều tên gọi khác nhau. Hoặc đặt cho nó một cái tên để gọi như gọi tên cái bàn, cái ghế…đó là “cái đồ”, “cái tính tình tinh”, hoặc căn cứ theo hình thức để gọi như “cái ngao”, “cái trai”…, hoặc căn cứ theo màu sắc như “cái nõn nường”, hoặc căn cứ theo công dụng như “khuôn đúc trẻ”, hoặc căn cứ theo quan niệm nhìn nhận giá trị nhân sinh của sự vật như “cái sự đời”. Những câu ca dao dưới đây, người đọc sẽ nhìn nhận “cái ấy” theo cách hiểu “ý tại ngôn ngoại”. Nó chẳng có tên gọi nhưng đọc lên ai cũng có thể biết người ta muốn nhắc đến cái gì. Cứ đọc thử khắc biết:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để dành

Chẳng buồn nói cái gì “mòn”, cũng chẳng buồn nói “sơn son” cái gì. Cứ nghe đến mấy chữ “lẳng lơ”, “chính chuyên” rồi lại nói “mòn” và “sơn son” là biết ngay muốn ám chỉ cái gì rồi. “Ý tại ngôn ngoại” là thế!
Thử đọc câu ca dao sau đây:
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng

Này nhé, cũng “lẳng lơ” đấy, cũng “chính chuyên” đấy nhưng không có 2 động tự “mòn” và “sơn son” thì ta biết ngay không phải là để chỉ “cái ấy” của quý cô, quý bà, có phải không nào?
Câu ca dao dưới đây cũng vậy. Quả là câu nói của một cô gái bắc bậc kiêu kỳ. Đến cái chuyện lấy chồng mà cũng ra cái vẻ bất cần đời. Ai thích mình thì mình “lấy giúp”, “lấy chơi”.
“Lấy giúp”. Ngộ thiệt. Lấy giúp tức là “ra tay tế độ” đây. Anh cần nên tôi lấy anh, tôi lấy anh tức là tôi giúp anh. Đừng nghĩ là tôi cần!
“Lấy chơi”. Cũng ngộ nữa. Lấy chơi tức là coi chuyện hôn nhân như một trò đùa. Anh muốn lấy tôi hả? Cũng được thôi. Lấy cho vui chứ chẳng có gì là quan trọng. Kênh kiệu đến mức này thì quả là quá lắm!
Thế nhưng…Cái giọng khinh đời kênh kiệu đó đã không giấu nổi nỗi cô đơn an phận. Nụ cười trên môi không giấu nổi giọt nước mắt chảy thầm. Không ai lấy tôi tôi đành phải cất “nó” một nơi vậy. Không ai lấy tôi tôi đành phải tiếp tục đem “nó” đi phơi vậy chứ để lâu ngày không được sử dụng e bị… mốc!
Ai lấy thì lấy giúp
Ai không lấy thì úp một nơi
Ai lấy thì lấy chơi
Ai không lấy thì phơi đầu hè!


Hay ở chỗ chỉ cần 2 động từ “úp” và “phơi”, không cần nói “úp” cái gì và “phơi” cái gì nhưng chắc hẳn “hải nội chư quân tử” đều biết là câu ca dao muốn ám chỉ “úp” và “phơi” cái gì rồi. Ý tại ngôn ngoại, ấy quên, hình tại ngôn ngoại – hình ảnh nằm ngoài lời nói. Khéo thật!
Nội dung của bài viết đã không phản ảnh trọn vẹn ý của nhan đề “Tục mà thanh trong tục ngữ ca dao”. Thực ra người viết chỉ đề cập đến một khía cạnh (hình ảnh) bị xem là “tục” và hình ảnh đó đã được tục ngữ ca dao mô tả dưới những hình thức khác nhau nhưng chẳng vướng một chút “tục” nào, hay nói một cách khác, hình ảnh “tục” đã được mô tả rất “thanh” (ngoại trừ câu “sáng trăng suông em tưởng tối trời…” còn vướng chút “tục” – một chút thôi nhé!).
Trong Kinh Thi Việt Nam, sau khi đưa ra vài ví dụ lấy từ ca dao về đố “tục” giảng “thanh”, Trương Tửu đã đi đến kết luận: “…cái óc Việt-nam lúc nào cũng có cái hình “tục tĩu” kia ám ảnh. Đến nỗi hình ấy đã thành cái khuôn, bao nhiêu ngoại vật phải chiếu qua nó rồi mới vào được trong đầu. Có thể nói người Việt-nam trong sự vật, tả sự vật bằng cái “giống” (le sexe)”.
Trương Tửu đã dùng thuyết của nhà tâm thần học Freud để giải thích một mảng “đố tục giảng thanh” trong ca dao Việt Nam. Quả là có những câu ca dao thoạt nghe có vẻ “tục” nhưng khi giảng ra thì chẳng tục chút nào. Ở đây lại khác. Nói về cái “giống” nhưng lời lại thanh, nhiều câu còn ngọt ngào chất thơ khiến không ai có thể nghĩ đó là những câu ca dao nói về “hình ảnh tục” nữa. Phải chăng Trương Tửu đã “quá tả” khi có nhận xét như trên?

ĐÀO ĐỨC NHUẬN
(nhihavanquan.com)
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 23 Oct 2023, 9:39 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » TRUYỆN BIẾM » TỤC MÀ THANH TRONG TỤC NGỮ CA DAO
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO